Posted 7 Tháng 4, 2015 PHẦN HAI: NHỮNG NHÂN VẬT LỊCH SỬ ĐẶC BIỆT Thục Phán-An dương Vương Những nhận định và đánh giá về Thục Phán và thời đại của ông hầu hết đều thiếu bằng chứng lịch sử, nên phần lớn chỉ là những lời đồn đoán hoặc thêu dệt, đầy mâu thuẩn. Kết quả đó biến ông thành một nhân vật của truyền thuyết hay huyền thoại hơn là một nhân vật lịch sử có vai trò vô cùng quan trọng đối với dân tộc. Lịch sử là một chuỗi sự kiện tương quan biện chứng, vì vậy chỉ cần sắp xếp các sự kiện này theo mối quan hệ vốn có của nó, thì có thể làm sáng tỏ lịch sử của một thời kỳ nhất định. Và những mâu thuẫn như trường hợp trên sẽ không xảy ra. Chỉ khi nào không có những dữ liệu tối thiểu thì chuỗi biện chứng không thực hiện được. Lúc đó lịch sử sẽ chìm trong bóng tối, và huyền thoại lên ngôi. Thục Phán không nằm trong trường hợp này. Chúng ta có thể làm sáng tỏ những nghi vấn về Thục Phán thông qua các bằng chứng hiển nhiên của lịch sử. Nhiều tác giả căn cứ vào cái tên Thục Phán để xác quyết ông là người Hán, hơn nữa lại là vua nước Thục thời Chiến Quốc. Nhưng sau khi đối chiếu niên đại, thấy không phù hợp nên cho rằng ông chính là cháu nội của vua Thục, người bị nhà Tần tiêu diệt. Thân thế, sự nghiệp, và mối quan hệ của Thục Phán với Hùng Vương hầu như là những suy đoán thiếu bằng chứng nên không có tính thuyết phục. Không những thế còn tạo thêm nhiều nghi vấn: Làm sao một ông vua nước Thục ở Hoa bắc cách xa miền bắc Việt Nam cả 3000km, lại có thể biết được con gái của Hùng Vương, và đem lòng yêu mến? Thời Chiến Quốc là giai đoạn chiến tranh khốc liệt, bằng chứng là nước Thục bị Tần thôn tính. Vậy vua Thục thực hiện việc cầu hôn lúc nào, hành trình ra sao, mất bao nhiêu thời gian? Trong nội dung bài trước đã có nêu đầy đủ bằng chứng để khẳng định, đất nước Âu Lạc của Hùng Vương được thành lập trong vùng gần hồ Động Đình của dòng Trường Giang, vùng Hoa nam. Niên đại Hùng Vương kết thúc vào thế kỷ 11TCN. Giai đoạn tiếp theo là thời kỳ Bách Việt, hình thành từ sự tan rã nhà nước Âu Lạc của Hùng Vương. Thời kỳ Bách Việt cũng kết thúc vào năm 210TCN sau khi Đồ Thư cưỡng chiếm vùng Hoa nam. Như vậy hoàn toàn không có quan hệ trực tiếp nào giữa Hùng Vương và Thục Phán, ngoài những lời đồn đoán mơ hồ không cơ sở. Tên người có khi mang dấu hiệu của nguồn gốc, hoặc thân thế. Nhưng nó không có tính qui luật, nên tên gọi có thể mang một ý nghĩa tượng trưng nào đó, hoặc đơn giản chỉ là sỏ thích ngẫu nhiên mà thôi. Không cần tìm kiếm nhiều bằng chứng để phủ nhận nguồn gốc Hán tộc của Thục Phán, chỉ việc ông bị Triệu Đà tiêu diệt chỉ vì cả tin và ngoại giao bằng tình cảm, cũng đủ xác định ông là người Việt, một thủ lĩnh tự phong, mang đậm tính cách của một nông dân chân chất quê mùa. Trong trường hợp này, tên Thục Phán cũng như vương hiệu An Dương Vương là do Cao Lỗ đặt cho vì Thục Phán không biết chữ Hán. Và Cao Lỗ có khả năng là hậu duệ của một đại thần trong triều nhà Thục. Để bảo vệ luận thuyết nầy, ta có thể xem xét tài năng cùng tính cách của mỗi người, vì những yếu tố này được hình thành từ nguồn gốc xuất thân của họ. Có thể tìm hiểu về Cao Lỗ trước sau đó đến Thục Phán, vì các biểu hiện của Cao Lỗ dễ nhận ra hơn từ đó giúp làm sáng tỏ vấn đề của Thục Phán. Những biểu hiện về nguồn gốc Hán tộc của Cao Lỗ: Trước Công Nguyên, người Việt chưa có họ, vì vậy Cao Lỗ đến từ phương bắc. Họ Cao tại miền bắc Việt Nam không tìm thấy mối liên hệ nào giữa thủy tổ của mình với Cao Lỗ, mặc dầu xuất hiện rất lâu sau Cao Lỗ. Như vậy Cao Lỗ không phải dân địa phương nên không có bà con, anh em, gia tộc tại miền bắc. Một mình ông chạy trốn quân Tần không mang theo gia đình vợ con, nên khi ông chết đi không có hậu duệ ở Việt Nam. Tài năng và kiến thức về kỹ thuật, quân sự, chính trị, kiến trúc xây dựng...mưu lược của Cao Lỗ có lẽ khó tìm được người thứ hai trên toàn lãnh thổ Bách Việt từ Hoa nam đến miền bắc Việt Nam, ngoại trừ những vùng lãnh thổ thuộc Sở, Ngô, Việt. Nếu ở Hoa nam cũng có thì quân Tần không thể nào dễ dàng và nhanh chóng san bằng vùng Hoa nam, nơi đất rộng người đông, chỉ trong vòng tám năm của cuộc chiến tranh xâm lược. Việc xây thành Cổ Loa cho thấy Cao Lỗ đã có kinh nghiệm bản thân hoặc học được trong sách vở về chiến tranh phòng thủ. Kỹ thuật chiến tranh này chỉ có ở phương bắc chứ chưa có ở phương nam, vì đên lúc đó vùng này chưa xảy ra kiểu chiến tranh qui mô như vậy. Điều này chứng tỏ Cao Lỗ là người Hán, và có thể là con cháu đại thần nước Thục, nên tích lũy kinh nghiệm chống Tần rất hiệu quả. Nỏ liên châu là một loại vũ khí có lực sát thương lớn hơn những cung nỏ thông thường, nhưng nó không phải là nỏ thần theo sự tưởng tượng. Nhưng chừng đó cũng đủ chứng minh Cao Lỗ là một chuyên gia về vũ khí, nhất là loại vũ khí tiêu diệt sinh lực địch tập trung, như khi công thành. Như vậy, Cao Lỗ đã lên kế hoạch phòng thủ hoàn hảo kết hợp thành lũy và vũ khí tương thích để đạt thắng lợi. Một người như vậy không thể xuất thân là nông dân nơi làng quê thanh bình của phương nam được. Khi xây thành Cổ Loa, Cao Lỗ đã kết hợp thuật bói toán cùng phép phong thủy. Thuật bói toán mà ông dùng được người Hán truyền tụng từ đời nhà Thương, đó là bói toán trên mu rùa. Dựa theo kết quả này ông tiến hành xây dựng thành, tức là theo hướng dẫn từ mu rùa. Từ đó, Cao Lỗ đã huyễn hóa ra câu chuyện thần Kim Qui đã hiện lên bò theo những đường mà theo đó để xây thành sẽ không bị đổ. Đồng thời thần Kim Qui cũng cho móng để làm nỏ. Đây là thuật mê hoặc dân chúng dựa vào lòng mê tín của họ nhằm tập trung, kích động tâm lý, tạo niềm tin để sai sử họ thực hiện những việc khó khăn, và lớn lao của xã hội. Phương pháp nầy được xử dụng khá phổ biến trong thời phong kiến. Ở Việt Nam thời Lê Lợi đã huyễn hóa ra câu chuyện thần Kim Qui trao kiếm Thuận Thiên. Hay như Nguyễn Trãi dùng mật đường viết chữ trên lá để tuyên cáo với dân chúng sự xuất hiện của anh hùng Lê Lợi, để khuyến dụ dân chúng tin đó là lời mách bảo của thần linh. Còn về phong thủy Cao Lỗ dựa vào phép ngũ hành sinh khắc để chọn địa bàn và phương hướng để xây thành, sao cho thuận hợp với ta và khắc chế với địch. Ông chọn xây thành trên nền đất yếu vùng trũng nên rất khó thi công. Thế nhưng địa bàn này quen thuộc với dân địa phương nên rất thuận lợi trong chiến tranh du kích. Trái lại, nơi đây là môi trường khắc chế với quân Tần, đặc biệt là đối với kỵ binh – đội quân tiên phong và tinh nhuệ của Đồ Thư. Do ông là người thiết kế và chỉ huy xây thành, nên tên Cổ Loa có thể là chữ Cao Lỗ đọc trại ra mà thành, giống như phép chiết tự sau này. Tóm lại những biểu hiện của Cao Lỗ chứng tỏ ông là một tài năng xuất chúng mà vùng bắc Việt Nam thời đó không thể đào tạo được. Hơn nữa ông còn tỏ ra hiểu tính cách người Hán qua việc can ngăn Thục Phán làm thông gia với Triệu Đà. Những nhận xét trên đủ cơ sỏ để nói rằng Cao Lỗ là một người Hán chạy trốn quân Tần về phương nam. Và rất có thể, Cao Lỗ đầu nhập vào lực lượng của Thục Phán để giúp ông chống Tần nhằm mục đích trả thù cho vua Thục, qua việc xây dựng hình tượng Thục Phán. Nhưng biểu hiện về xuất thân của Thục Phán không nhiều và không rõ ràng như Cao Lỗ. Nhưng việc ông bị bại vong bỡi Triệu Đà cho thấy ông không hiểu gì về đối thủ, và là kẻ thù của mình. Điều này đồng nghĩa ông không biết văn hóa Hán. Nó chứng tỏ ông không phải người Hán , và càng không phải là một vương tôn. Một người thuộc dòng dõi vua chúa, và có tiềm năng trở thành một vị vua, thì đầu tiên sẽ được đào tạo để có một bản lĩnh chính trị vững vàng, những vấn đề khác là thứ yếu. Nếu không như vậy, triều đại do người đó cầm quyền sẽ nhanh chóng sụp đổ. Nhà nước Âu Lạc của Thục Phán chỉ tồn tại chưa đầy hai năm vì lý do này. Thục Phán thua Triệu Đà khi đang ở thế thượng phong. Lúc đó Thục Phán đã là An Dương Vương, là vua của nước Âu Lạc có binh hùng tướng mạnh, có thành Cổ Loa kiên cố bảo vệ, lại có quân sư xuất chúng Cao Lỗ phò tá. Còn triệu Đà chỉ là một quan chức nhỏ, từng nằm dưới quyền của Nhâm Ngao và đại tướng Đồ Thư. Danh tướng Đồ Thư bị giết và đại quân của ông đại bại dưới tay Thục Phán. Bản thân Triệu Đà và Nhâm Ngao cũng từng là bại tướng của An Dương Vương. Vì vậy lý giải cho việc sụp đổ và diệt vong của triều đại An Dương Vương không đơn giản. Nhưng với vị thế của một vị vua như Thục Phán lại dễ dàng chấp nhận quan hệ thông gia với Triệu Đà, bỏ ngoài tai lời can ngăn của Cao Lỗ là một sai lầm khó có thể chấp nhận. Sự việc nầy cho thấy Thục Phán không có bản lĩnh chính trị của một vị vua. Trong quan hệ ngoại giao cấp quốc gia, Thục Phán lại dựa vào tình cảm và niềm tin ngây thơ của mình dành cho một kẻ thù đầy mưu mô và thủ đoạn như Triệu Đà. Điều này chứng tỏ Thục Phán mang đậm bản chất của một nông dân quê mùa chân chất, chứ không phải là một vương tôn nhà Thục được đào tạo theo truyền thống. Có nhiều đồn đoán cho rằng Triệu Đà dùng kế thông gia để gài Trọng Thủy vào ở trong thành Cổ Loa, nhằm đánh cắp bí mật phòng thủ của Thục Phán. Và nhờ biết được những bí mật quân cơ của đối phương nên Triệu Đà đã phá được thành Cổ Loa và đánh bại Thục Phán. Lời đồn đoán này không có cơ sở, và sự thật Triệu Đà không có lập kế như vậy. Triệu Đà thắng Thục Phán hoàn tòan do may mắn, và sự may mắn đó đến từ sự non kém của Thục Phán, một người không được đào tạo trong môi trường quyền chính. Trong câu chuyện thông gia, có thể Triệu Đà qua mắt Thục Phán khi dùng một thuộc hạ đóng vai Trọng Thủy, là con trai trưởng của mình. Đây chỉ là nghi vấn nên nêu lên chỉ để tham khảo. Vì nếu nó là sự thực sẽ cho thấy Triệu Đà là người rất thủ đoạn, và Thục Phán là một người thật thà cả tin và mất cảnh giác. Có hai sự việc dẫn đến nghi vấn này: Sử Trung Quốc ghi Triệu Đà tham gia cuộc nam chinh vào năm hai mươi tuổi. Cuộc chiến xâm lăng Bách Việt do chủ tướng Đồ Thư thực hiện năm 218TCN. Năm 208 TCN, Triệu Đà diệt Âu Lạc, nghĩa là cùng năm đặt quan hệ thông gia với Thục Phán. Lúc đó Triệu Đà mới ba mươi tuổi. Không thể khẳng định, nhưng khả năng Triệu Đà có con trưởng thành như Trọng Thủy là rất thấp. Người kế vị Triệu Đà không phải là Trọng Thủy, mà được nói là con của Trọng Thủy(?) Riêng phần Trọng Thủy đã tự sát khi hay tin Mỵ Châu bị An Dương Vương giết chết. Chuyện tình Trọng Thủy – Mỵ Châu được thêu dệt với nhiều tình tiết lâm ly cảm động do tưởng tượng mà ra. Sự thật chỉ có Mỵ Châu lụy vì tình. Còn Trọng thủy không có chút nghĩa tình gì với người vợ trên danh nghĩa cả! Trọng Thủy đi làm nhiệm vụ con tin cho Triệu Đà để cầu hòa với An Dương Vương. Việc cầu hôn Mỵ Châu là kế giữ mạng cho Trọng Thủy, chứ không nhằm xây dựng gia đình tương lai. Hơn nữa, hai người cũng chỉ mới biết nhau trong thời gian rất ngắn chưa tạo được sự gắn bó tình nghĩa vợ chồng. Bỡi vậy, khi được Mỵ Châu dẫn đi trốn, Trọng Thủy chỉ lo cho thân mình, còn bỏ rơi Mỵ Châu. Mặc dù biết rằng Mỵ Châu ở lại sẽ đối mặt với nhiều hiểm nguy, và chắc chắn hai người sẽ không có cơ hội gặp lại. Do đó cái chết của Trọng Thủy không phải vì tình. Trọng Thủy chết vì đã hoàn thành nhiệm vụ, theo cách được thỏ thì giết chó. Nghĩa là Triệu Đà giết Trọng Thủy để bịt miệng, và để tránh lời dị nghị về việc Trọng Thủy không được nối ngôi. Việc này Triệu Đà gián tiếp xác nhận Trọng Thủy không phải con mình. Tuy nhiên đây chỉ là nghi vấn, và dù có hay không, nó cũng không phải là nguyên nhân của sự diệt vong nước Âu Lac. Có thể tìm hiểu nguyên nhân của biến cố này sau khi xác định niên đại của nhà nước này. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, triều đại An Dương Vương bắt đầu từ 257-208 TCN, còn các sử gia hiện đại căn cứ vào Sử ký Tư Mã Thiên là tài liệu gần thời đại nước Âu Lạc nhất, cho rằng An Dương Vương và nước Âu Lạc tồn tại từ khoảng 208 TCN đến 179 TCN, tức là gần 30 năm (nguồn Wiki ). Những thông tin trên không những mâu thuẩn nhau mà còn không theo logic lịch sử. Trong phần một của bài viết(Truyền thuyết và lịch sử) đã khẳng định thời đại Hùng Vương kết thúc vào thê kỷ 11TCN, nên không có bất kỳ mối quan hệ trực tiếp nào giữa Hùng Vương với Thục Phán. Và trong đó cũng khẳng định Hùng Vương là tồn tai vô địch của thời đại, nên không có ai dám quấy nhiễu. Chỉ một lần duy nhất, giặc Ân tấn công Âu Lạc, vì chưa biết về Hùng Vương. Phần trên của bài viết đã chứng minh Thục Phán không phải là hậu duệ nhà Thục. Năng lực yếu kém của Thục Phán, và nhà nước non trẻ Âu Lạc không thể minh chứng cho việc ông làm vua và đất nước đã phát triển qua 50 năm ( 257-208TCN). Bằng cớ là Triệu Đà một thủ lĩnh ly khai, lực lượng chưa tập trung vẫn có thể dễ dàng và nhanh chóng tiêu diệt ông. Về năm mất của triều đại An Dương Vương, các tài liệu ghi chép khác nhau. Đa phần sách sử Việt Nam (Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Việt sử Tiêu án) đều chép là An Dương Vương mất nước năm 208 TCN (nguồn Wiki). Thời điểm diệt vong của Âu Lạc là 208TCN là phù hợp với diễn trình lịch sử hơn niên điểm 179TCN(dựa vào Sử ký Tư mã Thiên). Theo Sử ký Tư mã Thiên, thì thời điểm nước Âu Lac diệt vong, lúc này Triệu Đà đã 60 tuổi mà con trai trưởng mới lập gia đình, còn con gái An Dương Vương mới đến tuổi lấy chồng thì cũng hơi lạ. Hơn nữa Âu Lạc được thành lập trước, và khởi đầu rất hùng mạnh(đánh thắng đại quân của Đồ Thư). Vì sao sau 30 năm lại trở nên suy yếu đến nổi thảm bại và bị diệt vong chỉ với một trận công kích của Triệu Đà. Để xác lập niên đại cùng nguyên nhân diệt vong của nước Âu Lạc, cần phải dựng lại bối cảnh cùng với những biến cố lịch sử trong giai đoạn đó: Sau khi thống nhất Hoa bắc, Tần thủy Hoàng muốn thâu tóm luôn lãnh thổ của Bách Việt ở Hoa nam và bắc Việt. Vào năm 218TCN, Đồ Thư được lệnh dẫn 50 vạn quân và Nhâm Ngao làm phó tướng sang đánh chiếm lãnh thổ của Bách Việt ở phương nam, Triệu Đà cũng có mặt trong đoàn quân đó. Sau gần tám năm, vào khoảng cuôi năm 211 TCN, Đồ Thư đã bình định xong vùng Hoa nam. Kế đến, đại quân kéo xuống đồng bằng sông Hồng theo hành lang đông bắc, với ý đồ tiêu diệt người Việt và thôn tính vùng lãnh thổ này. Điều không ngờ với Đồ Thư là trong lúc say men chiến thắng khi tiêu diệt hàng loạt các thủ lĩnh Bách Việt ở Hoa nam. Thì có một người Hán (có thể là hậu duệ của đại thần nước Thục) có thù với Tần, đã đào tẩu đến vùng đồng bằng sông Hồng, và đầu quân cho một thủ lĩnh địa phương với ý đồ giúp ông đánh Tần để trả thù. Người này có tên là Cao Lỗ, và vị thủ lĩnh đó sau này mang tên Thục Phán. Cao Lỗ là một tài năng xuất chúng, ông biết rõ nguyên nhân dẫn đến thảm bại của các thủ lĩnh ở vùng Hoa nam. Vì vậy ông đã giúp Thục Phán xây dựng một kế hoạch phòng thủ khoa học và hiệu quả. Trước hết ông xây thành Cổ Loa, kế đến là huấn luyện đội ngũ và cải tiến vũ khí. Điều may mắn với Thục Phán là trong khi quân số quá ít do cư dân trên địa bàn còn thưa thớt, đã được bổ sung bỡi một nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng đến từ Hoa nam. Một phần trong số này là những thủ lĩnh đương thời bị quân Tần đánh bại, nên dẫn thuộc hạ chạy về miền bắc Việt Nam để bảo toàn lực lượng. Một phần là con cháu của các thủ lĩnh thời Hùng Vương, có nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ linh vật trống đồng của tổ tiên. Để tránh cho trống đồng bị quân Tần hủy hoại, những người này đã mang bảo vật này về vùng đồng bằng sông Hồng để chôn dấu. Trống đồng là một vật cồng kềnh nặng nề, nên một người không thể mang nó vượt qua hàng ngàn cây số để đến nơi an toàn. Vì vậy một trống đồng phải có đến hàng chục người mạnh khỏe theo hộ tống. Thời ấy ước khoảng có hơn ngàn chiếc trống được mang về miền bắc. Từ đó suy ra số người chạy về vùng đồng bằng sông Hồng lên đến vài vạn người, và hầu hết là những tráng đinh khỏe mạnh biết chiến đấu. Những người này được chiêu mộ vào lực lượng của Thục Phán, làm cho quân số, và sức mạnh quân sự của ông tăng vọt, thừa sức để đối đầu với quân Tần. Con đường tiến quân thần tốc của Đồ Thư bị chận đứng bỡi thành Cổ Loa kiên cố và đội quân dũng cảm, thiện chiến của Thục Phán. Lần đầu tiên trong cuộc chiến tám năm, quân Tần phải công thành. Thành được xây trong vùng bùn lầy, nên lực lượng kỵ binh của Đồ Thư coi như bị loại khỏi vòng chiến. Bộ binh di chuyển chậm chạp khó khăn và trở thành nhưng tấm bia sống cho nỏ liên châu. Hoặc vô cùng chật vật và thua thiệt trước lối đánh du kích của dân quân Âu Lạc. Nhưng do sức ép của Tần thủy Hoàng, Đồ Thư phải dốc toàn lực để triệt hạ cho bằng được thành Cổ Loa. Thế nhưng mọi nổ lực đều không mang lại kết quả. Cuối cùng Đồ Thư bỏ mạng tại trận, và đại quân Tần bị thảm bại. Tàn quân rút chạy về Hoa nam. Trước đó, lực lượng kháng chiến ở Hoa nam đều bị quân Tần dễ dàng và nhanh chóng tiêu diệt vì lực lượng quá manh múm. Đặc biệt ở đây không có công sự phòng thủ để bảo vệ, và thành lũy để ngăn cản quân địch. Trong cuộc chiến này, lần đầu khi tiến vào vùng châu thổ sông Hồng, Đồ Thư phải đối mặt với một lực lượng chiến đấu can trường dũng mãnh, có tổ chức của Thục Phán. Lực lượng của ông được hổ trợ và bảo vệ nhờ thành Cổ Loa kiên cố, thêm vào đó là nỏ liên châu có khả năng sát thương lớn. Sức mạnh tổng hợp đó đã đánh tan quân Tần và giết chết Đồ Thư. Thiếu một trong ba yếu tố đó thì không thể nào ngăn được quân Tần, chứ nói gì giết được Đò Thư. Vì vậy có tác giả cho rằng thắng trận xong Thục Phán mới lịnh cho Cao Lỗ xây thành là không chính xác. Sau khi đánh bại quân Tần, Thục Phán mới có đủ tư cách lên ngôi vua. Đồ Thư bị giết vào khoảng đầu năm 210TCN (trước khi Tần thủy Hoàng chết mấy tháng), như vậy triều đại An Dương Vương được khởi lập vào năm 210TCN, chứ không phải năm 257TCN. Trước khi lên ngôi, vị vua nước Âu Lạc không mang họ. Họ tên của ông được đặt cho phù hợp với vương vị, để thống nhất cách xưng hô trong nước , và đồng thời làm cơ sở để truyền ngôi sau này. Tên Thục Phán có thể là hình tượng mà Cao Lỗ muốn phục dựng. Tên hiệu An Dương Vương nói lên kỳ vọng một đất nước thanh bình. Riêng quốc hiệu Âu Lạc phản ánh nguồn gốc hình thành quốc gia. Đó là một quốc gia tồn tại được nhờ vượt qua cuộc chiến tranh xâm lược. Thành quả này là sự đóng góp xương máu của nhân dân Âu và Lạc, một hình ảnh tái hiện nhà nước Âu Lạc thời Hùng Vương. Thục Phán là thủ lĩnh người Lạc(đàn ông), như vậy những người tham gia chiến đấu cùng ông là những người Âu và Lạc, hoặc đến từ vùng rừng núi Việt bắc, hoặc chạy về từ vùng Hoa nam. Sau khi Đồ Thư bị giết, tàn quân Tần chạy về Hoa nam. Lúc này trách nhiệm hoàn tất cuộc nam chinh được chuyển sang cho Nhâm Ngao và Triệu Đà. Nhưng Nhâm Ngao đã già yếu nên trách nhiệm chính là do Triệu Đà gánh vác. Một nhiệm vụ bất khả thi, vì cả Nhâm Ngao lẫn Triệu Đà đều không phải là đối thủ của Thục Phán, ngay cả chủ tướng danh chấn Đồ Thư của họ cũng đã bị tiêu diệt. Dù biết không phải đối thủ của An Dương Vương nhưng trước hung uy của Tần thủy Hoàng, Triệu Đà buộc lòng phải tập trung binh mã để sang khiêu chiến. Trong tâm trạng đó, Triệu Đà chỉ đánh cầm chừng, mỗi khi An Dương Vương phản công thì bỏ chạy. Triệu Đà muốn duy trì cuộc chiến giằng dai như vậy để chờ viện binh. Cuộc chiến này không kéo dài, vì chỉ vài tháng sau thì có tin báo Tần thủy Hoàng chết. Thế là Triệu Đà vội vã kéo quân chạy về Phiên Ngưng cố thủ chờ nghe ngóng tình hình Hoa bắc. Sau khi Tần thủy Hoàng chết, đế chế của ông bị lung lay. Đất nước bị rối ren do Trần Thắng, Ngô Quảng nổi loạn, tiếp đến Lưu Bang và Hạng Vũ tranh hùng. Tần nhị thế không đối phó nổi với các thế lực chống đối, bèn triệu hồi Triệu Đà về kinh cứu giá. Nhưng Triệu Đà là một người khôn ngoan lão luyện và nhiều thủ đoạn. Ông nhận định vận sồ nhà Tần đã chấm dứt, ông cũng không phải là một trung thần. Do đó ông kháng mệnh, vì không muốn quay về để để bị chôn chung cùng vương nghiệp của Tần vương. Quyết định này cũng đem lại cho Triệu Đà những khó khăn mới. Ông chỉ biết nhà Tần sẽ bị diệt vong, nhưng không thể biết ai là người chiến thắng sau cùng- Lưu Bang hay Hạng Võ. Chính vì lẽ đó mà Triệu Đà không quyết định được nên đầu nhập phe nào. Tình cảnh của Triệu Đà như chó nhà tang! Bỡi vì trước mắt ông phải đối mặt với vô cùng khó khăn: Triệu Đà còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu cũng như quản lý điều hành xã hội. Quân đội của ông khá yếu, do ông tiếp nhận từ sau khi Đồ Thư chết. Khởi đầu có 50 vạn quân, nhưng sau tám năm chinh chiến, số binh lính bị loại khỏi vòng chiến khá lớn do bị giết, thương tật, già yếu...và một số không nhỏ được chia ra đồn trú khắp vùng Hoa nam để kiểm soát và trấn áp các cuộc nổi loạn của dân Bách Việt. Lúc đó tại vùng Hoa nam, ngoài binh lính và quan chức người Hán, chỉ có hơn 50 vạn người dân Hoa bắc được ông khuyến dụ đưa sang để thực hiện kế hoạch đồng hóa Bách Việt là những người trung thành và ủng hộ ông vì quyền lợi của họ mà thôi. Trong điều kiện rất ít thuận lợi, Triệu Đà phải chuẩn bị đối phó với một nhà nước hùng mạnh sắp thành lập ở Hoa bắc trong tương lai rất gần, dù không biết đích xác lúc nào. Không những vậy, bên cạnh ông một nước Âu Lạc hùng mạnh ở phương nam là nỗi ám ảnh đe dọa thường xuyên. Do đó Triệu Đà một mặt ra sức củng cố lực lượng, dập tắt mọi cuộc nổi loạn của dân Bách Việt. Mặt khác tỏ ra hòa hoãn với An Dương Vương. Chính đường lối ngoại giao mềm dẽo, khôn khéo đã giúp Triệu Đà vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Hoàn cảnh khó khăn, bị cô lập và tương lai bấp bênh của Triệu Đà không thể nào che mắt được Cao Lỗ và các tướng lĩnh trong triều đình Âu Lạc. Họ nhận định đây là thời cơ để phản công tiêu diệt Triệu Đà, và giải phóng lãnh thổ Bách Việt. Đó là tâm nguyện của tất cả các thủ lĩnh và dân chúng ở Hoa nam đã chạy trốn Đồ Thư về miền bắc Việt Nam. Khi họ theo lời kêu gọi của Thục Phán kháng chiến chống Tần đến thành công, họ hoàn toàn không mong muốn được làm quan trong triều đình của Thục Phán. Họ chỉ mong Thục Phán giúp họ đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi quê hương, và giải cứu người thân của họ đang còn kẹt lại ở đó. Khi đã có thời cơ vô cùng thuận lợi để thực hiện nguyện vọng thiêng liêng đó, nhưng Thục Phán đã không đáp ứng thỉnh cầu của họ. Cuộc phản công mơ ước của các thủ lĩnh Bách Việt để đánh đuổi Triệu Đà không thực hiện được vì Thục Phán không ủng hộ. Tất cả đều thất vọng và phẩn uất, họ xem Thục Phán như một kẻ phủi ơn nên đã ly khai. Chỉ có một số rất ít nán lại chờ thời điểm phù hợp để ra đi. Có thể tầm nhìn của Thục Phán hạn hẹp,và không có tham vọng. Ông cũng thiếu sự chia sẻ, hy sính với những người anh em Bách Việt. Hơn nữa, trong quá khứ Triệu Đà chưa gây ra tội ác đáng kể trên lãnh thổ của ông. Vì vậy ông không mặn mà với việc gây chiến cùng Triệu Đà. Dù lý do thế nào đi nữa, nhưng sự ly khai của các thủ lĩnh Bách Việt là có thực. Sự kiện này làm cho thực lực của An Dương Vương trở nên suy yếu chưa từng thấy, vì sự phân hóa trong nội bộ, sự mâu thuẩn và chống đối ngấm ngầm. Từ vị thế của một vị vua hùng mạnh, so với Triệu Đà là một quan chức nhỏ mới ly khai. Nay thì vị thế đó đã bị đảo ngược. Tình trạng này tạo áp lực nặng nề cho Thục Phán. Cao điểm của sự khủng hoảng là khi ông không còn nghe lời khuyên can của Cao Lỗ, một người thân cận và giúp ông hết mình từ ngày đầu dựng nước. Quá thất vọng Cao Lỗ cũng bỏ đi. Khi không còn quân sư Cao Lỗ, An Dương Vương không đủ bản lĩnh và sự sáng suốt cần thiết của một vị vua, dẫn đến một quyết định sai lầm vô cùng tai hại, mà hậu quả của nó là mất nước và diệt vong. Có ý kiến cho rằng, Triệu Đà bày kế thông gia để đưa con là Trọng Thủy vào làm nội gián trong triều của An Dương Vương, điều này không đúng. Trước sau, Triệu Đà vẫn kiên sợ An Dương Vương, vì quân Tần từ Đồ Thư, đến Nhâm Ngao, Triệu Đà đều là bại tướng dưới tay ông. Hơn nữa dưới trướng An Dương Vương, ngoài quân sư đại tài Cao Lỗ còn rất nhiều dũng tướng, và nỏ liên châu đặc biệt nguy hiểm. Vì thế trong suy nghĩ của Triệu Đà, lực lượng của An Dương Vương đã tăng trưởng và mạnh lên gấp bội, chỉ sau vài năm. Trong khi đó lực lượng của ông không được bổ sung, lại bị kiềm chế bỡi những cuộc khởi loạn thường xuyên của người Bách Việt. Những suy nghĩ của Triệu Đà hoàn toàn có cơ sở, vì ông không biết được nội tình của Âu Lạc. Do đó vào năm 208TCN, cục diện ở Hoa bắc dần dần định hình. Triệu Đà thấy trước khả năng phải đối đầu với thế lực hùng mạnh của phương bắc. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh với phương bắc, điều làm Triệu Đà lo sợ nhất là An Dương Vương lợi dụng thời cơ sẽ tấn công phía sau. Rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch và với hai đối thủ đều mạnh, con đường diệt vong của Triệu Đà là tất yếu. Để tránh kết cục bi thảm đó, Triệu Đà đã chủ động cầu hòa với An Dương Vương. Theo thông lệ Triệu Đà phải đưa con trưởng là Trọng Thủy sang làm con tin. Nhưng Triệu Đà biết trong triều của An Dương Vương có rất nhiều người Bách Việt rất căm thù người Hán, như vậy tính mạng của Trọng Thủy sẽ gặp nguy hiểm. Một cách để giữ an toàn cho Trọng Thủy là cầu hôn con gái của An Dương Vương là Mỵ Châu cho anh ta. Một điều may mắn không ngờ cho Trọng Thủy là An Dương Vương đã chấp thuận lời cầu hôn. Quyết định của An Dương Vương do suy nghĩ sai lầm và nông cạn. Trong tình trạng triều thần có nhiều người bất phục và ngấm ngầm chống đối, ông không giải quyết sự việc từ nguyên nhân, mà lại đi tìm sự hổ trợ bên ngoài để làm đối trọng, để trấn áp những người bất phục. Điều này vô tình thổi bùng lên sự bất mãn và xé to sự mâu thuẩn trong nội bộ. Khi Trọng Thủy ra mắt triều đình, bất chấp sự có mặt của An Dương Vương, những tướng lĩnh Bách Việt chưa ly khai đều muốn giết Trọng Thủy để trả thù người Hán xâm lăng quê hương, tàn sát người thân của họ. Bản thân họ cũng phải chạy trốn thảm thương. Trong tình huống đó, An Dương Vương phải xử dụng uy quyền của vua để trấn áp những kẻ nổi loạn, bảo vệ con rễ cua mình. Trọng Thủy được an toàn nhờ có Mỵ Châu dẫn đi trốn và che dấu. Tuy nhiên sự việc đó đã làm đổ máu nhiều người và sự tan vỡ không bao giờ hàn gắn được giữa An Dương Vương với các triều thần. Nhất là với các tướng lãnh Bách Việt. Mỵ Châu là một thiếu nữ ngây thơ trong trắng nên đẽ dàng bị Trọng Thủy chinh phục để lợi dụng. Trước những lời đường mật, những lời van nài thề thốt của Trọng Thủy, Mỵ Châu đã bất chấp hậu quả, dấu cha và tìm cách mở cửa thành để Trọng Thủy chạy thoát. Khi Trọng Thủy chạy về tới Phiên Ngung, thì nội tình của An Dương Vương đã bị phơi bày, và Triệu Đà biết rõ từng chi tiết. Triệu Đà không hề bỏ qua cơ hội ngàn năm một thưở để tiêu diệt kẻ thù làm cho ông bao ngày đêm mất ăn mất ngủ. Triệu Đà lập tức điều binh tấn công An Dương Vương trong lúc ông còn chưa hết bàng hoàng và chưa kịp chấn chỉnh triều chính sau sự cố trên. Lúc đó, hầu hết các đại thần và tướng lãnh bỏ đi, Triều đình không còn người tài để ngăn giặc, binh lính hoảng loạn, đội ngũ tan rã. Vì thế hàng vạn mũi tên đồng vẫn nằm yên trong kho, không có người xử dụng. Tình cảnh đó làm cho An Dương Vương cũng mất hết tinh thần, nên bỏ thành dắt Mỵ Châu chạy trốn. Đến lúc hoàn hồn, An Dương Vương trực nhớ đến Trọng Thủy, ông muốn dùng làm con tin để đặt điều kiện với Triệu Đà. Lúc này Mỵ Châu không còn cách nào che dấu được lỗi lầm của mình đành phải thú thật. Thế là cái phao cứu mệnh cuối cùng cũng bị vuột mất. Quá đau khổ và tuyệt vọng An Dương Vương giết chết con gái rồi tự sát! Dù hậu thế có trách An Dương Vương để mắc phải sai đến mất nước, khiến dân tộc bị biến thành nô lệ cho ngoại bang. Nhưng công bằng mà nói, công lao của ông lớn hơn rất nhiều so với sai lầm phạm phải. Nếu vào thời điểm đó, không có Thục Phán xuất hiện, sẽ chẳng có ai ngăn được cổ máy hủy diệt Đồ Thư. Nếu để cổ máy đó quét ngang nơi nào thì phía sau nó chỉ còn hoang tàn và chết chóc. Và để hoàn thành công việc của Đồ Thư, thì không ai làm tốt hơn Triệu Đà. Ông sẽ đào sâu và chôn chặt tất cả những gì còn sót lại trên vùng đất đó, làm cho mọi thứ đều biến mất như chưa hề tồn tại trên thế giới này. Triệu Đà đã không làm được điều đó vì Đồ Thư chưa thực hiện được giai đoạn khởi đầu thì đã bị Thục Phán tiêu diệt. Tóm lại, sau Hùng Vương thì An Dương Vương là người thứ hai đã cứu dân tộc thoát khỏi họa diệt vong bỡi giặc ngoại xâm. 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites