Posted 3 Tháng 4, 2009 Trùng tu, hết chịu nổi! Đau lòng trước thực trạng hàng loạt di sản sau khi trùng tu trở nên kệch cỡm, phản cảm, nhà văn Nguyên Ngọc cất lên lời khẩn thiết này. Câu chuyện bắt đầu từ đền Đô (Bắc Ninh)... Quả thật bây giờ mỗi lần đi thăm các đền chùa lại thấy ngại. Ngại gặp sản phẩm trùng tu. Một ngày gần đây, một số anh em đồng học cũ chúng tôi năm nào cũng họp lớp, họp trường mãi chẳng còn gì nhiều để nói, bèn rủ nhau làm một chuyến du xuân sang bên kia sông Hồng về vùng văn hóa Kinh Bắc nổi tiếng. Thời gian không nhiều, chúng tôi chỉ thăm chùa Bút Tháp, chùa Man Nương, chùa Dâu và buổi chiều qua đền Đô. Đã là văn hóa, phải giữ từng ngày... Bút Tháp vẫn còn đẹp, Man Nương và chùa Dâu cũng thế. Theo tôi biết, một lẽ quan trọng (và đáng buồn): các nơi ấy không - hay là chưa? - được trùng tu những năm gần đây! Tôi sang đây nhiều lần, không lần nào không kinh ngạc về các tượng ở đấy, mỗi lần cứ như được khám phá thêm, vẫn sững sờ về khuôn mặt rất Phật mà rất đời, rất nhân loại mà vô cùng Việt, xưa mà hiện đại quá chừng của Man Nương, của các bà chúa “thuần nôm” ở các chùa Mây, Mưa, Sấm, Chớp, những tượng chân dung hiện thực đến lạ lùng ở Bút Tháp, hơn nửa thiên niên kỷ rồi vẫn đau đáu nỗi đau của những ông hoàng, bà chúa xưa bị giằng xé đến rách nát cả kiếp người giữa hạnh phúc riêng và quyền lực rồi hóa cũng chỉ phù du... Thôi thì cũng còn được một số ít nơi như thế để thỉnh thoảng tìm về, suy ngẫm và được đắm mình trong văn hóa của cha ông nghìn năm không phai. Tôi cũng được biết các chùa ấy còn giữ được như thế một phần nhờ một người họa sĩ say mê và am hiểu sâu sắc lịch sử và văn hóa cả một vùng đất này, say mê đến mức bỏ nhà sang ở ngay chùa, được mọi người trong chùa và bà con quanh vùng tin cậy, quý trọng gọi là “thầy”. Có dạo một đại gia đem cúng chùa Bút Tháp hai lọ sứ Giang Tây cao lút đầu người, nếu ở nơi khác chắc đã được đem chưng sang trọng hai bên bàn thờ Phật rồi sẽ lạc lõng, kệch cỡm, chùa ta biến thành chùa Tàu, mà lại khó ngăn cản nổi. Ông họa sĩ của chúng ta đã khéo léo cho đặt tạm hai cái lọ trọc phú kia ngoài hiên như là của ai gửi nhờ đấy, rồi lần sau tôi sang thì không còn thấy nữa, dẹp luôn đâu đó rồi. May quá! Hành động nhỏ ấy đã cứu Bút Tháp một phen không nhỏ, tôi dám nói thế. Văn hóa là vậy, tinh tế đến mức mong manh, một chút thô bạo có thể phá hỏng cái quý nghìn năm và mở đầu cho sự tàn hủy sẽ liên tục không ngừng. Đã là văn hóa thì phải giữ từng ngày... Tai họa của trùng tu Sơn mới bằng... sơn Nhật Hôm trước tôi có nghe GS Phan Huy Lê kể ông rất xấu hổ khi đưa một số bạn nước ngoài lên thăm chùa Tây Phương, định khoe với các bạn những pho tượng la hán tuyệt vời. Khi đến nơi thì tất cả vị la hán ấy đã được sơn mới lại hết bằng... sơn Nhật. Chắc cả nước đều biết loại sơn hằng ngày vẫn được quảng cáo trên tivi: “Sơn Nippon sơn đâu cũng đẹp”! Buổi chiều có mấy người trong đoàn nằng nặc đòi sang đền Đô, mặc dù nghe nói bên ấy trùng tu làm hỏng hết rồi, chẳng nên sang làm gì. Đền Đô tức là đền Lý Bát Đế, thờ tám vị vua đời Lý, hẳn được trùng tu cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sắp tới (đương nhiên ý nghĩa to lớn như vậy ắt được tiêu không ít tiền). Hóa ra đi đền Đô cũng không uổng phí. Để mà biết thêm cái gọi là trùng tu các di tích văn hóa lịch sử đang gây tai họa tới mức nào. Quả thật có điều gì đó hầu như không thể tưởng tượng nổi. Ngay trước cổng đền là hai con sư tử... Tàu, ai đã đi Trung Quốc hẳn đều biết. Những con sư tử to tướng, khách sạn nào ở bên ấy cũng có đặt trước cửa, không ai bảo là không đẹp, nhưng chắc chắn chẳng ăn nhập gì hết với bất cứ đền chùa nào của ta. Vậy người ta định làm gì ở đây, các nhà trùng tu? Triển lãm văn hóa Trung Hoa chăng? Đố ai hiểu được. Nhắm mắt bước qua hai con sư tử hùng vĩ ấy rồi vào đến tiền sảnh liền gặp hai tượng... người gì đây nhỉ? Là người Việt thời sơ khai chăng: ở trần, thân hình sơn trắng phau đến ngỡ bằng sứ, đầu quấn khăn đỏ, lại đóng khố đỏ, không thể không liên tưởng ngay đến... các chú Tễu rất vui mắt ở các phường rối nước. Cứ thế, cứ thế, các sáng tác độc đáo cái sau không kém cái trước, lần vô đến gian chính thờ tám vị vua Lý, đương nhiên có Lý Thái Tổ ngồi giữa, tất cả đều được sơn son thếp vàng rực rỡ, mới toanh. Và ngẩng lên: suốt mấy gian, gian nào cũng lấp lánh những chùm đèn Tây to tướng, óng ánh, đúng nguyên đèn chùm sang trọng vẫn thấy ở... khách sạn Continental hay Rex Sài Gòn... Hết chịu nổi, tôi quay ra. Và lần nữa tôi kinh ngạc: các bạn tôi, đều là những chuyên gia trong nhiều ngành khoa học, những người trí thức, tôi xin lỗi các bạn ấy, các bạn tôi điềm nhiên đi ngắm hết chỗ này đến chỗ nọ, vẫn cung kính và tấm tắc nữa, không ai có chút phản ứng nào trước đền thiêng đã bị làm đỏm kệch cỡm kia. Chẳng lẽ văn hóa của xã hội ta đã đến mức ấy, từ người quản lý văn hóa, người là chuyên gia trùng tu đến người trí thức, người dân thường? ...Chắc chắn không thể kể hết những di tích đã bị trùng tu đến mức không còn cứu chữa được nữa. Có người đã khẩn thiết kêu gào, không hề quá đáng đâu: Xin đừng trùng tu gì hết, chạm đến đâu là hỏng đến đó. Các di sản vô giá đang ngắc ngoải dưới bàn tay trùng tu. Nguyên Ngọc (Theo Tuổi trẻ Online) Share this post Link to post Share on other sites
Posted 4 Tháng 4, 2009 bài này hài vãi! Nhưng đọc xong thấy...buồn! Share this post Link to post Share on other sites
Posted 4 Tháng 4, 2009 Tài nguyên quốc gia, khai thác hay tàn phá? Di sản cũng bị băm lấy đá Thanh Niên Online 04/04/2009 22:50 Khai thác đá bừa bãi trong vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: T.Q.Nam Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, động Phong Nha là những thắng cảnh nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Thế nhưng, loạn khai thác đá cũng không nương tay với các di sản này. Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm trong khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000 ha ở miền tây tỉnh Quảng Bình với khoảng 300 hang động và hệ sinh thái đặc biệt. Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, hệ thống sông ngầm cùng hệ động thực vật quý hiếm được đưa vào sách đỏ thế giới và Việt Nam. Động Phong Nha nổi bật nhất ở đấy được đánh giá như đệ nhất kỳ quan động. Núi Vọng Phu trong quần thể động Tam Thanh (thuộc địa bàn P.Tam Thanh, TP Lạng Sơn), còn được gọi là núi Tô Thị. Trên đỉnh núi có một khối đá tự nhiên hình một người phụ nữ bồng con hướng nhìn về phương xa gắn liền với truyền thuyết nàng Tô Thị. Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, dân quanh vùng này nổ mìn lấy đá nung vôi dưới chân núi Tô Thị đã làm đổ bức tượng đá tự nhiên này. Sau đó, “tượng” đã được phục chế bằng xi măng và đặt tại vị trí cũ. (H.D) Nhiều giá trị to lớn đang chất chứa trong lòng di sản, thế nhưng từ trước đến nay đang xảy ra một nghịch lý đó là cách quản lý và khai thác đá bừa bãi. Mới đây, vào cuối tháng 3.2009 tại “điểm nóng” xã Phúc Trạch, H.Bố Trạch (thuộc vùng đệm của vườn), cư dân vẫn ngang nhiên khai thác đá ở một vị trí sát nách đường Hồ Chí Minh. Rất may lúc đó có đoàn cán bộ trung ương và địa phương đi qua đã can thiệp kịp thời và yêu cầu có những biện pháp chấn chỉnh. Điều đáng nói, việc khai thác đá trái phép ở đây diễn ra triền miên nhưng không bị xử lý rốt ráo. Khi trao đổi qua điện thoại với Thanh Niên vào chiều 4.4, Chủ tịch UBND H.Bố Trạch Nguyễn Cẩm Sơn cho rằng: “UBND huyện đã có văn bản yêu cầu các đơn vị không được cho phép khai thác đá trên địa bàn gần khu vực bảo vệ, nếu có thì phải xử phạt và thu giữ phương tiện máy móc. Nhưng hiện chúng tôi cũng không biết chính xác ranh giới và diện tích vùng đệm vì chưa có văn bản chính thức nào gửi đến thông báo về điều này...”. Trước đây, di sản Phong Nha - Kẻ Bàng suýt bị băm nát bởi những đội quân khai thác đá có phép! Theo tư liệu, trong quá trình vận động công nhận di sản, UBND tỉnh Quảng Bình lại đi cấp phép khai thác đá cho 2 đơn vị trên địa bàn. Được phép, họ chọn ngay những quả núi đẹp, nằm ngay địa bàn xã Sơn Trạch thuận tiện cho việc chuyên chở để cắt xẻo. Ngày này qua ngày khác, công nhân và xe máy hoạt động tất bật, rúng động cả một vùng. Có điều, lúc đá nguyên dạng giữa khu thiên nhiên như thế thì nhiều giá trị chứ khi đã hạ xuống bán thì rẻ như bèo! Tính giá thời điểm đó, mỗi xe tải đá hộc về xây kè, lát móng nhà thì chỉ 50.000 đồng còn đá xay ra dầm bê tông thì 100.000 đồng/xe. Ngày ấy, người dân các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch ồ ạt bỏ nghề nông, sắm xe cộ và phương tiện ra núi xẻo đá bán kiếm tiền. Mãi khi dư luận lên tiếng phản đối mạnh, chính quyền tỉnh Quảng Bình mới rút lại giấy phép khai thác của 2 đơn vị trên. Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng Lưu Minh Thành cho biết: “Trước đây, có một số mỏ đá được cấp phép khai thác trong khu vực nhưng bây giờ đã ngưng, đã có quy hoạch chỉnh sửa. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác lén lút làm ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan và môi trường. Các điểm khai thác nằm gần đường Hồ Chí Minh rất mất mỹ quan và dù không ảnh hưởng trực tiếp vấn đề bảo vệ nghiêm ngặt trong vườn nhưng ảnh hưởng gián tiếp việc bảo tồn vùng đệm. Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với các cấp xã, huyện trên địa bàn để có những biện pháp ngăn chặn”. Tấn công di tích Ngoài một số điểm khai thác đá gây ô nhiễm môi trường ở Bình Định, cảnh quan một số khu vực núi từng là căn cứ cách mạng trong chiến tranh, được công nhận di tích cũng bị xâm hại. Điển hình tại di tích lịch sử - văn hóa quốc gia núi Bà. Một số người dân định cư quanh núi Bà thuộc các xã: Cát Tiến, Cát Nhơn, Cát Hưng... (H.Phù Cát) thường xuyên lên núi khai thác đá trái phép, dùng xe công nông chuyển đi các vùng phụ cận tiêu thụ. Theo quan sát của PV Thanh Niên, nhiều tảng đá lớn quanh di tích Hang Đá Chẹt đã bị chẻ nát. Tại vùng núi An Tường (xã Nhơn Tân, H.An Nhơn), nạn khai thác đá granite xảy ra những năm trước đã gây sạt lở, ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên... Một vụ đốt rừng đệm Phong Nha - Kẻ Bàng để khai thác đá tại xã Phúc Trạch, H.Bố Trạch - Ảnh: T.Q.Nam Còn việc khai thác đá ồ ạt ở Thanh Hóa suốt một thời gian dài, vừa làm cho môi trường sinh thái ở các khu vực gần mỏ đá bị hủy hoại nặng nề, đặc biệt còn khiến nhiều di tích lịch sử, văn hóa nằm ở gần các khu vực mỏ đá bị đe dọa. Điển hình như hòn Vọng Phu ở khu vực núi Nhồi, huyện Đông Sơn suýt bị hủy hoại vì khai thác đá. Cũng may, các cơ quan chức năng đã sớm phát hiện, ra lệnh cấm khai thác đá ở khu vực núi Nhồi nên đã cứu được hòn Vọng Phu khỏi bị sụp đổ. Tuy vậy với một bên sườn núi bị khai thác nham nhở, đã khiến toàn bộ khu vực núi Nhồi mất đi vẻ đẹp hữu tình vốn có của nó. Thời gian gần đây việc khai thác đá ở núi Tiên Sơn Linh Mẫu cũng đang phá vỡ cảnh quan của cụm di tích chùa Hoa Long, thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Ngọn núi Tiên Sơn Linh Mẫu còn có tên gọi khác là núi Chung Vinh, nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Ninh, Vĩnh An, Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc có chiều dài khoảng 2km, cao khoảng 500m. Phía sau ngọn núi này còn có 2 hang động lớn là động Kim Sơn và động Tiên Sơn. Đây là hai hang động đẹp và đã được xét duyệt công nhận là di tích danh thắng. Nhưng từ vài năm trở lại đây, dưới chân ngọn núi này, có hai cơ sở khai thác đá là Công ty Hà Thanh và HTX Vĩnh Minh được cấp phép tiến hành khai thác đá đang làm mất đi vẻ đẹp của ngọn núi... Đình Phú - Ngọc Minh - Nguyễn Thị Hảo Khai thác kiểu lạc hậu Bình Định là địa phương có nguồn đá nguyên liệu dồi dào. Địa hình phân bố có tới 3/4 là núi đá, riêng trữ lượng đá granite (một loại đá quý, có giá trị xuất khẩu cao) khoảng 700 triệu m3. Những năm trước, tại khu vực núi Hòn Chà (thuộc địa bàn TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước) có nhiều doanh nghiệp đăng ký khai thác đá granite. Do khai thác tràn lan gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư và hoạt động sản xuất của khu công nghiệp Phú Tài nên UBND tỉnh quyết định ngừng khai thác. Tuy nhiên hiện nay, việc khai thác đá quanh khu vực núi Hòn Chà xuất hiện trở lại dưới nhiều hình thức. Quy mô khai thác lần này khá nhỏ lẻ, nhưng nhiều tảng đá ở trên cao đã bị “móc” xuống khiến triền núi loang lổ. Mỏ khai thác đá granite và đá xây dựng ở núi Kỳ Sơn thuộc thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, H.Tuy Phước (Bình Định) một thời cũng gây ra nhiều hệ lụy. Nguồn nước lâu nay họ sử dụng có ở khe đá lưng chừng núi. Việc đào bới đất đá đã triệt nguồn nước này khiến đời sống gặp nhiều khó khăn hơn. Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh có trữ lượng các loại đá thuộc hàng lớn nhất cả nước, trong đó đá granite có chất lượng cao, rất được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc quản lý lỏng lẻo, thiếu quy hoạch của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng khiến cho nguồn tài nguyên này bị khai thác một cách tràn lan, với công nghệ lạc hậu gây lãng phí rất lớn. Để có mỗi năm 6 triệu m2 đá ốp lát xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, Thanh Hóa phải lãng phí tới hàng trăm nghìn m3 đá nguyên liệu bị hỏng. Đ.P - N.M - N.T.H Trương Quang Nam Share this post Link to post Share on other sites
Posted 11 Tháng 4, 2009 Đền thờ Lý Chiêu Hoàng bị đập bỏ để xây mới 11/04/2009 1:04 Chiều 10.4, tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nhiều người xôn xao về thông tin đền thờ Lý Chiêu Hoàng (vị vua cuối cùng của triều Lý), còn gọi là đền Rồng, tại Đình Bảng (tỉnh Bắc Ninh) vừa bị ngang nhiên đập bỏ hoàn toàn với mục đích để xây mới. Đền thờ Lý Chiêu Hoàng trước và sau khi bị phá dỡ - Ảnh: Sĩ Tá Việc phá dỡ, xây mới đền do UBND P.Đình Bảng, thị xã Từ Sơn làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TNHH Kiến trúc và công nghệ mới, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa T.Ư, đơn vị tư vấn giám sát là Trung tâm Quy hoạch đô thị - nông thôn Bắc Ninh. Tại hiện trường, tấm bảng ghi rõ “Công trình: tu bổ đền Rồng, P.Đình Bảng, thị xã Từ Sơn”. Như vậy đã quá rõ ràng, người ta lợi dụng việc tu bổ một di tích lịch sử để đập bỏ hoàn toàn và xây mới lại. Cùng ngày, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thạc Chỉnh, người gốc Đình Bảng (đang cư trú ở Hà Nội) bức xúc: “Tôi đã nổi cơn đau tim khi thấy cảnh đền thờ Lý Chiêu Hoàng bị san bằng. Nhiều người dân ở đây ngậm ngùi về ngôi đền cổ hàng trăm năm tuổi đã bị ngang nhiên dỡ bỏ và thay vào đó là tấm bảng giới thiệu về ngôi đền mới 5 gian lạ hoắc sắp được xây mới. Dân làng tôi vừa đón bằng di tích văn hóa lịch sử đền Rồng đầu năm nay thì vài tháng sau họ phá bỏ ngôi đền cổ để xây đền mới, thế thì còn gọi gì là tôn tạo tu bổ di tích lịch sử nữa. Đau lắm, vì ngôi đền cổ kính này gắn bó bao đời với những kỷ niệm của người làng tôi”. Còn ông Nguyễn Thạc Nhân - Trưởng ban Quản lý di tích đền Lý Chiêu Hoàng buồn rầu cho biết: Trước khi động thổ, phá dỡ ngôi đền cũ, công nhân được lệnh bê hết tượng mang đi chỗ khác. Khi bị phản đối, họ mới mang bức tượng Lý Chiêu Hoàng trở lại, làm lễ động thổ xong họ lại mang xuống nhà ngang, rồi tiếp tục phá dỡ ngôi đền cũ. Đến thời điểm hiện nay, việc phá dỡ đền Lý Chiêu Hoàng đã hoàn tất. Vấn đề có hay không việc hủy hoại một di tích lịch sử đang cần được UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chức năng làm rõ. Việt Chiến - Sĩ Tá Share this post Link to post Share on other sites
Posted 20 Tháng 4, 2009 Làm sai cũng bằng phá hoại (Dân trí) - Đền thờ Lý Chiêu Hoàng ở Đình Bảng - Bắc Ninh được tu bổ bằng cách đập nát hoàn toàn. Chuyện không thể tưởng tượng đó đã có thật, xảy ra ngay trên chính vùng đất có bề dày văn hóa - lịch sử Bắc Ninh. Đơn vị quyết định san phẳng di tích là UBND phường Đình Bảng, là chủ đầu tư công trình tu bổ di tích nhưng thực sự là xây mới hoàn toàn. Họ quá gan, vài cán bộ của một phường lại dám quyết định đập bỏ một di tích thì quả là làm chuyện tày trời. Mọi lý giải của họ đều không thuyết phục, bởi vì không có một kiểu tu bổ nào dại dột như thế, và không có lối xử lý với di tích tàn bạo như vậy. Từ nay, ngôi đền di tích Lý Chiêu Hoàng biến mất, con cháu mai sau chỉ còn thấy được trong phim ảnh. Nhưng đáng buồn hơn là không chỉ đền Lý Chiêu Hoàng bị con người đối xử như thế. Còn nhiều công trình văn hóa, di tích khác trên đất nước này cũng đang bị biến dạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đình làng, đền miếu đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia nhưng để trơ gan cùng tuế nguyệt. Nếu có triển khai các dự án trùng tu, thì không ít công trình cổ bị tân trang theo kiểu đình trăm tuổi biến thành một tuổi. Người ta trẻ hóa di tích một cách xấu hổ, u mê và lãng phí. Nhiều tượng phật, cổ vật trong các khu di tích đó bị trộm cắp, thất thoát, chuyển từ tài sản quốc gia thành của riêng. Đình Đông Húc, xã Đông Quang, huyện Ba Vì -Hà Nội bị mất đôi hạc cổ, đẹp và cao lớn nhất trong hệ thống đình 4,5 m. Nhiều nơi, cổ vật được xích lại nhưng cũng vẫn bị mất như đình Đông Viên. Rồi một pho tượng quý ở chùa Bút Tháp bị mất, sau này phải tạc lại để thay thế. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ trong vòng một tháng, mất tới 1000 pho tượng cổ, 37 đạo sắc phong gốc, bốn hạc thờ và nhiều hiện vật cổ quý hiếm khác. Việt Nam không có nhiều di tích, hiện vật cổ quý hiếm, nhưng việc gìn giữ và bảo vệ quá yếu kém nên những thứ quý giá ít ỏi đó tiếp tục bị phá hoại hoặc đội nón ra đi. Giữ gìn di tích như giữ gìn hồn vía của dân tộc, thậm chí là giữ bảo vật chứng minh chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Điển hình mới nhất là tờ lệnh quý của Vua Minh Mạng sắc phong cho gia tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi cách đây 175 năm. Đây là một trong những chứng cứ góp phần củng cố thêm vào hồ sơ tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo di tích văn hóa không thể làm bừa. Việc này chỉ được giao cho người giàu trí tuệ, có văn hóa, tình yêu nghề nghiệp và có tinh thần trách nhiệm với đất nước. Lê Chân Nhân Share this post Link to post Share on other sites
Posted 20 Tháng 4, 2009 Bức xúc chuyện trùng tu di tích (VOV) - Gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử là gìn giữ tâm hồn của cộng đồng chứ không phải là đổ tiền vào các dự án xây dựng để rồi mất thời gian bàn cãi. Ngày 18/4/2009, vovnews.vn Gửi mẹ cái Mùa. Tôi đã nhận được hồi âm của mẹ nó về mấy “dự án” làm giàu. Đọc thư, tôi cũng hình dung ra nụ cười hiền hậu của mẹ nó: “Bố cái Mùa lại nhớ quê rồi, đâm mơ mộng”. Thì đúng là vậy, chỉ mẹ nó là người hiểu tôi. Cái sự nhớ quê của tôi không phải bỗng dưng mà đến. Dạo này, bác giáo Bình có mấy mối khách quen thường kêu chở đi lễ lạt. Mỗi lần đi về, bác ấy lại thở dài thườn thượt, kể chuyện những đền, những chùa được sửa chữa trùng tu mà chẳng còn giữ được chút hồn cốt nào. Bác ấy bảo: “Trùng tu như thế chẳng bằng phá hoại!” - Đất khách quê người, anh em tôi thân thiết quá người nhà, thấy tâm trạng của bác ấy như thế, tôi cũng muốn chia sẻ. Song, về cái lĩnh vực văn hóa này, kiến thức của tôi một khiếu cũng chẳng thông, biết phải nói gì? Hôm qua, bác giáo Bình mang về mấy tờ báo viết chuyện người ta phá đền thờ bà Lý Chiêu Hoàng để xây mới. Chờ tôi đọc xong, bác ấy than: “Mượn việc trùng tu để kiếm ăn, nhẫn tâm phá nát cả một di tích có lịch sử gần ngàn năm. Quá thể!” - Tôi biết, không chỉ riêng bác giáo Bình, bất cứ ai có lòng trân trọng lịch sử cũng sẽ đau xót vì việc này. Song, hình như giống như bác giáo Bình, các nhà văn hóa đang lên tiếng bày tỏ sự bức xúc xung quanh chuyện trùng tu đều mới chỉ quan tâm tới phần ngọn của vấn đề. Đó là phương pháp, là quan điểm trùng tu di tích. Tôi chỉ là một anh nông dân, đương nhiên không đủ lý luận để bàn về việc đó. Tôi chỉ bằng quan sát thực tế của mình mà hiểu rằng hình hài vốn dĩ không phải điều quan trọng nhất tạo nên sức sống, sự trường tồn của một di tích văn hóa lịch sử. Cái đình làng mình ấy, trải qua mấy trăm năm mà vẫn còn nguyên vẹn là bởi được người dân giữ gìn. Một tấm bằng chứng nhận di tích cũng không có, nhưng có cần đâu. Chẳng tấm giấy chứng nhận nào bằng được tâm ý muốn gìn giữ di sản của cha ông của người dân. Ngôi đình làng mình cũng chưa bao giờ nhận được một đồng tiền ngân sách trùng tu. Nhưng bao đời nay, mỗi khi có việc, dân làng mình vẫn kẻ góp công, người góp của để tu tạo ngôi đình bởi họ tự hào về truyền thống lịch sử của làng, tự hào về vẻ đẹp của ngôi đền. Làng mình nghèo, làm gì có trăm tỷ, chục tỷ để trùng tu, thế mà từ mảnh tường vá lại đến viên gạch lối đi mưa gió xói mòn vẫn khiến tôi mỗi khi bước tới lại xao xuyến trong lòng. Nghe tôi nói về ngôi đình làng mình, bác giáo Bình trầm ngâm: “Có lẽ chú nói đúng, chẳng có một dự án trùng tu di tích văn hóa nào thành công nếu như không gìn giữ được tình yêu trong trái tim của người dân về truyền thống văn hóa của cha ông. Gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử là gìn giữ tâm hồn của cộng đồng chứ không phải là đổ tiền vào các dự án xây dựng để rồi mất thời gian bàn cãi. Ngẫm cho cùng, chẳng có nhà văn hóa nào hiểu rõ một công trình bằng chính những người dân mà các thế hệ cha ông họ đã gia công gìn giữ công trình đó qua mọi biến cố của thời gian!” - Tôi ngồi nghe, thầm phục bác giáo Bình vì đã nói lên được cái suy nghĩ của tôi một cách minh bạch như thế. Song, sau chuyện này, trong mắt bác giáo Bình, cái tầm văn hóa của Cả Chiêm tôi chắc cũng không đơn giản. Mẹ cái Mùa có công nhận là tôi cũng đáng nể không?./. Cả Chiêm www.thanhnien.com.vn Đập phá và... trùng tu 13/04/2009 0:28 Về vụ “đập phá để xây mới” đền thờ Lý Chiêu Hoàng ở Đình Bảng (Bắc Ninh) mà Báo Thanh Niên đã đưa tin và bài viết rất kỹ, thì điều đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên là: hồi tháng giêng 2009, ngôi đền có lịch sử hơn 700 năm này mới được công nhận là “di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh” - một sự công nhận quá muộn màng và không xứng đáng với lịch sử ngôi đền, với nhân vật được thờ tự trong ngôi đền là “vua bà Lý Chiêu Hoàng”. Một người biết đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi dòng tộc, một người yêu nước có tầm vóc lớn lao mà tới bây giờ ta vẫn chưa hiểu hết những quyết định, những hành động của bà. Lý Chiêu Hoàng là một nhân vật lớn và độc đáo trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Chính sự độc đáo và không dễ hiểu của bà đã khiến bà được thờ tự riêng tại đền Rồng chứ không phải ở đền Đô. Lâu nay, những chuyện gọi là "trùng tu di tích" theo kiểu "đập phá để xây lại" hoặc "biến cổ thành tân" rồi "tân cổ giao… vô duyên" xảy ra ở khắp nơi chứ không riêng ở đất Kinh Bắc. Nhưng tới mức như vụ đền thờ Lý Chiêu Hoàng, người ta đang tâm đập phá tháo dỡ để "làm lại" thì kinh hoàng quá! Vì sao người ta dám làm những điều mà "xưa nay chưa ai dám" như thế? Thực ra, lý do rất đơn giản: người ta coi di tích như những "dự án", mà đã là dự án thì trùng tu lớn chừng nào, làm mới tới chừng nào thì tập trung được kinh phí cao chừng ấy. Người ta coi những di tích lịch sử, dù được xếp hạng ở cấp nào, cũng chỉ như những "công trình bị xuống cấp" cần tu bổ, tiến tới trùng tu, và tiến tới cùng là đập bỏ để xây mới. Vì thế mới xuất hiện những di tích sau khi trùng tu và nhất là xây mới xong thì không ai hiểu di tích này thuộc thời đại nào, thậm chí những bức tượng hay hoành phi trong di tích là thuộc văn hóa nước nào. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã kêu trời về thực trạng trùng tu di tích theo kiểu "chém to kho mặn" này, có những chuyên gia đã đề nghị cách tốt nhất để bảo quản di tích là cứ để nó… yên vị như cũ, đừng động "dao thớt" vào! Điều đó không hẳn đúng, vì có những di tích sẽ bị hư hại phần lớn hay hoàn toàn nếu không được trùng tu, như những tháp Chăm chẳng hạn. Nhưng vấn đề là trùng tu thế nào, trùng tu vì mục đích gì? Vì muốn bảo vệ di tích, hay vì muốn có dự án, tăng thu nhập? Bởi bây giờ người ta hay nói: "Có làm mới có ăn", mà "làm" kiểu nào và "ăn" kiểu gì thì ai cũng đã biết! Hành động đập phá như ở đền thờ Lý Chiêu Hoàng rõ ràng là phạm pháp, nhưng nếu không có sự thống nhất và chấn chỉnh từ gốc thì việc "trùng tu", thậm chí "tu bổ" cũng sẽ làm biến dạng, hư hoại di tích từ những phần quý giá đáng bảo tồn nhất của nó. Mà những hoạt động "trùng tu theo kiểu… phá" như thế đã và đang xảy ra khắp nơi. Vấn đề là cần một đội ngũ những nhà trùng tu di tích có chuyên môn cao, có kiến thức rộng. Đội ngũ ấy không phải tự nhiên mà có, nhưng đã có rải rác trong cả nước. Nhưng họ chưa được tập hợp lại, chưa được dùng đúng với khả năng của họ. Và, tại sao không, chúng ta phải cử những sinh viên xuất sắc chuyên ngành hoặc cận chuyên ngành đi đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là ở những nước có những trường dạy chuyên ngành cao về trùng tu di tích. Chỉ có một chiến lược đúng đắn, cộng với sự cẩn trọng và đầy trách nhiệm, đầy lương tâm với đất nước và dân tộc thì mới ngăn chặn được nạn "trùng tu… đểu" các di tích và xây dựng một đội ngũ những nhà chuyên môn trùng tu thực sự các di tích. Điều cuối cùng là ai đứng ra bảo quản các di tích? Không thể giao những báu vật của tiền nhân cho những người thiếu hiểu biết, nhất là khi sự thiếu hiểu biết lại cộng với "nhiệt tình" phá hoại. http://clip.vn/watch/W7e8 Thanh Thảo Share this post Link to post Share on other sites