wildlavender

Một đám ma tốn trăm trâu ngàn gà

1 bài viết trong chủ đề này

Một đám ma tốn trăm trâu ngàn gà

Thứ ba, 3/3/2009, 07:00 GMT+7

Chưa hết 15 ngày mo, Ậu cả nhẩm tính đã thịt trên 100 con trâu, 150 con lợn và hàng ngàn con gà để cúng tiễn đưa lang Đá – Quách Vị về mường Ma. Ngày đưa tang, huyệt mộ Lang Đá táng trên đồi cao mà trên quan tài để một bát nước đầy. Trong suốt quãng đường gập ghềnh vượt suối, băng đồi, bát nước ấy không sóng sánh ra ngoài một giọt…

Cuộc sống hiện đại với những chi tiết đã được tinh giảm cho phù hợp với hoàn cảnh cũng vẫn còn xót lại những hủ tục ma chay, cưới xin rườm rà, không cần thiết. Có biết về đám ma của một vị quan Lang xưa chúng ta mới thấy hết vẻ bề thế cũng như sự rườm rà của nó.

Posted Image

Chánh quan lang Quách Vị trước khi từ quan

Sau hơn 30 năm, từ lúc hai mươi tuổi cho đến khi ngoài năm mươi, từ quan Thông sự Tri châu, phó Tri châu, Tri châu, quan Án sát rồi liên tiếp hai khóa làm Chánh quan Lang – Tuần phủ tỉnh Hòa Bình, nay từ quan về lại quê nhà Mường Vang, Quách Vị rất buồn. Ông không ở trung tâm Chiềng Vang mà bỏ lên làng Pol thuộc Đồi Thung, nơi núi rừng có độ cao trên ngàn mét so với mực nước biển để sống những ngày cuối đời. Tại đây còn lại một nhà khách, ông cho xây cất để thỉnh thoảng vợ chồng Công sứ Tuyxtơ lên nghỉ ngơi, săn bắn và tắm nước khoáng nóng.

Hàng ngày cô đơn thẩn thơ trong rừng, trước mây vờn, gió giỡn, ông lại chợt nhớ đến những năm tháng quan trường với bao niềm vui và cũng không ít nỗi buồn. Nhớ nhất là hành trình vào Huế yết kiến vua Bảo Đại. Trên quãng đường dài thế, đến đâu ông cũng được Tuần phủ các tỉnh đón tiếp long trọng nào ngựa, nào xe. Thế mà bây giờ, muốn đi đâu lại phải có người khiêng võng không khác gì người ốm. Càng buồn, Quách Vị càng xa lánh người thân. Ông không muốn cho ai lên thăm. Hàng ngày, chỉ vài thuộc hạ phục dịch.

Sau gần chục năm ở ẩn trong rừng, vào cuối năm 1943, Lang Đá – Quách Vị thấy đã yếu lắm rồi, ông mới chịu cho phu phen khiêng về nhà cái ở làng cũ Chiềng Vang. Tuy không còn là Chánh quan lang nhưng Quách Vị vẫn là Lang Đá – lang ông với vị thế được đặc biệt tôn kính. Mặt khác, con trai cả của ông là Quách Hàm đang là Quan Tri châu Lạc Sơn nên không những thần dân mà hàng ngũ nhà lang các họ, các miền tới thăm ông tấp nập. Vào cuối mùa đông năm 1943, ông qua đời ở tuổi 60. Thế là một con người không có hai vành tai, hai lần làm Chánh quan lang sứ Mường Hòa Bình, sinh năm Quý Mùi, lại từ giã cõi đời vào đúng năm Quý Mùi, vừa tròn một Hoa giáp.

Người già ở Chiềng Vang kể: Vào một buổi sáng sớm cuối đông năm 1943, trời rét như cắt da, cắt thịt. Khi bản làng còn chìm trong sương mù thì bỗng nổi lên 3 hồi trống đồng làm rung chuyển cả núi rừng báo tin Lang Đá đã về mường Ma. Sau đó, các Ậu lam – người giúp việc Lang mới cầm chiêng chót gõ từng hồi đi báo tin cho rõ đến các mường:

Chiềng Mường, Chiềng xóm. Đêm qua Lang Đá mường ta đã về mường Ma. Hỡi người các mường ơi! Hỡi bố mế, phà khà ơi! Lang Đá ta mất rồi! Bóng, bóng, bóng…cứ thế, cái tin lang Đá về mường Ma được loan rộng. Và cứ thế, người người từ trong nhà chạy ra ngoài sân, hướng về phía nhà Lang Đá mà khóc lóc, kể lể như chính cha mình chết. Rồi không ai bảo ai, họ thay quần áo, váy trắng, bỏ tóc xõa để đến nhà tang chủ mong được nhìn mặt vị Lang Đá của mình lần cuối lìa.

Tại gian chính giữa nhà Cái, một chiếc màn trắng buông chùm sập gụ chân quỳ khảm trai long, ly, quy, phượng. Hai cánh màn được mở rộng, Lang Đá mặc áo gấm đỏ, đầu đội mũ cánh chuồn là những phẩm vật vua Bảo Đại ban. Từ trong màn thoảng ra một mùi đặc biệt của hoa lá thơm của núi rừng. Từng đoàn người đi dọc theo dãy đồ đồng đặt trên sàn nhà mà đến quỳ lạy trước thi thể người quá cố. Ở dưới sân, người ta vừa khiêng một chiếc trống đồng rất to từ trong khu rừng mộ về, tượng trưng cho sự linh thiêng của linh hồn Lang Đá. Chiếc trống này được mang lên nhà và phủ nhiễu đỏ. Hương nến được đốt lên để ông Mo cúng thần trống. Sau đó là bắt đầu 15 ngày đêm liên tiếp mo cho Lang Đá lên mường Trời.

Posted Image

Posted Image

Đám ma Lang Đá

Thời gian mo rất dài, mo liên tục không nghỉ, nên tất cả những ông mo giỏi trong vùng được triệu đến. Họ thay nhau đọc thuộc lòng những bài mo dài dằng dặc được truyền miệng từ ngàn xưa. Quan lang các vùng cùng tùy tùng vài chục người mỗi đoàn, dắt trâu, gánh xôi, gạo, rượu, thịt đến phúng viếng Chánh quan lang Quách Vị:

-Thương ôi! Quan Chánh Lang của trăm đất, trăm miền đã về chầu phật, chầu tiên. Người mường chúng tôi lòng đau dạ xót. Hôm nay đến đây lạy người! Ô hô, thương ôi!

Quan Tri châu Quách Hàm là con trai trưởng đón lời:

…Đầu cha tôi quay về hướng Đông Bắc, nhìn ra tỉnh lỵ Hòa Bình. Sau 15 ngày đêm nghe mo kể nhòm mường lúc cuối lìa, nghe mo kể Đẻ đất, đẻ nước, nghe chuyện Nàng Nga hai mối, nghe cho đủ chuyện, đủ trò, rồi theo ông Mo dẫn lối, Ậu Chí Chuốc gánh đồ về mường Ma đống Rổng phía Tây Bắc, đồi mường Chiềng ta đây.

Lang cả Quách Hàm rứt lời, các lang em cùng con cháu đồng thanh khóc lóc và lăn vào áo quan trong tiếng trống, kèn của 12 phường bát âm tấu lên các khúc xinh tiền, lưu thủy, hành vân… âm vang cả cánh đồng Chiềng Vang rồi vọng vào vách núi. Cứ thế cho đến đêm thứ 15, là đêm mo cuối lìa – đêm mo cuối cùng con dân các mường còn được ở gần lang Đá của họ. Họ thức cả đêm chờ đến sáng hôm sau.

Đêm ấy, hàng trăm ngọn nến được thắp lên, mấy chục ngọn đèn dầu lạc được đốt sáng. Trong ánh sáng bập bùng, hàng ngàn người, tóc xõa, khăn trắng thắt ngang đầu với nét mặt buồn rười rượi ngồi kín sàn, đặc sân, ngõ chờ thời khắc đưa lang Đá về mường Ma.

Khoảng 7 giờ sáng hôm sau, một hồi “ chiêng vàng, chiêng bạc” tấu lên cùng tiếng trống đồng trầm hùng rung động núi rừng, báo hiệu đã đến giờ đưa lang Đá về nơi an nghỉ cuối cùng. Một ông mo chính mặc áo dài đen, đầu đội mũ vuông bằng da hổ, tay cầm kiếm dài, cùng 6 ông mo phụ ngồi một bên gần quan tài, đối diện với bên kia là thân thích của người đã chết. Ông mo chính bắt đầu hâm mo để các mo phụ đứng lên, tang gia thôi khóc để nghe mo:

-Bố Đá đi cam thương, cam khốn, cam khốn lại cam sầu, cam rầu rầu nước mắt chảy ra…

Posted Image

Quách Công Phiếm (người bên trái) - Chắt đích tôn cụ Quách Vị, cháu đích tôn ông Quách Hàm:

Giọng ông mo lên bổng, xuống trầm sao mà ai oán. Rứt lời, các bà vợ, con dâu, cháu chắt lại rộ lên tiếng khóc lâm ly, thảm thiết. Cả ngàn người có mặt cùng nghe các ông mo thay nhau kể đoạn cuối “ Cơi tếch, cơi lia” (cõi đứt, cõi lìa). Các con cháu để tang cho đủ 3 năm, 6 tháng, mặc áo trái hết hạn mới thôi… Nay là ngày tận, việc đêm, mo đã hết.

Ông Mo dứt lời, tiếng trống đồng khùng khùng chậm chạp nổi lên, tấu với cồng chiêng bong bong, bi bi cho đủ 3 hồi, chín tiếng. Rồi cả ngàn người từ các lang đạo cho đến thứ dân, từ trên nhà sàn xuống đến sân, ra đến ngõ xếp thành hàng chuyền tay nâng quan tài Lang Đá. Cùng lúc tiếng khóc của ngàn người cất lên náo động cả núi rừng.

Mười hai người đội vải căng ra làm cầu. 24 thanh niên trai tráng đều buộc dây chuối ở thắt lưng, nghe theo hiệu lệnh mà đứng thứ tự theo vị trí đã được xếp, mắt không rời bát nước đầy đặt trên đòn khiêng mà chuẩn bị cất bước. Dọc hai bên đường từ nhà đến nơi mộ huyệt là rất nhiều cây lêu và cờ, phướn bay phấp phới. Đến chân đồi nơi đặt nghĩa địa, chiêng chót phát lệnh đặt áo quan xuống và ông mo làm thủ tục cuối lìa. Con cháu đi quanh áo quan 3 vòng theo 3 hồi chiêng. Sau đó chiêng lệnh hồi Một thì đội phu đặt tay vào quan tài, hồi Hai thì nâng lên vai, hồi Ba thì bước lên đồi. Đến lúc này, bát nước đầy đặt trên áo nắp quan tài vẫn không sánh ra ngoài một giọt cho đến nơi hạ huyệt tại đống Rổng mường Vang.

Những hòn đá (hòn khụ) cao to bằng người thật được đục đẽo cẩn thận, chạm rồng mây, khắc chữ Nho và khênh lên từ hôm trước được dựng thành hàng rào quanh phần mộ lang Đá. Lúc này chính ngọ ngày 18 tháng 12 năm 1943.

Cuộc đời của vị chánh quan Lang không tai khép lại. Mọi việc diễn ra rồi cũng chìm vào yên lặng của núi rừng tây Bắc. Đứng trước cảnh sắc mường Vang, ngẫm về cái được và không được, người viết bài thầm mong thế hệ con cháu các quan lang xưa gìn giữ, phát huy những mặt tích cực để hình ảnh đẹp của dòng quan Lang không lùi sâu vào trong sử sách.

Lê Va

nguồn vietimes

Share this post


Link to post
Share on other sites