Thiên Sứ

Giáo Sư Nhạc Sĩ Trần Văn Khê

6 bài viết trong chủ đề này

Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt
- Kỳ 3: Bản di nguyện
13/06/2015 06:00
 

Qua những thân tình với GS-TS Trần Quang Hải, PV Báo Thanh Niên được ưu tiên tiếp cận Bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê. Ít ai ngờ rằng ông cụ đã sắp đặt chuyện hậu sự của chính mình một cách thật bình tĩnh, thanh thản…

 

thubut1cuagststranquanghaichophepsudungt
Thủ bút của GS-TS Trần Quang Hải cho phép PV Thanh Niên sử dụng Bản di nguyện làm tư liệu cho bài viết  - Ảnh: T.L
 
Qua trao đổi giữa PV Báo Thanh Niên và các vị trong tiểu ban tang lễ (dự kiến) trong buổi gặp gỡ chiều 11.6 tại tư gia của GS-TS Trần Văn Khê, theo đó Báo Thanh Niên được phép công bố Bản di nguyện với chữ ký trên từng tờ văn bản của GS-TS Trần Quang Hải và 2 vị cố vấn: nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân và ông Trần Bá Thùy. Do Bản di nguyện khá dài và có nhiều mục là chuyện riêng tư trong gia đình nên người viết xin lược ghi những ý chính, như sau:
“Hôm nay, ngày 5 tháng 6 năm 2015. Tôi tên: Trần Văn Khê. Sinh năm: 1921. Passport số: D5456230. Cấp tại: Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Địa chỉ cư ngụ: 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Tôi lập Bản di nguyện này trong trạng thái tinh thần hoàn toàn minh mẫn và hiểu rõ các vấn đề mà tôi nêu ra dưới đây, đó là những ước mơ của tôi về lễ an táng và các vấn đề hậu sự khi tôi phải lìa đời, vĩnh viễn ra đi.
1. Người chủ tang sẽ là con trai trưởng nam của tôi: Trần Quang Hải, được toàn quyền quyết định mọi việc... Để giúp việc cho chủ tang, tôi đề nghị lập một tiểu ban tang lễ gồm: nhà văn - nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy và bà Lý Thị Lý.
2. Về nghi thức an táng, tuy tôi không theo một tôn giáo nào, nhưng tôi muốn được an táng theo nghi thức Phật giáo. Thượng tọa Thích Lệ Trang sẽ là người chủ tế cho nghi thức an táng.
3. Ban nhạc lễ do nhạc sĩ Nhất Dũng phụ trách (nhạc sĩ Nhất Dũng phải phối hợp với thầy Lệ Trang để tổ chức nghi lễ).
4. Một dàn nhạc đờn ca tài tử gồm những bạn thân đồng điệu và môn sinh của tôi sẽ hòa tấu một buổi đặc biệt trong tang lễ (lưu ý: trong mỗi hơi của điệu thức chỉ cần đánh một vài bài thôi). Những bộ môn nhạc truyền thống khác có thể đến viếng và biểu diễn, tuy nhiên cần ngắn gọn để đừng mất nhiều thời gian.
5. Tôi ước ao linh cữu của tôi sẽ được quàn tại tư gia số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
6. Thời gian quàn từ 1 tuần lễ cho đến 10 ngày để các con, các cháu, bạn bè thân thuộc của tôi ở xa có thời gian về kịp dự tang lễ…
7. Tôi ước ao sẽ được hỏa táng, nơi hỏa táng sẽ do ban tang lễ quyết định. Hũ tro mang về để tại tư gia tôi đang sống, dưới bàn thờ ông bà. Nếu vì một lý do gì không để được hũ tro tại tư gia của tôi thì các con tôi cùng ban tang lễ sẽ quyết định nơi nào lưu trữ thuận tiện nhất.
8. Về các chi phí để lo tang lễ thì sử dụng tiền mặt của tôi hiện có tại nhà. Nếu thiếu thì Trần Thị Ngọc Thủy - con gái út của tôi sẽ lấy tiền trong sổ tiết kiệm của tôi tại VN để thanh toán chi phí an táng. Riêng tiền phúng điếu thì ban tang lễ có thể sử dụng số tiền này để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống VN.
9. Về ngôi nhà và các vật dụng trong nhà: Theo hợp đồng được ký kết giữa tôi và cháu Trương Ngọc Thủy, cháu Nguyễn Thế Thanh (nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM) “khi tôi vĩnh viễn ra đi, lúc ấy ngôi nhà này sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê”... Những hiện vật dính vào đời sống nghề nghiệp của tôi đem từ Pháp về như: tất cả sách vở, báo chí, phim ảnh, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy cassette, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh... giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm giữ... Riêng trang blog spot, Facebook trước đây do cháu Khánh Vân tạo và quản lý cho tôi trên 10 năm. Khi tôi qua đời, cháu sẽ tiếp tục được quản lý và phổ biến tư tưởng của tôi. Không được dùng tư liệu đó vào mục đích thương mại…
10. Tôi ước ao những thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại Thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu. Lưu ý: những tư liệu này chỉ dùng vào công việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa, không được dùng vào việc thương mại.
11. Tôi ước mong sau khi tôi vĩnh viễn ra đi, cháu Nguyễn Thị Na - người đã tận tình giúp việc cho tôi trên 10 năm, đã tự tay chăm sóc ngôi nhà này và biết rất rõ những sinh hoạt của tôi trong căn nhà này, được tiếp tục ở lại giúp cho người quản lý Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này.
Trên đây là những ước mơ của tôi về nghi lễ an táng và việc sử dụng sự nghiệp tinh thần, các vật dụng của tôi để lại vào việc bảo tồn và phổ biến văn hóa truyền thống VN, đúng theo nguyện vọng và hoài bão của tôi. TP.HCM ngày… tháng 6 năm 2015.
Người viết: Trần Văn Khê”.
 
Thanh Niên sẽ tiếp tục thông tin đến quý bạn

Hà Đình Nguyên

===================

Lão Gàn đã giúp cho một Lão Đại tiền bối, sinh năm 1916 thì phải, sống thêm ít nhất là hai năm nữa, nhiều là bảy năm, tính từ 2011 là năm thứ nhất, là thời điểm cụ đang lâm bệnh nặng. Đến nay lão Đại tiền bối đó vẫn khỏe mạnh. Nếu gia đình cụ Trần Văn Khê có yêu cầu, lão Gàn sẽ nhiệt tình giúp cụ sống thêm, nhẹ thì hai năm, nhiều thì 8 năm nữa, hoàn toàn miễn phí.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Giáo sư Trần Văn Khê đã bệnh rất nặng trước khi nhập viện

Thứ Sáu, 12/06/2015 - 11:05
 

Dân trí Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Hải - con trai của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê chia sẻ về bệnh tình hiện tại của cha ông.
 

GS Hải cũng vừa từ Pháp trở về cách đây 2 ngày khi hay bệnh tình của ba ông lâm vào nguy kịch.

GS Hải cho biết, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê đã nhập viện từ ngày 27/5. Hiện tại, nhịp tim yếu nên đã được đặt máy tạo nhịp tim. Phổi của ông cũng gần như không thể hoạt động nên bác sĩ đã đặt nội khí quản cho thở máy. Hai quả thận cũng đã bị hư, và đang chạy máy lọc thận...

 

gstvh-fccdd.jpg
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê và con trai Trần Quang Hải
 

Giáo sư (GS) Hải chia sẻ: “Ba tôi đang đi dần đến giai đoạn cuối của cuộc đời, chúng tôi vẫn chờ đợi, nhưng bệnh tình của ba tôi là không mấy khả quan, ngày đi thì chưa biết nhưng đang rất gần… 2 lá phổi đã bị hư hao nhiều, hiện đang sống nhờ sự hỗ trợ của máy móc. Lâu lâu ba tôi có thể tỉnh dậy mở mắt, rồi hôn mê trở lại. Nhưng không nói chuyện được nữa”.

Về phần chi phí điều trị rất cao, nhưng GS Hải cho biết, “Ủy ban thành phố đã gọi cho tôi và cho biết toàn bộ chi phí bệnh viện, thuốc men đều được chính phủ tài trợ 100%, vì ba tôi là người có công lớn với nền văn hóa Việt Nam. Họ chăm lo cho ba tôi không phải vì trách nhiệm mà chính phủ lo vì kính trọng và thương quý một người đại tài, người đã đem lại sự vinh quang cho nền âm nhạc Việt Nam. Người đã đóng góp nhiều cho hồ sơ đờn ca tài tử Nam bộ và đã được nhìn nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2013”.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quang Hải cho biết thêm, ba ông đã từng bị lao, thận có sạn từ thời trẻ và phải mổ ruột từ khi trên 30 tuổi. Khi Giáo sư – tiến sĩ Trần Văn Khê về sống tại Việt Nam từ năm 2004 thì ông đã ngồi xe lăn và mỗi tháng đều phải uống rất nhiều thuốc. Ông bị tiểu đường gần 50 năm, ngoài ra còn bệnh tê thấp, khớp, những ngón tay bị cong khó có thể đàn được như lúc còn trẻ.

Những di chứng của bệnh tiểu đường đã khiến đôi mắt của Giáo sư không còn khả năng nhìn rõ và tai cũng không nghe rõ. Trong thời gian gần đây,  ông không thể đàn  và hát được như ý muốn. Tuy nhiên trí óc ông còn rất minh mẫn nên nhớ được rất nhiều thứ.

Việc Giáo sư- Tiến sĩ Trần Văn Khê đã bị bệnh từ thời trẻ nhưng hàng ngày, ông vẫn luôn chống chọi với bệnh tật. Ông vẫn miệt mài để truyền bá, giảng dạy, “đốt lửa” và “nung nấu” tinh thần cho giới trẻ để họ thức tỉnh, hiểu hơn, yêu hơn nền âm nhạc của dân tộc. Mỗi lần Giáo sư – Tiến sĩ nói chuyện thì nói cả giờ không biết mệt mặc dù cơ thể đã bị  suy yếu từ năm 2004. Điều kiện sức khỏe khó khăn nhưng, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê vẫn tham gia giảng dạy, diễn thuyết, để đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đi vào bản đồ âm nhạc thế giới.

 

chuhai-fccdd.JPG
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quang Hải năm nay đã 72 tuổi, nhưng ông vẫn thường xuyên đi từ Pháp về Việt Nam để thực hiện những việc mà ba ông đã làm trong suốt cuộc đời của mình.

Nối tiếp truyền thống của cha, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Quang Hải là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng. Ông vẫn tiếp tục đưa những thể loại nhạc dân tộc ra thế giới. Hiện tại (năm 2015) ông tham gia xây dựng  hồ sơ về hát bài chòi ở miền Nam Trung bộ. Mỗi năm ông về Việt Nam để đóng góp sức mình vào việc xây dựng những hồ sơ văn hóa. Trong tương lai sẽ có nhiều thể loại nhạc dân tộc Việt Nam như hát then dân tộc Tày Nùng, hát văn, múa rối nước, vv… hy vọng  được thế giới biết đến như những Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Băng Châu

======================

Lão Gàn đã giúp cho một Lão Đại tiền bối, sinh năm 1916 thì phải, sống thêm ít nhất là hai năm nữa, nhiều là bảy năm, tính từ 2011 là năm thứ nhất, là thời điểm cụ đang lâm bệnh nặng. Đến nay lão Đại tiền bối đó vẫn khỏe mạnh. Nếu gia đình cụ Trần Văn Khê có yêu cầu, lão Gàn sẽ nhiệt tình giúp cụ sống thêm, nhẹ thì hai năm, nhiều thì 8 năm nữa, hoàn toàn miễn phí.

 

Sau khi viết những điều này ở bài trên thì lão Gàn đọc được bài này. Theo mô tả thì giáo sư Trần bệnh cũng rất nặng. Nhưng tôi vẫn tự tin.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Giáo sư Trần Văn Khê đã hồi tỉnh

Thứ Sáu, 19/06/2015 - 06:59
 

Dân trí Giáo sư Trần Quang Hải cho biết sáng qua 18/6, Giáo sư Trần Văn Khê có dấu hiệu hồi tỉnh và ông đã có thể trò chuyện với ba ông vào lúc 15h cùng ngày.

 >> GS Trần Văn Khê lập di nguyện xây dựng quỹ giải thưởng trên giường bệnh
 >> GS Trần Văn Khê nhập viện đã hai tuần

Hôm nay, PV Dân trí đã gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với giáo sư Trần Quang Hải - con trai của Giáo sư Trần Văn Khê, ông cho biết trưa nay, lúc 15h GS Trần Văn Khê đã hồi tỉnh lại, có thể nghe và hiểu được, GS Hải đã nói chuyện với ba ông sau 10 ngày hôn mê.

Sau thời gian thuốc men điều trị thì giáo sư Trần Văn Khê đang trở lại như bình thường, mở mắt thường hơn. Sáng qua, giáo sư cũng đã tỉnh dậy và ra dấu hiệu bên tai không nghe rõ nên đã mang thiết bị trong ống tai vệ sinh, sau đó có thể nghe được.

GS Hải chia sẻ, đây là tin tốt lành nhất trong ngày, từ lúc bên Pháp trở về, đây lần đầu ông có thể cầm tay và trò chuyện được với ba ông nên ông rất vui. Nếu ba ông khỏe lại thì sẽ mang về nhà điều trị.

Mặc dù GS Trần Văn Khê đã hồi tỉnh, có thể nghe và hiểu được, nhưng trên người còn phải hỗ trợ rất nhiều máy móc, thiết bị nên không thể trò chuyện. Hiện tại, GS Trần Văn Khê không thể ăn uống gì mà phải truyền trực tiếp chất dinh dưỡng vào cơ thể.

giaosu000-c1868.jpg
Giáo sư Trần Văn Khê

Trước tin đồn thất thiệt của một người về sức khỏe của GS Trần Văn Khê, GS Hải cho biết ngay lập tức ông và BTC đã có cuộc họp, sau đó thực hiện  một thông cáo gửi đến Ủy ban thành phố và Sở văn hóa đã cấp tốc gửi tin đi cho tất cả các báo. Thông cáo này do chính GS Hải và 2 thành viên khác trong BTC xác nhận. GS Hải cho biết, những thông tin đưa ra do chính GS và BTC đưa ra thì thông tin mới có giá trị. Thông tin đã được gửi đi lúc 1h trưa nay.

Chỉ còn 3 ngày nữa là GS Hải sẽ trở về Pháp, mọi thông tin tại Việt Nam sẽ được liên lạc qua mail. GS Hải không có ở Việt Nam nhưng mọi việc diễn ra đều phải được sự đồng ý của ông mới được quyết định.

Băng Châu

======================

Xin chân thành chúc mừng giáo sư Trần Văn Khê. Đây là một tin vui với người hâm mộ trong đó có tôi. Xin chia sẻ niềm vui này với mọi người xem bài viết này.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites
Giáo sư Trần Văn Khê qua đời
24/06/2015 07:36
 

(TNO) Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng GS-TS Trần Văn Khê đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 2 giờ 55 phút hôm nay 24.6. Ông thọ 94 tuổi.

 

tranvankhe2_rosr.jpg?width=500
GS-TS Trần Văn Khê xuất hiện tại một triển lãm ảnh năm 2013 - Ảnh: Độc Lập
 
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), GS-TS Trần Văn Khê đã qua đời vào rạng sáng nay. Trước đó, ông nhập viện điều trị tại đây từ ngày 27.5. 
Chia sẻ với Thanh Niên Online, bác sĩ Hồ Văn Hân - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viên Nhân dân Gia Định cho biết GS-TS Trần Văn Khê tuổi cao lại mang trong người nhiều chứng bệnh nội khoa phối hợp về tim, phổi, thận trong đó nặng nhất là viêm phổi. Trước đây, ông từng nhiều lần ra vào bệnh viện để điều trị nhưng đây là lần nặng nhất.
Trong những ngày nằm viện, giáo sư nằm tại khoa Hồi sức đặc biệt, điều trị cách ly. Người trực tiếp chỉ đạo điều trị cho GS-TS Trần Văn Khê là PGS-TS Hoàng Quốc Hòa - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Theo ghi nhận của Thanh Niên Online, những ngày trước, GS-TS Trần Văn Khê vẫn nhận biết được khi con cháu vào thăm. Thậm chí, ông chảy nước mắt xúc động khi có một người cháu nắm tay và hôn lên trán ông.

Túc trực tại bệnh viện để chăm sóc giáo sư là người giúp việc Nguyễn Thị Na, người đã tận tình chăm sóc ông suốt 10 năm nay. Bên cạnh đó, các con của ông (hiện sống ở nước ngoài) cũng đã về VN để gần gũi, chăm sóc ông những ngày qua. 

tranvankhe3_kisp.jpg?width=500
GS-TS Trần Văn Khê - Ảnh: Độc Lập
Người thân cho biết trước khi ra đi, ông đã sắp đặt mọi chuyện hậu sự của chính mình. Theo bản di nguyện của giáo sư (được người nhà cung cấp cho Thanh Niên), chủ tang sẽ là con trai trưởng của ông, GS-TS Trần Quang Hải. Bên cạnh đó còn có một tiểu ban tang lễ gồm: nhà văn - nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy và bà Lý Thị Lý.
Dù không theo một tôn giáo nào nhưng Giáo sư Trần Văn Khê mong muốn được an táng theo nghi thức Phật giáo. Ban nhạc lễ do nhạc sĩ Nhất Dũng phụ trách. Ngoài ra còn có một dàn nhạc đờn ca tài tử gồm những bạn thân đồng điệu và môn sinh của GS-TS Trần Văn Khê, sẽ hòa tấu một buổi đặc biệt trong tang lễ.
Cũng theo ước nguyện của GS-TS Trần Văn Khê, linh cữu của ông sẽ được quàn tại tư gia (số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong thời gian từ 1 tuần lễ cho đến 10 ngày để các con, các cháu, bạn bè thân thuộc ở xa có thời gian về kịp dự tang lễ.
 
tranvankhe_znwb.jpg?width=500
Thủ bút của GS-TS Trần Quang Hải cho phép PV Thanh Niên sử dụng Bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê làm tư liệu cho bài viết  - Ảnh: T.L
 
Chi phí tang lễ sẽ được sử dụng từ tiền mặt của giáo sư và trích từ sổ tiết kiệm của ông tại VN. Ngoài ra, ông mong muốn tiền phúng điếu có thể dùng để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống VN.
Bên cạnh đó, ngôi nhà mà ông ở khi còn sống tại VN sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Trong bản di nguyện, ông bày tỏ mong muốn những thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại Thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu.
Ngoài ra, ông cũng không quên người đã tận tình giúp việc cho ông trên 10 năm là bà Nguyễn Thị Na. Theo ông, bà Na đã tự tay chăm sóc ngôi nhà này và biết rất rõ những sinh hoạt của ông trong căn nhà này. Vì thế, ông mong muốn bà Na sẽ được tiếp tục ở lại giúp cho người quản lý Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này.
Những di nguyện đầy tính nhân văn, thấm đẵm nghĩa tình với những người xung quanh của GS-TS Trần Văn Khê đã khiến nhiều người không khỏi xúc động...
 
GS-TS Trần Văn Khê là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. Ông sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). 6 tuổi ông đã biết chơi đàn kìm, 8 tuổi biết chơi đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc.
Sau khi sang Pháp du học (năm 1949), ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ khoa Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông nguyên là giáo sư Trường đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc - UNESCO.
Trở về nước vào năm 2006, GS-TS Trần Văn Khê được cấp cho căn nhà tại số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Đây cũng trở thành nơi để giáo sư tổ chức các buổi sinh hoạt về âm nhạc dân tộc.
Những năm gần đây, mặc dù đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm", phải di chuyển bằng xe lăn nhưng tâm huyết mà GS-TS Trần Văn Khê dành cho âm nhạc dân tộc vẫn không thay đổi. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong những chương trình hay những buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc. Buổi chia sẻ gần nhất của ông là vào ngày 25.5, trước khi giáo sư ngã bệnh. 
Theo chia sẻ từ một số người thân thiết, mặc dù ở tuổi 94, mắt kém nhưng ông vẫn không ngừng làm việc với tâm niệm hệ thống hóa lại kho tư liệu về âm nhạc dân tộc cho thế hệ sau.
Giáo sư cũng là người sống nghĩa tình. Ông sống gần gũi với những người chăm sóc ông suốt nhiều năm qua. Ông còn là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò. Khi ông ngã bệnh, nhìn cách săn sóc hết lòng của những người thân thiết, sự lo lắng của các người học trò cũ hay những cuộc hỏi thăm liên tục về bệnh tình giáo sư cũng nói lên được phần nào tình cảm của mọi người dành cho cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc.

 

 

Thiên Hương

>> Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 11: Bóng hồng đầu đời và người tình một đêm
>> Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 10: 'Tài tử xi nê' Trần Văn Khê
>> Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 9: Thầm lặng cho một tài hoa bay xa
>> Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 8: Chiếc bóng bên đời người nhạc sĩ tài hoa
>> Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 7: Không mặc áo dài thì không biểu diễn
>> Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 6: Đem hồn dân tộc ra thế giới
>> Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 5: 50 năm 'chim Việt nhớ cành nam'
>> Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 4: Ước nguyện cuối đời
>> Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 3: Bản di nguyện
>> Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 2: Ước nguyện của GS-TS Trần Văn Khê

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites
GS Trần Văn Khê từng chịu nhiều điều tiếng

25/06/2015 02:01 GMT+7

 

 logo.gifLúc về Việt Nam để làm công tác giới thiệu âm nhạc truyền thống ra thế giới, GS Trần Văn Khê đã bị chịu nhiều điều tiếng, bị hiểu lầm là lấy tài liệu mang ra nước ngoài lấy tiền, làm 'chảy máu' âm nhạc truyền thống.


Yêu âm nhạc dân tộc thiết tha

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, người có nhiều năm gắn bó và được GS Trần Văn Khê hướng dẫn tận tình khi nghiên cứu, làm hồ sơ về âm nhạc vô cùng tiếc nuối trước sự ra đi của GS Trần Văn Khê.

Nhạc sĩ tâm sự: "Sự mất đi của bác là một mất mát lớn lao đối với nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam bởi bác có một tiếng nói quốc tế trong lĩnh vực âm nhạc này. Cho tới cách nay hơn 1 tháng, bác vẫn viết bài trên mạng, giới thiệu miệt mài âm nhạc truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế. Bác giới thiệu một người ta tin một, bác giới thiệu hai người ta tin hai. Bác có tiếng nói trong trường quốc tế, bác mất đi là Việt Nam mất vị thế quốc tế. Tiếng nói của Việt Nam ra ngoài nước thiệt thòi, hụt hẫng. Có thể sẽ có những vị khác nhưng để được như GS Khê chắc phải nhiều năm nữa".

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan chia sẻ rằng, GS Trần Vân Khê là người đầu tiên giới thiệu, giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam trên toàn thế giới. Đây là việc làm rất quan trọng và vì công việc mà GS đã có học trò khắp các nước.

 

20150619154248-tran-van-khe--bw.jpg

Chính những học trò này, GS Trần Văn Khê luôn hướng họ làm các đề tài liên quan tới âm nhạc truyền thống Việt Nam.

 

Từ đó, học trò khắc các nước của GS dù có làm đề tài theo hướng của ông hay không thì ít nhiều cũng biết được âm nhạc truyền thống Việt Nam nó như thế nào. "Đó là tình yêu đất nước thiết tha thông qua việc yêu âm nhạc truyền thống", nhạc sĩ Hoành Loan nhấn mạnh.

GS Khê cũng là người giới thiệu âm nhạc Việt Nam trong các chương trình UNESCO và được đánh giá cao. Trong cuộc thi về băng đĩa, GS đã giới thiệu nhiều nghệ nhân như Quách Thị Hồ, Tống Văn Ngữ.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nhớ lại một lần mà ông phải bái phục GS Khê về lòng yêu thiết tha âm nhạc dân tộc. "Khi giới thiệu cho sinh viên Pháp về âm nhạc dân tộc, họ say sưa nghe không màng tới thời gian. GS thì nói liền mấy tiếng không ngừng nghỉ. Một con người hiểu âm nhạc Việt Nam tới sâu sắc như vậy quả là ít có ở Việt Nam", nhạc sĩ Hoành Loan chia sẻ.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan kể, đối với Viện Âm nhạc Việt Nam, GS Khê là người cộng tác, vừa là thầy, vừa là bạn, vừa là cha chú đối với Viện. GS toàn dùng tiền của mình giúp cho Viện từ máy ghi âm, thiết bị, hướng dẫn cán bộ nghiên cứu phương pháp điền dã. Điều này đã đóng vai trò quan trọng giúp viện đi đúng phương pháp sưu tầm của thế giới.

Những năm 1980, phương pháp sưu tầm âm nhạc của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở sưu tầm giai điệu, nốt nhạc trong sinh thái văn hóa. GS đã dạy lớp nghiên cứu của Viện hiểu rằng, để có công trình nghiên cứu âm nhạc còn phải có một nhãn quan văn hóa, phải đặt trong một sinh cảnh văn hóa, không gian và thời gian lịch sử nhất định.

Cùng với phương pháp điền dã, từ những năm 1990 lần nào ở Pháp về GS đều nói chuyện so sánh âm nhạc Việt nam với Thế giới để các cán bộ ở Viện nghe. GS nói nghiên cứu không thể thấu đáo được khi chỉ nghiên cứu trong nước mình mà không liên hệ với các nước trong khu vực. Chính điều này buộc các nhà nghiên cứu của Việt Nam phải mở rộng tầm nhìn, liên hệ quốc tế.

Những năm 1990, GS Khê đang còn là ủy viên hội đồng UNESCO, hướng dẫn Việt Nam xây dựng hồ sơ di sản văn hóa. Di sản Nhã nhạc là loại hình đầu tiên được làm hồ sơ. 

Ca trù cũng vậy. Ca trù là nghệ thuật duy nhất của Việt Nam bị hắt hủi nhưng GS đã đánh giá và nói chuyện với vị lãnh đạo Việt Nam về giá trị văn học và âm nhạc. Năm 2005 nhiều ý kiến khác nhau khi đánh giá ca trù nhưng cuối cùng GS đã thuyết phục được nhà nước đồng ý làm hồ sơ di sản cho ca trù.

"GS là người đầu tiên hướng cho chúng ta phương pháp xây dựng di sản kiệt tác là như thế nào", nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho biết.

Lần đầu tiên được GS Khê hướng dẫn làm hồ sơ xây dựng Ca trù, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan mới thực sự biết được thế nào là văn bản chuẩn quốc tế, chuẩn về kỹ thuật, nội dung, ngôn ngữ. GS sửa từng nội dung, sửa chỗ nào chỉ ra tại sao sửa. "Tôi lớn lên từ những điều tưởng như nhỏ nhặt đó", nhạc sĩ Hoành Loan nhớ lại.

Cũng chính lần đó, khi nói chuyện về nghệ thuật ca trù, trong lúc viện âm nhạc phân tích về cái hay, cái độc đáo của Ca trù, GS Khê đã thẳng thắn chỉ ra 2 cái hay nhất mà Viện thiếu vẫn chưa đưa ra được để thuyết phục nhiều người khó tính. "GS phân tích, cái độc đáo của ca trù là cái phách, tại sao phách ca trù lại có 3 lá. Phách 1, phách đôi để tạo ra 2 âm sắc khác nhau, đó mới là cái độc đáo, phát hiện tinh tế về âm nhạc.

GS phát hiện thêm cho Viện cái độc đáo khác nữa của giọng hát ca trù ngoài cái mà Viện phát hiện trước đó là giọng hát ca trù dung giọng. Nhưng dung giọng chưa độc đáo, giọng hát ca trù độc đáo ở cách hát đổ hột. GS bảo, nghệ nhân Quách Thị Hồ có giọng hát đổ hột như tiếng ngọc rơi trên mâm bạc. Chính GS đã cung cấp cách nhìn vào chi tiết nghệ thuật, âm nhạc dân tộc của Việt Nam mà phương Tây chưa có.

 

Một giáo sư bậc thầy

20150619154319-45228914-gs-khue-2.jpg

 

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan kể, thời gian làm việc với GS Khê, nhạc sĩ chưa từng thấy GS cáu gắt bao giờ. "Khi làm việc với GS để lập hồ sơ Đờn ca tài tử. GS là bậc thầy đứng cách tôi vời vợi. Trao đổi với GS mới thấy mình ngu ngọng nhưng GS chỉ nói là cái này chú chưa biết, GS hướng dẫn tận tình, không cáu gắt, đặc biệt là không bao giờ hỏi đến tiền. Tôi không biết GS có bao nhiêu tiền, nhiều đến cỡ nào nhưng làm việc hăng say từ 2h đến 6h30 chiều, chỉ bảo tường tận mà chưa bao giờ đòi tôi một đồng thù lao nào cả", nhạc sĩ Hoành Loan nhấn mạnh.

Mặc dù GS không ưng với Bộ VHTT&DL giao cho Viện âm nhạc làm hồ sơ Đờn ca tài tử bởi GS muốn Nam bộ làm hơn, vì chỉ có Nam bộ mới làm tốt hơn tất cả các vùng miền khác về Đờn ca tài tử.  Nhưng dù không ưng lắm, như nhiều người khác giận dỗi, nhưng GS vẫn tận tình chỉ bảo. Kể cả khi xong rồi, GS vẫn nói rằng giao cho Nam bộ vẫn tốt hơn nhưng vẫn không hề 'ấm ức'.

"Như vậy cho thấy GS Khê trân trọng ngay cả với những quy định pháp luật mặc dù lúc đó, GS có thể yêu cầu đưa cho Nam Bộ làm", nhạc sĩ Hoành Loan nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Hoành Loan bảo, cũng có một thời gian GS làm việc ở Việt Nam bị nhiều hiểu nhầm. Người ta xôn xao GS về nước lấy tư liệu đem bán thế giới để thu về lợi cá nhân, làm chảy máu âm nhạc dân tộc dù đó chính là giai đoạn GS giới thiệu âm nhạc Việt Nam ra thế giới nhiều. GS đã nhận biết bao nhiêu tai tiếng nhưng ông không giận, chỉ nói rằng người ta chưa hiểu mình, rồi sẽ hiểu. 

"Đúng là người làm khoa học, không bực tức với câu chuyện xung quanh, bỏ qua tất cả chỉ tập trung vào chuyên môn của mình. Tôi khẳng định cả đời GS không có chuyện buôn bán tài liệu. Chỉ một lòng giới thiệu âm nhạc việt nam ra thế giới. GS toàn đi đi về về bằng tiền của mình để giới thiệu âm nhạc Việt Nam thôi", nhạc sĩ Đặng Hoành Loan tâm sự.

"GS Khê cũng có cách hành xử với âm nhạc dân tộc rất mở, tinh tế", nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho biết.

Ông kể, có lần khi nói chuyện về dân ca Việt Nam, GS bảo nhạc sĩ tổ chức chương trình để một số nghệ nhân có thể ca hát, giới thiệu âm nhạc truyền thống. Nhưng lúc đó  nhạc sĩ Hoành Loan nói quan họ cổ thì không còn, chỉ có quan họ người ta đệm đàn để hát. GS Khê nói: "Ngày nay người ta đã hát có đàn, cứ tổ chức hát có đàn, chứ không phải là nhất nhất cổ".

"Điều này cho thấy cái hành xử với âm nhạc truyền thống, không cứ phải đẩy nó vào cổ sơ. Gợi mở cách ngẫu hững, không thể ép người ta chỉ hát những bài cũ. Quan điểm của GS rất gợi mở. Đúng là cách nhìn của GS bậc thầy", nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nhấn mạnh.

Tình Lê

Share this post


Link to post
Share on other sites

Dàn nhạc dân tộc tấu khúc tiễn biệt Giáo sư Trần Văn Khê

 

Vào lúc 10h ngày 26/6, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và học trò đã làm lễ phát tang GS Trần Văn Khê tại ngôi nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TPHCM.
 >>  Cuộc đời, sự nghiệp GS. Trần Văn Khê qua hồi ức của con trai (II)
 >>  Những hình ảnh hiếm thấy về Giáo sư Trần Văn Khê
 >>  Giáo sư Trần Văn Khê trút hơi thở cuối cùng

Nhiều người đã không kìm nén được tiếng khóc, dù biết nước mắt sẽ khiến người đi không nhẹ lòng. Đến dự lễ phát tang có nghệ sĩ Kim Cương, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, TS Nguyễn Nhã, nghệ sĩ Hải Phượng…

 
Lễ viếng chính thức bắt đầu từ 12h cùng ngày cho đến hết ngày 28.6. Trừ con trưởng - GS Trần Quang Hải sáng ngày 27.6 mới về kịp, con cháu của GS đã tụ về đông đủ. Kiến trúc sư Trần Quang Minh, con trai thứ của GS thay mặt anh trai tiếp khách. Dàn nhạc dân tộc cùng nghệ sĩ Hải Phượng xướng lên những khúc nhạc lưu luyến tiễn đưa ông.
 
Theo như di nguyện của GS, lễ tang của ông được tổ chức theo nghi lễ Phật giáo, có các nhà sư đến từ chùa Định Thành, quận 10, tụng kinh.
 
BTC tang lễ thông báo miễn nhận vòng hoa, vì theo di nguyện của GS, tiền phúng điếu sẽ dành để lập quỹ học bổng cho những người nghiên cứu âm nhạc truyền thống.
 
Lễ truy điệu và lễ động quan sẽ diễn ra vào 6h ngày 29.6. Linh cữu Giáo sư Trần Văn Khê được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Hoa Viên Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
 
95-34130.jpg
Lễ viếng chính thức bắt đầu từ 12h cùng ngày cho đến hết ngày 28.6.
 
96-34130.jpg
Nghệ sĩ Hải Phượng và dàn nhạc
 
97-34130.jpg
Kiến trúc sư Trần Quang Minh, con trai thứ của GS thay mặt anh trai tiếp khách
 
98-34130.jpg
Vào lúc 10h ngày 26.6, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và học trò đã làm lễ phát tang GS Trần Văn Khê tại ngôi nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TPHCM.
 
99-34130.jpg
Đông đủ con cháu của GS tề tựu
 
100-34130.jpg
NS Kim Cương, nhà báo Nguyễn Thế Thanh
 
101-34130.jpg
NS Kim Cương không cầm được nước mắt
 
102-34130.jpg
Các nhà sư tụng kinh cho người đã khuất
 
Theo M.T
Lao động

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay