Lê Bá Trung

Ngôi nhà thân thiện: Nơi gặp nhau của phong thuỷ và kiến trúc sinh thái

1 bài viết trong chủ đề này

Posted ImageĐể hoàn thiện nơi ăn chốn ở của mình, con người đã trải qua một chặng đường dài tìm tòi thử nghiệm không mệt mỏi. Thế mà cho đến nay, một không gian kiến trúc gần gũi, thân thiện với môi trường tự nhiên hay còn gọi là kiến trúc sinh thái (KTST), kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững vẫn còn là ước mơ.

Đây là thể loại kiến trúc ra đời trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang ngày càng xấu đi. Việc gia tăng dân số cùng với tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh chóng. Việc khai thác vô độ tài nguyên khắp hành tinh đang huỷ hoại môi trường sinh thái. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ làm cho con người ý thức được nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên năng lượng truyền thống và thúc đẩy xu hướng khai thác năng lượng sạch và tái tạo tiềm năng trong thiên nhiên, đồng thời ý thức việc bảo vệ môi trường ngày càng trở nên bức bách.

Chính vì vậy, việc tổ chức lại cuộc sống phù hợp với hệ sinh thái toàn cầu và phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu tối thượng trong thế kỷ 21. “Phát triển bền vững là khả năng trong lúc thoả mãn các nhu cầu của con người đương đại, không làm tổn hại đến việc thoả mãn các nhu cầu của con người mai sau”.

Nội dung cơ bản của KTST là thể hiện sự kết hợp sinh hoạt của con người với công trình kiến trúc phù hợp với môi trường, giảm chất thải trong cả quá trình từ thi công sử dụng đến loại bỏ, nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường. Đây là mô hình thích hợp cho sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên.

Các kiến trúc sư đã và đang miệt mài tìm kiếm những giải pháp thiết kế KTST dựa trên cơ sở hạn chế tối đa sử dụng các nguồn năng lượng, vật liệu không thể tái sinh, tận dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước. Sử dụng thông gió, che chắn tự nhiên, khai thác các yếu tố cây xanh mặt nước để cải tạo vi khí hậu, vừa đáp ứng được cư trú lành mạnh dễ chịu vừa giảm tối đa thiết bị cơ giói, từ đó giảm chi phí đầu tư xây dựng và sử dụng trong suốt vòng đời của công trình. Mục đích của KTST là hướng tới phục vụ con người, vì con người mà sáng tạo môi trường không gian nhỏ (vi khí hậu) dễ chịu, đồng thời bảo vệ môi trường lớn (môi trường vĩ mô) chung quanh.

Như vậy, nếu chúng ta đem so sánh KTST phương Tây với phong thuỷ của phương Đông thì có thể thấy nhiều trùng hợp về quan điểm và phương pháp thực hành.

Xuất phát từ nền triết học cổ phương Đông, xem con người là tiểu vũ trụ, là hình ảnh thu nhỏ của đất trời - đại vũ trụ, cho nên con ngưòi sống phải hài hoà với tự nhiên, với các quy luật cơ bản của tạo hoá. Phong thuỷ coi trọng việc chọn vị trí xây dựng công trình ở những nơi đất tốt (đất phát), hội tụ rất nhiều yếu tố, trong đó có:

Gió - yếu tố được tạo ra bởi khí lực của đất cũng là luồng khí gồm có khí trời và khí đất, là yếu tố sinh ra vũ trụ và vạn vật.

Nước - được sinh ra từ mạch đất, chảy theo thớ đất, nuôi đất. Nước rất quan trọng vì là nguồn sống của đất, của động thực vật.

Long mạch - là mạch đất trong đó có khí mạch.

Long huyệt - là nơi khí mạch của núi sông ngưng kết lại.

Minh đường - là khoảng trống phía trước huyệt.

Các yếu tố này làm nên cảnh quan môi trường sinh thái tốt, đảm bảo sự phát triển của con người, của một đô thị hay một quốc gia.

Một cách tổng quát, phong thuỷ quan niệm phải gắn bó hữu cơ với vũ trụ theo các quy luật tự nhiên và kiến trúc phải có cấu trúc hài hoà với địa hình cảnh quan, tận dụng các ưu thế, hạn chế các tác hại của môi trường một cách sáng suốt.

Về phương pháp tổ chức không gian, phải dựa trên cơ sở phân tích kỹ địa hình cảnh quan từng mặt của tổ phần nằm trong mối tương quan chung của tổng thể, hoặc có thể cải tạo một phần để đạt đến cấu trúc không gian tốt nhất. Không gian nội thất phải có cấu trúc phù hợp với địa hình cảnh quan về phương vị và tỷ lệ theo một trật tự quy ước. Như vậy có nghĩa là trước tiên cần xác định vị thế, cục diện địa hình và hướng chủ đạo của nó. Xác lập trục không gian kiến trúc qua vị trí trọng điểm của vùng đất đã chọn theo trục địa hình cảnh quan nằm trong mối tương quan với phương vị của vũ trụ.

Thiết kế phong thuỷ theo các nguyên tắc sau đây:

– Cấu trúc không gian được phân vùng quy ước, tuân thủ theo một trật tự của vị thế theo không gian chủ đạo. Cách cấu tạo tượng trưng của không gian khác nhau thể hiện một trật tự chung hoà hợp giữa công trình kiến trúc và không gian cảnh quan bao quanh.

– Cấu trúc không gian xử lý theo dạng chồng lớp, phân tầng bậc từ lớn tới nhỏ. Không gian lớn bao gồm nhiều không gian nhỏ lồng vào nhau. Các công trình kiến trúc tỷ lệ với không gian nhỏ bao bọc quanh nó rồi mở dần ra không gian lớn hơn.

– Phong thuỷ chú ý tới cấu trúc không gian cảm quan trường thị giác và trường lực của vũ trụ.

– Địa hình cảnh quan được đánh giá theo cảm quan của con người - chủ thể công trình. Đặt con người vào vị trí điểm mở của công trình (cửa chính) làm đối tượng đánh giá. Phải có tầm mở ra cảnh quan đẹp, có các yếu tố cảnh quan hướng về (ôm ấp bảo vệ một cách hài hoà cân đối).

Một cách tổng quát, một cấu trúc phong thuỷ tốt dựa trên tổ chức không gian hữu hiệu, chú ý tới quan niệm cân đối, hài hoà, vững chắc và khoảng trống. Ngôi nhà phải phù hợp với cảnh quan. Không gian nội thất với cách bố trí bên trong phù hợp với cấu trúc ngôi nhà và cảnh quan; đạt được sự lưu thông, điều hoà các luồng khí, lực của trời đất, tác động lên con người sống ở đó theo chiều hướng tốt nhất.

Như vậy về căn bản, KTST ra đời ở phương Tây không phải xa lạ mới mẻ mà rất gần gũi quen thuộc, nếu không muốn nói là giống hoặc trùng hợp với phong thuỷ của phương Đông được thể hiện trong các kiến trúc dân gian, truyền thống của các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam mà lịch sử phát triển lâu dài của chúng đã minh chứng một sự gắn bó bền chặt giữa con người, kiến trúc và thiên nhiên theo kiểu thiên - địa - nhân, giống KTST bảo đảm sự cân bằng giữa con người - xã hội - thiên nhiên kiểu phương Tây. Rõ ràng ở đây có sự gặp gỡ trùng hợp đến lạ kỳ! Và KTST thật sự tiêu biểu cho xu hướng kiến trúc thân thiện với môi trường của thế kỷ 21, mục tiêu vươn tới của giới kiến trúc sư ngày nay.

Nguon:camnangkienthuc

Share this post


Link to post
Share on other sites