Trần Phương

Làng quê không phải vậy

3 bài viết trong chủ đề này

LÀNG QUÊ KHÔNG PHẢI VẬY

(Thứ sáu , 09/01/2009, 07:55)

Posted ImageCon đê qua làng ven sông

Hội hoa xuân Hà Nội khai mạc đêm 31-12-2008, sau đó diễn ra một cuộc bẻ, vặt, cướp hoa và dẫm đạp lên thảm cỏ vốn được chăm chút rất công phu ngay sau lễ khai mạc. Những hoạt cảnh ấy giữa thủ đô diễn ra trước mắt bàn dân thiên hạ, gây sốc cho không ít người. Nhiều nhà khoa học và công chúng đã lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hầu hết ý kiến đều có những cơ sở thuyết phục, trong đó được lưu tâm nhất là ý kiến các nhà khoa học. Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 4-1-2009 đăng bài “Khi văn hóa nông thôn đi vào hội hoa đô thị” là bài phỏng vấn giáo sư tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. Giáo sư Trần Ngọc Thêm là thầy dạy chúng tôi môn Cơ sở văn hóa Việt Nam khi chúng tôi học đại học báo chí. Trong bài trả lời phỏng vấn trên Báo Pháp luật TPHCM vừa nêu trên, giáo sư Trần Ngọc Thêm phát biểu một số điều liên quan đến nông thôn. Tôi hiểu rằng giáo sư chỉ thuần túy muốn kiến giải một hiện tượng xã hội dưới góc độ khoa học, nhưng có những phán đoán mang đậm tính miệt thị nông thôn, khái quát hình ảnh người nông dân quá tệ hại. Vì vậy, tôi xin mạo muội trình ra vài ý kiến, những mong được giáo sư thể tất.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói: “Xét về mặt văn hóa, những hành động này phát xuất từ văn hóa nông thôn, văn hóa làng xã mà ra”. Hóa ra việc ngắt hoa, bẻ hoa, dẫm đạp lên thảm cỏ và cướp chậu hoa ở Hà Nội hôm vừa đoạn suy cho cùng là cái “tội” của nông thôn, của làng quê ? Nói như vậy e nhiều người không đồng tình. Ở làng quê, làng có lệ của làng, mỗi dòng họ có qui ước của dòng họ, đều đậm tinh thần Nho giáo, cho đến giờ vẫn vậy. Sự thực là, chính những người thất tán đi làm ăn kiếm sống ở thành phố đã đem không ít tai ương về thôn quê.

Posted ImageMột góc chợ quê nghèo

Về trường hợp người đàn ông cướp hoa bị bảo vệ mắng còn quay lại chửi bảo vệ là “ăn nói thiếu văn hóa”, giáo sư Trần Ngọc Thêm lý giải: “Vì người ta coi đó là chuyện hồn nhiên, không thấy xấu hổ gì cả, không biết mình thiếu văn hóa. Đó là bản chất của văn hóa làng xã”. Nói vậy e không được ổn. “Cơ chế của sự xấu hổ” nằm ở chính cái gốc văn hóa, trước hết là môi trường sống và quá trình giáo dục. Rụt rè, nhút nhát, so đo, hay xấu hổ... chính là những nét điển hình trong tính cách người nông dân. Họ mới là những người dễ xấu hổ nhất, e ngại dư luận nhất. Ở làng quê, đố ai dám cướp, phá những thứ được chính thức trưng bày nơi công cộng. Giáo sư nói: “Ở nông thôn, nếu có ra đường ngắt hoa, bẻ hoa chơi một lúc cũng là chuyện rất bình thường. Nhưng khi mang thói quen này vào đô thị thì không bình thường xíu nào cả”. Vẫn biết đây là những ý kiến của nhà khoa học về một vấn đề xã hội vừa phát sinh trong đời sống, nhưng ý kiến này khá xa rời thực tế. “Đường” mà giáo sư nói ở đây là đường nào mà có thể “ra” để ngắt hoa? Làng quê thì có đường làng, đường ruộng, không ai trồng hoa ở những chỗ đó cả, từ thượng cổ đến giờ là thế. Có thể hiểu cái sự “ra đường” mà giáo sư Trần Ngọc Thêm nói trong bài trả lời phỏng vấn là ám chỉ một hiện tượng “ra khỏi nhà của mình”; nhưng kể cả nói như thế cũng không ổn. Sự thực là, ở nông thôn, đường làng chưa bao giờ được trồng hoa, bờ ruộng không bao giờ được trồng hoa, cho nên muốn ngắt hoa khi “ra đường” chỉ còn một cách lẻn vào nhà ai đó trong làng có trồng hoa ở trước sân. Nhưng như đã nói, ở nông thôn, chỉ có mấy đứa bé tuổi mẫu giáo tình cờ gặp hoa thì bẻ như một thứ bản năng của con người thấy gì là cầm nắm; người trưởng thành không ai bẻ hoa trong vườn nhà người khác cả. Họ còn bận làm ruộng; họ cần cái có thể ăn mà sống, hái hoa làm gì? Thế cho nên, không hề có thói quen “ngắt hoa, bẻ hoa chơi một lúc” như giáo sư Trần Ngọc Thêm nói, ở nhà quê! Một ý kiến khác của giáo sư: “Vì những lý do nằm trong bản chất của một nền văn minh nông nghiệp, cùng đó là lối sống của môi trường làng xã còn đậm chất ở nhiều người dân Hà Nội nên đã gây ra sự cố trong những lễ hội hoa vừa qua”. Qui kết như thế là chưa thuyết phục, bởi vì như đã nói, ứng xử của người dân nông thôn rất xa lạ với sự công khai cướp phá những thứ có ít giá trị lợi lộc, và cái chính là họ rất dễ bị mắc cỡ (tức là xấu hổ, chữ của giáo sư đã dùng trong khi trả lời phỏng vấn).

Còn khá nhiều vấn đề tôi thấy chưa đồng tình trong những kiến giải của giáo sư Trần Ngọc Thêm, nhưng xin bàn vào một dịp khác. Tôi trình bày những điều trên đây là muốn đặt lên bàn một thực tế chẳng vui gì: chính những người sống ở Hà Nội hư và cái sự hư của họ không hề do cái gọi là “văn hóa nông thôn, môi trường làng xã, tâm lý đám đông nông dân”... như giáo sư đã nói. Chúng tôi đã hơn một lần nói rằng ở thành phố Hà Nội bây giờ còn rất ít “Người Hà Nội”, căn cứ vào các biểu hiện văn hóa của họ. Chắc thầy Trần Ngọc Thêm biết rõ một điều: đất nước còn nợ giai cấp nông dân món nợ có lẽ không bao giờ trả được, đó là hàng triệu người nông dân mặc áo lính và không mặc áo lính đã ngã xuống trong mấy cuộc kháng chiến oanh liệt giành và giữ nền độc lập của Tổ quốc chúng ta. Chính những người nông dân mặc áo lính là lực lượng đông đảo nhất, chiến đấu ngoan cường dưới sự lãnh đạo của Đảng và làm nên kỳ tích là dân tộc duy nhất cho đến giờ đánh bại tên sen đầm Mỹ.

Posted ImageỞ nơi ngã ba sông Bạch Hạc, Việt Trì

Tôi quê Vĩnh Phúc, năm nay ngoài năm mươi tuổi, truyền đời cả nội ngoại đều là nông dân. Bố tôi là con bần cố nông, nhờ ơn cách mạng mà được làm nghề dạy học. Đến lượt tôi, trong ba năm từ 1977 đến 1979, cũng nhờ ơn cách mạng được về Hà Nội học. Ngay từ những ngày đầu tiên nhập trường, tôi đã nhận ra sự khác biệt khá nhiều trong nếp sống, nếp nghĩ của những thanh niên “người Hà Nội” cùng trường so với thái độ sống mà tôi được rèn giũa từ bé ở thôn quê. Từ sự ăn uống, sự đi đứng nằm ngồi của con trai con gái phải thế nào, đói cho sạch rách cho thơm, thương người như thể thương thân, không được cầm tiền và đồ vật phi nghĩa... là những điều tôi được dạy từ tấm bé và thuộc đến tận giờ. Ngày ấy, hai chữ “nhà quê” thường xuyên được phát ra từ miệng mấy “đồng đội người Hà Nội” mỗi khi chúng tôi tụm lại với nhau. Họ hồn nhiên dùng chữ ấy không hề ác ý gì cả, nhưng tôi chạnh lòng, đến giờ ngẫm lại thì chỉ thấy thương hại họ. Sự thực là bố mẹ họ nói vẫn “ngọng níu ngọng no”, người nhà quê đi kháng chiến về mà, nhưng chết nỗi họ lại được đẻ ra và học ở Hà Nội. Bố mẹ họ thì phần phải lo công việc ở cơ quan, phần phải toan tính lo kiếm trấu, kiếm củi, mùn cưa để đun nấu, lo xếp hàng mua thịt và đậu phụ mỗi tháng nên có phần xao nhãng việc truyền dạy cho con nếp ăn nếp ở của làng quê vốn dĩ đẹp và có phần hà khắc. Tôi thuộc “dòng dõi nông dân” và đi ra từ làng quê, nhưng những năm sống và học ở Hà Nội, chưa bao giờ cầm cái gì không phải của mình, chưa bao giờ ngắt một bông hoa ở công viên. Tôi biết đại đa số người từ quê ra thành phố đều xử sự như thế, chỉ trừ những người vì những nguyên do khác nhau mà bị lưu manh hóa ở chính đô thị họ đang tá túc và kiếm sống. Cho đến giờ, tôi vẫn thuộc nằm lòng những câu hát của trẻ thơ từng được học và hát mỗi ngày, dưới mưa bom bão đạn Mỹ: “Ra vườn hoa em chơi/ Em không hái một bông hoa nào/ Hoa sắc thắm nhìn em hoa cười/ Em nhớ lời cô dạy không hái/ Bông hoa này là của chung”. Bài hát này hồi ấy nằm trong chương trình chính thức của trường mẫu giáo và tiểu học toàn miền Bắc, cả đô thị và thôn quê. Thông điệp của bài hát thật rõ ràng, đơn sơ và dễ hiểu, hàng triệu người thế hệ chúng tôi ở nông thôn, cho đến giờ vẫn thuộc. Rốt cuộc, tôi muốn nói rằng, tất cả là do giáo dục; sự giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội. Phải xem lại hệ thống giáo dục của chúng ta vài mươi năm qua đã đẻ ra những con người có những hành vi kỳ quái như đã thấy ở Hà Nội hôm vừa rồi chứ, nỡ nào vu vạ cho nông thôn, nông dân, làng xã như thế ?

Bài và ảnh : Khương Hồng Minh (Báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh)

Share this post


Link to post
Share on other sites

tất cả là do giáo dục; sự giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội. Phải xem lại hệ thống giáo dục của chúng ta vài mươi năm qua đã đẻ ra những con người có những hành vi kỳ quái như đã thấy ở Hà Nội hôm vừa rồi chứ, nỡ nào vu vạ cho nông thôn, nông dân, làng xã như thế ?

Tôi thì không phải là người nông thôn. Về bản chất, tôi cũng chưa chân lấm tay bùn bao giờ - ngoại trừ hoàn cảnh bất đắc dĩ. Nhưng tôi có thể cam đoan rằng: Nếu nền văn hóa nông thôn cổ xưa mà được phố biến ở văn minh đô thị bây giờ thì chắc chắn không có những hành động bẻ hoa và phá hoại cảnh quan như thế. Cơ sở nào để tôi nhận xét như vậy?

Bây giờ chúng ta cứ xem lại những cấu chuyện xưa như: Tắt đèn, Bước đường cùng, chúng ta sẽ thấy mặc dù trong sự khốn cùng, người nông dân cũng không xâm phạm đến quyền lợi của kẻ khác. Họ cùng cực, bán chó, bán con chứ không ăn cắp. Lệ làng ngày trước rất nghiêm, kẻ nào xâm phạm tài sản công cộng, dù chỉ là một viên gạch sẽ bị trừng trị rất nặng. Thử cậy một viên gạch ở trên đường làng về lót ông Táo xem. Nếu bị bắt vạ thì mệt nghỉ. Bởi vậy, chúng ta thấy các lễ hội ở nông thôn có bao giờ ...vớ vẩn như vậy không? Hoàn toàn không. Điều đó chỉ xảy ra ở ....Hà "Lội". Và không chỉ một lần (*).

Các nhà khoa học không thể lý giải là do giáo dục. Vì chính những nhà khoa học ấy lại là những nhà giáo dục. Nếu lý giải là do giáo dục thì chính họ phải có trách nhiệm. Có thể đây là một trong những nguyên nhân có tính tiềm thức khiến họ dễ đi tìm một nguyên nhân khác.

Gần đây ở Hanoi có câu thành ngữ hiện đại dành cho những người đi xe ẩu "Đi xe cứ như trên đường làng nhà nó". Có thể những người nông dân chưa hiểu biết về nhưng tri thức hiện đại về luật đi đường ở thành thị. Nhưng chắc chắn văn hóa nông thôn không phải là nguyên nhân để phá nát chợ hoa như vậy. Vậy thì do đâu? Có phải đúng như tác giả bài báo Khương Hồng Minh - Báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh - kết luận không?

Kết luận như vậy - nếu chẳng may đúng - thì nó cũng có vẻ chung chung quá! Giở tất cả các sách giáo khoa ra thì thấy cuốn sách nào cũng ca ngợi sự tốt đẹp và khuyên con người hướng tới sự tốt đẹp cả. Nếu thực sự là do giáo dục thì nó nằm ở khâu nào? Phải chăng có một sự phi lý tiềm ẩn nằm trong hệ thống giáo dục đã dẫn đến trong tiềm thức con người sự phá phách này?

Về vấn đề này, tôi xin kể một câu chuyện đối thoại vài năm trước giữa tôi và Wildlavender. Lúc ấy vị tân Bộ Trưởng giáo dục mới nhậm chức. Báo chí và dư luận xã hội hồ hởi về khả năng có một cuộc cái cách giáo dục hoàn hảo sẽ bắt đầu. Wildlavender cũng nói với tôi điều ấy. Tôi đã trả lời Wildlavender - Đại ý:

- Còn anh và còn em đây. Anh tin rằng sẽ không thể có một cuộc cải cách giáo dục hoàn hảo, nếu như người ta vẫn dậy cho học sinh rằng: Thời Hùng Vương chỉ là một liên minh bộ lạc với những người dân ở trần đóng khố.

Với tôi thì đây chính là tính phi logic tiềm ẩn nằm trong hệ thống giáo dục ảnh hưởng trong tiềm thức con người. Vấn đề không chỉ cụ thể là Thời Hùng Vương cội nguồn của dân tộc Việt từ 5000 năm văn hiến xuống còn vài trăm năm với những người dân ở trần đóng khố - mà bản chất của nó là sự phi lý gần như trắng trợn, nếu không phải là dốt nát. Mà còn là hệ quả của nó với những gía trị văn hóa truyền thống liên quan cũng bị đảo lộn, bởi những tư duy không mấy sâu sắc. Có thể đưa ra đây một vài cái làm thí dụ:

Truyện Thạch Sanh đầy nhân bản thì bị coi là tư tưởng yếm thế. Truyện Tấm Cám với cái thiện thắng cái ác và cái ác nhất định sẽ phải trả giá thì chính cái thiện bị coi là dã man. Chuyện tình Trương Chi nổi tiếng của văn hóa truyền thống thì thành sự dối lừa của Mỵ Nương..vv...

Bởi vậy, chính những tính chất phi logic này đã khiến những giá trị tốt đẹp trong giáo dục trở nên không có nội dung, khi nó không có sự kế thừa từ những giá trị truyền thống. Nhận xét của tôi với Wildlavender đến nay vẫn đúng. Ít nhất với kết luận của nhà báo Khương Hồng Minh làm chứng cho điều đó.

---------------

* Chú thích: Lần trước là Hội Hoa Anh Đào cũng xôm tụ như vậy. Híc!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nhân nhà cháu đang có bài lo lắng về cái rét lạnh ở trên. Đọc đến bài này lòng thấy tủi ....vô hạn.

Có lẽ nhà giáo Thêm trách nhiệm hữu hạn mới có những nhận định ... như thế.

Nói đến Nông thôn ( Nhà quê - nhà quác ) là nói đến người nông dân mà được người thành thị gọi là "lông rân" - nghĩa lông có rận nghĩa là ở bẩn nghĩa là thiếu vệ sinh bởi chân đất mắt toét....

Nhà cháu là "lông rân" đây. Chính hiệu ba cái cuốc với 1 cái đuôi trâu.

Nhà cháu là thằng nhà quê đây . Chính hiệu với cả ngày 1 nón mê tơi - quần sắn móng lợn -

Vưỡn biết rằng người quê chỉ có tấm lòng tuy chém to kho mặn thô kệch và vụng về với những thứ nơi đô hội nhưng không phải văn hóa quê thiếu ý thức đến vậy.

Giáo Thiêm không nhìn nhận được bản chất vấn đề hay muốn miệt thị đồng quê mà nói năng như vậy mới lạ hỉ ???

Kể có thời gian nhà cháu xin góp ý và có vài nhời. Nhưng vì bận tạm kết bằng một câu sau của một cô gái được sinh ra và nhớn lên ngay giữa lòng Hà Nội hăm mấy năm - nay đã vào Nam sinh sống ( cô em dâu nhà cháu ) đại ý là :

" Nói chuyện phá hoa bẻ cành của người dân thường trú và tạm trú tại Hà nội năm qua có người đổ cho là Hà nội là miền đất hứa dân ngụ cư đông đa dạng vể vùng miền - đa tính cách và đa phong thái nhiều tính quê mùa ....nên người dân thiếu ý thức nhiều. Chẳng phải : Nếu như vậy Sài gòn thì sao. Người dân hiện sống ờ Sài gòn mới là "hợp tỉnh quốc" chứ. Hà nội có người bắc và trung nhiều - còn Sài gòn có cả bắc trung nam và Tây ... nam bộ - người Hà nội còn ở Sài Gòn đầy kia mà . Nên nói về đa tính cách và phong cách thì Sài gòn gấp mấy lần Hà nội. Sài gòn nhiều mùa xuân về họ tổ chức biết bao là chợ hoa phố hoa hội hoa mà tên tuổi trở thành thương hiệu riêng trong nuớc thậm chí cả quốc tế như : Đường Hoa Nguyễn Huệ - Hội hoa Tao Đàn. Nhưng gần như tuyệt nhiên không có ai mang ý thức phá phách như vậy đến với hội hoa xuân vì người dân biết trân trọng biết giữ gìn biết nhường nhịn biết rụt rè biết tự trọng và biết mắc cỡ. Còn người Hà nội thì ... phải thẳng thắn đặt vấn đề về tính cách khác nữa của người phố mà phân tích thì mới ra được. Không phải nói xấu quê ta chứ nếu vẫn còn ở Hà nội không biết chừng em cũng nhón tay vặt lá - tâm lý bầy đàn mà...nhưng may .......... "

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay