wildlavender

Người chữa khỏi 1.200 ca vô sinh

2 bài viết trong chủ đề này

Người chữa khỏi 1.200 ca vô sinh

29/05/2009 10:36 (GMT +7)Nằm ở xóm Kho, thôn Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội, ngôi nhà của bà Ngọc Lâm đông khách từ sáng tới trưa. Người ngoại tỉnh đổ về lấy số từ 4-5 giờ sáng. Nhiều cặp vợ chồng lấy nhau mấy năm không có con đến với bà với niềm hy vọng trào dâng. Anh trông xe đạp thoăn thoắt ghi số, xếp xe...

Posted Image

Chị Quế, một trong những bệnh nhân của bà NGọc Lâm và cậu con trai mới sinh. (Ảnh: Khoa Học & Đời Sống)

Đông y dựa trên kỹ thuật cao

Bà Ngọc Lâm năm nay trên 70 tuổi, nguyên là trưởng khoa Sản, Bệnh viện Y học cổ truyền TW. Trong quá trình công tác bà là chuyên gia điều trị kinh nguyệt cho chị em phụ nữ. Với bề dày kinh nghiệm , bà đã nghiên cứu cách điều trị vô sinh nhưng vì không có kinh phí làm đề tài nên ước vọng của bà không thực hiện được. Khi về hưu, day dứt với con số những người vô sinh càng ngày càng lớn, lại gặp điều kiện thuận lợi là kỹ thuật siêu âm, X-quang phát triển, bà đã kết hợp giữa Y học hiện đại và Y học cổ truyền vào việc điều trị nên tỷ lệ điều trị vô sinh thành công cao.

Bà Lâm cho biết, phương pháp chữa trị của bà là biện chứng luận trì, tuỳ theo chứng trạng mà cho thuốc. Tức là xem bệnh nhân ở thể bệnh nào thì bốc thuốc ở thể bệnh đó. Mỗi thang thuốc ít nhất có từ 6-7 vị, nhiều là hơn chục vị. Tỷ lệ từng vị thuốc chỉ có duy nhất bà nắm được, những người giúp việc bà cũng không bao giờ được tham gia. Thuốc của bà được sắc theo phương pháp cổ truyền, nhờ tác dụng của nhiệt, tạo ra các phản ứng hoá học giữa thuốc nọ và thuốc kia, tạo ra một hợp chất thuốc điều trị.

Tại nhà bà Lâm, nhân viên bốc thuốc làm việc từ chiều. Thuốc được chia nhỏ, hong sấy, cất vào kho để cấp cho bệnh nhân. Buổi sáng, hai em giúp việc cho bà ghi sổ, theo dõi bệnh nhân. Việc thăm khám trực tiếp do chính tay bà làm. Bà cho biết, điều trị vô sinh cực khó, người điều trị phải có kiến thức sâu về sản khoa ở Tây y, được đào tạo bài bản ở Đông y cùng một chút cơ may được truyền lại bài thuốc chữa vô sinh của các bậc tiền bối.

Gỡ những ca khó

Những ca đến với bà Lâm là những ca đã đi chạy tứ phương, đã thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần không có kết quả. Có những đôi vợ chồng lấy nhau 10 năm không có con, lại cả những người có đứa con đầu lòng rồi nhưng muốn có thêm đứa con nữa thì "tịt". Hàng chục năm điều trị vô sinh, bà tổng kết lại, hầu hết phụ nữ vô sinh do bị dính tử cung từ lâu, điều trị bằng Tây y nhiều năm mà không phát hiện ra.

Trong quá trình khám, bà Lâm phát hiện ra một số trường hợp do quá nóng ruột, mới lấy nhau xong 1 năm chưa có con đã đi bơm tinh trùng 4-5 lần, làm thụ tinh trong ống nghiệm không đậu, những trường hợp này rất tổn hại sức khoẻ.

Theo bà, điều trị vô sinh không thể làm tức thì. Sức khoẻ người mẹ kém thì cũng khó có con hoặc sinh ra những đứa trẻ quặt quẹo. Nhiều trường hợp không có con do "can khí uất kết - khủng hoảng tinh thần", nếu được thăm khám tỷ mỷ, được đưa ra lời khuyên tốt thì chẳng phải can thiệp Tây y cũng tự nhiên có con.

Lật giở cuốn sổ theo dõi, bà Lâm chỉ cho chúng tôi biết, trường hợp của chị P. từ nhỏ đã bị vô kinh nguyên phát. Điều trị Tây y có kinh, từ đó chi liên tục điều trị nội tiết và đã thực hiện bơm tinh trùng vào tử cung 7 lần, 3 lần thụ tinh trong ống nghiệm không thành công. Sau khi đến với bà, được bà thăm khám và nghi bị dính tử cung. Cho đi làm xét nghiệm thì đúng như vậy.

Trường hợp khác là chị M. trước đây có thai 3 tháng thì bị sảy, rồi viêm nhiễm gây dính tử cung. Khi đã dính tử cung thì không thể có con được. Các trường hợp này tiếc nỗi là các lần khám trước các chị đã không được bệnh viện tư vấn kỹ càng.

Hay trường hợp của chị K. liên tục phải dùng thuốc để tạo vòng kinh nhân tạo, chị bị suy buồng trứng thì dù có đi thụ tinh trong ống nghiệm cũng không thể có thai. Đề điều trị trường hợp này bằng Đông y, theo bà Lâm, phải điều trị cho chị K. có kinh thì mới chữa có con được. Tất nhiên, đây đều là những ca khó vì vốn dĩ nội tiết từ thời con gái của bệnh nhân đã rất kém.

Một trường hợp bệnh nhân nặng khác cũng rất điển hình, đó là chị T. ở Hà Nội. Chị năm nay trên 45 tuổi bị tắc ống dẫn trứng, đã điều trị Tây y nhiều nhưng không được. Vì tuổi cao, kinh không còn, lại trong giai đoạn rối loạn nội tiết tố nên bà Lâm cũng không hứa hẹn trước được điều gì.

Hầu hết bệnh nhân, bà Lâm cho điều trị phối hợp Đông y và Tây y. Các cơ sở Tây y có thế mạnh về gỡ dính, gỡ tắc, họ có nhiều thiết bị chẩn đoán tốt nên bà hết sức tận dụng. Sau khi điều trị Tây y xong bà mới cắt thuốc cho uống. Thuốc có thể là những loại cây cỏ thông thường, được phối hợp với nhau ở một tỷ lệ nhất định để tăng sinh lực. Có những loại thuốc uống vào để nuôi trứng, cũng có loại cắt cho người chồng điều trị kết hợp với vợ.

Thuốc cắt mỗi lần 10 thang, hết thuốc đến khám lại, làm xét nghiệm xem trứng trưởng thành đến đâu. Khi cơ thể người phụ nữ khoẻ mạnh, trứng tốt, bà tính ngày cho vợ chồng gặp nhau. Bà cho biết, mỗi người một bệnh, tỷ lệ thuốc cũng rất khác nhau, dùng thuốc cũng phải kiêng một số loại thịt động vật hoặc rau. Điều trị Đông y an toàn đối với phụ nữ nhưng "cách rách" ở chỗ, thuốc không được cắt cho cả tháng, vừa uống vừa nghe ngóng, vừa làm các xét nghiệm.

Vô sinh, nỗi lo âu và sự tốn kém

Hàng năm tại các viện phụ sản như Phụ sản TW, Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Từ Dũ - TP. HCM số ca đến điều trị vô sinh thứ phát hoặc nguyên phát rất đông, chiếm tới hàng nghìn ca. Các phương pháp điều trị chủ yếu là thụ tinh ống nghiệm với giá hàng chục triệu đồng cho 1 ca thụ tinh. Có những người phải thụ tinh tới 3 lần mới có kết quả và cũng có người làm đến lần thứ 4 vẫn chỉ là con số 0.

Đáng chú ý là nhiều phụ nữ vô sinh do bệnh PCOS - một trong những rối loạn nội tiết thường gặp nhất ở phụ nữ trong tuổi sinh sản. Các phụ nữ có PCOS bị vô sinh chủ yếu do không phóng noãn, hay còn gọi là không rụng trứng. Các nang trứng không to lên được đến kích thước để thụ thai nên không thể rụng , không vỡ được, nằm dưới lớp vỏ dày của buồng trứng. Phụ nữ mắc bệnh này thường phải áp dụng kỹ thuật "trưởng thành trứng non trong ống nghiệm" (IVM) nhằm nuôi cấy và trưởng thành các trứng non mà không sử dụng biện pháp dùng thuốc kích thích trứng như phác đồ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) thông thường.

Theo Khánh Nga

Posted Image

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bà Lâm chữa vô sinh: Gặp “nhân chứng” và chuyên gia

02/06/2009 14:21 (GMT +7)

Để bạn đọc có thêm thông tin chi tiết, chúng tôi tiếp tục gặp gỡ và trao đổi với các “nhân chứng sống” của người phụ nữ “mát tay” này cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực Đông y.

Chỉ định cả chuyện... gần gũi với chồng

Bệnh viện Y học cổ truyền dân tộc Trung ương là nơi nhiều bệnh nhân do bà Lâm điều trị được gửi đến bệnh viện để nằm và theo dõi. Tại đây, chị Nguyễn Thị L. 41 tuổi (bị hỏng thai một lần) vẫn đang điều trị. Ban đầu, bác sĩ tư vấn nguyên nhân vô sinh là do nội tiết nên chị thường xuyên uống thuốc nội tiết, kích thích buồng trứng để bơm tinh trùng 7 lần và thụ tinh trong ống nghiệm 3 lần nhưng không được. Bệnh nhân này được bà Lâm tư vấn không nên dùng thuốc quá nhiều. Việc kích thích buồng trứng quá độ sẽ gây rối loạn nội tiết tố rất khó có con... Bệnh nhân được gửi đến Viện Y học cổ truyền dân tộc để bà Lâm kết hợp theo dõi.

Posted Image

Bà Lâm đang tư vấn cho bệnh nhân

Chị Phan Thị Thu, 32 tuổi (Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội), không giấu nổi niềm vui sau khi được làm mẹ. Nỗi khổ chị đã đeo đẳng 12 năm thì khó ai có thể thấu nổi. Ở nông thôn, lấy chồng mà không sinh được con sẽ chịu đựng thứ gièm pha, tủi khổ. Chị cắn răng chịu đựng đi chạy chữa khắp nơi suốt 11 năm ròng, hết Đông lại Tây y nhưng “ông trời vẫn chưa thương” chị. Đã có lúc chị muốn buông xuôi tất cả. Rồi một vài người ở quê chị cũng không có con, nhờ uống thuốc của bà Lâm mà có. Chị tìm đến nhưng hy vọng rất mong manh. Bởi kết quả chụp phim mới nhất của chị cho thấy, chị có một khối u nang buồng trứng phải, kích thước 46 x 37 mm. Chấp nhận có bệnh thì vái tứ phương, chị bắt đầu theơchã từ tháng 2-2008. Nào ngờ, lúc đầu chị chỉ được uống thuốc làm tiêu u. Sau đó, chụp lại kết quả khối u hết, chị được uống thuốc kích trứng, khi trứng to, có phóng noãn (tháng 5-2008), bác sĩ chỉ định chị gần gũi với chồng. May mắn chị đã có thai.

Chị Nguyễn Thị Nga, 32 tuổi (Ngũ Lão, Thủy Nguyên, Hải Phòng), sinh con đầu được 5 tuổi, sau khi hút điều hoà kinh nguyệt một lần, chị không kế hoạch nhưng mãi vẫn vô vọng. Chị tìm đến bà Lâm để được tư vấn. Chị Nga đã được bà Lâm cho uống thuốc bổ nâng cao nội tiết để dễ có thai. Kết quả sau 2 tháng từ 20-8, đến 30-10-2008, chị đã có tin vui.

Chị Hoàng Thị Uyên ở Xuân Trường, Nam Định, sau 24 năm tắc vòi trứng, 4 lần thụ tinh ống nghiệm không thành cũng tìm đến với bà Lâm và có một cháu bé kháu khỉnh. Đặc biệt, chị Lê Thị Hương, 43 tuổi, ở Bình Giang, Hải Dương đã có con gái 21 tuổi, nhưng vì đi bước nữa với người chồng sau nên hai vợ chồng đều mong muốn có một đứa con. Vì chị đã cắt một bên buồng trứng, một bên tắc, tuổi lại cao, nội tiết kém nên nhiều nơi lắc đầu không nhận nữa...

“Chủng tử môn” – khoa chữ vô sinh Đông y có từ xưa

Bác sĩ Trần Văn Bản - Hội Đông y Việt Nam khẳng định như vậy. Theo bác sĩ Bản, từ xưa Đông y đã có một khoa chữa bệnh vô sinh gọi là “chủng tử môn” - chữa cho những trường hợp khó có thai và khó có con. Giai đoạn thứ nhất là khó có thai và giai đoạn thứ hai là có thai nhưng bị sảy. Chữa vô sinh có cả vô sinh cho nam giới và nữ giới hoặc cả hai. Khi xác định rõ nguyên nhân thì mới điều trị. Có những trường hợp, cả nam và nữ khoẻ mạnh, trứng tốt nhưng vẫn không thể có con vì môi trường pH trong cổ tử cung và âm đạo không phù hợp. Một người có môi trường axit, một người môi trường kiềm, thì gặp nhau chắc chắn tinh trùng sẽ chết. Vì vậy môi trường phải tương đồng. Hơn nữa, nếu vỏ trứng dày quá thì tinh trùng cũng không thể xâm lấn được. Hoặc hai vợ chồng vẫn khoẻ mạnh, trứng và tinh trùng đều tốt nhưng lòng cổ tử cung không tốt, tinh trùng không có chỗ bám thì vẫn vô sinh. Do đó, phạm vi chữa vô sinh là rất rộng. Khả năng chữa bằng Đông y là có.

Vẫn theo bác sĩ Bản, tại Hội Y học cổ truyền đã có rất nhiều cặp vợ chồng đến chữa vô sinh. Những người đến chữa là những người có khả năng phát triển trứng (noãn bào) và khả năng phát triển tinh trùng. Đối với những người không có tinh trùng hoặc tinh trùng dị dạng thì Đông y cũng phải bó tay.

“Bác sĩ Ngọc Lâm như là cán bộ của Hội chúng tôi. Trước đây bà làm ở ban chuyên môn, chuyên về phụ khoa và chữa vô sinh. Bà là một trong những người có tay nghề sâu về phụ khoa và có nhiều năm làm trong lĩnh vực phụ khoa. Về hiệu quả bài thuốc vô sinh của bà Lâm tôi không dám bàn vì phải có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, cách chữa Đông Tây y kết hợp trong điều trị vô sinh về cơ bản rất tốt. Sử dụng thuốc Đông y giúp cơ thể tăng cường noãn bào, tăng cường khả năng tiếp nhận nơi làm tổ của trứng”, bác sĩ Bản khẳng định.

Nguyên lý chữa vô sinh

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Dương Trọng Hiếu – nguyên cán bộ của Viện Y học cổ truyền dân tộc, hiện nay các bệnh danh của Tây y và Đông y chưa thống nhất nhau. Tây y nhờ khoa học phát triển mạnh nên có thể chẩn đoán đến tế bào và gen. Theo tôi chủ trương kết hợp Đông Tây y trong điều trị vô sinh là rất tốt nhưng hiện vẫn chưa làm được bao nhiêu. Đông y quan niệm “thận sinh tinh, tinh sinh tủy”, vì vậy, nguyên tắc đầu tiên khi điều trị vô sinh bằng Đông y là đề cao vai trò của thận - thận là tàng tinh. Ở cả nam và nữ, thận yếu tinh không đủ thì không thể có con. Nam giới thận yếu thể hiện ở triệu chứng không có khả năng cương dương, dễ mộng tinh, di tinh, xuất tinh sớm, đau lưng mỏi gối, chóng mệt mỏi. Nữ giới là đau lưng, mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt, bạch đới khí hư (rong kinh, rong huyết). Những người này thường khó có khả năng có thai. Những người khí huyết hư nhược, khí huyết kém, người gày khô, ăn uống thiếu thốn, lao động nặng, môi trường sống độc hại cũng khó có con. Trong điều trị vô sinh bằng Tây y người ta thường nói tới vai trò của tử cung (ngập), buồng trứng không sản sinh trứng, viêm tắc vòi trứng, nam giới tinh trùng yếu... Vì vậy, để phòng bệnh, Y học cổ truyền đề cao việc bảo vệ thận. Sự thực chữa vô sinh là rất khó nên không thể khẳng định được Đông y hay Tây y tốt hơn nhưng nếu về bổ khí huyết, gan thận thì Đông y có thể mạnh hơn Tây y.

Theo Khánh Nga

Khoa hoc và đời sống

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay