Thiên Đồng

Dạy Sai Có Thể Khiến Cả Một Dân Tộc Sai Lầm

5 bài viết trong chủ đề này

Dạy sai có thể khiến cả một dân tộc sai lầm23/02/2009 08:34 (GMT + 7)

(TuanVietNam.net)- “Hiện nay từ đào tạo mẫu giáo đến đào tạo tiến sĩ phương pháp dạy đều giống nhau. Cách làm này sẽ thủ tiêu sức sống cá nhân. Cứ học dồn, cứ nghĩ rằng làm trước là xong mà không thấy chất lượng cuộc sống của mỗi giai đoạn một khác... Bản thân tôi cả một đời dạy học. Với tôi, “trẻ em là cứu tinh của dân tộc”. Giáo sư Hồ Ngọc Đại trăn trở.

Trẻ con luôn luôn đúng?

Posted Image

Giáo sư Hồ Ngọc Đại (trái) và Nhà báo Nguyễn Quang Thiều.

Ảnh Phạm Hải

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thưa quý vị độc giả, câu hỏi muôn thuở của xã hội về một thứ sản phẩm, và đây cũng là sản phẩm quan trọng nhất, hệ trọng nhất làm nên đời sống, xã hội. Đó là sản phẩm người. Nhưng chúng ta cũng bắt đầu thấy lo lắng về sản phẩm này. Dường như có điều bất ổn, khiếm khuyết, sai lầm, ở đâu đó trong hệ thống giáo dục.

Cũng chính vì điều đó, VietNamNet đã mời Giáo sư Hồ Ngọc Đại- một người dành tâm huyết cả đời mình cho nền giáo dục, cùng bàn luận về một trong những vấn đề cấp bách của giáo dục nước nhà: đào tạo dạy dỗ học sinh tiểu học.

GS. Hồ Ngọc Đại: Cuộc sống hiện nay đã khác trước rất nhiều. Có căn cứ nào để chúng ta nói về sự đúng - sai. Theo tôi, có hai căn cứ để xác định một vấn đề là sai hay đúng trong giáo dục.

Căn cứ quan trọng nhất là cuộc sống thật, cuộc sống ta đang sống, mà triết học gọi là khách quan. Gọi là cuộc sống thật, vì nó phải sống thật, không thể giả dối được. Cuộc sống ấy phải là cơ sở để xử lý tất cả mọi vấn đề (văn hóa, khoa học, chính trị, thơ văn...). Và cuộc sống thật của ta so với cuộc sống thật của nền giáo dục hiện nay như thế nào?

Căn cứ thứ hai là trẻ em hiện đại. Giáo dục trẻ em, dạy trẻ con, cần phải biết nó là cái gì? Từ cuối thế kỷ 20, khi ở châu Âu, tôi đã nhận thức được một điều là cuộc sống biến đổi ghê gớm. Tôi đã chứng kiến sự nổi loạn của sinh viên. Tôi cũng đã từng có một cuộc phiêu lưu lớn trong giáo dục. Nhưng cuộc phiêu lưu ấy thất bại.

Vì sao có cuộc nổi loạn của sinh viên năm 1968 và tại sao lại có sự nổi loạn của giáo dục thế giới hồi năm 1960? Là vì họ không chấp nhận được cái nền giáo dục hiện tại của họ. Không thể chấp nhận được vì cuộc sống hiện đại đã hoàn toàn thay đổi.

Sự biến đổi của tuổi trẻ thế kỷ này đã khác rất nhiều so với thế kỷ trước. Những đứa trẻ lên 5 lên 6 tuổi sống ở thế kỷ 20 đã có thể đi làm nuôi em. Nhưng giờ đây, lứa tuổi 18, 20 vẫn còn bé bỏng, vẫn cần cha mẹ chu cấp.

Do vậy, tôi kết luận: cuộc sống thực luôn luôn đúng. Cuộc sống thực không thể sai. Cuộc sống là như thế, vì nó buộc phải như thế. Cho nên, tôi gọi triết lý gốc của con người là từ đó: Muốn gì thì gì, phải sống đã. Và rồi mới tính đến chuyện sống tốt hơn.

Trong cuộc sống thực ấy, chúng ta cứ giả định trẻ em luôn sống đúng. Điều đó có thể khiến các thầy giáo sẽ khó chấp nhận. Vậy trong tình huống này phải xử lý thế nào?

Khi mà cuộc sống diễn ra hiển nhiên như thế và dĩ nhiên ta phải sống. Do vậy có khi anh phải chấp nhận chịu thua cuộc sống, đơn giản vì anh không thể thắng nổi. Đối với trẻ em, vì đã xác định chúng luôn đúng, cho nên ta phải bằng lòng với hiện thực này.

Nguyên lý một nhà giáo dục là phải biết chịu thua trẻ em, để rồi sau đó tìm cách thắng lại, mà phải làm sao để thắng được cái lý của chúng, chứ không phải thắng cái lý của mình.

Nếu độc giả chấp nhận hai mệnh đề tôi vừa đề xuất là cuộc sống thực luôn luôn đúng và trẻ em luôn luôn đúng thì cứ căn cứ vào đó chúng ta sẽ xử lý được mọi vấn đề.

Do vậy, trong một nền giáo dục mà được trẻ em chấp nhận, thì mới hi vọng nền giáo dục đó đúng. Còn với một nền giáo dục mà trẻ em không chấp nhận, chúng cảm thấy bất hạnh, thì dứt khoát đó là một nền giáo dục sai, một nền giáo dục thất bại.

Nhà trường sai, người lớn sai?

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Tôi đồng ý với GS rằng cuộc sống thực luôn luôn đúng. Nhưng khi nói trẻ em luôn luôn đúng thì hơi khó thuyết phục. Phải chăng chúng đang sai, chúng đang trốn chạy nhà trường? Hoặc là nhà trường sai?

GS. Hồ Ngọc Đại: Nhà trường sai. Thầy giáo sai. Người lớn sai.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: GS có thể chỉ ra vài điều cơ bản nhất để minh chứng rằng trẻ con đúng và nhà trường đang sai. Do đó, hiện thực đang đòi hỏi phải có sự quan tâm cẩn trọng hơn nữa, đặc biệt hơn nữa đối với cấp tiểu học?

GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi có một cách tiếp cận khác với khái niệm trẻ con. Cách đây 30 năm, chúng ta phải đồng ý với quan điểm rằng coi trẻ em là của trời đất, cha mẹ, văn hoá, truyền thống, tự nhiên. Phải coi các em như thực thể sống trong đời, hít thở không khí, chịu ánh sáng tự nhiên, đói thì ăn, khát thì uống.

Nhưng hiểu lầm lớn nhất xưa nay là cứ bắt trẻ con phải làm theo mình, nếu trẻ con mà làm trái ý là coi như sai. Đáng lẽ khi trẻ con hiểu sai ý mình, thì mình phải tìm hiểu cái lý của nó là gì? Trẻ con không có âm mưu, chỉ suy nghĩ trên cơ sở chính nó, vì lợi ích cơ bản của nó, vì sự sống của nó chứ nó không tính về phía anh. Nhưng người lớn thì cái gì cũng tính về mình. Hai cách tính khác nhau, nên vênh.

Trẻ con phải hồn nhiên, vui tươi, không có gì đau khổ, vì ở vào lứa tuổi đó, chúng không đáng phải đau khổ. Chỉ có người lớn chúng ta mới đau khổ. Trẻ con khi đã không thích là không thích, nhiều khi bố mẹ còn cảm thấy ngượng với khách vì con, những khi mà không thích thì chúng thản nhiên bỏ đi, mặc kệ khách khứa. Nhưng chúng ta vẫn phải tôn trọng nó như một thực thể tự nhiên, bọn trẻ vốn sống hồn nhiên. Chúng có sai là sai theo ý mình, chúng cư xử trên cái lý của chúng.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Một trong những bức thư của các em học sinh gửi đến cho chúng tôi, bức thư của em Thảo Ly ở Hưng Yên. Bức thư này là một thông điệp, một lời cảnh báo, một tiếng kêu cứu của một đứa trẻ đối với nền giáo dục mà em đang sống trong đó, đang phải gánh chịu nó, đang phải cố gắng để vượt qua và thực hiện những tham vọng của người lớn. Bức thư viết : Cháu đang học lớp 3, cháu cảm thấy mệt mỏi vì chương trình học quá tải, chúng cháu học cả ngày, tối về lại ôn bài, làm bài, chuẩn bị cho ngày hôm sau. Cuối tuần, chúng cháu có rất nhiều phiếu ôn tập nhà trường giao cho, chúng cháu mong Bộ Giáo dục chỉ bắt chúng cháu học nửa ngày thôi, để buổi chiều chúng cháu có thể ôn bài, có thể chuẩn bị bài, có thể vui chơi, có thể chia sẻ, buổi tối chúng cháu có thể xem những chương trình tivi dành cho chúng cháu, được chọn trò chơi, được đọc truyện..

GS. Hồ Ngọc Đại: Em ấy nói đúng, cuộc sống không chỉ có chữ, cuộc sống nó còn nhiều thứ khác. Một trong những sai lầm từ ngàn năm nay của giáo dục là gì? Đến trường để kiếm dăm ba chữ, và ai hơn mình nửa chữ thôi cũng tôn làm thầy. Điều này ở một khía cạnh nào đó có nghĩa nhưng ở khía cạnh khác lại là vô nghĩa, chữ không phải là tất cả.

Tôi đã phê phán khẩu hiệu "vì tương lai con em chúng ta". Sao lại đi hứa hão với bọn trẻ rằng cứ chịu khổ đi, chịu khó đi rồi nay mai sẽ hạnh phúc. Và thế là bọn trẻ bị đầy đọa từng ngày. Đáng lý ra khẩu hiểu đó phải là: “Ngày hôm nay các em hạnh phúc, ngày mai các em còn hạnh phúc hơn”. Tại sao lại không vì hạnh phúc ngay hôm nay, hạnh phúc ngay bây giờ của con em chúng ta. Hãy nói với chúng rằng, ngày hôm nay em đến trường vui, ngày mai em đến trường vui hơn.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Phụ huynh Nguyễn Văn Trường ở Hà Nam viết về thời gian biểu của con mình mà lại ngập tràn đau xót : “Cháu không còn một chút thời gian nào để nghỉ ngơi và chơi, lúc nào cũng trong tình trạng như hoảng loạn. Nhiều khi buổi tối cháu học mệt quá ngủ gục trên bàn, tôi bế cháu lên giường ngủ thì cháu choàng tỉnh dậy vội cầm bút ngơ ngác học tiếp”. Tôi thấy thời gian biểu của một học sinh không mang lại cho em một cảm hứng nào mà lại như là một án phạt đối với em. Những đứa trẻ đến trường với một nỗi sợ hãi như thế thì nền giáo dục ấy mang lại gì cho những công dân tương lai của một dân tộc ?

GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi cũng đau khổ lắm, như tất cả các vị. Bởi vì người lớn có thể chịu đựng mọi nỗi đau khổ, nhưng trẻ con không đáng phải chịu đựng như thế.

Trẻ con cần hưởng hạnh phúc, trẻ con cần được vui chơi và chưa đến lúc phải chịu nỗi khổ của người lớn. Cái đúng là sự hồn nhiên, thanh thản, được làm theo ý mình.

Ta cứ nghĩ trẻ làm theo ý mình là hư – nhưng cuộc sống thực của nó bảo nó phải làm như thế, chứ nó không tự ý.

Xã hội đã ngàn đời coi trọng bằng cấp, đè nén con người khủng khiếp. Chính nỗi đau đó cũng là nỗi đau của các thầy giáo.

Posted Image

"Hãy nói với chúng rằng, ngày hôm nay em đến trường vui,

ngày mai em đến trường vui hơn". Ảnh: antdonline

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có một bạn đọc phản ánh, trước kia con chúng tôi phải vác 1 cặp sách, thì nay, sau cải cách, con chúng tôi phải vác đến 3 chiếc cặp sách đến trường?

GS. Hồ Ngọc Đại: Một bước tiến của nền giáo dục trong nền văn minh hiện đại là phải có tư tưởng mới và cách làm đúng. Để có những bước phát triển mới thì phải có tư tưởng và cách làm mới. Cách làm xưa nay là thầy giảng, trò ghi nhớ. Cách làm của tôi là thầy không giảng giải, trò tự làm tất cả. Cách làm cũ là trò phải cố gắng, còn cách làm của tôi là trò không phải cố gắng, hãy cứ tự nhiên.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Mọi người đều quan tâm đến một sáng tạo của giáo sư đối với nền giáo dục Việt Nam đó là trường Thực Nghiệm?

GS. Hồ Ngọc Đại: Đó là một sáng tạo của thế kỷ 20 của những nhà tâm lý học Liên Xô.

Trường Thực nghiệm vừa là trường, vừa không phải là trường. Ở đây những tư tưởng, ý tưởng phải được làm thật, trên những con người thật.

Anh đã dám làm khoa học trên những con người thật, thì khoa học của anh phải thật và anh cũng phải thật. Và trẻ cảm nhận mỗi ngày đi học đúng là một ngày vui. Thay vì bắt trẻ làm theo ý mình, ở đây chúng tôi nói với chúng: "Thưa các em, thầy nghĩ như thế, thầy làm như thế, các em xem có đúng không, các em có chấp nhận hay không?".

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Nó ưu việt như vậy, nhưng vì sao mô hình trường Thực nghiệm hay những phần ưu việt của mô hình này vẫn chưa được phổ cập trong đời sống giáo dục của nước ta? Phải chăng các nhà quản lý giáo dục không nhận ra điều ấy ? Hay họ nhận ra nhưng không làm ? Chúng ta đang vì những học sinh hay chỉ vì lợi ích và lòng tự ái của chúng ta ?

GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi đã từng đề xuất “Học sinh là nhân vật trung tâm, thầy giáo đóng vai trò quyết định” và “Đưa công nghệ giáo dục mới vào nhà trường”. Nhưng khi đưa vào Nghị quyết thì lại thành: “Học sinh là nhân vật trung tâm” và “Đưa công nghệ mới vào giáo dục nhà trường”.

Tôi đem thắc mắc này đi hỏi và được giải thích: “Xưa nay ta vẫn quen đề cao giáo viên, nay phải nhấn mạnh vai trò của học trò thì nên đặt dấu chấm ở đấy cho gọn. Còn câu thứ hai, nếu đưa nguyên xi vào thì hóa ra ngả hẳn về phía cậu à?”.

Sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cả nước dùng chung một bộ sách giáo khoa, chung một phương pháp, và đương nhiên tôi trở thành thiểu số...

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Tôi đã thăm một trường tiểu học ở Boston (Hoa Kỳ), được xem một vở kịch của các em lớp 1 diễn. Chúng tranh luận với nhau về việc ai làm đổ cái chuồng của chúng. Và một con lừa già xuất hiện nói: “Ta xin lỗi, chính ta đã làm đổ cái chuồng, nhưng lúc trước ta đã không dám thừa nhận, vì ta xấu hổ, ta sĩ diện, ta hão huyền, ta ngạo mạn…”.. Tôi đã rất “kinh hãi” và xúc động vì con lừa đó do ông hiệu trưởng đóng. Họ thật sự hoà đồng, chia sẻ, và lắng nghe. Xin tất cả hãy suy ngẫm thật kỹ về câu chuyện này. Những điều này sao không có trong các trường ở Việt Nam ?

GS. Hồ Ngọc Đại: Ngày xưa, chúng ta giáo dục dựa trên nền tảng là vì lợi ích của người lớn, còn ngày nay là vì lợi ích của đứa trẻ. Đó là hai vấn đề khác nhau.

Lâu nay người lớn chúng ta vẫn quan niệm trẻ con là trẻ con. Nhưng với tôi, trẻ con là dân tộc, là thiên nhiên, chúng sống thánh thiện và vô tư. Khi chúng không bằng lòng là không bằng lòng thật. Không giống người lớn, thất bại nhiều rồi nên nhiều khi phải giả vờ. Mà giả vờ chính là sự hèn mọn. Do không phải giả vờ nên bọn trẻ con chưa hèn, cuộc đời chưa làm cho chúng hèn đi. Vì vậy, bọn trẻ đáng được tôn trọng, và chúng ta phải tôn trọng thật, chứ không phải sự tôn trọng giả vờ.

Còn đối với nhà giáo, trong một ý nghĩa nào đó phải coi học sinh là cấp trên. Nghĩ như vậy không phải là chúng ta hạ mình, mà đây chính là trách nhiệm, chính là lương tâm.

Không thể cứ sai lầm mãi

Posted Image

GS Hồ Ngọc Đại: "Trẻ em là cứu tinh của dân tộc. Ảnh: hocmai.vn

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có một quan niệm sai lệch trong nền giáo dục của chúng ta là bậc đại học thì được quan tâm hơn tiểu học. Nhưng tiểu học lại là thời điểm con trẻ hay có thể nói chính xác hơn là thời điểm quan trọng nhất của một đời người để bắt đầu nhận thức thế giới xung quanh, với con người bên cạnh, với muông thú, cây cỏ, côn trùng, đất trời… nhằm đặt nền tảng cho tâm hồn và nhân cách con người thì càng cần những “người thầy vĩ đại” nhất, thấu hiểu chúng, biết lắng nghe chúng, chia sẻ với chúng, hướng dẫn chúng, gợi mở chúng. Thì GD Việt Nam lại làm ngược lại tất cả các nguyên lý cơ bản đó. Có ai nhận ra điều đó không? Tại sao vẫn để tồn tại?

GS. Hồ Ngọc Đại: Muốn giải quyết nền giáo dục hiện nay thì phải tập trung vào giải quyết 2 bậc Tiểu học và Đại học. Và phải làm mới hoàn toàn.

Thứ nhất, bậc tiểu học có 2 đặc điểm cơ bản, học sinh tiểu học còn nhỏ, còn bố mẹ, ông bà nội ngoại, còn họ hàng… có hàng chục người gắn vào học sinh lớp 1. Nếu học sinh lớp chúng hạnh phúc thì hàng chục người đó hạnh phúc. Nếu giáo dục nhà trường tốt thì gia đình dễ yên ấm, xã hội dễ yên lành.

Thứ hai, với cấp tiểu học, đặc biệt nhóm lớp 1 nghiệp vụ phải tinh tế nhất, cao siêu nhất, chắc chắn nhất.

Và cấp tiểu học cũng nên kéo dài 6 năm, Vì đây là khoảng thời gian chúng ta có thể chuyển tải tất cả những gì gọi là bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, đạo lý dân tộc, quan hệ giữa người với người, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc xã hội,...

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thưa Giáo sư, với những đứa trẻ từ mầm non đến tiểu học chúng ta đào tạo để đưa chúng tiếp cận với những nền khoa học, những vấn đề chính trị thời đại hay là để chúng được trau dồi những nền tảng của mỹ học. Song nếu đưa chúng đến với nền tảng mỹ học, giàu tính nhân văn thì dường như phương pháp giáo dục của chúng ta và giáo trình của chúng đang sai?

GS. Hồ Ngọc Đại: Sai! Bởi nếu đã học văn hoá, học sinh phải tiếp cận với nền văn hoá hiện đại, thành tựu khoa học hiện đại, cuộc sống học hành giải trí hiện đại, vậy hà cớ gì phải học những cái cũ, chữ nghĩa từ mấy thế kỉ trước.

Dạy sai có thể khiến cả một dân tộc sai lầm

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Chứng kiến trong ngày quốc khánh Mỹ, tôi thấy những đứa trẻ Mỹ ở một trường tiểu học tự viết diễn văn, tự nói về dân tộc... Các thầy cô chỉ là những người quan sát, hỗ trợ và gợi ý. Và trong tâm hồn trong sáng, công bằng, không vụ lợi và đầy trí tưởng tượng về dân tộc của chúng, người lớn chúng ta sẽ có cơ hội nhìn thấy dân tộc họ trong một hình ảnh mới đầy sức sống và sáng tạo. Tôi tự đặt câu hỏi, nếu những điều đó là chân lý vậy tại sao chúng ta không làm? Trong khi đó, chúng ta đang biến những đứa trẻ trở thành những robot thực thi các “lệnh” của chúng ta ?

GS. Hồ Ngọc Đại: Khi một điều gì đó ra vượt khỏi nhà trường và vào xã hội, đó là quyền lực hành chính. Khoa học thì không bao giờ có quyền lực, chỉ có lời khuyên thôi.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có một bạn đọc ở Xuân Trường (Hải Dương) hỏi: Thực tế cho thấy chất lượng sản phẩm giáo dục của chúng ta, rất thiếu sức khoẻ, thiếu kĩ năng sống, thiếu vốn kiến thức cơ bản để hoà nhập với đời sống xã hội và thiên nhiên. Thưa Giáo sư, thực trạng này là do chúng ta thiếu tiền hay thiếu chính những người thày có chất lượng?

GS. Hồ Ngọc Đại: Có những người thầy khiến tôi rất kính trọng. Nhưng đúng là nhiều người thầy hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Với những người làm thầy cần nhất là sự lương thiện. Đó là cách để làm ra sản phẩm thật cho xã hội.

Khi mà 5% dân cư đi học, và thất bại cả 5% thì ko sao. Nhưng với một nền giáo dục mà tất cả trẻ em đều đến trường mà lại được dạy bảo sai thì điều đó sẽ khiến cho cả một thế hệ sai lầm, cả một cả dân tộc sai lầm. Dân tộc đó là dân tộc của một trăm năm nữa, chứ không phải dân tộc của ngày hôm nay. Đây là nỗi đau của cả dân tộc.

Dạy trẻ con tự cảm nhận theo cách của mình

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thực tế cho thấy ngày càng nhiều giáo viên dạy văn đã không còn cảm xúc. Dạy văn, mục đích cơ bản là để học sinh tiếp cận vẻ đẹp ngôn ngữ và vẻ đẹp tâm hồn cũng như lòng nhân ái chứa đựng trong ngôn ngữ đó. Nhưng những buổi học văn vô cảm sẽ không mang lại bất cứ điều gì cho học sinh. Theo Giáo sư, điều gì đã mang lại sự vô cảm trong những bài giảng hiện nay? Phải chăng đó là những giáo trình sơ cứng và những phương pháp dạy bị động không sáng tạo?

GS. Hồ Ngọc Đại: Có 2 sai lầm. Nền giáo dục cũ hiện nay đề cao quá vào lí trí, chữ nghĩa, coi thường tình cảm, niềm tin, đạo đức. Mất niềm tin đạo đức sẽ trở thành người vô đạo đức. Lí trí hoá nền giáo dục, và lí trí hoá cuộc sống con người đi nhiều. Do vậy, phải tôn trọng tình cảm, mà tình cảm do nghệ thuật mang đến. Có thể áp đặt về lí trí, nhưng không thể áp đặt trong nghệ thuật và đạo đức.

Tôi luôn chú ý cả 3 lĩnh vực: khoa học, nghệ thuật và lối sống. Lõi của lối sống là niềm tin đạo đức. Nghệ thuật không thể giảng được. Nhưng có thể gợi ý, định hướng và hướng dẫn. Các em hoà nhập vào tác phẩm để cảm nhận theo cách riêng của mình.

Posted Image

Hãy để các em thoả sức tìm tòi.

Không nên ràng buộc các em bằng những chuẩn hoá quá sớm. Ảnh: hoikunblog

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Ông sẽ dạy những gì cho những học sinh không học trong trường thực nghiệm. Và ông sẽ chia sẻ những gì với cha mẹ chúng?

GS. Hồ Ngọc Đại: Việc này khó. Bởi họ đã quen nếp cũ, nếu thay đổi, phải thay đổi đồng bộ. Thay đổi giáo trình, phương pháp dạy với đứa trẻ. Thay đổi các mối quan hệ giữa đứa trẻ và thầy giáo, giữa thầy giáo và phụ huynh. Quan hệ giữa thầy giáo và phụ huynh hiện nay là quan hệ đối phó, chưa phải hợp tác.

Hiện nay phụ huynh thường có tâm lý trăm sự nhờ thầy giáo, hoặc lấy lòng thầy giáo vì sợ thầy giáo không hài lòng thì con mình khổ.

Đã không ai thấy rằng thành quả của các em là do gia đình và nhà trường cùng làm nên. Trong tương lai phụ huynh học sinh phải được đào tạo thành phụ huynh học sinh theo đúng nghĩa vụ, thầy giáo đúng trách nhiệm và nghĩa vụ, hai bên hợp tác nhau, không bên nào làm lẫn nhiệm vụ của bên nào, có vậy đứa trẻ mới thấy được hạnh phúc cả khi ở với gia đình lẫn ở trường. Với nền giáo dục hiện nay một số người đã không chịu nổi, và khi tất cả đều không chịu nổi thì sẽ khác.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Nhiều bạn đọc của VietNamNet đã gửi thư bày tỏ băn khoăn, lo lắng về quy định chuẩn cho trẻ 5 tuổi. Giáo sư có ý kiến gì về vấn đề này?

GS. Hồ Ngọc Đại: Những năm 70 ở Liên Xô có cuộc tranh luận. 1 phái nhận trẻ con 6 tuổi vào lớp 1 và phái kia nhận trẻ 7 tuổi (tôi là phái 7 tuổi).

Tại sao phải trì hoãn tuổi đi học? Bởi trong cuộc đời không có giai đoạn nào đẹp hơn thời kì từ 0 đến 6 tuổi. Tuổi này mà được ở nhà, được vui chơi thoải mái là thích nhất. 6 tuổi là thời điểm tích luỹ kinh nghiệm một cách thiên nhiên, bản tính. Giai đoạn này trẻ thích mầy mò, khám phá. Nên hãy để các em thảo sức tìm tòi. Dĩ nhiên có thất bại, có thành công…. không nên ràng buộc các em bằng những chuẩn hoá quá sớm.

Không dám nhìn vào sự thật

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: GS có thể nói gì về cái quy chuẩn trẻ 5 tuổi?

GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi cho rằng không cần thiết. Việc các trường mẫu giáo dạy chữ trước khi trẻ vào lớp 1 là hi sinh một thứ rất lớn để đổi lấy thứ không cần thiết.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta đang mắc những sai lầm lớn trong giáo dục mầm non, tiểu học. Chúng ta phải từ bỏ ngay ý nghĩ những đứa trẻ phải nhất nhất nghe lời chúng ta. Chúng ta đã bỏ rơi chúng trong chính ngôi nhà của mình, nhà trường của mình và ngay cả trong xã hội của mình mà cứ lầm tưởng là chúng ta đang chăm sóc chúng. Thực tế, chúng ta đang chỉ chăm sóc phần xác của chúng mà thôi. Vậy theo Giáo sư, chúng ta làm gì để khắc phục những sai lầm đó, phải mất bao lâu thời gian để khắc phục?

GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi thấy đau xót vì không ai nhìn thẳng vào sự thật. Có thể nói thành lời, nhưng không ai cảm thấy rằng trẻ con là máu thịt của mình, không ai cảm thấy đứa con đau khổ chính là mình đau khổ. Và không thấy được sự tối ưu của mỗi giai đoạn khác nhau.

Hiện nay từ lớp mẫu giáo cho đến các bậc tiến sĩ dạy đều có phương pháp dạy giống như nhau. Cách làm này sẽ thủ tiêu sức sống của cá nhân. Phương pháp cứ dồn góp, cứ nghĩ rằng làm trước là xong, mà không thấy được chất lượng cuộc sống mỗi giai đoạn một khác. Do vậy, phải có phương pháp giáo dục riêng cho từng cấp học, mầm non khác, tiểu học khác, tiến sĩ phải càng khác. Bản thân tôi cả một đời dạy học. Tôi luôn quan niệm trẻ em là cứu tinh của dân tộc.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Cuộc trò chuyện chỉ vọn vẻn trong khoảng hơn 1 tiếng, nhưng chúng ta nhận ra quá nhiều điều bất ổn trong những đứa trẻ thời nay. Chúng ta không biết điều đó, và ngay cả những người biết nhưng đã chôn vùi những lỗi lo lớn ấy của xã hội vào giấc ngủ hưởng thụ và tự mãn của cá nhân mình. Chúng ta phải thừa nhận rằng: tất cả những lầm lẫn trong giáo dục hay những thất vọng về những đứa trẻ nào đấy đều do người lớn chúng ta gây ra. Có một lúc nào đó Giáo sư tuyệt vọng vì những lỗi lầm này?

GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi đã nói những điều này từ cách đây 30 năm nay rồi. Tôi không sợ ai giận cả. Tôi không tuyệt vọng. Tôi có chiến lược, chứ không phải làm ẩu.

Khi tôi về nước, tôi hi vọng sau 20 năm sẽ có nền giáo dục mới. Tôi bỏ ra 10 năm đầu để làm mất nền giáo dục hiện nay đi, cùng lúc đó, tôi thiết kế một nền giáo dục khác. Khi không có những đứa trẻ thật, những cha mẹ thật, một nền giáo dục thật thì tất cả đều là viển vông. Dân tộc ở lại mãi mãi, trẻ em ở lại mãi mãi.

Tôi chịu trách nhiệm với trẻ em. Qua trẻ em tôi chịu trách nhiệm với cha mẹ. Qua trẻ em và cha mẹ chúng tôi chịu trách nhiệm với dân tộc này.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Nhiều người đều cảm nhận và không hài lòng với cách giáo dục hiện tại. Họ lo ngại điều đó sẽ mang lại tai hoạ cho đất nước. Đây cũng là nỗi lòng mà đông đảo các vị phụ huynh trên cả nước, những người có lương tâm giáo dục chia sẻ với Giáo sư và chúng tôi.

Vẫn còn rất nhiều câu hỏi của bạn đọc, nhưng tạm thời xin được phép khép lại cuộc bàn tròn nhỏ với một vấn đề quá lớn và còn quá nhiều điều phải bàn. Nhưng không còn cách nào là chúng ta phải lên tiếng.

Xin thay mặt bạn đọc VietnamNet, Tuần Việt Nam cám ơn Giáo sư. Mong rằng tất cả mọi người trong cộng đồng này cùng lên tiếng, lên tiếng mãi cho đến khi chúng ta đổi thay, kiên trì như Giáo sư Hồ Ngọc Đại để đến một ngày nào đó nền giáo dục mầm non nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung có sự đột phá khởi sắc.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Phoenix sẵn sàng cho con đi học không theo một trường lớp chính quy hay chương trình đào tạo quy định nào nếu điều đó thực sự phù hợp cho một đứa trẻ phát triển thành người có cuộc đời ý nghĩa và hữu ích nhất. Cảm ơn những người tâm huyết như giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Share this post


Link to post
Share on other sites

"GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi có một cách tiếp cận khác với khái niệm trẻ con. Cách đây 30 năm, chúng ta phải đồng ý với quan điểm rằng coi trẻ em là của trời đất, cha mẹ, văn hoá, truyền thống, tự nhiên. Phải coi các em như thực thể sống trong đời, hít thở không khí, chịu ánh sáng tự nhiên, đói thì ăn, khát thì uống.

Nhưng hiểu lầm lớn nhất xưa nay là cứ bắt trẻ con phải làm theo mình, nếu trẻ con mà làm trái ý là coi như sai. Đáng lẽ khi trẻ con hiểu sai ý mình, thì mình phải tìm hiểu cái lý của nó là gì? Trẻ con không có âm mưu, chỉ suy nghĩ trên cơ sở chính nó, vì lợi ích cơ bản của nó, vì sự sống của nó chứ nó không tính về phía anh. Nhưng người lớn thì cái gì cũng tính về mình. Hai cách tính khác nhau, nên vênh.

Trẻ con phải hồn nhiên, vui tươi, không có gì đau khổ, vì ở vào lứa tuổi đó, chúng không đáng phải đau khổ. Chỉ có người lớn chúng ta mới đau khổ. Trẻ con khi đã không thích là không thích, nhiều khi bố mẹ còn cảm thấy ngượng với khách vì con, những khi mà không thích thì chúng thản nhiên bỏ đi, mặc kệ khách khứa. Nhưng chúng ta vẫn phải tôn trọng nó như một thực thể tự nhiên, bọn trẻ vốn sống hồn nhiên. Chúng có sai là sai theo ý mình, chúng cư xử trên cái lý của chúng."

Tôi đồng ý với quan điểm cho trẻ một sự phát triển tự nhiên. Nhưng nếu để phát triển tự nhiên như cách giáo sư này đề cập, sự "thản nhiên", "mặc kệ" sẽ như cây dại mọc hoang...Với sự phát triển tự nhiên đó, trẻ em sẽ lớn lên với bản tính vị kỷ, chỉ biết lợi ích của mình.

Vậy nên, phải chăng luôn luôn cần một sự định hướng, một kim chỉ nam và trẻ em sẽ phát triển tự nhiên theo hướng này và theo cách của chúng.

Vấn nạn hiện nay của giáo dục chính là sự định hướng sai phương pháp, thiếu tính thực tiễn. Vì sao lại sai phương pháp? Vì sao lại thiếu thực tiễn?

Tôi nghĩ người lớn đã lạc hậu, không bắt kịp sự phát triển của xã hội mà trẻ em, những đứa con của mình là một hạt cơ bản sống trong xã hội đó.

Tôi lại nghĩ, cách đúng đắn nhất là người lớn hãy bắt kịp sự thay đổi, phát triển của xã hội, thấu hiểu bản chất cũng như tính năng của xã hội để đi trước trẻ con và định hướng cho chúng. Như vậy sẽ tốt hơn.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Giáo sư Hồ Ngọc Đại:

Cần sự nổi dậy của tư duy giáo dục

(Dân trí) - Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… là thực trạng buồn của giáo dục Việt Nam. Thế nhưng, cái cần “nổi loạn” nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu - GS. TSKH Hồ Ngọc Đại bày tỏ.

>> Không có tư duy phản biện, không phải là trí thức!Niên học 2007-2008 kết thúc với khá nhiều ấn tượng đáng ghi nhận. Ngành giáo dục, sau nhiều năm bê trễ và luẩn quẩn có vẻ như đã tìm được hơi thở mới. Hàng loạt các phong trào “Hai không”, “Bốn không” đã thu được những thành quả nhất định. Các kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc hơn, đặc biệt là kỳ thi đại học. Gần đây nhất, việc Bộ GD-ĐT cho in 3 cuốn đính chính sai sót trong SGK đã thể hiện tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật.

Tuy nhiên, trên tinh thần khoa học, thẳng thắn và xây dựng, không ít nhà chuyên môn cho rằng cách làm giáo dục theo kiểu phong trào nối tiếp phong trào như hiện nay sẽ khó đem lại hiệu quả lâu dài như mong muốn bởi phong trào chỉ mang lại hiệu quả trong những thời điểm nhất định. Hình như giáo dục của ta vẫn đang loay hoay với một tư duy giáo dục quen cam chịu, không dám “nổi loạn”.

Dân trí đã có cuộc trò chuyện với một nhà giáo dục nói dai, nói mãi, nói nhiều nhưng cũng là người nói đúng, nói trúng, nói quyết liệt và thẳng thắn đến mức nhiều khi “nghịch nhĩ” - GS. TSKH Hồ Ngọc Đại.

Thiếu lý luận giáo dục

Cách đây không lâu, khi trả lời phỏng vấn chúng tôi, TS Chu Hảo nói đại ý rằng, giáo dục của chúng ta lại đang đi vào bất cập như đã từng bất cập, rằng giáo dục chưa được bắt đúng "bệnh" và những thành công hiện nay là thành công của cách làm phong trào và không bền vững. Ông có đồng ý với nhận xét này?

Tôi xin được thay 2 chữ: Bất cập = Thất bại.

Có lẽ trong văn cảnh này thì bản chất của hai từ trên không khác nhau nhiều lắm. Nó cũng chỉ là cách nói "nhiều" với "không ít" thôi. Tuy nhiên, vì sao các ông lại có nhận xét bi quan thế?

Tôi không bi quan, hiện tại nó đang như thế. Có lẽ câu cần hỏi là vì sao lại vẫn cứ để cho điều đó xảy ra?

Vâng, cứ cho là như thế, theo ông thì nguyên nhân sâu xa của nó là gì?

Đó là vì chúng ta làm giáo dục bằng kinh nghiệm, bằng thói quen, bằng mò mẫm, thậm chí không loại trừ bằng lợi ích của một nhóm người mà không xây dựng cho mình một nền tảng lý luận để phát triển giáo dục. Vì không có lý thuyết nên không có cách làm thực tiễn phù hợp với lý thuyết đó. Và do đó, không biết phải bắt đầu từ đâu, thực hiện điều đó như thế nào.

Trẻ em đang cần một nền giáo dục khác

Trước khi từ giã thế kỉ 20, chúng ta đã cố gắng hoàn thiện một nền tảng lý thuyết về giáo dục cho thế kỉ 21. Thế nhưng đã bước sang thế kỉ mới 8 năm rồi mà ông vẫn nói là vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu?

Khi chuẩn bị việc đó, chúng ta vẫn là con đẻ của thế kỉ 20 đi lo công việc của thế kỉ 21. Đó là một sai lầm. Phải coi thế kỉ 20 ra đi như một kẻ đột tử mà không thể "ăn bám" vào nó thêm nữa. Do đó, thế kỉ 21 phải tự lo liệu thân mình. Đây là hai thế kỉ hoàn toàn khác nhau về bản chất. Những đứa trẻ của thế kỉ 21 không phải là những đứa trẻ của thế kỉ 20.

Chúng đi xe hiện đại, sử dụng điện thoại di động hiện đại, sử dung intenet siêu tốc và máy vi tính hiện đại. Ngay cả đồ chơi và trò chơi chúng cũng không còn chơi những đồ chơi và trò chơi của các thế kỉ trước. Do đó, chúng rất cần được hưởng nền giáo dục hiện đại, nội dung hiện đại, phương pháp hiện đại thì ngược lại, chúng đang bị "nhốt" trong cái lồng quá cũ và được "nhồi nhét" kiến thức theo phương cách cũ. Tóm lại, trẻ em hôm nay cần một nền giáo dục khác.

"Nền giáo dục khác" là nền giáo dục như thế nào?

Một nền giáo dục có lý thuyết, không mò mẫm, không đối phó, không lừa dối, dù lừa dối người khác hay tự lừa dối chính mình. Tiếc thay có nhiều điều tỉnh táo thì lại đang được thực hiện một cách ngông cuồng!

Ngông cuồng. Đó là những điều gì vậy?

Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… Cái cần "nổi loạn" nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu.

Bằng đại học “cỏ đồng ta”

Cái mà ông nói là "nổi loạn tư duy" cụ thể ở đây là cái gì vậy?

Là thay đổi cách học và nội dung cần học, đặc biệt là ở tiểu học và đại học.

Tại sao lại đặc biệt ở tiểu học và ở đại học?

Đó là hai bậc học hoàn toàn khác nhau về mục đích. Nếu bậc học tiểu học là cơ hội cuối cùng để duy trì, gìn giữ bản sắc dân tộc thì ở bậc đại học lại là cơ hội đầu tiên để hòa nhập, hội nhập quốc tế. Một chương trình tiểu học không cần phải giống nước nào và cũng không cần nơi nào công nhận thì ngược lại, chương trình đại học phải là chương trình quốc tế và bằng cấp phải được thế giới thừa nhận. Một bằng tốt nghiệp đại học chỉ dùng ở "tiêu thụ nội địa" là một bằng đại học "trâu ta ăn cỏ đồng ta", chỉ có sức để kéo cày chìa vôi thôi.

Vô trách nhiệm là tội ác

Ông là người cả đời đi dạy tiểu học nên ông đặt vấn đề quá lớn về cấp tiểu học này chăng?

Tôi xin nói lại, không phải cả đời mà tính đến nay, tôi mới có 54 năm làm nghề sư phạm thì 40 năm gắn bó với tiểu học và tôi rất hiểu bậc học này. Đây mới là bậc học liên quan đến từng gia đình, toàn xã hội nên đòi hỏi phải có nghiệp vụ sư phạm tinh tế nhất, hiệu quả nhất, chặt chẽ nhất. Ở đây, đúng là đúng mãi mãi mà sai là sai mãi mãi, không thể sửa chữa sai lầm. Thiếu trách nhiệm, "bôi bẩn" những trang đầu đời của trẻ em là tội ác.

Theo ông, cần phải "bôi" cái gì lên trang giấy ấy? Hay nói cách khác, yêu cầu cụ thể ở từng lớp bậc tiểu học là gì?

Ví dụ lớp một là đọc thông, viết thạo, nắm vững luật chính tả, không thể tái mù. Đối với lớp hai viết thành câu, lớp ba không bao giờ viết sai câu. Thật vô lý khi 5 - 6 tuổi đã nói rất sõi, rất tinh tế, nhưng đến hết đại học vẫn viết sai chính tả. Viết sai tiếng mẹ đẻ là một điều sỉ nhục.

Sẽ sớm có sự thay đổi

Vừa qua trên Diễn đàn Dân trí, rất nhiều giảng viên trẻ rời bỏ giảng đường để đi tìm một môi trường khác mà theo họ, không chỉ là đồng lương. Ông giải thích gì về hiện tượng này?

Tôi có theo dõi diễn đàn này và thấy những người ra đi đều có lý của họ. Tôi trân trọng họ vì họ dám thể hiện quan điểm của mình. Một nền đại học là rao giảng, là bằng cấp, là đối phó… là vì những mục đích cá nhân đương nhiên là một môi trường bê trễ.

Quả là từ nhiều năm nay, nền giáo dục chưa bao giờ làm yên lòng dư luận xã hội, thậm chí chưa bao giờ không được coi là vấn đề bức bách. Theo ông, tình trạng này liệu còn kéo dài?

Không, không thể chịu được nữa rồi. Cuộc sống đã quá bí bách, không thể chịu được với thực trạng giáo dục, nên dứt khoát chỉ vài ba năm tới, sẽ có sự thay đổi lớn. Khi đó, những đòi hỏi chính đáng từ cuộc sống sẽ đủ sức mạnh vượt qua những lợi ích cục bộ, những lợi ích tạm thời của một nhóm người để giáo dục phát triển.

Nếu vài ba năm tới, giáo dục có một cuộc cách mạng thực sự và đem lại thành công sẽ là điều rất vui nhưng giả sử không có điều đó?

Thì sẽ là bi kịch lớn và giả sử có được thành công thì cũng vẫn là bi kịch, bởi đáng lẽ giáo dục, đào tạo phải lĩnh ấn tiên phong, đi trước, dự đoán trước những đòi hỏi của xã hội mà bây giờ mới làm chạy theo, đuổi theo, lẽo đẽo theo. Nói vậy thôi, muộn còn hơn không.

Tôi chỉ là người cảm nhận được hơi thở thời đại

Thưa giáo sư Hồ Ngọc Đại, cách đây tròn 30 năm (1978), khi đó Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục vừa ra đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có hỏi ông và khi đó, ông đã nói là sẽ thất bại. Giờ đây, ông lại nói về những bi kịch của giáo dục Việt Nam. Ông là người bi quan hay bởi cái tính thích nói khác người?

Tôi luôn luôn dựa trên những luận cứ khoa học. Tôi không bi quan, không lạc quan mà cũng không bao giờ cho mình được phép nói khác những điều mình thu nhận được. Cũng xin nhắc lại rằng nhận định của tôi 30 năm trước đã hoàn toàn chính xác và trên thực tế, rất tiếc là công cuộc cải cách giáo dục đã thất bại. Còn những gì tôi nói hôm nay là thực tế đang diễn ra ở ngay ngày hôm nay ở mọi lớp học, cấp học, mọi trường, mọi lớp.

Ông là người hay nói những điều "nghịch nhĩ", thậm chí có người còn cho là gàn. Phải chăng vì là con rể của cố Tổng bí thư Lê Duẩn nên ông tự cho mình cái quyền gàn đó?

Ông Lê Duẩn đã mất cách đây 22 năm và 22 năm qua đầy biến động. Tôi là con đẻ của thời đại, cảm nhận được hơi thở của thời đại và cũng dám bỏ qua những lợi ích tầm thường để đi theo tiếng gọi của thời đại. Tiếc nỗi tôi đã 72 tuổi, cái quỹ thời gian không còn nhiều...

Nếu như được yêu cầu góp ý cho giáo dục hiện nay, ông sẽ nói điều gì?

Như anh Chu Hảo nói, không thể cải cách giáo dục bằng phong trào và làm phong trào nhiều như thế là đủ rồi. Nói "không" với cái xấu, cái ác là cần thiết nhưng quan trọng không phải là những cái "không" mà làm ra một cái "có"; trên cơ sở cái "có", hãy tập trung vào xây dựng một chiến lược phát triển giáo dục cho thế kỉ 21. Đừng chần chừ! Mất thời gian là mất tuyệt đối!

Xin cám ơn giáo sư!

Bùi Hoàng Tám

(Thực hiện)

dantri.com.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ví dụ lớp một là đọc thông, viết thạo, nắm vững luật chính tả, không thể tái mù. Đối với lớp hai viết thành câu, lớp ba không bao giờ viết sai câu. Thật vô lý khi 5 - 6 tuổi đã nói rất sõi, rất tinh tế, nhưng đến hết đại học vẫn viết sai chính tả. Viết sai tiếng mẹ đẻ là một điều sỉ nhục.

Hết Đại học còn sai lỗi chính tả, chưa kể cả ...."lói tiếng lào ra tiếng ý". Thiên Sứ tôi đã có lần nói với Wildlavender - trong một trạng thái hy vọng cuộc cải cách giáo dục thành công - rằng: "Chừng nào mà người ta còn dạy cho học sinh về một thời Hùng Vương "ở trần đóng khố" và chỉ là một "liên minh 15 bộ lạc" thì tất cả mọi tham vọng cải cách giáo dục sẽ thất bại. Còn anh và còn em đây. Em sẽ thấy điều này". Đã gần ba năm trôi qua. Mọi việc vẫn ngày càng ...chưa phát triển.

Thiên Sứ tôi phát biểu câu này, không phải là một nhận xét mang tính tâm linh huyền bí, mà hoàn toàn có cơ sở khoa học có thể phân tích. Đó chính là tính phi logic và phi khoa học trong việc phủ nhận chân lý thuộc về cội nguồn lịch sử Việt trải gần 5000 năm văn hiến. Với một tư duy phản khoa học và phi logic thì sẽ không thể tìm thấy tính hợp lý trong việc đi tìm một hướng phát triển đúng. Đó là mối liên hệ khoa học giữa quan niệm về thời Hùng Vương và cải cách giáo dục mà Thiên Sứ đề cập tới.

Có lẽ ngay cả đến điều này, vẫn còn không ít ý nghĩ phản biện cho rằng:

Cho dù Thiên Sứ đúng - nhưng sai lầm về thời Hùng Vương chỉ là cục bộ riêng trong trường hợp này, còn cải cách giáo dục lại là chuyện khác. Huống chi chưa chắc Thiên Sứ đúng.

Trong trường hợp này tôi chỉ có thể trả lời rằng:

Theo lý học Đông phương thì một con cá quẫy đuôi cũng động đến tam thiên đại thiên thế giới. Thời Hùng Vương trong lịch sử văn minh Việt và là một bộ phận của lịch sử nhân loại, không phải nhẹ đến như con cá quẫy đuôi.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay