Hạt gạo làng

Nước trong yếu tố địa chính trị

2 bài viết trong chủ đề này

Nước trong yếu tố địa chính trị

9:30, 15/06/2009
Posted Image
Cơn sốt xây đập ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sông ngòi nội địa Trung Quốc: Đoạn sông Dương Tử chảy ngang Nghi Xương (tỉnh Hồ Bắc) đang khô dần bởi con đập Tam Hợp.

Làm thay đổi dòng chảy, chặn nguồn nước và thậm chí cố tình làm ô nhiễm nguồn nước thượng lưu khiến ảnh hưởng phần hạ lưu thuộc quốc gia khác... tất cả mánh khóe, thủ đoạn tương tự đều đang được thực hiện với mục đích duy nhất là tranh giành (hoặc cưỡng đoạt) nguồn nước tại châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Nước ở thời khí hậu toàn cầu thay đổi nghiêm trọng cùng sự tăng mức độ sử dụng đang thật sự trở thành ngòi nổ chiến tranh tại châu Á trong thế kỷ XXI - như Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon từng cảnh báo trong Hội nghị thượng đỉnh (lần đầu tiên) về nguồn nước châu Á - Thái Bình Dương ngày 3/12/2007.

Quyền lợi nước và mâu thuẫn nước

Báo cáo Asia's Next Challenge: Securing the Region's Water Future (Thách thức kế tiếp của châu Á: Bảo vệ tương lai nguồn nước khu vực) của Asia Society (New York) vào trung tuần tháng 4/2009 một lần nữa đánh động thực tế rằng mâu thuẫn về tài nguyên nước tại châu Á chắc chắn là điều không tránh khỏi, khi hiện thời 1/5 dân châu Á (700 triệu người) không được tiếp cận nguồn nước uống sạch và 1/2 không được hưởng tiện nghi vệ sinh cơ bản.

Sự phát triển dân số không ngừng, đà đô thị hóa bùng nổ và hiện tượng khí hậu thay đổi sẽ khiến tình trạng thiếu nước dẫn đến xung đột nước thêm phần nghiêm trọng (dân số châu Á có thể tăng thêm gần nửa tỉ trong 10 năm tới). Trong khi đó, nguồn nước lại được khai thác trên "tinh thần" giành giật là chính.

Trong 263 vịnh nước ngọt quốc tế, hiện có đến 3/5 thiếu sự hợp tác quản lý và khai thác. Trong bài viết trên Japan Focus, Chietigj Bajpaee thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Washington DC) nhận định rằng, mâu thuẫn nước không chỉ châm ngòi cho xung đột ngắn hạn mà còn dẫn đến hiềm khích lâu dài. Lịch sử thế giới chẳng lạ gì với những cuộc chiến tranh nước.

Từ năm 1948 đến nay, có đến 40 sự kiện ẩu đả nhau để giành nguồn nước (chủ yếu ở Trung Đông). Nếu tại Trung Đông, lưu vực sông Jordan và Tigris-Euphrates là điểm nóng; châu Phi là sông Nile, Volta, Zambezi và Niger, thì tại châu Á (nơi có 57 vịnh nước ngọt quốc tế, chiếm thứ ba thế giới, sau châu Âu và châu Phi), Mekong là một trong những nguồn nước "nhạy cảm" nhất.

Điều cần nói là tất cả công cụ hệ thống quản lý được thiết lập nhằm điều phối việc khai thác các con sông châu Á sao cho tất cả các bên đều không bị lợi dụng, chèn ép và không bị thiệt, đến nay, đều không hiệu quả, từ Ủy ban Mekong (1957); các hiệp ước Sarada (1920), Kosi (1954), Gandak (1959) giữa Ấn Độ và Nepal; Hiệp ước nguồn nước Indus giữa Ấn Độ và Pakistan (1960); Hiệp ước sông Hằng giữa Ấn Độ và Bangladesh (1977); đến Thỏa thuận sử dụng nước và năng lượng lưu vực Syr Darya giữa Kazakhstan và Uzbekistan...

Thời điểm hiện tại, Pakistan, Bangladesh và Nepal tiếp tục tranh cãi với Ấn Độ quanh việc sử dụng và khai thác sông Indus (hệ thống tưới tiêu lớn nhất thế giới bao phủ diện tích 20 triệu hécta và có khả năng dẫn thủy nhập điền cho hơn 12 triệu hécta mỗi năm với thượng lưu ở Ấn Độ).

Posted ImageCác con đập ở thượng nguồn đang bóp chết hạ nguồn Mekong.

Trong khi đó, Ấn Độ lại mâu thuẫn với Trung Quốc quanh con sông Brahmaputra với thượng nguồn bắt đầu từ tây nam Tây Tạng, nơi nó có tên Nhã Lỗ Tạng Bố (Yarlong-Tsangpo), chảy xuống phía đông qua khu vực nam Tây Tạng với chiều dài khoảng 1.600 km rồi đến khúc vòng cung Shuomatan và vào Ấn Độ (rồi luồn vào Bangladesh, nơi nó được hợp nhất bởi sông Hằng để tạo ra vùng châu thổ lớn nhất thế giới trước khi chảy vào vịnh Bengal).

Chính tại điểm vòng cung Shuomatan là nơi trở thành điểm gây mâu thuẫn, khi Trung Quốc định làm thay đổi dòng chảy bởi công trình đập thủy điện dự kiến có khả năng cung cấp 40.000 megawatt.

Kế hoạch chuyển dòng Brahmaputra chỉ là một phần trong tổng dự án thủy điện Bắc - Nam của Trung Quốc, gồm 3 con sông nhân tạo mang nước từ cao nguyên Tây Tạng xuống khu vực phía bắc Trung Quốc gần như quanh năm khô cạn.

Giai đoạn đầu dự án là đào 300 km đường hầm và kênh để rút nước từ sông Kim Sa (Jinsha; đoạn thượng lưu của Trường Giang, với chiều dài 2.308 km); sông Nhã Lung (Yalong; thuộc tỉnh Tứ Xuyên); và sông Đại Độ (Dadu; một chi lưu sông Dương Tử). Nguồn nước từ 3 con sông trên sẽ được dẫn vào Hoàng Hà nhằm tạo hệ thống dẫn thủy nhập điền cho khu vực bắc và tây bắc Trung Quốc vốn khát nước.

Tổng quát, đại công trình thay đổi dòng chảy trên sẽ gồm 3 hướng: đông, trung và tây. Kế hoạch thay đổi Nhã Lỗ Tạng Bố giang tại điểm vòng cung Shuomatan là hướng phía tây - phần quan trọng và khó khăn nhất về mặt kỹ thuật.

Bất chấp Ấn Độ "la làng" việc lưu vực Brahmaputra ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào nếu Trung Quốc "chơi" cắt nguồn nước từ Nhã Lỗ Tạng Bố giang, Bắc Kinh vẫn mạnh tay tiến hành. Cần biết, hơn 1/4 Trung Quốc là sa mạc và những khu vực thuộc bắc và tây bắc nước này luôn khan hiếm nước.

Hơn nữa, nhiều đoạn Hoàng Hà đang khô kiệt. Một khi hoàn thành, dự án đổi nguồn sông Nhã Lỗ Tạng Bố sẽ cung cấp mỗi năm hơn 40 triệu m3 nước cho những vùng khô hạn Trung Quốc. Các công trình đập thủy điện tiến hành đồng thời cũng giải quyết vấn đề thiếu hụt điện năng.

Ngay thời điểm hiện tại, Nhà máy thủy điện (180 triệu USD) Zhikung (mệnh danh "đập Tam Hợp" của Tây Tạng) trên sông Lhasa đã hoàn thành, có khả năng sản xuất 4 triệu kwh mỗi năm và giúp cải thiện hệ thống tưới tiêu cho 6.000 hécta đất nông nghiệp (sông Lhasa bắt nguồn từ núi Nyangqentanglha thuộc cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng và là 1 trong 5 nhánh chính của Nhã Lỗ Tạng Bố giang).

Việc thay đổi dòng tại khúc cua Shuomatan được xem là tai họa không chỉ cho cao nguyên Tây Tạng mà (tất nhiên) đối với các quốc gia ở khu vực hạ lưu, ảnh hưởng đến sự sống còn của hàng triệu nông dân. Việc dòng Brahmaputra bị cắt nước sẽ làm tan nát hệ thống kinh tế nông ngư nghiệp Bắc Ấn Độ và Bangladesh.

Tiếp đó sông Hằng cũng bị ảnh hưởng (thiếu nước). Hàng triệu người sống quanh con sông này có thể phải bất đắc dĩ "tái định cư". Giới phân tích từng chỉ ra khu vực hạ lưu luôn nằm trong nguy cơ bị đe dọa như thế nào nếu thượng nguồn Tây Tạng có sự cố.

Tháng 6/2000, một vụ vỡ đập ở Tây Tạng (thuộc Trung Quốc) đã dẫn đến cơn lũ làm chết và mất tích hơn 100 người tại Arunachal Pradesh (cực Đông Ấn Độ). Tháng 8 cùng năm, những con hồ ứ tràn nước từ Tây Tạng (do băng tan) cũng gây lụt nghiêm trọng cho sông Sutlej ở bang Himachal Pradesh (Ấn Độ), càn quét và làm hỏng khoảng 100 cây cầu và giết chết hàng chục người. Nếu lụt gây ảnh hưởng chừng đó cho phía hạ lưu, việc thay đổi dòng chảy chắc chắn còn mang lại hậu quả tai hại hơn - nhận xét của Claude Arpi, nhà nghiên cứu Ấn Độ chuyên về Trung Quốc

Trở lại với dòng Mekong. Không chỉ vấn đề xây đập ồ ạt, giới môi trường còn lo rằng việc Trung Quốc sử dụng Mekong làm tuyến vận chuyển dầu cũng có thể gây ảnh hưởng nhất định cho môi trường.

Ngày 29/12/2007, 2 tàu dầu Trung Quốc đã cập cảng Vân Nam với tổng cộng 300 tấn dầu lọc chở từ Chiang Rai (Thái Lan), hoàn thành việc "thử nghiệm chương trình vận chuyển dầu Trung Quốc với các đối tác Đông Nam Á" - Tân Hoa xã viết. Bắc Kinh dự tính vận chuyển 70.000 tấn dầu mỗi năm từ Thái Lan qua sông Mekong.

Vấn đề ở chỗ chẳng biết Mekong sẽ biến thành thứ "quái quỉ gì" và hàng triệu người sống ở lưu vực này bị đe dọa như thế nào một khi tàu Trung Quốc "lỡ" gây tràn dầu - bày tỏ của Pianporn Deetes thuộc Tổ chức Mạng sông ngòi Đông Nam Á. Thời điểm hiện tại, khoảng 75% nguồn cung cấp dầu Trung Quốc được vận chuyển qua eo biển Malacca (giữa bán đảo Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia), nơi vốn bất an bởi tình trạng cướp biển.

Điều khiến giới môi trường "ấm ức" là toàn bộ việc ký kết vận chuyển dầu qua Mekong đều không được tiết lộ hay công bố công khai cho công chúng - theo Premrudee Daoroung, đồng Giám đốc Tổ chức Towards Ecological Recovery and Regional Alliance (TERRA; Bangkok) và "nó cho thấy thêm rằng ai đang thật sự kiểm soát và làm "bá chủ" dòng Mekong!".

Posted ImageCụ Tan Inkew, 72 tuổi, ở Bắc Thái Lan khẳng định rằng, hệ thống đập thủy điện Trung Quốc đang làm xáo trộn hệ sinh thái nước mình.

Trong bài viết trên New York Times (19/3/2005), tác giả Jane Perlez từng nhắc rằng, Ted Osius - viên chức bộ phận môi trường thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và từng là cố vấn cấp cao của Phó tổng thống Al Gore (thời Bill Clinton) - nói rằng: "Trung Quốc có một "tiền sử" không mấy tốt đẹp về bảo vệ sông ngòi", rằng "một Trung Quốc không được kiểm soát" có thể biến Mekong thành một thảm họa sinh thái, tương tự dòng Hoàng Hà và Dương Tử...

Và chiến lược nước trên phạm vi địa chính trị

Các nước thành viên thuộc Hội đồng Nhân quyền thống nhất (HCR) trong đó có Canada, Pháp, Đức, Italia, Anh và Mỹ đang cáo buộc Sri Lanka có khả năng vi phạm nhân quyền khi thực hiện cuộc chiến tiêu diệt nhóm ly khai Hổ Tamil. Tuy nhiên, Chính phủ Colombo (Sri Lanka) đang được hậu thuẫn bởi một nghị quyết dưới sự bảo trợ của Malaysia, Pakistan, Ấn Độ, Indonesia... và Trung Quốc.

Sri Lanka, nơi được xem có thể là "hòn ngọc" của “vương miện NATO” tại Ấn Độ Dương, đang trở thành một "rạp hát chính trị" với sự ve vãn giữa phương Tây và một số nước trong đó có Nga.

Có vẻ như Trung Quốc đang thắng thế. Ngoài việc viện trợ số vũ khí tổng cộng 100 triệu USD, Trung Quốc còn qua Nhật trở thành nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất với 1 tỉ USD năm 2008 so với 7,4 triệu USD của Mỹ và 1,25 triệu USD của Anh...

Câu chuyện trên được lược thuật từ bài viết của M. K. Bhadrakumar trên Deccan Herald (25/5/2009) ăn nhập gì đến vấn đề nguồn nước đang đề cập? Với Trung Quốc, nước không chỉ là kinh tế, là thịnh vượng, là thứ tài nguyên bắt đầu hiếm hoi khiến xảy ra việc tranh thủ giành giật, mà còn là một chiến lược, mang tính địa chính trị.

Sự được phép có mặt lực lượng hải quân Trung Quốc tại Sri Lanka đang trở thành yếu tố "vô giá" đối với Trung Quốc nếu con kênh đào băng ngang eo Kra (Thái Lan) trở thành tuyến vận chuyển chiến lược nối Ấn Độ Dương và duyên hải Thái Bình Dương của Trung Quốc, một dự án có thể thay đổi sâu sắc cán cân quyền lực theo ý đồ và tham vọng Trung Quốc. Điều đó cho thấy, nước và nguồn nước, không chỉ có giá trị là một tài nguyên.

Chiến lược nước còn thể hiện ở nhiều góc độ khác, từ chính sách viện trợ mạnh tay, xây dựng quan hệ mậu dịch đến việc đóng góp cho các tổ chức tài chính. Từ khi góp vốn lần đầu tiên năm 2004 cho Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Trung Quốc bắt đầu có nhiều ảnh hưởng đến chính sách tín dụng của ngân hàng này, nơi hoạch định các chính sách phát triển cho châu Á nói chung, đặc biệt khi ghế Phó chủ tịch ADB hiện thuộc ngài Kim Lập Quần (Jin Liqun; nguyên Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc).

Kết quả, vài năm gần đây, ADB đã thực hiện hoặc lên kế hoạch nhiều dự án quy mô xây cầu đường và mạng viễn thông nối khu vực Nam Trung Quốc với các quốc gia châu thổ Mekong, trong đó có dự án từng bị "treo" thời gian dài bỗng dưng được hồi phục (xây tuyến đường 244km từ Vân Nam xuống Houey Xai, thị trấn nằm bên bờ Mekong của Lào)...

Nói như Chainarong Srettachau, Giám đốc Tổ chức Mạng sông ngòi Đông Nam Á, cán cân quyền lực khu vực Mekong hiện nằm trong tay Trung Quốc; và đó hẳn có thể là lời giải đáp cho câu hỏi mà Aviva Imhof thuộc Tổ chức Sông ngòi quốc tế đặt ra từ năm 2005 (đến nay vẫn còn treo lơ lửng), rằng: "Dòng Mekong đang từ từ bị bóp nghẹt đến chết. Tại sao các quốc gia hạ lưu không dám đương đầu với hành động ngang ngược của Trung Quốc nhỉ?"

Mạnh Kim

Nguồn: Cand.com.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay