Posted 24 Tháng 11, 2017 DẤU VẾT DỊCH LÝ TRONG SÁCH CỔ CỦA ĐỒNG BÀO THỦY TỈNH QUÝ CHÂU Hà Văn Thùy Một trong những thắc mắc của người nghiên cứu Dịch lý là, nếu nói người Lạc Việt làm ra Dịch, vậy thì có bộ phận nào của người Lạc Việt ghi được điều này bằng văn tự? Chúng ta đã không tìm được dẫn chứng loại này trên đất Việt bởi lẽ, ngoài quẻ Lôi thủy giải trên đồ gốm thì văn tự trên đất nước ta xuất hiện muộn, lại là chữ Hán nên không thể lấy làm bằng chứng. Tuy một số sắc tộc anh em như Thái, Mường, Chăm… có chữ cổ của mình nhưng đến nay chưa thấy công bố nghiên cứu nào về chủ đề này. Vì vậy không có cơ sở để biện bác. Rất may là ở vùng người Choang thuộc tỉnh Quý Châu tồn tại bộ tộc Thủy. Xưa kia tổ tiên người Thủy là người Lạc Việt, chủ nhân của toàn bộ Trung Hoa. Nhưng tới thời Hán, người Thủy đã lui vào rừng sâu sinh sống. Dần dần biến thành bộ tộc thiểu số, với khoảng 340.000 người. Người Thủy nói tiếng Thủy và may mắn giữ được sách Thủy (Thủy thư) viết bằng chữ Thủy (Thủy tự). Đó là loại mật thư, được truyền lại từ xa xưa, được gọi là “văn tự hóa thạch sống” một tài liệu vô cùng quý giá chứa đựng tinh hoa của một nền văn hóa cổ xưa, trong đó có nói về Dịch lý. Chúng tôi xin giới thiệu bản dịch bài Thủy thư trên trang baike.baidu.com* “ Thủy thư là chữ viết và ngôn ngữ của tộc Thủy, được gọi là “Lặc Tuy,” do tiên nhân của Thủy thư truyền đời này sang đời khác, hình dạng giống Giáp cốt, Kim văn, chủ yếu dùng để ghi lại quan niệm của tộc Thủy về thiên văn, địa lý, tôn giáo, dân tục, luân lý, triết học cùng thông tin về văn hóa. Nghiên cứu khảo cổ mới nhất cho thấy, chữ viết của tộc Thủy và phù hiệu trên gốm đời nhà Hạ ở di chỉ Yển Sư Nhị Lý Đầu, tỉnh Hà Nam có sự tương thông. Các vị tiên sinh của Thủy thư đã đọc được tận nghĩa của sách khiến cho giới khảo cổ học nể trọng. Tháng 3 năm 2002, Thủy thư được đưa vào “Danh mục chữ khắc ván quý của Trung Quốc.” Thủy thư còn được gọi là “Quỷ thư”, ‘Phản thư”, thứ nhất là do kết cấu, tuy có sự phỏng theo Hán tự nhưng lại viết ngược, viết đảo, hay cải biến phép viết tự hình của chữ Hán. Chữ của Thủy thư không giống chữ Hán về hình dạng còn cách viết thì tương phản, nay rất ít người đọc được. Hiện nay, trên thế giới, Thủy thư và Hán tự là loại văn tự duy nhất không bính âm. Thủy thư Có nhiều ý kiến khác nhau về số chữ của Thủy thư. Cuốn “Thủy tộc gian sử” xuất bản năm 1986 nói có 400 chữ. Sách “Trung quốc Thủy tộc văn hóa nghiên cứu” nói khoảng 500 chữ. Các chuyên gia khảo cứu nói có hơn 2000 chữ, phát hiện chữ dị thể chủ yếu tập trung tại 12 Địa chi, Xuân, Hạ, Thu, Đông, Thiên can, cửu tinh cùng chữ đơn, biệt lệ. Trước mắt phát hiện “Dần, Mão” cùng hơn 30 chữ dị thể. Đối với chữ dị thể trong văn tự cổ của tộc Thủy, có ý kiến cho rằng mỗi chữ có ít nhất một biến thể, tổng số chữ Thủy khoảng 1600 chữ. Giới học thuật Trung Quốc cho là có khả năng Giáp cốt văn, Kim văn có “quan hệ nhân duyên” với Thủy tự, trong đó “Giáp cốt văn là cha”. Tiến sĩ Vương Ý Vinh phát hiện Giáp cốt văn vào năm 1898, tới nay mới 105 năm. Thời Minh phát hiện hai tấm bia văn tự Thủy tộc. Trong thời đại Hoàng Trị đều phát hiện Thủy thư mộc khắc bản. Như vậy, không có nghĩa là chỉ sau khi Giáp cốt văn được phát hiện mới tìm thấy Thủy thư. Giới khảo cổ vất vả hơn 40 năm khảo sát 24 phù hiệu trên đồ gốm nhà Hạ, sau đó cơ quan hữu quan tỉnh Hà Nam xem xét báo cáo về Thủy thư của Quý Châu và so sánh các ván khắc, tìm thấy có hơn mười biểu tượng phù hiệu tương ứng. Họ cho rằng: “chữ cổ Thủy tộc và văn hóa phù hiệu còn lại của nhà Hạ có một mối tương quan.” Thủy thư Thủy thư ghi chép lại, phần lớn là các ngày tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy, phương vị, cát hung, triệu tượng đuổi quỷ xua tà do vu sư thi hành công cụ của pháp sư. Do người Thủy tộc rất tin quỷ thần, nên Thủy thư được dùng rất rộng. Thủy thư có công năng đặc biệt, thúc đẩy người Thủy sùng bái quỷ thần. Tại nơi tụ cư của Thủy tộc, người đọc được và biết sử dụng Thủy thư (tất cả là nam giới) được người dân tôn trọng, gọi là “thầy quỷ” (quỷ sư). Trong dân gian, họ có địa vị rất cao, được mọi người sùng bái. Thủy thư cùng với “quỷ sư” được tổ truyền, là bảo vật trân quý, chỉ truyền nam không truyền nữ. Tuyệt đối không truyền cho người ngoài. Thủy thư là cuốn sách giáo khoa, quỷ sư là giáo sư. Quỷ sư và Thủy thư kết hợp là thuộc hệ tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy của Thủy tộc. Mối liên kết của thế giới quỷ thần, là nhân tố vật chất được truyền thừa của văn hóa vu thuật và duy trì lâu dài một thế giới thần bí. Ngoài nội dung tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy, Thủy thư còn chứa rất nhiều thông tin về các thiên tượng, tư liệu lịch pháp cùng văn tự cổ, là di sản văn hóa lịch sử vô giá của Thủy tộc. Một số trong đó là lý thuyết hiện nay như Cửu tinh, Nhị thập bát tú, Bát quái cửu cung, Thiên can địa chi, nhật nguyệt ngũ tinh, Âm Dương ngũ hành, Lục thập giáp tử, tứ thời ngũ phương. Quy chế thất nguyên lịch được đề cập trong Chính nguyệt kiến Tuất của Thủy lịch, cho thấy tổ tiên Thủy tộc đã kết tinh trí tuệ và nghệ thuật cao, bao hàm triết học của khoa học luân lý và biện chứng duy vật sử quan. Trong văn hóa Trung Quốc nó được xem là những trang sáng lạn nhất. Kết cấu của văn tự cổ Thủy tộc đại loại có ba loại hình: thứ nhất là chữ tượng hình, giống như Giáp cốt và Kim văn; thứ nhì là chữ phỏng theo Hán ngữ, tức là cách viết ngược, viết đảo hay cải biến chữ Hán; ba là văn tự tôn giáo, tức các phù hiệu biểu thị mật mã của tôn giáo Thủy tộc cổ truyền. Sách được viết theo hình thức từ phải sang trái, từ trên xuống dưới, không có dấu chấm câu. Văn tự Thủy tộc có ba hình thức lưu truyền chủ yếu: khẩu truyền, viết trên giấy, thêu, viết lên da, khắc trên ván gỗ, viết trên gốm rồi nung v.v…Thủy thư chủ yếu dựa vào viết tay, truyền khẩu lưu truyền tới nay, vì vậy được các chuyên gia học giả thế giới khen ngợi là văn tự tượng hình “hóa thach sống.” Do là kết cấu tượng hình, chủ yếu chúng mô tả hoa, chim, trùng, cá và những thứ khác trong thế giới tự nhiên, cũng như một số totems như con rồng và bằng văn bản cùng các miêu tả vẫn giữ được nền văn minh cổ xưa của nó.” Bản văn trên cho thấy, Thủy tự, Thủy thư là di sản vô cùng quý giá của người Lạc Việt. Tuy nhiên trong một bài viết, vấn đề chưa được các học giả Trung Quốc nghiên cứu một cách căn để. Trong khi đó, học giả người Việt dường như chưa quan tâm đến sự kiện quan trọng này. Dựa theo văn bản trên, chúng tôi xin lạm bàn đôi điều. Trước hết, ta thấy rằng, tác giả của nó đại diện cho tính chính thống Hán tộc nên có xu hướng kéo cả người Thủy lẫn chữ Thủy vào trong vòng ảnh hưởng của Hán tộc: tất cả đều có xuất xứ từ Trung Nguyên. Người Thủy là một nhánh của Hạ tộc di cư xuống. Trong chữ Thủy có tới 10 ký hiệu xuất hiện trên gốm nhà Hạ! Tuy nhiên, đó là cách ngụy biện do lý giải ngược. Nay ta biết rằng, nhà Hạ là hậu duệ của người Lạc Việt từ Nam Dương Tử đi lên. Còn lý hiệu trên gốm nhà Hạ chưa phải ký tự. Trong khi đó, tại Cảm Tang Quảng Tây cách đó không xa, phù tự là loại chữ dùng cho cúng tế bói toán được khắc trên đá từ 6000 đến 4000 năm trước! Như vậy là, chữ tượng hình do người Lạc Việt sáng tạo mà duy nhất người Thủy giữ được cùng với sách Thủy. Các chuyên gia không cho biết chữ Thủy xuất hiện từ bao giờ. Nhưng dựa vào lịch sử chữ viết Lạc Việt, ta có thể đoán rằng, đo là do một dòng chảy liên tục từ chữ Cám Tang cho tới chữ Thủy. Có nghĩa là, chữ Thủy có lịch sử 6000 năm. Nói rằng, trong chữ Thủy có một số chữ Hán cũng có thể có cơ sở. Đó là do tiên nhân người Thủy đã mượn chữ Hán làm phong phú hơn cho chữ viết của mình. Tuy nhiên, chữ Thủy có đặc trưng riêng của mình. Thế nào là cách viết ngược, viết đảo hay cải biến chữ Hán? Chi tiết này cho thấy chữ Thủy có gốc từ chữ tượng hình Lạc Việt. Trong khi người Trung Quốc thời Tần, Hán cải biến chữ của người Việt để viết theo cách nói Mông Cổ thì người Thủy vẫn giữ cách viết Lạc Việt truyền thống. Do vậy khi nhìn bản văn chữ Thủy, người Hán cho là viết ngược hay viết đảo với chữ Hán, tức là viết theo cú pháp Việt: phụ trước chính sau mà không phải như chữ Hán viết theo kiểu phụ trước chính sau. Người việt nói thịt gà, trong khi người Hán nói gà thịt! Điều này là thêm khẳng định thỷ Thư là của người Lạc Việt. Bài viết trên cho ta thông tin giá trị: từ xa xưa, chậm nhất là 4000 năm trước, người Thủy đã biết tới Cửu tinh, Nhị thập bát tú, Bát quái cửu cung, Thiên can địa chi, nhật nguyệt ngũ tinh, Âm Dương ngũ hành, Lục thập giáp tử, tứ thời ngũ phương. Quy chế thất nguyên lịch được đề cập trong Chính nguyệt kiến Tuất của Thủy lịch. Điều này là bằng chứng hùng hồn nói rằng, 12 con giáp cho các con giống của hàng Can cũng như 10 số đếm của hàng Chi là do người Việt đặt. Và trùm lên tất cả, ta thấy sự phổ biến của Dịch lý trong sách Thủy. Đó cũng là một bằng chứng cho thấy người Lạc Việt là chủ nhân của Dịch lý. *Dịch từ 水书 http://baike.baidu.com/view/95537.htm 3 people like this Share this post Link to post Share on other sites