Posted 28 Tháng 7, 2015 Những vụ tai nạn thảm khốc biến đại hỉ thành đại tang: Giải mã lời đồn “vía” và “vận hạn xấu”!Ngày 24 Tháng 7, 2015 | 09:55 AM GiadinhNet - Vụ tai nạn vừa xảy ra tại Hà Trung, Thanh Hóa khiến 4 người chết, chú rể trọng thương trên chiếc xe 8 người từ Nam Đàn, Nghệ An đi Bắc Giang ăn hỏi, một lần nữa khiến nhiều người ám ảnh. Trước đó từng xảy ra những vụ tai nạn tương tự khiến không chỉ khiến gia đình mất người thân mà thậm chí nhiều đám cưới không thành bởi chú rể ra đi mãi mãi. Nhiều đồn thổi ác ý quanh những chuyện này đang được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu giải mã. Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Thanh Hóa khiến 4 người thiệt mạng. Ảnh: TL Nỗi sợ mơ hồ từ những kiêng kỵ Khi mọi người chưa kịp quên đi những bi kịch “đại hỷ thành đại tang” từ vụ tai nạn khiến 10 người chết, 4 người bị thương khi đi ăn cưới tại Thanh Hóa đầu năm 2015 và vụ tai nạn khiến 1 người chết, 23 người bị thương trong khi đi ăn cưới tại Nghệ An cuối năm 2014 thì lại phải chứng kiến vụ việc thương tâm trên. Những "lý giải" mang mơ hồ được chụp mũ là theo... dân gian, thậm chí là hết sức huyền hoặc, những đồn đoán mông muội cho sự việc này lại có cơ hội lan ra. Người ta bắt đầu đi tìm hiểu về những thủ tục kiêng kỵ trong dân gian về các dịp trọng đại này. Sự tìm hiểu này cho ra rất nhiều đáp án và phần lớn là… phi khoa học, thậm chí là mang màu sắc mê tín, dị đoan! Đám cưới được coi là một sự kiện cực kỳ quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Ai cũng mong muốn mình có một đám cưới thật sự hoàn hảo, vì thế nhiều người luôn đặt ra các kiêng kị trong đám cưới để không có bất kỳ sai sót, điềm xấu nào xảy ra trong cuộc sống hôn nhân sau này. Những tập tục như chọn ngày lành, tháng tốt; xem tuổi con dâu - con rể có “xung khắc” hay không; kiêng kỵ cưới khi nhà có tang; kiêng kỵ mẹ cô dâu tham gia lễ rước dâu; kiêng kỵ cô dâu xuất hiện trước khi chú rể vào đón hay là ngoảnh đầu lại sau khi rước dâu… vẫn được nhiều gia đình tuân thủ. Tuy đó là những mong mỏi hết sức chính đáng của con người trong cuộc sống khi đi tìm sự bền vững, tốt đẹp, nhưng đôi khi nó lại tạo sự mệt mỏi và những áp lực tâm lý không đáng có lên cô dâu, chú rể và cả người thân của họ. Có những đám cưới, đám hỏi, các bậc cao niên cứ luôn miệng dặn dò con cháu là đi lại cẩn thận, trước đám cưới rất dễ gặp chuyện không may. Đó là chưa kể nhiều người còn lấy thông tin trên mạng ra để "thuyết minh" như : “Đã đọc chưa, báo viết đầy ra đấy, nào là cô dâu chú rể đèo nhau đi đưa thiệp mời cưới gặp nạn; chú rể dựng rạp cưới bị điện giật chết; chú rể đột tử trước ngày cưới; đi ăn hỏi, rước dâu chú rể và người thân bị tai nạn… Cẩn thận một chút cũng không thừa, con ạ!". Cho dù biết việc dặn dò đó là trong sáng, chỉ mong con cháu tránh chuyện không may, nhưng "các cụ" dặn dò nhiều quá khiến trong lòng cô dâu, chú rể và tứ thân phụ mẫu dấy lên một nỗi lo sợ mơ hồ. Trường hợp của bà Nguyễn Thị Vân (Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội) là một ví dụ. Còn hơn 1 tháng nữa mới đến ngày cưới của cậu con trai thứ hai, song chính bà cũng dặn con trai, con dâu là “đi đứng cẩn thận, không nên quá vui, quá chén, chuyện cưới xin có bố mẹ hai bên lo, đi đường tập trung không phải nghĩ ngợi nhiều”. Có lẽ tâm lý lo lắng thái quá đôi khi khiến chuyện không muốn xảy ra đã xảy ra. Nhảm nhí chuyện nàng dâu “cao số”, “sát chồng”? Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương. Lại có việc, không ít gia đình nhà trai khi gặp chuyện không may trước đám cưới đã đổ thừa cho con dâu “cao số”, “sát chồng”… Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương thì đây là suy nghĩ không đúng, không có căn cứ. “Tôi thấy có chuyện chú rể qua đời trước khi cưới, quan niệm của các cụ lại đổ tại con dâu cao số, mang đến chuyện này. Nhưng qua quan sát thì tôi không thấy chuyện này lặp lại khi cô gái đó sau này lấy chồng khác. Vậy không thể nói tại nàng dâu được” – ông Tuấn Anh nói. Cũng theo ông Tuấn Anh, thì tỉ lệ người chết do tai nạn trước đám cưới là rất nhỏ trong số những người làm đám cưới và trong tổng số những người chết vì tai nạn giao thông hàng ngày, nhưng do mang tính chất là ngày “đại hỉ” thành ngày “đại tang” nên câu chuyện mang màu sắc bi thương, được dư luận quan tâm, bàn tán, thậm chí đồn đoán hơn mà thôi. Tuy nhiên ông Tuấn Anh cũng nói, nếu lý giải về chuyện có nhiều người trên xe đám cưới, đám hỏi cùng gặp nạn dưới góc độ lý học (một bộ môn mà ông Tuấn Anh dành nhiều năm nghiên cứu, chứ không phải là Vật lý - PV), thì có thể trên xe có những người mang năng lượng xấu - họ ngẫu nhiên cùng bước lên một chiếc xe, do vậy đã “cộng nghiệp”, khiến những người dù không có vận xấu đi cùng cũng bị ảnh hưởng lây. Theo ông Tuấn Anh, ở vụ tai nạn vừa qua, thời điểm xe lên đường là lúc khoảng 1 giờ sáng ngày 17/6 (tức 4/6 AL), chắc chủ xe hoặc một thành viên nào đó trong đoàn xuất phát, ra khỏi nhà vào lúc trước nửa đêm (ngày 3/6 AL - nếu theo cổ lịch phương Đông thì đây là ngày "tam nương", không tốt). Cổ lịch phương Đông quan niệm trong tháng có 6 “ngày tam nương” (mùng 3, 7, 13, 18, 22, 27 AL), trong đó ngày mùng 3 là xấu nhất. Dù nói vậy nhưng ông Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, đây chỉ là cách giải thích trên cơ sở lý học chứ không phải là vấn đề tất yếu. Bất kỳ sự việc nào xảy ra cũng có nhiều yếu tố tương tác. Còn TS Vũ Thế Khanh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (UIA) sau nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh, ngoại cảm cho rằng, nếu nói về những “điều phạm” khi đi đám cưới dẫn đến tai nạn là mê tín dị đoan. “Đọc thông tin và kết luận điều tra của các cơ quan chức năng, tôi thấy nhiều vụ xảy ra đầu tiên là do ý thức của người tham gia giao thông như uống rượu bia, lái nhanh, vượt ẩu, xe không đảm bảo chất lượng hoặc tâm lý vui vẻ, quá khích tác động đến lái xe khiến cho việc điều khiển mất an toàn. Sau đó là do tác động khác của môi trường, phương tiện tham gia giao thông và nhiều vấn đề khác nữa”, TS Vũ Thế Khanh nói. Ngoài những điều như ông Khanh nói, khi chúng tôi hỏi các chuyên gia về vấn đề này, họ đều cho rằng, vào ngày cưới, hỏi, phần lớn mọi người đều mệt mỏi, do phải chuẩn bị cho hôn lễ, khi lưu thông trên đường, xác suất xảy ra tai nạn sẽ nhiều hơn. Việc lái xe đi đón dâu vào ban đêm, lái xe chạy suốt hàng chục tiếng không ngủ, cơ thể mệt mỏi, tốc độ chạy nhanh (nhiều khi để kịp giờ theo lời thầy phán) như các vụ việc kể trên, tất cả đều là những nguyên nhân trực tiếp có thể gây tai nạn. Có những “điểm đen” lạ lùng Từng trao đổi với Báo GĐ&XH về vấn đề này, TS Vũ Bằng, Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu môi trường tia đất bảo vệ sức khỏe cho biết, trong nhiều năm qua, ông đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về các “điểm đen” gây ra hàng loạt vụ tai nạn bí ẩn và lạ lùng. “Những vấn đề này đều có thể giải thích được bằng khoa học nên yếu tố mê tín dị đoan chúng ta cần loại bỏ”, TS Vũ Bằng thẳng thắn. TS Vũ Bằng cho rằng, trong số 11 nguyên nhân gây ra TNGT và các “điểm đen” TNGT thì nguyên nhân từ trường dị thường (chiếm 19%) đóng vai trò trọng yếu không thể bỏ qua. Từ trường dị thường có nguồn gốc từ hiện tượng lưu lại ở mặt đường do nhiễm từ của những nạn nhân chết vì TNGT và tia đất (từ trường có nguồn gốc của các dị thường địa chất – cấu trúc địa chất). “Hai loại từ trường này gây hại cho người tham gia giao thông khi rơi vào trường hợp bị từ hóa sẽ biến họ từ ý thức sang vô thức và khi đó TNGT là khó tránh khỏi. Những nguyên nhân được cho là “mất lái” của cơ quan điều tra ở nhiều vụ tai nạn đã xảy ra từ trước đến nay ít nhiều có liên quan đến “cái chết đột ngột” của phương tiện giao thông là do tia đất và dị thường từ gây nên”, TS Vũ Bằng nói. Kim Oanh Hà Thư/Báo Gia đình & Xã hộ Share this post Link to post Share on other sites