Posted 9 Tháng 5, 2008 Việt Dich: Bầu cua cá cọc Bài tóm tắt tác phẩm BS Nguyễn Xuân Quang Nguồn:vietcyber.com Bài viết này tôi tóm lược lại những điểm chính yếu trong tác phẩm Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc của tôi (phát hành vào dịp Tết Đinh Hợi). Ở đây tôi ráng viết theo ngôn ngữ dân gian, bình dân, nôm na mách qué cho dễ hiểu. Bầu Cua Cá Cọc dưới con mắt tứ đổ tường thường được coi là một thứ cờ bạc. Thật ra đây là một thứ Việt Dịch được thể hiện thành một thứ trò chơi nhằm mục đích truyền bá truyền thuyết, huyền sử Việt, truyền bá cái Cốt Lõi của nền văn hóa Việt. Đây là Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc. Chúng ta thường gọi là Bầu Cua Cá Cọp nhưng trong thứ trò chơi này chỉ có Bầu, Cua, Cá, Hươu, Tôm và Gà, không có con Cọp. Như thế tại sao lại gọi là Bầu Cua Cá Cọp? Tại sao lại không thấy con Cọp, tại sao con Cọp lại bị khai tử trên các bàn Bầu Cua hiện nay? Thật sự ra, nguyên thủy, tổ tiên ta gọi là Bầu Cua Cá Cọc, ngày nay nói sai thành Bầu Cua Cá Cọp. Xin tóm lược thật vắn tắt, sau đây là những lý do tại sao gọi Cọc thành Cọp 1. Tiếng cổ Việt Cọc có nghĩa chung là nọc, đực, dương, vật nhọn. Những con thú biểu tượng cho nọc, đực, dương, mặt trời gọi chung là con Cọc hay có tên biến âm của Cọc hay có nghĩa là nọc, cọc, que, vọt, đực. Cọc mang trọn nghĩa của chữ Nọc ( I, /\) trong chữ nòng nọc. Ở đây, ở cõi đất thế gian, con Hươu đực, Hươu Nọc tức con Hươu có Sừng, loài thú bốn chân đi trên mặt đất là con Hươu Cọc, Con Cọc. Sừng là vật nhọn là một thứ Cọc nhọn, một thứ Nọc nhọn mang dương tính. Nhìn vào bàn Bầu Cua ta thấy con Cọc chính là con Hươu ở góc trên bên trái. Con Cọc là con hươu cọc, hươu nọc, hươu đực biểu tượng cho Núi Cọc, Núi Trụ Chống Trời, Núi Trụ Thế gian, cho phần Đất dương, dương trần của Cõi Giữa Thế Gian và Cọc cũng mang hình ảnh của Cọc Thế Gian tức Trục Thế Giới. 2. một bàn Bầu Cua, có người cho rằng vì sự sùng bái Cọp nên sau này đã không dám dùng Cọp nữa. Theo tôi, sự hiện diện của cọp, nếu có, có thể giải thích như sau. Thứ nhất có thể trước đây ở một vài nơi thuộc tộc Cọp hay ở vùng rừng núi nên có cọp trên bàn Bầu Cua ở vài địa phương. Tuy nhiên cọp không phải là thần tổ của người Việt. Hươu là vật tổ của chúng ta. 3. Vua Tổ thế gian của chúng ta là Kì Dương Vương tức Vua Hươu Mặt Trời. Kì là cây, cọc, Kì biến âm với kèo (cọc nhỏ), kẻ (chỗ ở, người như Kẻ Sặt, Kẻ Trọng, Kẻ Mau). Theo k=h, kì = kèo = hèo (roi, nọc) = hưu, hiêu, hươu. Vì vậy mà Kì Dương Vương mới có tên mẹ đẻ là Lộc Tục tức Hươu Đục, Hươu Nọc, Hươu Cọc. Từ Việt có một nghĩa là Rìu (một thứ vật nhọn, cọc nhọn). Rìu = dìu = tìu = tiều = tườu. Tiều, tườu có nghĩa là con hươu cọc như thấy qua câu nói “nói chuyện con tiều con vượn” (tức nói hươu nói vượn). Từ Việt trong hai chữ Việt Nam viết với bộ tẩu (chậy). Chậy là đặc tính của hươu như thấy qua câu Chỉ đường cho hươu nó chậy. Việt tẩu là Việt Hươu. Vì thế Hươu là khuôn mặt chủ yếu trên các bàn Bầu Cua của người Việt. 4. Bàn Bầu Cua có con cọp có thể là do làm sai vì dựa theo cách đọc sai của từ Cọc (Hươu) thành Cọp theo kiểu biến âm chốc (đầu) = chóp (đầu). 5. Sự biến mất của Cọp cho thấy cọp là của thiểu số, là của ngoại lai hay vì sai lầm nên dân gian Việt Hươu đã sửa lại. Bàn Bầu Cua có Cọp là của kẻ thù của Việt Hươu vì cọp ăn thịt hươu. 6. Những hình tượng thú vật và quả bầu trên bàn Bầu Cua đều là những khuôn mặt hiền hòa gần cận với người dân quê ở đồng ruộng trong khi cọp là một loài mãnh thú hại người sống trên rừng núi. Cọp không ăn khớp với các biểu tượng khác trên bàn Bầu Cua. 7. Việt ngữ có từ cá cược (betting) có nghĩa là đánh cá, đánh cược, đánh cuộc. Từ cược là biến âm của cọc như tiền đặt cọc = tiền đặt cược. Cọc có một nghĩa là bộ phận sinh dục nam. Cọc, cược biến âm với c...c vì thế để tránh thô tục nên mới nói là đánh cuộc cho thanh nhã. Ta thấy rất rõ cá (biểu tượng cho nước thế gian) đi đôi với cọc (là con hươu biểu tượng cho lửa thế gian). Đánh cá cọc, cá cược là đánh “nước-lửa”, đen đỏ, xấp ngửa, âm dương để ăn thua. Ở bàn Bầu Cua, đánh cược, đánh cuộc là đánh con Cọc, con Hươu và đánh cá là đánh con Cá (Chép). Người Bắc hay nói đánh cược trong khi Trung Nam hay nói đánh cá. Người Bắc theo dòng Nọc Lửa phía con Hươu mặt trời, Hươu Cọc Kì Dương Vương, phía mẹ Âu Cơ. Theo truyền thuyết Mường Việt cổ mẹ Âu Cơ dòng nọc Lửa có hiểu tượng là co nai sao. Người Bắc phần lớn theo dòng Hươu Nai, có linh thú là con Nghê, con Li, con Kì (trong cặp kì lân). Trung Nam theo dòng Nòng Nước con Cá Chép An Dương Vương phía cha Lạc Long Quân. Trung Nam phần lớn theo dòng Cá Chép hóa Long, có linh thú là con Rồng Nước Lạc Long. Điểm sau này cũng dễ hiểu, vì đa số người Trung Nam có tổ tiên vốn là di dân từ vùng châu Hoan (châu Nước) thuộc địa bàn Cổ Loa cũ, Thanh Nghệ Tĩnh vào Trung Nam (dòng An Dương Vương, Lạc Long Quân). Một lần nữa ở đây qua hai từ cá cược cho thấy ngôn ngữ Việt Nam có hai dòng: ngôn ngữ miền Bắc thuộc dòng Nọc Lửa Hươu phía mẹ Âu Cơ và ngôn ngữ Trung nam thuộc dòng Nòng Nước cá Chép Lạc Long Quân (Tiếng Việt Huyền Diệu). Rõ như đen với đỏ qua trò chơi có một khuôn mặt cờ bạc đỏ đen này, ta thấy Cá đi với Cược, Cọc (Hươu) chứ không đi với Cọp. Con Cọp không phải là con vật chủ yếu được dùng trong trò chơi có tính cách cá cược này. Ta cũng thấy từ cá cược có thể phát gốc từ trò chơi có con cá chép và con hươu cọc này. Tóm lại ta phải nói Bầu Cua Cá Cọc mới đúng nghĩa còn nói là Bầu Cua Cá Cọp là nói theo nghĩa một tộc Cọp rừng rú nào đó, nói theo nghĩa cóp nhặt, cọp-pi, tam sao thất bản, nói trại đi, nói sai lệch (xem chi tiết trong Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc). Trò chơi này được diễn tả bằng những hình tượng quen thuộc, hiền hòa thấy hàng ngày trong đời sống dân dã đồng quê Việt Nam là gà, tôm, bầu, cua, cá, hươu. Bàn Bầu Cua có sáu thứ nhưng chỉ gọi tên theo bốn thứ là Bầu Cua Cá Cọc, như thế Gà và Tôm được “tách riêng ra” nghĩa là thuộc vào một loại, một tầng lớp khác, mang ý nghĩa thuộc một diện khác. Bầu Cua Cá Cọc thuộc vào một diện khác. Nói một cách khác bàn Bầu Cua chia ra làm hai nhóm: nhóm Tôm Gà và nhóm Bầu Cua Cá Cọc. 1. Tôm Gà Nhóm Tôm Gà mang một biểu tượng Đại Vũ Trụ hay đội lốt Đại Vũ Trụ. CON TÔM Con tôm sống dưới nước có một khuôn mặt biểu tượng cho nước cõi thế gian nhân sinh. Tại sao gọi là con tôm? Về ngôn ngữ học, theo biến âm t=n như túm = núm, ta có tôm = nôm, nam. Nôm, nam có một nghĩa là nước (cái nơm, người Nam gọi là cái nôm là một dụng cụ đánh cá ruột thịt với nước có gốc nôm là nước), Thái Lan ngữ nam cũng có nghĩa là nước như nam pla là nước cá tức nước mắm, sông Mae Nam là sông Mẹ Nước (sông Cái). Ta cũng thấy, theo p=b, Anh ngữ prawn (tôm lớn, tôm càng) có p®aw- = baw- = bao là túi là nang là nường là nòng. Con tôm là “con nước”, con nang, con nường, con nòng nên Tôm biểu tượng cho Nòng, âm, thái âm, cho cực âm, dòng âm, Khôn, nước, phái nữ, bộ phận sinh dục nữ. Do đó dân gian Việt Nam mới ví con tôm he (tôm đỏ) với bộ phận sinh dục nữ (he là đỏ. He biến âm với hoe là đỏ như tóc hoe, mắt đỏ hoe, he biến âm với hè là mùa đỏ lửa). Con Tôm trên bàn Bầu Cua thuộc dòng mặt trời thái dương. Tôm có hai càng to mầu đỏ và quay mặt về phía tay phải, phía dương nên con tôm càng này mang dương tính, thái dương biểu tượng cho âm thái dương, theo ngành lửa, dương là mặt trời âm thái dương của dòng âm, nước, có một khuôn mặt đại diện là nước dương Chấn (ứng với Lạc Long Quân). CON GÀ Tổng quát Gà có nghĩa biểu tượng trái ngược với Tôm. Gà trống tức con qué (gà qué), con que, con cọc, con cock, con coq (Pháp ngữ) mang dòng máu cọc, vật nhọn, dương, mặt trời thuộc ngành Nọc. Anh ngữ cock là con gà trống và cũng chỉ cây cọc, cái nõ của phái nam. Cock chính là Việt ngữ cọc. Cọc biến âm với cược, c...c (Tiếng Việt Huyền Diệu). Nọc, cọc là đực, dương. Dương cũng có một nghĩa là mặt trời. Như thế gà là một loài chim mang dương tính biểu tượng cho Nọc (cọc, đực, mặt trời, dương, cực dương, dòng dương, phái nam...). Con Gà là một loài chim (Anh ngữ gọi gà là bird) biểu tượng cho cõi trời, cõi trên, mặt trời ngành nọc nhưng sống nhiều trên mặt đất nên là chim biểu của Cõi Trời nọc, Mặt Trời Thế Gian, cõi nhân sinh. Vì mang khuôn mặt thế gian nên trên bàn Bầu Cua, con Gà được diễn tả đứng trên mặt đất chứ không đứng trên cây, trên nóc nhà hay đang bay. Tóm lại con Gà biểu tượng cho Nọc, cho dương, cực dương, mặt trời ngành Nọc dương cõi thế gian. Nói gọn lại, con Gà là con qué, con que, con cọc, con cock, con nõ, con Nọc và con Tôm là con nôm, con nước, con prawn , con baw-, con bao, con bọc, con túi, con nang, con nường, con Nòng. Tổng quát Tôm và Gà biểu tượng cho Nòng Nọc, âm dương, Lưỡng Nghi ở cõi thế gian. 2. Bầu Cua Cá Cọc. Như đã thấy Bầu Cua Cá Cọc thuộc về một diện khác, một nhóm khác. Nhóm này mang một biểu tượng Tiểu Vũ Trụ cõi Người (con người là Tiểu Vũ Trụ). Ta thấy tổng quát Tôm Gà biểu tượng cho Nòng Nọc âm dương, Lưỡng Nghi cõi thế gian. Nòng Tôm hôn phối với Nọc Gà sinh ra Tứ Tượng cõi thế gian. Đây chính là Bầu Cua Cá Cọc có một khuôn mặt ứng với Tứ Tượng cõi thế gian, nhân sinh. Trước hết, nhìn dưới lăng kính tạo sinh, ở cõi nhân sinh, Nòng tôm he (nường, âm vật), Nọc gà qué (nõ, dương vật) hôn phối, giao hợp với nhau thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Xin thưa, kết quả xẩy ra là có BẦU (dĩ nhiên người cổ Việt không có dùng phương pháp ngừa thai!). Nọc Gà, chim phái nam hôn phối nòng Tôm he phái nữ sinh ra cái Bầu. Ở Cõi Trời, Tạo Hóa, Nòng Nọc âm dương vũ và trụ hôn phối, giao hòa sinh ra Bầu Trời, Bầu Vũ Trụ. Do đó trên bàn Bầu Cua, Tôm Gà hôn phối sinh ra Quả Bầu. Quả Bầu trên bàn Bầu Cua nhìn theo diện cõi Tiểu Vũ Trụ là Bầu Trời, Bầu sinh tạo thế gian, nhìn theo diện nhân gian là bầu thai nhân sinh và nhìn theo diện cõi tạo hóa là Bầu Vũ Trụ, Bầu Tạo Hóa. Bầu là bầu vũ trụ, bầu trời, bầu sinh tạo, bầu thai, bầu sinh đẻ. Bầu mang nghĩa sinh tạo thế gian, đội lốt Tạo Hóa. Vì thế mà trong sáu hình biểu tượng trên bàn Bầu Cua, quả bầu là một thứ thực vật duy nhất khác với năm con vật còn lại là Tôm, Gà, Hươu, Cá và Cua. Quả Bầu là loài thực vật trông “cọc cạch” và cách biệt, không cùng loại với các loài động vật còn lại. Đây là một chủ ý dùng quả Bầu để hàm ý sinh tạo, Tạo Hóa. Quả Bầu thế gian ở cõi nhân sinh biểu tượng bầu sinh tạo của Tiểu Vũ Trụ của cõi Người. Tiểu Vũ Trụ cõi nhân sinh gồm có Tam Thế: theo duy âm, Cõi Trời, Cõi Trên (vòm trời, Khí Gió) được biểu tượng bằng Con Cua (đúng nghĩa là con Còng Gió) trên bàn Bầu Cua (con cua có mai hình vòm biểu tượng cho vòm trời, bầu trời); Cõi Nước được biểu tượng bằng Con Cá (Chép) trên bàn Bầu Cua và Cõi Đất được biểu tượng bằng Con Cọc (Hươu) trên bàn Bầu Cua. Như thế nôm na ta thấy bàn Bầu Cua diễn tả trọn vẹn Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ thuyết, Vũ Trụ giáo. Vũ Trụ thuyết có kinh là Dịch dựa trên nòng nọc, âm dương. Nhìn dưới lăng kính của Dịch lý ta thấy rất rõ Nọc hôn phối với Nòng sinh ra Tứ Tượng. Ở cõi thế gian nhân sinh Tiểu Vũ Tru, ta có nọc thiếu dương (OI) ứng với khuôn mặt thế gian Đất dương của Gà hôn phối với nòng thiếu âm (IO) ứng với khuôn mặt thế gian Gió dương (Trời) của con Tôm cho ra Tứ Tượng (ở cõi Tiểu Vụ Trụ nên sinh tạo theo dạng tiểu là thiếu dương, thiếu âm, với h câm thiếu = tiểu): OI giao hòa với IO hay OI x IO Sinh ra Tứ Tượng: II, OI, OO, IO II là thái dương (nguyên thể của Lửa). OI là thiếu dương (nguyên thể của Đá). OO là thái âm (nguyên thể của Nước). IO là thiếu âm, (nguyên thể của Gió). Thái dương ứng với Càn (lửa trong bầu vũ trụ). Đây chính là Quả bầu vũ trụ có mầu Lửa đỏ trên bàn Bầu Cua. Vậy Quả Bầu biểu tượng Lửa bầu vũ trụ Càn/Khôn. Thiếu dương ứng với Li (lửa thế gian, đất dương). Đây chính là con Hươu Cọc trên Bàn Bầu Cua. Vậy Con Hươu Cọc biểu tượng Lửa thế gian Li. Thái âm ứng với Chấn (Nước sinh động, biển). Đây chính là Con Cá Chép trên bàn Bầu Cua. Thiếu âm ứng với Đoài (Khí gió sinh động, vòm, bầu trời). Đây chính là Con Cua trên bàn Bầu Cua. Như thế Bầu Cua Cá Cọc ứng với Tứ Tượng cõi thề gian. Kiểm chứng lại bằng hình ảnh qua các hình tượng trên bàn Bầu Cua ta cũng thấy rất đúng. Con gà, Quả Bầu và Con Hươu Cọc đều là những thứ ở trên mặt đất nằm ở hàng trên tức hàng mang dương tính (vì phía trên gần mặt trời nên mang dương tính) thuộc nhánh Nọc dương. Quả bầu mầu lửa đỏ mang dương tính nằm ở phía tay phải tức phía dương như thế Quả Bầu đỏ mang khuôn mặt dương của dương tức dương dương, hai dương tức thái dương Càn. Con Hươu Cọc có sừng mang dương tính nằm ở phía tay trái, tức phía âm. Như thế Hươu Cọc mang khuôn mặt âm của dương tức thiếu dương ứng với Li. Cả ba Con Tôm, Con Cua và Con Cá đều sống dưới nước nên có âm tính, nằm ở hàng dưới tức hàng mang âm tính (vì phía dưới gần Cõi âm nên mang âm tính) thuộc nhánh Nòng âm. Con Cua sống được dưới nước mang âm tính nhưng nằm ở phía tay phải tức phía dương nên Con Cua mang khuôn mặt dương của âm tức thiếu âm Đoài. Con Cá Chép sống dưới nước mang âm tính và nằm ở phía tay trái tức phía âm nên con Cá Chép mang khuôn mặt âm của âm tức hai âm hay thái âm ứng với Chấn. Tứ tượng cũng có hai khuôn mặt nòng nọc âm dương. Tứ Tượng dương hôn phối, giao hòa với Tứ Tượng âm sinh ra tám tượng nòng nọc, âm dương hay Bát Quái. Như thế hiển nhiên bàn Bầu Cua diễn tả Vũ Trụ thuyết và Dịch lý. Tùy theo cách sắp đặt của Bát Quái gọi là Bát Quái đồ ta có những loại Dịch khác nhau. Bàn Bầu Cua của dân dã Việt Nam diễn tả Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc. Bây giờ ta hãy so sánh, đối chiếu truyền thuyết, huyền sử và cổ sử Việt với trò chơi Bầu Cua Cá Cọc này. Theo truyền thuyết và cổ sử Việt, vị vua tổ cõi trời Đế Minh (Đế Ánh Sáng) của chúng ta là cháu ba đời Thần Mặt Trời Tạo Hóa Viêm Đế (như thế chúng ta thuộc dòng Mặt Trời Rạng Ngời, Con Cháu của Mặt Trời thái dương, là Người Ánh Sáng, Người Mặt Trời Rạng Ngời. Việt là Mặt Trời Thái Dương, Xích Quỉ là Người Đỏ, Người Mặt Trời, Họ Hồng Bàng có một khuôn mặt là Họ Hồng, Họ Đỏ, Họ Mặt Trời thái dương) (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Cõi Đại Vũ Trụ: Viêm Đế-Thần Nông -Viêm Đế Theo truyền thuyết, Viêm Đế có họ Khương. Khương có nghĩa là Sừng (vật nhọn như cọc, nọc). Ở Cõi Tạo Hóa, cõi trên, cõi vũ trụ, Thần Mặt Trời Viêm Đế có vật biểu chính là con chim Sừng, con chim trên đầu có mũ sừng tức con chim Cắt tức con Chim Rìu, Chim Việt. Mường ngữ gọi chim cắt gọi là chim khướng. Khướng biến âm với khương (sừng). Chim khướng là chim sừng, là chim Khương Viêm Đế. Chim khướng, chim sừng ruột thịt với Anh ngữ hornbill (chim “mỏ sừng”, chim cắt). Ở Cõi Trời Thế Gian nhân sinh, loài chim mang dòng máu chim Sừng của Viêm Đế là con Gà trống. Gà trống tức con qué (gà qué), con que, con cọc, con cock, con coq (Pháp ngữ) mang dòng máu cọc, vật nhọn, dương, mặt trời. Que là vọt (roi) là vớt (dao dài) là Việt. Gà là chim Việt ở cõi thế gian trong khi chim cắt là Chim Rìu, Chim Việt ở Cõi Tạo Hóa. Tóm lại con Gà có một khuôn mặt là Chim Việt thế gian biểu tượng cho dương, cực dương, ngành dương cõi thế gian, nhánh Nọc, là hình bóng của chim Việt cắt sừng Viêm Đế vũ trụ, Thần Tổ Mặt Trời của Viêm Việt. -Thần Nông Theo truyền thuyết, Viêm Đế có hiệu là Thần Nông. Vì thế ta phải hiểu Thần Nông là khuôn mặt Nòng, âm, là hình bóng trong chiếc gương âm dương của Nọc Viêm Đế. Thần Nông là Thần Không Gian đối ngược với Thần Mặt Trời Viêm Đế. Nhìn dưới dạng nhất thể Viêm Đế-(có hiệu)-Thần Nông là Mặt Trời-Không Gian, Vũ Trụ. Thần Nông của Đại Tộc Việt hoàn toàn khác biệt với Thần Nông đầu bò, tức ông thần tổ làm ruộng của Trung Hoa (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Theo một truyền thuyết, có lẽ của Đại Tộc Việt, thì Thần Nông thị là người đầu tôm. Xin đừng lầm lẫn Thần Nông của Đại Tộc Việt có đầu tôm với Thần Nông, ông thần nông nghiệp đầu bò của Trung Hoa. Như đã thấy ở trên, trên bàn Bầu Cua Cá Cọc, con Tôm biểu tượng cho ngành Nòng, Nước, âm, cực âm, ngành âm cõi thế gian, là hình bóng của ngành người Tôm Thần Nông. Cõi Tiểu Vũ Trụ: Đế Minh, Kì Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương. Theo truyền thuyết và cổ sử Việt, Đế Minh là cháu ba đời của thần Mặt Trời Viêm Đế như thế Bốn Tổ Phụ Mặt Trời của chúng ta thuộc dòng Thần Mặt Trời-Không Gian Viêm Đế Thần Nông. Bốn tổ phụ mặt trời thái dương ứng với Tứ Tượng dương là mặt trời thái dương Càn Đế Minh, mặt trời thiếu dương Li Kì Dương Vương, mặt trời thái âm Chấn Lạc Long Quân và mặt trời thiếu âm Đoài Hùng Vương ứng với Tứ Tượng Nọc, Lửa, dương, mặt trời nọc. Bốn Tổ phụ ứng với Tứ Tượng dương hôn phối với bốn Tổ Mẫu ứng với Tứ Tượng âm, ta có bát quái nghĩa là Việt Dịch (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Nhánh Nọc Mặt Trời Viêm Đế Lửa-Đất dương: Đế Minh, Kì Dương Vương. Nọc Gà Qué thế gian đội lốt chim Cắt Viêm Đế nên cò mang dòng máu Viêm Đế ở cõi thế gian. Viêm Đế tách hai ra thành Viêm và Đế: Viêm là Lửa cõi trời (Càn hay Kiền) diễn tả bằng quả Bầu mầu đỏ (Viêm là nóng, sưng; Viêm biến âm với Diêm là que quẹt lửa) ứng với Càn Đế Minh và Đế-Lửa thế gian (Li) diễn tả bằng con Hươu (Đế có một nghĩa là vật, cọc chống đỡ, là đá chống trời, trụ đá chống trời, Núi Trụ chống trời, Núi Lửa thế gian biểu tượng Cõi Thế Gian) ứng với Li Kì Dương Vương. -Đế Minh. Như đã nói Đế Minh là cháu ba đời Thần Mặt Trời Tạo Hóa Viêm Đế. Đế Minh là Đế Sáng, là Mặt Trời thái dương Buổi Sáng đội lốt Thần Mặt Trời Nguyên Khởi (Primeval Sun), Tạo Hóa Viêm Đế nên có một khuôn mặt là Mặt Trời ở cõi trời trong thái dương hệ của Cõi Trời Thế Gian. -Vụ Tiên Vụ Tiên là vợ Đế Minh. Vụ Tiên có nghĩa là Con Vịt Trời Le Le. Vịt trời là loài chim biểu tượng cho cõi trời, cõi hư không và Le Le là Nước (Tiếng Việt Huyền Diệu) ứng với Nước hư không, vũ trụ, là âm thái âm Khôn nước. Vịt trời Le Le Vụ Tiên biểu tượng cho Nước âm vòm trời. Trên bàn Bầu Cua, khuôn mặt của Đế Minh và Vụ Tiên là quả Bầu mầu đỏ nước-lửa vòm trời, vũ trụ. Như đã thấy ở trên, trong sáu hình biểu tượng trên bàn Bầu Cua, quả bầu là một thứ thực vật duy nhất khác với năm con vật còn lại là Tôm, Gà, Hươu, Cá và Cua. Quả Bầu là loài thực vật trông “cọc cạch” và cách biệt, không cùng loại với các loài động vật còn lại. Như thế trong thái dương hệ, Đế Minh khác biệt với Cua, Cá, Cọc. Tại sao lại có sự khác biệt này? Đế Minh và Vụ Tiên mang khuôn mặt bầu sinh tạo, nang, trứng Tạo Hóa, bầu trời ở cõi thế gian đội lốt Viêm Đế- Thần Nông bầu vũ trụ ở cõi Tạo Hóa vũ trụ. Đây là lý do tại sao lại chọn quả bầu làm biểu tượng cho Đế Minh Vụ Tiên. Bầu là bầu vũ trụ, bầu trời, bầu sinh tạo, bầu thai, bầu sinh đẻ. Bầu mang nghĩa sinh tạo, Tạo Hóa. Qua hình ảnh biểu tượng bằng quả bầu cách biệt này ta cũng thấy rất rõ Đế Minh thuộc cõi trời vì thế mà họ Hồng Bàng thế gian không kể Đế Minh chỉ tính từ Kì Dương Vương trở xuống. Ba vị vua của họ Hồng Bàng thế gian được biểu tượng bằng ba loài động vật sống ở cõi thế gian là Hươu Cọc Kì Dương Vương, Cá Lạc Long Quân và Cua Hùng Vương (xem dưới). -Kinh Dương Vương hay Kì Dương Vương. Đế Minh và Vụ Tiên sinh ra vị vua thế gian đầu tiên là Kì Dương Vương. Kì biến âm với ki (cây), kẻ (que), kèo (cọc nhỏ) nên có những nghĩa là cọc, nọc, Núi Kì, Núi Trụ Thế Gian, Núi Trục Thế Gian biểu tượng cho cõi đất thế gian. Kì Dương Vương có dòng máu Lửa vòm trời, vũ trụ của cha trộn với dòng máu Nước vòm trời, vũ trụ của mẹ nên có cốt là Lửa có nước, có âm tính ở cõi thế gian, tức âm của dương, tức thiếu dương, tức Li. Một khối Lửa sinh ra từ Lửa vũ trụ Càn bay trong bầu vũ trụ Khôn nước nguội dần đi thành quả đất Li. Vì thế Kì Dương Vương là thiếu dương Lửa, Li (để dễ nhớ xin lưu ý Li biến âm với Kì qua từ đôi li kì: Kì Dương Vương có mạng Li, quả thật là li kì!). Như đã nói, Kì Dương Vương là vị vua tổ thế gian của người Việt, lập ra nước Việt đầu tiên là Xích Quỉ. Xích Quỉ là biến âm của Xích Kì, Xích Kẻ. Kẻ có một nghĩa là Người. Xích Quỉ, Xích Kẻ có nghĩa là Người Đỏ, Người Mặt Trời. Việt là vọt (roi), là vớt (dao dài) là vác (mác) nghĩa là vật nhọn, là rìu búa ứng với cọc, nọc, sừng, Kì, Kẻ có một nghĩa biểu tượng cho đực, dương, Mặt Trời. Người Việt là Người Mặt Trời Hừng Rạng (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Việt có một nghĩa là Rìu, Dìu (vật nhọn, búa). Như đã biết ở trên Việt là Rìu, dìu, tìu , tiều, tườu là hươu. Việt Tiều, Việt Tườu, Việt Hươu. Từ Việt trong hai chữ Việt Nam hiện nay viết với bộ tẩu có nghĩa là chậy. Chậy là một nét đặc thù của con hươu như thấy qua câu ví “CHỈ ĐƯỜNG CHO HƯƠU CHẬY”. Việt viết với bộ tẩu, Việt Chậy là Việt Hươu là Việt Kì Dương Vương là Việt Xích Quỉ, Việt Mặt Trời Thái Dương Hừng Rạng (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Như trên đã thấy Kì là cọc là con hươu sừng, hươu đực Kì Dương. Kì Dương Vương có khuôn mặt là Núi Kì, Núi Cọc, Núi Trụ Chống Trời, Núi Trụ Thế Gian, bên trong có Trục Thế Giới thông thương Ba Cõi vì thế truyền thuyết mới chép rằng "Kinh Dương Vương có nhiều phép lạ có thể đi lại trên trời và dưới nước được”. Cũng vì "có tài đi dưới thủy phủ" nên Kinh Dương Vương xuống cõi nước lấy Thần Long (Lĩnh Nam chích quái, tr. 21). Ở trên ta thấy Kì Dương Vương có khuôn mặt Tạo Hóa đội lốt Viêm Đế và một khuôn mặt cõi trời đội lốt Đế Minh. Thật vậy, Viêm Đế họ Khương (Sừng) có chắt đích tôn ở cõi thế gian mang dòng máu, mang di thể (gene) Sừng, có thú biểu bốn chân có Sừng tức con hươu sừng, chính là Kì Dương Vương. Rõ như ban ngày, ở cõi thế gian, Kì Dương Vương đội lốt Viêm Đế ở Đại Vũ Trụ và Đế Minh ở Tiểu Vũ Trụ. Tóm lại Kì Dương Vương là Vua Mặt Trời Thiên Đỉnh, Giữa Trưa (chính ngọ) Đất Thế Gian, cõi Người. Vì có mạng là Núi Trụ Thế Gian trong có Trục Thế Giới nên là Mặt Trời ở trên đỉnh Trục Thế Giới tức Mặt Trời Thiên Đỉnh (zenith). Kì Dương Vương là Vua Mặt Trời Chói Chang Rạng Ngời của người Việt Mặt Trời hừng rạng, biểu tượng Lửa Thế Gian, núi lửa, núi Kì, núi Trụ Chống Trời, núi Trụ Thế Gian, có thú biểu là con hươu sừng, Hươu Cọc, Hươu Kì có lông mầu vàng sắc lửa, có đốm mặt trời mầu đỏ cam. Mã Lai ngữ có từ kijang dùng để gọi một loài hươu. Kijang chính là Việt ngữ kì dương, tên của vua tổ Kì Dương (Vương) của chúng ta. Vì thế mà Kì Dương Vương mới có tên mẹ đẻ là Lộc Tục, có nghĩa là con Hươu Đực, Hươu Nọc, Hươu Sừng. Ta cũng thấy rất rõ di thể (gene) sừng này ở cõi thế gian, trên mặt đất của Kì Dương Vương truyền từ họ Khương (sừng) của Thần Mặt Trời Viêm Đế xuống. Hươu Kì này là con thú chủ (host) của linh thú kì (lân) (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Con kì (lân) Hán Việt còn gọi là con li như thấy trong tứ linh: long, li, qui, phượng. Như thế, ta thấy rất rõ li = kì và vua tổ Kì Dương Vương của chúng ta có mạng Li và có thú biểu là con mang gạc kì mang, kijang, có linh thú là con nghê, con li, con kì (lân) (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Trên bàn Bầu Cua Cá Cọc, khuôn mặt của Kì Dương Vương là con Kì, con Cây, con Cọc, con Hươu Cọc. -Thần Long Vợ Kì Dương Vương là Thần Long có nghĩa là con Rồng-nước Khảm, là nước âm thế gian, nước rơi từ trời, nước mưa vì mang dòng máu nước vũ trụ Khôn của mẹ Vụ Tiên. Rồng Nước Thần Long có di thể, có dòng máu Long nên sinh ra Lạc Long Quân. Nhánh Nòng, Nước-Gió: Lạc Long Quân, Hùng Vương. -Lạc Long Quân. Lạc Long Quân là con Kì Dương Vương và Thần Long nên có hai dòng máu Lạc và Long. Dòng máu Lạc từ cha là Lạc Dương, Mặt Trời Lặn, là Nác, là Nước, là Mặt Trời Nước, là Ruộng Lạc, đất có nước (do di thể đất dương Núi Lửa Li của cha Kì Dương Vương pha trộn với di thể Khảm nước của mẹ Thần Long truyền xuống). Dòng máu Rồng Long của mẹ Thần Long truyền xuống do đó mới có tên là Long nhưng cộng với di thể lửa Li của cha nữa nên là con rồng Nước-Lửa, Nước Dương ứng với Chấn. Lạc Long Quân là Vua Mặt Trời Nước mang nhiều âm tính, là Mặt Trời Lặn, Lạc Dương vì thế mới gọi là Quân (Lord) chứ không gọi là Vương (King). Quân có một nghĩa là mầu mồng quân, mầu huân, mầu tím đen, mầu chiều tím. Lạc Long Quân là vua Mặt Trời Tím, Lạc Dương, Mặt Trời Hoàng Hôn, Mặt Trời Lặn, Mặt Trời Đêm. Lạc Long Quân có khuôn mặt nước lửa, nước dương, nước chuyển động, có một khuôn mặt là nước Biển vì thế mới là Thần Biển, có biểu tượng là con Rùa Vàng Kim Qui giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa và mới có truyền thuyết Lạc Long Quân dẫn năm mươi con xuống biển. Cha là Núi Kì, núi lửa, núi dương, núi Mặt Trời Thiên Đỉnh nên Lạc Long Quân cũng có một dòng máu núi nhưng là núi nước, núi âm tức non và là Non Mặt Trời Lặn, Non phía Tây, Non Đoài. Dòng máu non mặt trời lặn này mang tính liệt so với dòng máu biển vì thế mới dẫn con xuống biển. Chúng ta có núi Sơn Tây, Núi Thầy (với h câm, Thầy = Tầy = Tây) là Non mặt trời lặn dòng Lạc Long Quân. Các tộc gốc ở vùng Sơn Tây, Người Tây Thục, Tầy, Tây Việt thuộc dòng Lạc Long Quân. Từ Thầy U là tiếng xưng hô của tộc Lạc Long Quân Âu Cơ, Âu Lạc... Chính vì dòng máu núi non này từ cha truyền xuống nên Lạc Long Quân mới có tên mẹ đẻ là Sùng Lãm, có nghĩa là Cao Đẹp. Cái gì cao và đẹp? Hiển nhiên là non cao và đẹp vì có nhiều cây xanh tươi tốt nhờ có nước, là non cao lúc Mặt Trời hoàng hôn (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Lạc Long Quân có hai khuôn mặt. Một là khuôn mặt cõi trời, Tạo Hóa là Lạc nước-lửa cõi trời có một khuôn mặt sinh tạo, Tạo Hóa đội lốt Thần Nông, ngang hàng với Đế Minh. Với khuôn mặt sinh tạo Tạo Hóa này Lạc Long Quân ứng với khuôn mặt bầu nước của trái Bầu Nước trên bàn Bầu Cua. Khuôn mặt thứ hai ở cõi đất thế gian ứng với khuôn mặt Cá Chép trên bàn Bầu Cua. Theo truyền thuyết Mường, Lạc Long Quân có một khuôn mặt là con Cá Chép. -Âu Cơ Lạc Long Quân lấy cháu là Âu Cơ thuộc ngành Nọc, Lửa (Viêm Đế-Đế Minh-Kì Dương Vương). Chồng Lạc Long Quân dòng Nòng, Nước Thần Nông hôn phối vợ Âu Cơ dòng Nọc, Lửa Viêm Đế. Vì vậy mà Âu Cơ có dòng máu Lửa thế gian của Kì Dương Vương (Kì Dương Vương có một khuôn mặt là núi Kì, núi lửa, núi dương) nên Âu Cơ có một khuôn mặt núi âm tức Non (Cấn). Vì vậy mà bà dẫn năm mươi con lên non, lên núi về quê nội dòng Lửa. Về phía ngoại, Âu Cơ có dòng máu Nước vũ trụ Khôn của Vụ Tiên (Lạc Long Quân có một khuôn mặt sinh tạo, vòm trời, vũ trụ, Tạo Hóa tương đương với Đế Minh nên Âu-Cơ cũng có khuôn mặt sinh tạo, vòm trời, vũ tru, Tạo Hóa tương đương với Vụ Tiên. Âu-Cơ ở cõi Tiểu Vòm Trời, Vũ Trụ đội lốt Vụ Tiên ở cõi Đại Vũ Trụ). Nước ở dòng Lửa, nước gặp lửa bốc thành hơi, khí, gió nên Âu Cơ có dòng máu gió âm Tốn (OII) hay lửa (II) của (O), nòng, âm. Cũng vì mang dòng máu gió âm Tốn này mà bà đẻ ra một cái bọc. Tốn là gió âm có biểu tượng là cái bao, cái bọc, cái túi (ông thần gió thường khoác cái túi gió trên vai). Di thể bọc gió này truyền từ dòng máu bầu của bầu Khôn nước cõi trời Vụ Tiên. Âu-Cơ là bầu gió Tốn thế gian đội lốt bầu nước Khôn Vụ Tiên cõi vòm trời, vũ trụ, tạo hóa. Có nhiều truyền thuyết diễn nghĩa cái bọc, cái bầu này. Có truyền thuyết cho là bà đẻ ra “bọc trứng chim” và có truyền thuyết cho là “bọc trứng ném ra ngoài đồng”. Thật ra cái bọc này phải hiểu theo nghĩa tổng quát là bọc trứng, bầu trứng, bọc con thế gian mang hình ảnh của bọc, bao, bầu tạo hóa, vũ trụ, càn khôn, của bọc Trứng Vũ Trụ. Theo dòng máu gió âm Tốn thì cái bọc này có thể là bọc trứng chim. Có người dựa theo tên Âu cho bà là chim hải Âu, một loài chim biển ăn khớp với chồng có một khuôn mặt biển. Điều này đúng với các tộc sống dưới nước, trên thuyền vùng biển tức thuộc về một chi của tộc Giao Việt. Còn những tộc sống trên đất âm, ao đầm, ruộng nước thì Âu Cơ phải mang một khuôn mặt của con cò gió cái. Âu Cơ là U Cò. Hình ảnh “cái cò” này thấy rõ qua câu ca dao: Cái cò lặn lội bờ ao, Phất phơ hai dải yếm đào gió bay. (Ca dao). Con cò cái có hai dải yếm đào gió bay là con cò gió âm Tốn. Vợ là con cò Gió âm yếm hồng, yếm đào còn chồng là cò Nước dương, Cò Nác, cò Lạc đẻ ra con Hùng Lang có một khuôn mặt là Cò Lang, Cò Trắng, Bạch Hạc (xem dưới). Nhìn tổng thể, Âu-Cơ thuộc dòng Nọc, Lửa Viêm Đế-Đế Minh-Li Kì Dương Vương có một khuôn mặt Tốn OII. Phân tích Tốn OII ra, ta có O là o (mụ, mệ, cô; mụ có một nghĩa là mẹ như Thiên Mụ = Mẹ Trời) và II là Lửa (hai nọc dùi vào nhau làm ra lửa). Tốn OII có một khuôn mặt là O Lửa, Mẹ Lửa, U Lửa hay Thái Dương Thần Nữ. Âu Cơ, U Cơ có một khuôn mặt là Thái Dương Thần Nữ tương đương với Thái Dương Thần Nữ Amaterasu của Nhật. Âu Cơ là Mặt Trời đĩa tròn âm Rạng Đông, rạng ngày, mới ló rạng ở chân trời lúc tinh mơ (mặt trời đĩa tròn âm không có tia sáng) đẻ ra các vua Hùng Mặt Trời Mọc Hừng Rạng có nọc tia sáng rạng ngời (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). -Tổ Hùng Vương. Tổ Hùng Vương chỉ chung Trăm Lang nở ra từ bọc con của Âu-Cơ. Các Lang Hùng sinh ra từ Nang, Trứng (nang có một nghĩa là bọc, là trứng), Trứng Vũ Trụ. Như vậy hiển nhiên Tổ Hùng Vương cũng có một khuôn mặt vũ trụ, cõi trời là bầu, nang. Truyền thuyết nói rằng “cái bọc nở ra một trăm người con trai” (mà không nhắc tới con gái). Vậy nang trứng này là cái bọc mang dương tính đúng với nghĩa của cụm từ đẻ bọc điều (các Lang Hùng đẻ “bọc điều”). Nang dương, bọc điều diễn tả vũ trụ bầu trời dương tức Khôn dương, tức khí gió dương tức là Đoài vũ trụ, cõi trời. Như thế Tổ Hùng Vương có một khuôn mặt là Tổ Mặt Trời Trứng Vũ Trụ tức Tổ Mặt Trời Tạo Hóa, Sinh Tạo, Càn Khôn, Âm Dương, Mặt Trời-Không Gian (Sun as Creator) tương đương với thần Mặt Trời Ra của Ai Cập cổ. Ta cũng thấy các Tổ Hùng Đoài vũ trụ là các vua Mặt Trời Tạo Hóa, Sinh Tạo, Mặt Trời Bầu Trời, Vũ Trụ ở cõi nhân gian, đội lốt thần mặt trời Đế Minh, xa hơn nữa là đội lốt Viêm Đế. Hùng vương với khuôn mặt Tạo Hóa là cháu chắt cuối vòng sinh tạo lại trở thành ông Tổ Mặt Trời Viêm Đế, đầu vòng sinh tạo. Hùng Vương thế gian là con Lạc Long Quân lại mang khuôn mặt Tổ Hùng Vương Tạo Hóa sinh ra cha Lạc Long Quân thế gian. Điểm này đã ghi lại rõ ràng trong sử miệng ca dao tục ngữ qua câu: Sinh con rồi mới sinh cha, Sinh cháu giữ nhà, rồi mới sinh ông. Con Hùng Vương lại sinh ra cha Lạc Long Quân. Cháu Hùng Vương lại sinh ra ông Kì Dương Vương, cụ Đế Minh hay chút chít, chụt chịt Hùng Vương lại sinh ra ông Tổ Mặt Trời Viêm Đế. Ta cũng thấy rất rõ Hùng Vương con của Mặt Trời Lặn Lạc Long Quân là Mặt Trời Mọc Hừng Rạng (vì thế tôi gọi Hùng Việt là Hừng Việt và đặt tên một tác phẩm là Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Trong vòng sinh tạo, Mặt Trời Mọc Hừng Rạng Hùng Vương (là chắt của Đế Minh) lại sinh ra Cụ Mặt Trời Buổi Sáng Đế Minh, sinh ra ông mặt trời Giữa Trưa Kì Dương Vương và sinh ra cha Mặt Trời Lặn Lạc Long Quân. Trên bàn Bầu Cua Cá Cọc, khuôn mặt của Tổ Hùng Vương là con Cua. Tại sao lại là con cua? Con cua tương đương với con rùa hộp, rùa ba ba, rùa qui (qui có một nghĩa là tròn, vòng tròn) vì con cua cũng có mai hình vòm tròn tương đương với mai tròn của rùa hộp. Mai biểu tượng cho vòm trời, vòm vũ trụ, bầu trời, bầu vũ trụ, bọc khí gió vì thế con cua, con rùa hộp biểu tượng cho không gian, vũ trụ, vòm vũ trụ, vòm trời, khí gió dương, thái dương tức Đoài vũ trụ. Trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt, tôi đã chứng minh Hùng Vương có mạng gió dương Đoài tương đương với Phục Hy (Phục Hy có đuôi rắn thuộc ngành nòng âm, là đàn ông nên là dương của âm tức thiếu âm, nguyên thể của gió, Đoài bầu vũ trụ, cõi trời. Phục Hy có biệt hiệu là Thanh Tinh Sao Xanh và Rồng xanh tức Gió dương Đoài). Về phương diện ngôn ngữ học, Mã Lai ngữ kura hay cuora là con rùa chính là từ cua trong Việt ngữ. Ta cũng gọi con rùa nước ngọt tức con ba ba là con cua đinh. Như thế con rùa và con cua qua hai ngôn liên hệ mật thiết với nhau là Việt ngữ và Mã Lai ngữ tương đương với nhau. Rõ như con cua tám cẳng hai càng, một mai hai mắt rõ ràng con cua là cua Đoài Hùng Vương tương đương với rùa Đoài Phục Hy. Con dân Đoài Hùng Vương thế gian sống ở vùng đất thấp ao đầm, ruộng nước (Đoài thế gian có một nghĩa là ao đầm) nên đã chọn con cua quen thuộc thay cho con rùa ba ba, rùa qui. Con cua còn hình dung, gợi hình cho Dịch trọn vẹn hơn con rùa. Ngoài cái mai vòm tròn tương đương với mai rùa biểu tượng cho hư vô, Vô Cực, vũ trụ, con cua còn có hai càng ứng với Âm Dương, Lưỡng Nghi và bốn cẳng bên phải biểu tượng cho Tứ Tượng dương và bốn cẳng bên trái biểu tượng cho Tứ Tượng âm và như thế tám cẳng ứng với Bát Quái. Con Cua diễn tả Dịch trọn vẹn, hoàn hảo hơn rùa. Vì vậy mà trên bàn Bầu Cua Cá Cọc mới dùng con Cua để biểu tượng cho Hùng Vương có dòng máu Đoài vũ trụ và dòng máu Đoài thế gian ao đầm. Vì có mạng khí gió Đoài, nên Hùng Vương dòng gió mới đóng đô ở Phong châu tức châu Gió và có chim biểu là con Cò Gió, Cò Lang tức Cò Trắng (Lang có một nghĩa là trắng như chứng bị lang da, da hóa trắng, chứng vitiligo) có Cha là Cò Nước, Cò Lạc và mẹ là U Cò, Cò Gió “phất phơ hai dải yếm đào gió bay”. Cũng vì vậy nên mới có địa danh Bạch Hạc (Cò Trắng) bên bờ sông Thao (Lô), kinh đô cũ Phong châu của nước Văn Lang: Hùng Vương đô ở Phong châu, Ấy nơi Bạch Hạc, hợp dòng Thao Giang. Đặt tên là nước Văn Lang. Chia mười lăm bộ, bản chương cũng liền... (Lê Ngô Các, Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca). Khí Gió dương là Đoài vũ trụ, cõi trời. Khuôn mặt gió dông Đoài vũ trụ này đi với truyền thuyết Phù Đổng thiên vương. Đây là vị thần hay vị anh hùng văn hóa có cốt là sấm dông tố, có mạng Đoài vũ trụ ruột thịt với Hùng Vương cũng có mạng Đoài, vì vậy ông Dóng mới giúp vua Hùng thứ sáu đánh đuổi giặc Ân là vậy (Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt). Xin lưu tâm là: -trò chơi này thường gọi theo chiều Nòng, Nước, âm tức cùng chiều quay của kim đồng hồ là Bầu Cua Cá Cọc chứ không gọi theo chiều dương Bầu Cọc Cá Cua cho thấy gọi như thế là nghiêng về dòng Nòng, Nước Chấn Lạc Long Quân An Dương Vương. -trò chơi này chỉ gọi theo bốn tên Bầu Cua Cá Cọc (không có Tôm Gà) ứng với Tiểu Vũ Trụ, Cõi Người, cõi nhân sinh, ứng với truyền thuyết Việt từ Đế Minh trở xuống và các hình tượng đều là những thứ thân quen hiền hòa thấy trong đời sống hàng ngày của người dân dã Việt Nam nên bàn Bầu Cua có chủ đích diễn tả một thứ Dịch dân gian của Đại Tộc Việt Tóm lại Bàn Bầu Cua Cá Cọc diễn tả một thứ Dịch ứng với truyền thuyết và cổ sử Việt. Tôi gọi là Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc. Bàn Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc của Nguyễn Xuân Quang. Ta thấy hiện nay mỗi bàn Bầu Cua chỉ diễn tả được một phần của một loại Dịch không trọn vẹn, chỉ đúng một phần vì người chế tạo không biết đây là Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc. Tôi xin sáng tác ra một bàn Bầu Cua có những chi tiết diễn dịch theo truyền thuyết và cổ sử Việt hầu giúp cho việc học và dậy văn hóa Việt Nam bằng Bầu Cua Cá Cọc cho dễ hiểu, dễ nhớ và đầy hào hứng, giải trí (xem Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc với những hình minh họa của họa sĩ Khánh Trường). Tóm lược lại bàn Bầu Cua Cá Cọc là một thứ Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc hay Việt Dịch Con Cua Hùng Vương. Dịch Bầu Cua Cá Cọc là Việt Dịch? Như trên đã biết tùy theo cách sắp đặt của bát quái gọi là bát quái đồ ta có những loại Dịch khác nhau. Việt Dịch phải có các quẻ trên bát quái đồ sắp xếp riêng theo văn hóa, truyền thuyết Việt. Như thế câu hỏi được đặt ra là bàn Bầu Cua Cá Cọc của dân dã Việt Nam có thật sự diễn tả Việt Dịch hay không? Hay là ta lấy của Trung Hoa như nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn trong một băng nhạc của trung tâm Thúy Nga có nêu ra là có một vị cho là trò chơi này của Trung Hoa hay Trung Hoa cũng có trò chơi này. Vì Bầu Cua Cá Cọc diễn tả Dịch lý nên người Trung Hoa, Tây Tạng, Ấn Độ, Ai Cập, Maya, vân vân, có Dịch hay có quan niệm Lưỡng Thể (nguyên lý căn bản của Dịch) thì họ cũng có thể có một thứ trò chơi cùng một nguyên lý nòng nọc hay là một dạng biến thể của Bầu Cua Cá Cọc của dân gian Việt Nam. Ví dụ người Trung Hoa có thể có một trò chơi cùng loại “Bầu Cua” nhưng có thể có con chim phượng thay cho Gà, Cọp thay cho Hươu, Rồng thay cho cá Chép, Rùa qui thay cho Cua... Chắc chắn bàn “Bầu Cua” của Trung Hoa, nếu có, có những hình biểu tượng khác với các hình tượng trên bàn Bầu Cua Cá Cọc của chúng ta vì Việt Dịch và Dịch Trung Hoa có những điểm khác nhau. Sau đây là vài điểm mấu chốt đặc thù cho thấy Bầu Cua Cá Cọc là Việt Dịch của dân gian Việt Nam. 1. Con Tôm là vật biểu của Thần Nông có đầu tôm của Đại Tộc Việt. Thần Nông đầu tôm của Đại Tộc Việt mang hình ảnh con Tôm He biểu tượng ngành Nòng (có một khuôn mặt là Nước-Gió) hoàn toàn khác biệt với ông thần nông nghiệp, làm ruộng Thần Nông đầu bò của Trung Hoa. 2. Con Gà là chim Việt thế gian mang dòng máu chim Việt tạo hóa là chim Rìu, chim Cắt. Gà cùng họ hàng với chim trĩ. Chim trĩ thần thoại hóa thành chim phượng của Trung Hoa. Điểm này cho thấy văn hóa Trung Hoa là một nền văn hóa mang tính trìu tượng, thần thoại hóa nên phát triển muộn hơn văn hóa Man Di Việt cổ. 3. Quả Bầu: theo truyền thuyết Mường Việt, con Người (Tiểu Vũ Trụ) sinh ra từ quả bầu (Đại Vũ Trụ). Người Kinh (Việt) từ quả Bầu chui ra trước nên có da trắng và người Mường và các sắc dân vùng cao chui ra sau nên có da đen hơn. Tổ Hùng Vương sinh ra tứ một bọc trứng, một Bầu trứng mang hình bóng Bầu sinh tạo, Bầu Tạo Hóa. Hùng Vương có hai khuôn mặt: khuôn mặt truyền thuyết là Tạo Hóa và khuôn mặt nhân gian có thể là lịch sử. Mẹ Tổ Âu Cơ đẻ ra một bọc, một Bầu Trứng. 4. Con Hươu là thú biểu của vua thế gian đầu tiên của người Việt là Kì Dương Vương, Vua Hươu Mặt Trời, có tên mẹ đẻ là Hươu Nọc Lộc Tục. Vua Kì Mặt Trời có thú biểu là con Kì, con Kèo (Cọc nhỏ), con Hèo (k=c=h), con Hiêu, con Hưu, con Hươu Mặt Trời, có linh thú là con Kì (trong cặp Kì lân). Việt là Rìu là Dìu, là Tìu, là Tiều, là Tườu, là Hươu. 5. Con Cá chép hóa long là thú biểu của Vua Rồng Nước Lạc Long Quân. 6. Con Cua (Còng Gió) là thú biểu thế gian đồng ruộng của Hùng Vương. 7. Điểm mấu chốt quan trọng nhất là Dịch Bầu Cua Cá Cọc có bốn quái dương ứng với Tứ Tượng dương là Càn, Li, Chấn, Đoài, theo duy dương (đọc theo chiều ngược chiều kim đồng hồ là Bầu Cọc Cá Cua) xếp đúng theo cây phả hệ của các tổ phụ của chúng ta, rập đúng theo truyền thuyết, huyền sử Việt là Càn Bầu Đế Minh sinh ra con Li Hươu Cọc Kì Dương Vương, có cháu Chấn Cá Chép Lạc Long Quân và chắt Đoài Cua Hùng Vương. Trong khi đó các quái này ở Dịch Trung Hoa xếp theo thứ tự khác, nghĩa là Dịch Trung Hoa là một loại Dịch khác với Dịch Dịch Bầu Cua Cá Cọc. Ví dụ ở Tiên Thiên bát quái (Dịch Phục Hy) bốn quái dương ứng với Tứ Tượng dương xếp theo Càn, Đoài, Li, Chấn (so sánh với truyền thuyết và cổ sử Việt, ta thấy ứng với Đế Minh, Hùng Vương, Kì Dương Vương, Lạc Long Quân, rõ ràng thứ tự lung tung không ăn khớp với truyền thuyết và huyền sử Việt) và ở Hậu thiên bát quái các quái dương và âm xếp xen lẫn với nhau không phân chia ra hai phía dương và âm riêng biệt. Điểm này phản bác lại những người mang đầu óc nô lệ bị đô hộ bởi người Tầu hay những người Việt gốc Hoa cho rằng Bầu Cua Cá Cọc là trò chơi của người Trung Hoa. Chắc chắn bàn “Bầu Cua” của Trung Hoa, nếu có, có những hình biểu tượng khác với các hình tượng trên bàn Bầu Cua Cá Cọc của chúng ta vì Việt Dịch, văn hóa Việt và Dịch Trung Hoa, văn hóa Trung Hoa có những điểm khác nhau. Nếu là của Trung Hoa thì tại sao lại xắp xếp các quái rập theo truyền thuyết, huyền sử và cổ sử Việt? 8. Nhìn theo diện dòng mặt trời Viêm Đế ta thấy bàn Bầu Cua diễn tả những mặt trời của các Tổ Mặt Trời của chúng ta đúng theo chu kỳ ngày đêm: đó là Mặt Trời Buổi Sáng Bầu Đế Minh (có vợ Vụ Tiên là Mặt Trời đĩa tròn Buổi Tối) rồi đến Mặt Trời Giữa Trưa Hươu Cọc Kì Dương Vương (có vợ Thần Long là Mặt Trời đĩa tròn Nửa Đêm), kế tiếp là Mặt Trời Lặn Cá Chép Lạc Long Quân (có vợ Âu-Cơ là Mặt Trời Mọc đĩa tròn rạng ngày hay Thái Dương Thần Nữ) và tiếp theo là mặt Trời Mọc Hừng Rạng Hùng Vương (có vợ là mặt trời lặn đĩa tròn chạng vạng). Trên bàn Bầu Cua những Tổ Phụ được diễn tả bằng các mặt trời có nọc tia sáng rạng ngời, có số nọc tia sáng và mầu sắc khác nhau và các Tổ Mẫu được diễn tả bằng các mặt trời đĩa tròn có vòng tròn đầy mỏng và mầu sắc khác nhau (xem minh họa của họa sĩ Khánh Trường trên bàn Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc do tác giả vẽ kiểu). Vân vân... Cách Chơi 1. Cách Chơi Thông Thường Ai cũng biết cách chơi thông thường này ra sao rồi, tôi không cần nhắc lại. 2. Cách Chơi Theo Truyền Thuyết Cổ Sử Việt. Nhà con có thể chọn cách chơi dựa vào truyền thuyết, huyền sử và cổ sử Việt, nghĩa là có thể chọn: -Hai cửa ứng với hai vị Thần Tổ tối cao, tối thượng Viêm Đế Thần Nông tức hai cửa Gà và Tôm. Nếu hai thứ này hiện ra cùng một lúc ở mặt trên của hai trong ba con súc sắc thì người đánh sẽ thắng. Giá trị thắng bằng gấp năm hay gấp mười số tiền hay vật đã đặt (tùy theo sự qui định lúc trước khi chơi của nhà cái và nhà con). Nếu không có hình giống nhau hiện ra đủ cả hai cửa thì nhà con bị thua (nếu chỉ hiện ra một trong hai con là Gà hoặc Tôm thì nhà con cũng thua). -Ba cửa ứng với ba khuôn mặt sinh tạo, Tạo Hóa nhánh nọc dương là Con Gà Viêm Đế, Bầu Lửa-Nước Đế Minh/Vụ Tiên và Hùng Vương ngành nọc Lửa Cua Đá. Thể thức ăn và thua giống như trên. - Ba cửa ứng với ba khuôn mặt sinh tạo, Tạo Hóa nhánh nòng âm là Con Tôm Thần Nông, Bầu Nước-Gió Lạc Long Quân/Âu-Cơ và Hùng Vương ngành nòng Nước con Cua Biển (con ghẹ). Thể thức ăn và thua giống như trên. -Ba cửa ứng với Tam Thế cõi nhân sinh là Cõi Trên Vòm Trời Con Cua, Cõi Giữa, dương gian Con Hươu và Cõi Dưới Con Cá. Thể thức ăn và thua giống như trên. -Ba cửa ứng với Họ Hồng Bằng Thế Gian kể từ Kì Dương Vương trở xuống tức chọn chơi ba cửa Con Hươu, Con Cá và Con Cua. Thể thức ăn và thua giống như trên. -Bất kì ba cửa nào thuộc ngành Lửa tức phía Tổ Mẫu Âu-Cơ ví dụ như chọn chơi ba cửa Bầu Lửa Đế Minh, Hươu Lửa Kì Dương Vương, Cá Chép dòng Lửa Lạc Long Quân hay Hươu Lửa Kì Dương Vương, Cá Chép dòng Lửa Lạc Long Quân và Cua Đá dòng Lửa Hùng Vương hoặc Cá Chép dòng Lửa Lạc Long Quân, Cua Đá dòng Lửa Hùng Vương và Bầu Lửa Đế Minh, vân vân... Thể thức ăn và thua giống như trên. -Bất kì ba cửa nào thuộc ngành Nước tức phía Tổ Phụ Lạc Long Quân ví dụ như chọn chơi ba cửa Bầu Nước-Gió Lạc Long Quân, Con Ghẹ Hùng Vương, Cá Chép dòng Nước An Dương Vương hoặc Con Ghẹ Hùng Vương, Cá Chép dòng Nước An Dương Vương và con Kì Mang dòng Nước Đế Minh vân vân... Thể thức ăn và thua giống như trên. -Đánh Âu Cơ với khuôn mặt thuộc nhánh Lửa tức non thế gian thì đặt ở cửa con Hươu Cọc (Âu-Cơ có thú biểu là con nai sao thuộc dòng hươu cọc Kì Dương Vương). -Đánh Âu-Cơ với khuôn mặt sinh tạo đẻ ra bọc trứng thì chọn đánh cửa Quả Bầu Nước-Gió Lạc Long Quân/Âu Cơ. -Đánh Lạc Long Quân với khuôn mặt Nước-lửa thế gian thì đặt ở cửa con cá Chép dòng Lửa (cá gáy, cá lí ngư) ở hàng trên. -Đánh Lạc Long Quân với khuôn mặt sinh tạo đội lốt Thần Nông thì chọn cửa Quả Bầu Nước-Gió Lạc Long Quân/Âu Cơ. -Đánh Hùng Vương dòng Nước Cha Lạc Long Quân-An Dương Vương thì chọn con Cá Chép Nước (cá anh vũ) ở hàng dưới. -Đánh Hùng Vương dòng Lửa Mẹ Âu Cơ-Kì Dương Vương thì chọn cửa con Mang (mễn) Nước ở hàng dưới.. . . . . . Giáo sư hay người dậy truyền thuyết, huyền sử và cổ sử Việt có thể chọn những cách chơi kết hợp các cửa khác nhau thích ứng với bài sử muốn dậy và có thể dùng bàn Bầu Cua Cá Cọc để làm trắc nghiệm về sự hiểu biết của học viên về truyền thuyết, huyền sử, cổ sử Việt và Việt Dịch. Kết Luận Tóm lại ta phải nói Bầu Cua Cá Cọc chứ không phải là Bầu Cua Cá Cọp. Trò chơi Bầu Cua Cá Cọc có mục đích diễn dịch bằng hình ảnh, bằng trò giải trí một cách dân dã đầy lý thú, lôi cuốn của một thứ Việt Dịch bao gồm cái cốt lõi của nền văn hóa Việt Nam. Cốt lõi của văn hóa cổ Việt là Vũ Trụ giáo, Mặt Trời giáo, Việt Dịch nòng nọc. Kinh của Vũ Trụ giáo là Dịch Nòng Nọc (âm dương). Ở đây là Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc. Muốn hiểu thông suốt văn hóa Việt phải dựa vào Vũ Trụ giáo, Mặt Trời giáo, vào Việt Dịch để tìm hiểu. Không nhìn dưới lăng kính Dịch học thì không bao giờ hiểu thấu triệt được văn hóa Việt. Cần lưu tâm là có nhiều loại Dịch, chúng ta có những loại Dịch riêng biệt mang sắc thái Việt như Dịch Con Cua ở đây chẳng hạn, vì thế không thể dùng Dịch Trung Hoa mà giải thích văn hóa Việt một cách máy móc. Dĩ nhiên có một số truyền thuyết và những nét văn hóa muộn bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa do các nho sĩ ở một số địa phương diễn đạt nghiêng nhiều theo Dịch Trung Hoa (điều này giải thích tại sao có sự khác biệt trong nhiều truyền thuyết, trong nhiều ngọc phả của Hùng Vương). Khi nghiên cứu cổ sử, văn hóa Việt ta phải đối chiếu với tất cả các loại Dịch kể cả Dịch Trung Hoa để tìm ra một giải đáp thích đáng. Xin hãy đeo cặp kính Dịch lý vào mắt mà nhìn văn hóa Việt, hãy nhìn theo cái nhìn tổng thể bằng cả hai con mắt phải (dương) và con mắt trái (âm) để nhìn thấy cả con-voi-văn-hóa Việt dưới lăng kính của Vũ Trụ giáo, Mặt Trời giáo và Việt Dịch nòng nọc. Nếu không, những người làm văn hóa Việt chỉ là những nhà văn hóa chột mắt hay chỉ là những ông thầy bói sờ voi. Hãy học, dậy văn hóa Việt bằng Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc. Trò chơi Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc đầy hào hứng này là MỘT CÁCH THẬT LÀ DỄ DÀNG, DỄ HIỂU, DỄ NHỚ VÀ VUI THÍCH ĐỂ HIỂU, ĐỂ HỌC VÀ ĐỂ DẬY TRUYỀN THUYẾT VIỆT, HUYỀN SỬ VIỆT, CỔ SỬ VIỆT VÀ VIỆT DỊCH. Trò chơi Bầu Cua do tôi sáng tạo theo truyền thuyết và cổ sử Việt viết bằng song ngữ là một trợ huấn cụ giúp cho các thầy cô, giáo sư, các nhà giáo dục dùng để giảng dậy truyền thuyết, cổ sử, văn hóa và Việt Dịch từ trình độ tiểu học tới đại học cho cả người Việt và người ngoại quốc nhất là cho giới trẻ Việt ở hải ngoại. Đây là một kim chỉ nam, một cẩm nang giúp các nhà làm văn hóa Việt sửa lại, điều chỉnh lại những sai lầm, lệch lạc về văn hóa Việt hiện nay. Phần lớn các người làm văn hóa Việt hiện nay chỉ nhìn văn hóa Việt dưới một con mắt của một người chột mắt (thường bị chột mắt trái nên chỉ nhìn bằng con mắt phải theo duy dương của xã hội phụ hệ cực đoan ngày nay hay theo văn hóa mang tính cách “macho”, võ biền của Trung Hoa). Đây là một cách khai tâm học Dịch bằng hình ảnh và trò chôi rất hữu hiệu cho những ai muốn học và tìm hiểu Dịch lý nhất là Việt Dịch mà không muốn bị “mắc (vào) Dịch”. Ngoài ra Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc cũng có thể dùng để Giải Đọc Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á vì trống đồng âm dương Đông Nam Á là một bộ Dịch nòng nọc bằng đồng, cũng là một thứ Việt Dịch ruột thịt với Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc (xem Giải Đọc Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á, đang in). Tài Liệu Tham Khảo -Nguyễn Xuân Quang -Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt (Y Học Thường Thức, 1999). -Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt (Y Học Thường Thức, 2002). -Tiếng Việt Huyền Diệu (Hừng Việt, 2004). -Giải Đọc Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á (đang in). -Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái (NXB Văn Hóa, 1960). -Joseph Murphy, Secrets of the I Ching, Reward Books, 2000. khoahoc.net Share this post Link to post Share on other sites