Thiên Sứ

Tu bổ không thể là đập nát!

1 bài viết trong chủ đề này

Vụ đập bỏ để xây mới đền thờ Lý Chiêu Hoàng:

Tu bổ không thể là đập nát!

12/04/2009 1:07

Posted Image

Đền Lý Chiêu Hoàng còn lại chiếc cổng đền cổ cũng sắp bị đập nốt - ảnh: Sĩ Tá

Báo Thanh Niên ngày 11.4 đăng tin Đền thờ Lý Chiêu Hoàng ở Đình Bảng, Bắc Ninh bị đập bỏ để xây mới. Theo thông tin chúng tôi nhận được, Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Bắc Ninh mới chỉ có văn bản thỏa thuận cho tu bổ lại ngôi đền này vào đầu năm nay, sau khi đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh hồi tháng giêng 2009.

Tuy nhiên, theo một số người có trách nhiệm ở địa phương, ngôi đền không hề xuống cấp nặng nề như báo cáo của UBND phường Đình Bảng khi họ xin tu bổ. Mới chỉ có thỏa thuận tu bổ đã vội phá dỡ di tích

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Hà Nội cho rằng: “Sự việc đền thờ Lý Chiêu Hoàng bị đập bỏ để xây mới, hôm nay tôi mới biết và cũng thấy bức xúc. Thời gian qua đã rộ lên một loạt hiện tượng lấy danh nghĩa việc tu bổ các di tích lịch sử văn hóa để xây mới lại các di tích này. Mới nhất như việc tu sửa đền Và, Sơn Tây, Hà Nội. Tôi đã từng tới nơi và thấy rất đau xót trước sự đã rồi khi người ta làm mới lại di tích này. Nghề của tôi là nghiên cứu Hán-Nôm nên rất gắn với các di tích. Tôi cho rằng đây là một tệ nạn khi người ta mượn danh tu bổ, nâng cấp di tích để xây mới lại hoàn toàn. Tôi nghĩ việc đập bỏ để xây mới đền thờ Lý Chiêu Hoàng mà chỉ dựa trên một văn bản thỏa thuận cho phép tu bổ của Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Bắc Ninh là không đủ cơ sở và không đúng luật”.

Chiều 11.4, trao đổi với chúng tôi, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: "Thông tin trên báo Thanh Niên tôi đọc sáng nay và trong cuộc họp sau đó, tôi có trao đổi với anh Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di sản Bộ Văn hóa) về chuyện này, và anh Bài đã gọi điện thoại ngay cho nhiều nơi xem thực hư thế nào. Việc tu bổ di tích không phải là việc phá dỡ di tích để xây mới lại. Tôi sẽ kiểm tra ngay sự việc báo Thanh Niên nêu và tôi sẽ có ý kiến ngay".

Đáng chú ý, theo điểm 12, điều 4, chương I của Luật di sản văn hóa, “tu bổ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”. Còn điểm 13, điều 4, chương I của luật này quy định “phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm phục dựng lại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó”. Như vậy đối chiếu với Luật di sản văn hóa do Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua năm 2001, thì việc tu bổ di tích lịch sử - văn hóa không cho phép đập bỏ để xây mới một di tích lịch sử văn hóa. Chỉ khi được cấp có thẩm quyền cho phép phục hồi di tích lịch sử - văn hóa thì mới được có hoạt động phục dựng lại di tích lịch sử văn hóa đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu về khoa học về di tích lịch sử - văn hóa đó. Vì thế, việc đập bỏ đền thờ Lý Chiêu Hoàng chiếu theo các điều quy định của Luật di sản là hoàn toàn sai phạm.

Vua bà Lý Chiêu Hoàng trong lịch sử Lý - Trần

Đền Lý Chiêu Hoàng (còn gọi là đền Rồng) ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh được xây dựng cùng thời với đền Đô (thờ 8 vị vua triều Lý). Một cụ cao niên ở làng Đình Bảng cho biết, sở dĩ bà Lý Chiêu Hoàng (vua thứ 9 của triều Lý) không được thờ ở đền Đô nằm ở phía Đông (phương mặt trời mọc) là vì bà đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (vị vua đầu tiên của nhà Trần) nên phải thờ bà ở phía Tây (phương mặt trời lặn).

Năm Giáp Thân (1224), vua Lý Huệ Tông lúc đó 32 tuổi mắc bệnh nan y phải ra chùa Chân Giáo để chữa bệnh. Vì không có con trai nên nhà vua nghe lời của cận thần Trần Thủ Độ, lập Lý Chiêu Hoàng làm thái tử. Bà được vua cha tạm giao cho ấn ngọc, long bào và lên ngôi năm 1224 là vua thứ chín của triều Lý.

Lý Chiêu Hoàng làm vua được 2 năm, đến ngày 12 tháng chạp năm Ất Dậu (1226), bà lấy Trần Cảnh. Sau đó do sự bố trí của Trần Thủ Độ - người cầm đầu thế lực họ Trần lúc đó, Lý Chiêu Hoàng tuyên bố nhường ngôi cho chồng. Trần Cảnh nhận long bào tức vị, xưng là Thái Tôn Hoàng đế, lập ra nhà Trần. Lý Chiêu Hoàng trở thành hoàng hậu Chiêu Thánh. Lý Chiêu Hoàng làm hoàng hậu 7 năm mà vẫn chưa có con. Tháng 8 năm Nhâm Thìn (1234), Trần Thủ Độ ép chị ruột của bà là Lý Thuận Thiên (vợ Trần Liễu, anh ruột Trần Cảnh) đã có mang 4 tháng lấy Trần Cảnh, tôn làm hoàng hậu, giáng Lý Chiêu Hoàng xuống, bắt làm phu nhân của Trần Liễu. Bà chống lại việc làm “thương luân bại lý” đó, bỏ Trần Liễu, ra ở chùa Trấn Quốc, đất Tây Hồ để giữ trọn đạo làm người. Truyền rằng, năm Mậu Dần (1278), Lý Chiêu Hoàng về thăm cố hương Cổ Pháp, giỗ tổ, ngày 23.9.1278, Lý Chiêu Hoàng trầm mình ở Bến Tắm, thọ 62 tuổi. Theo nguyện vọng trong huyết tâm thư, bà được nhân dân kính trọng đưa thi hài về táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ lăng Thiên Đức hương Cổ Pháp quê nhà. Ngay gần lăng Lý Chiêu Hoàng, từ xưa nhân dân đã xây dựng đền Rồng để tưởng nhớ, thờ phụng bà.

Posted Image

Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử đền Rồng trước khi phá dỡ đền

Đền Rồng đã được xây cất từ thế kỷ XIII

Cuốn Di tích lịch sử Đền Đô của tác giả Nguyễn Đức Thìn (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc 2009) ghi rõ: Đền Rồng thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng ở thôn Long Vĩ, xã Đình Bảng, Bắc Ninh. Đền được khởi dựng từ cuối thế kỷ XIII (cách đây hơn 700 năm) cuối thời Trần Nhân Tông (1281). Khu đất khi mới dựng đền rộng tới 2,7 mẫu sào Bắc bộ (9.300m2), trên đó là vườn rừng, đủ các loại gỗ, chim thú quý. Đền thờ có điện thờ Lý Chiêu Hoàng và ngôi nhà được kiến trúc đẹp. Đền gồm nhiều nhà nhiều gian, cột xà, bẩy kẻ đều bằng gỗ lim quý giá, mái lợp ngói mũi hài. Đền có sân rộng, hai bên sân có hai tòa giải vũ. Phía ngoài có hai dãy nhà khách, mỗi dãy bốn gian, quanh đền cây cối thâm u rợp bóng.

Trải qua năm tháng biến động, đền qua nhiều lần đổ nát tu bổ, dựng lại, cho đến nay khu đất dựng đền chỉ còn 3.000m2, rừng cây xưa chỉ còn hai cây nhội và một cây duối cổ thụ. Cổng vào đền có chạm nổi chữ “Long Môn Điện”, hai bên chạm 2 câu đối “Môn hướng đoài phương đa khí sắc. Địa trường thang ốc tối kỳ quan” - tạm dịch “Cửa hướng phía Tây nhiều khí sắc. Đất là thang mộc một kỳ quan”. Tòa tiền đường năm gian mới sửa chữa lại, rút bớt cột gỗ xây cột gạch, bắc quá giang, nền gạch hoa. Trước nhà xây tường hoa quá mái, trên đề 3 chữ “Lưu Ly Điện”.

Phía sau tiền đường có một gian chuôi vồ hậu cung, trong đó đặt đền thờ Lý Chiêu Hoàng, tượng Bà đầu đội mũ miện kim khôi, mình khoác áo bào ngồi trên ngai, trước mặt có các đồ thờ, đèn cầy ống hoa. Trước điện treo bức hoành phi đề “Hậu Triều Lý Thị” (Vua cuối triều Lý). Hai bên có hai câu đối: “Tứ phương minh tích ngưỡng lưu quang, bát diệp nghi xuân thừa kế tự. Lý triều bát diệp hương bảo ngọc, Long miếu thiên thu sử kim biên”. Tạm dịch: “Bốn phương tích rõ dài lâu sáng, tám điện đón vua kế tiếp thờ. Tám vua triều lý thơm ngọc quý, miếu Rồng ngàn năm sử vàng ghi”.

Posted Image

Bảng tu bổ di tích đền Rồng treo tại sân đền

Thời Pháp thuộc đền Rồng là nơi nghĩa quân tham gia vụ Hà Thành đầu độc và nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, nghĩa quân Đội Cấn, nghĩa quân khởi nghĩa Thái Nguyên... ẩn náu đánh giặc. Đền Rồng được nhân dân xã Long Vỹ, Đình Bảng công đức trùng tu, chăm lo bảo vệ, lo việc thờ cúng Lý Chiêu Hoàng thường ngày. Đền Rồng có lễ hội hằng năm vào ngày 23 tháng 9 âm lịch, tưởng niệm ngày hóa của vua bà Lý Chiêu Hoàng.

Việt Chiến - Sĩ Tá

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay