Như Thông

Tính bản địa của nghệ thuật Đông Sơn

1 bài viết trong chủ đề này

HNM) - Chiếc trống đồng có tuổi trên 2.000 năm được phát hiện đầu tiên vào năm 1924 tại làng Đông Sơn bên bờ sông Mã và thuật ngữ văn hóa Đông Sơn được chính thức nêu tên trong giới nghiên cứu khảo cổ quốc tế từ năm 1934 do nhà nghiên cứu người Áo R.Heine Gelderm đề nghị.

Việc khai quật, sưu tầm và nghiên cứu nền văn hóa Đông Sơn trải qua tròn 85 năm. Hàng trăm cuộc khai quật khảo cổ học của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước được tiến hành. Những hiện vật sưu tầm được từ các cuộc khai quật này hiện đang được lưu giữ ở nhiều bảo tàng từ trung ương tới các địa phương, kể cả một số bảo tàng lớn trên thế giới ở Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Anh, Mỹ. Tới nay đã có gần 500 di tích, hàng vạn di vật thuộc văn hóa Đông Sơn- một nền văn hóa thời đại kim khí cách ngày nay 2.000-2.600 năm được phát hiện, nghiên cứu.

Posted Image

Hiện vật Đông Sơn trong triển lãm

Cuộc triển lãm chuyên đề Tiếng vọng Đông Sơn - Những hiện vật mới phát hiện từ năm 2004-2009 đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhân kỷ niệm 85 năm phát hiện văn hóa Đông Sơn một lần nữa minh chứng tính độc đáo và nghệ thuật rực rỡ của nền văn minh Lạc Việt thời các vua Hùng. Triển lãm trưng bày hơn 100 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật chưa từng xuất hiện trong các sưu tập văn hóa Đông Sơn trong nước cũng như trên thế giới như sưu tập đèn ở di chỉ Làng Vạc (Nghệ An), chiếc trống đồng có kiểu dáng và hoa văn khác lạ trang trí hình người kéo thuyền được tìm thấy ở Tây Nguyên, chiếc thạp có chân trổ thủng được tìm thấy ở Thanh Hóa… Các hoa văn và tượng tròn trang trí trên các di vật trưng bày tại triển lãm thực sự gây ngạc nhiên và xúc động cho người xem bởi tính sáng tạo và cách điệu cao của nghệ thuật Đông Sơn.

Vẫn như trước đây, trong giới nghiên cứu trong nước và trên thế giới vẫn luôn có những nghi ngờ về tính bản địa của đồ đồng Đông Sơn. Trong cuốn bút ký khảo cổ học Bí mật cây đèn hình người, nhà khảo cổ học Thụy Điển O.Janse kiến giải cội nguồn cây đèn đồng được tìm thấy ở Lạch Trường (Thanh Hóa) có nguồn gốc từ Hy Lạp vì trên gương mặt tượng người có những đặc điểm giống với vị thần rượu nho Dionysos. Một số nhà nghiên cứu khác thì cho rằng cây đèn có nguồn gốc Hán gắn với tích Trung Nguyên bắt tù binh Hung nô làm người hầu đội đèn. Với bộ đèn đồng hoành tráng đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử mới phát hiện được những năm gần đây, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng khẳng định: “Giờ đây, với một bộ sưu tập đèn trong tay, có niên đại tương đồng với Lạch Trường, khiến cho cây đèn Lạch Trường không còn đơn độc và từng chi tiết của những cây đèn không hề Tây, không hề Hán chút nào. Chúng là những sản phẩm của Đông Sơn, ít nhiều có ảnh hưởng bên ngoài, nhưng được pha trộn và hòa tan từ người Đông Sơn. Chúng luôn để người xem có cảm giác, không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đâu và dường như có sự cách bức về thời gian và không gian, để đến hôm nay, không nhận thấy bất cứ một nguồn gốc nào, ngoài chất Đông Sơn của những cây đèn ấy”.

So sánh bộ đèn hươu, bò, voi ở dạng tượng tròn tại triển lãm với các hoa văn trang trí trên trống đồng, ta sẽ thấy một sự tương đồng thú vị khi các nghệ nhân Lạc Việt xưa tạo hình trong không gian ba chiều và vẽ đồ họa trang trí trên mặt phẳng. Những hình khối khỏe khoắn, căng đầy nhấn mạnh những đường nét kỷ hà hình học hơn là đi vào tả thực những đường uốn mềm mại. Một lần nữa tính thống nhất trong phong cách nghệ thuật Đông Sơn được khẳng định. Rất thú vị khi nghe nghệ sĩ gốm Đan Mạch Michel Geertsen nhận xét khi anh thăm các bảo tàng tại Hà Nội: “Những nghệ sĩ trẻ phương Tây chúng tôi luôn cố gắng tìm những cách thức tạo hình tối giản hiện đại. Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy các di vật gốm và đồng Đông Sơn ở Việt Nam. Các nghệ nhân xa xưa của các bạn còn hiện đại hơn cả chúng tôi. Những hình khối cường điệu và tối giản là điều chúng tôi hướng tới”.

Lý giải về tính bản địa của nghệ thuật Đông Sơn, có thể trích dẫn nhận xét của Phó Giáo sư Nguyễn Du Chi: “Nền văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa của thời các vua Hùng dựng nước, có nguồn gốc bản địa vì chúng ta đã có một nền văn hóa Phùng Nguyên (tiền Đông Sơn) hết sức rực rỡ trước đó”. Điều này càng được minh chứng rõ ràng hơn, khi các học giả hàng đầu về đồ đồng và đồ gốm của Trung Quốc, tiếp xúc với một bộ hiện vật hậu Đông Sơn ở Hà Nội, nhìn thấy bình con tiện, ấm ba chân, mô hình nhà… không hề rung động để coi đây là sản phẩm từ triều đại Đông Hán của họ. Nhìn một cách tổng thể và đơn giản hơn, ta sẽ thấy toàn bộ hoa văn, tượng tròn trang trí Đông Sơn đều diễn tả một thế giới thiên nhiên với các loài muông thú và đời sống của cư dân Lạc Việt với những lễ hội và phong tục tập quán vẫn có một sợi dây liên hệ liền mạch đến tận ngày hôm nay - đó là con người và thiên nhiên đất Việt.

Nguyễn Thu Thủy

Theo www.hanoimoi.com.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay