+Achau+

Di sản quốc gia bị rẻ rúng

5 bài viết trong chủ đề này

Posted Image

Ngôi chùa mới xây không phép - Ảnh: Anh Tuấn

Di sản quốc gia bị rẻ rúng 10/07/2009 14:29

Một ngôi chùa hơn 400 năm tuổi, được xếp hạng di tích cấp quốc gia, đang bị xuống cấp nghiêm trọng ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội.

Chùa bị “làm mới”

Chùa Linh Tiên (thuộc làng Hội Xá, xã Hội Xá, huyện Gia Lâm cũ, nay thuộc P.Phúc Lợi, Q.Long Biên, Hà Nội) đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1995. Vào thời điểm đó, chùa còn lưu giữ được hệ thống kiến trúc (tòa Tam bảo) và hệ thống tượng, đồ thờ, chuông, bia niên đại trải dài từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Đặc biệt, chùa có bộ tượng Tam thế Phật được đánh giá là “độc nhất vô nhị”. Theo hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia, bộ Tam thế này vừa mang nét phong cách nghệ thuật phương Nam, lại gần với nghệ thuật Ấn Độ. Tượng để hở nửa ngực, vai và cánh tay bên phải; các nếp áo uốn lượn mềm mại, thể hiện chiều sâu suy tư. Đài sen của cả 3 pho tượng đều mang phong cách nghệ thuật thời Mạc (nửa cuối thế kỷ 16 - nửa đầu thế kỷ 17). Tiếc rằng 9 năm trước, ba pho tượng Tam thế đặt trên ba bệ tượng đều đã bị đánh cắp.

Posted Image“Chưa bao giờ và chưa ở đâu lại có sự ứng xử tàn bạo với di tích như thực tế hiện nay ở Hội Xá, thuộc nội thành thủ đô ngàn năm văn vật” - PGS-TS Trần Lâm Biền

Posted ImageChùa Linh Tiên có kết cấu hình chữ “đinh” bao gồm Tiền đường (5 gian) và Phật điện. Nhưng đến nay, 3 gian phía bên trái của Tiền đường đã bị đổ sụp, chỉ còn lại 2 gian phía bên phải. Cửa phía trước của tòa Tiền đường thì chắp vá bởi những thanh gỗ khác nhau. Pho Khuyến thiện niên đại thế kỷ 19 bị bật cả đế lên và đổ nghiêng về phía sau. Pho Trừng ác phía bên phải lại đổ nghiêng về phía trước và bị gãy một cánh tay. 9 pho Thập điện Diêm vương thì ở các tư thế nghiêng ngả. Mùa mưa năm 2008, mái ba gian giữa cũng bị “thông thiên", hệ thống tượng do bị mưa nắng xói mòn đã xuống cấp nghiêm trọng.

Điều đáng kinh ngạc là thay vì tu bổ, sửa sang ngôi chùa cũ, năm 2000 - 2001, nhà chùa và người dân trong vùng lại quyên tiền để xây mới một ngôi chùa cao 2 tầng bề thế. Tam bảo mới xây của ngôi chùa mới không tuân theo bất kỳ quy chuẩn nào. Công trình xây dựng không phép này đã vi phạm pháp luật hiện hành, lại nằm trong khu vực bảo vệ I (tức khu vực bất khả xâm phạm được ghi rõ trong hồ sơ xếp hạng di tích của Bộ VH-TT-DL), phá vỡ cảnh quan gốc, kể cả không gian hình thức và không gian tâm linh của chùa.

Posted Image

Mái của chùa Linh Tiên bị “thông thiên” mà chẳng ai quan tâm

Chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh, còn các chuyên gia Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) thì đến bây giờ mới biết “sự cố” này. “Chưa bao giờ và chưa ở đâu lại có sự ứng xử tàn bạo với di tích như thực tế hiện nay ở Hội Xá, thuộc nội thành thủ đô ngàn năm văn vật. Người ta truất ngôi của “ông già”, viết giấy khai tử cho ông, bằng cách đặt ngay sát ông một “thằng bé” vô hồn lai căng vô lối: chẳng phải Tây, không phải Tàu và chỉ “giả vờ” là Việt Nam”, PGS-TS Trần Lâm Biền (Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL) thốt lên.

Posted Image

Tượng hộ pháp đổ nát

Đình cũng chẳng còn

Trong cuộc gặp với chính quyền và người dân Hội Xá mới đây, các nhà khoa học và quản lý di tích đều bày tỏ sự “đau lòng”, “chua xót” trước thực trạng của cụm di tích chùa Linh Tiên và đình Hội Xá. Ông Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng ban quản lý di tích, danh thắng Hà Nội đã yêu cầu UBND Q.Long Biên phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm và phối hợp với các chuyên gia tư vấn, bảo tồn để lập quy hoạch tổng thể mặt bằng cho cụm di tích, đồng thời lên phương án tôn tạo lại ngôi chùa chính và ngôi đình đã hư hỏng nghiêm trọng. Riêng với ngôi chùa 2 tầng mới, Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) sẽ cân nhắc để có hình thức xử lý thích hợp, thậm chí có thể tính tới phương án phá bỏ.

Đình Hội Xá (có từ thời Lê) nằm cạnh chùa Linh Tiên, tạo thành quần thể di tích. Theo hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994 thì đình Hội Xá vẫn còn khá vững chãi. Các bức ảnh chụp cho thấy đình được dựng với mặt bằng chữ “nhị”, có cánh cửa đề 3 chữ “Phúc Thọ Môn”. Nóc của đình được chạm trổ kỹ lưỡng với các họa tiết vân xoắn, lá cúc cách điệu... Ngoài ra, trong đình còn nhiều ngai, bài vị, y môn và một số đồ thờ tự mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18. Đáng chú ý là 2 bức phù điêu hình chữ nhật chạm rồng nổi. Còn theo tư liệu của PGS-TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học), đình Hội Xá là một trong những ngôi đình thuộc loại bề thế ở miền Bắc. Thế nhưng, tới nay, ngôi đình gốc này cũng không còn vì người dân đã tự tiện dỡ ra để làm mới. Giờ đây, đình Hội Xá chỉ còn trơ lại một ngôi nhà nhỏ, được làm theo kiểu chữ “đinh”, ba gian tường hồi, bào trơn đóng bén, chẳng khác gì một ngôi miếu!

Y Nguyên(nguồn Thanhnien online)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tôi có cảm giác cần đặt vấn đề:

Sự phá hoại này là vô tình hay có hệ thống?

Share this post


Link to post
Share on other sites

Theo AChau làm hỏng, làm sai do thiếu hiểu biết thì phải chấp nhận. Nhưng nếu cố ý trong việc này hay những công việc quan trọng tương đương kiểu này thì phải có người được hưởng lợi.

Chắc chịu khó quan sát, tổng hợp nhiều dữ kiện, dữ liệu & xét dưới nhiều tiêu chí. Chắc cũng có ngày tìm ra "thủ phạm" hihi

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tại sao việc này lại xảy ra ở Hà Nội nhỉ? Thật không thể tin được!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Dân thôn “tô tượng” phá đền chùa

Viết bởi Đỗ Lãng Quân

LTS: Trên Tuổi Trẻ ngày 23-3, nhà văn Nguyên Ngọc vừa cất lên một lời than: Trùng tu, hết chịu nổi! Nhưng “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” ấy không chỉ có ở riêng di tích, đền chùa nào. Phóng viên và cộng tác viên Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận.

Có lẽ chưa bao giờ công cuộc trùng tu tôn tạo di tích ở Việt Nam lại đi vào "cao trào" như hiện nay. Bà con các nơi thi nhau lập hòm công đức, vận động tiền trong các tổ chức, cá nhân để bằng mọi giá tô lại tượng, sửa đình chùa miếu mạo quê mình. Họ coi đó như một cách bày tỏ tín tâm, sự sùng kính đối với chư vị thần linh. Nhưng…

Xin "tha mạng" cho một ông hộ pháp!

Chúng tôi đi khảo sát số phận các ngôi chùa vùng Thuận Thành, Bắc Ninh cùng nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ hàng đầu, họa sĩ, giảng viên Ðại học Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng. Ông Thượng sống ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) đã nhiều năm, không phải ông xuất gia tu hành mà vì yêu kính di sản văn hóa tuyệt kỹ Bút Tháp. Và vì nữa, quá đau đớn với thực trạng tàn phá di sản dưới danh nghĩa trùng tu ở khắp nơi, ông Thượng đã chọn một chốn để nỗ lực nghiên cứu và coi sóc, xem như cõi "tháp ngà nghệ thuật" hi vọng sẽ còn sót lại của mình.

Posted Image

Ông Phan Cẩm Thượng bên pho tượng hộ pháp cổ kính được "tha mạng" (không sơn theo lối làm mới) hiện cư ngụ tại chùa Bút Tháp -ảnh Lãng Quân.

Khi nhắc đến chuyện tô tượng, sửa chùa làm "tan biến" các giá trị nghệ thuật cổ, họa sĩ Phan Cẩm Thượng khoát tay kể ra một loạt "điểm nóng": chùa Dâu, chùa Bình, chùa Tướng, chùa Phật Tích ở Bắc Ninh; chùa Chuông ở Hưng Yên; chùa Trăm Gian, chùa Sủi (Hà Nội)... "Mà chẳng đâu xa, ngay trong chùa Bút Tháp nơi tôi đang ngồi với các vị đây cũng đã bị người ta xông vào "cung tiến" việc sơn lại các pho tượng tuyệt đẹp. Sểnh một cái họ thuê đám thợ chuyên đi làm đồ giả cổ, mua sơn hộp công nghiệp về bôi kín cả nhóm tượng chân dung các bà hoàng!".

Với hai ông hộ pháp khổng lồ trong chùa, khi các thợ sơn kiểu chuyên làm đồ gia công mỹ ký sơn xong một pho ai nấy mới tá hỏa: thế là giết chết pho tượng quý, sơn tượng cổ mà như bôi phẩm màu. Quyết định được ban ra muộn màng: xin hãy tha mạng (không sơn mới) pho hộ pháp còn lại. Bây giờ một ông cũ, một ông mới sơn vẫn đứng đó liếc nhìn nhau, chắc cả hai đều... rất đau.

Posted Image

Các pho tượng trong hệ thống “Thập điện Diêm vương” tuyệt đẹp của chùa Tướng bị sơn vẽ -Ảnh: Lãng Quân

1 triệu đồng "làm mới" đền thờ Sỹ Nhiếp!

Suốt thời kỳ Bắc thuộc dài dặc, Luy Lâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta, trường học đầu tiên của Việt Nam tại đây được mở rộng dưới thời ông Sỹ Nhiếp (186-226). Thời phong kiến, dân Việt Nam ta tôn ông Sỹ Nhiếp làm "Nam Giao học tổ", đền thờ ông trong thành Luy Lâu được gọi là "Văn miếu tiên nho". Tuy nhiên, lần này trở lại đền thờ Sỹ Nhiếp, chúng tôi ngỡ ngàng thấy tượng thờ, kiệu lễ, hoành phi câu đối trong đền đều nhất tề bị… sơn lại bằng sơn hộp công nghiệp trông rất phản cảm.

Cụ Nguyễn Văn Vịnh, 68 tuổi, người được dân giao coi đền thờ Sỹ Nhiếp, khoe: "Chúng tôi vừa sơn lại bảy pho tượng, cả tượng "đức ngài Sỹ Vương", hết hơn 1 triệu đồng". Cụ hào hứng kể: "Thôn chúng tôi có 152 hộ dân, chỉ đi vận động mất hơn nửa tháng là đủ tiền sơn lại toàn bộ tượng. Sơn xong, chúng tôi quay ra sơn nốt câu đối, bộ bát bửu, sơn cả cái đòn khiêng kiệu, ôi giời, nhiều hạng mục phải làm cho đẹp lên lắm. Chúng tôi vận động được tiền rồi nói với cán bộ văn hóa xã, huyện rằng cho chúng tôi "quang diện" (sơn cho đẹp đẽ - NV) lại toàn bộ mà". Hỏi: "Có chỗ nào trong đền mình chưa sơn lại không hả cụ?". Trả lời: "Có mấy cái mới mua chưa sơn lại thôi. Chúng tôi toàn nhờ anh Quỳnh, thợ sơn thuê ở ngoài Mãn Xá (xã bên - NV), sơn cho ấy mà".

Tôi quay sang hỏi ông Phan Cẩm Thượng có phải sơn Nhật không, ông trợn mắt: "Làm gì được sơn hộp của Nhật, đây là sơn hộp ta, dùng để phết cửa rả ở quê ấy". Các pho tượng đỏ lòm, vàng chóe, bôi quết ngoang nghếch, đặc biệt các vị quan văn quan võ của ông Sỹ Nhiếp đều được thợ vườn vẽ râu vẽ ria, mắt trắng dã, méo xẹo như trong một vở tuồng cấp xã. Trong khi pho tượng cổ râu ria của các ngài được cắm từng sợi rất cẩn thận và thẩm mỹ.

Ông Thượng như chết đứng, lẳng lặng bỏ ra ngoài đền đi chụp khung cầu đá cổ nổi tiếng còn nguyên vẹn trên con đường dẫn vào đền. Tôi đi theo, ông Thượng lẩm bẩm: "Bà con đã sơn lại hết rồi, biết làm sao được!". Sơn dỏm này đã giết chết các pho tượng quý, cả tượng Nam Giao học tổ chỉ bằng 1 triệu đồng (thế là còn đắt!). Ðáng sợ hơn, sơn công nghiệp kín mít làm các pho tượng không thể thở được (như dùng sơn ta), chỉ một thời gian tượng sẽ phá ra và hỏng toàn bộ.

Posted Image

Hầu như toàn bộ hệ thống tượng ở đền thờ “Nam Giao học tổ” Sỹ Nhiếp bị hủy hoại bởi sơn công nghiệp - Ảnh: Lãng Quân

"Mình có Thập điện Diêm vương rồi, còn nhận thêm 10 ông kia nữa làm gì?"

Khủng khiếp hơn là ở chùa Tướng, thờ Pháp Lôi, nằm trong hệ thống thờ Tứ Pháp tối cổ của nước ta, cùng thời với chùa Dâu, có từ thế kỷ thứ 2. Anh Chăm, 47 tuổi, người nhang khói ở chùa..., thở dài khi gặp lại tôi: "Chúng tôi vận động bà con trong xóm và khách thập phương lấy tiền để sơn tượng rất kỳ công đấy nhé".

Trời ạ, không dám tin vào mắt mình nữa, ngôi chùa Phật giáo đứng vào hàng cổ nhất của Việt Nam mà chỉ trong vài năm, toàn bộ các pho tượng biến từ màu đen sang màu... vàng chói chang. Một cái "mốt" thay màu tượng thờ quái đản. Những gì ông Thượng chụp ảnh và viết trong các cuốn sách của mình giờ không thể nhận ra! Anh Chăm và bà vãi hiền lành đi theo tôi giải thích: "Tượng mới sơn lại nhưng cứ bị bạc màu dần trông hơi xấu. Có tiền, nhà chùa chúng tôi lại cho sơn lại cả sang màu vàng cho nó đẹp".

Tôi và bà vãi cứ đi lan man trong một thế giới tượng được sơn phết bằng sơn công nghiệp, râu ria vẽ loằng ngoằng, màu mè xanh đỏ chói gắt. Trong chùa Tướng, nền lát gạch hoa, toàn bộ bêtông, đèn xanh đỏ trùm kín mặt tượng, đèn điện nháy tràn cung mây. Ðặc biệt, bên cạnh "Thập điện Diêm vương" bị bôi vẽ do các thợ vườn mỹ ký, các bà buôn ở TP Bắc Ninh còn cung tiến vào chùa các bộ "Thập điện Diêm vương" mới với 10 cụ vàng chóe, đỏ đòng đọc sơn công nghiệp, tượng nào cũng vuông rìa sắc cạnh như đồ chơi trẻ em.

Ông Thượng thắc mắc với anh Chăm: "Mình có tám vị Diêm vương cổ rồi còn lấy thêm 10 ông Diêm vương mới nữa làm gì, nó phá vỡ hết không gian được bố trí rất tài tình của chùa Tướng". Anh Chăm gãi đầu gãi tai: "Họ cho thì lấy". Có người cung tiến cả tượng Quan Âm bằng thạch cao, cao đến 3m, không đưa vào được, nhà chùa đành để ngài trắng toát ngự giữa sân với đủ ngai, tán lọng, bệ thờ, bậc gạch như một ngôi miếu mới!

Nguồn: tuoitreonline.com

http://daitangkinhvietnam.org/van-hoc-va-n...-truc-phat-giao

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay