Thiên Sứ

Giải trình vụ sập cầu Chợ Đệm thiếu cơ sở khoa học?

1 bài viết trong chủ đề này

Giải trình vụ sập cầu Chợ Đệm thiếu cơ sở khoa học?

14/03/2009 06:52 (GMT + 7)

(TuanVietNam)- GS Nguyễn Đăng Hưng có một số kiến giải riêng về sự cố sập cầu Chợ Đệm. Ông cho rằng cách giải thích của đại diện công ty Thăng Long chưa thỏa đáng, thiếu cơ sở khoa học...

LTS: Xung quanh sự cố sập cầu Chợ Đệm ngày 10/3 vừa qua, đang có một số cách lý giải về nguyên nhân sự cố. Để đảm bảo tính thông tin đa chiều, TuanVietNam sẽ đăng tải ý kiến của các nhà khoa học. Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu một góc nhìn của GS Nguyễn Đăng Hưng.

Phá hủy giòn vì rạn nứt

Chưa có điều kiện tiếp cận hiện trường, nhưng qua mô tả của báo giới và xem hình chụp, tôi có thể thẩm định đây là sự cố tiêu biểu của hiện tượng phá hủy giòn vì rạn nứt. [Hình chụp cho thấy cầu bị gãy làm hai khúc, mặt phẳng chỗ gãy phẳng phiu không có biến dạng, dầm thẳng không bị cong nhiều, tiếng nổ vang làm ta nghĩ đến sự cố tương tự nổi tiếng bên Mỹ:

Tàu Schenectady đã đứt làm đôi tại bến tàu Porland, Oregon tháng Giêng năm 1943 trong một ngày trời lạnh đột ngột nhiệt độ về chiều rớt nhanh từ 3 xuống -5 độ C làm thép trở nên giòn và một vết nứt dọc đã nhanh chóng phát triển gây ra hiện tượng phá hủy giòn.

Tại sao lại giòn? Đó là khi nhiệt độ lạnh thép không dẻo nữa mà trở thành giòn. Trên tàu này có những mối hàn gây ra vết nứt ban đầu.

Bê tông là vật liệu ít dẻo nhất và trong giai đoạn vừa mới đúc xong khả năng giòn thường rất cao. Chắc chắn trước khi gãy đổ, đã có một vết nứt dọc khởi đầu ngay mặt cắt chỗ gãy. Lẽ ra các kỹ sư công trình phải phát hiện ngay vết nứt ban đầu và tìm giải pháp cứu chữa trước khi sự cố xảy ra!

Có lẽ họ đã không làm hoặc lơ đễnh hoặc không nắm rõ giáo trình khoa học rạn nứt - ngành học mới rất hiện đại và chính xác, mới ra đời từ những năm 40 của thế kỷ trước.

Rất có thể một sự cố đã phát sinh tải trọng uốn (hay xoắn) bất ngờ mà điểm tối đa chính là ở giữa cầu, chỗ ngay có cột chống. Tải trọng bất ngờ này đã làm vết nứt phát triển với vận tốc của âm thanh. Tiếng nổ chính là dấu ấn của phá huỷ giòn.

Nếu phát hiện vết nứt kịp thời và đo đạc tại hiện trường có thể sẽ khắc phục được. Vì, ngày nay người ta có thể mô phỏng bằng máy tính việc phát triển vết nứt xác định thời gian cần thiết phải chữa trị trước khi thảm kịch xảy ra!

Posted Image

Tàu Schenectady đã đứt làm đôi tại bến tàu Porland, Oregon tháng Giêng năm 1943.

(Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp)

Lời giải thích thiếu khoa học

Ngày 11/3/2009, báo Tuổi Trẻ viết về sự cố cầu Chợ Đệm có chi tiết: Ông Trịnh Nam Sơn Phó giám đốc ban điều hành dự án Tổng công ty xây dựng Thăng Long nói, hiện chưa xác định được nguyên nhân xảy ra sự cố. Nhưng theo nhận định ban đầu, có thể là do sức gió khi sàng dầm nhịp số 9 vào vị trí hoặc có thể do khi hạ cáp đưa dầm xuống các công nhân thao tác không đồng đều khiến dầm mất cân bằng và bị gãy.

Ông Sơn bác bỏ khả năng chất lượng dầm kém: “Dầm do chính đơn vị thi công đúc, trước khi đưa vào lắp đặt chúng tôi đã thử khả năng chịu lực và các tác động khác theo yêu cầu kỹ thuật".

Cũng theo ông Sơn, trọng tải phát sinh là vì kỹ thuật thi công kém chất lượng, dầm bê tông khi lắp đặt không được vận hành đúng chuẩn. Nhưng lý do vật lý về gãy đổ mà tôi nói hôm qua của dầm giữ nguyên giá trị".

Phần giải trình của ông Trịnh Nam Sơn được báo Tuổi trẻ dẫn lại cho thấy ông này đã đổ lỗi cho gió, cho công nhân.

Tôi cho rằng, ngay cả lỗi (nếu có) do công nhân vận hành thì công ty Thăng Long cũng không thể nào trốn tránh trách nhiệm đã sử dụng công nhân chưa có tay nghề phù hợp (Kỹ thuật vận chuyển dầm nặng 70 tấn vào vị trí nhạy cảm, không tránh được sự cố độ rung phát sinh). Được biết, ngày 10/3 là một ngày bình thường, không có giông bão, gió nếu có cũng không đáng kể.

Theo tôi, trách nhiệm của công ty Thăng Long có thể trầm trọng hơn. Vì vết nứt không thể nhanh chóng phát triển nếu dầm bê tông đúc đúng chuẩn!

Công trình bị rút ruột?

Đáng chú ý, mặt cắt của dầm ngay chỗ bị gãy không thấy có cốt sắt! Như vậy, ta có thể thêm giả thiết vật tư đã bị rút ruột. Một bản tin trên báo Pháp Luật cùng ngày 11/3 có nói đến việc “3 cán bộ trên đã rút ruột vật tư tại mối cầu A2; rút vữa Sika, 48 ống Sonic tại 2 cọc nhồi tại trụ cầu chợ Đệm”. Như vậy, việc đúc dầm có vấn đề.

Bê tông là vật liệu chịu nén rất tốt nhưng chịu kéo lại rất tồi! Không có cốt sắt thì việc gãy đổ ở những vùng ứng suất kéo phát sinh là tất yếu . Nếu không gây sập ngay lúc đang thi công thì kể cả khi công trình đã hoàn thành và đi vào sử dụng cũng không thể lâu bền. Mà lúc đó thiệt hại là vô cùng.

Posted Image

Vết nứt không thể nhanh chóng phát triển nếu dầm bê tông đúc đúng chuẩn! Ảnh: Lê Du An

Ngày 12/3/2009, báo Tuổi Trẻ tiếp tục đưa tin: Ông Huỳnh Tấn Dũng - Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH - cho biết, khung giá thép được chế tạo, lắp đặt không đảm bảo kỹ thuật và không có biện pháp giằng chống chuyển dịch dọc, ngang. Ông Dũng cho biết theo ghi nhận ban đầu, dầm bị gãy có dấu hiệu nứt”.

Như vậy những suy đoán ban đầu của chúng tôi là có cơ sở. Hệ quả là dầm tiền chế có vấn đề, không được thẩm định và kiểm tra đúng mức trước khi vận chuyển và đặt để. Tôi đã rất ngạc nhiên với phần trả lời của ông Trịnh Nam Sơn trên báo Lao Động ngày 12/3. Khi Phóng viên hỏi: Dầm bị gãy trước khi rơi xuống sông là do dầm chất lượng kém? Ông Nam Sơn trả lời: Dầm này do đơn vị tự đúc và đảm bảo chất lượng. Bởi, đơn vị đã ép mẫu và kiểm tra cường độ đạt chất lượng.

Tôi mong nhà báo cùng công luận có dịp đọc được minh chứng cụ thể về việc công ty ông Sơn đã thực hiện đo đạt, kiểm tra chất lượng như ông vừa quả quyết.

Cũng trong bài phỏng vấn này, Phóng viên hỏi tiếp: Nếu đảm bảo chất lượng, vậy vì sao một thanh dầm nặng đến gần 70 tấn lại dễ dàng bị gãy? Và ông Nam Sơn trả lời như sau: Do dầm dài đến 42m nên độ mảnh khảnh nhiều; Hơn nữa, dầm chịu lực chủ yếu theo hướng thẳng đứng (từ trên xuống), nên khi sàng dầm gặp phải gió và do cân cáp không đều, đã làm cho dầm bị nghiêng và lắc ngang dẫn đến gãy.

GS.TSKH. Nguyễn Đăng Hưng, sinh năm 1940, nguyên quán tại Quảng Nam. Hơn 40 năm qua, ông giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) về Toán và Cơ học, trở thành một trong những nhà Cơ học xuất sắc của châu Âu và thế giới.

Ông được nhận danh hiệu Giáo sư Ưu tú (Professor Emeritus) và Huân chương cao quí của Vương quốc Bỉ dành cho các nhà khoa học cùng với nhiều giải thưởng quốc tế khác.

Theo nội dung cơ bản của giáo trình sức bền vật liệu, lực tải thẳng đứng thông thường (trọng lượng) tạo khả năng uốn của dầm và tất yếu sẽ phát sinh ra ứng sức kéo ở biên độ. Và khi dầm không có cốt sắt, sức kéo này sẽ đủ gây gãy đổ. Dĩ nhiên, khi dầm rung hay khi bị nghiêng thì sẽ trầm trọng hơn. Do vậy, tôi khẳng định câu trả lời của ông Sơn là thiếu cơ sở khoa học!

Liên quan tới sự cố cầu Chợ Đêm, tôi cũng rất ngạc nhiên bởi báo chí cũng như các cơ quan chức năng đã không nói đến sự can thiệp của các nhà bảo hiểm. Phải chăng tại Việt Nam các nhà thầu như Công ty cổ phần Cầu 11 Thăng Long không hề có bảo hiểm nghề nghiệp? Nếu quả như thế thì đây là một thiếu sót vô cùng trầm trọng mà Chính phủ đặc biệt Bộ Giao Thông Vận tải phải vào cuộc để khắc phục.

Ở các nước phát triển, các nhà thầu những công trình lớn, mà rủi ro trong giai đoạn thi công là điều khó tránh khỏi, phải đóng bảo hiểm hành nghề. Sự giám sát của công công ty bảo hiểm là một nhân tố tích cực bảo đảm chất lượng công trình, tránh tình trạng ruốt ruột công trình thường xảy ra tại Việt Nam.

Tôi cũng chia sẻ phát biểu cũa ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, nói: "Đây là vấn đề nghiêm trọng, làm cho người ta nghi ngờ về chất lượng của các công trình giao thông khác. Không kiên quyết làm rõ thì sẽ lớn chuyện nếu xảy ra sự cố sau này...".

GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng

Giáo sư Danh dự Thực thụ trường ĐH Liège, Bỉ

TIN LIÊN QUAN Sập dầm cầu Chợ Đệm: Không ảnh hưởng đến trụ cầu!

Sập dầm cầu Chợ Đệm chỉ là "tai nạn lao động"!

Sập dầm cầu Chợ Đệm trên tuyến cao tốc TP.HCM-Trung Lương

"Tiết lộ" vụ rút ruột công trình cầu Chợ Đệm

---------------------------

Lời bình của Thiên Sứ:

Nếu ý kiến của vị giáo sư này đúng - mà chủ quan của tôi khẳng định là đúng - do phân tích cấu trúc hợp lý trong bài viết - thì phải nói là:

Thật may mắn cho những con người đi qua chiếc cầu này, khi nó sập ngay bây giờ chứ không phải sau khi hoàn thành và....cắt băng khai trương.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay