Thiên Sứ

Chuyện ít người biết về xá lợi Phật

8 bài viết trong chủ đề này

Chuyện ít người biết về xá lợi Phật - Kỳ 1:

Thiền sư từ VN sang đất Ngô

Nguồn Thanh Niên Online

11/06/2009 0:20

Posted Image

Đưa ngọc xá lợi Phật lên chuyến bay đặc biệt tại phi trường Tân Sơn Nhất ra Hà Nội ngày 6.6.2009 - Ảnh: Giao Hưởng

Từ nay đến 14.6, chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) vẫn sẽ tiếp tục mở rộng cửa điện Pháp vương (Pháp chủ) đón mọi người đến chiêm bái ngọc xá lợi Phật vừa được rước từ TP.HCM ra tôn trí ở đó vào cuối tuần qua.

Dịp này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc một số tài liệu đặc biệt liên quan đến nguồn gốc và những câu chuyện lạ quanh ngọc xá lợi Phật được lưu truyền ở Việt Nam lâu nay.

Mở đầu là chuyện thiền sư Khương Tăng Hội từ Việt Nam chống gậy sang miền Giang Tả của Trung Quốc để truyền bá Phật pháp cách đây hơn 1.700 năm (vào năm 247 dương lịch). Ngài đến kinh đô Kiến Nghiệp của nước Ngô (là một trong ba nước chia nhau thế chân vạc thời Tam Quốc) để dựng am tranh và lập bàn thờ Phật. Thời đó, tuy đạo Phật đã truyền vào nước Ngô song vì mới manh nha buổi đầu nên người trong nước còn ngờ vực và rất ngạc nhiên khi thấy một "ông thầy tu" xuất hiện, họ đã tâu lên với vua là Tôn Quyền rằng: "Có một người ở nước ngoài mới vào, trông dáng điệu và cách ăn mặc của người ấy khá lập dị, lạ mắt, vì thế xin nhà vua cho kiểm tra xét hỏi kỹ càng".

Nghe tâu, Tôn Quyền sai người mời Khương Tăng Hội đến gặp và hỏi: "Đạo Phật có gì linh nghiệm?". Khương Tăng Hội đáp: "Có ngọc xá lợi Phật". Tôn Quyền hỏi xá lợi là gì? Ngài giải thích, đại ý xá lợi là phần còn lại sau khi dùng lửa hỏa thiêu thân của Phật Thích Ca Mâu Ni khi ngài mới qua đời. Thân ấy là thân kim cương, không có gì làm hư hoại được, song vì lòng đại bi thương xót chúng sanh nên Phật đã dùng thần lực khiến nát thành hàng chục vạn hạt ngọc sáng đẹp li ti để lại cho đời. Ai nhìn thấy và cung kính chiêm ngưỡng, lễ bái xá lợi, người ấy sẽ được phước lớn. Chính vì vậy, sau ngày Phật tịch diệt khoảng 100 năm, vua A Dục đã tìm kiếm và phân phát xá lợi cho người khắp các phương, đồng thời ra lệnh xuất vàng bạc trong kho, quyên góp thêm của bá tánh bên ngoài, để xây tám vạn bốn nghìn tháp thờ xá lợi ở nhiều quốc gia: "Phàm việc dựng tháp cũng là nhằm giữ gìn ngọc Phật, để làm rõ thêm cho đời sau biết sự linh ứng của những gì còn sót lại từ thân kim cương bất hoại của đấng chí tôn". Tôn Quyền vẫn chưa tin hẳn, bảo Khương Tăng Hội:

- Thầy nói Phật linh ứng thì thầy hãy thử cầu Phật ban xá lợi xuống nơi đây, đem đến ta xem tận mắt. Nếu thật có xá lợi ta sẽ truyền cho dựng tháp để thờ. Còn như thầy cầu không có xá lợi tất nhiên thầy sẽ mang tội khinh dối và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc theo phép nước của ta.

Khương Tăng Hội đồng ý mở pháp hội cầu xá lợi Phật tại kinh thành Kiến Nghiệp trước sự chứng kiến của vua tôi nhà Ngô và xin cho 7 ngày để báo kết quả. Liền đó ngài về am tranh gọi hết các pháp thuộc tức các đệ tử đã đi theo ngài từ Việt Nam sang đất Ngô thông báo: "Giáo pháp của đức Thích Ca có thịnh hành hoặc bị gạt bỏ ở đất Ngô này sẽ do chính kết quả của pháp hội lần này quyết định, nên các ngươi phải chí thành cầu nguyện nếu không về sau hối hận cũng vô ích". Nói rồi ngài cùng các pháp thuộc rút vào hẳn trong tịnh thất, chay tịnh cả thân lẫn tâm, nâng chiếc bình rỗng đặt lên bàn thờ, thành kính thắp hương lễ lạy nguyện cho xá lợi Phật hiện ra trong bình. Nhưng 7 ngày trôi qua không thấy ứng nghiệm, bình vẫn rỗng không. Ngài bèn xin thêm 7 ngày nữa, vẫn không hiệu quả... Tôn Quyền tỏ ý bực dọc nói: "Thật là dối gạt người khác" và định kết tội ngài. Song ngài lại xin gia hạn lần cuối nữa, thêm 7 ngày tiếp đó. Tôn Quyền cũng rộng rãi chấp thuận, y theo. Lần này, đến sẩm tối ngày thứ 7 rồi, vẫn chưa thấy động tịnh gì, Tôn Quyền muốn xử tội ngài thích đáng. Ai nấy đều lo sợ và nghĩ chắc tính mạng của ngài và các đệ tử đã được định đoạt, nhưng khi tới canh năm, lúc trời mờ mờ sáng, bỗng "nghe có tiếng leng keng, loảng xoảng trong bình, Khương Tăng Hội đến mở ra xem, thấy có xá lợi hiện ra trong đó, sáng hôm sau Khương Tăng Hội đem trình cho Tôn Quyền xem. Cả triều đều tụ lại chiêm ngưỡng và thấy ánh sáng năm màu của xá lợi chói sáng lên quanh miệng bình rất đẹp. Tôn Quyền tự tay mình nâng bình lên để trút ra chiếc mâm bằng đồng đặt sẵn. Lạ thay, xá lợi lăn tới đâu thì mâm đồng vỡ nát tới đó".

Posted Image

Chùa Bái Đính (Ninh Bình) trong buổi đón ngọc xá lợi Phật cuối tuần qua

Đoạn trích trên đây không phải là lời nói cửa miệng, mà được chính các sách sử Trung Quốc ghi lại, như Cao tăng truyện của Huệ Hạo (496 - 553) hoặc Xuất tam tạng ký tập của Tăng Hựu (445 - 518), tham khảo sử sách các triều Tấn, Tống, Tề, Lương, Ngụy... Riêng Cao tăng truyện ghi lại chi tiết tiếp theo như sau: Khi thấy xá lợi trút ra lăn vỡ mâm đồng, Tôn Quyền quá đỗi kinh ngạc, nói: "Thật là điềm lành hiếm có".

Khương Tăng Hội nói thêm với Tôn Quyền: "Oai thần của xá lợi không chỉ dừng lại ở những tia sáng ngũ sắc kia đâu. Mà còn ở chỗ đem lửa đốt không cháy, lấy chày bằng kim cương đập cũng không thể nát". Tôn Quyền sai người làm thử, đặt xá lợi trên chiếc đe sắt, bảo lực sĩ cầm chày để đập, nhưng xá lợi không hề gì, mà cả đe sắt lẫn chày đều bị nứt vỡ: "Quyền tận mắt chứng kiến việc ấy nên thán phục không ngớt, truyền cho dựng tháp để thờ và lập một ngôi chùa gọi là chùa Kiến Sơ. Chỗ đất ấy về sau gọi là xóm Phật". Và đạo pháp ở Giang Tả hưng thịnh bắt đầu từ câu chuyện một thiền sư từ Việt Nam cầu nguyện cảm ứng xuất hiện ngọc xá lợi tại Trung Hoa như thế.

Khi Tôn Quyền bệnh chết năm 252, nước Ngô trải qua cuộc biến động, đến Tôn Hạo nối ngôi cha năm 264 muốn hủy báng Phật pháp, sai đem tượng vàng đào được sau hậu cung đặt ở ngoài trời, lấy nước bẩn tưới lên gọi là "tắm Phật" để đùa cợt, nhạo báng. Chỉ trong chốc lát, cả mình mẩy Hạo sưng to, bìu đái đau nhức, gào kêu suốt ngày không bớt, liền cho mời Khương Tăng Hội vào hỏi chuyện.

(Còn tiếp)

Giao Hưởng

Nhời bàn của Thiên Sứ:

Tôi không có ý hoài nghi, hoặc không hoài nghi về nội dung chính được chuyển tải của câu chuyện này là sự linh thiêng của Phật Pháp. Tuy nhiên tôi cho rằng có một chi tiết dưới đây cần phải xem xét lại về góc độ lịch sử:

Thời đó, tuy đạo Phật đã truyền vào nước Ngô song vì mới manh nha buổi đầu nên người trong nước còn ngờ vực và rất ngạc nhiên khi thấy một "ông thầy tu" xuất hiện, họ đã tâu lên với vua là Tôn Quyền rằng: "Có một người ở nước ngoài mới vào, trông dáng điệu và cách ăn mặc của người ấy khá lập dị, lạ mắt, vì thế xin nhà vua cho kiểm tra xét hỏi kỹ càng".

Thực ra vào thời đó, dân Việt vẫn bị đô hộ bới nhà Hán về mặt danh nghĩa và chính quyền cai trị trực tiếp - độc lập trên thực tế với nhà Hán, chính là nhà Ngô. Hoàng Cái, một danh tướng tiên phong trong trận Xích Bích nổi tiếng đã từng là cai quản vùng Lĩnh Nam. Bởi vậy, việc coi thiền sư Khương Tăng Hội là người nước ngoài là không hợp lý. Chỉ có thể coi là: Người Việt hoặc người Lĩnh Nam mà thôi.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kỳ 2: Những linh ứng bất khả tư nghì

Tôn Hạo muốn phá bỏ tháp thờ xá lợi Phật do cha mình (Tôn Quyền) phát tâm dựng nên. Hay tin ấy, nhiều vị tâu vua chớ khinh suất vì xá lợi do Khương Tăng Hội cầu nguyện cảm ứng là điềm lành hy hữu của nước Ngô, mà “Phật là vị đạo sư của chư thiên trên trời lẫn loài người dưới thế, nên xin nhà vua hãy cẩn trọng đừng đập phá, sợ sẽ động đến mệnh nước và ngôi thiên tử”.

Nghe lời tấu trên, Tôn Hạo chùn tay lại, sai một người “có tài ăn nói lưu loát, bắt bẻ ngọn ngành” là Trương Dục đến chùa Kiến Sơ gặp Khương Tăng Hội để chất vấn về ngọc xá lợi và Phật pháp. Hai người đàm đạo suốt ngày, Hội giải thích và đối đáp trôi chảy, khiến Dục tâm phục, hỏi thêm: “Sát cổng chùa có ngôi miếu thờ dâm từ trái với Phật pháp sao chưa đập phá?”. Hội đáp:

- Khi sấm sét vang dậy, sức nổ đánh sập cả ngọn núi lớn, nhưng người điếc không nghe tiếng sấm ấy, không phải vì thế mà tiếng sét bị nhỏ đi. Thưa ngài, cũng vậy, giáo lý nhà Phật rất sâu mầu, nếu có kẻ tăm tối không rõ chánh pháp thì chánh pháp vẫn không vì thế bị lu mờ theo. Nay dâm từ ở cạnh chùa, chùa không vì thế mà mất chân pháp...

Nhớ lời đáp ấy, Trương Dục đem về tâu với Tôn Hạo. Hạo ngẫm nghĩ nghĩa thâm diệu, mới quyết định không đập phá chùa tháp nữa. Khi Tôn Hạo ngã bệnh (như viết ở kỳ trước), cho người cầu đảo khắp miếu đường không lành, phải đem tượng Phật đặt lên điện lễ bái, sám hối ngày đêm và lấy nước thơm rửa tượng mấy chục lần, cơn đau mới giảm dần. Khương Tăng Hội vào cung thuyết pháp cho Hạo, đến đoạn nói người tu hành đi, đứng, nằm, ngồi (tứ oai nghi) đều nghĩ đến nỗi khổ của chúng sanh để cứu vớt, Hạo cảm động thấu tim, mới xin quy y tam bảo (là ba ngôi cao quý: Phật, pháp và tăng). Quy y được 10 ngày, bệnh lành, Tôn Hạo xuống lệnh tu sửa chùa Kiến Sơ rỡ ràng trang nghiêm hơn nữa và bảo các tôn thất quần thần phải phụng thờ chư Phật, ai nấy đều tuân theo.

Sống và truyền pháp như thế trên đất Hoa hơn 30 năm, Khương Tăng Hội đã viên tịch năm 280, để lại nhiều công trình dịch kinh, dựng chùa, xây tháp thờ xá lợi. Đến đời Đường, ngài Huyền Trang sau chuyến Tây du mang về 150 viên ngọc xá lợi Phật và rất nhiều kinh tiếng Phạn để phiên dịch sang tiếng Hán, người ta đã vẽ trên tường của Viện phiên kinh ở chùa Đại Từ Ân các dịch giả kinh Phật trước đó, trong đó có tượng Khương Tăng Hội.

Ngài là một thiền sư Việt Nam, song tác giả người Trung Quốc (như Tỉnh Mại) khi viết về ngài đã tước bỏ nguồn gốc Việt Nam (người Giao Chỉ) của ngài, để thay vào đó “quốc tịch” Trung Hoa, cụ thể viết: “Khương Tăng Hội là trưởng tử của đại thừa tướng nước Khương Cư”. Sự thật không phải như thế và nguồn gốc Việt Nam của ngài Khương Tăng Hội đã được các thiền sư cũng như nhiều nhà nghiên cứu Phật học nước ta truy nguyên, như thiền sư Thích Nhất Hạnh (Nguyễn Lang) khẳng định: “Tăng Hội chắc chắn là sinh trên đất Giao Chỉ. Cha và mẹ ông mất năm ông lên mười tuổi (...) lớn lên ông đi xuất gia và tu học rất tinh tiến”.

Posted Image

Quang cảnh rước xá lợi Phật tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) - Ảnh: Giao Hưởng

Còn học giả Lê Mạnh Thát cũng nêu rõ: “Tổ tiên Khương Tăng Hội gốc người Khương Cư (Sogdiane), nhưng đã mấy đời đến ở Ấn Độ, tới thời cha Hội vì buôn bán lại di cư sang nước ta và sinh sống tại Giao Chỉ (...). Qua các tác phẩm (của Khương Tăng Hội) để lại có nhiều dấu vết chứng tỏ Hội đã chịu ảnh hưởng truyền thống Lạc Việt một cách sâu đậm.

Một là, về mặt ngôn ngữ, hiện nay Lục độ tập kinh (một dịch bản của Khương Tăng Hội) chứa đựng nhiều cấu trúc mang ngữ pháp tiếng Việt cổ, mà ngoài lý do Hội phải dùng một nguyên bản tiếng Việt, còn có yếu tố thói quen ngôn ngữ hình thành từ chính mẹ đẻ (người Việt) của mình mới mạnh mẽ như thế để có thể lưu lại dấu ấn trong tác phẩm. Hai là, về nội dung và tư tưởng, Khương Tăng Hội đã chứng tỏ một lòng yêu mến tha thiết truyền thống văn hóa người Việt đến nỗi truyền thuyết Trăm trứng - một truyền thuyết đặc biệt Việt Nam - nói về nguồn gốc của dân tộc Việt, vẫn không bị Khương Tăng Hội cải biên”.

Sử sách ở Trung Quốc và Việt Nam đều ghi chép Khương Tăng Hội là một vị sư “hiểu rõ ba tạng (Kinh, Luật, Luận của Phật giáo), xem khắp sáu kinh, thiên văn đồ vĩ, phần lớn biết hết, giỏi việc ăn nói, viết văn rành rõi”. Vậy một thiền sư, một bậc học giả lớn như Khương Tăng Hội trưởng thành từ Việt Nam (Giao Chỉ) với bản lĩnh như thế, chứng tỏ lúc ấy nước ta đã có một nền văn hóa và giáo dục vững chắc như Lê Mạnh Thát kết luận: “Có thể nói Khương Tăng Hội là một thành tựu đầu tiên và xuất sắc của nền giáo dục Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, khác hẳn các sản phẩm của nền giáo dục nô dịch Trung Quốc đang hoạt động mạnh mẽ vào thời đó (thế kỷ thứ 3)...”.

Khoảng 46 năm sau ngày Khương Tăng Hội qua đời, tháp thờ xá lợi do ngài dựng nên bị Tô Tuấn đốt cháy, sau được Tư không Hà Sung dựng lại và tướng Triệu Dụ đứng dưới tháp thách thức: “Ta nghe từ lâu tháp này phóng ra ánh sáng năm màu rực rỡ, ta cho đó là lời thêm thắt hư ngụy không có thật, ta không tin, nếu ngay bây giờ ta thấy ánh sáng ấy mới tin”. Chưa dứt lời, tháp xá lợi đã phóng quang bừng sáng cả chùa.

Dụ lóa mắt, rợn tóc gáy, lập tức sai dựng thêm một tháp nhỏ và vẽ hình Khương Tăng Hội lưu truyền. Hơn 700 năm sau, ở Việt Nam, chuyện lạ thứ hai lại xuất hiện khi người ta thấy một luồng ánh sáng chói chang đột nhiên phóng lên từ đất chùa Pháp Vân. Đào xuống chỗ phát nguồn sáng ấy, lấy lên được một hòm xá lợi Phật còn nguyên, với màu ngũ sắc lung linh như vừa từ lửa đỏ đem ra. Việc ấy thế nào?

(Còn tiếp)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kỳ 3: Thăng Long đón xá lợi Phật từ gần 1.000 năm trước

Khi ngọc xá lợi Phật đưa từ TP.HCM về tôn trí tại điện Pháp vương (Pháp chủ) ở chùa Bái Đính - Ninh Bình hoàn tất tốt đẹp cuối chiều 6.6, ban tổ chức đã mời đông đảo tăng ni Phật tử dự bữa cơm tối tại nhà hàng Vạn Tâm chay nằm trên đỉnh đồi Tam thế của ngôi chùa nhiều kỷ lục nhất này.

Posted Image

Ngọc xá lợi Phật tại sân bay Tân Sơn Nhất (6.6.2009) - Ảnh: G.H

Chính bữa đó, không ít người nêu câu hỏi: "Hôm nay có phải là lần đầu tiên Hà Nội rước ngọc xá lợi Phật hay không?" Người đáp thế này, kẻ nói thế nọ, lát sau một vị hòa thượng đã ôn tồn giải đáp:

- Không. Đây không phải là lần đầu tiên. Mà từ xa xưa gần cả nghìn năm trước, Thăng Long tức Hà Nội ngày nay đã đón xá lợi Phật rồi. Việc cung nghinh và chiêm bái xá lợi Phật thời ấy bắt nguồn từ phước duyên của hai vị hoàng đế mở đầu triều Lý...

Vị thứ nhất là Công Uẩn (Lý Thái Tổ) nằm mộng thấy rồng cuộn bay lên (Thăng Long). Rồng - theo hòa thượng trên - là thị hiện của một trong 8 vị Thiên long bát bộ vốn đã phát nguyện luôn luôn hộ trì Phật pháp, gồm: 1. Thiên (chư thiên trên cõi trời) nguyện nếu xá lợi Phật lập tháp tôn thờ nơi đâu các ngài sẽ rải mưa hoa xuống nơi đó. 2. Long (tức rồng) nguyện nếu xá lợi Phật phát quang nơi nào các ngài sẽ uống ánh sáng (ẩm quang) của nơi đó để soi rõ đường về hạnh phước cho các sinh linh lạc đường. 3. Dạ xoa (loài quỷ có phép phi hành qua lại trên không trung nhanh như chớp) nguyện nếu xá lợi Phật cần di chuyển hiến cúng nơi nào các ngài sẽ hộ trì để việc cung nghinh nhanh đến nơi đó. 4. A-tu-la (có thần lực đưa cả nghìn quyến thuộc vào ẩn trong một cọng sen) nguyện nếu xá lợi Phật hiện trong bất cứ đóa hoa nào các ngài sẽ rưới nước thơm để nuôi hoa ấy bất tử. 5. Ca-lâu-la (đại bàng Kim Sí Điểu) nguyện nếu xá lợi Phật thờ ở dòng suối xa nhất bắt nguồn từ trên nghìn mây đổ xuống thì các ngài cũng sẽ nghiêng đôi cánh để dòng nước ấy rót về mọi trái tim và để tất cả tắm mát trong ánh sáng từ thân kim cương Phật tỏa ra. 6. Càn thát bà (thần âm nhạc) nguyện nếu xá lợi Phật ở nơi nào các ngài sẽ đến nơi ấy tấu nhạc lên cho hoa nở và tỏa hương thơm vào tận chỗ sâu thẳm nhất của hồn người. 7. Khẩn-na-la (thần ca hát) nguyện nếu xá lợi Phật ở nơi nào các ngài sẽ đến nơi đó hát lên lời ngợi ca mà gió càng thổi lớn lời ca ấy càng lan rộng qua ba ngàn thế giới và đầy ắp hư không không có biên bờ. 8. Ma-hầu-la-già (đại mãng xà vương) nguyện nếu xá lợi Phật ở nơi nào các ngài sẽ cuộn mình quanh nơi ấy để bảo vệ cho người đến lễ lạy và phun nọc độc trừ diệt tà tâm. Vậy khi rồng xuất hiện trong mộng của Lý Công Uẩn chính là để báo trước thời Phật giáo cực thịnh đời Lý với sự có mặt không ngớt của hộ pháp Thiên long bát bộ, thể hiện ngay khi Công Uẩn còn sống, như ghi nhận của Nguyễn Lang: "Lúc vừa lên ngôi Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) đã cho xây 8 ngôi chùa ở quê mình (tức ở phủ Thiên Đức tỉnh Bắc Ninh), cho dựng chùa Hưng Thiên Ngự ở Thăng Long, lập thêm các chùa Vạn Tuế, Thiên Quang, Thiên Đức, Thiên Vương, Thắng Nghiêm, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ, tất cả chừng 300 ngôi mới, đồng lúc dựng lại những chùa cũ (bị hư nát)". Trước khi mất (1028), vua lập thêm chùa Chân Giáo (1024) và răn dạy tôn thất phải đời đời quy y tam bảo, thực hành chánh pháp và thờ xá lợi Phật.

Vị thứ hai, là thái tử Phật Mã, lên nối ngôi (tức Lý Thái Tôn), đã tiếp tục công cuộc hoằng pháp của vua cha để lại, sắc lập 95 ngôi chùa, sơn mới lại các tượng Phật khắp nơi, rước Đại tạng kinh về thờ. Vua làm lễ lạc thành 1.000 tượng Phật bằng gỗ, 1.000 bức tranh Phật, 10.000 cờ phướn, đúc tượng Di Lặc bằng đồng nặng đến 7.560 cân, dựng chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột)... Những Phật sự ấy chắc chắn đã tạo phước duyên lớn đưa đến sự kiện xá lợi Phật dưới nền chùa Pháp Vân phát sáng hào quang. Người ta theo luồng ánh sáng ấy đào xuống, phát hiện và lấy lên một cái hòm bằng đá. Mở hòm đá ra, thấy bên trong có một hòm khác bằng bạc. Trong hòm bạc lại có một hòm nữa bằng vàng. Mở hòm bằng vàng, lại thấy một bình lưu ly đựng xá lợi Phật.

Biết chuyện, Phật Mã sai rước xá lợi Phật vào cấm điện của hoàng thành Thăng Long. Việc cung nghinh xá lợi Phật vào Thăng Long như thế nào các sử gia theo Nho giáo không mô tả rõ ràng. Song những nét chính của sự kiện vẫn phải ghi lại qua các cuốn sử lớn như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên. Theo đó, sau ngày rước về cung điện chiêm bái, Phật Mã sai đem tôn trí chỗ cũ (trong khuôn viên chùa Pháp Vân) vào năm 1034. Niên đại ấy xác nhận ngọc xá lợi Phật có mặt tại Thăng Long - Hà Nội cách đây đã gần 1.000 năm, nếu tính chính xác là đã 975 năm rồi (tức từ 1034 - 2009) chứ không đợi đến bây giờ.

Một điều nữa: Ngọc xá lợi Phật vì sao lại có tại chùa Pháp Vân? Và có từ bao giờ?

Điều ấy giới nghiên cứu giải thích khá rõ. Chùa Pháp Vân (tức chùa Dâu) là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nơi thiền sư Pháp Hiền xây tháp để thờ 1 trong 5 hòm xá lợi đưa từ Trung Quốc sang nước ta hiến cúng khoảng năm 601 (tức cách đây hơn 1.400 năm) bởi vua Tùy Văn Đế (Dương Kiên). Dương Kiên là một ông vua rất sùng kính Phật pháp, sai dựng bảo tháp thờ xá lợi tại hơn 150 chùa ở "ngoài các châu", từng nói với pháp sư Đàm Thiên là hãy chọn một số vị tăng có đạo hạnh và nổi tiếng ở Trung Quốc để đưa sang Giao Châu truyền bá đạo Phật, nhưng Đàm Thiên nói đại ý: "Đất Giao Châu xưa nay có đường thông với Thiên Trúc (Ấn Độ) nên Phật pháp đã truyền thẳng đến đó và lúc ở Giang Tả chưa có gì mà trên đất Luy Lâu của họ (Việt Nam) đã dựng được 20 ngôi chùa, độ tăng đã hơn 500 vị, kinh tiếng Phạn đưa tới cũng dịch trọn 15 cuốn rồi. Nay lại đang xuất hiện thượng sĩ Pháp Hiền là vị đã đắc pháp với ngài Tì-ni-đa-lưu-chi (đại đệ tử của Tam tổ Tăng Xán) và đang lưu chuyển mạng mạch thiền tông trên đất ấy, có không dưới 300 người dự mỗi lần mở pháp hội, xem thế chẳng khác quy mô truyền pháp ở Trung Quốc chút nào. Vậy nhà vua không cần đưa cao tăng Trung Quốc đến, mà chỉ cần dùng lời tùy thuận để khuyến phát, hoặc gởi cúng hiến ngọc xá lợi để trang nghiêm pháp giới của họ". Dương Kiên nghe theo, nên đã "sai sứ ban 5 hòm xá lợi Phật kèm sắc điệp" gửi sang nước ta để thiền sư Pháp Hiền dựng tháp cúng dường từ đầu thế kỷ thứ 7. Đến thế kỷ 14, sử sách còn ghi nhận sự tồn tại các xá lợi ấy trước khi bị thất tán. Nay các nhà nghiên cứu đứng trước câu hỏi đáng suy ngẫm: phải chăng ngọc xá lợi Phật đã từng được cung nghinh về hoàng thành Thăng Long từ gần 1.000 năm trước vẫn đang còn ẩn đâu đó dưới lòng đất của nền chùa Pháp Vân? (Còn tiếp)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kỳ 4: Bất tử sau ngọn lửa thiêu

Trong số 7 ngọc xá lợi cung nghinh đến chùa Quán Sứ cuối tuần qua có 4 ngọc xá lợi Phật và 3 ngọc xá lợi thánh tăng. Xá lợi thánh tăng là của những vị nào? Trả lời câu hỏi ấy, hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm viện chủ của hai chùa Quán Sứ và Bái Đính, cho biết:

Posted Image

Lễ khởi hành cung nghinh xá lợi Phật ở chùa Giác Quang – TP.HCM - Ảnh: Giao Hưởng

- Đó là xá lợi của ba vị đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, trong đó có hai vị rất hữu duyên và quen thuộc từ xưa với Phật tử nước ta là: Đại hiếu Mục Kiền Liên mà chúng ta thường nghe nhắc đến tên ngài vào mỗi dịp lễ Vu lan rằm tháng 7 hằng năm và Đại trí Xá-lợi-phất mà mỗi sớm mai các chùa ở Việt Nam thường xướng danh ngài khi tụng Bát nhã tâm kinh qua câu: Xá lợi tử (tức Xá-lợi-phất)! Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm... Cả hai ngài đều đắc quả A la hán và mỗi ngài đứng đầu một thành tựu, Mục Kiền Liên thì đạt đến chỗ “thần thông đệ nhất”, Xá-lợi-phất đạt đến “trí huệ đệ nhất” trong hàng đại đệ tử của Phật thời tại thế.

Vì vậy, hòa thượng viện chủ nói thêm, được chiêm bái xá lợi của hai thánh tăng trên là hạnh phúc lớn và là dịp để Phật tử nhớ đến những bài học sống động do hai ngài để lại sau ngọn lửa thiêu. Trước hết là tình bạn tâm giao, chung thủy hiếm có giữa hai ngài. Mục Kiền Liên và Xá-lợi-phất cùng theo học với một vị thầy là Phạm chí Sanjaya (người đề xướng một trong 6 phép tu ngoại đạo nổi tiếng thời ấy ở Ấn Độ) và đều nhanh chóng trở thành thượng thủ của phái trên, mỗi ngài thống lĩnh 250 đồ chúng. Tuy vậy, hai ngài vẫn thấy sức tu học của mình theo phái ấy chưa thật sự xuất trần giải thoát. Nhất là ngày kia, khi thầy Sanjaya lâm bệnh nặng, hơi thở nhọc mệt, đứt quãng, hai ngài đứng hầu không rời, Mục Kiền Liên đứng phía dưới chân giường, Xá-lợi-phất đứng ở đầu giường, buồn bã trước cơn hấp hối của thầy. Bỗng hai ngài hết sức ngạc nhiên khi thấy thầy cựa mình, rồi phá lên cười lớn, cười mãi, liền thưa: “Sao thầy lại cười?”. Sanjaya mở mắt, giải thích: “Ta sắp chết, ta lại nghĩ đến cái chết vô ích của nhiều người khác, trong đó có đại phu nhân của hoàng đế nước Kim Địa. Phu nhân ấy cũng giống như bao người, sau khi bị cột chặt trong vòng ân ái một đời, đã thương yêu quyến luyến, đến nỗi vua Kim Địa chết, bà đã tự nhảy vào giàn lửa để chết theo, vì bà nghĩ rằng sẽ gặp được nhà vua sau cái chết chung tình ấy. Ngờ đâu hai người không thể gặp nhau được. Là vì nhà vua theo nghiệp lực và nhân duyên của riêng mình dẫn dắt nên phải đầu thai vào một nơi. Còn phu nhân cũng theo nghiệp lực và nhân duyên của bà mà đầu thai vào nơi khác. Họ không thể gần nhau ở kiếp sau như mơ ước. Ta thấy thương xót trước sự nhầm lẫn của phu nhân. Nhưng ta cũng không nhịn cười được trước cảnh trái ngang đó. Bởi phu nhân tuy có tình, nhưng không có trí huệ chân thật, nên ta phá lên cười”. Sanjaya bảo rằng hãy nghe đây các đại đệ tử của ta, ta chỉ biết ngang đó, còn bước tiếp theo để giải thoát khỏi sự chi phối của nghiệp lực thì các ngươi hãy tìm học vị thầy khác, để có thể tự do chọn nơi mình đến sau ngày nhắm mắt. Nói xong thầy Sanjaya qua đời, để lại niềm trăn trở đầy trời cho Mục Kiền Liên và Xá-lợi-phất. Từ đó hai ngài thao thức tìm hướng đi mới và giao ước nhau hễ ai gặp được vị đạo sư trước, phải chỉ dẫn cho người kia cùng theo học pháp môn giải thoát.

Posted Image

Người Hà Nội cung nghinh xá lợi Phật - Ảnh: Giao Hưởng

Một hôm Xá-lợi-phất thấy đệ tử Phật Thích Ca là tì kheo Mã Thắng (A-thuyết-thị) đang đắp y và cầm bình bát đi vào thành Vương Xá khất thực trông rất trang nghiêm, với thần sắc tự tại, trong lòng không khỏi thầm phục, liền lên tiếng hỏi đạo. Ngài Mã Thắng đem lý vô ngã trả lời cho Xá-lợi-phất nghe hết sức ngắn gọn qua mấy câu kệ: “Các pháp nhân duyên sanh. Các pháp nhân duyên diệt...”. Ngay đó, ngài Xá-lợi-phất chứng Sơ quả giữa đường phố, hoan hỉ về báo lại với Mục Kiền Liên. Mục Kiền Liên nghe kệ xong, cũng liền chứng Sơ quả. Hai ngài dẫn tất cả đồ chúng của mình đến thưa với Phật: “Bạch đức thế tôn, chúng con đến đây muốn được xuất gia theo Phật”. Phật nói: “Thiện lai tì kheo !”, lời vừa dứt, râu tóc Mục Kiền Liên, Xá-lợi-phất và tất cả đệ tử đi theo đều tự rụng hết, trên thân hiện ra áo pháp mặc vào, y bát đầy đủ, thành tựu việc thọ giới chưa đầy một sát na.

Nay xá lợi của hai ngài đã về đến chùa Quán Sứ và Bái Đính để làm phước điền (ruộng phước) cho mọi người. Lúc chiêm bái, lễ lạy, chúng ta nhớ đến Mục Kiền Liên mà cái chết của ngài là một bài học lớn. Nguyên đi khất thực, ngài bị các môn đồ do Phạm chí Chấp Trượng cầm đầu vì ganh ghét đã vây đánh ngài. Với sức thần thông bậc nhất ngài có thể khiến đám người kia nát tan thành bụi trong chớp mắt, song ngài vẫn đứng yên để bọn đó dùng gậy gộc gạch đá đập vào người, vào đầu, bị thương nặng đến chết. Các vị sư giải thích, sở dĩ ngài đứng yên là để trả món nợ tiền kiếp, không một lời chống cự. Đó là do lòng từ tâm và sức nhìn thấu những duyên do quá khứ của ngài. Ngài cũng cầu nguyện cho những người đánh chết ngài luôn được an vui và tìm thấy con đường giải thoát khỏi phàm tình. Đức Phật đã cho xây tháp Mục Kiền Liên ở cổng vào tịnh xá Trúc Lâm ngày trước và xá lợi của ngài phân phát khắp nơi.

Ngài Xá-lợi-phất cũng nhập diệt sớm hơn Phật, sau lễ trà tỳ (hỏa thiêu) xá lợi của ngài đưa vào tháp, ngày nay đã cung nghinh đến hai chùa Quán Sứ và Bái Đính. “Hãy chiêm bái ngọc xá lợi của các vị thánh tăng không những với sự tôn kính quả vị A-la-hán của các ngài, mà còn với niềm tôn kính dành cho những vị Phật tương lai. Như ngài Xá-lợi-phất chẳng hạn, đã được thọ ký là sẽ thành Phật ở đời vị lai hiệu là Hoa Quang Như Lai”. Đó là lời dặn dò của hòa thượng viện chủ trước đông đảo Phật tử phía Bắc. Quay lại phía Nam, đồng bào Sài Gòn đã tham dự đại lễ cung nghinh xá lợi Phật lớn nhất thế kỷ 20 vào năm nào? Và tháp thờ xá lợi Phật lớn nhất của TP.HCM nằm ở chùa nào? (Còn tiếp)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kỳ 5: Lễ rước xá lợi Phật lớn nhất thế kỷ 20 ở Việt Nam

Rất đông tăng ni phật tử và các nhà báo từ TP.HCM tham gia đại lễ rước ngọc xá lợi Phật ra Bắc, được ban tổ chức mời về nghỉ ngơi tại khách sạn Hoa Lư ở thành phố Ninh Bình - cách chùa Bái Đính khoảng 16 cây số.

Posted Image

Lễ cúng trước giờ rước xá lợi của chùa Quán Sứ (Hà Nội) - Ảnh: G.H

Mọi người tập trung tại phòng khách sáng 7.6 để uống trà và "tọa đàm" về những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử tiếp nhận và tôn thờ ngọc xá lợi Phật ở nước ta xưa nay. Trong các sự kiện ấy, đại lễ cung nghinh xá lợi lớn nhất thế kỷ 20 tại Sài Gòn được các vị lão tăng có mặt nhắc đến hết sức trân trọng.

Đó là đại lễ diễn ra cách đây đúng 56 năm, vào tháng 6.1953, với hàng nghìn tăng ni và đồng bào phật tử Sài Gòn tề tựu tại phi trường Tân Sơn Nhất đón ngọc xá lợi Phật đem từ Tích Lan (Sri Lanka) hiến cúng sang Việt Nam bởi hòa thượng Narada Maha Thera. Hòa thượng Narada xuất gia năm 18 tuổi, tốt nghiệp Đại học Tích Lan, là giáo sư giảng dạy triết học và đạo đức học, được kính trọng do công hạnh, đạo đức và kiến thức uyên bác về Phật học của ngài.

Một số tác phẩm của Narada như: Đời sống đức Phật, Khái luận về Vi diệu pháp, Tái sanh, Lý nhân quả, Hạnh phúc gia đình, sớm dịch sang tiếng Việt. Ngài xuống máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, trân trọng mang theo 3 viên xá lợi Phật (và 3 cây bồ đề) để hiến cúng cho ba nơi: chùa Giác Lâm, chùa Kỳ Viên và chùa

Chanta-rangsay. Lúc bấy giờ, chư tôn đức tăng ni Sài Gòn nồng nhiệt đến tận cầu thang máy bay đón tiếp ngài và cung nghinh xá lợi Phật lên chiếc kiệu hoa hình bát giác có mái che, mỗi cạnh dài một mét, rước đi trong tiếng niệm Phật trang nghiêm.

Một trong ba ngọc xá lợi đưa đến chùa Kỳ Viên (610 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM hiện nay), tôn trí lên tầng cao nhất của chánh điện. Đây là ngôi chùa đánh dấu việc thành lập Tổng hội Phật giáo nguyên thủy Việt Nam và Giáo hội Tăng già nguyên thủy Việt Nam vào năm 1957. Chùa thuộc hệ phái Nam tông, xây từ năm 1947 và hiện nay (2009) đang vận động trùng tu lớn.

Viên ngọc thứ hai, theo dự định của ngài Narada, sẽ chuyển đến chùa Chanta-rangsay, nhưng sau thấy chùa ấy cũng thuộc Phật giáo nguyên thủy, nên Narada đã trao thân mẫu của vua Bảo Đại là bà Từ Cung. Vài năm sau, bà Từ Cung hiến cúng đại lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết (đang là hội chủ của Tổng hội Phật giáo Việt Nam) và hòa thượng Thích Tịnh Khiết trao lại Hội Phật học Nam Việt đóng trụ sở tại chùa Xá Lợi (số 89 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3 hiện nay) tôn trí.

Chùa Xá Lợi xây năm 1956, đến tháng 5.1958 làm lễ lạc thành, đặt ngọc xá lợi Phật lên một vị trí khá đặc biệt ở chánh điện, nằm rất cao, chỗ trên cùng của vòm trang trí mỹ thuật trước tượng Phật Thích Ca. Ai vào thắp hương chiêm bái đều có thể ngước mắt lên cầu nguyện, vừa lễ lạy tượng Phật cũng là vừa lễ lạy xá lợi Phật. Cũng vì có thờ ngọc xá lợi Phật nên chùa mang tên Xá Lợi và đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử của TP.HCM cách đây chưa lâu.

Viên ngọc thứ ba cung nghinh về chùa Giác Lâm ngày 24.6.1953. Giác Lâm (số 118 đường Lạc Long Quân, Q.Tân Bình, TP.HCM) là cổ tự có gần 300 năm tuổi (lập từ thế kỷ 18), nay là tổ đình của phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguyên, đang lưu giữ nhiều tài liệu cũng như tác phẩm quý liên quan đến lịch sử và kiến trúc mỹ thuật Phật giáo. Lúc đầu, ngọc xá lợi Phật đưa về gửi ở chùa Long Vân trong một tháp nhỏ bằng vàng, để đợi xây một tháp lớn trong khuôn viên Giác Lâm rồi mới đem về tôn trí sau. Người phác thảo đồ án xây tháp là kiến trúc sư Vĩnh Hoằng, với bản vẽ hình lục giác 7 tầng, cao hơn 32m, mỗi tầng đều có mái ngói và cửa mở ra ngoài, trên cùng là đỉnh hình chóp, giữa đỉnh có một tòa sen đang nở, trên tòa sen đặt một bình tịnh thủy (nước cam lồ).

Posted Image

Xe hoa đón xá lợi Phật ở sân bay Nội Bài - Ảnh: G.H

Việc xây tháp bị ngưng lại đôi lần vì chiến cuộc cũng như tài chính chưa cho phép, nhưng rồi vẫn tiếp tục hoàn tất và khánh thành năm Giáp Tuất 1994 (tính ra từ lúc đặt viên đá đầu tiên năm 1970 đến khi hoàn mãn kéo dài 24 năm). Tháp có tên "Bảo tháp xá lợi" vì có thờ xá lợi Phật (còn gọi tháp "Ngũ gia tông phái" vì có thờ thêm linh vị của chư tôn hòa thượng, tổ sư tiền hiền quá vãng nữa). Trước tháp hiện nay có đặt tượng Quan Thế Âm khá lớn. Vào trong, phía bên trái trưng bày những hình ảnh về đại lễ cung nghinh xá lợi Phật vào tổ đình Giác Lâm.

Đến tầng 1 thấy thờ Phật A Di Đà là vị giáo chủ ở cõi Tây phương cực lạc, tiếp dẫn linh hồn những người mới chết về thế giới Tịnh Độ an vui. Tầng thứ 2 có tượng Thích Ca Mâu Ni, là đấng giáo chủ ở cõi Ta Bà mà chúng ta đang sống. Tầng thứ 3 có tượng Phật Dược sư lưu ly quang vương khá lớn, với 49 ngọn đèn luôn luôn đỏ. Tầng thứ 4 có tượng Chuẩn Đề với 18 tay, mỗi tay cầm một món pháp khí như chày kim cương, phướn như ý, kinh đại bát nhã, trông rất uy nghiêm.

Tầng thứ 5 thờ tượng Di Lặc là vị Phật sẽ xuất hiện tương lai dưới cội cây Long hoa, miệng tươi đỏ như màu hoa sen mới nở, lúc nào cũng hân hoan cười. Tầng thứ 6 thờ thêm một tượng Phật nữa. Tầng thứ 7 trống thoáng, phía trên nóc của tầng tháp cuối cùng này thấy có 6 con rồng thân màu vàng từ 6 góc của mái lục giác uốn mình phóng ra, mang theo 6 đường vân xanh dưới thân, cùng hướng đầu về chầu một bình lưu ly đựng ngọc xá lợi. Lên đến tầng thờ ngọc xá lợi Phật nhìn xuống, sẽ thấy Sài Gòn hiện ra dưới tầm mắt nhấp nhô những nhà cao tầng và những đợt sóng người như từ vô thủy đang về. Nghe chư tôn đức kể lại lễ cung nghinh và xây tháp xá lợi Phật ở Sài Gòn như thế, có phật tử hỏi:

- Vậy hai nguồn xá lợi, một nguồn do ngài Narada ở Sri Lanka hiến cúng về Sài Gòn trước đây, với nguồn do hòa thượng pháp sư Tịnh Giác ở Thái Lan hiến cúng về Hà Nội ngày nay, mỗi nguồn có quá trình lưu chuyển như thế nào trước khi được phát tâm đưa thờ ở Việt Nam?

Câu trả lời liên quan đến đoàn truyền giáo của vua A Dục thời xưa và đặc biệt đến những bí ẩn của một ngôi chùa trên vùng núi Bắc Việt Nam hiện vừa được các nhà khoa học nêu lên… (Còn tiếp)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kỳ 6: Ngôi chùa bí ẩn trên đỉnh Kim Thiên (Tam Đảo)

Trước giờ chiêm bái, các hòa thượng chứng minh và các nhà báo được ban tổ chức mời chứng kiến việc mở tháp lưu ly đựng ngọc xá lợi Phật. Chúng tôi thấy 4 viên ngọc xá lợi Phật cung nghinh đến chùa Quán Sứ (Hà Nội), mỗi viên nhỏ bằng nửa hạt nếp hương, có 4 màu: đỏ, xanh, vàng và lam trong suốt.

Posted Image

Người dân các tỉnh phía Bắc đổ về chùa Quán Sứ (Hà Nội) cung nghinh ngọc xá lợi Phật - Ảnh: Giao Hưởng

Còn 6 viên ngọc cung nghinh đến chùa Bái Đính (Ninh Bình) có thêm hai màu, từa tựa như màu cam chín và màu tím hoa mua. Cạnh đó, xá lợi thánh tăng (6 viên) lợt hơn, hầu hết trắng như màu tuyết vậy. Được may mắn chiêm bái tận mắt như thế, chúng tôi giở Từ điển Phật học Huệ Quang để tìm hiểu thêm, thấy giải thích xá lợi có hai loại: Sinh thân xá lợi tức di cốt của Phật còn lại sau lễ hỏa thiêu và Pháp thân xá lợi tức giáo pháp Phật để lại sau khi qua đời. Đến nay, xá lợi cũng dùng để chỉ "xương còn sót lại (với những hạt nhiều màu) sau khi thiêu nhục thân các vị cao tăng". Và xá lợi "rất khó có được, trở thành phước điền tối thượng" cho mọi người chiêm bái để gieo hạt giống đạo. Ở Việt Nam xá lợi Phật được tôn trí lần đầu tiên tại nơi nào? Vào thời nào?

Câu trả lời liên quan đến một ngôi chùa mang cái tên rất lạ: chùa Địa Ngục. Chùa này không rõ xây từ thời nào, được Lê Quý Đôn mô tả là một khối kiến trúc vuông vức, mỗi cạnh dài khoảng một trượng, các tường bao quanh chùa đều bằng đá. Thường ngày hai cánh cửa ra vào khóa kỹ bằng một khóa sắt lớn và trong khuôn viên có đặt viên đá ghi rõ: Địa Ngục tự (tức chùa Địa Ngục). Theo học giả Lê Mạnh Thát, chùa Địa Ngục mà Lê Quý Đôn nhắc đến trong Kiến văn tiểu lục nêu trên, nằm ở thành Nê Lê phía đông nam huyện Định An xưa kia, thuộc vùng núi Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay, mà một tác giả người Trung Quốc là Lưu Hân Kỳ sống ở thế kỷ thứ 4 ghi rằng ở đó (thành Nê Lê) có "tháp và giảng đường do vua A Dục dựng". Vua A Dục là người đã phát tâm xây 84.000 ngôi chùa, 84.000 bảo tháp để thờ 84.000 viên ngọc xá lợi, nên người đương thời gọi ông là "A Dục của chính pháp" (Dharmasoka).

Nhưng trước đó, khi mới lên ngôi, vua A Dục rất hiếu sát, đã giết đến 99 người anh em khác mẹ để giành ngôi báu vào khoảng 280 năm sau Đức Phật nhập niết bàn (có sách ghi chỉ khoảng 100 năm). Đáng sợ, A Dục ra lệnh xây ngay trên nước Ma Kiệt Đà của mình "một địa ngục lớn" để giết hại dân chúng vô tội, đồng thời phát động những cuộc chiến tranh hà hiếp các nước láng giềng để thâu tóm đất đai.

Nên lúc đầu, người ta gọi ông là "A Dục hiếu sát" hoặc "A Dục ái dục" (Kanasoka). Nhưng về sau, như đã nói, ông tin sâu vào Phật pháp và xóa bỏ tất cả cửa ngục, đưa người đến khắp nơi truyền đạo và đưa ngọc xá lợi Phật xây tháp thờ ở Ấn Độ cũng như nhiều nước. Trong số các nước ấy, có thể có Việt Nam thời các vua Hùng, với sự xuất hiện của chùa Địa Ngục dựng cạnh chùa Tây Thiên, cùng với tháp thờ xá lợi sớm nhất. Điều đó những năm gần đây được hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện chủ thiền viện Trúc Lâm Lâm Đồng, là vị cao tăng hiện đang khôi phục mạng mạch của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần, khai sáng nhiều thiền viện Trúc Lâm khác trong nước, công bố cuối năm 2005 trên tập san Văn hóa Phật giáo (số 11), tóm lược như sau:

Posted Image

Trước giờ cung nghinh xá lợi Phật - Ảnh: Giao Hưởng

Một là, Phật giáo có mặt tại Việt Nam khoảng 300 năm trước Tây lịch. Nguyên sau khi kiết tập kinh điển lần thứ III, với sự ủng hộ tích cực của vua A Dục (Asoka) và Đại lão Hòa thượng chủ tọa Moggaliputta Tissa, Phật giáo đã cử 9 phái đoàn đi khắp nơi. Trong đó, đoàn thứ 8 do ngài Sona và Uttara đã đến vùng Kim Địa (bao gồm nước Miến Điện, các nước Đông Dương và một phần Mã Lai). Khi đến Việt Nam, công chúa con gái vua A Dục đã cho xây thành Nê Lê (có chùa Địa Ngục nói trên và tháp thờ xá lợi) để đánh dấu nơi đoàn đến.

Hai là, danh từ Tây Thiên còn có ý nghĩa để chỉ nơi mà chư vị Tổ sư người Ấn đầu tiên sang Việt Nam truyền bá Phật pháp. Vì theo trong kinh, Tây Thiên hay Tây Trúc là chỉ đất nước Ấn Độ, cũng như Đông Độ dùng chỉ nước Trung Hoa. Mà Tây Thiên là tên của một ngôi chùa ở vùng núi Tam Đảo, nằm gần đỉnh Kim Thiên, với chùa Địa Ngục bên cạnh. Kết hợp với những tài liệu khác, có thể nói vùng Tây Thiên là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, có từ thời vua Hùng. Ngày nay, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được hình thành trên phế tích của một nền chùa cổ có tên là Thiên Ân, Thiên Tự, với diện tích xây dựng rộng 4,5 hecta, tọa lạc ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú, tổng diện tích các khu rừng trực thuộc thiền viện lên đến 50 hecta.

Tượng Phật Thích Ca bằng sa thạch nặng 14 tấn và cao 4m. Đây cũng là nhân duyên của thiền phái Trúc Lâm với chốn Tổ ở Tây Thiên. Chúng tôi mong rằng ngoài trách nhiệm trùng hưng lại một trung tâm Phật giáo Việt Nam thời Hùng Vương, góp phần tôn tạo cảnh quan cho khu di tích danh thắng Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên còn là một thiền viện tạo tiền đề cho những công trình nghiên cứu, khai quật kế tiếp, ngõ hầu làm sáng tỏ quá trình hình thành trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta.

Cũng vậy, các công trình văn hóa tôn giáo lâu đời trên vùng đất Vĩnh Phúc đang tiếp tục được truy nguyên và theo Xuân Mai, tác giả biên soạn về Việt Nam - các vùng văn hóa, ghi nhận: "ngôi chùa cổ như Tây Thiên, Phù Nghi, Đồng Cổ nay chỉ còn lại những hệ thống kè đá dài khoảng 200 - 300m, cao 11,5m, hoặc một đống gạch ngói đã đổ nát, cao chừng 1m (...) Nhưng danh thắng Tây Thiên thời nào cũng được ca ngợi là kỳ tuyệt, núi nào cũng được phủ lên một lớp rừng già xanh thẳm với nhiều cây cổ thụ và nhiều loài gỗ quý. Kỳ thú hơn cả có thác Bạc cao đến 40m từ ngọn núi Bát Nhã chảy xuống...". Biết đâu vùng núi mang tên Bát Nhã kia đang ẩn giấu nhiều chứng tích về sự có mặt của Phật giáo và chùa tháp thờ ngọc xá lợi Phật dựng lên hơn hai nghìn năm trước? (Còn tiếp)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kỳ 7: Quả tim nghìn độ nung không cháy

Ngọc xá lợi Phật theo tương truyền có phép thay đổi màu sắc tùy phước duyên và tùy khí phần của nơi tôn trí hoặc của những người đến lễ lạy chiêm bái. Nghĩa là ngọc xá lợi có thể ánh lên màu vàng óng lúc này, song cũng có thể đổi sang màu xanh biếc lúc khác.

Posted Image

Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn năm 1963 - Ảnh: T.L

Còn theo Luận đại trí độ, khi cuồng phong và sấm sét nổ ra, với sức thổi nghiêng ngọn núi lớn và đánh nát ngọn núi ấy thành bụi, thì một hạt bụi trong số đó cũng không thể dính vào thân Phật và ngọc xá lợi Phật được. Khi phát quang, ngọc xá lợi đưa quầng sáng ngũ sắc phóng thẳng lên trời (như kinh sách đã chép) và khi cảm ứng ngọc xá lợi tự sinh thêm, hạt này nảy ra hạt khác, hạt khác nảy ra hạt khác nữa, không ai biết trước được (như lời truyền miệng đến nay). Có thật vậy không?

Thắc mắc ấy được chúng tôi đem đến trình hỏi hòa thượng Thích Huệ Trung, Viện chủ tổ đình Giác Lâm - TP.HCM, trong dịp đến chiêm bái ngọc xá lợi Phật thờ ở Bảo tháp xá lợi của tổ đình và được hòa thượng giải đáp bằng một câu vắn tắt: “Linh bất linh tại ngã”, rồi im lặng. Lát sau mới giảng thêm: “Ngọc xá lợi có linh ứng hay không là tùy tâm lượng của các anh, tùy lòng tin của mỗi người trong các anh, hễ tin là thấy! Không tin thì không thấy! Không thấy mà vẫn tin thì sẽ thấy! Một điển hình gần nhất trong lịch sử là trái tim của một vị bồ tát ở Việt Nam vẫn không bị đốt cháy trong lò nung nóng đến hàng nghìn độ, có tin không? Không tin không được, vì điều ấy đã hiển nhiên”.

Đó là Bồ tát Thích Quảng Đức, tự thiêu tại Sài Gòn (ở vị trí ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM hiện nay) ngày 11.6.1963, để phản đối và cảnh tỉnh chế độ Ngô Đình Diệm đang đàn áp, bắt bớ, đánh đập, thủ tiêu và bắn giết tăng ni Phật tử miền Nam. Rất nhiều phóng viên trong và ngoài nước như ký giả David Halberstam của tờ New York Times tường thuật: “...lửa phủ khắp người, thân ngài Thích Quảng Đức từ từ thâu nhỏ lại, đầu cháy nám, cả người chìm trong lửa đỏ. Sau lưng tôi vọng lên tiếng khóc, tôi cũng quá xúc động không khóc nên lời được khi nhìn thấy thân hình của ngài chìm trong biển lửa nhưng ngài không một tiếng rên la, trầm tĩnh bất động, khác hẳn với những phật tử đang òa khóc ngày càng lớn tiếng chung quanh”. Một tường thuật khác của mục sư Donald Harrington (Mỹ): “…khi chiếc áo cà sa của ngài đã tẩm đầy xăng, tất cả tăng ni sợ hãi lùi lại kính cẩn và chăm chú nhìn ngài. Ngài vẫn yên lặng và bình thản niệm Phật, rồi bật một que diêm để ngọn lửa phừng phực bốc lên phủ kín thân ngài. Ngài vẫn ngồi thẳng nhiều phút trong lửa đỏ cho đến khi lửa tàn và nằm xuống bất động”.

Bấy giờ nhiều linh mục như Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Quang Oánh, lên tiếng đồng tình với ngọn lửa đấu tranh Thích Quảng Đức. Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã từ chối không để ông Ngô Đình Thục dùng nhà thờ Đức Bà ở trung tâm Sài Gòn để “cải chính” về sự việc. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức lễ cầu siêu Bồ tát Thích Quảng Đức trong hai ngày 12 và 13.6.1963. Tại miền Bắc, hơn 80.000 người tập trung ở thủ đô Hà Nội mít tinh và diễu hành ủng hộ phật tử Sài Gòn, kéo đến chùa Quán Sứ cầu siêu cho ngài. Ở nước ngoài, làn sóng phản đối chế độ Sài Gòn dâng cao ở nhiều quốc gia, ảnh chụp Bồ tát Thích Quảng Đức ngồi trong lửa đỏ đặt suốt cả tháng trên bàn làm việc của tổng thống Mỹ. Khi nhục thân của ngài đưa đi làm lễ trà tỳ tại lò thiêu An dưỡng địa Phú Lâm để lấy tro thờ, tất cả mọi người đều kinh ngạc thấy trái tim của ngài không bị cháy. Sự kiện này không những gây chấn động trong phật tử Việt Nam mà còn đặc biệt thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu khoa học trên thế giới suốt gần nửa thế kỷ qua. Người ta tự hỏi tại sao dưới sức nóng của hàng nghìn độ mà trái tim của ngài không cháy? Hòa thượng Thích Thông Bửu, trụ trì chùa Quán Thế Âm - TP.HCM, trong hội thảo chuyên đề về Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức năm 2005 đã kể lại:

- “Sau một ngày lửa nung cả ngàn độ, mà trái tim vẫn không cháy, nên phải quyết định đưa vào nung thêm lần nữa. Lúc bấy giờ ngoài trời đã gần tối mà lực lượng cảnh sát của Ngô triều càng đông thêm. Có tiếng xầm xì rằng nhà cầm quyền muốn dùng bạo lực để cướp trái tim, vì thế bộ phận phụ trách trả tỳ liền ngưng đốt và đem trái tim ra. Trái tim vẫn còn nguyên trong khi xương thịt đã cháy thành tro trắng. Tin lan truyền từ lò thiêu: “Trái tim bất diệt” khiến Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu hoảng sợ. Khi trái tim được tôn trí tại chùa Xá Lợi thì toàn bộ gia quyến họ Ngô họp khẩn và lệnh cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ của chế độ, đến chùa Xá Lợi để khám nghiệm quả tim và xem thực hư thế nào. Bằng những chất hóa học và phương tiện khoa học hiện đại thời ấy, bác sĩ giám đốc kiêm tình báo của Ngô triều đã sử dụng hết khả năng để đốt cháy quả tim, nhưng cuối cùng ông thở dài và đành chắp tay vái lạy rồi rút lui. Về đến dinh ông trình bày: “Chúng ta nên hòa với Phật giáo là hơn, vì họ có quả tim bất diệt”. Bà Ngô Đình Nhu phản đối và họp với chồng tổ chức chiến dịch “Nước lũ”, bố ráp hết các chùa chiền vùng Sài Gòn - Gia Định để bắt thêm tăng ni đem về nhốt tại vùng Rạch Cát, quận 8. Khi biết được tin này, Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo âm thầm đưa quả tim vào tủ sắt và gửi trong trụ sở của chi nhánh Ngân hàng Thụy Điển tại Việt Nam. Do vậy mật vụ và lực lượng cảnh sát đặc biệt trong chiến dịch “Nước lũ” do nhà Ngô tung ra suốt mấy ngày đêm cũng chỉ thu về một quả tim giả làm bằng… thạch cao hong khói!”. Đến nay, quả tim bất tử của Bồ tát Thích Quảng Đức, một báu vật quốc gia, một trân châu xá lợi của phật tử Việt Nam, vẫn còn đó và đang được lưu giữ nơi nào? Bạn có thể tìm đọc câu trả lời chính xác trong mục này trên số báo ra ngày mai. (còn tiếp).

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kỳ cuối: "Khai thị về Pháp thân xá lợi"

Xá lợi có hai loại. Một là Toàn thân xá lợi tức thân Phật sau khi nhập diệt được giữ nguyên vẹn trong bảo tháp (như Phật Đa Bảo trong quá khứ). Hai là Toái thân xá lợi tức thân Phật nát vụn thành những hạt nhỏ kim cương được phân phát khắp nơi để thờ (như xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni mà chúng ta cung nghinh và chiêm bái vừa qua).

Posted Image

Trình ngọc xá lợi Phật trước đại lễ - Ảnh: D.Đ.M

Điều đó được biết qua bộ kinh uyên áo: Diệu pháp Liên hoa (Pháp Hoa). Đó cũng là bộ kinh mà Bồ tát Thích Quảng Đức tụng toàn văn tại chùa Ấn Quang suốt 7 ngày trước khi tự thiêu trên đường phố Sài Gòn. Trong thời gian ấy, ngài đã nhịn đói, không ăn gì. Cố Hòa thượng Thích Thông Bửu (tịch năm 2007 - là một trong những đệ tử thân cận của ngài) đã kể cách đây bốn năm:

- Bồ tát ngã xuống mà tay vẫn còn bắt ấn tam muội và khi ngọn lửa trà tỳ với sức nóng 4.000 độ đã tắt, trái tim của ngài vẫn không cháy, kết lại thành một khối rắn chắc như ngọc, được đưa vào giữ trong tủ sắt của chi nhánh Ngân hàng Thụy Điển tại Sài Gòn. Đến sau ngày 30.4.1975, vào một dịp thích hợp, tủ sắt đã được mở ra và thấy quả tim bất diệt của ngài vẫn nằm trong một cái hộp được niêm phong cẩn thận bởi những sợi dây dẹp bằng đồng và được khằn theo đường hình chữ thập. Bên trên hộp ghi rõ lệnh niêm phong của đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo nước ta, với dòng chữ: “Nghiêm cấm không ai được mở khi chưa có lệnh”.

Cũng theo hòa thượng Thích Thông Bửu, sau này khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, đã bàn bạc hết sức nghiêm túc về biện pháp bảo vệ quả tim sao cho tốt nhất và đã đi đến quyết định gửi vào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo quản. Thủ tục ký kết việc gửi và nhận tiến hành lúc 11 giờ trưa ngày 26.4.1991, với văn bản số 03/BB-TG. Theo tài liệu phổ biến trước đông đảo đại biểu dự hội thảo về Bồ tát Thích Quảng Đức do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam mở tại TP.HCM năm 2005, thì những vị có trọng trách trong việc gửi và nhận quả tim bất diệt ấy gồm:

Về bên gửi, có 3 vị đại diện cao nhất là: 1. Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 2. Hòa thượng Thích Từ Nhơn, Phó trưởng ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 3. Hòa thượng Thích Giác Toàn, Ủy viên kiểm soát Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Về bên nhận, có 6 vị đại diện: 1. Ông Trịnh Thanh Tùng, Vụ phó Vụ Phát hành kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 2. Ông Bùi Văn Hàn, đại diện Bộ Nội vụ. 3. Bà Trần Thị Kim Liên, kế toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 4. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Vụ phó Vụ Tôn giáo trung ương. 5. Ông Đỗ Quốc Dân, Phó ban Tôn giáo TP.HCM. 6. Ông Phạm Văn Hùng, đại diện Bảo tàng Cách mạng TP.HCM.

Như vậy, từ năm 1991 đến nay, quả tim Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lưu giữ. Đó là bảo vật quốc gia, là một dạng xá lợi độc đáo của Việt Nam.

Trước kia, trong lịch sử nước ta đã có nhiều vị thiền sư để lại xá lợi ghi trong sách cổ. Như thiền sư Vạn Hạnh mất năm 1018, bấy giờ vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) cùng các đệ tử làm lễ hỏa táng và thâu nhiều xá lợi để xây tháp thờ. Thiền sư Thiền Lão nghe vua Lý Thái Tông hỏi tu ở chùa bao lâu rồi, liền đáp bằng hai câu thơ: “Giờ này, biết tháng năm này. Còn xuân thu trước ai hay làm gì!” (Đản tri kim nhật nguyệt. Thùy thức cựu xuân thu). Khi Thiền Lão mất, vua đã sai thu linh cốt xây tháp cúng dường. Hai thiền sư Bảo Tánh và Minh Tâm mất năm 1034 (là năm rước xá lợi Phật vào kinh thành Thăng Long) đã cùng “nhập hỏa quang tam muội, tự thiêu đốt thân mình, hài cốt còn lại đều biến thành 7 báu, vua Thái Tông xuống chiếu xây tháp thờ xá lợi ấy”...

Tóm lại, ngọc xá lợi Phật đưa vào Việt Nam từ Trung Quốc, Thái Lan, Tích Lan (Sri Lanka), Miến Điện (Myanmar), hoặc bất cứ quốc gia nào khác cũng đều bắt nguồn từ ngọn lửa đại bi của lễ trà tỳ tại Ấn Độ cổ cách đây hơn 2.500 năm. Và dầu đó là cốt xá lợi, hoặc nhục xá lợi, hoặc toàn thân xá lợi, hoặc toái thân xá lợi đi nữa, thì mục đích của việc chiêm bái tất cả các dạng ngọc xá lợi ấy cũng nhằm gieo hạt giống tốt vào ruộng phước và tạo nhân duyên với Phật pháp về sau.

Đó là nghĩa thông thường. Còn về nghĩa thâm sâu, kinh Đại Bát nhã Ba-la-mật nêu rõ: “Phật bảo với vị vua trên cõi trời rằng: Này Kiều-thi-ca! Nếu ngọc xá lợi Phật chứa đầy cõi Diêm-phù-đề gom làm một phần, lại có người viết kinh Bát nhã Ba-la-mật để riêng một phần, thì trong hai phần ấy, ông lấy phần nào? Vua Kiều-thi-ca trả lời: Bạch đức Thế Tôn! Nếu xá lợi Phật đầy cõi Diêm-phù-đề làm một phần, kinh Bát nhã Ba-la-mật làm một phần, trong hai phần ấy con thà lấy phần kinh Bát nhã Ba-la-mật, vì sao? Bạch đức Thế Tôn! Con đối với ngọc xá lợi Phật chẳng phải không cung kính, chẳng phải không tôn trọng, song vì tất cả xá lợi của chư Phật xét đến tận cùng đều từ trong Bát nhã Ba-la-mật sinh ra, đều nhờ huân tu Bát nhã Ba-la-mật mà có sau lễ trà tỳ, vì thế xá lợi ấy mới được cúng dường, cung kính, tôn trọng và tán thán như vậy”.

Trong tinh thần đó, một vị hòa thượng có mặt trên chùa Bái Đính trong đại lễ đã khai thị:

- Cạnh việc cung nghinh và chiêm bái ngọc xá lợi Phật và xá lợi Thánh tăng về hai chùa Quán Sứ và Bái Đính mấy ngày nay, phật tử chúng ta còn nên biết rằng cần phải hằng ngày cung nghinh một thứ xá lợi rất vi diệu, không có hình tướng, không có màu sắc, nhưng hết sức diệu dụng và thù thắng, đó là Pháp thân xá lợi, bao gồm những điều Phật dạy và ghi lại trong kinh sách như kinh Đại Bát nhã Ba-la-mật-đa. Loại Pháp thân xá lợi vừa nói luôn luôn hiện hữu quanh ta, và đặc biệt trong khoảng thời gian nào của buổi sớm, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối lúc nào cũng có, tương tự như không khí đang lưu chuyển và nuôi dưỡng sự sống của chúng ta. Thật vậy, không khí không có tướng trạng, không hình thể, không màu sắc, nhưng lúc nào nơi nào chúng ta cũng cần đến và nếu thiếu đi thì chúng ta sẽ chết, như Phật pháp dạy: Một hơi thở ra. Không hít vào được. Một đời sẽ dứt. Chớp mắt thành ma...

Giao Hưởng

Thanh Niên Online

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay