Thiên Sứ

Cội nguồn Văn Lang và lịch sử Nhật Bản

75 bài viết trong chủ đề này

Trong vòng 50 năm qua, nhiều người phương Tây từ Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ… cho đến nhiều nước châu Á, tất nhiên có Việt Nam, đã biết và thực hành phương pháp Thực dưỡng (tiếng Anh: Macrobiotics). Phương pháp này có một số cách thức mà chủ yếu nhất là cách ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, nổi tiếng do nhiều người trên thế giới đã áp dụng chữa khỏi nhiều trường hợp bệnh nan y, đặc biệt là ung thư, mà Tây y hiện đại bất lực. Cơ sở lý luận của Thực dưỡng do ông George Ohsawa (1893- 1966, người Nhật) đề xuất dựa hoàn toàn vào triết lý Âm Dương. Batin xin phép trích một bài viết của người Nhật này trong quyển “Chơi giữa vô thường – tác giả: George Ohsawa – dịch giả: Anh Minh Ngô Thành Nhân và Ngô Ánh Tuyết – NXB Thuận Hóa 2004” để hầu chuyện diễn đàn.

QUÊ HƯƠNG CỦA PHƯƠNG PHÁP THỰC DƯỠNG (1)

George Ohsawa – Anh Minh Ngô Thành Nhân dịch

Việt Nam ngày xưa từng gọi là An Nam, nghĩa là “Phương nam yên lành”. Chính ở xứ sở An Nam này dân chúng đã sống hoàn toàn đúng theo đạo trời Nguyên lý vô song (2), nghĩa là Vivere Parvo (3). Ở tận miền xa xôi của đại lục châu Á từ mấy nghìn năm nay, người An Nam vẫn sống trong cảnh thuận hòa khoáng đạt dù nghèo nàn, đi bộ, ăn bận đơn sơ và bằng lòng với những gì thiên nhiên ban cấp. Phần đông trú ngụ trong những căn nhà tranh vách lá và nuôi thân theo nguyên tắc chỉ dùng những thứ tuyệt đối cần thiết cho sự sống: không khí, nước, gạo không xát trắng tinh tức là cách ăn số 7 (4) trong phương pháp Thực dưỡng mà tôi đề xướng. Cách ăn như thế có thể phòng ngừa và chữa trị mọi chứng bệnh tâm thần lẫn thể chất dù là bệnh bị Tây y xem là “nan y, bất trị”.

Quyển sách phổ thông nhất của tôi “Le Zen Macrobiotique” được dịch sang tiếng Việt cách đây hai năm (5), lần xuất bản đầu tiên và thứ hai đã bán hết, tổng cộng có khoảng mười nghìn người áp dụng. Lời diễn giảng của tôi về dịch lý cổ xưa được lan truyền nhanh chóng, thật là một kỷ lục trong việc bán sách của tôi ở nước ngoài! Gần Huế có một làng quê độ 500 người đồng loạt thực hành phương pháp thực dưỡng sau khi chứng kiến hơn 10 trường hợp lành bệnh một cách “thần kỳ”!

Việt Nam là xứ sở “Vivere Parvo” từ mấy nghìn năm nay. Chính xứ sở đó là quê hương của phương pháp thực dưỡng! Người Việt Nam hiền dịu, mảnh mai, nhẹ nhàng, mềm mại, nhất là phụ nữ. Các bà các cô trông đơn sơ, yêu kiều, tươi tắn, đầy nữ tính, giỏi nấu ăn, siêng năng hơn phụ nữ của bất cứ nước nào trên thế giới, lại dẻo dai bền sức, có thể sinh đẻ và nuôi dưỡng nhiều con. Họ không ăn tợn uống nhiều. Tôi không gặp một phụ nữ nào to béo như thùng bia dù ở Huế hay Sài Gòn, thành thị hay thôn quê. Thật ngượng ngùng và khó chịu khi thấy một người đàn bà đi đứng khó khăn do sức nặng của cholesterol, chất đạm, chất mỡ tích tụ qua nhiều năm ăn thịt. Thực phẩm gốc động vật chỉ làm khoái khẩu chứ không cần thiết cho dân chúng ở xứ biết nghề nông. Không ai to tiếng. Họ nói nhỏ nhẹ gần như thì thầm, đi đứng không gây ồn ào dù mang guốc gỗ…

… Việt Nam đang lâm cảnh chiến tranh! Chẳng lẽ người ta tin rằng có thể dùng bạo lực bình định một xứ sở? Chẳng lẽ công lý là bạo lực? Tôi thì tin ngược lại…

… Tôi thích làm người bé nhỏ, yếu ớt, nghèo nàn, vô danh sống theo trật tự vũ trụ hơn là người vĩ đại quyền uy nhưng vi phạm đạo sống và luật thiên nhiên. Mọi đế chế lẫy lừng được tạo lập bằng bạo lực đều biến mất và không có ngoại lệ. Mọi sắc đẹp đều tàn phai. Mọi danh tiếng đều hư rỗng và mờ tan.

Có khởi đầu thì có kết thúc. Có bề mặt thì có bề trái. Càng khó càng vui. Các bạn đã học, hiểu và hành Nguyên lý vô song trong đời sống hàng ngày, vui vẻ chấp nhận mọi khó khăn và bạo lực thì cứ việc tiến bước thong dong trên con đường dù đơn độc của mình. Chỉ cần thấy ngắm nhìn một cách toàn diện những hỗn loạn điêu tàn, bạn sẽ thấy trật tự vũ trụ phô diễn trong từng khoảnh khắc.

Chú thích:

(1) Giáo sư Ohsawa viết bài này cuối tháng 5 năm 1965 sau khi đến Việt Nam thăm “Nhóm gạo lứt Việt Nam” – ND.

(2) “Nguyên lý vô song” là hệ thống lý luận của phương pháp thực dưỡng mà nội dung cơ bản không ngoài thuyết Âm Dương. – Batin.

(3) Vivere Parvo: sống theo cảnh nghèo, dù giàu nghèo cũng sống vừa đủ, không xa hoa phung phí; “thiểu dục tri túc” – ND.

(4) Cách ăn số 7: thức ăn hàng ngày chỉ gồm cơm gạo lứt và muối mè – Batin.

(5) Năm 1963 – Batin.

Lời bàn của Batin: “Cha đẻ” phương pháp Thực dưỡng, một người Nhật, đã xác nhận Việt Nam chính là quê hương của Thực dưỡng. Nếu những lời trên là ông nói thật lòng thì không biết nên cười hay mếu khi ngày nay người Việt đi học cách ăn, cách sống lành sạch từ người… Nhật! Và khi chính quyền ngày càng kêu gào dẹp hàng rong, hàng gánh còn người dân ngày càng đổ vào các KFC, Lotteria…, ngày càng xơi nhiều pizza, sushi… thì biết đâu trong tương lai xa xa chuyên gia Việt Nam ta xuất dương sang Tàu, sang Nhật học gói bánh chưng cũng không có gì là lạ.

Cọp chết để da, người chết để tiếng. Còn cái hồn nếu chết đi rồi biết để lại gì đây?

Share this post


Link to post
Share on other sites

hồi nhỏ Rin86 được bà kể cho nghe một câu chuyện về hổ và mèo như sau: "Hổ thấy mèo có võ săn mồi rất lợi hại bèn xin được làm học trò. Mèo đồng ý dạy hổ võ của mình, đến khi học xong hổ trở mặt đòi ăn thịt mèo. Thấy vậy mèo bèn trèo lên cây, hổ không biết trèo tức lắm bèn hỏi mèo tại sao không dạy cho mình cách trèo cây. Mèo trả lời rằng mèo giữ lại miếng võ cuối cùng để phòng thân, để nhỡ hổ trở mặt thì còn cơ chạy thoát. Hổ tức quá bèn đứng ở dưới nói rằng :"meo meo meo tao bắt được mèo ta ăn cả...cứt" Liệu đây có phải là câu chuyện về TQ và Việt Nam không nhỉ? Trung Quốc là hổ, Việt Nam là mèo, Trung Quốc học của Việt Nam nên nhìn na ná Việt Nam duy chỉ có điều là không biết trèo cây thôi.

Share this post


Link to post
Share on other sites

..............

Bí ẩn bộ bài Tổ Tôm, hay mối quan hệ Nhật - Việt chưa có giải đáp

Có một chuyện cũng lạ, liên quan tới cả Nhật và Việt, đó là bộ bài Tổ Tôm. Bài Tổ Tôm thì nhiều người miền Bắc và một số người trí thức Việt Nam hay chơi, nên cũng đã biết. Bộ bài gồm 120 lá, có 30 hình vẽ, chia đều mỗi hình vẽ 4 lá, đặc biệt có 7 hình vẽ có thêm dấu đỏ...

Lối chơi Tổ Tôm cần bốn người, có nhiều nước, khá cao. Người không quen có thể chơi theo kiểu Ðánh Chắn (bỏ bớt hàng nhất) cần năm người hoặc đếm số như "xì dách (tối đa 21 nút tức điểm, black jack)" của bài Tây gọi là Ðánh Bất (tối đa 11 nút) thì mấy người chơi cũng được. Những người mới chơi, không đọc được số bằng chữ Hán thì nhờ người biết đọc viết số bằng La Tinh trên lá bài.

Lạ ở chỗ là bộ bài này chỉ có người Việt chơi, người Nhật không chơi, người Hoa cũng không chơi (trừ một số ít Hoa Kiều ở Việt Nam). Nhưng những chữ viết trên lá bài là một loại chữ Hán (Kanji) kiểu cách, hơi giống Lệ Thư (Reisho) với nét cứng mạnh, gồm có bốn loại chữ là "văn, vạn, sách, thang, không biết có liên hệ gì với mạt chược, tiếng Nhật gọi là "majan" (ma tước) không? Còn các hình vẽ đều là hình vẽ của Nhật, có lẽ gốc là một lối tranh mộc bản (mokuhan, học từ Trung Hoa nhưng trở thành đỉnh cao mỹ thuật độc đáo của Nhật) đơn giản và nay thường do người Hoa in ra bán.

Ðặc trưng Nhật Bản rõ rệt nhất là tất cả các nhân vật đều mặc "Kimono" (Trước Vật) thời Edo (Giang Hộ), trong số này có 18 hình đàn ông (có 8 người bó chân), 4 hình phụ nữ và 4 hình trẻ em. Các hình cá chép (koi, lý), trái đào (momo), thành (shiro), thuyền (fune) cũng là những hình ảnh Nhật.

Tới nay, đã có một vài người nêu vấn đề xuất xứ của bộ bài từ đâu, lưu lạc thế nào mà để lại một dấu tích "bí ẩn" như vậy. Nếu ai biết xin lên tiếng hộ.

Phần trên được chúng tôi chính thức đưa lên nguyệt san Mekong số 53, tháng 11/1999. Trong khi báo còn đang in, thì ngày 1/11/1999, tình cờ xem TV đài NHK băng tần số 3, thấy Giáo Sư Yumio Sakurai (Anh Tĩnh Do Cung Hùng) thuộc Ðại Học Todai (Ðông Kinh Ðại Học) trình bày trong chương trình (Rekishi De Miru Sekai, Thế Giới Nhìn Bằng Lịch Sử) cũng đã đề cập đến "bí ẩn" của bộ bài Tổ Tôm.

Chúng tôi liên liên lạc hỏi thăm, thì được biết:

- Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã đề cập tới vấn đề này trong "Le To Tom, L'Annam Nouveau", 1932, vol. 125 - vol 143.

- Giáo Sư Kim Vĩnh Kiện (có lẽ là một người gốc Triều Tiên) biết đến Tổ Tôm qua cuốn trên và lần đầu tiên đề cập tới ở Nhật trong cuốn (Ấn Ðộ Chi Na - Nhật Bản Quan Hệ tức Quan Hệ Nhật Bản Và Ðông Nam Á) do nhà xuất bản Fuzanbo (Phú Sơn Phòng), Ðông Kinh, năm 1943). Giáo Sư đã cố gắng tra tìm nhưng không biết gì hơn chắc chắn đó là những hình phong tục Nhật.

- Giáo Sư Yumio Sakurai đã giới thiệu trong cuốn "Nihon No Kinsei 1, Nhật Bản Cận Thế, tập 1" do nhà xuất bản Chuo Koron Sha, Trung Ương Công Luận Xã, xuất bản năm 1992. Theo Giáo Sư, loại chữ ghi trên đó cũng lạ, không hẳn là chữ Hán bình thường, một số chữ có thể là chữ Nôm? Thực ra, tất cả chỉ là chữ Hán viết kiểu cách đi thôi.

Chúng tôi có đưa cho một số người Nhật đọc thử, họ đọc không được hoặc vừa đọc vừa đoán. Ðặc biệt lá bài "nhất thang" (chữ nhất viết theo lối cổ) có hình bà mẹ cho con bú, nét viết rất lạ (bộ ba chấm thủy viết thành hình số 8, chữ nhất dạng cổ cũng khó nhận ra) thì hầu như không ai đọc được.

Thêm một điểm cũng lạ là người Việt chơi bài và cờ hầu như không biết chữ Hán, nhưng nhận diện quân Cờ Tướng, Mạt Chược và quân bài Tam Cúc hay Tổ Tôm viết bằng chữ Hán thì không sai.

Cửa tiệm Mekong Center chúng tôi ở Nhật Bán thường bán bài Tổ Tôm cho người Việt (thanh niên miền Bắc) và cho người Nhật, họ không biết chơi, nhưng mua để nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc.

(trích nguồn: http://www.vysa.jp)

Tư liệu từ Phoenix.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bài chòi có lẽ là một hình thức bài còn cổ hơn cả Tổ tôm.

Bài chòi

Huỳnh Hữu Uỷ

trích từ Tạp chí Văn số Xuân Bính Tuất 2006

Suốt trên dải đất dọc miền Trung Trung bộ, từ Bình Trị Thiên qua Nam Ngãi và vào đến Bình Định, Phú Yên, cứ vào những ngày Tết đến lại xuất hiện trong sinh hoạt giải trí dân giã một trò chơi bài bạc mang nặng tính chất đình đám hội hè: trò chơi bài chòi. Bài chòi sử dụng những quân bài của bộ bài tới thường được chơi giữa sáu người là anh em, bà con trong gia đình, rồi biến thành một lối chơi nơi công cộng, trước sân đình làng hay bên đình chợ, ngồi trên 11 nhà chòi cao hai hay ba thước, năm chòi dựng bên trái, năm chòi dựng bên phải, ở giữa là một chòi “trung ương”. Đánh bạc không cốt ăn thua, mà chỉ để vui xuân, để giải trí, cốt để hô bài chòi, một loại sinh hoạt văn nghệ rất đặc biệt, đậm đà tính dân tộc, và có lẽ ít nhiều cũng mang hơi hướm một buổi trình diễn hát bội hay chèo tuồng nơi hương thôn ngày trước. Bài chòi, trước đây đã có nhiều người nghiên cứu và khảo sát khá kỹ, riêng về bài tới, cũng có một đôi người để ý đến nhưng chưa được đầy đủ gì lắm. Hôm nay, chúng ta sẽ thử lật lại xem một số quân bài tới, đặc biệt lưu ý đến những nét vẽ, hình tượng độc đáo trên các quân bài, độc đáo đến độ đôi lúc rất kỳ dị, khó hiểu [1] .

Posted Image

Tổ tôm điếm (trích từ sách Connaissance du Việt Nam)

Bài tới ở miền Trung cũng như tranh Tết ở miền Bắc, thường chỉ xuất hiện vào những ngày Tết đến, kéo dài trong tháng Giêng là tháng ăn chơi, rồi sẽ tàn nát đi vì chất liệu thô sơ, giản dị, nghèo nàn khi tháng Hai đến, khi nhân dân bắt đầu bắt tay trở lại với nhịp sống lao động sản xuất bình thường.

Không được bền chắc, đẹp đẽ và sang trọng như một bộ bài Tây hay bài Tàu, bài tới thường được in ra từ những làng quê xa xôi, hẻo lánh, theo kỹ thuật mộc bản, in trên giấy dó, giấy bản đã được phủ qua một lớp điệp, rồi bồi lên một lớp giấy cứng, mặt sau con bài được quét một lớp phẩm màu đỏ, xanh lá cây hay xám sẫm.

Trong chừng vài mươi năm trở lại đây, cách in ấn cũng như chất liệu làm thành quân bài chẳng được canh tân hơn chút nào mà lại còn kém đi nhiều, vẫn nét vẽ thô sơ, ngưòi ta không còn phủ điệp trước khi in nét vẽ đen lên, giấy in thì mỏng và xấu, rồi dán lên trên những tấm bìa cũng rất xấu. Chỉ có một điều mới, là ngày xưa, trên quân bài có những tên gọi ghi bằng chữ Nôm thì nay đã được đổi thành chữ quốc ngữ [2] .

Posted Image

Bốn người chơi bài tam cúc (trích từ sách Connaissance du Việt Nam)

Ở Huế, có một địa phương là làng Sình, nơi mà cho đến hiện nay cũng còn để lại rất nhiều vết tích về dân tộc học, về những đình đám hội hè, trò vui chơi ngày Xuân như đấu vật, bơi thuyền, nằm về phía đông bắc kinh thành Huế, đi về phía chợ Bao Vinh thuộc làng Thế Lại, từ đấy vượt qua sông Bao Vinh sẽ gặp làng Sình. Sình là tên gọi quen thuộc trong dân gian, tên chính thức là làng Lại An, nằm cận kề vùng duyên hải, nơi có tiếng lắm tôm nhiều cá như trong dân ca Huế vẫn thường nhắc nhở: “Cá tôm mua tại chợ Sình. Triều Sơn bán nón, Bao Vinh bán đường”, mà cũng là nơi chuyên nghề in tranh cung cấp cho các cửa hàng vàng mã, đặc biệt nhất là sản xuất những bộ bài tới, cung cấp cho đồng bào quanh Huế và các vùng phụ cận vui chơi, giải trí trong những ngày Xuân mới. Về sau này, người Tàu sinh cư buôn bán quanh vùng cầu Gia Hội, ngay ở chính trung tâm thành phố, đã in ấn bộ bài tới một cách có kế hoạch và qui mô hơn, tuy cũng chỉ bằng kỹ thuật mộc bản mà thôi.

Nếu bài chòi là một thú vui chơi hoàn toàn Việt Nam, do người Việt tự nghĩ ra, không vay mượn của nước nào thì bài tới cũng thế, rất Việt Nam, cả hình thức cũng như nội dung. Ở miệt Huế và Quảng Nam, trong dân gian có bài vè:

Nghe vẻ nghe ve

Nghe vè bài tới

Cơm chưa kịp xới

Trầu chưa kịp têm

Tôi đánh một đêm

Thua ba tiền rưỡi

Về nhà chồng chửi

Thằng Móc, Thằng Quăn

Đánh sao không ăn

Mà thua lắm bấy

Tôi lấy tiền cấy

Cho đủ mười ngày

Bảy giày bảy sưa

Cũng là nhịp kéo

Chị em khéo léo

Dễ mượn dễ vay

Thân tôi ngày rày

Dầm sương dãi nắng

Chị em có mắng

Tôi cũng ngồi đây

Nó là năm giày

Nó cũng a dua

Ăn thì tôi lùa

Thua thì tôi chịu. [3]

Posted Image

Một số lá bài vẽ theo bộ bài do Ðoàn Viết Hùng sưu tầm được ở Phú Yên (Xem chú thích số 2).

Hàng trên, từ trái sang: Cửu gấu, Thất liễu, Ngũ trợt, Tam quăng, Nhứt nọc.

Hàng dưới, từ trái sang: Ông ầm, Bát dừng, Lục chạng, Tứ tượng, Nhì nghèo.

Thằng móc, thằng quăn, bảy giày, bảy sưa, năm giày, là tên gọi của mấy quân bài, chỉ cần kể đủ tên của ba mươi quân bài cũng đủ làm cho chúng ta hết sức buồn cười. Những tên gọi nôm na, dễ dãi, hài hước, tinh nghịch, tiếng Nôm pha tiếng Hán, khi gọi thế này, khi gọi thế khác, có khi tên gọi chẳng gợi ý nghĩa gì cả mà phải xem vào nét vẽ trên con bài mới thấy được một điều gì đó. Xin kể đủ tên tất cả ba mươi con bài [4] dưới đây, để trong thoáng chốc chúng ta có thể sống lại và hoà vào giữa các trận cười ồn ào, dân dã, rất ngây ngô, hồn nhiên. Tiếng cười của những bà mẹ quê chất phác, hiền hoà vang lên dòn tan khi đang cùng nhau ngồi chơi bài tới giữa những ngày Xuân Tết, trên một chiếc giường tre nơi góc nhà vừa được trải lên một chiếc chiếu hoa mới, nghe gọi tên những con bài rất vui tai, ngộ nghĩnh, đôi lúc tưởng như tục tĩu, thô lỗ, nhưng vẫn rất tự nhiên: bảy giày, bảy sưa, ba gà, ba bụng, nọc đượng, năm rún, ông ầm, bạch tuyết (đôi nơi gọi là bạch huê, có khi còn gọi là con l…), tứ tượng, ngủ trưa… Tiếng cười cợt ồn ào ấy đúng là chỉ phát xuất ở chốn thôn dã, đồng quê, chợ búa, nơi sinh hoạt của quần chúng nhân dân lao động bình thường, chứ chẳng thể nào nổ bung ra giữa những nho sĩ nghiêm trang, đạo mạo, đúng mực chi hồ giả dã của một thời nào, thời mà đạo lý, nếp nghĩ và nếp sống phong kiến đang đè nặng lên các phần đất tổ quốc. Bộ bài tới cũng là một tấm gương nhỏ phản ảnh phần nào dòng văn hoá nghệ thuật sống động và tự do của nhân dân, không dính líu gì đến dòng nghệ thuật cung đình chính thống.

Ba mươi con bài này cũng được xếp thành ba pho: văn, vạn, sách như trong lối chơi tài bàn, tổ tôm, mỗi pho là chín con (9x3=27), ba con còn lại được xếp thành ba cặp yêu: cặp ông Am, cặp Thái tử, cặp Bạch Tuyết. Như vậy, lúc chơi bài tới giữa sáu người với nhau, phải có 60 quân bài tức 30 cặp tất cả (27x2=54+3 cặp yêu).

Dưới đây là tên tất cả 30 quân bài:

Chín Gối, Lục Xơ, Nhì Nghèo,

Thất Nhọn, Trường Hai, Trường Ba,

Tứ Hường, Tám Giây, Đỏ Mỏ,

Sáu Tiền, Tám Tiền, Học Trò,

Cửu Thầy, Bảy Sưa, Bảy Liễu,

Ngủ Trưa, Tam Quăn, Năm Giày,

Ba Gà, Nọc Đượng, Tứ Gióng,

Bát Bồng, Nhị Đấu, Tứ Tượng,

Chín Xe, Năm Rún, Bằng Đầu,

Bạch Tuyết, Thái Tử, Ông Am.

Tên gọi các quân bài đã lạ lùng, kỳ dị, hình vẽ trên các quân bài càng kỳ dị và lạ lùng hơn, nó gợi lên một thế giới đầy bí hiểm, vượt lên trên cách nhìn bình thường. Tựa như cách nhìn của những trường phái hội hoạ mới, từ chối hình thể hay thanh lọc thực tại đến kỳ cùng, trừu tượng hoá sự vật, hoặc là đi đến chỗ siêu thực tại, hoặc cách điệu và ghi nhận thực tại một cách ngây ngô, hồn nhiên như trẻ con, Những hình vẽ mà chúng ta không sao hiểu nổi đã phát xuất từ những cơ cấu trí tuệ như thế nào. Nó phảng phất đâu đây một chút không khí u uất rất Chàm hay Phù Nam, những hình ảnh, đường nét, kiểu thức rất Tây Nguyên, có khi gợi dậy một chút xa xăm phi thực, mù mờ của bùa chú, hay của một cuộc sống hoang dã bên ngoài cõi đời văn minh. Trong một khảo sát về trò chơi bài chòi trước đây, Võ Phiến đã nhận xét về hình tượng các quân bài này: Nó gợi lên cảm tưởng hoặc nét vẽ của các hoạ phái siêu thực, vô hình dung, lập thể, hoặc nét vẽ trên các mộ cổ Ai Cập. Nhận xét ấy tương đối tinh tế, thú vị và xác đáng [5] .

Về hình vẽ trên các quân bài, sắp riêng theo từng pho một, chúng ta sẽ thấy ở mỗi pho có một cách biểu đạt gần gần giống nhau. Các quân bài thuộc pho văn sử dụng những cách điệu gần gũi lối hình học, có những miếng tròn như bánh xe, đồng tiền hay nửa đồng tiền.

Posted Image

Hình các con bài, trái: Nhị đấu [thuộc pho Vạn]; phải: Bảy liễu [thuộc pho Văn]

Các quân bài thuộc pho vạn thì đều vẽ mặt người với những nét rằn rịt theo kiểu tranh thờ khắc gỗ dân gian, trên mỗi quân bài có ghi thêm hai chữ nho từ nhất vạn đến cửu vạn như chín quân bài trong bộ bài tổ tôm. Ba cặp bài yêu cũng chứa đựng lối vẽ như thế. Các quân bài thuộc pho sách thì đặt biệt có những nút tròn nhỏ, giữa vòng tròn có một chấm đen, ngoài những vòng tròn này còn có những đường vạch ngang rất đều, có thể hình dung như được quấn tròn đều đặn bằng dây mây. Ông Nguyễn Văn Y, nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, trong một bài giới thiệu sơ lược về những bản in tay khắc gỗ của bộ bài tới, trên tuần báo Văn hoá Nghệ thuật khoảng giữa năm 1977, do vậy, đã tạm xếp các quân bài theo lối vẽ này là quấn mây thắt nút.

Chúng ta hãy lật lại một số quân bài đầy thú vị này, thưởng thức hương vị kỳ lạ của cuộc sống dân dã, là bó hoa đồng nội mà chắc chắn đã được dần dà hình thành từ một trường kỳ lịch sử, trên chuyến viễn du hùng tráng và kỳ thú của dân tộc, giữa những giao lưu, gặp gỡ của đất nước anh hùng và cuộc sống mới trong thời quá vãng.

Trước tiên hãy xem qua vài quân bài thuộc pho văn, với lối vẽ gần gũi những cách điệu hình học, chỉ trừ con chín gối (còn gọi là chín nút), những điểm chính giống với loại quấn mây thắt nút, có chín nút tròn nhỏ và những vạch ngang. Con sáu tiền, vẽ sáu nửa đồng tiền ghép lại với nhau, từng đôi một, đôi này chồng lên đôi kia. Hình này khá giản dị, ai cũng hình dung được, nếu vận dụng để đưa vào trong những mô típ đề-co hiện đại cũng sẽ rất hay. Con tám tiền cũng như thế, là tám nửa đồng tiền ghép lại. Ở vùng Bình Định, lại gọi là sáu miểng, tám miểng (miểng: tiếng địa phương có nghĩa là mảnh).

Posted Image

Hình các con bài, từ trên xuống, từ trái sang: Tám tiền, Học tro, Bạch tuyết, Cửu thầy, Tứ tượng (con Voi) và Ngủ trưa.

Con bảy liễu (thất liễu), tính cách trang trí đã phức tạp hơn con sáu tiền và tám tiền, vẽ bốn đồng tiền ghép lại với nhau, ở chỗ ghép lại có một nút tròn nhỏ. Giữa các khoảng trống do các đồng tiền ghép lại có một cành liễu nhỏ không có vẻ gì là liễu, trông đúng là một thứ phức diệp (foliole), hay thứ lá có răng cưa (feuille dentée) nhưng vì có chữ liễu trên các con bài nên ta hãy xem đây là một cành lá liễu. Phía trên bốn đồng tiền có một hình xoắn trôn ốc như ta vẫn bắt gặp chạm trổ trên các đồ dùng của người Tây Nguyên.

Con voi, cũng gọi là tứ tượng, ở Quảng Nam lại gọi rất nghịch ngợm là dái voi. Chúng ta sẽ không thể nào hình dung được đây là con voi, nhưng với chữ voi chú thích trên con bài, hãy tập trung cách nhìn, gạn lọc đối vật đến mức độ giản dị nhất, nghĩa là trừu tượng hoá hình ảnh một con voi được trang trí vào ngày lễ hội, nhìn từ trên xuống, chúng ta sẽ đoán được các phần đầu voi, hai tai voi, lưng voi, bành voi. Lối trang trí cách điệu này vẫn thường được gặp khắp các vùng dân tộc thiểu số như Thái, Mường, H’ Mông, Dao, Ê-đê, v.v… đặc biệt nhất là trên các cạp váy, đồ thêu, những chạm khắc bằng tre, gỗ, đồng ở vùng Tây Nguyên. Lấy một vài mẫu thêu, vài mẫu khắc trang trí rất trừu tượng của người miền núi, hỏi về ý nghĩa, chúng ta sẽ được giải đáp rất rành mạch, đây là hoa ban, cây Kơ-nia, đoàn người, là những thứ hoa sặc sỡ và vui tươi nhất của dân tộc Ê-đê: hoa Dua, hoa Ê-prang, hoa Gấc, hoa Mi-ê, là chim Xìn-tra của dân tộc Ta-pan, là hình cỡi ngựa, chim đậu trên cây trên các trang phục của người Dao.

Con trường hai, vùng Bình Định gọi là nhì bánh, tương tự như một phần của hình con voi, in hình hai mảnh hình thuẫn, có người cho là hình hai chiếc bánh xe, thực ra, có thể đây là hình ảnh của bất kỳ thứ bánh gì: bánh xe, hay là hai ổ bánh lớn để ăn, muốn nghĩ thế nào thì ra thế ấy.

Con trường ba, cũng như con trường hai, nhưng khác ở chỗ là chồng vào giữa hai mảnh hình thuẫn trên một mảnh hình thuẫn khác, và giữa mảnh hình thuẫn này là những đường hình thoi lớn nhỏ, chồng chồng lên nhau. Con trường ba rất nhiều người ở Huế gọi là trạng ba, cắt nghĩa là ông Trạng đỗ ba khoa, nhưng như vậy có nghĩa là thế nào? Chẳng có chút gì ở đây để có thể gợi nên hình ảnh một con người, chứ chưa nói đến hình ảnh một ông Trạng, chẳng có một chút liên hệ nào giữa tên gọi và hình vẽ. Với con bài Trạng ba chẳng hạn, người ta có thể cắt nghĩa rằng đây là quân bài do một hoạ sĩ tài tử nào đấy vẽ ra, hình vẽ đôi lúc chẳng cần biểu lộ một ý nghĩa nào cả, nó chỉ mang tính chất một dấu hiệu mà thôi. Những người lưu đãng xa nhà, không có sẵn trong tay một bộ bài thực đàng hoàng để giải trí với nhau, đành tự tạo ra ba mươi dấu hiệu cho ba mươi quân bài, để làm thành một bộ bài hoàn toàn mới mẻ. Và cũng do tính cách tài tử ấy mà chúng ta có một bộ bài vô cùng hấp dẫn, cái hấp dẫn của một thứ mời gọi bí hiểm, lạ lùng. Vậy nên, trước một quân bài, đôi lúc phát giác thêm một ý nghĩa mới, người ta lại đặt thêm một cái tên nữa cho lá bài, có lúc rất vui, rất dí dỏm, bộc ra được tất cả tiếng cười đùa tự nhiên, thoải mái. Tên gọi những con bài do thế cũng thay đổi tuỳ vào địa phương, như con voi cũng gọi là tứ tượng, dái voi; tám giây cũng gọi là tám hột; trường hai có nơi gọi là nhì bánh, có lúc gọi là nhì xe; chín gối có khi gọi là nhất gối, có khi gọi là chín nút; con tứ hường cũng gọi là cẳng hương, hay tứ cẳng v.v… Và ở vùng Qui Nhơn, Bình Định, Phú Yên lại có những tên gọi rất quái quỷ, không có nghĩa gì cả, mà âm thanh gọi lên lại bày ra cả một thế giới của những trận cười cợt ồn ào, thô sơ, hoang dã: cửu điều, ngũ trợt, ngũ dụm, ngũ dít, đổ ruột, sáu miểng, chín gan, lục chạng, sáu bường…

Bây giờ chúng ta xem đến một số quân bài thuộc pho sách, đặc biệt có những nút tròn nhỏ và các vạch ngang đều đặn, rồi phía dưới là những vạch chồng chéo đối xứng nhau. Trước tiên là con tứ gióng, vẽ một đôi quang gióng, ở trên có quai xách, dưới có chân đế kiềng ra hình tam giác, thân gióng là bụng phình hình bầu dục, nơi điểm tiếp giáp của thân gióng, quai xách và chân đế là hai nút tròn nhỏ, giữa nút tròn là chấm đen như mắt cua. Đã nhìn thấy đôi gióng ở miền Trung Trung bộ, rất giản dị, bằng tre, mây hay bằng thép, có bốn quai, phía trên túm lại, phía dưới xòe ra và thắt nút rồi quấn chặt cân bằng trên bốn điểm của một vòng tròn, chúng ta sẽ không thể tưởng tượng nổi làm thế nào nhà nghệ sĩ dân gian tài tử của chúng ta đã quan sát, suy nghĩ và vẽ nên đôi gióng trên con bài này. Hẳn rằng đấy là cách thu nhận sự vật với đôi mắt thơ dại tuyệt vời.

Về mặt nội dung, dù thế nào cũng hiển nhiên là những đôi gióng này đã nặng nợ lắm với dân tộc trên hành trình tay xách nách mang tiến về phương Nam, đấy là hình ảnh đôi gióng của gần 10 thế kỷ trước, từ thời quân đội nhà Lý đặt chân lên thành Đồ Bàn, hay từ hơn ba thế kỷ trước, cùng với những bước chân của lưu dân đi xây dựng đất mới dưới thời các Chúa Nguyễn?

Con nọc đượng có lẽ là con bài đáng chú ý nhất, đối lập với con bạch tuyết sẽ đề cập ở dưới.

Trong một cuộc chơi bài chòi, khi rút đến con nọc đượng, anh hiệu, một người có nhiều khả năng văn nghệ giữa thôn xóm, làng mạc, hô những câu hát bài chòi báo hiệu cho mọi người trong cuộc chơi về quân bài vừa rút được, có thể sẽ hô lên như vầy:

Cần trúc, ống trắc, lưỡi sắc, chỉ nọ tơ Tàu

Anh đây muốn câu con cá mại biển

Cá mại bàu sá chi!

Mấy câu trên, nghe qua, chúng ta cũng phần nào thấy được cái chí của kẻ nam nhi; sống đời phong lưu thì cũng phải vác cần đi câu ngoài biển Đông, chứ sá gì con cá mại tẹp nhẹp trong vũng bàu. Mà hơn thế nữa, câu hát cũng có gợi lên đôi chút hình ảnh chiếc cần câu ngúc ngắc, vậy thì đúng là con nọc đượng rồi. Cũng có lúc anh hiệu lại cất lời với một câu thai man mát, có gợi âm gợi hình đôi chút về chiếc cọc đã cắm xuống rồi lại nhổ lên; cắm xuống để giữ con thuyền, rồi nhổ lên để đẩy thuyền đón khách.

Đò em đưa rước bộ hành

Thuyền nan một chiếc tử sanh trọn bề

Trải qua bãi hạc, gành nghê

Quanh năm chèo chống, tứ bề sóng xô

Tiếng ai văng vẳng gọi đò

Mau mau nhổ nọc chèo qua đón người.

Cắm cọc, cắm nọc, hay cắm sào đợi khách sang sông, những từ ngữ và hình ảnh ấy đều để dẫn đến con nọc đượng, hay nọc thược, hay nhất nọc trong pho sách của bộ bài chòi. Có lúc khác nữa, mấy câu hát trên chưa đủ mạnh, anh hiệu sẽ cương lên mà hô với giọng nghịch ngợm, pha đôi chút phấn khích, hồ hỡi.

Năng cường, năng nhược,

Năng khuất, năng sanh,

Nó thiệt cục gân,

Ngồi gần con gái trân trân chẳng xìu.

Lời hô trên nghe có vẻ như tục tĩu, thô lỗ, sống sượng, nhưng đào sâu vào chúng ta sẽ thấy đáng được quan tâm nghiên cứu đến, bởi lẽ nó mang nhiều dấu vết về cách nhìn của con người trước thế giới tự nhiên, dấu vết của một vũ trụ quan vào những thế kỷ xa xưa.

Ngày nay, đi ngược lên những vùng thượng du, quan sát sinh hoạt của người miền núi, chúng ta sẽ thấy đời sống sinh dục ở nhiều nơi vẫn còn là một điều rất tự nhiên. Người ta tắm rửa với nhau trần truồng bên bờ suối không một chút e dè. Những phần cơ thể cần phải che giấu, cấm kỵ ở miền xuôi, nơi đây ngượi lại, hoàn toàn phô bày ra không có gì phải xấu hổ. Người Ê-đê và Gia-rai vẫn nói đến cái đẹp của một đôi vú cong vút lên như ngà voi, đôi mông tròn đầy như trứng chim. Cái đẹp ấy rất phù hợp với bản năng sinh tồn để bảo vệ giống nòi.

Xa xôi hơn trong lịch sử và thời gian, trên suốt dải đất miền Trung và Nam Trung bộ hiện nay, người Chàm của đất nước Champa cổ có tục thờ Linga tượng trưng cho dương vật và Yoni tượng trưng cho âm vật. Việc thờ phượng vật tổ này, bắt nguồn từ tục thờ đá rất xưa ở hải đảo và khắp vùng Đông Nam Á, chắc chắn phải có nhiều liên quan đến hình thái thờ phượng đất đai, là thần linh mang lại sức sống, năng lực sinh tồn, sự phồn thịnh của mọi loài sinh thực vật trên địa cầu.

Linga là một cột đá, gồm ba phần: đầu tròn, thân tám cạnh và một chân đế hình vuông. Yoni là một chậu đá hình vuông hay chữ nhật, có một rãnh nước thoát gần như phần dưới của một cối đá xay bột. Các vua Chàm lúc vừa lên ngôi đều cho dựng cột Linga quốc bảo, có nghĩa là nhà vua đã tự mình đồng nhất với thần linh, với con mắt thấu suốt và tái tạo, với năng lực sinh tồn hằng cửu, khẳng định quyền lực của mình và dòng họ trước trời đất và con người. Các tô-tem này cũng thường được rước theo trong những ngày hội có nhảy múa, ca hát.

Trên miền Bắc đất nước, một số nhà nghiên cứu văn học, sử học, dân tộc học, khảo cổ học cũng ghi nhận được nhiều vết tích còn đậm nét những hình thái tương tự như thế, đề cao sự sinh sôi nẩy nở, đề cao tính năng và sự tự do luyến ái, như việc thờ dâm thần và một số tập tục khác rải rác nhiều nơi tỏ ra rất quí trọng sinh thực khí, như đám rước âm vật ở làng Đông Kỵ, rồi trò chơi tranh giành nõn nường, mà theo Bình Nguyên Lộc thì dân miền Trung gọi là lỗ lường. Với tục múa mo, âm vật và dương vật được thay bằng cái mo và cây tre; con trai được gọi là Chày, và con gái là Sọt, y hệt như các tiệm chạp phô ở Ấn Độ bày chày và cối bán cho người ta mua về để thờ. [6]

Một hình ảnh khác được ghi nhận cũng rất sống động là chiếc thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái) cao trên 80 phân được tìm thấy năm 1960 đã trở nên quen thuộc với nền văn minh Đông Sơn của người Việt cổ. Trên nắp chiếc thạp này, bốn chiếc quai đắp nổi là bốn cặp nam nữ đang giao hợp xen kẽ vào giữa những hoa văn chạm nổi. Người dân Việt cũ, trên đường thiên cư từ Bắc vào Nam, mang những cảm quan và suy nghĩ ấy đi theo cuộc hành trình, đã gặp gỡ quan niệm của dân tộc Champa, và khi vì nhu cầu giải trí, phải làm ra một bộ bài để vui chơi với nhau, những hình tượng ấy đã xuất hiện trở lại trên hai con bài bạch huê, nọc đượng. Ông Hoàng Chương, trên tạp chí Văn nghệ xuất bản ở Hà Nội, số 50, tháng 7-1961, trong một bài nghiên cứu về hát hô bài chòi đã cho rằng: Những vật thể ấy (tức là Linga và Yoni của người Chiêm Thành) được vẽ trên những con bài gọi là bạch huê, nọc đượng, của bài chòi hiện nay. Tôi không biết lúc viết bài này, ông Hoàng Chương có nắm trong tay các quân bài hay không, nhưng thực sự chỉ có con bạch huê, về mặt hình tượng, gợi lên ít nhiều hình dạng của âm vật, còn con nọc đượng, chỉ có tên gọi gợi lên một cách khá sống động hình ảnh Linga, hình vẽ thì tuyệt nhiên không còn liên hệ gì đến vật thể ban đầu.

Posted Image

Hình các con bài, từ trái sang: Ba gà, Tứ gióng, Nọc đượng, Nhì nghèo. Hãy đối chiếu với hình chim và mái nhà sàn trên trống đồng Ngọc Lũ (Bản vẽ của Hà Nguyên Ðiểm) để có thể cảm ra một bầu không khí chung, một gốc gác chung của nền văn minh trải rộng ở vùng Ðông Nam Á cổ đại và cận đại mà bộ bài tới hẳn có nhiều liên hệ đến.

Con nọc đượng, từ Quảng Nam đến Bình Định thì gọi khác đi một chút, là nọc thược. Nọc đượng, có lẽ chỉ nhấn mạnh ở chữ nọc, đượng là từ phụ không có nghĩa gì cả, ghép vào chỉ để hài thanh, tạo nên sự trôi chảy về âm thanh, cho dễ đọc, dễ nói, dễ hô lên mà thôi. Tuy nhiên, đượng cũng có thể là do biến âm, hoặc đọc trại ra từ tiếng dượng hay trượng. Dượng có nghĩa là bố ghẻ hoặc chồng cô, chồng dì, như trong câu hát Dì rằng mang rổ hái dâu, gặp dượng thằng đỏ ngồi câu bên đường. Thấy dì dượng nó cũng thương. [7] Và trượng, từ Hán-Việt, có nghĩa là cây gậy hay cái hèo. Một chữ trượng khác trong trượng phu lại có nghĩa là người đờn ông, hoặc là tiếng vợ gọi chồng [8] Như vậy, có thể tạm hiểu nọc đượng như là hình ảnh của cái cọc hay một cây gậy thẳng đứng được vạt nhọn để cắm vào đất, và bóng bẩy hơn, đó chính là tiếng gọi thông tục của linga.

Hình vẽ con nọc đượng quả là hết sức lạ. Xem kỹ, chúng ta sẽ thấy là một mái nhà sàn ở Tây Nguyên, nhìn từ một bên (profil), mái nhà nghiêng dốc cao vút. Trên đỉnh mái nhà, đầu một con chim đã được kiểu thức hoá, khó lòng mà biết loại chim nào, trông tương tự như chim gõ kiến mà cũng có thể là đầu một con gà, bởi vì cũng chính đầu con chim ấy lại xuất hiện trên nhiều quân bài khác, và trên con ba gà thì lại ghi rõ ràng là gà. Ở đây, tại sao là đầu của một con chim mà không phải của một loài thú khác? Ở Trung bộ, tiếng chim vẫn được dùng để chỉ đến dương vật, nhưng thường thì để nói đến trẻ con hơn là người lớn. Cũng rất có thể, khi vẽ con bài nọc đượng, người vẽ đã chọn biểu tượng ấy như một ngôn ngữ gián tiếp để phô diễn nội dung muốn đạt đến.

Trước hình vẽ này, có lẽ chúng ta cũng nên nhớ đến những mái nhà sàn trên các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, chắc chắn rằng sự đối chiếu cũng sẽ rất hữu ích. Những nhà sàn trên các trống đồng, ngược lại, được nhìn thẳng vào chính diện, hai đầu cuối cùng của mái nhà cũng có những nút tròn nhỏ, ở giữa có chấm, trông tựa như mắt của hai con chim đang vươn cánh bay lên trời, trên mái nhà thường khắc hình chim rất lớn, đè nặng cả mái nhà. Chim mỏ ngắn, chân ngắn, mào nhỏ, lông đuôi dài và to, nên có người đã ước đoán là người làm trống đồng muốn thể hiện hình dáng con gà lôi (Lophura Nycthemera). Cũng là chim (hay gà) đậu trên mái nhà sàn, nhưng mỗi nơi lại được nhìn theo một cách, người nghệ sĩ tài tử của bộ bài tới ghi nhận và cách điệu sự vật khác hẳn hoàn toàn với người thợ chuyên nghiệp tài tình đã sản sinh ra những trống đồng của mấy ngàn năm trước [9] .

Con ba gà và con nhì nghèo, cũng gần với thế giới của nọc đượng, vậy nên sự gợi cảm mang lại cho người xem đều từ bầu khí chung ấy. Phần trên quân bài là một đầu chim, bên dưới là hình ảnh của một mái nhà sàn, từ giữa thân bài, có một đường giải chạy viền lên đến đầu chim, có thể đấy là túp lông từ cổ qua bụng nối liền với đuôi chim được cách điệu như thế. Toàn bộ con nghèo, đầu chim, mình chim, hai nút tròn nhỏ chồng lên nhau nằm ở giữa thân thắt eo lại, thêm vào đấy là phần cái nhà sàn bên dưới ghép vào như một thứ đuôi chim xòe ra, tất cả hợp lại thành hình ảnh một con chim rất kỳ dị giữa những giấc mộng lạ lùng của chúng ta. Con ba gà, cũng gần như con nọc đượng và nhì nghèo nhưng có khác đi một tí. Trong cuộc chơi bài chòi, khi bốc đến con ba gà, anh Hiệu sẽ hô lên hai câu rất vui, lột tả được tất cả tính mèo mả gà đồng của họ gà, se sua chưng diện, áo quần sặc sỡ xinh đẹp, suốt ngày là anh chàng họ Sở ngoài đường phố nhưng tối về cũng chỉ co ro buồn thiu một mình.

Mình vàng bận áo mã tiên,

Ngày ba bốn vợ tối nằm riêng một mình.

Khi bốc được con Nhì nghèo, anh hiệu lại hô lên mấy câu nói về cảnh nghèo, mà lại rất vui, đúng ra đó chỉ là một tiếng cười đùa dí dỏm, vô hại.

Mẹ ơi chớ đánh con đau

Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ

Bắt ốc, ốc nhảy lên bờ

Hái rau rau héo, mẹ nhờ chi con.

Đến như than vãn thân phận nghèo khổ, thì cũng là lời bông phèng vui vẻ.

Ngày thường thiếu áo thiếu cơm

Đêm nằm không chiếu lấy rơm làm giường

Dù dơi, dép bướm chật đường

Màn loan, gối phượng ai thương thằng nghèo.

Con Tám giây, cũng gần tựa như hai cặp gióng chồng lên nhau nhưng không có quai xách. Tám giây cũng gọi là tám hột vì nó có tám nút tròn nhỏ cân đối trên hình vẽ của quân bài. Và gọi tám giây có lẽ vì có tám sợi dây hình vòng cung nối tám nút trong quân bài thành hai cặp gióng.

Chúng ta hãy xem đến vài con bài thuộc pho vạn gồm chín con từ thất vạn đến cửu vạn. Phong cách khá lạ, chủ yếu trên mỗi quân bài là một mặt người tạo thành bằng những nét rằn rịt, gần với bầu khí chung của loại tranh thờ dân gian nhưng pha nhiều vẻ hoang sơ hơn. Thô kệch, ngô nghê, vụng về nhưng chính vì thế rất hấp dẫn, rất gần với cái đẹp hoang dại nơi các điêu khắc gỗ mộc mạc của Tây Nguyên, của Phi Châu đen hay một số bộ tộc Úc Châu và Mỹ Châu La Tinh.

Con cửu thầy tức cửu vạn, cũng gọi là cửu chùa vì vẽ hình một đầu người đội chiếc mũ như các ông thầy cúng, thầy pháp, rất nhiều nơi không có sự phân biệt rõ ràng, là tình trạng nhập nhằng của một số người lợi dụng tiếng kinh mõ ê a, rồi cũng khua chiêng đánh trống, thổi kèn, trộn nhào cả kinh Phật với bùa chú, bắt quyết gọi âm binh, trừ tà ma, để nhận xôi, gà, oản chuối của những gia chủ rước thầy về.

Con ngủ trưa tức ngũ vạn, cũng cùng một lối vẽ như con cửu thầy, chỉ đổi khác đi một chút mà thôi. Ngay giữa con bài, hình một người có vẻ như đang ngái ngủ, gật gà gật gưỡng giấc trưa. Hình vẽ này có lẽ cũng mang một chút tinh thần châm biếm trào lộng đối với những kẻ thích ngủ trưa, mang tật chây lười.

Con lục xơ tức lục vạn, cũng như các con trên, ở đầu quân bài có chữ xơ, kế tiếp là hai chữ nho lục vạn, kế đến là hình người. Không có gì chắc lắm, nhưng có người đã giải thích rằng sở dĩ có có tên là lục xơ hay lục chuôm vì phía trên đầu hình người có những ô chéo như mảng xơ hay hình nan chuôm.

Tất cả chín con trong pho vạn đều có cùng một phong cách, chỉ thay đổi thêm bớt một đôi tí mà thôi. Như con học trò (nhất vạn) thì ở trên đầu nhân vật có đội thêm một cái khăn đóng cho ra vẻ hẳn hoi là con nhà nghiên bút! Anh Hiệu sẽ hô về con học trò:

Đi đâu ôm tráp đi hoài,

Cử nhân không thấy tú tài cũng không.

(Là con học trò)

Nghe hô như thế, lại nhìn vào con bài thì người đến giải trí trong cuộc chơi bài chòi sẽ có thể phá lên mà cười như nắc nẻ.

Con tứ cẳng cũng gọi là con cẳng hương (tức tứ vạn): cũng như tất cả các con bài thuộc pho vạn nhưng chỉ riêng ở con này là khuôn mặt người không nhìn thẳng mà hơi lệch đi, ở phần dưới có bốn mảnh hình tam giác gần như bốn màng chân vịt xòe ra, có thể vì thế mà gọi là tứ cẳng. Ở Huế, người ta còn gọi là tứ hường. Hường tức là hàm Hồng Lô Tự Khanh của triều đình nhà Nguyễn cũ, kêu tắt lại, như trong các tiếng quan hường, quan thị. Như vậy con bài ở đây cũng mang một nội dung châm biếm trào lộng cay độc, quan hường đã xuất hiện nơi đây với một thể dạng xô lệch rằn rịt, không mang bài ngà mà lại kéo theo bốn cái chân vịt lạch bạch. Xét về mặt kỹ thuật khắc gỗ, nét vẽ đen nổi trên nền trắng, chỗ đậm chỗ nhạt đặt đúng nơi đúng chỗ, phải công nhận là lối cách điệu này tuy giản dị nhưng rất tài, bố cục chặt chẽ, nhuẫn nhuyễn, hấp dẫn. Phải nhớ một điều, nếu là người nghệ sĩ chuyên nghiệp, rất khó mà cống hiến được cho ta một hình tượng như thế, ở đây là nghệ thuật của bản năng, của tài tình tự phát, của tài tử nghiệp dư mà dần dà, vì gần gũi với cuộc sống của đại chúng nên đã nhập vào sâu sắc trong cuộc sống của nhân dân. Những nét nghệ thuật độc đáo của một dòng nghệ thuật tự do như vậy rất đáng cho chúng ta ngày nay phải lưu tâm nghiên cứu và học hỏi.

Ba lá bài thuộc ba cặp yêu: ông ầm, thái tử, bạch tuyết, về mặt phong cách tạo hình, có thể xếp luôn vào loại vừa đề cập.

Con bạch tuyết, đối lập với con nọc đượng, là quân bài cũng hết sức đáng chú ý. Nọc đượng là biểu tượng của dương vật thì bạch tuyết là biểu tượng của âm vật, là vật tổ Iôni của dân Champa cổ tái hiện trở lại theo một cách khác. Bạch tuyết ở vùng Bình Định gọi là bạch huê, và khi rút được từ trong ống lá bài này giữa một hội chơi bài chòi, anh Hiệu có thể rề rà hát lên một bài thơ lục bát, chữ nghĩa dân dã nhưng cũng pha một chút văn chương bác học, phảng phất chút đỉnh hơi thơ Hồ Xuân Hương:

Hoa phi đào phi cúc

Sắc phi lục phi hồng

Trơ như đá vững như đồng

Ai xô không ngã, ngọn gió lồng không xao

Mỉa mai cụm liễu cửa đào

Ong qua muốn đậu, bướm vào muốn bu

Bốn mùa đông hạ xuân thu

Khi búp, khi nở, khi xù, khi tươi.

Chúa Xuân ngó thấy mỉm cười,

Sắc hay vương vấn mấy người tài danh.

Có bông, có cuống, không cành

Ở trong có nu, bốn vành có tua.

Nhà dân cho chí nhà vua

Ai ai có của cũng mua để dành.

Tử tôn do thử nhi sanh,

Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi.

Trong không khí riêng của đất Huế, về con bạch tuyết, anh hiệu lại có thể cất giọng hát lên mấy câu rất dân dã mà vẫn óng ả, cầu kỳ, và kiểu cách:

Cần vàng, ống bạc, chỉ tơ

Anh móc mồi thơm thả xuống

Cá nọ giả lơ không thèm.

Cũng vậy, là mấy câu khác nữa:

Tiếc con tôm rằn nấu với rau má

Tiếc con cá bống thệ nấu với lá cỏ hôi

Tiếc công em trang điểm phấn dồi

Ra lấy chồng không đặng cân đôi cũng buồn.

Chúng ta hãy xem qua hình vẽ trên quân bài này. Hình tượng trông tựa như hai nhánh lá hoặc hai nhánh rong, nhánh ở trên là nét đen nổi bật trên nền trắng, nhánh dưới là nét trắng nổi bật trên nền đen. Nhánh lá rất có thể là một nhành liễu vẫn tượng trưng cho người phụ nữ, nhưng theo ý tôi, đấy là âm vật được cách điệu một cách bay bướm, nhẹ nhàng, do thế đã tránh được cái nặng nề phải mô tả đối tượng theo lối chính xác.

Về mặt kỹ thuật, với nét đen và trắng của hai nhánh lá ở đây, tuy rất giản dị nhưng đã tỏ ra biết đào sâu vào phương thức tạo hình của nghệ thuật mộc bản dân tộc, biết khắc hoạ những nét đen, biết đục sâu vào nền gỗ để tạo những nét trắng, gây nên tương phản về sắc độ rất hấp dẫn.

Con thái tử vẽ hình người mang hia, đội mão ra vẻ con nhà vua, người được chỉ định sẽ nối nghiệp cha trị vì đất nước. Hình vẽ giản lược phần thân mình, chỉ còn là một hình vuông giữa một khối bầu dục có những nét rằn rịt, hình vuông chứa những chấm đen nhỏ chạy thành hàng đều đặn. Hình vẽ nặng tính cách biểu tượng với thể dạng cái mão và đôi hia, lộ ra ngay dáng dấp áo mão cân đai. Phía trên đầu nhân vật, một mảnh son đỏ hình hơi tròn in chồng lên đấy như một dấu triện. Sự tham dự của màu đỏ son ấy cũng tìm thấy trên con đỏ mỏ tức con ác, con ma trùng, và đặc biệt nhất là trên con ầm tức con sấm, người ta in chồng lên các nét vẽ đen một lớp son đỏ phủ lấy toàn thể quân bài như vẫn thấy trên các đạo bùa, những nét vẽ đen, đỏ, ngoằn ngoèo chồng chéo lên nhau.

Nhắc đến con ầm tức con sấm, có lẽ chúng ta cũng nên nhớ lại hai câu hát bài chòi khá vui mà anh hiệu có thể sẽ hô lên khi rút đến thẻ bài này. Chỉ cần một tiếng ầm âm vang để mọi người dự cuộc chơi biết ngay là đã bốc trúng con Am, chứ chẳng cần tiếng ầm ấy liên hệ gì với cái nghĩa tiếng sấm ầm ầm, giữa bầu trời đầy mây tối hay mưa gió bão bùng mù mịt.

Nửa đêm gà gáy le te

Muốn đi rón rén đụng nghe cái ầm.

(Ông Am!)

Chúng ta vừa xem qua một số hình tượng lạ lùng trên các quân bài tới. Với các hình ảnh ấy, với những ý nghĩa ấy, có lẽ chúng ta phải thừa nhận rằng chúng hết sức lạ lùng, hấp dẫn, đặc sắc. Từ hình vẽ cho đến tên gọi, đều là quá đỗi kỳ lạ. Ở nơi đây, tất cả đều tan biến,chỉ còn lại tiếng cười đùa dí dỏm, thoải mái, nghịch ngợm của nhân dân. Chúng ta thấy những hình ảnh con gà nằm cạnh ông Thái tử, đôi gióng đứng bên ông ầm, con voi chơi đùa với ông thầy chùa, anh học trò, anh chàng ngủ trưa, con nọc đượng cũng như con bạch huê đuề huề với một quan hường (cẳng hương). Dưới những triều đại phong kiến cũ, tiếng cười dòn dã và hồn nhiên ấy tất nhiên còn phải được lý giải trên cả những nhịp điệu của đời sống chính trị, đó cũng là một thứ vũ khí, dù tiêu cực và có thể là vô thức, để đấu tranh chống bạo lực và cường quyền thống trị.

Về mặt nghệ thuật tạo hình là điều cốt yếu mà bài viết này nhằm đạt đến, bộ bài tới chắc chắn sẽ có nhiều đóng góp hữu ích, phong phú đối với kho tàng nghệ thuật đất nước. Các nghệ sĩ hiện đại chắc chắn sẽ tìm được ở đây nhiều điều rất mới mẻ. Và hẳn rằng các nhà dân tộc học, khảo cổ học cũng sẽ còn nhiều vướng bận ở đây.

Viết ở Sài Gòn năm 1985

Sửa chữa lại ở California, 2005.

[1]

Về bài chòi, xem thêm:

  • “Khảo về bài chòi”, Võ Phiến, Tân Văn, số 1 tháng 4, 1968
  • “Bài chòi ở Bình Định”, Tạ Chí Đại Trường, Sử Địa số 5, tháng 1, 2, 3, 1967.
  • “Những hội mùa Xuân”, Nguyễn Văn Xuân, Tân Văn, số 9, 10, tháng 1, 2, 1969.
  • Nước non Bình Định, Quách Tấn, Nam Cường xuất bản, Sài Gòn, 1967.
  • “Phong thổ Huế” trong Lược khảo về mỹ thuật Việt Nam, Từ Lâm Nguyễn Xuân Nghị, Quốc Học thư xã, Hà Nội 1942.
  • Đào Đức Chương,“Bài Chòi Bình Định”, Giai phẩm Tây Sơn Xuân CanhThìn2000 http://chimviet.free.fr/dantochoc/baichoi/baichoi1.htm (18 tháng 4, 2005).
  • Cũng xin xem thêm Connaissance du Việt Nam, Pierre Huard và Maurice Durand, Ecole Francaise d’Extrême-Orient xb, trang 224-226, Hà Nội, 1954, viết về Tổ tôm Điếm, cũng là một loại bài chòi nhưng có vẻ sang trọng hơn. Nhân đây, chúng tôi trích in lại bản vẽ về Tổ tôm Điếm trên đất Bắc ngày trước, từ sách Connaissance du Việt-Nam. Cạnh đó, chúng tôi cũng trích in hình vẽ cảnh bốn người chơi bài tam cúc, chẳng khác mấy với cảnh tượng một đám chơi bài tới, tuy nhiên chơi bài tới đòi phải có 6 tay, để chúng ta có thể sống lại phần nào một khía cạnh sinh hoạt của đất nước ngày xưa.
[2]

Về sau này, ở vài nơi sản xuất bài tới, người ta còn xoá hết tất cả phần chữ viết, bất kể Nôm, Hán, Quốc ngữ, hoặc chỉ còn giữ lại vài chữ mà thôi trên toàn thể các con bài. Ví dụ, đó là bộ bài tới do ông Đoàn Việt Hùng sưu tầm được ở thôn Phú Ấn, xã Hoà An, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên, in đính kèm bài viết “Ngày Tết đánh bài chòi” của Trần Sĩ Huệ trên tạp chí Xưa và nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Xuân Quý Mùi, TP Hồ Chí Minh, số 132-133, tháng 1-2, 2003, trang 62-64.

Xoá hết chữ thì không nói làm gì, nhưng đáng tiếc là hình vẽ trên các quân bài giản lược rất cẩu thả, khờ khạo, hoặc vẽ thay vào bằng một hình ảnh khác, không còn chút gì cái đẹp dân dã mạnh khỏe, kỳ lạ và đầy tính sáng tạo của các hình tượng trên bộ bài tới xưa nay nữa. Tuy nhiên, về chuyện này thì chúng ta có thể yên tâm phần nào, vì cách đây khoảng 20 năm, chúng tôi có nhìn thấy trong bộ sưu tập của Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội một bộ bài tới rất đẹp. Không những thế, các hình vẽ của từng quân bài còn được phóng lớn cỡ bàn tay và in trên giấy dó rất hấp dẫn. Vết tích này còn được giữ gìn như vậy, có lẽ nhờ ở sự lưu tâm đặc biệt của ông Nguyễn Văn Y thuở còn sinh thời, lúc bấy giờ đang đảm trách chức vụ giám đốc của Nhà Bảo tàng. Ông Nguyễn là một nhà nghiên cứu mỹ thuật, hoạ sĩ mà cũng là nhà tạo hình về gốm rất đặc sắc. Nhắc lại sự kiện này cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ và bày tỏ đôi chút lòng biết ơn đối với một con người tâm huyết trước sự nghiệp văn hoá nghệ thuật của đất nước.

[3]

Bài vè này chúng tôi ghi chép lại được ở Huế. Trong Thi ca bình dân Việt Nam của Nguyễn Tấn Long và Phan Canh, Nxb Sống Mới, Sài Gòn, 1971, ở trang 391, bài vè có khác một đôi chữ. Và trong Tự điển thành ngữ điển tích của Diên Hương, bản chụp in lại của Nxb Zieleks ở Houston Texas, năm 1981, cũng vậy, lại có khác một số chữ nữa, như vậy rõ ràng là do tam sao thất bổn, hoặc có thể vì đã biến đổi dần do giọng phát âm của từng địa phương chăng?

[4]

Con bài: Tiếng miền Trung, ở miền Bắc gọi là quân bài.

[5]

Võ Phiến, “Khảo về bài chòi”, bài đã dẫn, trang 5.

[6]

Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Xuân Thu tái bản ở Hoa Kỳ, chụp lại bản in ở Sài Gòn năm 1971, trang 387.

[7]

Trích dẫn theo Việt Nam tự điển, hội Khai Trí Tiến Đức, Nxb Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội, 1931, Mặc Lâm tái bản ở Sài Gòn, không ghi năm xb, trang 162.

[8]

Đại Nam quấc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, bản chụp in lại của Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1974, trang 503.

[9]

Từ hình dáng mái nhà sàn trên con nọc đượng hay nhì nghèo, biến dạng hơn một chút là con ba gà, biến dạng nhiều hơn nữa là các con bảy sưa, năm giày, đỏ mỏ, chúng ta đang đứng trước một đề tài khá lớn vô cùng thích thú trong lĩnh vực dân tộc học và cả mỹ học, khi đối chiếu với nhiều vết tích về nhà sàn trên suốt vùng Đông Nam Á và hải đảo, chưa kể đến những mái nhà sàn khác xa xôi hơn bên kia nửa trái đất. Trong chừng mực của bài viết này, chúng ta không thể đi xa hơn được. Đề nghị xem thêm:

  • “Tìm hiểu Nhà Đông Sơn qua ngôi nhà cổ của người Toradja (Indonesia)”, Tạ Đức, Khảo sổ học số 1, 1987.
  • Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh, Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam xuất bản, 1975.
  • Introduction à l’Etude de l’habitation sur pilotis dans L’Asie du Sud-Est. Nguyễn Văn Huyên, Librairie Orientaliste, Paul Geuthner, Paris, 1934.
  • The Art of East Asia, Gabriele Fahr-Becker (Ed.), Volume 1, Konemann Verlagsgesellschaft mbH, An bản tiếng Anh, Oldenburg, Germany, 1999. Phần viết về Nam Dương của Sri Kuhnt-Saptodewo, “Indonesia, Architecture and Symbolism”, p.p 312-324.
Nguồn: xuquang.com

Share this post


Link to post
Share on other sites

http://dantri.com.vn/c36/s36-361417/tim-th...-thoai-nhat.htm

Tìm thấy cung điện của Nữ hoàng huyền thoại Nhật

(Dân trí) - Các nhà khảo cổ Nhật Bản đã tìm thấy các tàn tích của một công trình có niên đại từ đầu thế kỷ thứ 3 tại Quận Nara và họ tin rằng đây có thể cung điện của Nữ hoàng huyền thoại Himiko.

Posted Image

Nữ hoàng Himiko qua đời khoảng năm 248 sau Công nguyên.

Công trình này rộng gần 300m2, tọa lạc tại khu di tích Makimuku gần thành phố Sakurai và cố đô Nara của Nhật Bản, cách thủ đô Tokyo 480km về phía tây nam.

Được xây dựng trên các cột nhà sàn, công trình này nằm cạnh 3 công trình thẳng hàng khác, khiến các nhà khảo cổ tin rằng đó là cung điện Yamatai của Himiko. Các tàn tích đó cũng được tin là của công trình xây dựng lớn nhất tại Nhật vào thời điểm đó.

“Một cụm công trình được bố trí công phu như vậy là chuyện chưa từng thấy vào thời điểm đó”, Hironobu Ishino, giám đốc Bảo tàng Khảo cổ học Quận Hyogo, nói.

Theo những tài liệu viết về Nhật Bản trong các sách lịch sử cổ đại của Trung Quốc, Nữ hoàng Himiko trị vì Vương quốc Yamatai vào khoảng cuối thể kỷ thứ 2 và qua đời vào năm 248.

Nhưng vị trí của Vương quốc Yamatai vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong giới khảo cổ học tại Nhật. Có người cho rằng vương quốc này nằm tại vùng Kinki nhưng những người khác lại khẳng định nó tọa lạc ở Kyushu. Phát hiện mới ủng hộ giả thuyết rằng Vương quốc Yamatai nằm ở vùng Kinki - bao gồm Nara - thuộc miền trung Nhật Bản.

“Phát hiện trên có thể chấm dứt cuộc tranh cãi về vị trí của Vương quốc Yamatai. Không di tích nào thời đó tại Nhật Bản to hơn nơi này và chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để chứng minh rằng đây là nơi Nữ hoàng Himiko đã trị vì”, nhà nghiên cứu Masaki Matsumiya nói.

An Bình

Theo Kyodo, Telegraph

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thưa chú thiên sứ, theo những gì mà cháu nghe thấy, đọc được thì bài tổ tôm cho đến thế kỷ XV - XVI khi mà người Nhật xây dựng Faifo (Hội An) thì mới ra đời ạ. Tổ tôm là sản phẩm của các thương nhân Nhật sáng tạo trên đất Việt Nam, mang sự nhớ thương quê hương mà ghi vào đó những hình ảnh từ nước Nhật. Và Tổ tôm chỉ có ở VN chứ Nam TQ và các nơi khác đều không có. Hôm nào rảnh cháu sẽ post tài liệu mà cháu có về Tổ tôm ở Hội An

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thưa chú thiên sứ, theo những gì mà cháu nghe thấy, đọc được thì bài tổ tôm cho đến thế kỷ XV - XVI khi mà người Nhật xây dựng Faifo (Hội An) thì mới ra đời ạ. Tổ tôm là sản phẩm của các thương nhân Nhật sáng tạo trên đất Việt Nam, mang sự nhớ thương quê hương mà ghi vào đó những hình ảnh từ nước Nhật. Và Tổ tôm chỉ có ở VN chứ Nam TQ và các nơi khác đều không có. Hôm nào rảnh cháu sẽ post tài liệu mà cháu có về Tổ tôm ở Hội An

Kết luận đơn giản quá. Vậy người Nhật sáng tạo ra tổ tôm ở VN , nhưng trên đất Nhật lại không có sao? Sáng tạo ra một cách chơi với luật chơi dễ quá vậy sao?

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thưa chú thiên sứ, theo những gì mà cháu nghe thấy, đọc được thì bài tổ tôm cho đến thế kỷ XV - XVI khi mà người Nhật xây dựng Faifo (Hội An) thì mới ra đời ạ. Tổ tôm là sản phẩm của các thương nhân Nhật sáng tạo trên đất Việt Nam, mang sự nhớ thương quê hương mà ghi vào đó những hình ảnh từ nước Nhật. Và Tổ tôm chỉ có ở VN chứ Nam TQ và các nơi khác đều không có. Hôm nào rảnh cháu sẽ post tài liệu mà cháu có về Tổ tôm ở Hội An

Theo các tài liệu nghiên cứu và qua những lời kể của các cụ ở miền bắc thì chơi bài tổ tôm là một thú vui cao nhã của người cao tuổi có nguồn gốc từ lâu lắm rồi, có cụ cho rằng có nguồn gốc bên Trung Quốc nhưng cũng có cụ khẳng định bài tổ tôm là của người Việt và cả những chữ viết trên lá bài cũng là chữ Việt cổ (không phải chữ Hán). "Tổ tôm" là tên đọc chệch đi từ "Tụ tam", tức hội tụ của 3 hàng Văn, Vạn, Sách. Như vậy, có thể từ xa xưa, thú chơi tổ tôm là thú chơi của những cao tuổi nhàn hạ và chỉ phổ biến ở những tầng lớp giàu có, có địa vị hoặc trong các dịp lễ hội ở xứ bắc (chứ không có tính phổ biến trong dân gian như các môn khác - như cỗ Tam Cúc) :

Hội Lim ai thấy chẳng thèm

Tổ tôm bài điếm, giò nem thiếu gì

http://www.bacninh.gov.vn/Story/VanHoaDuLi...09/2/16726.html

Trong khi đó, thương cảng Hội An được xây dựng trên cơ sở tiếp nối một Lâm Ấp Phố (Chiêm Thành) vốn rất phát triển trong quá khứ nhưng đã bị dìm vào quên lãng qua những biến thiên của lịch sử của xứ Đàng Trong. Khoảng thế kỷ 16-19 dưới thời các chúa Nguyễn, Hội An được vực dậy và trở thành một thương cảng sầm uất với rất nhiều thương nhân từ Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ, ... đến định cư và xây dựng, cho nên các công trình ở Hội An mang rất nhiều dấu ấn của Nhật Bản (đến trước) và Trung Hoa (đến sau), chứ không phải "cho đến thế kỷ XV - XVI khi mà người Nhật xây dựng Faifo (Hội An)" như bạn Eddie Zero đã viết. Cho đến khoảng thế kỷ 19, có thể do sự bồi lấp của sông Thu Bồn (và cả bàn tay con người) mà đường vào cảng không còn thuận tiện cho giao thương nữa, một mặt người Pháp đã xây dựng một cảng lớn hiện đại ở Đà Nẵng (Tiên Sa), cho nên Hội An đã bị vùi vào quên lãng ngót cũng gần 1 thế kỷ.

Như vậy, có thể thấy rằng khoảng thời gian người Nhật đến và định cư ở Hội An hoàn toàn thuộc giai đoạn các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, nếu cho rằng bài tô tôm là do người Nhật sáng tạo trong khoảng thời gian đó sẽ rất không hợp lý vì chơi bài tổ tôm không phải là nét văn hóa của dân xứ Quảng (bản xứ). Do vậy, chắc chắn là nguồn gốc bài tổ tôm không thể xuất hiện vào khoảng thời gian đó khi mà nó đã gắn chặt với văn hóa lễ hội lâu đời của người dân xứ bắc (ở Đàng Ngoài).

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tam Chủng thần khí - Báu vật quý nhất, thiêng liêng nhất của đất nước Nhật Bản

Truyền thuyết, Cổ sử ký, Nhật Bản sử ký ghi chép rất rõ về tam chủng thần khí là ba báu vật mà Thái Dương thần nữ - Amaterasu (Thiên Chiếu Đại Thần) - ban cho người cháu trai của mình là Niniki-no-Mikoto (Quỳnh Quỳnh Chữ Tôn) đem xuống đề bình định Nhật Bản. Sau này con trai của Quỳnh Quỳnh Chữ Tôn chính là vị Thiên Hoàng đầu tiên của hoàng gia Nhật Bản - Thái Tổ Thần Vũ thiên hoàng. Từ đó trở đi ba thần khí này chính là quốc bảo được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, và bí mật nhất của Nhật bản, nó tượng trưng cho quyền lực thần thánh của Thiên Hoàng và nguồn gốc của Nhật Bản. Dân Nhật vẫn tự xem họ là thần dân của đất nước mặt trời - Nhật Bản.

Tam Chủng thần khí bao gồm : thanh kiếm Kusanagi - Thảo Thế kiếm, chiếc gương Yata-no-kagami - Bát Chỉ kính và viên ngọc Yasakani-no-magatama - Bát Xích Quỳnh Khúc ngọc.

Thảo Thế Kiếm được cất giữ tại Nhiệt Điền thần cung (Atsuta) tại Nagoya- đền là nơi tôn nghiêm thứ nhì ở Nhật Bản, tổ chức 70 lể hội một năm và có trưng bày 4400 bảo vật quốc gia tượng trưng cho hơn 2000 năm lịch sử của Nhật Bản.

Bát Chỉ kính được cất giữ ngay tại Hoàng cung ở Tokyo, và Bát Xích Quỳnh Khúc Ngọc được cất giữ tại Y Thế Thần cung - Ise tỉnh Mie Nhật Bản. Y Thế thần cung là nơi tôn thờ Nữ Thần mặt trời, điểm thiêng liêng nhất của Nhật Bản. Du khách không được phép bước chân vào Y Thế thần cung mà chỉ được dạo bộ trong khuôn viên của Thần cung. Chỉ những thành viên của Hoàng gia Nhật Bản mới được phép đặt chân vào Thần cung.

Tuy nhiên sự tồn tại của Tam chủng thần khí là bí mật quốc gia của Nhật Bản, bởi vì chỉ có Thiên Hoàng và một số quan đại tư tế - luôn xuất thân từ Hoàng gia là được tiếp xúc 3 thần khí này. Đến nay không hề có một bức ảnh chính thức nào chụp được ba thần khí cả. Sự tồn tại của chúng chỉ được biết đến qua một loạt sắc chỉ của Thiên Hoàng Hirohito yêu cầu viên chường quan đại nội Kido Koichi vào cuối thế chiến thứ 2 (1945) bằng mọi giá phải bảo vệ Tam chủng thần khí. Chính vì đợt này mà có 1 bức ảnh của Bát Chỉ kính tại hoàng cung bị lọt ra ngoài nhưng ngay sau đó đã bị tiêu hủy không còn dấu vết. Và theo một nguồn tin mà tôi được biết và được nhìn thấy thì Bát Chỉ kính là gương tròn trên có hình thái cực giống như thái cực của Văn hiến Lạc Việt được khôi phục lại. Tiếc là chẳng có thể chứng minh được rõ ràng, chứng nào tam chủng thần khí vẫn còn là điều bí mật

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Mộc Công thân mến.

Nói rõ hơn - Hình trên Bát Chỉ kính - có phải chính là hình này không?

Bát Chí Kính là một tấm gương đồng có hình tròn trên đó có hình y như hình này chỉ có điều là không sơn xanh đỏ thôi. Theo Nhật Bản sử ký, thì Nữ Thần Mặt Trời do quá tức giận người em trai đã trốn vào trong động và không đi ra ngoài nữa, các thần bèn tổ chức một buổi lễ vui chơi lớn và dùng Bát Chỉ Kính để đánh lừa Nữ Thần Mặt Trời phải rời hang.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bát Chí Kính là một tấm gương đồng có hình tròn trên đó có hình y như hình này chỉ có điều là không sơn xanh đỏ thôi. Theo Nhật Bản sử ký, thì Nữ Thần Mặt Trời do quá tức giận người em trai đã trốn vào trong động và không đi ra ngoài nữa, các thần bèn tổ chức một buổi lễ vui chơi lớn và dùng Bát Chỉ Kính để đánh lừa Nữ Thần Mặt Trời phải rời hang.

Cảm ơn Mộc Công.

Tôi có được xem một bộ phim hoạt hình Nhật Bản , trong đó nói về một cuộc truy tìm bí mật vũ trụ của nhiều siêu cường. Nội dung bộ phim này tôi có đề cập đến trong cuốn "Tìm về cội nguồn Kinh Dịch" xuất bản lần thứ I. Tôi hy vọng rằng tôi sẽ giới thiệu với những người Nhật Bản quan tâm hình ảnh và nội dung chính của đồ hình Thái Cực Việt - tức là sự bí ẩn mà người Nhật đã gìn giữ như một báu vật quốc gia.

Cảm ơn Mộc Công.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tò he Nhật Bản

Hôm qua, trên đường về nhà, Ichi bỗng trông thấy một gánh hàng tò he với biết bao là hình các con thú ngộ nghĩnh. Thế là Ichi mua một con về nhà ngắm, trông rất đáng yêu đấy nhé! Vậy là Ichi tớ tò mò không biết trên thế giới, ngoài Việt Nam thì còn ở đâu có tò he nữa không?

Tò he là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam, có thể ăn được. Ngày nay, nặn tò he là một nét văn hóa dân gian ở các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Bắc Bộ*

Posted Image

Tò he ở Việt Nam

Và thật ngạc nhiên là ở Nhật Bản cũng có tò he và họ coi đây là một nét văn hóa đặc sắc của mình. Vậy là tớ quyết định làm một chuyến du ký sang Nhật tìm hiểu Amezaiku tên tiếng Nhật của nghệ thuật tò he mà tớ sắp giới thiệu cho các bạn đó.

Posted Image

Và Tò He ở Nhật

Ở Nhật, Amezaiku được coi là một nghề thủ công truyền thống về làm kẹo, mang tính nghệ thuật bởi chỉ với những khối bột vô tri vô giác mà người nghệ nhân đã thổi hồn cho chúng và sáng tạo ra biết bao hình các con thú, các nhân vật.

Posted Image

Các bạn có biết là để làm một con thú tò he bằng kẹo gồm những công đoạn gì không? Đừng nóng vội. Ichi sẽ bật mí ngay bây giờ nè :P

Posted Image

Trước hết là cần đun bột đã hòa nước đường cho sôi đến khi nó chuyển sang dạng keo và trong suốt giống như kẹo kéo ấy (ôi thèm quá đi thôi :P . Sau đó vớt ra ngòai và chia thành các mẩu nhỏ để nhào nặn cho mềm, khi để lâu ngoài không khí, bột sẽ có màu trắng tinh.

Posted Image

Một phần công đoạn nặn Tò He của nghệ nhân Nhật Bản

Tiếp đến là công đoạn nặn các khối bột nhỏ này thành hình ưa thích. Khi đó các nghệ nhân thường sử dụng một chiếc kéo nhỏ đễ hỗ trợ trong công đoạn uốn lượn hay làm cánh cho các con thú trong khi ấy thì các bác nghệ nhân nhà mình sẽ sử dụng lược nè, que tre nè…Và cuối cùng thì tèn ten, bạn đã hoàn thành một em tò he xinh xinh rồi nè, có đẹp không nào?

Posted Image

Chúng tớ là gấu Pooh, mèo Kitty và Pikachu nè :P

Ngoài ra, trong kỹ thuật nặn tò he của người Nhật còn có một tiểu xảo nhỏ đó! Họ sẽ thổi một lỗ nhỏ ở con tò he sao cho nó phồng to hơn, giống như người ta thổi thủy tinh ấy. Một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ đó bạn, bởi nếu không khéo, bạn sẽ làm hỏng hình dạng của con tò he vừa làm đó.

Posted Image

Amezaiku cùng những nghệ nhân tại các lễ hội

Nhìn những chú tò he Amezaiku thật là thích mắt nhưng để làm ra thì thật là khó khăn với chúng ta :) . Còn với những nghệ nhân thì họ có thể biểu diễn làm tò he chỉ trong 3-5 phút là đã “xuất xưởng” một chú tò he thật xinh xắn rồi đó.

Posted Image

Mẫu con thú luôn được ưa chuộng

Nhưng chính vì sự mai một dần của nghề truyền thống này, Amezaiku thường chỉ xuất hiện ở các lễ hội và thấp thoáng đâu đó trên những con đường đang tràn ngập nhịp sống hiện đại ở Nhật. Ở các lễ hội đó, những nghệ nhân sẽ biểu diễn làm những con tò he với kỹ thuật điêu luyện của mình.

Posted Image

Những mẫu rất nữ tính nè :rolleyes:

Có thể nói đây là một nghề đã có lịch sử rất lâu ở Nhật cách đây hơn trăm năm, với tục lệ cha truyền con nối để duy trì và bảo tồn Amezaiku. Tuy vậy, Amezaiku đang bị mai một dần ở Nhật Bản, bởi ngày nay có rất ít người theo đuổi nó cũng như số lượng nghệ nhân về Amezaiku ngày càng ít đi. Tình trạng này cũng giống với nghệ thuật tò he ở Việt Nam quá bạn nhỉ >_<

Posted Image

Nghệ nhân tò he ở Nhật Bản

Posted Image

Nghệ nhân tò he ở Việt Nam

Nếu có lúc nào đó khi rảo bước trên đường dù cho ở Việt Nam hay Nhật Bản, bạn hãy nhớ dừng lại một lúc nhé. Hãy ngắm nhìn những bé tò he đáng yêu và cảm nhận không gian mùa thu đang khẽ về trên những con phố nhỏ. Và Ichi thực sự mong rằng, không chỉ Amezaiku mà những bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo khác cũng như mùa thu, sẽ không bao giờ biến mất mà luôn được gìn giữ trong lòng các thế hệ trẻ chúng ta.

Posted Image

Huyền Trang tổng hợp

Nguồn: ichinews.acc.vn

<http://ichinews.acc.vn/bai-viet/857/to-he-nhat-ban/xem.htmx>

_______________________________________________

Ở Nhật cũng có Tò He khá giống với Việt Nam, nhưng khác mỗi chất liệu và cách làm.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ở Nhật cũng có Tò He khá giống với Việt Nam, nhưng khác mỗi chất liệu và cách làm.

Giống gần như hệt đấy. Hồi nhỏ, tôi thường mua những con tò he Việt làm bằng đướng ...như miêu tả ở bài viết trên. Nhưng tò he Việt làm bằng đường này có thể thổi ...toe ...toe được. Các bác bán hàng rong tò he Việt có hai lon đựng đường nấu thành keo, đặt trên một cái hộp than âm ỉ. Một lon mầu nâu đỏ, một mầu nâu đen và một bịch toàn những ống trúc ngắn bằng đốt ngón tay, nhỏ như ngón tay trẻ con, vát nhọn. Đầu gắn lá cọ khô. Ống này có thể thổi...toe toe. Khi có trẻ con như tôi hồi ấy mu, ông bán tò he Việt cầm đầu ống trúc không có lá nhúng vào lon đường do chúng tôi chọn màu và một cục đường dính vào đấy. Ông đưa lên miệng thổi làm cục đường phình ra. Hai tay ông khéo léo nặn cục đường dẻo thành ra một số con vật mà chúng tôi yêu cầu. Thường chỉ có hình gà và chuột. Khi gần xong, ông lấy một cái đũa chọc vào bụng con vật đang còn thổi ở miệng ông. Đường dính vào đũa và ông kéo ra. Nó thành cái bong bóng, nổ cái bụp. Có chỗ thoát hơi, chúng có thể thổi toe toe...Chơi chán thì ăn luôn con tò he ấy.

Cũng giống tò he Nhật quá đi ấy chứ.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tại cháu là thế hệ trẻ, sinh ra sau này nên cháu cứ nghĩ là tò he làm bằng bột gạo. Theo bài báo cháu đọc trên mạng thì tò he làm bằng bột gạo lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Tò he bây giờ cũng sắp biến mất rồi, còn tò hè bằng đường mà ngày xưa bác Thiên Sứ chơi chắc thất truyền lâu rồi. :rolleyes:

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tại cháu là thế hệ trẻ, sinh ra sau này nên cháu cứ nghĩ là tò he làm bằng bột gạo. Theo bài báo cháu đọc trên mạng thì tò he làm bằng bột gạo lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Tò he bây giờ cũng sắp biến mất rồi, còn tò hè bằng đường mà ngày xưa bác Thiên Sứ chơi chắc thất truyền lâu rồi. :rolleyes:

Hầu như xu hướng chứng minh xuất xứ Trung Quốc trong văn hóa truyền thống ngày càng nở rộ, vì được bảo chứng bằng các giáo sư đẳng cấp như Trần Quốc Vương, ....Với ông ta thì "Bánh Chưng" còn có dấu ấn từ Trung Quốc nữa. Tóm lại, với "hầu hết những nhà khoa học trong nước" thì dân tộc Việt này xuất xứ từ "Liên minh 15 bộ lạc", cùng lắm là "một nhà nướcc sơ khai" với những người dân "ở trần đóng khố". Địa bàn sinh hoạt chỉ vỏn vẹn ở "Đồng bằng sông Hông".

Quan điểm của họ xa lạ với luận điểm mà tôi đã chứng minh: Dân tộc Việt có lịch sử trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương Tử và là cội nguồn của những giá trị văn hóa Đông phương. Tôi hy vọng chân lý sẽ ngày càng sáng tỏ.

.

Share this post


Link to post
Share on other sites

TƯ LIỆU THAM KHẢO

Lời đồn tai ác bộ tộc ăn thịt người ở Tây Bắc

Cập nhật lúc 12:16, Thứ Sáu, 10/09/2010 (GMT+7)

Cách cả trăm năm rồi, ở dải đất chỉ có điệp trùng rừng núi giữa miền Tây Bắc ấy bỗng rộ lên một tin đồn khủng khiếp: Người Mông Xanh ăn thịt người. Tin dữ ấy khiến ai cũng kinh sợ, hãi hùng.

Người Mông Xanh ở huyện Văn Bàn (Lào Cai) cho rằng, dân tộc mình đến từ đất nước mặt trời mọc xa xôi. Đến giờ, chưa có bằng chứng khoa học nào để khẳng định chính xác chuyện này, thế nhưng, nhìn hình dạng bề ngoài thì tộc người thiểu số này cũng có nhiều nét giống với người Nhật Bản.

Khổ vì… được quan tâm

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu đời sống của người Mông Xanh đang sinh sống trên địa bàn, vẻ tâm đắc, ông Triệu Trung Phấu - Chủ tịch UBND xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn bảo, đã có rất nhiều đoàn nghiên cứu cả trong và ngoài nước lặn lội lên đây để tìm hiểu về tộc người có nhiều nét kỳ bí này.

Có lẽ, họ đến bởi thời gian gần đây, trong cộng đồng người Mông Xanh dấy lên thông tin lạ lùng rằng dân tộc họ có nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản, xứ sở của loài hoa anh đào tuyệt mỹ.

Cũng theo ông Phấu, khi những thông tin ấy rộ lên, người trong xã mới giật mình để ý và lại giật mình khi nhận ra rằng, những thông tin trên ít nhiều có cơ sở.

Posted Image

Ông Vàng A Sáng Ông Phấu cho biết, trên địa bàn xã, người Mông Xanh có gần 600 khẩu, sống ở hai bản Tu Thượng và Tu Hạ. Ông Phấu giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Vàng A Sáng, nhân vật có uy tín bậc nhất của dân tộc gắn với nhiều lời đồn thổi, thêu dệt này.

Đúng như lời ông Phấu nói, khi gặp ông Sáng chúng tôi đã không khỏi bất ngờ. Ông Sáng có nhiều nét giống người dân ở xứ sở Phù Tang: Người thấp bé, mắt sáng, mũi thẳng và cao, tác phong thì hoạt bát, lanh lẹ.

Khi chúng tôi bày tỏ sự bất ngờ này, ông Sáng cười bảo: “Ai cũng bảo mình giống người Nhật. Mình xem ti vi, xem ảnh trên sách báo cũng thấy… đúng là như vậy! Người dòng tộc mình trên này thì ai cũng thế mà!”.

Ông Sáng sinh năm 1952, trong cộng đồng, so với những người cùng thế hệ thì ông là người đi nhiều, biết rộng. Năm 22 tuổi, ông rời bản làng lên đường nhập ngũ. Tham gia giải phóng miền Nam rồi ông lại ngược ra Bắc chống quân bành trướng Trung Quốc.

Ông bảo, những ngày bôn ba ấy, gặp bất cứ ai ông cũng đều nhận câu hỏi, ông là người dân tộc nào mà trông… khác người đến vậy. Ông bảo ông là người Mông, thế nhưng chẳng ai tin. Họ bảo, người Mông ai cũng “mũi tẹt, mắt híp”, sao ông không giống thế?

Truyền thuyết về một cuộc di cư

Mấy lần về Thủ đô tham gia các cuộc hội nghị với những già làng, trưởng bản người thiểu số, ông Sáng đã dò hỏi các đại biểu ở khắp mọi miền đất nước và đi đến kết luận, ở Việt Nam chỉ duy nhất xã Nậm Xé là có người Mông Xanh cư trú. Ông Sáng ao ước được một lần đặt chân đến Nhật Bản để tìm hiểu xem có đích xác người tộc ông có xuất xứ từ đó.

Ông Sáng bảo, bố ông sinh ra ở nơi đây, thế nhưng ông nội ông thì không phải là người ở đất này. Ông nội ông từ đâu đến, đến giờ ông cũng không biết rõ. Các cụ thì cứ khăng khăng khẳng định rằng, người Mông Xanh có xuất xứ từ Nhật Bản. Nói vậy thì biết vậy chứ ông cũng chẳng thấy có bằng chứng xác đáng để chứng minh. Có chăng chỉ là cái vóc dáng bề ngoài “giông giống”.

Posted Image

Vóc dáng, trang phục của người Mông Xanh khác hoàn toàn các tộc người Mông khác. Khi giải ngũ, về công tác tại địa phương, ông Sáng mới thực sự đi sâu tìm hiểu gốc gác của dân tộc mình. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đó cũng chẳng cho kết quả như là mong muốn. Người Mông Xanh có ngôn ngữ riêng nhưng không có chữ viết riêng.

Do vậy, chuyện vật đổi sao dời cũng chẳng thể nào ghi chép được. Tuy nhiên, chuyện của những cao niên trong dòng tộc mà ông sưu tầm được thì nhiều lắm. Trong số những câu chuyện ấy có cả chuyện kể về hành trình đi tìm đất định cư của người Mông Xanh.

Người già trong cộng đồng đều kể lại rằng, thuở trước, người Mông Xanh sống hoà thuận với các dân tộc khác tại một hòn đảo ở giữa biển khơi. Thế rồi, chiến tranh, bệnh tật, thiên tai đã khiến người Mông Xanh chết dần, chết mòn. Trước hoạ diệt vong này những người già trong tộc đã quyết định di cư, tìm vùng đất mới, nơi có cây cối tốt tươi, khí thiêng hội tụ. Họ đã vượt biển, qua đất Trung Hoa rộng lớn rồi tìm đến đất này.

Ông Sáng nhận định, người Mông Xanh đến đất này chỉ hơn 100 năm về trước. Cách đây mấy chục năm, khi người Mông Xanh sống tập trung tại bản Tu Thượng thì cả bản cũng chỉ có vài nóc nhà. Và, khi ấy, người Mông Xanh có 4 dòng họ là Thàng, Vàng, Giàng, Lý.

Mỗi dòng họ là một hộ gia đình (sau này dòng họ Thàng mắc bệnh tật nên chết quá nhiều, không còn người nối dõi nữa). Ngày ấy, hễ trong bản có công to việc lớn như cưới xin, ma chay… huy động tất cả cũng chỉ xếp đủ hai mâm cỗ.

Về đời sống văn hoá, tâm linh, ông Sáng cho biết, qua sách báo, phim ảnh, ông đã cố tìm ra nét tương đồng giữa đời sống văn hoá của người Nhật với người trong tộc mình. Thế nhưng, qua so sánh, ông Sáng chỉ thấy người Mông Xanh giống… người Kinh.

Người Mông Xanh ăn Tết Nguyên đán và cũng cúng tổ tiên vào ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng. “Có thể khi về Việt Nam, quá trình giao thoa văn hoá khiến người Mông Xanh bị đồng hoá” - ông Sáng nhận định.

(Theo VTCnews)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Hồi nhỏ Rin86 có xem một bộ phim tài liệu về tò he Trung Quốc, tò he Trung Quốc cũng có nhiều loại khá giống Nhật Bản và Việt Nam, có loại chuyên làm bằng đường màu nâu nâu, thổi rỗng giống thổi thủy tinh, có loại đặc bằng bột nhiều màu sắc. Trong bộ phim đó thì ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, Trung Quóc đã đem nghệ thuật này quảng cáo ra thế giới và được thế giới công nhận http://www.lyhocdongphuong.org.vn/forum/public/style_emoticons/default/sad.gif Và còn một bộ phim TQ có đoạn đúa trẻ đem đồng hồ của mẹ đi đổi lấy tò he -_-

Share this post


Link to post
Share on other sites

Hồi nhỏ Rin86 có xem một bộ phim tài liệu về tò he Trung Quốc, tò he Trung Quốc cũng có nhiều loại khá giống Nhật Bản và Việt Nam, có loại chuyên làm bằng đường màu nâu nâu, thổi rỗng giống thổi thủy tinh, có loại đặc bằng bột nhiều màu sắc. Trong bộ phim đó thì ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, Trung Quóc đã đem nghệ thuật này quảng cáo ra thế giới và được thế giới công nhận -_- Và còn một bộ phim TQ có đoạn đúa trẻ đem đồng hồ của mẹ đi đổi lấy tò he -_-

Chú cũng thích chơi tò he hồi cn nhỏ. Tò he làm bằng đường, thổi chán thì ăn luôn, rồi lấy cái tò he bằng ông trúc, tre thổi tiếp. Khi chú ngậm ống trúc, tre đó chú chỉ thấy hồn Việt trong chú. Không thấy văn hóa Hán ở đấy. Đường mía làm tò he là sản phâm ở miến Nam Dương tử. Dân miền nam Dương tử ăn gạo, chứ không dùng bột mỳ http://www.lyhocdongphuong.org.vn/forum/public/style_emoticons/default/grin.gif .
2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Hồi nhỏ VL được dẫn đi những phiên chợ quê cũng thỉng thoảng gặp bác thợ lặn tò he. Có điều tò he bằng bột, xanh đỏ tím vàng. Chơi chán mà đang đói ăn luôn.

Vật sumo và vật cổ truyền ở Việt nam có nhiều nét giống nhau. Tại sao trong các nước ĐNA và ĐBA ít thấy nước nào như Việt nam có môn võ vật cổ truyền, cởi trần quấn khố (nếu đọc tùy bút Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng thì môn vật tại các làng quê miền Bắc trước 1954 không khác gì mấy môn sumo. Đó là những lễ hội lớn, là niềm tự hào, là tinh thần thượng võ của một cộn đồng). Tại các kỳ Sea Games, vật cổ truyền luôn là một trong những môn đem lại nhiều huy chương nhất cho đoàn thể thao Việt nam.

Có thể nước khác có môn vật nhưng nó chưa đến mức phổ biến hoặc trở thành một nét văn hóa như vật cổ truyền Việt nam hay vật sumo Nhật bản. Hàn quốc cạnh Nật Bản cũng không hề phổ biến môn võ này trong khi các môn võ các các nước đều có chỉ khác nhau ở những thế võ hay tên gọi như Taekondo, Karate, Vovinam, Pencak Siclat, Muong Thai.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Anh Lãn Miên đã thống kê hàng loạt cách phát âm của người Nhật với nội dung ngôn từ và so sánh với cách phát âm của người Việt cùng nội dung ngôn từ, cho thấy sự gần gũi rất đáng kinh ngạc của hai ngôn ngữ này. Điều này là một trong những yếu tố nữa cho thấy nguồn gốc của người Nhật và Việt tộc có quan hệ rất gần gũi.
Cho đến tận ngày hôm nay, người Nhật mới phát hiện ra rằng: Họ có gen giống người Việt đến 90% (Thông tin từ giáo sư Trần Quang Vũ) và cội nguồn lịch sử Nhật rất mơ hồ. Tôi nghĩ họ nên tìm hiểu từ văn hóa cổ Việt.

===================

Lóng Việt - Lời Nhật
Lãn Miên


Anh:ANI(anh) An tim:ANXIN(yên tâm) An toàn: ANDÊN(an toàn) Đó ai kia:ĐARÊKA(ai)
Đó nào thằng: ĐÔNATA(ai) Bon bon: ĐÔNĐÔN (ào ạt)

Tay bê giữ:TABÊRƯ(ăn)

Mời xơi ăn gà rán:MỄXIAGARƯ(ẩm thực)

Ừ rác tai:ƯRƯXAI(ồn ào)

Trọ mà rứa:TÔMARƯ(ở trọ) Ấy muội tôi:YMÔÔTÔ(em gái) Do oải:DÔ OAI(yếu) Xíu có xí:XƯCÔXI( ít)

Ý mà:Y MƯ(ý )Ái:AY(yêu) Ý kiến:Y KÊN(ý kiến) Hãy dí mũi:HADIMÊ(bắt đầu) Ý cần răng?:Y CƯRA ( bao nhiêu) Y sĩ:Y sha(y sĩ) Y chừng mô:YCHƯMỐ(bao giờ cũng) Y mặt:YMA (bây giờ)

Ưng rao:YRƯ(bán) Vẽ:Ê(bức tranh) Diễn xuất:ÊNXÔ(biểu diễn) Ông to bạn :ÔTÔXAN(bố bạn)

Có dọn gì được: GÔDÔNDIĐÊS(biết) Giữ bền nào:GIÔBƯNA(bền)
Xó to:XÔTÔ(bên ngoài) Xó rộng:XÔRA(bầu trời) Chỗ xe đỗ:CHÔSAGIÔ(bến xe) Tôi nằm rìa:TÔNARI(bên cạnh)

Tót bật:TÔBƯ(bay) Nêu ra bày rồi:NARABÊ RƯ(bày ra) Nê mắt:NÊMƯI(buồn ngủ) Bệnh viện:BIÔIN(bệnh viện)

Bệnh nhân:BIÔNIN(bệnh nhân) Phủi hắt:FƯHÊY(bất bình) Phiền não:FƯBÊNNA(bất tiện) Phi mãn:FƯMAN(bất mãn)

Phì rò:FƯRÔ(bồn tắm) Mau mà giữ:MAMÔRƯ(bảo vệ) Dơ gớm ra rứa:DÔGÔRÊRƯ(bẩn)
Dự hóng:DÔHÔÔ(báo trước) Uốn tắt xéo:OATAXƯ(băng qua) Oang ra ồn:OATAƯ(cười)
Dắtt tột:YATTÔ(cuối cùng) Tột tót:TỐTÔÔ(cuối cùng) Mụ xứ mệ:MUXƯMÊ(con gái)
Mãnh xửng cồ:MƯXƯCÔ(con trai) Mí nước to:MINATÔ(cảng) Mảnhgió:MAĐÔ(cửa sổ) Phù rồi ý:FƯRƯI(cũ kỹ)

Ham chọn dồ:HICHƯDÔ(cần thiết)Bữa cơm ăn: BANGÔHAN(cơm tối) Nới gút:NÊGƯ(cởi) Chờ rớ:CHƯ RƯ(câu cá)Cảnh ngộ:CHƯGÔ Ô(cảnh ngộ) Đó ru:ĐARÔÔ(có lẽ) Dí mần:DIMƯ(công việc)

Xem cá này:XACANA(con cá) Gặp dàn mặt:GÔDAIMAXƯ(có mặt) Cầm tíu ri:CÔTÔRI(con chim con) Công tác:CÔTÔ(công tác)

Kèn cựa:KÊNKA(cãi cọ) Cữ tối:CƯRAI(cỡ tối) Cấm ngọn:KINÊN(cấm lửa) Coi chừng kẻo rụng:KIỐCHƯKÊRƯ(cẩn thận) Cắt rời:KIRƯ(cắt)
Cóc nghĩ:KIƯNÍ(không ngờ) Có mó chắc:KIMÔCHI(cảm giác) Cảm gì rõ:CANDIRƯ (cảm thấy) Con tem:KITÊ(con tem) Cây:KI(cây) Gắng bằng rồi:GANBARƯ(cố gắng)
Cặp bán:CABAN(cái cặp sách) Cảm gió:CADÊ(cảm gió) Ô thằng cò nó có:ÔTÔCÔNÔCÔ(con trai) Ý rõ:YRÔ(cần) À rứa:ARƯ(có) Cơm ăn:GÔHAN(cơm) Nào nấy:NANNÍ(cái gì) Đâu có đằng kia:ĐÔCÔĐACA(chỗ nào đó) Ẩy xôbồ:AXÔBƯ(chơi) Ả này:ANÊ(chị)

Ưa sao cần mẫn:YSÔKÊNMÊI(chăm chỉ) Úp chụp xuống:ƯCHƯXƯ(chụp) Càng nặng ra giữa:CANARADƯ(chắc chắn)

Cứ để xài:CƯĐAXA(cho phép) Cốt xỏ:CÔXÔ(chính) Gả chia xớt:GÔCHIXÔÔ(chiêu đãi) Xin nằm:XINƯ(chết) Giao tế:SÔTAI(chiêu đãi) Chuẩn bị:GIƯNBI(chuẩn bị) Xẻ với:XÊWA(chăm sóc) Chuyên môn:XÊNMÔN(chuyên môn) Đáng có:ĐAKÊ(chỉ có)

Chậm cò cưa:CHICÔCƯ(chậm) Cha chú:CHICHI(cha)T ôi có rồi:TÔCÔ RÔ(chỗ)

Tẩm rưới:TÔRƯ(chụp) Hích cột xà:HÍTCÔXƯ(chuyển nhà) Dạ rồi:YARƯ(cho) Ọc ạch ri:ỨTCHCƯRƯ(chậm chạp)

Ôm cái rẽ rời:OACARÊRƯ(chia tay)
Ra vẻ:RAXII(dường như) Dò tính:DÔTÊI(dự định) Dễ tẩy:DÔTÊI(dễ dàng) Nó dài:NAGAI(dài) Đỗ mãi rứa:TÔMARƯ(dừng) Chừng mô ri:CHƯMÔRI(dự định) Cho keo rồi:CHƯKÊRƯ(dính) Dần dần:ĐANĐAN(dần dần) Xong dẹp:XÔDI(dọn dẹp) Cứa rằn ri:KIƯƯRI(dưa leo) Cứt ta này:KITANAI(dơ bẩn) Ông xem rồi:ÔXIÊRƯ(dạy) Ừ xạo:Ư XÔ(dối) Ăn nói:ANNAI(dạy) Mải đang:MAĐA(đang) Anh rảo cuốc:ARƯCƯ(đi bộ) Anh cứ:ACƯ(đi) U tấy:Y TAI(đau)Ị  bãi:YCHBAI(đầy) Ì Để rứa:YRÊRƯ(để) Út chị cực xinh:ƯCHƯCƯXII(đẹp) Ký rồi này:KIRÊINA(đẹp)Ối dân:ÔÔDÊI(đông đúc)

1
Khả ái:KAOAII(đáng yêu)Xi mạ rồi:XIMARƯ(đóng)Đến già:DINGIA(đền thờ)Dồi chứ :DƯCHƯ(đã từng)Đầy đủ:TARIRƯ(đầy đủ)Đại khái:ĐAITAI(đại khái)
Chính đúng:CHIÔÔĐÔ(Đúng)Đặt xuống:ĐAXƯ(đưa ra)Chiếc cầu:CHIKIƯƯ(địa cầu)Chỉ dõ:CHIDƯ(địa đồ)Chuyêncần:CHƯƯKIN(đi làm)Tên:TÊN(điểm)Điện với:ĐÊNWA(điện thoại)Tọt rồi:TÔÔRƯ(đi qua)Tốt cực nị:TÔCƯNÍ(đặc biệt)Đạo cụ:ĐÔGƯ(đạo cụ)Đáng bắt chứ:ĐÔÔBƯCHƯ(động vật)Đằng nào:ĐÔNNA(đằng nào)Ngái:NIGAI(đắng)Hai chiếc:HAXI(đôi đũa)Hẵng mới:HADIMÊ(đầu tiên)Phập mềm:PHƯMƯ(đạp)Mải chờ:MACHƯ(đợi)Mau đến:MAĐÊ(đến)Mòn chi:MICHI(đường đi)Dò miệng:DÔMƯ (đọc)Dò dằn cọc:DÔDACƯ(đặt trước)Lóc cóc:RIÔCÔÔ(đi du lịch)Rỗi xéo:RƯXƯ(đi vắng)Ừ tống ra:OATARƯ(đưa)Kẻng ghê ý:KIRÊI(đẹp)Hẹn cái xẽ rõ,Hội kiến:HAIKÊN XƯRƯ(gặp)Chắn tốt:CHIANTÔ(gọn gàng)Chỗ cận kề:CHICACƯ(gần)Tối cận:XAIKIN(gần nhất)Cơm:KÔMÊ(gạo)Cỡ này gần rồi:CÔNÔGÔRÔ(gần đây)Kẻ gặp mi:KAGAMI(gương)Gặp gỡ:AƯ(gặp gỡ)Căm rõ này:KIRAINA(ghét)U mê:ƯMÊ(giấc mơ)Ưu suất:ƯƯSÔÔ(giảinhất)
Hồigia:HÊGIA(gian nhà)Nhận đáng:NÊĐAN(giá bán)
Giặt giũ:XÊNTACƯ(giặt giũ)Giỏi giang nào:GIÔDƯNA(giỏi)Giản đơn:KANTAN(giản đơn)Kẻ nứt mỏ chì:KANÊMÔCHƯ(giàu có)Giải quyết:KAIKẾTCH(giải quyết)Cả giống cơ:CADÔCƯ(gia tộc)Ồ này giống:ÔNADI(giống nhau)Ông cáu rồi:ÔCÔRƯ(giận dữ)
Ổn cả rồi:OACARƯ(hiểu)Cữ gần tối:ƯƯGATA(hoàng hôn)Ước xong cứ:YACƯXÔCƯ
(hẹn hò)Mãn rồi đó:MARƯĐÊ(hoàn toàn)Biết cách:BÊNKIÔÔ(học)Hoa này:HANA(hoa)
Hộp:HACÔ(hộp)Xờ ri tỏ mô:XÔRÊTÔMÔ(hay là)Khe mọi:XÊMAI(hẹp)Dất tốt:DỨTCHTÔ(hơn hẳn)Sách rồi:SƯRƯI(hồ sơ)Cũ quá sét rỉ:CÔOARÊRƯ(hư hỏng)
Cận giềng:KINGIÔ(hàng xóm)Ừta ca:ƯTAƯ(hát)Em cứ gặp gỡ:ƯCAGAƯ(hỏi thăm)
Ấy tất xong:YTAXƯ(hoàn tất)Ôm ăn rồi:ÔOARƯ(kết thúc)Ôm cắn xí:ÔCAXI(kẹo bánh)
Cách chi:CATACHI(kiểu)Kiốt trà điếm:KICHXATÊN(tiệm trà)Kết cuộc:KẾTCHSÔCƯ
(kết cục)Kết hôn:KẾTCHCÔN(kết hôn)Kiểm tra:KÊNXA(kiểm tra)Đồ rờ bùn:ĐÔ RÔBÔÔ(kẻ trộm)Nạt cáu:NACƯ(kêu la)Mắt gắn:MÊGANÊ(kính đeo)Dò kỹ :DÔCƯ(kỹ càng)Hô bảo:YÔBƯ(kêu gọi)Mần gì khó xử:MƯDƯKAXI(khó khăn)Mau mau nữa cứ:
MAMÔNACƯ(không lâu nữa)Miệt chợ:MACHI(khu phố)Hơi độ:HÔĐÔ(khoảng)Nhọc cực:NICƯI(khó nhọc)Nức nở:NACƯ(khóc)Thường khi:TÔKI(khi)Được mô:ĐAMÊ(không được)Đại bộ:ĐAIBƯ(khá nhiều)Dở nì :DƯNI(không)
Dày bộn:DƯIBƯN (khá nhiều)Khác khi:XACHKI(khi nãy)Quyết xa té:KÊCHXITÊ
(không bao giờ)Kết quả:KẾTCHCA(kết quả)Cỡ rày:CƯRAI(khoảng)Không khí:KƯƯKI
(không khí)Khoác rồi:KIRƯ(mặc áo)Khách:KIYACƯ(khách)Có mô như thế này:CAMÔ XIRÊNAI(không chừng)Khá nặng ri:KANARI(khá nhiều)Tôi ngợi:ÔIOAI(khen)Ấy xong gấp:YXÔGƯ(khẩn cấp)Lát tôi để:ATÔĐÊ(lát nữa)Cố tỏ bày:CÔTÔBA(lời nói)Í ới:YƯ(nói)Hay nói xì:HANAXƯ(nói)Mỏ xía:MÔÔXƯ(nói)Khó mà xử:KÔMAXƯ(lúng túng)Còn đó:CÔNĐÔ(lần này)Se mướt:XAMƯI(lạnh)
Sẽ gặp ngay:XƯGƯNI(lập tức)Mau xát gút:MÔÔXƯGƯ(lập tức)Xử rồi:XƯRƯ(làm)Chế ra:CHƯCƯRƯ(làm)Cho dô kịp:CHƯDƯCƯ(lien tục)Đó răng tề:ĐÔÔYATTÊ(làm thế nào)Tóm rồi:TÔRƯ(lấy)Hai tay ra cuốc:HATARACƯ(lao động)Hiu hiu:HI(quẻ ly-lửa)Hơi xa xí buồn ri:HIXAXIBƯ RI(lâu lắm không gặp)Hèn nạ:HÊNNA(lạ lùng)Mất chì chài:MACHIGAI(lầm lẫn)Mải chơi ri:MACHƯRI(lễ hội)
Ừ rẽ rời:ƯRÊRƯ(lắc lư)Lịch kịch sách:RIRÊKISÔ(lý lịch)Liên lạc:RÊNRACƯ(liên lạc)

2
Đồ nhâm nhi:RIÔÔRI(món ăn)Mục đích:MÔCƯTÊKI(mục đích)Mắt:MÊ(mắt)Mọi người:MINNA(mọi người)Mỗi nhật:MAINICHI(mỗi ngày)Ham xơi:HÔXII(muốn)Phùn ướt:PHƯƯ(mùa đông)Phì to ri:PHƯTÔRI(mập)Bị ốm cơ:BIÔÔKI(mắc bệnh)
Hé ra cơ:HIRACƯ(mở)Hơi có cánh:HICÔÔKI(máy bay)Bán phần:HANBƯN(một nửa)Má:HAHA(mẹ)Hỉ nước:HANA(mũi)Nỏ nì:NÔNÍ(mặc dù)Nó ôi:NIÔI(mùi)Nắng chết:NACHƯ(mùa hè)Nữa cơ nữa cơ:NACƯNACƯ(mãi mãi)Chọi:CHƯDÔI(mạnh)Cho ướt:CHƯƯ(mùa mưa)Chừ càng run dữ:CHƯCARÊRƯ(mệt)Chút tí:CHỐTTÔ(một chút)
Xòe cởi:XACƯ(nở)Cứ mưa:CƯMÔ(mây)À mưa:AMÊ(mưa)Cày rẽ ru:CARIRƯ(mượn)U của bạn:ÔCAA XAN(mẹ bạn)Ưa mặn:ƯMI(mặn)Ăn xổi:ƯXƯI(mỏng)Nhứt độ:ICHIĐÔ(một lần)À kéo ra:AKÊRƯ(mở ra)À cứ rọi:ACA RÊI(minh bạch)Í ới:YƯ(nói)Mồ:MÔ(nào,cũng)Giới xinh:GIÔXÊI(nữ tính)Xôi đút cho:XÔĐACHƯ(nuôi nấng)Đàn xửng:ĐANXÊI(nam tính)Nội dung:NAIDÔÔ(nội dung)
Mưa dột:MIDƯ(nước)Mồồ:MÔÔ(nữa nào)Ước mình nổi:ƯƯMÊINA(nổi tiếng)Trọ quán:RIÔCAN(nhà trọ)Mau rước:MÔRAƯ(nhận)Ấy tao được:YTAĐACƯ(nhận)Hít cứt:HICƯ(nhiễm)Hay chạy:HADAI(nhanh)Nhật ký:NICHKI(nhật ký)Coi này nè:CÔNNANI(như thế này)Cứ tỏ:KICHTÔ(nhất định)Ông cắn ghé:ÔCAGHÊ(nhờ vả)Có ối:ÔÔI(nhiều)Í rầm í rộ:Y RÔYRÔ(nhiều thứ)Nhứt hạng:ICHIBAN(hạng nhất)Đi về:YÊ(nhà)Anh biết gay:ABƯNAI(nguy hiểm)Ô mai:AMAI(ngọt)Ồ xơi nhỉ:ÔIXII(ngon)Quen gợi ra:CANGAÊRƯ(nghĩ)Có chỉnh tề:KICHINTÔ(ngay ngắn)Có bị xích:KIBIXII(nghiêm khắc)Nghiên cứu:KÊNKIƯ(nghiên cứư)Cố ý bị tóm:CÔYBITÔ(người yêu)Nghê rỗi:NÊRƯ(ngủ nghê)Nghê mắt:NÊMATS(ngủ)Hay mắc cỡ:HADƯCAXII(ngượng)Hoa nào mê:HANAMI(ngắm hoa)Bức kinh ri:BICHKƯRIXƯ RƯ(ngạc nhiên)Dạ xả mình:DAXƯMƯ(nghỉ ngơi)Dạ mệt rồi:DAMÊRƯ(ngừng lại)Oắt con mô nớ:OACAMÔNÔ(người trẻ tuổi)Mắt rờ:MIRƯ(xem)Mãi cổ xưa:MƯCAXI(xưa kia)Mang chắc:MÔCHƯ(xách)Ủ rũ ý:OARƯY(xấu xí)Cách thức:CATA(phương pháp)Xó chi:XÔCHCHI(phía đó)Hai ta xử:HATAXƯ(phân phối)Hãy dậy:HADƯ(phải làm)Hát ồn:HACHƯÔN(phát âm)Hơi ngờ nhé:HIGIÔNÍ(phi thường)Phong tờ:PHƯTÔ Ô(phong bì)Phức tạp nạ:PHƯCƯDACHNA(phức tạp)Hắt xung:HÔÔXÔÔ(phát sóng)
Uả xong rồi ru:OAXƯRÊRƯ(quên)Mắc đầu rồi:MÔĐÔRÔ(quay lại)Mini cam:MICAN(quýt)Thông giặc:HÔNGIACƯ(phiên dịch)Phủ quấn:PHƯCƯ(quần áo)Hết rét rồi:HARÊRƯ(quang đãng)Quá niên:KIÔNÊN(năm ngoái)Ký mạnh rồi:KIMA RƯ(quyết định)Quá cổ:KACÔ(quá khứ)Ở rạp bán:ƯRƯBA(quầy hàng)Xin xỏ:XAXÔ Ô(rủ rê)Xong xuôi tề:XÔXITÊ(xong rồi thì)Đi ra:ĐÊRƯ(ra)Hỏi kỹ ri:HACHKIRI(rõ ràng)Hơi rộng ý:HIRÔI(rộng)Lá dại:YAXAI(rau)Rằng dùng:RIDÔÔ(dùng)Mới giờ:MADƯ(sớm trước)Hồn:HÔN(sách)Phải câu:PHƯCAI(sâu)Nhọc:NÊCHƯ(sốt)Cho xài:CHƯCAƯ(sử dụng)Sự cố:DICÔ(sự cố)Sợ hãi:CÔOAI(sợ hãi)Nguyên khí:GÊNKI(sức khỏe)Cữ sáng:KÊXA(sáng nay)Cử ra bì rõ:CƯRABÊRƯ(so sánh)Khỏi rác này:KIRÊINA(sạch sẽ)U mày đẻ ra:ƯMARÊRƯ(sinh ra)Y mắt ni mà:YMANIMÔ(sắp sửa)Ánh xáng:AXA(sáng)Suốt tuần:SƯƯCAN(tuần lễ)Kể rày:KA RA(từ đây)To cực ý:ÔÔKIY(to lớn)Ồ kim này:ÔKANÊ(tiền)Kề mi:KAMI(tóc)Chỉ nõn:KINƯ(tơ)Cấp cố:KIƯCÔÔ(tốc hành)Cạo xóa:KÊXƯ(tẩy xóa)Cổ é:CÔÊ(tiếng)Cữ rày cứ ra:CÔRÊCARA(từ bây giờ)Tuổi:XAI(tuổi)Tản bộ:XANBÔ(đi bộ)Tạp chí:DAT XI(tạp chí)Xem còn chi:XICAXI(tuy nhiên)Xất cả rồi:XƯCHCARI(tất cả)Supper:XƯBARAXII(tuyệt vời)Toàn bộ :DÊNBƯ(toàn bộ)Xốt nghiệp:XÔCHƯKIÔ(tốt nghiệp)Chực cập:CHƯCƯ(tới)Tay:TÊ(tay)

3
Tức là:TÔCA(tức là)Đó xao thế:ĐÔXITÊ(tại sao)Phát ế ra:PHƯÊRƯ(tăng)Bền ri nạ:BÊNRINA(tiện lợi)
Hơn gái ý:HÔÔGAIY(tốt hơn)Ngôi xao:HÔXI(tinh tú)Hồn đầy nặng:HÔNĐANA(tủ sách)Bữa năm cuối:BÔÔNÊNCAI(tiệc tất niên)Bố cả:BÔCƯ(tao)
Mua xỉ:MI XÊ(tiệm buôn)Màng nhĩ:MIMI(tai nghe)Nhọ rồi:DÔRƯ(tối)
Dô rồi xị :DÔRÔXII(tốt)Rèn sửa:RÊNSƯƯ(tập luyện)Oắt con ý:OACAIY(trẻ)Gĩa mưa:GIAMƯ(trời lạnh)Mắc xử:MÔXI(trong trường hợp)Hẹn giờ:HÊNDI(trả lời)Hãy trả đủ:HARAƯ(trả tiền)Triển lãm:TÊNRÊN(triển lãm)Xẹp mãi:XƯMƯ(trú)Thi tài:XIAII(trận đấu)Kẻ đỏ mỏ:KÔĐÔMÔ(trẻ con)Có đáp:CÔTAÊ(trả lời)
Ghế sử ngủ:GHÊSƯCU(trọ bình dân)Cố căng ra:CAKÊRƯ(treo)Ông cứ rề rà:ÔCƯRÊRƯ(chậm trễ)Ừ khi ni:ƯCHINI(trong khi)Ý giời:YGIÔÔ(trở lên)Anh có cháu:ACACHAN(trẻ sơ sinh)Ô kìa rậy:ÔKIRƯ(thức dậy)Ôm bài em ru:ÔBAÊRƯ(thuộc lòng)Ốm mới mời:ÔMIMAI(thăm viếng)Quen coi:CANCÔ(tham quan)Giờ còn:GICAN(thời gian)Thi kiểm:XIKÊN(thi)Thất bại:XICHBAI(thất bại)Thất lễ:XICHRÊI(thất lễ)Xin kết nạp:XƯKINA(thích)Xờ rờ xờ rờ:XÔRÔXÔRÔ(thong thả)Tản mạn nị:TAMANÍ(thỉnh thoảng)Có khi có khi:TÔKITÔKI(thỉnh thoảng)Chăng kỳ:CHƯKI(tháng)Nhục cục:NICƯ(thịt)
Thế là:ĐÊOA(thế là)Béo ních:BƯTANICƯ(thịt heo)Hồn tỏ:HÔNTÔ(thật là)Mất két rồi:MAKÊRƯ(thua)Một to:MÔCHTÔ(thêm nữa)Dô rồi có bữa:DÔRÔCÔBƯ(vui)
Dấu diếm:DÔÔDI(việc riêng)Dạ bệt ri:DACHBARI(vẫn thế)Dạ hay rứa:DAHARI(vẫn là)
Món bài:MÔNĐAI(vấn đề)Món đồ:MÔNÔ(vật dụng)Mù ri:MƯRI(vô lý)Mai đến mai đến:MAĐAMAĐA(vẫn chưa)Mải đợi:MAĐA(vẫn còn)Ven:HÊN(vùng)Bãi chỗ:BA SÔ(vị trí)Hãy còn bưng:HACÔBƯ(vận chuyển)Đó cứ ra:ĐACARA(vì thế)Ta nó xin mừng:TANÔXIMƯ(vui mừng)Xem ra để là:XÔRÊĐÊOA(vậy thì)Xem ra để:XÔ RÊĐÊ(vì thế)Vẻ:XÊ(vóc người)Xuất té rồi:XƯTÊRƯ(vứt đi)Dạ:DA(vậy thì)Giá nên:GIANNÊN(thật tiếc)Vận động:ƯNĐÔÔ(vận động)Vận chuyển:ƯNTÊN(vận chuyển)
Xả rỗi càng tốt:XƯRƯCÔTÔ(việc làm)Quay về rồi:CAIÊRƯ(về)Ăn tươi:AÔI(xanh)Ôi cách ngăn:ÔKINI(xa)Ồ có xảy:ÔCÔXƯ(xảy ra)Ông nhờ cậy:ÔNÊGAI(xin nhờ)Cắt đặt giữ kỹ rồi:CATAGIƯKÊ RƯ(xếp đặt)Cỗ rong mã:CƯRƯMA(xe)Khổ cực rồi ông xá mà:GÔCƯRÔÔXAMA(xin bỏ quá)Cố nhìn này:GÔRANNAXAI(xem)Xử mi mà xin:XƯMIMAXEN(xin lỗi)Tột cực:TÔÔCƯ(xa)Được dô:ĐÔÔDÔ(xin mời).

Lãn Miên

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kính thưa quí vị và anh chị em quan tâm

Bài viết dưới đây là tiểu mục 3, phần phụ chương của chương IV, thuộc phần II.II, trích trong tiểu luận "Minh triết Việt & Văn minh Đông phương", Người viết đang hoàn chỉnh lần chót để có thể xuất bản. Vì liên quan đến chủ để của topic này, nên đưa lên để quí vị và anh chị em tham khảo.

Cảm ơn sự quan tâm của anh chị em.

==================================

3. Bài thơ của Lý Bạch

- xác định những giá trị của nền văn hóa Việt lưu truyền ở Nam Dương tử.

Lý Bạch sống vào đầu thế ký thứ VIII AC (có tài liệu xác định là sinh từ năm 701 và mất năm 762. Ông là một trong những nhà thơ danh tiếng nhất đời nhà Đường và lưu danh trong lịch sử Trung Hoa. Người đời tôn vinh ông là Thi Tiên. Ông đã để lại cho đời hàng ngàn bài thơ bất hủ.

Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông chính là bài "Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt". Đây chính là bài thơ xác định cả một hệ thống những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết và huyền thoại của người Việt, còn tồn tại ở Nam Dương tử. Cùng với những tư liệu khác, như: "An Nam chí Lược", "Khứ phi ngoại đáp"...xác định di sản văn hóa Việt vẫn lưu dấu ở Nam Dương tử, như: áo cài vạt bên trái còn tồn tại cho đến thế kỷ I AC, trước cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (sách "An Nam chí lược"); hoặc tục ăn trầu đến thế kỷ thứ X (sách "Khứ phi ngoại đáp"); - thì bài thơ của Lý Bạch chính là sự xác định một nền văn hóa truyền thống của Việt tộc truyền thuyết, huyền thoại và những câu chuyện cổ tích Việt còn tồn tại đến tận thế kỷ thứ VIII AC.

Như vậy, từ những lĩnh vực khác nhau: Nghiên cứu sinh hoạt xã hội, như "Khứ phi ngoại đáp"; trong lịch sử, như: "An Nam chí lược", và trong văn hóa nghệ thuật, qua bài thơ của Lý Bạch, cùng với rất nhiều chứng lý khác - mà người viết đã trình bày, cho thấy sự xác định có tính hệ thống, nhất quán về nền văn minh Việt tộc một thời huy hoàng ở miền Nam sông Dương tử từ hơn 2000 năm trước. Bài thơ này của thi tiên Lý Bạch có nội dung như sau (Những chữ in đậm, gạch dưới do người viết thực hiện)

MỘNG DU THIÊN MỤ NGÂM LƯU BIỆT

Thơ Lý Bạch

Hải khách đàm Doanh Châu,

Yên đào vi mang tín nan cầu

Việt nhân ngữ Thiên Mụ,(*)

Vân hà minh diệt hoặc khả đổ.

Thiên Mụ liên thiên hướng thiên hoành,

Thế bạt Ngũ Nhạc, yểm Xích Thành.

Thiên Thai tứ vạn bát thiên trượng,

Đối thử dục đảo Đông Nam khuynh.(**)

Ngã dục nhân chi mộng Ngô Việt,

Nhất dạ phi đô kính hồ nguyệt.

Hồ nguyệt chiếu ngã ảnh,

Tống ngã chí Diễm Khê.

Tạ công túc xứ kim thượng tại,

Lục thuỷ đãng dạng thanh viên đề.

Cước trước Tạ công lý

Thân đăng thanh vân thê.

Bán bích kiến hải nhật

Không trung văn thiên kê

Thiên nham vạn hác lộ bất định,

Mê hoa ỷ thạch hốt dĩ mính,

Hùng bào long ngâm âm nham tuyền.

Lật thâm lâm hề kinh tằng điên.

Vân thanh thanh hề dục vũ,

Thuỷ đạm đạm hề sinh yên.

Liệt khuyết tích lịch,

Khâu loan băng tồi.

Động thiên thạch phi,

Hoanh nhiên trung khai.

Thanh minh hạo đãng bất kiến để,

Nhật nguyệt chiếu diệu kim ngân đài.

Nghê vi y hề phong vi mã,

Vân chi quân hề, phân phân nhi lai hạ.

Hổ cổ sắt (***)hề loan hồi xa,

Tiên chi nhân hề liệt như ma.

Hốt hồn quý dĩ phách động,

Hoảng kinh khởi nhi trường ta.

Duy giác thì chi chẩm tịch,

Thất hướng lai chi yên hà.

Thế gian hành lạc diệc như thử.

Cổ lai vạn sự đông lưu thuỷ,

Biệt quân khứ hề hà thì hoàn ?

Thả phóng bạch lộc thanh nhai gian.

Tu hành tức kỵ phỏng danh sơn.

An năng tồi mi chiết yêu sự quyền quý,

Sử ngã bất đắc khai tâm nhan!

MƠ ĐI CHƠI NÚI THIÊN MỤ, LÀM THƠ LÚC TỪ BIỆT.

Dịch nghĩa: Khương Hữu Dụng

Khách đi biển kháo nhau về Doanh Châu,

Khói sóng mù mịt, tin rằng khó tìm được.

Nay người Việt nói về núi Thiên Mụ, (*) Mây ráng khi tỏ khi mờ cũng có thể nhìn thấy.

Thiên Mụ liền trời mà vươn chắn ngang trời,

Có cái thế vượt Ngũ Nhạc, ép cả Xích Thành.

Núi Thiên Thai cao bốn vạn tám nghìn trượng,

Trước nó cũng bị áp đảo mà nghiêng về Đông Nam. (**)

Ta muốn nhân đó mơ về Ngô Việt,

Một đêm bay qua vầng trăng hồ Kính.

Trăng hồ soi bóng ta,

Đưa ta đến Diễm Khê.

Ở đấy nay vẫn còn nhà của Tạ Linh Vận,

Nước biếc rập rờn, vượn kêu lanh lảnh.

Chân mang giày Tạ công,

Mình đi lên thang mây xanh.

Đến lưng chừng vách núi thấy mặt trời ngoài biển,

Nghe gà trời gáy vang không trung.

Nghìn núi muôn khe, khó xác định đường đi,

Say mê ngắm hoa đứng tựa núi đá, bỗng trời sập tối.

Gấu thét rồng gào vang dội núi đá, suối khe,

Rừng sâu chấn động, núi thẳm kinh hoàng.

Mây xanh xanh chừng sắp mưa,

Nước mờ mờ như bốc khói.

Chớp giật sấm vang,

Núi tan gò lở.

Động trời cửa đá

Rầm rầm mở ra ở giữa.

Xanh mờ thăm thẳm không thấy đáy,

Mặt trời mặt trăng lấp lánh soi lầu vàng gác bạc.

Cầu vồng làm áo, gió làm ngựa,

Thần mây bời bời bay xuống.

Cọp gảy đàn,(***) loan kéo xe,

Người tiên đông như cỏ gai.

Bỗng hồn kinh phách động,

Tỉnh dậy sợ hãi mà than dài…

Chỉ thấy chăn gối lúc đó,

Khói ráng vừa qua biến mất.

Những cuộc vui trên đời cũng như vậy thôi !

Mọi việc xưa nay trôi qua như nước chảy về đông.

Giã từ anh ra đi, biết bao giờ trở lại ?

Hãy thả con hươu trắng nơi ghềnh núi xanh.

Hễ cần thì cỡi ngay ngựa, thăm núi nổi tiếng,

Chứ sao lại cúi mày khom lưng thờ bọn quyền quý,

Khiến ta không sao mở lòng mở mặt !

MỘNG DU THIÊN MỤ NGÂM LƯU BIỆT

Cảm tác thơ Lý Bạch:Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Khách hải hồ kể mãi xứ Doanh Châu.

Cõi huyền thoại nơi chân trời giáp biển.

Chuyện thần tiên văn hiến Việt ngàn xưa. (*)

Nơi ấy.

Lồng lộng trên cao

Thiên Mụ chắn ngang trời.

Giữa huyền không bời bời.

Ngũ nhạc còn bé, Xích thành nhỏ nhoi.

Núi Thiên Thai hùng vĩ xuyên mây.

Trước Thiên Mụ cũng ngả nghiêng chao đảo...

Ngậm ngùi vận hạn đất trời.

Trời nghiêng Tây Bắc, đất dời Đông Nam(**)

Ta ôm mộng sống trong huyền thoại Việt.

Mơ vượt sóng trào hồ Động Đình đất Kính.

Xuyên Ngô Việt trong trăng thanh lung linh.

Về Diễm Khê thanh bình.

Theo bóng trăng đến lều tranh Tạ Linh Vân.

Nơi nước biếc soi áng mây thơ thẩn.

Hạc kêu, vượn hót

Gió giục mây vần.

Mượn hài thần Tạ công, ta nhẹ bước thanh vân.

Lưng chừng núi chợt thấy mặt trời lồng lộng.

Mão Nhật kê tinh gáy gọi hừng Đông

Đường đi mênh mông.

Mây buông ráng hồng.

Chợt trời sập tối.

Sầm sập mây trôi.

Nghe Kỳ lân gào thét.

Tiếng Rồng gầm vang khe.

Gió giật chớp loè.

Núi tan, non lở.

Chợt vỡ toang cửa trời rộng mở.

Thăm thẳm huyền vi.

Chói loà trời trăng soi lầu vàng, gác bạc.

Thiên thần lừng lững bay.

Giáp trụ hiên ngang, lấp lánh bẩy sắc cầu vồng.

Cưỡi thần mã phi nhanh như gió.

Cõi trời huyền thoại Việt.

Toàn người đẹp nghiêng thành.

Ảo huyền như trăng thanh.

Dáng tiên thanh tú .

Đông như cỏ manh.

Nghe hổ chơi đàn.(***)

Hồn Bá Nha chứa chan.

Chợt nhìn phượng múa.

Vũ khúc Nghê Thường mê man…

Giật mình tỉnh giấc mơ vàng.

Mang mang như khói hương tàn trôi đi.

Ngàn thu qua có nhắc gì?

Mơ xưa xứ Việt ngang mi dâng sầu.

Đất trời nhắc cuộc bể dâu.

Nào mong danh tướng công hầu mà chi.

Như vậy, loại trừ bài thơ của người viết, xuất phát từ cảm hứng chủ quan thơ và không coi là chứng cứ trong lý luận học thuật. Nhưng nội dung cả bài thơ nguyên bản và dịch nghĩa, bạn đọc cũng thấy rất rõ rằng: bài thơ nổi tiếng của thi tiên Lý Bạch xác định cả một cõi trời huyền thoại Việt còn lại ở miền Nam Dương tử, đã làm nên cảm hứng của ông, được mô tả trong bài thơ này (Trong ghi chú: *).

Điều đặc biệt hơn nữa (Trong ghi chú:**) là: Chính trong bài thơ, thi tiên Lý Bạch đã xác định truyền thuyết "Nữ Oa vá trời" với chi tiết: "Đất lệch Đông Nam", cũng được mô tả trong hệ thống truyền thuyết, huyền thoại Việt: "Đối thử dục đảo Đông Nam khuynh"(Trước nó cũng bị áp đảo mà nghiêng về Đông Nam), trong việc giải mã và đổi chỗ Tốn Khôn của Hậu Thiên Lạc Việt.

Đây cũng là luận điểm của người viêt về xuất xứ cội nguồn Việt tộc của truyền thuyết này ở phần trên.

Đặc biệt có một chi tiết rất đáng chú ý (trong ghi chú: ***)."Hổ gẩy đàn". Và hình tượng này lại tìm thấy trong văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Nhật Bản. Bạn đọc xem hình dưới đây:

04-Tranh-co-9908-300.jpg

Hổ chơi đàn. Tranh cổ Nhật Bản.

Nguồn: daibieunhandan.vn.

link dẫn nguồn: http://daibieunhanda...78&NewsId=37572

Hiện tượng này cho thấy rằng: Nguồn gốc của câu chuyện "Hổ gẩy đàn" có xuất phát từ văn hiến Việt ở Nam Dương tử - qua bài thơ của thi tiên Lý Bạch. Nhưng hình minh họa lại xuất hiện trong di sản văn hóa truyền thống Nhật. Cùng với những di sản văn hóa truyền thống khác và những vấn đề liên quan, chúng tôi đã cho rằng: Nguồn gốc của dân tộc Nhật chính là một sắc tộc đã sinh sống trên đất nước Văn Lang, nhưng do biến động lịch sử khốc liệt dưới thời Hai Bà Trưng, nên những phần tử ưu tú của dân tộc này đã di tản sang dảo Phù Tang và lập quốc ở đấy.

Xin được bạn đọc lưu ý là: Lịch sử dân tộc Nhật chỉ rõ ràng từ thế kỷ thứ III AC. Và người Nhật hiện nay vẫn đang đi tìm nguồn gốc đích thực của họ.

Tuy nhiên, vấn đề không phải đề tài chính trong tiểu luận này. Nên chúng tôi chỉ giới thiệu về sự liên kết những di sản văn hóa truyền thống liên quan.

Chính những di sản văn hóa phi vật thể có cội nguồn từ nền văn minh Việt một thời huy hoàng ở Nam Dương tử, đã xác định có tính hệ thống, nhất quán và hoàn chỉnh trên mọi phương diện của luận điểm cho rằng: Nền văn hiến Việt chính là nền tảng đích thực của văn minh Đông phương. Chính vì sự bao trùm của những di sản văn hóa Việt trên khắp các lãnh thổ , quốc gia thuộc văn minh Đông phương cổ.

Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu những luận điểm của chúng tôi liên quan đến đề tài này, theo đường link dưới đây (Tức topic này):

http://diendan.lyhoc...post&f=80&t=480

====================

PS: Tôi tìm được vài đồ hình Âm Dương Việt trong di sản văn hóa truyền thống Nhật.

4 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nhật Bản: 9 người chết vì ăn bánh "mochi" trong dịp Năm Mới

(TTXVN/Vietnam+)

lúc : 04/01/15 16:39

 

dsc_0693.jpg
Bánh Mochi của Nhật Bản. (Nguồn: aviliaway.wordpress.com)

Giới chức Nhật Bản ngày 4/1 cho biết 9 người đã thiệt mạng do ăn bánh "mochi" truyền thống nhân dịp Năm mới. Loại bánh này được làm bằng bột gạo và có đặc tính rất dẻo và dai.

Tại thủ đô Tokyo, 18 người đã phải nhập viện do bị nghẹn sau khi ăn bánh, 3 người trong số này đã qua đời.

Trong khi đó, tờ Yomiuri Shimbun đưa tin số người tử vong vì các sự cố liên quan đến bánh "mochi" trên cả nước tính đến ngày 3/1 lên tới 9 người và 13 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Trong dịp Năm Mới, các gia đình Nhật Bản có truyền thống nấu súp "ozouni" và cho bánh "mochi" vào bát súp. Hàng năm ở Nhật Bản đều xảy ra sự cố do ăn bánh "mochi."

Các cơ quan hữu quan Nhật Bản khuyến cáo người dân, đặc biệt là người già và trẻ em, nên cắt nhỏ bánh "mochi" trước khi ăn./.

 

 

=========================

Thông tin này tuy không có mục đích giới thiệu về bánh mochi của Nhật Bản, nhưng nó đã nhắc đến loại bánh này trong thông tin sự kiện liên quan. Về loại bánh Mochi này và cách ăn bánh với một loại súp "Ozouni" có thể nói rất tương đồng với một loại bánh - cũng gọi là bánh dày ở Việt Nam. Loại bánh ăn quà vặt ở Việt Nam gọi là bánh dày này không tròn như bánh Mochi, mà hơi dẹt, nhưng trọng lượng tương đương với nhân dậu xanh hoặc nhân đường như bánh mochi.  Khác một chút với bánh Mochi là bánh gọi là bánh dầy ở Việt Nam được phủ một lớp bột đậu xanh nấu chín xay nhuyễn - như đậu xanh trong xôi xéo, xôi lúa - còn bánh mochi thì phủ một lớp bột gạo. Bánh dày của Việt Nam cũng ăn riêng như bánh mochi, hoặc ăn với cháo bột. Khác một chút với Nhật Bản là bánh dày ở Việt Nam khi ăn với cháo bột thì được cắt nhỏ. Còn ở Nhật Bản thì người ta để nguyên:

 

Các cơ quan hữu quan Nhật Bản khuyến cáo người dân, đặc biệt là người già và trẻ em, nên cắt nhỏ bánh "mochi" trước khi ăn./.

 

 

Loại bánh này bây giờ ra Hanoi tôi không thấy bán. Nhưng ngày xưa hồi tôi còn nhỏ, đây là một món quà vặt tôi ăn khá thường xuyên.

Như vậy - thông qua topic này - ngày càng có nhiều điểm tương đồng giữa hai nền văn hóa và sinh hoạt giữa hai dân tộc Việt Nhật, cũng như các vấn đề liên quan khác thuộc về Cổ văn hóa sử giữa hai dân tộc.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

ÁO CÀI VẠT BÊN TRÁI Ở NHẬT BẢN.
Thưa các bạn.
Đây là trang phục của một Cty Nhật Bản được thiết kế từ cổ trang Nhật Bản cho nhân viên tiếp thị của họ. Các bạn cũng thấy rất rõ rằng: Người Nam mặc trang phục này cài vạt áo bên trái. Đó là Cty trà tea plus MatCha theo công nghệ Nhật Bản. Công ty này  lấy theo phong cách của trang phục truyền thống của Nhật và cải tiến thêm.
Các bạn thân mến.
Từ trong sách đã xuất bản và các bài viết trên diễn đàn- cụ thể là ngay trong topic này-  tôi đã chứng minh rằng: Cội nguồn dân tộc Nhật xuất phát từ đất nước Văn Lang xưa, dưới thời đại của các vua Hùng, một thời huy hoàng bên bờ Nam sông Dương tử và là cội nguồn đích thực của văn minh Đông phương. Việc bộ đồng phục của người Nhật kế thừa từ truyền thống văn hóa cổ xưa của Việt tộc, "Nam tả, nữ hữu" , người nam cài vạt áo bên trái - là một bằng chứng nữa, chứng minh điều này. (Xin xem thêm bài viết trên Fb của tôi về trang phục cổ Nhật Bản cách đây vài ngày).

 

13177098_645108182307999_59027699077250813256313_645108262307991_523644329218663
13227022_645108192307998_291110737255930
 
 
Còn đây là một chiến binh cổ đại của Nhật Bản. Trong sách mô tả là một cô gái. Tôi không tranh luận với người biên soan cuốn sách này về giới tính của pho tượng. Nhưng rõ ràng pho tượng đã mặc áo cài vạt bên trái. Niên đại của pho tương xác định vào đầu thế kỷ thứ III đến đầu thế kỷ thứ VI AC.
 
12495079_1048248991888793_16301158768355
 
 
1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

HÌNH ÂM DƯƠNG LẠC VIỆT VÀ ÁO CÀI VẠT BÊN TRÁI

Trên những di vật khảo cổ của Nhật Bản.

 
 
Trong cuốn "Minh triết Việt trong văn minh Đông phương" khi viết về đồ hình Âm Dương Việt, tôi dẫn chứng đồ hình này có ở khắp nơi trong các nền văn minh thế giới cổ đại. Riêng về Nhật Bản, tôi chỉ trưng dẫn được một hình duy nhất, vì thiếu tư liệu. Bởi vậy, nó có vẻ như khiên cưỡng....Nhưng chân lý bản chất nó không phụ thuộc vào những yếu tố trực quan có tính hiện tượng, mà nó phụ thuộc vào hệ thống luận cứ phản ánh chân lý đó, được mô tả như thế nào. Tất nhiên, khi những luận cứ đó đã xác định và mô tả đúng chân lý, thì những sự kiện xuất hiện sau đó phải ngày càng chứng tỏ hệ thống luận cứ đó đúng, chứ không có tính phản bác. Và những sự kiện sau đây đã chứng tỏ điều này.

https://www.facebook...e=3&pnref=story

Share this post


Link to post
Share on other sites