Posted 24 Tháng 4, 2009 BA LÀNG VIỆT TỘC TRONG NỘI ĐỊA BIÊN THUỲ TRUNG QUỐC Ba làng người "Trung Hoa gốc Việt tộc" đang sinh sống phát triển trong nội địa nước Tầu hiện nay không phải là một điều bí mật hay rất ít người biết nữa như trước đây. Trái lại, nó được chính thức kể như một trong số hơn 50 sắc dân thiểu số tại Trung Hoa, chiếm cứ khoảng 6.6% toàn thể của dân số của quốc gia này là 1.3 tỉ nhân khẩu. Riêng về Việt tộc - còn gọi chính thức là Kinh tộc (the Jings) - có con số nhân khẩu khiêm tốn gồm khoảng hơn 15,000 người, tụ cư sinh sống trong ba hòn đảo nhỏ là Vạn Vĩ (Wanwei), Ô Ðầu (Wutou) và Sơn Tâm (Shanxin) trong vùng tỉnh Quảng Tây. Hình ảnh cô gái Việt hay Kinh tộc xinh đẹp với cái nón lá hình chóp đã được tài liệu hay bích chương du lịch của Trung Hoa trưng lớn lên như mời mọc du khách quốc tế. Tôi tự hỏi tại sao người Việt mình ngày nay sẵn sàng đi du lịch Trung Quốc một cách dễ dàng lại không tạo dịp đi thăm ba làng Việt tộc nói trên. Trước hết là tỏ một mối tình thâm trầm man mác đối với những người vốn là đồng bào đồng tộc với chúng ta nhưng vì hoàn cảnh lịch sử xa xưa lại không còn ở chung một địa bàn địa lý với chúng ta; sau là chúng ta có dịp sưu tầm lại những di sản quí báu về tinh thần mà những người Việt tộc này vẫn còn lưu giữ sau gần 500 năm xa lìa quê hương gốc như 30 điệu hát đúm vào ngày hội Tết đầu xuân và những tài liệu viết bằng chữ Nôm của họ. Mục tiêu vấn đề du lịch thăm ba làng Việt tộc ở Trung Quốc là như thế nhưng muốn thực hiện chúng ta cần phải thu thập những yếu tố dữ kiện nào trên thực tế. Sau đây là những điều cụ thể mà tôi đã tra cứu cẩn thận nên trình bày ra để chia xẻ cho những ai đồng chí hướng thích sự ngao du thích thú sưu tầm: Tài liệu về lịch sử và sự phát triển, sinh hoạt của những người Kinh hay Việt tộc (mà tôi tạm dùng chữ Kinh Việt viết tắt là KV trong bài này) được mô tả rất đầy đủ trong những sách của Trung Hoa như Dân Tộc Tri Thức Thủ Sách (Dân tộc Xuất bản xã năm 1982) viết bằng Hoa ngữ - China's Minority Nationalities (Foreign Language Press năm 1989) bằng Anh ngữ. Qua hai tài liệu trên, chúng ta được đọc về Kinh Việt tộc như sau: Nguồn gốc Kinh Việt tộc Kinh tộc - ngày xưa xưng là Việt tộc - là một trong những dân thiểu số của Trung Hoa. Kinh Việt tộc chủ yếu nằm rải ra ở các địa khu của những dân tộc tự trị ở vùng duyên hải thuộc khu Phòng Thành của tỉnh Quảng Tây. Theo thống kê 1982, Kinh Việt tộc có 11,995 nhân khẩu. Hồi trước Kinh Việt tộc là một bộ phận của nòi Lạc Việt thời xa xưa, nhưng vào đầu thế kỷ thứ 16, họ đã từ vùng Ðồ Sơn của Việt Nam hiện giờ lục tục di cư đến địa điểm bây giờ, tụ cư trên ba hòn đảo nhỏ gọi là ba làng là Vạn vĩ, Vu đầu và Sơn Tâm thuộc huyện Giang Bình nên người ta quen gọi là "Kinh tộc tam đảo." Tiếng nói và Văn tự của người Kinh Việt thế nào? "Dân Kinh Việt tộc tam đảo vốn nói tiếng Kinh hay Việt và có một văn tự gốc gọi là "chữ Nôm, nhưng từ lâu họ cũng nói tiếng địa phương Quảng Châu và xử dụng Hán tự." Tiếng nói Kinh Việt "Nguồn gốc Kinh ngữ (hay Việt ngữ) theo Dân tộc Từ điển của Thượng hải (1987) có thể thuộc vào hai giả thuyết trên ngữ hệ: thứ nhất là thuộc Hán Tạng ngữ hệ, thứ hai là thuộc Nam Á ngữ hệ. Theo sự phân tách của sách này, Kinh (hay Việt) ngữ rất gần tiếng các dân tộc Choang (Tráng) và Ðồng được phân bố tại các huyện tự trị lân cận. Kinh Việt ngữ có 28 thanh mẫu, 106 vận âm. Nguyên âm KV chia thành nguyên âm dài và nguyên âm ngắn. Phụ âm vận ở cuối từ có 6 vận là: (-k), (-m),(-n),(-ng), (-p), (-t), ví dụ như cac(k), nam, man, mang, map, mat. Thanh điệu có năm bực là: trung bình, đê giáng, khúc triết, cao thăng, đê bình, tức là năm dấu giọng. Về ngữ pháp, dân KV không nói ngược như dân Hán như họ gọi Ông Thôn để chỉ chức trưởng thôn xã, Ông Kiểm để chỉ chức kiểm soát an ninh trật tự. Chữ Nôm Kinh Việt "Viết về chữ Nôm của ba làng KV này, tài liệu Anh ngữ China’s Minority Nationalities (CMN) nói thật rõ như sau: "Người Kinh có một thứ văn tự ghi chép riêng của họ gọi là chữ Nôm (chữ Hoa ghi là Tự Nam, chữ Anh phiên âm là Zinan). Ðược cấu tạo dựa trên căn bản của Hán tự vào cuối thế kỷ 13, chữ Nôm nay được lưu truyền trong những sách thi ca cũ và những bộ kinh tôn giáo." Chúng ta chưa thấy tự dạng và cấu trúc của nó ra sao, nhưng chắc chắn nó phải là chữ Nôm của Việt Nam vào cuối đời Hậu Lê chắc chắn nó phải cổ và chính thống hơn chữ Nôm của ta từ nhà Nguyễn về sau. Nếu ta sưu tầm được chữ Nôm Kinh Việt này, chúng ta có thể hiểu nhiều tiếng Việt thời cổ hơn. Diễn biến quá trình định cư của dân Kinh Việt "Tổ tiên người Kinh di cư từ Việt Nam sang Trung Quốc vào khoảng đầu thế kỷ 16. Thuở ban đầu thì họ định cư trên ba hòn đảo không người ở vì các vùng lân cận đã có người Hán và người Choang (Trang tộc) chiếm cứ sinh sống rồi. Tuy sống chen vai thích cánh với người Hán và người Choang, người Kinh đã tạo dựng nên một khu lãnh giới riêng cho mình nhưng qua nhiều thế kỷ, họ đã hàn chặt nhiều mối liên lạc mật thiết với dân tộc láng giềng. Theo tài liệu bằng chữ Nôm mà người Kinh còn lưu giữ trong một ngôi đình của họ, tổ tiên của Việt tộc tam đảo đã từ bãi Ðồ Sơn (tỉnh Hải Phòng Việt Nam) đến vùng đất này vào năm Hồng Thuận. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Hồng Thuận vào cuối đời Hậu Lê tức là đời vua Lê Tương Dực (1510 - 1516), như vậy dân Kinh hay Việt tộc đã sinh sống lập nghiệp trên đất Trung Hoa gần như tròm trèm 500 năm. Hiện nay, chúng ta chưa rõ tại sao dân Kinh Việt lại di cư qua Trung hoa? Vì vùng đất của họ nằm gần như sát biên thùy Việt Hoa tức là huyện Móng Cái tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam ngó qua Ðông Hưng của Trung Hoa, nên chúng ta có thể phóng đoán rằng ngày xưa giữa Trung Hoa và Việt Nam không có con đường phân định rõ ràng về biên giới có tọa độ rõ ràng. Do đó, đám người Kinh Việt cứ thấy vùng nào không có ai ở thì tới cắm dùi lập nghiệp sinh sống, chẳng chính quyền nào kiểm soát. Lằn biên giới Hoa Việt mới chính thức vạch ra sau Hiệp ước Fournier-Lý Hồng Chương, chạy dọc theo kinh tuyến 108 độ 3 phút 13 giây, vùng nào về phía tây của kinh tuyến thuộc về Việt nam (thời ấy do Pháp đô hộ), còn vùng nào ở phía đông kinh tuyến thì thuộc về lãnh thổ Trung Hoa. Do đó, vùng đất mà dân Kinh Việt chiếm cứ định cư trong bao nhiêu thế kỷ bỗng nằm lọt vào lãnh thổ Trung Quốc. Rồi trải bao nhiêu thời gian, dân Kinh Việt cứ yên thắm sống trong vùng mà nhà nước Trung Hoa gọi là "Tự trị khu" chung với những sắc dân thiểu số như Choang, Dao trong tỉnh Quảng Tây. Cho đến cuối 1952 - sau năm 1949 khi chính quyền Trung Cộng chiếm toàn lục địa Trung Hoa thì mới bắt đầu thành lập ba thôn làng là Vạn Vĩ, Vu Ðầu và Sơn Tâm để rồi 1958 thì ba làng Kinh Việt này hợp cùng các làng khác của dân Choang và Dao để làm thành huyện tự trị Ðông Hưng. Vào cuối năm 1979 thì các huyện tự trị này họp thành trấn Phòng Thành tự trị cho đến nay. Phong tục tập quán của dân Kinh Việt "Ta thử xem 500 năm qua xa xứ người Kinh Việt còn giữ dấu tích gì của quê hương mẹ không? Họ mặc áo quần ra sao? "Y phục của người Kinh rất đơn giản và thực tế. Phụ nữ ăn mặc theo cổ truyền với những chiếc áo ngắn, không cổ, chẽn bó vào thân mình, cài nút phía trước, trên đầu đội quấn một cái khăn rằn, dưới mặc những tấm quần rộng nhuộm đen hay nâu. Khi ra ngoài, phụ nữ thường mặc thêm áo dài tay chật nhuộm màu sắc nhạt hơn. Họ đeo bông tai. Tóc phụ nữ phần lớn rẽ ngôi ở giữa và tóc xỏa hai bên, phía sau lại dùng vải đen hay khăn đen buộc lại. Dân quê còn đi chân đất. Còn đàn ông thì thường mặc áo cộc để làm việc, cổ quấn khăn, nhưng khi có hội hè thì họ mặc những áo dài chùng tới gối, hai vạt trước sau đối nhau và có giải quấn ở eo lưng. Bây giờ người Kinh ăn mặc giống như người Hán láng giềng, mặc dù còn một số ít bà cụ già còn giữ lối ăn mặc theo cổ tục và một thiểu số phụ nữ trẻ còn búi tó và nhuộm răng đen vì vẫn còn tục ăn trầu, còn đàn ông thì đương nhiên ăn mặc thực tế theo hiện đại như những dân lân cận khác. Một điểm về mầu sắc là phụ nữ Kinh Việt khoái mầu vàng và mầu nâu non, vì hàng năm vào ngày quốc khánh của Trung Quốc thì có đội nữ dân quân Giang Bình "chít khăn vàng, mặc áo nâu non, quần đen, vai đeo súng, lưng thắt băng đạn đi diễu binh trước khán đài" (Làng Việt biên thùy - báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 20 tháng Tám năm 1995). Họ ăn uống thế nào? "Về ẩm thực, dân Kinh Việt ăn cơm là chính, ngoài ra còn ăn khoai sắn, khoai sọ, thích ăn cá tôm cua. Ngày Tết, họ thích ăn xôi chè (hỉ hoan cật nhu mễ phạn hòa nhu mễ đường chúc). Họ làm nước mắm cá để chấm và nêm thức ăn. Một điểm lý thú là dân Kinh Việt thích ăn hai món sau, ăn hoài không ngán: Ðó là "bánh đa" bằng bột gạo có rắc mè nướng trên than hồng mà sách Tầu gọi là Phong xuy hỉ - bánh phồng do gió thổi! - và "bún riêu, bún ốc" mà sách Hán tự ghi là Hỉ ty tức là sợi bún nấu với canh cua và ốc. Phong tục, tín ngưỡng và văn hóa Kinh Việt ra sao? "Nhà cửa của dân Kinh Việt thì thấp, làm bằng gỗ hay tre đan thành phên. Phong tục hôn nhân thì một vợ, một chồng, thuở trước thì thường do cha mẹ hai bên xếp đặt bao biện. Trai gái cùng họ và anh em cô cậu cấm lấy nhau. Về tang ma thì chôn dưới đất. Trừ một thiểu số theo đạo Thiên chúa, phần lớn dân Kinh Việt theo Phật giáo, cúng vái đủ thứ thần thánh và sùng bái tổ tiên. Sinh hoạt văn hóa và văn nghệ Kinh tộc ra sao? Dân tộc Kinh rất ưa thích lối hát đối đáp giao tình (antiphonal songs) nghe du dương và trữ tình, kiểu như hát Quan họ hay hát đúm quen thuộc ngoài Bắc ta bây giờ. (Tài liệu Anh ngữ CMN của Trung hoa về Kinh tộc đã dùng chữ rất đúng để dịch chữ hát đối hay hát đúm vì "Antiphon" là lối hát chia thành nhiều phần đối đáp và xen kẽ luân phiên - Antiphon is a hymn, psalm etc... chanted or sung in responsive and alternating parts - Webster's New World Dictionary). Lối hát đúm hát đối này thường được dân Kinh long trọng diễn vào ngày Tết của họ mà họ gọi là "Hát Tết." Hát đúm, hát đối là do những cô gái gọi là "Hát muội" (Muội là em gái). Tài liệu Hoa ngữ DTTT về Kinh tộc trang 91 đã đặc biệt khen rằng: "Người Kinh trên phương diện sinh hoạt phấn đấu trường kỳ đã sáng tạo một nền văn hóa rực rỡ muôn màu, nội dung của nền văn học truyền khẩu thật phong phú, ca khúc và khúc điệu đạt đến 30 loại. Ðàn bầu là một nhạc khí chỉ riêng Kinh tộc có mà thôi. Phê bình về âm nhạc và dân ca của Kinh tộc, sách Hoa ngữ nói rằng: "Lời ca thuần phác, khúc điệu bình dị ít biến hóa." "Về phương diện nghệ thuật, tài liệu Anh ngữ CMN nói thêm thật rõ về Kinh tộc như sau: "Nhạc cụ cổ truyền của người Kinh gồm có đàn nhị (two-stringed fiddle), sáo trúc, trống, cồng và cây độc huyền cầm (single-stringed fiddle) là cây đàn đặc thù của họ. Những truyện dân gian và cổ tích của họ rất nhiều. Những điệu múa ưa chuộng của người Kinh là múa đèn, múa gậy sặc sỡ nhiều màu, múa rồng và múa y phục thêu thùa. Theo sách Dân Tự Trị Thủ Sách của Trung hoa, câu chuyện cổ tích mà dân Kinh hay kể là Truyện chàng Thạch sanh (mà cái tên Lý Thông phản phúc trong truyện được gọi và cải lại là Nguyễn Thông). Ðàn kêu tích tịch tình tang, Ai đem công chúa trên hang mà về! Cái đàn "tích tịch tình tang" gẩy bằng que tre chính là cây đàn bầu nói trên. Kinh tế của ba làng Kinh Việt Dân Kinh Việt sống trong một vùng bán nhiệt đới, có mưa nhiều và lắm tài nguyên khoáng sản. Vịnh Bắc Bộ ở phía nam là một nơi lý tưởng cho ngư nghiệp. Trong 700 loại cá đánh ở đây thì hơn 200 loại có giá trị kinh tế cao và thu hoạch nhiều. Ngọc trai, cá ngựa và sea otters sinh sản lắm ở đây và thường quí về phương diện dược liệu. Nước biển của vịnh Bắc Bộ tốt cho sự làm muối. Mùa màng chính ở đây là gạo, khoai lang, đậu phọng, khoai sọ, và kê. Những loại trái cây bán nhiệt đới như đu đủ, chuối, nhãn thì rất nhiều. Những khoáng sản dưới đất gồm sắt, monazite, titanium, magnetite và silica. Những giải rộng của rừng tràm mọc trên vùng nước lợ là một nguồn lợi phong phú về chất tannin dùng làm nguyên liệu tất yếu cho kỹ nghệ thuộc da. Dân Kinh Việt sinh nhai chính bằng ngư nghiệp, còn nông nghiệp là thứ yếu, ví dụ ở làng Sơn Tâm thì 70% lợi tức của làng do ngư nghiệp, 27% do nông nghiệp còn lại 3% do các hoạt động khác. Trước đây, ngư nghiệp không phát đạt vì trang bị của ngư dân còn nghèo, phương pháp còn vụng về chậm tiến và nhất là không thể đánh cá ở biển sâu. Nông nghiệp cũng kém, mỗi mẫu tây chỉ thâu hoạch 750 kg thóc, chỉ đủ dự trữ ăn trong ba, bốn tháng. Do đó, dân Kinh Việt phải sống chật vật, đổi cá lấy gạo và các thứ nhật dụng hoặc làm thêm thủ công nghệ như đan đát tre hay nghề mộc. Hiện nay, tình trạng thay đổi nhiều trên ba làng dân Kinh Việt. Dự án ý nghĩa nhất để chuyên trị những cù lao đất bồi nghèo nàn là xây đắp 11 con đê để lấn đất ra biển và nối các hòn cù lao với đất liền. Một diện tích khoảng 400 mẫu đất được tạo dựng tương đương với bốn lần diện tích đất canh tác cụ China's Minority Nationalities đã khoe. Về ngư nghiệp, những ghe thuyền gắn động cơ và nhiều dụng cụ đánh cá mới trang bị làm tăng gia sự có thể đánh cá ở biển sâu. Ngành nuôi ngọc trai đã thành một kỹ nghệ phát triển từ năm 1958 khi những trại nuôi trai sản xuất ngọc được thiết lập vào những vũng biển nước sâu lý tưởng cho loài trai tăng trưởng. Cũng từ năm 1958, cây cối được trồng trên một diện tích 433 mẫu đã tạo thành một bờ đai hàng rào chắn gió và cát di chuyển. Qua nhiều năm, trái cây như chuối, đu đủ, dừa, nhãn di thực từ vùng khác đã mọc sum xuê trên các vùng hải đảo. Làm sao thực hiện một chuyến du lịch vào vùng Kinh Việt Tam đảo? Trước đây, Trung Quốc đã có chánh sách đóng kín bức màn tre nên chuyện du lịch Trung Hoa là một vấn đề khó khăn thiên nan vạn nan với bao thủ tục và gần như mạo hiểm như chúng ta có thể phối kiểm những bài viết du khảo về Trung Quốc của nguyệt san tạp chí National Geographic. Nhưng cho đến cuối tháng Giêng năm 1986, thì 244 đô thị của Trung Quốc được mở ra để du khách ngoại quốc có thể thăm với thông hành có chiếu khán và giấy phép hợp lệ. Kể từ đó, cơ quan Dịch Vụ Du Lịch Quốc Tế của Trung hoa - China International Travel Service - cùng nhiều công ty khác đã phối hợp chặt chẽ với công ty China Focus Inc. hay Ritz Tours... tổ chức thường xuyên nhiều chuyến tuần du Trung Quốc với giá cả tương đối rẻ bao gồm bao nhiêu thứ nào là vé phi cơ, vé xe lửa, vé xe buýt, vé thăm thắng cảnh, vé coi show cùng với những bữa ăn. Ðiều này chứng tỏ chính quyền Trung Quốc rất hoan nghênh sự thăm viếng của du khách để thâu ngoại tệ. Riêng về du lịch vùng Tam Ðảo ở tỉnh Quảng Tây thì tôi chưa thấy phổ biến rộng rãi mặc dù trên nhiều tài liệu và bích chương du lịch của Trung Hoa thường in hình cô gái Kinh Việt đội nón lá rất tươi với dáng vẻ mời mọc. Tôi nghĩ họ đang cần quảng cáo cho nhiều đô thị hay thắng cảnh nổi danh trước đã, để thu vào nhiều lợi từ khách quốc tế mà họ gọi là nguồn lợi big spenders. Tuy nhiên, theo sự dọ hỏi của tôi với vài hướng dẫn viên du lịch địa phương ở Trung Hoa thì công ty của họ sẵn lòng phối hợp với China Focus tổ chức những chuyến du lịch nhỏ kiếm ăn kiểu cò con phụ thêm (extension trip) vào những tours chính mà chỉ cần trả phụ trội một phí tổn tương ứng. Ví dụ chúng tôi vừa đi một chuyến 15 ngày du lịch trả khoảng 1,550 mỹ kim để đi một vòng qua các nơi như Bắc Kinh, Tây An, Quế Lâm, Nam Kinh, Hàng, Tô Châu, Thượng Hải, nhưng lại muốn đi thăm hai ngày ở Hàng Châu (gần Thượng Hải) nên chỉ trả thêm mỗi người 350 mỹ kim thôi. Tính ra mỗi ngày chỉ trả 150 mỹ kim. Vùng Kinh Việt Tam Ðảo thuộc tỉnh Quảng Tây nên tôi nghĩ có thể dàn xếp với công ty du lịch cho chúng ta thăm phụ thêm khi cái tour chính của chúng ta đi qua gần đấy như thăm Quế Lâm, Quảng Châu hay Hồng Kông miễn là chúng ta có ít nhất là 10 người cùng đi. Nếu chúng ta cố tình muốn thăm ba làng Việt tộc, thì vấn đề không khó mà có thể tổ chức một chuyến thuận lợi nếu có nhiều người cùng thích đi. Lê Văn Lân Viet Mercury, 1/12/00/ blog.360.yahoo.com/blog-5SslRgUmdLS_UeuUyGoI7xcRyuWtu2tD?p=789 Share this post Link to post Share on other sites
Posted 24 Tháng 4, 2009 Xem bài này, chợt nhờ đến "nập nuận pha học" của các học giả ...vờ...bằng cấp đầy mình . Nhẹ cũng tiến sĩ, nặng thì giáo sư, cho rằng: Truyện Thạch Sanh có nguồn gốc Khơ Me. Họ chưng ra bằng chứng dị vật khảo cổ: Nào là ở Hà Tiên có động gọi là Thạch Động, nào là miền nam có nhiều người mang họ Thạch..vv..và vv.. Nay thì ra tận phía Bắc - qua biên giới dân Việt cũng còn giữ gìn truyện Thạch Sanh. Có lẽ khôntg cần phải phân tích, nữa. Nhưng qua bằng chứng này mới thấy cái ngu dễ sợ của những kẻ gọi là trí giả...vờ. Share this post Link to post Share on other sites