tuấn dương

Đông Y Là Khoa Học Hay Ngụy Khoa Học? Những Cuộc Tranh Luận Xưa Và Nay

6 bài viết trong chủ đề này

Đông y là khoa học hay ngụy khoa học? Những cuộc tranh luận xưa và nay (Kỳ 1)

 

Ngày 24/10/2006, trên Tuổi Trẻ có bài "Đông y sẽ đi về đâu?". Tới ngày 30/10/2006, trên Khoa học & Đời sống cũng có bài với cùng tiêu đề. Cả hai bài báo đều nói rằng, từ năm 2000 ở Trung Quốc bắt đầu rộ lên cuộc tranh luận về ưu khuyết điểm của Đông y. Và gần đây sự việc đã trở nên "nóng": Đang hình thành làn sóng chống Đông y.

 

Ông Trương Công Diệu (một nhà nghiên cứu ở tỉnh Hồ Nam) đã cho đăng hàng loạt bài chỉ trích Đông y, kêu gọi ký tên yêu cầu Nhà nước xóa bỏ Đông y. Đối với phần lớn người Việt ta, Đông y là một thứ vô cùng thân thiết, một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nên tin về cuộc chiến chống Đông y "bùng nổ" ở Trung Quốc kèm theo câu hỏi "Đông y sẽ đi về đâu?" cùng xuất hiện trên hai tờ báo đã khiến rất nhiều người băn khoăn, lo lắng và thắc mắc: Không biết kết cục "cuộc chiến" sẽ ra sao? Đông y sẽ bị loại ra ngoài cuộc sống?

 

Nhìn lại lịch sẽ thấy ngay rằng, những cuộc tranh luận về ưu khuyết điểm của Đông y không phải chỉ mới xuất hiện từ năm 2000. Và làn sóng chống Đông y hiện nay, cũng không "nóng" như người ta tưởng khi đọc lướt qua những thông tin trên báo hoặc trên mạng internet.

 

Từ hàng ngàn năm xưa, ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên, chỉ có một nền y học duy nhất đó là Đông y ­ tức nền y học mà ngày nay gọi là "Y học truyền thống" hoặc "Y học cổ truyền dân tộc". Và nền y học đó đã đảm nhiệm rất tốt công việc bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và chữa trị bệnh tật cho dân tộc mình.

 

Từ thế kỷ 19, cùng với chủ nghĩa thực dân, văn hóa và y học phương Tây (Tây y) bắt đầu du nhập vào châu Á. Tới cuối Thế kỷ 19, bệnh viện Tây y đã hiện diện ở hầu hết các thành phố và trung tâm văn hóa lớn ở châu Á. Sách báo về khoa học và y học phương Tây cũng được phiên dịch và phổ biến ngày càng rộng rãi. Tây y đã dần dần khẳng định vai trò của mình.

 

Tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước khác, bắt đầu hình thành cục diện: Hai nền y học Đông và Tây song song tồn tại. Trong tình hình đó, việc so sánh và lựa chọn giữa Đông y và Tây y đã trở thành vấn đề tất nhiên, không thể né tránh.

 

Những cuộc tấn công chính trị...

 

Tây y xâm nhập là một sự công kích rất lớn đối với Đông y và đã khiến Đông y phải trải qua cuộc thử thách hết sức khốc liệt. Từ khi nhà Lý rời đô về Thăng Long lập Thái y viện, Đông y đã trở thành Quốc y của Việt Nam. Nhưng tới cuối thế kỷ 19, Đông y đã bị thực dân Pháp ra lệnh cấm, chỉ có thể hoạt động lén lút ở các vùng thôn quê.

 

Nhật Bản khi đó đang là thời Minh Trị, để đuổi kịp các nước Âu Mỹ, Nhật hoàng đã thực thi hàng loạt các chính sách duy tân ­ hiện đại hóa và khai hóa văn minh. Đông y khi đó bị chính giới coi là một thứ "không văn minh", nên tháng 2/1895 Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một sắc lệnh về quy chế hành nghề y dược gọi là "Y sư chấp chiếu quy tắc tu cải pháp án". Theo đó, các hoạt động về Đông y, Đông dược đều bị cấm chỉ.

 

Sau khi Đông y bị cấm ở Nhật Bản, năm 1897 nho sĩ Du Việt ở Triết Giang (Trung Quốc) đã đưa ra luận thuyết "Phế y luận", cho rằng: Đông y học cần phế bỏ. Tuy nhiên, cuộc chiến công khai chống Đông y ở Trung Quốc chỉ chính thức bắt đầu từ thời Dân Quốc.

 

Sau khi nhà Thanh bị lật đổ, văn hóa và khoa học phương Tây đã xâm nhập rất mạnh vào Trung Quốc. Trong một số tầng lớp xã hội đã hình thành xu hướng sùng bái văn hóa phương Tây, khinh bỉ văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong lĩnh vực y học cũng bắt đầu xuất hiện ý đồ phế bỏ, tiêu diệt Đông y.

 

Cuộc chiến chống Đông y bắt đầu sớm nhất trong ngành giáo dục. Tháng 9/1912, Chính phủ Dân quốc đã ban hành một Pháp lệnh mới về giáo dục (Trung Hoa dân quốc giáo dục tân pháp lệnh), trong đó hoàn toàn không có những quy định liên quan đến Trung y (Đông y) và Trung dược (Đông dược). Chương trình giáo dục của Chính phủ Dân quốc đã phỏng theo phương Tây hoàn toàn, Trung y và Trung dược bị loại khỏi nội dung giảng dạy trong các trường y dược.

 

Uông Đại Nhiếp (bộ trưởng giáo dục thời đó) là một người rất ác cảm đối với Đông y. Khi đại diện của giới Đông y đưa thư thỉnh nguyện, ông ta đã tuyên bố: "Từ nay về sau tôi quyết tâm phế bỏ Đông y, không dùng Đông dược, ... Kiến nghị của các vị khó có thể chấp thuận, ...". Cho dù bị phản đối kịch liệt, Bộ giáo dục Dân quốc vẫn không chịu thay đổi kế hoạch của mình. Tháng 8/1914, để xoa dịu dư luận nhà cầm quyền đã ngụy biện: "Bản bộ chỉ có ý định hoàn thiện chương trình giáo dục về phương diện học thuật cho phù hợp với xu thế của thế giới, hoàn toàn không có ý kỳ thị Đông y hay Tây y." ...

 

Từ đầu năm 1929, Chính quyền Quốc dân đảng bắt đầu mở rộng các hoạt động tiêu diệt Đông y. Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng y học trung ương đã thông qua đề án của Dư Vân Tụ, có tên là "Đề án phế bỏ y học cũ nhằm loại bỏ trở ngại trong sự nghiệp phát triển y học" ­ (Phế chỉ cựu y dĩ tảo trừ y sự vệ sinh chi chướng ngại án). "Đề án" đã đổi trắng thay đen, coi Đông y là trở ngại trong sự nghiệp phát triển y học. Theo Dư Vân Tụ: "Lý luận Đông y là một thứ "hoang đường quái đản". Chữa bệnh bằng châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, ... đều là những hoạt động mê tín dị đoan. Lý luận sai lầm của Đông y cần phải đánh đổ. Ngày nào Đông y còn chưa bị trừ bỏ thì ngày đó tư tưởng dân chúng không thể biến đổi, sự nghiệp y học mới không thể phát triển, các chính sách vệ sinh không thể triển khai.".

 

"Đề án" còn đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm tiêu diệt hoàn toàn Đông y: Hạn tới cuối năm 1930, tất cả những người hành nghề Đông y dược phải đăng ký hết; Cấm thành lập các trường Đông y dược; Cấm sách báo giới thiệu về học thuật Đông y; Trong vòng 5 năm, tất cả các thầy thuốc Đông y phải bổ túc về Tây y để dần dần trở thành thầy thuốc Tây y, nếu không sẽ bị cấm hành nghề; Chỉ cấp giấy hành nghề trong thời hạn 15 năm. Theo Dư Vân Tụ, nếu thực hiện đầy đủ những biện pháp đó, chỉ sau 15 năm Đông y sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.

 

"Đề án" đã bị giới Đông y và công chúng phản đối quyết liệt. Ngày 17/03/1929, giới Đông y toàn quốc đã tụ hợp về Thượng Hải tổ chức một đại hội, treo hai bích trương lớn: "Đề xướng Trung y dĩ phòng văn hóa xâm lược", "Đề xướng trung dược dĩ phòng kinh tế xâm lược" ­ (Đề xướng Đông y để phòng ngừa xâm lược văn hóa; Đề xướng Đông dược để phòng ngừa xâm lược kinh tế). Đại hội đã cử ra một đoàn đại biểu, đại diện cho 132 đoàn thể để kiến nghị Chính phủ không phê chuẩn chính sách nói trên. Kết quả, "Đề án" đã không thể phê chuẩn. Đông y khi đó đã không bị xóa bỏ về mặt hành chính. Tuy nhiên, giới cầm quyền vẫn không từ bỏ dã tâm tiêu diệt Đông y, tiếp tục thực thi rất nhiều biện pháp hạn chế. 

 

(Xem tiếp kỳ sau)

 

Lương y THÁI HƯ

 

(Bài viết đã được đăng trên Tri Thức Trẻ số Tết Đinh Hợi)

 

nguồn "Thuốc vườn nhà ­ http://www.thuocvuonnha.com"

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đông y là khoa học hay ngụy khoa học? Những cuộc tranh luận xưa và nay (Kỳ 2)

 

... Chỉ trích học thuật

 

Những năm nửa đầu Thế kỷ trước, Đông y là đối tượng bị chỉ trích rất kịch liệt về mặt học thuật. Dư Vân Tụ (1879­-1954) tác giả "Đề án" thủ tiêu Đông y là học giả cực kỳ ác cảm với Đông y. Năm 1904 họ Dư từng du học ở Nhật tại Trường vật lý Tôkyô, sau vào học Trường Đại học y khoa Đại Bản. Ở Nhật khi đó Đông y đã bị cấm, sự việc này đã ảnh hưởng lớn tới quan điểm của Dư Vân Tụ. Dư Vân Tụ cho rằng, Trung Quốc muốn phát triển y học cũng cần phải làm theo Nhật Bản phế bỏ Đông y.

 

Từ khi về nước, Dư Vân Tụ từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Ủy viên Hội đồng y tế trung ương của Chính phủ dân quốc ở Nam Kinh; Ủy viên Hội đồng biên soạn quy chế giáo dục và giáo trình y khoa; Tổng biên tập Tạp chí "Y học Trung Hoa" (Trung Hoa y học tạp chí), ...

 

Đầu tiên, Dư Vân Tụ viết cuốn "Linh tố thương đoài" chỉ trích kịch liệt sách "Nội kinh" (bộ sách kinh điển của Đông y học). Cho rằng "Nội kinh" không có một chữ nào là có thể chấp nhận, ... Đó là một "bí bản", một "lợi khí" giết người từ 4000 nghìn năm, ... Hóa học phương Tây đã chứng minh vật chất có "80 hành" (ý nói 80 nguyên tố hóa học) trong khi đó Đông y chỉ biết có "5 hành" (ngũ hành), ... Sau đó, Dư Vân Tụ đã lập "Đề án" coi Đông y là trở ngại lớn nhất đối với sự nghiệp y học, cần sớm phế bỏ (như đã nói trong Kỳ 1).

 

Hai mươi năm sau, năm 1949 Nhà nước Trung Hoa mới thành lập, Dư Vân Tụ vẫn giữ một chức vụ cao trong Bộ y tế. Khi đó ông đã hy vọng rằng, sự nghiệp "Cách mạng y học" của mình ta sẽ có thể trở thành hiện thực. Nên trong lời tựa một cuốn sách, Dư Vân Tụ đã viết: "... Hoạt động cách mạng y học suốt 30 năm qua của tôi, nay đã không cần thiết nữa. Vì đứng trên quan điểm duy vật biện chứng, Đảng cộng sản tuyệt đối sẽ không làm như Chính phủ Tưởng Giới Thạch, ...". Khi đó Dư Vân Tụ vẫn cho rằng: "Đông y học chỉ là một cửa hiệu tạp hóa với những thứ thần thoại, chiêm tinh thuật, triết học cổ điển và duy tâm luận.".

 

Nhân tiện nói thêm, khi Nhà nước Trung Hoa mới thành lập, cuộc tranh luận về vai trò của Đông y vẫn chưa kết thúc. Đầu những năm 50, các quan chức cấp cao trong Bộ y tế vẫn đặt ra nhiều chính sách và quy định nhằm hạn chế Đông y phát triển. Nhưng cuối cùng, hai thứ trưởng y tế thời đó là Vương Bân và Hạ Thành đã bị bãi chức. Trong sự việc này, Mao Trạch Đông đã đóng một vai trò quyết định. Năm 1953, Mao Trạch Đông chính thức đề xuất quan điểm "Xây dựng nền y học mới trên cơ sở kết hợp Đông y dược và tri thức y học phương Tây". Từ năm 1958, phương châm "Trung Tây y kết hợp" bắt đầu được các phương tiện truyền thông phổ biến rộng rãi.

 

Ngoài những nhân vật trong chính giới hoặc trong ngành y như Dư Vân Tụ, đại đa số danh nhân văn hóa thời đó cũng phủ định tính khoa học của Đông y học. Những câu chỉ trích "trứ danh" nhất, lưu truyền rộng rãi nhất, phần lớn đều xuất phát từ các danh nhân. Trần Độc Tú, lá cờ đầu trong phong trào "Văn hóa mới" (Tân văn hóa, Ngũ tứ vận động), nhận định: "Đông y không hiểu gì về cấu tạo của cơ thể người, lại không phân tích tính chất của thuốc, ..., chỉ biết phụ hội vào âm dương hàn nhiệt, ngũ hành tương sinh tương khắc, ...". Hai đại diện khác của Tân văn hóa là ông Hồ ThíchLương Khải Siêu cũng phê phán Đông y kịch liệt.

 

"Tinh báo" ở Thượng Hải thời đó có đăng bài báo "Hồ Thích và Hoàng kỳ" kể rằng, Hồ Thích do làm việc quá sức mắc bệnh tiểu đường (tiêu khát), bèn đến Bệnh viện Hiệp Hòa chữa trị. Bác sĩ Tây y nói: "Bệnh tiểu đường không thể chữa được, chỉ còn cách mau về chuẩn bị hậu sự". Hồ Thích cho rằng, Tây y đã chẩn đoán ắt phải chính xác nên cảm thấy cực kỳ chán nản. Khi đó một người bạn khuyên ông đi chữa Đông y. Hồ Thích nói: "Đông y không dựa trên khoa học, không thể tin cậy". Người bạn nói: "Tây y đã bó tay, vậy hãy thử xem". Cuối cùng Hồ Thích đã được thầy thuốc Đông y Lục Trọng An chữa khỏi bằng phương thuốc với vị thuốc "Hoàng kỳ" là chủ vị.

 

Tuy được Đông y chữa khỏi bệnh, nhưng Hồ Thích không tiết lộ với ai về sự việc đó. Đông y bị công kích, ông cũng không lên tiếng bênh vực. Ngược lại, trong lời tựa của bản dịch cuốn sách "Y học và con người" nói về quá trình phát triển của Y học phương Tây, ông còn tuyên bố: "Phải nói rõ rằng, trình độ nhận thức và kỹ thuật trong thứ y học mà chúng ta tôn là "Quốc y", suy cho cùng chỉ tương đương với trình độ của người ta trong những thế kỷ của thiên niên kỷ đầu.".

 

Trường hợp Lương Khải Siêu hoàn toàn ngược lại, Lương Khải Siêu bị tiểu tiện ra máu rất nặng, phải vào Bệnh viện Hiệp Hòa làm phẫu thuật. Các bác sĩ đã cắt mất trái thận phải vẫn đang khỏe mạnh. Khi đó bệnh viện đã bị dư luận lên án kịch liệt, nhưng Lương Khải Siêu vẫn viết bài bảo vệ Tây y công kích Đông y trên tờ "Thần báo". Sau khi ca ngợi phong cách làm việc khoa học và chính xác của Tây y, ông viết: "... Trường hợp bệnh của tôi chẳng qua chỉ là một ngoại lệ ngẫu nhiên. Việc chẩn bệnh cần tiến hành một cách nghiêm mật như vậy, chứ không như Đông y chỉ đoán mò dựa theo âm dương ngũ hành, ...".

 

Khi mới từ Nhật Bản trở về, Lỗ Tấn cũng lên án Đông y rất mạnh. Trong truyện "Bệnh của cha tôi", ông đã kể lại cái chết thê thảm của cha mình trong tay hai lang vườn, miêu tả tường tận cách hại người theo kiểu ma thuật của họ, khiến người đọc rất có ác cảm đối với các thầy thuốc Đông y. Lỗ Tấn nói rõ, khi học Tây y ở Nhật Bản ông dần hiểu ra rằng: "Đông y chẳng qua là một trò lừa bịp hữu ý hoặc vô ý". Nhận định này của Lỗ Tấn đã lan truyền rất rộng, trở thành châm ngôn của những người chống đối Đông y mãi tới ngày nay. Sau này thái độ của ông đã thay đổi nhưng điều này ta sẽ nói sau.

 

Kể lại chuyện danh nhân chỉ trích Đông y ở đây, bài viết không có ý phủ nhận vai trò tích cực của Phong trào Văn hóa mới đối với sự tiến bộ xã hội và phát triển khoa học kỹ thuật ở Trung Quốc đầu thế kỷ trước. Nhưng cũng không thể không thừa nhận, thái độ suy tôn khoa học phương Tây quá mức, coi khoa học phương tây  là thước đo duy nhất trong mọi lĩnh vực, đã khiến cho văn hóa truyền thống tổn thương nặng nề, và quan niệm đó còn để lại những dấu ấn tới tận ngày nay. Sự việc một giáo sư phát động phong trào phế bỏ Đông y hồi cuối năm 2006 là một ví dụ rất tiêu biểu.

 

(Xem tiếp kỳ sau)

 

Lương y THÁI HƯ

 

(Bài viết đã được đăng trên Tri Thức Trẻ số Tết Đinh Hợi)

 

nguồn "Thuốc vườn nhà ­ http://www.thuocvuonnha.com"

 

 

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đông y là khoa học hay ngụy khoa học? Những cuộc tranh luận xưa và nay (Kỳ 3)

 

... Sự kiện tháng 10/2006

 

Giờ hãy trở về với sự kiện hai tờ báo ở nước ta đã đưa tin hồi tháng 10/2006. Trước hết, Trương Công Diệu đã phát động cuộc chiến chống Đông y trong tình hình khác hẳn những năm đầu thế kỷ trước. Hiện tại, Việt Nam, Trung Quốc đều chủ trương xây dựng nền y học mới trên cơ sở kết hợp Đông y và Tây y, Đông y đã phục hưng và đang phát triển mạnh. Nhật Bản đã trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu thuốc Đông y đứng đầu thế giới. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, xu hướng "Trở về với thiên nhiên" trong y học phương Tây càng tạo thêm điều kiện thuận lợi.

 

"Cuộc chiến" đòi phế bỏ Đông y do Trương Công Diệu phát động, ban đầu chỉ như phát súng trường bắn vào trường thành. Trương Công Diệu là giáo sư triết học công tác ở Sở nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật và Xã hội, Đại học Trung Nam, thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. 20 năm trước, khi học xong trung học thì gặp phải Cách mạng văn hóa. Thời gian lao động ở nông thôn Trương Công Diệu tình cờ tìm thấy 2 cuốn sách về thuốc Đông y là "Dược tính ca quát 400 vị" "Thang đầu ca" trong số sách bị tịch thu ở nhà người bạn. Trương Công Diệu đã say mê đọc, sau đó thử chữa bệnh cho người quen và đã chữa khỏi bệnh cho một số người. Nhưng Trương Công Diệu không biết chẩn mạch và châm cứu, vì 2 cuốn sách nói trên chỉ là những bài vè giúp người ta ghi nhớ tính chất của một số vị thuốc, thang thuốc thường dùng. Kiến thức Đông y của Trương Công Diệu có lẽ chỉ dừng lại ở đó.

 

Trương Công Diệu bắt đầu chống Đông y trong thời gian biên soạn giáo trình về triết học khoa học kỹ thuật. Tháng 4/2006, tiểu luận "Chia tay Đông y dược" ­ (Cáo biệt trung y trung dược), sau khi phải chuyển từ tòa soạn này sang tòa soạn khác cuối cùng được đăng trên tạp chí "Y học và triết học". Cũng thời gian đó, Trương Công Diệu đã tung bài báo lên mạng hy vọng sẽ trở thành văn kiện có tính lịch sử. Khi đó một số người đã đọc có lẽ chỉ vì Trương Công Diệu là người Trường sa tỉnh Hồ Nam ­ một cái nôi của Đông y học, lại là nơi đã khai quật được những bộ y thư thuộc loại sớm nhất và là quê hương của Thánh y Trương Trọng Cảnh.

 

Trương Công Diệu lập luận theo công thức: "Tây y = Y học khoa học; Theo những quy phạm của Tây y, lý luận Đông y hoàn toàn không phù hợp. Do đó, Đông y = Khoa học giả tạo (ngụy khoa học); Cần phải đánh đổ". Trương Công Diệu muốn "chia tay" Đông y vì 3 lý do: Đông y là khoa học, khoa học phải tiến bộ, nhưng từ 2000 năm nay Đông y không tiến bộ. Từ trước tới nay những nỗ lực nhằm "khoa học hóa" Đông y đều thất bại. Thuốc Đông y thực chất không có tác dụng, là "thuốc vờ" chỉ là hiệu ứng tâm lý. Dẫn chứng Trương Công Diệu đưa ra để minh họa khiến người hiểu biết chút ít về Đông y cũng phải phì cười. Ví dụ: "Kết quả nghiên cứu ở phương Tây cho thấy, nhân sâm hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh, chỉ là loại thực phẩm bình thường!"

 

Trương Công Diệu đã chỉ trích Đông y một cách vô căn cứ và rất cay độc. Về vai trò của Đông y, Trương Công Diệu viết: "Đông y luôn luôn tự xưng là "tấm gương nhân thuật". Thế nhưng, thứ "nhân thuật" đó lại chẳng hề có những biểu hiện lòng nhân ái. Chỉ cần đề cập tới vài điều chủ yếu:

 

(1) Chỉ là làm ra vẻ là nhân thuật để lừa người bệnh.

 

(2) Sử dụng những thứ quái lạ (dị vật), những thứ bẩn thỉu, độc hại để làm thuốc gây hại cho người bệnh.

 

(3) Tìm những "kỳ phương" với "kỳ hiệu" để gây khó dễ cho người bệnh và để trốn tránh trách nhiệm trong trường hợp chữa trị không có hiệu quả...

 

Tôi có thể nói một cách hoàn toàn có trách nhiệm là, Đông y là một thứ văn hóa chẳng có vai trò tích cực nào cả, càng không phải là một khoa học, thậm chí còn chưa thể gọi là "Ngụy khoa học". Đó chỉ là một trò lừa bịp có mưu tính của những nho sĩ thi không đậu thời xưa ở Trung Quốc cố ý lợi dụng tâm lý "có bệnh vái tứ phương" của người bệnh.".

 

Trương Công Diệu được Vương Trừng (một bác sĩ phục hồi chức năng, người Mỹ gốc Hoa ở New York) ủng hộ nhiệt liệt, phong Trương Công Diệu là "Dũng sĩ chống Đông y ­ (Phản trung y đấu sĩ). Đầu tháng 10/2006, nhân dịp Ủy ban cải cách quốc gia mở cuộc trưng cầu ý kiến về cải cách y tế, hai người đã phát động phong trào lấy chữ ký yêu cầu Chính phủ thủ tiêu Đông y và thay đổi nội dung của điều 21 trong Hiến pháp. Từ đó, dư luận mới bắt đầu chú ý tới Trương Công Diệu. Sau khi đưa ra bản trưng cầu, Trương Công Diệu tỏ ra rất đắc ý: "Trước đây rất nhiều người vẫn coi tôi và Vương Trừng là hai kẻ tâm thần, ngày ngày tung lên mạng những bài phê phán Đông y. Theo 1 điều tra trên mạng, đã có hơn 2 vạn người ủng hộ chúng tôi. Như vậy không phải là chúng tôi mắc bệnh tâm thần".

 

Nhưng theo điều tra trên mạng của phóng viên "Tam tương đô thị báo": Chỉ có khoảng 140­150 người tỏ ý kiến tán thành. Còn trên đường dây nóng của "Tam tương đô thị báo": Đã có 252 người gọi điện đến, chỉ có 2 người ủng hộ Trương Công Diệu. Khi đó Bộ y tế tuyên bố công khai: "Kiên quyết phản đối ­ Đó là sự vô tri đối với lịch sử, cũng là sự mạt sát ngu ngốc đối với vai trò quan trọng của Đông y, Đông dược trong đời sống thực tiễn". Còn Cục quản lý dược tuyên bố: "Thủ tiêu Đông y, là sự phủ định bừa bãi đối với khoa học.". Tại quê hương Trương Công Diệu, Viện nghiên cứu Đông y Hồ Nam đã quyết định làm việc với luật sư để khởi kiện Trương Công Diệu về tội phỉ báng. Đại diện của viện phát biểu: "Các cuộc tranh luận về học thuật Đông y rất nhiều. Điều đó rất bình thường. Đông y còn cần phải tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Nhưng nói Đông y là khoa học giả tạo, Đông y là trò lừa bịp, Đông y chữa bệnh là hại người, thì tính chất sự việc đã thay đổi hẳn.".

 

Hiện tại, nếu bạn lên mạng vào chương trình tìm kiếm gõ hai từ khóa "Trương Công Diệu" và "Phế chỉ trung y" sẽ thấy: Trương Công Diệu đang bị "mắng" và "đuổi đánh" thậm tệ. Gần đây nhất, Trương Công Diệu đã thay đổi chiến lược nói rằng: "Chỉ muốn đưa vấn đề ra để thảo luận về mặt học thuật". Nhưng những lời chỉ trích vô căn cứ, cố ý bôi nhọ Đông y của Trương Công Diệu trước đây đã khiến cho vấn đề vượt ra ngoài phạm vi của một cuộc thảo luận học thuật.

 

(Xem tiếp kỳ sau)

 

Lương y THÁI HƯ

 

(Bài viết đã được đăng trên Tri Thức Trẻ số Tết Đinh Hợi)

 

nguồn "Thuốc vườn nhà ­ http://www.thuocvuonnha.com"

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đông y là khoa học hay ngụy khoa học? Những cuộc tranh luận xưa và nay (Kỳ cuối)

 

... Đông y ­ Khoa y học độc đáo

 

Suốt từ nửa đầu Thế kỷ thứ 20 tới nay, Đông y bị chỉ trích chủ yếu xoay quanh vấn đề "Tính khoa học". Khoa học là gì? Suy cho cùng tới nay triết học vẫn chưa thể luận định. Thậm chí một số học giả còn tuyên bố: "Khoa học không phải là tất tả; Khoa học không phải là thứ thần dược vạn năng; Khoa không phải là chân lý, ...".

 

Lỗ Tấn từng chỉ trích Đông y kịch liệt, nhưng thời gian dạy học ở Đại học sư phạm Triết Giang đã cùng một học giả Trương Tông Tường thường xuyên sưu tập những bài thuốc kinh nghiệm dân gian. Sau khi sàng lọc đã soạn ra cuốn sách "Nghiệm phương thực lục", trong đó có rất nhiều bài thuốc mà bản thân Lỗ Tấn đã dùng thử thấy rất hữu hiệu. Sau này, đối với những người hoài nghi tính chất khoa học của Đông y, Lỗ Tấn thường nói: "Sử dụng có hiệu quả, đó là khoa học" ­ (Hành chi hữu hiệu, tức thị khoa học).

 

Nhưng để luận bàn về tính khoa học của Đông y, chúng ta chỉ có sử dụng định nghĩa thông dụng về khoa học hiện nay. Chẳng hạn, "Từ điển tiếng Việt" (Nhà xuất bản KHXH, năm 1988) viết: "Khoa học là hệ thống tri thức tích lũy trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh, phản ánh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài, cũng như hoạt động tinh thần của con người, giúp con người có khả năng cải tạo thế giới hiện thực.". Như vậy, một thứ được gọi là khoa học phải có 3 tính chất:

 

(1) Là "Hệ thống tri thức" chứ không chỉ là những kiến thức tản mạn, vụn vặt.

 

(2) Phản ánh đúng những quy luật khách quan.

 

(3) Giúp cải tạo thế giới.

 

Với định nghĩa đó, ta thử kiểm tra Đông y có phải là khoa học hay không? Trước hết, lý luận Đông y (Y lý) bao gồm

những kiến thức từ hoạt động sinh lý của cơ thể (Học thuyết tạng phủ và kinh lạc),

nguyên nhân gây bệnh (Bệnh nhân học)

cơ chế phát sinh và chuyển biến của bệnh (Bệnh cơ học)

cho tới các phương pháp chẩn đoán (Tứ chẩn)

phân loại bệnh tật (Bát cương)

phép tắc chữa bệnh (Bát pháp) và cách sử dụng thuốc cụ thể đối với từng loại bệnh (Phương dược học).

 

Như vậy, Y lý Đông y là một "Hệ thống tri thức" nhất quán, hoàn chỉnh từ lý thuyết cho tới thực hành, chứ không phải chỉ có những kiến thức, kinh nghiệm vụn vặt. 

 

Thứ hai, xưa nay thầy thuốc Đông y giỏi đều là những người rất giỏi Y lý. Điều này chứng tỏ, Y lý phản ánh đúng quy luật khách quan. Có phản ánh đúng quy luật, thì áp dụng mới có hiệu quả. Thầy thuốc Đông y chữa bệnh theo sự chỉ đạo Y lý, chứ không phải chữa bệnh theo kiểu mò mẫn, hú họa. Chỉ có điều, lý luận Đông y được diễn tả bằng ngôn ngữ triết học cổ đại. Với người thời nay, đó là thứ ngôn ngữ hết sức xa lạ nên rất khó hiểu. Nhưng điều đó không ảnh hưởng tới nội hàm khoa học. Thực tế cho thấy, càng ngày càng có nhiều nội dung trong Y lý Đông y được khoa học hiện đại chứng minh, khẳng định.

 

Thí dụ, lý luận về "lục dâm" (6 tác nhân gây bệnh từ bên ngoài – phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) đã được các nghiên cứu trong "Y học khí tượng" hiện đại chứng thực. Hay như kết quả thực nghiệm từ nhiều năm trước cho thấy, những vị thuốc mà Đông y gọi là có tác dụng "thanh nhiệt giải độc" như kim ngân, xuyên tâm liên, bồ công anh, ... kháng khuẩn rất tốt, hiện được gọi là những "kháng sinh thiên nhiên". Kết quả nghiên cứu gần đây cũng cho biết thêm, thuốc "thanh nhiệt giải độc" của Đông y còn có tác dụng chống dị ứng, điều hòa miễn dịch, ức chế các phản ứng tự miễn có hại, ...

 

Thứ ba, tác dụng chữa bệnh (cải tạo thế giới) của Đông y, từ hàng ngàn năm nay đã được khẳng định trên thực tế. Đông y còn có thể chữa khỏi được một số loại bệnh mà Tây y không thể chữa khỏi. Điều này chẳng cần phải đưa ra dẫn chứng, vì có lẽ mỗi người trong chúng ta đều đã từng thể nghiệm hoặc từng chứng kiến. Trong cuốn sách "Đông y học và triết học Bergson", Takushakyuke (học giả nổi tiếng người Nhật Bản) đã viết:

 

"Trường hợp những bệnh mà Y học phương Tây khó có thể chữa trị, Đông y có thể chữa khỏi là sự thật, ... Mà vấn đề không chỉ như vậy. Thời gian mà Y học phương Tây thực sự trở thành một khoa học, tính tới nay mới được khoảng 300­-400 năm. Trong khi đó Đông y đã tồn tại hơn 2000 năm, mà cũng sẽ tiếp tục tồn tại... Nếu như Đông y chỉ là thứ lý thuyết trống rỗng hoặc là thứ mê tín dị đoan chữa bệnh không hiệu quả, nhất quyết sẽ không thể trải qua suốt 20 thế kỷ và tồn tại tới tận ngày nay. Hơn nữa sự bất mãn với y học phương Tây không chỉ tồn tại ở phương Đông, mà còn xuất hiện ngay cả ở phương Tây."

 

Đối với vấn đề, các kết quả nghiên cứu lâm sàng của Tây y có thể lặp lại và như thế mới là khoa học, trong khi đó một số kết quả của Đông y không thể lặp lại nên không thể coi là khoa học. Tiến sĩ Hogashosan người Nhật Bản đã lý giải một cách rất có lý như sau: "Nói rằng kết quả của Đông y không thể lặp lại là thiếu tính khoa học, ..., không lặp lại mới chính là một điều đáng quý của Đông y, tính khoa học của Đông y chính ở chỗ đó.".

 

Đối với nhận xét trên, xin giải thích thêm: Tây y là một ngành khoa học mang tính quần thể, còn Đông y là ngành khoa học cá thể hóa.

 

Nhận thức của Tây y về bệnh tật chủ yếu căn cứ vào kết quả nghiên cứu trên một số lượng lớn bệnh nhân. Kết quả thu được là "đại lượng quân bình" có tính thống kê, đại diện cho toàn bộ quần thể, các nhân tố đặc thù và ngẫu nhiên đều bị loại bỏ. Do đó tất cả những người bị mắc cùng một bệnh, nói chung đều được chữa trị bằng cùng một loại thuốc.

 

Trong khi đó Đông y lại chữa bệnh theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" ­ nghĩa là tùy theo chứng trạng biểu hiện ở từng người mà sử dụng phép chữa, bài thuốc khác nhau. Do đó, một trăm người mắc cùng một bệnh (theo nghĩa Tây y), có thể được chữa trị bằng hàng trăm phương thuốc khác nhau.

 

Y học quần thể có ưu điểm là dễ chuẩn hóa, nhưng khó tính đến những dị biệt của mỗi cá nhân. Còn Y học cá thể hóa có khả năng thích ứng với bệnh tình cụ thể ở từng người bệnh.

 

Khi nhận định về tính khoa học của Đông y, Giáo sư Boacter ở Đại học Munich (Đức) đã so sánh Tây y và Đông y về mặt phương pháp luận và đưa ra nhận xét:

 

"Tây y chủ yếu sử dụng các phương pháp phân tích theo quan hệ nhân quả. Phương pháp nhận thức của Đông y là quy nạp và tổng hợp. Lý luận tạng tượng của Đông y được xây dựng trên cơ sở quy nạp và tổng hợp một số lượng lớn những biến đổi sinh lý và bệnh lý, mà các thầy thuốc đã phát hiện được ở người bệnh qua hàng ngàn năm. Hệ thống Tạng tượng của Đông y là một mô hình phức tạp, bao gồm nhiều chức năng liên quan, tác động qua lại với nhau, vận động theo những quy luật có tính tuần hoàn. Chỉ dựa vào giải phẫu học, không thể xây dựng nổi một hệ thống như vậy. Đông y là một loại khoa học y học có nội dung phong phú, trần thuật mạch lạc và hữu hiệu nhất. Đó là một loại y học độc nhất vô nhị."

 

Lương y THÁI HƯ

 

(Bài viết đã được đăng trên Tri Thức Trẻ số Tết Đinh Hợi)

 

nguồn "Thuốc vườn nhà ­ http://www.thuocvuonnha.com" 

Share this post


Link to post
Share on other sites

Rất cảm ơn Tuấn Dương vì bài sưu tầm này. Xin chuyển lời cảm ơn tác giả bài viết - Lương y Thái Hư.

Trong các bài viết và tác phẩm của mình, tôi cũng dẫn chứng chính phong trào bài bác Đông y này đã chứng tỏ cội nguồn truyền thống của Đông Y hoàn toàn không phải của Trung Quốc.

Tôi xác định rằng: Không thề có một hệ thống lý thuyết được tạo dựng từ một nền văn minh, mà chính nền văn minh đó lại không thể hiểu gì về chính những khái niệm nội hàm của lý thuyết đó. Việc bác bỏ Đông ý từ chính ngay của Trung Quốc dai dẳng hàng thế kỷ qua, đã chứng tỏ điều này.

Tôi xác định rằng: Chỉ duy nhất có nền văn hóa truyền thống Việt mới phục hồi và chứng minh một cách hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống Lý thuyết ngành Y học Đông phương.

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites
Loc Thien Tìm hiểu về thuyết ADNH & các lý luận của Thầy Nguyễn Phước Lộc. và rất nhiều các tài liệu khác cháu mới thấy sự đồ sộ của nền Đông Y từ các lý luận về huyệt đạo, luận bệnh, xem thời gian để chuẩn đoán vv & vv... Mới thấy rằng sự đào tạo đông y hiện nay quá hời hơt, và cháu cho rằng với những người được cấp bằng trong đào tạo chính quy ra trường hiện nay mới chỉ có thể dc gọi là Lang Băm thôi!
Nếu có một học viện về ADNH thì ít nhất phải 2 năm đầu đại cương về các lý học lý thuyết lý luận về ADNH, sau đó mới có thể về các chuyên nghành con như Đông Y, Võ, Tử vi, bốc dịch, vv & vv..
 
Không thể đăng bình luận. Thử lại
Không đăng dc trên FB của chú, cháu đăng vào trong này vậy!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay