Thiên Sứ

"Thanh gươm báu" của đức Vua Lê Thánh Tông

1 bài viết trong chủ đề này

"Thanh gươm báu" của đức Vua Lê Thánh Tông

29/01/2009 10:54 (GMT + 7)

(TuanVietNam) - Luật Hồng Đức ví như một tòa nhà pháp đình được xây cất trên nền tảng tinh thần dân tộc và tư tưởng Nho giáo lúc ấy đã trở thành hệ tư tưởng thống trị của xã hội đương thời. Toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền Đại Việt được tôn vinh và bảo vệ như giá trị cao nhất của thời đại.

Posted ImagePosted ImagePosted ImagePosted ImagePosted ImagePosted Image

Một số hình ảnh trong truyện tranh minh hoạ công lao của của đức vua Lê Thánh Tông

Ảnh nguồn: danchua.org

Vương triều lấy pháp trị thay thế đức trị

Quốc triều hình luật - ta quen gọi là Luật Hồng Đức, là một trong những thành tựu nổi bật thời Lê sơ, gắn liền với tài năng lỗi lạc của vị vua sáng vào bậc nhất lịch sử vua chúa nước ta - Thánh Tông Thuần Hoàng đế (1441-1497) với các niên hiệu Quang Thuận, Hồng Đức.

Với bộ luật hoàn chỉnh nhất so với các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, một bộ luật tổng hợp bao gồm nhiều qui phạm pháp luật thuộc nhiều ngành luật khác nhau: hình sự, dân sự, tố tụng, luật hôn nhân - gia đình, hành chính v.v... Vua Lê Thánh Tông đã kiến tạo một vương triều lấy pháp trị thay thế đức trị, một nhà nước pháp quyền mạnh, làm công cụ bảo vệ và hưng thịnh quốc gia.

Văn bản Quốc triều hình luật ký hiệu A.341 lưu trữ tại Viện Hán Nôm ở ta, là bản in ván khắc hoàn chỉnh hơn cả, gồm 6 quyển, 129 tờ đóng thành một cuốn sách. Không có tên tác giả cùng năm in ấn.

Theo bác học Phan Huy Chú thì sách được in năm Cảnh Hưng 38 (1777). Quốc triều hình luật đã được khảo dịch sang tiếng Pháp đầu thế kỷ 20, được dịch, in tiếng Việt tại Sài Gòn năm 1956, Viện Sử học Việt Nam dịch lại và xuất bản năm 1991.

Số đông các nhà nghiên cứu cho rằng Luật Hồng Đức có tham khảo các bộ luật của các nước trong khu vực cùng thời, kế thừa và sửa đổi, bổ sung các Hình thư thời Lý, thời Trần, cũng như các điều luật các đời Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông triều Lê, và các điều luật mới được qui định trong thời Lê Thánh Tông.

Bộ luật có 13 chương, gồm 722 điều. Sau “trang dẫn” mô tả chi tiết các đồ biểu quy định về các hạng để tang và tang phục; kích thước và các hình cụ (roi, trượng, gông, dây sắt v...v), các điều luật được sắp xếp theo 13 chương.

Đó là các chương 1-Danh lệ: 49 điều, 2-Vệ cấm: 47 điều, 3- Vi chế: 144 điều, 4- Quân chính: 43 điều, 5- Hộ hôn: 58 điều, 6- Điền sản: 59 điều, 7- Thông gian: 10 điều, 8- Đạo tặc: 54 điều, 9- Đấu tụng: 50 điều, 10-Trá ngụy: 38 điều, 11-Tạp luật: 92, 12-Bộ vong: 13 điều, 13- Đoán ngục: 65 điều.

Giá trị cao nhất của thời đại: Toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền

Posted Image

Ảnh nguồn: tuanhsl.blogpost.com

Luật Hồng Đức ví như một tòa nhà pháp đình được xây cất trên nền tảng tinh thần dân tộc và tư tưởng Nho giáo lúc ấy đã trở thành hệ tư tưởng thống trị của xã hội đương thời. Toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền Đại Việt được tôn vinh và bảo vệ như giá trị cao nhất của thời đại.

Vì thế nên, trong "thập ác" (mười tội danh đặc biệt nghiêm trọng, hầu hết phải xử tử), thì số 1 và số 3 là tội "mưu phản" - mưu mô làm nguy đến xã tắc, "mưu chống đối" (mưu phản nước, theo giặc).

Không nằm trong khung "thập ác", nhưng cũng phải xử chém đối với các tội: bán cho người nước ngoài ruộng đất ở bờ cõi, hoặc nô tỳ, voi ngựa, binh khí hay thuốc chế hỏa pháo, hỏa tiễn, cùng hành vi tiết lộ quân cơ ra nước ngoài, vượt biên trái phép…

"Thập ác" còn bao gồm các tội xâm phạm các giá trị của trật tự gia trưởng thuộc các mối quan hệ rường cột: quân - thần (vua - tôi) phụ - tử (cha - con); sư - đồ (thầy - trò); huynh-đệ (anh - em) v...v.

Đó là những tội "mưu đại nghịch" (mưu phá tông miếu, lăng tẩm, cung điện nhà vua); "ác nghịch" - đánh và mưu giết ông bà, cha mẹ người ruột thịt, "bất đạo" - giết người dã man, bỏ thuốc độc, bùa mê; "đại bất kính" - trộm cắp đồ thờ trong lăng miếu, giả ấn tín của vua... "bất hiếu", "bất mục", "bất nghĩa", "nội loạn" - gian dâm với người trong họ hàng tiểu công trở lên, cùng nàng hầu của ông cha.

Bộ luật đem lại hiệu quả bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc, hưng thịnh quốc gia, bình ổn trật tự xã hội, đương nhiên cũng là công cụ vương triều thống trị trăm họ, bảo vệ tôn nghiêm của tông miếu, quyền uy ngất trời và quyền sở hữu tối cao của vua, bảo vệ đặc quyền đặc lợi của hoàng tộc cùng bộ máy thống trị dân chúng.

Luật bảo vệ nghiêm ngặt chế độ ruộng đất công là nền tảng kinh tế của thể chế phong kiến ở ta. Trong 33 điều ở chương "Điền sản", có tới 13 điều trị các tội xâm phạm ruộng đất công, cùng hoa lợi, thuế từ loại ruộng đất này.

Luật dành hẳn chương "Vệ cấm" 46 điều bảo vệ tôn miếu, lăng tẩm các vua và hoàng hậu, bảo vệ an ninh, sức khỏe, sự uy nghiêm của vua, bảo vệ từ cung cấm đến hoàng thành

Đến như trước, sau ngày hoàng đế lên ngôi 1 tháng, nhà nào ở kinh thành cử hành việc tang, cũng bị phạt đánh 50 roi, nếu là quan thì bị biếm 1 tư. Còn như trong "bát nghị" (tám yếu tố nhân thân được xét giảm án), thì có tới 5 thuộc về tôn thất, cận thần, người có công lớn với vua, quan chức tam phẩm trở lên, con cháu triều trước…

Hối lộ 20 quan tiền trở lên: Chém!

Posted Image

-Ý chí xây dựng một nhà nước pháp quyền mạnh của vua Lê Thái Tông thể hiện nổi bật trong cố gắng luật hóa việc tinh giản để làm tăng hiệu lực bộ máy quan lại, với các thể chế và thủ tục giản dị khiến hoạt động của hệ thống hành chính nhanh chóng, thông suốt, nhất là đòi hỏi quan chức liêm, chính, cần, kiệm.

Luật Hồng Đức dành hẳn một chương “Vi chế” với 144 điều quy định về hình phạt đối với các hành vi sai trái của quan lại, các tội về chức vụ. Thiếu trung thực, gian dối, chạy chọt xin quan tước, chạy án, vượt thẩm quyền, lấy quyền mưu lợi riêng, chểnh mảng trách nhiệm, chậm trễ việc công, nhầm lẫn gây hại, cố ý làm trái, say mê tửu sắc làm hại việc công, ngay cả ăn mặc, nói năng không đúng phép, v.v, đều bị xử tội.

Đặc biệt là tội tham nhũng bị xử nặng. Ăn hối lộ 20 quan tiền trở lên: chém! Đi sứ thông đồng ăn hối lộ tiết lộ việc nước:chém! Ngay cả việc để cho vợ, con, người nhà cậy thế nhũng nhiễu dân hay cho vay nặng lãi: biếm hay bãi chức.

Luật Hồng Đức có khá nhiều điều làm cho chúng ta và các nhà nghiên cứu phương Tây phải ngạc nhiên thán phục. Đó là những điều luật phù hợp và có ý nghĩa thúc đẩy tiến bộ kinh tế - xã hội, tôn trọng quyền con người, đặc biệt là quyền của nữ giới (trái ngược với kỷ cương Nho giáo gốc coi phụ nữ là vô quyền như cái bóng của đàn ông).

Luật Hồng Đức tiến bộ đến kinh ngạc

Posted Image

Năm 1384, Vua Lê Thánh Tông bắt đầu truyền thống khắc tên tiến sĩ lên bia

trong trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn Miếu

(Ảnh:lh6.ggph.com)

Ít ra thì bên cạnh việc bảo vệ chế độ ruộng đất công, bộ luật cũng có những điều thừa nhận và bảo vệ ruộng đất tư của các hộ nông dân có đất, của địa chủ lắm ruộng thuê người cầy cấy.

Tư hữu ruộng đất cùng với kinh tế tiểu chủ của tầng lớp thợ thủ công và thương nhân, nhất là ở các đô thị, là nhân tố, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa trong toàn cảnh kinh tế tự cấp tự túc trì trệ thời trung đại.

Kinh tế hàng hóa thì đương nhiên hứa hẹn một trật tự kinh tế-xã hội mới, một thể chế chính trị mới, một trình độ mới về quyền con người, thay thế chế độ vua quan, gia trưởng trung đại.

Ít ra thì vị thế người phụ nữ được đề cao hơn rất nhiều so với các bộ luật đương thời trong khu vực. Chẳng hạn như các điều qui định người vợ có quyền quản lý tài sản của gia đình (khi chồng chết), có quyền thừa kế như đàn ông, có quyền bỏ chồng nếu bị chồng bỏ rơi 5 tháng…

Các hình phạt áp dụng đối với phạm nhân nữ bao giờ cũng thấp hơn so với phạm nhân nam. (Những tiến bộ về nữ quyền này, vào thời suy vong của chế độ phong kiến ở ta, trong Luật Gia Long thời Nguyễn, lại bị xóa sạch không vết tích).

Và ít ra thì tinh thần khoan dung với thứ dân, sự quan tâm bảo vệ thường dân của Lê Thánh Tông, cũng thể hiện ở một số điều luật, như cho con, cháu được thay ông, cha chịu hình phạt đánh roi, đánh gậy; giảm nhẹ hình phạt đối với phạm nhân trên 70 tuổi, dưới 15 tuổi, người tàn tật ( trừ “thập ác”); hoặc nhiều điều trừng phạt nghiêm khắc những người quyền quý ức hiếp, nhũng nhiễu thường dân...

Còn có thể kể đến nét lạ của bộ luật, căn nguyên có lẽ là từ nhân cách lớn của vua Lê Thánh Tông. Đó là lòng yêu người có đức, trọng người có tài, có công, mến người cần lao. Cho nên trong số “bát nghị” xét để giảm nhẹ hình phạt, có 3 trường hợp là các nhân thân “đức hạnh lớn”, “công lao lớn”, “chuyên cần nổi bật”.

Luật Hồng Đức đã khiến người phương Tây - như Chủ nhiệm Khoa luật Á Đông thuộc Đại học luật Havard Oliver Oldman - đánh giá cao Việt Nam thời Lê, với "nỗ lực thường xuyên trong việc xây dựng một nhà nước dân tộc mạnh và sự bảo vệ những quyền tư hữu hợp pháp bằng hệ thống luật pháp tiến bộ với nhiều sự tương đương chức năng so với những quan niệm pháp luật phương Tây cận đại".

Người nhạc trưởng quyền uy và kiệt xuất

Posted Image -

Một bộ luật, và nói chung là cả một hệ thống pháp luật, dù hoàn chỉnh đến mấy, cũng mới chỉ là thiêt kế đẹp đẽ trên giấy, giống như bản giao hưởng hùng tráng còn chưa được tấu lên.

May mắn thay cho triều Lê là có được một Lê Thánh Tông nhạc trưởng quyền uy và kiệt xuất. Người ban luật, nhưng không đứng trên pháp luật. Người từng răn các cận thần: "Pháp luật là phép công của nhà nước, ta và các ngươi cùng phải theo…".

Trong 37 năm Lê Thánh Tông ở ngôi (1460-1497), luật pháp được thi hành nghiêm từ kinh thành đến khắp các địa phương. Các đời vua trước, "trên thì tể tướng, dưới đến các quan mưu lợi lẫn nhau, bừa bãi hối lộ" (Lời Lê Thánh Tông).

Tới triều vua sáng này, số vụ tham nhũng mà sử sách ghi chép, là thưa vắng. Vụ lớn, như cánh hoạn quan ăn hối lộ, tên đầu sỏ Phan Trinh bị tử hình, các tên khác bị xử chỉ nhẹ hơn một bậc. Thượng thư Bộ binh Đỗ Tông Nam ăn của đút, bị trị tội.

Một triều đại mà tham nhũng không nghiêm trọng và phổ biến đe dọa tồn vong của vương triều như triều Lê Thánh Tông, mới có thể tránh được tình cảnh xã hội thì rối, lòng dân thì loạn, mới có thể tiến đến thịnh trị, vua vinh hiển mà dân thì dễ thở.

Cùng với tội tham nhũng, các vụ phạm tội về chức vụ, từ đại thần tới quan các hạt, đều bị xử nghiêm. Không ít đại quan, nặng thì phải đi đầy châu xa, nhẹ thì bị bãi chức, biếm chức vì thiếu trách nhiệm nên gây hại hoặc vì phẩm hạnh kém. Như hai viên Phó và Đồng tổng tri Lê Lục, Nguyễn Lượng (đi đầy châu xa, vì coi giữ biên giới mà để phỉ vào cướp bóc). Đô đốc Khuất Đả (bãi chức, vì tiễu phỉ nhưng bại trận).

Tả quân đô đốc Lê Thiệt (biếm chức, vì để lính dọa dân để vòi tiền). Như các thượng thư Nguyễn Anh Dũng (Bộ binh, vì siểm nịnh), Nguyễn Như Đổ (Bộ lại, vì tuyển cử người không đúng luật). Như các quan giảng sách cho thái tử là Nguyễn Vũ Tiềm, Tạ Bưu (bãi chức, vì "chất lượng giáo dục" kém - thái tử làm bài sát hạch "văn không thành ý"), v.v…

Xét cho cùng thì chính Lê thánh Tông mới là tác giả đích thực bộ Luật Hồng Đức. Người cũng là vị vua đầu tiên ở ta ra lệnh vẽ bản đồ lãnh thổ, núi sông, đường sá, cổ tích… trên toàn cõi (Bản đồ Hồng Đức). Và chính Người lại thân chinh dẫn đầu ba quân đi hoạch định trên thực địa và điền vào chỗ còn khuyết thiếu, cương vực quốc gia ở phía nam, phía tây, phía bắc.

Lê Thánh Tông còn là bậc thi bá đương thời, tác giả năm tập thơ, và là người khởi xướng và chủ soái Hội tao đàn "nhị thập bát tú" (28 vì sao sáng văn thơ). Ham đọc sách từ nhỏ, lên ngôi thì chuyên cần "Trống canh năm còn đọc sách - Chiêng xế bóng chửa thôi chầu", Người đã đưa đất nước tới đỉnh cao thịnh trị, "Nhà bắc nhà nam đều no mặt - Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình".

Trong con mắt sử gia ngày trước, như sử thần Vũ Quỳnh chẳng hạn, Lê Thánh Tông là đức vua "tư trời cao siêu, anh minh quyết đoán, hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay …Qui mô sắp đặt công nghiệp trung hưng có thể sánh với Thiếu Khang nhà Hạ, nối gót được Tuyên Vương nhà Chu, hơn cả Quang Vũ nhà Hán, Hiến Tôn nhà Đường".

Chúng ta ngưỡng mộ Lê Thánh Tông như vị vua anh minh, tiêu biểu cho khí phách và tinh thần dân tộc, tinh thần nhân văn xứ sở; nhà chính trị, nhà ngoại giao lỗi lạc; nhà văn hóa uyên bác; nghệ sĩ văn chương hàng đầu của triều đại. Một lãnh tụ là tinh hoa của thời đại tầm vóc Lê Thánh Tông, giống như một vì sao chủ soái một giải thiên hà, thì một dân tộc, một quốc gia phải vài ba thế kỷ mới có diễm phúc được thấy xuất hiện và rực sáng, một lần.

  • Thế Văn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay