Công Minh

Bãi đá cổ Sapa... "kêu cứu"!

2 bài viết trong chủ đề này

Bãi đá cổ Sapa... "kêu cứu"!

5 năm trước, theo chân nhà khoa học Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương) lên Lào Cai nghiên cứu về bãi đá cổ Sapa, tôi đã được chứng kiến hình ảnh ông rơi nước mắt, xúc động khi nhìn thấy những thông tin tiền nhân để lại cho hậu thế.

Mới đây, tôi quay lại thăm bãi đá cổ đau xót nhận thấy, những hình khắc trên bãi đá sắp biến mất bởi sự vô thức của con người và sự thiếu quan tâm của cơ quan chức năng.

Bãi đá bí ẩn

Bãi đá cổ Sapa nằm rải rác trong thung lũng Mường Hoa, được bao bọc bởi dãy núi cao 2.000m, Sử Pán và Tả Van, cách thị trấn Sapa 7km.

Posted Image

Bãi đá cổ Sa Pa

Số lượng đá cổ có hình khắc tập trung nhiều nhất thành hai bãi lớn tại xã Hầu Thào. Bãi một nằm cạnh bản Pho, một bản của người Mông kéo dài từ sườn núi xuống gần lòng suối. Bãi hai nằm giữa địa giới xã Hầu Thào và Lao Chải, trên các thửa ruộng bậc thang.

Tại bãi này có trên 100 hòn đá có hình khắc cổ. Đa phần những hòn đá ở bãi này nhỏ hơn bãi một. Nhiều hòn chỉ có hình khắc duy nhất trùm kín mặt. Hai xã Tả Van và Sử Pán nằm bên rìa trung tâm bãi đá cổ nên chỉ có rải rác vài hòn đơn lẻ và nội dung hình khắc cũng không có khác biệt nhiều.

Bãi đá cổ Sapa được Giáo sư (GS) Victor Goloubev, người Pháp, thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ phát hiện vào năm 1925. Sau đó, nhiều thế hệ nhà khoa học cả Việt Nam và Pháp đã phát hiện thêm hàng trăm tảng đá có hình khắc nằm rải rắc khắp nơi, nâng tổng số tảng đá có hình khắc lên 200 hòn.

Ngay từ buổi đầu được phát hiện, các nhà nghiên cứu đã ra sức mô tả những hình khắc trên bãi đá. Mỗi người lý giải một kiểu. Người thì khẳng định đây chỉ là những bức tranh tả thực, là những hoa văn trang trí, những hình người cách điệu đang toả hào quang, những kiểu bản đồ mô tả thung lũng Mường Hoa.

Có nhà khoa học thì khẳng định toàn bộ bãi đá là một cuốn sách cổ khổng lồ của Mông diễn tả các trận đánh ngày xưa. Một số nhà khoa học khác thì nhận định rằng những hình khắc trên bãi đá chủ yếu thể hiện những cánh đồng, thửa ruộng bậc thang và nhà cửa, làng bản, dân cư sinh sống...

Tuy nhiên, một trường phái khác lại khẳng định hình khắc trên bãi đá cổ không thể là tư duy đơn giản của các dân tộc Mông, hay Dao sống ở khu vực này từ 300 đến 600 năm về trước. Đại diện cho trường phái này là GS Lê Trọng Khánh, một chuyên gia đầu ngành về chữ viết của người Việt cổ.

GS Khánh, sau nhiều chục năm nghiên cứu bãi đá đã nhận xét: "Tổng thể các hình khắc trên bãi đá cổ Sapa quả là một bộ sách khổng lồ được khắc bằng văn tự cổ". Liệu những hình khắc trên bãi đá cổ có phải là chữ Việt cổ hay không thì GS vẫn đang chứng minh, bởi ông chưa thể đọc hay giải mã được chúng.

Tuy nhiên, hiện ở nước ta có một nhà nghiên cứu đã tiếp bước GS Khánh và ông cho rằng ông đã... đọc được chữ cổ trên bãi đá Sapa! Đó là nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền, hiện đang sống ở TP Việt Trì (Phú Thọ).

Việc ông Xuyền đọc được những ký tự trên bãi đá cổ là một chuyện lạ, song để các nhà khoa học đầu ngành chứng nhận những ký tự ông đọc đúng hay sai vẫn còn là vấn đề phải bàn cãi nhiều.

Ngay cả vấn đề thời gian xuất hiện hình khắc trên bãi đá cũng có nhiều luồng ý kiến. Người thì khẳng định chủ nhân của những hình khắc này là của người Mông, người Dao, sống ở vùng này từ 200 đến 600 năm trước, người thì khẳng định chủ nhân của những hình vẽ là của cư dân văn hoá Đông Sơn (cách đây 2.300 năm đến 3.000 năm), còn người thì khẳng định nó đã cách đây 5.000 năm, thậm chí là lâu hơn nữa, của những bộ tộc thuộc nền văn minh đã biến mất.

Còn về nội dung hình khắc thì các tranh luận càng thêm phần nảy lửa. Bởi vì, một hình khắc đơn giản nhất là một vòng tròn với những đường vạch giống mặt cái cối đá, người thì bảo đó là ký hiệu mặt trời, người bảo thái cực, người kêu đích thị hòn bi, người khẳng định là cái bánh giầy mới đúng...

Một số nhà khoa học nói trừu tượng hơn thì khẳng định đó là "biểu tượng của một xã hội nông nghiệp". Nhưng những người say mê nghiên cứu Kinh Dịch lại cho rằng hình vẽ đó là biểu tượng cho sự tương tác của vũ trụ...

Cũng chính vì những tranh cãi nảy lửa như thế nên hệ thống hình khắc trên bãi đá cổ Sapa mỗi ngày lại càng hấp dẫn, thu hút các nhà khoa học trong nước cũng như trên thế giới. Và cũng chính vì giá trị lịch sử, giá trị văn hoá của nó rất lớn mà năm 1994, bãi đá cổ Sapa đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia.

Rồi nhiều năm nay, các cấp ngành đang ráo riết chuẩn bị tài liệu để Nhà nước đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá vật thể thế giới.

Hình khắc sắp biến mất

Bãi đá cổ Sapa được một số nhà khoa học quốc tế đánh giá là một trong số ít những bãi đá có hình khắc đẹp và bí ẩn nhất thế giới. Nhưng, kể từ khi du lịch về bản, có tour thăm bãi đá cổ, chỉ vài năm qua, các hình khắc trên bãi đá đã bị tàn phá rất nghiêm trọng.

Nếu không có phương án bảo vệ, bãi đá cổ có thể sẽ biến mất bởi sự vô ý thức của con người và sự thờ ơ của cơ quan chức năng...

Thời gian bãi đá bị phá hoại mạnh nhất chính là hồi làm con đường đi thẳng từ Sapa xuyên qua đây lên Pò Lùng Chải. Để mở được đường, người ta đã phải đập đi 18 hòn đá có hình khắc. 18 hòn đá đó đều nằm ở trung tâm bãi đá vừa lớn, vừa có nhiều hình khắc đẹp. Con đường này đã mở ra tour du lịch về bản làng, về bãi đá và cũng bắt đầu cho cuộc phá hoại bãi đá một cách khủng khiếp hơn.

Hòn đá khá lớn và có nhiều hình khắc nằm ngay cạnh đường liên xã được rào bằng hệ thống cọc bêtông được nhiều du khách ghé thăm nhất.

Mang tiếng hòn đá được quây bởi hàng rào bêtông, song thực tế hàng rào này không có tác dụng gì. Hàng rào chỉ cao chừng 1m, nên một đứa trẻ cũng có thể trèo vào được. Du khách tham quan bãi đá cổ, hoặc chỉ đi qua con đường này, cũng đều dừng chân chụp ảnh với hòn đá cổ.

Posted ImagePosted Image

Hình khắc trên bãi đá cổ Sa Pa

Tuy nhiên, không ai muốn đứng ngoài hàng rào chụp, mà họ đều trèo qua hàng rào, đứng lố nhố trên tảng đá, giẫm đạp cả vào các hình khắc để chụp ảnh. Hôm tôi đến, hòn đá đang được hai nhà nghiên cứu người Hàn Quốc làm bản dập trên giấy.

Khách du lịch, người địa phương tò mò kéo đến xem, trèo kín trên mặt hòn đá. Mỗi ngày, không biết có bao nhiêu bàn chân với dép guốc sắc nhọn của người đô thị miết lên bề mặt hòn đá có những hình khắc.

Bọn trẻ bán hàng rong đợi khách cũng trèo cả lên hòn đá ngồi chơi, nghịch ngợm, nằm ngủ. Chẳng thế mà, từ khi con đường mở ra, mới chỉ vài năm nay, những hình khắc trên hòn đá này đã biến mất gần hết.

Dọc con đường mòn khám phá bãi đá cổ thung lũng Mường Hoa, hàng loạt hòn đá lớn nằm cạnh đường cũng được quây bởi các hàng rào bêtông. Tuy nhiên, hàng rào vừa xây được vài năm, đã bị bọn trẻ đập phá vỡ nát cột, trơ ra cả lõi thép. Nhiều cột bê tông bị người ta nhổ đem làm cầu bắc qua rãnh nước. Đà ngang của hệ thống cột bêtông bị bẻ gãy quẳng đâu hết.

Có hòn đá cực lớn, diện tích bề mặt có hình khắc lên đến vài chục mét vuông, cũng được rào bằng cọc bêtông, nhưng không hiểu vì thiếu tiền hay sao mà người ta làm không đến nơi đến chốn, thành thử, giống chuyện xây tường chống trộm, nhưng lại có nhiều cổng.

Vì thế, khách du lịch, trẻ con, người dân địa phương có thể tự do ra vào, leo trèo lên hòn đá nghịch ngợm, dùng dao, dùi chạm khắc lung tung.

Đau lòng nhất là những hòn đá thứ 3, thứ 4 và thứ 5 tính từ đường cái xuống. Đây là những hòn đá lớn với những hình vẽ đẹp nhất, song giờ đây, nó đã biến thành những "hòn đá rắc rối" bởi những hình khắc, hình vẽ vô cùng... kỳ lạ.

Đám thanh niên nghịch ngợm có máu phá hoại dùng dao nhọn khắc chồng lên những hình vẽ cũ cả một lâu đài kiểu cách châu Âu với ống khói đang tuôn toả. Rồi khắc cả hình một người đang cưỡi xe máy phóng vù vù.

Trong số hàng ngàn vết khắc mới của những vị du khách thiếu tôn trọng di tích lịch sử có thể nhận thấy rất nhiều hình khắc hai con chim câu đang cắn mỏ nhau, rồi những trái tim bị trúng tên... rỉ máu.

Nhiều nhất, hoa mắt nhất là những vết khắc tên tuổi, số nhà, số điện thoại... một thói quen để lại dấu ấn của người Việt khi đặt chân đến nơi nào đó. Nhiều chàng trai, cô gái còn thể hiện tình yêu một cách vô thức, không đúng chỗ bằng cách khắc lên hòn đá dòng chữ: Hiền ơi! Anh yêu em nhiều lắm!, Tuấn ơi! Mãi mãi yêu anh, Tuyết ơi! Trái tim anh đã hoá đá cổ...

PGS Trịnh Sinh hồi lên thăm bãi đá Sapa về, đã phải thốt lên trong cuộc hội thảo: "Bãi đá cổ Sapa giờ chẳng khác nào những dòng quảng cáo "khoan bêtông" tràn ngập các vỉa hè Hà Nội..."

Thảm kịch nhất là hòn đá ở vị trí thứ 3 và thứ 5. Những chỗ nào mấp mô thì bị khắc bạ, còn mặt nào bằng phẳng thì biến thành cầu trượt. Bọn trẻ con, đám thanh niên choai choai, kể cả mấy cô sinh viên đỏng đảnh, khi đến những hòn đá này đều nổi hứng thể hiện hòn đá thành cầu trượt.

Họ kéo nhau trèo lên đỉnh hòn đá, rồi thả mình trượt xuống, khiến mặt những hòn đá này bị mài mòn mất sạch hình khắc. Nhìn cảnh tượng này, các nhà khoa học chắc phải đau lòng lắm. Du khách nước ngoài, những người rất ít khi sờ vào hiện vật chứ đừng nói đến chuyện trèo lên, rồi khắc bậy vào đó, chỉ biết lắc đầu luyến tiếc và thốt lên: "Không thể hiểu nổi!".

Những hòn đá lớn, quan trọng nằm trên tuyến đường du lịch tàn phá như vậy, nhưng hàng trăm hòn đá nằm trong ruộng, trong vườn nhà dân cũng đang xuống cấp hết sức nghiêm trọng. Phó Công an xã Hầu Thào - Giàng A Páo kể rằng, có gia đình buộc trâu, bò cạnh hòn đá cổ, rồi dùng hòn đá cổ làm điểm kê để bổ củi, thậm chí nhiều gia đình còn ra sức phá đá lấy chỗ cày cấy.

Sự tàn phá của thiên nhiên, đặc biệt là của con người trong mấy năm nay khiến TS Phillipe Le Failler (Viện Viễn đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội) phải thốt lên: "Nếu không tiến hành ngay các biện pháp bảo tồn khoa học, thì trong khoảng 5 năm nữa, bãi đá cổ Sapa sẽ không còn gì để xem...".

Để giữ lại được những hình khắc cho thế hệ sau, ông cùng các cộng sự đã tiến hành làm tới 5.000 bản dập trong suốt 7 tháng trời, nhằm bảo tồn hình khắc trong... thư viện.

Có thể nói chuyện bảo tồn bãi đá cổ Sapa rơi vào bế tắc. Đã có rất nhiều hội thảo và có nhiều ý kiến, giải pháp, song dường như vẫn chưa khả thi. Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh còn xuất sử dụng một loại vật liệu trong suốt có khả năng chống đạn để bọc những hòn đá này lại, nhằm chống lại sự phong hoá tự nhiên và sự xâm hại của con người.

Tuy nhiên, tổng kết các ý kiến lại, TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai vẫn chua xót: "Tiền không khó, mà chúng tôi thiếu chất xám vì loại hình bảo tồn này chưa có ở Việt Nam". Và như vậy, biện pháp bảo tồn lâu dài vẫn chưa có, trong khi bãi đá cổ Sapa mỗi ngày một biến dạng trầm trọng.

Theo TS Sơn, trước mắt, phương án tối ưu nhất là biến các bản làng trong phạm vi bãi đá cổ thành các làng văn hoá - du lịch, gắn liền du lịch với bãi đá cổ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là phải tuyên truyền, giáo dục cho các hộ dân có ý thức bảo vệ bãi đá.

Với cách làm hiện nay là chính quyền huyện bán vé thu tiền của khách tham quan, nhưng không điều tiết về cho dân, nên sẽ khó thuyết phục họ tham gia bảo vệ. Việc cần thiết lúc này là chuyển việc bán vé tham quan du lịch về cho thôn, bản quản lý, để thôn bản có lợi nhờ bãi đá, từ đó, thôn bản, từng hộ gia đình mới có ý thức bảo vệ bãi đá.

Song song với việc tuyên truyền ý thức, thì việc xây dựng mô hình mái che hình nấm cũng rất cần thiết. Mặc dù việc làm đó ít nhiều ảnh hưởng đến không gian di tích, nhưng không thể để những tảng đá đẹp như vậy mãi phơi ra giữa mưa nắng.

Thực tế cho thấy, những hòn đá cổ nằm trong lòng đất hàng trăm, hàng ngàn năm vẫn nguyên vẹn vết khắc, nhưng khi được "lộ thiên", chỉ vài năm đã bị mưa nắng mài mòn.

Thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của bãi đá cổ Sapa đòi hỏi các cấp, các ngành chức năng của Lào Cai khẩn trương đề ra các biện pháp cần thiết để tôn tạo, bảo tồn và quản lý tốt khu di sản này, nhằm cứu lấy một di sản văn hoá vật thể hiếm có, một tuyệt tác điêu khắc được mệnh danh là những "tranh sách trời".

Theo Phạm Ngọc Dương

Posted Image

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cái này gọi là đuổi cùng giết tận nền văn hóa cổ. Không biết cái thủy điện Sử Pán có dây mơ rễ mà gì với tụi hắn không, có âm miu thâm độc gì không ? Nghi lắm.

So với chiêu thủy điện tàn độc này thì sự tàn phá vô tình của thời gian và môi trường chỉ là... trò con trẻ

Bãi đá cổ Sa Pa bị đe dọa

Tháng 8-2012 http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120820/bai-da-co-sa-pa-bi-de-doa.aspx

Nếu dự án Sử Pán 1 hoàn thành, bãi đá cổ Sa Pa sẽ có hàng xóm là hồ thủy điện nước mênh mang lúc nào cũng đe dọa thít cổ mình.

Lên Sa Pa - trọng điểm du lịch của Lào Cai tuần trước, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, PGS-TS Đặng Văn Bài chẳng được nghỉ lấy một giây, một khắc. Ông là một trong số những chuyên gia được mời lên để khảo sát hiện trạng của bãi đá cổ Sa Pa rồi dự một tọa đàm liên quan đến bãi đá và cảnh quan Lào Cai dưới tác động của thủy điện. Con số 123 công trình thủy điện của tỉnh này khiến ông kinh ngạc đến bàng hoàng. “Cần nhớ rằng trên thế giới không bao giờ có hệ thống thủy điện dày đặc như Lào Cai trong khu vực muốn phát triển du lịch, trong đó có du lịch sinh thái. Lào Cai nên lựa chọn, làm trọng điểm du lịch thì thôi không làm thủy điện”, PGS-TS Bài nói.

TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai, cũng chia sẻ nỗi lo với PGS-TS Đặng Văn Bài và đang không biết phải làm sao để cứu bãi đá cổ Sa Pa khỏi cảnh “kề vai, áp má” với hồ thủy điện Sử Pán 1. Theo tính toán của chủ đầu tư, hồ thủy điện vẫn còn cách vùng bảo vệ II của bãi đá cổ Sa Pa hơn hai chục mét. Điều này khiến xét về lý, vùng bảo vệ của bãi đá cổ chưa bị vi phạm. Cũng chính vì thế, khi Sở VH-TT-DL Lào Cai còn chưa “thông” chủ trương này, Tổng giám đốc Công ty CP công nghiệp Việt Long Phạm Hải Hà (chủ đầu tư dự án Thủy điện Sử Pán 1) thậm chí còn tuyên bố: “Tôi mà kiện thì bên văn hóa chỉ có thua”.

Chưa bị vi phạm theo luật Di sản văn hóa, nhưng thủy điện vẫn đặt bãi đá cổ Sa Pa trước một lựa chọn sinh tử. Nằm ở phía bên lở của dòng Tả Van nên những sạt lở (vốn thường xảy ra) sẽ khiến vận mệnh bãi đã trở nên khó lường. “Chưa kể, ảnh hưởng cảnh quan do hồ thủy điện gây ra không nhỏ. Nhìn lên Tây nguyên, nhiều dòng thác đẹp đã đổi tính, đổi dòng”, PGS-TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho biết.

Có lẽ Sa Pa, Lào Cai cũng không cần phải đến tận Tây nguyên để học bài học thủy điện. Ngay tại đây, trên một dòng suối Mường Hoa mà có tới 4 hồ thủy điện thì chả dòng suối nào còn mềm mại cho nổi. Không gian của ruộng bậc thang - di sản mà Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đã lưu ý phải bảo tồn cùng bãi đá cổ Sa Pa cũng lở loét. “Cách đây hơn một tháng, dự án du lịch trách nhiệm ESRT có tiến hành khảo sát các điểm du lịch các tỉnh Tây Bắc để đầu tư thì Sa Pa bị chấm điểm thấp nhất. Lý do là cảnh quan đã bị phá vỡ trong đó có ảnh hưởng của thủy điện”, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, cho biết.

Mất cảnh quan, bãi đá cổ Sa Pa không chỉ mất cơ hội trở thành di sản văn hóa thế giới UNESCO mà còn mất luôn địa vị đáng kể trong ngoại giao văn hóa của mình. Còn nhớ năm 2009, bãi đá cổ Sa Pa đã làm Việt Nam kiêu hãnh biết bao khi hình ảnh bản dập của bãi đá được trưng bày ở Thụy Điển. Người Thụy Điển khi đó đã dành cảm tình cho di sản văn hóa quốc gia này của Việt Nam mà hoàn toàn không phải vì động thái ngoại giao.

“Bãi đá cổ Umea không phong phú bằng bãi đá Sa Pa nhưng được bảo vệ vô cùng cẩn thận. Họ còn làm cầu ngắm đá cổ nhằm để khách không giẫm lên đá. Vì thế, nghĩ đến tình trạng thủy điện hăm dọa bãi đá Sa Pa mà buồn”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Viện Mỹ thuật) nói.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites