Lê Bá Trung

Tìm hiểu phong thủy quanh ta.

1 bài viết trong chủ đề này

Tết Nguyên đán không còn bao lâu nữa, người ta đếm đốt ngón tay để tính từng ngày, anh nhà báo Trần Huy Thọ tại Dallas gọi điện thoại nhắc tôi xin bài Tử vi hay Phong thủy cho năm mới. Cái không khí vui tươi của những ngày cuối năm và đầu năm mới làm cho tôi toàn những xôn xao, hừng chí cho bài viết thêm. Hôm nọ tôi đọc qua quyển "Kinh dịch, Kinh thư của sự Chuyển hóa" (Yi Jing: Book of Changes) cổ xưa của người Trung Hoa trong nhà sách Barnes & Noble, nó đã được tiến sĩ James Legge, thuộc đại học Oxford dịch sang Anh ngữ năm 1882. Tôi xem quyển kinh thư đầu tay này của ông giáo Oxford mà thầm nghĩ rằng người phương tây cũng đã đào sâu vào lý thuyết Kinh dịch và Phong thủy khá lâu rồi vậy. Kinh dịch là gì? Nó là một hệ thống tư tưởng đơn thuần triết học của người Trung Hoa xa xưa, những tư tưởng triết học dựa trên căn bản của sự cân bằng qua sự đối kháng và thay đổi, chuyển dịch hoặc chuyển hóa trong vũ trụ quan xung quanh chúng ta. Nhiều người nghĩ rằng Kinh dịch chỉ là một hệ thống để dùng trong phạm vi hạn hẹp bói toán, nhưng thực ra về bản chất nó là sự biểu hiện của kiến thức, sự hiểu biết sâu rộng và một lý thuyết triết học thâm thúy của người Trung Hoa cổ đại mà đến nay con người vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết. Kinh dịch đã được phát triển qua rất nhiều đời, và bởi rất nhiều người góp sức vào công việc nghiên cứu và tìm hiểu để rồi nó mang bộ mặt rỏ nét hơn như hiện nay và được coi là một tinh hoa của cổ học duy lý Trung Hoa, nó được vận dụng vào rất nhiều lãnh vực của cuộc sống như thiên văn, địa lý, phương hướng gia trạch, nhân mạng,..., và nhất là điển hình trong phạm vi phong thủy. Kinh dịch với sơ đồ bát quái gồm tám quẻ: Đơn, Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn cũng như lý thuyết âm dương ngũ hành của khoa dịch lý; khoa thiên văn học với những biến chuyển của các tinh đẩu; khoa hình tượng học hay khoa nghiên cứu về hình dáng vũ trụ, con người và thú vật; khoa lịch số hay khoa nghiên cứu từ Thiên văn học, để tính sự tuần hoàn vũ trụ, tính ngày, tháng, năm; và khoa Địa lý, tức khoa Phong thủy, dùng để nghiên cứu về con người tương ứng với địa hình, phương hướng nhà ở, khí hậu,... Trong bài viết này tôi sẽ xét về khía cạnh phong thủy gia trạch, như người bạn tôi đã yêu cầu.

Như trên đề cập, xuất phát từ Kinh dịch cổ, nguồn gốc của thuyết Âm Dương - Ngũ hành là từ một mô hình tối cổ về các con số gọi là hà đồ. Tương truyền do trời ban cho vua Phục Hy, một ông vua thần thoại của Trung Hoa, cách đây khoảng 4000 năm. Khi Ngài đi tuần thú phương Nam, qua sông Hoàng Hà, bỗng thấy một con Long Mã hiện lên, trên lưng nó có những chấm đen trắng. Rồi khi về Ngài mới phỏng theo mà vẽ lại thành một bảng ký hiệu 10 số đếm bằng các chấm đen và trắng, xếp thành hai vòng trong và ngoài, theo đúng 4 phương: Nam, Bắc, Đông, Tây. Ở chính giữa là hai số 5 và 10. Ngài gọi là "Hà đồ", tức là bức đồ trên sông Hoàng Hà. Tuy nhiên, trong hà đồ không phải chỉ có âm dương, bởi vì chỉ riêng hai trạng thái cực âm dương thì không đủ giải thích mọi biến thiên phức tạp của vũ trụ. Trong đồ hình còn có cả nội dung tương tác của 10 số đếm, thông qua sự định vị 5 con số đầu tiên là 5 con số sinh, đại diện cho 5 yếu tố vận động trong vũ trụ. Như vậy Ngũ hành đã được định cùng với 5 cặp số sinh thành ra chúng, có vị trí tiên thiên theo đúng các phương hướng của các cặp số: 1-6: Hành thủy, phương Bắc; 2-7: Hành hỏa, phương Nam; 3-8: Hành mộc, phương Đông, 4-9: Hành kim, phương Tây; và 5-10: Hành thổ, ở ngay Trung tâm.

Do vậy, Ngũ hành gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ khi tương tác lẫn nhau cũng phải theo tương quan hai chiều đối xứng là âm và dương, tức sự liên hệ thuộc về khía cạnh tương sinh và tương khắc. Đây là tinh thần căn bản của thuyết Ngũ hành. Theo đó cứ hai Hành đứng kề cận nhau thì sinh cho nhau, luân chuyển mãi không ngừng, các hành cách nhau thì khắc chế nhau, và cứ thế mà luân lưu mãi, biểu thị cho triết lý cao siêu của sự đổi thay, biến dịch hay chuyển hóa của vũ trụ tự nhiên. Điều này chính là lý thuyết của Kinh dịch. Bây giờ ta đi sang phạm vi chính của bài là nói về khoa Phong thủy được áp dụng trong đời sống chúng ta. Trong lý thuyết của Phong thủy, trên thì xem Thiên văn, dưới thì xét Địa lý. Lý thuyết cơ bản từ học thuyết thái cực, Âm Dương, Ngũ hành, tinh tượng chuyển hóa. Tùy theo khả năng và kiến thức của thầy Phong thủy, ông sẽ diễn dịch các hiện tượng đã hiện hữu làm sao là sự kiện tốt hay xấu, nên hay không,...

Ngày trước, tôi có ông dượng vợ người Hoa gốc người Triều Châu từ bên Tàu sang, ông tin tưởng khoa Bói toán và Phong thủy ghê lắm. Nên tất cả địa hình, phương hướng của nhà đất, cơ sở làm ăn, tình trạng gia đình, trang hoàng nội thất, nhất nhất ông dùng lý thuyết Phong thủy ra biện chứng, lý luận hay giải thích. Khi mua nhà ông xem Phong thủy, Địa lý rất cẩn thận. Nếu ở xa thành phố, vùng ngoại ô hay vùng gần thiên nhiên, vị trí tọa lạc ngôi nhà lý tưởng thường chọn nơi có dòng nước uốn khúc quanh dù là sông, suối, đằng sau xa xa có đồi hoặc là núi thấp án giữ. Ngôi nhà gắn liền với thiên nhiên, có màu xanh gần cây lá, có dòng nước mát dịu, nhà tôn cảnh, để cảnh làm nổi bật nhà. Do vậy ông mua nhà gần bờ sông phía sau có cái gò đất chênh vênh, nên ngoài việc hưởng gió mát cua yếu tố phong vận hành, còn có yếu tố địa lý thủy vận hành. Địa thế làm nhà như vậy là để nhận khí trời thiêng liêng của sông núi, tinh hoa của mặt trời, mặt trăng. Không gian khoảng khoát, khoáng đạt thuận lợi cho việc hấp thụ dưỡng khí cho thư giãn tinh thần, hay cho nhẹ nhõm tâm hồn. Khi sang Mỹ ông lại định cư tại Colorado Springs, một nơi lý tưởng khi ông chọn phong thủy thổ trạch ưng ý.

Luận bàn về phương hướng, địa hình và lý khí xung quanh nơi ta cư ngụ với lý thuyết Phong thủy sẽ lắm dông dài bất luận quyển sách địa lý nào ta dùng tham khảo đi nữa. Do vậy khi chọn một ngôi nhà ta sẽ chú ý đến phương vị của nó. Địa khí luận được diễn giải từ phương vị có dẫn khí hay không. Ví dụ như 3 vì sao Mộc tinh, Kim tinh, và Thổ tinh, nếu ta xây nhà ở đây thì theo sách phong thủy cho là con cháu sẽ dễ khấm khá, thịnh vượng. Hỏa tinh là long thần cần hoán đổi đi, nếu không thì ở rồi chỉ chuốt những chuyện không vừa ý. Thủy tinh cần tụ hội thì của cải đến nhà. Minh đường, tức hướng trước nhà cần rộng rãi, khoảng khoát và bằng phẳng.

Phương vị hướng nhà cửa:

Từ phương vị hay theo vị trí phương hướng, ta luận bàn về thanh long hay mạch nước, Bạch hổ tức đường cái cạnh nhà, Minh đường, Chu tước hay Đất đai, có hồ nước trước nhà, Huyền vũ hay thổ trạch, đất đai đằng sau nhà, Phong thủy cho ta những điều lưu ý quan trọng như: Lối ra vào của sườn núi hoặc thung lũng, tránh xây nhà tại đó. Điều này dễ hiểu vì những lối này thường bị hạn chế về kích thước chiều rộng. Gió thổi qua những lối này mang theo vận tốc vũ bão hơn những nơi khác. Cho nên tuy được ích lợi của gió mát nhờ gió lưu thông ở tốc độ cao nhưng cũng dễ vì thế mà cơ thể người ở trong nhà lại dễ bị nhiễm lạnh. Gió luồn lách vào nhà tạo ra luồng gió lùa, Đông y học cổ truyền đã chuẩn định như vậy, dễ tạo ra cảm mạo phong hàn.

Trước nhà phải có minh đường rộng rãi và thoáng khí. Điều này được hiểu là trước nhà có không gian rộng để đón nắng, làm rộng tầm mắt cho con người thoải mái, huyền vũ không nên quá cao, sau nhà không bị chắn cản làm cho khi mưa, nước không đe dọa xối xuống sau nhà gây ra nước trũng, lục lội hay làm suy yếu nền nhà, thậm chí đất có thể sụp đổ hay sập úp kín ngôi nhà ta ở. Tuy thế, sau nhà cũng không được có hố sâu. Có hố sâu sau nhà, phong thủy rất kiêng kỵ. Bên trái nhà có dòng nước quanh co, nước không bị tù túng mà cũng không được chảy xiết. Bên phải nhà có đường đi đủ rộng nhưng cũng không phải là lối đi tấp nập, ồn ào, náo nhiệt. Nhà không làm trên nền giếng lấp. Nhà làm trên giếng lấp sợ đất lấp chưa hoàn thổ sẽ lún sụt trong nhà hoặc ít ra tạo vùng ẩm thấp do đất xốp chứa nước nhiều hơn chỗ đất nguyên.

Trong khoa Phong thủy thì bốn hướng chính này có vị trí như thế nào? Từ ngàn xưa, người ta đã rất quan tâm đến tầm quan trọng của phương hướng. Nó gồm có 4 phương chính: hướng Bắc có gió bấc được ngự trị của nước hay thủy vận, hướng Nam có nắng ấm biểu tượng của lửa tức hỏa, hướng Đông có mặt trời mọc biểu tượng của gỗ tức mộc, hướng Tây có mặt trời lặn biểu tượng của kim loại hay kim. Trái đất biểu tượng cho thổ chiếm giữ vị trí trung tâm được bao bọc bởi các phương hướng này. Do vậy:

Hướng Bắc: tượng trưng phần âm của các đồ vật và mạng hay cốt của nó là thủy. Sao Bắc Đẩu chính là tâm điểm, chiếm vị trí trung tâm và là ngôi vị đáng nể trên bầu trời đêm. Trong khoa Phong thủy, bất cứ loại cửa nào mở ra ở nhà hướng bắc đều không được ưa chuộng. Sự băng giá, tuyết phủ vào mùa đông là những lý do để người ta không làm nhà về hướng này. Với căn nhà xây hướng bắc, người ta sẽ xây các bức tường vững chắc ở phía bên ngoài căn nhà để bảo vệ các hướng cửa đi vào một căn phòng hoặc phòng ngủ, đó là điều có thể chấp nhận được và các cánh cửa, cửa sổ đều hướng về phía Nam để đón nắng ấm của phương Nam và trung hòa cơn gió lạnh thổi từ phương Bắc đến. Bởi ánh sáng của bầu trời đêm hướng bắc tốt hơn, chúng ta nên hướng chúng vào một mái nhà dốc hoặc vào một góc. Những ai muốn tăng thêm cái nhìn ấm áp cho tường phía Bắc, bên trong căn nhà có thể trang trí thêm một bức tranh có màu đỏ cam hoặc màu sắc ấm áp khác, hay trang trí những thứ khác trên tường để trung hòa vị trí lạnh lẽo này. Một lò sưởi sát tường nền hướng Bắc cũng rất tốt.

Hướng Nam: theo Phong thủy thì hướng nam tượng trưng cho dương lực, mùa hạ, sự ấm áp và phương Nam đầy nắng ấm, mạng của hướng này là hỏa ở cả nội và ngoại Phong thủy, hướng Nam là tốt lành nhất. Theo truyền thuyết Trung Hoa, các đình chùa và các cấu trúc xây dựng quan trọng đều chọn hướng mặt về phía Nam.

Hướng Đông: biểu tượng của mùa xuân, tượng trưng là rồng tiêu biểu cho phái Nam, cốt của nó là Mộc, tương quan với lửa nhưng khắc với đất và Kim loại. Đối với nội Phong thủy, một bức tường vững chắc hoặc một bình phong bao bọc cái bàn hay chiếc ghế được đặt ở vị trí đặc biệt và được xem như là lực đẩy lùi những phần tử không tốt. Với ngoại phong thủy, nếu có một ngọn núi hoặc đồi nhỏ uốn khúc ở đằng trước ngôi nhà là rất tốt và tốt hơn nữa nếu có thêm một dòng nước hay con mương chảy ở phía Đông để nuôi dưỡng khu đất này. Và thế đất ở phía Đông căn nhà cần phải hơi cao hơn thế đất phía Tây. Một bức họa hay một tác phẩm điêu khắc hình con rồng được treo trên tường phía đông trong nhà, rồng biểu tượng cho sự ngăn chận ma quỷ thần quấy phá, biểu tượng rồng sẽ giúp cho gia chủ vượt qua những cảnh vật mang ý nghĩa hay điềm xấu như: cột khói có thể gây ra hỏa hoạn, một vật lớn có những cạnh nhọn có thể gây ra tai nạn, thương tích, một thân cây chết tức điềm xui xẻo...

Hướng Tây: được xem là nơi ngự trị của Bạch hổ hay loài Cọp trắng, tức có cốt là Kim. Hướng này tượng trưng cho mùa thu và tương quan với nước, nhưng khắc với gỗ và lửa. Nước tượng trưng cho Âm và vì thế màu mỡ, thịnh vượng, giàu có và có cơ phát triển... Các vật có liên hệ với nước như: sông, suối, thác, hồ, ao nước để nuôi cá, cây mọc dưới nước, bình cắm hoa có nước... những yếu tố chứa thủy đều có lợi cho hướng Tây. Trong Phong thủy thực hành phổ thông nhất, nước được đặt ở phía Tây của căn phòng mang ý nghĩa có tiền bạc và giàu có. Hướng này tượng trưng cho sự dồi dào, tình thương yêu và thơ mộng, vì rằng nước nuôi dưỡng những sự kiện lạc quan và các mối quan hệ với các điềm tốt. Vì thế nên bức tường phía Tây, hoặc một góc phòng phía Tây Bắc của một phòng ngủ, là vị trí rất thích hợp ta để bày biện hay trang trí những vật có liên quan đến nước. Tại các đền chùa, nhà thờ, các bàn thờ, điện thờ, người ta cũng thường bố trí hướng mặt về phía tây hay trong tôn giáo người quan niệm cõi êm đềm tốt đẹp của phương tây cực lạc chốn.

Những điều kiêng kỵ:

Một nguyên tắc phổ thông trong khoa phong thủy là điều tối kỵ khi chọn ngôi nhà ở ngã ba đường cái mà có lối đâm thẳng vào mặt tiền nhà. Nhà không nên xây nơi ngõ cụt, vì thông thường những nơi này hay có luồng gió túng quẩn, đưa bụi bậm bay vào nhà. Ngoài ra ta cũng nên tránh chọn ngôi nhà tọa lạc ngay nơi cửa núi, cửa thung lũng vì gió độc có thể thổi vào nhà, biểu tượng cho không khí gia đình dễ bị lục đục hay bị chia ly. Còn nếu nhà tọa lạc trên nền giếng cũ thì gia chủ dễ bị thương tích hay ốm đau. Nhà làm trong ngõ cụt hay "cul-de-sac" thì gia chủ bị hiu quạnh, cô đơn. Nhà xây gần nghĩa trang có thể làm cho gia chủ tâm thần bất ổn. Hàng ngày con người cần làm lụng vất vã mưu sinh mà luôn luôn tiếp xúc với không khí hồn ma quỷ ám bám víu thì làm sao tâm thần có thể được ổn định tâm lý cho được. Khi ta xem phong thủy thì chính là ta xem những tác dụng tốt xấu của lý về thiên khí đối với vị trí không gian nhất định. Trong hai tầng này, Phong tức gió và Thủy tức nước là môi giới liên kết Khí với địa hình, là cách luận đoán từ hình tượng cụ thể chuyển hóa thành các tác động trừu tượng. Trong quá trình chọn lựa, đối tượng được ta phán đoán cụ thể là địa hình, giải thích và bình phẩm đặc tính sử dụng địa hình là khái niệm về Phong thủy. Đồng thời như đã nói ở trên, người ta dùng Phong và Thủy thì lại lấy địa hình để diễn tả trạng thái tác động của nó, cho nên trong thuyết phong thủy ta xét qua hai yếu tố chính của nơi chốn nào đó mà ta muốn biết. Vì ẩn chứa trong các yếu tố ngũ hành và thiên khí vốn trừu tượng như vậy khiến cho nhiều người cảm thấy thuyết Phong thủy lại vừa huyền bí, vừa phức tạp.

Trong khoa phong thủy, cửa chính vào nhà còn gọi là Huyền quan. Về vấn đề này mỗi hệ phái xem Phong thủy thường có những cách lý giải riêng, nhưng nói chung họ đều công nhận cửa là quan trọng nhất. Đi đôi với cửa chính tức Huyền quan còn có một thuật ngữ gọi là Thủ huyền quan hay trấn giữ cửa. Thủ huyền quan là phía sau cửa khoảng 1.5 thước cho đến 2 thước ta đặt một tấm bình phong, giống như một đơn vị trấn thủ cửa chính. Công dụng của bình phong là để thay đổi hướng đi của dòng khí, không cho khí xung chiếu trực tiếp vào. Bình phong dùng để thủ huyền quan có thể dùng bất cứ vật liệu hoặc hình dáng gì, và không cần lớn, chỉ cần cải biến hướng đi của dòng khí là được. Người ta cũng có thể dùng tấm gương làm bình phong, dùng để Thủ huyền quan đồng thời vừa dùng để trang trí nội thất, hoặc dùng một cái bàn tròn để hóa giải dòng khí xung chiếu trực tiếp vào. Đó là các biện pháp nhằm tạo luồng khí hòa hoãn để sinh tài. Cũng nên biết nguyên tắc đầu tiên là cửa không được đối nhau. Bên trong nhà thường có một số phòng và cửa của nó, các cửa này cần phải tránh đối nhau trực tiếp, vì một khi các cửa thông nhau sẽ làm ảnh hưởng Phong thủy bên trong nhà. Lúc ấy dòng khí sẽ thịnh một nơi và yếu đi nơi khác, khó đạt tới sự hài hòa. Do đó nếu như Phong thủy của một phòng không được tốt sẽ ảnh hưởng sang phòng khác. Các nhà Phong thủy cho rằng nếu phạm vào trường hợp này thì người trong nhà hay cãi vã, xung đột, tức nhà cửa không yên, gia đình không êm ấm. Nếu không thể sửa đổi lại cách thiết trí cửa trong nhà được, người ta có thể đặt bình phong hoặc treo rèm cửa để cải thiện tình trạng cần chỉnh lại.

Điều kiêng kỵ trong khoa Phong thủy là cửa phòng không được xuyên suốt từ trước nhà ra sau. Nếu gặp trường hợp là phạm vào cuộc Môn xung sát rất có hại cho người cư ngụ trong nhà, hình thành hiện tượng mà các nhà phong thủy gọi là Xuyên đường phong tức gió xuyên qua các phòng. Trong trường hợp này dòng khí sẽ quá mạnh làm ảnh hưởng đến sự ổn định của tường khí, điều này có thể gây tổn thương đến sức khỏe người ở trong nhà. Cửa lớn là nơi để người ta ra vào, và cũng là nơi dòng khí vào nhà, nếu cửa lớn được đặt ở hướng tốt, một khi cát khí vào nhà sẽ theo cửa sổ mà đi mất, không tụ vào được. Ngoài ra, một trường hợp cần tránh mà đây gọi là cách cuộc Môn xung sát hay là Thương sát. Nên nhớ là nguyên tắc cửa của hai nhà không được đối nhau. Ngay cả trường hợp cửa của hai nhà khác nhau cũng không được đối nhau. Các nhà phong thủy cho rằng có thể làm những cách sau để hóa giải như dùng bình phong che chắn phía trong cửa, đặt cặp tượng hình kỳ lân ở cửa bị xung chiếu, hoặc cặp tượng nhỏ hình con rùa bằng đồng cũng được, hình tượng này có thể hóa giải những loại vật phong thủy xấu hay xung khắc chiếu vào cửa, tạo thành một hành lang để làm hòa hoãn dòng khí. Và cửa không được đối với cạnh góc phòng. Xét trường hợp khi người đứng trong phòng nhìn ra ngoài phòng thấy cạnh góc của phòng đối diện xung chiếu thẳng vào phòng, đây cũng là điều cấm kỵ. Sau hết, ta giữ nguyên tắc cửa phòng không được đối thẳng với xà nhà. Dù là nhà gỗ, nhà xây hay đúc bê tông đều phải chú ý không thiết kế xà nhà đâm thẳng vào cửa chính.

Thế nào là hướng Trực xung?

Tục ngữ dân gian có nói mang ý nghĩa địa hình phong thủy như câu: “Nhất góc ao, Nhì đao đình”, nói lên kinh nghiệm chọn nhà cần tránh các góc ao, cũng như góc cạnh của mái đình, của đền miếu hướng vào chính diện nhà. Mở cửa ra nhìn thấy góc mái đình có hình lưỡi đao rất kỵ trong khoa Phong thủy và cạnh tường chĩa vào nhà mình thì luôn có cảm giác bất an. Xét về giao thông, nếu có một ao hồ hay ngôi nhà có mái đao nào đó xoay chéo so với mặt phẳng cửa nhà mình tức là cho tầm nhìn xiên lệch, dễ gây ra va chạm với khí di chuyển, luồng khí thổi theo các bề mặt nhà đó cũng đưa bụi bặm, hút gió hướng về nhà mình nhiều hơn. Khoa Phong thủy gọi đây là Trực xung, một dạng gây các điềm tiêu cực ảnh hưởng đến cảnh quan và tâm lý người sử dụng nhà. Cách khắc phục điều chỉnh lại nó là có thể làm hàng rào trước nhà mình tương đối kín đáo hơn, dùng cây xanh hay mảng tường tạo nên tấm bình phong ngăn luồng khí Trực xung. Nếu có thể được thì nên đặt chậu cây xanh ngay tại góc tường nhà đó để hóa giải góc nhọn này, như vậy gia chủ dễ dàng chấp thuận sự đổi thay khi có thêm mấy chậu cây xanh ở góc ngoài nhà mà thôi.

Kích thước ngôi nhà:

Kích thước của ngôi nhà, của các bộ phận nhà cửa theo Phong thủy cũng có quy tắc khá chặt chẽ. Để đo chiều dài, người xưa sử dụng "bộ" thay cho "thước" tức xích. Chín thước là hai bộ. Mỗi thước độ 16 inches. Số lượng của "bộ" định cho từng bộ phận nhà hoặc toàn nhà cũng có phép tắc. Một "bộ" gọi là kiến, hai "bộ" là mãn, bốn "bộ" là bình, năm "bộ" là định, sáu "bộ" là chấp, bảy "bộ" là phá, tám "bộ" là nguy, chín "bộ" là thành, mười "bộ" là thu, mười một "bộ" là khai, mười hai "bộ" là bế. Đến "bộ" thứ mười ba thì lặp lại chu kỳ trên.

Kiến là kích thước cơ bản, trừ là bỏ bớt, mãn là đầy đủ, bình là vừa phải, định là không có thay đổi, chấp là nên nắm lấy, phá là tan vỡ, nguy là không ổn định, thành là đạt được điều hay, thu là nhận lấy, khai là mở mới, bế là dừng là tắc. Theo như thế mà chọn lấy điều mong muốn khi định kích thước nhà và các bộ phận nhà. Kích thước lại được luận đoán theo lành dữ rất khiên cưỡng. Chẳng hạn như kiến là nguyên cát, tức gốc của điều lành, trừ là sáng sủa, Mãn là thiên hình, bình là quyền thiệt tức uốn lưỡi, định là kim quỹ tức thước vàng, chấp là thiên đức, Phá là xung sát, Nguy là ngọc đường, thành là tam hợp, Thu là tặc kiếp tức cướp giật, Khai là sinh khí, bế là tai họa. Nên chọn kích thước theo Kiến, Mãn, Bình, Thu. Kích thước chấp nhận được là trừ, Nguy, Định, Chấp. Thành, Khai thì dùng tốt. a nên tránh né các kích thước trong bộ bế, phá. Chiều rộng nhà không chọn Mãn, Bình, Thu, Bế. Chiều dài nhà lấy theo Trừ, Định, Chấp, Khai. Số "bộ" của nhà hợp với quy tắc trừ, định, chấp, nguy, khai, kiến thì ở trong nhà ấy sớm sinh quý tử. Nhà có số "bộ" hợp với quy tắc Trừ, Định, Nguy, Khai, Chấp, Kiến thì người trong nhà mau thành công về công danh hay làm ăn thương mại.

Mỗi ngôi nhà hay miếng đất đều có hình thái cụ thể do quá trình lịch sử, địa lý và xây cất tạo nên. Nhiều khi chính công trình xây cất rất bền đẹp nhưng các mối tương quan chung quanh lại không hoàn chỉnh, cần có nhận định đúng để tìm biện pháp khắc phục trong khoa Phong thủy. Nếu như nhà bị đối cửa thì ta phải làm sao? Như đã bàn phần trên, trường khí của mỗi nhà mỗi khác, khi các nhà mở cửa thẳng hàng gây Trực xung nhau, tạo nên các luồng khí hút mạnh, đưa bụi, tiếng ồn và các tác nhân xấu vào nhà. Khoảng cách giữa hai nhà càng gần, càng cần có biện pháp khắc phục, như dùng bình phong, tường ngăn để giảm luồng khí xông thẳng, chuyển cửa sang một phía, hoặc vẫn dùng cửa 4 cánh nhưng chỉ mở thường xuyên một bên giúp cho tầm nhìn bên ngoài không soi thẳng vào nhà. Còn nếu nhà có sân, tùy theo hướng gió và hướng giao thông, ta có thể sửa đổi xoay lệch cửa chính lại, miễn sao tạo nên vùng đệm phía trước, đặt thêm cây cảnh để che chắn, khiến lối vào trở nên sinh động, hợp lý khí hơn. Việc đối cửa trên các tầng lầu cũng có thể xử lý tương tự như dưới trệt, nhưng yếu tố đi lại không còn mà chủ yếu là gió, tiếng ồn và tầm nhìn. Vì vậy cách sửa đổi dễ dàng hơn, như ta có thể dùng rèm cửa như phong chắn, mở cửa dạng bên lồi bên lõm, đặt thêm vào bồn hoa, che chắn để không trực tiếp chịu tác động "Đối Môn" nữa.

Đối với nhà ma`Tù tự hình”:

Đây là khái niệm chỉ địa hình về khu đất mà ngôi nhà bị vây quanh, thậm chí cả 4 bề đều có nhà khác che chắn, ý nghĩa như chữ "tù" trong tiếng Hán, chỉ có lối ra vào độc đạo, một hình thế khá bất lợi của thổ trạch. Ở những chỗ này thì trường khí thường bị tù hãm, tầm nhìn bị cản trở, nếu lại thêm giao thông trắc trở hoặc hẻm cụt đâm thẳng vào trung cung thì hung khí sẽ dễ tích tụ và cát khí lại khó lưu thông. Nhưng hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách chừa khoảng trống lưu thông quanh nhà, không xây nhà hết đất, đồng thời giữ được Minh đường thoáng đãng phía trước, mở nhiều Thiên tỉnh hay giếng trời, sân trong để thông khí bên trong hoặc phía sau. Một số gia chủ thường lo ngại khi gặp dạng nhà đất Tù tự hình này, nhưng thực ra đất chỉ có ý nghĩa Phong thủy khi có người xây nhà và sử dụng, mà giải pháp nhà thì hoàn toàn có thể chủ động khắc phục được. Khoa Phong thủy hết sức coi trọng sự mở cửa của nhà. Cửa nhà hay cổng nhà, đón đưa môn Khí mà như lý thuyết về khí luận thì môn khí cùng với địa khí là hai tiêu chí quan trọng nhất của ngôi nhà. Cửa nhà có thể tiếp xúc với không khí thiên nhiên nếu hướng lên trên, hướng xuống dưới thì tiếp Địa Khí, đón lành, tránh dữ. Để quyết định cửa của ngôi nhà, cần cân nhắc phương vị của cửa, xem cửa nên mở ra không gian nào. Chiều cao, bề rộng của cửa, vật đối diện với cửa đều hết sức quan trọng. Cửa nhìn ra không gian khoảng khoát hay thoáng khí, để có thể khi ngước lên ngắm trăng nhìn mây, coi ngang tầm mắt thì ngắm cây, nhìn hoa là ý nghĩa đẹp đẽ trong cuộc sống. Khi đi vào trong nhà, sự cần thiết trong nhà cũng có những quy tắc theo sự phù hợp cho Phong thủy. Nơi đặt bàn thờ gia tiên hay bài vị thờ cúng tránh đối diện với phương Thái tuế. Đặt bài vị vào các năm Tí, Sửu, Dần, Hợi kiêng quay mặt hướng Bắc. Đặt bài vị vào các năm Mão, thìn phải kiêng quay mặt về hướng Đông, Các năm Tỵ, Ngọ, Mùi, kiêng quay mặt hướng Nam. Các năm Thân, Dậu, Tuất kiêng quay mặt hướng Tây. Như thế, theo Phong thủy, mỗi năm phải đặt lại bài vị một lần. Xưa nay, nhiều nhà chỉ đặt hướng bài vị không theo phương hướng để rồi họ chuốt lấy những bất lợi trong cuộc sống. Nếu chỉ vì hướng tốt thì sao ta không thử lấy cái hên của nó xem sao.

Một chút Phong thủy cho cuộc sống nhẹ nhàng:

Khuynh hướng mới hiện nay ai cũng mong muốn được gần gũi với thiên nhiên, những muốn tìm cho mình sự nhẹ nhõm, thanh thoát sau những áp lực của cuộc sống thường nhật. Ðiều này tạo nên nhiều gia chủ cho xây sân vườn trong khuôn viên nhà mình. Những khu vườn có suối phun nước hay hồn non bộ được ưa chuộng trong các ngôi nhà chú trọng khoa phong thủy hay nét mỹ thuật gia cư. Một góc vườn, một patio sau nhà hay một góc nhà có thể được trang hòang cây kiểng màu xanh tươi cho biểu tượng của sự sống, hay cấu tạo một không gian mát mắt cho thư giãn tâm hồn sau những giờ làm lụng vất vã trở về nhà. Việc thiết kế thêm hầu gia tăng nét đẹp đẽ cho gia trang hay thích hợp với Phong thủy tùy thuộc vào ngôi nhà đủ rộng cho cả một khu thủy tạ, hay ta chỉ có một góc sân nhà cho một hòn non bộ. Trong khung cảnh nào thì ta cũng có thể tạo một dòng suối nhỏ bằng máy bơm điện nhỏ trong một ao nước xinh xinh nhân tạo. Những mặt hàng trang trí nhân tạo này thường được nhập cảng từ Trung quốc, dễ lấp ráp, rất tiện lợi. Ngoài ra còn có những loại cây thủy cảnh rất dễ trồng và dễ chăm sóc. Ngoài các loại thủy kiểng, ta còn có thể đặt vào ao nước nhân tạo như có vòi phun nước, những bức tượng mỹ thuật, những tảng đá trang trí thêm vào ao hồ non bộ này. Trong ao nước có thể nuôi loài cá koi, cá chép bơi lội nhởn nhơ cho ta một cảm giác thư thái, một cái nhìn an nhàn, nhưng về mặt Phong thủy đóng góp rất nhiều cho căn nhà mà chúng ta đang ở.

Hồ nước hay ao cá, hoặc hòn non bộ trước hay sau nhà còn là những thủy điểm chứa tiểu cảnh rất được ưa chuộng trong khuôn viên nhà. Khi sắp xếp cây kiểng bonsai và non bộ ta nên tuân theo theo vị trí truyền thống của bốn yếu tố Tam đa, Tứ linh, Ngũ hành và Phụ tử, vì đây là biểu tượng cho một vũ trụ quan thu nhỏ của triết học Đông phương chứ không chỉ đơn thuần về mặt trang trí mỹ thuật. Nước trong non bộ nên là nước động để kích hoạt nguồn khí, có thể như suối chảy róc rách, hoặc thác đổ hay nước sông xuôi dòng tùy theo đặc tính hay chủ đề non bộ hoặc cảm quan về một triết lý riêng của gia chủ. Nhìn dòng suối nhân tạo chảy róc rách để gia chủ thưởng ngoạn cuộc sống thanh nhàn tự tại theo ý niệm an nhàn của hệ phái Trang Tử bên Trung Hoa yêu thiên nhiên hay qua sự thư thái trong cảm quan của khuynh hướng Tản Đà một thuở, ta nhìn ngắm hay suy tư rằng cuộc đời sao quá đáng yêu. Vậy thì dụa vào những điều trên cho chúng ta thấy được gì? Ðó là một triết lý Phong thuỷ Đông phương, và nó chứa đựng một triết lý sâu xa trở về với thiên nhiên của người xưa đã hiện hữu hằng bao thế kỷ qua, khi mà cảnh trí phối hợp có cây xanh cùng ao nước, và bạn đang thực hành ý niệm của khoa Phong thủy từ người xưa cho nơi chốn của mình.

Như đã bàn trong học thuyết Âm Dương Ngũ hành thì Thủy sinh Mộc, cây không thể sống và phát triển tốt nếu thiếu nước. Trong nghệ thuật thiết trí cây xanh cho dương trạch, cần phải xem cây xanh và mặt nước là hai yếu tố không thể tách rời, vốn bổ sung hỗ tương cho nhau. Cây là dương, đón nhận ánh sáng gọi là Dương quang và hút nước từ đất tức Thủy âm. Do đó nhìn cây xem mạch đất chính là nhờ sự liên hệ Thủy Mộc tương sinh. Trong quan niệm nhà ở theo truyền thống Đông phương được cố ý sắp xếp cây xanh và làn nước, làm như vậy tức ta tạo dựng một công trình theo Phong thủy là từ cổng vào sân trước có hồ nước hoặc ao non bộ nằm về phía Nam khu đất, tức là đầu hướng gió mát để đưa hơi nước lan tỏa trong sân nhà. Cây xanh kề cận mặt nước thường là những cây xanh thấp hoặc cây thân cao không rụng lá như loài kiểng mang hình thù loại cây chà là, cây cau hay cây dừa kiểng. Phần lớn loại cây này thuộc dòng họ cau, dừa hay chà là hay lòai bonsai cần ít nước nhưng vẫn cho lá xanh tươi tốt, cộng thêm vào dó là ao suối nước non bộ nhân tạo thu hẹp hay bồn cá kiểng, khung cảnh cây xanh tươi và làn nước mát đó cho thấy sự sống và làm rỏ nét của khoa Phong Thủy quanh chúng ta hơn.

oOo

Tóm lại, qua những điều đã trình bày ở phần trên, cuộc đời có những điều nằm ngoài tầm tay với của mình, phong thủy đến với chúng ta như một trợ lực trong niềm tin của cuộc sống, một tác động ngoại vi bản thân ta, nhưng nếu có lòng tin đó, biết đâu rằng cuộc đời sẽ có những thay đổi tốt đẹp hơn nếu ta làm theo.

Qua hai yếu tố căn bản của khoa Phong thủy, được hiểu là Âm và Dương. Khoa Phong thủy chứa một ý niệm chính rất đơn giản, mọi vật trên quả đất này chỉ ở trong hai cực của trạng thái, hoặc Âm, hoặc Dương. Khái niệm về Âm Dương cũng rất giản dị, Âm Dương là hình thức khởi thủy của mọi vạn vật trong cuộc sống này, vì đặc tính đối nghịch và không thể tách rời ra được, nên nó đã phải nương tựa vào nhau để tác động hổ tương cho nhau, để cho ta lý thuyết Âm Dương Ngũ hành, nhờ nó mà ta có thể giải thích mọi biến thiên, mọi chuyển hóa của vạn vật trong khoa Phong thủy.

Xét rằng khoa Phong thủy cũng quan niệm mọi vật trên quả đất này được chia làm 5 loại: Kim, Mộc, Thủy, Thổ và Hỏa. Các vật thể xung quanh chúng ta đều chịu ảnh hưởng của lý thuyết Ngũ hành.

Xét rằng khoa Phong thủy định vị và định hướng cũng bị chi phối bởi thuyết Ngũ hành. Trong cuộc sống chúng ta hầu như mọi người phải có nơi để ở hay làm việc, dù nơi đó có thể là một căn nhà, một căn condo chung cư hay căn mobile chật hẹp, hoặc giả dù nơi dó là một khu cơ sở thương mai, hay khu một cao ốc giao dịch, tựu trung những nơi chốn đó đều bị chi phối bởi ý niệm Phong thủy.

Vì thế nên Phong thủy có những nguyên tắc riêng phải theo, Phong thủy cho ta phương hướng thăng hoa cuộc sống. Tùy sự thẩm định và niềm tin của mỗi người khi nhận xét về giá trị của nó. Dù sao người viết muốn tổng hợp bài biên khảo này vì thú vui riêng tư và vì mùa Xuân đang về với chúng ta. Xuân về cho thiên nhiên thêm tươi tốt, cho Phong thủy gần gủi với con người, và mong rằng mọi người chúng ta đều được bình yên.

Nguon:nhantrachoc.net.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites