Thiên Sứ

Động đất gây náo loạn nhiều nơi tại Hà Nội

14 bài viết trong chủ đề này

Thứ Hai, 12/05/2008 - 2:43 PM

Động đất gây náo loạn nhiều nơi tại Hà Nội

Posted Image

Nhân viên tại toà nhà Ocean Park ùa xuống mặt đất khi có rung chấn. (Ảnh: Hữu Nghị)

(Dân trí) - 13h35 chiều nay, hàng ngàn người tại các toà cao ốc trên địa bàn Hà Nội nháo nhác tìm cách chạy xuống đất vì bỗng thấy tòa nhà rung lắc. Theo Viện Vật lý địa cầu, Hà Nội chấn động do ảnh hưởng của trận động đất trên 7,5 độ richter từ Trung Quốc.

Động đất mạnh làm rung chuyển Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam

Anh Bùi Khương, một người làm việc tại toà cao ốc VIT trên phố Nguyễn Chí Thanh cho biết: “13 giờ 35 phút, tôi đang ngồi tại tầng 19 đột nhiên thấy hoa mắt, chóng mặt. Mọi vật trước mắt trở nên run rẩy, những dây điện phía ngoài bờ tường cảm giác như bị ai đó quăng quật. Tiếng một người trong văn phòng hô lên: “động đất, chạy mau” và hàng trăm người không ai bảo ai chạy thục mạng ra phía cầu thang máy, lúc này đã có rất nhiều người chen lấn. Tôi cùng vài người bạn sấp ngửa chạy xuống tầng 1”.

Thông tin ban đầu từ Viện Vật lý địa cầu, những rung động tại Hà Nội vừa rồi là do ảnh hưởng của trận động đất mạnh 7,5 độ richter phía đông nam Sichuan, Trung Quốc, cách Hà Nội 1.149km. Trận động đất này xảy ra lúc 13h25 giờ Hà Nội tại tọa độ 31,84 độ vĩ Bắc, 103,26 độ kinh Đông, sâu chấn tiêu 10km.

Viện Vật lý địa cầu cho biết, đợt chấn động địa hình đầu tiên tại Hà Nội mạnh cấp 3 và còn có thể xảy ra dư chấn tiếp.

Trước đó, 13 giờ 38 phút tiếng chuông điện thoại đường dây nóng tại toà soạn báo Dân trí liên tục đổ chuông. Anh Nguyễn Ngọc Quang giọng không ngừng hổn hển nói qua điện thoại: “động đất ở 24T1 Trung Hoà Nhân Chính rồi, đến nhanh đi, chúng tôi đang chạy bộ, thang máy đã kẹt cứng người rồi”.

Có mặt tại toà nhà 18 phố Phạm Huy Thông sau khi động đất xảy ra chừng 10 phút, trước mắt chúng tôi là hàng trăm cư dân văn phòng đang túm năm tụm ba… bên mấy quán trà đá và bàn chuyện động đất. Một nữ nhân viên văn phòng tại đây vẫn chưa dứt hơi thở do cuộc chạy bộ tốc độ cao kể lại: “Tôi đang làm việc bên cạnh bàn máy vi tính chợt thấy cốc, tách trên bàn nhảy tanh tách, tiếng cửa phía ngoài gõ vào nhau lạch cạch. Mọi người không ai bảo ai đều tá hoả chạy tìm đường xuống tầng 1. Tôi đã bỏ quên đôi dép và chiếc điện thoại trên phòng”.

Thông tin ban đầu chúng tôi thu nhận được, cơn động đất đã gây không ít hoảng loạn tại các toà nhà cao ốc khác như toà nhà 266 Đội Cấn, toà cao ốc Tiền Phong phố Hồ Xuân Hương, khu hiệu bộ trường Đại học Quốc gia Hà Nội…

Posted Image

Quán trà đá bỗng trở nên đông khách nhờ động đất (ảnh chụp tại 18 Phạm Huy Thông) (Ảnh: P.Hưng)

Chị Huyền, nhân viên văn phòng tại toà nhà Ocean Park, ngã tư Đại Cồ Việt, nhận xét: “cường độ vụ động đất lần này mạnh và dài hơn hẳn lần trước. Chúng tôi, cả nam lẫn nữ, không ai nhường ai đều mạnh ai nấy chạy. Cũng chẳng ai thèm để ý xem có chuông báo động hay không. Mà hình như cũng không có?!”.

Trong khi đó, anh Quách Huân Phong làm việc tại cao ốc Nguyễn Trãi University, 266 Đội Cấn cũng như nhiều người khác chưa hết bàng hoàng kể lại, "tôi đang rót cốc nước thì đột nhiên thấy giật mình, chúi về phía trước như có ai vỗ mạnh vào vai, mấy chậu cây cảnh phía trước mặt lô xô về một phía. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì thấy mọi người trong phòng xô đẩy nhau ra khỏi phòng, tôi cũng chạy vội ra thang máy. Thang máy kẹt cứng, chúng tôi nháo nhào chạy cầu thang bộ... Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 10 giây nhưng đã gây cho chúng tôi quá nhiều kinh hoàng".

Đây cũng là phản xạ của hầu hết nhân viên tại các cao ốc. Thậm chí rất nhiều người nước ngoài làm việc ở đây cũng có chung phản ứng như vậy trước hiện tượng động đất. Tuy nhiên, đây chính là điều tối kỵ được ghi rất rõ trong các bài học sơ đẳng về việc “Phải làm gì khi xảy ra động đất”.

Posted Image

Nhân viên làm việc tòa nhà Ocean Park tại ngã tư Đại Cồ Việt ngồi la liệt dưới chân tòa nhà. (Ảnh: Hữu Nghị)

Chạy loạn khi động đất - Tối kỵ!

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, một cán bộ Viện Vật lý địa cầu cho biết: “Việc đi cầu thang máy khi xảy ra động đất là rất nguy hiểm. Khi xảy ra động đất, người dân cần tìm quanh chỗ mình có gầm bàn hay gầm giường thì mình nên núp dưới đó. Phải đợi cho hết rung thì mới di chuyển tới nơi lánh nạn. Khi có động đất thì gạch đá từ trên trần nhà, mái nhà rớt xuống và nếu chúng ta núp dưới gầm bàn thì tránh khỏi bị thương. Nên lưu ý là khi nhà còn bị rung chuyển thì các đồ vật, đồ đạc sẽ bị lay đổ, do đó không nên di chuyển để tránh bị những thứ này đổ vào người. Khi chúng ta đi ngủ thì phía trên đầu giường không nên để thứ gì để tránh rớt xuống. Đăc biệt, tuyệt đối không được dùng thang máy vì khi có động đất thì hay kèm theo mất điện và nếu dùng thang máy thì sẽ bị kẹt; Cũng nên tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo. Nghiên cứu cho thấy có khá nhiều người bị thương là do cố ra khỏi tòa nhà cao tầng ngay lập tức hoặc chạy sang các chỗ khác cùng tòa nhà. Hầu hết thương vong liên quan tới động đất do bị tường đổ, các mảnh kính bị vỡ và văng vào người...

Trên thực tế, những lời khuyên trên đây đều đã được nhắc tới nhiều lần khi Hà Nội đối mặt với trận động đất cách đây chưa lâu. Nhưng, khi nguy hiểm xảy đến thì người dân vẫn hoảng loạn và bỏ ngoài tai những lời khuyên trên. Có lẽ, đã đến lúc những bài học phòng tránh thiên tai như động đất cần được đưa vào chương trình giáo dục như cách nhiều quốc gia khác trên thế giới đang làm…

Nhóm PV

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thứ Hai, 12/05/2008, 14:37 (GMT+7)

Trung Quốc: Hơn 7.600 người có thể chết do động đất

TTO - Theo ước tính của báo chí Trung Quốc, chỉ riêng tại tỉnh Tứ Xuyên đã có 7.651 người chết trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter chiều 12-5. Ở thành phố Đô Giang Yển, gần 900 học sinh bị mắc kẹt sau khi một ngôi trường bị sập. Khoảng 10.000 người khác bị thương.

Posted Image

Người dân tại Đô Giang Yển, Tứ Xuyên tìm kiếm tài sản của mình trong đống đổ nát - Ảnh: Xinhua

Trận động đất xảy ra lúc 13g28 chiều nay (giờ Việt Nam, tức 6g28 giờ quốc tế) đã làm rung chuyển khu vực tây nam Trung Quốc. Chấn động cũng được cảm nhận ở Pakistan, Hà Nội và thủ đô Bangkok của Thái Lan. Hãng tin Xinhua cho biết 80% các tòa nhà cao tầng tại Bắc Xuyên tỉnh Tứ Xuyên bị sập sau trận động đất, trong khi các nhà chức trách Trung Quốc xác nhận đã có 107 người chết tại tỉnh Tứ Xuyên, và tổng con số tử vong có thể còn tăng cao.

Xinhua đưa tin Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã ra lệnh khẩn cấp thực hiện mọi biện pháp, nỗ lực tối đa cứu trợ nạn nhân và khắc phục hậu quả, trong khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo đang trên đường đến nơi xảy ra động đất. Quân đội cũng được cử đến giúp khắc phục hậu quả.

Theo USGS, tâm chấn động đất nằm cách thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên khoảng 92 km về phía tây bắc. Tại những nơi khá xa nơi xảy ra động đất như Bắc Kinh và Thượng Hải, nhiều tòa nhà bị rung lắc. Hệ thống điện thoại tại nhiều thành phố như Thành Đô, Trùng Khánh và Zhengzhou tê liệt. Nhiều người cho biết họ cũng không thể liên lạc với bạn bè và người thân bằng điện thoại bàn và điện thoại di động.

Vào tháng 3 vừa qua, một trận động đất mạnh 7,2 độ richter cũng xảy ra tại tỉnh Tân Cương, miền tây Trung Quốc, phá hỏng và san bằng hơn 2.000 căn nhà, ảnh hưởng đến 44.000 người.

Posted Image

Các nhân viên cứu hộ đang tìm cách cứu những học sinh bị thương trong vụ sập trường trung học Tụ Nguyên ở thành phố Đô Giang Yển, Tứ Xuyên

Posted Image

Một bé gái được sơ tán sau động đất ở Thành Đô, Tứ Xuyên - Ảnh: Reuters

Posted Image

Hiện trường vụ sập trường học ở Tứ Xuyên

Posted Image

Một con đường tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, bị ngập nước sau khi một đường ống dẫn nước bị vỡ trong trận động đất - Ảnh: Xinhua

Posted Image

Người Trung Quốc đổ ra đường sau động đất - Ảnh: Xinhua

Posted Image

Người dân tại Bắc Kinh chạy ra ngoài sau khi cảm nhận dư chấn động đất - Ảnh: Reuters, AP

Posted Image

Các nhân viên sơ tán khỏi một tòa nhà tại Bangkok, Thái Lan. Nhiều tòa nhà cao tầng tại Bangkok bị rung chuyển sau trận động đất ở Tứ Xuyên - Ảnh: Reuters

Posted Image

Người dân tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc chạy xuống đường sau động đất - Ảnh: Reuters

Bạn đọc Nguyễn Thành Sơn, du học sinh Việt Nam học ở TP Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) cho biết đang ngồi xem tivi trong phòng khách (trên lầu 5), thì có cảm giác tòa nhà lắc lư, người chao đảo. "Một bạn SV Việt Nam khác đang ở cùng với tôi cũng nói cảm thấy nhức đầu vì trời đất quay cuồng... Vừa hỏi nhau "Chuyện gì đang xảy ra?" thì nghe tiếng ồn ào ở ngoài. Mọi người chạy rầm rầm. Chúng tôi cũng chạy. Ra tới ngoài thì thấy cả con đường nhốn nháo, đầy người. Lúc đó tôi mới biết là động đất".

Sơn cũng cho biết suốt cả buổi chiều, mọi người đứng ở ngoài đường, không dám vào nhà và đã cố liên lạc với các bạn Việt Nam khác đang học tại Trung Quốc nhưng không được vì không có sóng.

* Cũng thời gian này (13g30) các cao ốc ở Hà Nội đều rung chuyển mạnh. Những người đang làm việc tầng 5 trở lên trên các cao ốc như Vincom hay các cao ốc ở quận Cầu Giấy cho biết sự rung chuyển mạnh hơn rất nhiều so với những lần trước. Nhiều người đã chạy ra khỏi các tòa nhà, gây nên cảnh hỗn loạn trên đường phố.

Theo phóng viên Tuổi Trẻ Online tại Hà Nội, các nhân viên làm việc tại các tòa nhà cao tầng cho biết có hiện tượng chóng mặt, các vật dụng treo tường bị lung lay, một số đồ đạc trên bàn bị lắc lư. Mọi người nhận ra hiện tượng giống đợt dư chấn năm ngoái nên tất cả cùng chạy theo hướng thang bộ để thoát xuống đất do không dám sử dụng thang máy. Do phải chạy từ tầng 11, có người chạy từ tầng 19, một số người bị kiệt sức, có người ngất xỉu.

Bạn đọc Phan An Khoa (Hà Nội) cho biết tại tòa nhà 7 tầng đâu phố Khâm Thiên, bức tranh trên tường dao động mạnh đến hơn 10cm và so với đợt chấn động cách đây 1 năm thì đợt chấn động này có vẻ mạnh hơn. Tại các nhà cao tầng, nhiều người cảm thấy chóng mặt như bị tụt huyết áp. Anh Phan Trung Hiếu, nhân viên ngân hàng làm việc tại tầng 11 tòa nhà A Vincom cho biết dư chấn xảy ra từ 1 đến 3 phút, ban đầu rất nhẹ, càng về sau càng cảm nhận rõ, đặc biệt ở tầng cao.

Chị Nguyễn Thị Nga (cán bộ Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam) làm việc tại tầng 19 của tòa nhà Vincom kể: Ban đầu tất cả các chị em cùng phòng cảm thấy chóng mặt, mọi thứ chao đảo. Sau đó có người kêu lên: “Động đất”, không ai bảo ai, mọi người chạy ra hướng cầu thang bộ.

Anh Bùi Văn Hảo (nhân viên lắp ráp nội thất) cho biết do công việc nên trong khoảng thời gian xảy ra dư chấn, anh phải di chuyển qua một số tòa nhà cao tầng. Tại số 7 Đào Duy Anh, anh thấy vài trăm người túa ra các ngả đường. Còn tại số 1 Giảng Võ, khá đông người tụ tập xung quanh một tòa nhà cao tầng.

Có mặt tại tòa nhà Vincom (cao 21 tầng), phóng viên Tuổi Trẻ Online cho biết đến 14g20, nhân viên tại đây đã bắt đầu quay lại làm việc, tuy nhiên tâm lý không yên tâm do vẫn còn lo ngại động đất.

Theo ông Lê Huy Minh, giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), trận động đất có cường độ 7,8 độ richter, tâm chấn nằm sâu 10 km, cách Bắc Kinh 1.545 km và cách Hà Nội trên 1.000 km, gây chấn động cấp 3 ở Hà Nội. Động đất đã gây ra những rung động trong lòng đất kéo dài một giờ đồng hồ, sau đó gây ra hai dư chấn với cường độ 6 độ richter và 5,4 độ richter. Ông Minh cũng cho biết tất cả các khu vực ở miền Bắc đều cảm nhận được dư chấn động đất, rõ nhất là ở các tòa nhà cao tầng, đặc biệt là tại Hà Nội do đây là vùng trũng, đất yếu.

Thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cũng cho biết lúc 1g51 sáng nay, tại khu vực vùng biển Quảng Ninh cũng xảy ra một trận động đất có cường độ 3,1 độ richter, cách bờ biển khoảng 40-50 km, sâu 18,8 km.

Theo Ban quản lý tòa nhà Vincom, sau khi nhận được thông tin từ Viện Vật lý địa cầu cho biết có thể sẽ có một dư chấn mới, lúc khoảng 15g50, Ban quản lý đã thông báo đến tất cả khách hàng thuê diện tích của Vincom biết. Một số đơn vị đã cho nhân viên nghỉ làm trong chiều nay.

Nhóm PV TTO

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thứ Ba, 13/05/2008, 16:13 (GMT+7)

Dư chấn mạnh lại xảy ra ở Tứ Xuyên, Trung Quốc

TTO - Theo tin từ Tân Hoa xã, lúc 15g10 phút chiều nay giờ địa phương (tức 14g10 giờ Việt Nam), một cơn dư chấn mạnh 6,1 độ richter đã xảy ra tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc khiến nhiều người hoảng loạn chạy xuống đường. Trong khi đó, các báo cáo cho biết tổng số nạn nhân trận động đất ngày 12-5 đã lên đến 10.000 người. Dẫn lời Yin Zhaomin, một cán bộ Cục Địa chấn Trung Quốc, Tân hoa xã cho biết tâm của đợt dư chấn này cũng ở huyện Vấn Xuyên, nơi xảy ra trận động đất 7,8 độ Richter ngày 12-5.

Nhân viên các văn phòng làm việc ở Thành Đô nằm cách đó hơn 100 km lại chạy nhào ra đường sau cơn dư chấn. Nhiều người cho biết họ cảm thấy được tòa nhà bị rung lắc và chai lọ bị rơi đổ.

Theo các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Động đất Trung Quốc, các dư chấn mạnh vẫn còn có thể xảy ra ở Vấn Xuyên. Họ cũng cho biết trong vòng 25 giờ qua, khu vực này đã chịu đựng hơn 1.950 đợt dư chấn, trong đó có ba đợt hơn 6 độ richter và 14 đợt đo được từ 5 đến 6 độ richter.

ANH CHI (Theo Xinhua)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Những trận động đất kinh hoàng nhất thế kỷ qua

TPO - Tính đến chiều nay, 13/5, trận động đất xảy ra ở Trung Quốc hôm qua đã làm ít nhất 10.000 người thiệt mạng. Ngược dòng lịch sử, dưới đây là những trận động đất nghiêm trọng nhất trên thế giới xảy ra trong một thế kỷ qua.

- Tháng 12/1908: 70.000 đến 100.000 người thiệt mạng ở Sicile (Italia).

- Tháng 1/1915: 29 980 người thiệt mạng ở Avezzano (Italia).

- Tháng 12/1920: 230.000 người thiệt mạng ở Gansu (Trung Quốc).

- Tháng 12/1923: Hơn 140 000 người thiệt mạng ở Yokohama (Nhật Bản).

- Tháng 5/1927: 41 000 người thiệt mạng ở Gansu (Trung Quốc).

- Tháng 12/1932: 70.000 nguời thiệt mạng ở Gansu (Trung Quốc).

- Tháng 1/1934: 10 700 nguời thiệt mạng ở bang Bihar (Ấn Độ).

- Tháng 5/1935: 50 000 người thiệt mạng ở Quetta (Ấn Độ).

- Tháng 1/1939: 28 000 người thiệt mạng ở Chillan (Chile).

- Tháng 12/1939: từ 35 000 đến 40 000 người thiệt mạng ở Erzincan (Thổ Nhĩ Kỳ).

- Tháng 1/1960: 12 000 thiệt mạng ở Agadir (Marocco).

- Tháng 9/1962: 12 000 người thiệt mạng ở Qazvin (Iran).

- Tháng 8/1968: 10 000 người thiệt mạng ở Đông Bắc Iran.

- Tháng 1/1970: 15 621 người thiệt mạng ở Vân Nam (Trung Quốc).

- Tháng 5/1970: 66 800 người thiệt mạng ở Peru.

- Tháng 12/1972: 10 000 người thiệt mạng ở Managua (Nicaragua).

- Tháng 5/1974: từ 10 000 người thiệt mạng ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

- Tháng 2/1976: 26 000 người thiệt mạng ở Cộng hòa Guatemala.

- Tháng 7/1976: 242 000 người chết, 164.000 người bị thương nặng ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc).

- Tháng 9/1978: 25 000 người thiệt mạng ở Tabass (Iran).

- Tháng 9/1985: 5.000 người thiệt mạng nhưng theo con số thống kê khác từ 10.000 đến 30.000 thiệt mạng ở Mexico.

- Tháng 12/1988: 25 000 người thiệt mạng ở Spitak (Armenia).

- Tháng 6/1990: 37 000 người thiệt mạng ở Ghilan và Zandjan (Iran).

- Tháng 9/1993: 7.600 người thiệt mạng ở Maharastra (Ấn Độ).

- Tháng 1/1995: Gần 6.500 người thiệt mạng ở Kobe-Osaka (Nhật Bản).

- Tháng 8/1999: 20 000 người thiệt mạng ở vùng Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ.

- Tháng 1/2001 : 25 000 người thiệt mạng ở bang Gujarat (Ấn Độ).

- Tháng 12/2003: 31 000 người thiệt mạng ở thành phố Bam (Iran).

- Tháng 12/2004: Trận động đất mạnh 9,1 độ richter ở Sumatra (Indonesia) gây ra cơn sóng thần khổng lồ làm hơn 220.000 người thuộc 11 nước vùng Ấn Độ Dương thiệt mạng.

- Tháng 10/2005: Ít nhất 75.000 người thiệt mạng ở Pakistan và Ấn Độ.

- Tháng 5/2006: Gần 6.000 người thiệt mạng ở Java (Indonesia).

Việt Thụy

Theo AFP

Share this post


Link to post
Share on other sites

Theo thống kê của Viethuy thì trung bình trước 1939 cứ 3/ 4 năm một trân (Càng về trước càng thưa).

Từ 1939 đến 1960 tuy không có trận động đất nào nhưng bù lại là một trận thế chiến chết hàng chục triệu người.

Từ 1960 đến nay, mật độ gần hơn: Trung bình hai năm một trận.

Nghe chừng lời hứa của Chúa:

"Ta sẽ xây dựng một thiên đường ngay trên thế gian này" sẽ khó thành hiện thực.

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites

ĐIỀM BÁO TRƯỚC

Trích từ nguồn: Thanh Niên Online

Trung Quốc đang nỗ lực từng giờ để cứu thoát người bị nạn trong trận động đất tại Tứ Xuyên, đã giết chết ít nhất 12.000 người và 26.000 người mất tích.

Posted Image

Hình ảnh cóc nhái nhảy ra đường trước trận động đất

- Ảnh: chụp lại từ China Daily

Điềm báo tự nhiên

Trước khi Tứ Xuyên rung chuyển vì động đất, báo giới địa phương hôm 11.5 đưa tin nhiều con cóc đã tràn ra đường tại một khu vực gần huyện Vấn Xuyên. Một cư dân tên Lưu cho hay rất nhiều cóc đã bị xe cộ cán chết trên đường lúc đó và đây là lần đầu tiên trong đời ông chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ trên. Báo chí tỉnh Giang Tô cũng tường thuật hiện tượng tương tự. Theo các chuyên gia, thú vật có thể cảm nhận được động đất trước, nhưng tiếc là không ai giải mã được lời cảnh báo từ thiên nhiên. Lúc đó, giới chức địa phương chỉ trả lời rằng đó là hiện tượng tự nhiên và việc cóc di chuyển lũ lượt như thế là do thời tiết thay đổi.

Thụy Miên (từ Trung Quốc)

Thiên Sứ giới thiệu

Share this post


Link to post
Share on other sites
  Thiên Sứ said:

Theo thống kê của Viethuy thì trung bình trước 1939 cứ 3/ 4 năm một trân (Càng về trước càng thưa).

Từ 1939 đến 1960 tuy không có trận động đất nào nhưng bù lại là một trận thế chiến chết hàng chục triệu người.

Từ 1960 đến nay, mật độ gần hơn: Trung bình hai năm một trận.

Nghe chừng lời hứa của Chúa:

"Ta sẽ xây dựng một thiên đường ngay trên thế gian này" sẽ khó thành hiện thực.

Thiên Sứ

Anh Thiên Sứ kính.

Lời hứa của Chúa có thể thực hiện theo cách phá cũ xây mới.

Gia Nhân

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đe dọa mới lơ lửng trên đầu nạn nhân động đất TQ

16:05' 15/05/2008 (GMT+7)

Hai nghìn binh sĩ đã được phái đi để bít các vết nứt của một chiếc đập ở thượng nguồn thành phố Đô Giang Yển, vốn đang dọa vỡ sau trận động đất kinh hoàng hôm 12/5.

Posted Image

Đập nước và hồ chứa Zipingpu. (AFP)

Bộ Nguồn nước kêu gọi bảo vệ khẩn cấp hồ chứa Zipingpu vì Đô Giang Yển (Dujiangyan) - với khoảng 600.000 cư dân, có thể bị ngập nước nếu đập này bị vỡ.

Đập Zipingpu là một trong những đập nước hiện đại hàng đầu ở Trung Quốc nhưng nó được xây dựng bất chấp cảnh báo nằm ở gần đường đứt gẫy gây động đất lớn. Ngay từ khi mới trong giai đoạn xây dựng đầu năm 2000, các nhà địa chấn học thuộc Cục Các vấn đề động đất đã cảnh báo, đập nước này có thể là mối nguy hiểm.

Các biện pháp phòng chống động đất đã được đưa vào bản thiết kế xây dựng đập nước. Đập Zipingpu được xây dựng ở một vùng nơi có 9.000 người chết năm 1933 vì đất lở do động đất gây ra.

Hồ chứa khổng lồ Zipingpu có thể tích trữ 1,2 tỷ mét khối nước và nếu bị sụp, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. "Đây là một cái đập cực lớn", Ian Cluckia, giáo sư thủy học và quản lý nước tại Trường Đại học Bristol cho biết.

Từ tối qua, lo ngại bắt đầu tăng khi mức nước ở đập tăng lên, làm nảy sinh giả thuyết rằng có trở ngại khiến nhà chức trách Trung Quốc không rút được nước. "Nếu nước dâng lên, thì cách rút nước bình thường khỏi đập không hoạt động. Có lẽ họ chỉ gặp một vấn đề lớn với hệ thống này. Cách xử lý duy nhất trong trường hợp này là thả cát, bê tông hoặc đất vào đó và hy vọng nó sẽ bít vết rạn".

Khi các vết nứt trên đập xuất hiện thì cách tốt nhất để giảm thiểu đe dọa là hạ áp lực bằng cách cho nước ra. Trung Quốc là chuyên gia về xây dựng đập nước và là một trong những nước danh tiếng, đứng đầu thế giới về xây dựng hồ chứa nước. Trên toàn Trung Quốc có khoảng 22.000 đập nước đủ kích cỡ, chiếm 1/2 số lượng toàn thế giới, một số đập được xây dựng cách đây nhiều năm.

Trận động đất vừa qua cũng khiến nhà máy thủy điện ở Zipingpu đổ sập. Nhà máy này đi vào hoạt động năm 2006 theo chương trình phát triển các vùng nghèo ở phía tây.

  • Nguồn tin VietNamNet
  • Hoài Linh (Theo The Times)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thứ Năm, 15/05/2008 - 5:16 PM

Những dấu hiệu lạ trước trận động đất kinh hoàng ở Trung Quốc

Posted Image

(Dân trí) - Đầu tiên, mực nước trong hồ bị cạn kiệt một cách khó hiểu. Sau đó, hàng ngàn con cóc xuất hiện trên đường phố. Cuối cùng, chỉ vài giờ trước trận động đất, các con vật trong một vườn thú có những biểu hiện rất khác lạ.

Trong khi Trung Quốc vẫn đang làm hết mình để cứu những người còn sống sót trong đống đổ nát của trận động đất kinh hoàng hôm thứ hai vừa qua, trên các chatroom và blog, mọi người bắt đầu xôn xao: Liệu tự nhiên có dự đoán được thảm họa?

Một người còn trách cứ: “Nếu cơ quan dự báo địa chấn chuyên nghiệp hơn, họ có thể đoán được trận động đất từ 10 ngày trước đó, khi hàng ngàn mét khối nước ở Hồ Bắc bị biến mất chỉ trong vài giờ.”

Tuy nhiên, theo các nhà địa chấn học, trên thực tế gần như không thể dự đoán được ở đâu và khi nào sẽ có động đất.

Rất nhiều nước, trong đó có cả Trung Quốc, đã dựa vào những thay đổi trong tự nhiên, chủ yếu là biểu hiện ở động vật, để dự báo động đất. Tuy nhiên, theo nhà địa chấn học Roger Musson, thuộc Cơ quan nghiên cứu địa lý Anh, cho đến nay phương pháp này vẫn không đáng tin cậy.

Tuy nhiên điều đó vẫn không ngăn được những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng. Thậm chí tờ báo lớn của Trung Quốc như tờ China Daily hôm thứ ba vừa qua cũng cho rằng vì sao không dựa vào tự nhiên để dự báo động đất.

Theo những người trên mạng, dấu hiệu đầu tiên xuất hiện khoảng ba tuần trước đó, khi một lượng lớn nước trong một hồ ở thành phố Enshi ở Hồ Bắc, cách tâm chấn khoảng 550km, đột nhiên biến mất.

Sau đó, ba ngày trước trận động đất, hàng ngàn con cóc không biết từ đâu xâm chiếm đường phố ở Miên Dương, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất. Cho đến nay ít nhất 2.000 người ở đây được thông báo là đã thiệt mạng. Người dân ở đây lúc đó cũng cho rằng những con cóc này có thể là dấu hiệu của một thảm họa thiên nhiên sắp ập đến. Tuy nhiên, theo tờ Huaxi Metropolitan, những người quản lý rừng địa phương lại cho rằng đó là hiện tượng bình thường.

Và đúng vào ngày trận động đất xảy ra, những con ngựa vằn tự nhiên tự lao đầu vào cửa của vườn thú ở Vũ Hán, cách phía đông tâm chấn gần 1000km, tờ Vũ Hán buổi tối cho biết.

Còn voi trong vườn thú giương vòi của chúng một cách hoang dại, suýt làm bị thương một nhân viên trong sở thú. 20 con sư tử cùng hổ ở đây, bình thường ngủ vào ban ngày, hôm đó lại đi đi lại lại bồn chồn. 5 phút trước trận động đất, hàng chục con công trống bắt đầu cất tiếng gáy.

Theo nhà địa chất học Musson, có một vài lý do cho những biểu hiện khác thường đó. Khả năng sát nhất là sự chuyển động của lớp đá dưới mặt đất trước trận động đất đã tạo ra sóng điện mà một số loài động vật có thể hiểu được. Giả thuyết khác có thể là những con vật đó có thể cảm thấy những chấn động yếu trước trận động đất con người có thể cảm nhận được.

Zhang Xiaodong, một nhà nghiên cứu tại Cục địa chấn học Trung Quốc cho biết, cơ quan của ông đã dùng những biểu hiện/hoạt động của tự nhiên để dự đoán động đất được khoảng 20 lần trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, 20 lần đó không thấm vào đâu so với số lượng các trận động đất xảy ra ở Trung Quốc.

“Vấn đề hiện nay là mối liên hệ đó vẫn rất mờ nhạt”, ông cho biết.

Mùa đông năm 1975, giới chức Trung Quốc đã yêu cầu thành phố Hải Thành ở Liêu Ninh phải sơ tán một ngày trước khi trận động đất 7,3 độ ập đến, cũng nhờ dựa vào những “cảnh báo sớm” của động vật cũng như những thay đổi trong mực nước ao hồ. Tuy nhiên, hơn 2.000 người vẫn thiệt mạng. Những hiện tượng khí hậu lạ, trong đó có cả thay đổi trong mực nước, cũng đã được thông báo một năm sau đó trước trận động đất 7,6 độ ở Đường Sơn, đông bắc Trung Quốc. Trận động đất năm đó đã cướp đi sinh mạng của 240.000 người. Năm đó, một nhóm các chuyên gia địa chấn Trung Quốc đã được cử đến vùng nhưng không thấy bằng chứng nào cho thấy sẽ có động đất xảy ra. Trên đường trở về, họ dừng lại nghỉ qua đêm ở Đường Sơn và tất cả đều bị thiệt mạng trong trận động đất.

Nguyên Hạ

Theo AP

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thứ Bẩy, 17/05/2008 - 10:14 AM

Tứ Xuyên lại chao đảo bởi dư chấn mạnh 5,9 độ

Posted Image

Trung Quốc vẫn không từ bỏ hi vọng cứu người nhiều ngày sau động đất.

(Dân trí) - Chiều qua, 16/5, một đợt dư chấn mạnh 5,9 độ richter tiếp tục làm Tứ Xuyên chao đảo, khiến các con đường vừa mới được nối lại tiếp tục bị chia cắt, mạng lưới viễn thông vừa được sửa chữa lại bị hư hỏng.

Dư chấn xảy ra ở Lixian, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, gây ra lở đất và đã chôn vùi nhiều xe cộ. Theo Tân Hoa xã hiện chưa rõ con số thương vong trong đợt dư chấn này.

Dư chấn xảy ra vào 1h25 chiều ngày hôm qua, khiến cho những dãy núi bao quanh Lixian chao đảo, không khí phủ đầy bụi bặm trong vài giờ. Theo một người dân địa phương, đợt dư chấn “thậm chí còn kéo dài lâu hơn trận động đất hôm thứ hai” vừa qua.

Theo Tân Hoa xã, 4 phóng viên của hãng này may mắn thoát chết khi tòa nhà họ đang ở trong bị sụp đổ trong cơn dư trấn.

Trong khi đó, các nhân viên cứu hộ đã đến được những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận động đất, và họ đã cứu được hơn 30 người sau gần 100 giờ bị kẹt dưới đống đổ nát.

Hiện, con số người thiệt mạng chính thức được đưa ra là hơn 22.000 người. Tuy nhiên, Tân Hoa xã dự báo, con số này có thể tăng lên đến 50.000 người.

Được biết một đội thuộc không quân Trung Quốc đã đến được Yinchanggou, một thắng cảnh tuyệt đẹp ở vùng núi phía bắc tỉnh Tứ Xuyên, và thấy đất lở đã quét sạch các khách sạn nhỏ nơi đây.

“Nơi đây có hàng trăm khách sạn. Nếu kể cả những nhà dân cho khách nghỉ trọ, tổng số là 800. Nhưng tất cả giờ chỉ còn là một đống đổ nát”, Cai Weisu, một nhân viên thuộc đội không quân ở Thành Đô cho biết. Theo anh, hầu hết những người thiệt mạng là khách du lịch.

Hàng chục ngàn người trong vùng xảy ra thảm họa vẫn được cho là bị chôn vùi hoặc mất tích. Theo một nghiên cứu về tác động của trận động đất của nhà nghiên cứu Xu Mingbao, thuộc Trung tâm dữ liệu Trung Quốc, ở đại học Michigan, Mỹ, có khoảng 12 triệu người sinh sống trong bán kính gần 100km từ tâm chấn.

Cho đến nay, Trung Quốc đã triển khai 13.000. 000 quân đội và cảnh sát tới những vùng gặp nạn. Ngoài ra, các đội cứu hộ đặc nhiệm từ Nhật, Hàn Quốc, Singapore và Nga đã đến Tứ Xuyên và bắt đầu hỗ trợ công tác cứu trợ.

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc đã chi 772 triệu USD cho công tác cứu trợ sau động đất, tăng gần gấp năm lần so với con số 2 ngày trước đó. Theo Bộ dân sự Trung Quốc, nước này cũng nhận được 457 triệu USD bằng tiền và hàng hóa để hỗ trợ cho các nạn nhân động đất.

Trang Thu

Theo Xinhua, AP

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nguồn: Thanh Niên Online

Sau động đất là lũ đe dọa

00:44:07, 18/05/2008

Trích:

"Thêm nhiều người được cứu sống từ đống đổ nát sau trận động đất ở Trung Quốc, nhưng vẫn còn khoảng 10.000 người bị kẹt, trong khi lũ lớn có thể ập tới bất cứ lúc nào".

"Chạy loạn vì sợ lũ

Chưa hết bàng hoàng sau cơn địa chấn, hàng ngàn người dân tại Bắc Xuyên, gần tâm chấn, hôm qua đã hốt hoảng chạy lên đồi cao khi có nguồn tin rằng nơi này sắp chìm trong nước lũ. Hàng loạt cơn dư chấn đã gây lở đất trầm trọng, khiến nhiều đoạn sông tại Bắc Xuyên bị dồn ứ nước và tạo thành 2 hồ lớn. Mực nước càng lúc càng dâng cao nhanh chóng tại Bắc Xuyên, có thể gây vỡ bờ bất cứ lúc nào và nguy cơ này cực kỳ lớn. Quân đội đã nhanh chóng sơ tán người tại khu vực trên, bất kể dân thường hay nhân viên cứu hộ. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, toàn bộ thị trấn trên cũng như khoảng 11 làng mạc dưới hạ lưu sẽ bị chìm, với mực nước dâng cao đến hơn 9m. Một quan chức tại trung tâm cứu trợ cho hay đến chiều hôm qua, lượng nước trong một hồ đã lên đến 11 triệu mét khối và hồ còn lại chứa trên 1,5 triệu mét khối. Công tác cứu hộ tạm thời bị đình trệ trước nguy cơ này".

T.M

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tứ Xuyên hoảng loạn vì cảnh báo dư chấn

Posted Image

Một học sinh khóc trong lễ tưởng

niệm nạn nhân động đất hôm qua.

Ảnh: Getty Images.

Hàng nghìn người hoảng hốt chạy toán loạn trên những đường phố tối tăm khi chính phủ Trung Quốc đưa ra cảnh báo về một cơn dư chấn mạnh có thể sắp xảy ra.

> Trung Quốc để ba ngày quốc tang

> Siêu sao bị chỉ trích vì keo kiệt

Hôm qua người dân tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) vội vàng mang chăn gối, ghế ra ngoài đường hoặc ngủ giữa phố sau khi Cục Địa chấn Quốc gia ra cảnh báo về một cơn dư chấn mạnh từ 6 tới 7 độ richter sắp xảy ra.

Dân thành phố Thành Đô (Chengdu) vội lên xe hơi và lái về hướng đông, hướng đồng bằng xa vùng tâm chấn. Tại các giao lộ, vô số người ngủ trên giường xếp. Xe hơi đậu dọc đường cao tốc và tài xế nằm vạ vật ngoài đường. Một bệnh viện ở thành phố Miên Dương (Mianyang), gần tâm chấn, đã chuyển bệnh nhân ra quảng trường bên ngoài ga tàu hỏa, sắp xếp giường bệnh, khay thuốc và lều bạt.

Cảnh báo gây hỗn loạn ở một vùng rộng lớn, vốn đã bị rung chuyển trong cơn địa chấn dữ dội tuần trước. Hôm 18/5, một cơn dư chấn mạnh 6 độ richter đã khiến 30 người chết và khoảng 1.000 người bị thương.

Cảnh báo đưa ra vài giờ sau khi hơn 1 tỷ dân Trung Quốc mặc niệm ba phút, bắt đầu ba ngày quốc tang để tưởng nhớ những người thiệt mạng vì động đất. Vào đúng 14h28 hôm qua - một tuần sau cơn địa chấn - còi vang lên khắp cả nước. Từ các đại lộ ở Bắc Kinh tới những đường phố hoang tàn ở Tứ Xuyên, mọi người đều đứng lặng im. Giao thông ngưng lại khắp các đường phố và ai nấy đều cúi đầu tưởng niệm người chết. Đội cứu hộ tạm dừng công việc trong vùng tâm chấn.

Trung Quốc cho biết số người chết lên tới 34.073 và nhiều khả năng con số này còn tăng lên. Khoảng 5.260 người vẫn bị chôn vùi ở Tứ Xuyên trong khi gần 250.000 người bị thương.

Trận động đất mạnh 8 độ Richter xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên hôm 12/5. Thủ tướng Ôn Gia Bảo thừa nhận đây là trận động đất kinh hoàng nhất kể từ năm 1949. Nó còn lớn hơn cơn địa chấn đã san bằng thành phố Đường Sơn (Tangshan) năm 1976 khiến hơn 200.000 người chết. Hãng AIR Worldwide ước tính thiệt hại về tài sản được bảo hiểm và không có bảo hiểm trong động đất ở Trung Quốc lần này là 20 tỷ USD.

Nguồn tin VnExpress (theo AP)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tứ Xuyên trước nguy cơ vỡ hồ

Nguồn Thanh Niên Online

01:03:41, 05/06/2008

Giới truyền thông Trung Quốc hôm qua cảnh báo hồ Đường Gia Sơn, hình thành sau trận động đất, có thể vỡ bờ bất cứ lúc nào và tình hình vô cùng nguy ngập. Hãng tin China News Service cho hay các mối đe dọa đang chực chờ bùng nổ tại hồ Đường Gia Sơn và những trận mưa lớn cộng với các cơn dư chấn có thể khiến bờ hồ bị vỡ. Theo Tân Hoa xã, kiến trúc sư trưởng thuộc Bộ các nguồn nước, Lưu Ninh, ước tính nếu mưa lớn và dư chấn mạnh đồng thời xảy ra, xác suất vỡ hồ cao đến 93%. Bất chấp các binh sĩ làm việc đêm ngày để đào kênh tháo nước sang chỗ khác, hồ Đường Gia Sơn đang chứa một khối lượng nước khổng lồ, gấp 80.000 khối lượng nước của hồ bơi theo chuẩn Olympic. Nếu hồ bị vỡ, cuộc sống của khoảng 1,2 triệu người sẽ bị ảnh hưởng.

T.M

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ngày 04.06.2008 Giờ 13:30

Nguồn Sài Gòn tiếp thị.

Vụ động đất ở Tứ Xuyên:

Những cảnh báo bị phớt lờ

Ngày 14.5, ông Cảnh Khuynh Quốc, nhà địa vật lý tên tuổi ở Trung Quốc khẳng định trên tờ Tuần san châu Á của Hong Kong rằng ông đã dự báo một trận động đất có cường độ từ 6 – 7 độ Richter ở các tỉnh Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc trong khoảng thời gian từ tháng 5.2008 đến tháng 4.2009. Ông cảnh báo dựa trên nghiên cứu mối tương quan giữa hạn hán và hoạt động địa chấn. Thậm chí ngày 30.4, ông đã báo động với cục Địa chấn quốc gia về nguy cơ động đất xảy ra vào ngày 8.5. Những tiết lộ này gây nên cuộc tranh cãi căng thẳng, vì nếu đúng như vậy thì cục Địa chấn quốc gia đã xem thường cảnh báo. Tuy nhiên, người phó phụ trách phòng dự báo của cục này cho biết “không nhận được ý kiến của các cá nhân dự báo vụ động đất”.

Posted Image

Người dân Trung Quốc sống sót sau trận động đất ngày 12.5 đang ở những chiếc lều dựng tạm ngay bên ngoài trường học Ánh Tú, tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Reuters

Trong giới khoa học Trung Quốc, những phương pháp dự đoán của ông Cảnh Khuynh Quốc luôn luôn gây tranh cãi. Nhưng ông đã dự đoán được cơn địa chấn ở thành phố Hải Thành (tỉnh Liêu Ninh) năm 1975, và nhất là vụ động đất làm hơn 240.000 người chết ở Đường Sơn (tỉnh Hà Bắc) năm 1976, một thảm hoạ mà người dân cho rằng có liên hệ với vụ động đất ở Tứ Xuyên.

Năm 2007, ông Lý Dũng, một nhà địa chất học và là giáo sư đại học Công nghệ Thành Đô từng đăng trên tạp chí khoa học Mỹ Techtonic một bài viết về những nguy cơ động đất quan trọng ở Tứ Xuyên. Theo tờ South China Morning Post, bài viết này rất thu hút giới học giả quốc tế, nhưng chính quyền không chú ý. “Động đất đã xảy ra tại một trong hai vết nứt song song mà chính quyền không hay biết. Tôi biết rằng các thành phố Ánh Tú và Bắc Xuyên sẽ chịu thiệt hại nặng hơn Vấn Xuyên. Vậy mà, mọi cố gắng cứu trợ đều tập trung vào Vấn Xuyên”, ông Lý Dũng nói.

Chinanews cũng nhắc lại những dự báo của một chuyên gia động đất Trung Quốc, ông Trần Học Trung, trong số ra ngày 22.5.2008. Ngay từ năm 2002, chuyên gia này đã báo động với chính quyền về nguy cơ một vụ động đất có cường độ cao hơn 7 Richter tại Tứ Xuyên. Nhiều nhà khoa học đã kêu gọi cục Địa chấn quốc gia công bố toàn bộ thông tin liên quan đến những cảnh báo trên. Tuần san châu Á trích dẫn lời của giáo sư Hồ Tinh Đấu thuộc đại học Bách khoa Bắc Kinh như sau: “Cho dù có hay không có lỗi xung quanh việc dự báo động đất, cần phải có một cuộc điều tra”. Theo tờ tuần báo này, trong thời đại internet mà những ai tìm cách che giấu sự thật về thảm hoạ ở Tứ Xuyên thì sớm muộn gì cũng bị lật tẩy.

Cuộc tranh luận cũng diễn ra gay gắt trong giới viết blog ở Trung Quốc. Một người đã bày tỏ sự phẫn nộ của mình như sau: “Tôi là một trong những nạn nhân sống sót từ vụ động đất ở Đường Sơn. Người dân ở đây rất ghét cục Địa chấn quốc gia! Thời điểm đó, họ đã không công bố những dự báo, và kết quả là 240.000 người chết. Ba mươi hai năm sau, họ lại tái diễn chuyện che giấu thông tin!”.

Dưới làn sóng chỉ trích, những người có trách nhiệm của cục chống chế yếu ớt. Khi trả lời phỏng vấn của nhật báo Bắc Kinh buổi sáng, ông Tôn Sĩ Hồng, trưởng phòng dự báo nói: “Các dấu hiệu báo trước của vụ động đất lần này (ở Tứ Xuyên) là rất hiếm so với những vụ xảy ra vào năm 1960 và 1970. Ở vụ động đất Đường Sơn cũng không có dấu hiệu báo trước. Nhưng lần này, đúng là trước khi động đất xảy ra, đã có rất nhiều hiện tượng không bình thường”.

Hồng Tiên – Trường Minh (tổng hợp)

Theo Tân Hoa Xã, việc xả nước hồ Đường Gia Sơn thuộc huyện Bắc Xuyên (tỉnh Tứ Xuyên) sẽ được tiến hành sớm nhất vào ngày 5.6. Hồ nước Đường Gia Sơn được hình thành sau động đất, do đất đá lở tạo thành con đập ngăn dòng chảy của các con sông. Hiện lượng nước trong hồ đã vượt mức 200 triệu mét khối, mực nước ở chân đập mỗi ngày dâng cao 1,6m. Trước đó, khoảng 600 cảnh sát được sự hỗ trợ của máy ủi, máy xúc đã đào và di chuyển 135.500m3 bùn và đất đá khỏi đập nước khổng lồ bao quanh hồ Đường Gia Sơn, hoàn thành con kênh dẫn nước dài 475m, rộng 10m trên đập để sẵn sàng cho công tác xả nước, tránh nguy cơ vỡ đập gây nguy hiểm cho người dân. Khoảng 210.000 người đã di tản đến nơi an toàn.

Đến nay, động đất tại Tứ Xuyên khiến 69.016 người chết, 18.830 người mất tích và ảnh hưởng tới cuộc sống của 45,5 triệu dân, trong đó hơn 15 triệu người phải chuyển chỗ ở. Uỷ ban cải cách và phát triển tỉnh Tứ Xuyên ngày 2.6 cho biết kế hoạch tái thiết tỉnh Tứ Xuyên cần được tiến hành ttrong vòng 8 năm. Uỷ ban trên chia làm hai giai đoạn để thực hiện: giai đoạn 1 (2008 – 2010) khôi phục và tái thiết là chủ yếu, giai đoạn 2 (2011 – 2015) tập trung phát triển. Công cuộc tái thiết tỉnh Tứ Xuyên sẽ được tiến hành lấy ý kiến thông qua các trang web của chính phủ.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay