memphisto79

Những trẻ mồ côi náu mình bên cửa Phật

2 bài viết trong chủ đề này

Những trẻ mồ côi náu mình bên cửa Phật

Trong nắng chiều sắp tắt, trên sân chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, đám trẻ con đang nô đùa, gọi nhau í ới, một vài bé mặc áo nâu lẫm chẫm tập đi. Các em đều là những trẻ mồ côi, bị người thân bỏ rơi đang nương nhờ cửa Phật.

Nơi ở của trẻ mồ côi là dãy nhà cấp 4, phía sau chùa. Căn phòng chừng 40m2 lờ mờ ánh điện, những tấm phản được kê sát nhau chỉ để một lối đi lại nhỏ, các đồ vật trong phòng đều cũ kỹ. Căn phòng như bề bộn hơn bởi đống chăn chiếu và quần áo, tã sơ sinh không kịp khô trong những ngày đông giá rét.

Hàng chục trẻ mồ côi vừa đi học về đang dán mắt vào chiếc tivi xem phim hoạt hình. Tiếng khóc đòi uống sữa của những em bé vài tháng tuổi khiến các "bà mẹ" tất bật chạy. Ngôi nhà của họ vừa đón thêm một bé gái 5 ngày tuổi bỏ rơi ngoài cổng chùa.

Trong một góc tối, ba bé sơ sinh từ 2-4 tháng tuổi đang ngủ ngon lành, mặc cho tiếng quấy khóc của bé gái mới được đón về vì thiếu sữa mẹ. Cô bé Kiều Thu Hường, chị cả của hơn chục em nhỏ trong căn phòng này nhanh tay thay tã, rồi pha sữa. "Đứa bé này bị bỏ rơi trong đêm giá lạnh vừa rồi, được sư thầy đặt tên là Kiều Anh. Mặc dù mới sinh nhưng em bé rất ngoan, đêm ít quấy khóc...", Hường cho biết.

Mới chỉ 18 tuổi nhưng Hường đã thành thạo trong việc chăm sóc trẻ, từ việc cho ăn đến thay tã, em đều làm thoăn thoắt. Em đang là "mẹ" của đứa bé nhất. Hường sống ở chùa Bồ Đề được 18 năm, bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng. "Có những đêm em nằm khóc vì không biết nguồn gốc của mình. 18 năm rồi em cũng chẳng thấy bố, mẹ em quay về đón. Giờ em cũng chẳng biết quê mình ở đâu mà đi tìm nữa", Hường bùi ngùi chia sẻ, đôi mắt em dường như ngấn lệ.

Posted Image Sư thầy Thích Đàm Lan và đứa trẻ bị bố mẹ vứt trước cổng chùa mới 5 ngày tuổi. Ảnh: Tuấn Anh.

Hầu hết các trẻ mồ côi ở đây đều không biết nguồn gốc, quê quán. Nhiều bé bị vứt ở cổng chùa khi mới vài ngày tuổi, được nhà chùa cưu mang, nuôi nấng. Có em cha mẹ bỏ nhau, hoặc nghiện ngập không nuôi nổi con đem lên chùa nhờ nuôi hộ, chẳng thấy quay lại.

Sư thầy Thích Đàm Lan nhớ lại, mới đây, trong một buổi tối giá lạnh, một cô gái sùm sụp chiếc mũ, ôm con đến, cứ đứng ở cổng chùa, ai hỏi cũng không nói. Mãi sau, khi sư thầy đến, cô gái mới nghẹn ngào cho biết đã lỡ dở với một chàng trai cùng xã, muốn nhờ thầy nuôi giúp đứa con để cô làm lại cuộc đời.

Cách đây hơn 2 năm, một cô gái quê ở Hưng Yên bị kẻ xấu dụ dỗ, làm nhục. Người cha gia trưởng, độc đoán đã đuổi em ra khỏi nhà. Chỉ mới 16 tuổi đầu, em đã có thai 4 tháng tuổi, em đứng trước cửa chùa, khóc mãi không thôi. Sư thầy bảo em cứ yên tâm sinh nở rồi thầy sẽ nuôi dưỡng.

Đang dán mắt vào chiếc ti vi 14 inch, nghe thấy sư thầy chỉ về hướng mình, Nam Anh, Khánh, Bảo, Thịnh... lại khép mình, rúc đầu vào những người bà, người mẹ đang tá túc trong ngôi nhà này, đôi mắt rơm rớm khi sư thầy Lan nhắc đến bố, mẹ.

Ngồi tỉ tê hồi lâu, Nam Anh mới dám kể: "Em được một bác đưa về đây. Giờ em cũng chẳng còn nhớ quê và bố mẹ mình ở đâu". Theo lời sư thầy Đàm Lam, lúc vào đây, Nam Anh đã 5 tuổi, đôi mắt ngơ ngác, hằng đêm, em quấy khóc đòi mẹ, phải rất lâu, em mới quen được cuộc sống ở chùa.

Còn Hoàng, mới được nhận vào chùa hai năm nhưng cu cậu đã kịp hòa nhập với các bạn. Đôi mắt em đượm buồn khi nghe sư thầy kể về hoàn cảnh của mình. Căn bệnh ung thư vừa cướp đi người cha của em. Mẹ quá vất vả đành gửi em nơi cửa Phật để mỗi dịp cuối tuần lại đến thăm con một lần.

Posted Image Trong căn nhà cấp 4 chật chội, hàng chục trẻ mồ côi đang xem tivi. Ảnh: Tuấn AnhHàng chục hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi được vào cửa chùa, các em phần lớn đều sống khỏe mạnh và dễ chia sẻ với nhau. Mỗi khi nhận cháu nào về, nhà chùa đều giữ gìn cẩn thận những đồ liên quan đến các cháu như quần áo, chăn, tất... với hy vọng những kỷ vật này sẽ giúp bố mẹ chúng nhận ra con mình. "Tuy nhiên, gần 20 năm qua, chỉ có một người mẹ đến chùa xin lại con", sư thầy kể, mắt đượm buồn. Bữa cơm tối của nhà chùa và các trẻ mồ côi đơn sơ và đạm bạc. Từ lâu, các trẻ mồ côi đều ăn chay. Bữa cơm chỉ có rau, dưa chua nấu canh lõng bõng và nồi chuối sắt khúc kho làm thức ăn mặn, thỉnh thoảng có thêm nồi lạc rang mặn hoặc những ngày mùng 1, ngày rằm được những người lễ chùa biếu vài miếng thịt luộc, khoanh giò.

Những ngày đông giá rét, nhiều em co ro vì lạnh. Quần áo cũ do những người hảo tâm quyên góp nhưng cũng không đủ ấm cho gần 50 trẻ mồ côi ở đây. Ngoài việc phải lo mua sữa cho các em bé sơ sinh, gạo, thức ăn..., các thầy còn phải lo làm sao để các em được cắp sách đến trường. Thầy Lan cho biết, tất cả các em đến tuổi đều được cho đi học. Nhưng ngày càng nhiều trẻ mồ côi đến đây, mong ước xây được ngôi nhà, tạo công ăn việc làm cho các cháu đến nay vẫn còn dang dở vì nhà chùa thiếu kinh phí.

Trong căn phòng tuềnh toàng, được che chắn tạm bợ chốc chốc lại rùng mình bởi những đợt gió lạnh lùng từ sông Hồng thốc tới. Những gương mặt tuổi thơ ngơ ngác hắt bóng bên sư thầy trầm mặc .

Vnexpress - Anh Thư - Tuấn Anh

Share this post


Link to post
Share on other sites

Mảnh đời những em bé bị bỏ rơi

Vừa lọt lòng đã dị tật, bị bố mẹ bỏ rơi, phải đeo đẳng "nghi án" căn bệnh thế kỷ AIDS... là số phận của hàng chục em nhỏ đang náu mình bên cửa Phật tại chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội).

> Những trẻ mồ côi náu mình bên cửa Phật

Posted Image Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 5km, lâu nay chùa Bồ Đề trở thành nơi nương tựa của chừng 60 người khó khăn, trong đó phần lớn là trẻ em bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng. Không ít ông bố, bà mẹ nhiễm HIV/AIDS cũng mang con tới đây nhờ nhà chùa nuôi giúp. Hầu hết các em được nhà chùa đặt tên là Anh như: Hùng Anh, Phúc Anh, Phương Anh, Vi Anh, Việt Anh... Posted Image Được đưa vào chùa từ khi mới lọt lòng, nay bé Phương Anh đã được 10 tháng tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh. Thông thường, ba tháng sau khi vào chùa, các em sẽ được đưa đi thử máu. Posted Image Thật không may, ngay trong lần thử máu đầu tiên, Phúc Anh đã dương tính với HIV. Qua 5 lần kiểm tra máu liên tiếp, số mạng của cậu bé 9 tháng tuổi này vẫn rất mong manh: 3 lần dương tính, 2 lần âm tính. Posted Image Dù tâm hồn non nớt của Phúc Anh, Phương Anh... chưa biết tới số phận bất hạnh nhưng ánh mắt của chúng khiến không ít người hảo tâm tới thăm nuôi phải day dứt. Posted Image Không chỉ sư thầy Thích Đàm Lan (trụ trì chùa Bồ Đề) mà ngay cả các bảo mẫu cũng mong mỏi lần thử máu tiếp theo của Phúc Anh sẽ cho kết quả âm tính. "Đặt tên cháu là Phúc để hy vọng cháu sẽ có phúc", sau một hồi âu yếm cậu bé vừa trở về về từ bệnh viện, sư thầy Đàm Lan vừa nói. Posted Image May mắn hơn Phúc Anh khi thoát khỏi sự đeo bám của căn bệnh thế kỷ nhưng Hùng Anh lại mắc chứng bệnh tắc tuyến lệ từ khi lọt lòng. Do vậy, cậu bé 8 tháng tuổi này khóc suốt ngày. Posted ImagePosted Image Nhìn bé Vi Anh (10 tháng tuổi) kháu khỉnh chơi đùa, không ai nghĩ bé gái này đã bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng và được đưa về chùa cưu mang. Posted Image Cậu bé có khuôn mặt trắng trẻo, má lúm đồng tiền, hay cười này tên là Việt Anh. Do dễ thương và ngoan ngoãn nên cậu bé 16 tháng tuổi này được rất nhiều người nhận đỡ đầu. Posted Image Chị Anh (quê Thanh Hóa) cũng vào chùa được vài năm. Giống như hơn 10 bảo mẫu khác, chị được giao chăm sóc 2 bé, trong đó có Việt Anh. Posted ImagePosted Image Dù không có quan hệ máu mủ nhưng nhiều bảo mẫu ở đây hết mực yêu quý, chăm sóc những đứa trẻ bất hạnh. Nụ cười không ngớt nở trên đôi môi họ. Posted Image Từ ngày trở thành nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ, chùa Bồ Đề cũng trở nên tấp nập với sự xuất hiện của những vị khách hảo tâm. Thỉnh thoảng, những người nước ngoài cũng tình nguyện nấu đồ ăn mang tới chùa phục vụ mọi người. Posted Image Nhờ đó, bữa cơm của những đứa trẻ cũng bớt đạm bạc hơn. Posted Image Sau giờ học ở trường, các em lại vui vẻ chơi đùa, đọc sách trong sân chùa. Từ "mái nhà" này, nhiều đứa trẻ mồ côi đã trở thành những sinh viên đại học, những công nhân, những con người có ích cho xã hội.

Vnexpress - Tiến Dũng

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay