Posted 29 Tháng 5, 2016 Kỳ bí y thuật Tây Tạng Tây Tạng hấp thụ nhiều tri thức y học cổ của Ấn Độ, Ba Tư, Hy Lạp và Trung Quốc, kết hợp với y thuật bản địa hình thành nên một nền y học vừa phong phú vừa kỳ bí Ngày càng có nhiều chuyên gia y tế phương Tây đến Tây Tạng (Tibet) để tìm hiểu nền y học cổ sơ độc đáo của xứ sở được xem là “nóc nhà thế giới” kỳ bí này. Đậm màu sắc tôn giáo Có thể nói không một nền y học nào trên thế giới lại hòa quyện với ý thức như y thuật Tây Tạng. Ở đây, Phật giáo (Mật tông, Lạt ma giáo) là quốc giáo. Y sư Tây Tạng hành nghề không chỉ để kiếm sống mà còn là một phương pháp tu trì. Trước đây, hầu hết người hành nghề y ở Tây Tạng đều là những bậc chân tu, lấy việc làm của mình để cầu lợi cho chúng sinh. Các chùa ở Tây Tạng đều thờ vị Dược Sư Phật (Bhaishajyaguru), còn gọi là Đại Y Vương Phật, Y Vương Thiện Thệ, Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, là giáo chủ của Đông phương Lưu Ly thế giới. Hệ thống kinh mạch theo y lý Tây Tạng mà các vị y sư phải thông hiểu Ảnh: INTERNET Dược Sư Phật từng lập 12 điều thệ nguyện để cứu độ chúng sinh. Trong đó, có mấy điều liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe tâm lý như: “sở cầu mãn túc” - làm thỏa mãn mọi nhu cầu của chúng sinh khiến chúng sinh an nhiên tự tại; “an lập chính kiến, khổ não giải thoát” - làm cho chúng sinh có được kiến giải chính xác, giải thoát tất cả khổ não… Dược Sư Phật có 2 hóa thân: một là Dược Thụ Vương, chuyên cứu chữa bệnh tật thể xác của người (bệnh sinh lý); hai là Như Ý Châu Vương, chuyên trị bệnh tật tinh thần (bệnh tâm lý). Theo “Pháp Hoa kinh” thì uống Như Ý Châu có thể đạt được như ý, khỏi các bệnh về tinh thần khiến cho thân tâm an lạc, sức khỏe dồi dào. Do y học Tây Tạng gắn bó rất mật thiết với Phật pháp nên khái niệm y đức rất được coi trọng và mang đậm màu sắc tôn giáo. Hệ thống y học hiện đại có thể không đặt nặng mối liên hệ giữa y đức với trình độ chữa bệnh của thầy thuốc nhưng ở Tây Tạng, khi chọn thầy thuốc, tiêu chuẩn hàng đầu là y đức, còn hiểu biết và trình độ y thuật là thứ yếu. Họ tin rằng khi thầy thuốc phát nguyện cứu khổ chúng sinh, lòng từ bi rộng mở thì những phương thuốc bình thường cũng hiệu nghiệm hơn rất nhiều so với người giỏi y thuật nhưng tâm địa không thiện. Do đó, đối với thầy thuốc Tây Tạng, trí tuệ và lòng từ bi phải được chú trọng như nhau. Người nhập môn y thuật Tây Tạng trước hết phải thuộc những điều thệ nguyện được lấy từ bộ y thư kinh điển “Tứ bộ y điển”. Bộ kinh này có những điều như: đối với người bệnh phải phát tâm từ bi, trị bệnh không phân thân sơ, chữa bệnh cho thuốc không cần báo đáp, không coi vật bài tiết của bệnh nhân là dơ dáy… Hằng ngày, y sinh phải đọc lại những điều ấy. “Tứ bộ y điển” còn dạy về cách đối xử giữa thầy thuốc với thầy thuốc, trách nhiệm của người thầy với môn đồ, yêu cầu phẩm cách của một thầy thuốc… Người hành nghề thuốc phải luôn tâm niệm rằng “những hiểu biết và trình độ y thuật chỉ làm cho một người trở thành chuyên gia về y tế chứ không thể trở thành một vị lương y nếu không có tâm từ bi”. Xem cái chết như “một chuyến lữ hành” Một vấn đề về y đức khác biệt giữa y học Tây Tạng và các nền y học khác là ở việc nhận thức về cái chết. Lương y Tây Tạng không chỉ quan tâm đến việc chữa trị thân bệnh mà còn có trách nhiệm chăm sóc tâm bệnh của bệnh nhân, nhất là khi họ cận kề cái chết. Bác sĩ tây y hay đông y khi chẩn đoán bệnh nhân không còn hy vọng sống thường giữ thái độ im lặng, không nói trực tiếp với họ. Điều này hoàn toàn ngược lại đối với thầy thuốc Tây Tạng: thông báo trực tiếp, không che giấu bệnh tình, không để cho bệnh nhân ảo tưởng vô vọng. Tín ngưỡng sâu sắc vào Phật pháp, người Tây Tạng thuộc tầng lớp nào cũng tin tưởng một cách tuyệt đối rằng cái chết là sự khởi đầu của một cuộc sống mới, là một quá trình trong luân hồi chứ không phải kết thúc. Vì thế, quan niệm về cái chết của người Tây Tạng khá nhẹ nhàng, không lo buồn. Có sinh là có tử, đó là quy luật tất nhiên nhưng con người ai cũng ham sống sợ chết. Phật giáo cho rằng sự kết thúc của sinh mệnh lại là sự bắt đầu cho một cuộc sống mới, con người chết đi cũng như phá bỏ tòa nhà cũ đổi một tòa nhà mới. Sự chuyển hóa từ kiếp này sang kiếp khác là do nghiệp báo thiện ác của cá nhân ấy gây ra. Ý nghĩa của sinh mệnh là ở giá trị vĩnh hằng. Mỗi con người nên nắm bắt thời gian ngắn ngủi của cuộc đời, nghiêm túc tu trì, chứng ngộ pháp thân, sáng tạo một sinh mệnh vĩnh hằng. Khi các lương y Tây Tạng chẩn đoán thấy rằng bệnh nhân không thể qua khỏi, họ sẽ trực tiếp nói với người ấy: “Tốt nhất nên chuẩn bị hành lý cho một chuyến lữ hành”. Đối với một người sắp chết, Phật giáo nói chung và Phật giáo Tây Tạng nói riêng bày tỏ sự quan tâm và lòng từ bi, thể hiện qua các nghi thức trợ niệm và khai thị. Trợ niệm là giúp người sắp chết niệm Phật để có thể vãng sinh cực lạc. Người trợ niệm đối với người sắp chết phải có thái độ thành khẩn, lời nói bình hòa, giúp người ấy được vui. Người trợ niệm cũng khen ngợi những việc lành mà người sắp chết từng làm, dùng cách khéo léo để làm cho tâm lý an vui. Ngoài ra, phải bố trí phòng bệnh chỉnh tề, quét dọn sạch sẽ, không khí thoáng mát; trước giường bệnh đặt tượng Phật dâng cúng bông hoa, kịp thời thay quần áo sạch sẽ. Với nghi thức khai thị, Phật giáo yêu cầu “lâm chung khai thị” cho người sắp chết, như “ở trên thế gian này, bất cứ người nào cũng không thoát khỏi bệnh khổ và tử vong, do đó cũng không cần lo nghĩ về chúng…”. “Lâm chung khai thị” có thể tiêu trừ sự lo sợ đối với cái chết của người sắp lâm chung - một liều thuốc rất hay để giảm bớt đau khổ. “Cái chết hạnh phúc” Phật giáo nói chung không trốn tránh cái chết bởi xem đó là kết quả tất yếu của sự sống. Mỗi con người đến một lúc nào đó đều phải đối mặt cái chết, đồng thời cũng hy vọng rằng lúc sắp chết được nhẹ nhàng, không đau đớn, không khổ sở. Phật giáo cho rằng chết không đáng sợ, đề ra “thiện chung” là hy vọng chúng sinh thường hành thiện, phát nguyện để cầu xin “một cái chết hạnh phúc” như “lúc lâm chung thì thân vô chướng ngại, tâm không tham luyến, ý không điên đảo”. http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ky-bi-y-thuat-tay-tang-20160308221632697.htm Share this post Link to post Share on other sites
Posted 1 Tháng 6, 2016 KỲ BÍ Y THUẬT TÂY TẠNG: ỨNG DỤNG LỊCH PHÁP HÀNH NGHỀ Y Ngày 24.4.1986, xảy ra hiện tượng nhật thực. Các pháp sư Tây Tạng chỉ dùng một bàn tính bằng gỗ, áp dụng lịch pháp cổ đã dự đoán thời gian xảy ra nhật thực chỉ kém 2 phút so với các đài thiên văn hiện đại Lịch pháp có quan hệ rất mật thiết trong y thuật Tây Tạng, bao gồm cả thiên văn học và địa lý học. Theo đó, một năm chia ra 4 mùa, 12 tháng, 24 tiết khí rất tỉ mỉ. Cơ thể con người cũng như vạn vật trong vũ trụ đều do 4 đại nguyên tố địa, thủy, hỏa, phong cấu thành. Dược liệu và lịch pháp Khi hành nghề y, hái thuốc là môn bắt buộc trong y thuật Tây Tạng. Các loại cây cỏ ở mỗi mùa khác nhau, thậm chí từng giờ trong ngày, dược tính đều có biến đổi, dẫn đến công hiệu khác nhau. Một lương y Tây Tạng thực thụ thường tự mình đi hái thuốc, tuân thủ rất nghiêm ngặt vào từng mùa, từng giờ. Chính vì thế, trong trị liệu, người Tây Tạng cũng phối hợp theo nguyệt lệnh, rất chú trọng đến thời gian nấu thuốc, dùng thuốc, thậm chí thời gian nào thì chủ trị bệnh gì nhằm đạt đến hiệu quả cao nhất. Đồ hình phát triển bào thai theo y lý Tây Tạng. Ảnh: Iinternet Chịu ảnh hưởng Phật giáo, các thầy thuốc Tây Tạng coi việc hái thuốc trị bệnh là một phương thức tu hành, cứu độ chúng sinh. Mỗi sáng, trước khi đi hái thuốc đều tụng niệm trước tượng Phật Dược Sư. Thường thì mùa hạ và mùa thu là thời gian hái thuốc tốt nhất. Hái hoa làm thuốc nên hái lúc đầu hạ; lá và mầm cây nên hái lúc giữa hạ; hạt, rễ, cành, quả thực phải hái vào mùa thu; vỏ cây nên lấy vào mùa đông. Có những loại quả mà dược tính mạnh nhất lúc mới kết, số khác thì lúc chín làm thuốc mới công hiệu. Một loại dược thảo tính hàn phải sinh trưởng ở vùng đất lạnh thì dược lực mới mạnh, nếu mọc ở thảo nguyên ấm áp thì không làm thuốc được. Cao nguyên Thanh Tạng là nơi có nhiều dược liệu quý hiếm nổi tiếng xưa nay. Những đàn bò được thả ở đây thoải mái ăn những cây cỏ quý hiếm và uống nguồn nước tinh khiết từ tuyết tan ra nên sữa của chúng cũng là nguồn dược liệu rất quý, khác với mọi nơi. Trà sữa là món uống thường ngày của người Tây Tạng, nhờ đó mà nơi đây trở thành khu vực có số người trường thọ cao nhất thế giới. Tuy không có những trang thiết bị khám bệnh hiện đại nhưng về chẩn đoán bệnh thì y thuật Tây Tạng không thua kém tây y là mấy. Chẩn đoán bệnh là nội dung quan trọng nhất trong y thuật Tây Tạng. Một thầy thuốc bị sai lầm từ giai đoạn đoán bệnh thì dù ông ta có giỏi về dược liệu đến mấy cũng chẳng có tác dụng gì. Phương pháp chẩn bệnh Tây Tạng chia làm 3 loại: Sắc chẩn (quan sát sắc diện), mạch chẩn (bắt mạch) và vấn chứng (hỏi han), tương tự như các thủ thuật “vọng”, “thiết” và “vấn” trong đông y. Sắc chẩn là phương pháp quan sát biểu hiện của bệnh nhân, gồm có: Quan sát bề ngoài, quan sát lưỡi và quan sát nước tiểu. Quan sát bề ngoài là nhìn da của bệnh nhân xem độ bóng sáng, đàn hồi như thế nào; thể hình ra sao cũng như độ nhạy của mắt, tình trạng ra mồ hôi. Quan sát lưỡi là khám đầu lưỡi, rêu lưỡi, gốc lưỡi, gốc răng xem màu sắc, độ sáng, độ khô hoặc ẩm, các triệu chứng khác thường. Thể chất mạnh hay yếu, bệnh chứng hàn hay táo của bệnh nhân đều thể hiện qua lưỡi. Niệu chẩn Niệu chẩn là phương pháp chẩn bệnh cổ xưa và độc đáo của Tây Tạng, cho đến nay vẫn rất được các thầy thuốc coi trọng vì khi phối hợp với mạch chẩn có thể giúp chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Trước khi khám 1 ngày, bệnh nhân không được ăn các thức ăn quá ngọt, quá chua, quá béo, không được uống rượu, phòng sự hay lao động nặng. Nước tiểu bệnh nhân chỉ lấy vào lúc sáng ngủ dậy, bỏ quãng đầu và cuối, cho vào lọ gốm trắng hay thủy tinh. Thầy thuốc phải chẩn bệnh ngay khi nước tiểu còn nóng, chủ yếu là xét màu sắc, mùi vị, độ bọt, độ nóng và độ lắng của nước tiểu để định bệnh. Màu nước tiểu của người bình thường sẽ có màu vàng nhạt hoặc vàng vừa, người có bệnh khí mạch không thuận thì nước tiểu chuyển màu trong nhạt, người bị nhiệt táo thì nước tiểu vàng sẫm. Ở người bình thường, nước tiểu có mùi hơi khai, nếu có mùi quá khai hoặc không mùi thì đều là trạng thái bất thường. Độ khai nặng hay nhẹ phản ánh bệnh tính hàn hay nhiệt, bệnh phát ở gan, mật hay thận, tì… Khi kiểm tra độ bọt, thầy thuốc dùng que khuấy lọ nước tiểu, sau đó quan sát tình trạng nổi bọt từ màu sắc, số lượng, độ lớn nhỏ, thời gian tan. Người có sức khỏe bình thường sẽ có ít bọt khí nổi lên, màu bọt tương tự màu nước tiểu, đồng thời độ lớn nhỏ của bọt đều nhau. Người có bệnh thì khác. Chẳng hạn, người bệnh về khí mạch thì bọt nước tiểu thường to và có màu xanh lơ; người bị nhiễm độc thì bọt nước tiểu lớn nhỏ không đều, màu sắc biến đổi vô chừng. Độ nóng và độ bốc hơi của nước tiểu cũng là tiêu chí quan trọng để các thầy thuốc Tây Tạng định bệnh. Nếu nước tiểu có độ nóng cao và thời gian bốc hơi nhanh chứng tỏ bệnh nhân mắc bệnh cấp tính, nếu bốc hơi chậm là bị bệnh nhiệt mạn tính. Nếu nước tiểu ít nóng mà bốc hơi quá nhanh chứng tỏ bệnh nhân mắc bệnh tính hàn. Quan sát độ lắng và màu sắc vật lắng của nước tiểu cũng có thể đoán bệnh. Nước tiểu sau khi bay hơi, những chất cặn sẽ dần dần lắng xuống. Ở những người khỏe mạnh thì hầu như không thấy chất cặn trong nước tiểu. Nếu chất cặn trong nước tiểu nhỏ li ti và không lắng xuống thì chứng tỏ người bệnh thuộc chứng hàn; nếu chất cặn thành lớp dày và nổi là bệnh thuộc chứng nhiệt; nếu chất cặn lắng xuống sát đáy lọ là bệnh ở thận, ruột hoặc khối u. Hình dạng của chất cặn cũng phản ánh bệnh, như cặn giống vụn cát là bệnh từ thận… Phải nắm vững lịch pháp Sự vận hành của thiên thể ảnh hưởng đến sự thay đổi thiên khí và 4 đại nguyên tố khiến cho vạn vật đều bị chi phối. Về mặt đại thể, có thể thấy thực vật là thứ thể hiện rõ nhất sự ảnh hưởng của lịch pháp, chẳng hạn cây cối mùa xuân sinh trưởng, mùa đông điêu tàn. Cũng vậy, núi sông, đất đá hay các loài động vật cũng bị chi phối theo sự vận chuyển của mặt trời, mặt trăng, các vì sao cũng như hoàn cảnh địa lý. Người học y thuật Tây Tạng phải nắm vững mối quan hệ trên cũng như quy tắc vận hành tinh vi của lịch pháp ảnh hưởng đến cơ chế sinh bệnh như thế nào. Theo Thiên Tường/Người Lao Động Share this post Link to post Share on other sites
Posted 3 Tháng 6, 2016 Kỳ bí y thuật Tây Tạng (*): Độc đáo y lý Cơ sở lý luận của y học Tây Tạng hoàn toàn khác y học phương Tây, một bộ phận phù hợp với Trung y nhưng có rất nhiều điểm độc đáo Trong y học Tây Tạng miêu tả rất tỉ mỉ quá trình hình thành và phát triển của một bào thai cũng như quá trình một thần thức (linh hồn) đi về thế giới bên kia. “Ngũ đại nguyên tố” Lạt ma giáo là tôn giáo chính thống của Tây Tạng nên y học ở vùng đất này chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết học cổ Ấn Độ. Theo đó, mọi hiện tượng vật chất trong vũ trụ đều được cấu thành bởi 5 nguyên tố: địa (đất), thủy (nước), hỏa (lửa), phong (gió), không (rỗng, không). Năm nguyên tố này tuy tiếp xúc với nhau nhưng luôn giữ ở mức độ cân bằng nhất định. Nếu chúng hỗn loạn thì vạn vật trong vũ trụ sẽ bị điên đảo, ở con người thì gây nên các loại bệnh tật. Địa: Là nguồn sức mạnh làm sản sinh ra thực thể rắn chắc có vị trí cố định như gân xương, da thịt. Thủy: Là nguồn sức mạnh thúc đẩy sự dung hóa, hấp thu, làm cho vật chất không phân tán, có đặc tính thể hiện là mát mẻ, lưu động, như huyết dịch, nội phân tiết... Một y sư Tây Tạng khám chữa bệnh Ảnh: Internet Hỏa: Là nguồn sức mạnh làm hoàn thiện sự chuyển hóa của vật chất, đặc tính thể hiện là nguồn năng lượng nóng, bốc lên, như thân nhiệt. Phong: Là nguồn sức mạnh làm cho vật chất di chuyển, hoán chuyển, thể hiện qua động lực chuyển động, như hô hấp. Không: Là nguồn sức mạnh có thể dung chứa vạn vật, làm cho 4 nguyên tố kia vận hành tự nhiên, thể hiện qua sức chứa đựng vô hạn, hư không, như không gian chứa đựng cơ thể hoặc những khoảng trống bên trong cơ thể. Khi mắc bệnh, khởi đầu thì địa tăng mạnh khiến cho thân thể nặng nhọc; tiếp theo là thủy tích khiến nước chứa nhiều, làm chảy nước mắt, nước mũi; thứ ba là hỏa phát khiến cho đầu, toàn thân nóng ran; thứ tư là phong động mạnh khiến cho khí ngưng, khó thở. Khi một sinh vật chết đi, 5 nguyên tố này rã tan ra, như ngừng thở (phong dứt), không còn hơi ấm (hỏa dứt), huyết dịch không còn tuần hoàn (thủy dứt), thân xác rã nát (địa dứt), chôn vùi trong hư không (không dứt). 7 chất cơ bản, 3 chất ô uế Theo y lý Tây Tạng, trong cơ thể con người có 7 loại chất cơ bản, gồm: máu, nước bọt, mỡ, tinh, cơ bắp, xương và tủy; 3 loại chất ô uế là mồ hôi, nước tiểu và phân. Mười loại vật chất này trong cơ thể theo một định lượng cân bằng, bất cứ một chất nào quá nhiều hoặc quá ít, phá vỡ trạng thái cân bằng này đều dẫn đến bệnh tật. Ngoài ra, y học Tây Tạng cũng có cái nhìn hoàn chỉnh và chính xác về các tổ chức lục phủ ngũ tạng, kết cấu xương khớp, cơ bắp... tương tự y học hiện đại, có điều đã đi trước hơn ngàn năm. Y học Tây Tạng quy nạp kinh lạc trong cơ thể thành 2 nhóm là mạch đen và mạch trắng. Mạch đen lại chia ra 2 loại là động mạch nhảy và động mạch không nhảy, tất cả đều xuất phát từ tim mà chuyển đi khắp các bộ phận trong cơ thể. Mạch trắng xuất phát từ não, phân bổ xuống toàn thân tựa như bộ rễ cây đa. Kinh lạc là mấu chốt của y học Tây Tạng, tất cả các bệnh sinh lý và tâm lý đều liên quan trực tiếp đến hệ thống này. Khi trích máu hoặc châm cứu đều căn cứ theo những hiểu biết về kinh lạc mà thực hiện. Công năng sinh lý và tâm lý trong cơ thể là do 3 đại nguyên tố duy trì, đó là: loong, tripa và beygen. Ở trạng thái bình thường, 3 nguyên tố trên vận hành hòa hợp với nhau. Nếu như vì nhân tố nội tại (như tuổi cao, già yếu) hoặc nhân tố ngoại tại (thời tiết thay đổi, ăn uống, nghỉ ngơi thất thường), sẽ làm cho 3 đại nguyên tố trên mất cân bằng, gây rối loạn đến sự vận hành của 7 chất cơ bản, 3 chất ô uế, gây ra thân bệnh hoặc tâm bệnh. Loong: Là nguồn động lực làm cho hệ thống cơ năng cơ thể hoạt động. Mắt thường không thể nhìn thấy loong nhưng nó rõ ràng tồn tại. Khí hiện diện trong các bộ phận cơ thể, tập trung ở não, tim, xương cốt để vận hành hệ thống kinh lạc trong người. Nó duy trì hoạt động của hô hấp, tuần hoàn, bài tiết, tiêu hóa, tư duy, cảm giác. Có 5 loại là trì mệnh khí chi phối việc nuốt, hít thở và phản xạ toàn thân, liên quan trực tiếp đến tâm trí; thượng hành khí chi phối ngôn ngữ và trí nhớ; biến chú khí chi phối động tác tứ chi và biểu hiện trên mặt; hạ tiết khí vận hành ở ruột, bàng quang, cơ quan sinh dục, chi phối việc bài tiết, sinh sản; bạn hỏa khí vận hành ở dạ dày, gan, chi phối việc tiêu hóa thức ăn và chuyển hóa dinh dưỡng. Tripa: Có công năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và chủ trì tiêu hóa, tương đương với khái niệm “Hỏa” trong Trung y, chia làm 5 loại: Năng tiêu tripa nằm ở dạ dày, chi phối việc tiêu hóa và sản sinh nhiệt năng; biến sắc tripa nằm ở gan, chủ việc sản sinh sắc tố trong máu, phân, dịch mật; năng tác tripa nằm ở tim, liên quan đến việc biến đổi trạng thái tình cảm; năng thị tripa nằm ở mắt, giúp cho mắt nhìn rõ và phân biệt mọi vật; minh sắc tripa phân bố trên da, chi phối khí sắc cũng như độ bóng của da. Beygen: Là do 2 đại nguyên tố “Thủy” và “Địa” sinh ra, liên quan đến sự phân tiết thể dịch trong cơ thể, chia làm 5 loại: Năng y beygen có tác dụng chi phối, điều tiết 4 beygen còn lại; năng hóa beygen phối hợp với hỏa khí và năng hóa tripa giúp tiêu hóa thức ăn; năng vị beygen giúp cho lưỡi phân biệt được mùi vị; năng túc beygen chi phối các phản ứng về tình cảm; năng hợp beygen làm cho hệ thống xương khớp liền lạc với nhau và hoạt động linh hoạt. 404 loại bệnh Y học Tây Tạng cho rằng bệnh tật có tất cả 404 loại, mỗi loại lại có các chứng khác nhưng nguyên nhân gây bệnh không nằm ngoài sự biến đổi khác thường của 3 đại nguyên tố loong, tripa và beygen, dẫn đến mất cân bằng trong 7 loại chất cơ bản và 3 loại chất ô uế. Thông thường, bệnh khởi do nguyên tố tripa thì gây ra chứng nhiệt (nóng), do beygen gây ra thì thành chứng hàn (lạnh). Ba đại nguyên tố này có liên quan đến 3 loại tâm bệnh là tham lam, sân hận và ngu si. Lòng tham lam là nguyên nhân nội tại gây ra các chứng bệnh về loong (khí), sân hận là nguyên nhân nội tại gây ra các bệnh thuộc tripa, sự mê muội là nguyên nhân chính gây các bệnh về beygen. Ba đại nguyên tố này cũng là nền tảng để xem tướng mạo, đoán bệnh tật. Chẳng hạn, người bẩm sinh có nguyên tố loong (khí) thịnh thì thường là gầy, da đen, sợ lạnh, thích ăn đồ cay, đắng, dễ bị cảm cúm, khí suyễn… Share this post Link to post Share on other sites