wildlavender

Cổ ngọc: Yếu tim chớ có… động vào

1 bài viết trong chủ đề này

Cổ ngọc: Yếu tim chớ có… động vào

Thứ năm, 12/2/2009, 09:23 GMT+7

Xưa, từng có những viên ngọc là khởi nguồn cho những cuộc chiến đẫm máu, có những viên được đánh đổi bởi hàng chục tòa thành. Giá trị của những viên ngọc đã được khẳng định từ những buổi xa xưa, và trong giới chơi cổ vật, cổ ngọc ở đẳng cấp số 1, ngoài giá trị tự thân, nó còn mang theo giá trị lịch sử.15 tòa thành đổi lấy 1 viên ngọc!

Posted Image

Chiếc giỏ bằng mã não nguyên khối cực kỳ tinh xảo. Cứng hơn sắt rất nhiều nên để chế tác nó, người thợ xưa thường phải dùng dụng cụ là những loại ngọc khác có độ cứng cao hơn

Đó là câu chuyện được chép trong nhiều bộ sử Trung Hoa, điển hình trong số đó là Sử ký của sử gia Tư Mã Thiên. Nguyên viên ngọc Biện Hòa đã có một lịch sử bi tráng. Khoảng 300 năm trước Công nguyên, ở nước Sở, vào triều Lệ Vương, Biện Hòa là một thường dân may mắn có được một viên ngọc thô.

Ông ta biết chắc đó là viên ngọc quý nên đi hiến cho vua để tỏ dạ trung thành. Lệ Vương nhìn thấy viên ngọc thô thiển bảo một tay thái giám mài thử xem thật giả. Tên thái giám sợ Biện Hòa có công dâng ngọc sẽ được sủng ái nên bảo là đồ giả, khiến Biện Hòa bị chặt mất một chân.

Lệ Vương chết, Vũ Vương nối ngôi. Biện Hòa lại dâng ngọc. Viên quan lại tâu là đồ giả, khiến Biện Hòa bị chặt nốt chân kia. Quá uất hận, Biện Hòa ôm viên ngọc, lao đầu vào tường toan tự tử. Vũ Vương ngăn lại, đích thân xem xét viên ngọc và nhận ra nó cực kỳ quý giá. Nhà vua hối hận nhưng máu Biện Hòa đã loang đỏ sân triều...

Một thời gian sau, ngọc Biện Hòa từ sở hữu của vua nước Sở rơi vào tay nước Triệu. Vua Chiêu Vương nước Tần nghe tin, sai người đưa thư cho vua Triệu, xin đem mười lăm thành để đổi lấy viên ngọc bích. Thực chất của cuộc "đổi chác" ấy, là dùng uy nước lớn nạt nước nhỏ để đoạt báu vật.

Triều thần nước Triệu trong đó có những nhân vật xuất chúng như Liêm Pha, Lạn Tương Như đã bàn với vua Triệu cách giữ ngọc quý. Sau đó, nếu không nhờ có dũng khí ngút trời của Lạn Tương Như, không những nước Triệu không giữ được ngọc mà một cuộc chiến xương chất đầy đồng có thể đã nổ ra...

Trên đây chỉ là một trong số vô vàn câu chuyện về ngọc được biết đến trong lịch sử. Từ xa xưa, ngọc với biểu tượng quyền lực và sự giàu có của giới quý tộc (vua chúa, vương tôn, công tử) khi được khảm trên vương miện, vương trượng, chuôi kiếm, yên ngựa và nữ trang của hoàng gia.

Người Ai Cập quan niệm rằng ngọc bích (ruby) là những giọt máu của Rồng. Người Trung Hoa, là một dân tộc sử dụng chữ tượng hình, chữ "quốc" (tức quốc gia), được tạo nên bởi bộ chữ "ngọc". Nói như nhiều người, "ngọc" trong "quốc", tức là trong quốc gia vật quý là ngọc. Người Việt cũng sử dụng đá quý từ nhiều ngàn năm trước. Trong những mộ táng thời Đông Sơn, có các vòng, khuyên tai và nhiều đồ trang sức khác.

Với những quốc gia phương Đông, đã có những thời gian, triều đình phong kiến cấm dân gian được sử dụng ngọc. Thậm chí, có những loại ngọc được quy định chỉ dùng trong hoàng thất. Chính vì lẽ đó, nhiều viên ngọc được sử dụng làm tín vật của vua chúa mà chỉ cần giơ ra là mọi người phải quỳ lạy.

Ngọc cũng đứng số một trong "tứ đại quý", tức ngọc, ngà, châu, báu. Những đồ ngự dụng của vua, thường được chế tác bằng ngọc quý. Một trong những vật quan trọng nhất chúng ta thường nghe là "ngọc tỉ", tức các loại ấn triện của nhà vua. Trong số đó, tối quan trọng là "ngọc tỉ truyền quốc" - đây chính là loại ấn triện bằng ngọc được chế tác chỉ dùng cho việc truyền quốc.

Một nhân vật khét tiếng trong lịch sử Trung Hoa cũng luôn được biết đến với những câu chuyện về ngọc là Từ Hy Thái hậu. Ngọc được coi là bí kíp giúp duy trì tuổi trẻ và sắc đẹp của bà. Từ Hy Thái hậu vẫn giữ được sự tươi trẻ, uy nghiêm khi sắp qua đời.

Sử sách Trung Hoa cũng ghi lại rằng, trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, Từ Hy Thái hậu sử dụng những bộ ngọc khác nhau. Đó không chỉ là vật trang sức, mà còn được các quan ngự y cũng như tướng số xem sao cho loại ngọc nào đeo phù hợp với thời tiết từng ngày, cũng như từng công việc bà làm.

Trong khi đó, ở Iran, cuộc cách mạng thập niên 1970 đã biến chiếc vương miện có tới 3.000 viên kim cương của triều đại cũ thành ngân khố quốc gia, số lượng kim cương này giúp Iran có tiềm lực kinh tế đáng kể.

Những loại ngọc được cả người phương Đông lẫn phương Tây ưa chuộng là kim cương, ngọc bích, ngọc phỉ thúy, ngọc mắt mèo, ngọc mã não...

Posted Image

Bộ sưu tập ấn triện mà người ta cho là từng được một số ông vua nhà Minh (Trung Hoa) sử dụng. Chúng đều chế tác từ ngọc qúy

Cổ ngọc - quý tộc đệ nhất

Cổ vật vốn được xem là thú chơi quý tộc. Có nhiều cách phân biệt các dòng cổ vật, về chất liệu, có thể chia cổ vật thành các dòng gốm, đá, đồng...; về đối tượng sử dụng, có thể chia thành đồ ngự dụng (vua và hoàng gia), đồ quan dụng (giới quý tộc nói chung), đồ thờ cúng và đồ dân dụng. Trong những dòng này, đương nhiên quý nhất là đồ ngự dụng.

Đồ ngự dụng luôn mang yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật ở một đẳng cấp rất cao. Nhưng đó chưa phải là yếu tố quyết định đến giá trị của nó. Càng quý báu hơn, nếu người ta sở hữu một món đồ nào đó, ví như bộ ấm chén mà nó từng được vua Càn Long, vua Khang Hy hay vương tôn hoàng tử từng sử dụng.

Ở Việt Nam, đồ nội phủ là một trong những dòng đồ cổ cực kỳ được ưa chuộng. Nguyên do những đồ sứ men lam này được các chúa nhà Trịnh đặt hàng làm bên những lò gốm danh tiếng tại Trung Hoa. Trên những món đồ đó thường ghi rõ nó được sử dụng trong phủ nào, thậm chí trong dịp nào. Vì thế, cầm những chiếc nậm rượu, những chiếc bát, người ta vẫn còn cảm thấy bóng dáng các ông hoàng bà chúa thuở nào.

Nhưng trong thang bậc đẳng cấp cổ vật, những ví dụ về đồ gốm ngự dụng kể trên, vẫn xếp sau ngọc cổ rất nhiều. Ngọc quý nên thường dân không thể mơ chạm vào, trong khi đó, ngược dòng lịch sử chút ít, đã có nhiều thời, triều đình cấm dân gian sử dụng ngọc, và có những loại ngọc chỉ hoàng gia được sử dụng. Bởi thế, nếu là một đồ ngọc cổ, thì gần như chắc chắn, nó chỉ xảy ra hai khả năng: hoặc thuộc về hoàng thất, hoặc thuộc về những gia đình trâm anh thế phiệt!

Một viên ngọc tự thân nó đã có giá trị. Những viên ruby chất lượng tốt có giá đến hàng trăm ngàn USD cho mỗi cara (1 gam quy đổi bằng 5 cara). Một viên ruby dùng làm mặt nhẫn có thể mang giá trị tương đương cả tòa biệt thự. Giả sử những viên ngọc ấy còn mang theo giá trị lịch sử, giá trị của nó còn có thể được nhân lên nhiều lần! Xét về giá trị tự thân, xét về tiêu chí đối tượng sử dụng, cổ ngọc không cho phép loại cổ vật nào xếp ở vị trí trên nó!

Một trong những tiêu chí để phân biệt ngọc với các loại đá khác là độ cứng. Theo thang chia độ cứng, thì kim cương được lấy làm chuẩn, độ cứng của kim cương là 10, nếu so sánh sắt với kim cương thì chả khác nào so sánh bê tông với... bún. Độ cứng của sắt chỉ là 4, trong khi đó, các loại ngọc như ngọc bích, saphia đều là 9, kế đến là ngọc mắt mèo - 8,5, các loại thạch anh, mã não độ cứng đều lớn hơn 6.

Ngày nay, với vô số các loại máy móc hiện đại, chế tác ngọc vẫn được coi là một nghề đòi hỏi kỹ năng cực kỳ tinh xảo. Vậy người xưa chế tác các đồ dùng bằng ngọc thế nào? Cho đến giờ, rất nhiều đồ bằng ngọc quí được chế tác cầu kỳ từ xưa để lại.

Điển hình trong số đó là những viên ngọc được chế tác thành những hình long ly quy phượng, hay những bình, lọ trang trí... với những chi tiết cực kỳ phức tạp. Xin thưa, trong điều kiện ngày xưa, để chế tác ra các sản phẩm ấy, một trong những phương pháp được biết đến nhiều nhất là dùng ngọc để mài ngọc! Để chế tác ra một sản phẩm hoàn hảo, một người thợ phải dành tâm huyết đến cả chục năm, thậm chí cả đời người!

Những người am tường, còn trân quý cổ ngọc, vì nó là hiện thân của sự kiên trì, hiện thân của công sức lao động của những nghệ nhân xưa kia, những người ngày này qua tháng khác mài giũa để rồi cả đời có khi chỉ cho ra được vài sản phẩm.

Bộ sưu tập cổ ngọc "hiếm có" trong thiên hạ

Posted Image

Sưu tập gia Dương Phú Hiến

Nếu như những món đồ cổ khác thường được trưng trên giá, thì với dân chơi cổ vật, tuyệt đại đa số, cổ ngọc được giấu kỹ trong rương, trong hòm. Một trong những nhân vật sở hữu nhiều đồ ngọc hiện nay là sưu tập gia Dương Phú Hiến (quận Tây Hồ - Hà Nội). Ông cho biết ông có khoảng trên 4.000 cổ ngọc với nhiều chủng loại khác nhau.

Ông Hiến cho biết, ông có nhiều loại đồ ngự dụng như bát đĩa, lọ hoa trang trí... Nhưng trong vô số những cổ vật được ông Dương Phú Hiến giới thiệu, được cất giữ cẩn trọng qua nhiều lớp két sắt là bộ ngọc tỷ được ông giới thiệu là đời Minh.

Lý do khiến ngọc tỷ luôn được các sưu tập gia khắp thế giới săn lùng, là bởi mỗi đời vua, chỉ có một số loại ngọc tỷ nhất định. Đó là ngọc tỷ truyền quốc, ấn triện dùng trong những văn kiện nhà nước quan trọng, ấn triện dùng trong những công việc đơn giản như sáng tác thơ phú... Để chế ngọc tỷ, người ta chọn những loại ngọc quý, và việc chế tác ngọc tỷ do những người thợ giỏi nhất quốc gia thuộc xưởng chế tác của cung đình thực hiện.

Cũng trong những cổ vật quý báu đệ nhất, phải kể đến những viên ngọc được chế tác dùng làm tín vật của vua chúa ngày xưa. Nguyên do mỗi khi nhìn thấy những tín vật này (thẻ bài, hoặc một số vật được sử dụng như đồ trang sức mang theo mình khác), những người có hiểu biết đều nhận ra, vì triều đình thường quy định về loại ngọc được sử dụng làm tín vật. Nếu ai vi phạm, thì nhẹ là đầu lìa khỏi cổ, nặng thì ngựa kéo phanh thây.

Trong số những hiện vật mà ông Hiến giới thiệu, phải kể đến một khối ngọc phỉ thúy nặng tới trên 12kg, được xem là được chế tác sử dụng từ đời Đường, hay nhiều chiếc vòng ngọc mắt mèo khác...

Dĩ nhiên, để có thể khẳng định giá trị thực sự của bộ sưu tập của ông Hiến như thế nào, cần sự thẩm định của nhiều chuyên gia. Nhưng trong số cả ngàn hiện vật được ông Hiến giới thiệu là cổ ngọc, có một chuyên gia nhận định, nếu chỉ một vài trong số đó là đồ thật, thì đã là "hàng khủng" lắm rồi.

Vì các loại ngọc đều được cân đong kỹ lưỡng từng cara, mà mỗi cara, thì như chúng ta đã biết qua về giá trị. Ông Hiến đề nghị cứ chạm tay thử vào để cảm nhận, nhưng thú thực tôi hơi run, chẳng biết thật giả thế nào, nhưng chỉ nhỡ tay một cái thì nhiều chuyện phiền phức lắm có thể xảy ra...

Theo Kinh Bắc

Congannhandanonline

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay