wildlavender

Chuyện những ngôi đền thiêng từ thời... An Dương Vương!

1 bài viết trong chủ đề này

Chuyện những ngôi đền thiêng từ thời... An Dương Vương!

Thứ sáu, 30/5/2008, 07:00 GMT+7

Những ngôi đền – đó chính là chứng tích cụ thể mà sống động, hiện thực mà vẫn huyền hồ của các truyền thuyết. Dòng truyền thuyết An Dương Vương khi vang động qua các vùng miền, khi chảy trôi qua các địa vực đã lưu lại biết bao lớp phù sa văn hóa. Lớp phù sa đọng lại nổi nét nhất, hiện hữu nhất chính là sự hiện tồn của những ngôi đền thiêng. Đền Thục An Dương Vương ở trong Thành Nội (xóm Chùa ngày nay), Cổ Loa, Hà Nội; đền Cuông ở lưng chừng núi Mộ Dạ, Diễn Châu, Nghệ An; đền Đức Vua ở xã Thượng Xá (nay thuộc xã Nghi Xá), huyện Nghi Lộc, Nghệ An là những địa chỉ neo giữ linh hồn truyền thuyết. Có thể nói, những ngôi đền kia là gốc cội linh thiêng để truyền thuyết “trú chân” và tiếp tục ăn sâu vào tâm hồn dân gian xứ sở ấy, vùng quê ấy.

Truyền thuyết có một quá trình lưu chuyển rộng rãi trong nhân dân, xuyên qua không gian và thời gian. Nhờ quá trình lưu chuyển này mà một truyền thuyết có cội rễ sâu chặt trong dân gian luôn tiềm tàng khả năng biến thành một hệ truyền thuyết với những câu chuyện phái sinh từ truyền thuyết gốc. Nhưng, trong sự tồn tại của truyền thuyết cũng luôn luôn xảy ra một quá trình ngược lại quá trình phát triển và nảy nở những chi lưu mới, những cành nhánh mới, đó là quá trình cố định hóa và văn bản hóa. Hai quá trình này song song tồn tại trong sự mâu thuẫn, đối lập nhau, tưởng chừng như quá trình này là vật cản của quá trình kia , nhưng thực tế lại không phải như vậy.

Chúng ta có thể hình dung một cách đơn giản nhất về sự tồn tại của những ngôi đền, đó là sự cố định hóa, hiện thực hóa, cụ thể hóa các truyền thuyết dân gian. Bằng sức mạnh của niềm tin, nhân dân không chỉ thêu dệt nên biết bao nhiêu câu chuyện xung quanh một sự kiện lịch sử, một nhân vật lịch sử để làm nên truyền thuyết, họ còn có ước vọng lớn hơn khi biến những truyền thuyết ấy thành cái hiện hữu vĩnh hằng. Những ngôi đền ra đời để đáp ứng nhu cầu ấy của nhân dân.

Vốn là những con người sống giữa ám ảnh về các vị thần từ thuở hồng hoang, nhân dân ta có một nhu cầu gọi là nhu cầu “thần thánh hóa” các nhân vật lịch sử. Với lòng kính mộ, với tất cả nỗi say mê thần thánh, nhân dân đã đắp bồi thêm cho những nhân vật lịch sử một lớp áo huyền ảo - đủ để gây ra cơn chấn động nhận thức, đủ để người ta nghi hoặc về sự tồn tại của một ông thánh, ông thần, đủ để người ta giữ một góc bí mật nhất, thiêng liêng nhất trong tâm hồn để nghiêng mình cẩn trọng trước các nhân vật ấy.

Posted Image

Bàn dẫn tích đền Cuông trên núi

Mặc nhiên, có thánh rồi thì phải có nơi để thánh “ngự”, phải có chỗ để nhân dân đến tỏ bày sự ngưỡng vọng của họ đối với các vị thánh. Ngôi đền chính là ngôi nhà thiêng của các vị thánh. Đó là nơi nhân dân trình diện tín ngưỡng của họ, là nơi truyền thuyết được cố định lại bằng các thần tích, thần phả, ngọc phả. Đó cũng là nơi phát xạ ra những luồng truyền thuyết mới xung quanh hệ truyền thuyết gốc. Do vậy, cứ ngỡ rằng quá trình cố định hóa, văn bản hóa truyền thuyết bằng sự hiện hữu của các ngôi đền sẽ chặt đứt đôi cánh bay bổng của truyền thuyết nhưng hóa ra không phải. Trái lại, chính nhờ sự cố định hóa, hiện thực hóa ấy, truyền thuyết càng găm chặt hơn trong tâm thức dân gian, càng ngấm sâu hơn vào tâm hồn dân gian, càng có khả năng phát tỏa ra những hào quang mới, tuôn chảy ra những chi lưu mới từ truyền thuyết gốc.

Vậy, có thể nói, mỗi ngôi đền là một nơi tụ khí thiêng của truyền thuyết, là mạch nguồn năng lượng nuôi dưỡng truyền thuyết, để truyền thuyết giữ được hồn cốt của nó bất chấp thời gian. Nhìn truyền thuyết An Dương Vương từ phía những ngôi đền, chúng ta sẽ càng thấm thía điều đó.

Nhắc đến đền thờ An Dương Vương, hẳn là không ai không biết đến cả một quần thể còn được bảo tồn tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Ở địa phận xóm Chùa ngày nay còn lưu lại một quần thể gồm đền thờ Thục An Dương Vương (còn gọi là Đền Thượng) và Am Bà Chúa thờ công chúa Mị Châu. Đền Thục An Dương Vương nằm trên một gò đất cao dưới chân lũy thành Cổ Loa xưa, về phía góc Tây - Nam. Kiến trúc của đền gồm có hạ điện và thượng điện, được cấu trúc theo hình chữ khẩu.

Cách đền Thượng mấy trăm mét là Am Bà Chúa, nơi thờ công chúa Mị Châu. Am Bà Chúa náu mình dưới một cây đa cổ thụ từ thời Ngô Quyền. Am cũng gồm thượng điện và hạ điện. Hạ điện là một ngôi nhà nhỏ ba gian, cửa luôn đóng kín. Thượng điện cách hạ điện bởi một cái sân nhỏ, gian giữa đặt bàn thờ công chúa Mị Châu. Hai bên thờ mười hai nàng hầu của công chúa. Phía sau bàn thờ Mị Châu là một khối đá hình người có hai vai, cao hơn một mét, tương truyền đó là hình vóc còn lại của Mị Châu sau khi bị chém đứt đầu hóa đá.

Về nguồn gốc của Am Bà Chúa, nhân dân Cổ Loa còn truyền tụng một câu chuyện bi thương về công chúa Mị Châu. Chuyện xưa kể, khi bị vua cha vung gươm lên chém đầu, Mị Châu đã thống thiết mà rằng: "Nếu vì lòng phản bội mà con hại cha thì sau khi chết con xin làm cát bụi, nhưng nếu vì mù quáng mà dẫn đến cảnh ngộ này thì sau khi chết, con xin hóa đá...". Sau khi nhận nhát kiếm nghiệt ngã của vua cha, thi thể Mị Châu bị sóng cuốn đi. Như lời cầu nguyện, thi thể ấy biến thành một tảng đá, chìm xuống đáy biển. Theo năm tháng, tảng đá ấy được những con nước ba động đẩy dần đến cửa Đại An, chính là cửa sông Hồng ngày nay. Từ đó, nó ngược theo sông Hồng, qua sông Thiếp - một nhánh sông Hồng rồi dạt vào Đầm Cả ở phía Đông thành Cổ Loa.

Sau một đêm mưa gió dữ dội, dân làng Cổ Loa thấy trên cồn Đầm Cả xuất hiện một tảng đá. Mọi người thử ra khiêng, nhưng không sao khiêng nổi, dù nó không quá to. Lũ trẻ chăn trâu nếu nghịch ngợm trèo lên tảng đá chơi đều bị ốm, cha mẹ chúng phải đem hương hoa ra khấn thì chúng mới khỏi bệnh. Dân làng thấy thế, gọi tảng đá ấy là tảng đá thần. Rồi một đêm, các già làng đều nằm mơ thấy một cô gái có xiêm y màu trắng đến gặp và nói: "Tại sao các ngươi cứ để ta nằm ở chốn bùn lầy mãi?" Các già làng đoán được oan hồn Mị Châu trở về, bèn họp làng bàn chuyện rước tảng đá về thành Cổ Loa. Thật lạ lùng, trước đây khi khiêng thử, bao nhiêu người cũng không khiêng nổi. Ấy vậy mà khi có lễ rước long trọng, đủ cờ quạt, trống chiêng thì tảng đá thần bỗng nhiên nhẹ bẫng. Đặt tảng đá trong một cái cáng hai người khiêng mà vẫn thấy nhẹ tênh. Nhưng khi cáng đến gần đình Cổ Loa thì tảng đá trì xuống, hai trai làng không đi nổi. Dân làng đoán công chúa muốn nghỉ lại nơi đây, bèn cho đặt cáng xuống. Nơi ấy, dân làng lập Am Bà Chúa thờ Mị Châu.

Về sự linh thiêng của Am Bà Chúa, người ta còn lưu truyền câu chuyện Mị Châu giúp Hai Bà Trưng thắng lớn. Tương truyền, khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh, họ đã chọn Cổ Loa làm căn cứ, kéo quân về. Một đêm nghỉ tại Am Bà Chúa, hai bà nằm mộng thấy một người con gái xinh đẹp, xiêm áo trắng đến khóc: "Em vì thật bụng tin người nên đã gây họa lớn. Nay hai bà chí lớn, khởi quân giết giặc, em xin nguyện âm phù giúp hai bà chiến thắng". Tỉnh dậy, Hai Bà Trưng cho quân mổ lợn, giết trâu cúng công chúa Mị Châu. Sau khi nghe tin ấy, các hào kiệt trong vùng đều nhất tề theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Quả nhiên, trận ấy, Hai Bà Trưng xuất quân và thắng lớn.

Posted Image

Lễ hội đền Cuông (đền thờ An Dương Vương)

Đền Cuông (hay còn gọi là đền Công) nằm ở lưng chừng núi Mộ Dạ (Diễn Châu, Nghệ An) cũng là một ngôi đền linh thiêng nổi tiếng khắp dân gian xứ Nghệ. Sở dĩ đền có tên như vậy là vì xưa kia, núi Mộ Dạ là nơi sinh sống của rất nhiều chim công. Người dân nơi đây thường gọi chim công theo tiếng địa phương là chim cuông. Do đó, ngôi đền nguy nga nằm trên ngọn núi này cũng được gọi luôn là đền Cuông (đền Công). Đền được lập nên để thờ An Dương Vương. Về nguồn gốc ngôi đền, người dân xứ Nghệ còn kể cho nhau nghe câu chuyện này...

Tương truyền, từ rất xưa, một buổi sáng, dân chài ra biển thấy một chiếc kiệu lớn từ biển Đông trôi vào cửa Hiền (một cửa biển đã bị bồi lấp, nay thuộc địa phận xã Diễn Trung). Khi sóng đẩy kiệu lên bờ, dân các làng ven cửa biển ấy đều thi nhau ra khiêng nhưng không sao khiêng nổi. Nhưng đến khi dân làng Cao Ái ra khiêng kiệu thì lại khiêng được. Kiệu được rước về đình làng Cao Ái. Dân làng Cao Ái rất hãnh diện vì cho rằng, hồn thiêng của vua Thục nhập vào trong kiệu đã chọn dân làng mình rước kiệu về. Có kiệu vua rồi, nhân dân mới lập đền thờ.

Chỉ riêng việc dựng đền Cuông, trùng tu tôn tạo đền cũng đã đủ cho dân gian thêu dệt nên biết bao nhiêu câu chuyện nữa. Nói như thế để thấy rằng, mỗi cột nanh, mỗi chiếc cổng tam quan, mỗi ban thờ của một ngôi đền khi được dựng nên đều chất chứa biết bao nhiêu sự tích kỳ bí. Sự ra đời của một ngôi đền có thể lưu lại vết tích rõ nét của một truyền thuyết trên một xứ sở, hơn thế, đó còn là sự khơi gọi cả một bầu không gian truyền thuyết, cứ tiếp nối đời đời với những câu chuyện mới có liên quan với truyền thuyết gốc.

Nguyễn Thanh Lưu (Viện Văn học)

nguồn vietimes

Share this post


Link to post
Share on other sites