Thiên Sứ

Bài Tham Luận Trong Hội Thảo Về Giáo Sư Lương Kim Định

2 bài viết trong chủ đề này

BẢN THAM LUẬN VỀ GIÁO SƯ LƯƠNG KIM ĐỊNH.

Thưa quý vị và anh chị em.

Tôi nhận được thư mời dự hội thảo rất muộn, nếu tôi nhớ không nhầm thì sớm nhất là rạng sáng ngày hôm kia. Mặc dù cuộc hội thảo này sẽ tiến hành vào ngày mai 21. 5 Ất Mùi Việt lịch, bởi Trung Tâm Minh triết Việt, thuộc Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam. Tôi cấp tốc viết bài tham luận này, trong một hoàn cảnh mà tư liệu duy nhất là mạng internet. Vì tôi đang ở xa nhà. Tôi không biết có thể tham dự được không, vì có một độ Phong thủy, mà tôi đã hẹn thân chủ đúng vào buổi sáng tổ chức hội thảo, từ trước đó. Nhưng dù sao tôi cũng kịp viết xong và gửi bài tham luận của tôi.

Tôi xin được trình bày toàn văn bản tham luận này để quý vị và anh chị em tham khảo. Vì vấn đề có liên quan đến quan điểm của tôi về cội nguồn Việt sử.

Cảm ơn sự quan tâm của quý vị và anh chị em.

=======================

 

TRIẾT GIA LƯƠNG KIM ĐỊNH VÀ MINH TRIẾT VIỆT

Nguyễn Vũ Tuấn Anh

 

Kính thưa các vị đại biểu.
Kính thưa các vị khách quý có mặt nơi đây.

Cách đây ba năm vào ngày 14. 7 2012, TT Minh Triết Việt cùng với TTNC Lý học Đông phương  đã tổ chức một cuộc hội thảo về giáo sư Lương Kim Định, người chỉ đường đến kho tàng minh triết Việt.

Những giá trị khai sáng của giáo sư để lại cho hậu thế về một nền minh triết Việt, chính là con đường tìm về cội nguồn Việt tộc. Giáo sư Kim Định đã xác định rằng: Việt tộc có một cội nguồn văn hóa rất riêng và hoàn toàn phi Hán.

Thời gian trôi quan đã ba năm, hôm nay chúng ta lại có mặt ở đây để tiếp tục tìm hiểu sâu thêm những giá trị của minh triết Việt từ con đường mà giáo sư đã mô tả tìm về cội nguồn Việt tộc.

Kính thưa quý vị.

Phần đầu tiên tôi hân hạnh được trình bày với quý vị có chủ đề là:

 

I. HOÀN CẢNH RA ĐỜI NHỮNG TÁC PHẨM CỦA GIÁO SƯ LƯƠNG KIM ĐỊNH

VỀ CỘI NGUỒN VIỆT SỬ

Vào thời điểm giáo sư Kim Định bắt đầu xác định con đường tìm về cội nguồn Việt tộc - thì đó là lúc nước Việt đang trong một hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Ở miền Bắc, các nhà khoa học và những lãnh tụ cách mạng - đã thành công trong sự nghiệp giành độc lập của người Việt sau gần 100 năm Pháp thuộc - đều xác định Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương Tử. Trong tác phẩm "Lịch sử nước ta", Ngài Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã viết:

"Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam...".

Và Ngài xác định:

Kể năm hơn bốn ngàn năm

Tổ tiên rực rỡ anh em thuận hoà

Hồng Bàng là tổ nước ta

Nước ta lúc ấy hiệu là Văn Lang

Hiến pháp trước năm 1992 cũng đã xác định điều này, ngay trong "Lời nói đầu".

Tất cả những sự xác định cội nguồn Việt sử này, đều căn cứ vào truyền thống văn hóa sử của Việt tộc và được ghi nhận trong chính sử.

Các nhà khoa học miền Bắc đã có những cố gắng để chứng minh trên  nền tảng trí thức khoa học hiện đại về những giá trị lịch sử của Việt tộc trải gần 5000 năm văn hiến, tiêu biểu là giáo sư Phạm Huy Thông.

Trong khi đó ở miền Nam, các học giả tuy vẫn thừa nhận cội nguồn Việt sử gần 5000 năm văn hiến, nhưng chỉ như một sự mặc định có sẵn.

Nhưng có thể nói: người đầu tiên đặt vấn đề đi tìm giá trị thật của của cội nguồn truyền thống văn hóa sử Việt với sự xác định của cha ông để lại trải gần 5000 năm văn hiến, qua những giá trị văn hóa truyền thống Việt, chính là giáo sư Lương Kim Định.

Tác phẩm đầu tiên của ông với vấn đề này, là cuốn "Nguyên Nho - Cửa Khổng" do Nhà xuất bản Ra Khơi 1965, ấn hành. Cả cuộc đời ông đã để lại những công trình nghiên cứu đồ sộ với ngót 40 tác phẩm có chủ đề tìm về những giá trị thật của cội nguồn Việt sử.

Tuy nhiên, cần phải xác định rằng: tất cả những cố gắng của các nhà khoa học Việt ở cả hai miền Nam Bắc - mà ở miền Nam tiêu biểu là giáo sư Lương Kim Định - đều không thỏa mãn được những nhận thức của tri thức khoa học hiện đại vào thời kỳ hơn 50 năm về trước.

Nguyên nhân chính theo quan điểm của tôi là nền tảng tri thức khoa học bấy giờ, chưa đủ khả năng hình thành một hệ thống chuẩn mực chặt chẽ để thẩm định một giả thuyết, hoặc một lý thuyết khoa học. Nền tảng tri thức khoa học cách đây 50 năm ở Việt Nam và thế giới cũng chưa đủ khả năng hình thành những luận cứ chứng minh một cách chặt chẽ cho cội nguồn Việt sử, qua những giá trị văn hóa truyền thống Việt.

Riêng giáo sư Lương Kim Định, ông đã có một định hướng đúng,  khi tìm về cội nguồn Việt sử từ những giá trị văn hóa truyền thống Việt. Nhưng ông mới chỉ dừng lại ở sự phát hiện và mô tả. Trong hệ thống luận điểm của ông, thiếu vắng những luận cứ để chứng minh nhân danh khoa học cho quan điểm của ông.

Nên từ những năm đầu của thập niên 1970, nở rộ một phong trào nhân danh khoa học, đòi xác định lại quan niệm truyền thống về cội nguồn Việt tộc trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương Tử.

Mặc dù hệ thống luận điểm phủ nhận những giá trị văn hóa truyền thống về cội nguồn Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, nhân danh khoa học. Nhưng trên thực tế, luận điểm của hệ thống này, chỉ dừng lại ở sự hoài nghi vì không tìm thấy những vật chứng khảo cổ và những văn bản cổ xác định về cội nguồn Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, theo những mặc định về "cơ sở khoa học" thời bấy giờ.

Nhưng có thể nói: hầu hết những luận điểm phản biện quan điểm phủ nhận truyền thống văn hóa sử Việt, đều thiếu những luận cứ chặt chẽ, không có tính hệ thống một cách sắc sảo. Và điều cốt lõi là: những luận điểm này chỉ dựa trên sự hoài nghi những vấn đề chưa được sáng tỏ liên quan.

Tuy nhiên, quan điểm phủ nhận truyền thống văn hóa sử Việt, lại mang tính phổ biến kể từ năm 1992, gây bức xúc những người quan tâm về cội nguồn Việt tộc trải gần 5000 văn hiến

Đi ngược lại số đông những học giả trong nước và quốc tế phủ nhận cội nguồn truyền thống văn hóa sử Việt, là những nhà nghiên cứu có chiều hướng chứng minh nhằm bảo vệ cội nguồn văn hiến Việt sử. Có thể nói rằng: những nhà nghiên  cứu bảo vệ truyền thống văn hóa sử Việt đã đạt được những kết quả cục bộ rất thuyết phục. Trong những học giả có tên tuổi và tâm huyết với chứng minh sự huyền vĩ của Việt sử, chính là giáo sư linh mục Lương Kim Định và đó là nguyên nhân để chúng ta có mặt ở đây ngày hôm nay.

Do đó, một vấn đề cần được nói rõ trong tham luận của tôi và cũng là phần II trong bản tham luận này, là:

 

II. VỀ NỘI DUNG KHOA HỌC TRONG TÁC PHẨM CỦA GIÁO SƯ LƯƠNG KIM ĐỊNH VỀ CỘI NGUỒN VIỆT TỘC.

Kính thưa quý vị:

Để có thể mô tả một cách khái quát nội dung chủ đạo trong gần 50 tác phẩm của giáo sư Lương Kim Định. Tôi xin giới thiệu với quý vị  một trong những học giả tiêu biểu phản bác trực tiếp lại những luận điểm của giáo sư Lương Kim Định.

Đó là giáo sư sử học Hoa Kỳ Kelley. Ông đã viết trong một tiểu luận có tựa là: "Sử gia lớn nhất (không ai biết đến/không được công nhận) của Việt Nam" - bài do Lê Minh Khải | Trà Mi dịch. Trong đó có đoạn cần lưu ý sau đây:

"Tuy nhiên, các nhà nhân chủng học như Lévi-Strauss, đã xây dựng tư tưởng của mình bằng cách nghiên cứu các xã hội (“nguyên thủy”) hiện đại, và thông tin mà họ có đã phải là của những thời đại khác. Điều này, tôi cho rằng, đã khiến những lập luận như vậy có sức thuyết phục hơn.

  Học thuật tiến bộ khi các học giả sử dụng lý thuyết để đưa ra những tuyên bố táo bạo. Những tuyên bố đó đôi khi “quá” táo bạo, khiến các học giả khác thách thức những tuyên bố đó và dẫn đến một sự hiểu biết hợp lý hơn. Tuy nhiên, kết quả là học thuật tiến bộ.

  Nói cách khác, nó là điều tốt để có những học giả đã tuyên bố táo bạo (như Edward Said, Benedict Anderson, James Scott, v.v...), bởi vì nó khiến các học giả khác thách thức và điều chỉnh những tuyên bố đó.

Tuy thế; để điều đó xảy ra, các học giả thách thức những tuyên bố táo bạo cần phải tinh thông về mặt lý thuyết như các học giả đã đưa ra những tư tưởng ban đầu.

  Đây là điều đã không bao giờ xảy ra với Kim Định. Kim Định có một số tuyên bố táo bạo trong các thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 đưa sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử Việt Nam (quá xa) về phía trước, nhưng kể từ thời điểm đó đã không có người nào có những kiến ​​thức về lý thuyết như Kim Định, vì vậy đã không một thách thức, hoặc chỉnh sửa tư tưởng của Kim Định nào hết.

   Kết quả là tư tưởng Kim Định hoặc đã bị gạt bỏ hoặc bị nhạo báng, hoặc ý tư tưởng của ông đã bị hiểu lầm.

   Đây là một điều xấu hổ, vì Kim Định, tôi cho là sử gia Việt Nam duy nhất trong thời hiện đại, người đã thực sự đi đến một giải thích mới về lịch sử thời sơ khai của nước Việt (Nam)."

Nhà sử học Kelley

Kính thưa quý vị.

Tôi thực sự không quan tâm đến nhà sử học Hoa Kỳ Kelley và cũng không cần chú ý nhiều đến quan điểm của ông ta về giáo sư Lương Kim Định - là người tôi rất kính trọng. Nhưng ông Kelley đã lợi dụng gián tiếp, hoặc ông ta chỉ hiểu một cách mơ hồ về một tiêu chí khoa học dành cho một giả thuyết nhân danh khoa học, vốn có nội dung như sau:

"Một giả thuyết, hoặc một lý thuyết được coi là khoa học thì người ta có thể căn cứ vào nền tảng tri thức khoa học để có thể chỉ ra được cái sai trong luận cứ của nó".

Do đó, với luận điểm của ông Kelley, chính là sự mô tả tiêu chí trên, khi ông cho rằng: "kể từ thời điểm đó ( thập niên 60 của thế kỷ XX/ Người viết) đã không có người nào có những kiến ​​thức về lý thuyết như Kim Định, vì vậy đã không một thách thức, hoặc chỉnh sửa tư tưởng của Kim Định nào hết".

Với luận điểm này, ông Kelley đã gián tiếp phủ nhận tính khoa học trong các luận điểm của giáo sư Kim Định. Hay nói các khác: ông Kelley đã xác định hệ thống luận điểm của giáo sư Kim Định không đủ yếu tố cấu thành nên một giả thuyết khoa học.

Cá nhân tôi cũng thừa nhận rằng: hệ thống luận điểm của giáo sư Kim Định chưa đủ sức thuyết phục những nhà khoa học quốc tế về một cội nguồn Việt sử, như truyền thống văn hóa sử Việt mô tả. Một điều đơn giản để xác định nó chính là: Nếu hệ thống luận điểm của giáo sư Lương Kim Định đủ sức thuyết phục, theo những chuẩn mực khoa học dựa trên nền tảng tri thức khoa học của nền văn minh này, thì chắc chắn sẽ không thể có sự kiện xét lại cội nguồn truyền thống văn hóa sử Việt, bắt đầu từ những thập niên 70 và kéo dài đến tận ngày hôm nay, khi chúng ta ngồi đây để hội thảo về giáo sư Lương Kim Định. Và tất nhiên cũng sẽ không có những nhận xét có phần thô bạo về học thuật của giáo sư Kelley.

Kính thưa quý vị.

Như tôi đã trình bày:

Sở dĩ hệ thống luận điểm của giáo sư Kim Định, khiến người ta không thể chỉ ra cái sai của giáo sư. Vì nó thiếu những luận cứ trong việc biện minh cho quan điểm của giáo sư.

Tôi xin được mô tả một cách cụ thể như sau:

Quan điểm của giáo sư Kim Định mặc dù hướng tới sự xác định một cội nguồn văn hóa Việt phi Hán, là hoàn toàn chính xác. Nhưng hệ thống luận điểm của giáo sư chỉ dừng lại ở cách đặt vấn đề và mô tả: có một nền văn hóa truyền thống Việt độc lập với những hiện tượng văn hóa Hán. Tuy nhiên, giáo sư chưa có một hệ thống luận cứ chứng minh được một cách sắc sảo những hiện tượng trong văn hóa truyền thống Việt - mà giáo sư mô tả - có liên hệ với cội nguồn văn hiến Việt phi Hán. Vì giáo sư chưa xác định và chứng minh được bản chất của nền văn hiến Việt với những giá trị căn bản của nền văn hóa phương Đông, vốn bị cả thế giới mặc định thuộc về văn hóa Hán từ hàng ngàn năm qua. Chính vì thiếu một hệ thống luận cứ đó, nên giáo sư Kim Định cũng chưa đưa ra được một chuẩn mực để thẩm định - tức cơ sở để người ta có thể chỉ ra cái sai trong hệ thống luận điểm của ông. Và đây chính là nguyên nhân để ông Kelley phát biểu:

"....vì vậy đã không một thách thức, hoặc chỉnh sửa tư tưởng của Kim Định nào hết.

 Kết quả là tư tưởng Kim Định hoặc đã bị gạt bỏ hoặc bị nhạo báng, hoặc ý tư tưởng của ông đã bị hiểu lầm".

Kính thưa quý vị

Chỉ có tôn giáo, tín ngưỡng mới không có những chuẩn mực khoa học, để người ta có thể chỉ ra cái sai trong hệ thống luận điểm của nó. Tóm lại ông Kelley phủ nhận tính khoa học trong toàn bộ những giá trị hệ thống luận điểm của giáo sư Kim Định.

Nhưng rất tiếc cho ông Kelley! Có lẽ vì là một giáo sư chuyên ngành Sử học, nên thiếu hẳn kiến thức khoa học hiện đại khác, vì nó không thuộc hệ thống trí thức của ông. Cho nên, sự phủ nhận những giá trị thể hiện quan điểm của giáo sư Lương Kim Định, lại là một sai lầm tệ hại trong sự nghiệp tìm hiểu lịch sử của Kelley. Bởi vì, trong khoa học - kể cả tự nhiên và xã hội - thì một ý tưởng nhận thức chân lý sơ khai, hoặc một giả thuyết , hay một hệ thống lý thuyết khoa học sơ khai có thể chưa hoàn chỉnh, nhưng không có nghĩa là nó sai.

Kính thưa quý vị

Chúng ta đều biết rằng:

Một giả thuyết, hoặc một lý thuyết khoa học, chỉ bị coi là sai, khi những phương tiện khoa học, chứng minh một cách trực quan từ những thực tại khách quan nhận thức được để bác bỏ nó; hoặc nó cũng bị coi là sai, khi người ta có thể căn cứ vào những chuẩn mực khoa học, để chỉ ra một mắt xích sai trong toàn bộ hệ thống luận điểm của một giả thuyết, hoặc một lý thuyết khoa học, mà những chủ thể nhân danh học thuyết này không thể biện minh được.

Một thí dụ cập nhật ngay trong thời đại của chúng ta, là: Cơ quan khoa học Châu Âu  đã  rất nhiệt tình đi tìm "Hạt của Chúa". Họ tiêu tốn hàng trăm tỷ dollar cho những phương tiện kỹ thuật để thực hiện mục đích. Nhưng kết quả cuối cùng lại không thể xác định được dạng tồn tại của vật chất tìm thấy được trong máy gia tốc hạt, chính là nguyên nhân hình thành các hạt cơ bản.Chưa một nhà khoa học, hoặc một tổ chức khoa học nào trên thế giới xác định điều này. Do đó, vấn đề một thực tại nào là nguyên nhân hình thành các hạt cơ bản vẫn là một bí ẩn trong giới khoa học hiện nay.

Đây là một ví dụ cho sự không hoàn chỉnh của một lý thuyết nhân danh khoa học, được thẩm định bằng thực tế nhận thức trực quan thông qua các phương tiện kỹ thuật.

Hoặc một thí dụ khác cho một giả thuyết khoa học sơ khai, nổi tiếng trong lịch sử văn minh nhân loại là thuyết trái Đất quay quanh mặt Trời của Galile. Ông Galileo  đã không thể thuyết phục được trái Đất đang quay quanh mặt Trời vào thời đại của ông. Vì phát minh của ông mang tính cục bộ cho một hiện tượng vũ trụ. Nó không đủ sức thuyết phục cả một hệ thống tôn giáo giải thích mọi vấn đề liên quan được phổ biến vào thời bấy giờ. Nhưng không có nghĩa là vì vậy thuyết của Galile sai. Những nghiên cứu khoa học của những thế kỷ tiếp theo Galileo là chứng nhân xác định quan điểm của ông hoàn toàn đúng đắn. Bởi vì bản chất quan điểm của Galileo phản ánh chân lý, dù mang tính cục bộ. Cho nên, khi nền tảng tri thức khoa học hiện đại đã phát triển thì quan điểm của Galileo trở thành một bộ phận chân lý được thừa nhận trong hệ thống tri thức khoa học hiện đại.

Trở lại với quan điểm của giáo sư Lương Kim Định, tôi xác định rằng: hệ thống luận điểm của giáo sư chính là một giả thuyết khoa học sơ khai. Nhưng vào thời điểm của những thập niên 60 của thế kỷ trước, những tri thức khoa học hiện đại chưa đủ sức để hình thành những luận cứ thuyết phục. Và về phía những người quan tâm, cũng chưa đủ khả năng để biện minh tiếp tục cho giáo sư. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giáo sư Lương Kim Định đã sai.

Cụ thể là: giáo sư Lương Kim Định chủ yếu dựa trên những giá trị văn hóa phi vật thể trong văn hóa truyền thống Việt để mô tả những luận điểm của ông. Nhưng chỉ sau khi ông mất 1997, thì đến tháng 5/ 2002 - tức năm năm sau - cơ quan văn hóa Liên Hợp Quốc mới chính thức công nhận giá trị văn hóa phi vật thể là bằng chứng khoa học chứng minh cho lịch sử.

Kính thưa quý vị:

Như tôi đã trình bày: Do sự hạn chế của nền tảng tri thức thời đại, nên giáo sư Lương Kim Định chưa thể thuyết phục được những nhà khoa học trong thời đại của ông. Một nguyên nhân khác là do hệ thống luận điểm của giáo sư thiếu những luận cứ có tính hệ thống. Nhưng một định hướng tìm về cội nguồn Việt sử từ những giá trị minh triết Việt thể hiện trong văn hóa truyền thống Việt, có thể coi như một giả thuyết khoa học, và không có nghĩa là nó sai.

Do đó, vấn đề Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến vẫn được những thế hệ tiếp theo tiếp tục chứng minh với nhiều phương pháp tiếp cận chân lý khác nhau. Có những người đã trở thành chứng nhân của giáo sư, khi sử dụng những giá trị văn hóa phi vật thể trong truyền thống văn hóa Việt, để chứng minh cội nguồn Việt sử, trong đó có tôi. Mặc dù, phương pháp chứng minh của tôi hoàn toàn khác hẳn giáo sư Kim Định và không phải bắt đầu từ những hệ thống luận điểm của giáo sư Kim Định. Nhưng chính vì từ hai hoàn cảnh và phương pháp khác nhau, hoàn toàn độc lập với nhau, nên vấn đề sử dụng những giá trị văn hóa phi vật thể làm phương tiện chứng minh cội nguồn Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương Tử và là cội nguồn đích thực của nền văn minh Đông phương huyền vĩ, đã chứng tỏ rằng:  ý niệm về về cội nguồn văn hiến Việt thông qua những di sản văn hóa truyền thống Việt của giáo sư Lương Kim Định là một giả thuyết đúng.

Bởi vậy, nội dung tiếp theo, tôi xin được trình bày với quý vị về vấn đề "Minh Triết Việt" trong văn hóa truyền thống Việt và cội nguồn văn minh Đông phương.

 

III. TÍNH MINH TRIẾT TRONG VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VIỆT VÀ CỘI NGUỒN VĂN MINH ĐÔNG PHƯƠNG.

Kính thưa quý vị.

Giáo sư Lương Kim Định đã đặt vấn đề và mô tả về những giá trị văn hóa truyền thống Việt phi Hán. Tất nhiên nó phải có một cội nguồn rất riêng và có trước Hán. Tôi nghĩ tất cả những ai quan tâm đến luận điểm của giáo sư đều nhận thấy điều này, qua những tác phẩm của giáo sư.

Về vấn đề này, tôi đã chứng minh rằng: cội nguồn văn minh Đông phương mà nền tảng là lý thuyết Âm Dương Ngũ hành, hoàn toàn thuộc về nền văn hiến Việt. Những luận cứ để chứng minh quan điểm của tôi dựa trên chuẩn mực khoa học là những tiêu chí khoa học để thẩm định một lý thuyết, hoặc một giả thuyết nhân danh khoa học được coi là đúng. Và tôi cũng dựa trên những tiêu chí khoa học để thẩm định một hệ thống lý thuyết thuộc về nền văn minh nào là chủ thể xuất hiện lý thuyết đó.

Những tiêu chí này là:

 

1/ Lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống lý thuyết, được xác định thuộc về một nền văn minh nào thì nó phải có tính liên hệ hợp lý trong lịch sử phát triển của nền văn minh đó.

2/ Nền văn minh được coi là chủ nhân của một học thuyết phải chứng tỏ được nền tảng tri thức đã tạo dựng nên hệ thống lý thuyết thuộc về nền văn minh đó.

3/ Tính hợp lý, nhất quán và hoàn chỉnh trong nội dung hệ thống lý thuyết và không có mâu thuẫn trong nội hàm cấu trúc của hệ thống lý thuyết đó.

 

Kính thưa quý vị.

Trong các sách đã xuất bản, trong các tiểu luận và tham luận trong các hội thảo khoa học liên quan, tôi đã chứng minh rằng:

Nền văn minh Hán không phải là chủ nhân của thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch. Bởi vì, nó không hề thỏa mãn bất cứ một tiêu chí nào trong ba tiêu chí trên. Riêng tiêu chí thứ II, thì một hệ quả của nó được xác định rằng:

 

Một nền văn minh là chủ nhân đích thực của một học thuyết thì nền tảng tri thức của nền văn minh đó phải có khả năng phục hồi được học thuyết có xuất xứ từ nền văn minh đó.

 

Cho đến ngày hôm nay, khi chúng ta đang gặp nhau ở đây trở về hàng ngàn năm trước trong các bản văn chữ Hán, không hề có một cuốn sách nào mô tả một cách dù chỉ là tóm lược thuyết Âm Dương Ngũ hành. Và nền văn minh Đông phương huyền vĩ đã thách thức tri thức của nền văn minh hiện đại có xuất xứ từ văn minh Tây phương - không phải bây giờ, mà đã trải hàng Thiên niên kỷ. Những di sản của nền văn minh này trong các phương pháp ứng dụng của nó, như: Đông Y, Phong thủy, dự báo...đã một thời được coi là huyền bí trong nhận thức của những tri thức khoa học hiện đại.

Chính sự huyền bí không thể giải thích nổi từ hàng ngàn năm qua - tính từ khi nền văn minh Văn Lang, cội nguồn Việt sử, một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương Tử,  sụp đổ vào thế kỷ thứ III BC cho đến tận ngày hôm nay - đã là một minh chứng rất rõ rằng: Nền văn minh Hán hoàn toàn không phải cội nguồn của nền văn minh Đông phương.

Nhưng chỉ với những di sản còn lại lưu truyền trong nền văn hiến Việt, qua hàng ngàn năm thăng trầm của Việt sử, lại hoàn toàn có khả năng phục hồi được những giá trị đích thực của nền văn minh Đông phương. Chính điều đó đã chứng minh rằng cội nguồn đích thực của nền văn minh Đông phương thuộc về nền văn hiến Việt với lịch sử trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huyền vĩ bên bờ nam sông Dương tử.

Quý vị có thể tham khảo hệ thống luận cứ chứng minh Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến đã thể hiện trong các sách đã xuất bản và những tiểu luận của tôi, qua các đường link dưới đây:

http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/

http://www.lyhocdongphuong.org.vn/

 

PHẦN KẾT LUẬN

Kính thưa quý vị

Tất cả hệ thống luận cứ và phương pháp chứng minh của tôi, hầu hết dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống phi vật thể còn sót lại sau hàng ngàn năm thăng trẩm của Việt sử.Và những luận cứ của tôi có chuẩn mực khoa học là những tiêu chí khoa học cho một giả thuyết, hoặc một lý thuyết nhân danh khoa học được coi là đúng để thẩm định.

Đây chính là một chứng nhân của giáo sư Lương Kim Định, khi ông đã đặt vấn đề về những giá trị Việt phi Hán lưu truyền trong văn hóa dân gian truyền thống Việt. Mà giáo sư Lương Kim Định đã bỏ cả một cuộc đời đau đáu để đi tìm về cội nguồn Việt sử. Do đó, cần phải xác định rằng:

Giáo sư Lương Kim Định là người tiên phong, ngay từ giữa thế kỷ trước, đã tiếp nối truyền thống để xác định một nền văn hiến Việt độc lập và phi Hán trong nền văn minh Đông phương huyền vĩ.

Kính thưa quý vị.

Để kết thúc bản tham luận này, tôi xin được gửi lời cảm ơn đến với ban tổ chức đã cho tôi có điều kiện thể hiện những suy tư của mình về những giá trị của cội nguồn minh triết Việt và giáo sư Lương Kim Định – một người mà tôi rất tôn trọng và quý mến, khi được biết đến những trước tác của ông.

Tôi cũng xin được bày tỏ sự cảm ơn đối với các vị khách quí đã quan tâm đến chủ đề này và có mặt nơi đây.

Xin chân thành cảm ơn.

Hanoi 4 . 7. 2015.

Nhằm ngày 19. 5. Ất Mùi Việt lịch.

Nguyễn Vũ Tuấn Anh

9 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Lương Kim Định một gương mặt sĩ phu lớn thế kỷ XX

Nguyễn Khắc Mai
Giám Đốc Trung Tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết 
04:44' PM - Thứ hai, 06/07/2015
 
Kỷ yếu tưởng niệm 100 năm ngày sinh Cố Triết Gia Lương Kim Định (1915-2015)
 
 

Vào ngày 15 tháng 6 năm 1915, tại Làng Trung Thành Nam Định, một người Việt Nam đã ra đời. Như sách Thi thiên trong Kinh Thánh, Quyển III, mục 75, câu 6 viết: ”Vì chẳng phải phương Đông, phương Tây hay là từ phương Nam mà có sự tôn cao đến.” Đó là sự báo trước của Thiên Chúa về một “sự tôn cao đến” với Đất Nước, với nền văn hóa Việt vào thế kỷ XX, một thế kỷ có vị trí lịch sử rất đặc biệt của Việt Nam chúng ta chăng.

Lương Kim Định, suốt đời học triết học, dạy triết học, sống và làm việc hết mình vì một nền Triết Học Việt. 82 tuổi đời, Ông sống trọn trong thế kỷ XX, vừa là con người của thời đại (như tên một tác phẩm văn học Nga “L’héros de notre temps), là chứng nhân của lịch sử, Ông cũng là người của thời đại mới góp công tạo dựng lịch sử văn hóa Việt Nam, và để lại một gia tài văn hóa đồ sộ... 45 tác phẩm, trong đó có 8 quyển chưa in, và 5 quyển đã thất lạc, tập trung đề tài về lĩnh vực triết học.

Nếu lịch sử văn hóa Việt thế kỷ XX ghi dấu nhiều gương mặt nhà văn hóa lớn, thì phần nhiều là văn nhân , thi sĩ, nghệ sĩ. Rất hiếm là gương mặt của nhà khoa học, đặc biệt hiếm là nhà tư tưởng, nhà triết học. Lương Kim Định thuộc lớp của hiếm hoi này. Vì thế Ông là một của quý và hiếm của văn hóa Việt thời hiện đại.

Khác với nhiều người, chủ yếu “thuật nhi bất tác”, Lương Kim Định đã đem lại một đóng góp quý báu và quan trọng, vừa thuật, vừa tác. Có những người như Hoàng Xuân Hãn, như Nguyễn Đăng Thục… họ học một ngành khoa học, kỹ thuật, rồi nửa đời, tựa như người đã leo đến một đỉnh núi, rồi từ đỉnh cao này bước sang một đỉnh núi khác và để lại dấu ấn công tích của mình cho học thuật. Lương Kim Định suốt đời thực hành đúng như sách Đại học của cổ nhân, làm một kẻ quân tử (người trí thức, kẻ sĩ, trau dồi học vấn triết lý “như trác như ma, như thiết như tha” để thuật một nền triết học cổ Việt, lại để từ đó sáng tạo ra những phạm trù mới mẻ cho văn hóa Việt.

Nhiều người cho rằng một cái gốc lớn của văn hóa Việt là của “Tàu”, Lương Kim Định nói ngược lại, mà không hồ đồ chút nào. Ông nói có sách mách có chứng. Điều kỳ lạ là những phát kiến của Ông đã được những khám phá khoa học về sau, càng ngày càng chứng minh sự có lý của những luận điểm mà Ông đã nêu ra. Ông đưa ra luận điểm : Tộc Việt, được gọi là Bách Việt đã tràn ra chiếm ngự một vùng đất đai rộng lớn , sau này đươc gọi là “TÀU” Với cái tên Tsin (Tần) mà châu Âu gọi thành Chine, China, Sino…Chính họ là chủ nhân văn hóa đã đúc nên cái phôi, cái căn cốt, cái nguyên bản (archetype) của Trung Quốc cho đến ngày nay. Chỉ có điều, ông chưa chính xác khi cho rằng tộc Việt này đã từ Hymalaya tràn xuống Đông Nam. Ngày nay nhiều chứng cứ khoa học đã đính chính được điều đó. Thậm chí giới nghiên cứu Trung hoa hiện nay cũng đã phải đính chính nguồn gốc Bắc phương của mình và đã công bố rằng cội nguồn chủng tộc thậm chí cả cái căn cơ văn hóa là cũng từ Lạc Việt. Những dấu vết của văn minh, văn hóa Việt, ngày nay vẫn còn đầy rẫy trong xã hội Trung Hoa. Ông đã rọi một cái nhìn vừa tổng hợp, vừa mới mẻ để khám phá lịch sử Trung hoa, vừa du mục, vừa nông nghiệp. Trong trường kỳ lịch sử Trung hoa quả nhiên cuộc đấu tranh giữa vương đạo và bá đạo, giữa yếu tố văn hóa phương Nam, và văn minh du mục Bắc phương cho đến nay vẫn còn dai dẳng: ”Trác Lộc chí kim vị nhược hưu”. Tương truyền trận chiến Trác Lộc là trận chiến mà Hoàng Đế đánh bại được Xi Vưu (lãnh tụ của các tộc Bách Việt Phương Nam).

Lịch sử cổ đại “Trung hoa”, theo Ông, không phải là lịch sử một nhà nước mà chính là lịch sử của một vùng , một nền văn hóa. Bởi từ xa xưa cho đến Tần, mới có nước Tần, ngày ấy Trung Nguyên chỉ là danh xưng một vùng đất, một vùng văn hóa. Cho đến cuối đời Hán, sử sách còn ghi “đi khắp nơi chẳng thấy đâu là Hán địa (đất Hán). Nghĩa là triều nhà Hán vẫn còn cai quản một vùng đất rất hẹp. Mãi cho đến vài ba trăm năm trước đây thôi vùng đất phía nam Lưỡng Quảng vẫn còn là đất của Đại Việt, của văn minh Đại Việt. Rất nhiều di chỉ văn hóa Lạc Việt được lưu giữ, khám phá ở đây. Giờ đây chỉ riêng khảo cổ học ở vùng đất này đã xác minh phán đoán của Lương Kim Định là đúng đắn. Người Bách Việt, trong đó phần quan trọng là Lạc Việt, chính là chủ nhân đã làm chủ vùng đất rộng lớn từ châu thổ Hoàng Hà, Dương tử, cho đến vùng Việt Đông và Lưỡng Quảng. Vùng đất ấy xưa kia là lãnh thổ của những “ Nước Cổ”, có tên là Văn Lang, Xích Quỷ, Lạc Việt…Chính họ là chủ nhân văn hóa, đã “đúc” nên những cái phôi ban đầu, từ ngôn ngữ, chữ viết, những nghi ngẫu (archetype) là nền móng của những triết lý vũ trụ và nhân sinh, cho đến những “kỳ thư” (kinh sách) của cổ văn hóa…mà ngày nay Trung Hoa đang vinh dự chiếm giữ. Ông đã công phu chứng minh điều mà Khổng Tử từng nhận định. Sức mạnh của phương Nam-vùng Bách Việt là sức mạnh của văn hóa “ôn nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, quân tử cư chi” Công lao của Ông là đã tạo ra những luồng sáng mới soi vào lịch sử Bách Việt. Vì thế có học giả đã cho rằng, Ông là một sử gia vĩ đại (đã bị vô minh, quên lãng).

 

Hoàng Hà, Trường Giang

Ông đề xuất thuật ngữ Việt Nho, khái niệm Việt Nho và xây dựng phạm trù Việt Nho. Chứng minh và khẳng định phạm trù Việt Nho như là Nho nguyên thủy, phân biệt rất rõ với Hán Nho, Tống Nho…sau này, như là một sự tha hóa. Đây là một chỉ báo, hơn nữa là một hướng nghiên cứu học hỏi về văn hóa Việt nói chung và tư tưởng Việt nói riêng. Chính từ khám phá này, sẽ soi rọi cho chúng ta nhìn thấy cái lõi Minh triết Việt trong lịch sử văn hóa Việt cũng như của những nhà văn hóa, tư tưởng Việt.

Từ phạm trù Việt Nho, Ông xây dựng hệ thống triết lý, đặt tên là Triết lý An Vi, với các cột trụ : Thái Hòa, Nhân chủ, Tâm Linh. Ông xây dựng một số phạm trù của phương pháp luận, tư duy để làm cái quy, cái cũ từ đó dò lần từng bước vào cơ cấu đặng tìm ra cái hồn cái lõi của các nghi ngẫu, ngẫu tượng là những archetype. Từ đó khám phá giải thích cơ cấu của Việt lý - những triết lý căn bản của Việt Nho. Những phạm trù “lô gich” để làm như cái quy cái cũ trong tay của Nữ Oa và Phục Hy. Đó là: Dụng, Số, Tượng, Từ, Cơ, Chế. Qua những phạm trù “lô gích đông phương” này, Ông dò tìm cho đến tận những cái phôi của tư tưởng văn hóa Việt. Phạm trù Việt Nho và hệ thống triết lý An vi dàn trải ra trong hơn 40 đầu sách với cả vạn trang in là một cống hiến to lớn, góp vào làm phong phú, sâu sắc cho cấu trúc nền văn hóa Viêt Nam hôm nay.

Ông để lại một gia tài văn hóa đồ sộ. Về những vấn đề cơ bản của Triết học có: Cửa Khổng (Nguyên Nho), Nhân Chủ, Chữ Thời, Dịch kinh linh thể, Cơ cấu Việt Nho, Tinh hoa ngũ điển, Gốc rễ triết Việt, Việt triết nhập môn, Cẩm nang Triết Việt, Những dị biệt Triết lý Đông Tây, Lạc thư Minh triết. Về Lịch sử : Hồn nước với lễ gia tiên, Nguồn gốc văn hóa Việt Nam, Triết lý cái đình, Hùng Việt sử ca, Kinh Hùng khải triết, Sứ điệp trống đồng, Văn lang vũ bộ…Về văn hóa, giáo dục, lối sống :Định hướng văn học, Tâm tư, Vấn đề quốc học, Hiến chương giáo dục, Phong thái An vi, Trùng phùng đạo nội, … Đặc biệt , ông để lại ba đầu sách về triết lý chính trị thế giới, khu vực và Việt Nam: Đạo trường chung cho Đông Á, Hoa kỳ và thế chiến lược toàn cầu, Hưng Việt.

Về phương pháp luận, Ông là người thực hiện được khẩu hiệu rất uyên bác của Đông Kinh Nghĩa Thục :”Á Âu chung lại một lò. Đúc nên nhân cách mới cho là người”. Ông học hỏi đến nơi đến chốn Triết Đông (đặc biệt là Trung Hoa), nghiền ngẫm văn hóa Việt, học hỏi triết Tây từ cổ điển đến hiện đại, đọc kỹ những nhà Trung hoa học hàng đầu của thế giới... Hiếm có nhà nghiên cứu, nhà triết học nào làm được như Ông. Ông dụng công xây dựng bộ công cụ lôgic kiếu Đông phương để áp dụng cơ cấu luận trong khảo sát văn hóa. Ông là người mở đầu, đi trước trong ứng dụng phương pháp tư duy phức hợp, hệ thống để nghiên cứu tư tưởng, văn hóa, lịch sử. Riêng về huyền sử, ông là người đã đem đến một cảm quan mới, mà tôi gọi là huyền sử học, để cho chúng ta đọc cổ tích , thần thoại nước nhà. Khác với “Tạ chí đại Tràng”, mọi thứ tín ngưỡng đều quy về tục thờ “đá”, ”cây”, ”ác thú”, ”lũ lụt”, ”sấm chớp”... Kim Định rất đề cao giá trị người trong những “Nhân thoại”.

Tôi không thể không nói đến Minh triết. Sau Ngô Thì Nhậm, Kim Định là người đã đem trả lại Minh triết, vốn bị hạ thấp, quên lãng cho văn hóa Việt. Với Kim Định, chúng ta bắt đầu có những tư duy dầy dặn hơn cho phạm trù Minh triết. Và khi chúng ta bắt gặp một kết luận chắc nịch của học giả phương Tây hiện đại: ”Tiếp sau những thất vọng đối với các triết thuyết, ngày nay, Minh triết đang là chủ đề chính của tư duy đương đại”, càng thấy công lao và tính tiền phong triết học của Ông.

Khi tưởng nhớ Ông, chúng ta không nghĩ rằng những công trình của Ông là toàn bích, không lẫn chút ít sỏi sạn bên trong, nhưng chỉ có những đầu óc thiển cận, biệt phái, cực đoan nên chỉ biết “chấp” sỏi sạn mà vứt bỏ luôn châu ngọc trong đó.

Tưởng nhớ Triết gia Kim Định, tôi hình dung tới một cây cổ thụ sum xuê, tỏa bóng. Dẫu cổ thụ nào cũng có cành cộc, nên chớ làm con kiến leo ra leo vào. Hãy cố trèo cho đến cành cao, bằng không thì đứng tựa thân cổ thụ nhìn xa ra một chân trời mới, tìm cho mình một Đạo trường , để cho mình được sống An vi, Nhân bản, như cánh diều buộc nơi gốc cây, bay bổng trên trời cao, vẫn níu giữ, gắn liền với nguồn cội. Tôi chợt rùng mình khi nhớ lại lũ vô đạo, bất nhân, u mê đã từng đốn hạ những cây cổ thụ.!

Kính cẩn ghi chép để tưởng nhớ “Một Cõi Người” của Cố Triết gia Lương Kim Định./.

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites