Như Thông

Ý nghĩa đôi đũa và mâm cơm !!!

6 bài viết trong chủ đề này

Bài viết này hay quá đi àh :D . Mọi người ghé xem nhé :

ĐÔI ĐŨA VÀ MÂM CƠM

Thời nay dân Âu Mỹ đi ăn nhà hàng Á Đông đã bắt đầu dùng đũa càng ngày càng nhiều. Người Việt Nam đều dùng đũa trong mỗi bữa ăn nhưng có mấy người hiểu đưọc ý nghĩa của đôi đũa và mâm cơm? Không biết dân Việt dùng đũa từ bao giờ nhưng qua đôi đũa và mâm cơm chắc chắn tổ tiên chúng ta đã gửi gắm một triết lý sống cho con cháu nhớ đến đạo nhà.

A. Đôi đũa tượng trưng cho đạo vợ chồng

Có 5 điểm cần tìm hiểu:

1. Hai chiếc đũa ngang bằng.

Hai chiếc đũa có thể so lệch chút đỉnh nhưng nếu một chiếc quá dài với chiếc quá ngắn thì làm sao gắp được thức ăn hay và được cơm. Vợ chồng cũng thế, muốn ăn đời ở kiếp và có hạnh phúc tối đa, phải tương xứng nghĩa là ngang bằng về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần nhất là thời nay giữa hai người nếu có sự cách biệt quá xa thì trong nhà không thể yên ấm. Hãy tưởng tượng một cặp mà vợ quá cao chồng quá thấp hay chồng lịch sự cao sang gặp người vợ ăn nói cộc cằn thô lỗ thì sẽ xẩy ra chuyện gì?

2. Hai chiếc đũa phải thẳng.

Không thể một chiếc thẳng một chiếc cong hay hai chiếc cùng cong thì làm sao gắp được đồ ăn. Vợ chồng cũng vậy, ra ngoài xã hội có thể quay quắt đảo điên nhưng ở trong nhà sống với nhau phải tuyệt đối thật thà ngay thẳng.

3. Vợ chồng như đũa có đôi.

Ăn cơm với một chiếc đũa thật là khó khăn. Đũa có đôi nhắc ta ý nghĩa vợ chồng tương trợ thuận hòa. Ngày xưa, vợ lo việc nhà thì chồng lo việc xã hội; ngày nay , vợ nấu ăn thì chồng rửa chén, tuy hai mà một trên thuận dưới hòa.

4. Đôi đũa cùng một chất liệu.

Điều này khuyên vợ chồng nên cùng chung văn hóa. Á nặng tình, Âu Mỹ nặng lý nên Âu Á khó hòa hợp ví như chiếc đũa ngà đặt bên chiếc đũa tre thấy thật không tương đồng. Làm sao có hạnh phúc nếu hai vợ chồng người phật giáo người công giáo suốt ngày bênh vực đạo mình là chính thống hay người sống đa cảm ưa tình nghĩa với người mở miệng là tính toán đến lợi và danh.

5. Đôi đũa đa dụng.

Chỉ một đôi đũa mà thay cho cả ba thứ dao, nĩa và muỗng; biết lúc nào gắp thức ăn thay nĩa, lúc nào và hột cơm thay muỗng, lúc nào xắt miếng thịt thay dao. Người Việt được tiếng là thông minh tháo vát phải chăng nhờ dùng đũa hàng ngày?

B. Mâm cơm chỉ đạo nhà.

Posted Image

Trong bữa ăn, ông bà cha mẹ con cái ngồi quanh mâm cơm hình tròn, trên đặt các món ăn giữa là chén nước mắm. Thức ăn chính ngoài cơm thường là một tô canh, một đĩa rau luộc và một món mặn; sang hơn thì thêm một vài món chiên sào. Xới cơm từ nồi dùng đũa cả để ăn bằng đũa con. Trước khi ăn, người dưới phải mời cơm người trên và chờ khi người trên ăn rồi mình mới ăn. Các điều trên cho ta những ý nghĩa sau đây:

1. Đoàn kết, tròn đầy, mặn mà.

Quây quần quanh mâm cơm là đùm bọc trên dưới một lòng vì đoàn kết là sống chia rẽ là chết. Mâm tròn là sống tròn đầy tình nghĩa. Nước mắm đã mặn lại còn thêm một món mặn là ăn ở cốt yếu phải mặn mà, anh em như thể tay chân, chị ngã em nâng.

2. Riêng chung, lễ giáo, kỷ cương.

Món ăn là của chung cả nhà mà cũng là của riêng từng người, tuy riêng chung lẫn lộn nhưng còn lễ giáo vì "ăn trông nồi ngồi trông hướng", con cháu có muốn ăn cũng ngó cha ông ăn trước rồi mình mới ăn còn cha ông thường chỉ gắp lấy lệ rồi nhường món ngon cho con cháu. Trên biết nhường và hy sinh, dưới biết nhịn và lễ độ. Mâm tròn còn tượng trưng tinh thần bình đẳng vì mỗi vị trí trên vòng tròn đều ngang nhau, không có chỗ trên chỗ dưới chỗ trước chỗ sau. Tuy nhiên, có bình đẳng nhưng vẫn lớp lang như đũa cả đũa con và nơi ngồi đầu nồi là chỗ người mẹ với tính cách phục vụ lo cơm nước cho chồng con nhưng cũng nói lên vai trò của người cầm cương nẩy mực trong gia đình. Ở nhà, cha là chính nhưng chỉ có danh chứ thực quyền là nơi mẹ vì bà là nội tướng và "lệnh ông không bằng cồng bà".

3. Sống khỏe sống vui.

Trong thời văn minh vật chất hiện đại, con người ăn uống quá nhiều chất bổ dưỡng lại vận động quá ít nên sinh lắm bệnh tật. Nhiều người phải nhịn ăn hoặc kiêng cữ đủ thứ để "xuống ký". Khoa dinh dưỡng khuyên ta ăn nhiều rau trái cây và rất ít thịt để giữ gìn sức khỏe. Bữa ăn Việt Nam với cơm là chính cộng nhiều rau ít thịt đúng là thích hợp với phương pháp "ăn để sống khỏe sống vui".

C. Kết luận.

Gia đình là căn bản của xã hội. Ngay trong bữa ăn hàng ngày tổ tiên chúng ta đã truyền cho con cháu một đạo sống tròn đầy lễ nghĩa, tôn ti trật tự và kỷ cương trên dưới khác với lối sống Âu Mỹ, ăn có phần riêng mà ở cũng phòng riêng, bàn ăn hình chữ nhật hay vuông có ghế chính ghế phụ, nghe cũng hợp lý vì đề cao giá trị con người nhưng tiếc rằng vuông mà thiếu tròn nên con người vị kỷ, thích "cá nhân chủ nghĩa" luôn tính toán hơn thiệt đưa xã hội đến cảnh tranh đua giành giật, nói là tự do dân chủ nhưng thực chất chỉ là "xã hội Người giết hại Người" mà thôi.

Con người là linh vật biết suy tư và có tiến hóa. Không lẽ ta lại trở về đời sống thú vật? Muốn xứng đáng là Người, hãy khởi đầu từ đạo vợ chồng qua " Đôi Đũa" và sống trong "công thể" gia đình qua "mâm cơm". Đây là đạo nhà lý tưởng giúp con người sống "tròn" trong xã hội "vuông". Sống vuông tròn mới là sống, phải không bạn? Được vậy, ta vui sướng, vợ con ta sung sướng, gia đình ta thêm hạnh phúc. Bạn ơi, xin hỏi còn ước mong gì hơn trên cõi đời đầy tao loạn này nữa?

Posted Image

Đôi đũa - Nét văn hóa Việt

Tre xanh, xanh tự bao giờ...

Cây tre từ xưa đến nay vốn đã rất thân thuộc với những người dân vùng quê Việt. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia khi con người còn sống chung với loài quỷ, một ngày kia bọn quỷ cướp hết đất đai của con người và đuổi con người đi nơi khác.

Nhưng con người biết đi đâu, làm gì để kiếm ăn khi tất cả đất đai đã thuộc về tay lũ quỷ? Có lẽ cũng chính vì cây tre quá thân quen với con người Việt trong cuộc sống hàng ngày nên lúc đó con người đã xin lũ quỷ cho trồng một cây tre, bóng tre tỏa đến đâu thì con người sẽ sinh sống trong tầm bóng đó. Lũ quỷ đã không biết được đặc tính của tre là sinh sôi thành từng bụi to, thân cây nọ mọc san sát vào thân cây kia, một cây tre có thể sinh ra hàng chục cây măng con rồi từ đó chúng lại phát triển thành những cây tre to lớn nên chúng đã đồng ý ngay. Chẳng lâu sau cây tre đó mọc thành búi tre rậm rạp, bóng tre tỏa rộng khắp nơi. con người sinh sống trong bóng tre đó ngày càng nhiều, nhiều đến mức đánh tan cả lũ quỷ, khiến chúng phải bỏ chạy, cho đến giờ vẫn chưa ai biết là chúng chạy trốn ở đâu.

Ca dao có một câu: "Đời cha cho chí đời con/ Muốn vót cho tròn thì hãy đẽo vuông". Đó là nói về cách vót đũa, đôi đũa trong mỗi nhà đều có. Tuy có những nhà dùng đũa ngọc, đũa kim giao, đũa mun... nhưng thông dụng nhất vẫn là đũa tre, cây tre được chặt thành từng ống, trẻ thành từng que vuông và rồi đến công đoạn ngồi vót tỉ mỉ để cho nó thành chiếc đũa ta dùng hàng ngày. Cũng vì đũa được làm bằng tre, lại dễ vót nên ta thường thấy có nhiều đôi đũa, chỉ của một nhà, thường đã dài ngắn khác nhau, chưa kể đến một thôn, một xã. Việc đầu tiên khi mọi người ngồi vào mâm là so đũa sao cho hai chiếc bằng nhau từng đôi một và chia cho từng người. Không ai bằng lòng khi cầm đôi đũa ăn cơm mà lại cái ngắn cái dài, cái cao cái thấp, cái to cái nhỏ. Đôi đũa phải cân đối hài hòa. Vì thế mới có câu: "Vợ chồng như đũa có đôi".

Qua đôi đũa trong bữa ăn ta cũng có thể nhận thấy ngay những kẻ thô tục, phàm phu bằng câu : "Gắp thức ăn mời khách mà không giở đầu đũa", bởi người Việt Nam tế nhị nên luôn ý thức rằng giở đầu đũa gắp cho khách là thể hiện sự tôn trọng, lịch sự. Còn cứ để đầu đũa đang ăn mà gắp cho khách, nhất là những người kỹ tính, họ sẽ cho đó là thô tục.

Trước kia, mỗi khi nhà có việc lớn phải làm cỗ như đám cưới, đám giỗ... họ thường phải mua tre về ngâm để vót đũa, tre ngâm xuống ao thì đũa sẽ để được lâu mà không bị mọt, vót xong họ thường để lên gác bếp cho hết mùi của tre ngâm, lâu ngày rồi mới mang xuống dùng. Mỗi nhà thường dự trữ vài chục đôi để dùng khi có việc.

Giờ đây, chúng ta đã có các loại đũa tre, đũa gỗ sản xuất bằng máy công nghiệp, vừa tiện, vừa bằng nhau chằn chặn. Kể cả loại đũa dùng một lần ở các quán ăn. Loại đũa công nghiệp này cũng không hay bị cong, bị vênh như câu tục ngữ xưa: "Vợ dại không hại bằng đũa vênh".

Tuy làm ra đôi đũa đơn giản nhưng "chăm sóc" nó không đơn giản chút nào, hàng ngày cùng với chiếc mâm luôn sáng bóng, chồng bát khô ráo, thì đôi đũa cũng phải được rửa sạch sẽ, phơi khô ráo rồi mới cất vào chạn bát. Thời gian gần đây, hàng quà phát triển mạnh, hàng cơm bụi cũng nhiều để phục vụ cho nhu cầu ăn sáng, ăn trưa, ăn tối của người dân. Kể ra cũng tiện, nhưng trong cái tiện ấy vẫn sợ nhất là đôi đũa, những khi đông khách chủ hàng phải làm vội, có khi chỉ kịp nhúng đôi đũa vào qua chậu nước rửa bát với chút bọt xà phòng nổi trên mặt, rồi ngoắng ngoắng mấy cái là bỏ ngay vào ống đũa. Nó vẫn còn ướt ướt, nhờn nhờn của mỡ, cầm đã ghê tay, không biết còn bao nhiêu vi khuẩn ở đó nữa được con người đưa trực tiếp qua đường miệng.

Bữa cơm có thể là thời gian xum vầy cho cả nhà, nếu mọi người để ý trong mỗi cuộc đoàn viên ấy đều có sự góp mặt của đôi đũa. Nhìn một người cầm đũa có thể đoán ngay ra người đó được sinh trưởng trong một gia đình như thế nào. Với người dân Việt chúng ta, đôi đũa đã trở thành quen thuộc từ khi biết ăn cơm, cho đến khi ra đi, nằm nghỉ trong quan tài vẫn có đôi đũa vót bông với bát cơm; quả trứng tiễn biệt.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cảm ơn Như Thông. Bài này hay thật. Nhưng cho biết nguồn từ đâu vậy? Ai là tác giả?

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Có những việc tưởng chừng như đơn giản mỗi ngày mà đôi khi ta quên đi giá trị của nó ! Bài này HAY LẮM ! Cám ơn Như Thông !

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cảm ơn Như Thông. Bài này hay thật. Nhưng cho biết nguồn từ đâu vậy? Ai là tác giả?

Thiên Sứ

Bài này tối qua Như Thông thấy trên mạng, sáng giờ kiếm không ra nữa. Không biết nó nằm trên trang web nào nữa. Hic

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đồng ý với tác giả về mọi điểm trừ điểm thứ 5 : đôi đũa đa dụng. Đôi đũa đa dụng thì đúng , nhưng người Việt thông minh tháo vát thì... :rolleyes: .

Ngoài ra người phương Đông làm nông nghiệp nên họ thường quan sát cách ăn của chim , dùng hai chân kẹp hoa quả rồi ăn nên sinh ra đôi đũa . người phương Tây săn bắn , họ quan sát cách ăn của mãnh thú : dùng nĩa và dao để xé thức ăn. ( theo Trần Ngọc Thêm trong cuốn văn hóa Việt Nam)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay