Lê Bá Trung

Hợp Thập.

1 bài viết trong chủ đề này

Trong vấn đề chọn phương hướng cho nhà cửa hay phần mộ thì có 2 cách thông thường là chọn chính hướng sao cho được cuộc “Vượng Sơn, Vượng Hướng”, hoặc chọn kiêm hướng để dùng Thế Quái hầu đem vượng khí tới tọa-hướng. Ưu điểm của 2 cách này là sẽ giúp cho tài, đinh của 1 căn nhà được vượng phát nhanh chóng, nếu chọn thời điểm xây nhà, lập mộ đúng lúc thì có thể “táng (hay xây) vào tháng DẦN (tức tháng 1 Â.L) thì tháng MÃO (tức tháng 2 Â.L) phát”. Nhưng khuyết điểm của nó là thời gian hưng vượng lại rất ngắn ngủi, đa số chỉ phát trong khoảng 1 vận (tức 20 năm) mà thôi. Nếu muốn tiếp tục phát thì thường là cứ sau 1 vận phải tu sửa lại nhà cửa hay phần mộ, kẻo nếu không thì tai họa sẽ ập tới như trường hợp Liêu kim Tinh (tức Liêu công) thời Tống.

Liêu kim Tinh xuất thân hàn vi, phải đi ở cho nhà của 1 đại quan là Trương minh Thúc. Vợ của họ Trương là con gái của Ngô cảnh Loan, 1 danh sư Phong thủy thời đó, thấy Liêu công thông minh, tướng mạo khôi vĩ mà phải chịu cảnh cơ cực, nên mới đem những bí lục của phụ thân truyền cho. Sau khi học xong, vì quá nghèo, Liêu công bèn tìm địa huyệt đắc “Vượng sơn, vượng hướng” mà cải táng mồ mả cho tổ tiên. Từ đó, gia đình ông đinh, tài đều vượng phát, danh tiếng nổi như cồn, được dân chúng vùng đó coi như 1 vị thánh, ngày nào cũng mời ông đi xem Phong thủy. Chuyện này đến tai 1 gia đình thế phiệt, họ liền mời ông về, dùng lễ thượng khách mà hậu đãi, chỉ mong ông tìm cho họ những cuộc đất tốt. Trong 18 năm trời, Liêu công đã tìm được 74 cuộc đất quý. Lúc đó cũng đã gần hết thời hạn vượng phát mồ mả của tổ tiên mình, nên Liêu công mới muốn xin về để tìm đất tu sửa hay cải táng lại. Nhưng nhà kia tham lam, cứ nhất quyết giữ ông ở lại thêm 4 năm nữa mới cho về. Khi ông về đến nơi thì đại họa đã xảy ra, tất cả các con đều đã chết, chỉ còn bà vợ già và 2 đứa cháu nhỏ. Liêu công vì quá đau buồn nên từ đó sinh bệnh rồi chẳng bao lâu cũng tạ thế.

Nói như vậy không phải là mọi cuộc “Vượng sơn, vượng hướng” đến khi thất vận đều sẽ bị tai họa thảm khốc như thế, mà điều đó còn tùy thuộc vào địa hình và Phi tinh của từng địa huyệt. Nhưng nó cho thấy khuyết điểm của cuộc “Vượng sơn, vượng hướng” là không được lâu dài, và vì vậy những nhà Phong thủy sau này đã tìm kiếm những cách cục khác có khả năng bảo đảm sự vượng phát của 1 gia đình lâu dài hơn cuộc “Vượng sơn, vượng hướng”. Một trong những cách cuộc đó là tình huống “HỢP THẬP”.

Nói “Hợp Thập” là khi trong các vận-sơn-hướng tinh, có 2 trong 3 số đó cộng với nhau (hợp) thành 10 (thập). Có 2 tình thế “Hợp Thập” xảy ra giữa Vận, Sơn và Hướng tinh như sau:

1/ Vận tinh và Sơn tinh cộng lại thành 10: Như trong một cung có các vận-sơn-hướng tinh 9-1-3, thì vận tinh 9 + Sơn tinh 1 = 10, nên đó là tình huống “Hợp Thập” giữa Vận tinh và Sơn tinh.

2/ Vận tinh và Hướng tinh cộng lại thành 10: Như trong một cung có các vận-sơn-hướng tinh 8-6-2. Vì Vận tinh 8 + Hướng tinh 2 = 10, nên là sự “Hợp Thập” giữa Vận tinh và Hướng tinh.

Cả 2 trường hợp kể trên đều đòi hỏi tất cả các cung phải có sự “Hợp Thập” thì mới có hiệu lực. Những trường hợp này còn được gọi là “toàn bàn Hợp thập”. Nếu trong trạch bàn chỉ có sự “Hợp Thập” ở 1, 2 cung thì không đáng kể lắm.

- Thí dụ 1: Nhà tọa TÝ, hướng NGỌ (tức 180 độ), nhập trạch trong vận 7.

Posted Image

Nếu lấy trạch vận thì thấy tại tất cả các cung, Vận tinh và Sơn tinh đều cộng với nhau thành 10. Đây là trường hợp toàn bàn Hợp thập giữa Vận tinh và Sơn tinh.

- Thí dụ 2: Nhà tọa NGỌ hướng TÝ (tức 0 độ), nhập trạch trong vận 7.

Posted Image

Nếu lấy trạch vận thì thấy tại tất cả các cung, Vận tinh và Hướng tinh đều cộng với nhau thành 10. Đây là trường hợp toàn bàn Hợp thập giữa Vận tinh và Hướng tinh.

Có tất cả 12 tình huống toàn bàn Hợp thập giữa Vận tinh với Sơn tinh, cũng như 12 tình huống Hợp thập giữa Vận tinh với Hướng tinh như sau:

* Giữa Vận tinh với Sơn tinh:

- Vận 1: Tọa TỐN hướng CÀN, tọa TỴ hướng HỢI.

- Vận 3: Tọa NGỌ hướng TÝ, tọa ĐINH hướng QUÝ.

- Vận 4: Tọa CANH hướng GIÁP.

- Vận 6: Tọa GIÁP hướng CANH.

- Vận 7: Tọa TÝ hướng NGỌ, tọa QUÝ hướng ĐINH.

- Vận 8: Tọa SỬU hướng MÙI, tọa MÙI hướng SỬU.

- Vận 9: Tọa CÀN hướng TỐN, tọa HỢI hướng TỴ.

* Giữa Vận tinh với Hướng tinh:

- Vận 1: Tọa CÀN hướng TỐN, tọa HỢI hướng TỴ.

- Vận 2: Tọa SỬU hướng MÙI, tọa MÙI hướng SỬU.

- Vận 3: Tọa TÝ hướng NGỌ, tọa QUÝ hướng ĐINH.

- Vận 4: Tọa GIÁP hướng CANH.

- Vận 6: Tọa CANH hướng GIÁP.

- Vận 7: Tọa NGỌ hướng TÝ, tọa ĐINH hướng QUÝ.

- Vận 9: Tọa TỐN hướng CÀN, tọa TỴ hướng HỢI.

Ngoài hai tình huống Hợp thập giữa Vận-Sơn-Hướng tinh như ở trên thì còn một tình huống Hợp thập đặc biệt khác. Đó là khi trong một trạch bàn, Sơn tinh của một cung cộng với Hướng tinh của cung đối diện thành 10. Trường hợp này cũng đòi hỏi Sơn tinh của tất cả 8 cung (tức chỉ trừ Sơn tinh tại trung cung) đều phải “hợp” với Hướng tinh của cung đối diện thành 10. Đây là trường hợp toàn bàn Hợp thập giữa Sơn và Hướng tinh.

- Thí dụ: nhà tọa CẤN hướng KHÔN (tức hướng 225 độ), nhập trạch trong vận 5. Nếu lấy trạch vận thì ta thấy:

Posted Image

- Sơn tinh 5 ở phía TÂY NAM + Hướng tinh 5 ở phía ĐÔNG BẮC = 10;

- Sơn tinh 1 ở phía TÂY + Hướng tinh 9 ở phía ĐÔNG = 10.

- Sơn tinh 9 ở phía TÂY BẮC + Hướng tinh 1 ở phía ĐÔNG NAM = 10.

- Sơn tinh 4 ở phía BẮC + Hướng tinh 6 ở phía NAM = 10.

- Sơn tinh 2 ở phía ĐÔNG BẮC + Hướng tinh 8 ở phía TÂY NAM = 10.

- Sơn tinh 6 ỏ phía ĐÔNG + Hướng tinh 4 ở phía TÂY = 10.

- Sơn tinh 7 ở phía ĐÔNG NAM + Hướng tinh 3 ở phía TÂY BẮC = 10.

- Sơn tinh 3 ở phía NAM + Hướng tinh 7 ở phía BẮC = 10.

Ngoài ra nếu nhìn vào trung cung thì cũng thấy Sơn tinh 8 + Hướng 2 = 10, nên đây là cách toàn bàn Hợp thập giữa Sơn tinh và Hướng tinh.

Vì đây là cách cục đặc biệt, nên chỉ có 6 trường hợp, và đều xảy ra trong Vận 5 cho những nhà có tọa-hướng CẤN-KHÔN, KHÔN-CẤN, THÂN-DẦN, DẦN-THÂN, GIÁP-CANH, CANH-GIÁP mà thôi.

TÁC DỤNG CỦA HỢP THẬP

Hợp thập tức là dùng Thập số (số 10) để thông với Ngũ Hoàng ở trung cung mà tạo thành thế “Thiên tâm Thập đạo” của Lạc thư và Hậu thiên Bát quái. Vì Thập (10) là âm Kỷ, thuộc Địa, còn Ngũ (5) là dương Mậu, thuộc Thiên, nên khi lấy Thập (10) ở tám cung mà phối với Ngũ (5) tại Thiên tâm (chính giữa) thì sẽ tạo thành sự kết hợp giữa Thiên- Địa, Phu – Phụ, Âm - Dương, hay như Thẩm trúc Nhưng nói là “tượng trưng cho sự thần diệu, sự thần diệu dùng số để biểu hiện, một Âm, một Dương là đạo vậy. Hai khí giao cảm mà hóa sinh vạn vật, sinh sinh không ngừng, biến hóa vô tận...công dụng của Hợp thập đều ghi cho sức của Mậu-Kỷ, khí vận mà được điều này thì mọi thứ hanh thông, vận vận tốt đẹp”.

Cho nên nơi nào có Hợp thập là có thể làm cho thông khí (còn gọi là Thông quái), toàn bàn đắc Hợp thập tức có thể làm cho thông khí hết 8 cung, khiến cho toàn cục đang suy (vì không đắc vượng khí tới tọa-hướng) lại chuyển thành vượng mà phát phúc, lộc song toàn.

Tuy nhiên,không phải tất cả mọi nhà đắc cách Hợp thập đều có thể xử dụng được nó, mà chỉ có những nhà hội đủ những yếu tố cần thiết (sẽ nói trong 1 dịp khác) mới có thể vượng phát được, còn nếu không thì cũng chỉ tầm thường hoặc suy bại mà thôi.

Một số người cho rằng những nhà có sự Hợp thập giữa Vận tinh và Sơn tinh thì sẽ vượng về nhân đinh, nếu có Vận tinh với Hướng tinh Hợp thập thì sẽ phát về tài lộc. Điều này có lẽ chỉ là sự suy diễn theo quan điểm “Sơn quản nhân đinh, Thủy quản tài lộc” mà ra. Nhưng họ không để ý rằng 1 khi đã có tình huống Hợp thập (bất kể giữa Vận tinh với Sơn hay Hướng tinh) thì toàn bàn đã thông khí được với trung cung (tức Thiên tâm), 2 khí âm-dương Mậu-Kỷ đã tác hợp nên Sơn vượng thì Hướng cũng vượng và ngược lại. Chính vì vậy mà Thẩm trúc Nhưng mới nói ”khí vận mà được điều này thì mọi thứ hanh thông, vận vận tốt đẹp”, chứ không chỉ thuần 1 vấn đề là vượng đinh hay vượng tài không được.

Sau cùng, ngoài những cách Hợp thập của Phi tinh đã nêu trên thì còn có cách Hợp thập theo hình cục của Loan đầu. Theo cách này thì nếu lai long ở phía sau và hướng thủy ở phía trước có thể hợp với tọa-hướng của căn nhà (hay mộ huyệt) để tạo thành 1 đường thẳng, nhà lại nằm tại trung tâm của thế đất để lấy Thiên tâm, tức địa thế 2 bên đã được phân ra đồng đều thì cũng là cách Hợp thập theo địa hình. Tuy nhiên cách này đòi hỏi tọa-hướng của căn nhà cũng phải đắc vượng khí của Sơn-Hướng tinh, tức là trong thực chất cũng chỉ là 1 trường hợp “Vượng sơn, vượng hướng” mà thôi. Nhưng do hình cục đắc “Thiên tâm thập đạo” nên lúc đương vận có thể phát mạnh hơn những cuộc “Vượng sơn, vượng hướng” bình thường, mà đến lúc thất vận cũng không đến nỗi suy tàn nhanh chóng. Nhưng muốn đắc cách Hợp thập theo hình cục thì nhà cũng phải lập tọa-hướng theo đơn hướng, chứ không thể dùng kiêm hướng. Nếu kiêm hướng ắt thế Thiên tâm thập đạo sẽ bị phá bể mà phát sinh ra nhiều hung họa. Cho nên chẳng thà là lập theo nguyên tắc “Vượng sơn, vượng hướng” như bình thường, hoặc dùng phương pháp Thế quái, chứ đừng quá tham lam chọn cách Hợp thập để chuốc lấy nhiều tai họa sau này.

Nguồn:phongthuyhuyenkhong.com

Share this post


Link to post
Share on other sites