Thiên Sứ

MỎ NEO THUỘC THỜI KỲ NÀO?

3 bài viết trong chủ đề này

Do tình cờ, một chủ nhà hàng đã phát hiện ra hai cái mỏ neo gỗ. Chuyện vô cùng kỳ bí bởi cho đến nay các nhà chuyên môn vẫn chưa thống nhất về niên đại của mỏ neo. Xin đưa lên đây để chúng ta cùng bản luận.

Thiên Sứ

Nguồn Sài Gòn tiếp thị.

Hành trình của hai chiếc mỏ neo cổ

Một ngày đông năm ngoái, ông Quách Văn Địch, chủ nhân của hai chiếc mỏ neo trong phóng sự ảnh Mỏ neo Bạch Đằng? đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị số trước, nhận được một cú điện thoại. Người gọi là nhà sử học Dương Trung Quốc, ông nói: “Cám ơn anh đã cho tôi biết chuyện này, tôi sẽ đến gặp anh trong thời gian sớm nhất”

Trước đó hai tiếng đồng hồ, ông Địch đã đến văn phòng của ông Quốc tại viện Bảo tàng cách mạng, nhưng không gặp do ông Quốc bận họp Quốc hội. Ông Địch đã để lại bức thư và mấy tấm ảnh về hai chiếc mỏ neo.

Posted Image

Một trong hai chiếc mỏ neo đã được trả giá tới 30.000 USD

Từ bãi sông đến văn phòng đại biểu Quốc hội

Vào một ngày thu năm 1999, có người bạn rủ ông Địch đi ra một cái quán ven sông Hồng để uống bia. Đi qua bãi của công ty du lịch Sông Hồng, bất chợt một cái mỏ neo cực lớn, vẫn còn ướt nguyên đập vào mắt ông. Nhân viên công ty nói với ông rằng có người thuyền chài vớt được nó lúc chiều và gửi lại đó để bán. Xưa nay, xem phim ảnh, chỉ biết có mỏ neo sắt nhỏ hơn nhiều, lại thấy có cái mỏ neo bằng gỗ đồ sộ như thế này, ông hỏi giá luôn và móc ví nhờ trả tiền cho thuyền chài. “Lúc đó, tôi chợt nghĩ, mình sắp mở nhà hàng, mua về bày cho khách xem có khi cũng hay, và đặt tên cái nhà hàng là Mỏ Neo luôn”, ông Địch kể lại.

Tuy cái nhà hàng ra đời không mang tên Mỏ Neo như ông mong muốn, bởi bà vợ gốc Huế khăng khăng đòi lấy tên mình đặt cho nhà hàng món Huế, nhưng đúng là nhiều thực khách đến thật. Vì lời đồn đại về hai cái mỏ neo lạ (vài tháng sau khi mua chiếc đầu, ông đã mua được chiếc mỏ neo thứ hai do một người thuyền chài ở Chèm vớt được đến tận nhà ông gạ bán, vì “nghe người ta bảo ông chơi mỏ neo”).

Trong số thực khách, cả nội lẫn ngoại, tới quán ông, có một người Trung Quốc đã bảo ông rằng hai chiếc mỏ neo này rất quý, và gạ ông bán lại. Vị khách Trung Quốc này đã trả tới 30.000 USD. “Tôi không bán, vì nghĩ không khéo đây là mỏ neo của những chiến thuyền bị đánh đắm trong trận Bạch Đằng thời Nguyên Mông xâm lược nước ta. Hà Nội thì đang rậm rịch chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long”, ông Địch kể.

Ông Địch tìm tới viện Bảo tàng lịch sử, đối diện với nhà ông qua con đê, xin gặp ông viện trưởng Phạm Quốc Quân để nhờ thẩm định. Ông Quân có cử một cán bộ phòng lưu trữ sang xem. Anh này sau đó có nói viện không có điều kiện nghiên cứu, và giới thiệu ông Địch sang viện Lịch sử. Ở đó, họ bảo ông họ không nghiên cứu “món này”, và giới thiệu ông sang viện Dân tộc học. “Tự tôi đến đó được chứ, đâu cần họ giới thiệu. Chạy theo mấy ông này mệt quá”, ông Địch thở dài.

Trong thời gian đó, vị khách Trung Quốc vẫn chưa “buông” ông. Cuối năm 2002, ông ta nhờ một tay buôn đồ gỗ bên Đồng Kỵ đến trả giá gấp năm lần giá ban đầu. Một tay buôn ô tô người Việt cũng cứ theo ông gạ gẫm, thậm chí còn định lừa ông vắng nhà để thuyết phục vợ ông, với cái lý do rất hợp lý là “vừa được tiền, vừa đỡ chật nhà, chị ạ”. “Có lúc bà ấy đã thấy xuôi tai, nhưng vẫn ngại tôi nên hai cái mỏ neo vẫn còn đây”, ông Địch nói.

“Tôi nghĩ ra ông Dương Trung Quốc. Ông này là đại biểu cho dân, mình đến xem thế nào”, ông Địch nói.

Posted Image

Nghiên cứu sinh này đang thuyết trình với đoàn của viện Khảo cổ hàng hải Mỹ về trường hợp cái mỏ neo có một ngạnh. Ảnh: T.V.Đ

Giới nghiên cứu vào cuộc

Hai ngày hôm sau, ông Quốc tới nhà ông Địch. Ông không đến một mình, mà kéo theo bạn ông, nhà khảo cổ học Vũ Thế Long. “Anh Quốc bảo tôi là hội Sử học giao cho tôi việc này, chứ nếu tôi mà biết được tự tôi cũng mò tới. Tôi làm khảo cổ học môi trường, tôi quan tâm đến việc đi lại trên biển từ thời nguyên thuỷ tới giờ, bỏ qua vụ này sao được”, ông Long nói.

“Anh Địch có tâm giữ lại hai cái mỏ neo, anh ấy vất vả liên hệ chỗ nọ chỗ kia mà không được, anh ấy bực là phải. Nhưng cũng phải nhìn nhận một cách khách quan mà đừng trách họ, xưa nay mình đã làm gì có chuyên gia được đào tạo về tàu cổ mà dám nhận lời nghiên cứu, thẩm định”, ông Long nói tiếp.

Ông Long đã chọn cách lên mạng để liên hệ với những chuyên gia quốc tế nghiên cứu về tàu cổ, trong đó có những người Nhật. “Lúc đó, tôi đã giả thiết rằng hai chiếc mỏ neo này là của những chiến thuyền của quân Nguyên Mông bị đánh đắm trong trận Bạch Đằng. Cũng trong thế kỷ 13 đó, ba lần quân Nguyên đã vượt biển sang chinh phục Nhật Bản, nhưng bị bão nên thất bại. Chắc người Nhật có nghiên cứu những hiện vật về tàu cổ trục vớt được”, tiến sĩ Long lập luận.

Có vẻ ông đã đúng. Sau nhiều lần trao đổi qua lại qua email, một nhóm nghiên cứu quốc tế về tàu cổ, qua đầu mối là một nghiên cứu sinh tiến sĩ mang hai dòng máu Nhật – Mỹ, đã đến Việt Nam cách đây gần hai tuần. Nhóm sáu người này bao gồm hai thành viên ban lãnh đạo của học viện Khảo cổ hàng hải (INA), hai giáo sư của INA và Flinder University cùng hai nghiên cứu sinh tiến sĩ của họ.

Cùng với ông Long và ông Địch, nhóm này đã có chuyến du khảo đến Bãi Cọc, nơi diễn ra trận Bạch Đằng lịch sử, thăm viện Bảo tàng Bạch Đằng (Quảng Ninh) và viện Bảo tàng lịch sử. “Điều thú vị nhất là nhóm này đến từ Pháp, Nhật, Mỹ và Úc, những nước ít nhiều đều có dính líu quân sự ở Việt Nam trước đây”, ông Long nói. Tuy nhiên ông khẳng định: “Tôi xin nói, việc nghiên cứu về hai chiếc mỏ neo này sẽ không phải do các chuyên gia quốc tế thực hiện, mà phải do người Việt Nam, với sự hợp tác và hỗ trợ của họ”.

“Nhóm chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ phía Việt Nam về phương pháp nghiên cứu và thậm chí cả việc kêu gọi tài trợ để lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu”, Randall Sasaki, nghiên cứu sinh tiến sĩ của INA khẳng định với SGTT.

“Qua so sánh với những mỏ neo gỗ trục vớt được ở Nhật năm 1994 (đã được xác định có từ thời Nguyên Mông, thế kỷ thứ 13), cảm giác của tôi là có vẻ như hai chiếc này ra đời muộn hơn”, Jun Kimura, nghiên cứu sinh tiến sĩ của Flinder University nhận xét, vừa chỉ những điểm khác biệt của hai loại mỏ neo qua những tấm ảnh lưu trong chiếc máy tính xách tay của mình.

Huỳnh Phan

(Mời bạn đón đọc kỳ sau, những hé mở của chuyên gia Nhật, Jun Kimura về lai lịch của hai chiếc mỏ neo này)

Ngày 28.05.2008 Giờ 17:30 Mỏ neo Bạch Đằng?

Một nhóm chuyên gia người Mỹ theo lời mời của một nghiên cứu sinh tiến sĩ người Nhật đã sang khảo sát hai cái mỏ neo vớt từ sông Hồng, nghi là từ thời nhà Trần, trong trận Bạch Đằng. Để có lời mời này, nghiên cứu sinh Nhật đã nhận được lời mời giám định từ nhà sử học Dương Trung Quốc và TS Vũ Thế Long ở viện Sử học. Hai cái mỏ neo do ông Địch sưu tập được vớt lên từ sông Hồng và đã được khách du lịch Trung Quốc trả giá lên đến 150.000 USD, nhưng ông muốn dành cơ hội cho bảo tàng Lịch sử hoặc viện Sử học. Tuy nhiên cả hai địa chỉ này đều hờ hững

Posted Image

Tiền cảnh là anh Địch, chủ nhân mỏ neo (trái) và đoàn viện Khảo cổ hàng hải Mỹ. Hậu cảnh: chiếc mỏ neo này có chiều dài hơn 7m, với cặp ngạnh mỗi cái dài 2,4m đang được đặt tại nhà anh Địch

Posted Image

Bức tranh tường thuật lại trận đánh Bạch Đằng chống xâm lược phương Bắc

Posted Image

Viện Khảo cổ hàng hải Mỹ đang đối chiếu chất liệu gỗ các cọc nhọn dưới lòng sông Bạch Đằng

tại viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam với gỗ của mỏ neo

Posted Image

Nghiên cứu sinh này đang thuyết trình với đoàn của viện Khảo cổ hàng hải Mỹ về

trường hợp cái mỏ neo có một ngạnh

Posted Image

Đầu ngạnh của mỏ neo bằng kim loại vẫn còn nguyên

Posted Image

Nghiên cứu sinh Jun người Nhật

đang giới thiệu cho viện Khảo cổ hàng hải Mỹ bản đồ xác định vị trí nơi tìm thấy mỏ neo

Trần Việt Đức thực hiện

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ngày 03.06.2008 Giờ 07:10

Phỏng đoán của chuyên gia Nhật:

Mỏ neo thuộc thời Minh

Randall Sasaki: “Cần phía Việt Nam cho phép…”

Sau khi nhận được những tấm ảnh về hai chiếc mỏ neo của tiến sĩ Long, tôi đã xem rất kỹ và trả lời ông rằng chưa chắc những chiếc mỏ neo này đã thuộc triều đại Nguyên Mông. tiến sĩ Long gửi email lại, nói rằng tại sao tôi không thử qua Việt Nam để mục sở thị xem thực hư thế nào. Ý tưởng về chuyến đi vừa rồi hình thành từ đó.

Posted Image

Việc xác định niên đại của mỏ neo cần sự hợp tác của nhiều chuyên gia.

Ảnh: Trần Việt Đức

Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về triều đại Nguyên Mông, và trận Bạch Đằng thực sự là một trận đánh lịch sử. Chính vì vậy, ngoài việc quan tâm đến hai chiếc mỏ neo, tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để đến Việt Nam tìm hiểu kỹ hơn về trận Bạch Đằng.

Chúng tôi phải mang những dăm gỗ cạy ra từ hai chiếc mỏ neo này để về nghiên cứu niên đại xem có trùng với niên đại của chiếc mỏ neo phát hiện ở Nhật không. Nhưng khác biệt lớn nhất về nguyên liệu là đầu chiếc mỏ neo phát hiện ở Takashima được bao bằng đá buộc vào, còn đầu hai chiếc mỏ neo ở đây được bọc sắt.

Ở Việt Nam cũng như vùng Đông Nam Á này, công việc trục vớt, khai quật xác tàu không được tiến hành nhiều, nên không có mấy hiện vật để so sánh xác định chính xác chúng thuộc thế kỷ nào. Nhóm chúng tôi đã đến thăm bảo tàng Bạch Đằng ở Quảng Ninh. Ở đó, chỉ có mỗi một mẩu gỗ dài chưa đến gang tay mà người ta bảo đó là mảnh xác thuyền chiến đắm trong trận Bạch Đằng. Chúng tôi cũng chưa chắc đó là mảnh xác thuyền chiến, bởi không hiểu mảnh đấy thuộc phần nào trong chiếc thuyền chiến.

Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng việc khai quật để tìm những mảnh vỡ còn lại của chiến thuyền bị đắm ở khu vực diễn ra trận Bạch Đằng là rất quan trọng. Từ đó, chúng ta mới có thể so sánh với những mảnh xác chiến thuyền tìm thấy ở Takashima. Nơi xảy ra trận Bạch Đằng là một vùng rất rộng, nên chúng tôi phải xác định nơi nào tiềm năng nhất để tiến hành khai quật. Việc này rất cần có sự hỗ trợ của giới khảo cổ và sử học Việt Nam.

Có lẽ sang năm chúng tôi sẽ trở lại. Mỏ neo chỉ là một phần của dự án nghiên cứu này, hay là cái cầu nối cho một nghiên cứu rộng hơn về trận Bạch Đằng, cũng như cuộc chiến chống Nguyên Mông của Việt Nam.

Nhưng, việc đầu tiên là phải tìm nguồn tài trợ cho dự án nghiên cứu này. Tôi nghĩ điều này không khó, bởi không hiểu sao ở phương Tây người ta rất thích thú với những gì liên quan tới triều đại Nguyên Mông. Hơn nữa, chúng tôi mới chỉ coi đây là một chuyến du lịch, hay “ngắm phong cảnh qua ô kính xe buýt”. Để có thể tiến hành dự án nghiên cứu, rất cần tiến hành những thủ tục cho phép từ phía Việt Nam.

Jun Kimura: “Đây là việc của giới khảo cổ, sử học Việt Nam”

Rất khó có thể xác định đây là những chiếc mỏ neo có liên quan tới thời Nguyên Mông xâm lược Việt Nam. Tôi nghĩ rằng có thể những chiếc mỏ neo này liên quan tới thời kỳ muộn hơn, chẳng hạn thời Minh.

Có rất nhiều điểm giống nhau, nhưng cũng có những khác biệt. So sánh với chiếc mỏ neo người Nhật trục vớt lên được ở khu vực đảo Takashima năm 1994, hai chiếc mỏ neo này thân mỏng hơn, và cũng được đẽo gọt tinh tế hơn. Chúng tôi cho rằng kỹ thuật chế tạo những chiếc mỏ neo này đã có bước tiến bộ hơn so với thời Nguyên Mông vượt biển sang Nhật.

Tôi đã tới bảo tàng Hàng hải Thái Lan, nơi người ta đã nghiên cứu nhiều về những chiến thuyền cổ. Chúng tôi thấy mỏ neo ở đó được xác định là chế tạo vào thế kỷ 17, khá giống với hai chiếc mỏ neo ở đây. Chính vì vậy, chúng tôi tạm giả thiết rằng nó được chế tạo vào thời Minh, khoảng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17.

Tôi thấy có thể hy vọng mọi chuyện có thể suôn sẻ, bởi thái độ hiếu khách của các vị chủ nhà. Chúng tôi không muốn việc khai quật, trục vớt, và nghiên cứu này do chúng tôi tự tiến hành. Đây là việc của giới khảo cổ, sử học Việt Nam. Chúng ta nên cùng phối hợp làm, chúng tôi có kinh nghiệm hơn về khảo cổ hàng hải, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho các đồng nghiệp Việt Nam về phương pháp tiến hành. Và chúng tôi cũng hy vọng được học hỏi từ họ những hiểu biết về lịch sử chống Nguyên Mông của Việt Nam.

Huỳnh Phan (thực hiện)

Theo dõi tiếp kỳ 3: Đề xuất của tiến sĩ Vũ Thế Long về những hướng nghiên cứu và cơ hội cho sự ra đời của ngành khảo cổ học hàng hải Việt Nam.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ngày 05.06.2008 Giờ 08:29

Hai chiếc mỏ neo cổ:

Khởi đầu cho ngành khảo cổ hàng hải

Nghe hai chuyên gia người Nhật phỏng đoán rằng hai chiếc mỏ neo này có thể thuộc đời Minh, thậm chí chỉ cách đây 3 – 4 thế kỷ, ông Địch hơi buồn. Mặt ông chỉ tươi lên khi tiến sĩ Vũ Thế Long nói: “Kiểu nào cũng có cái hay, cái giá trị của nó. Nếu không phải thuộc thời Nguyên Mông, nó cũng chứng minh được các cụ nhà ta đã có những lúc mở cửa giao thương từ lâu rồi”. Trao đổi với SGTT, TS Vũ Thế Long cho biết: Mỏ neo này thuộc thời đại nào, bằng nguyên liệu gì phải có thời gian mới trả lời được. Phương pháp xác định niên đại tuyệt đối bằng carbon phóng xạ C14 ít có giá trị, bởi khả năng định tuổi bằng C14 phải áp dụng cho những thứ xuất hiện sớm hơn. Theo tôi, chìa khoá của việc nghiên cứu, thẩm định là phải trả lời được những câu hỏi sau đây:

Posted Image

Ông Vũ Thế Long, tiến sĩ khảo cổ học

Thứ nhất, xem gỗ làm mỏ neo là gỗ gì? Nếu xác định đúng, ta cũng sẽ xác định được gỗ được lấy từ vùng nào.

Thứ hai, sợi bện lại để làm chão là vật liệu gì? Tôi phỏng đoán rằng đây là sợi của cây móc, thuộc họ cau, dừa, nhưng cao vài chục mét và chu vi rộng bằng một vòng tay người ôm, sợi cũng để làm nón. Loại cây này chỉ mọc ở miền Bắc Việt Nam, hay miền Nam Trung Quốc, nơi khí hậu nửa nhiệt đới, nửa ôn đới. Tôi đã thấy những cây móc này ở Hà Giang, hay Lào Cai. Đặc điểm của loại sợi này là đốt không cháy, và tôi đã đốt thử.

Thứ ba, cách xoắn dây thành chão và buộc dây, như buộc khung nhà, hay buộc chân chó, là đặc điểm dân tộc học, thể hiện rất rõ anh thuộc dân tộc nào. Jun Kimura có chỉ cho tôi xem trên laptop của anh ấy là mỏ neo tìm thấy ở Thái Lan cũng buộc dây như thế này.

Cho đến nay, chúng ta chưa có ngành khảo cổ hàng hải. Vì vậy, khi ngư dân họ phát hiện ra một vài cái tàu đắm, Nhà nước lại phải đứng ra thuê nước ngoài vào trục vớt, rồi nghiên cứu, thẩm định. Cái cách người ta thường làm là bán đi một nửa để trang trải kinh phí. Giới khảo cổ và sử học chúng tôi rất phản đối cách này.

Ý tưởng thành lập một trung tâm khảo cổ dưới nước đã có từ cách đây mười mấy năm. Lúc đó, tôi và viện phó Hà Văn Phùng đã được viện Khảo cổ học cử đi sang cơ sở khảo cổ dưới nước Chanthaburi (Thái Lan) để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Lúc về, làm báo cáo khoa học hẳn hoi, nhưng chẳng ai để ý. Mấy năm sau, anh Phạm Quốc Quân, nay là viện trưởng viện Bảo tàng lịch sử, cũng được cử sang đó. Nhưng tiếng nói cũng chẳng khá hơn được tí nào.

Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt để xới lại câu chuyện này. Chúng ta còn phải lập cả bảo tàng hàng hải nữa. Tôi nghĩ với sự hỗ trợ của các chuyên gia khảo cổ nước ngoài, chúng ta có thể tìm thấy nhiều mảnh xác chiến thuyền dưới lòng đất (Bãi Cọc), hay dưới lòng sông. Giáo sư Delgado đã thống nhất với chúng tôi rằng việc xác định niên đại của hai chiếc mỏ neo chỉ là một phần của dự án sắp tới. Phần lớn hơn sẽ là tiến hành khai quật, hay trục vớt các mảnh xác chiến thuyền Nguyên Mông ở khu vực diễn ra trận Bạch Đằng.

Hơn nữa, theo hiểu biết của tôi, đã có những lúc, như vào thời Nguyễn, chúng ta đóng những hạm thuyền lớn. Tôi sang Thái Lan vào bảo tàng Khảo cổ hàng hải thấy họ bày ở sân một khẩu đại bác thời Nguyễn.

Đại học Flinders sẵn sàng nhận sinh viên Việt Nam sang học ngành khảo cổ học hàng hải.

Nước ngoài họ đã quan tâm và đánh giá cao lịch sử của mình như vậy, mà mình lại không để ý thì thật là đáng trách

Tôi cũng biết, người Việt từ miền Trung trở vào đã có truyền thống đi biển bằng ghe buồm, ghe bầu mạnh lắm. Tôi đã cùng cụ Vượng (cố giáo sư Trần Quốc Vượng), trong một chuyến lang thang ở Nha Trang, đến một hợp tác xã đóng tàu. Ở đó, tôi nhìn thấy một ông có quyển sách gọi là “Book Blue”, ghi lại rất nhiều loại tàu thuyền của miền Nam Việt Nam.

Giáo sư James Delgado, chủ tịch INA, đồng thời là người tài trợ cho chuyến đi vừa rồi, đã từng làm giám đốc bảo tàng Hàng hải Vancouver (Canada) trong suốt 15 năm. Trong số những cuốn sách về khảo cổ của ông, cuốn Khubilai Khan’s Navy (Hải quân của Đại hãn Hốt Tất Liệt) đã dành khá nhiều trang cho Trần Hưng Đạo và trận Bạch Đằng. Khi đến đền thờ Phạm Ngũ Lão, tôi vừa định mở miệng giới thiệu, thì ông đã “mở máy” nói vanh vách về viên danh tướng này với các thành viên trong nhóm mình.

Ngay cả George Belcher, thành viên ban lãnh đạo của INA có mặt trong nhóm nghiên cứu vừa rồi, cũng có một bài viết khá dài đăng trên tạp chí Maritime Life and Traditions về thuyền buồm bằng tre của Việt Nam, trong chuyến du khảo trước đó cùng người vợ Việt của mình.

Trước khi về nước, phó giáo sư Mark Staniforth, thầy của Jun Kimura, có hứa với tôi rằng trường đại học Flinders sẵn sàng nhận sinh viên Việt Nam sang học ngành khảo cổ học hàng hải. Nước ngoài họ đã quan tâm và đánh giá cao lịch sử của mình như vậy, mà mình lại không để ý thì thật là đáng trách.

Huỳnh Phan (ghi)

Share this post


Link to post
Share on other sites