danchu

Tận nhân lực ,tri thiên mệnh

1 bài viết trong chủ đề này

<H1 class=cssDefaultTitle>Tận nhân lực, tri thiên mệnh</H1> http://chungta.com/Desktop.aspx/KinhDoanh-...tri_thien_menh/

Doanh nhân Sài Gòn cuối tuầnPosted Image Posted Image

09:20' AM - Thứ năm, 12/02/2009Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group, thường được nhắc đến như người sáng lập ra công ty tư vấn đầu tiên ở Việt Nam. Có lẽ ông cũng là một trong không nhiều người mạnh dạn rời bỏ môi trường nhà nước từ trước Đổi mới. Ở tuổi 63, người đàn ông này vẫn rất khang kiện, vẫn làm việc miệt mài.

Cùng một tác giả:

» Chúng ta buộc phải sắc sảo

» Giao lưu với sinh viên Khoa quản lý đào tạo Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân

» Cải cách giáo dục Việt Nam

» Thêm một số suy nghĩ về cải cách giáo dục

» Việt Nam gia nhập WTO - Cơ hội, thách thức: Giao lưu với sinh viên Trường Đại học Luật

» Phẩm hạnh là giá trị quan trọng nhất của nhân lực

» Sự hình thành trong im lặng của văn hóa (Trả lời phỏng vấn VTV1)

Đang ngồi ghế quyền chủ nhiệm một bộ môn nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải, đâu là lý do khiến ông rời bỏ môi trường nhà nước vào năm 1984 - thời điểm trước khi đất nước tiến hành đổi mới?

- Sai lầm lớn nhất của chúng ta là không có môi trường bên ngoài Nhà nước. Nói một cách chữ nghĩa là không có xã hội dân sự. Khi nào mà ánh sáng của Nhà nước phủ lên mọi ngõ ngách của đời sống thì xã hội không thể phát triển một cách bình thản được. Cần phải có những khu vực không có sự hiện diện của Nhà nước. Nhà nước luôn luôn phải tự vấn rằng liệu sự có mặt của mình tại một khu vực nào đó, vào một thời điểm nào đó có cần thiết hay không. Nhận ra lúc mình không cần thiết là một biểu hiện của sự thông thái. Cũng giống như một người cha thấy con trai mình đang ôm bạn gái thì phải biết tránh đi.

Có thể nói, từ một nhà nghiên cứu khoa học cầu đường dân sự, rồi chuyển sang kinh doanh là vì tôi không muốn chịu khổ nhưng lại không có khả năng tham nhũng.

Để tham nhũng được cũng cần phải có những điều kiện?

- Khi rời khỏi khu vực công, tôi là một quan chức tương đương cấp vụ. Nếu ở lại, tiếp tục phấn đấu thì có thể tôi cũng sẽ có điều kiện nào đó để làm quan chẳng hạn. Tôi nghĩ rằng khi làm quan chức, nếu không biết tận dụng lợi thế của mình thì sẽ rất nghèo. Cũng bởi cái nghèo mà tôi đã mất con gái đầu lòng. Con gái tôi bị bệnh bạch cầu. Giá một ca phẫu thuật ở nước ngoài lúc đó khoảng 30 ngàn USD - một khoản tiền mà có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến. Tôi không cam chịu nghèo nên tôi phải tìm ra bên ngoài để làm kinh doanh. Nhưng với tư cách là một người đã từng làm khoa học, tôi không muốn làm kinh doanh thông thường như mua đi bán lại, mua đắt bán rẻ vì nó không phải là ưu thế mà tôi có, nên tôi kinh doanh các dịch vụ có chất lượng khoa học, đó là nghiên cứu về vấn đề chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ luật sư đảm bảo chất lượng hợp lý cho các hành vi kinh doanh. Tất cả những dịch vụ ấy, trong một chừng mực nào đó đều đòi hỏi vốn hiểu biết và sự nghiên cứu. Tôi đã bắt đầu nghiên cứu xây dựng loại hình công ty như thế từ năm 1984 và đến năm 1987 khi đất nước mở cửa, đổi mới thì tôi lập công ty Investip, thuộc Bộ Khoa học Công nghệ. Tuy nhiên, vì muốn hoạt động tư nhân và muốn rành mạch trong quan hệ với nhà nước nên năm 1991, tôi tách ra và thành lập InvestConsult Group.

Năm 1987, chúng ta chưa có Luật Doanh nghiệp. Việc ông lập công ty phải chăng là một sự mạo hiểm?

- Trước khi mở công ty, tôi đã dành ra khoảng mười năm để nghiên cứu về nó. Việc mở công ty bây giờ là chuyện bình thường, nhưng vào thời điểm những năm 1980, công ty là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ đối với người Việt. Vào những năm ấy, những giáo trình về kinh tế học phi xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam rất hiếm, không được lưu hành phổ biến, công khai. Ví dụ giáo trình Kinh tế học của giáo sư Paul Adam Samuelson, được cơ quan kinh tế của Bộ Ngoại giao dịch và chỉ được lưu hành trong một vài cơ quan và trường đại học có liên quan đến kinh tế. Các bạn biết rằng, truyền bá những kiến thức kinh tế học phi xã hội chủ nghĩa vào thời điểm ấy đòi hỏi phải có một sự dũng cảm ghê gớm và nó cũng vượt quá khả năng hiểu biết của người Việt vào thời điểm ấy.

Dám tiếp cận những tài liệu đó cũng có thể được xem là một sự dũng cảm?

- Tôi chỉ là người điếc không sợ súng. Khi tôi mở công ty, cậu em tôi đang là trưởng phòng trong một công ty của Ban Tài chính Quản trị TP. Hồ Chí Minh và đang phấn đấu để lên phó giám đốc. Tôi nói với cậu ấy rằng hãy từ bỏ vị trí đó, đi theo tôi. Cậu ấy hỏi: Theo anh rồi làm gì? Tôi trả lời: làm gì thì chưa biết nhưng chắc chắn không chết được. Đến bây giờ thì cậu ấy cũng đã có một số thành tựu trong cuộc đời của cậu ấy và một tương lai tốt. Để rủ được những người khác theo mình vào giai đoạn đầu tiên như vậy, buộc phải có nhân cách. Nhân cách không chỉ là một phẩm hạnh mà còn là vốn liếng của những người muốn có sự nghiệp. Những người nào muốn có sự nghiệp mà sự nghiệp ấy không bị tương lai đem ra chế giễu thì người đó buộc phải bắt đầu nó bằng nhân cách, bằng phẩm hạnh.

Posted ImageNguyễn Trần Bạt (1946)

- Sáng lập kiêm chủ tịch và Tổng Giám đốc InvestConsult Group.

- Cử nhân luật của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và bằng kỹ sư xây dựng dân dụng của Đại học xây dựng Hà Nội.

Ông Bạt được coi là người đầu tiên xây dựng một công ty Việt Nam tư vấn chuyên nghiệp về đầu tư và kinh doanh ngay sau khi Việt Nam ban hành chính sách “Đổi mới” năm 1987 mở cửa nền kinh tế Việt Nam cho các hoạt động đầu tư nước ngoài. Ông Bạt là tác giả của rất nhiều bài báo, sách và các công trình nghiên cứu tập trung vào nội dung làm thế nào Việt Nam phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Ông Bạt được nêu danh trong cuốn Barons Who's Who in Vietnam và Barons Who's Who in Asia Pacific như một luật sư và nhà tư vấn xuất sắc.

Các sách đã xuất bản:

1. Văn hoá và Con người, NXB Hội nhà văn, 2005

2. Suy tưởng, NXB Hội nhà văn, 2005

3. Cải cách và sự phát triển, NXB Hội nhà văn, 2005

4. Cội nguồn cảm hứng, NXB Hội nhà văn, 2008

Trong số những người đi theo ông từ những ngày đầu, đã có những người ra đi, chẳng hạn như trường hợp chị Đàm Bích Thủy, Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam. Ông có tiếc không?

- Chị Thủy có bay lên Sao Hỏa đâu. Sự thành đạt của các đồng nghiệp là những tấm huân chương gắn lên ngực áo nhà quản trị. Tôi có một may mắn là đến giờ này vẫn chưa có một quả thối nào rơi từ cành cây Nguyễn Trần Bạt. Chị Thuỷ tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, khoa Tiếng Anh và chị ấy hoàn thiện chương trình đại học của mình theo chế độ học thêm tại chức. Ngành học của chị ấy không hề liên quan gì đến tài chính, không hề liên quan gì đến luật pháp, không hề liên quan gì đến kinh doanh cả nhưng bây giờ chị ấy là người đứng đầu một tổ chức kinh doanh, một loại hình kinh doanh khó nhất trong các ngành kinh doanh là kinh doanh ngân hàng. Tôi không tạo ra khả năng của chị Thuỷ nhưng tôi khích lệ khả năng ấy. Tôi không dạy chị ấy được một chút kiến thức nào về chuyện ấy nhưng tôi thổi vào đời sống tinh thần của chị ấy cái khát vọng trở thành một người như thế và tôi tự hào về điều đó.

Kinh tế suy thoái đang khiến cho rất nhiều các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhưng có vẻ như các công ty tư vấn vẫn đang “chạy” khá ổn bởi kinh tế lên hay xuống cũng đều tạo ra việc làm?

- Nói một cách hình tượng thì ngày xưa, chỉ cần bắt một con ếch là đủ nấu một bữa cỗ. Bây giờ, kinh tế suy thoái, ếch gầy, để nấu được một bữa cỗ, chúng tôi phải bắt hai con. Công việc có vất vả hơn một chút nhưng công nghệ bắt ếch thì vẫn không thay đổi.

Trong cuốn sách Văn hoá và Con người, ông có nói rằng “mỗi thế hệ phải làm cho thế hệ sau tốt hơn”. Khoảng cách giữa nói và làm cách nhau bao xa, thưa ông?

- Tôi không nói to chuyện ấy ra một cách chủ động, nhưng khi tôi viết sách là khi tôi trả lời các câu hỏi của cuộc đời thì tôi nói. Tôi nghĩ rằng, tôi luôn luôn cố gắng làm đến mức cao nhất khả năng của mình những điều mình nói. Có những vấn đề tôi làm hơn những điều tôi nói, có những vấn đề tôi chưa làm được đến điều tôi nói nhưng tôi cố gắng làm. Tôi có một đồng nghiệp là em trai của một người bạn tôi. Cậu ấy học ở nước ngoài về nhưng vì chưa kiếm được việc làm nên người bạn mang đến gửi gắm cho tôi. Sau này, khi đã trở thành một người giàu có, cậu ấy mới nói với tôi rằng lúc đầu em đi theo anh chỉ vì mong muốn mua được một căn hộ để lấy vợ. Bây giờ thì cậu ấy có năm cái villa ở Sài Gòn. Tức là tôi làm được nhiều hơn cái mà người ta kỳ vọng ở tôi và cái mà tôi muốn. Tất nhiên tôi không phải là kẻ từ thiện, tôi chỉ hướng dẫn, cổ vũ, tập hợp để người ta làm thôi, còn những thành quả ấy vẫn là lao động của người ta. Tôi không chiếm dụng giá trị tinh thần lao động của người khác để nói cho mình, nhưng phải nói rằng những người tài hoa trong số họ đã đạt được những cái thậm chí lớn hơn cái động cơ ban đầu của họ khi họ hợp tác với tôi.

Và ông cũng giàu có hơn?

- Đương nhiên. Cái khó với tôi không phải là giàu có, mà là giữ được những giá trị của mình ngay cả khi đã trở nên giàu có. Tôi có thừa trí khôn để có thể kiếm được rất nhiều tiền từ thị trường chứng khoán, nhưng tôi không tham gia. Từ những năm 1989 tôi đã tổ chức hội thảo bàn về thị trường chứng khoán tại Sài Gòn. Lúc đó tôi bị ông Võ Văn Kiệt khiển trách. Có những người tỏ ra khó chịu về chuyện đó, xúi tôi làm chuyện nọ chuyện kia, nhưng tôi chỉ cười và nói: Ở đời, có mấy người được vua nện cho một gậy. Hơn thế, đó lại là vị vua mà mình yêu mến.

Đó là một phép thắng lợi tinh thần?

- Tôi là người không bao giờ để bụng. Không tự giam hãm mình vào sự thù hận là nguyên tắc số một của tôi. Lòng căm thù có thể là vũ khí tạo ra chiến thắng, nhưng không tạo ra hạnh phúc.

Vậy thì, với ông, cái gì tạo ra hạnh phúc?

- Tự do. Tự do với lịch sử của mình, với định kiến của mình, luôn luôn có những năng lực tự giải phóng mình ra khỏi những trạng thái mà ở đó mình không còn nguyên vẹn là một con người nhân hậu. Tự do với bản thân mình khó hơn nhiều so với tự do với Nhà nước. Chỉ cần đi khuất mắt công an là người ta có thể tìm thấy cảm giác tự do với Nhà nước, nhưng có thể ngay trong những giấc ngủ người ta cũng không tìm được tự do đối với bản thân mình, đối với lịch sử hình thành cá nhân mình.

Ngoài việc điều hành kinh doanh, ông còn viết sách. Ông có nghĩ sách của mình khó bán?

- Tôi không viết sách để kiếm tiền. Tôi muốn đóng góp kinh nghiệm của mình với đời sống, con người và đất nước. Ai nhặt được điều gì đó có ích trong những cuốn sách của tôi là quyền của họ. Viết lách là niềm ham thích của tôi, nó là lao động chủ yếu của tôi khi bắt đầu bước sang tuổi 55, sau khi hoàn tất việc cấu trúc công ty. Cho đến năm 2008, tôi đã viết được 8.500 trang. Tôi làm việc cật lực như một người xúc than.

Số lượng không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với chất lượng?

- Tôi không chép lại ý kiến của người khác. Tôi chỉ viết ra những điều tôi suy nghĩ. Sai - đúng, hay - dở, chưa biết. Tôi cũng không năn nỉ để được in sách. Tôi gửi bản thảo tới nhà xuất bản, nói với các anh ấy rằng khi nào có điều kiện thì in. Sách của tôi không dễ xin được giấy phép xuất bản. Cũng vì việc in sách mà tôi đã va chạm với Ban Tư tưởng Văn hóa, Hội đồng Lý luận Trung ương. Để được xuất bản, cuốn sách mới nhất của tôi phải được sự thông qua của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Còn ông thì cải sửa thành “việc chính trị cốt ở yên dân”?

- Nhân nghĩa là một khía cạnh của chính trị. Tôi nghĩ phải đặt thêm vào câu của Nguyễn Trãi những giá trị mang chất lượng thời đại. Thời của Nguyễn Trãi, nhân nghĩa là chính trị, còn thời của chúng ta, ngoài nhân nghĩa chính trị còn nhiều nội dung khác nữa. Tôi muốn sửa câu ấy nhưng có cùng một mục tiêu là yên dân. Nếu không làm cho dân yên là phi chính trị và không nhân nghĩa.

Theo ông, hiện giờ dân có yên không?

- Không. Dân không yên vì sự vụng về, thiếu tỉnh táo, thiếu cân đối của chính trị. Nhiệm vụ của tôi khi viết sách là cung cấp một số kinh nghiệm để hiểu ý nghĩa của chính trị. Cụ thể là trình bày những cái thuật để người ta tiếp cận với chính trị toàn diện hơn và để đánh giá vai trò yên dân của đời sống chính trị. Tất nhiên, không thể đòi hỏi yên dân ngay. Sự yên dân, hay nghệ thuật yên dân của nhà chính trị gắn liền với những kinh nghiệm, thất bại của họ. Cần có thời gian để thể nghiệm và đo lường chất lượng của các chính sách. Nhà chính trị không mang tiếng là người xấu khi chưa có đủ kinh nghiệm. Nhưng khi có đủ kinh nghiệm để yên dân mà vẫn không xem yên dân là mục tiêu thì họ có lỗi. Lỗi ấy không phải là do học thuật, mà là lỗi đạo đức. Lúc bấy giờ mới quay trở về trạng thái đánh giá của Nguyễn Trãi là không nhân nghĩa. Cho nên câu của Nguyễn Trãi là viết cho một nhà chính trị, còn câu mà tôi bổ sung vào là viết cho một hệ thống chính trị. Tuy nhiên cũng phải nói cho rõ thêm, có những lúc, sự không yên dân là kết quả của sự vụng dại hoặc là sự thiếu đức hạnh của một vài nhà chính trị, nhưng cũng có những lúc, tình thế không tạo ra sự yên ổn của cả nhà chính trị lẫn người dân. Vậy thì chúng ta, khi đánh giá các nhà chính trị, chúng ta phải phân biệt được sự không yên dân nào là lỗi của nhà chính trị, sự không yên dân nào chủ yếu là kết quả của tình thế. Đấy chính là lẽ công bằng của khoa học.

Từ kỹ sư cầu đường, chuyển qua kinh doanh, rồi viết sách. Viết lách có phải là cột mốc cuối cùng trong cuộc đời của ông?

- Công việc sắp tới của tôi là thuyết phục các nhà lãnh đạo về những vấn đề sống còn của đất nước. Tôi không phải là người đối lập, nhưng đem những ý kiến của mình thuyết phục người khác thì tôi làm không mệt mỏi.

Ông có tin rằng mình làm được?

- Tôi chưa bao giờ làm những gì mà mình không tin. Người ta phải có lòng tin vào sự lương thiện của mục đích công việc của mình. Không tin vào chất lượng thiện chí của mình thì sống với ai?

Được biết ông đã có nhiều buổi nói chuyện với sinh viên đại học. Tiếp xúc với đối tượng này, ông suy nghĩ như thế nào về họ?

- Tôi nghĩ cần thực hiện một hoạt động có tính chất quy mô xã hội để giải độc hệ quả của một nền giáo dục mà chúng ta đã có. Tôi cũng là một người cha. Tôi nghĩ cần phải làm thế nào đó để thế hệ trẻ, thế hệ con tôi bước vào cuộc đời với tư cách những người tự do, những người không nhiễm độc, không định kiến, những người có tầm nhìn hình nan quạt chứ không phải cái nhìn trên một đường thẳng. Hiện nay ngành giáo dục đang dạy trẻ con sai. Con cháu chúng ta thi rất giỏi, nhưng làm thì rất kém. Có những người làm rất giỏi nhưng sống thì tồi. Xét cho cùng, mục tiêu của con người là sống chứ không phải làm việc.

Dân gian nói rằng “nhân vô thập toàn”?

- Không. Nhân vô thập toàn là lời than vãn của một dân tộc không có nhân thập toàn. Tôi không tin rằng ở một nước phát triển có câu “nhân vô thập toàn”. Họ có sự khác nhau chứ không phải “vô thập toàn”. Bản thân chữ “vô thập toàn” đã mang tính áp đặt. Vô thập toàn theo tiêu chuẩn nào, ai đặt ra và ai đánh giá sự thập toàn ấy. Tôi không tín nhiệm câu “nhân vô thập toàn”. Tùy thuộc vào năng lực cá nhân mà con người kỳ vọng, mơ đến một cuộc sống có kích thước phù hợp với khả năng của họ. Ham muốn của con người là một đại lượng phát triển, cho nên cái ham muốn của con người cũng biến thiên theo năng lực.

Trong thời gian chờ đợi việc “giải độc cho thế hệ trẻ”, như cách nói của ông, là động cơ khiến ông đưa con trai của mình “di tản giáo dục”?

- Tôi gửi con trai ra nước ngoài du học vì đó là một cơ hội. Bây giờ tôi còn khỏe mạnh, còn kiếm được tiền để lo cho con tôi. Chứ tôi không nghĩ đi du học nước ngoài thì sẽ tốt hơn. Cuộc sống cũng là một trường học.

Có vẻ như cuộc sống dạy cho ông nhiều hơn giảng đường?

- Không. Trút lên vai giảng đường trách nhiệm phải dạy tất cả những gì cuộc sống cần là sự áp đặt ngốc nghếch. Trường học không có nghĩa vụ dạy cho học trò tất cả mọi thứ. Trường học chỉ là nơi hướng dẫn phương pháp, cung cấp cho các em kiến thức để có thể hành nghề trong giai đoạn đầu vào đời. Chính vì hy vọng trường học là nơi cung cấp mọi thứ mà cuộc sống cần nên người ta mới nhồi nhét. Tôi nghĩ những người nào đến 40 tuổi mà vẫn sống bằng kiến thức ở trong trường học thì không có giá trị phát triển. Sự học được ở ngoài đời nhiều hơn ở trường học là một nguyên lý chứ không phải là một thực tế. Tôi biết có rất nhiều người vẫn không ra khỏi được chương trình giáo khoa trong quá khứ. Trong buổi nói chuyện với sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi có nói một câu như thế này: "Trở thành nô lệ tuyệt đối cho những điều mình học thì học tập là một quá trình tự tàn sát mình". Nhà trường phải dạy trẻ em cách ra khỏi sách giáo khoa.

Thời gian còn làm việc ở Bộ Khoa học Công nghệ, tôi được giao nhiệm vụ phụ trách một công trình xây dựng. Do có một cải tiến buộc phải tranh luận trong thời gian thi công, người ta mời một người thầy đã từng dạy tôi 20 năm về trước đến thẩm định. Khi tôi bảo vệ ý kiến của mình, ông ấy nói: “Anh Bạt, hình như anh là học trò của tôi?”. Tôi trả lời: “Thưa anh, đúng. Tôi đã từng là học trò của anh. Những người dạy học trò mà hai mươi năm sau vẫn nghĩ rằng mình là thầy của những người học trò ấy thì đấy là những người thầy tồi”. Hạnh phúc của những người thầy là có những người học trò mà mình có thể ngưỡng mộ được. Không có một người nào lại tự hào rằng mình cao hơn cái cây mình trồng. Cái cây phải cao hơn người trồng và sự chênh lệch về chiều cao này càng lớn thì người trồng càng hạnh phúc. Chúng ta có ít những người thầy tự hào về điều ấy và đó chính là nỗi bất hạnh của nền giáo dục chúng ta.

Ông có đi dạy không?

- Tôi không đi dạy một cách chính thức. Hồi ở viện, tôi có tham gia một số chương trình đào tạo của những trường đại học có ngành liên quan, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp… nói chung là cũng có chút liên quan với việc dạy.

Vậy ông đã có học trò nào mà mình ngưỡng mộ chưa?

- Tôi rất thận trọng khi xếp mình vào vị trí của người thầy. Để làm thầy, con người ta phải có một sự cố gắng vô cùng lớn lao. Tôi không may mắn có học trò. Tôi không nhận ai là học trò của tôi cả.

Đó là một cách nói?

- Không phải. Đó là một cách nghĩ. Tôi cho rằng người thầy là người tạo ra giá trị gia tăng của trí tuệ của người học trò. Nếu chỉ dạy những điều trong sách giáo khoa, trong những quyến sách mình đã đọc thì chưa phải là thầy. Tại sao ở phương Tây, phần lớn các viện nghiên cứu đều nằm trong các trường đại học?

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ của người đi dạy. Qua nghiên cứu người thầy mới tạo ra giá trị gia tăng của trí tuệ của mình và từ đó mới có khả năng tạo ra giá trị gia tăng của trí tuệ học trò của mình. Một bài giảng năm nay cũng giống như năm ngoái nghĩa là không tạo ra giá trị gia tăng, và như thế là rao giảng chứ không phải đi dạy. Tôi không dám nghĩ mình là thầy của bất kỳ ai. Tôi chỉ là đồng nghiệp của những người yêu khoa học.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này.

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần

Số lượt đọc: 202 - Cập nhật lần cuối: 12/02/2009 12:38:28 PM

Posted Image Về trang trước Posted Image Bản in Posted Image Gửi email Posted Image Về đầu trang

http://' target="_blank">
1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay