wildlavender

ĐỌC " Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam "

23 bài viết trong chủ đề này

ĐỌC " Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam "

Lê Thành Khôi

Cuốn Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam * của ô. Trần Ngọc Thêm (TNT) ra mắt độc giả năm 1996 đã thu hút được sự chú trọng của dư luận và được bằng khen của ô. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Xuất bản lần 3 năm 2001, sách dày gần 700 trang. Lướt qua 6 chương, danh sách 436 tài liệu tham khảo và bảng chỉ dẫn, cảm tưởng đầu tiên là đây là một công trình nghiên cứu có hệ thống, công phu. Ðọc kĩ hơn, tôi thấy thỉnh thoảng có vài sai lầm và một số lập luận phải bàn sâu. Vậy, như tác giả đã gợi ý trong lời nói đầu, tôi xin đóng góp vài lời sau đây. Bài này chỉ liên quan đến Chương I của sách : Cơ sở lí luận cho cách nhìn hệ thống - loại hình về văn hoá Việt Nam (Cái nhìn hệ thống - loại hình là phụ đề của quyển sách). Những chương sau sẽ được bàn tiếp.

Trước hết tôi muốn nói là tôi hoàn toàn đồng ý với hai quan điểm phương pháp của tác giả : một là cái nhìn hệ thống, hai là cái nhìn "độc lập", không lấy Trung Hoa hay Âu Tây làm trung tâm nhưng không phủ định ảnh hưởng của họ. Từ lâu tôi đã đi đến kết luận rằng Trung Hoa đã nhận được nhiều đóng góp của Ðông Nam Á (các văn hoá ở miền Nam sông Dương Tử), nhưng vì người Hán đã chiếm lãnh thổ ngày nay của Trung Quốc và, vì có chữ viết, đã viết lịch sử theo cách nhìn của họ (coi các dân tộc khác là man di) nên thế giới thường tưởng rằng văn hoá Trung Hoa hoàn toàn do người Hán lập ra. Mới gần đây thôi các nhà sử học và khảo cổ học mới nhận có sự đóng góp của nhiều văn hoá trong sự hình thành của văn hoá Trung Hoa, như trong 2 quyển sách xuất bản năm 1999 : Yang Xiaoneng, ed., The Golden Age of Chinese Archaeology (Washington) và M. Loewe and E.L. Shaughnessy, eds, The Cambridge History of Ancient China : From the origins of Civilization to 221 B.C. (Cambridge University Press).

Trung Hoa, trong giai đoạn từ đồ đá giữa đến đồ đá mới (7000-2000 trước C.N.), nông nghiệp đã nhô lên với hai loại cốc chính : kê ở miền sông Hoàng Hà và lúa ở miền sông Dương Tử. Những vết tích sớm nhất của lúa gạo đã tìm thấy trong một động ở Hồ Nam, vào khoảng 12.000 năm trước C.N., kê thì muộn hơn một tị ở miền trung sông Hoàng Hà. Trong mỗi miền trồng trọt có 3 vùng văn hoá chính, từ Tây sang Ðông, ở miền Bắc : Yangshao, Dawenkou và Hongshan ; ở miền Nam : Daxi, Liangzhu và Dapenkeng. Mỗi văn hoá có đặc trưng của mình trong hình dạng và trong trang trí của đồ gốm, đồ tạo bằng đất nung (và ngọc ở Hongshan và Liangzhu). Giữa các văn hoá có sự trao đổi, bằng chứng là một số hoa văn như là rồng rắn và mặt nạ súc vật.

Ưu điểm thứ nhì của TNT là cái nhìn hệ thống, từ môn học gốc của ông. là ngôn ngữ học : ngôn ngữ là một hệ thống. Nhưng nó có thể trở thành nhược điểm nếu không thấy tất cả sự phức tạp của một hệ thống khác, hệ thống xã hội : ngôn ngữ ít mâu thuẫn, xã hội nhiều mâu thuẫn. TNT viết rằng ông nhìn một cách tổng hợp, biện chứng. Nhưng chữ biện chứng ở đây dùng với nghĩa "trung cổ" của nó nghĩa là dùng mọi cách để thuyết phục đối phương chứ không với nghĩa "triết" của nó từ Héraclite, Hegel và Marx ở Âu Châu, từ hơn 2000 năm ở Á Châu với Kinh Dịch. Theo phép lí luận này phải coi 4 quy luật của sự vật : vận động không ngừng, tương tác, mâu thuẫn, chuyển từ lượng sang phẩm. Yếu tố quan trọng là sự mâu thuẫn. Hegel đã viết trong Lôgic : "Mâu thuẫn là gốc của mọi vận động... chỉ trong mức độ nó có mâu thuẫn thì một sự việc mới có thể thay đổi, hành động...". Nếu không có mâu thuẫn trong xã hội thì cũng không có lịch sử. Nếu tôi không nhầm thì TNT không dùng chữ mâu thuẫn. Và vì không nhìn thấy mâu thuẫn nên nhiều khi TNT có những khái quát quá đơn giản. Tôi sẽ trở lại vấn đề này.

Một nhược điểm khác cũng đưa đến kết quả ấy là kiến thức có hạn của tác giả về lịch sử hoàn cầu để so sánh đúng đắn các văn hoá xưa và nay. Chắc tác giả không có nhiều tài liệu để tham khảo và nhiều khi tài liệu lại quá xưa. Sử học và nhất là khảo cổ học đi rất nhanh. Một bài viết cách đây 30 năm khó mà còn giá trị bây giờ (tôi nghĩ đến bài của N. Cheboksarov và W. Solheim dẫn ở tr 33-34 và 69-74). Và thỉnh thoảng người đọc có cảm tưởng rằng vì không đủ bằng chứng khoa học mà tác giả đưa ra ý kiến của một học giả có danh tiếng để bênh vực lời của mình. Nhưng, dù có danh tiếng đến đâu, ý kiến của một học giả mà không có chứng minh thư tịch hay khảo cổ, chỉ là một ý kiến hay một giả thuyết chứ không phải là một bằng chứng khoa học. Chẳng hạn, ở ta, tôi thấy nhiều người (kể cả TNT tr. 49) dẫn Karl Marx để chứng minh "công xã nguyên thuỷ". Nhưng chẳng ai biết công xã nguyên thuỷ là gì ! Và cũng chẳng ai biết được vì không có gì chứng minh dù là thư tịch (chữ viết mới xuất hiện 3100 năm tr. C.N.) hay khảo cổ. Có khi TNT dẫn một tác giả không phải là một người nghiên cứu mà chỉ là một người phổ biến thôi (W. Durant).

Tiện đây tôi muốn nói về "4000 năm văn hiến" của Việt Nam (tr.27). 4000 năm nghĩa từ -2000 đến bây giờ. Nếu tính có 18 vua Hùng trị vì từ -2000 đến -258 (lúc mất nước cho An Dương Vương) nghĩa là trong 1742 năm có 18 vua, mỗi vua trị vì gần 100 năm : ai tin được ? Theo Việt sử lược thì nước Văn Lang ra đời vào thời Trang Vương nhà Chu (696-681). Như thế còn có thể tin được vì mỗi vua Hùng trị vì hơn 20 năm. Tất cả các truyện về Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân đều là huyền thoại tổ tiên ta bịa ra (cũng như người Hán bịa ra Tam Hoàng) để có một "lịch sử " gần xưa bằng Trung Hoa. Nhưng huyền thoại vẫn có thể phân tích và hiểu theo góc dân tộc học. Và một huyền sử hay một giả thuyết có thể thành sự thực một khi đã được khảo cổ học chứng minh. Ta có thể lấy thí dụ nhà Hạ mà trước kia nhiều người coi là hoang đường. Nhà Hạ đã thành (một phần) sự thật trước nhà Thương từ khi đào được địa điểm Erliton ở Hà Nam. Cacbon 14 cho biết văn hoá Erliton có từ -2000 đến -1600 (nhà Thương : từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 11 trước C.N.) 1.

Một điểm khác làm tôi ngạc nhiên là TNT (và nhiều nhà dân tộc học ở Việt Nam) nhầm mẫu hệ (matrilinéarité) và mẫu quyền (matriarcat) (tr 54). Mẫu hệ nghĩa là con cái nhận tên và của cải của... giòng mẹ (mẹ, anh em mẹ....). Mẫu quyền là đàn bà cầm quyền trong xã hội. Hai sự việc khác nhau. Rất ít xã hội có mẫu quyền. Tôi đi công tác ở Phi Châu gặp nhiều tộc mẫu hệ, nhưng ở đâu cũng là đàn ông cầm quyền. Ở Vân Nam, người Naxi mà nhiều người gọi là theo mẫu quyền sự thật chỉ theo mẫu hệ. Ðàn bà tự do chọn đàn ông làm bạn, tiếp họ ban đêm, trước sáng họ đi. Con chỉ biết mẹ không biết bố. Trong gia đình quyền chia giữa mẹ và bác. Người bác có nhiều quyền hơn 2. Dù sao, địa vị của người đàn bà trong một xã hội mẫu hệ cao hơn là trong một xã hội phụ hệ.

Nay tôi đến hai vấn đề chính cho cơ sở lí luận của TNT ở Chương I : Khái niệm văn hoá và loại hình văn hoá.

Về khái niệm văn hoá, ai cũng biết có hàng trăm định nghĩa. TNT định nghĩa văn hoá là "một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình" (tr.25)

Ðịnh nghĩa này gần định nghĩa của Hồ Chí Minh mà TNT dẫn ở trang 4, nhưng rất xa câu sau của Edouard Herriot mà ông dẫn như sau: "Văn hoá là cái tồn tại khi ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả". Tôi thấy định nghĩa này, đúng về cá nhân chứ không đúng về xã hội, không những thiển cận mà còn có tính cách giai cấp : "tất cả" là gì đối với một người nhà quê và một người trí thức ? ai học được "tất cả" ?

Tôi định nghĩa văn hoá là "một tổng thể các sáng tạo vật chất và không vật chất của một cộng đồng người trong quá trình quan hệ với thiên nhiên và với những cộng đồng người khác, những sáng tạo mà có với họ hay với phần đông của họ một ý nghĩa riêng xuất phát từ lịch sử đã qua hay hiện hành của họ mà các cộng đồng khác không chia sẻ" (Lê Thành Khôi, Culture et Développement, Revue Tiers Monde, no 97, janvier-mars 1984, tr.15).

Ðịnh nghĩa này nhấn mạnh vào ý nghĩa của văn hoá. Một yếu tố cùng một gốc có thể có một ý nghĩa khác từ nước này sang nước khác, từ tộc này sang tộc khác : đạo Phật ở Tây Tạng khác đạo Phật ở Trung Hoa, đạo Phật ở Trung Hoa khác đạo Phật ở Việt Nam, ở Nhật Bản, v.v. Văn hoá là sản phẩm của một cộng đồng chứ không phải của "con người" : "con người" là ai ? có thể tách rời xã hội được không ?

Trong một xã hội có giai cấp, các "giá trị" không cùng một nghĩa cho mọi người. Giáo dục mới nhìn có thể coi là một giá trị phổ thông. Nhưng giáo dục cũng là một dụng cụ chính trị cho giai cấp thống trị nhằm thiết lập hệ tư tưởng của mình. Ðó chính là nghĩa chữ " giáo " trong nho giáo : vua "giáo" dân nhưng dân không "giáo" được vua ! Trái lại giai cấp bị trị có thể dùng giáo dục để chống lại. Cố nhiên nội dung sẽ khác. Sự kiện này rất rõ ràng ở Âu Tây trong thế kỉ 19. Giai cấp công nhân đã mở những lớp phổ thông, dạy lẫn nhau, những đại học bình dân, để chống lại giai cấp tư sản.

Cho nên tôi không đồng ý với TNT khi ông viết : "Văn hoá thường xuyên làm tăng độ ổn định của xã hội... văn hoá chỉ chứa cái đẹp" (tr.21), "không ngừng tự hoàn thiện và thích ứng với những biến đổi của môi trường nhằm tự bảo vệ để tồn tại và phát triển..., là động lực cho sự phát triển" (tr.23), "thường xuyên tự điều chỉnh" (tr.24).

Rõ ràng TNT không nắm được quy luật mâu thuẫn của biện chứng pháp, cái quy luật mâu thuẫn là động cơ của lịch sử. Văn hoá không phải "chỉ chứa cái đẹp", không phải thường xuyên "tự hoàn thiện", "tự điều chỉnh", "là động lực cho sự phát triển".

Nếu thật như thế thì làm sao giảng nghĩa được sự suy đồi của Trung Hoa và Việt Nam ở thế kỉ 19 ? Chính vì văn hoá của hai nước này không biết "tự hoàn thiện" mà đã bị Âu Tây xâm lăng, biến thành bán thuộc địa và thuộc địa. Trong khi đó thì Nhật Bản với một nền văn hoá không khác mấy (ở đây Tống Nho cũng là tư tưởng thống trị) đã biết thay đổi thích nghi mà giữ được độc lập của mình. Tại sao có hai hình trạng khác nhau ? Ta không được quên rằng văn hoá bao giờ cũng hành động theo cách hiểu của mỗi xã hội và nhất là của giai cấp thống trị trong xã hội đó. Ở Trung Hoa và Việt Nam, giai cấp thống trị là quan lại nhà nho chọn lọc qua thi cử : nho giáo là chủ nghĩa pháp hoá quyền lực của họ. Ở Nhật thì khác : giai cấp thống trị là võ sĩ cha truyền con nối : nho giáo đối với họ chỉ là một dụng cụ chính trị. Thời thế thay đổi họ có thể tìm một dụng cụ thích hợp hơn. Một đằng khác là võ sĩ thì luôn luôn phải để ý đến quan hệ lực lượng. Võ sĩ Nhật đã thấy ngay sức mạnh của Âu Mĩ và biết mình không địch được : thà rằng mở cửa và giữ độc lập còn hơn là đóng cửa và mất nước. Cuối cùng người Nhật có một truyền thống tiếp nhận những thành tựu của nước ngoài : từ thế kỉ 6 đã tiếp thu nho giáo, đạo giáo, phật giáo, chữ viết, từ Trung Hoa qua Triều Tiên; từ thế kỉ 16 tiếp thu tây học, làm súng theo kiểu Âu, đến thế kỉ 19 tiếp thu khoa học, kĩ thuật, văn học của Âu Mĩ. Trung Hoa thì kiêu căng, vẫn coi mình là trung tâm của thiên hạ, Âu Mĩ là man di. Còn Việt Nam thì chỉ biết có "thiên triều". Thật sự ở hai nước có một vài người thức thời nhưng họ không có quyền hành.

Vẫn trong chiều hướng đó, tôi không tin như TNT rằng "mỗi dân tộc đều cố gắng tận dụng các thành tựu của các dân tộc, quốc gia lân bang để làm giàu thêm cho nền văn hoá của mình" (tr.29). Lịch sử cho thấy nhiều văn hoá không tiếp thu những thành tựu bên ngoài vì cớ này hay cớ khác, vì muốn "giữ bản sắc của mình". Ở Trung Hoa từ thế kỉ 17 các thày tu dòng Tên (Jésuites) đã mang đến nhiều kiến thức toán, thiên văn và địa lí học tiến bộ hơn những kiến thức của người Hán, nhưng không ra khỏi triều đình nhà Thanh.

Một thí dụ còn điển hình hơn là văn hoá Hồi đã tiếp nhận giấy của Trung Hoa nhưng không tiếp nhận nghề in. Năm 751 ở Trung Á cạnh sông Talas quân Ả rập thắng quân nhà Ðường đã học của người Hán nghề làm giấy và từ đó đã truyền cho châu Âu. Nhưng họ không học nghề in (xuất hiện ở Trung Hoa vào thế kỉ 9) tuy buôn bán với Trung Hoa và biết Trung Hoa biết in. Tại sao vậy ? Bởi vì đối với người Hồi sách Coran là lời nói của chúa Allah, nếu in ra thì sẽ mất giá trị thiêng liêng. Cho nên đến năm 1726 mới có một nhà in của người Hồi ở Thổ Nhĩ Kì, nhưng chỉ in những sách khoa học, kĩ thuật, ngôn ngữ và lịch sử, không được in sách về đạo và pháp luật (luật Hồi theo đạo). Chính vì không chịu in sách mà văn hoá Hồi, rực rỡ trong mấy thế kỉ, dần dần suy.

Về loại hình văn hoá, TNT bắt đầu từ sự hình thành các chủng người trên thế giới (tr.33). Nhưng các tài liệu tham khảo viết từ 30 năm nay bây giờ đã lạc hậu ! Bây giờ ai cũng nhận là loại người xưa nhất là Australo-pithecus và Homo habilis đều xuất hiện ở Phi Châu (mà chỉ thấy ở Phi Châu thôi) cách đây từ 7 triệu đến 4 triệu năm. Còn homo sapiens sapiens (người hiện nay) thì xuất hiện cách đây 40.000 năm ở Tây Á (Palestin, Syria) với nông nghiệp, du mục, đồ gốm và đá mài. Khoảng 3100 năm trước C.N. thì chữ viết ra đời gần như cùng một lúc ở Lưỡng Hà (Mésopotamie) và Ai Cập. Ở Trung Hoa thì chữ viết ra đời chậm hơn, vào khoảng 1500 năm tr. C.N. Ở đâu người cũng bắt đầu sống bằng hái lượm, săn bắn, câu cá. Trừ một vài khu địa lí không thuận tiện cho sự trồng trọt, thường thường nông nghiệp xuất hiện cùng với du mục, ở miền Lưỡng Hà cũng như ở lưu vực sông Hoàng Hà hay sông Vị (không có sách mới nào nói người Hán đến từ Trung Á). Cố nhiên sự quan trọng của nông nghiệp hay du mục tuỳ theo địa lí và khí hậu ở mỗi nơi. Cho nên tôi không tin rằng du mục một đằng, nông nghiệp đằng khác đã đưa đến hai loại hình văn hoá khác biệt, một bên trọng động vì phải "thường xuyên di chuyển" (phương Tây) một bên trọng tĩnh vì phải "lo dựng một cuộc sống ổn định lâu dài" (phương Ðông). Không thể giải nghĩa hai hay ba nghìn năm văn hoá bằng tâm lí được.

Ðứng về phương diện phương pháp luận, để giảng nghĩa một sự khác biệt giữa hai văn hoá, cái "gốc" không quan trọng bằng những sự kiện kinh tế, xã hội, chính trị "đương thời". Mà trong 2000 năm nông nghiệp là nghề chính của đại đa số nhân dân trên thế giới.

Nếu ta coi lịch sử thế giới từ 2000 năm nay, mỗi xã hội có thời "tĩnh" và thời "động". TNT viết rằng "chính vì động cho nên văn hoá phương Tây đã chuyển biến rất nhanh" (tr.38). Sự thật mà ông quên là Âu Tây đã "tĩnh" trong 1000 năm từ sự sụp đổ của La Mã (thế kỉ 5) đến thời Phục Hưng (thế kỉ 15) từ đó mới tiến nhanh. Tinh thần chinh phục thiên nhiên mới nẩy nở từ đó chứ không phải "luôn" như ông viết (tr.39). Mà nếu nó nẩy nở chính vì có một giai cấp tư bản (tài chính và thương mại) đã xuất hiện với một chủ nghĩa mới : chinh phục thiên nhiên để giành lợi. Lợi lộc là một động cơ rất lớn. Trước kia, thời Trung Cổ "tĩnh" vì sự thống trị của đạo Ki-tô coi việc cần của con người là sửa soạn cho thế giới "bên kia" chứ không phải là hưởng thụ "bên này".

Ở phương Ðông cho đến thế kỉ 15, văn hoá Trung Hoa tiến nhanh hơn văn hoá Âu rồi sau đó suy dần cho đến nửa thế kỉ 20. Văn hoá Ả-rập thì "tĩnh" rồi "động". Ðộng cơ ở đây không phải là sự mưu cầu lợi nhuận như ở Âu Tây mà là một đạo mới, đạo Hồi, nảy nở ở thế kỉ 7. Chỉ trong hơn một thế kỉ, người Ả-rập đã lập một đế quốc rộng lớn từ miền tây Ðịa Trung Hải (gồm Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha) đến Trung Á và Sind (ở Ấn Ðộ). Ðối với họ, chiến thắng chính là dấu hiệu biểu lộ chân lí của đạo mới. Ðiều lí thú, đi trái ngược hẳn lí thuyết của TNT là dù "tĩnh" hay "động" nghề chính của người Ả-rập là du mục.

Những thí dụ trên đây và nhiều thí dụ khác cho thấy sự phân chia hai loại hình văn hoá theo gốc du mục hay nông nghiệp không có cơ sở khoa học.

Còn nhiều khẳng định của TNT cũng như thế, trái với sự thật lịch sử :

"Tất cả những cuộc chiến tranh xâm lược đều do những dân tộc thuộc loại hình văn hoá động gây ra cho những dân tộc thuộc loại hình văn hoá trọng tĩnh (hoặc tĩnh hơn)" (tr.47). Sự thật có rất nhiều chiến tranh xâm lược do một nước " tĩnh "mạnh gây cho một nước cũng "tĩnh" nhưng yếu hơn (hay bị coi là yếu), chẳng hạn Nhật Bản đối với Triều Tiên, Việt Nam đối với Chiêm Thành hay Campuchia, chưa kể người Hán đã thôn tính bao nhiêu dân tộc, gần đây nhất là Tây Tạng.

"Phương Tây coi trọng cá nhân" (tr 35 và 48). Nói thế là không đếm xỉa gì đến bao nhiêu thế kỉ nô lệ ở Âu Châu tuy chính TNT đã dẫn Aristote viết rằng "nô bộc là hạng người sinh ra để làm công cụ cho lớp thống trị và phụ nữ là để sản xuất và nuôi con" (tr.51). Tôi thì thấy rằng địa vị phụ nữ ở Việt Nam cao hơn ở Pháp cho đến thế kỉ 20.

"Trọng tĩnh là dân chủ, trọng động thì quân chủ" (tr.48). Thật lạ. Nhìn qua lịch sử thế giới từ 4-5000 năm tới nay gần như hầu hết các xã hội đều theo chế độ quân chủ cho tới thế kỉ 19 hay 20. Mà bây giờ có bao nhiêu chế độ gọi là "cộng hoà" mà thật sự là "quân chủ" lối mới, nghĩa là có một người độc tài cầm quyền. Và ở đâu cũng trọng nam hơn nữ vì sức lao động và sức chiến đấu cao hơn (cố nhiên địa vị người đàn bà có khác tuỳ theo nước).

"Quy luật chung là chiến tranh thường đi từ vùng du mục hơn đến vùng nông nghiệp hơn, ngược lại văn hoá lại thường đi từ vùng nông nghiệp hơn đến vùng du mục hơn" (tr 52) : quy luật thật là chiến tranh là một dụng cụ chính trị của kẻ mạnh hơn (hay nghĩ là mình mạnh hơn) gây ra cho kẻ yếu hơn (hay bị coi là yếu hơn). Giữa các nước Tây lẫn nhau, giữa các nước Ðông lẫn nhau : La Mã xâm lăng Ai Cập và Ba Tư nhưng Ba Tư trước đó đã xâm lăng Hi Lạp, v.v.

Còn văn hoá thì cũng đi nhiều đường từ Ðông sang Tây (không nên quên rằng đạo Ki-tô sinh ở Á Châu), từ Tây sang Ðông (văn hoá công nghiệp và kĩ thuật), từ Bắc xuống Nam (Khổng giáo), từ Nam lên Bắc (Ðạo giáo sinh ở miền Nam sông Dương Tử), từ một trung tâm nào đó lan rộng toàn thế giới (các tôn giáo lớn, khoa học hiện đại).

Về toạ độ và tiến trình của văn hoá Việt Nam, tôi đã dẫn ở trên những phát minh khảo cổ gần đây và sự công nhận của giới khảo cổ học về sự đóng góp của các văn hoá không Hán cho nền văn hoá Trung Hoa. TNT dẫn một bài của Solheim viết từ 1971 trong đó Solheim đưa ra một số giả thuyết về tiền sử Ðông Nam Á châu. Bây giờ những giả thuyết đó đã bị bác bỏ. Không ai phủ nhận rằng bước đầu của văn minh loài người đã xuất phát ở Tây Á như tôi đã dẫn ở trên. Ở Ðông Á, văn hoá đồng của Ðông Sơn xuất hiện chậm hơn văn hoá đồng của người Hán, 1 thiên niên kỉ chậm hơn. Ðối với những tượng và mặt nạ bằng đồng không Hán tìm thấy ở Tứ Xuyên hay Giang Tây cũng chậm hơn từ 500 đến 700 năm (xem Yang Xiaoneng, sđd). Bây giờ không thể viết như Hà Thúc Cần (dẫn tr. 83) hay Hà Văn Tấn (dẫn tr. 85) rằng văn hoá Ðông Sơn đã ảnh hưởng Vân Nam, Quảng Tây và cả đất Sở.

Năm 2001 tôi đi chơi Vân Nam được dịp xem bảo tàng Côn Minh, ở đó có trưng bày nhiều cổ vật bằng đồng của văn hoá Ðiền (tên hồ cạnh Côn Minh) tìm thấy ở những mộ vua chúa khoảng 600 đến 300 tr. C.N. Có đồ giống đồ Ðông Sơn (một số trống và chuông, có hoa văn chim, mặt trời, hình tròn ở giữa có điểm, ếch tượng trưng khả năng phồn thực, v.v.), có đồ khác (thạp đựng ốc tiền). Ðây là một vương quốc giàu, ở một giai đoạn tổ chức xã hội cao hơn Ðông Sơn còn ở tình trạng bộ lạc, buôn bán với người Hán, Ấn Ðộ, Tây Tạng, Miến Ðiện. Tôi nghĩ rằng Ðiền và Ðông Sơn cùng thuộc về một loại văn hoá đồ đồng lan rộng từ miền Nam sông Dương Tử cho tới các hải đảo (trống đồng cũng có ở Phi Luật Tân, Java, Lào, Cao Mên v.v.), khác văn hoá đồ đồng của người Hán thời Thương và Tây Chu, nhưng chịu ảnh hưởng của họ qua sự trao đổi hàng hoá (ảnh hưởng này rõ rệt ở các gương đồng, đồ nữ trang bằng ngọc tìm thấy ở Ðiền v.v.). Ở đây tôi cũng muốn nói là tôi không đồng ý với Hà Văn Tấn khi Tấn viết rằng "có một hệ thống chữ Việt cổ thời các vua Hùng" (dẫn tr.94-96) : 20 chữ - nếu đúng là chữ viết - không đủ để thành một "hệ thống". Một "hệ thống" dùng đúng nghĩa của nó phải có vài nghìn chữ đủ để tả cảnh vật, diễn đạt tính tình và ý niệm. Ở Trung Hoa cuối thời nhà Thương (thế kỉ 11 tr. C.N.) người Hán đã có 5000 chữ.

Cuối cùng có một điểm cần xét lại. Trang 90, TNT (cũng như nhiều người khác) viết rằng nhà Lí "xây Văn Miếu năm 1070, lập Quốc Tử Giám năm 1076". A. Poliakov đã nghiên cứu vấn đề này, năm 1990 ở Hà Nội có đưa cho tôi bài viết của ông, Etudes Vietnamiennes đăng ở số 3, septembre 1991, tr 27-36 : " Sur la date de construction du Van Mieu". Theo Poliakov, chỉ có Ngô Sĩ Liên mới biên sự kiện này, không thấy ghi ở các sử trước (Lê Văn Hưu, Việt sử lược v.v.). Thời đó Phật giáo là quốc giáo, chưa có nhiều nhà nho để dạy học và tổ chức thi cử. Ngô Sĩ Liên viết rằng thái tử Lí đến học ở Văn Miếu sau khi Văn Miếu được xây dựng, nhưng lúc bấy giờ mới có 4 tuổi ! Chỉ đến thế kỉ 13 nho giáo mới bắt đầu phát triển.

Chương 2 tìm hiểu những giá trị văn hoá nhận thức, nghĩa là những triết lí giải thích bản chất của vũ trụ, cấu trúc không gian và thời gian. Theo Trần Ngọc Thêm (TNT), âm dương ngũ hành có nguồn gốc ở phương Nam, bát quái thì nguồn gốc phương Bắc, tuy người Hán (TNT dùng chữ "Hoa tộc" không đúng) " đã có công rất lớn trong việc tổng hợp tri thức rồi hệ thống hoá và phát triển chúng" (tr. 98).

Lập luận của TNT không thuyết phục tôi vì những lẽ sau này :

Lẽ thứ nhất rất đơn giản là không thể khái niệm hoá nếu không có chữ viết. Một vật cụ thể ai cũng nhận được không cần phải nghĩ xa xôi. Từ thượng cổ ở đâu cũng biết phân biệt nam nữ ngày đêm vì đó là tự nhiên thôi (trời sáng trời tối). Ngày đêm, sáng tối đưa đến đen trắng : ngôn ngữ nào cũng có tối thiểu là 2 màu đen và trắng (TNT dẫn khảo sát của Berlin và Kay, tr. 135). Ðó cũng là nghĩa đầu của âm và dương : âm là sườn núi tối (mặt trăng), dương là sườn núi sáng (mặt trời). Nếu nói "gốc" thì âm dương là nhận thức của mọi người chứ không phải của riêng Ðông Nam Á hay Tây Bắc Á.

Trừu tượng hoá âm dương để thành một triết lí thì phải có chữ viết. Chữ viết không những có chức năng truyền thông rộng hơn là tiếng nói, mà còn cho phép trữ kiến thức, tăng thêm nó, phổ biến nó, và nhất là phát triển tư tưởng phê bình và khoa học. Tôi không nói là một xã hội truyền khẩu không biết phê bình. Nhưng họ chỉ biết phê bình cái gì họ nghe và thấy. Nghe một nhà hùng biện có thể bị lôi kéo mất óc phê bình. Chữ viết cho phép đọc từng dòng từng chữ, đọc đi đọc lại, có thời giờ ngẫm nghĩ suy luận, đối chiếu nhiều ý kiến. Và chữ viết cho phép trừu tượng hoá, mở đầu cho khoa học. Không có chữ viết không có khoa học, đó là một sự thật không ai chối cãi. Nhất là toán học, một dụng cụ chủ yếu của khoa học. Ta có thể làm vài tính thường trong óc. Nhưng tính phức tạp thì không được, phải viết trên giấy. Triết lí cũng vậy (chưa nói đến triết học). Triết lí cần chữ viết để trừu tượng hoá quan niệm thông thường, để dựng một hệ thống có quy củ, để xem xét, phê bình, sửa đổi.

Người Việt dù có 20 chữ hay 200 chữ cũng không đủ để trừu tượng hoá âm dương thành triết lí. Người Hán thì có thể vì có chữ từ thế kỉ 16 TCN, đến thế kỉ 11 TCN đã có 5000 chữ. Chữ "văn" trong văn hoá hay văn minh không có nghĩa là "đẹp" như TNT viết tr. 27, mà nghĩa là "chữ viết".

Ði đôi với sự xuất hiện của chữ viết là sự xuất hiện của một loại người lấy chữ làm nghề. Ðó là loại sĩ, có người thì làm việc cho triều đình (soạn và giữ các văn kiện, bói toán, làm cố vấn cho nhà vua), có người thì dạy học, suy nghĩ, viết sách. Chỉ có nhóm này mới có thời giờ và tri thức để xây dựng một hệ thống tư tưởng triết lí. Mà nhóm này chỉ có ở người Hán.

Ở Việt Nam cũng như ở tất cả miền Nam sông Dương Tử không nơi nào có những điều kiện ấy, nhất là đủ chữ và người để nghiên cứu triết lí. Có "gốc" không đủ để đi đến một quan niệm và cũng không đủ để đi đến một khái niệm. Nhất là khi "gốc" là của toàn thế giới ! Trừu tượng hoá "nữ" = "tối", "nam" = "sáng" không phải văn hoá nào cũng làm (hay làm được).

Và nói như TNT rằng ngũ hành và bát quái là sản phẩm của hai dân tộc khác nhau vì có sách chỉ nói đến bát quái không nói đến ngũ hành, hay vì trong ngũ hành và bát quái cùng một số hiện tượng (đất, nước, lửa) có những tên khác nhau, do đó phải xuất phát từ hai kiểu tư duy khác nhau, thì đó là chuyện thường trong văn học. Ở một trình độ nào đó trong một nước, về một vấn đề có nhiều ý nghĩ khác nhau, cùng một chữ có nhiều cách hiểu. Trong một nước Pháp có bao nhiêu sách khác nhau nói về tư tưởng của Marx ! Khổng giáo và Phật giáo cũng thế. Ở Tây Tạng có 4 phái đều được coi là chính phái của Phật giáo !

Nói về nước Việt ta thì phải công nhận ta không có óc triết học (người Nhật Bản cũng thế). Ngoại trừ mấy thiền sư thời Lí-Trần, ta không có một nhà triết học nào cả. Lê Quý Ðôn mà nhiều người gọi là một nhà triết học, sự thật chỉ là một người sưu tập.

Một lẽ cuối cùng mà TNT không nhận thấy là một mâu thuẫn lớn giữa tín ngưỡng cổ của người Hán và người Việt. TNT viết (tr. 99) : "đất được đồng nhất với mẹ, trời được đồng nhất với cha" (trong quan niệm của người nông nghiệp). Sự thật người Việt cổ coi trời là mẹ chứ không phải là cha, như trong câu :

Ông Trăng mà lấy Bà Trời

Chính TNT cũng nói đến Bà Trời trong Chương 4, §13,2, nhưng khi viết Chương 2 thì quên đi !

Chắc rằng ta nói Bà Trời, Bà Ðất, Bà Nước, v. v. , vì lúc bấy giờ ta còn ở chế độ mẫu hệ trong khi người Hán đã sang chế độ phụ hệ. Sau này bị Hán xâm chiếm và ảnh hưởng, ta mới sang chế độ phụ hệ và gọi Trời là Ông. Ở thời Thượng cổ ta gọi Trăng là Ông trong khi người Hán thì coi là âm (nữ) đối với mặt trời (dương).

Tất cả những lí lẽ trên đây đưa đến kết luận là triết lí âm dương ngũ hành là gốc Hán chứ không phải là gốc Việt.

Từ Chương 3 đến Chương 6, TNT lần lượt phân tích văn hoá Việt Nam : tổ chức cộng đồng (đời sống tập thể và cá nhân) ; ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội. Ở đây cơ sở lập luận vững hơn là ở hai chương đầu : TNT hiểu biết văn hoá Việt Nam nhiều hơn là văn hoá nước ngoài và lịch sử thế giới. Tuy nhiên vẫn có nhiều câu không đúng khi so sánh Việt Nam với Trung Quốc hay "phương Tây" và nhất là về phương diện phương pháp luận.

Trong Chương 3 : "Văn hoá tổ chức cộng đồng : đời sống tập thể", khác với lời viết của TNT (tr. 180), dòng họ rất quan trọng ở Tây Âu thời La Mã và phong kiến. "Cá nhân" xuất hiện từ thời Phục Hưng (thế kỉ 15), gia đình hạt nhân thì với chủ nghĩa tư bản và công nghiệp. Ở người slav dòng họ (zadruga) quan trọng cho tới thế kỉ 19. Trung Hoa cũng coi trọng gia tộc không kém Việt Nam, nhưng đó là gia tộc phía đàn ông, trong khi Việt Nam coi trọng cả hai dòng (nội và ngoại) tuy "nội" vẫn được trọng hơn "ngoại".

Tôi không chắc là "ở Việt Nam làng và họ nhiều khi đồng nhất với nhau". Nhiều tác giả thấy rằng phần đông các làng, nhất là ở trong Nam, gồm nhiều họ, dù rằng có một họ đã sáng lập. Ta có câu "láng giềng gần hơn họ xa". Tiếc rằng không có thống kê về vấn đề này.

Ở tr. 181, về Tây Nguyên, nói về sự điều hành trong nhà dài của người phụ nữ chủ nhà chỉ đúng ở chế độ mẫu hệ thôi. Ngược lại, tr. 186, không phải chỉ ở phương Nam mới trọng tuổi già. Tuổi già được trọng ở mọi nơi không có chữ viết hay ít dùng chữ viết dù xã hội là du mục hay nông nghiệp, bởi lí do đơn giản là kinh nghiệm đến với tuổi tác. Khi mà chữ viết và học thức lan rộng, tuổi già không được trọng nữa vì người trẻ có thể biết nhiều hơn người già.

Tr. 190-1, tôi không biết tính tự trị có phải là một đặc trưng cơ bản của nông thôn Việt Nam không. Lần đầu tiên nói đến xã là về thời Khúc Hạo (907-917). Sử viết là Khúc Hạo chia cả nước thành lộ, phủ, châu, giáp, xã : mỗi xã có một người chánh lệnh trưởng và một người tá lệnh trưởng. Ðến thời Lí, khu vực hành chính gồm có lộ, phủ, huyện, hương, giáp. Ðời Trần có xã quan. Lê Thánh-tông lại đổi thành xã trưởng. Xã trưởng do dân chọn nhưng nhà nước bổ nhiệm. Cho đến 1732 nhà nước Lê Trịnh suy mới thôi kiểm tra và lúc bấy giờ làng mới hoàn toàn tự trị. Nhưng tự trị không có nghĩa là dân chủ.

Dân chủ là gì ? TNT không định nghĩa chữ ấy, chỉ kết hợp dân chủ và bình đẳng (tr. 195). Nhưng có bình đẳng đâu ! Chính TNT cũng viết rằng có dân chính cư và dân ngụ cư, dân chính cư chia làm 5 hạng : chức sắc, chức dịch, lão, đinh, trẻ con. Hai hạng trên và một phần hạng thứ ba mới là quan viên. Thế thì có bình đẳng đâu ! Nếu là dân chủ theo nghĩa bây giờ thì ai là tráng đinh cũng phải có quyền bầu người lãnh đạo. Cho nên nói đúng hơn đây là một tập đoàn trị (oligarchie).

Theo TNT, tính cộng đồng và tính tự trị đưa đến hậu quả tốt và hậu quả xấu : óc ích kỉ, bè phái, v. v. Ở đây tôi thấy chủ quan quá. TNT chứng minh bằng một số ca dao hoàn toàn trái ngược. Ở đâu mà chả có người xấu người tốt ? Trong mức độ nào ? Ðó là vấn đề. Bây giờ tâm lí xã hội học đã đưa ra một số biện pháp để biết rõ hơn (tôi không nói là với kết quả hoàn toàn khoa học, tôi chỉ nói là khách quan hơn, lúc mà mình làm đúng quy tắc) tỉ số những người nghĩ thế này thế khác.

Ở mục 11 : "Cách tổ chức quốc gia", có nhiều câu đặt vấn đề (ngoài những điểm mà tôi đã phê bình). Tôi chỉ nêu vài ví dụ không bàn dài dòng :

Tr. 200 : "đơn vị trung gian giữa làng và nước không quan trọng ... thể hiện ở chỗ tên gọi ... luôn thay đổi" : chứng minh này không đủ và có thể chỉ bắt chước Trung Hoa (các tên đều lấy từ Trung Hoa).

Tr. 201 : "ở phương Tây, lãnh địa là trụ cột ổn định của quốc gia" : hoàn toàn sai ! Trái lại, các nhà vua luôn luôn ráng sức làm giảm bớt quyền lực của lãnh chúa để củng cố quốc gia. Vào thời kì phát triển tư bản đã hết lãnh địa và phong kiến từ lâu, nhà nước thống nhất chứ không phải là liên bang. Ở Ðức có nhiều vương quốc, Phổ (Prusse) thống nhất thành một Ðế quốc liên bang chứ không phải là một liên bang thực sự. Liên bang thật sự ở Âu Châu thế kỉ 19 chỉ có ở Thuỵ Sĩ do hoàn cảnh riêng của nước này.

"Ở Việt Nam. . . các làng phải tập hợp nhau lại thành ‘nước’". Không đúng. Ở đây cũng như ở Trung Hoa hay Âu Châu, một sức mạnh ngoài làng (một anh hùng, một tướng mạnh) đã tập hợp các làng, các vùng thành nước.

Tr. 202 : "Ở phương Tây ranh giới quốc gia rất mờ". Lại sai. Chính ở đây đã xuất hiện hộ chiếu. Từ khi có Cộng đồng Âu Châu, nghĩa là từ vài chục năm nay, những người trong Cộng đồng mới đi lại dễ dàng, những người ở ngoài vẫn phải xin thị thực.

"Giới tư sản các nước liên minh chặt chẽ với nhau" : phải thêm là để hợp tác và cũng là để cạnh tranh. Còn công nhân thì "tinh thần quốc tế vô sản" bây giờ không còn nữa !

Tr. 206 và sau, TNT đối lập Trung Hoa với Việt Nam cho là ta vì có gốc nông nghiệp nên có một truyền thống dân chủ hơn Trung Hoa là gốc du mục. Tôi thì thấy ở đâu cũng có vua tốt vua xấu. Vua ta đã theo Trung Hoa tự coi mình là thiên tử, mặc áo vàng, đặt quan chế theo kiểu Hán. Không phải chỉ vua ta mới "coi dân như con cháu mình", người Hán cũng có câu "quan là phụ mẫu" của dân. Quan hệ huyết thống (vua anh - vua em, vua chị - vua em, vua cha - vua con) hay pháp lí (vua Lê - chúa Trịnh) không thể gọi là "lãnh đạo tập thể" được (2 người không phải là "tập thể" nhất là khi cùng dòng họ). Chế độ vua cha - vua con có thấy ở một số nước mà không gọi được là dân chủ (Nhật Bản chẳng hạn). Còn chế độ kiểu Vua Lê - Chúa Trịnh thì cũng thấy ở Nhật và nhiều nước trong đó có Pháp "gốc du mục".

Tr. 213 : "Truyền thống dân chủ nông nghiệp còn thể hiện trong việc tuyển chọn người vào bộ máy quan lại". Không thể nói thế được vì ta chỉ bắt chước Trung Hoa là nước đầu tiên có việc này, một nước mà theo TNT có gốc vừa du mục vừa nông nghiệp. Ở Triều Tiên "gốc nông nghiệp", chỉ là quý phái mới được đi thi (thường dân không được). Ở Nhật cũng là một nước nông nghiệp, giai cấp thống trị là võ sĩ cha truyền con nối hay được người trên chọn, cho tới đầu thế kỉ 20.

Tr. 216-7 : TNT viết rằng "truyền thống thương nghiệp Việt Nam là gian dối", tôi thấy rất là chủ quan. Một hai tục ngữ ca dao không là chứng minh được. Còn nói ở phương Tây xã hội trọng vọng và kính nể nhà doanh nghiệp hay thương nhân thì chỉ đúng từ thời Phục Hưng thôi, thời Trung Cổ họ bị khinh vì sự thống trị của đạo Ki-tô y như là với Khổng giáo ở Ðông Á. Ở hai nơi giai cấp thương nhân đã nảy nở không phải nhờ tôn giáo mà mặc dù tôn giáo chống (tới một trình độ nào tiền mạnh hơn đạo).

Tr. 243 : Về lễ nam giao và lễ tịch điền, TNT lập luận rằng vì "tục thờ mặt trời có nguồn gốc ở phương Nam thì làm sao lễ tế Trời và Ðất lại bắt nguồn từ phương Bắc được ?". Người ta có thể trả lời rằng chữ và quan niệm "thiên địa nhân" và "thiên tử" xuất phát ở người Hán. Vua tế trời vì tự coi là con trời (thiên tử) có mệnh của trời trị vì thiên hạ (là đất dưới trời) nhiệm vụ đầu tiên là phát triển nông nghiệp. Có rất nhiều dân tộc thờ mặt trời : Amaterasu là nữ thần mặt trời ở Nhật Bản. Người Turc và người Mông Cổ (du mục) cũng thờ Trời nhưng là một thần Nam.

Trang 245 : "Rồng xuất phát từ Nam Á và từ đó đã đi vào văn hoá Trung Hoa" ? Khảo cổ thì có bằng chứng khác. Ở Trung Hoa, người ta đã đào được một số đồ bằng ngọc hình rồng thuộc văn hoá Hongshan (4700-2920 tr. C. N.) tỉnh Liao-ning và Nội Mông Cổ. Hình rồng cũng có ở văn hoá Yangshao (5000-3000) và Taosi Longshan (2500-2000 tr. C. N.). Bên cạnh hình rồng có hình rắn trên đồ đất nung 3. Ở Việt Nam không (chưa ?) tìm được hình rồng nào xưa như thế. Người Hán chẳng cần phải qua sông Dương Tử để biết rồng !

Tr. 272-3, chú thích 14 : Nước Sở thế kỉ 4-3 tr. C. N. dân Việt nhưng vua và quý tộc là Hán. Khuất Nguyên là người Hán không được vua nghe nên tự vẫn chứ không phải "bất bình với sự cai trị của vua nhà Hán" : nhà Hán lập nghiệp năm 206 tr. C. N. , nghĩa là 70 năm sau khi Khuất Nguyên mất.

Tr. 288-9 : "Văn hoá gốc du mục trọng dương. . . thiên về văn xuôi". Sự thực phức tạp hơn nhiều. Có nơi bắt đầu bằng thơ, như ở Hi Lạp với Homère (Iliade, Odyssée) hay ở Pháp với Chanson de Roland, có nơi bắt đầu bằng vừa thơ vừa văn xuôi như ở La Mã với Lucrèce và Cicéron, v. v. Văn xuôi bắt đầu thịnh hành từ thế kỉ 18, nghĩa là khá xa với "gốc".

Tr. 410 Ngọ Môn có thể được dịch bằng Porte du Midi và Midi cũng có nghĩa là hướng Nam (Chú thích của DÐ : TNT chê dịch như vậy là sai vì ông tưởng Midi chỉ có nghĩa là giờ ngọ).

Tr. 457 : Tượng Phật ở chùa Phật Tích trước đây Bezacier cho là tượng Adiđà, bây giờ Trần Lâm Biền và Chu Quang Trứ cho là tượng Phật Thích Ca, tôi nghĩ đúng hơn.

Tr. 467 : Quan Âm là Phật Bà không những ở Việt Nam mà cả ở Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản tuy rằng họ không "thiên về nữ tính".

Tr. 482 và sau : TNT viết rằng Nho giáo "ra đời và nuôi dưỡng bởi hai dòng sữa : truyền thống văn hoá du mục phương Bắc và truyền thống văn hoá nông nghiệp phương Nam". Trên đây tôi đã đưa ra nhiều chứng minh đối lập với thuyết "hai văn hoá" ấy. Ở đây chỉ cần nói rằng nhiều dân tộc du mục nhỏ ở phương Ðông (chẳng hạn ở Trung Á) không có "tham vọng bình thiên hạ" còn "trọng sức mạnh" thì cũng thấy ở nước nông nghiệp (Nhật Bản chẳng hạn). Hay là nông nghiệp "phương Bắc" khác nông nghiệp "phương Nam" ? Nhật Bản khác Việt Nam vì có một chế độ phong kiến rất giống phong kiến Âu Châu. Do đó họ trọng sức mạnh, không trọng phụ nữ. Nhưng đó là kết quả của chế độ xã hội chứ không phải của nông nghiệp. Người ta cũng có thể lí luận như thế đối với "lối sống trọng tình" hay "tinh thần dân chủ", hai ý niệm rất chủ quan, hay cho người làm văn viết truyện nhưng người khoa học thì nên tránh. Tôi không nói là không có người sống trọng tình hay không có tinh thần dân chủ. Tôi chỉ phê bình sự khẳng định khái quát là nông nghiệp đưa ra lối sống trọng tình và tinh thần dân chủ.

Tr. 579 "Hoa tộc (đúng hơn phải nói Hán tộc) đã thu từ phương Nam. . . cái rìu, cái nỏ, nghề nấu thuỷ tinh, phần nào nghề luyện kim đồng" : không đúng. Trung Hoa cũng có rìu (một vật ở đâu cũng thấy từ thời Thượng cổ : paleolithique = đá cũ, neolithique = đá mới), có nỏ (một lợi khí đã giúp Tần thống nhất Trung Hoa), biết luyện kim đồng trước người Việt (Ðông Sơn sớm nhất là thế kỉ 6-5 tr. C. N. , nhà Thương có đồ đồng từ thế kỉ 16-15 tr. C. N. ). Còn nghề nấu thuỷ tinh, tôi không biết TNT dựa vào tài liệu nào mà nói người Việt biết nghề ấy. Theo tất cả các sách khảo cổ mà tôi biết, thuỷ tinh được phát minh ở Ai Cập và Mêzôpôtami trước -1500, lan ra Tây Á vào thế kỉ thứ 6 tr. C. N. , nghề thổi thuỷ tinh xuất hiện ở thế kỉ 1 ở đấy.

Ðể kết luận, tôi thấy quyển sách của ô. Thêm có hai phần. Phần có giá trị là khi tác giả phân tích văn hoá Việt Nam. Có những trang rất lí thú về đời sống cá nhân, văn hoá ứng xử với môi trường : ăn uống, mặc, ở và đi lại, tuy có khi người đọc có thể không đồng ý về điểm này hay điểm khác. Phần yếu của quyển sách là khi tác giả khái quát mà không có chứng minh khoa học, đặt cơ sở lí luận trên sự phân chia hai loại hình văn hoá, trọng tĩnh và trọng động, theo nguồn gốc nông nghiệp hay du mục của nó. Lịch sử thế giới không chứng minh lí luận đó : phần lớn các văn hoá khi xuất hiện ở phương Ðông cũng như ở phương Tây đều phối hợp nông nghiệp và du mục (tuy với trình độ khác nhau). Chỉ trong một số trường hợp vì hoàn cảnh địa lí khí hậu ta thấy chỉ có nông nghiệp (các đồng bằng Ðông Nam Á Châu) hay chỉ có du mục (Trung Á, Trung Phi, bán đảo Ả rập v. v. ). Ðứng về phương diện phương pháp luận, để giảng nghĩa một sự kiện lịch sử xã hội, "gốc" không quan trọng bằng các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, đương thời. Gốc là một khái niệm khái quát quá, lờ mờ quá, nhất là một gốc du mục hay nông nghiệp đưa ra nhiều xã hội khác nhau. Nhiều ý niệm khác tác giả dùng cũng không ở trong phạm trù khoa học : tính âm, tính dương, tính tĩnh, tính động, của một văn hoá là gì ? Chữ tĩnh hàm ý không thay đổi, hay không thay đổi trong một thời gian lâu, và có ở tất cả mọi người, dù là nam hay nữ, ở địa vị này hay địa vị nọ, ở đẳng cấp, giai cấp này hay đẳng cấp, giai cấp nọ. Sự thật thì cái gì cũng thay đổi, chậm hay nhanh. Có khi vì muốn đề cao văn hoá nước mình, tác giả đã quên nhiều sự kiện lịch sử. TNT cho rằng hai truyền thống quan trọng của Việt Nam là "dân chủ" và "trọng tình" (tr. 498) : "vua nông nghiệp. . . coi dân như con cháu mình" (tr. 206 : có bao nhiêu ông vua như thế ?) ; "các cuộc chiến tranh mà người Việt Nam từng phải thực hiện đều mang tính tự vệ (cả) với người Chiêm Thành" (tr. 498). Năm 1471 Lê Thánh-tông đánh Chiêm Thành để "tự vệ" hay để mở mang bờ cõi ? Sau khi chiếm thủ đô Chăm, Lê Thánh-tông đã giết hơn 40.000 người và bắt hơn 30.000 người về để làm gia nô hay điền binh (Ðại Việt sử kí toàn thư). Ðó có phải là một hành động "trọng tình" không ? Tôi thì gọi nó là dã man, lấy làm hổ thẹn, chỉ biết ... tạ lỗi với người Chăm. Gần đây cải cách ruộng đất có "trọng tình" không ? Và bây giờ các chủ nhân xí nghiệp "gốc nông nghiệp" đối xử với công nhân "trọng tình" hay "bóc lột" như người mác-xít vẫn nói ? Nói chung các văn hoá "gốc nông nghiệp" bây giờ "trọng tình" hay "trọng tiền" hơn ?

Ông Trần Ngọc Thêm còn nhiều thời giờ để đọc sách, nghiên cứu và suy nghĩ về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới và phương pháp luận. Với khả năng của ông, tôi tin rằng ông sẽ vượt các khuyết điểm hiện giờ và đóng góp nhiều cho nền khoa học xã hội và nhân văn của nước nhà.

Lê Thành Khôi

nguồn dongtac.net

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bài viết trên của GS Lê Thành Khôi đăng trên Dongtac.net

Em xin phản biện một số điểm mà bác LTK đưa ra :

Tiện đây tôi muốn nói về "4000 năm văn hiến" của Việt Nam (tr.27). 4000 năm nghĩa từ -2000 đến bây giờ. Nếu tính có 18 vua Hùng trị vì từ -2000 đến -258 (lúc mất nước cho An Dương Vương) nghĩa là trong 1742 năm có 18 vua, mỗi vua trị vì gần 100 năm : ai tin được ?

Kinh Dương Vương thống nhất Bách Việt và lập ra vương quốc Xích Quỷ vào năm Nhâm Tuất (2879.BC) và triều đại Hùng Vương kết thúc năm 258.BC với CHI thứ 18, chi cuối cùng của họ Hùng Vương. Mỗi chi gồm nhiều đời vua tống cộng có hơn 47 đời vua.

Posted Image

Từ trước đến nay “chúng ta” thường nghĩ rằng “đời” vua Hùng là giai đoạn sinh sống của một vị vua thuộc họ Hồng Bàng, cho nên với 18 đời vua mà thời gian kéo dài đến 2622 năm thì có vẻ rất vô lý.

Gần đây công trình nghiên cứu của Trần Huy Bá về Hùng Vương và sự tích “Hùng Triều Ngọc Phả” do Nguyễn Như Đỗ sống vào thời nhà Lê ghi rõ ràng như sau:”Thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm gồm 47 đời vua”. Theo Hùng Vương Ngọc Phả thì chữ Đời Vua dùng trong 18 đời vua Hùng không phải là một đời người mà là “một dòng (chi) gồm nhiều đời”. Riêng dòng Hùng Vương thứ 18, chi cuối cùng của thời đại Hùng Vương đã gồm 3 đời vua trị vì. Hiện nay ở Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, tỉnh Vĩnh Phú, còn bài vị “Tam Vị Quốc Chúa”. thờ 3 vị vua cuối cùng thuộc dòng Hùng Vương thứ 18 này. Chi này chấm dứt vào năm 258TCN.

Theo sự tích Ngọc Phả thì mỗi dòng vua được gọi là một “Chi”. Mỗi chi gồm nhiều đời vua và được xếp theo thứ tự bát quái và thập can như sau:

Càn, Khảm, Chấn ,Cấn ,Khốn, Ly, Khôn, Đoài và Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỳ, Canh,Tân, Nhâm, Qúy. Cũng theo sự tích Ngọc Phả này thì thời Hùng Vương gồm cả thảy 47 đời vua theo thứ tự như sau:

1/ Chi Càn: Kinh Dương Vương. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên chép như sau:”Kinh Dương Vương là vị vua đầu tiên của nước Đại Việt ta, lên ngôi năm 2879.TCN”. Kinh Dương Vương húy là Lộc Tục, sinh năm Nhâm Ngọ (2919TCN), lên ngôi năm 41 tuổi, trị vì 86 năm từ năm Nhâm Tuất (2879TCN) đến năm Đinh Hợi (2794TCN).

2/ Chi Khảm: Lạc Long Quân. Lạc Long Quân húy Sùng Lãm, tức Hùng Hiền Vương, sinh năm Bính Thìn (2825TCN), lên ngôi năm 33 tuổi. Chi này kéo dài 269 năm, từ năm Mậu Tý (2793TCN) đến năm Bính Thìn (2525TCN). Thời kỳ này được truyện cổ tích về họ Hồng Bàng gọi là huyền sử Rồng Tiên. Tài liệu không ghi rõ là có mấy đời vua của chi này.

3/ Chi Cấn: Hùng Quốc Vương. Hùng Quốc Vương húy Hùng Lân, thế này trị vì từ năm Đinh Tỵ (2524TCN) đến năm Bính Tuất (2253TCN), kéo dài 271 năm. Tài liệu không ghi rõ là có mấy vị vua trong chi này.

4/ Chi Chấn: Hùng Hoa Vương. Hùng Hoa Vương tức Hùng Bửu Lang. Lên ngôi năm Đinh Hợi (2254TCN) chi này trị vì suốt 342 năm, tức là đến năm 1712TCN, tài liệu cũng không ghi rõ gồm mấy vị vua.

5/ Chi Tốn: Hùng Huy Vương húy Bảo Lang sinh năm 2030TCN, lên ngôi năm 59 tuổi. Chi này kéo dài 200 năm tới năm 1771TCN. Không ghi rõ có mấy vị vua của chi này.

6/ Chi Ly: Hùng Hồn Vương. Hùng Hồn Vương húy Long Tiên Lang, sinh năm 1740TCN, chi này gồm 2 đời vua kéo dài 81 năm đến năm 1690TCN.

7/ Chi Khôn: Hùng Chiêu Vương. Hùng Chiêu Vương húy Quốc Lang, sinh năm 1502TCN, lên ngôi năm 12 tuổi. Chi này gồm 5 đời vua kéo dài 200 năm từ năm 1690TCN đến năm 1490TCN.

8/ Chi Đoài: Hùng Vĩ Vương. Hùng Vĩ Vương húy Văn Lang, sinh năm 1466TCN, lên ngôi năm 31 tuổi. Chi này gồm 5 đời vua cả thảy là 100 năm, từ năm 1435TCN đến năm 1335TCN.

9/ Chi Giáp: Hùng Định Vương. Hùng Định Vương húy Chân Nhân Lang, sinh năm 1381TCN, lên ngôi năm 45 tuổi. Chi này gồm 3 đời vua kéo dài được 80 năm từ năm 1336TCN đến năm 1256TCN.

10/ Chi Ất: Hùng Uy Vương. Hùng Uy Vương húy Hoàng Long Lang, sinh năm 1294TCN, lên ngôi năm 37 tuổi, chi này gồm 3 đời vua kéo dài được 90 năm, từ năm 1257TCN đến năm 1167TCN.

11/ Chi Bính: Hùng Trinh Vương. Hùng Trinh Vương húy Hưng Đức Lang, sinh năm 1218TCN, lên ngôi năm 51 tuổi. Chi này gồm 4 đời vua kéo dài 107 năm, từ năm 1168TCN dến năm 1061TCN.

12/ Chi Đinh: Hùng Vũ Vương. Hùng Vũ Vương húy Đức Hiền Lang, sinh năm 1114TCN, lên ngôi năm 52 tuổi, chi này có 3 đời vua, kéo dài 96 năm từ năm 1062TCN đến năm 966TCN.

13/ Chi Mậu: Hùng Việt Vương. Hùng Việt Vương húy Tuấn Lang, sinh năm 990TCN, lên ngôi năm 23 tuổi, chi này có 5 đời vua kéo dài 105 năm từ năm 967TCN đến năm 862TCN.

14/ Chi Kỷ: Hùng Anh Vương. Hùng Anh Vương húy Viên Lang, sinh năm 905TCN, lên ngôi năm 42 tuổi, chi này có 4 đời vua kéo dài từ năm 863TCN đến năm 779TCN tức là 89 năm.

15/ Chi Canh: Hùng Triệu Vương. Hùng Triệu Vương húy Chiêu Lang, sinh năm 745TCN, lên ngôi năm 35 tuổi, chi này gồm 3 đời vua kéo dài từ năm 780TCN đến năm 686TCN tức là được 94 năm.

16/ Chi Tân: Hùng Tạo Vương. Hùng Tạo Vương húy Đúc Quân Lang, sinh năm 740TCN lên ngôi năm 53 tuổi, chi này có 3 đời vua kéo dài từ năm 687TCN đến năm 595TCN, tức là được 92 năm.

17/ Chi Nhâm: Hùng Nghi Vương. Hùng Nghi Vương húy Bảo Quang Lang, sinh năm 605TCN, lên ngôi năm 9 tuổi, chi này có 4 đời vua kéo dài từ năm 596TCN đến năm 336TCN tức là được 160 năm.

18/ Chi Qúy: Hùng Duệ Vương. Hùng Duệ Vương húy Huệ Vương, sinh năm 350TCN lên ngôi năm 14 tuổi, chi này có 3 đời vua kéo dài từ năm 337TCN đến năm 258TCN tức là được 79 năm.

Tất cả các truyện về Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân đều là huyền thoại tổ tiên ta bịa ra (cũng như người Hán bịa ra Tam Hoàng) để có một "lịch sử " gần xưa bằng Trung Hoa. Nhưng huyền thoại vẫn có thể phân tích và hiểu theo góc dân tộc học. Và một huyền sử hay một giả thuyết có thể thành sự thực một khi đã được khảo cổ học chứng minh. Ta có thể lấy thí dụ nhà Hạ mà trước kia nhiều người coi là hoang đường. Nhà Hạ đã thành (một phần) sự thật trước nhà Thương từ khi đào được địa điểm Erliton ở Hà Nam. Cacbon 14 cho biết văn hoá Erliton có từ -2000 đến -1600 (nhà Thương : từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 11 trước C.N.)

Quan niệm sai lầm nhất là cho rằng các huyền thoại là hoang đường. Vì huyền thoại là Thông Điệp mà người xưa gởi đến con cháu, hiểu huyền thoại theo nghĩa đen thì không bào giờ thấy được nội dung thộng điệp bên trong.

Còn về bằng chứng lịch sử cho thời đại Hùng Vương thì bao gồm bằng chứng về các giai đoạn phát triển liên tục của văn hóa tiền Đông Sơn đến Đông Sơn và bằng chứng về hệ thống giáo dục cổ đại thời Hùng Vương.

Posted Image

Hàng trăm địa điểm thuộc văn hóa Đông Sơn đã được khai quật nghiên cứu, qua đó giúp ta hiểu được một quá trình phát triển liên tục, nội sinh qua bốn giai đoạn phát triển:

1/Sơ kỳ đồ đồng - giai đoạn Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng 4000 năm.

2/Trung kỳ đồ đồng: giai đoạn Ðồng Ðậu, cách ngày nay khoảng 3300 năm đến 3500 năm.

3/Hậu kỳ đồ đồng: giai đoạn Gò Mun, cách ngày nay khoảng trên dưới 3000 năm.

4/Cuối cùng là giai đoạn Ðông Sơn thuộc sơ kỳ đồ sắt, cách ngày nay khoảng từ trên dưới 2000 năm đến 2800 năm.

Xin xem thêm bài Đồ đồng cổ Đông Sơn và bài Tên đồng thành Cổ Loa để hiểu rõ hơn về khía cạnh vật chất của văn minh Đông Sơn thuộc thời đại Hùng Vương.

Tiếp theo xin xem thêm bài Hệ thống giáo dục thời Hùng Vương để thấy thời đại Vua Hùng đã phát triển một nền học thuật giúp đào tạo hiều tài cho đất nước và cũng thể hiện một khía cạnh phi vật chất của quá trình phát triển liên tục, nội sinh của văn minh Đông Sơn.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đọc bài viết của ông Lê Thành Khôi.

Tôi đã đụng độ với tư tưởng của ông này bên tuvilyso.com và tất nhiên với sự phản bác kịch liệt, khiến cho những "pan" ủng hộ ông này phản đối tôi. Ông Lê Thành Khôi là một người Việt khá thành danh ở nước Pháp và được chính phủ Pháp tặng cũng không ít giải thưởng lớn nhỏ. Nhưng qua sự tôn vinh ông này của chính phủ Pháp mà tôi suy luận chủ quan rằng: Nền khoa học của nước Pháp ngày càng đi đến lụn bại và già cỗi.

Tôi rất quí trọng ông Trần Ngọc Thêm, tôi đã tham gia vào diễn đàn của ông, nhưng vì bận rộn và sức khỏe nên không hoạt động trên diễn đàn này. Nhưng đấy không phải động cơ để tôi viết bài này.

Trước hết chúng ta xem đoạn văn này của ông Lê Thành Khôi:

Tiện đây tôi muốn nói về "4000 năm văn hiến" của Việt Nam (tr.27). 4000 năm nghĩa từ -2000 đến bây giờ. Nếu tính có 18 vua Hùng trị vì từ -2000 đến -258 (lúc mất nước cho An Dương Vương) nghĩa là trong 1742 năm có 18 vua, mỗi vua trị vì gần 100 năm : ai tin được ? Theo Việt sử lược thì nước Văn Lang ra đời vào thời Trang Vương nhà Chu (696-681). Như thế còn có thể tin được vì mỗi vua Hùng trị vì hơn 20 năm. Tất cả các truyện về Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân đều là huyền thoại tổ tiên ta bịa ra (cũng như người Hán bịa ra Tam Hoàng) để có một "lịch sử " gần xưa bằng Trung Hoa. Tất cả các truyện về Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân đều là huyền thoại tổ tiên ta bịa ra (cũng như người Hán bịa ra Tam Hoàng) để có một "lịch sử " gần xưa bằng Trung Hoa. Nhưng huyền thoại vẫn có thể phân tích và hiểu theo góc dân tộc học. Và một huyền sử hay một giả thuyết có thể thành sự thực một khi đã được khảo cổ học chứng minh. Ta có thể lấy thí dụ nhà Hạ mà trước kia nhiều người coi là hoang đường. Nhà Hạ đã thành (một phần) sự thật trước nhà Thương từ khi đào được địa điểm Erliton ở Hà Nam. Cacbon 14 cho biết văn hoá Erliton có từ -2000 đến -1600 (nhà Thương : từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 11 trước C.N.) 1.

Qua đoạn văn này chúng ta thấy một lập luận quen thuộc và rất phổ biến ở giới sử học Việt Nam theo quan điểm phủ nhận truyền thống văn hóa Việt: Chia 2622 năm trị vì của thời Hùng Vương cho 18 ông vua Hùng ra số tuổi thọ mỗi vị vua gần 150 năm và la lối lên là vô lý, là không logic, là phi khoa học...

Sự tương đồng về một trong những luận điểm phủ nhận giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt giữa các nhà sử học trong nước và ông Lê Thành Khôi, khiến cho Thiên Sứ tôi liên hệ đến bài viết của Nguyễn Anh Hùng trên Kiến thức Ngày Nay: "Quan điểm này (Quan điểm phủ nhận truyền thống văn hóa sử của người Việt/ Thiên Sứ) được cộng đồng khoa học thế giới thừa nhận". Thật là một sự nhất trí cao qua luận điểm chung này: Các vị vua Hùng có tuổi thọ phi quy luật sinh học. Thiên Sứ tôi đã nhiều lần chỉ ra sự vô lý đến ngớ ngẩn của luận điểm này. Nếu nói cho đúng thì phải gọi là sự dốt nát đến mức ngạc nhiên (1). Thiên Sứ tôi có lẽ không cần phải nói lại sự minh chứng của mình, nhưng vì còn chút nào tôn trọng chính phủ Pháp - một chính thể đã dành nhiều ưu ái cho ông này - mà viết lại như sau:

Quan niệm bình thường khá phổ biến cho rằng:

2622 năm tồn tại của thời Hùng Vương, chia cho 18 đời vua Hùng trị vì quốc gia Văn Lang thì mỗi ông vua phải thọ gần 150 năm là điều vô lý. Và họ lấy đó là một luận điểm khoa học phủ định thời Hùng Vương. Cái tầm thường dốt nát của những tư duy khoác bằng cấp cao này sai ở yếu tố sau:

a) Cái vô lý của phương pháp toán học này là lấy một con số thật 2622 năm chia cho một con số ảo là 18 đời vua chưa được minh chứng là thật. Trong nguyên tắc toán học thì những đại lương phải đồng đẳng, không thể lấy số gà trừ đi số vịt được. Nói rõ hơn là: Anh phải chứng minh được con số 18 đời Hùng Vương là có thật thì anh mới có quyến lấy 2622 năm chia cho 18.

:lol: Có người vặn lại tôi - trên một diễn đàn - rằng: Lấy gì minh chứng con số 2622 năm là con số thật?

Tôi chán quá không buồn trả lời vì còn để thời gian chơi game xả cái "sì troét".

Nhưng với những người bạn đang xem blog này tôi trả lời như sau: Nếu con số 2622 năm không thật thì nó là ảo nốt. Như vậy lấy một con số ảo chia cho một con số ảo thì hợp lý về toán học như: a - b = c vậy. Nhưng như vậy thì con số 150 năm cũng là ảo nốt.

Vậy thì con số ảo nốt này cũng sẽ không thể chứng minh cho tuổi sinh học trên thực tế của đời người.

Kiểu gì thì cái lập luận phủ định văn hóa sử của dân tộc Việt kia cũng sai.

Nguồn: http://360.yahoo.com/thiensulacviet

Tôi đã chứng minh rằng luận điểm của ông Lê Thành Khôi là một sai lầm rất căn bản về mặt toán học - dù là toán học cấp II. Nhưng đây lại là người được chính phủ Pháp tôn vinh. Bởi vậy, thật dễ hiểu khi Thiên Sứ tôi cho rằng: Nền khoa học Pháp đang già cỗi và tàn lụi.

Chưa hết, ngay trong một đoạn văn ngắn được trích dẫn ở trên đã cho thấy lập luận bất nhất và tính thiếu nhất quán của ông Lê Thành Khôi qua đó thấy sự hiểu biết của ông này ấu trĩ và không có tính thuyết phục. Ở trên ông ta viết:

Tất cả các truyện về Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân đều là huyền thoại tổ tiên ta bịa ra (cũng như người Hán bịa ra Tam Hoàng) để có một "lịch sử " gần xưa bằng Trung Hoa.

Nhưng ngay câu kế tiếp chính ông ta lại viết:

Nhưng huyền thoại vẫn có thể phân tích và hiểu theo góc dân tộc học. Và một huyền sử hay một giả thuyết có thể thành sự thực một khi đã được khảo cổ học chứng minh. Ta có thể lấy thí dụ nhà Hạ mà trước kia nhiều người coi là hoang đường. Nhà Hạ đã thành (một phần) sự thật trước nhà Thương từ khi đào được địa điểm Erliton ở Hà Nam. Cacbon 14 cho biết văn hoá Erliton có từ -2000 đến -1600 (nhà Thương : từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 11 trước C.N.) 1.

Như vậy chính ông thừa nhận tình hiện thực của huyền thoại trong điều kiện nó được chứng minh. Nhưng ngay câu trên thì ông này lại khẳng định những huyền thoại của dân tộc Việt là do "tổ tiên ta bịa ra".

Ông còn thí dụ cụ thể:

Ta có thể lấy thí dụ nhà Hạ mà trước kia nhiều người coi là hoang đường. Nhà Hạ đã thành (một phần) sự thật trước nhà Thương từ khi đào được địa điểm Erliton ở Hà Nam. Cacbon 14 cho biết văn hoá Erliton có từ -2000 đến -1600 (nhà Thương : từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 11 trước C.N.) 1.

Như vậy qua thí dụ của ông cho thấy một huyền thoại đã được chứng minh, thâm chí tôi thêm một thí dụ nữa cho rõ là: Ngay huyền thoại cuộc chiến thành Troe cũng đã được chứng minh là có thật. Vậy sao chỉ có huyền thoại Việt là bịa với ông?

Ông này cho rằng:

Và một huyền sử hay một giả thuyết có thể thành sự thực một khi đã được khảo cổ học chứng minh.

.

Tôi đã nhiều lần chứng minh rằng: Khảo cổ học không phải bằng chứng duy nhất chứng minh cho lịch sử. Và điều này đã được chính cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc xác dịnh rằng: Những giá trị văn hóa phi vật thể là những bằng chứng khoa học chứng minh cho lịch sử. Chính tổ chức văn hóa quốc tế này cử một người Pháp đứng đầu cơ quan nghiên cứu thẩm định những giá trị văn hóa phi vật thể - tức là người đứng đầu cơ quan này đang sống chung với ông ta ở chính nước Pháp. Nhưng chính ông Lê Thành Khôi có lẽ chưa cập nhật kiến thức nên vẫn mắc sai lầm ấu trĩ này. (2)

Có thể nói rằng toàn bộ bài viết của ông này hoàn toàn mâu thuẫn, tự phủ định và không có giá trị. Nhưng chúng ta để ý và thấy rằng: Những lập luận của ông này gần giống , nếu không muốn nói là giống hệt những luận điểm phủ nhận những giá trị văn hóa sử truyền thống của những nhà sử hoc trong nước? Tại sao thế nhỉ? Họ là những chứng nhân khách quan của nhau hay là một sự thống nhất có chủ ý?

Còn tiếp

Thiên Sứ

Chú thích 1): Chình vì dốt quá khiến Thiên Sứ tôi phải hoài nghi động cơ phủ nhận những giá trị văn hóa truyền thống Việt nhân danh khoa học .

2) Thiên Sứ chứng minh cổ sử Việt bằng những giá trị văn hóa phi vật thể (1998)trước khi được cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc thừa nhận giá trị văn hóa phi vật thể là bằng chứng chứng minh cho lịch sử (2003). Còn trước cả những cái cần cập nhật.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Còn homo sapiens sapiens (người hiện nay) thì xuất hiện cách đây 40.000 năm ở Tây Á (Palestin, Syria) với nông nghiệp, du mục, đồ gốm và đá mài. Khoảng 3100 năm trước C.N. thì chữ viết ra đời gần như cùng một lúc ở Lưỡng Hà (Mésopotamie) và Ai Cập. Ở Trung Hoa thì chữ viết ra đời chậm hơn, vào khoảng 1500 năm tr. C.N. Ở đâu người cũng bắt đầu sống bằng hái lượm, săn bắn, câu cá. Trừ một vài khu địa lí không thuận tiện cho sự trồng trọt, thường thường nông nghiệp xuất hiện cùng với du mục, ở miền Lưỡng Hà cũng như ở lưu vực sông Hoàng Hà hay sông Vị (không có sách mới nào nói người Hán đến từ Trung Á). Cố nhiên sự quan trọng của nông nghiệp hay du mục tuỳ theo địa lí và khí hậu ở mỗi nơi. Cho nên tôi không tin rằng du mục một đằng, nông nghiệp đằng khác đã đưa đến hai loại hình văn hoá khác biệt, một bên trọng động vì phải "thường xuyên di chuyển" (phương Tây) một bên trọng tĩnh vì phải "lo dựng một cuộc sống ổn định lâu dài" (phương Ðông). Không thể giải nghĩa hai hay ba nghìn năm văn hoá bằng tâm lí được.

Văn minh du mục hay văn minh nông nghiệp phát triển trên một vùng đất một phần lớn do điều kiện tự nhiên của khu vực đó quyết định. Con người hiện đại ra đi từ châu Phi và chinh phục các vùng đất khác nhau trên Trái Đất, tùy theo điều kiện tự nhiên của khu vực mà hình thành nên văn hóa và văn minh của mình :

Posted Image

Bản đồ mô phỏng quá trình di cư của con người hiện đại từ Genographic project

.

Posted Image

M175 (35.000 years ago)

.

Khu vực bắc Á vào cuối kỷ băng hà rất lạnh, có vùng bị đóng băng (Glacial maximum), vì thế chỉ thích hợp với cuộc sống du mục, săn bắt, vốn có lợi thế về sự di chuyển và linh hoạt ứng phó với những biến động của tự nhiên.

.

Khu vực đông Nam Á vào cuối kỷ băng hà có khí hậu và hệ thống sông ngòi rất phù hợp cho phát triển cuộc sống định canh định cư, hình thành văn minh nông nghiệp (khu vực này không thể sống du mục vì hệ thống sông ngòi chằn chịt)

.

Một trong những bằng chứng cho điều này đó là cấu trúc nhà ở.

Posted Image

*Nhà của người du mục là nhà tròn, mái tròn, dựng lên rất nhanh và thu dọn để di chuyển cũng rất "cơ động".

.

*Nhà của dân nông nghiệp thì cố định, vững chắc, vì thế mà khi bán đảo Đông Nam Á bị nhận chìm một phần vào cuối kỹ băng hà, quá trình hẵn diển ra từ từ đến nổi người dân phát minh ra cấu trúc nhà sàn để "sống chung" cới con nước dâng lên cho đến khi không thể sống được trong vùng bị ngập lụt quá thường xuyên thì phải di tản lên các vùng cao, nhưng vẫn theo thói quen mà cất nhà sàn, rồi tận dụng khoảng trống bên dưới để trữ đồ đạc và chăn nuôi.

Posted Image

.

Chính từ cuộc sống du mục hay định cư nông nghiệp mà qua bao đời đã hình thành nên văn hóa và văn minh của từng dân tộc. Rồi từ đấy khi mở rộng lãnh thổ hoặc quá trình di cư sẽ truyền bá văn hóa tư tưởng của mình vào xã hội khác, tạo nên một sự đan xen mà chúng ta thấy ngày nay và cả các biến cố lịch sử xưa kia.

.

Đừng cho rằng du mục thì văn minh kém hơn định cư nông nghiệp, hay nông nghiệp thì kỹ thuật chiến tranh kém hơn du mục.

Người du mục và người nông nghiệp đều có những nét văn minh mà xã hội kia không có hoặc không phát triển bằng. VD :

* Tính "cộng đồng tự nhiên" thì người du mục rất cao, người Mông Cổ luôn tâm niệm là bạn phải sống trong cộng đồng, vì nếu ở một mình, bạn sẽ bị diệt vong trên thảo nguyên . Còn người nông nghiệp tuy có văn hóa làng xã cho từng khu vực sinh sống nhưng khi họ di cư đến một xã hội khác, họ dễ bị hòa nhập và xã hội mới và mất đi bản sắc vì không tụ cư thành một cồng đồng lớn, trừ khi có một cú sốc xã hội hoặc tự nhiên dẫn đến một nhóm lớn con người di cư đến nơi khác và sống chung.

* Phát minh và xây dựng thì dân nông nghiệp rất phát triển, vì sự định cư khuyến khích họ cải tiến cuộc sống. Người du mục vì cuộc sống thường xuyên di chuyển nên cái họ cần là sự linh hoạt và cơ động, còn người nông nghiệp do cuộc sống cố định và có chu kỳ nên lịch số, kiến trúc, triết học, khoa học và nhận thức tự nhiên có điều kiện phát triển tốt hơn, ghi chép và hệ thống hóa tri thức.

* Trong chiến tranh thì người du mục thường dùng mưu mẹo, còn dân nông nghiệp thường dùng quy luật tự nhiên (thời tiết, con nước) và vũ khí cấp tiến. Tuy nhiên cục diện chiến tranh do nhiều yếu tố quyết định và mức độ phát triển của vũ khí cũng như tài dụng binh, tổ chứ quân đội thì phụ thuộc rất nhiều vào "nhu cầu" mở rộng lãnh thổ hay phòng thủ.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Năm 2001 tôi đi chơi Vân Nam được dịp xem bảo tàng Côn Minh, ở đó có trưng bày nhiều cổ vật bằng đồng của văn hoá Ðiền (tên hồ cạnh Côn Minh) tìm thấy ở những mộ vua chúa khoảng 600 đến 300 tr. C.N. Có đồ giống đồ Ðông Sơn (một số trống và chuông, có hoa văn chim, mặt trời, hình tròn ở giữa có điểm, ếch tượng trưng khả năng phồn thực, v.v.), có đồ khác (thạp đựng ốc tiền). Ðây là một vương quốc giàu, ở một giai đoạn tổ chức xã hội cao hơn Ðông Sơn còn ở tình trạng bộ lạc, buôn bán với người Hán, Ấn Ðộ, Tây Tạng, Miến Ðiện. Tôi nghĩ rằng Ðiền và Ðông Sơn cùng thuộc về một loại văn hoá đồ đồng lan rộng từ miền Nam sông Dương Tử cho tới các hải đảo (trống đồng cũng có ở Phi Luật Tân, Java, Lào, Cao Mên v.v.), khác văn hoá đồ đồng của người Hán thời Thương và Tây Chu, nhưng chịu ảnh hưởng của họ qua sự trao đổi hàng hoá (ảnh hưởng này rõ rệt ở các gương đồng, đồ nữ trang bằng ngọc tìm thấy ở Ðiền v.v.).

.

Trống đồng là cuốn lịch dùng trong văn minh nông nghiệp lúa nước, cho nên nó hiện diện trong các nền văn hóa lúa nước là đúng rồi. Nhưng gốc rễ của nó đến từ một nền văn hóa phát triển liên tục từ sơ khai đến rực rỡ, chứ không phải từ nơi rực rỡ nhất ! Hơn nữa những hiện vật còn tồn tại đến ngày nay là do chưa bị thời gian làm mất mác đi cho nên không đủ để so sánh nơi nào phát triển hơn hay rực rỡ hơn.

.

Đông Sơn là một nền văn hóa bản địa của người Lạc Việt, là kết quả phát triển từ thời đồ đá (văn hoá Hòa Bình - Hoabinhian) đến sơ kỳ đồ đồng, rồi đồng thau, và tiếp là sơ kỳ đồ sắc. Một nền văn minh phát triển liên tục qua nhiều giai đoạn gốc rễ của những khu vực chịu ảnh hưởng của nó kế thừa nó nên vẻ bề ngoài rực rỡ hơn do tiếp nối các thành tựu có từ trước đó. Đừng nói là Thượng Hải ngày nay là cội nguồn của văn minh khoa học kỹ thuật vì nó rực rỡ và hoành tráng hơn những thành phố phương Tây già cổi ít nhà cao tầng.

.

Ở đây tôi cũng muốn nói là tôi không đồng ý với Hà Văn Tấn khi Tấn viết rằng "có một hệ thống chữ Việt cổ thời các vua Hùng" (dẫn tr.94-96) : 20 chữ - nếu đúng là chữ viết - không đủ để thành một "hệ thống". Một "hệ thống" dùng đúng nghĩa của nó phải có vài nghìn chữ đủ để tả cảnh vật, diễn đạt tính tình và ý niệm. Ở Trung Hoa cuối thời nhà Thương (thế kỉ 11 tr. C.N.) người Hán đã có 5000 chữ.

.

Bác LTK cần phân biệt hệ thống chữ tượng hìnhhệ thống chữ ghi âm tiếng nói .

.

Chữ tượng hình thì miêu tả sự vật hiện tượng theo quan niệm của nền văn hóa tạo ra nó, cho nên cần rất nhiều chữ để tạo nên hệ thống. Còn chữ ghi âm tiếng nói thì chỉ cần một bộ các chữ cái để ghi lại các phát âm là đủ để "lắp ghép" chúng và tạo ra vô vàng con chữ miêu tả sự vật hiện tượng.

.

Xin xem thêm bài Hệ thống giáo dục thời Hùng Vương và bài Chữ Việt cổ để tìm hiểu thêm về hệ thống chữ Khoa Đẩu trong thời đại Hùng Vương.

.

Dưới đây là một bài thơ được viết bằng chữ Quốc Ngữ và chuyển thể sang chữ Việt cổ. Không cần quá nhiều chữ cái để thể hiện nghĩa của các từ, vì các từ được lắp ghép từ các chữ cái ghi lại âm tiết của tiếng nói :

.

Posted Image

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thực tình thì Trần Phương tôi cũng không muốn lên tiếng phản biện trong chủ đề này vì thấy cái lập luận của ông Lê Thành Khôi này quá ấu trĩ và đầy dụng ý, nhưng vì tính dân chủ của diễn đàn nên tôi cũng xin góp chút tiếng nói của mình.

Ông Lê Thành Khôi viết :

Năm 1471 Lê Thánh-tông đánh Chiêm Thành để "tự vệ" hay để mở mang bờ cõi ? Sau khi chiếm thủ đô Chăm, Lê Thánh-tông đã giết hơn 40.000 người và bắt hơn 30.000 người về để làm gia nô hay điền binh (Ðại Việt sử kí toàn thư). Ðó có phải là một hành động "trọng tình" không ? Tôi thì gọi nó là dã man, lấy làm hổ thẹn, chỉ biết ... tạ lỗi với người Chăm.

Nếu ông này đang ở Việt Nam và không chê Trần Phương này dốt nát thì xin được mạn phép gặp ông để dẫn ông đi "tạ lỗi với người Chăm", gì chứ riêng tôi thấy, đoạn văn này là một xúc phạm nghiêm trọng đối với đồng bào Chăm.

Xin thưa với riêng ông Lê Thành Khôi rằng : dân tộc Chăm còn đó, nền văn hóa Chăm vẫn còn đó, chữ viết Chăm cũng còn đó, ... Các di sản văn hóa Chăm trên mọi nẻo đường của dải đất hình chữ S này vẫn tồn tại và sống mãi với thời gian. Các tháp Chàm vẫn ngày đêm đón mời các du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng và khám phá vẻ bí ẩn của nó. Việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam, trong đó có người Chăm, đang là một vấn đề nhức nhối không chỉ riêng của cá nhân hay tổ chức nào mà là vấn đề của toàn xã hội.

Vài lời góp nhặt nông cạn,

Trần Phương

Share this post


Link to post
Share on other sites

Người Việt dù có 20 chữ hay 200 chữ cũng không đủ để trừu tượng hoá âm dương thành triết lí. Người Hán thì có thể vì có chữ từ thế kỉ 16 TCN, đến thế kỉ 11 TCN đã có 5000 chữ.

Như đã trình bày ở trên về sự khác biệt giữa chữ tượng hình và chữ ghi lại âm tiết. Bổ sung thêm một bằng chứng khảo cổ, đó là năm 1930 một hiện vật gốm quý hiếm được M-CoLan phát hiện dưới chân vách đá Lan Gan ở Hoà Bình. Ban đầu người ta chỉ coi chúng là vật trang sức, “không có công dụng thực tế, không rõ để làm gì ...”

Posted Image

Hai chiếc đĩa cổ bằng đất nung có chữ Việt cổ (chữ O và chữ S) ở Lan Gan (Hòa Bình)

Đây là những chữ cổ có tuổi khảo cổ học một vạn năm (tức là 8000 năm TCN), thuộc nền văn hoá đồ đá giữa Hòa Bình và trong đó có chữ thứ 2 giống chữ Sĩ của Hán tự ngày nay (thật ra là chữ cái S trong hệ thống chữ cái Khoa Đẩu, tuy giống về hình thức nhưng không phải là Hán tự), phát hiện này trong thời gian dài đã làm đau đầu nhiều nhà nghiên cứu, vì nó có trước Chữ Giáp cốt Ân - Thương (1392 - 1122 - Tr. CN) khoảng 6000 năm.

Ði đôi với sự xuất hiện của chữ viết là sự xuất hiện của một loại người lấy chữ làm nghề. Ðó là loại sĩ, có người thì làm việc cho triều đình (soạn và giữ các văn kiện, bói toán, làm cố vấn cho nhà vua), có người thì dạy học, suy nghĩ, viết sách. Chỉ có nhóm này mới có thời giờ và tri thức để xây dựng một hệ thống tư tưởng triết lí.

Xem lại bài "Hệ thống giáo dục thời Hùng Vương" để thấy ở phương Nam hệ thống học thuật đã phát triển trong triều đại Hùng Vương (2879.BC - 258.BC).

Ở Việt Nam cũng như ở tất cả miền Nam sông Dương Tử không nơi nào có những điều kiện ấy, nhất là đủ chữ và người để nghiên cứu triết lí.

Chữ viết thì đã nói ở trên. Còn lý luận về số lượng người nghiên cứu thì phạm phải một sai lầm cơ bản của nghiên cứu khoa học : Số lượng người nghiên cứu không quan trọng bằng chất lượng của từng người nghiên cứu và môi trường làm việc của họ. VD : Thuyết tương đối hẹp của Einstein là công sức nghiên cứu của ông và vợ, chỉ có 2 người mà cuộc cách mạng về nhận thức của con người đã ra đời.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đọc bài viết của ông Lê Thành Khôi.

Tiếp theo

Có thể nói rằng toàn bộ bài viết của ông Lê Thành Khôi, một giáo sư có hạng ở trương đại học nổi tiếng của nước Pháp rất mâu thuẫn, chứng tỏ một tri thức khập khiễng và chắp vá. Đây là điều cá nhân tôi thành thực chia buồn cho tri thức Pháp, nơi mà một thời nước này đã tự hào thủ đô của họ là thủ đô Ánh Sáng. Chúng ta hãy xem nhà trí thức hàng đầu của nước Pháp viết gì:

I -

Trước hết tôi muốn nói là tôi hoàn toàn đồng ý với hai quan điểm phương pháp của tác giả : một là cái nhìn hệ thống, hai là cái nhìn "độc lập", không lấy Trung Hoa hay Âu Tây làm trung tâm nhưng không phủ định ảnh hưởng của họ. Từ lâu tôi đã đi đến kết luận rằng Trung Hoa đã nhận được nhiều đóng góp của Ðông Nam Á (các văn hoá ở miền Nam sông Dương Tử), nhưng vì người Hán đã chiếm lãnh thổ ngày nay của Trung Quốc và, vì có chữ viết, đã viết lịch sử theo cách nhìn của họ (coi các dân tộc khác là man di) nên thế giới thường tưởng rằng văn hoá Trung Hoa hoàn toàn do người Hán lập ra. Mới gần đây thôi các nhà sử học và khảo cổ học mới nhận có sự đóng góp của nhiều văn hoá trong sự hình thành của văn hoá Trung Hoa, như trong 2 quyển sách xuất bản năm 1999 : Yang Xiaoneng, ed., The Golden Age of Chinese Archaeology (Washington) và M. Loewe and E.L. Shaughnessy, eds, The Cambridge History of Ancient China : From the origins of Civilization to 221 B.C. (Cambridge University Press).

Với cách trình bày như trên rất lập lờ khiến người đọc không rõ đó là chính văn của ông Lê Thành Khôi viết, hay là ông trích dẫn của giáo sư Trần Ngọc Thêm? Nếu là của giáo sư Trần Ngọc Thêm thì không có gì để phê phán. Nhưng nếu là của ông Lê Thành Khôi thì chúng ta thấy nó mâu thuẫn với đoạn sau trong bài viết của chính người này:

Ði đôi với sự xuất hiện của chữ viết là sự xuất hiện của một loại người lấy chữ làm nghề. Ðó là loại sĩ, có người thì làm việc cho triều đình (soạn và giữ các văn kiện, bói toán, làm cố vấn cho nhà vua), có người thì dạy học, suy nghĩ, viết sách. Chỉ có nhóm này mới có thời giờ và tri thức để xây dựng một hệ thống tư tưởng triết lí. Mà nhóm này chỉ có ở người Hán.

Ở Việt Nam cũng như ở tất cả miền Nam sông Dương Tử không nơi nào có những điều kiện ấy, nhất là đủ chữ và người để nghiên cứu triết lí. Có "gốc" không đủ để đi đến một quan niệm và cũng không đủ để đi đến một khái niệm. Nhất là khi "gốc" là của toàn thế giới ! Trừu tượng hoá "nữ" = "tối", "nam" = "sáng" không phải văn hoá nào cũng làm (hay làm được).

Như vậy chúng ta thấy rằng ở đoạn sau, ông Lê Thành Khôi phủ nhận hoàn toàn giá trị văn hóa phươntg Nam, vậy thì cơ sở nào để ông ta thừa nhận:

Từ lâu tôi đã đi đến kết luận rằng Trung Hoa đã nhận được nhiều đóng góp của Ðông Nam Á (các văn hoá ở miền Nam sông Dương Tử), nhưng vì người Hán đã chiếm lãnh thổ ngày nay của Trung Quốc và, vì có chữ viết, đã viết lịch sử theo cách nhìn của họ (coi các dân tộc khác là man di) nên thế giới thường tưởng rằng văn hoá Trung Hoa hoàn toàn do người Hán lập ra.

Qua những đoạn trích dẫn trên thì chúng ta thấy ông Lê Thành Khôi chỉ có kiến thức chắp và lập luận đầy mâu thuẫn, không có tính nhất quán. Có thể nói rằng, ngay cả đoạn văn sau (tự phản biện đoạn văn trước) chúng ta cũng nhận ra ngay tính khập khiễng trong nhận thức của người này. Chúng ta xem lại đoạn này:

I - 2

Từ lâu tôi đã đi đến kết luận rằng Trung Hoa đã nhận được nhiều đóng góp của Ðông Nam Á (các văn hoá ở miền Nam sông Dương Tử), nhưng vì người Hán đã chiếm lãnh thổ ngày nay của Trung Quốc và, vì có chữ viết, đã viết lịch sử theo cách nhìn của họ (coi các dân tộc khác là man di) nên thế giới thường tưởng rằng văn hoá Trung Hoa hoàn toàn do người Hán lập ra.

Qua đoạn trích dẫn lại ở trên chúng ta lại thấy thêm tính hạn chế về tri thức của người này: Ông ta chỉ thấy nguyên nhân duy nhất để người Hán xuyên tạc lịch sử là "vì có chữ viết, đã viết lịch sử theo cách nhìn của họ (coi các dân tộc khác là man di) nên thế giới thường tưởng rằng văn hoá Trung Hoa hoàn toàn do người Hán lập ra". Vậy xin hỏi ông: Khi người Pháp giảng dậy dân Việt về lịch sử trong giai đoạn đầu xâm lược rằng: "Tổ tiên chúng ta là người Gaulois " thì cũng vì dân tộc Việt lúc đó chưa có chữ viết chăng?

Hơn nữa, tại vì ông không tìm thấy dấu tích chữ viết của người Việt nên ông cho rằng người Việt không có chữ viết chăng? Cái tri thức hạn chế này không phải của riêng ông, mà nó còn được "hầu hết những nhà khoa học trong nước và công đồng khoa học quốc tế thừa nhận" (*) nên tiện đây tôi cũng chỉ ra cái hạn chế đó cho cái "hầu hết""công đồng " ấy, mặc dù tôi chưa biết xếp ông vào tập hợp: "Khoa học trong nước" vì ông là người Việt; hay đặt ông vào tổ hợp "khoa học quốc tế " vì ông đang sống ở Pháp và không thuộc biên chế các nhà khoa học trong nước.

Ông và những người đồng quan điểm phủ nhận giá trị văn hóa sử Việt trải gần 5000 năm đẳng cấp từ tiến sĩ trở lên chắc đều học thuộc lòng rằng: Muốn gìn giữ và phát triển một nền văn minh thì nền văn minh đó phải có chữ viết. Và họ đã căn cứ vào việc không tìm thấy chữ viết của nền văn minh Việt làm cơ sở để phủ nhận giá trị của nền văn minh này trong cổ sử. Việc không tìm thấy và chưa tìm thấy không có nghĩa là nền văn minh đó chưa có chữ viết. Nó chỉ xuất phát vì một kiến thức cố chấp và hạn hẹp vào việc coi di vật khảo cổ là bằng chứng duy nhất chứng minh cho lịch sử (Điều này tôi đã phản bác và minh chứng ở bài trên). Nhưng những tri thức hiểu biết thì họ sẽ thấy ngay một hệ quả của luận đề trên rằng: "Một nền văn minh đã tồn tại và phát triển thì nền văn minh đó phải có chữ viết" và vấn đề còn lại là chữ viết đó như thế nào thì còn tùy thuộc vào điều kiện và khả năng con người có tìm ra nó hay không?

Những dấu vết còn lại trong xã hội Việt và những bản văn cổ viết bằng chính văn tự Hán đã cho thấy một nền văn minh vượt trôi, phi Hán tồn tại ở Nam Dương Tử. Thí dụ như thiên Hiến Vấn trong Luận Ngữ, chinh Khổng tử viết: "Nếu không có Quản trọng thì người Hán đều búi tóc và mặc áo cài vạt bên trái như người Man rồi!" (Cuốn Luận Ngữ của Khổng tử đã được một học giả Pháp dịch ra tiếng Pháp, là ngôn ngữ nơi ông Lê Thành Khôi đang sống) Còn hàng ngàn thí dụ khác không thuộc chủ đề của bài viết này nên không đưa lên đây. Với một nền văn minh vượt trôi tồn tại hàng ngàn năm ngay cạnh văn minh Hán, có thể gây ảnh hưởng đến nền văn hóa Hán vĩ đại thì chắc nó phải vĩ đại hơn nhiều. Và như vậy với hệ quả của luận đề trên thì nền văn minh ấy phải có chữ viết. Vấn đề là đó là chữ viết gì? Những dấu ấn còn lại trước khi xảy ra quan điểm hạn hẹp phủ nhận giá trị văn hóa sử truyền thống Việt đã cho thấy một dạng văn tự cổ tồn tại một cách khách quan không thể phủ nhận, đó chính là Khoa Đẩu văn. Sự khộng tìm thấy, không nhận thấy chỉ là sự khiếm khuyết của tri thức và tinh thần cực đoan phủ nhận giá trị văn hóa sử của dân tộc Việt.

Chính người Ai Cập , sau khi vị giáo sĩ cuối cùng của nền văn minh Kim Tự Tháp mất đi vào những năm 30 của thế kỷ trước, họ cũng không đọc được những ký tự cổ ghi trong Kim Tự Tháp. Mà chính một học giả Pháp - tức là sống cùng một đơn vị quốc gia với ông Lê Thành Khôi - qua một mảnh gỗ ghi 6 ký tự cổ Ai Cập liên quan đến 6 ký tự La tinh đã giải mã toàn bộ hệ thống văn tự cổ Ai Cập. Nhưng chẳng ai bảo rằng vì thế mà nền văn minh cổ Ai Cập không có chữ viết cả. Còn ngược lại, từ lâu người Việt vẫn có người còn đọc được chữ Khoa Đẩu (Theo tư liệu của giáo sư Lương Kim Định) và cho đến bây giờ thì sự phát hiện ra văn bản cổ ghi bằng chữ Khoa Đẩu đầy ra.

Tôi rất tiếc người Pháp đã phong ông Lê Thành Khôi là giáo sư dạy dỗ họ.

Còn tiếp

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites
các cuộc chiến tranh mà người Việt Nam từng phải thực hiện đều mang tính tự vệ (cả) với người Chiêm Thành" (tr. 498). Năm 1471 Lê Thánh-tông đánh Chiêm Thành để "tự vệ" hay để mở mang bờ cõi ?[/quote]

Qua đoạn viết này thì em nghĩ người viết bài không xứng với chức danh giáo sư, vì những ghi chép lịch sử rõ ràng nhất mà cũng trích không đầy đủ, với thâm ý kích động đồng bào. Người viết bài này (không biết có phải đúng là GS.LTK không) đang mù quán phá phách hiểu biết lịch sử của quần chúng.

Xin trích lại những đoạn liên quan đến việc đánh Chiêm Thành của vua Lê Thánh Tông (LTT) để chỉ rõ đây là hành động tự vệ :

Đại Việt Sử Ký toàn thư, quyển 2.

" Canh Dần, [Hồng Đức] năm thứ 1 [1470]...

... Tháng 8, quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà thân hành đem mười vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hóa ...

... Tháng 11, hiệu lệnh 52 về việc hành binh.

Định lệnh xa giá đi đâu, cấm nói phao giả trá.

Ngày mồng 6, vua (LTT) xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành.

Trườc đó, người Chiêm Thành ở Thi Nại Bàn La Trà Duyệt là con người vú nuôi, giết chúa hắn là Bí Điền mà cướp lấy nước, rồi truyền cho người em là Trà Toàn. Trà Toàn là người hung bạo làm càn, dối thần ngược dân, người Chiêm mưu phản, Toàn cũng không nghĩ đến, lại còn ngạo mạn kiêu căng, không sữa lễ tiến cống, lăng nhục sứ thần của triều đình, quấy nhiễu dân biên giới, lừa gạt người Minh mà xin viện trợ để sang ăn cướp(*).

Vua (LTT) bèn gọi 26 vạn tinh binh xuống chiếu thân chinh ... "

(*) Trà Toàn sai sứ sang Yên Kinh (kinh đô nhà Minh thời đó), xiểm nịnh vua Minh, gièm pha Đại Việt. Sứ chiêm Thành tâu với vua Minh là vua Lê tự xưng hoàng đế, chuẩn bị binh mã để tiến công nhà Minh (!). Nhà Minh đòi Chiêm Thành cống voi trắng, Chiêm Thành bảo ta tranh mất (!).

Như vậy đấy là hành động tự vệ hay mở mang bờ cỏi ?

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đông Sơn sớm nhất là thế kỉ 6-5 tr. C. N

Nhận định này thì sai lầm quá, vì văn hóa Đông Sơn mà ta quen gọi ngày nay là giai đoạn phát triển tiếp theo của các thời kỳ trước đó, chứ không phải đến thời đại Đông Sơn người Việt mới biết đúc đồng. Cụ thể các giai đoạn phát triển liên tục qua các thời kỳ :

1/Sơ kỳ đồ đồng - giai đoạn Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng 4000 năm.

2/Trung kỳ đồ đồng: giai đoạn Ðồng Ðậu, cách ngày nay khoảng 3300 năm đến 3500 năm.

3/Hậu kỳ đồ đồng: giai đoạn Gò Mun, cách ngày nay khoảng trên dưới 3000 năm.

4/Cuối cùng là giai đoạn Ðông Sơn thuộc sơ kỳ đồ sắt, cách ngày nay khoảng từ 2000 năm đến 2800 năm.

Posted Image

Và cũng đừng quên giai đoạn phát triển văn minh vào cuối kỷ băng hà trên thềm lục địa Đông Nam Á Sundaland và Namhailand (8000 năm TCN) mà dấu tích còn lại đến ngày nay là các cấu trúc chìm dưới vùng biển này (như Yonaguni).

Posted Image

Posted Image

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đọc bài viết của ông Lê Thành Khôi.

Tiếp theo

Thiên Sứ viết:

Có thể nói rằng toàn bộ bài viết của ông Lê Thành Khôi, một giáo sư có hạng ở trường đại học nổi tiếng của nước Pháp rất mâu thuẫn, chứng tỏ một tri thức khập khiễng và chắp vá.

Như vậy tôi cần phải chứng tỏ điều tôi đã nhận xét và tiếp tục chứng minh điều nhận xét của tôi. Bây giờ chúng ta nhận xét một luận điểm căn bản của ông Lê Thành Khôi về văn hóa. Ông Lê Thành khôi viết:

Nay tôi đến hai vấn đề chính cho cơ sở lí luận của TNT ở Chương I : Khái niệm văn hoá và loại hình văn hoá.

Về khái niệm văn hoá, ai cũng biết có hàng trăm định nghĩa. TNT định nghĩa văn hoá là "một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình" (tr.25)

Ðịnh nghĩa này gần định nghĩa của Hồ Chí Minh mà TNT dẫn ở trang 4, nhưng rất xa câu sau của Edouard Herriot mà ông dẫn như sau: "Văn hoá là cái tồn tại khi ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả". Tôi thấy định nghĩa này, đúng về cá nhân chứ không đúng về xã hội, không những thiển cận mà còn có tính cách giai cấp : "tất cả" là gì đối với một người nhà quê và một người trí thức ? ai học được "tất cả"?

Tôi định nghĩa văn hoá là "một tổng thể các sáng tạo vật chất và không vật chất của một cộng đồng người trong quá trình quan hệ với thiên nhiên và với những cộng đồng người khác, những sáng tạo mà có với họ hay với phần đông của họ một ý nghĩa riêng xuất phát từ lịch sử đã qua hay hiện hành của họ mà các cộng đồng khác không chia sẻ" (Lê Thành Khôi, Culture et Développement, Revue Tiers Monde, no 97, janvier-mars 1984, tr.15).

Ðịnh nghĩa này nhấn mạnh vào ý nghĩa của văn hoá. Một yếu tố cùng một gốc có thể có một ý nghĩa khác từ nước này sang nước khác, từ tộc này sang tộc khác : đạo Phật ở Tây Tạng khác đạo Phật ở Trung Hoa, đạo Phật ở Trung Hoa khác đạo Phật ở Việt Nam, ở Nhật Bản, v.v. Văn hoá là sản phẩm của một cộng đồng chứ không phải của "con người" : "con người" là ai ? có thể tách rời xã hội được không ?

Trong một xã hội có giai cấp, các "giá trị" không cùng một nghĩa cho mọi người. Giáo dục mới nhìn có thể coi là một giá trị phổ thông. Nhưng giáo dục cũng là một dụng cụ chính trị cho giai cấp thống trị nhằm thiết lập hệ tư tưởng của mình. Ðó chính là nghĩa chữ " giáo " trong nho giáo : vua "giáo" dân nhưng dân không "giáo" được vua ! Trái lại giai cấp bị trị có thể dùng giáo dục để chống lại. Cố nhiên nội dung sẽ khác. Sự kiện này rất rõ ràng ở Âu Tây trong thế kỉ 19. Giai cấp công nhân đã mở những lớp phổ thông, dạy lẫn nhau, những đại học bình dân, để chống lại giai cấp tư sản.

Cho nên tôi không đồng ý với TNT khi ông viết : "Văn hoá thường xuyên làm tăng độ ổn định của xã hội... văn hoá chỉ chứa cái đẹp" (tr.21), "không ngừng tự hoàn thiện và thích ứng với những biến đổi của môi trường nhằm tự bảo vệ để tồn tại và phát triển..., là động lực cho sự phát triển" (tr.23), "thường xuyên tự điều chỉnh" (tr.24).

Rõ ràng TNT không nắm được quy luật mâu thuẫn của biện chứng pháp, cái quy luật mâu thuẫn là động cơ của lịch sử. Văn hoá không phải "chỉ chứa cái đẹp", không phải thường xuyên "tự hoàn thiện", "tự điều chỉnh", "là động lực cho sự phát triển".

Qua đoạn trích dẫn trên chúng ta thấy ngay trên một cái nhìn tổng quát rằng: Ông Lê Thành Khôi tự đưa ra một định nghĩa về văn hóa của riêng ông và nhận xét trên tiêu chí đó. Hay nói một cách khác: Ông này đã rất chủ quan khi phản biện giáo sư Trần Ngọc Thêm.

Tôi thừa nhận rằng: Mọi nhà nghiên cứu đều có quyền đưa ra một giả thuyết, một khái niệm....nhưng phải chứng minh tính hợp lý của nó trên vấn đề liên quan. Bây giờ chúng ta xem khái niệm văn hóa của ông Lê Thành Khôi như thế nào:

Ông Lê Thành Khôi viết:

Tôi định nghĩa văn hoá là "một tổng thể các sáng tạo vật chất và không vật chất của một cộng đồng người trong quá trình quan hệ với thiên nhiên và với những cộng đồng người khác, những sáng tạo mà có với họ hay với phần đông của họ một ý nghĩa riêng xuất phát từ lịch sử đã qua hay hiện hành của họ mà các cộng đồng khác không chia sẻ" (Lê Thành Khôi, Culture et Développement, Revue Tiers Monde, no 97, janvier-mars 1984, tr.15).

Thật là ngớ ngẩn và thành thật chia buồn cho cách định nghĩa về văn hóa này. Ông Lê Thành Khôi viết:

Tôi định nghĩa văn hoá là "một tổng thể các sáng tạo vật chất và không vật chất của một cộng đồng người trong quá trình quan hệ với thiên nhiên và với những cộng đồng người khác,

Tôi xin đặt vấn đề như sau:

- Nếu một sáng tạo của cá nhân sau đó được xã hội lưu truyền hoặc không lưu truyền thì điều đó có được coi là văn hóa không?

Nếu theo định nghĩa của ông Lê Thành Khôi thì văn hóa phải là sáng tạo "của một cộng đồng người" . Như vậy, tất cả các tác phẩm văn học của các nhà văn Pháp sáng tạo với tư cách cá nhân đều quăng hết và nên văn hóa Pháp sụp đổ trước tiên - do cách định nghĩa của ông Lê Thành Khôi bắt đầu từ nước Pháp.

- Chưa hết, một trong nhưng khái niệm trong định nghĩa này của ông Lê Thành Khôi là: "những sáng tạo mà có với họ hay với phần đông của họ một ý nghĩa riêng xuất phát từ lịch sử đã qua hay hiện hành của họ mà các cộng đồng khác không chia sẻ" . Như vậy, một trong những khái niệm về văn hóa của ông Lê Thành Khôi là sự không chia sẻ mới tạo ra văn hóa. Nếu căn cứ trên khái niệm này thì muốn chứng tỏ nước Pháp có văn hóa thì toàn thế giới phải tẩy chay, không tiếp thu văn hóa Pháp.

Có lẽ chỉ cần phân tích đến đấy, đủ cho thấy khà năng tư duy của ông này đến đâu. Một tri thức nổi tiếng của ngay chính nước Pháp (Tôi quên mất tên) đã phát biểu đại ý: "Một tri thức không có nghĩa là cuốn tự vị biết đi". Nói theo ngôn ngữ hiện đại tức là " "Tri thức không phải bộ nhớ của chiếc máy vi tính". Nếu cần phải có một thí dụ cho câu nói trên thì tôi sẽ thí dụ như ông Lê Thành Khôi.

Với một định nghĩa chủ quan và sai lầm như vậy ngay từ tiên đề, do đó ông Lê Thành Khôi không đủ khả năng phản biện giáo sư Trần Ngọc Thêm về các vấn đề văn hóa, cho dù giáo sư Trần Ngọc Thêm có thể sai.

Còn tiếp

PHẦN THAM KHẢO

Định nghĩa của Thiên Sứ về văn hóa

Vậy thì văn hóa là gì? Muốn nghiên cứu sâu về văn hóa thì chúng ta phải có định nghĩa thế nào là văn hóa đã. Có hàng trăm khái niệm về văn hóa như mọi người đã biết. Thiên Sứ tôi xin trình bày ý niệm của mình về định nghĩa văn hóa.

I - Văn

Trước hết chữ Văn là một từ thuần Việt, nó thuộc dạng tập hợp của những từ cùng vần như: Văn, vằn, vệt, viết, vẽ.....trong tiếng Việt và chẳng liên quan gì đến ngôn ngữ Hán cả. Riêng chữ "Văn" còn là một khái niệm tổng hợp trong đó bao gồm vằn, vệt, viết, vẽ, thí dụ như khái niệm Thiên Văn thì có nghĩa là các dấu vết trên trời. Nghĩa đen của "Văn" chính là ký tự. Nghĩa bóng của Văn là sự diễn đạt tư duy qua những ký tự, chữ viết hoặc ngôn ngữ, hình ảnh (vằn, vện, vẽ...) một cách có hệ thống.

II - Hóa

Hóa là một từ thuần Việt, nghĩa là sự chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác mà một trong những từ liên quan chính là "hoàn" . Thí dụ như "Hóa vàng" tức là chuyền từ vàng giấy sang vàng thật dưới....Âm ty. Hay như khái niệm Tứ hóa trong Tử Vi. Anh chị em nào nghiên cứu Tử Vi hãy tham khảo khái niệm chữ Hóa của tôi.

Như vậy, Văn hóa là một tập hợp hai khái niệm là Văn và Hóa trở thành một khái niệm chuyên biệt của riêng nó. Trên cơ sở khái niệm riêng phần của Văn và Hóa theo ngôn ngữ Việt thì văn chính là những giá trị tư duy được thể hiện bắng văn bản qua những ký tự là chữ viết hoặc ngôn ngữ một cách có hệ thống, đây là điều kiện bắt buộc khởi đầu của "Văn" sau đó người ta có thể truyền khẩu, sáng tạo, thêm bớt. Khái niệm hóa là sự tiếp tục của "văn" khi được chuyển sang phổ biến và tồn tại truyền thừa trong cộng đồng. Như vậy, theo định nghĩa này thì văn sẽ chẳng bao giờ hóa được nếu nó không được phổ biến trong cộng đồng và không tồn tại truyền thừa. Thí dụ: Một quyển sách dù hay đến mấy (Văn), nhưng nó chỉ để trong tủ cất đi (Tức là không "hóa") thì không bao giờ tạo nên văn hóa. Còn phương pháp làm thế nào để "văn" trở thành "hóa" thì do nhiều phương pháp. Phương pháp hữu hiệu nhất để phát triển và xóa bỏ văn để không thể hóa, hoặc được hóa là quyền lực. Nhưng đó không phải biện pháp duy nhất, mà chỉ là hữu hiệu nhất.

III - Kết luận về định nghĩa văn hóa:

Văn hóa là hệ quả của tư duy có hệ thống của cá nhân hoặc tập thể, qua các hình thức chuyển tải như viết, nói, hình ảnh ..được phổ biến, tồn tại, lưu giữ và truyền thừa toàn bộ hay một phần trong công đồng.

Định nghĩa này có thể bổ sung theo thời gian tùy thuộc vào phương tiện chuyển tải sản phẩm "văn" của thời đại.

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đọc bài viết của ông Lê Thành Khôi.

Tiếp theo

Ông Lê Thành Khôi viết:

Lập luận của TNT không thuyết phục tôi vì những lẽ sau này :

Lẽ thứ nhất rất đơn giản là không thể khái niệm hoá nếu không có chữ viết. Một vật cụ thể ai cũng nhận được không cần phải nghĩ xa xôi. Từ thượng cổ ở đâu cũng biết phân biệt nam nữ ngày đêm vì đó là tự nhiên thôi (trời sáng trời tối). Ngày đêm, sáng tối đưa đến đen trắng : ngôn ngữ nào cũng có tối thiểu là 2 màu đen và trắng (TNT dẫn khảo sát của Berlin và Kay, tr. 135). Ðó cũng là nghĩa đầu của âm và dương : âm là sườn núi tối (mặt trăng), dương là sườn núi sáng (mặt trời). Nếu nói "gốc" thì âm dương là nhận thức của mọi người chứ không phải của riêng Ðông Nam Á hay Tây Bắc Á.

Trừu tượng hoá âm dương để thành một triết lí thì phải có chữ viết. Chữ viết không những có chức năng truyền thông rộng hơn là tiếng nói, mà còn cho phép trữ kiến thức, tăng thêm nó, phổ biến nó, và nhất là phát triển tư tưởng phê bình và khoa học. Tôi không nói là một xã hội truyền khẩu không biết phê bình. Nhưng họ chỉ biết phê bình cái gì họ nghe và thấy. Nghe một nhà hùng biện có thể bị lôi kéo mất óc phê bình. Chữ viết cho phép đọc từng dòng từng chữ, đọc đi đọc lại, có thời giờ ngẫm nghĩ suy luận, đối chiếu nhiều ý kiến. Và chữ viết cho phép trừu tượng hoá, mở đầu cho khoa học. Không có chữ viết không có khoa học, đó là một sự thật không ai chối cãi. Nhất là toán học, một dụng cụ chủ yếu của khoa học. Ta có thể làm vài tính thường trong óc. Nhưng tính phức tạp thì không được, phải viết trên giấy. Triết lí cũng vậy (chưa nói đến triết học). Triết lí cần chữ viết để trừu tượng hoá quan niệm thông thường, để dựng một hệ thống có quy củ, để xem xét, phê bình, sửa đổi.

Người Việt dù có 20 chữ hay 200 chữ cũng không đủ để trừu tượng hoá âm dương thành triết lí. Người Hán thì có thể vì có chữ từ thế kỉ 16 TCN, đến thế kỉ 11 TCN đã có 5000 chữ. Chữ "văn" trong văn hoá hay văn minh không có nghĩa là "đẹp" như TNT viết tr. 27, mà nghĩa là "chữ viết".

Ði đôi với sự xuất hiện của chữ viết là sự xuất hiện của một loại người lấy chữ làm nghề. Ðó là loại sĩ, có người thì làm việc cho triều đình (soạn và giữ các văn kiện, bói toán, làm cố vấn cho nhà vua), có người thì dạy học, suy nghĩ, viết sách. Chỉ có nhóm này mới có thời giờ và tri thức để xây dựng một hệ thống tư tưởng triết lí. Mà nhóm này chỉ có ở người Hán.

Có thể nói lại rằng: Giáo sư Trần Ngọc Thêm chưa đưa đủ bằng chứng để thuyết phục ông Lê Thành Khôi chứ không phải 'Lập luận của TNT không thuyết phục' . Bởi vì, khi khằng định giá trị của nền văn hóa phương Nam thì giáo sư Trần Ngọc Thêm đã phát hiện một phần của chân lý. Phần còn lại là cần tiếp tục tìm hiểu. Nhưng với cách tư duy không mấy sắc sảo và thiếu tính hệ thống của ông Lê Thành Khôi, nên ông ta đã không thể nhận ra vấn đề. Tôi đồng ý rằng "Một nền văn minh cần phải có chữ viết để tồn tại, truyền thừa và phát triển". Đây là điều khoa học đã thừa nhận và là một yếu tố cần của một nền văn minh. Nhưng như tôi đã trình bày "Một hệ quả của luận đề này là: Một nền văn minh đã tồn tại thì bắt buộc nó phải có chữ viết vấn đề là chúng ta phải tìm ra hệ thống đó". Khi mà tôi đã chứng minh rằng Kinh Dịch và thuyết Âm Dương ngũ hành là của người Lạc Việt (Tôi nhắc lại một lần nữa là người Lạc Việt chứ không phải Bách Việt chung chung) thì bắt buộc nền văn minh đó phỉa có chư viết. Điều này đã được giáo sư Lương Kim Định công khai đặt vấn đề đầu tiên đó là chữ Khoa đẩu. Đến nay thì chúng ta đã có quá nhiều bằng chứng chữ Khoa Đẩu là chữ viết của người Lạc Việt (Tên gọi chung của chủng Bách Việt). Ngày nay ở Lai Châu người ta đã phát hiện rất nhiều di sản chữ Khoa đẩu với hàng vạn tớ giấy có chữ khoa đẩu . Nhưng không biết vì lý do gì không thấy công bố rộng rãi và khi ông Đỗ Văn Xuyền đề nghị cộng tác để dịch chữ Khoa đẩu này - không công - thì bị từ chối.

Posted Image

Một số bản văn chữ Thái cổ có niên đại trên 200 năm trước dienbatn được tặng .

Posted Image

Posted Image

Posted Image

Posted Image

Posted Image

Posted Image

Ông Lê Thành Khôi viết:

Người Việt dù có 20 chữ hay 200 chữ cũng không đủ để trừu tượng hoá âm dương thành triết lí. Người Hán thì có thể vì có chữ từ thế kỉ 16 TCN, đến thế kỉ 11 TCN đã có 5000 chữ. Chữ "văn" trong văn hoá hay văn minh không có nghĩa là "đẹp" như TNT viết tr. 27, mà nghĩa là "chữ viết".

Hic. Xin lỗi. Một cô bé học sinh Việt đang học ở Han Quốc còn tỏ ra thông minh hơn ông giáo sư được đào tạo ở nền văn minh Pháp về phương pháp tư duy - tuy cô bé có thể ít chữ hơn. Đây là nội dung cô ta trao dổi với tôi: "Giả thuyết chữ Nhật bản xuất phát từ chữ Khoa Đẩu của bác lại có thêm một bằng chứng, biết đâu ta sẽ thay đổi hẳn cách nhìn của chính người Nhật về chữ viết của họ, cháu từ lâu đã nghĩ rằng để phát minh ra chữ tượng thanh là một quá trình lâu dài, không thể chỉ một cá nhân nghĩ ra trên nền tảng chữ tượng hình của Trung Quốc, vì ý tưởng đó xuất phát từ đâu nếu dân tộc đó ko biết chữ và mới biết đến chữ tượng hình ngoại nhập?". Chính nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền cũng đưa ra những bằng chứng cho rằng: Chỉ dân tộc Việt mới La tinh hóa ngôn ngữ Việt bởi chính người Việt đã có hệ thống chữ ghi âm.

Trở lại với vấn đề cách lập luận của ông Lê Thành Khôi này thì các bài viết của Dorẻmon đã nói rồi và cũng đã quá đủ bằng chứng về sự tồn tại của chữ viết của người Việt cổ. Có lẽ tôi không cần phải nói thêm. Tuy nhiên tôi cần nhắc lại rằng: Cái nhìn của ông Lê Thành Khôi và những nhà khoa học ủng hộ ông ta chỉ là một cái nhìn rất cận theo cách trực quan và không có tư duy phân tích khoa học. Mặc dù họ nhân danh khoa học và khoác áo của bằng cấp khoa học.

Một triết gia Pháp (Tôi không nhớ tên) viết:

Kẻ không biết suy luận là kẻ ngu ngốc.

Kẻ không chịu suy luận là kẻ cuồng tín.

Kẻ không dám suy luận là kẻ nô lệ.

Tôi xếp khả năng tư duy của ông vào một trong ba loại trên, nhưng đang cân nhắc xem nó thuộc loại nào. Tôi nhắc lại rằng: Nền văn minh Pháp đang ngày càng già cỗi và tàn lụi - gần 30 năm nay tôi không thấy những phát minh khoa học vượt trội từ đất nước này. Qua cách viết của ông Lê Thành Khôi và một cuốn sách tôi đã tham khảo của ba vị viện sĩ Pháp "Thượng Đế và khoa học", tôi nhận thấy phương pháp luận và phương pháp tư duy khoa học của họ rất cổ điển.

Từ lâu tôi đã chứng minh rằng - qua thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh dịch, nền tảng của Lý học Đông phương - dân tộc Lạc Việt là hậu duệ còn gìn giữ những lý thuyết của một nền văn minh toàn cầu bị xóa sổ. Qua chữ khoa đẩu liên hệ với các loại chữ khác của các nền văn minh cổ đại, chúng ta lại có thêm bằng chứng chứng minh điều này:

Posted Image

Chữ Khoa Đẩu của người Lạc Việt.

Posted Image

Chữ Ai Cập cổ - Nguồn:http://www.cometozarahemla.org/egyptian/reformedegyptian.html

Posted Image

Chữ có dạng giống chữ Khoa đẩu trên những tấm khánh đá tìm thấy ở Ilinoi - Bắc Mỹ

Bây giờ chúng ta xem lập luận thông minh của một cô bé:

Kinderhook là một địa danh ở Illinois, Mỹ. Sáu tấm khánh đá được tìm thấy ở một ngọn núi của người da đỏ nơi đây năm 1843. Đây rất có thể là một trò lừa đảo của Bridge Whitten, Robert Wiley, và Wilburn Fugate, sáu tấm khánh được dàn dựng để xuất hiện một cách bất ngờ và làm đau đầu các nhà sử học:

Tuy thế Rin86 mong đó không phải trò lừa đảo vì nếu vậy, 3 nhân vật trên đã biết đến chữ Khoa Đẩu trước cả chúng ta và các nhà khoa học hiện đại có lẽ cũng đặt nghi vấn đó không phải trò lừa đảo.

Tất nhiên đây không phải trò lừa đảo mà là một sự tồn tại khách quan. Do các nhà sử học Bắc Mỹ không biết tới chữ Khoa Đẩu ở Đông Nam Á; hoặc họ không nhậy cảm so sánh với các loai chữ cổ .

Tôi nghĩ quá đủ bằng chứng để thấy được sử phủ nhận giá trị văn hóa sử truyền thống Việt là một tư duy thiển cận , nếu không nói là dốt nát.

Còn tiếp

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đọc bài viết của ông Lê Thành Khôi.

Tiếp theo

Ông Lê Thành Khôi viết:

Ðịnh nghĩa này nhấn mạnh vào ý nghĩa của văn hoá. Một yếu tố cùng một gốc có thể có một ý nghĩa khác từ nước này sang nước khác, từ tộc này sang tộc khác : đạo Phật ở Tây Tạng khác đạo Phật ở Trung Hoa, đạo Phật ở Trung Hoa khác đạo Phật ở Việt Nam, ở Nhật Bản, v.v. Văn hoá là sản phẩm của một cộng đồng chứ không phải của "con người" : "con người" là ai ? có thể tách rời xã hội được không ?

Trong một xã hội có giai cấp, các "giá trị" không cùng một nghĩa cho mọi người. Giáo dục mới nhìn có thể coi là một giá trị phổ thông. Nhưng giáo dục cũng là một dụng cụ chính trị cho giai cấp thống trị nhằm thiết lập hệ tư tưởng của mình. Ðó chính là nghĩa chữ " giáo " trong nho giáo : vua "giáo" dân nhưng dân không "giáo" được vua ! Trái lại giai cấp bị trị có thể dùng giáo dục để chống lại. Cố nhiên nội dung sẽ khác. Sự kiện này rất rõ ràng ở Âu Tây trong thế kỉ 19. Giai cấp công nhân đã mở những lớp phổ thông, dạy lẫn nhau, những đại học bình dân, để chống lại giai cấp tư sản.

Cho nên tôi không đồng ý với TNT khi ông viết : "Văn hoá thường xuyên làm tăng độ ổn định của xã hội... văn hoá chỉ chứa cái đẹp" (tr.21), "không ngừng tự hoàn thiện và thích ứng với những biến đổi của môi trường nhằm tự bảo vệ để tồn tại và phát triển..., là động lực cho sự phát triển" (tr.23), "thường xuyên tự điều chỉnh" (tr.24).

Rõ ràng TNT không nắm được quy luật mâu thuẫn của biện chứng pháp, cái quy luật mâu thuẫn là động cơ của lịch sử. Văn hoá không phải "chỉ chứa cái đẹp", không phải thường xuyên "tự hoàn thiện", "tự điều chỉnh", "là động lực cho sự phát triển".

Qua đoạn trên, một lần nữa lại nhận thấy cái nhìn rất phiến diện của ông Lê Thành Khôi về văn hóa. Định nghĩa của ông ta đã không phản ảnh bản chất về văn hóa, tất nhiên ông ta cũng không đủ tư cách để áp đặt cái định nghĩa chủ quan của ông để nhận xét về giáo sư Trần Ngọc Thêm. Tôi đồng ý rằng trong một xã hội có nhiều thành phần, có giai cấp thì mức độ "hóa" của "văn" sẽ khác nhau; hoặc đi vào từng con người, ngay cùng một tầng lớp xã hội thì mức độ "hóa" cũng khác nhau. Hoặc nói rõ hơn là có những giá trị văn hóa khác nhau. Nhưng không thể vì thế mà không có một hiệu ứng văn hóa chung cho một xã hội, một dân tộc, đó chính là bản sắc văn hóa của xã hội và dân tộc đó. Khi có giao lưu văn hóa giữa các dân tộc và các quốc gia, thì cũng tùy hoàn cảnh của từng nền văn minh mà mỗi dân tộc sẽ "hóa" cái "văn" của dân tộc khác toàn phần hoặc tiếp thu có mức độ. Những nền văn hóa cao cấp sẽ đồng hóa nền văn hóa thấp hơn. Nhưng một nền văn hóa càng phổ biến thì giá trị cuối cùng của nó phải được thừa nhân của cộng đồng tiếp thu giá trị văn hóa ấy. Những giá trị nhân bản và tình yêu con người chính là những ước mơ của con người trong cuộc sống thanh bình. Bởi vậy, một nền văn hóa tôn trọng những giá trị nhân bản và tình yêu con người sẽ được tôn trọng và phổ biến. Đó là nguyên nhân để giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng văn hóa chưa cái đẹp và làm tăng độ ổn định xã hôi.

Ông Lê Thành Khôi viết:

Trong một xã hội có giai cấp, các "giá trị" không cùng một nghĩa cho mọi người. Giáo dục mới nhìn có thể coi là một giá trị phổ thông. Nhưng giáo dục cũng là một dụng cụ chính trị cho giai cấp thống trị nhằm thiết lập hệ tư tưởng của mình. Ðó chính là nghĩa chữ " giáo " trong nho giáo : vua "giáo" dân nhưng dân không "giáo" được vua ! Trái lại giai cấp bị trị có thể dùng giáo dục để chống lại. Cố nhiên nội dung sẽ khác. Sự kiện này rất rõ ràng ở Âu Tây trong thế kỉ 19. Giai cấp công nhân đã mở những lớp phổ thông, dạy lẫn nhau, những đại học bình dân, để chống lại giai cấp tư sản.

Như trên tôi đã trình bày về tính tiếp thu những giá trị văn hóa khác nhau do tính giai cấp và thành phần xã hội. Nhưngv điều đó không có nghĩa không có một giá trị văn hóa chung cho cả dân tộc và cộng đồng xã hội. Bởi vậy dù giai cấp nào thống trị xã hội thì - ngoìa sự áp đặt những giá trị riêng của giai cấp đó - nó cũng vẫn phải thừa nhận, ủng hộ và duy trì những giá trị văn hóa chung của xã hội và dân tộc đó. Nếu giai cấp đó tỏ ra xứng đáng đại diện cho dân tộc hoặc xã hội và nó vẫn phải bảo đảm một trật tự và ổn định xã hội chung cho tất cả mọi thành phần. Do đó giai cấp cầm quyền đó vẫn phải thừa nhận những giá trị nhân bản và tình yêu con người để - theo cách nói cổ nhân - "làm kế lâu dài", tức là duy trì sự ổn định mà giai cấp đó nắm quyền.

Gần đây, xã hội Pháp không ổn định: Đình công, biểu tình có tính bạo loạn...thường xuyên xảy ra điều này được giải thích bằng hiện tượng xuất hiện tư tưởng như ông Lê Thành Khôi, khi ông này chỉ thừa nhận những giá trị văn hóa riêng biệt trong một cộng đồng xã hội: "Trái lại giai cấp bị trị có thể dùng giáo dục để chống lại. Cố nhiên nội dung sẽ khác. Sự kiện này rất rõ ràng ở Âu Tây trong thế kỉ 19. Giai cấp công nhân đã mở những lớp phổ thông, dạy lẫn nhau, những đại học bình dân, để chống lại giai cấp tư sản".

Nhưng với định nghĩa sai lầm ngay từ đầu ông Lê Thành Khôi đã có cái nhìn phiến diện và có tính hiện tượng về văn hóa nên đã kết luận sai. Tôi không thể tưởng tượng nổi một tri kiến hạn chế như ông Lê Thành Khôi lại có thể là giáo sư của một siêu cường. Tất nhiên hệ quả của nó là nước Pháp già cỗi và tàn lụi.

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ngoài cuốn "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam", sách "Cơ sở văn hóa Việt Nam" của GS Trần Ngọc Thêm là một trong những kiến thức cơ bản của sinh viên trong môn học "Cơ sở văn hóa Việt Nam" ở các trường Đại Học, Cao Đẳng và TCCN, ...

Liên quan đến chủ đề này, xin được giới thiệu bài phê bình của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đối với tài liệu này :

Đọc quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam

của Trần Ngọc Thêm

Ngay sau khi vừa được phổ biến rộng rãi, quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam của tác giả Trần Ngọc Thêm (Trường Đại học Tổng hợp thành phố HCM in, 1995) đã thu hút sự chú ý của nhiều người đọc sách. Bởi vì mặc dù chỉ là một tài liệu lưu hành nội bộ, đây lại là hóa thân của công trình Tính hệ thống của văn hóa Việt Nam - một đề tài khoa học cấp Bộ đã được nghiệm thu năm 1994 đồng thời là hậu thân của giáo trình cùng tên đã được đưa vào giảng dạy trong một số trường Đại học vài năm gần đây. Tác dụng xã hội của quyển sách do đó đã vượt khỏi phạm vi một công trình nghiên cứu văn hóa thông thường, nên việc nhìn nhận giá trị đích thực của nó là một điều cần thiết.

Giở qua Cơ sở văn hóa Việt Nam, một người đọc bình thường cũng có thể thấy ngay rằng nó chứa đựng khá nhiều sai sót, trước hết do kiến thức cơ sở của tác giả về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Báo Văn nghệ số 17 và 18 ngày 27. 4 và 4. 5. 1996 đã đăng tải một bài viết nêu ra hàng loạt sai lầm kỳ quặc loại cốm thóc nếp tẻ chiêm mùa trong quyển sách. Cũng có thể kể thêm nhiều ví dụ tương tự, chẳng hạn thực dân Pháp “lập ra Nam Kỳ tự trị” sau khi đánh chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ năm 1867 (tr. 385), “Kim Đồng thời đánh Pháp, Võ Thị Sáu thời đánh Mỹ” (tr. 398)... Tuy nhiên, các học giả lớn đôi khi không biết tới những sự thật nhỏ, vả lại đó là hệ thống những sai sót mà người đọc bình thường nào cũng có thể đính chính ngay không cần tới “cách tiếp cận hệ thống” hay “phương pháp hệ thống - cấu trúc” sang trọng như Trần Ngọc Thêm, nên chúng chỉ làm tổn thất uy tín của riêng tác giả chứ không phương hại gì tới khoa văn hóa học. Điều quan trọng đáng nói là bên cạnh cái kiến thức cơ sở cần phải đính chính và bổ sung khá nhiều ấy, Trần Ngọc Thêm còn có một kiến thức lý thuyết và lý luận nông cạn và chắp vá về văn hóa. Chính sự nông cạn và chắp vá này mới làm hại cho văn hóa học, với các sai lầm của quyển sách về cả nội dung khoa học lẫn định hướng thực tiễn, về cả phương pháp nghiên cứu lẫn thao tác chứng minh. Tình hình này thể hiện đặc biệt rõ nét ở hai chương đầu (Văn hóa học và văn hóa Việt Nam và Văn hóa nhận thức), mà trước tiên là ngay từ định nghĩa về văn hóa.

Khởi đi từ cách hiểu “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”, Trần Ngọc Thêm đi tới kết luận văn hóa gồm bốn đặc trưng (tính hệ thống, tính giá trị, tính lịch sử, tính nhân sinh) và ba chức năng cơ bản (tổ chức xã hội, điều chỉnh xã hội, giáo dục) (tr. 20 - 24). Ở đây không phải chỗ để vạch chữ tìm nghĩa, nhưng tính chủ động, tính nhân đạo hay chức năng nhận thức, chức năng định hướng, chức năng tái tạo thế giới... của văn hóa là những điều cần đề cập mà chưa được đề cập hay đề cập chưa đúng mức trong quyển sách cho thấy Trần Ngọc Thêm chưa thực sự nắm vững bản chất của văn hóa. Bởi vì văn hóa là một hệ thống giá trị, nhưng nhìn từ một góc độ khác, nó còn là một thế giới quan (worldview) thể hiện và phản ảnh sự lựa chọn của con người trong những điều kiện sống nhất định, sự lựa chọn này biến hệ thống các giá trị văn hóa thành hệ thống chuẩn mực xã hội trước hết trong các hành vi sáng tạo. Và ngay định nghĩa nói trên cũng chưa chính xác. Các giá trị văn hóa luôn luôn được tạo ra trong những điều kiện cụ thể và một cách có mục đích, nên văn hóa không chỉ bao gồm các giá trị được tạo ra mà còn cả những cách thức sáng tạo và sử dụng các giá trị ấy. Dĩ nhiên những cách thức này cũng là những giá trị do con người tạo ra, nhưng đó là một loại giá trị đặc biệt, mang ý nghĩa định tính và đóng vai trò thước đo về trình độ phát triển của mọi nền văn hóa. Vì nếu phương thức phát triển của hệ thống các giá trị được tạo ra chủ yếu là thay thế, phủ định lẫn nhau thì của hệ thống những cách thức sáng tạo và sử dụng này chủ yếu lại là kế thừa, bổ sung cho nhau, nên nó lưu trữ nhiều kinh nghiệm và trí tuệ hơn đồng thời cũng có khả năng dự báo và định hướng cao hơn. Nói theo ngôn từ của các nhà ngôn ngữ học thì đây chính là các yếu tố ngữ pháp và phong cách của một nền văn hóa, cũng vận động và thay đổi theo lịch sử nhưng luôn mang tính ổn định, thống nhất cao hơn hẳn so với các yếu tố từ vựng và ngữ âm. K. Marx từng có một kết luận cần nhắc lại về vấn đề này “Những cá nhân biểu hiện đời sống của mình như thế nào thì họ là như thế ấy, do đó họ là như thế nào, điều đó ăn khớp với sản xuất của họ, với cái mà họ sản xuất cũng như cách họ sản xuất” (K. Marx và F. Engels, Tuyển tập, tập I, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 269). Cho nên với định nghĩa của Trần Ngọc Thêm, người ta sẽ không thấy được sự khác biệt văn hóa giữa hai cái ngạnh trên chiếc lưỡi câu thời tiền sử và thời hiện đại : trên phương diện là một giá trị được tạo ra thì cái ngạnh ấy đã được hoàn chỉnh hàng ngàn năm trước về mặt công cụ để đảm bảo chức năng giữ chặt con cá câu được của nó rồi, nên sự phát triển văn hóa ở đây chỉ nằm trên phương diện cách thức tạo ra, tức kỹ thuật chế tác công cụ ma thôi. Tương tự, hai ca sĩ tài năng đều có thể thành công khi trình bày cùng một bài hát nhưng chắc chắn họ sẽ đưa lại cho người nghe hai cảm xúc thẩm mỹ khác nhau : rõ ràng nhiều giá trị văn hóa đã được tạo ra ngay trong quá trình con người sử dụng - tiêu dùng các giá trị văn hóa. Tóm lại, định nghĩa nói trên chỉ mới đề cập tới cái lượng, cái hình chứ chưa giới thiệu được về cái chất, cái thần của văn hóa. Không lạ gì mà Trần Ngọc Thêm đã chạy theo số lượng khi nỗ lực giành quyền tác giả cho phương Nam, cho Bách Việt các giá trị loại Hà đồ, Lạc thư trên một đường hướng ít minh bạch và với những thao tác thiếu thẳng ngay kiểu nhập nhằng đánh đồng phương Nam với Việt Nam, Bách Việt với Lạc Việt. Ở đây cũng cần nhìn qua sự hiểu biết của tác giả Cơ sở văn hóa Việt Nam về những khái niệm loại âm dương, Ngũ hành, Bát quái..., vì giới thiệu chúng trong chương Văn hóa nhận thức, Trần Ngọc Thêm đã công nhiên gieo rắc nhiều kiến thức sai trái ngoài việc mặc nhiên coi chúng là uyên nguyên của truyền thống triết học và tư tưởng Việt Nam.

Trước hết, hãy nói tới những kiến giải về âm dương. Triển khai hai phạm trù nhận thức này vào việc tìm hiểu lịch sử văn hóa, trong nhiều chương sau, Trần Ngọc Thêm đã nhiều lần nhắc lại về hai hệ thống văn hóa - nền văn hóa du mục (và gốc du mục) trọng dương thiên động phương Bắc và nền văn hóa nông nghiệp trọng âm thiên tĩnh phương Nam. Lối phân loại và khái quát lịch sử văn hóa của nhân loại theo một mô hình đăng đối như thế chính xác tới mức nào thì tạm thời chưa bàn, chỉ cần nói ngay rằng Trần Ngọc Thêm đã sai lầm ngay từ những kiến giải về âm dương với việc lấy hình thức làm loại hình, đem khái niệm làm thuộc tính. Ví dụ ở đoạn về “Hai quy luật của triết lý âm dương”, Trần Ngọc Thêm viết “Quy luật về Bản chất của các thành tố : không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong dương có âm và trong âm có dương”, rồi nêu ra hai yêu cầu khi xác định tính chất âm dương của một đối tượng là phải “xác định đối tượng so sánh” và “xác định cơ sở so sánh” (tr. 82). Chỉ có một điều gần đúng, vì phải được đặt vào ít nhất là một quan hệ với ít nhất là một sự vật, hiện tượng khác cùng hệ thống thì một sự vật, hiện tượng mới có thể được coi là âm hay dương, chứ tự thân nó thì chẳng âm cũng chẳng dương gì cả, cũng như Thái cực vốn vô đối nên không phân âm dương vậy. Nhưng thao tác gần đúng ấy lại bị “sai hóa” trong hệ thống cấu trúc kiến thức về âm dương của Trần Ngọc Thêm mà trở thành một lối lập luận bị động, đối phó vì bị gắn với một quan niệm sai lạc gán cho tất cả các sự vật trên đời hai thuộc tính âm hay dương hoặc ít hoặc nhiều! Chính vì vậy mà quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam đầy rẫy những lập luận ngụy khoa học và kết luận phi lịch sử kiểu “... tên gọi các đối lập cơ bản, thiết yếu (cũng tức là xuất hiện trước nhất) đều tuân theo thứ tự âm trước, dương sau : âm dương, vợ chồng, chẵn lẻ, vuông tròn... (tên gọi các đối lập không cơ bản như cha mẹ, ông bà... xuất hiện muộn hơn, do vậy đã chịu ảnh hưởng gốc du mục trọng nam, trọng dương tính)” (tr. 91). Thật không sao tin nổi rằng tiếng Việt có từ “vợ chồng” trước khi có những từ như “bố cái”,”cha mẹ”, và thật không rõ vì sao tổ tiên ta lại nói “đực cái”, “trống mái” mà không nói ngược lại cho nó trọng âm, trong khi chắc chắn họ phải có ý niệm về đực cái trống mái trước khi có ý niệm vợ chồng mà cũng không cần gì chịu ảnh hưởng của văn hóa gốc nào. Hơn thế nữa, nếu triển khai lập luận và kết luận ấy thì có lẽ ngay cả các nhà ngôn ngữ học cũng đớ lưỡi không nói được các từ ghép loại sông núi - núi sông, trắng đen - đen trắng, ngày đêm – đêm ngày, gạo thóc - thóc gạo là được cấu tạo theo thứ tự trọng âm hay trọng dương ! Bởi vì âm dương là một cặp khái niệm biểu kiến trong tư duy triết học của người phương Đông cổ, nó phản ảnh và khái quát hóa một cách đơn giản nhưng hàm súc sự khác biệt mang tính thống nhất biện chứng giữa các hiện tượng, lãnh vực và quá trình của thế giới chứ không phải là bản chất hay thuộc tính của các hiện tượng, lãnh vực và quá trình ấy... như lối nhận thức và suy diễn của Trần Ngọc Thêm.

Về Ngũ hành thì phức tạp hơn, nên Trần Ngọc Thêm càng hiểu ít hơn. Quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam giảng giải về Ngũ hành sinh khắc theo kiểu trực quan giống hệt các sách Tử vi nhập môn, nhưng tác giả chưa hiểu được sự tinh tế của cổ nhân khi đặt ra các quan hệ ấy nên mới giải thích Mộc khắc Thổ như “cây hút chất màu của đất” (tr. 104). Nói như vậy thì là Thổ chứ đâu phải Thủy sinh Mộc? Quan hệ tương sinh tương khắc ở đây cũng là những phạm trù biểu kiến trong tư duy triết học của người Trung Hoa cổ, chúng phản ảnh sự mâu thuẫn có tính hiện tượng, bề mặt và sự thống nhất có tính bản chất, bên trong của giới tự nhiên. Nếu Trần Ngọc Thêm thực sự có một “cách tiếp cận hệ thống” thấu đáo và nhất quán thì sẽ thấy ngay rằng các quan hệ tương khắc là các quá trình cơ lý không đưa tới những biến đổi về chất (đất ngăn nước, nước dập lửa, lửa nung sắt, sắt chặt cây, rễ cây phá đất), còn các quan hệ tương sinh mới là các quá trình hóa sinh đưa tới những biến đổi về chất của Ngũ hành. Bên cạnh đó, để phản ảnh chi tiết hơn về giới tự nhiên, các quan hệ sinh khắc còn được chia ra làm hai dạng xuất nhập, chẳng hạn Kim khắc Mộc là Kim khắc xuất còn Mộc bị khắc nhập, Kim sinh Thủy là Kim sinh xuất còn Thủy được sinh nhập..., ngoài ra còn phải kể tới các quan hệ trùng hành kiểu “Lưỡng Hỏa Hỏa diệt, lưỡng Kim Kim khuyết, lưỡng Mộc Mộc chiết” mà có lẽ Trần Ngọc Thêm chưa biết. Nếu nhìn trên một diễn tiến tương sinh khởi từ Thổ (Thổ là mẹ muôn vật, Thủy là nguồn muôn vật, không có Thổ không sinh, không có Thủy không trưởng...) thì quá trình vận động của Ngũ hành là Thổ => Kim => Thủy => Mộc => Hỏa => Thổ... Tuy nhiên, Thổ sinh Kim nhưng khắc Thủy tức là khắc cái mà Kim sinh, Kim sinh Thủy nhưng khắc Mộc tức là khắc cái mà Thủy sinh...: rõ ràng người xưa đã thấy sự chuyển hóa giữa hai mặt thống nhất và đối lập trong quá trình vận động, phát triển của thế giới. Nhưng mô hình Ngũ hành còn thiếu sót trong việc phản ảnh một thế giới thống nhất, hoàn chỉnh, đa dạng và tự vận động. Thứ nhất, nó bao gồm năm yếu tố đẳng lập nên phải được thể hiện bằng một hệ thống không gian, không thể “nhất ngôn dĩ quán chi” nên lại tạo ra ý niệm về một thế giới bị chia cắt thành năm phần trong nhận thức, mặt khác thế giới ấy có điểm không nhất quán : hành Thổ về phương vị thì có vai trò định vị, thống thuộc các hành còn lại vì đứng ở trung ương còn trong quan hệ cả tương sinh lẫn tương khắc thì lại ngang hàng với bốn hành kia vì phải nằm trên một chuỗi năm điểm liên tục để đảm bảo tính liên tục trong sự vận động của thế giới. Thứ hai, sơ đồ tương sinh không ghi nhận được một cách đồng thời các quan hệ tương khắc (Thổ => Thủy => Hỏa => Kim => Mộc => Thổ...), bằng chứng là ngay cả Trần Ngọc Thêm với “phương pháp hệ thống - cấu trúc” được vài giáo sư khen nức nở mà cũng phải vẽ thành hai bảng riêng rời với sự bố trí Ngũ hành khác hẳn nhau chứ không hệ thống hóa và đồng hiện được trong một cấu trúc chung nhất (tr. 104), tình hình này không ăn khớp với quy luật trong khắc có sinh trong sinh có khắc nói theo triết lý âm dương. Thứ ba, các sơ đồ ấy không phản ảnh được đầy đủ thực tế, chẳng hạn Thủy khắc Hỏa nhưng gặp lúc “nước gáo lửa xe” thì kẻ bị cháy nhà chỉ còn cách bỏ của chạy lấy người, hay Thổ khắc Thủy nhưng vẫn có chuyện “Đê dài sắp vỡ, một vốc đất khó nỗi duy trì” nói như Nguyễn Trãi, mặt khác nhìn lên hai sơ đồ sinh khắc thì chỉ thấy Thổ là Thổ hay Thủy là Thủy, không có các dạng đan xen, phối hợp giữa năm hành kiểu “Thổ đới Thủy, Hỏa đới Kim” như giới Tử vi về sau tạo ra, tóm lại không làm rõ được sự khác biệt giữa lượng và chất, giữa nguyên lý và thực tế... Thứ tư, các quan hệ sinh khắc nói trên không thể hiện rõ sự vận động nội tại của sự vật, những thay đổi, chuyển biến mà đặc biệt là ở các quan hệ tương khắc chỉ được mô tả như các vận động có động lực bên ngoài. Chính các thiếu sót ấy đã hạn chế khả năng ứng dụng của thuyết Ngũ hành trong đời sống xã hội, trong việc tổng kết, lý giải và dự báo về hiện thực xã hội, và người xưa đã tìm tới Bát quái.

Tới Bát quái thì phải thẳng thắn để nói rằng Trần Ngọc Thêm không biết gì cả nhưng lại viết khá nhiều và đặc biệt là như rất biết, đây dường như cũng là biệt tài của một số học giả đời nay... Truyền thuyết từ Bát quái Tiên thiên tới Bát quái Hậu thiên thật ra phản ảnh quá trình hình thành rồi định hình của Bát quái, chứ hoàn toàn không phải vì thay đổi mục đích sử dụng như Trần Ngọc Thêm viết (hay chép đâu đó) rằng với sự điều chỉnh để làm chính trị của Chu Văn vương, hệ thống Bát quái Tiên thiên phản ánh các hiện tượng tự nhiên đã trở thành mô hình Bát quái Hậu thiên phản ánh các hiện tượng xã hội (tr. 111 - 113). Từ khi hình thành, Bát quái luôn luôn hướng tới mục đích tìm hiểu hiện thực khách quan trong đó chủ yếu là đời sống xã hội. “Quái giả quải dã. Huyền quải vật tượng dĩ thị ư nhân, cố vị chi quái” (Quái (quẻ) là quải (treo). “Treo” các hiện tượng thiên nhiên lên để tỏ việc cho người, nên gọi là quái). Các tượng quẻ như Trời Đất Lửa Nước... là một cách nói hình tượng (về cả ngôn ngữ lẫn chữ viết thì Càn Khôn Ly Khảm đều không phải là Thiên Địa Hỏa Thủy), các danh hiệu Chấn Trưởng nam, Đoài Thiếu nữ... cũng chỉ là một cách nói hình tượng để dễ ghi nhớ thứ tự theo âm dương của sáu quẻ Chấn Khảm Cấn Tốn Ly Đoài, còn phương vị của Bát quái trong không gian cũng tương tự như Ngũ hành, đều là các quy ước mang tính biểu trưng. Nhưng điều quan trọng nhất mà Trần Ngọc Thêm không biết về Bát quái là nó không mô tả một thế giới năm thành phần như Ngũ hành. Nó coi thế giới là nhất nguyên nhất thể (Thái cực), các khác biệt của thế giới là do sự vận động nội tại tạo ra (Thái cực sinh Lưỡng nghi), và bản thân các khác biệt ấy cũng hàm chứa sự vận động nội tại phủ định chính chúng (Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, tức trong Thái âm có Thiếu dương, trong Thái dương có Thiếu âm)..., còn nó là các hiện thực khác nhau trong quá trình vận động nói trên. Sơ đồ Bát quái nhờ vậy đã giản lược được yếu tố không gian, nên Bát quái chỉ còn phải phản ảnh thế giới trong sự vận động của nó trên trục thời gian, hay nói gọn hơn, mỗi quẻ trong Bát quái là một thời điểm của hiện thực. Do không biết điều sơ đẳng này, Trần Ngọc Thêm đã trượt dài trên con đường sai lạc tới bảng so sánh Ngũ hành và Bát quái về lối tư duy với các cứ liệu (nhờ suy diễn mà có) là mỗi hành trong Ngũ hành “có nhiều nghĩa, vừa cụ thể vừa trừu tượng, có quan hệ tương sinh tương khắc, bao quát được cả trung tâm”, còn mỗi quẻ trong Bát quái “chỉ có một nghĩa, luôn rất cụ thể, không có quan hệ gì với quẻ khác, bỏ trống trung ương” (tr. 115). Nhưng không thể so sánh Ngũ hành với Bát quái kiểu ấy, vì nó cũng giống như nói “Anh ấy bị thương hai lần, lần ở chân nặng hơn lần ở Trường Sơn” vậy. Ngũ hành trước hết là các yếu tố tự nhiên, được khái quát hóa thành hệ thống khái niệm phản ảnh nhận thức của con người về các hiện tượng, lãnh vực và quá trình của giới tự nhiên, còn Bát quái là các khái niệm nhân tạo, được vận dụng như hệ thống phương tiện để nhận thức về các quá trình của thế giới, đặc biệt là của hiện thực xã hội. Cần nói thêm rằng phải hiểu một quẻ (cả đơn quái lẫn trùng quái) là một thời điểm biểu kiến của hiện thực thì mới đúng tinh thần “Dịch giả dịch dã” (Dịch là biến đổi) của kinh Dịch. Chính vì nhìn nhận Bát quái trên một sơ đồ không gian như Ngũ hành nên Trần Ngọc Thêm mới nói liều rằng mỗi quẻ trong Bát quái không có liên hệ gì với quẻ khác và Bát quái bỏ trống trung ương. Hệ thống các quẻ trong Bát quái liên hệ với nhau rất chặt chẽ, chẳng hạn mỗi quẻ (đơn quái) đều có thể biến thành bảy quẻ kia nếu đổi các hào dương thành hào âm và ngược lại, còn cái trung ương mà Trần Ngọc Thêm cho là thiếu ấy thì thật không ai chỉ ra được cho thời gian. Nếu nói cho thật đúng với kinh Dịch thì trung ương của Bát quái chính là cái không gian biểu kiến tức phần thể là đồ hình Thái cực Lưỡng nghi Tứ tượng, chứ Bát quái chỉ là phần dụng của cái thể Thái cực ấy mà thôi... Cũng có thể đọc thấy một vài đoạn viết liều lĩnh tương tự về Tứ đại (đất nước lửa gió), tóm lại về triết học cổ phương Đông thì sự hiểu biết của Trần Ngọc Thêm hiện tại may ra chỉ đủ để nghe giảng mà biết chứ chưa đủ để tự học mà hiểu, vậy lấy gì mà dạy cho các sinh viên bất hạnh phải học âm dương Ngũ hành Bát quái qua quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam?

Sau chương Văn hóa nhận thức, quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam còn có một số chương mang tên Văn hóa tổ chức cộng đồng..., Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội, tóm lại tác giả chia văn hóa làm bốn phân hệ là Nhận thức, Tổ chức cộng đồng, Ứng xử với tự nhiên, Ứng xử với xã hội, trong đó những vấn đề như Phật giáo được xếp vào phân hệ Ứng xử với xã hội còn những vấn đề như Tín ngưỡng được xếp vào phân hệ Tổ chức cộng đồng. Thật là một cấu trúc có thể làm đảo lộn quan niệm của những người tìm hiểu văn hóa trong nhiều năm, có điều không thấy tác giả nêu ra căn cứ nào để lý giải về cách phân loại văn hóa không giống ai ấy. Con người không còn là con vật từ khi họ biết sản xuất, nghĩa là có ý thức sáng tạo ra những giá trị vốn không có trong tự nhiên. Và nếu lấy sự phân công lao động làm tiêu chuẩn phân loại thì có thể chia các hoạt động xã hội của con người ra làm năm kiểu (lãnh vực) cơ bản là sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần, quản lý, giao tiếp và tái sản xuất sinh học - xã hội. Sự nghiên cứu, phân loại văn hóa không thể tách rời năm lãnh vực hoạt động cơ bản này. Nhưng khởi đi từ một kiến thức thiếu sót về văn hóa học, Trần Ngọc Thêm lại đi tới một tiêu chuẩn phân loại độc đáo kiểu như xếp Phong tục vào phân hệ Tổ chức cộng đồng (Đời sống cá nhân) và xếp Nho giáo vào phân hệ Ứng xử với xã hội! Nhưng Nho giáo đâu phải chỉ là một cách ứng xử? Hệ thống học thuật - lý luận (Nho học) bao gồm vũ trụ quan, lịch sử quan của nó là một giá trị tinh thần to lớn, và hệ thống chuẩn mực xã hội - tam cương ngũ thường của nó đã thực sự là yếu tố cơ bản trong hoạt động quản lý xã hội của các quốc gia Nho giáo suốt nhiều trăm năm. Và cũng dễ thấy là Trần Ngọc Thêm không biết gì về Nho giáo từ nội dung học thuật tới lịch sử phát triển nên đã áp đặt cho nó những yếu tố “nông nghiệp phương Nam” theo một lối suy diễn rất kỳ lạ. Chẳng hạn câu Khổng tử trả lời Tử Lộ trong Trung dung theo đó ông chia sự mạnh mẽ ra “Nam phương chi cường” và “Bắc phương chi cường” rồi khẳng định người quân tử theo “Nam phương chi cường” thì Trần Ngọc Thêm hiểu đó là “cái mạnh của phương Nam” và “cái mạnh của phương Bắc” (tr. 349) rồi kết luận là Khổng tử đề cao văn hóa phương Nam! Nam phương, Bắc phương đây tức Nam diện (quay mặt về Nam, chỉ kẻ trên) và Bắc diện (quay mặt về Bắc, chỉ kẻ dưới), và hai khái niệm nói trên phải được hiểu là “Cái mạnh của người trên” và “Cái mạnh của người dưới” mới đúng với học thuyết của Khổng tử vốn chia con người làm hai loại là người trên – người dưới, quân tử - tiểu nhân, kẻ lao tâm - kẻ lao lực... Cái học về văn hóa của Trần Ngọc Thêm đại để chắp vá như thế, nên cứ khai thác một vài khía cạnh hình thức để tách sự vật ra khỏi hệ thống có thật của nó rồi ấn vào hệ thống của mình. Và hệ thống về văn hóa của Trần Ngọc Thêm ra sao?

Nét độc đáo trong lập luận của Trần Ngọc Thêm là căn cứ vào triết lý âm dương mà chia văn hóa thành hai hệ thống du mục (và gốc du mục) trọng dương thiên động phương Bắc và nông nghiệp trọng âm thiên tĩnh phương Nam. Từ góc độ thao tác luận mà nhìn thì hệ thống ấy quả rất nhất quán và chặt chẽ, có điều nó chỉ phản ảnh kiến thức về văn hóa của tác giả chứ không phải về hiện thực văn hóa của loài người. Thứ nhất, nếu triển khai lập luận Bắc là du mục, Nam là nông nghiệp ấy thì văn hóa Việt Nam trước thế kỷ XVII sẽ mang tính du mục cao hơn văn hóa Campuchia, nhưng chính người Việt Nam chứ không phải người Campuchia đã khai phá thành công đồng bằng Nam Bộ, hay vào thế kỷ XVII - XVIII văn hóa Việt Nam ở Đàng Trong sẽ mang tính nông nghiệp cao hơn ở Đàng Ngoài..., mà mọi người đều biết vào thời gian này đời sống văn hóa - xã hội Đàng Trong lại chịu ảnh hưởng kinh tế hàng hóa tiền tư bản nhiều hơn ở Đàng Ngoài chứ không phải mang nhiều yếu tố nông nghiệp “trọng âm thiên tĩnh” hơn. Thứ hai, với việc lấy hình thức làm loại hình mà coi hoạt động chăn nuôi kiểu du mục không thuộc phạm trù sản xuất nông nghiệp như Trần Ngọc Thêm thì nông nghiệp chỉ còn là trồng trọt đồng thời phải kể thêm vài loại văn hóa khác như “văn hóa du nông” của nhiều tộc người du canh du cư ở miền núi hay “văn hóa đánh bắt” của các cư dân hải đảo... Thứ ba, chia văn hóa làm hai hệ thống có nguồn gốc Bắc - Nam, Trần Ngọc Thêm vô hình trung còn sa vào một loại quyết định luận địa lý về văn hóa, vì nhìn từ khía cạnh phương pháp nghiên cứu thì hệ thống hai nền văn hóa trọng âm - trọng dương ấy là một kết luận đã có trước khi chứng minh, không xuất phát từ thực tế văn hóa sử. Thứ tư, hệ thống của Trần Ngọc Thêm không những không lý giải được sự phát triển văn hóa trong những hoàn cảnh khác nhau về kinh tế, xã hội, khoa học, chính trị... mà còn không làm rõ được cả sự tiến triển văn hóa nói chung, vì với những dương biến thành âm, âm biến thành dương kia thì văn hóa sử chỉ còn là một vòng tròn không lối thoát chứ đừng nói tới việc bước qua kỷ nguyên Tin học... Tất cả những điều nói trên khiến Cơ sở văn hóa Việt Nam trở thành một công trình không có giá trị thực tiễn cũng như khoa học : mặc dù thừa hưởng và sử dụng kết quả đúng đắn và phát hiện quan trọng của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều ngành khoa học, nó cũng vẫn không tổng kết được, không lý giải đúng và dĩ nhiên càng không thể dự báo về văn hóa Việt Nam.

***

Để chỉ ra đầy đủ và lý giải rốt ráo những sai lầm trong quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam thì còn phải tốn thêm rất nhiều giấy mực, đây là chưa nói tới việc vì tiết kiệm thời giờ của người đọc mà bài viết này không đề cập tới những chứng cứ đáng buồn về sự liêm khiết trí thức của Trần Ngọc Thêm... Nhưng những điều đó nếu có cần thiết cũng không quan trọng. Điều quan trọng nhất là phải xử sự với quyển sách một cách xứng đáng. Nó phải được đưa ra khỏi hệ thống các giáo trình văn hóa học hiện hành trong các trường Đại học càng sớm càng tốt. Còn về trách nhiệm để cho một thứ khoa học phẩm nhiều sai lầm mà ít kiến thức như vậy được công nhiên lưu hành đến nay trong các trường Đại học thì xin nhường lời cho giới chức hữu quan.

Cao Tự Thanh

Tháng 7. 1996

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đọc bài viết của ông Lê Thành Khôi và ông Cao Tự Thanh.

Tiếp theo

Ông Lê Thành Khôi viết:

Và nói như TNT rằng ngũ hành và bát quái là sản phẩm của hai dân tộc khác nhau vì có sách chỉ nói đến bát quái không nói đến ngũ hành, hay vì trong ngũ hành và bát quái cùng một số hiện tượng (đất, nước, lửa) có những tên khác nhau, do đó phải xuất phát từ hai kiểu tư duy khác nhau, thì đó là chuyện thường trong văn học. Ở một trình độ nào đó trong một nước, về một vấn đề có nhiều ý nghĩ khác nhau, cùng một chữ có nhiều cách hiểu. Trong một nước Pháp có bao nhiêu sách khác nhau nói về tư tưởng của Marx ! Khổng giáo và Phật giáo cũng thế. Ở Tây Tạng có 4 phái đều được coi là chính phái của Phật giáo !

Thực ra việc giáo sư Trần Ngọc Thêm viết: "ngũ hành và bát quái là sản phẩm của hai dân tộc khác nhau" thì có thể nói là hầu như tất cả các nhà nghiên cứu Tây , Tàu, Nhật Bản ...đều phát biểu như vậy, chứ không riêng gì ông Trần Ngọc Thêm. Chỉ có Thiệu Vĩ Hoa trong các tác phẩm của mình có đặt vấn đề dè dặt rằng: "Giới Dịch học cho rằng thuyết Âm Dương và thuyết Ngũ hành có thể xuất hiện đồng thời". Bây giờ lại có ông Cao Tự Thanh nhẩy sổ vào phê phán giáo sư Trần Ngọc Thêm mà bài viết gần hết cũng chú trọng vào phê phán những vấn đề liên quan đến thuyết Âm Dương và Ngũ hành. Xin lỗi hai ông Lê Thành Khôi và Cao Tự Thanh, việc các ông viện ra những sai lầm của giáo sư Trần Ngọc Thêm liên quan đến thuyết Âm Dương Ngũ hành rốt cuộc cũng chỉ là "Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm". Các ông chê giáo sư Trần Ngọc Thêm sai, nhưng chính các ông này cũng chăng đưa ra được một cái đúng về bản chất của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Xin lỗi. kiến thức của các ông về lĩnh vực này bằng không và cũng chỉ nằm trong cái vòng luẩn quẩn từ hàng ngàn năm nay khi tiếp cận với những vấn đề liên quan đến học thuyết này. Bởi vậy, tôi không bàn những phê phán của các ông với nhau liên quan đến học thuyết Âm Dương Ngũ hành và chỉ kết luận là "Thờn bơn méo miệng, chê trai lệch mồm".

Còn về vấn đề văn hóa thì cả ông Lê Thành Khôi (Đã chứng minh ở bài trên) và ông Cao Tự Thanh cũng không đưa ra được một định nghĩa thế nào là văn hóa để làm chuẩn mực phê phán ông Trần Ngọc Thêm về vấn đề văn hóa. Ông Cao Tự Thanh - (Tôi chẳng biết ông này là ai, trong nước hay ngoài nước, có wan trọng hay không) - viết:

Bởi vì văn hóa là một hệ thống giá trị, nhưng nhìn từ một góc độ khác, nó còn là một thế giới quan (worldview) thể hiện và phản ảnh sự lựa chọn của con người trong những điều kiện sống nhất định, sự lựa chọn này biến hệ thống các giá trị văn hóa thành hệ thống chuẩn mực xã hội trước hết trong các hành vi sáng tạo.

.

Híc! Thật là một lối lập luận kiểu "Mồm bò chẳng phải mồm bò, nhưng lại là mồm bò". Tôi chứng minh điều này như sau: Đoạn đầu ông ta viết:"Bởi vì văn hóa là một hệ thống giá trị, nhưng nhìn từ một góc độ khác, nó còn là một thế giới quan (worldview) thể hiện và phản ảnh sự lựa chọn của con người trong những điều kiện sống nhất định". Ok. Tạm thời cho rằng ông đã có một định nghĩa đúng về văn hóa. Nhưng ngay đoạn sau thì ông ta lại tự phủ định: "sự lựa chọn này biến hệ thống các giá trị văn hóa thành hệ thống chuẩn mực xã hội trước hết trong các hành vi sáng tạo". Hi. Nhưng bản thân văn hóa đã là hệ quả sự sáng tạo của con người và nó phải thành chuẩn mực xã hội thì nó mới được gọi là văn hóa. Như vậy chúng ta thấy hai vế tương đương của câu trên trong bài viết của ông Cao Tự Thanh theo kiểu "mồm bò chẳng phải mồm bò, nhưng lại là mồm bò". "Văn hóa là một hệ thống giá trị". Đúng quá! Quá đúng! Ông Cao Tự Thanh đã phản ánh một chân lý hiển nhiên, khiến cho người đọc không thể không thừa nhận. Tương tự như ông nói rằng: "Văn hóa không phải là giẻ rách!".

Kết quả của sự định nghĩa về văn hóa theo kiểu "Mồm bò không phải mồm bò...." của ông Cao Tự Thanh, khiến ngay câu sau ông ta phải thừa nhận:"

Và ngay định nghĩa nói trên cũng chưa chính xác".

Híc! Có lẽ chỉ cần chứng minh đến đây cũng đủ thấy rằng ông Cao Tự Thanh cũng không đủ tư cách gì để phê phán giáo sư Trần Ngọc Thêm, khi chính ông ta cũng không có một định nghĩa đúng về văn hóa.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm có thể sai, nhưng phê phán giáo sưv Trần Ngọc Thêm sai thì tôi nghĩ hai ông này chưa đủ tư cách học thuật.

Còn tiếp

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Xin được giới thiệu với anh Thiên Sứ đôi nét về nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh :

Nguồn : http://www.vnexpress.net/GL/Van-hoa/2007/05/3B9F5C44/

Là nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa, một trong những học giả Hán Nôm, dịch giả Hoa văn uy tín hiện nay, Cao Tự Thanh có hơn 10 tác phẩm nghiên cứu về các lĩnh vực này, hơn 40 đầu sách dịch cùng nhiều công trình khác.

Posted Image

Nhà nghiên cứu Hán học Cao Tự Thanh

Nguồn : http://www.tiasang.com.vn/news?id=2385

Bàn luận về Tính cách Việt, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh quan niệm không thể nói chung chung về tính cách. Xã hội nào tính cách ấy. Ông nói:

Nói đến tính cách, phải nói đến phương thức sống của xã hội vào thời kỳ đó. Phương thức sống ở đây hiểu theo nghĩa là sự thể hiện trên quy mô xã hội và mang tính chất tổng hợp của các phương thức tồn tại vật chất, sản xuất tinh thần, giao tiếp xã hội và quản lý xã hội. Khi bước qua phương thức tồn tại vật chất mới, lối sống, mức sống cũng như quan niệm sống sẽ thay đổi. Phương thức sống trong thời kỳ bao cấp là một trong những nguyên nhân sản sinh ra thói vô trách nhiệm và đạo đức giả...

Trần Phương giới thiệu.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cảm ơn anh Trần Phương đã giới thiệu cho tôi biết thêm về một nhà nghiên cứu.

Nói chung thì thật ra tôi cũng ít quan tâm đến tác giả là ai, mà chỉ quan tâm đến lập luận và luận điểm của họ. Từ ngày tôi bắt đầu viết sách minh chứng cho nền văn hiến Việt, tôi đã ý thức được trước mặt tôi có những cái gì. Cho nên dù họ là ai tôi cũng ít quan tâm và vẫn rất tự tin.

Qua giới thiệu của anh thì ông này cũng có tên tuổi qua một vài bài báo đăng tin. Nhưng trong cái thế giới huyền bí này tôi nhận thấy rằng: Nhưng bài viết mang tính phủ nhận những giá trị văn hiến truyền thống Việt thì được sự ủng hộ ngay cà giới truyền thông ngoại quốc. Thí dụ như BBC. Ngay như cả Paris bynight khi giới thiệu về thời trang Việt qua các thời đại cũng nhắc tới một nền văn minh sông Hồng với liên minh bộ lạc. Nói chung khi phủ nhận truyền thống văn hiến Việt thì khá thống nhất cả trong và ngoài nước. Còn những bài viết chứng minh giá trị văn hiến Việt thì chỉ rải rác trên các trang web mang tính cá nhân.

Dù sao cũng cảm ơn anh Trần Phương giới thiệu.

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh vạch ra những sai lầm của GS Trần Trọng Thêm là xác đáng (trong con mắt của Rin86, hic hic xin được đính chính như vậy :lol:) nhưng Rin86 chưa rõ ông này theo "phe nào". Rin86 chưa có tư cách gì để bàn luận về hai vị này cả vì Rin86 còn nhỏ tuổi. Ở đây có hai quan điểm một là phủ nhận nền văn hiến 5000 năm của dân tộc, hai là ủng hộ giả thuyết về nền văn hiến 5000 năm đó. Rin86 theo phe thứ hai. Luận chứng về điều này bác Thiên Sứ đã trình bày đủ, Rin86 không còn gì để nói. Theo cảm nhận của Rin86, Kinh Dịch và Âm Dương Ngũ Hành không thể là sản phẩm của một vài ngàn năm văn hiến được, đó là kết quả của hàng chục ngàn năm quan sát, kiểm chứng, đúc rút kinh nghiệm số đông LOÀI NGƯỜI chứ không riêng gì một dân tộc và khi nền văn minh tối cổ của loài người sụp đổ thì người Lạc Việt là một trong những dân tộc còn lại hiện nay giữ gìn được những tàn tích của nền văn minh đó. Dù hiểu biết về Kinh Dịch và Âm dương ngũ hành của Rin86 chẳng có gì nhiều nhưng Rin86 chỉ nghĩ rằng, sự vận động vĩnh hằng của vũ trụ không thể một đời người mà nhận biết được, không phải một vài trăm năm, ngàn năm mà phải lâu, rất lâu hơn nữa, và để từ giai đoạn mông muội đến giai đoạn phát minh ra chữ viết hoàn chỉnh lại là một quá trình khoảng 3000 đến 5000 năm, chính vì vậy những áp dụng của Kinh Dịch và Âm dương ngũ hành vào đời sống sẽ phát triển từ từ và thấm nhuần vào mọi lãnh vực. Một dân tộc không phát minh ra Kinh Dịch, Âm dương ngũ hành thì sẽ không hiểu tận gốc của nó mà chỉ chọn lấy cái ngọn, phần đơm hoa kết trái đẹp nhất của nó mà ứng dụng, chính vì không hiểu nên dễ dàng nhận lấy phần phát minh ra nó thuộc về mình, có ngọn nhưng không có gốc, một khi đã hiểu rồi thì không thể có những câu chuyện hoang đường về nguồn gốc của Kinh Dịch và Âm dương ngũ hành như thế, quy tất cả những học thuyết đó cho một cá nhân chứng tỏ hai điều: một là câu chuyện chắc chắn không có thật, hai là tác giả không hiểu được sự vĩ đại của Kinh Dịch và Âm dương ngũ hành nên tưởng rằng một nhân vật siêu nhân có thể đúc rút kinh nghiệm về quy luật vũ trụ chỉ qua một vài chục năm trước khi có chữ viết, và câu chuyện đó tồn tại nhờ những người xung quanh cũng không ý thức được sự vĩ đại của Kinh Dịch và Âm dương ngũ hành nên dễ dàng tin theo. Sau có người thấy vô lý, phản bác lại thì không rõ nguồn gốc của Kinh Dịch, Âm dương ngũ hanh nữa. Trên đây chỉ là suy luận cảm tính của Rin86 còn khi nhìn vào những cổ vật trục vớt được dưới đáy sông và đào được hiện đang trưng bày ở nhà hàng Trống Đồng Rin86 có thể thấy chiều sâu của nền văn hiến Lạc Việt. Ở đây Rin86 chỉ nói về mặt thẩm mỹ, kỹ thuật chế tác của những đồ cổ này. Những đồ vật trưng bày ở nhà hàng Trống Đồng được cách điệu hóa rất cao, kỹ thuật chế tác không kém gì bây giờ, có thể nói là đã đạt đến tuyệt đỉnh của nó. Về mặt mỹ thuật, ta sẽ xem xét quá trình phát triển của mỹ thuật Đông Sơn dựa trên sự phát triển của mỹ thuật châu Âu và Ai Cập. Hẳn rất nhiều người trong chúng ta nhìn thấy những bức vẽ hang động trong những hang đá ở châu Âu, những bức vẽ rất sinh động, tả thực, đó là bước khởi đầu của mỹ thuật châu Âu: "Tác phẩm hội họa cổ nhất được biết đến ngày nay là những bức hình trong hang Chauvet tại Pháp có 32.000 năm tuổi. Ở đây, người nguyên thủy đã dùng đất đỏ và than để thể vẽ ngựa, tê giác, sư tử, bò và voi mammoth"(wiki). Người châu Âu tiếp tục lối tả thực cho đến thế kỷ 19, vậy tính ra là bao nhiêu ngàn năm? Mãi đến thế kỷ 20, nền mỹ thuật châu Âu mới "trông giống"..... Đông Sơn. Ai Cập cũng vậy, người ta tìm thấy những bức tượng tả thực có tỷ lệ vô cùng chính xác, có hồn, rất giống người thật như tượng "viên thượng thư" của Ai Cập, đó là buổi đầu của nền mỹ thuật Ai Cập, và sau này nó đã phát triển thành những bức bích họa như ta thấy hiện nay trong các lăng mộ, nhân vật trong tranh được cách điệu rất cao, mang nhiều tính biểu tượng hơn là tả thực, và khi đã đạt đến cái ngưỡng cuối cùng của nó, nền mỹ thuật Ai Cập suốt 3000 năm không hề thay đổi. Vậy không thể có sự phát triển ngược được, trừ phi xảy ra hủy diệt văn hóa. Những gì cổ vật Đông Sơn cho ta thấy đó là một nền mỹ thuật đã phát triển đến tột đỉnh giống như mỹ thuật Ai Cập, và đi cùng với nền mỹ thuật đó phải là một xã hội phát triển đến đỉnh cao. Ví dụ như một vị tiến sĩ về văn học, tất nhiên phải giải được toán ít nhất là lớp 12, không thể có sự khập khiễng. Chính vì vậy, thời của nền văn minh Đông Sơn, người Lạc Việt ít nhất phải có chữ viết riêng, có nền khoa học kỹ thuật phát triển đủ để chế tác những sản phẩm tuyệt vời như thế.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Posted Image

Thiên Sứ

Cám ơn bác TS đã post một số văn bản có chữ Việt cổ, thật tuyệt. Đây không phải chữ Thái cổ mà là chữ Khoa Đẩu của người Lạc Việt xưa, xin xem bản so sánh sau :

Posted Image

Share this post


Link to post
Share on other sites

Rin86 viết:

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh vạch ra những sai lầm của GS Trần Trọng Thêm là xác đáng (trong con mắt của Rin86, hic hic xin được đính chính như vậy :lol: ) nhưng Rin86 chưa rõ ông này theo "phe nào". Rin86 chưa có tư cách gì để bàn luận về hai vị này cả vì Rin86 còn nhỏ tuổi.

Chú cho rằng giáo sư Trần Ngọc Thêm có thể sai. Nhưng ông Cao Tự Thanh không đủ tư cách học thuật để phê phán giáo sư Trần Ngọc Thêm.

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ở đoạn nói về Ngũ hành, ông Cao Tự Thanh viết :

Quan hệ tương sinh tương khắc ở đây cũng là những phạm trù biểu kiến trong tư duy triết học của người Trung Hoa cổ, chúng phản ảnh sự mâu thuẫn có tính hiện tượng, bề mặt và sự thống nhất có tính bản chất, bên trong của giới tự nhiên.

Người Việt Nam chúng ta hay gọi người Trung Quốc là người Hoa hay người Tàu (chỉ riêng người Việt mới gọi người Trung Quốc là người Tàu) là nói đến tất cả những cư dân sinh sống (hay xuất xứ) trên đất nước Trung Quốc ngày nay, không phân biệt dân tộc hay chủng tộc nào. Như vậy, ông Cao Tự Thanh dùng từ "người Trung Hoa cổ" một cách chung chung trong lập luận của mình khi trình bày về cổ văn hóa sử là không khách quan, dễ làm người đọc đi lầm đường khi nghĩ rằng các giá trị văn hóa VN ngày nay có bắt nguồn từ Trung Hoa.

Thực tế là ở miền nam Trung Quốc ngày nay có nhiều dân tộc khác nhau với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đó đã là một vấn đề lịch sử.

Ông phê phán GS Trần Ngọc Thêm :

Không lạ gì mà Trần Ngọc Thêm đã chạy theo số lượng khi nỗ lực giành quyền tác giả cho phương Nam, cho Bách Việt các giá trị loại Hà đồ, Lạc thư trên một đường hướng ít minh bạch và với những thao tác thiếu thẳng ngay kiểu nhập nhằng đánh đồng phương Nam với Việt Nam, Bách Việt với Lạc Việt.

Vậy ra ông Cao Tự Thanh vẫn xuất phát từ quan niệm từ hàng ngàn năm nay khi cho rằng Kinh Dịch là sản phẩm của văn hóa Trung Hoa. Và nếu cứ mãi như vậy thì mọi sự nghiên cứu về văn hóa Việt vẫn mãi là những vòng lẩn quẩn bất hợp lý không thể lý giải từ hàng ngàn năm trước cho tới ngày nay và ... hàng ngàn năm sau nữa.

Vài lời nông cạn,

Share this post


Link to post
Share on other sites

Rin86 viết:

Chú cho rằng giáo sư Trần Ngọc Thêm có thể sai. Nhưng ông Cao Tự Thanh không đủ tư cách học thuật để phê phán giáo sư Trần Ngọc Thêm.

Thiên Sứ

Không biết theo ý chú Thiên Sứ, thì phải hội đủ những điều kiện gì mới gọi là đủ tư cách học thuật ạ?

Share this post


Link to post
Share on other sites

Anmay viết:

Không biết theo ý chú Thiên Sứ, thì phải hội đủ những điều kiện gì mới gọi là đủ tư cách học thuật ạ?

Tôi nghĩ điều này quá dễ hiểu:

Khi ông Cao Tự Thanh phê phán về những luận điểm của giáo sư Trần Ngọc Thêm về văn hóa, mà ông ta không có một định nghĩa (dù chưa được thẩm định) thế nào là văn hóa. Nói chính xác là ông ta đưa ra một định nghĩa về văn hóa , nhưng sau đó lại tự phủ nhận là chưa hoàn chỉnh - tôi đã phân tích trong bài viết trên - Đó là lý do để tôi kết luận: Ông Cao Tự Thanh không đủ tư cách học thuật để phê phán giáo sư Trần Ngọc Thêm về văn hóa.

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites