VanTrungHac

Ai có ý kiếm khác không?

2 bài viết trong chủ đề này

Tình cờ đọc được 1 bài bình luận về bói dịch trên trang web: Vietlove.com; nội dung cụ thể như sau:

BÓI DỊCH - NHÌN BẰNG CON MẮT NHÂN VĂN

Nguyễn Hoàng Đức

Năm hết tết đến, có nghĩa là vòng tuần hoàn xuân hạ thu đông cũ đang khép lại, và một vận hội càn khôn mới được mở ra. Đúng lúc mà khí xuân đâm mầm sức sống vượt khỏi mặt đất mùa Đông khô cứng, những thân cây da trốc sù sì và cành trơ gầy guộc, thì có nghĩa là khí thái dương đang sinh. Khí thái dương, có nghĩa là những vận động trong phần âm – hư vô tăm tối đang nhô lên manh nha lộ hiện một hình thù, vào lúc đó người xưa thường ăn chay, tẩy thanh cơ thể, bói một quẻ dịch để xem vận hội năm mới của mình ra sao (theo quan niệm phổ biến của người Trung Hoa, thì bói tức là xem cái phần sẽ hiện ra - nổi lên của sự vật, bởi vậy nhiều người còn gọi phép bói là “độn giáp”, tức: Giáp là Dương, Ất là Âm, độn Giáp là độn ra cái Dương để mà xem).

Vậy Bói Dịch là gì? Nó có phải chìa khóa vạn năng như mọi người vẫn tưởng, hay chỉ là một phép biến sơ đẳng của phép toán: 1 sinh 2, 2 sinh 4, 4 sinh 8...? Hy vọng đây là một đề tài cực kỳ lý thú, và nếu chúng ta không bơi được hết ngọn nguồn sông Ngô bể Sở của Kinh Dịch, thì chí ít chúng ta cũng nhận ra những khúc quanh của nó dựa trên những cơ sở chính đáng nhất của Kinh Dịch.

Bói Dịch là phép bói dựa vào Kinh Dịch. Kinh Dịch là nền triết lý cơ bản sâu xa lâu đời nhất của Trung Quốc, nó đóng vai trò thống lĩnh trong lý thuyết học thuật, chính trị và xã hội của người Trung Hoa. Khi xem phim “Hoàng Đế cuối cùng”, phần nào chúng ta cũng thấy tầm quan trọng của phép Bói Dịch trong cung đình. Bất kỳ lúc nào gặp nguy biến, bạn đều thấy, Hoàng đế Phổ nghi cũng đưa tay lên bàn thờ bốc nắm cỏ thi dài cắm trong lọ. Đó là cách Hoàng đế bốc quẻ, sau đó các quân sư xem bói dịch có trách nhiệm nhận lại số cỏ trong tay Hoàng đế để tính xem quẻ cát hung thế nào.

Đó là các hoàng đế, còn các tướng lĩnh trên đường chinh chiến, chẳng may bị lạc đường, thì cũng bẻ que hay nhặt hoa rụng bên đường bói quẻ để xem nên rẽ bên tả hay bên hữu. Trong các vương triều Trung Hoa, thường có một ban bói dịch trung ương - gọi là ban Bốc phệ triều đình. Ban này ít nhất gồm ba người. Vào năm mới, trước một trận đánh lớn, một tai họa thiên nhiên, hay dò ý một sứ giả nào đó... thì ban Bốc phệ làm việc. Trước khi gieo quẻ, người gieo phải ăn chay, giữ mình thanh tịnh từ ba đến bảy ngày, không được mê hoa luyến tửu, không gần “nữ nhi trường tình” sợ “đoản mất khí anh hùng” của người bói, vì sợ quẻ không nghiệm. Để phục vụ ban Bốc phệ (tức bói cỏ thi) nhà vua thường cắt đặt những kẻ chay sạch cẩn thận coi giữ những lượm cỏ Thi trong lều quán bốc phệ. Công việc đó rất được coi trọng, bởi người ta nghĩ đó là việc đối thoại với trời xanh. Sau thời gian ăn chay tâm niệm, người bói sẽ bốc cỏ Thi để lấy quẻ.

Việc bốc phệ của triều đình phải tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc sau:

1- Ba người cùng bói dịch, trong trường hợp cả ba quẻ đều giống nhau thì theo ngay, nhưng nếu hai người giống nhau, thì theo hai người giống nhau, nếu ba người ba quẻ khác nhau thì gieo lại.

2- Vì vua là thiên tử, con Trời, nên nếu ý dân khác ý vua, mà quẻ lại giống ý vua thì theo vua; nhưng vì “Dân vi quí, quân vi khinh” nên nếu quẻ giống ý dân thì theo dân. Tóm lại, quẻ hướng về vua thì theo vua, quẻ hướng về dân thì theo dân.

Ngoài việc dùng bói dịch để tìm kiếm dự báo cho tương lai, người Trung Hoa còn dùng bói dịch làm phép an hòa nhân sự; chẳng hạn trong triều đình khi gặp việc dăm bè bảy mối không quyết đoán, thì quẻ dịch sẽ giải quyết bất đồng trong nội bộ. Khi quẻ dịch đã chỉ dẫn, thì sau đó các phe phái đều phải hướng về, vì ý quẻ là ý Trời.

Kinh Dịch được coi trọng làm vậy, và được xem là tinh hoa văn hóa tinh thần cao nhất của người Trung Hoa, thì hiển nhiên nó phải dựa trên một nền tảng lý thuyết nhất định.

- Thứ nhất: nó được mở đầu bằng huyền thoại, tương truyền thời Phục Hy (4477 – 4363 trước Công nguyên), nhân thấy trên lưng con long mã ở sông Hoàng Hà hiện lên những chấm đen - trắng mà vẽ ra bát quái gồm: Càn Khảm Cấn Chấn Tốn Ly Khôn Đoài (trời, nước, núi, sấm, gió, lửa, đất, chằm).

- Thứ hai: Bói Dịch được gọi là phép Vấn Thiên (tức hỏi Trời), nhưng Trời làm gì có mồm để nói. bởi vậy Trời sẽ nói qua quẻ.

- Thứ ba: Bói Dịch là phép ngẫu nhiên, nó nằm trong triết lý cốt yếu rằng: cái ngẫu nhiên phải nằm trong cái tất nhiên. Tức là nhân cái ngẫu nhiên để hỏi về lịch trình tất định của tạo hóa.

Bói dịch, trước thì dùng cỏ Thi bốc quẻ, sau này người ta dùng ba đồng tiền gieo. người Trung Hoa quan niệm “Thiên nhân tương ứng” tức Trời và người tương quan ứng biến lẫn nhau “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, và theo đó thì người và vật cũng ương ứng nhau, khi trong nhà vợ chồng lục đục thì cơn thiu canh nguội, và lũ chó mèo nem nép đi qua cửa. Chẳng hạn khi người ta dùng một đồng bạc để đánh gió cho người bị cảm, sau khi đánh, cái lạnh của người bị cảm ngấm sang làm đồng bạc thâm sì lại, đấy là vật đã chịu sức cảm ứng của người. Cũng vậy, khi người ta gieo quẻ, thì những đồng xu sẽ chịu sự chi phối của tâm cảm, sự lo lắng hồi hộp hay phấn chấn của người gieo.

Sau khi lấy được quẻ gồm sáu hào (sáu lần gieo), trên đó người ta sẽ an lục thân, tức sáu quan hệ thân thiết của mỗi người, bao gồm:

1- Phụ mẫu: tương sinh ra ta

2- Quan quỉ: tức đời sống xã hội – quan trường, tương khắc với ta

3- Huynh đệ: anh em, là hòa với ta

4- Tử tôn: con cái do ta sinh ra

5- Thê tài: vợ, tiền của, tương khắc với huynh đệ

6- Thân : là ta

Nhìn lướt qua ta thấy, ngay cách an lục thân đã thể hiện triết lý tinh vi của bói dịch, chẳng hạn Quan đi kèm với Quỉ, tức muốn phản ánh quan trường là đường hoạn lộ luôn mắc phải sự đố kỵ, kìm kẹp hay tương khắc lẫn nhau; còn Thê đi với Tài, nghĩa là các bà vợ luôn kè kè tay hòm chìa khóa, và thường ám ảnh hay bận tâm về kinh tế gia đình...

Tuy trong nhiều trường hợp, phép bói dịch đã dự báo mơ hồ về sự việc, xong nhiều học giả Trung Quốc không coi Kinh Dịch là khoa học, bởi lẽ họ cho rằng: phép bát quái thì mở màn từ huyền thoại, còn các phép an và xem quẻ thì chứa rất nhiều yếu tố võ đoán. Trở lại việc vua Phổ Nghi cứ gặp việc nguy hiểm thì bốc cỏ, khi quân đội các nước phương Tây kéo vào Bắc Kinh, lúc nguy cấp, vua Phổ Nghi đã bốc cỏ để xem cơ trời vận nước, song phép bốc phệ có từ mấy nghìn năm không chống nổi mấy chục tay súng trường của họ. Bởi mắc mặc cảm tụt hậu so với thời đại, người Trung Hoa càng ngày càng gấp gáp đẩy mạnh sự cải cách về tinh thần cũng như vật chất để theo kịp trình độ tiên tiến của thế giới.

Nhớ lại, ngay cả Khổng Minh, người hô phong hoán vũ như thần, ấy vậy mà cuối đời cũng chẳng cải được mệnh cho mình, không những thế lại bỏ tất cả các phép tắc trong sách thánh hiền, thắp số ngọn nến bằng tuổi của mình mong biết liệu có thọ không.

Xét cho cùng, các triết lý ở đời đều đồng nhất ở phép nhân quả. Nhân nào quả nấy, đấy hiển nhiên là một định mệnh chắc chắn nhất vũ trụ. Người Trung Hoa có câu “Thiên tác nghiệt do khả vị, tự tác nghiệt bất khả hoạt”, tức, trời làm hại còn có thể tránh được, nhưng tự mình gieo họa cho mình thì không thể nào tránh được. Bởi vậy tôi nghĩ, chúng ta có thể nghiên cứu kỹ Kinh Dịch để chắt lấy cái tinh hoa của đời xưa, và cũng có thể học gieo quẻ cho đời thêm phong phú, nhưng chẳng nên quá quyến luyến đến mức thiếu cả sự suy tính sáng suốt để chuốc lấy cái họa của vua Phổ Nghi mắc phải. Tốt nên chúng ta nên học theo cách của Descartes: “Tôi nghiên cứu tất cả các khoa học, kể cả phần dị đoan và sai lầm nhất, để nhận chân giá trị của chúng, và khỏi bị chúng lừa bịp.”

Hà Nội

Cuối Đông 1996

Xin mời các Bác, các anh, chị cho ý kiến ạh!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Hà Uyên xin chào VanTrungHac

Cảm ơn VanTrungHac đã chuyển tải bài viết của tác giả Nguyễn hoàng Đức với tiêu đề BÓI DỊCH - NHÌN BẰNG CON MẮT NHÂN VĂN.

Lịch sử phát triển của Kinh Dịch và những môn học thuật liên quan tới Kinh Dịch tại Trung quốc, hiện nay chia làm 4 giai đoạn (Chu Bá Côn - DỊCH HỌC TOÀN TẬP), bài viết của tác giả Nguyễn hoàng Đức chưa bàn tới Lịch sử, quá trình phát triển của KINH DỊCH nói chung, hay BỐC DỊCH nói riêng.

Đạo “trung” lấy “giữa” làm gốc để “nuôi dưỡng” người và “sự việc”. Làm một (1) mà hiểu thực thì có ba (3), để nhận thức về sự thống nhất của hai mặt đối lập (âm dương). Đối với Dân tộc Trung quốc, Dịch dẫn dắt tư duy, quy định những nguyên tắc sống điều hòa con người với con người và con người với các sự vật trong môi trường thế giới tự nhiên. Trong âm có dương, trong dương có âm, cương nhu tương tế, cái này tiêu đi thì cái khác sinh trưởng, đối xứng nhau, bổ xung cho nhau, cùng nhau tuần tự tiệm tiến.

Không gian và thời gian luôn luôn tuần tự tiệm tiến, hình thành “tượng” cũng luôn tuần tự tiệm tiến, “tượng” tiệm tiến dẫn theo sự thay đổi về “lý”, được thể hiện ra bằng “số” của “tượng”. Đây là quy luật của “quá khứ” đến được thể hiện thông qua hình “tượng” của quẻ Dịch, “hiện tại” và “tương lai” tự nhiên được bộc lộ rõ dần ra. Đây là Nhân - Quả của duyên nghiệp vậy.

Hà Uyên.

Share this post


Link to post
Share on other sites