Thiên Sứ

PHONG THỦY VÀ KIẾN TRÚC HIỆN ĐẠI

2 bài viết trong chủ đề này

PHONG THỦY VÀ KIẾN TRÚC HIỆN ĐẠI(*)

Phương pháp nghiên cứu &

Sự tích hợp giữa hai hệ thống tri thức

 

NGUYỄN VŨ TUẤN ANH

Bạn đọc đều biết rõ rằng: Địa lý Phong thủy là một hệ thống tri thức ứng dụng một cách có hiệu quả với cuộc sống con người thông qua các công trình trong kiến trúc, xây dựng. Tính hiệu quả với khả năng tiên tri của ngành Địa Lý phong thủy, đã chứng nghiệm trải qua hàng thiên niên kỷ trong xã hội Đông Phương. Điều này đã chứng tỏ rằng: Đằng sau hệ thống tri thức ứng dụng của Địa lý phong thủy, phải là một thực tại đáng tin cậy, được mô tả bằng hệ thống phương pháp luận ứng dụng của nó.

Nhưng đó là thực tại nào? Thì cũng có thể nói luôn rằng: đây là điều hoàn toàn bí ẩn từ hàng ngàn năm qua cho đến tận ngày hôm nay. Cho nên để giải quyết vấn đề được đặt ra và cũng là chủ đề của bài viết này, là:

Ngành kiến trúc xây dựng hiện đại, có thể tích hợp với hệ thống tri thức của ngành Địa lý phong thủy Đông phương hay không? Và phương pháp nghiên cứu như thế nào để tiếp cận những bí ẩn của nó?

Người viết xin được bắt đầu bằng việc chứng minh bản chất của ngành Địa Lý phong thủy Đông phương.

 I. Bản chất khoa học của ngành Địa lý phong thủy học Đông phương.

Trong từ điển tiếng Trung đã định nghĩa phong thủy như sau:

“Phong thủy là một tín ngưỡng cổ xưa trong truyền thống văn hóa của người Trung Hoa”.

Như vậy, với định nghĩa này, người Trung Hoa đã xác định phong thủy là một tín ngưỡng. Hay nói một cách khác: Với định nghĩa này của người Trung Hoa thì chính họ đã xác định: Ngành Địa Lý phong thủy hoàn toàn không phải là một ngành khoa học.

Nhưng nếu xét những tiêu chí để xác định một tín ngưỡng, thì Địa lý phong thủy học Đông Phương hoàn toàn không có một dấu ấn nào, có thể chứng minh được nó là một tín ngưỡng, hoặc một tôn giáo. Ngược lại, với những kiến thức sơ đẳng nhất của những người biết chút ít về phong thủy, cũng nhận thấy rằng nó mang dấu ấn của những lý thuyết khoa học, của tính quy luật vận động, có tính phân loại, tính khách quan  và khả năng tiên tri. Tôi lấy ví dụ:

Địa lý phong thủy học phân loại người làm Đông Tứ Mệnh và Tây Tứ Mệnh; mỗi loại Mệnh trạch này, lại phân làm tám trạng thái khác nhau, tương ứng với 8 hướng rất cụ thể và hoàn toàn mang tính quy luật, tính khách quan. Chính tính quy luật và khả năng tiên tri, đã chứng tỏ một hệ thống tri thức ứng dụng, phản ảnh sự tồn tại khách quan với một thực tại có thể kiểm chứng, qua những hiệu quả có thể tiên tri.  Thực tế tồn tại từ hàng ngàn năm qua, đã chứng tỏ phong thủy là ngành khoa học phản ánh những quy luật khách quan, những thực tại mà chúng ta chưa biết.

Trong những công trình nghiên cứu của chúng tôi, tôi xin được xác định rằng:

 Bản chất của Địa lý Phong thủy là một hệ thống tri thức ứng dụng, hoàn toàn có tính nhất quán, tính hoàn chỉnh, tính quy luật , tính khách quan và khả năng tiên tri. Hệ thống lý thuyết này, đã giải thích lại thế giới quan của con người trong lĩnh vực liên quan đến nó. Phong thủy là hệ quả của thuyết Âm Dương Ngũ hành - nhân danh nền văn hiến Việt trải gần 5000 lịch sử, một thời huy hoàng ở bờ Nam sông Dương tử.

  Tuy nhiên một điều rất đáng tiếc và cũng là một thực tế. Đó là: Hầu hết chúng ta đều không hiểu được những mô hình biểu kiến, những nguyên lý và quy ước của phong thủy xuất phát và phản ánh của những thực tại nào? Có thể nói: Hầu hết những phong thủy gia đã ứng dụng có hiệu quả, nhưng chưa hiểu được bản chất của nó.

 Tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày phong thủy chính là một hệ thống lý thuyết phản ánh những quy luật tương tác có tính khách quan, đang hằng ngày ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, dù chúng ta tin hay không tin. Những tri thức khoa học hiện đại đã xác định có tính nguyên lý , rằng: "Không có tính quy luật thì không có khả năng tiên tri".

Cần phải khẳng định rằng: Chính khả năng tiên tri trong ngành Địa lý phong thủy Đông phương, đã xác định những tương tác mang tính quy luật qua những phương pháp ứng dụng của nó.

Trong một thời gian bị giới hạn chúng tôi không thể trình bày sâu hơn về những kết luận chúng tôi đã trình bày với quý vị. Bởi vậy, chúng tôi coi kết luận của chúng tôi về Phong thủy, như là một tiền đề thứ nhất, mà chúng tôi muốn trình bày với quý vị về bản chất của phong thủy.

Vấn đề thứ 2, tôi xin được phép trình bày với quý vị là:

 II. Con người và sự giải thích mọi hiện tượng:

Tất cả chúng ta đều có 2 cách giải thích cùng một hiện tượng, hoặc cùng một sự kiện xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đó là:

 II. 1/Giải thích bằng nhận thức trực quan:

Trong cuộc sống hằng ngày, có thể nói rằng: hầu hết chúng ta đều giải thích mọi hiện tượng xung quanh chúng ta bằng nhận thức trực quan. Ví dụ, một vụ đụng xe xảy ra thì chúng ta đều có thể giải thích một cách rất cụ thể rằng: do anh A, chị B quẹo, rẽ mà không xinhan, hoặc phóng nhanh, vượt ẩu… nên đã khiến cho xảy ra sự kiện đụng xe. Hoặc một vụ cháy nhà, chúng ta có thể giải thích rằng: do chập điện, hoặc do không cẩn thận củi lửa…

Tất cả cách giải thích đó đều đúng. Nhưng đó là cách giải thích bằng nhận thức trực quan. Và khi chúng ta giải thích bằng nhận thức trực quan, cho dù nó đúng thì nó cũng chỉ là việc mô tả một hiện tượng đã xảy ra. Cách giải thích này hoàn toàn không có khả năng tiên tri; hoặc chỉ là một khả năng tiên tri bị giới hạn. Ví dụ một người chuyên phóng nhanh, vượt ẩu, coi thường luật giao thông thì khả năng tiên tri chỉ hạn chế rằng: người đó thế nào cũng bị đụng xe. Nhưng thời điểm nào người đó sẽ bị đụng xe, lại không thể xác định được. Đó chính là tính tiên tri hạn chế của nhận thức trực quan.

 II. 2/ Giải thích bằng một hệ thống lý thuyết:

Cách giải thích thứ 2 cho mọi sự kiện và hiện tượng, là giải thích bằng một hệ thống tri thức tổng hợp phản ánh những quy luật khách quan, qua hệ thống phương pháp luận của một lý thuyết, bằng những danh từ và khái niệm của hệ thống lý thuyết này. Với cách giải thích này thì chúng ta phải có kiến thức chuyên ngành, để hiểu những khái niệm ngôn ngữ mang tính chuyên ngành, được mô tả có tính tổng hợp những quy luật cho mọi hiện tượng. Và do đó, nó có khả năng tiên tri với những kết quả có thể kiểm chứng.

Chính khả năng tiên tri được kiểm chứng của ngành Địa lý phong thủy học nói riêng và hầu hết những phương pháp ứng dụng của các ngành ứng dụng thuộc nền văn minh Đông Phương nói chung, như: Đông y, bốc Dịch, Tử vi, … đã là yếu tố rất quan trọng, để bảo đảm sự tồn tại của những phương pháp ứng dụng này, đã vượt thời gian tính bằng Thiên niên kỷ trong xã hội Đông phương của chúng ta.

Chúng ta có thể xác định rằng: Nếu không có khả năng tiên tri với những hiệu quả được kiểm chứng - thì tất cả những ngành học thuộc về nền văn minh Đông phương như tôi đã trình bày ở trên – trong đó có ngành Địa lý phong thủy học - không thể tồn tại được.

Trên cơ sở hai đề mục đã trình bày với quý vị, tôi xin được tiếp tục trình bày về:

 III. Tính  khoa học và sự cần thiết của phong thủy trong kiến trúc hiện đại.

Để diễn đạt phần này, tôi xin trình bày với quý vị vấn đề đầu tiên, là:

III/ 1: Sự cần thiết của ngành Địa lý phong thủy và cuộc sống.

Đã có nhiều người đặt vấn đề như sau:

 “Ở những nền văn minh không bị ảnh hưởng của văn minh Đông phương, như: văn minh Âu Mỹ, Trung Đông…vv…. không hề tồn tại ngành Phong thủy học. Nhưng họ vẫn có đầy đủ những yếu tố mà mục đích ngành phong thủy học đạt tới. Như ở những nền văn minh đó, cũng có người giàu, người có quyền lực. Họ cũng có những đại gia và những người khốn khổ..vv…

Vậy phong thủy có thực sự cần thiết trong cuộc sống hay không?!

Để giải thích vấn đề này - như tôi đã trình bày ở phần trên - chúng ta có 2 cách giải thích hiện tượng: Một là giải thích trực quan; hai là giải thích trên cơ sở lý thuyết. Và sự hình hành hệ thống lý thuyết để giải thích mọi hiện tượng với khả năng tiên tri, chính là biểu hiện của một nền văn minh rất phát triển. Còn nếu chỉ giải thích hiện tượng bằng nhận thức trực quan thì chúng ta không cần bất cứ một lý thuyết nào trong nền văn minh.

 Nếu như ngay bây giờ, chúng ta coi trái đất vuông và đứng yên, với mặt Trời, mặt Trăng và những vì tinh tú đang hằng ngày chạy qua bầu trời trái Đất, thì có lẽ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta cả. Tôi xin phép được chen lấn một chút vào lịch sử của nền văn minh hiện đại và so sánh với lịch sử của chính nó cách đây vài trăm năm trước. Chúng ta cũng nhận thấy rằng: không cần có những lý thuyết vật lý hiện đại, như học thuyết Vật lý Lượng tử, lý thuyết Dây, lý thuyết Tương đối..vv....Và cũng không cần cả những Bổ đề toán học….Và những xã hội của con người cách đây hàng trăm năm trong lịch sử của nền văn minh hiện đại, cũng có người giàu, người nghèo và  cũng có tất cả những thứ quan hệ xã hội chủ yếu như hiện nay. Đây chính là câu trả lời của tôi cho vấn đề Phong thủy có cần thiết hay không?!

Bởi vì, Phong thủy là một hệ thống lý thuyết tổng hợp tất cả mọi quy luật khách quan đang tác động đến cuộc sống của con người thông qua ngôi nhà của con người. Sự tồn tại một hệ thống lý thuyết Phong thủy, đã thể hiện một trình độ văn minh rất phát triển thuộc về nền văn minh cổ xưa. Và nền văn minh này đã giải thích cả thế giới với cuộc sống con người trên trái đất này, bằng những quy luật tương tác được tổng hợp và mô tả trong hệ thống lý thuyết ứng dụng của nó – trong đó có ngành Phong thủy học Đông Phương. Điều này có thể so sánh với sự phát triển của nền văn minh hiện đại của chúng ta, cần có những lý thuyết khoa học hiện đại để giải thích lại thế giới quan và nhân sinh quan, thay thế cách giải thích thê giới bằng nhận thức trực quan đơn giản.

Chính vì tính quy luật được phản ánh đó, mà ngành Địa lý phong thủy Đông phương có thể xác định được sự thành công và thất bại của một đời người với khả năng tiên tri. Hay nói rõ hơn: Ngành Địa lý Phong thủy học Đông phương, đã giải thích cuộc sống của con người và xã hội, bằng một hệ thống lý thuyết có tính tổng hợp những thực tại khách quan đang tác động đến cuộc sống của con người. Do đó, khi chúng ta so sánh với những lý thuyết khoa học hiện đại nhất của chúng ta, đang cố gắng giải thích thế giới quan, nhân sinh quan của con người thuộc về nền văn minh hiện đại - Chúng ta mới thấy rằng: Để có được một hệ thống lý thuyết như ngành Địa lý phong thủy Đông phương thể hiện với khả năng tiên tri - thì nó phải là sản phẩm của một nền văn minh rất cao cấp.

Từ vấn đề được đặt ra về sự liên quan giữa hệ thống tri thức của ngành Địa lý phong thủy với cuộc sống - là tiền đề, để tôi tiếp tục trình bày chủ đề chính của bài viết này, là:

III/ 2: Hệ thống tri thức của ngành Địa Lý phong thủy Đông phương và kiến trúc xây dựng hiện đại.

Vấn đề đầu tiên mà tôi trình bày với quý vị ở đề mục này, chính là thực tại về tính giới hạn của ngành kiến trúc, xây dựng hiện đại.

So với phương pháp kiến trúc và xây dựng từ hàng tram năm trước, chúng ta cũng thấy rằng: hệ thống tri thức của ngành kiến trúc, xây dựng hiện đại hiện nay, đang rất phát triển với những phương pháp tính toán ngày càng chính xác cho các công trình xây dựng. Nó đã sáng tạo ra những vật liệu xây dựng ngày càng bền, đẹp. Và nó cũng tạo ra các phương tiện kỹ thuật, các phương pháp xây dựng ngày càng hoàn hảo, cho các công trình nhà ở  phục vụ cho cuộc sống của con người. Tất cả chúng ta ngồi đây, đều thấy rõ điều này trong cuộc sống hiện đại của chúng ta ở ngay nơi ta đang sống. Cho dù bạn đang sống ở đâu trên hành tinh này.

Nhưng có lẽ bạn đọc cũng đồng ý với tôi rằng: Những tri thức của ngành kiến trúc,  xây dựng hiện đại không chỉ bây giờ, mà cả sự phát triển trong tương lai, cũng sẽ chỉ giới hạn trong nội hàm của tính kỹ thuật và tính thẩm mỹ của các công trình kiến trúc. Hoặc giả cùng lắm, ngành kiến trúc, xây dựng hiện đại kết hợp với ngành Vật lý địa cầu để cho ra những ngôi nhà chống được động đất, chống được gió lốc, hoặc những tác động mang tính quy luật của thiên nhiên đến ngôi gia, mà con người của nền văn minh hiện đại có thể nhận thức được một cách đơn giản. Như vấn đề ổn định nhiệt độ, vấn đề ánh sáng, thông gió..vv... trong một công trình kiến trúc.

Nhưng hệ thống tri thức của ngành Địa  Lý phong thủy Đông phương,  có thể nói đã vượt qua những giới hạn này. Nó mô tả những quy luật tương tác hết sức phức tạp của mọi hiện tượng với một phạm trù rất rộng, từ vũ trụ, môi trường, cấu trúc hình thể nhà và cả ảnh hưởng của từ trường trái Đất lên ngôi gia, ảnh hưởng đến con người. Hệ thống Địa Lý phong thủy Đông phương - nhân danh nền văn hiến Việt - thể hiện điều này qua các hệ thống lý thuyết, mô tả các hệ quy chiếu riêng phần, gọi là:

1/ Bát trạch/Mô tả sự tương tác của bức xạ từ trường trái Đất.

 2/ Loan đầu/ Mô tả ảnh hưởng và tương tác của môi trường chung quanh ngôi nhà.

3/ Hình lý khí Dương trạch/ Mô tả tương tác tương quan cấu trúc ngôi gia và ảnh hưởng của nó lên con người.

4/ Huyền không/ Mô tả sự tương tác của vũ trụ ảnh hưởng đến ngôi gia.

Tất cả những hệ thống lý thuyết mô tả từng hệ quy chiếu riêng phần này, thống nhất một cách có hệ thống trong một tập hợp chung, là ngành Địa  lý phong thủy Đông phương, được phục hồi nhân danh nền văn hiến Việt. Và tất cả đều có khả năng tiên tri có thể kiểm chứng.

Một phong thủy gia giỏi chỉ cần nhìn cấu trúc bên ngoài tòa nhà, hoặc kỹ hơn là xem xét cấu trúc bên trong tòa nhà - thì họ có thể xác định mang tính tiên tri cho những con người trong tòa nhà đó sẽ đi về đâu. Cho nên,  người viết cần xác định rằng:

Cho dù chúng ta tin, hay không tin Địa lý phong thủy; cũng như ta tin hoặc không tin vào trái đất tròn hay vuông, thì thực tại khách quan đó vẫn đang ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Và Địa lý Phong thủy, chính là một hệ thống tri thức tổng hợp những quy luật khách quan, nhằm giải thích thế giới quan theo hệ thống lý thuyết của nó. Tất nhiên, nó phải hình thành trong một nền văn minh cực kỳ phát triển, nếu so sánh với nền văn minh của chúng ta.

Kết luận của người viết trình bày với bạn đọc ở trên sẽ không hoàn chỉnh, nếu như không làm sáng tỏ được những quan điểm đang phổ biến, được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, và lại rất sai lầm về ngành Địa lý phong thủy Đông phương. Những luận điểm phổ biến này, là:

III/3. Những luận điểm về Địa lý phong thủy Đông phương từ các góc nhìn.

III/ 3/ 1/ Góc nhìn tôn giáo.

Người viết bài này, đã nhiều lần nghe được các vị chức sắc tôn giáo cho rằng: Không cần đến Địa lý phong thủy, mà chỉ cần tu tập đạt đến một cảnh giới nào đó thì sẽ vượt qua sự chi phối, tác động của Địa lý phong thủy.

Đây là nhận định sai về bản chất của ngành Địa lý phong thủy Đông phương. Bởi vì, Địa lý phong thủy không phải là một tôn giáo. Điều mà người viết đã trình bày ở trên. Cho nên nó không hể làm thay đổi tín ngưỡng của chính các vị chức sắc tôn giáo đang thể hiện những luận điểm như vậy.

Nhưng nếu như các vị chức sắc tôn giáo có luận điểm này, cũng thừa nhận rằng;: Hệ thống lý thuyết của ngành Địa lý phong thủy Đông phương - nhân danh nền văn hiến Việt - là sự tổng hợp của những tương tác mang tính quy luật của tự nhiên lên cuộc sống con người, thông qua ngôi gia của họ - thì - Với sự nhìn nhận này, nó sẽ chỉ là phương tiện, tương tự như chiếc DTDD, chiếc xe gắn máy, xe hơi.... - là sự tổng hợp của những tri thức những quy luật vật lý và tạo ra phương tiện mà chính các vị chức sắc tôn giáo đó đang sử dụng - dù bất cứ một tôn giáo nào trong cuộc cuộc sống hiện tại. Hay đơn giản hơn, những chiếc áo  đang mặc, đồ sành sứ mà chúng ta sử dụng ...suy cho cùng, cũng chỉ là những phương tiện tổng hợp những kiến thức về những tương tác của tự nhiên nhằm phục vụ cuộc sống của con người. Bởi vậy, khi đủ mọi tôn giáo trên thê gian  này, vẫn sử dụng những phương tiện khoa học, như: đèn điện, điện thoại, xe hơi, máy bay….thì tri thức Địa lý phong thủy Đông phương, cũng chỉ là một phương tiện trợ duyên cho các mục đích tu hành, đạt đến cảnh giới mong muốn của các vị có tín ngưỡng tôn giáo.

III/3/2/ Góc nhìn nhân danh khoa học.

Về góc nhìn này, tôi cũng cần nêu hai xu hướng khác nhau.

A/ Xu hướng phản bác:

Có lẽ mọi người đều biết rằng: Đã có một thời gian rất dài, giới khoa học cả trong nước và quốc tế, đều cho rằng: những di sản của nền văn minh Đông phương có khả năng tiên tri, đều bị xếp vào tập hợp gọi là "mê tín dị đoan".

Hoặc ngay khi chúng tôi xác định: "Địa lý phong thủy là một ngành  khoa học" trong cuộc hội thảo ngày 15/ 12/ 2009 tại Hanoi, cũng không ít nhà khoa học trong và ngoài nước cho rằng: "Phong thủy là hiện tượng giả khoa học". Người viết đã biện minh về luận điểm này. Xu hướng này, thể hiện việc những người phản bác, thiếu một kiến thức chuyên sâu về phong thủy và dựa trên căn bản nhận thức trực quan khi quán xét đối tượng. Nó không thể chỉ ra được tính “giả khoa học” của ngành Địa lý phong thủy Đông phương với những luận cứ mang tính phản biện một lý thuyết nhân danh khoa học. Khi hệ thống tri thức của ngành Địa lý phong thủy Đông phương, được hệ thống hóa, hiệu chỉnh và tập hợp một cách nhất quán, hoàn chỉnh nhân danh nền văn hiến Việt.

B/ Xu hướng coi ngành Địa lý phong thủy Đông phương là một đối tượng nghiên cứu khoa học.

Xu hướng này, ngược chiều với xu hướng trên trong giới khoa học. Những nhà khoa học theo xu hướng này, coi Địa lý phong thủy là một đối tượng nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, bản chất khoa học của ngành Địa Lý phong thủy Đông phương thể hiện ở chỗ nào thì vấn đề vẫn còn rất mơ hồ. Bởi vậy, nó có vẻ vẫn chưa thuyết phục được một cách phổ biến sự nhìn nhận của con người về bản chất của ngành Địa lý phong thủy Đông phương.

Giáo sư Lê Văn Sửu đã viết trong cuốn “Nguyên lý thời sinh học cổ Đông phương” của ông như sau:

Gần đây, có rất nhiều nhà khoa học ở đủ mọi ngành và nhiều nơi trên thế giới, với những phương tiện khoa học hiện đại có những đặc tính ưu việt, như: tinh vi, nhanh chóng, chính xác trong tay, họ đã và đang nghiên cứu nền tảng di sản của nền văn minh Đông phương này. Thế nhưng, sự tiếp cận thực chất của nó, đang còn là một khó khăn to lớn.

Qua nhận xét của Giáo sư Lê Văn Sửu đã cho thấy rằng: Ngay cả với những sự tiếp cận đầy thiện chí của các nhà khoa học thực sự. Họ coi những di sản của nền văn minh Đông phương – trong đó có ngành Địa lý phong thủy Đông phương – là đối tượng để nghiên cứu thì cũng chưa thể tiếp cận được bản chất của hệ thống tri thức của nền văn minh Đông phương nói chung, và ngành Địa lý Phong thủy nói riêng.

Như vậy, với tất cả các góc nhìn được mô tả, và cả một quá trình tồn tại những gía trị của nền văn minh Đông phương, chúng ta thấy rằng:

Ngay cả với một góc nhìn thiện chí của các nhà khoa học – như trích dẫn của giáo sư Lê Văn Sửu – thì những giá trị tri thức của nền văn minh Đông phương vẫn rất mơ hồ.

Vậy thì bản chất của việc khám phá những giá trị của nền văn minh Đông phương nằm ở đâu? Khi nó không phải là một tín ngưỡng, tôn giáo, không phải giả khoa học?

Đương nhiên, khi chúng ta bác bỏ các luận điểm: Địa lý phong thủy Đông phương là một “tín ngưỡng, tôn giáo”; hoặc  “giả khoa học” và tạm thời chưa kết luận gì về hệ thống tri thức của nền văn minh Đông phương nói chung. Nhưng vẫn coi những giá trị của hệ thống tri thức của nền văn minh Đông phương là đối tượng nghiên cứu khoa học - thì vấn đề được đặt ra – nhằm đạt đến mục đích cuối cùng, là: khám phá bản chất những giá trị của nền văn minh Đông phương huyền vĩ. Vốn  là một hệ thống tri thức vô cùng đồ sộ - bao trùm lên tất cả mọi lĩnh vực mà con người quan tâm. Đó chính là vấn đề của phương pháp nghiên cứu. Bởi vậy, phần tiếp theo đây, người viết tiếp tục trình bày về “Phương pháp nghiên cứu những giá trị của nền văn minh Đông phương”.

IV. Phương pháp nghiên cứu những giá trị của nền văn minh Đông phương.

Qua phát biểu của giáo sư Lê Văn Sửu, chúng ta cũng thấy rất rõ phương pháp nghiên cứu, tiếp cận của các nhà khoa học hiện đại. Đó là: họ đã sử dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại, để kiếm chứng những giá trị của nền văn minh Đông phương. Việc sử dụng những phương tiện kỹ thuật để khám phá những di sản của nền văn minh Đông phương, thực chất là các nhà khoa học đi theo phương pháp này, muốn có một nhận thức trực quan, thông qua những phương tiện hiện đại của nền văn minh này. Đây là một phương pháp nghiên cứu sai, so với trường hợp rất đặc thù, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử của nền văn minh hiện đại.

Bởi vì, di sản của nền văn minh Đông phương là một hệ thống lý thuyết tổng hợp và phản ánh những quy luật tương tác khách quan. Hay nói rõ hơn: Di sản của nền văn minh Đông phương là hệ quả của một tư duy trừu tượng phức hợp. Những khái niệm, thuật ngữ, cụm từ và cả hệ thống phương pháp luận của những di sản thuộc về nền văn minh này, chính là một hệ thống lý thuyết tổng hợp, nhằm giải thích toàn bộ lịch sử không/ thời gian của vũ trụ, thiên nhiên, cuộc sống, xã hội và con người với những quy luật tương tác với khả năng tiên tri. Nó tổng hợp những thực tại vận đông khách quan, nhưng nó lại không phải mô tả một thực tế tồn tại khách quan nào đó cụ thể, mà phương tiện kỹ thuật của nền văn minh hiện đại có thể kiểm chứng.

Hay nói rõ hơn: Tất cả những phương tiện hiện đại nhất của nền văn minh hiện nay, không thể kiểm chứng khái niệm Âm Dương là một dạng tồn tại nào, cũng không thể chứng minh khái niệm Hỏa chỉ là Lửa,  Mộc là cây…là những khái niệm mô tả Ngũ hành trong di sản văn minh Đông phương. Ở đây tôi chưa nói đến sự nhầm lẫn những khái niệm trong hệ thống lý thuyết Âm Dương Ngũ hành.

Do tính đặc thù, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử văn minh hiện đại, Cho nên những di sản của nền văn minh Đông phương  - mà nền tảng là hệ thống lý thuyết Âm Dương Ngũ hành – trong đó có hệ thống lý thuyết ứng dụng của ngành Địa Lý phong thủy Đông phương - không thể sử dụng những phương tiện kỹ thuật thông qua nhận thức trực quan để so sánh đối chiếu. Mà chúng ta phải lấy tiêu chí khoa học, làm chuẩn mực để thẩm định một lý thuyết nhân danh khoa học được coi là đúng. Có rất nhiều tiêu chí khoa học có tính chuẩn mực để thẩm định một lý thuyết nhân danh khoa học được coi là đúng. Nhưng tiêu chí căn bản nhất, được phát biểu như sau:

Một lý thuyết, hoặc một giả thuyết nhân danh khoa học được coi là đúng, phải giải thích một cách hợp lý hầu hết những vấn đề liên quan đến nó, có tính hệ thống, tính nhất quán, tính hoàn chỉnh, có tính quy luật, tính khách quan và khả năng tiên tri.

Trên cơ sở những tiêu chí khoa học làm chuẩn mực thẩm định một lý thuyết nhân danh khoa học được coi là đúng - kể cả những tiêu chí ngoài tiêu chí căn bản tôi đã trình bày ở trên - chúng tôi xác định rằng: Hệ thống lý thuyết Âm Dương Ngũ hành - được phục hồi nhân danh nền văn hiến Việt, một thời huyền vĩ bên bờ Nam sông Dương tử - trong đó, có hệ quả ứng dụng của nó là ngành Địa Lý phong thủy Đông phương - hoàn toàn thỏa mãn các tiêu chí này.

Điều này, mặc nhiên đã xác định bản chất khoa học của hệ thống lý thuyết Âm Dương Ngũ hành – trong đó có ngành Địa Lý phong thủy học Đông phương - là một hệ thống lý thuyết hoàn toàn khoa học.

Khi chúng ta đã giải quyết xong về “Phương pháp nghiên cứu những giá trị huyền vĩ của nền văn minh Đông phương” – là một trong những chủ đề đặt ra của bài viết này – và từ đó xác định giá trị khoa học của cả một hệ thống tri thức thuộc về những di sản của nền văn minh Đông phương – trong đó có ngành Địa lý phong thủy Đông phương – nhân danh nền văn hiến Việt - thì vấn đề cần giải quyết tiếp theo, là: Ngành kiến trúc xây dựng hiện đại có khả năng tích hợp với hệ thống lý thuyết của ngành Địa lý phong thủy Đông phương hay không?

V. Sự tích hợp cần thiết của ngành Địa Lý phong thủy Đông phương với kiến trúc, xây dựng hiện đại.

Ngoài những góc nhìn của một số nhà khoa học, tôn giáo về ngành  Địa lý phong thủy - mà người viết đã trình bày ở trên và đã biện minh - thì để bắt đầu vấn đề được đặt ra, người viết trình bày một quan niệm của chính các kiến trúc sư hiện đại, khi họ cho rằng: "Việc ứng dụng Địa lý Phong thủy Đông phương làm hạn chế tư duy sáng tạo".

Đây lại là một cách hiểu sai. Chúng ta bác bỏ điều này khi xem xét lịch sử của ngành kiến trúc, xây dựng hiện đại. Tất cả mọi người sống trong thời đại hiện nay đều nhận thấy một quá trình phát triển của ngành kiến trúc, xây dựng. Nhân loại bắt đầu tạo ra chỗ ở của mình từ thời mông muội, bằng những túp lều, nhà tranh vách đất, nhà gỗ…cho đến những khu nhà có kiến trúc cực kỳ hiện địa như ngày nay. Tất nhiên, trong quá trình phát triển từ đơn giản đến phức tạp của ngành kiến trúc xây dựng, trong sự tiến hóa của nền văn minh, những tiêu chí, quy định và nguyên tắc trong hệ thống thiết kế kỹ thuật cũng ngày càng phức tạp và những kiến trúc sư hiện đại phải tuân thủ. Rõ ràng, nhưng tiêu chí này không làm hạn chế những sáng tạo của ngành kiến trúc xây dựng hiện đại.

Vậy thì, nhân danh một ngành khoa học tổng hợp những quy luật tương tác của tự nhiên ảnh hưởng đến cuộc sống của con người, thông qua những công trình kiến trúc - tất nhiên ngành Địa Lý phong thủy  Đông phương, cũng rất cần tuân thủ những tiêu chí, nguyên tắc, những quy định của nó và khi thiết kế các công trình kiến trúc liên quan.  Đây chính là điều mà các kiến trúc sư Đông phương đã thực hiện từ hàng Thiên niên kỷ trước. Và họ đã để lại những công trình kiến trúc ngay nga tráng lệ đến tận ngày hôm nay.Đây chính là những bằng chứng sinh động, chứng minh một cách thuyết phục về khả năng sáng tạo của hệ thống tri thức của ngành Địa lý phong thủy Đông phương.

Một bằng chứng sinh động nữa, là: Ngay cả các công trình xây dựng hiện đại nổi tiếng, cũng không ít những công trình có sự can thiệp của hệ thống tri thức thuộc về ngành Địa lý phong thủy Đông phương; hoặc chí ít, nó cũng được phân tích với hệ thống phương pháp luận của ngành cổ học này, qua lăng kính phong thủy của các phong thủy gia.

Một thí dụ nữa, sinh động và cụ thể hơn, chính là hình ảnh ngài Tổng Thống Hoa Kỳ Donal Trumf và là nhà tài phiệt BDS có ảnh hưởng lớn của Hoa Kỳ, luôn có cố vấn Phong thủy trong các dự án BDS của ông ta.

 Đây chính là sự biện minh, để thấy rằng: Việc ứng dụng hệ thống tri thức của ngành Địa Lý phong thủy Đông phương, hoàn toàn không hề hạn chế tư duy sang tạo. Mặc dù nó có rất nhiều những quy tắc, nguyên lý hết sức phức tạp – từ tổng hợp đến từng chi tiết - phải tuân thủ, khi thiết kế một công trình kiến trúc, hoặc cả một khu đô thị trên cơ sở hệ thống tri thức của ngành Địa lý phong thủy Đông phương.

Nhân danh một người kiếm sống lâu năm về nghề Địa lý phong thủy và có tìm hiểu sâu về ngành này – hoặc bạn đọc có ưu ái tặng cho tôi cái tên gọi là Phong thủy gia và nhà nghiên cứu – thì nó cũng không làm thay đổi nội dung, điều mà tôi trình bày sau đây:

Hệ thống tri thức của Lý học Đông phương – mà cơ sở là thuyết Âm Dương Ngũ hành – nhân danh nền văn hiến Việt – nói chung, và của ngành Địa lý phong thủy Lạc Việt nói riêng, có khả năng tích hợp tất cả những tri thức của cả nền văn minh hiện nay trong hệ thống của nó. Cụ thể hơn: ngành Địa lý phong thủy Đông phương có thể tích hợp tất cả hệ thống tri thức của ngành kiến trúc xây dựng hiện đại, trong thiết kế và xây dựng của mọi thể loại công trình kiến trúc.

Chính khả năng tích hợp này, đã chứng tỏ một cách sinh động tính cao cấp và vượt trội của hệ thống tri thức của ngành Địa lý phong thủy Đông phương.

Có hai nguyên nhân để xác lập khả năng tích hợp này:

1/ Tính đồng đẳng của hệ thống tri thức. Trường hợp cụ thể của sự tích hợp kiến trúc và xây dựng hiện đại với Địa  lý phong thủy Đông phương -  chính là : bản chất khoa học của hai hệ thống.

2/ Một tập hợp cao cấp, có tính bao trùm, sẽ có khả năng tích hợp những tập hợp đồng đẳng thấp hơn nó. Đây chính là một dẫn xuất của “Nghịch lý toán học Cantor”.

Bởi vậy, để có một sự tiếp tục phát triển của ngành kiến trúc và xây dựng hiện đại trong tương lai phát triển của nền văn minh; sự tích hợp một cách có hệ thống những tri thức của ngành kiến trúc và xây dựng hiện đại với hệ thống tri thức của ngành Địa lý phong thủy cổ Đông phương, là một vấn đề rất cần thiết.

VI. Kết Luận

Trong một tiểu luận ngắn, người viết không thể trình bày hết và chuyên sâu một cách có hệ thống của ngành Địa lý Phong thủy học Đông Phương. Tuy nhiên với những luận cứ ở trên thì chúng ta đã thấy rất rõ rằng: ngành Địa lý phong thủy Đông phương, chính là một hệ thống lý thuyết ứng dụng, tổng hợp tất cả những quy luật tương tác của thiên nhiên, vũ trụ, môi trường sống và của chính cấu trúc ngôi gia ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Hệ thống tri thức của ngành Địa Lý Phong thủy Đông phương, giải thích tất cả các hiện tượng trong cuộc sống của chúng ta bằng hệ thống lý thuyết với phương pháp luận chuyên ngành của nó với một khả năng tiên tri. Bởi vậy, việc tich hợp giữa hai hệ thống tri thức này, chính là sự tích hợp giữa một hệ thống tri thức của ngành kiến trúc xây dựng hiện đại thiên về cấu trúc kỹ thuật với một hệ thống tri thức phản ánh những quy luật tương tác của thiên nhiên với các đề án và công trình xây dựng.

Sự tích hợp này, sẽ là một bước ngoặt quan trọng của ngành kiến trúc xây dựng hiện đại, thể hiện một cách tuyệt vời sự hòa nhập của những nền văn minh.

Chân lý chỉ có một, cho nên không thể có mâu thuẫn giữa hệ thống tri thức của nền văn minh cổ xưa – thể hiện ở ngành Địa lý phong thủy học - và hệ thống tri thức của kiến trúc xây dựng hiện đại, khi cả hai hệ thống tri thức này đều có một mục đích phục vụ con người và cùng nhân danh khoa học. Đây chính là nguyên lý căn bản để chúng hoàn toàn có thể tích hợp một cách hoàn chỉnh và trở thành một hệ thống kiến thức duy nhất phục vụ cho con người, trong ngành kiến trúc, xây dựng hiện đại.

Trong tiểu luận này, người viết nghĩ rằng và cũng cho là sự mong muốn chung của quý vị - với những luận điểm được trình bày, tôi rất hy vọng rằng: Những cơ quan chức năng có thẩm quyền của ngành văn hóa, giáo dục và khoa học, sẽ xem xét và cho phép giảng dạy chính thức ngành Địa lý phong thủy Đông phương trong các trường dạy kiến trúc và xây dựng. Và nếu sự mong muốn này thành hiện thực thì chí ít đó là một bước tiến lớn trong hệ thống tri thức của ngành kiến trúc xây dựng ở Việt Nam.

Xin cảm ơn sự quan tâm của quý vị.

Sài Gòn ngày 25 tháng 12 năm 2016.

Nguyễn Vũ Tuấn Anh.

 

 

6 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Dạ, ý niệm toàn bài phát biểu: xuất niệm như xuất kiếm.

Thính giả chắc nhiều người như sờ được vào nền tảng lý học đông phương.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites