tuấn dương

Chữa Viêm Khớp Hiệu Quả Bằng Thuốc Nam

5 bài viết trong chủ đề này

Thuốc Nam chữa Viêm khớp

 

Hỏi:

Vợ cháu năm nay 30 tuổi, từ khoảng 1 năm nay vợ cháu tự nhiên bị đau các khớp xương, rất khó vận động và rất đau đớn. Lúc đầu chỉ đau ở bả vai, sau đó các khớp khác như ngón tay, háng, đầu gối, ... cũng đều bị sưng. Đi khám có kết luận là "Viêm đa khớp", cho uống thuốc nhưng không khỏi. Vậy cháu xin hỏi "Thuốc vườn nhà":

 

(1) Có bài thuốc nào chữa được bệnh cho vợ cháu?

 

(2) Cháu nghe nói dùng cây đơn gối hạc uống sẽ khỏi?

 

Xin chỉ cho cách nhận biết, tác dụng và cách dùng.

 

N.V. Quân, Hải Phòng

 

Đáp:

Xin giải đáp tuần tự các câu hỏi của bạn như sau: •

 

Thuốc Nam chữa viêm khớp: Khác với Tây y, để chữa trị bệnh viêm khớp, Đông y không sử dụng cùng một số loại thuốc cố định cho tất cả mọi người (cùng bị mắc bệnh viêm khớp), mà chia "bệnh" thành những "chứng hình" (thể bệnh) khác nhau. Thể bệnh được phân loại căn cứ vào những chứng trạng cụ thể, biểu hiện ở người bệnh. Tiếp đó, đối với mỗi thể bệnh, sẽ sử dụng những phép chữa, bài thuốc thích hợp. Bạn có thể căn cứ vào những chứng trạng của vợ, để phân biệt thể bệnh, và sử dụng các phép chữa, bài thuốc, theo các phương án sau:

 

1. Thể phong nhiệt: ­

 

Chứng trạng: Sốt cao, đau họng, phiền khát, khớp xương sưng nóng đỏ, đau di chuyển, trên da xuất hiện những mảng ban đỏ. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Thể bệnh này hay gặp trong trường hợp Tây y chẩn đoán là "viêm khớp cấp tính".

 

­ Phép chữa: Trừ phong, thanh nhiệt, thông kinh hoạt lạc. ­

 

Bài thuốc thường dùng: Nhẫn đông đằng (dây kim ngân) 20g, hổ trượng căn (cốt khí củ) 12g, quế chi 9g, tang chi (cành cây dâu tằm) 12g.

 

Gia giảm:

 

+ Nếu kèm theo đau họng, thêm: Kim ngân hoa 15g, xạ can (rẻ quạt) 6g

 

+ Nếu trên da xuất hiện mảng ban đỏ hình tròn, thêm: Khương hoàng (nghệ vàng) 10g.

 

+ Nếu sốt cao, đau kịch liệt, thêm: Sừng trâu (cưa nhỏ) 30g.

 

Sắc nước uống trong ngày, liên tục 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày, lại tiếp tục liệu trình khác, cho tới khi khỏi. Thời gian hành kinh (phụ nữ) ngừng uống.

 

2. Thể phong hàn: ­

 

Chứng trạng: Không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, khớp không sưng đỏ, nhưng đau như dao cắt, gặp lạnh đau càng nặng. Sắc mặt trắng nhợt, dưới da nổi cục. Chất lưỡi nhợt, đen xạm; rêu lưỡi trắng mỏng hoặc trắng nhầy. ­

 

Phép chữa: Sơ phong tán hàn, thông lạc chỉ thống.

 

­ Bài thuốc thường dùng: Can khương (gừng khô) 15g, tía tô 9g, quế chi 9g, bổ cốt chi (phá cố chỉ) 12g, cẩu tích 12g, mộc qua 10g, bạch thược 12g.

 

Gia giảm:

+ Nếu chân tay không ấm, sợ lạnh, thêm: Đương quy 9g.

+ Dưới da sẩn cục, thêm: Đào nhân (nhân hạt đào) 9g, bạch giới tử (hạt cải) 6g.

+ Kèm theo khớp xương sưng to, thêm: Ý dĩ nhân 30g.

 

Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, uống theo liệu trình 10 ngày; thời gian hành kinh ngừng dùng thuốc.

 

3. Thể phong thấp: ­

Chứng trạng: Khớp xương sưng to, tê mỏi đau; hoặc kèm theo cảm giác lạnh đau ở khớp xương; hoặc có cảm giác như bị sốt nhưng sờ vào da lại không thấy nóng tay; rêu lưỡi trắng nhầy. ­

 

Phép chữa: Trừ phong hóa thấp, thông lạc. ­

 

Bài thuốc thường dùng: Khương hoạt 9g, độc hoạt 9g, quế chi 9g, uy linh tiên 12g, tang chi (cành cây dâu tằm) 20g, hổ trượng căn (cốt khí củ) 12g, kinh giới 10g.

 

Gia giảm:

+ Nếu khớp xương lạnh đau, kèm theo bị nhiễm lạnh, thêm: Tía tô 15g, can khương (gừng khô) 15g, sinh khương (gừng tươi) 10g.

 

+ Nếu khớp xương nóng đau, cảm giác như bị sốt nhưng da không nóng, thêm: Vỏ núc nác 10g, thương truật 10g, ý dĩ nhân 30g.

 

Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, liệu trình 10 ngày; thời gian hành kinh ngừng dùng thuốc.

 

4. Thể tà tý tâm mạch: ­

 

Chứng trạng: Khớp xương đau nhức, chỉ hơi sưng, có thể kèm theo đau họng, ngực ngột ngạt hoặc đau, khó thở, vã mồ hôi, hoặc trống ngực, ít ngủ; lưỡi phình to, chất lưỡi đỏ hoặc tím tái. Thể bệnh này hay gặp trong trường hợp bệnh phong thấp biến chứng vào tim, gây bệnh ở van tim. ­

 

Phép chữa: Ích khí dưỡng âm, trừ tà thông mạch. ­

 

Bài thuốc thường dùng: Nhân sâm 10g (hoặc đảng sâm 16g), mạch môn đông (củ tóc tiên) 15g, ngũ vị tử 6g, tam thất 8g, đương quy 10g, xích thược 15g, phòng kỷ 10g, mộc qua 10g, tần cửu 10g, vỏ cây vông nem 16g.

 

Gia giảm:

+ Họng đau, thêm: Kim ngân hoa 12g, xạ căn 8g.

+ Nếu khó thở, vã nhiều mồ hôi, thêm: Hoàng kỳ 30g, rễ lúa nếp 15g.

+ Nếu trống ngực, ít ngủ, thêm: Toan táo nhân (hạt táo chua, sao đen) 12g, bá tử nhân (hạt cây trắc bách diệp, sao đen) 12g.

 

Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, liệu trình 10 ngày; thời gian hành kinh ngừng dùng thuốc.

 

• Cây đơn gối hạc: còn có tên là "gối hạc", "kim lê", "bí dại", "phỉ tử", "mũn", "mùn", "củ rối" (miền Nam), "mạy chia" (Tày), "co còn ma" (Thái), "mìa sẻng" (Dao); tên khoa học là Leea rubra Blume., thuộc họ Gối hạc (Leeaceae).

 

Đơn gối hạc là loài cây mọc thành bụi dày, cao tới 1­1,5m. Thân có rãnh dọc và phình lên ở những mấu (giống như gối con chim hạc), do đó có tên là "gối hạc". Lá mọc so le, kép lông chim ba lần, phía trên hai lần; phiến lá chét có răng cưa thô to, dài 5­11cm, rộng 25­-60mm, gần như không cuống. Hoa nhỏ màu hồng, mọc thành ngù ở đầu cành. Quả có đường kính 6-­7mm, 4­6 hạt, dài 4mm. Quả khi chín có màu đen, mùa hoa quả vào tháng 5­-10. Rễ củ màu hồng, trắng và vàng.

 

Cây mọc hoang dại ở những vùng đồi núi. Thường người ta đào lấy rễ vào mùa Thu Đông, để dùng làm thuốc. Đào rễ về rửa sạch, thái mỏng phơi hay sấy khô.

 

Chú ý: Ngoài cây Leea rubra nói trên, dân gian còn dùng cây Leea sambuciana với cùng tên gối hạc, kim lê; cây này cũng giống cây trên, nhưng lá kép xẻ lông chim hai lần, cụm hoa lớn hình ngù, hoa trắng vàng, nhỏ bé, quả đen, lá khô đen ở mặt trên. Cùng một công dụng.

 

Rễ gối hạc có vị đắng, tính mát. Dân gian dùng chữa bệnh đau nhức khớp xương, tê thấp, đau bụng, rong kinh.

 

Cách sử dụng để chữa đau nhức, viêm khớp: Dùng đơn gối hạc 40­-50g sắc uống. Hoặc dùng đơn gối hạc 30g, phối hợp với cỏ xước, ngưu tất, tỳ giải ­ mỗi vị 15g; sắc uống.

 

Lương y Huyên Thảo

 

nguồn "Thuốc vườn nhà ­ http://www.thuocvuonnha.com"

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Rễ cốt khí chữa đau xương khớp

 

Hỏi:

Tháng trước, tôi bị viêm khớp nặng, đầu gối sưng đỏ, nóng và rất đau. Tôi được một người quen để lại cho một gói rễ cây, nói rằng chữa đau xương khớp rất tốt, nhưng chỉ biết tên là "hổ trượng căn". Tôi sắc uống thấy rất hiệu nghiệm. Là một bạn đọc thường xuyên của thuocvuonnha.com, tôi viết thư này mong được "Thuốc vườn nhà" cho biết: Cây thuốc này thường mọc ở đâu? Hình dạng như thế nào và còn có thể dùng chữa những bệnh gì khác?

Hoài Thu, Hà Nội

 

Đáp:

Hổ trượng căn (Cốt khí củ)  là tên những người bán thuốc Đông y thường dùng để chỉ rễ của loài cây mà dân gian gọi là "cốt khí". Củ (rễ) cốt khí là một vị thuốc dân gian thường dùng để chữa đau xương khớp, do phong thấp, bị ngã, bị thương, ...

 

Cốt khí là cây mọc hoang ở nhiều nơi, đồng bằng và miền núi đều có. Cây còn được trồng ở nhiều nơi để lấy củ (rễ) làm thuốc. Cốt khí còn có tên "điền thất" (miền Nam), "hoạt huyết đan", "tử kim long", "ban trượng căn", ... Đông y Trung Quốc (Trung y) thường gọi là "hổ trượng căn". Tên khoa học là Polygonum cuspidatum Sieb et Zucc., họ Rau răm (Polygonaceae).

 

Cốt khí là một cây nhỏ sống lâu năm, thân mọc thẳng, thường cao 0,5­1m, có khi tới 2m. Thân không có lông, trên thân và cành thường có những đốm màu tím hồng. Lá mọc so le có cuống ngắn. Phiến lá hình trứng, rộng, đầu trên hơi thắt nhọn, phía cuống hoặc hơi phẳng hoặc hẹp lại, mép nguyên, dài 5­12cm, rộng 3,5-­8cm, mặt trên màu xanh nâu đậm, mặt dưới màu nhạt hơn. Cuống dài 1­-3cm. Bẹ chìa ngắn. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, mang rất nhiều hoa nhỏ. Cánh hoa màu trắng. Hoa khác gốc. Hoa đực có 8 nhị; hoa cái có bầu hình trứng với 3 cạnh, 3 núm. Quả khô, 3 cạnh, màu nâu đỏ.

 

Cần lưu ý là, cái tên "cốt khí" còn hay dùng để chỉ một số cây khác, như "cốt khí muồng", "cốt khí dây", "cốt khí tím", "Thuốc vườn nhà" xin phép sẽ đề cập trong dịp khác.

 

Vị thuốc cốt khí đã được ghi trong bộ "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân từ thế kỷ 16.

 

Theo Đông y: Cốt khí có vị đắng, tính lạnh; vào các kinh Can, Đởm và Phế. Có tác hoạt huyết, giảm đau, thanh nhiệt, lợi tiểu, thông kinh. Dùng chữa những trường hợp kinh nguyệt bế tắc, kinh nguyệt khó khăn đau đớn, bị đòn ngã chấn thương đau nhức, thấp nhiệt hoàng đản, phế nhiệt khái thấu, đẻ xong huyết ứ, bụng trướng, tiểu tiện khó khăn, ...

 

Liều dùng: Ngày dùng 6­-10g dưới dạng thuốc sắc, rượu thuốc hoặc hoàn tán.

Kiêng kỵ: Phụ nữ mang thai không dùng được.

 

"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số đơn thuốc sử dụng rễ cốt khí:

 

(1) Chữa phong thấp viêm khớp, đầu gối và mu bàn chân sưng đỏ đau nhức:

Dùng độc vị cốt khí củ 15­-20g, hoặc thêm đơn gối hạc 10­-15g; sắc nước uống trong ngày.

 

(2) Chữa vàng da cấp tính do viêm gan siêu vi: Dùng cốt khí củ 12g, sắc nước uống trong ngày. Tại một bệnh viện ở Trung Quốc đã tiến hành điều trị thử nghiệm 300 ca, hiệu suất khỏi bệnh đạt 80%; sau 15­-20 ngày da hết vàng, trung bình sau 34 ngày dùng thuốc bệnh khỏi hoàn toàn.

 

(3) Chữa viêm túi mật mạn tính: Dùng ô mai 250g, củ cốt khí 500g, mật ong 1000g; cho ô mai và cốt khí vào nồi đất hoặc đồ gốm (không dùng đồ sắt), sắc kỹ với nước 3 lần, lấy nước cốt, bỏ bã, hợp 3 nước lại với nhau, cô nhỏ lửa cho đặc lại còn 500ml, cho mật ong vào trộn đều, đun sôi lại, cho vào lọ sạch, chờ nguội thì nút kín, bảo quản nơi thoáng mát hoặc trong tủ lạnh để dùng dần; ngày uống 2 lần sau bữa ăn, mỗi lần lấy 1 thìa canh cao thuốc, hòa với nước sôi uống; liên tục trong 3 tháng (1 liệu trình).

 

(4) Chữa viêm gan kéo dài: Dùng củ cốt khí 500g, ngũ vị tử 250g, mật ong 1000g; cách chế giống như trong mục "(3) Chữa viêm túi mật mạn tính"; mỗi ngày uống 3 lần sau bữa ăn, mỗi lần lấy 1 thìa canh cao thuốc, hòa với nước sôi uống; liên tục trong 2 tháng (1 liệu trình).

 

(5) Chữa xơ gan: Dùng cốt khí củ 30g, đại táo (táo tầu) 30g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

 

(6) Chữa phụ nữ hành kinh đau bụng: Cốt khí củ 12g, ích mẫu thảo 12g, cam thảo 6g; sắc nước uống trong ngày; dùng liên tục 3­5 ngày vào trước kỳ kinh (Kinh nghiệm dân gian).

 

(7) Chữa phụ nữ sau khi đẻ đầu choáng váng do huyết ứ: Dùng cốt khí củ phơi hoặc sấy khô, tán thành bột mịn, ngày uống 2-­3 lần, mỗi lần 3-­4g, hòa cùng với rượu uống.

 

Lương y HUYÊN THẢO

 

nguồn "Thuốc vườn nhà ­ http://www.thuocvuonnha.com

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Dùng lươn chữa viêm khớp dạng thấp

 

Hỏi:

Tôi bị viêm khớp dạng thấp đã nhiều năm. Đã đi chữa và uống nhiều loại thuốc, nhưng bệnh cải thiện rất ít. Gần đây tôi nghe nói, thịt lươn có tác dụng chữa viêm khớp dạng thấp rất tốt. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Cách sử dụng cụ thể như thế nào?

 

Mai Hương, Hà Nội

 

Đáp:

Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis, viết tắt là RA) là một bệnh thường gặp, trong nhóm các bệnh về xương khớp mạn tính ở người lớn tuổi. Bệnh hay gặp ở độ tuổi từ 20-­45, nữ giới bị mắc bệnh nhiều hơn nam giới (gấp khoảng 3,5 lần).

 

Bệnh lý chủ yếu là viêm màng hoạt dịch và tổ chức quanh khớp không do nhiễm trùng. Chứng trạng lâm sàng chủ yếu là cứng khớp vào buổi sáng, sưng đau có tính đối xứng ở nhiều khớp nhỏ, co duỗi,cử động khó khăn. Các khớp thường bị tổn thương là khớp gần đầu các ngón tay, ở bàn tay, cổ tay, ngón chân, bàn chân, ... Khớp sưng to và đau, ấn vào đau tăng lên. Hiện tượng cứng khớp thường xuất hiện sau khi nghỉ ngơi, khi hoạt động giảm nhẹ. Bệnh diễn biến theo từng đợt, kéo dài lâu ngày, nặng dần, sẽ dẫn đến dính khớp, biến dạng khớp, cứng khớp, thậm chí tàn phế. Giai đoạn cuối, có thể liên lụy đến các cơ quan nội tạng khác, như viêm màng tim, viêm cơ tim, thoái hóa mô thận, viêm kết mặc mắt, ...

 

Nguyên nhân gây nên bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn chưa thể xác định chính xác. Hiện tại, Tây y thường coi là một "bệnh tự miễn" ­ nghĩa là, vì một lý do nào đó, cơ thể tự sinh ra một loại "kháng nguyên", kháng nguyên đó kích thích cơ thể sản sinh ra một loại "kháng thể", và kháng thể này sẽ gây phản ứng miễn dịch tại các khớp, gây nên chứng viêm khớp dạng thấp.

 

Viêm khớp dạng thấp, thuộc phạm vi "Chứng tý", "Lịch tiết phong", "Hạc tất phong" trong Đông y học. Đông y cho rằng, viêm khớp dạng thấp là loại bệnh "bản hư tiêu thực" ­ gốc hư ngọn thực. "Hư" là suy yếu, chủ yếu là Âm dương Khí huyết và các tạng Can, Thận, Tỳ bị suy tổn. "Thực" là tình trạng cơ thể bị các loại "tà khí" (tác nhân gây bệnh) phong ­ hàn ­ thấp xâm phạm vào, gây nghẽn tắc kinh mạch, làm cho Khí huyết bị hư tổn, Âm dương mất cân bằng, mà dẫn tới sưng đau, hạn chế vận động ở các khớp.

 

Để chữa trị, có thể tiến hành theo 2 hướng, đó là "Biện chứng luận trị" và sử dụng "Nghiệm phương" (bài thuốc đã áp dụng có kết quả tốt). Dùng lươn để chữa bệnh viêm khớp dạng thấp thuộc hướng thứ hai.

 

Lươn là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, dân gian thường dùng làm thức ăn bổ dưỡng và người xưa coi lươn là "nhân sâm trong các loại thịt" (nhục trung nhân sâm). Lươn thường được dùng để chế biến các món ăn dưới nhiều hình thức, như miến lươn, cháo lươn, lươn xào sả ớt, ... Lươn còn có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.

 

Tác dụng làm thuốc của lươn được ghi chép sớm nhất trong bộ sách "Danh y biệt lục" của Đào Hoằng Cảnh (456­-536).

 

Theo Đông y: Thịt lươn có vị ngọt, tính ấm; vào 3 kinh Tỳ, Can và Thận. Có tác dụng bổ ích hư tổn, trừ phong thắng thấp, cường cân tráng cốt. Chủ trị người yếu mệt, đau nhức xương khớp do phong hàn, sản hậu lâm lịch (tiểu tiện nhỏ giọt đau buốt), trĩ sang xuất huyết, ...

 

Sách "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh viết: Hoàng thiện là con lươn, vị ngọt, tính rất ấm, không độc, bổ trung ích khí, chữa băng huyết lậu huyết, khử thấp, trừ phong, ấm bụng.

 

Còn sách "Lĩnh Nam bản thảo" của Hải Thượng Lãn Ông cũng có những nhận định tương tự, viết bằng những câu vè, về tính năng của con lươn như sau:

 

"Hoàng thiện tên thường gọi con lươn

Ấm nhiều không độc vị tươi ngọt

Bổ trung ích khí chỉ lậu băng

Đuổi thấp trừ phong bụng lạnh tốt”

 

Sử dụng lươn để chữa trị các chứng viêm đau xương khớp là kinh nghiệm đã được lưu truyền lâu đời trong dân gian, nên sách thuốc Đông y mới thường viết rằng, thịt lươn có tác dụng "khử thấp", "trừ phong", "trừ phong thắng thấp", "cường cân tráng cốt", ...

 

Trên thực tế, có thể sử dụng lươn để chữa viêm khớp dạng thấp theo một số cách sau:

 

(1) Cách thứ nhất ­ Chả lươn cuốn lá lốt: Thịt lươn khoảng 500g; lươn đem tuốt sạch nhớt, bỏ ruột, cắt nhỏ, đem ướp gừng, tỏi và muối tiêu; dùng lá lốt gói lại, nướng hoặc rán chín ăn (Kinh nghiệm dân gian Việt Nam).

 

Theo Đông y, lá lốt có vị cay, tính ấm. Có tác dụng ôn trung, tán hàn, chỉ thống (cắt cơn đau). Dùng trị phong hàn thấp, chân tay lạnh, tê bại, ... Dân gian và Đông y Việt Nam thường sử dụng để chữa trị các chứng đau xương khớp do hàn thấp (lạnh ẩm); kết hợp với thịt lươn có tác dụng khử phong trừ thấp, thành Món ăn ­ Bài thuốc có tác dụng chữa viêm khớp dạng thấp khá tốt.

 

(2) Cách thứ hai: Dùng 4-­6 con lươn loại to (mỗi con trên 500g), rượu trắng lượng thích hợp, trộn với lươn; sau đó hong khô, làm thịt lươn, bỏ nội tạng, sấy khô nghiền mịn, cất trong lọ nút kín dùng dần; ngày dùng 2 lần, mỗi lần 15g, hòa với chút rượu trắng uống, sau đó chiêu bằng nước đun sôi; hoặc có thể dùng bột lươn hòa vào cháo ăn; liệu trình 2 tháng. Có tác dụng trừ phong, thông kinh hoạt lạc, trừ đau nhức xương khớp do viêm khớp dạng thấp (Gia đình thực bổ dữ thực liệu).

 

(3) Cách thứ ba: Dùng lươn non 500g, rượu trắng 1000ml; ngâm rượu uống ngày 2 lần (buổi chiều 1 lần, tối trước khi đi ngủ 1 lần), mỗi lần 20ml, uống xong xúc miệng; liệu trình 1 tháng. Dùng chữa viêm khớp dạng thấp đau nhức nhiều.

 

Cách chế biến: Chuẩn bị sẵn 1 cái lọ rộng miệng, rửa sạch, hong khô, đổ sẵn rượu trắng vào. Lươn đem ngâm vào chậu nước sạch, thêm vài giọt dầu vừng vào khuấy đều, đậy nắp để lươn khỏi chui ra. Hôm sau vớt lươn ra, rửa lại bằng nước sạch, hong khô. Khoảng nửa giờ sau, bắt những con lươn còn sống, cho vào lọ rượu ngâm (những con bị chết thì bỏ đi không dùng). Nút kín lọ, để ở nơi tối, mát, ngâm sau một tháng là có thể sử dụng. Sau khi ngâm lần thứ nhất, có thể thêm 500ml rượu trắng, ngâm lần thứ 2, sau đó bỏ bã.

 

Lươn non, còn gọi là "đồng tử thiện ngư", là lươn chưa trưởng thành, chưa giao phối, thân nhỏ chỉ bằng chiếc bút lông; còn gọi là "lươn quản bút"; loại lươn này tính ấm, có tác dụng hoạt huyết chỉ thống rất tốt. Đây là một món rượu thuốc chữa đau nhức xương khớp nổi tiếng, lưu truyền đã lâu đời trong dân gian ở vùng Giang Nam, Trung Quốc. Đối với chứng đau nhức gân cốt do viêm khớp dạng thấp, cũng như các dạng đau nhức khác, có tác dụng tương đối tốt.

 

Lương y HUYÊN THẢO

 

nguồn "Thuốc vườn nhà ­ http://www.thuocvuonnha.com"

 

3 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Khoái bài thuốc dùng lươn chữa bệnh, không biết nó có khác rắn không mà cách đây 4 tháng em có ăn rắn dài hơn 2m, nặng 2kg, ăn vào đau mỏi hết người, sáng hôm sau dậy lại bình thường, cảm giác khỏe hẳn ra.

Ngoài ra tỏi với hành tây cũng có tác dụng một phần chữa đau mỏi khớp.

Share this post


Link to post
Share on other sites

điều trị bệnh bằng thuốc nam tuy tác dụng đến lâu nhưng bền và an toàn hơn dùng thuốc tây, đặc biệt là kháng sinh, nếu lạm dụng sẽ không tốt

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay