Thiên Đồng

Bánh Chưng Bánh Dầy...GS Trần Quốc Vượng

5 bài viết trong chủ đề này

Posted ImageỞ một vài đô thị Việt Nam hiện đại, như thủ đô Hà Nội, người ta đã làm và bán bánh chưng, bánh dầy hằng ngày, như một thứ hàng quà, để phục vụ cho thị hiếu thích ăn quà của người dân đô thị. Quà là để ăn chơi, tất nhiên cũng có thể "ăn no quà", nhưng về bản thể luận, quà là món ăn chơi, ăn qua loa thôi, chứ không phải là thứ lương thực thực phẩm chủ yếu, hằng ngày...

Trong phong tục học và tâm (lý) học, người ta thường phân biệt hai cặp phạm trù:

Posted Image Cái thiêng liêng/cái thông thường (hay cái thiêng và cái tục).

Posted Image Cái nghi lễ/cái hằng ngày.

Giữa hai phạm trù này, có một phép biện chứng chuyển hóa lẫn nhau.

Ví như xôi, vốn là lương thực hằng ngày của người Việt cổ thời đại Đông Sơn - Âu Lạc trở về trước (trong nhiều di chỉ Phùng Nguyên - Bàu Tró đã tìm thấy chõ đồ xôi bằng đất nung) cũng như của các cư dân Thái-Mường miền thung lũng trước Cách mạng Tháng Tám

Với xu hướng "tẻ hóa" của nhà nông trồng lúa nước (do áp lực dân số và nhu cầu tăng năng suất lúa), dần dà người Việt thời Lý, Trần và người Thái người Mường hôm nay hằng ngày đều dùng cơm tẻ. Người ta dành chỗ xôi cho những ngày giỗ chạp, tết nhất, cưới xin, ma chay... nghĩa là chuyển hóa xôi thành món ăn nghi lễ.

Bánh chưng bánh dầy ở đô thị thời hiện đại đã thuộc phạm trù cái hằng ngày, hay nói cách khác, đã được giải thiêng.

Nhưng ở thời đại Việt cổ truyền, và chừng nào đó, ở nông thôn Việt Nam cho đến Tết xuân này, bánh chưng bánh dầy vẫn thuộc phạm trù nghi lễ. Người ta chỉ làm và dùng nó (dùng để cúng, để ăn, để làm quà biếu tặng nhưng thường không để bán) trong ngày Tết hay trong những ngày lễ hội (nhiều làng đồng bằng Bắc Bộ có tập tục Tết, rằm tháng Giêng cúng và dùng bánh chưng, lễ hội tháng Ba lịch trăng (Mồng 3, mồng 6, mồng 10...) cúng và dùng bánh dầy, chè kho).

Ngày trước, bánh dầy, bánh chưng là những lễ vật và món ăn dân tộc. Bây giờ nó vẫn còn là món ăn dân tộc đáng cho ta gìn giữ và trân trọng. Nhưng xin nhận thức lại cho đúng mức hơn: Nó không phải là lễ vật và món ăn độc đáo Việt Nam theo nghĩa chỉ Việt Nam mới có, mới dùng.

Bà Á Linh, giảng viên trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội là người Việt gốc Hoa, quê gốc ở Tứ Xuyên, theo chồng Việt Nam sang sinh sống và công tác ở Hà Nội từ mấy chục năm nay, nhân ngày tết cổ truyền năm con Khỉ (1980) đã cho tôi biết là ở Tứ Xuyên quê bà có loại bánh lễ gần giống như "bánh Tét" (bánh chưng gói tròn như cái giò) và được gọi âm Hán Việt đọc là "tông bính" nhưng âm Hán Tứ Xuyên đọc gần như Téung pính.

Ông Ohayashi Taryo, giáo sư nhân học văn hóa trường Đại học Tokyo trong bài báo cô đúc "Vị thần lấy trộm giống lúa" (Xem thông báo UNESCO tháng 12-1984, số chuyên đề về "Những nền văn minh lúa gạo") lại cho ta biết món bánh mochi rất phổ biến và quan trọng của bếp ăn Nhật Bản "được làm bằng gạo nếp hạt ngắn đem đồ lên đến khi chín mềm rồi đem giã nóng bằng chầy cho đến khi thành bột dính trong đó không còn phân biệt được hạt nữa... Mochi đóng vai trò quan trọng trong lễ tết, đầu năm mới ?

Đó chính là bánh dầy với các loại hình to nhỏ khác nhau, được bày thành hàng trên bàn thờ cúng tổ tiên và sau đó được ăn với thứ cháo đặc biệt gọi là ojoni trong bữa ăn nghi thức sáng mồng một Tết của người Nhật.

Cho nên, xin nói lại cho chính xác hơn là bánh chưng - bánh dầy là sản phẩm độc đáo của một vùng văn minh lúa gạo rộng lớn ở Đông á và Đông - Nam Á. Tất nhiên Giáo sư viện sĩ Đào Thế Tuấn cho ta biết là lúa nếp có loại hình đa dạng nhất và điển hình nhất là ở lưu vực sông Hồng. Bởi vậy, nơi đây phong phú các lễ vật và món ăn được chế tạo từ gạo nếp. Dù sao, bánh chưng vẫn là lễ vật và món ăn cổ truyền điển hình nhất của ngày Tết Việt Nam.

Tôi xin đưa ra một minh giải văn chương: Bà con cô bác miền nam gọi bánh chưng là bánh tét, chữ bánh tét này là tiếng đọc chạnh kiểu miền nam của bánh tết. Và nhân đây xin thanh toán một "ngộ nhận văn hóa". Thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói vuông như bây giờ mà gói tròn như bánh Nam Bộ, gọi là đòn bánh tét là hoàn toàn chính xác. Ngay giờ đây, xin các bạn chỉ quá bộ sang Cổ Loa, Đông Anh ngoại thành Hà Nội thôi, vẫn thấy bà con cố đô Cổ Loa gói bánh chưng như đòn bánh tét và vẫn gọi nó là bánh chưng, thảng hoặc mới gói thêm bánh chưng vuông. Thế cho nên, cái triết lý gán bánh chưng vuông tượng Đất, bánh dầy tròn tượng Trời là một "ngộ sự văn hóa". Trời tròn đất vuông là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào triết lý Việt Nam. Đó không phải là triết lý dân gian Việt Nam. Nó không phải là Folklore (nguyên nghĩa: trí tuệ dân gian) mà là Fakelore (trí tuệ giả dân gian).

Bánh chưng tròn dài tượng Dương vật, như cái chày, cái nõ. Bánh dầy tròn dẹt tựa Âm vật, như cái cối, cái nường.

Đó là tín ngưỡng và triết lý nõ-nường-chày-cối-chưng-dầy của dân gian, của tín ngưỡng phồn thực dân gian. Ngay như khi đã gói bánh chưng vuông, dân gian ngày trước vẫn có tục lệ buộc hay ấp hai chiếc bánh một sấp một ngửa đặt trên bàn thờ và khi biếu họ hàng khách khứa ngày trước dân gian cũng giữ tục biếu một cặp bánh chưng (cũng như trước đấy bao giờ dân ta cũng mua một đôi chiếu) chứ không bao giờ tặng một chiếc bánh chưng (cũng như không bao giờ mua một chiếc chiếu). Nhân tiện nói thêm: việc mua hay chặt cây mía cả gốc cả ngọn đặt bên bàn thờ với giải thích hữu thức ngày sau đó là "gậy chống của ông vải" về nguyên ủy cũng thuộc về tín ngưỡng phồn thực.

Bánh chưng gói ghém trong nó cả một nền văn minh nông nghiệp lúa gạo. Trong bầu khí văn minh đó, người Việt Nam sống vừa hòa hợp (thích nghi tối đa và tối ưu) vừa đấu tranh (biến đổi) với tự nhiên. Lá dong gói bánh là lá dong riềng lấy sẵn của thiên nhiên. Cái bánh chưng, là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi Việt Nam: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn... Cái đặc sắc, độc đáo của bánh chưng không phải chỉ là, thậm chí không phải chủ yếu là ở từng yếu tố họp thành cái bánh mà là ở cơ cấu của bánh, nó tạo nên nét khác biệt trong hình khối, mầu sắc, hương vị của bánh chưng so với các loại xôi đỗ và bánh nếp khác. Với gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn... có thể tạo nên mấy chục loại bánh xôi Việt Nam dùng hằng ngày như quà và trong các dịp cưới xin, giỗ, tết như lễ phẩm.

Huyền thoại quy công sáng tạo bánh chưng bánh dầy cho Lang Liêu, một người con thứ của vua Hùng, tổ dựng nước Việt Nam. Cũng như "vua Hùng", "Lang Liêu" là một "anh hùng văn hóa", nó không hề hiện hữu như một cá thể (cá nhân) nhưng chỉ tồn tại trong công thể (cộng đồng) của nhân dân, dân tộc Việt Nam. Lang Liêu có tài sáng tạo, làm ra bánh chưng bánh dầy cho nên được nhường ngôi, trở thành "vua Hùng" mới. Tuy cũng là cha truyền con nối như xu hướng phổ quát của lịch sử loài người, nhưng không truyền cho con trai trưởng (trước thế kỷ 19, dường như Việt Nam không có tập tục này và sau đó cho mãi đến thế kỷ 14, 15 (Hồ Quý Ly cũng không nhường ngôi cho con trai trưởng là Hồ Nguyên Trừng mà cho con thứ là Hồ Hán Thương) nó vẫn là một truyền thống yếu, có xu hướng ngoại sinh) theo lý, cũng không truyền ngôi cho con trai của một bà ái phi nào theo tình, mà truyền ngôi cho con nào hiền tài, đó là sự kết hợp giữa truyền tử và truyền hiền, đó là sự hòa hợp lý tính thời cổ đại...

Trong các cuộc thi tài thuở trước, mà ở đây là thi nấu cỗ, có biết bao người con của "vua Hùng" đã làm ra biết bao nhiêu món lạ, lạ mắt, lạ miệng... những sơn hào hải vị kiếm tận đâu đâu... Cái giỏi của "Lang Liêu", cái con mắt tinh đời của "vua Hùng" cũng là cái sáng giá trong bảng giá trị văn hóa của dân tộc dân gian là tìm cái phi thường trong cái thường thường. Trong tâm lý thường nghiệm, có thói quen chuộng lạ, ưa của lạ. Cái hằng ngày thân quen, nếu không biết cách nhìn, cách thưởng thức, cách biến đổi thành cơ cấu mới từ những nhân tố quen thuộc thì dễ trở thành nhàm chán.

Tìm cái đặc biệt trong những của lạ thì nào có khó khăn gì! Có khả năng diễn tả cái phi thường bằng những cái bình thường mới là một tài năng đặc biệt không dễ nhận ngay được giá trị vì cứ tưởng là không khó mà thật ra rất khó, vì nó đòi hỏi sự thấu hiểu, sự đi sâu tìm hiểu, sự nhập thể rất sâu trong lòng văn hóa và nhân dân...

TQV

Share this post


Link to post
Share on other sites

Như Thông có 01 thắc mắc thế này. Bánh chưng , bánh dầy thường dùng chung với lại củ kiệu. Mà sao ít nghe thấy nhắc đến củ kiệu vậy. :lol:

Share this post


Link to post
Share on other sites

Quá trình hình thành quốc hiệu Việt Nam

Trước và trong thời Hai Bà Trưng, tiên tổ của người Việt Nam hôm nay gọi đất nước mình là gì? Đó là một câu hỏi khó. Tuy vậy, tôi cũng tạm nêu ra từ “Âu Lạc”, trong đó Âu là Đất, Lạc là Nước. Từ ghép “Âu Lạc” mang nghĩa là đất nước hay xứ sở[1]. So sánh hơi khập khiễng thì tổ chức xã hội Âu Lạc khi ấy không khác mấy vùng đồng bào thiểu số Tây Nguyên cách đây trên dưới 100 năm. Nếu người Pháp từng kí âm “Đạ Lạch” thành Đà Lạt (nghĩa gốc là nước của người Lạch, xứ sở của người Lạch) thì người Hán cũng đã kí âm “Đất nước” thành “Âu Lạc”. Chúng ta chỉ hình dung được: dường như Âu Lạc - Đất Nước có qui mô lớn hơn Đà Lạt - Nước Lạch.

Từ Âu Lạc xuất hiện lần đầu tiên trong Sử kí của Tư Mã Thiên. Song nó hàm nghĩa rất rộng, đó là một khu vực bao la gồm Quảng Tây, Quảng Đông và miền bắc Việt Nam ngày nay. Vương quốc Âu Lạc nửa hư nửa thực gắn với An Dương Vương hầu như chỉ là sự ghép nối vụng về các mảnh sử liệu rời rạc có sau Sử kí.

Trên một góc nhìn nào đấy thì nước Nam Việt của Triệu Đà cũng có thể mang tên bản địa là Âu Lạc. Sử kí viết về nước Nam Việt, nhưng luôn nêu rõ dân là dân Việt, tuồng như trong thông nghĩa Bách Việt (hàng trăm / nhiều tộc Việt khác nhau phía nam Trường Giang).

Vậy chủ nhân của mảnh đất Việt Nam hôm nay có phải người Việt không, hay Việt chỉ là một từ ngoại lai mà lịch sử trót dùng.

1. Nước Việt thời Xuân Thu – Chiến quốc

Theo Việt vương Câu Tiễn thế gia (Sử kí, thiên 41[2]): Việt vương Câu Tiễn là hậu duệ vua Hạ Vũ. Con thứ vua Thiếu Khang đời Hạ được phong đất Cối Kê để thờ cúng vua Hạ Vũ. Họ khai hoang lập ấp, cắt tóc xâm mình, trải qua hai mươi đời thì đến Doãn Thường. Doãn Thường đánh nhau với vua ngô là Hạp Lư. Doãn Thường chết, Câu Tiễn được lập làm Việt vương.

Các chú giải của đoạn Sử kí trên:

1. Sách Chính Nghĩa, trích lại từ Ngô Việt xuân thu (viết vào năm 232 đến 300): Vua Hạ Vũ đi khắp thiên hạ, đến Đại Việt, lên Mao Sơn họp quần thần bốn phương phong thưởng, rồi mất và được an táng tại đó. Đến thời Thiếu Khang, vua sợ không ai tế tự tôn miếu, bèn phong con thứ là Ư Việt hiệu Vô Dư đất ấy.

2. Sách Cối Kê kí viết rằng: Con thứ của vua Thiếu Khang hiệu là Ư Việt, do đó tên nước Ư Việt xuất phát từ tên hiệu ấy.

3. Sách Chính Nghĩa viết: Sách Xuân Thu Công Dương truyện gọi Ư Việt là do vùng đất ấy chưa thông với Trung Quốc. Thông rồi thì gọi là Việt.

4. Sách Xuân Thu Tả truyện cho rằng Việt là tiếng nói của người bản địa (Cối Kê) có âm như thế, dùng từ Việt để ghi lại.

5. Sách Thích Danh của Lưu Hi (219 SCN): Việt mang nghĩa vượt, vì là nước man di khác vòng lễ nghĩa Hoa Hạ.

Sau khi Câu Tiễn diệt Ngô, quân Việt vượt sông Hoài cùng các nước Tề và Tấn hội ở Từ Châu, cung tiến vật phẩm cho triều Chu. Chu Nguyên Vương phong Câu Tiễn là Bá, trông coi các chư hầu vùng Giang Nam.

Đến đời Việt vương Vô Cương, Sở Uy Vương diệt nước Việt. Con cháu Câu Tiễn cũng như giới quí tộc Việt lưu lạc khắp miền Giang Nam, xưng tiểu vương hoặc quân trưởng và thần phục vua Sở.

Đến Tần mạt, hai quân trưởng vùng đất Mân là Dao và Vô Chư giúp Hán Cao tổ đánh quân Tần. Năm 202 TCN Vô Chư được phong Mân Việt Vương cai quản vùng phía nam đất Mân (Quận Mân Trung thời Tần). Năm 192 TCN Dao lại được nhà Hán phong làm Đông Âu vương, cai quản vùng phía bắc đất Mân, ở lưu vực sông Âu.

Trong Sử Kí của Tư Mã Thiên, Ư Việt (於越) còn được viết là Vu Việt (于越 – Hóa thực liệt truyện SK 129). Sách Thuyết văn giải tự : Vu = Ư dã (là Ư vậy).

2. Dân Âu Việt là ai?

Cũng Sử Kí (Triệu Thế gia SK 43[3]) ghi nhận: 夫翦发文身,错臂左衽, 瓯越之民也 / Phu tiễn phát văn thân, thác tí tả nhẫm, Âu Việt chi dân dã / Như người Âu Việt, đàn ông cắt tóc, vẽ mình, đặt vạt áo về bên tay trái.

Sách đời sau chú đoạn Sử Kí trên khá nhiều, với mục đích trả lời câu hỏi “Âu Việt chi dân” là ai:

Posted Image Sách Ẩn nói theo Lưu Thị thì người Châu Nhai, Đạm Nhĩ (Đảo Hải Nam ngày nay) là người Âu nên có từ Âu Việt.

Posted Image Sách Chính Nghĩa cho rằng họ là người Nam Việt của Triệu Đà.

Xét trên đặc trưng văn hóa được Sử Kí ghi nhận thì người Âu Việt, người Ư Việt hay Vu Việt gần như là một. Để chứng minh Ư = Vu = Âu, cần phải có một công trình ngôn ngữ học truy nguyên các ngữ âm Hán cổ, cũng như cách kí âm phương ngữ bằng Hán tự của người Trung Quốc xưa.

Chữ Âu ở đây rất quan trọng, nó có liên quan mật thiết với cổ sử Việt Nam, vì một trong những thuật ngữ mù mờ nhất trong cổ sử Việt Nam là từ Âu Lạc. Sử Kí đã dùng những chữ Âu sau:

1. Đông Âu: Xứ sở của Đông Âu vương tên Dao. Từ này xuất hiện trong các thiên: Hiếu Vũ Bản Kỉ SK 12, SK 114, SK 22, SK 30.

2. Âu Lạc : Nói chung toàn khu vực Nam Việt, kể cả Mân Việt / SK 20, SK 113.

3. Người Đông Âu ở bên bờ sông Âu / SK 114, SK 22.

4. Âu Việt : Người Âu Việt / SK 43.

5. Âu nhân : người Đông Âu / SK 130.

6. Âu Thoát : Tên một vùng đất của Hung Nô phía bắc / SK 114.

Theo Thuyết Văn giải tự, Âu = 甌:小盆也從瓦區聲 / Tiểu bồn dã tòng Ngõa Khu thanh (Cái bồn nhỏ, bộ Ngõa, âm như chữ Khu). Chữ Âu 甌 ghép bởi chữ Khu 區 (Khang Hi: vực dã) là vùng đất và chữ Ngõa 瓦 là ngói, đồ gốm.

Xin đề nghị một liên tưởng dân dã:

U = nhô lên = đồi, núi vú (nguồn sống nhô lên từ ngực phụ nữ) = rú (âm Việt cổ chỉ núi, trong từ rừng rú).

Vú em = dưỡng mẫu

U = mẹ

Bu = mẹ già

Khu (đất) u = mẹ.

Khu = vực = đất

Ý Đất trong chữ Âu có thể xuất phát từ âm Khu. Ta có thể có mối tương quan giữa các âm như sau: Ư = Vu = Khu = Âu = U = Bu = Mẹ = Đất = Rú (Núi = Non).

Như vậy, hoàn toàn tồn tại khả năng người Trung Quốc đã dùng Hán tự để kí âm phương ngữ vùng Giang Nam để nói về nước Ư Việt thời Xuân Thu – Chiến quốc. Từ nước Việt bên giòng Trường Giang ấy mà liên hệ ngôn ngữ với nước Việt Nam hôm nay là rất khó thuyết phục, tuy nhiên đặc trưng văn hóa cắt tóc xâm mình tương đồng là không thể phủ nhận. Có chăng một cuộc di cư lớn, kéo dài hàng trăm năm của cư dân và quí tộc Ư Việt sau khi nước Việt bị nước Sở sáp nhập? Nếu hậu duệ Câu Tiễn từng được ghi nhận chạy loạn xuống Mân Việt (địa bàn tỉnh Phúc Kiến ngày nay), thì không có lí do gì không có những nhánh khác đi xa hơn như đến Quảng Đông, đảo Hải Nam, bờ biển Hợp Phố (Quảng Tây) và đồng bằng sông Hồng.

3. Âu Lạc – Lạc Việt

Khi hai dân tộc, hai nền văn hóa vì những biến động lịch sử vô tình hòa vào nhau, kết hợp làm một, nó sẽ để lại dấu tích trong ngôn ngữ. Đó sẽ là những tổ hợp từ sinh ra trên cơ sở phối hợp hai từ đồng nghĩa của hai nền văn hóa riêng biệt. Từ mới nọ tất nhiên phải đồng nghĩa với hai từ cũ. Ví dụ:

Chó = Má = Chó má (Thái + Việt)

Chia = Ly = Chia ly (Việt + Hán)

Vậy phải chăng Âu Lạc chính là hợp từ sinh ra bởi Âu và Lạc. Nếu câu chuyện này thuyết phục, thì ta có thể truy ngược được nghĩa Âu.

Tại hội nghị nghiên cứu thời kì Hùng Vương năm 1971, trong tham luận “Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố Lạc”, Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc đã giải thích Lạc nghĩa là nước. Hai ông cũng liên hệ được Lạc với Nác (tức nước) theo phương ngữ miền trung Việt Nam. Bằng các phương pháp truy nguyên ngữ âm học, các chuyên gia ngôn ngữ học Việt Nam hiện nay đã đi đến kết luận chữ Giang trong Trường Giang là Hán tự kí âm phương ngữ. Thật vậy, chữ Giang ghép bởi chữ Thủy (mang nghĩa nước, sông) và chữ Công (kí âm). Công có họ hàng với Krông, tức là dòng sông, dòng suối trong ngôn ngữ của cộng đồng người Đông Nam Á cổ và hiện vẫn tồn tại trong ngôn ngữ Tây Nguyên. Trường hợp tên gọi Mêkông[4] (tiếng Thái, tức là mẹ của các dòng sông, dòng suối) cũng vậy. Ngày nay ở Tây Nguyên nhóm từ Đạ / Đak / Krông đều chỉ nước, sông, suối.

Theo tôi từ Lạc không đơn thuần chỉ là nước mà nó đôi khi còn được sử dụng với nghĩa Xứ Sở với các dẫn chứng liên hệ như Negeri (tiếng của người Mianagkabau ở Malaysia), Nưgar (tiếng của người Chiêm Thành).

Như vậy, khi xâu chuỗi các nghiên cứu trên lại với nhau ta có một nhóm từ tố mang nghĩa rất giống nhau là : Đạ / Đak / Krông / Lạc / Nác / Nước / Nưgar / Negeri.

Giả định Âu Lạc = Đất nước đến đây đã trở nên không hề hoang tưởng. Thậm chí nó có thể mở ra cách giải nghĩa một từ có liên đới là Lạc Việt: tên gọi này thể hiện sự kết hợp hai chủng tộc là bản địa (Lạc) với con dân cũ của nước Việt di cư xuống. Ở góc độ nào đó, nó là sự rút gọn của Lạc – Âu Việt.

4. Nam Việt

Mở đầu thiên Nam Việt liệt truyện (Sử kí 113[5]) đã thấy Tư Mã Thiên dùng từ Việt với hàm ý dân Việt: 秦时已并天下,略定杨越 置桂林, 南海、象郡, 以谪 徙民,与越杂处十三岁 / Tần thời dĩ tính thiên hạ, lược định Dương Việt trí Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận, dĩ trích tỉ dân, dữ Việt tạp xứ thập tam tuế. Nghĩa là: Nhà Tần, sau khi chiếm cả thiên hạ bèn lấy đất Dương Việt chia thành quận Quế Lâm, quận Nam Hải và quận Tượng, bắt những người bị tội đày xuống sống chung với người Việt, việc diễn ra đã được 13 năm. Về tổng thể, thời Tây Hán sách sử Trung Quốc đều thống nhất cho rằng chủ nhân nước Nam Việt là người Việt.

Chữ Việt trong tiếng Hán: 越. Thuyết Văn tự giải của Hứa Thận thời Đông Hán định nghĩa: 度也從走戉聲 / Độ dã tòng tẩu việt thanh (Nghĩa là vượt qua, bộ tẩu, âm như chữ Việt là chiếc rìu đá). Một chữ Việt khác đồng âm, đồng nghĩa nhưng dị tự vẫn hay được các bản in xưa nay dùng là 粵.

Trong ghi chép của Tư Mã Thiên, con người bản địa nước Nam Việt do Triệu Đà dựng lên là người Việt. Tuy vậy, dường như chữ Việt này được rút từ từ ghép Bách Việt, chứ không dính dáng gì đến nước Việt thời Chiến Quốc trước đó. Bách Việt không phiếm chỉ một dân tộc, một đất nước. Nó gần như là một khái niệm và mang nặng hàm nghĩa văn hóa. Phổ quát nhất và thường được lập đi lập lại là đặc trưng “văn thân, đoạn phát / xăm mình, cắt tóc”. Theo Đông Việt liệt truyện (SK 114)[6] và Việt vương Câu Tiễn thế gia(SK 41)[7], vùng Mân Việt (Phúc Kiến) phía đông bắc Nam Việt là đất nước dưới quyền cai trị của hậu duệ Việt vương Câu Tiễn. Năn 202 TCN nhà Hán phong Vô Chư làm Mân Việt Vương, năm 192 TCN nhà Hán lại cắt một phần phía bắc Mân Việt phong cho quân trưởng Dao làm Việt vương (theo SK 41) hoặc Đông Âu vương (theo SK 114).

Thật khó khăn nếu muốn giải nghĩa Triệu Đà lấy tên Nam Việt với hàm í gì. Xét theo ngữ pháp tiếng Hán ta có Nam Việt = Đất nước phía nam nước Việt. Do đó người Việt ở nước Nam Việt có lẽ là người Bách Việt hơn là người Việt đồng chủng với cư dân Mân Việt? Điều này sẽ bị mấy câu văn vần của Thái sử công ở cuối thiên SK 113 phủ nhận, khi mô tả sự kiện Mân Việt đánh nhau với Nam Việt : Âu Lạc tương công, Nam Việt động dao / (Người, xứ) Âu Lạc đánh nhau, (Nước) Nam Việt xáo động. Hơn nữa, tục cắt tóc xăm mình cũng rất thịnh hành ở nước Việt của Câu Tiễn. Có không khả năng giai cấp lãnh đạo Mân Việt là người Việt (con cháu Câu Tiễn), trong khi đại bộ phận nhân dân là người Lạc?

5. Việt Nam

Sau khi diệt Nam Việt, có một cách đoạn nhiều trăm năm cái tên Nam Việt không được cả người Hán lẫn người Âu Lạc cũ dùng tới. Sau đây là biên niên và tên gọi Việt Nam[8] ngày nay theo dòng lịch sử:

Hán: quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam

Tam quốc (thuộc Ngô) trở đi : Giao Châu

Đường : An Nam

Tống : An Nam, như việc phong Đinh Bộ Lĩnh làm An Nam quận vương. Năm 1017 nhà Tống phong Lý Công Uẩn Nam Bình Vương. Năm 1164 nhà Tống lại dùng danh xưng An Nam Quốc Vương cho vua Lý.

Minh: An Nam, năm 1428 Lê Lợi thay Trần Cao và được nhà Minh phong làm An Nam quốc vương, sau đến nhà Mạc được phong An Nam đô thống sứ.

Thanh: An Nam, như đã phong cho vua Quang Trung là An Nam Quốc vương.

Đến năm 1802, lần đầu tiên Bắc triều mới chấp nhận để chữ Việt vào quốc danh để thành Việt Nam. Tai sao Bắc triều tránh dùng chữ Việt, có những lí do sau:

Posted Image Sợ nhầm lẫn với nước Nam Việt thời Tây Hán hoặc nước Việt thời Chiến quốc.

Posted Image Chữ Việt nhắc đến một quốc gia độc lập và tự chủ, trong khi Bắc triều luôn muốn áp đặt đô hộ trực tiếp hoặc thống thuộc gián tiếp mảnh đất phương nam này như một thuộc quốc.

Posted Image Chia để trị là một đối sách mà các nước đế quốc ưa dùng. Quá trình Hán hóa các dân tộc thiểu số ở Hoa Nam bắt buộc phải thủ tiêu thuật ngữ Bách Việt. Hán hóa chính là xâm lăng văn hóa, thôn tính văn hóa, bước tiếp theo của vũ lực quân sự.

Posted Image Sau khi nước Việt thời Chiến quốc và nước Nam Việt của Triệu Đà đã bị gộp vào Hán tộc, Bắc triều gọi các nước phương nam là Nam cũng có thể xác nhận cách nhìn nhận phi Hán trong văn hóa, con người cũng như cương vực của khu vực này.

Ngược lại với Bắc triều, các phong trào giành độc lập cũng như các vương triều của cư dân Việt Nam xưa có xu hướng chuộng chữ Việt:

Năm 544 Lý Bí tự xưng Nam Việt đế, đặt tên nước là Vạn Xuân.

Năm 549 Triệu Quang Phục xưng là Việt Vương.

Năm 939 Ngô Quyền mở nước Đại Việt.

Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

Năm 1054 Lý Thánh Tông đổi quốc hiệu là Đại Việt.

Năm 1400 Hồ Quí Ly lấy tên Đại Ngu.

Năm 1427 Lê Lợi dùng lại tên Đại Việt.

Năm 1802 Nguyễn Ánh lấy tên nước là Nam Việt nhưng Thanh triều đổi thành Việt Nam.

Năm 1838 vua Minh Mạng dùng lại tên Đại Nam.

Năm 1945 chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tên nước là Việt Nam.

Trường hợp dân tộc Tráng (Choang): Không riêng gì người Việt Nam, người Tráng ở Quảng Tây cũng có một lịch sử chống Bắc thuộc dai dẳng và bền bỉ. Từ thời Đường, các lãnh tụ khởi nghĩa của họ đã xưng vương và lấy những danh xưng có liên quan đến từ Việt và từ Nam như: Trung Việt Vương, Nam Hải Vương, Nam Việt Vương. Ngang thời Lý ở Việt Nam, ‎Nùng Trí Cao xuất thân từ tỉnh Cao Bằng đã xây dựng nước Đại Lịch Quốc, sau lại đổi thành Nam Thiên Quốc với cương giới gần phủ kín hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông [9].

Có hai khuynh hướng chủ đạo thiết lập nền độc lập ở các dân tộc phía nam Hoa Hạ:

1. Lãnh đạo từ phương bắc xuống (hoặc hậu duệ nhiều đời của họ), hòa đồng với người phương nam, phát triển văn minh nhà nước tập quyền trên cơ sở thống nhất các bộ lạc tự trị, các vùng quyền lực bản xứ: Tổ tiên Câu Tiễn, Triệu Đà, Hậu duệ Câu Tiễn, Sĩ Nhiếp, Lý Bí, Trần Thủ Độ, Hồ Quí Ly…

2. Người bản xứ đứng lên tự cởi ách đô hộ, xưng vương: Hai Bà Trưng, các tù trưởng người Tráng ở thời Đường, Nùng Trí Cao, Lê Lợi…

Không kể Lê Lợi xây dựng vương triều từ nền móng chính trị sẵn có, ta thấy rõ khuynh hướng thứ nhất phổ biến hơn, thành công hơn. Trừ Hồ Quí Ly muốn ngang hàng Bắc triều bằng cách đổi tên nước thành Đại Ngu (với giải thích ông là hậu duệ vua Nghiêu khai quốc Hoa Hạ), Sĩ Nhiếp tìm sự độc lập trong khuôn khổ hẹp, đa phần các lãnh tụ chọn từ Việt cho vương quốc mình. Các lí do hữu quan:

Posted Image Phần nào đó tầng lớp lãnh đạo chính trị phương nam có huyết thống phương bắc, tác động của yếu tố này sẽ khiến họ chủ động thực nghiệm văn hóa chính trị tiến bộ trong khu vực vào quốc gia họ xây dựng trên mảnh đất phương nam.

Posted Image Dư âm nước Việt tiểu bá phương nam của Câu Tiễn thời Chiến quốc có thể là biểu trưng tinh thần, khích lệ các lãnh tụ tự tin và nỗ lực bồi đắp độc lập, tự chủ, thâu tóm quyền lực. Trong ý nghĩa ấy, nước Việt mới, dân tộc Việt mới vẫn chứa nội dung phi Hán.

Posted Image Một cách tự nhiên, từ Việt dần dần hóa thạch vào văn hóa chính trị phương nam với ý nghĩa li khai, bất khuất. Nó mang tính chính thống hiển nhiên trong đối nội và đối ngoại của bất cứ chế độ nào.

6. Kết luận

Tóm lại, Việt 越 là một từ cổ, một từ bình thường trong bể từ vựng giữa đời sống văn minh Hoa Hạ. Nó được áp vào tên nước thời Chiến quốc với ý nghĩa[10]:

1. Sách Cối Kê kí cho rằng Ư Việt là tên của một hậu duệ vua Hạ Vũ, đến Cối Kê lập nên nước Việt để tiện việc thờ tự Hạ Vũ (vốn mất và được chôn cất tại Đại Việt).

2. Sách Chính Nghĩa viết: Sách Xuân Thu Công Dương truyện gọi Ư Việt là do vùng đất ấy chưa thông với Trung Quốc. Thông rồi thì gọi là Việt.

3. Sách Xuân Thu Tả truyện cho rằng Việt là tiếng nói của người bản địa (Cối Kê) có âm như thế, dùng từ Việt để ghi lại.

4. Sách Thích Danh của Lưu Hi (219 SCN): Việt mang nghĩa vượt, vì là nước man di khác vòng lễ nghĩa Hoa Hạ.

Vì nhiều lí do (một số đã dẫn ở trên) ngày nay Việt Nam đã trở thành tên gọi chính thống của dải đất hình chữ S bên bờ Tây Thái Bình dương. Để được như thế, hai từ Việt và Nam đã trải qua một quá trình vận động bổ xung ngữ nghĩa hàng ngàn năm, với biết bao thăng trầm của lịch sử. Một lần nữa ta thấy dấu ấn của Triệu Đà ở đây, như một người gieo mầm văn minh chính trị tiến bộ phương bắc vào khu vực có đất nước Việt Nam hôm nay. Nếu có thể phân biệt được con người huyết thống (sinh học) và con người văn hóa trong tổng thể con người nói chung của nhân vật lịch sử Triệu Đà, thì rõ ràng không thể gọi ông là con người văn hóa Hán tộc. Đánh đồng con người huyết thống Hán của ông với con người văn hóa, một thứ văn hóa khởi sinh bởi sự tương tác văn hóa Tiền Hán – Tiền Việt mà ông là nhạc trưởng, là việc làm đành tình đoạn lí.

Tôi tin rằng, gần như đã đến lúc người Việt Nam đặt câu hỏi họ là người Việt, người Nam, người Việt Nam hay người Âu Lạc? Văn minh Việt Nam hôm nay đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ về nhận thức quá khứ, với chiều hướng dân trí và kinh tế đi lên, sáng sủa hơn bao giờ hết trong cuộc đời văn hiến đã khá dài của mình. Nó cần định hình và đồng thuận những giá trị mới của lịch sử, trên căn bản hài hòa xưa – nay, trước – sau và thấm đẫm tinh thần khoa học, trung trực. Chắc chắn quá trình vượt thoát, thực thi tinh hoa tự chủ, độc lập truyền thống trong bối cảnh chuyển biến thời cuộc khác trước rất nhiều, sẽ tiềm ẩn nhiều giải pháp hứa hẹn thú vị và lớn lao.

CHÚ THÍCH

[1] Xin xem thêm cùng một tác giả: Cổ sử Việt Nam, một cách tiếp cận vấn đề – NXB Lao Động 2007.

[2] http://www.guoxue.com/shibu/24shi/shiji/sj_041.htm

[3] http://www.guoxue.com/shibu/24shi/shiji/sj_043.htm

[4] Nếu Âu là Mẹ, thì sông Âu nơi người Âu Việt sống có thể hiểu là Sông mẹ, sông lớn, tương tự Mêkong.

[5] http://www.guoxue.com/shibu/24shi/shiji/sj_113.htm

[6] http://www.guoxue.com/shibu/24shi/shiji/sj_114.htm

[7] http://www.guoxue.com/shibu/24shi/shiji/sj_041.htm

[8] Theo Việt Nam niên biểu, Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim. Bản điện tử của viethoc.com.

[9] Đoạn này tham khảo Journal of Southeast Asian Studies, Vol. XVIII, No. 2, September 1987. Người Choang các dân tộc ít người, vùng biên giới Việt – Hoa trong triều đại nhà Tống. JEFFREY G.BARLOW. Bản dịch của Ngô Bắc.

[10] Có tham khảo Văn Minh Lạc Việt – Nguyễn Duy Hinh – NXB VHTT 2004.

TRƯƠNG THÁI DU

Thảo Điền 3.2007

Share this post


Link to post
Share on other sites

Trần Quốc Vượng chết lâu rồi, nhưng những bài viết của ông ta để lại mang tính hạ thấp giá trị văn hóa Việt vẫn còn gây ảnh hưởng tai hai.

Câu đầu, mới xem thì tưởng ông ta yêu văn hóa dân tộc Việt:

Ngày trước, bánh dầy, bánh chưng là những lễ vật và món ăn dân tộc. Bây giờ nó vẫn còn là món ăn dân tộc đáng cho ta gìn giữ và trân trọng.

Nhưng ngay câu sau, với lý do nghiên cứu, ông ta đã lập tức hạ giá trị của hai linh vật được tôn thờ của nền văn hóa Việt:

Nhưng xin nhận thức lại cho đúng mức hơn: Nó không phải là lễ vật và món ăn độc đáo Việt Nam theo nghĩa chỉ Việt Nam mới có, mới dùng.

Và nhận thức lại cho đúng theo quan điểm của Trần Quốc Vương thì chiếc bánh Chưng, bánh Dày của dân tộc Việt không còn gì là thiêng liêng nữa. Theo bài viết của Trần Quốc Vương thì nó cũng chỉ là món ăn tầm thường như mọi món ăn khác.

Bánh Chưng, bánh Dầy là linh vật thiêng liêng của ngưới Lạc Việt bị người này đem ra tầm thường hóa dưới chiêu bài nghiên cứu văn hóa. Tất nhiên những hiện tượng mà ông ta nói về những chiếc bánh tương tự ở Tứ Xuyên, Nhật Bản và vùng Cô Loa Đông Anh và miền Nam Bộ hiện nay, họ gói bánh Tét là có thật. Nhưng đó chưa phải là bằng chứng phủ nhận giá trị thiêng liêng của bánh chưng , bánh dầy trong văn hóa Việt và đó chỉ là cái nhìn hạn hẹp của ông ta - một giáo sư được dư luận coi là hàng đầu của Việt Nam và hệ quả là việc học sử Việt thật tệ hại nhất trong ngành giáo dục. Đấy là chính báo chí công khai nói chứ không phải tôi.

Chính sự phát hiện hiện tượng của ông ta về những địa phương trên cũng có bánh chưng bánh dầy hoặc hình thức gói khác, đã cho chúng ta một sự khẳng định biên giới nước Văn Lang và ảnh hưởng văn hóa Việt đã sang tới Nhật Bản, Điều này lại thêm một bằng chứng nữa cho tôi thêm chắc chắn rằng: Nguồn gốc Nhật Bản là người Việt Văn Lang cũ tị nạn đấ sinh sống ở đảo Phù Tang.

Hơn nữa, những hiện tượng mà ông Trần Quốc Vương "nhìn" thấy đang xảy ra bây giờ, Còn bánh chứng bánh dầy có từ khoảng 3000 năm trước - Thời Hùng Vương thứ VII. Tất nhiên nó có sự biến danh bới tác động của lịch sử khiến cho nới thì gói như bánh Tét, nơi chỉ còn giữ lại được cái bánh dầy. Về thời điểm xuất hiện Bánh chưng bánh dầy từ khoảng ba ngàn năm trước theo truyền thuyết và lịch sử. Nhưng đối với quan điểm lịch sử mới phủ nhận văn hóa sử truyền thống của dân tộc Việt thì nó chỉ xuất hiện khoảng vài trăm năm trước Cn , hoặc tệ hơn, nó không thuộc về thới Hùng Vương. Nhưng họ - "Hầu hết những nhà khoa học trong nước" và cả cái "cộng đồng khoa học quốc tế" đó sẽ không bao giờ chứng minh được thời điểm xuất hiện bánh chứng bánh dầy vào sau thới Hùng Vương với giá trị thiêng liêng của nó. Hay nói cách khác: Luận điểm của họ không phù hợp với tiêu chí khoa học cho một giả thiết khoa học.

Bài viết của ông Lê Thành Khôi, giáo sư gốc Việt tại đại học ở Pháp cho thấy những người có quan điểm phủ nhận giá trị văn hóa sử truyền thống Việt có cách lập luận và luận điệu giống nhau đến mức kỳ lạ. Phải chăng ở đây họ đã có sự thống nhất về phương pháp và có hệ thống chủ đạo? Có thật sự phủ nhận giá trị văn hóa sử Việt xuất phát từ tư duy khoa học không hay nó có một động cơ khác?

Thiên Sứ tôi vẫn theo đúng những gì họ quảng cáo về tính khoa học của luận điểm phủ nhận giá trị văn hóa sử truyền thống mà nhân danh khoa học phản biện.

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bánh chưng bánh dầy đã trở thành niềm tự hào của tất cả những ai mang dòng máu việt , dù cho nhân danh học vị học hàm cao đi chăng nữa cũng đừng cố tình phủ nhận giá trị văn hóa của nguồn gốc 2 loại bánh đã thấm sâu vào huyết mạch vào tinh thần của người việt .

Các vị có thể phân tích chứng minh bằng các từ ngữ cao học , nhưng không thể chối bỏ truyền thống văn hóa trong ẩm thực mang tính lịch sử này .

Vài dòng tâm huyết chia sẽ cùng tất cả những ai đã từng thưởng thức 2 loại bánh này .

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay