Thiên Cơ

Thuật dưỡng sinh của Khổng Tử

4 bài viết trong chủ đề này

Khổng Tử (511-479 trước Công nguyên) là nhà giáo dục, nhà tư tưởng vĩ đại của Trung Quốc, được tôn xưng là “Thánh nhân phương Đông”, “Vạn thế sư biểu”. Sống vào thời kỳ Xuân Thu cách nay hơn 2.500 năm, tuổi thọ trung bình của con người lúc ấy chỉ khoảng 35-40, nhưng Khổng Tử thọ đến 73 tuổi. Có thể nói chỉ riêng về phương diện dưỡng sinh, Đức Khổng đã để lại nhiều bài học quý giá.

Nỗ lực không ngừng.

Khác với Lão Tử chủ trương “thanh tĩnh vô vi”, Khổng Tử chủ trương “tự cường bất tức”- phấn đấu không ngừng nghỉ, tuân theo sự vận hành của trời đất. Cả đời Khổng Tử mang hoài bão cải cách xã hội bằng Nho giáo, xây dựng chế độ có tôn ti trật tự theo định chế thuyết Chính danh bằng đức trị. Ông cùng các đệ tử đi khắp các nước để truyền bá tư tưởng mình, dù gặp nhiều gian khổ và không được trọng dụng vẫn không nản lòng.

Gần 70 tuổi ông mới về quê chú tâm san định kinh Thi, kinh Thư; định lại kinh Lễ, kinh Nhạc; làm kinh Xuân Thu. Cả đời Khổng Tử thành tâm thành ý phấn đấu không ngừng cho lý tưởng cải tạo xã hội trở nên “đại đồng”, nhờ đó mà ông đạt được cảnh giới “vui sướng quên ăn, không hay tuổi già tới”.

Khi đã lập chí thì kiên quyết thực hiện, lạc quan đi tới, tin tưởng vào bản thân. Trong quá trình bôn ba liệt quốc, Khổng Tử nhiều phen khốn đốn, bị hãm hại ở đất Khuông, bị vây và đói khát ở nước Trần, nước Thái... nhưng ông vẫn lạc quan, không thoái chí, thản nhiên đọc sách, gảy đàn. Môn sinh Tử Lộ tức giận hỏi: “Người quân tử cũng có lúc khốn cùng ư?”, Khổng Tử đáp: “Người quân tử lúc khốn cùng giữ vững chí, kẻ tiểu nhân lúc khốn cùng thì làm bậy”.

Thường xuyên vận động

Người có chí tiến thủ không thể chấp nhận sự lười biếng. Trong Luận ngữ có lần Khổng Tử mắng đệ tử Tể Dư hay ngủ ngày cũng như “gỗ mục không thể chạm trổ được”.

Khổng Tử rất chú trọng rèn luyện cơ thể. Trong “giáo trình” dạy học của ông, mục đích là làm cho học trò tinh thông “lục nghệ”, lập được “tam đức” chứ không phải học vẹt. “Lục nghệ” gồm lễ (lễ tiết), nhạc (âm nhạc), xạ (bắn cung), ngự (đánh xe), thư (thư pháp), số (toán số). “Tam đức” là nhân (nhân ái), trí (tri thức), dũng (dũng cảm). Như vậy có thể thấy tôn chỉ giáo dục của Khổng Tử bao quát cả đức dục, trí dục, thể dục và mỹ dục.

Đọc Luận ngữ, ta thấy Khổng Tử thường cùng học trò du ngoạn nhiều nơi, luận về phép bắn cung của người quân tử, thích bơi lội ở sông Nghi, hóng mát ở đền Vũ Vu, leo núi Cảnh Sơn, Thái Sơn... Ngày nay, trên núi Thái Sơn còn có tòa bia ghi dấu “nơi Khổng Tử đã đến”.

Tu đức dưỡng nhân

Khổng Tử nhiều lần nói đến “Nhân giả thọ”(người nhân thì thọ), “Đại đức tất thọ”(có đức lớn thì thọ)... Nhân là thương yêu người, tạo phúc cho dân, rộng rãi bao dung, việc mình không ưa thì không làm cho người, mình muốn thành đạt thì giúp cho người thành đạt. Ông nói: “Quân tử lòng lồng lộng, tiểu nhân lo ngay ngáy”, cho rằng người quân tử tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện nhân cách, tâm địa quang minh, lấy nhân đãi người thì tinh thần thoải mái, tà khí khó nhập, khỏe mạnh sống lâu. Tiểu nhân thì ngược lại, do tâm địa bất chính, hại người lợi mình, hao tâm tổn thần nên khó được thọ. Muốn lập đức thì phải dứt tham lam, bỏ ham muốn riêng tư, dục vọng càng nhiều thì tai họa càng lớn.

Người nhân thương người nhưng sáng suốt (trí) chứ không mù quáng. Đệ tử Tể Ngã hỏi: “Nếu có kẻ đến nói rằng có người rơi xuống giếng, vậy nhà nhân đức có nhảy xuống giếng cứu không?”, Khổng Tử đáp: “Sao lại làm thế? Nên tới đó mà tìm cách cứu chứ nhảy xuống để mất mạng sao. Người quân tử có thể bị gạt bởi lời nói có lý chứ không thể mắc lừa vì lời mê muội vô lối”.

Cẩn thận giữ mình

Có 3 điều mà Khổng Tử thận trọng nhất là: Trai giới, chiến trận và bệnh tật. Khi đến kỳ trai giới để tế tự, ông đổi món ăn và chuyển nơi ngủ để giữ mình trong sạch, giao cảm với thần minh. Việc chiến trận ông suy tính rất cẩn trọng vì liên quan đến sinh mạng dân chúng. Khi có bệnh, ông lo chữa trị ngay và cẩn thận trong việc dùng thuốc. Có quan đại phu tặng thuốc uống, ông nói: “Khâu này chưa hiểu tính thuốc nên không dám thử”.

Có 3 điều Khổng Tử răn phải đề phòng, gọi là “Quân tử tam giới”: Lúc còn nhỏ, khí huyết chưa định, phải đề phòng chuyện sắc dục; khi trưởng thành, khí huyết mạnh mẽ, phải đề phòng chuyện tranh cường gây sự; khi tuổi già, khí huyết đã suy, phải đề phòng chuyện tham lam vô độ.

Có 3 cái chết mà Khổng Tử cho là “bất đắc kỳ tử” (oan mạng) là chỗ ở không thích hợp, ăn uống không điều độ, lao lực quá sức.

Ẩm thực kiểu Khổng Tử

Giáo sư Diêu Chấn Lê của Trường Đại học Trung ương Trung Quốc là người chuyên nghiên cứu các thư tịch cổ về phương diện dưỡng sinh. Bà phát hiện trong bộ Luận ngữ ghi chép những lời nói, việc làm của Khổng Tử, chữ “chính” (chính sự, chính trị) xuất hiện 41 lần, còn chữ “thực” (ăn, thức ăn) cũng xuất hiện 41 lần, trong đó có 30 lần có nghĩa là “ăn”.

Trong “ẩm thực quan” của mình, Khổng Tử rất chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm. Trong thiên “Hương đảng” ghi có đến 13 tình huống mà Khổng Tử “không ăn” như: thức ăn hẩm thiu, thịt hôi cá ươn, còn sống hoặc quá chín, thức ăn đổi màu, mùi vị khó ngửi, nấu không đúng cách, cắt chặt bừa bãi, món ăn trái mùa, thức ăn không có đồ chấm... Thích ăn cơm gạo giã, thịt cá làm gỏi.

Không ăn thịt nhiều hơn cơm, không ăn no, không ăn thịt để quá 3 ngày, không dùng rượu và nem bán ngoài chợ. Mỗi bữa thường hay ăn ít gừng. Chỉ có rượu là không hạn lượng nhưng không để say. Cách ăn uống của bậc thánh nhân từ 2.500 năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

(Theo báo NLĐ của THƯỢNG VĂN)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Giáo sư Diêu Chấn Lê của Trường Đại học Trung ương Trung Quốc là người chuyên nghiên cứu các thư tịch cổ về phương diện dưỡng sinh. Bà phát hiện trong bộ Luận ngữ ghi chép những lời nói, việc làm của Khổng Tử, chữ “chính” (chính sự, chính trị) xuất hiện 41 lần, còn chữ “thực” (ăn, thức ăn) cũng xuất hiện 41 lần, trong đó có 30 lần có nghĩa là “ăn”.

Giáo sư giảng dạy ở một trường Đại Học Trung ương mà làm mỗi việc đếm xem có bao nhiêu chữ "ăn" và chữ "chính" mà cũng khoe thì chán quá thật rồi! :angry:

Share this post


Link to post
Share on other sites

Có thể nói chỉ riêng về phương diện dưỡng sinh, Đức Khổng đã để lại nhiều bài học quý giá.

Những bài học "quí giá" được trích dẫn trong bài của ngài Khổng tử, tôi thấy cũng hết sức bình thường, chẳng có gì đặc biệt. Một người kiến thức tầm trung cũng hiểu rõ những điều ấy. Làm sao so sánh được với Lão tử được.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Những bài học "quí giá" được trích dẫn trong bài của ngài Khổng tử, tôi thấy cũng hết sức bình thường, chẳng có gì đặc biệt. Một người kiến thức tầm trung cũng hiểu rõ những điều ấy. Làm sao so sánh được với Lão tử được.

Chú VoTruoc nói thật đúng. Như Thông cũng thấy chẳng có gì là quý giá từ những cái ăn, cái mặc, dưỡng sinh của Ngài Khổng Tử. Lấy 04 chữ " Nhân, Nghĩa, Trí , Tín " là lẽ sống ở đời cho khoẻ. :angry:

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay