longphibaccai

Nhà Nông Việt

2 bài viết trong chủ đề này

Chuyện về lão nông “phù phép” ra cây ngũ quả ở Hà Nội

Thứ Năm, 29/01/2015 - 06:51
 

Dân trí Lão nông tài hoa tiết lộ rằng, để cây ra quả “thần tốc” như vậy, ông thường dùng dao tiện vào thân cây với độ sâu hợp lý, điều này gây ảnh hưởng nhất định với việc trao đổi chất của cây, khiến nó phát triển trái với tự nhiên để cho hợp với ý người trồng.

 

Về Thôn Bãi, Cao Viên, Thanh Oai (Hà Nội) hỏi thăm nhà ông Lê Đức Giáp (62 tuổi) chẳng ai là không biết. Ông Giáp từ mấy năm nay nổi tiếng khắp nơi vì có tài tạo ra loại cây ngũ quả chơi tết hết sức đẹp mắt và kỳ lạ.

Vừa đi chăm sóc những cây cảnh lạ mắt của mình, lão nông Giáp vừa kể rằng, cách đây hàng chục năm, gia đình ông quanh năm chỉ biết kiếm sống bằng nghề nông nghiệp và kiếm thêm bằng nghề làm pháo.

a1-312be.jpg
Lão nông dân tài hoa Lê Đức Giáp bên vườn cây cảnh lạ mắt

 

Đến khi nhà nước có lệnh cấm, gia đình ông cũng như nhiều người trong làng phải bỏ hẳn. Mất đi nguồn thu, gia đình ông Giáp lâm vào cảnh khánh kiệt đến mức phải chạy ăn từng bữa. Cuộc sống tưởng chừng như lâm vào bế tắc thì bất ngờ khoảng năm 2000, ông Giáp tình cờ đi chơi nhà bạn ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tại đây, ông thấy các gia đình đều trồng cây cam canh, năng suất tốt và thu nhập đều rất cao. “Thử nhấm tính với mức giá hơn hai chục nghìn một cân, mỗi cây thu về hàng triệu đồng, vườn lại có tới hàng trăm cây, tôi lập tức nảy sinh ý định mang thứ cây này về trồng ở vườn nhà để cải thiện kinh tế”, ông Giáp nhớ lại.

 

Nghĩ là làm, sau khi về nhà, ông Lê Đức Giáp bỏ trồng lúa, dùng toàn bộ diện tích 1.000 m2 trồng cam. Cả nhà thấy vậy ra sức ngăn cản ý nhưng lão nông vẫn quyết phải làm bằng được. Khoảng thời gian đầu tiên ông Giáp gặp rất nhiều khó khăn vì mảnh đất rắn không phù hợp với cây trồng. “Thấy bị sai chỗ nào tôi lại về Văn Giang nhờ các hộ trồng cam chỉ bảo, rồi tự mày mò bằng cách đọc sách báo, xem tivi", ông Giáp nói.
 
Sau đó, ông Giáp đã tìm ra giải pháp từng bước hạ độ PH cho đất bằng cách rải vôi và tro rơm. Nhờ tính cần cù, ham học hỏi, ngay từ vụ cam đầu tiên gia đình ông Giáp đã thu lãi hơn 20 triệu đồng. Thấy có lãi, ông mở rộng diện tích trồng cam và gần như năm nào cũng thu về hàng chục triệu. Theo ông Giáp, bình thường, cây cam sau bốn năm mới cho quả đầu tiên, còn vườn cam nhà ông, một năm là cây ra quả.

Lão nông tài hoa tiết lộ rằng, để cây ra quả “thần tốc” như vậy, ông thường dùng dao tiện vào thân cây với độ sâu hợp lý, điều này gây ảnh hưởng nhất định với việc trao đổi chất của cây, khiến nó phát triển trái với tự nhiên để cho hợp với ý người trồng.

 

Sau quãng thời gian ổn định lại kinh tế nhờ trồng cam, khoảng cuối 2005, đầu 2006, ông nảy sinh ý định tạo ra loại cây ngũ quả. Ông chọn gốc chính là gốc cây cam làm cây trổ để ghép, chọn 5 loại quả là bưởi, phật thủ, cam, quất và quýt - tượng trưng cho "mâm ngũ quả" ngày Tết để ghép lên cây. Tuy nhiên, năm đầu tiên của ông Giáp đã thất bại nặng nề vì chưa hiểu được đặc tính của mỗi loại quả.
 
Ông Giáp chia sẻ rằng: "Do 5 loại quả này cùng ra hoa một lúc, nhưng thời điểm chín lại khác nhau. Trên cây có loại tháng 7, 8 là chín, có loại tháng 10 - tháng 11 chín, nhưng có loại đến Tết mới chín". Năm đó, ông trồng khoảng "hai ba chục cây"và toàn bộ số cây đó phải bỏ đi bởi ghép không thành công. Cho đến 2 năm tiếp sau đó, ông Giáp vẫn chịu hết thất bại này đến thất bại khác, lần nào ghép, ít nhất một đến 2 quả cũng chín rộ trước tết.
 

a3-312be.jpg
Cây ngũ quả của ông Giáp đã gây sốt trên thị trường trong những năm gần đây
 

Không nản lòng, rút kinh nghiệm những lần thất bại, ông Giáp thực hiện ghép các loại quả ở thời gian khác nhau. Ông phát hiện, ở các quả có múi, thành phần dinh dưỡng nuôi quả giống nhau, nên khi ghép cam, chanh, phật thủ vào cây bưởi, chúng thích nghi với nhau rất nhanh.

 

Mãi đến 2009, ông Giáp mới kết hợp tính toán từng thời điểm của quả, ví dụ cam Canh hoặc bưởi Diễn ông sẽ ghép đầu tiên vào tháng ba hoặc tháng 5; cuối tháng 5, đầu tháng 6 ông ghép cam đường, chanh; đầu tháng 7 là cam Malaysia, tháng 10 và 11 ông mới ghép phật thủ.

 

Theo ông Giáp, thời gian kể từ khi chọn cây, tiến hành ghép cho đến khi cho thu hoạch là một năm. Cây ngũ quả do ông tạo sẽ giữ màu sắc và hương vị hết tháng Giêng, thậm chí là ba tháng sau Tết, cây không bị hư hại gì.

 

Nói về việc quyết tạo ra cây ngũ quả, ông Giáp tâm sự: "Nhà nào cũng có mâm ngũ quả. Ngoài quả chuối, các loại quả còn lại đều có múi, với kinh nghiệm cây cam cảnh nghệ thuật, tôi hoàn toàn tự tin bắt tay tạo ra cây cảnh 5 loại quả với nét độc đáo riêng, điều xưa nay chưa ai làm. Tôi tin rằng, cây ngũ quả chắc chắn sẽ được nhiều người ưa chuộng vì từ lâu trong tiềm thức người Việt dịp Tết luôn có mâm ngũ quả”.

 

a2-312be.jpg
Trước thềm tết Ất Mùi cây cảnh của ông Giáp đều đã có người đặt mua hết
 

Quả đúng như lão nông nghĩ, sau khi sản phẩm cây ngũ quả ra mắt trên thị trường đã tạo nên cơn sốt tiêu thụ vô cùng lớn. Trước Tết Nguyên Đán vài tháng những cây cảnh của ông đã có người đặt hết. Hiện tại, ông Giáp đã tạo ra cả loại cây thất quả, cây cửu quả để phục nhu cầu người dân trưng Tết.

Lê Tú

Share this post


Link to post
Share on other sites
Kế hãm thủy giúp chanh ra hoa, đậu quả trĩu trịt

Thứ sáu, 26/2/2016 | 02:00 GMT+7

 
Nhiều gia đình trồng được cây chanh tán đẹp, lá xanh mơn mởn nhưng không có hoa, quả.

 

Gia đình bà Hằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trồng hai cây chanh được vài năm nay. Cây tán nhiều, lá xanh mơn mởn, ngắt lá để ăn thịt gà, ốc luộc và cho hàng xóm không hết. Tuy nhiên, cây rất ít nụ, khi nở hoa thì cũng nhanh chóng rụng, không đậu được quả.

ch1-7042-1456390674.jpg

Nếu cây chanh tốt lá thì sẽ khó ra được nhiều hoa. Ảnh: Poetic.

 

Sau khi học hỏi những người có kinh nghiệm, bà Hà mới biết, cây không có hoa, quả chính là do sự chăm sóc quá chu đáo của mình. Ngày nào, bà cũng tưới nước cho cây, hàng tháng lại bón phân định kỳ nên lá lúc nào cũng xanh mơn mởn.

Để cây chanh ra hoa, các chủ vườn cần ngừng hẳn việc tưới nước, bón phân cho cây trong vòng 2-3 tuần. Nếu mùa hè, nắng nóng thì thời gian rút ngắn xuống một tuần. Khi trời mưa, bạn lấy nilon che phần gốc, không cho nước lọt vào.

Gia đình anh Đỗ Hưng Thịnh (New Zealand) trồng trực tiếp cây xuống vườn. Anh quyết định làm bao che chắn xung quanh để nước không lọt vào bên trong. Anh Thịnh gọi cách không tưới nước để kích thích chanh ra hoa là "hãm thuỷ thần kế".

 

cay1-7063-1456390674.jpg

Gia đình anh Đỗ Hưng Thịnh khóa gốc để nước không lọt vào bên trong. Ảnh: Tim Đỗ.

 

Khi áp dụng biện pháp này, mặt đất sẽ khô, lá sẽ vàng và rụng rất nhiều. Lúc này, bạn tưới nước lại cho cây và sẽ thấy nụ bắt đầu bung nở. Khi cây ra hoa, bạn nên để cây ở nơi có ánh nắng vừa phải, ít gió để nụ, hoa không bị rụng.

Khi cây bắt đầu đậu quả, bạn chỉ cần tưới nước sạch. Nếu cây có quá nhiều quả, bạn bỏ bớt các quả nhỏ để tập trung nuôi lượng quả nhất định. Khi quả lớn, bạn có thể bón một chút phân NPK.

chan-6362-1456390674.jpg

Để cây chanh ra quả đều vừa dễ lại vừa khó. Ảnh: Thanh Tâm.

 

Sau khi thu hoạch hết trái, bạn tỉa cành khô, sâu bệnh, cành dăm nhỏ để các tán được thông thoáng. Bạn có thể bón phân để cây lá được xanh tốt, chuẩn bị cho mùa ra trái mới.

Ban Mai

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay