Thiên Luân

Tần ngần trước cổng di sản

1 bài viết trong chủ đề này

Tần ngần trước cổng di sản

Ông bố là Cao Xuân Dũng, đứa con gái tên là Cao Thị Nga, từ Nghệ An họ có mặt ở Huế sau khi đã bán 816kg lúa lấy 3.280.000đ. Số tiền ấy hai bố con đã tính toán kỹ cho hai đợt thi: thi đại học tại cố đô Huế và thi cao đẳng tại TP Đà Nẵng. Người bố nhẩm tính: “Tiền đi xe từ Nghệ An vào tới Huế hai bố con tốn 340.000đ. Tiền đi xe thồ, xe buýt, tiền ăn tiền trọ hai ngày nay tổng cộng đã tốn gần 1 triệu, còn lại hơn 2 triệu đồng cũng phải dè sẻn để đủ vào tới Đà Nẵng. Vì thế mà...”.

Ông Dũng đang nói bỗng dưng ứa lệ nhìn đứa con gái tội nghiệp. Thấy bố buồn, Nga trấn an: “Thôi mà bố, không vào xem được lần này thì dịp khác. Con còn trẻ, lo chi...”. Ông bố không chịu, cứ đòi vào mua vé tham quan Đại nội, đứa con gái lại không chịu nghe bố, dùng dằng. Cuối cùng ông Dũng đưa ra phương án: “Thôi thì con cầm lấy 35.000đ này mua một cái vé vào cho biết vua nhà Nguyễn ăn ở, làm việc thế nào. Bố đứng ngoài cũng được”. Nhưng cô con gái vẫn không chịu.

Chiều hôm ấy, tức một ngày trước khi cô gái làm thủ tục dự thi vào ngành sư phạm Đại học Huế, hai bố con họ lặng lẽ rời khu di tích Đại nội Huế. Cung điện cổ kính, thâm nghiêm vẫn là điều bí ẩn đối với họ. Ông Dũng mang về căn phòng trọ nỗi ray rứt và sự thương cảm cô con gái đã lỡ một dịp biết về di sản của cha ông.

Ông Dũng là công nhân của Trạm giống chăn nuôi xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Vợ ông làm nông, nhà có hai người con đều đang học hành. Ông Dũng nói: “Bác Hồ dạy rồi, dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Đời bọn tui đã khổ, khổ thêm tí cũng được, nhưng đời con cái thì phải biết sử, biết sử là biết văn hóa, biết nguồn cội. Bố con tôi đang ở trên mảnh đất cố đô, trước mặt là di sản văn hóa thế giới. Nói thiệt lỡ đợt thi này con gái tui không đỗ, rồi về quê lấy chồng, sinh con, thế là xong, có khi cả đời cũng không biết đến di tích cung điện Huế. Tui quyết rồi, thế nào tui cũng đưa con gái một lần vào thăm Đại nội, viếng vài lăng vua dù ngày mai vay mượn tiền về quê”.

Câu chuyện trên cứ ám ảnh tôi - một người dân Huế. Ngẫm lại chuyện nước bạn láng giềng Campuchia, họ mở toang cửa khuyến khích người dân đến với di sản cha ông, bởi lẽ “không ai lại mua vé vào nhà mình, thắp hương cho ông cha mình”.

Bày tỏ với một vị lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - đơn vị quản lý quần thể di sản, tôi kể câu chuyện về những thí sinh khắp mọi miền đất nước có mặt ở Huế để thi đại học mà cứ ngập ngừng trước cửa soát vé của cung điện, đền đài lăng tẩm... Và nhận được câu trả lời không có gì mới hơn: “Không có chuyện miễn giảm vé cho thí sinh. Đi thi thì lo tập trung tư tưởng mà thi”.

MAI ĐÌNH TOÀN

(theo Tuổi Trẻ)

Hiện nay, các bảo tàng tại Tp.HCM hầu như đều mở cửa tự do, chỉ trừ Dinh Độc Lập & Bảo tàng lịch sử Việt Nam nằm bên trong Thảo Cầm Viên! Có chăng chỉ nên thu phí với người nước ngoài! Bảo tàng hoặc di tích là nơi nhắc nhở con cháu nhớ về lịch sử, cội nguồn dân tộc. Chỉ vì lợi ích thu được từ tiền vé mà quên đi lợi ích từ việc giáo dục lịch sử "trăm nghe không bằng một thấy"! Buồn thay, buồn thay! Lịch sử 5000 năm thu gọn còn vài trăm năm TCN ...

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay