viethuy

CA TRÙ - nghệ thuật cổ truyền độc đáo

1 bài viết trong chủ đề này

CA TRÙ - nghệ thuật cổ truyền độc đáo

Trù là nghệ thuật cổ truyền chuyên nghiệp ra đời sớm nhất ở nước ta. Ca Trù là hình thức âm nhạc cao siêu, có bề dày lịch sử, tổ chức nghệ thuật chặt chẽ, không gian văn hoá rộng lớn và sức lan toả mạnh mẽ khắp cộng đồng.

Ca Trù có ba truyền thuyết kể về Nhị vị tổ nghề được các Giáo phường trước đây coi là lịch sử nghề nghiệp của mình.

Truyền thuyết thứ nhất kể về chàng Đinh Lễ người làng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với nàng Bạch Hoa người phủ Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Truyền thuyết thứ hai kể về chàng Đinh Dự con của Đinh Lễ theo cha đi đánh giặc Minh rồi ở lại trang Lỗ Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội với nàng Đường Hoa tiên hải người ở động Nga Sơn, Thanh Hoá. Truyền thuyết thứ ba kể về chàng Lê Phong quê ở làng Ngọc Trung, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá với nàng công chúa Từ Hoa con gái Hán Vũ Đế bên Tàu. Hai truyền thuyết trên cho biết thời điểm lịch sử của Nhị vị tổ nghề xuất hiện vào triều Lê (TK XV) còn truyền thuyết cuối thì Nhị vị tổ nghề xuất hiện vào thời Hán Vũ Đế (năm 139 TCN) (1). Lịch sử của Nhị vị tổ nghề không thống nhất nhưng ba truyền thuyết đều khẳng định Nhị vị là những người có công truyền nghề đàn hát cho trăm họ nên khi mất đi đều được triều đình ban phong mỹ tự là Thanh Xà đại vương và Mãn Đường (Đào) Hoa công chúa để nhân dân truyền đời thờ phụng.

Ngoài ra sử sách, văn bia để lại đến ngày nay cũng đã ghi chép nhiều câu chuyện, nhiều sự kiện lịch sử, nhiều phương thức sinh họat liên quan đến Ả Đào, đến Ca Trù. Đặc biệt gần đây nhất chúng ta đã phát hiện được nhiều di tích, sắc phong, thần phả, gia phả, văn bia về Ca Trù. Đây là những cứ liệu rất đáng tin cậy để chúng ta tiếp tục nghiên cứu về lịch sử văn hóa và nghệ thuật Ca Trù.


Khác với rất nhiều hình thức nghệ thuật cổ truyền, những người hành nghề Ca Trù là những người làm nghề mang tính chuyên nghiệp rất cao.

Họ sống với nhau và truyền nghề cho nhau trong dòng tộc, không mấy khi truyền nghề ra ngoài dòng tộc. Các dòng tộc ở thành từng xóm gọi là xóm Nhà trò. Mỗi xóm Nhà trò bầu lấy một người có uy tín nghề nghiệp, có quan hệ rông rãi với các “làng trong, xã ngoài” làm Trùm phường để cắt đặt quyền hát cửa đình cho con dân trong họ. Vào các dịp khánh hạ đại điển của triều đình, các Trùm phường còn phải chọn người thi tuyển đi hát chúc hỗ. Phường nào có cô đào được trúng tuyển vào hát chúc hỗ, khi hát xong được Vua ban khen thì đó là điều vẻ vang cho trăm họ. Và xóm Nhà trò của phường đó sẽ được đổi tên thành làng Giáo Phòng, đồng thời được phép xây đền thờ tổ nghề để đời đời truyền nhau giữ gìn nghề nghiệp (đến nay nhiều địa phương vẫn giữ được tên gọi này như Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định, Vĩnh Phúc).

Ca Trù có ba không gian văn hoá chính và cũng là ba địa điểm trình diễn chính là: Không gian văn hoá hát thờ (còn gọi là hát cửa đình); Không gian văn hoá hát chơi; Và không gian văn hoá hát chúc hỗ (còn gọi là hát cửa quyền)

Ở mỗi không gian văn hoá Ca Trù phải đảm nhiệm một chức năng xã hội nhất định và trong mỗi chức năng xã hội ấy Ca Trù đã sinh ra những nội dung nghệ thuật, những hình thức biểu diễn, những thể cách âm nhạc khác nhau nhằm mục đích thoả mãn những nhu cầu của mỗi không gian văn hoá trình diễn. Đây là một đặc điểm duy nhất chỉ có ở Ca Trù mà không có ở những hình thức nghệ thuật cổ truyền khác.

Ca Trù là hình thức nghệ thuật có tổ chức gọn nhẹ nhất trong các hình thức nghệ thuật cổ truyền Việt Nam nhưng lại tạo ra được một hình thức âm nhạc trác tuyệt, độc nhất vô nhị trên thế giới (2).

Nhân sự

Ca Trù chỉ có 1 đào (ca nương) và 1 kép (nhạc công) và một người tham gia “trình diễn” nhưng lại không phải là nhạc công mà đó là ông quan viên cầm chầu (đánh trống)


Nhạc cụ

Ca Trù có 1 cây đàn đáy, thùng đàn hình chữ nhật, mặt làm bằng gỗ ngô đồng, cần rất dài có mắc 3 dây và một cặp phách 3 lá (cũng có người gọi là tay ba) cùng một chiếc trống chầu (giống như chiếc trống đế của Chèo). Đàn đáy do kép đánh, phách do đào nương vừa hát vừa gõ, trống chầu do quan viên đánh gọi là cầm chầu.

Thơ ca

Ca Trù là hình thức nghệ thuật “Hát thơ”, hát trên rất nhiều thể thơ truyền thống Việt Nam như thơ 4 chữ, 7 chữ, lục bát, song thất lục bát, phú v.v... Về sau này Ca Trù đã sinh ra thể thơ Hát nói. Thơ Hát nói ra đời đã lôi cuốn hàng trăm nhà thơ tham gia sáng tác mà trong đó nổi bật là Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Tản Đà, Phan Huy Vịnh v.v... đã để lại cho đời nhiều bài hát nói có giá trị nghệ thuật cao, đồng thời đã làm cho Ca Trù có sức sống mạnh mẽ lan rộng trong toàn xã hội.

Cách thức trình diễn


Nghệ thuật Ca Trù là nghệ thuật trình diễn ngẫu hứng trên cơ sở những bài bản được quy ước sẵn. Những quy ước đó là: bài, cung, điệu, khổ. Bài là những bài hát có đầy đủ các khổ đàn, khổ hát, khổ trống như Thét nhạc, Gửi thư, Cung Bắc, Tỳ Bà Hành, Hát nói v.v. Cung là các cung Nam, Bắc, Huỳnh, Pha, Nao. Điệu là các điệu ngâm ngợi, kể chuyện như điệu Sa mạc, Bồng mạc, ngâm thơ v.v. Khổ có 5 khổ là khổ sòng đầu, khổ giữa, khổ xiết, khổ lá đầu và khổ sòng cuối. Đào kép phải học rất nhiều năm (trước đây các giáo phường truyền nghề phải mất chừng 5 năm) để thuộc nhuần nhuyễn những quy ước làm cơ sở cho những ngẫu hứng sáng tạo sau này. Và chính những ngẫu hứng mang phong cách cá nhân của các bậc thầy đàn hát đã tạo ra phong cách vùng, phong cách địa phương làm đa dạng nghệ thuật Ca Trù.

Năm 2005 Bộ VHTT đã ra quyết định Xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Hát Ca Trù người Việt” đề nghị UNESCO đưa vào danh mục kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Hồ sơ đã được Viện Âm Nhạc hoàn thành vào tháng 6 năm 2006. Trong báo cáo hồ sơ có liệt kê danh sách của 22 đào kép lão thành của 14 tỉnh thành phố trong cả nước đang ở tuổi từ 80 đến 90 rất cần được nhà nước giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để các cụ truyền lại nghề nghiệp cho
Con cháu.

Ca Trù là nghệ thuật trác tuyệt của quá khứ đã được nhà nước quan tâm, được nhân dân yêu quý (thể hiện bằng sự ra đời của hơn 20 câu lạc bộ với hàng trăm đào kép trong cả nước). Hình thức nghệ thuật quý giá đó của dân tộc chắc chắn sẽ được tồn tại và phát triển trong lòng xã hội hiện đại.


Nguồn hoidisan.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites