Thiên Sứ

Đằng sau những vụ va chạm Mỹ - Trung trên biển Đông

1 bài viết trong chủ đề này

Góc nhìnĐằng sau những vụ va chạm Mỹ - Trung trên biển Đông

VIT - Kể từ tháng 3/2009, Trung Quốc và Mỹ liên tục xảy ra những vụ va chạm trên biển Đông. Điều này không tránh khỏi những quan ngại của các quốc gia trong khu vực và đã khiến người ta phải đặt ra câu hỏi. Những hoạt động khảo sát của Mỹ tại các vùng biển quốc tế, bất chấp thách thức của Trung Quốc có thể là bước đi trong chiến lược kiềm chế nhằm tìm kiếm một thỏa hiệp với Trung Quốc trong việc phân chia quyền lực của các nước lớn đối với khu vực này? Những điều này có thể dựa trên những căn cứ sau:

Tham vọng của Trung Quốc và Mỹ

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của họ là trên toàn bộ biển Đông được xác định như một lưỡi bò, kéo dài từ đảo Hải Nam đến tận Malaysia. Với việc xác định này, toàn bộ biển Đông là lãnh hải Trung Quốc, không còn phân biệt đâu là lãnh hải kể từ đường cơ sở xác định từ đất liền, đâu là vùng đặc quyền kinh tế.

Đối với Mỹ đã luôn chủ trương có quyền thông thương tự do trên biển Đông là thuộc lợi ích của Mỹ. Chính vì thế, Quốc hội Mỹ ra nghị quyết vào tháng 3/1995 nhấn mạnh: “Quyền đi lại tự do trên biển Đông nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ.” Ngày 10/5/1995, Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu mạnh hơn: “Mỹ sẽ rất quan tâm đến bất cứ một đòi hỏi liên quan đến biển hay ngăn cản hoạt động hàng hải ở biển Đông, không phù hợp với Luật Biển”.

Các vụ va chạm

Vụ va chạm của 05 tàu Trung Quốc với tàu USNS Impeccable của Hải quân Mỹ ở phía Nam đảo Hải Nam đã xảy ra trong bối cảnh ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Washington để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Obama trong Hội nghị thượng đỉnh G-20. Sự kiện này đã trở thành một trong những vấn đề quan trọng trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng Dương Khiết Trì với ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 11/3. Theo chương trình, nội dung xuyên suốt của cuộc gặp đó là vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề hạt nhân của BTT và một số vấn đề quan trọng khác.

Tiếp đó, Mỹ điều tàu khảo sát hải dương Marcus G.Langseth thuộc tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ tới hoạt động tại biển Đông bao hàm trên các khu vực lân cận biển Hồng Kông, Philippines và giáp rang với khu vực Đông-Bắc quần đảo Hoàng Sa. Tàu khảo sát này có chiều dài 71 m, rộng 17 m và được trang bị máy đo địa chấn từ 3,5 đến 12 khz. Ngày 15/4, trong khi tàu khảo sát này của Mỹ đang tiến hành các hoạt động khảo sát, thì đã gặp phải sự ngăn cản của tàu Trung Quốc. Đồng thời Trung Quốc đã cho rằng việc Mỹ đưa tàu Marcus G.Langseth đến khu vực này là bất hợp pháp và cảnh báo Mỹ rằng chiếc tàu này đang xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Ngày 11/6, một tàu ngầm của Trung Quốc đã va chạm với một thiết bị định vị ngầm được kéo bởi một tàu của Hải quân Mỹ (USS John McCain) cách vịnh Subic, Philippine khoảng 125 hải lý về phía tây bắc. Tuy nhiên, Trung Quốc cho biết, tàu khu trục này của Mỹ đã không phát hiện thấy tàu ngầm của Trung Quốc trong khi tàu ngầm phía Trung Quốc lại cho là tàu USS John McCain không mang thiết bị định vị này. Hiện nay, Mỹ - Trung vẫn chưa lên tiếng khẳng định về vụ va chạm này.

Những con bài của Mỹ - Trung

Với những tham vọng của cả Trung Quốc và Mỹ nêu trên đã bộc lộ rõ rằng: Mỹ tự cho mình quyền tự do đi lại và sự hiện diện Hải quân trên biển Đông, luôn muốn duy trì ảnh hưởng tại khu vực châu Á thông qua các biện pháp quân sự. Hải quân Mỹ đã tiến hành nhiều hoạt động xung quanh eo biển Đài Loan, khu vực biển Hoa Đông và mở rộng ra khu vực Nam biển Đông; Trung Quốc lại coi toàn bộ biển Đông là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong lúc tình hình khu vực biển Đông đang có những tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực về vấn đề xác định thềm lục địa mở rộng để đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc. Ngày 01/6, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates, đang ở thăm Philippine để hội đàm về mối quan hệ quân sự giữa Philippine và Mỹ, đã trả lời trong một buổi họp báo rằng Mỹ không có quan điểm gì về những tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và nêu rõ Mỹ luôn luôn mong muốn tất cả các bên có liên quan sẽ giải quyết vấn đề này một cách rõ ràng và hòa bình.

Ngay lập tức phía Trung Quốc đã hết lời ca ngợi sự khôn ngoan của Mỹ. Ông Li Daguang, chuyên gia cao cấp thuộc Học viện Quốc phòng Trung Quốc ca ngợi quan điểm của ông Gates là “phù hợp và phản ánh đúng thực tế, chính phủ Obama là một chính phủ khôn ngoan và họ đã duy trì cách tiếp cận một cách trung lập đối với vấn đề nhạy cảm trên biển Đông, đây là cách tốt nhất để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Qua những vấn đề nêu trên giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến các chuyên gia chính trị trên thế giới và trong khu vực nghi ngờ về những vụ đụng độ, gây hấn và những lời khen ngợi nhau. Họ có thể nhận định rằng đây là những bước đi chiến lược nhằm kiểm chế lẫn nhau để đạt được những thỏa thuận về phân chia quyền lực và sự ảnh hưởng đối với khu vực châu Á – Thái Bình dương.

Chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc

Trung Quốc đã khẳng định rằng họ có chủ quyền "không tranh cãi" đối với Trường Sa và Hoàng Sa nên họ có quyền mở rộng lãnh hải ra đến 80% diện tích Biển Đông. Bên cạnh đó Trung Quốc lại sử dụng chiến thuật "giành sự công nhận trên thực tế" tham vọng biến Biển Đông thành "ao nhà" của mình.

Thực hiện tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông theo đường biên giới biển hình lưỡi bò là hoàn toàn thiếu căn cứ pháp lý, vì vậy họ không thể sử dụng căn cứ võ đoán, chủ quan này để bắt buộc mọi người phải tuân thủ, để tự do hành động bất chấp luật pháp quốc tế về biển mà họ đã tự nguyện tham gia ký kết, phê chuẩn.

Một điều vô lý là Trung Quốc đơn phương tuyên bố cấm đánh cá tại Biển Đông từ vĩ độ 12 trở lên phía Bắc, với cớ bảo quản nguồn lợi thuỷ sản ở Biển Đông. Vùng cấm bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và vùng biển quốc tế giữa Biển Đông.

Nếu lý do cho hành động này thật sự là bảo quản nguồn lợi thuỷ sản ở Biển Đông thì Trung Quốc đã phải phối hợp với Việt Nam, Philippines và các nước khác trong việc cấm đánh cá, vì vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và của Philippines thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam và Philippines, và tất cả các nước trên thế giới có quyền đánh cá trong vùng biển quốc tế giữa Biển Đông.

Hành động đơn phương này của Trung Quốc không phải là bảo quản nguồn lợi thuỷ sản mà mục đích sâu xa của Trung Quốc là tỏ với thế giới rằng Trung Quốc làm cái mà nước này gọi là “thực thi chủ quyền một cách hoà bình” ở Biển Đông. Đây là những bước đi trong chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc để biến 80% diện tích trên Biển Đông thành “cái ao nhà” của họ.

Đối với Việt Nam

Những hành động của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Lan Hương (Vitinfo)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay