Rin86

việt nam và những người bạn

9 bài viết trong chủ đề này

Richard Christopher Albright: Sống linh hoạt như người Việt Nam

“Người Mỹ thường lên một thời gian biểu rất cụ thể cho mọi hoạt động trong cuộc sống và công việc của họ, ngay cả giờ ăn cũng được ấn định một cách chính xác. Khi đến Việt Nam, tôi cảm nhận một cuộc sống năng động và rất linh hoạt chứ không tuân theo thời khóa biểu một cách máy móc. Giờ đây, tôi chỉ giữ thói quen lên thời khóa biểu trong công việc, còn với các sinh hoạt hàng ngày thì tôi đã học được cách sống linh hoạt của người dân nơi đây”.

Đó là những cảm nhận của Richard Christopher Albright - Giám đốc điều hành Công ty Kiến thức Axcela - sau sáu năm sống tại Việt Nam.

Cuộc phiêu lưu ở Việt Nam

Lần đầu tiên Richard đến Việt Nam vào năm 2001 trong một chuyến du lịch các nước Đông Nam Á. Khi ấy, những người bạn của ông bị cuốn hút bởi cảnh đẹp thiên nhiên và những khu resort sang trọng tại Phuket (Thái Lan) nên quyết định sẽ ở đó lâu hơn, chỉ có Richard dành thời gian đó đến Việt Nam mong khám phá thêm những điều thú vị khác. Điểm đến này đã không làm ông thất vọng. Hình ảnh những công dân trẻ năng động và những con đường xe máy tấp nập khiến ông cảm nhận hơi thở cuộc sống nơi đây thật mạnh mẽ.

Sau những chuyến đi, về liên tục giữa hai nước cách nhau nửa vòng Trái đất, tháng 5-2003, Richard chính thức đến sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam. Người đàn ông đến từ Los Angeles này cho biết: “Cuộc sống và công việc của tôi tại Mỹ như được lập trình sẵn. Tôi dễ dàng đoán trước được những gì sắp diễn ra, nhưng như thế thật tẻ nhạt. Vì vậy, tôi quyết định đến Việt Nam như một chuyến phiêu lưu để khám phá những điều mới lạ”.

Khác hẳn với công việc tư vấn đầu tư ông từng làm tại Mỹ, Thụy Sĩ, Áo và một số nước Bắc Mỹ, khi sang Việt Nam, ông chuyển sang công tác trong lĩnh vực ưa thích của mình là giáo dục và đào tạo. Vị thạc sĩ ngành Tài chính của Đại học Pennsylvania này đã có hơn năm năm gắn bó với Apollo và Navigos Group trong lĩnh vực giảng dạy, phát triển Anh ngữ và các kỹ năng quản trị kinh doanh.

Cuộc phiêu lưu của Richard chuyển sang một giai đoạn mới khi ông cùng một số bạn bè là người Việt thành lập Công ty Kiến thức Axcela chuyên đào tạo Anh ngữ và kỹ năng mềm cho nhân viên và các nhà quản trị doanh nghiệp. Theo Richard, sự ra đời của Axcela giúp ông thực hiện được ba nguyện vọng lớn nhất trong đời: cung cấp những sản phẩm hữu ích cho xã hội, làm giàu cho bản thân và được làm việc cùng những người mà mình yêu thích. Từ cách tổ chức lớp học đến phương pháp giảng dạy, ông cùng các cộng sự luôn cố gắng tìm tòi những yếu tố mới, giúp học viên dễ dàng tiếp cận với các khóa học bổ ích.

Richard cho rằng: “Ngày nay, nhiều người Việt Nam mong muốn mở rộng không gian sinh sống, học tập và làm việc của họ để hội nhập vào nền kinh tế tri thức toàn cầu. Vì thế, ngoại ngữ là một công cụ rất cần thiết đối với họ. Khi ứng dụng các phần mềm giảng dạy hiện đại, người ta thường mắc phải sai lầm khi hy vọng rằng những tiến bộ về kỹ thuật sẽ “đẩy” học viên ra xa hơn, để vai trò của người giáo viên nhẹ nhàng hơn. Tại Axcela, chúng tôi luôn thiết kế các chương trình sao cho học viên vừa phát huy được khả năng tự học trên máy vi tính, vừa duy trì được sự hỗ trợ kịp thời của giảng viên”.

Từ một chuyên gia tư vấn tài chính chuyển sang làm giảng viên và hiện là giám đốc điều hành của một công ty, đối với Richard, công việc không chỉ đơn thuần là phương tiện kiếm sống. Trong khi nhiều người chấp nhận một công việc không yêu thích, miễn sao có thể nuôi sống mình thì Richard luôn cố gắng tìm một việc làm thật sự phù hợp, bởi ông quan niệm rằng công việc mà bạn làm định vị rõ bạn là ai.

Tôi đã trở thành người Việt

Gần sáu năm ở Việt Nam, Richard có nhiều kỷ niệm khó quên với đất nước này. Mỗi chuyến đi đến những miền khác nhau trên dải đất hình chữ S xinh đẹp đều để lại những dấu ấn sâu đậm trong ông. Richard kể: “Trong một lần đi du lịch các tỉnh miền Tây bằng thuyền, chẳng may gặp bão, thuyền bị sóng dồi suýt lật, phải cặp vào bờ chờ bão qua đi mới tiếp tục cuộc hành trình. Lúc đó, thành viên trong đoàn ai cũng lo lắng, nhưng đó quả là những trải nghiệm thú vị khiến chúng tôi nhớ mãi”.

Richard thường về Mỹ mỗi năm hai lần để thăm mẹ và anh chị của ông. “Sau mỗi chuyến đi đó, trở về Việt Nam, tôi lại hân hoan như được về nhà”. Sở dĩ ông có cảm giác thân thuộc ấy là vì nơi đây có những người bạn luôn mang lại cho ông những niềm vui giản dị và ấm áp. Họ dẫn ông đến những nơi rất bình dân bán nhiều món ăn dân dã mà nếu đi một mình Richard sẽ chẳng bao giờ biết đến. Chính nhờ sự dẫn đường của những người bạn ấy mà giờ đây ông đã thưởng thức được hầu hết ẩm thực ba miền, từ bún chả Hà Nội, mì Quảng của miền Trung, bánh xèo miền Tây…

Giống như nhiều người Việt Nam muốn mở rộng không gian sống của họ bằng cách học tiếng Anh, Richard cũng mở rộng không gian của ông bằng nỗ lực học tiếng Việt. Ông tranh thủ mọi lúc mọi nơi để gửi tin nhắn cho bạn bè bằng tiếng Việt như một cách thực hành thú vị, vừa giúp ông nắm bắt được thứ ngôn ngữ hết sức phong phú, vừa gắn kết tình bạn giữa ông và những người bạn Việt.

Theo KIM CÚC

Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Share this post


Link to post
Share on other sites

Brett Ashton: Việt Nam là nguồn cảm hứng bất tận của tôi

Trong giới kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, Brett Ashton là cái tên đã trở nên khá quen thuộc từ hơn một thập niên qua. Đó là một doanh nhân nước ngoài năng động, cởi mở và tình cảm của anh dành cho đất nước và con người Việt Nam thật nồng nàn.

Đến Việt Nam để khám phá và nắm bắt cơ hội

Ngày 3-2-1994, một chương mới trong quan hệ Việt - Mỹ đã được mở ra sau khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam đã kéo dài nhiều thập niên. Sau thời khắc lịch sử ấy, chàng thanh niên người Mỹ 24 tuổi Brett Ashton chợt nảy ra ý định đến Việt Nam để khám phá vùng đất mà anh cho là có sức hút đặc biệt nhất tại khu vực Đông Nam Á, một đất nước đang xây dựng và phát triển sau cuộc chiến tranh với nước Mỹ của anh.

“Việt Nam là một đất nước kỳ diệu và đất nước này hoàn toàn không phải là di sản của chiến tranh” - Brett đã khẳng định như vậy sau những ngày đầu có mặt tại xứ sở nhiệt đới lạ mà quen này.

Lần đầu tiên Brett đặt chân đến TP.HCM vào ngày 25-9-1995 với năm vali hành lý cùng với những ý tưởng khám phá đã được chuẩn bị trước. Anh nhớ lại: “Không hiểu sao ý tưởng về kinh doanh bất động sản, một trong những lĩnh vực mà tôi dự đoán sẽ phát triển nhanh tại đây đã hình thành ngay từ thời điểm ban đầu này”.

Sự năng động của một thành phố đang phát triển ngay lập tức gây ấn tượng mạnh mẽ đối với anh: “Việt Nam quả là một nguồn cảm hứng bất tận trong tôi. Hầu hết những người tôi đã từng tiếp xúc, kể cả hàng trăm nhân viên của tôi hiện nay đều có những tính cách tiêu biểu như làm việc chăm chỉ, tinh thần học hỏi cao, tự hoàn thiện bản thân ngày một tốt hơn và cực kỳ hiếu khách”.

Vào năm 1996, trong một lần dự lễ đính hôn của một người bạn Mỹ với một phụ nữ Việt Nam, Brett tình cờ được làm quen với một cô gái tên Tú, là học trò của một huấn luyện viên taekwondo ở TP.HCM. Hai năm sau, anh và Tú nên duyên vợ chồng và hiện họ đã có với nhau hai đứa con. “Sang Việt Nam lập nghiệp và có được một gia đình hạnh phúc như ngày hôm nay quả là những cột mốc đáng ghi nhớ trong cuộc đời tôi” - Brett tâm sự.

Việt Nam, “ngôi nhà thứ nhất” của tôi

Brett không hề đắn đo khi nói rằng: “Việt Nam là quê hương tôi, là ngôi nhà thứ nhất chứ không phải thứ hai sau nước Mỹ, vì đất nước này đã cho tôi quá nhiều: một sự nghiệp vững vàng và một gia đình hạnh phúc. Tôi không mong điều gì hơn thế”. Một trong những đam mê của anh trong suốt 14 năm qua tại Việt Nam là rong ruổi qua hơn 20 địa phương từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Huế, Đà Nẵng đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đến tận mũi Cà Mau trên chiếc xe máy Minsk, để được mắt thấy tai nghe những phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời cũng như đời sống dân dã mà thoáng đãng, yên bình của người dân cả ba miền.

Anh có ấn tượng nhất là phiên chợ tình ở Hà Giang, nơi những cặp trai gái tuổi mới ngoài đôi mươi trao nhau các kỷ vật tượng trưng cho tình yêu buổi ban đầu giữa khung cảnh núi non hùng vĩ. Vào năm 2003, Brett đã mời cha và bốn anh em ruột sang Việt Nam du lịch trong ba tuần và họ đã cùng nhau thực hiện một chuyến dã ngoại xuyên Việt bằng xe Minsk. Gia đình anh đã thật sự có được những trải nghiệm tuyệt vời về đất nước và con người Việt Nam qua chuyến đi này.

Brett tâm sự: “Với ý thức của một doanh nhân nước ngoài đã sống và làm việc tại Việt Nam hơn 14 năm qua, ngoài công việc điều hành một trong những công ty chuyên cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu, trái tim tôi luôn hướng tới cộng đồng địa phương là nơi mà tôi ý thức sâu sắc rằng bản thân và gia đình mình cũng là một tế bào của xã hội Việt Nam. Vì vậy, chung tay hỗ trợ thật hiệu quả cho những mảnh đời bất hạnh là một trong những điều mà tôi luôn tâm niệm”.

Vào tháng 3 vừa qua, Công ty Savills Việt Nam thông qua tổ chức Saigon Children’s Charity đã trao tặng 55 chiếc xe đạp cho các em học sinh nghèo của quận Thủ Đức. Đây cũng chính là tổ chức mà Brett đã và đang là một trong những thành viên hoạt động tích cực nhất trong hơn 10 năm qua.

Anh cho biết: “Một trong những hoạt động cộng đồng thường niên khác của chúng tôi là quyên góp hàng chục triệu đồng cho tổ chức Operation Smiles của Mỹ thực hiện các ca mổ sứt môi và hở hàm ếch miễn phí cho trẻ em ở hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam. Savills Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động đi bộ vì từ thiện được tổ chức tại TP.HCM hằng năm. Tôi luôn mong muốn đóng góp thật nhiều cho đất nước này, như một chút gì đó trả ơn cho những gì mà Việt Nam đã mang lại cho tôi trong hơn 14 năm qua…”.

Cùng trò chuyện và thưởng thức hương vị cà phê thơm ngát với Brett tại tầng 18 của tòa nhà Fideco ở TP.HCM trong một buổi chiều trung tuần tháng 6, cũng là nơi tọa lạc văn phòng chính của Công ty Savills Việt Nam, chúng tôi ghi nhận một nhận định cùng tâm tư của anh: “Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế này. Riêng Savills Việt Nam đang tuyển dụng thêm 400 nhân viên cho các dự án trọng điểm trong năm 2009 và 2010. Chúng tôi đã nắm bắt được những cơ hội to lớn từ thị trường bất động sản ngay từ trong khủng hoảng. Dù không thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra sau mười năm nữa, nhưng đất nước này vẫn là quê hương thân thương nhất của tôi, của gia đình tôi hôm nay và mãi mãi”.

Theo VĨNH BẢO

Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Share this post


Link to post
Share on other sites

Những ông “Tây” mê võ “ta”

Gần 4 năm trước, môn phái võ cổ truyền Võ Kinh Vạn An Phái tổ chức buổi biểu diễn để đánh dấu chính thức đi vào con đường hoạt động chuyên nghiệp. Rất đông người yêu võ thuật cổ truyền đến và cổ vũ. Trong số đó có một chàng trai đến từ xứ sở của hoa tu-lip là Arie Pieter Van Duijn. Những bài quyền, cước mang đậm chất thuần Việt được các võ sinh trong môn phái vận dụng uyển chuyển khiến Arie mê mẩn. Dù đang rất bận rộn với công việc chuyên viên kinh tế ngắn hạn tại Sở Thủy sản Thừa Thiên - Huế nhưng ngay cuối buổi biểu diễn hôm đó, Arie quyết định xin thầy theo học. Thấy Arie “to xác” đứng tồng ngồng giữa hàng chục môn sinh nhỏ bé người Việt Nam, nhiều ông “Tây” khác đến từ Mỹ, Úc, thậm chí Nam Phi đã “đánh liều” xin được luyện tập. Càng tập, thấy võ Việt có chiều sâu, nhiều người đã rủ thêm bạn bè, người quen cùng đến võ đường. Con số môn sinh “ngoại” có khi lên đến gần hai chục thành viên.

“Mê”võ hơn… bạn gái !

Posted Image

Arie được thầy chỉ dạy lôi phong phiến (quạt), một món binh khí chỉ có trong Võ Kinh (võ chỉ để truyền dạy trong kinh thành)

Mới hơn 5g sáng, con đường Hải Triều dẫn đến võ đường Võ Kinh lác đác vài người đi tập thể dục. Philips loạng choạng dựng chiếc xe “beo”, hớt hải chạy vào để kịp giờ học võ. Bên trong, mấy chàng “Tây” khác đã sẵn sàng trong bộ võ phục truyền thống của Võ Kinh.

Tiếng binh khí va nhau, tiếng thầy và trò thực hiện từng động tác làm khu phố nhỏ trở nên rộn rã. Thầy làm mẫu trước, trò làm theo sau. Hai cái bóng như quyện chặt vào nhau. Vừa liến thoắng những đường đao, Philips vui mừng khoe: “Học xong món đoản đao này là tôi đã biết dùng gần mười binh khí rồi đó. Tôi sẽ gắng học cho hết mười tám loại binh khí có trong Võ Kinh trước khi về nước”.

Gác cây đao vào vách tường, lau mấy giọt mồ hôi vã trên trán, anh tâm sự: “Võ Kinh với tôi có nhiều duyên nợ lắm! Không biết thì thôi, chứ biết rồi là không dứt nổi”. Qua Việt Nam với công việc cố vấn cho một nhà máy ở Khu công nghiệp Phú Bài (Huế) cùng với mong muốn tìm hiểu một chút về văn hóa Việt, số phận run rủi thế nào, anh chàng này lại phải lòng ngay một cô gái Huế.

Tưởng rằng đã an bài, nào ngờ, trong một lần dẫn người yêu đi xem biểu diễn Võ Kinh, anh chàng này lại đem lòng… “mê” luôn môn võ. Và từ đó thời gian được Philips chia làm ba: cho công việc, cho người yêu và phần còn lại cho… Võ Kinh. Càng học võ, anh chàng lại càng “mê”.

“Môn võ này bắt nguồn từ trong kinh thành nhà Nguyễn xưa, chắc chắn sẽ mang nhiều dấu ấn của triều đình. Sao mình không học để nhân thể khám phá nó luôn?”, Philips nghĩ vậy. Dần dần, những “bí mật” về văn hóa trong Võ Kinh đã kéo anh chàng kỹ sư này.

Ngoài thời gian làm việc, Philips tìm ngay đến lò võ tập luyện. Thời gian dành cho người yêu ít dần. Thậm chí có hôm, đang tập võ mà người yêu gọi, anh chàng còn viện cớ “đang ở trường… nghiên cứu” khiến cả võ đường được một trận cười nghiêng ngả. Mấy hôm sau, anh chàng đến lò võ với vẻ mặt ỉu xìu, hỏi ra mới biết là anh mới… “bị” người yêu chia tay. “Những ngày đó cũng buồn, nhưng khi đến võ đường luyện tập nên mọi chuyện cũng nhanh qua”, Philips nhớ lại.

Không đến nỗi vì mê Võ Kinh mà bị người yêu chia tay như Philips nhưng với Lucas William Thornblade, 23 tuổi, nghiên cứu sinh Fullbright chuyên ngành y tế cộng đồng và y khoa gia đình tại ĐH Y khoa Huế, niềm đam mê không hề nhỏ chút nào.

Chàng sinh viên đến từ Mỹ này chỉ còn hơn một tháng nghiên cứu nữa là phải trở về nước để hoàn tất chương trình đại học, có nghĩa là sẽ phải chia tay Võ Kinh sau gần một năm gắn bó. Không thể “tuyệt tình” nhanh như vậy, Lucas đã gửi thư về “năn nỉ” trường mình cho được kéo dài thời gian nghiên cứu đến hết mùa hè này chỉ vì “Võ Kinh hay và sâu sắc quá. Tôi muốn khám phá thêm nhiều nét độc đáo của nó nữa”.

Học võ, hiểu văn hóa Việt

Posted Image

Hai ông “Tây” Lucas và Arie tập luyện “mê mệt” món côn và nhị khúc của Võ Kinh

Gặp tôi vào một buổi sáng mùa xuân tại lò Võ Kinh Vạn An Phái (7/106 Hải Triều. TP Huế), Arie của 4 năm về trước hớn hở khoe bằng giọng lơ lớ: “Mình đã học được môn lôi phong phiến (binh khí quạt) rồi, để mình đánh thử xem nhé…”. Rồi thân hình cao lớn của Arie lướt đi trên sàn, hai tay thoăn thoắt lia chiếc quạt vải tấn công rồi thu vào một cách điêu luyện, kèm theo một loạt những tiếng lách cách phát ra từ chiếc quạt.

Lau những giọt mồ hôi, Arie nói như người “trong nghề”: “Quạt bình thường chỉ để làm mát nhưng khi cần có thể sử dụng như một binh khí vô cùng hiệu quả”. Cứ giờ giải lao là Arie “lao”ngay đến ngồi bên cạnh thầy, khi thầy bận việc thì anh chàng này quấn quýt bên các môn sinh người Việt. Chốc chốc lại thấy Arie gật gật rồi reo lên sung sướng… “Không chỉ là những câu chuyện phiếm, mà đó là cả một kho tàng văn hóa cho mình khám phá đấy chứ”, anh chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu tiên khi Arie mới “nhập môn”, cũng chính là những ngày Arie được học điều cơ bản nhất trong võ học của Võ Kinh, đó là đạo võ. Những đòn thế trong Võ Kinh chỉ có thể gọi duy nhất một tên là “miếng đánh”, chứ không thể gọi là chiêu thức như trong võ cổ truyền Trung Hoa. Vì Võ Kinh cũng như võ Bình Định, không bao giờ dùng các đòn thế liên hoàn để tấn công, gây nguy hiểm đến tính mạng đối thủ, mà chỉ tranh thủ những sơ hở để đánh từng “miếng”, cốt để đối phương không hại tới mình.

“Võ cổ truyền Việt Nam cũng như truyền thống văn hóa của con người Việt Nam, chỉ đánh trả và tự vệ khi bị ép đến đường cùng chứ không bao giờ dùng để tấn công người khác. Điều này tôi chưa thấy ở môn võ nào khác. Nên tôi mới mê Võ Kinh đến tận bây giờ”, Arie tâm sự.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ông Tây "mắm tôm" viết sách về Việt Nam

TT - Một buổi chiều ở quận Gò Vấp, TP.HCM, tiến sĩ Andreas Reinecke mở máy tính xách tay. Những bức ảnh hiện ra diễn tả cảnh khai quật một di chỉ khảo cổ ở Long An. Trước khi đề cập đến những thông điệp ngàn năm từ lòng đất, ông nói: "Cuộc sống VN rất nhiều bí ẩn, nhất là vợ".

Sau tiếng cười vỡ òa là một cái nhìn về VN - cái nhìn của một người Đức lấy vợ Việt, nói được tiếng Việt, từng đi khắp đất nước hình chữ S, viết rất nhiều sách về VN.

Ấn tượng với văn hóa Sa Huỳnh

Andreas đến VN lần đầu tiên năm 1993. Và trải nghiệm thú vị về đất nước này là cuộc sống với dân làng KTu, miền núi Quảng Nam. "Tôi nói tiếng Việt giống người KTu không?" - ông nở nụ cười. Sau đó, những năm tháng ăn dầm nằm dề ở miền Trung đã đưa ông đến với nền văn hóa Sa Huỳnh. "Tôi có ấn tượng mạnh với văn hóa Sa Huỳnh" - ông nói. Ấn tượng này nằm trong cuốn sách Những phát hiện mới về văn hóa Sa Huỳnh do ông viết sau đó.

Thật ra, Andreas "gặp" VN từ năm 1978. Khi ấy Andreas mới chỉ là chàng sinh viên năm 2 ngành sử của đại học tổng hợp Humboldt - công dân của Đông Đức. Andreas muốn ra trường sẽ đến VN để tìm hiểu bí ẩn đầu tiên là tiếng Việt "véo von như chim hót". Nhưng mãi đến năm 1993, ông mới có cơ hội đến VN.

Andreas cũng nói rằng giới khoa học thắc mắc tại sao bị Trung Hoa đô hộ 1.000 năm mà người VN vẫn không bị đồng hóa? Từ chiều sâu văn hóa hàng ngàn năm, Andreas nhìn về hiện tại và tương lai: "Tôi muốn người châu Âu, người Đức có một bức tranh rõ hơn về thời tiền sử và lịch sử văn hóa VN". Tại sao? Andreas nói một trong những lý do: "Nhiều gia đình Đức có vợ hoặc chồng là người Việt, nếu hai bên không hiểu văn hóa của nhau thì thật khó sống".

Muốn có một bảo tàng muối ở VN

Đầu năm 2008, Viện Khảo cổ học Đức sẽ xuất bản cuốn sách về dự án do Andreas phụ trách hợp tác với các bạn đồng nghiệp VN trong suốt bốn năm qua. Cuốn sách song ngữ Đức - Việt có tựa Tiền sử và sơ sử của địa điểm gò Ô Chùa miền Nam VN.

Trong sách, ông đã đưa ra các dẫn chứng hết sức thuyết phục cho giả thiết tại gò Ô Chùa hơn 2.000 năm trước đã từng tồn tại nghề nấu muối truyền thống. Trong quá trình làm việc về gò Ô Chùa, Andreas phải lang thang qua rất nhiều bảo tàng muối trên thế giới, ông tiếc rằng ở một nước có bờ biển dài, nguồn tài nguyên "vàng trắng" phong phú nhưng chưa có một bảo tàng muối nào. Dự án lập bảo tàng muối luôn canh cánh trong ông. "Muối ăn thì ai cũng biết nhưng để làm ra hạt muối thì không phải ai cũng hiểu" - Andreas chia sẻ. Ông nói: "Có khoảng 44 bảo tàng muối trên thế giới rất đông khách và hữu ích cho các nhà nghiên cứu". Andreas liệt kê những nước giàu có nhất thế giới quan tâm đến hạt muối: Đức, Anh, Bỉ, Nhật... Riêng Pháp có đến bảy bảo tàng muối.

Mới đây, Nhà xuất bản Reichert Verlag Wiesbaden cũng đã xuất bản cuốn sách Das alte Vietnam (VN ngày xưa). Cuốn sách Andreas và vợ thực hiện theo nguồn tài liệu cũ từ hơn 200 năm trước. Ông đã lần theo vết tích của các tài liệu này để giới thiệu về đất nước VN kỳ lạ và xa xôi trong thế kỷ 18.

Mỗi lần đôi vợ chồng này trở về TP.HCM thì sống trong căn nhà tại quận Gò Vấp xanh ươm những cải, diếp cá... Từ nhà nhìn ra phố, cái nhìn đi qua màu xanh lá cải, xanh diếp cá, chắc chắn phải là cái nhìn VN.

ĐẶNG TƯƠI

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ông Tây thuộc sử ta <H1 class=sapo>Gặp John Kleinen tại buổi họp báo về “Những ngày Hà Lan tại TPHCM”, tôi không khỏi ấn tượng trước những hiểu biết sâu rộng về lịch sử, địa lý VN khi ông giới thiệu đến công chúng TP cuốn sách Lion and Dragon (Sư tử và Rồng), nói về mối quan hệ đã có từ khoảng 400 năm nay giữa hai nước Hà Lan và VN, do ông cùng một số học giả biên soạn </H1>

Posted Image

Ông John Kleinen (bên phải) và Tổng Lãnh sự Hà Lan Ton Van Zeeland tại buổi họp báo ngày 17-10

Đây không phải là cuốn sách đầu tiên John viết về VN. Trước đó, ông đã viết khá nhiều sách về VN với các tác phẩm: Vietnamese society in transition (Xã hội VN thời quá độ), Facing the future, reviving the past (Đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ). Cuốn Đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ đã được dịch ra tiếng Việt và cuốn Sư tử và Rồng cũng sẽ được dịch và phát hành tại VN vào đầu năm 2008.

Đến với Việt Nam vì ấn tượng

Là người nước ngoài nhưng hiểu VN thì mấy người bằng ông. John say sưa kể về VN thời khai sinh, từ sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ với cái bọc trăm trứng, đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước bị chia thành Đằng Trong, Đằng Ngoài; từ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ cho đến khi VN hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975. Tôi thực sự kinh ngạc khi ông có thể thuộc lòng những con số về ngày, tháng, năm diễn ra từng sự kiện, điều mà ngay bản thân người VN cũng khó mà làm được.

John Kleinen đến với văn hóa VN từ khi bắt đầu học đại học với chuyên ngành dân tộc học và nhân loại học. Trong khi các sinh viên khác thường chọn nghiên cứu về Trung Quốc, Ấn Độ thì ông là một trong số ít những người chọn khoa Đông Dương, nghiên cứu cả về ba nước VN, Lào, Campuchia. “Có lẽ bởi hồi đó tôi quá ấn tượng với một hình ảnh VN trong chiến tranh. Tôi đã từng tham gia đoàn sinh viên biểu tình chống chiến tranh VN” - John kể lại. Trong thời gian này, chàng sinh viên trẻ Hà Lan đã kết bạn với Phan Huy Lê, nhà sử học hàng đầu của VN, khi ông sang du học tại Pháp. Cũng nhờ mối quan hệ này mà John đã có thể đến được VN ngay từ năm 1979, khi đất nước vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ không lâu và vẫn còn ít được biết đối với thế giới bên ngoài. Lúc đó John mới 30 tuổi và ông bắt đầu học tiếng Việt. Vừa học tiếng, ông vừa đi khắp mọi nơi, đến cả những vùng đất xa xôi, những ngôi làng nhỏ bé để khám phá nét văn hóa của con người VN. Ông đã sống cùng với những nông dân, cùng họ cày cấy, trồng trọt. “Việc đồng áng vất vả lắm!”- John nói bằng tiếng Việt đặc giọng miền Bắc. “Sống cùng với những nông dân nghèo khổ như vậy ông có quen được không?”- tôi hỏi. Ông cười, kể lại một kỷ niệm vui vui. Đến ở cùng gia đình một nông dân, John phải đưa chủ nhà một ít tiền để nhờ họ xây cho một cái toa-lét tự hoại, dĩ nhiên không phải loại sang trọng, hiện đại như bây giờ nhưng dù sao cũng sử dụng được chứ không đến nỗi phải ra bờ ao. Ngoài chuyện đó ra, ông hòa nhập nhanh chóng với cuộc sống ở đây. “Thức ăn ở làng quê thì tuyệt vời!” - John nhận xét. Rồi ông khen Hải Hậu nổi tiếng với gạo ngon, vừa dẻo vừa thơm. Những vùng quê miền Bắc như Quất Lâm, Thịnh Long..., ông đều đã từng đặt chân đến.

Chính những năm tháng này đã giúp John thu thập được khá nhiều tư liệu để viết cuốn Đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ. Cuốn sách viết về một ngôi làng thuộc vùng Bắc Bộ mà ông đặt tên là Làng Tơ. Ông cho biết đó là một cái tên không có thật và ngôi làng ông viết cũng không phải là một ngôi làng cụ thể nào mà là hình ảnh đặc trưng cho làng quê phía Bắc. Trong ngôi làng ấy, John đã sống với một gia đình làm bún. Ông nhớ lại: “Con trai của gia đình ấy ban đầu rất ghét tôi vì cậu ấy cứ nghĩ tôi là người Mỹ. Lần đầu thấy một người phương Tây mà. Nhưng sau khi biết tôi đến để nghiên cứu, cậu ấy đã thật tốt và chúng tôi trở thành bạn thân đến giờ”. Qua cuốn Đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ, John muốn nhắn gửi một thông điệp rằng muốn hướng đến tương lai tươi đẹp, nhất thiết chúng ta phải hiểu quá khứ và không được quên quá khứ của mình.

Học sử, tránh thụ động

Hiểu biết về lịch sử, văn hóa, địa lý VN như vậy, John cho rằng trước hết là do ông có một niềm đam mê. Ông nhìn nhận các bạn trẻ ngày nay, cả ở Hà Lan cũng như VN, đều chưa chú trọng đến môn lịch sử, trong khi vai trò của lịch sử không nhỏ, như những gì ông đã viết. Ông cho rằng phương pháp dạy và học ở lớp đóng một vai trò quan trọng. Giờ học lịch sử cần phải có sự tranh luận, tương tác giữa học sinh với giáo viên. Ông nhấn mạnh, giáo viên cần khuyến khích học sinh nêu ý kiến, tránh tình trạng thông tin chỉ được truyền một chiều từ giáo viên và học sinh tiếp thu một cách thụ động. Theo ông, cũng cần chấp nhận cả những ý kiến trái chiều bởi không có gì được gọi là sự thật tuyệt đối. Mỗi sự việc qua lăng kính của mỗi người khác nhau sẽ được biểu hiện theo một cách khác nhau. Bên cạnh đó, học sinh và giáo viên không nên có sự cách biệt. Vì thế, cách học hiệu quả nhất là thảo luận theo kiểu bàn tròn. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng cần phải đọc nhiều sách.

Sư tử và Rồng - Hà Lan và Việt Nam Cuốn Sư tử và Rồng được John Kleinen cùng ba học giả khác biên soạn, được xuất bản bằng tiếng Hà Lan nhân sự kiện những ngày Hà Lan tại VN. Những bước phát triển trong quan hệ song phương đã được nêu chi tiết trong cuốn sách này. Trong đó, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng về việc hai nước đã có quan hệ thương mại, ngoại giao ngay từ những năm 1600, với sự kiện 23 thủy thủ Hà Lan ghé bờ biển Quy Nhơn vào khoảng năm 1607. Vào năm 1868, trên lãnh thổ VN đã có một vị lãnh sự danh dự Hà Lan phụ trách xúc tiến các hoạt động thương mại. Trong suốt những năm đất nước ta bị chia cắt, Hà Lan vẫn giữ mối quan hệ thương mại với VN. Tháng 5-1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Chính phủ Hà Lan đã đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao với VN và không thừa nhận chính phủ lâm thời tại Sài Gòn. Ngày 13-12-1974 là ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước.

Bài và ảnh: Kim Vân

Share this post


Link to post
Share on other sites

NHững ông Tây mê nhạc Trịnh

Posted Image

Frank Gerke là người Đức chính cống, nhưng anh luôn tự giới thiệu với những người Việt Nam rằng anh tên là Trịnh Công Long. Cái tên này nghe có vẻ na ná, họ hàng gì đó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS)? Thì... đúng rồi ! Chính nhạc sĩ họ Trịnh đã lấy họ và chữ lót của mình đặt tên cho Frank Gerke...

Tôi gặp Trịnh Công Long ở quán cà phê Dòng Thời Gian trên đường Cao Thắng (TP.HCM) vào tối ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, khi anh và một nhóm thân hữu (trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Từ Huy) đến chơi ở đây. Cái dáng vẻ bên ngoài của một "ông Tây" đã gây chú ý cho nhiều người và bất ngờ hơn khi anh lên sân khấu tham gia "hát với nhau" bằng cách ôm đàn ghi-ta thùng hát nhạc Trịnh: Người con gái Việt Nam da vàng, Một cõi đi về... cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Giọng hát chưa thật hay lắm nhưng khán giả vỗ tay rần rần...

Tôi hỏi Frank Gerke về gốc gác cái tên Việt của anh. Frank kể: Tôi sinh năm Giáp Thìn (1964), cầm tinh con rồng nên tôi lấy tên Long. Tôi đã học tiếng Việt tại Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM (1993-1994) đồng thời làm luận án tiến sĩ So sánh văn học Việt Nam và Trung Quốc trong thời kỳ đổi mới. Sau đó về nước làm cộng tác viên tự do về các lĩnh vực dịch thuật, tư vấn về hợp tác giữa EU với Việt Nam và Trung Quốc. Năm 1996, tôi trở lại Việt Nam làm tư vấn triển lãm sách của Đức tại Việt Nam... Thời họåc sinh trung học tại thành phố Bremen (CHLB Đức) tôi có một vài người bạn người Việt và một người trong số họ đã tặng tôi một cuốn băng cassette ca khúc TCS Sơn ca 7. Tôi rất thích, cứ nghe đi nghe lại dù không hiểu... Sau này học và hiểu tiếng Việt tôi lại càng thích âm nhạc TCS. 3 ngày trước khi khai mạc triển lãm sách tại TP.HCM, tôi bảo với người bạn Việt Nam tên Hùng: "Hôm trước triển lãm ở Hà Nội rất tốt, có nhiều văn nghệ sĩ đến dự nhưng ở Sài Gòn chỉ mới mời được nhà văn Nguyễn Quang Sáng". Hùng hỏi: "Mày muốn mời ai nữa ?". Tôi đáp: "Trịnh Công Sơn!". Hùng lắc đầu: "Thế thì không được vì tao không quen ông ấy". Tôi bảo: "Thôi mình đừng ngồi uống bia hơi nữa mà hãy đi tìm, làm quen với ông ấy đi !". Chúng tôi đến Hội Âm nhạc, người ta chỉ đến số 47C Phạm Ngọc Thạch. Tại đây, người giúp việc bảo với chúng tôi "cậu Sơn đang ngủ". Tôi viết vào một mảnh giấy nhờ trao lại cho nhạc sĩ: "Thưa bác, cháu là Frank Gerke, tên Việt là Long, xin được gặp bác vào sáng ngày mai để trao đổi, học hỏi về âm nhạc và văn học Việt Nam". Hôm sau, tôi chỉnh trang lại quần áo rồi mới gõ cửa phòng ông. Cửa mở, tôi vòng tay kính cẩn: "Chào bác!". Đột nhiên tôi thấy nhạc sĩ họ Trịnh rũ người ra cười, những người có ở trong phòng cũng cười lăn. Tôi thật bối rối, không hiểu mình đã phạm lỗi lầm gì nhưng liền đó nhạc sĩ kéo tôi ngồi xuống bên cạnh, vỗ vỗ vai tôi và nói: "Long gọi tôi bằng anh là được rồi, gọi bằng bác tôi thấy mình già lắm !". Sau đó dĩ nhiên nhạc sĩ nhận lời đến dự triển lãm sách còn tôi thì thường xuyên đến thăm ông tại tư gia. Ông coi tôi như đứa em trai và hơn thế nữa, như một người bạn thân thiết, dù ông cũng cùng sinh năm 1939 với bố ruột của tôi. Nhân một bữa chúng tôi uống rượu kết nghĩa với nhau vào khoảng tháng 7.1997, ông bảo tôi: "Em đã có tên Việt là Long nhưng chưa có họ, thôi thì em lấy luôn họ và chữ lót của anh nhé!". Tôi thật xúc động và sung sướng được mang cái tên Trịnh Công Long.

Từ năm 1996 đến năm 1998 tôi làm việc cho một dự án phát triển cây cà phê ở Ban Mê Thuột, mỗi chiều thứ sáu tôi đều đáp chuyến bay lúc 17 giờ để về Sài Gòn vui chơi, la cà với bạn bè: Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Sáng, Từ Huy, Nguyễn Duy, Bảo Phúc, Thanh Tùng, Cẩm Vân, Hồng Nhung... rồi sáng sớm ngày thứ hai lại đi chuyến bay lúc 6 giờ 30 trở lên Ban Mê Thuột và đi thẳng tới văn phòng làm việc...

Năm 1999, tôi về Đức làm giáo sư Đại học Bonn đồng thời bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Trong giai đoạn này tôi dịch thơ Nguyễn Duy, "thơ" Trịnh Công Sơn (vì tôi nghĩ ca từ của TCS luôn mang đầy chất thơ), truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Đức và được đăng trên tạp chí chuyên môn về văn hóa châu Á Orientierungen. Tôi cũng có viết rất nhiều bài nghiên cứu văn hóa, văn học Việt Nam đăng trên nhiều tạp chí khác nhau...

* Anh cảm nhận thế nào về nhạc TCS?

- Âm nhạc của anh Sơn rất lạ và độc đáo bởi anh Sơn thường sử dụng những từ "bất thường". Thí dụ "Trời ươm nắng cho mây hồng..." - trời làm sao mà "ươm" được nắng ? hoặc: "Đôi khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím.." - "nắng khuya" là thứ nắng gì? Rồi "Môi nào hãy còn thơm cho ta phơi cuộc tình..." - trong tiếng Việt, người ta chỉ nói "phơi áo quần", "phơi nắng", chỉ riêng TCS là đem cuộc tình đi "phơi"... Để tôi kể cho anh nghe giai thoại này: lúc anh Sơn còn học Trường sư phạm Quy Nhơn, anh có một người bạn gái gốc Huế cũng là sinh viên. Rồi cô ấy bị gia đình bắt về quê lấy chồng không cho học nữa. Những ngày sắp chia tay, hai người thường đi dạo ven bờ biển và TCS đã sáng tác bài Biển nhớ, trong ca khúc này có một câu mà tôi dám chắc nhiều người Việt Nam... không hiểu nổi, đó là "...trời cao níu bước sơn khê" (Trịnh Công Long quay sang hỏi những người xung quanh có ai hiểu câu này không. Không thấy ai trả lời, lúc đó Long mới giải thích): trời cao vẫn còn muốn níu bước chân của Sơn và của Khê ở lại bên nhau - người con gái ấy có tên là Khê.

* Công việc hiện nay của anh ? Anh có bạn gái người Việt chưa ?

- Tôi hiện sống và làm việc tại Áo. Vừa rồi (đầu tháng 3.2006) tôi mới đi công tác tại Hà Nội trong một đoàn đại biểu chính thức của Chính phủ Áo thăm Việt Nam. Khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 tôi sẽ về và ở hẳn tại Việt Nam. Tôi "về Việt Nam " chứ không phải "sang Việt Nam" đâu nhé ! Bạn gái người Việt thì nhiều nhưng vợ thì chưa có dù tôi rất mong muốn được làm đám cưới ở Việt Nam, với một phụ nữ Việt Nam và sinh sống tại Việt Nam !

Có một người Mỹ yêu nhạc Trịnh

Khoảng 2 năm trở lại đây, trong các đêm nhạc Trịnh Công Sơn (TCS) tổ chức ở Hội quán Hội ngộ (khu du lịch Bình Quới) hoặc ở khu du lịch Văn Thánh luôn xuất hiện một người nước ngoài ôm đàn thùng, hát nhạc Trịnh trên sân khấu. Cứ tưởng đó là một "fan" mới, không ngờ anh lại là một trong những người bạn ngoại quốc cố cựu của TCS...

Posted Image

Rich Fuller và Trịnh Công Sơn

Tôi gặp anh lần đầu tại nhà riêng cố nhạc sĩ TCS trong dịp giỗ mãn tang 3 năm của ông (1.4.2004). Lúc tôi đang tò mò quan sát cô gái người Nhật Michiko (người từng làm luận án tiến sĩ về nhạc phản chiến của TCS) tíu tít nói chuyện với những người thân của nhạc sĩ thì một "ông Tây" đi... xe ôm đến. Anh ta mượn một chiếc đĩa và bày biện lên đó nhiều loại trái cây (có lẽ trước đó anh vừa ghé chợ) đựng trong 2 túi xốp trĩu nặng. Mâm quả cúng người đã khuất và cách hành xử "rất Việt" này mới thật gây ấn tượng với những người có mặt ở đó. Anh tay bắt mặt mừng với Michiko bởi vì "nghe tiếng đã lâu, giờ mới biết mặt" và tự giới thiệu: "Mình tên là Rich Fuller, người Mỹ. Tên Việt là Phú...". Thật lạ lùng, 2 người ngoại quốc một Nhật, một Mỹ nói chuyện với nhau bằng tiếng... Việt qua chiếc cầu nối là con người và âm nhạc TCS !

* Anh thuộc bao nhiêu bài hát Trịnh ? Lời tiếng Anh có phải do anh đặt ?

- Thuộc hết nhạc Trịnh là một điều bất khả, bởi anh Sơn có đến khoảng 800 bài. Tôi chỉ biết khoảng 7-8 chục bài, thuộc khoảng mười mấy bài. Ngoài Diễm xưa tôi còn thích hát Biển nhớ, Gọi tên bốn mùa, Hạ trắng... có những bài không nhớ tên nhưng nếu có lời thì tôi có thể hát được. Những bài hát tủ tôi tự đặt lời Anh, hát xen kẽ song ngữ. Tuy nhiên, phải nhìn nhận tôi đã rất dở trong việc phổ biến nhạc Trịnh với ca từ Anh ngữ. Đã 30 năm, mà người hát nhạc Trịnh bằng tiếng Anh chỉ mới có một số người là các học trò của tôi (Rich đang dạy ở Trung tâm Anh ngữ Cleverlearn, số 186 Nguyễn Thị Minh Khai,Q.1, TP.HCM). Năm rồi, kênh truyền hình VTV1 có phát sóng chương trình gặp gỡ - giao lưu Có một người Mỹ yêu nhạc Trịnh Công Sơn (4.2005). Tôi cũng đã hát chung với Trịnh Vĩnh Trinh (em ruột TCS) trong một CD lưu niệm mang tên Ca dao mẹ. Nhạc của anh Sơn rất hay. Nếu không hay sao tôi lại mê mẩn đến thế này. Tôi sẽ cố gắng tìm ra bờ biển Quy Nhơn, nơi TCS viết Biển nhớ để coi nơi nào là đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ...?

* Thế còn cái tên "Phú" của anh ? Anh có họ Việt không ?

- Tên Phú là do anh em đồng sự gọi trại từ tên Fuller từ hồi tôi còn ở Nha Trang. Còn họ thì... một hôm tôi trở về nhiệm sở sau một chuyến đi xa bằng xe mô tô. Áo quần, tóc tai đều nhuộm đỏ bụi đường, nhìn rất ư là "gió bụi", các đồng sự thốt lên: "Nhìn kìa Phú Phong Trần !". Thế nhưng sau khi tôi tắm rửa, trang phục chỉnh tề thì họ lại nói: "Bây giờ thì Phú Phong Trần trở thành Trần Phong Phú mất rồi ! Vâng, tên của tôi Phú Phong Trần khi đi... bụi và là Trần Phong Phú khi đi dạy học!

Huyền Nga

Vagne Christian: "Với nhạc Trịnh, tôi càng yêu Việt Nam hơn!"

Tôi gặp Vagne Christian ở Hội quán Hội ngộ (khu du lịch Bình Quới - TP.HCM) vào năm 2001 - chỉ ít lâu sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời. Lúc đó Christian là người thiết kế mỹ thuật cho bìa đĩa CD Về nơi cuối trời do nhóm ca, nhạc sĩ không chuyên của Hội quán Hội ngộ thực hiện nhằm tưởng niệm cố nhạc sĩ. Christian thuận tay trái nhưng sử dụng đôi đũa tre rất thành thạo, hút thuốc Đà Lạt và nói tiếng Việt như... dân Sài Gòn !

Christian kể, bà nội của anh là người Việt Nam chính cống, ông nội là một thầy giáo người Pháp dạy học ở Sài Gòn, mãi đến năm 1972 ông bà mới qua Pháp. Christian sinh năm 1965 ở ngoại ô Paris, mẹ là người Đức và hiện đang sống với bố dượng là người Việt. Chính ông bố dượng này đã tặng Christian cuộn băng cassette Ca khúc Da vàng, anh mê đến nỗi đi đâu cũng mang theo. Christian đến Việt Nam lần đầu vào năm 1996 và anh đã tự tìm đến thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ rất bất ngờ và ngạc nhiên khi "ông Tây mũi lõ" này thuộc khá nhiều bài hát của mình. Từ đó mỗi lần sang Việt Nam, ngôi nhà của nhạc sĩ họ Trịnh là một trong những địa chỉ Christian tìm đến trong tâm trạng háo hức. Nhưng đã có một lần thay vì háo hức là tâm trạng hụt hẫng, sụp đổ khi anh tìm đến ngôi nhà quen thuộc trên đường Phạm Ngọc Thạch thì lễ tiễn linh cữu thần tượng của anh cũng vừa hoàn tất. Con hẻm nhỏ vắng lạnh, những vòng hoa vương vãi... Christian hồi tưởng: "Tôi ngồi đốt thuốc một mình giữa buổi trưa rực nắng. Buồn nhiều, nhiều lắm ! Nhất là thấm thía câu hát của anh Sơn "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi...". Với nhạc Trịnh, tôi càng yêu Việt Nam hơn...".

Christian không thích đưa hình của mình lên báo. Hiện nay, anh cũng không còn ở Việt Nam, nhưng chúng tôi tin rằng tình yêu nhạc Trịnh, yêu Việt Nam vẫn còn in đậm trong anh.

H.Đ.N

Chuyển "kênh" nhạc Trịnh: Nối vòng tay lớn

Posted Image

Ông Jean-Pierre Raveneau và dịch giả Nguyễn Duy Bình hát Một cõi đi về bằng tiếng Pháp tại trung tâm Pháp ngữ tháng 4.2001, tưởng niệm ngày mất nhạc sĩ - ảnh: T.L

Chuyển "kênh" là một cách gọi vui của công việc chuyển ngữ ca từ nhạc Trịnh Công Sơn từ tiếng Việt ra với các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật... Từ lâu, nhạc Trịnh đã có những fan ham mộ trên thế giới và rất nhiều ca khúc nổi tiếng của ông như Ướt mi (Misty eyes), Một cõi đi về (A realm of return), Hoa vàng mấy độ (Bright yellow flower)… được nhiều người biết đến. Vậy tác giả những "lời hai ngoại ngữ" ấy là ai? Chất lượng ra sao?

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đã có khoảng 200 ca khúc của Trịnh được dịch lời sang tiếng Anh, Pháp. Một con số bất ngờ. Bởi điều này cho thấy nhạc Trịnh khá phổ biến, được nhiều người ưa chuộng. Rất khó thống kê cụ thể bao nhiêu dịch giả đã "chuyển kênh" nhạc Trịnh, vì ở vai trò người hâm mộ, họ đều muốn vô danh. Bài viết này chúng tôi chỉ giới thiệu một số gương mặt với những bản quen biết, lưu truyền rộng rãi.

Đáng chú ý trước nhất là nguồn ngoại quốc. Bởi chứng minh hiển nhiên nhạc Trịnh đã xuyên biên giới chinh phục khán giả Tây như thế nào. Các bản tiếng Anh quen thuộc hơn cả là của Rich Fuller, Patrick Gallagher và Donny Trương. Bản tiếng Pháp của Jean-Pierre Raveneau và tiếng Nhật của Michiko. Nguồn Việt phong phú hơn với các bản tiếng Pháp của dịch giả Bửu Ý, Nguyễn Duy Bình, tiếng Anh của Tôn Thất Lan, Vân Mai, Phạm Văn Đỉnh, Trần Tiễn Cao Đăng. Ông Rich Fuller cho biết: "Tôi bắt đầu dịch nhạc Trịnh từ những năm 1970. Những ca khúc phản chiến của Trịnh tạo làn sóng chú ý. Làm sao để người Mỹ hiểu rõ hơn cuộc chiến tranh phi nghĩa ở VN và kết thúc nó. Tôi dịch nhiều ca khúc Da vàng của Trịnh là vậy!". Rich Fuller tiết lộ thêm, ông đã cùng nhạc sĩ Hà Nguyên thực hiện sắp xong 1 CD gồm những bài hát Trịnh do ông dịch lời kỷ niệm 5 năm ngày mất của nhạc sĩ. Các ca khúc Như cánh vạc bay (Like a flying crane), Tôi đang lắng nghe (Dear I don"t despair), Cát bụi (Sand and dust) do Rich Fuller chuyển ngữ và hát, Hà Nguyên đệm guitar cho thấy một phong thái riêng.

Với bản tiếng Pháp Les chemins de ma vie bản dịch của ca khúc Một cõi đi về thì càng kỳ thú. Bản dịch này nổi tiếng đến nỗi các sinh viên học Pháp ngữ hay du học sinh Paris, châu Âu đều thuộc nhưng ít ai biết "thâm cung bí sử" của nó thế nào. Qua tìm hiểu của chúng tôi, dịch giả ca khúc này là ông Jean-Pierre Raveneau, vốn là tùy viên hợp tác, Giám đốc Trung tâm tiếng Pháp với sự kết hợp của dịch giả Nguyễn Duy Bình, hiện là giảng viên Đại học Vinh. Anh Bình kể: "Là người mê âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhạc Trịnh nên Jean-Pierre Raveneau đã sưu tầm tất cả những đĩa nhạc Trịnh có mặt trên thị trường. Ông đã đề nghị tôi, lúc đó là nhân viên biên phiên dịch tại Trung tâm tiếng Pháp ở Huế dịch một số bài hát Trịnh sang tiếng Pháp và dựa vào bản đó, ông đã biên dịch lại làm sao cho đúng nhạc Trịnh". Kết quả sự phối hợp của họ là bản tiếng Pháp khá chuẩn cho các bài Phôi pha, Một cõi đi về, Biển nhớ được hát vào các buổi dạ hội Pháp ngữ, và sau đó phổ biến rộng rãi tại một số trường đại học có dạy tiếng Pháp tại Hà Nội. Cũng tiếng Pháp, người yêu nhạc Trịnh còn biết các bản Ru ta ngậm ngùi (Je me berce de souvenirs), Đêm thấy ta là thác đổ (Je me rêve chute d"eau)… của dịch giả Bửu Ý. Hơn ai hết, Bửu Ý vốn là một người bạn thân của nhạc sĩ họ Trịnh từ những ngày các ông còn trẻ ở Huế. Dịch giả nhận định: "Từ lâu, Trịnh đã được giới ái mộ trao tặng danh hiệu kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận. Nhưng nhạc Trịnh Công Sơn không tuyền là nhạc, bài hát không chỉ là bài hát. Mỗi bài là một truyện ngắn, mỗi ca khúc là một chương của truyện dài không có kết thúc". Từ đồng cảm đó, các bản dịch Bửu Ý được đánh giá là có chiều sâu, tinh tế, chuyển tải được tinh thần Triết lý phương Đông như nhạc Trịnh đã chưng cất. Còn rất nhiều bản dịch khác từ những người yêu mến nhạc Trịnh không thể kể hết như Rồi như đá ngây ngô (Not gone at all), Tôi ơi, đừng tuyệt vọng (I"m listening), Cỏ xót xa đưa (Troubled grass swaying), Cuối cùng cho một tình yêu (thơ Trịnh Cung - Sure, stay away), Tiến thoái lưỡng nan (All ways closed off)… Và nói như dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, khi anh tự dịch những ca khúc Trịnh chỉ để "cho riêng mình, tự mình làm cuộc tìm về chính mình trong một bản ngã để sống yêu thương và minh triết".

Đ.D

Hà Đình Nguyên

Việt Báo// (Theo_Thanh_Nien)(việt báo)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Chuyện ông Tây mê điếu cày

Posted Image

Nghe thật lạ mà quen, Tây mê điếu bát, điếu cày, mê rượu dân tộc và mê cả một cô gái Việt luôn. “Ông Tây” người ngoại ô thủ đô Paris (Pháp) sang Việt Nam 5 năm nay, làm luận án tiến sỹ dân tộc học.

Hiểu về Việt Nam quá, “Ông Tây” mê thuốc lào đến mức sắm riêng cho mình cả điếu bát và điếu cày để thỏa cơn nghiền, mê rượu dân tộc đến mức bỏ vốn mở quán rượu dân tộc VN và trưng bày tranh ảnh nghệ thuật mang tên Chim sáo tại 65 ngõ Huế (Hà Nội), bán thì ít mà vui cùng bạn bè thì nhiều.

Loanh quanh thế nào “Ông Tây” mê luôn một cô gái Hà Tây và tổ chức một lễ cưới khá đặc sắc với một dàn rước dâu gồm toàn ông bà Tây đi xe máy giữa đường phố Hà Nội.

Gọi là “Ông Tây” cho oai, thực ra Stanilas Boissau mới 30 tuổi. Lúc đầu anh sang Việt Nam theo 1 dự án nghiên cứu phát triển nông thôn, sống hơn 1 năm cùng người dân tộc Dao, Tày tại Na Rì (Bắc Cạn). Stanilas Boissau tự nhận cho mình cái tên Việt Nam là San.

Tính phóng khoáng, San giao du với khá nhiều văn nghệ sỹ, nhiếp ảnh, hoạ sỹ nên càng có điều kiện hiểu biết sâu về văn hoá, về những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hết thời gian dự án, về Pháp, qua Hà Lan công tác, vài tháng sau San lại mày mò thi học bổng để được quay trở lại Việt Nam làm luận án Tiến sỹ dân tộc học với đề tài “Cách sử dụng đất rừng của người dân tộc”.

Càng hiểu, San càng mê Việt Nam hơn, và chắc mê nhất là cô gái Vân Đình (Hà Tây) Nguyễn Thị Kiều Phương. Nàng là một sinh viên du lịch, chàng là một nghiên cứu sinh ngoại quốc hào hoa họ bén duyên lúc nào không rõ.

Chàng “mắt xanh mũi lõ” khéo nói thế nào mà cô gái Hà Tây không những chịu theo chàng về dinh mà còn từ bỏ ý định mở công ty du lịch riêng của mình để cùng chồng chung vốn mở quán rượu mà lờ lãi như San thú nhận “đủ mua bột cho cháu”. Bù lại, quán Chim sáo lại là nơi vợ chồng San thường giao lưu cùng bạn bè văn nghệ sỹ, là nơi trưng bày tranh ảnh nghệ thuật…

Nhiều lần về quê vợ, làng Vân Đình, San mê luôn món thịt chó đặc sản. Trong một trận nhậu tại quán, được bố vợ mang thịt chó từ quê ra, đích thân San cùng các bạn liền phát minh ra món thịt chó…xách tay, đúng đặc sản Vân Đình.

Khách nhậu giờ đến quán Chim sáo, nếu hẹn trước một ngày sẽ được thưởng thức món thịt chó xách tay đặc sản Vân Đình do “Ông Tây” phục vụ, do bố vợ “Ông Tây” đi xe máy, xách tay từ Vân Đình mang ra còn thơm mùi khói rơm và cùng phá ra cười với San khi được nghe kể về lai lịch cái tên của món đặc sản từng làm kinh ngạc nhiều mày râu vốn mê món “quốc hồn quốc tuý” này…

Gia đình riêng của San giờ đang hạnh phúc bởi có thêm thành viên tý hon thứ ba, một cô công chúa gần 1 tuổi. Bố mẹ San ở Pháp rất mê cháu, đã mấy lần bay sang thăm cháu nội dù cháu mới chỉ cùng bố mẹ về thăm ông bà 1 lần. Dự định lớn nhất đầu Xuân mới của San bây giờ chưa phải là lo cho quán phát triển mà là hoàn thành luận án và tìm việc làm để định cư tại Việt Nam.

Đức Trung

Việt Báo// (Theo_Tien_Phong)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Có một ông Tây mê... nước nắm

Didier Corlou có lẽ là một trường hợp hi hữu trong số những người nước ngoài ở Việt Nam, vì thông thường trong khẩu vị ăn của họ nước mắm là một thứ gì đó có vẻ như rất xa lạ, và đôi khi tiếp xúc với sự "nặng mùi" của nước mắm, họ còn có vẻ khó chịu, nhưng Didier Corlou đã có cả trăm chai nước mắm do chính tay mình làm. Và ông coi đó như một tài sản quý của mình...

Tự ái khi nước mắm bị coi là "hạ đẳng"

Đã vào tuổi ngoại tứ tuần, với hàng chục năm gắn bó với toàn những xoong, chảo, muỗng, thìa... nghề nấu ăn như một đam mê duy nhất trong cuộc đời Didier Corlou. Tính đến nay, vị bếp trưởng của khách sạn Sofitel Metropole Hanoi đã có hàng chục năm ngao du trên khắp thế giới bằng nghề nấu ăn. Trong thời gian làm việc tại các nước châu Âu, rồi châu Á... vị đầu bếp này đã "nướng" khá nhiều thời gian, thậm chí cả tiền bạc để nuôi hy vọng "lạ đời" là tìm thấy một thứ nguyên liệu ẩm thực độc đáo cho riêng mình.

Cái máu lang bạt của người nghệ sĩ nấu ăn này đưa Didier Corlou đi hàng trăm chuyến thực tế ở nhiều vùng, miền khác nhau của nhiều quốc gia. Thế nhưng cho mãi đến năm 1992, trong một lần đến Việt Nam để tiếp tục chuyến kiếm tìm "lạ đời" này, Didier Corlou đã "vô tình đụng phải" cái hương vị đồng quê của Việt Nam như vị chát nồng của hoa chuối, vị ngọt và giòn của đu đủ xanh và đặc biệt là cái mùi "khó tả" của nước mắm đã níu chân vị đầu bếp người Pháp này, và ông quyết định ở lại Việt Nam. Ông đã làm việc tại khách sạn Metropole Hanoi và trở thành vị đầu bếp ngoại quốc đầu tiên đến Việt Nam.

Lúc đầu, được nhấm nháp cái mùi hanh hách đặc trưng của nước mắm, vị đầu bếp này nghĩ rằng đây sẽ là thứ nguyên liệu độc đáo giúp mình tiếp cận với văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Nhưng khi trực tiếp dùng vài giọt nước mắm rưới lên các món ăn khi đã chế biến, vị đầu bếp này đã phải ngạc nhiên vì sự tác động của nước mắm đối với mùi vị của thức ăn. Và thế là ngay hôm sau, Didier Corlou đã hào hứng chạy ra phố mua ngay cho mình một chai nước mắm to về khách sạn để dùng thường xuyên. Cũng từ đó ông Tây này đã bị hương vị của nước mắm Việt Nam mê hoặc. Tại khách sạn Metropole Hanoi, bếp trưởng Didier Corlou luôn dành thời gian cho công việc dạy khách nước ngoài chế biến các món ăn của Việt Nam. Trong một lần dạy nấu ăn cho khách, một khách hàng đã nói với ông rằng: "Nước mắm là thứ gia vị dành cho kẻ quê mùa", vậy là cả buổi dạy ấy, Didier Corlou như kẻ mất hồn.

Đi dọc bờ biển để... nếm nước mắm

Posted Image

Bếp trưởng Didier Corlou (người thứ 2 từ phải qua) tại buổi Hội thảo về nước mắm Việt Nam

Sau "sự kiện ấy", ông Tây này cảm thấy như bị hối thúc phải minh chứng bằng được rằng, nước mắm không phải thuộc dòng "hạ đẳng". Vậy là vị bếp trưởng của một khách sạn năm sao này lại khăn gói quả mướp lên đường "ngao du" trên khắp các địa phương dọc bờ biển Việt Nam, ghé thăm các cửa hàng nước mắm bán dọc các quốc lộ, rồi hỏi thăm vào tận nhà người dân để tận mắt chứng kiến họ làm nước mắm ra sao. Ở Quy Nhơn, Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang... Didier Corlou đã lặn lội đi thăm và tìm hiểu công nghệ sản xuất nước mắm tại các xí nghiệp sản xuất nước mắm của nhà nước cùng với nước mắm tư nhân nhỏ. Mỗi khi qua một địa điểm, ông lại thực hiện động tác... nếm thử nước mắm. Với lòng nhiệt tình của ông Tây, nhiều người dân đã không ngần ngại biếu ông chai nước mắm có tới hàng chục năm tuổi để làm quà. Didier Corlou kể, nhiều người Việt Nam khi di cư sang Pháp đã mang theo bằng đường biển một khối lượng nước mắm lớn để họ đủ dùng trong hàng chục năm trời. Chính việc để lâu này đã khiến cho những chai nước mắm càng trở nên tuyệt hảo.

Kết thúc chuyến "vi hành" dọc bờ biển ấy, vị bếp trưởng khách sạn Metropole Hanoi đã quyết định tổ chức một cuộc Hội thảo bàn về nước mắm ngay tại khách sạn này. Sau hội thảo, Didier Corlou tuyên bố sẽ bắt tay vào làm thử nước mắm ngay tại vườn của khách sạn Metropole Hanoi với cá cơm và muối thô. Bếp trưởng Didier Corlou dự định sẽ để ngấu trong vòng sáu tháng để quan sát quá trình... chín, tiếp đến sẽ dùng 100 chai nước mắm ấy để vào trong hầm cho... tăng hương vị của nước mắm.

Thấy anh bạn của mình ở biệt Việt Nam tới 12 năm, lặn lội đi khắp các tỉnh hết hỏi han lại chấm mút cái thứ nước "nặng mùi", có lúc bạn bè cho Didier Corlou là lẩn thẩn vì có ai lại cất công lao vào nghiên cứu cái thứ nước chỉ làm bằng cá và muối thô. Rồi lại "đốt" không ít thời gian vào cái việc này nữa chứ, mà nghiên cứu rồi cũng chỉ để đấy. Nhưng ông Didier Corlou cứ mặc kệ. Đã có những lần các thành viên của Câu lạc bộ Ẩm thực UNESCO Việt Nam tranh cãi với ông rất nhiều về giá trị của nước mắm. Những lúc như thế, Didier Corlou lại thấy tự hào lắm vì dù sao mình cũng là một người biết một chút gì đó về văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Với niềm đam mê của mình, bếp trưởng Didier Corlou rất trăn trở trong việc bảo vệ thương hiệu cho nước mắm Việt Nam mà trước kia trong bối cảnh Việt Nam bị cấm vận, Thái Lan đã có cơ hội trở thành các nhà sản xuất nước mắm có tiếng. Didier Corlou cho biết, việc phát huy vai trò của nước mắm là điều rất quan trọng. Ví dụ khuyến khích đăng ký nhãn hiệu nước mắm đã được kiểm dịch như Phòng Phát triển kinh tế của Sứ quán Pháp đã làm cách đây 3 năm. Cần đăng ký năm sản xuất và đóng chai đối với nước mắm loại 1. Hơn nữa, việc bảo hộ chế biến chất lượng nước mắm để bổ sung cho tinh hoa ẩm thực Việt Nam cũng là một trong những nhân tố quan trọng dẫn món ăn Việt Nam đi vòng quanh thế giới.

Theo báo An Ninh Thế Giới

Share this post


Link to post
Share on other sites

Người "xúi" Tây ba lô đến Việt Nam

(SVVN) Cách đây hơn 20 năm, một nhà báo Pháp đến Việt Nam để xin visa vào… Campuchia. Việt Nam lúc ấy với anh chỉ đơn giản là một trạm trung chuyển. Anh cũng chẳng thể ngờ là sau đó mình đã gắn bó cả phần hồn và xác với Việt Nam và hằng năm vẫn nhiều lần quay trở lại để cập nhật những thay đổi mới nhất của Việt Nam đưa đến bạn bè thế giới. Anh là Olivier Page - Tổng biên tập của cuốn cẩm nang du lịch về Việt Nam thuộc hàng best-seller ở châu Âu và châu Mỹ: Le Guide du Routard (Việt Nam).

Người "xúi" Tây ba lô đến Việt Nam

Độc giả của Le Guide du Routard là những người thích đi du lịch với mức sống không cao lắm, phần đông là sinh viên và giới trẻ. Mỗi lần xuất bản (được in thành bốn thứ tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan và cứ 12 tháng lại được tái bản) hàng triệu độc giả châu Âu và châu Mỹ (những nước nói tiếng Tây Ban Nha) tìm mua làm cẩm nang du lịch.

Ấy là chưa kể rất nhiều cuốn cẩm nang được photocopy không phép mà Page đã nhiều lần thấy tận mắt ở nhiều nơi anh đi qua. Số người đọc các bài viết, phóng sự của Page về Việt Nam trên trang web routard.com cũng thường lên tới con số hàng triệu. Page còn tư vấn trực tiếp trên mạng cho những ai muốn tìm hiểu Việt Nam hoặc đến Việt Nam du lịch.

Người "xúi" Tây đến Việt Nam đôi khi cũng bị trách oan. Page hay bị bạn đọc phàn nàn vì địa chỉ anh ghi trong cẩm nang là một quán cà phê lãng mạn thì bây giờ đã trở thành một cửa hàng bán quần áo, một nhà trọ bình dân bây giờ đã là một khách sạn, … "Mọi thứ ở Việt Nam đang thay đổi quá nhanh. Cứ sau 12 tháng, các thông tin trong cẩm nang Le Guide du Routard mới được cập nhật. Còn ở Việt Nam thì chỉ cần sau 6 tháng là nhiều thứ đã thay đổi hoàn toàn. Vấn đề của phiên bản 2009 là giá cả thời lạm phát tăng cao và số điện thoại (cố định) bị thay đổi".

Le Guide du Routard (Việt Nam) xuất bản lần đầu (1994) chỉ có hơn 300 trang. Bây giờ sau nhiều lần cập nhật thông tin đã lên tới hơn 500 trang và sẽ còn tăng thêm nhiều trang nữa trong những lần tái bản tiếp theo. Cuộc đời, số phận và công việc của Page giờ đây gắn chặt với Việt Nam. cẩm nang du lịch của anh càng bán chạy có nghĩa là anh càng "xúi" được nhiều khách du lịch đến Việt Nam.

Những chuyến du lịch tinh thần của một người đang yêu

Chức danh của Page nghe khá lạ tai: Nhà báo- Lữ hành. Có nghĩa là anh chỉ đi du lịch và viết bài. Trước khi về làm cho tập đoàn Routard, Page là phóng viên của nhật báo lớn nhất nước Pháp là Ouesst- France. Anh đã đi qua hơn 60 nước. Page thường đi lại nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau để cảm nhận sự khác biệt thực sự của mỗi quốc gia.

Sau mỗi chuyến đi dài ngày thường là một cuốn sách được xuất bản. Viết sách với Page cũng là một kiểu du lịch: Du lịch tinh thần. Anh đã có rất nhiều chuyến du lịch tinh thần ở Việt Nam. Chuyến đi hoành tráng nhất là Le Guide du Routard (Việt Nam). Chuyến đi được xem là thoải mái nhất sẽ là cuốn sách thứ ba về Việt Nam mà Page dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2009 để chào mừng 1000 năm Thăng Long. Cuốn sách này tập hợp những bài viết về khoảng 40 nhân vật đặc biệt mà anh đã gặp ở Việt Nam.

Page nói chuyện về Việt Nam giống như cách anh nói về người yêu. Anh có cách so sánh dí dỏm việc khám phá Việt Nam cũng như quá trình tìm hiểu một cô gái. Với Page, đấy không phải là tình yêu sét đánh. Lần đầu tiên nhìn thấy cô gái Việt Nam anh chưa yêu ngay. Nhưng càng tiếp xúc, cô gái Việt Nam ấy càng thể hiện rõ những nét đẹp tiềm ẩn: ẩm thực, văn hóa, ngôn ngữ, con người, …. Đến tận bây giờ Page vẫn chưa biết hết người con gái ấy. Anh vẫn tiếp tục tìm hiểu và càng hiểu thì lại càng yêu. Mối tình đã bắt đầu từ hơn 20 năm nay.

Page tự ví mình như một kẻ lang thang không nhà không cửa. Kẻ lang thang ấy vẫn tiếp tục đi, tiếp tục gặp gỡ để rồi sau đó lại tiếp tục thêm một chuyến du lịch tinh thần: viết sách.

Người đàn ông tình cờ

Cách tiếp cận nhân vật của Page rất tình cờ và ngẫu nhiên. Anh không nghĩ lại tiếp cận được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trực tiếp nghe ông giải thích về sức mạnh của "yếu tố con người" trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam.

Anh cũng chẳng thể ngờ dễ dàng phỏng vấn được Mai Phương Thúy trong một quán cà phê lãng mạn bên cạnh Nhà hát lớn Hà Nội. Những cuộc gặp gỡ hầu như chẳng cần giấy tờ giới thiệu, những cuộc gặp gỡ chẳng hề có kiểm soát như nhiều nhà báo nước ngoài đã từng lo lắng. "Hơn 80% các cuộc gặp gỡ của tôi ở Việt Nam là do ngẫu nhiên mà có. Tất cả đều rất thú vị".

Page tình cờ đến với Việt Nam. Việc Le Guide du Routard (Việt Nam) được ra đời cũng là một sự tình cờ. Năm 1990, Page đề xuất kế hoạch thực hiện Le Guide du Routard (Việt Nam), nhưng không được duyệt. Ba năm sau, bỗng dưng Page được giao nhiệm vụ thực hiện cuốn cẩm nang này vì lúc đó số lượng người Pháp có nhu cầu đến Việt Nam rất đông sau khi xem 3 bộ phim được chiếu tại Pháp gần như cùng một thời điểm: Đông Dương, Điện Biên Phủ và Người tình. Page và êkíp thực hiện đã lăn lộn 9 tháng trời ở Việt Nam để hoàn thành cuốn sách này.

Page cũng tình cờ gặp một cô gái gốc Hà Nội, nhưng sống ở TP. Hồ Chí Minh. Và cô gái ấy chính thức là vợ anh từ năm 1998. Hiện tại cả gia đình anh sống ở Paris.

Không tin vào số phận, nhưng Page luôn tin vào một thứ mà anh gọi là "sự tình cờ hạnh phúc" (hasard heureux).

Tuấn Anh

Sự khác biệt cơ bản của Việt Nam trong 10 năm qua là thế hệ những thanh niên tuổi đôi mươi của năm 1998 đã trở thành một tầng lớp trung lưu của năm 2008. Thế hệ này (chiếm phần đông dân số) đang là động lực để Việt Nam phát triển. Sự khác biệt tiếp theo là rất nhiều bạn trẻ bây giờ thành thạo tiếng Anh" (Olivier Page).

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay