wildlavender

"Hỏi người lòng cũng nông như vậy/ Làm sao biết yêu sâu?"

1 bài viết trong chủ đề này

Hỏi người lòng cũng nông như vậy/ Làm sao biết yêu sâu?"

Thứ ba, 10/6/2008, 07:00 GMT+7...

"Cha tôi nói: Con thử gõ lên bờ đá giếng chàm làng mình mà xem, nếu nghe tiếng kêu nó đục, là biết ngày mai sẽ mưa. Nghe tiếng trong, ắt ngày mai sẽ nắng gắt. Nghe tiếng thanh, biết người làng sắp sinh em bé. Nghe tiếng trầm biết tiễn người đi. Giếng chàm làng tôi ít ai ngờ tới. Dù cả đời chẳng nói năng, mà thăm thẳm như người..."

Vào những ngày này, ở làng Hiếu Lễ của tôi, giếng ngâm chàm của nhà nào cũng có màu xanh như ngọc. Vì đây là thời kỳ giữa hè, cây chàm đang lúc chín rộ. Khi chín, toàn thân nó có màu xanh đậm. Nếu để quá thì quá lứa, chàm sẽ bị rụng lá. Để chàm rụng lá coi như tự mình làm mất mùa chàm. Mất mùa chàm thì lấy gì nhuộm vải. Thế nên, mọi người mọi nhà vội vàng lên nương thu hái. Họ mang cây chàm bỏ xuống giếng, tháo nước vào ngâm. Ngâm độ vài ba ngày, lá chàm sẽ bị nước phân hủy và lắng xuống thành cao. Tháo phần nước loãng đi, chỉ còn lại cao chàm nằm dưới đáy giếng. Người ta mang nó bỏ và chum để dùng dần. Cành xương còn lại thì vớt lên, đem phơi khô, mang về làm nòm nhóm bếp. Khói bếp có mùi gây cay cay. Mùi khói chàm bay lan ra làm cho muỗi bay, ruồi bay, chuột lủi, gián chạy. Có lẽ vì thế mà hồi xưa trên quê tôi rất ít loài côn trùng và động vật gây hại.

Mỗi giếng chàm có đường kính từ một thước rưỡi đến hai thước tây. Giếng nào cũng sâu ngang ngực. Chúng có từ những ngày dân tứ chiếng đến đây khai hoang lập làng. Nhìn vào những vết đục đẽo, biết tay nghề của các bậc tiền nhân. Tuy thô sơ nhưng tình cảm của họ đối với mảnh đất này vô cùng sâu đậm.

Hồi còn bé, tôi được nghe những ông già bà cả kể về dòng họ Đàm, có nguồn gốc là người Cai Phạ . Còn họ Hứa là người Nùng Inh. Cai Phạ với Nùng Inh là tộc danh hay địa danh? Chịu. Chỉ biết đại khái đến thế. Tất cả đều từ bên kia biên giới kéo sang. Thế là xong. Đây là hai dòng họ lớn nhất ở làng. Kẻ trước người sau đến đây định cư đã được vài trăm năm có lẻ. Từ rất lâu, họ tự nhận mình là cư dân người Tày. Cánh đồng ruộng lúa Bo Thang Bo Ít rộng lớn kia là mồ hôi nước mắt là tài sản vô giá mà họ để lại. Tuy rằng đồng làng tôi cứ hai phần đất có một phần đá. Đá với đất hình thành cá tính con người. Đá đứng. Đá ngồi. Đá nằm. Người cũng vậy. Họ không muốn đi xa ngôi làng này. Đi xa ắt sẽ có đất đai màu mỡ dễ dàng canh tác hơn. Rau màu sẽ tươi tốt hơn. Nhưng họ không chịu. Họ yêu đất này như máu thịt. Người làng tôi cho rằng: Cha mẹ sinh ra cho mình một cái bọc. Đến lượt cái bọc phải tự sinh ra mình. Giàu nghèo đều tự mình gây dựng. Đất đai làng Hiếu Lễ trở thành người mẹ thứ hai. Người mẹ này đùm bọc, nuôi nấng và dạy khôn cho họ. Người mẹ ấy tuy khốn khó nhưng yêu thương con hết mực. Kể từ con trâu con bò do người làng tôi nuôi dạy, cũng chịu thương chịu khó. Và còn một điều này, hình như chúng cũng biết ai là cường quyền, ai là thảo dân. Nếu là cường quyền thì chúng ngang tàng khó lòng khuất phục. Nếu là thảo dân thì chúng cúi đầu ngoan ngoãn, bảo gì nghe đấy.

Cha tôi nói: Con thử gõ lên bờ đá giếng chàm làng mình mà xem, nếu nghe tiếng kêu nó đục, là biết ngày mai sẽ mưa. Nghe tiếng trong, ắt ngày mai sẽ nắng gắt. Nghe tiếng thanh, biết người làng sắp sinh em bé. Nghe tiếng trầm biết tiễn người đi. Giếng chàm làng tôi ít ai ngờ tới. Dù cả đời chẳng nói năng, mà thăm thẳm như người.

Vào những đêm trăng sáng. Thanh niên làng tôi tụ tập bên giếng chàm. Lúc đầu chỉ vài ba người. Càng về khuya càng đông. Họ đến đây là để ngồi chơi gió. Gió vờn bay tóc dài xanh mướt. Xanh mướt thơm mùi lá chua. Lá chua đầy lên trong lòng người trai thầm yêu. Nhưng hình như cánh đàn ông làng tôi ai ai cũng đều vụng và sợ đàn bà con gái. Hãy lắng nghe cánh đồng lúa đang thì con gái. Lúa cắn nhau. Lúa nói . Lúa cười. Rồi lúa làm gì mà chỉ nghe tiếng: Suỵt! Soạt! Tiếng kêu rên há hứ. Toát lên đầy vẻ thích thú mãn nguyện. Nhiều đôi sau này trở thành vợ chồng. Hàng năm, cứ đến ngày sinh đứa con thứ nhất cả nhà bồng bế nhau ra giếng chàm. Lúc này không chỉ ra đây để hóng mát mà còn để nhớ lại biết bao kỷ niêm đẹp đầu đời.

Giếng chàm là nơi tình tự, trở thành “công viên đá” của tuổi trẻ. Giếng chàm cũng là nơi cung cấp mọi thông tin cho làng. Từ chuyện ai nhức đầu sổ mũi ốm đau. Nhà nào có khách đến chơi, khi về họ xỏ nhầm giày. Đêm qua ai quá chén, ngủ quên nơi quán rượu. Ai thua đề bị bà vợ vác đòn càn đuổi đánh. Con nhà nào phải lòng trai trong đống rơm… Chuyện gì xảy ra ở làng đều bị mọi người tò mò thóc mách. Nhưng chỉ cần ra khỏi bờ tre chỉ vài trăm mét, mọi chuyện đều là của người ta và trở nên kín mít. Mỗi dịp được trở về thăm làng tôi lại bần thần đứng bên bờ giếng.

Tôi nhớ các mẹ, các chị khi đi làm chàm, mắt ai cười cũng đen. Tiếng họ nói cũng có màu đen nhưng nhức. Giữa trưa hè nóng bức, màu đen lại biến thành màu trắng sáng. Nhưng chỉ với không gian dành riêng cho cánh đàn bà thì mới cảm nhận được điều thú vị này.

Chu Văn Păn

nguồn vietimes

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay