Posted 6 Tháng 10, 2014 Miếu thờ Trưng Vương trên đất Hồ Nam Thứ Hai 8:30 13/02/2006 Trên đất Trung Quốc mà lại có đền thờ Bà Trưng ? Lạ, nhưng có thật. Vì nguồn thông tin này do hai nho sỹ Việt Nam từng đi sứ sang Trung Quốc, từng nhìn thấy ngôi đền và ghi chép lại trong thơ văn của họ. Đó là Nguyễn Thực và Ngô Thì Nhậm. Nguyễn Thực (1554 - 1637) người làng Vân Điềm (tên nôm là làng Đóm), nay thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Ông đỗ tiến sĩ nhị giáp khoa thi đình đầu tiên của nhà Lê Trung hưng mở tại Thăng Long (năm 1595). Nguyễn Thực là vị quan thanh liêm, chính trực, được người đương thời trọng vọng. Trong thời gian được cử đi sứ sang Trung Quốc, ông có làm một số thơ, nhưng sau đó bị thất lạc. Tới thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn sưu tầm được 10 bài, trong đó có 4 bài làm trong thời gian đi sứ. Trong 4 bài này, có một bài cho biết là ở Trung Quốc, phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh có đền thờ Trưng vương. Đó là bài Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh (về Nam đến rặng núi Ngũ Lĩnh): Ngũ Lĩnh điêu nghiêu trấn Việt thùy Hứa đa cảnh trí chiếm thanh kỳ Uất thông đông hậu thùy thiên cán Nùng diễm xuân tiền mai nhất chi Đồng trụ Trưng vương lưu cựu tích Thạch nhai Trưng tướng phục tùng từ Phong cương tự cổ phân trung ngoại Thậm tiễn thiên công xảo thiết thi Dịch: Núi Ngũ Lĩnh chất ngất trấn ở vùng biên cương đất Việt Biết bao cảnh trí tươi tắn kỳ lạ Sau mùa đông ngàn cây tùng xanh um Trước mùa xuân một nhành mai diễm lệ Cột đồng còn lưu dấu cũ Trưng Vương Đường đá nghiêng bên ngôi đền Trưng tướng Chốn biên cương từ xưa phân rõ trong, ngoài Rất phục thợ trời sao khéo đặt bày Tác giả viết bài này khi về tới dãy núi Ngũ Lĩnh ở Trung Quốc, tức dãy núi làm ranh giới hai nước Sở, Việt thời cổ. Sở là khu vực tỉnh Hồ Nam (phía Nam hồ Động Đình) và Việt là khu vực tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay. Về tứ thì đây là bài thơ đẹp một cách hồn hậu. Có thể, khi đó là cuối mùa đông nhưng gió xuân đã thổi nên tùng bách vẫn xanh um, mà một bông hoa mai trắng đã nở chào mùa xuân mới đang tới. Song, chúng tôi lại lưu ý tới một chi tiết về lịch sử ở câu thứ 5 - Cột đồng lưu dấu cũ Trưng Vương. Trưng Vương ở đây chính là vua bà Trưng Trắc của chúng ta, người đã giành lại độc lập cho đất nước và làm vua trong 3 năm, từ năm 40 đến 43. Cột đồng là muốn nhắc lại việc Mã Viện cướp các trống đồng đất Việt, đúc thành cột dựng ở một số nơi để ghi chiến công (cũng như đem về Trường An đúc ngựa đồng đặt ở cung vua). Còn dấu cũ Trưng Vương, hẳn là dùng để chỉ ngôi đền đã được dựng lên để thờ vị nữ anh hùng của dân Việt. Nói rằng đó là ngôi đền thờ bà Trưng vì còn một chứng cứ nữa. Đó là điều mà hai thế kỷ sau Ngô Thì Nhậm có dịp nhắc lại khi ông đi sứ. Ngô Thì Nhậm (1746- 1803) quê ở Tả Thanh Oai (tên nôm là làng Tó) nay thuộc huyện Thanh Trì. Năm 1793, ông có đi sứ nhà Thanh, có sáng tác tập Hoàng Hoa đồ phả - một tập thơ có cả những bức vẽ. Trong tập đó có một bài nhan đề Phân Mao lĩnh (Núi Phân Mao): Nhất đái thanh sơn Sở, Việt giao Hoàng Mao dịch lộ nhậnPhân Mao Thiên thư bất tận Hành Sơn Lĩnh Địa khí hoàng phù Nhạn Trạch Mao Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ Uy đà quế đố lạc sơn sào Phong lai giải uấn tay nam lợi Vị ứng Hùng Bi vạn nhận cao Nghĩa là: Một dải núi xanh ở nơi giáp giới với Sở và Việt Trên đường đến trạm Hoàng Mai nhận ra đó là núi Phân Mao (Ranh giới của Trung Hoa là do) Sách trời định ra không quá núi Hành Sơn (1) Khí đất làm trôi ngược lông chim nhạn ở Nhạn Trạch (về phía nam) Lưỡi kiếm của bà Trưng mở ra động phủ Sâu quế của Triệu Đà còn đầy trong hang núi Gió từ tây nam làm nguôi cơn nồng Coi thường núi Hùng Bi dù cao tới muôn sải (2) Ngô Thì Nhậm có lời chú thích rằng: “Núi Phân Mao ở địa giới Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, có cỏ mao rẽ hai ngả Nam Bắc, trên đường đi có biển đề Phân Mao lĩnh”. Như vậy thì núi này là chỗ ranh giới hai nước Sở, Việt. Như đã nêu ở trên, Sở là khu vực tỉnh Hồ Nam và Việt là khu vực hai tỉnh Lưỡng Quảng ngày nay. Và vậy là, theo bài thơ này, tại Hồ Nam có đền thờ bà Trưng Trắc. Không rõ về sự kiện này thì Ngô Thì Nhậm rút từ tư liệu nào? Chính sử Việt Nam và Trung Quốc không có ghi chép gì về sự kiện đó. Có thể đó chỉ là truyền thuyết ? Nhưng cơ sở để hình thành truyền thuyết này thì có thể giải thích được. Các sách chính sử có ghi là sau khi Mã Viện hoàn thành công việc xâm lăng đã bắt trên 300 cừ suý (có thể hiểu là “tướng lĩnh cừ khôi”) người Việt đưa về Trung Quốc, an trí tại Linh Lăng. Linh Lăng chính là phần đất phía Nam tỉnh Hồ Nam. Số ba trăm cừ suý đó, tất phải là các thủ lĩnh nghĩa quân, tướng lĩnh của Hai Bà và các lạc hầu, lạc tướng, đã kiên quyết chống lại quân Mã Viện. Những người dân Việt yêu nước này, tuy bị đầy ải xa quê hương nhưng vẫn hướng về đất Tổ, lập “miếu Bà Trắc” để tưởng nhớ thủ lĩnh của mình, thể hiện ý chí bất khuất của người Việt. Những câu chuyện về cuộc khởi nghĩa kháng chiến ngày đó tất cũng được lưu truyền trong cộng đồng đó, nhưng rồi trải qua bao đời, chuyện bị “khúc xạ”, trở thành truyền thuyết Hai Bà Trưng đánh Mã Viện trên đất Hồ Nam. Miếu Bà Trắc ở bên hồ Động Đình đúng là biểu tượng hiên ngang bất khuất của người Việt thời Hai Bà Trưng, dù bị tách khỏi quê hương. Còn về cột đồng được nhắc tới trong thơ Nguyễn Thực thì có thể hiểu là Mã Viện sau khi an trí các cừ suý Việt ở Linh Lăng thuộc Hồ Nam, Ngũ Lĩnh thì cho dựng một (hoặc nhiều) cột đồng để tự biểu dương chiến công. Nhưng các cừ suý Việt đã xây ngay đền thờ Hai Bà ở chỗ có cột đồng nọ để khẳng định bản lĩnh của cộng đồng mình. Dù sao, “Miếu thờ Trưng Vương” ở đất Hồ Nam là có thật. Nguyễn Vinh Phúc - - - - - - - - (1) Hành Sơn: tên dãy núi trùng điệp trên địa bàn huyện Hành Dương. (2) Hùng Bi là một dãy núi ở huyện Kỳ Dương, huyện cực Nam của tỉnh Hồ Nam. ANHTHU Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/ 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 6 Tháng 10, 2014 Xin giới thiệu các bài viết của các tác gia khác về Hai Bà Trưng. ================================================= MIẾU BÀ TRƯNG TRÊN NÚI NGŨ LĨNH Thu Tứ Đọc báo Hà Nội Mới hồi đầu năm ngoái (2006), thấy ông Nguyễn Vinh Phúc cho biết ở tỉnh Hồ Nam bên Tàu có miếu thờ Trưng Trắc. Miếu lưu dấu trong thơ của Nguyễn Thực (thế kỷ 16) và Ngô Thì Nhậm (thế kỷ 18), hai vị quan từng đi sứ sang Tàu.(1) À, việc này thì sách Lịch sử Việt Nam in năm 1983 đã có nhắc qua.(2) Đọc báo mới xong, tìm sách cũ đọc lại, chợt thấy có một chi tiết khá quan trọng về miếu mà tuy báo và sách nói giống nhau nhưng hình như sự thực lại không phải là như thế! Năm 1983 Trần Quốc Vượng viết có "miếu bà Trắc" ở phía nam hồ Động Đình. Năm 2006 Nguyễn Vinh Phúc cũng viết "miếu bà Trắc ở bên hồ Động Đình". Lạ, hai tư liệu xưa duy nhất được đưa ra làm bằng chứng cho sự tồn tại của miếu là hai bài thơ của Nguyễn Thực và Ngô Thì Nhậm, hai tư liệu ấy chỉ nhắc núi Ngũ Lĩnh mà thôi, chứ có gọi đến tên hồ Động Đình đâu (3), tại sao trước ông Trần sau ông Nguyễn lại cứ khăng khăng bắt miếu ở bên hồ? Hồ Động Đình ở rất xa núi Ngũ Lĩnh! Hồ Động Đình ở cực bắc tỉnh Hồ Nam, còn núi Ngũ Lĩnh ở cực nam tỉnh Hồ Nam, hồ cách núi cả chiều dài của một tỉnh Tàu!(4) Miếu Bà Trưng nằm trên núi Ngũ Lĩnh, chứ không phải bên hồ Động Đình. * Về nguồn gốc ngôi miếu độc đáo, Nguyễn Vinh Phúc liên hệ nó với việc Mã Viện đã bắt hơn 300 "cừ súy" người Việt đem về an trí bên Tàu sau khi đánh thắng Hai Bà. Ông cho rằng những người Việt bị đày biệt xứ đã cùng nhau xây lên một chỗ để thờ vua cũ của mình. Tưởng có thể như thế lắm. Và nếu thế thì khi Ngô Thì Nhậm ghé thăm, miếu đã "trơ gan cùng tuế nguyệt"(5) ròng rã mười bảy thế kỷ! Từ bấy tới nay, sau khi "trơ" thêm hai trăm năm nữa, vết cũ trên đất Hồ Nam liệu có còn lại được chút gì chăng... * Cái viên tướng Tàu già ấy "làm ăn" chu đáo.(6) Thắng trận rồi, để ngừa ta lại vùng dậy, y chọn bắt những thủ lĩnh nghĩa quân "cừ" nhất mà đem về đày ở Linh Lăng (Hồ Nam). Mất hơn 300 "đầu", quả nhiên sau đó dân Giao Chỉ - Cửu Chân không khởi nghĩa được nữa. Đã bắt người giỏi của ta đem đi, Mã Viện vẫn chưa yên tâm. Y lùng thu trống đồng, đem nấu chảy mà đúc ngựa (vốn y họ Ngựa!).(7) Trống đồng Ðông Sơn tượng trưng cho quyền uy lãnh đạo.(8) Để trống còn, sớm muộn sẽ có những người Việt giỏi khác thừa kế trống hô hào dân Việt nổi dậy. Phá trống, sẵn đồng, đúc ngựa chơi! Ngựa đúc xong, thừa đồng, bèn đem đúc cột. Cái câu "Ðồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" vốn ngụ ý gì? Cái đất Giao Chỉ độc lập bướng bỉnh Mã Viện vừa mới diệt xong, đâu còn trên đời nữa mà đem buộc sự mất còn của nó vào với một cây cột?! * Bài thơ của Nguyễn Thực có câu: "Đồng trụ Trưng Vương lưu cựu tích". Tức ngay bên cạnh đền thờ Bà Trưng ở Hồ Nam cũng có cột đồng. Vì Mã Viện đã dựng cây cột bên ta, phải chăng vẫn chính y đã dựng cây cột bên Tàu? Nguyễn Vinh Phúc cho sau khi đưa các cừ súy Việt về tới nơi, Mã Viện đã dựng cột để khoe chiến công, còn đền thì do các thủ lĩnh ta xây sau đó để "khẳng định bản lĩnh của cộng đồng mình". Tưởng sự việc cũng có thể đã xảy ra ngược lại. Người của ta xây đền tưởng niệm trước, rồi Mã Viện cho dựng cột sau để "dằn mặt" đám người Việt lưu vong... Dù sao, không đem họ ra giết ngay tại chỗ mà chỉ bắt phải qua Tàu ở, rồi lại cho họ lập đền để thờ một tên "nghịch tặc", cách cư xử của kẻ mê ngựa đồng cột đồng ấy kể cũng đáng chú ý. * Ba trăm hào kiệt thất thế có được đem vợ con theo không nhỉ? Dù sao, họ đã truyền lại được một cái ấn tượng về quá khứ của tổ tiên mạnh mẽ đến nỗi sau hàng năm bảy chục đời nơi đất khách mà hương khói vẫn chưa quạnh quẽ ở đền thờ Bà. Biết rằng thời gian luôn bóp, vặn sự thật, rằng sau bao nhiêu lần kể đi kể lại, đến lúc nào đó câu chuyện đã hóa thành cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng trên đất Hồ Nam (!), nhưng thiết tưởng có sao đâu. Ðiều quan hệ là cái tinh thần bất khuất, cái lòng đau đáu cội nguồn. Bên Tàu nhờ chữ viết có khi biết được tổ tiên xưa đến hàng trăm đời (như trường hợp cháu chắt Khổng Tử). Ở Hồ Nam bây giờ có còn ai đó tin mình là dòng dõi của những người đã theo Bà Trưng đánh Mã Viện xưa kia không? 2007 Thu Tứ (Để đọc thêm Thu Tứ, xin mời viếng trang .....) ____________________ (1) Nguyễn Vinh Phúc, Miếu Thờ Trưng Vương Trên Đất Hồ Nam, Hà Nội Mới, số ra ngày 13/2/2006. (2) Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, nxb. Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1983, tập I, tr. 268. (3) Bài "Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh" (về Nam đến rặng núi Ngũ Lĩnh) của Nguyễn Thực: bài "Phân Mao lĩnh" (Núi Phân Mao) của Ngô Thì Nhậm: "Ngũ Lĩnh điêu nghiêu trấn Việt thùy Hứa đa cảnh trí chiếm thanh kỳ Uất thông đông hậu thùy thiên cán Nùng diễm xuân tiền mai nhất chi Đồng trụ Trưng vương lưu cựu tích Thạch nhai Trưng tướng phục tùng từ Phong cương tự cổ phân trung ngoại Thậm tiễn thiên công xảo thiết thi", "Nhất đái thanh sơn Sở, Việt giao Hai bài thơ, không bài nào nhắc đến bất cứ cái hồ nào! Hoàng Mao dịch lộ nhận Phân Mao Thiên thư bất tận Hành Sơn Lĩnh Địa khí hoàng phù Nhạn Trạch Mao Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ Uy Đà quế đố lạc sơn sào Phong lai giải uấn tây nam lợi Vị ứng Hùng Bi vạn nhận cao". (4) Cụ thể, hồ Động Đình ở khoảng vĩ tuyến 29, núi Ngũ Lĩnh ở khoảng vĩ tuyến 25, cách nhau khoảng 450km (xemWikipedia.org, mục Nanling Mountains và mục Dongting Lake.) (5) Bài Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan. (6) Mã Viện là một danh tướng của nhà Hán, khi đi đánh Hai Bà Trưng đã 70 tuổi (xem Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chương XI). (7) Việc này chép trong Mã Viện Truyện của Hậu Hán Thư (xem Nguyễn Duy Hinh, Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, VN, 2004, tr. 93). (8) Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, như Trần Quốc Vượng. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 6 Tháng 10, 2014 Tôi xóa tên web mà tác giả này giới thiệu trong bài viết. Theo tôi người này được gọi là "biết đọc, biết viết" hoàn toàn không phải là một người có khả năng phân tích và tổng hợp là yêu cầu tối thiểu trong nghiên cứu. Thanhdc hãy xem kỹ lại bài viết của người này: Ông ta chỉ đặt vấn đề theo cái nhìn của ông ta. Đại loại như kiểu "Kinh Dịch là gì?"; hoặc nghiên cứu Kinh Dịch, thuyết ADNh để làm gì?". Hoàn toàn không có luận cứ để xác định luận điểm. Sau này, Thanhdc không cần phải đưa những loại bài như thế này vào trang web của chúng ta. 2 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 6 Tháng 10, 2014 ĐỨC TRƯNG VƯƠNG đã Chiếm Lại HỒ ĐỒNG ĐÌNH Nguyễn Thanh Đức LGT : Trong 1000 năm vừa qua, nhiều Sứ thần Đại Việt ta đã tới cúng tế tại Đền Đức Trưng Vương bên bờ Hồ Đồng Đình. ĐẠI ĐẾ ĐỒNG ĐÌNH LĨNH NAM Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, viết năm 1479 dl, ở Phiên Ngung, gần thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông ngày nay, có đền thờ Đức Trưng Vương. Năm 1793 dl, vào thời Tây Sơn, khi đặc sứ Ngô Thời Nhiệm cùng phái đoàn đi ngang phía nam Hồ Đồng Đình, ông đã đến viếng đền thờ Đức Trưng Vương tại đó. Ông cũng ghi : quân Đức Trưng Vương đã đánh với quân Mã Viện ở Hồ Nam. Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, nhuận chính năm 1870 dl, cũng ghi : ‘Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta’. (câu 339-340). Lĩnh Nam nay là vùng Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, và Bắc phần Nước ta. * Tài liệu mới và nhận định mới về thực trạng Việt Lạc, về Đức Trưng Vương, về động cơ và nhân sự quật khởi, về địa bàn hoạt động, về sức mạnh của Dân ta năm 40 dl, và về Mã Viện, về binh lực của Trung Hoa đương thời. LÃNH THỔ VÀ SỨC MẠNH CỦA VIỆT LẠC – Năm 30-43 DL 1. DẪN NHẬP 1.1- Tài Liệu. Cho tới gần đây, có rất ít tài liệu về cuộc khởi nghĩa của Dân Việt Lạc vào đầu thế kỷ thứ nhất dương lịch, do Bà Trưng lãnh đạo. Hầu hết những gì được ghi chép đều đã được trích dẫn từ sách vở Trung Hoa, tức là từ phía đối nghịch. Bình thường, tài liệu của đối phương, của kẻ thù, luôn thiếu xác thực, nhiều chủ quan. Trong trường hợp của dân Việt, phải kể thêm những xuyên tạc, vu khống do mưu đồ đồng hóa suốt mấy ngàn năm của người Trung Hoa. Gần đây, nhờ những phát hiện ở Việt Nam và trên vùng đất của Việt Lạc xưa, đặc biệt qua các Đền thờ và Thần tích, chúng ta có thêm nhiều chi tiết đã không được sách vở Trung Hoa ghi chép chính xác. 1.2- Danh Xưng. a. Hai Bà Trưng. Đã từ lâu, danh xưng ‘Hai Bà Trưng’ thường được dùng để chỉ hai chị em Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị. Việc gọi chung Hai Bà gây ấn tượng là cả Hai Chị Em cùng nhau nổi lên chống giặc và cùng hoàn thành công cuộc cứu nước. Quả thực Hai Chị Em cùng đứng lên cứu dân cứu nước và đã tạo những kỳ công đáng khâm phục. Tuy nhiên, sử sách ghi rõ rằng chỉ có Bà Chị nhận quyền lãnh đạo toàn cuộc khởi nghĩa. Phần Bà Em, dầu cũng là bậc kỳ tài nổi tiếng đương thời và đóng góp nhiều công lao xuất chúng, nhưng Bà chỉ nhận tước Công chúa Bình Khôi. Cùng với Bà, nhiều vị nữ tướng khác cũng có tước công chúa, như Công chúa An Bình, Công chúa Thánh Thiên, Công chúa Gia Hưng, Công chúa Vĩnh Huy, Công chúa Trinh Thục, Công chúa Nga Sơn, Công chúa Nghi Hòa… Vì vậy, tuy là hai chị em, nhưng khi Bà Chị được các anh hùng nghĩa sĩ đương thời đặt lên lãnh đạo công cuộc cứu nước, thì chỉ có Bà Chị chính thức đại diện cho toàn dân. Năm 40 dl, chỉ có Bà Chị lên ngôi, thống lãnh toàn thể Việt Lạc. b. Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. Vì chủ trương đồng hóa và xóa bỏ mọi dấu vết của Tộc Việt, giới thống trị Trung Hoa đã quyết tâm giấu kín mọi cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, khi không thể che đậy những biến động to lớn, sách vở Trung Hoa lại xuyên tạc và hạ giảm sức mạnh, cũng như tầm ảnh hưởng và địa bàn hoạt động của dân bị trị. Vì thế, hiện nay chúng ta không có danh xưng chính thức của Bà khi Bà lên ngôi. Tuy nhiên, với những phát hiện về địa bàn hoạt động, vùng đất cai trị và ảnh hưởng của Ngài, ta có thể xác định Ngài đã là Đại Đế của cả hai vùng Việt Lạc Đồng Đình và Việt Lạc Lĩnh Nam. o O o 2. THỰC TRẠNG VIỆT LẠC 214 ttl – 43 dl 2.1- Thời Tần Thủy Hoàng. Năm 214 ttl Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư dẫn 50 vạn quân lính xâm lăng vùng đất Việt Lạc. Đây là áp lực đầu tiên của Trung Hoa trên một phần đất Việt Lạc. Nhưng sau 3 năm, Đồ Thư bại trận và bị giết.*1 2.2- Thời Phụ Dung Triệu Đà. a. Nước Nam Việt. Năm 207 ttl, Triệu Đà, tướng Nhà Tần, đã chiếm vùng đất nay thuộc Quảng Tây, Quảng Đông. Nhân việc Tần bị Hán diệt. Triệu Đà giết tất cả quan tướng của Tần, tự xưng Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Nam Việt, đóng đô tại Phiên Ngung, nay là Quảng Châu. Triều Hán đưa quân đánh chiếm, nhưng đại bại. Triệu Đà đã cố gắng thâu phục lòng dân Việt Lạc trong vùng. Chính Ông đã thay đổi nếp sống, thay đổi trang phục, thay đổi cách xưng hô, theo phong tục Việt Lạc, lấy vợ Việt. Triệu Đà cũng đặc biệt phát triển về chính trị, quân sự, và văn hóa bản địa, để trở thành một đế quốc biệt lập với triều Hán. Đang khi đó, Việt Lạc Đồng Đình có Trường Sa Vương, và Việt Lạc Sông Hồng có Vua An Dương. b. Triệu Đà chiếm Cổ Loa. Năm 180 ttl, theo truyền kỳ Mỵ Châu, với kế Trọng Thủy ở rể, Triệu Đà đã đánh bại Vua An Dương, chiếm đóng Cổ Loa, trị sở của Việt Lạc Sông Hồng. Tuy nhiên, Triệu Đà vẫn để người bản xứ cai trị dân, đời sống người dân không bị thay đổi. Trên thực tế, Việt Lạc Sông Hồng chỉ là một nước phụ dung.*2 Năm 111 ttl, Nam Việt bị Hán xâm lấn. c. Sống theo truyền thống. Trong 96 năm, dầu sống dưới quyền cai trị của Nhà Triệu, dân Việt Lạc Nam Việt vẫn tiếp tục sống nếp sống Văn hóa của Tổ Tiên, các Trưởng Lão Việt Lạc tiếp tục cai quản dân theo truyền thống, kinh tế và lực lượng an ninh cũng tiếp tục được củng cố… Như vậy, thời kỳ nầy chưa thể được coi là thời Bắc thuộc. Tuy nhiên, vào lúc Nhà Triệu suy, nhiều địa phương vùng Sông Hồng cũng đã quật khởi. 2.3- Thời Phụ Dung Tây Hán. Trong suốt 141 năm, từ 111 ttl tới 30 dl, tuy danh nghĩa là Nam Việt bị Nhà Hán xâm lăng, sách vở Trung Hoa không nói tới vùng đất Việt Lạc. Đây là dấu chỉ vào thời kỳ nầy, Việt Lạc vẫn chưa có liên hệ nhiều với Hán. Lại nữa, theo cách hành xử của Nhà Hán thời đó, Tây Hán 206ttl – 8dl, quan thứ sử các vùng đất phụ dung chỉ có nhiệm vụ mỗi năm 3 tháng đi thâu thuế về nộp cho triều đình. Đã không có hệ thống cai trị mới, không có quân ngoại xâm trên phần đất Việt Lạc. Từ năm 8 dl tới năm 25 dl là thời loạn lạc của Trung Hoa, việc thu thuế cũng lơ là. Như vậy, trong suốt thời nầy, Việt Lạc chỉ là một nước phụ dung đóng thuế cho triều Hán.*3 2.4- Quang Vũ Xâm Lăng. Tình hình thay đổi từ năm 30 dl, khi Hán Quang Vũ áp đặt chính sách hà khắc, xua quân và đưa quan lại tới trú đóng các vùng Việt Lạc. Từ đó xuất hiện quân trú đóng, chiếm đoạt, tham ô, tàn ác. Bốn năm sau, 34 dl, xuất hiện thái thú Tô Định. 2.5- Tình Hình Việt Lạc năm 30 dl. a. Nếp sống Truyền thống. Theo thực trạng đương thời, từ 111 ttl tới 30 dl, ngoài việc mỗi năm một lần đóng thuế cho thứ sử, đời sống dân Việt Lạc vẫn không thay đổi. Trung Hoa chưa ảnh hưởng trên nếp sống xã hội, văn hóa, chính trị, kể cả quân sự, an ninh… của Việt Lạc. Trong suốt 141 năm đó, dân Việt Lạc vẫn tiếp tục sống nếp sống truyền đời của Tổ Tiên. Việc cai trị vẫn ở trong tay các Trưởng Lão Việt Lạc. Thành phần bảo vệ an ninh cho Làng, Nước, vẫn sinh hoạt bình thường. Đời sống thường ngày của người Dân, nếp sống văn minh Lúa Nước, kỹ thuật trồng cấy, kỹ nghệ đồ đồng đồ gốm, văn học, thơ văn, chữ viết… của Việt Lạc, vẫn tiếp tục phát triển. Nếp sống Làng thôn, với tất cả đặc tính và sức mạnh của thể chế Làng-Nước Việt Lạc, vẫn sống động và tăng trưởng. Văn hóa Việt Lạc vẫn ngày một thêm tốt đẹp, sâu sắc.*4 b. Việt Lạc bị xâm lăng. Từ năm 30 dl, do việc xua quân áp đặt quan lại của Hán Quang Vũ, cuộc sống của Dân Nước khắp toàn vùng Việt Lạc, từ Đồng Đình, qua Lưỡng Quảng, tới Sông Hồng, bỗng bị xáo trộn. Thái thú Tô Định càng làm cho tình hình thêm tồi tệ, thêm giặc tham ô tàn ác, thêm luật lệ mới, thêm sắc thuế mới. c. Việt Lạc kháng chiến. Do đó, toàn thể Việt Lạc ở khắp nơi đều sẵn sàng đứng lên. Toàn bộ hệ thống và sức mạnh của xã hội, chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa… đều được vận dụng để đối phó với giặc. Mọi nơi, mọi đơn vị lớn nhỏ, đều sẵn sàng, với lực lượng, tổ chức, và thủ lãnh sẵn có. Trong tình trạng sôi động đó, do ưu thế của vùng Sông Hồng, do việc liên kết và chủ động của 2 vùng Mê Linh và Châu Diên, [quê của vợ chồng Trưng Trắc và Thi Sách], qua biến cố Tô Định giết hại Lạc Tướng Thi Sách, và do truyền thống mẫu hệ mấy ngàn năm của Việt Lạc, Đức Trưng Trắc đã trở thành Thủ Lãnh kháng chiến của toàn Dân Việt Lạc. 2.6- Các Thời Lịch sử. Bốn Thời Lịch Sử chính : A – 5000-2879 ttl : Thời Khởi Nguyên. Từ Hồ Đồng Đình, dân Việt tỏa lan ra khắp vùng, đặc biệt với 3 Trung tâm phát triển chính là vùng Đồng Đình Sông Tương, lưu vực Tây Giang, và lưu vực Sông Hồng Sông Mạ. B – 2879-180 ttl : Thời Hùng. Thời Hùng, từ năm 2879 ttl, khi dân Việt sinh sống khắp vùng Đông Á. Dân Việt Thượng Sông Hồng xác định tính cách trổi vượt bằng Sách Lạc. Thời Hùng có 4 thời kỳ. Thời Hùng kết thúc năm 180 ttl, khi Triệu Đà xâm chiếm Thành Ốc, nay là Cổ Loa, trị sở của Việt Lạc. C – 180 ttl – 906 dl : Thời Suy Vi, có 5 giai đoạn : 1. 180 ttl – 30 dl : Thời Phụ Dung. Từ 180 ttl tới 111 ttl, Nhà Triệu, và từ 111 ttl tới 30 dl, Việt Lạc phụ dung đóng thuế Tây Hán.*5 2. 30-43 dl : Thời Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. Năm 30 dl, giặc Đông Hán xâm lăng. Năm 30-40 dl, Việt Lạc chống kháng, Đức Trưng Trắc trở thành Thủ Lãnh. Năm 40-43 dl, Việt Lạc toàn thắng, dưới sự lãnh đạo của Đức Trưng Trắc, Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. 3. 43-541 dl, Bắc thuộc lần 1, giặc Hán áp đặt chế độ trực trị. 4. 541-602 dl, Nhà Tiền Lý, Đức Lý Nam Đế. 5. 602-906 dl, Bắc thuộc lần 2. D – 906 – 2000 dl : Thời Phục Hưng. Ghi chú Phần 2 : *1 – Theo Việt Nam Sử Lược, do Trần Trọng Kim, nxb Trung Tâm Học Liệu, Sàigòn 1971, q1, tr 18 tt. – Đọc thêm Lược Sử Tộc Việt, do Nguyễn Thanh Đức, nxb Tinh Hoa Tộc Việt, 2013, tr 174, đoạn 8.3. *2 – Theo Sử Ký, do Tư Mã Thiên. – Đọc thêm Việt Sử Toàn Thư, do Phạm văn Sơn, Sgn 1960, tr 60, chú thích 1; và đb tr 86-87. *3 – Đọc Việt Nam Sử Lược, q1, tr 38; và Việt Sử Toàn Thư, tr 105. *4 – Về tầm quan trọng của định chế Làng-Nước Việt Lạc, đọc thêm Con Người và Xã Hội Việt, do Nguyễn Thanh Đức, nxb Tinh Hoa Tộc Việt, 2013, đb tr 146, phần 7; và tr 280, đoạn 7.1. *5 – Đọc Việt Sử Toàn Thư, tr 105. o O o 3. ĐỘNG CƠ QUẬT KHỞI 3.1- Theo Sách Vở Trung Hoa. a. Vì thù chồng. Theo sách vở Trung Hoa, Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam người đất Mê Linh. Bên ngoại của Bà thuộc dòng Vua Hùng, bên nội là dòng dõi Lạc Tướng. Bà kết hôn với Thi Sách, cũng dòng Lạc Tướng, người vùng Châu Diên. Cũng theo sách vở Trung Hoa, vì thái thú Tô Định giết chồng Bà, nên Bà nổi dậy đánh đuổi Tô Định năm 40 dl, tức 2919 lịch Việt, và đóng đô tại Mê Linh. Sách vở Trung Hoa đều đã nhấn mạnh khía cạnh thù chồng của Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam, và giảm nhẹ tinh thần Vì Dân Vì Nước của Ngài, cũng như của toàn dân Việt Lạc thời bấy giờ. - Việc hạ giá lý do chiến đấu của phái nữ còn bị sách vở Trung Hoa gán ghép cho nhiều Nữ Tướng anh hùng khác. Cuộc khởi nghĩa của Công chúa Thánh Thiên được ghi là để trả thù cho cậu. Bà Cao Thị Liên thì do rửa thù cho cha. Nhiều Bà khác cùng vì thù chồng. b. Vì Tô Định bạo ngược. Ngoài ra, sử sách Trung Hoa cũng đã ghi nhiều chi tiết nhấn mạnh tính tham tàn bạo ngược của Tô Định. Tuy đây là sự thực, nhưng lại cũng là một cớ để đánh lạc hướng động cơ quật khởi của Việt Lạc. Lý do ‘tham tàn quá đáng’ luôn được sử sách Trung Hoa nhấn mạnh cho tất cả các quan cai trị thất bại. Họ luôn trút tội lên đầu những kẻ thất bại, để chạy tội cho toàn thể truyền thống và dã tâm xâm lược của họ. Họ làm như thể dân bị trị luôn vui sướng lụy phục ách bạo tàn của họ, và chỉ chống đối bọn tham quan tồi tệ. c. Vì luật lệ hà khắc. Tuy nhiên, dầu với thói xuyên tạc cố hữu, một số sách của người Trung Hoa, như Hậu Hán Thư, Việt Kiều Thư, An Nam Chí Nguyên… cũng phải ghi là : ‘Vì thái thú Giao Chỉ là Tô Định lấy pháp luật mà ràng buộc, nên Trưng Trắc oán giận mà làm phản’ (!). Hậu Hán Thư còn có câu : ‘Trưng Trắc là con gái Lạc tướng ở Mê Linh, vợ người huyện Châu Diên tên là Thi Sách, rất hùng dũng’. 3.2- Chống Giặc Xâm Lăng. Như thế, sử sách của giặc cũng phải công nhận là Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam khởi nghĩa để chống bạo quyền. Sự kiện người Nữ Kiệt đất Mê Linh kết duyên với vị Tướng Tài vùng Châu Diên, và rồi Thi Sách bị Tô Định sát hại, cũng cho thấy sự liên kết và tình hình sôi động thời bấy giờ. Lại nữa, dầu là dòng dõi nhà tướng, Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam cũng không thể chỉ vì thù chồng mà đột nhiên điều động được toàn dân vùng dậy đánh đuổi bọn quan quân Tô Định. Ngoài ra, dưới sự kềm chế của giặc và với phương tiện liên lạc thời bấy giờ, nếu chỉ vì thù chồng, làm sao Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam có thể điều động đầy đủ sức mạnh binh mã để, chỉ trong mấy tháng, đánh chiếm lại 65 thành từ tay giặc ? Thực vậy, từ năm 30 dl, toàn thể Việt Lạc, dưới sự lãnh đạo của Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam, đã vùng lên chống giặc Hán xâm lăng. o O o 4. NHÂN SỰ QUẬT KHỞI 4.1- Từ Khắp Vùng Việt Lạc. Dầu cố tình che giấu, sách vở Trung Hoa cũng ghi nhận thời đó dân ta đã có nhiều anh hùng hào kiệt chống giặc phương Bắc. Tiểu sử của các vị Anh Hùng cộng sự của Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam càng chứng tỏ tinh thần Toàn Dân Việt Lạc đương thời. Các Ngài nổi dậy ở khắp nơi, không chỉ ở vùng Sông Hồng, mà còn ở Lưỡng Quảng, Đồng Đình. Căn cứ trên các thần phả và di tích, hiện nay chúng ta có tên tuổi và tiểu sử của 162 vị danh tướng thời Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. Nhiều Vị đã có quân sĩ trước khi hợp tác với Đức Đại Đế.*6 Khi Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam ra quân, đã có Bà Lê Chân không những đến từ Hải Dương, mà còn đem theo cả một đội chiến thuyền. Công chúa Nguyễn Thánh Thiên,trước khi về với Đức Đại Đế, cũng đã có binh tướng riêng, và cũng đã có lần đánh bại quân Tô Định. Bà Lê Thị Hoa có chiến khu tại vùng Nga Sơn ở Thanh Hóa. Bà Trần Vĩnh Huy khởi binh từ Cổ Châu, gần Hà Nội ngày nay. Rồi Nam Thành Vương Trần Công Minh, Long Biên Công Đặng Dương Hoán, Công chúa Lĩnh Nam Sa Giang, người Trường Sa, vùng Đồng Đình. Đại tướng Đồng Đình Công Đô Thiên, vùng Quảng Tây. Liệt nữ Trần Thiếu Lan, và nhiều Vị Anh Hùng khác cũng đã nhiều năm làm giặc phương Bắc ăn ngủ không yên, trước khi liên kết với Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam.*7 4.2- Việt Lạc Thống Nhất. Địa điểm phát xuất các đoàn quân quật khởi, không chỉ bộc lộ tinh thần bất khuất của toàn thể dân Việt Lạc từ vùng Sông Hồng tới Đồng Đình, mà còn xác định tính cách thống nhất của Việt Lạc đương thời. Thành phần quật khởi cũng hiện rõ đặc tính thiên mẫu hệ của xã hội Việt Lạc. Ngoài Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam, hơn hai phần ba danh tướng đều là nữ giới, với nhiều đội nữ binh.*8 Ghi chú Phần 4 : *6 – Cho đến năm 1945, khắp nơi hoạt động của các Ngài đều có đền thờ. Chỉ vùng ven sông Đáy, đã có tới 94 vị Anh Hùng thời Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam được thờ kính. - Anh là người đủ sáng suốt để thấy việc phải làm. Hùng là người đủ sức mạnh tinh thần để làm việc đã thấy. Vì vậy, chữ anh hùng có thể dùng chung cho cả nam lẫn nữ, cả văn lẫn võ. *7 – Danh sách và tiểu sử của nhiều Vị được ghi nhận ở phần “Di Tích Lịch Sử” trong bộAnh Hùng Lĩnh Nam, của Trần Đại Sỹ, 4q, nxb Nam Á, Paris 1986. Nhiều chi tiết cũng trích dẫn từ Bộ sách nầy. *8 – Hiện nay làng Thượng Thanh, huyện Thanh Oai, Hà Tây, còn miếu thờ vị Tướng đã giả gái để được đem quân của mình gia nhập cuộc quật khởi của Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. Sau Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam hơn 200 năm, năm 248 dl, dân Việt Lạc còn có thêm một Nữ nhân lãnh đạo khởi nghĩa : Bà Vua Triệu. [Thời đó, dân ta thiên về mẫu hệ. Phải gần 300 năm nữa, năm 544 dl, mới có một thủ lãnh nam nhân được ghi nhận : Đức Lý Nam Đế]. o O o 5. ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG 5.1- 65 Thành. a. Theo sách vở Trung Hoa. Sách vở Trung Hoa, mà sau nầy các nhà chép sử Việt Nam chép lại, chỉ ghi nhận phạm vi ảnh hưởng của Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam trong khu vực các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố. Đây là vùng đất gồm từ Thừa Thiên ra Bắc Phần Việt Nam, và một phần tỉnh Quảng Tây ở Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, nhiều sách ngoại sử Trung Hoa đã ghi là Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam tái lập toàn thể vùng Lĩnh Nam của Việt Lạc. [Chỉ có ngoại sử mới dám ghi nhận một phần sự thực. Chính sử Trung Hoa luôn xuyên tạc, theo chủ trương hủy diệt di tích Tộc Việt]. Sử sách Trung Hoa cũng ghi là Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam đã chiếm giữ ‘65 thành’. Nhiều học giả đã lý luận đủ cách để giải thích tại sao chỉ trong bốn quận mà lại có tới 65 nơi đóng quân kiên cố của giặc, với thành cao, với hào lũy. Thực ra, con số ‘65 thành’ là một sơ suất, trái với chủ trương ém nhẹm, của sách vở Trung Hoa. Nhưng đó lại là dấu chỉ của sự thực. b. Theo thực trạng đương thời. Theo thực trạng đương thời, vùng đất Việt Lạc không chỉ ở Lĩnh Nam, mà bao gồm cả vùng Đồng Đình.*9 Theo cách xử sự của triều Tây Hán đối với các nước phụ dung, cho tới năm 30 dl, mỗi năm thứ sử chỉ đi một vòng để thâu thuế, mọi việc khác đều do người bản xứ điều động, dân Việt Lạc vẫn tiếp tục phát triển nếp sống truyền đời. Như thế, ngay từ khi bị Hán Quang Vũ đưa quan quân bách hại và trấn đóng, toàn thể dân Việt Lạc đồng loạt quật khởi… cũng là chuyện phải có. Với niềm hãnh diện và tinh thần bất khuất của Việt Lạc, địa bàn quật khởi gồm toàn thể vùng đất Việt Lạc, từ vùng Sông Hồng, qua vùng Quảng Tây Quảng Đông, tới vùng Đồng Đình… là chuyện đương nhiên. Với lực lượng túc trực trong nếp sống làng thôn của toàn thể Việt Lạc, việc tái chiếm 65 thành trong vòng mấy tháng, và tập họp hàng vạn dân quân… cũng là thực tế. 5.2- Di tích ở Hoa Nam hiện nay. a. Chiến tích. Chiến tích của nghĩa quân Việt Lạc tại vùng đất nay là Hoa Nam, không những được các thần phả ghi chép, mà cũng còn nhiều di tích hiện trường. Đặc biệt, hiện nay, sau gần hai ngàn năm, tại bờ Hồ Đồng Đình cũng như tại nhiều nơi ở các tỉnh Hồ Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam… vẫn còn nhiều di tích chiến trận, nhiều đền thờ kính Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam và các danh tướng đương thời.*10 b. Lịch sử và Đền Thờ. Các vị Anh Hùng sau đây, và nhiều Vị khác ở thời Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam đều đã được dân Tộc Việt thờ kính trong suốt hai ngàn năm qua. Đền thờ của các Ngài đầy dẫy nhiều nơi khắp vùng nay là Nam Trung Quốc, Bắc Phần và Bắc Trung Phần Việt Nam. Tuy nhiên, trong phạm vi phần nầy, chỉ sơ lược một số di tích tại những vùng ngày nay đã bị sáp nhập vào Trung Quốc. 1. Sử ta ghi : năm 1288 dl, vua Trần Nhân Tôn đã sai quan đại thần qua Khúc Giang, Quảng Đông, trùng tu đền thờ của Nữ tướng Công chúa Nam Hải Trần Thị Phương Châu. Bà tuẩn quốc tại đây năm 40 dl. 2. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, viết năm 1479 dl, ở Phiên Ngung, gần thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông ngày nay, có đền thờ Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. 3. Năm 1793 dl, vào thời Tây Sơn, khi đặc sứ Ngô Thời Nhiệm cùng phái đoàn đi ngang phía nam Hồ Đồng Đình, ông đã đến viếng đền thờ Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. Ông cũng ghi : quân Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam đã đánh với quân Mã Viện ở Hồ Nam. 4. Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, nhuận chính năm 1870 dl, cũng ghi : ‘Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta’. (câu 339-340). 5. Cũng tại Khúc Giang, Quảng Đông, hiện có đền thờ Nữ tướng Công chúa Nguyệt Điện Đàm Ngọc Nga. Tại đây còn nhiều di tích của trận đánh lớn của Bà với quân Mã Viện. 6. Tại Quảng Tây và Quảng Đông có nhiều đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thánh Thiên, tức Công chúa Thánh Thiên. Bà hy sinh tại vùng nầy năm 42 dl. 7. Tại suốt dọc bờ biển Quảng Đông, Phúc Kiến, và đảo Hải Nam, hiện còn có rất nhiều đền thờ Bà Công chúa Gia Hưng Trần Quốc. Ở Uất Lâm vẫn còn di tích của trận thủy chiến lừng lẫy. Dân trong vùng tin Bà là Giao Long Tiên Nữ giáng trần. 8. Tại cửa Thẩm Giang chảy vào Hồ Đồng Đình, còn có miếu thờ Liệt nữ Trần Thiếu Lan. Suốt hơn ngàn năm qua, mỗi lần các sứ thần nước ta đi ngang qua đây, đều đến cúng tế Bà. [Đền thờ Bà vừa bị Vệ Binh Đỏ của Mao Trạch Đông thiêu hủy năm 1966, nay chỉ còn nền và mộ của Bà]. 9. Tại vùng Hồ Đồng Đình và thủ phủ Trường Sa của tỉnh Hồ Nam, cho đến ngày nay, sau gần hai ngàn năm, người dân địa phương còn nhắc nhớ và khiếp sợ trận đánh của Công chúa Phật Nguyệt chiến thắng Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí. [bà đại thắng trận thủy chiến trên Hồ Đồng Đình, dầu Mã Viện có bảy vạn quân, và Bà chỉ có năm vạn. Đại tướng Đoàn Chí của giặc bị quân ta giết trong trận nầy]. Công chúa Phật Nguyệt là Tổng trấn khu Đồng Đình-Trường Sa. Hiện Bà còn được thờ tại chùa Kiến Quốc ở Trường Sa, và ở chùa núi Thiên Đài. Bà có tên trong sách sử Trung Hoa. 10. Tại huyện Phong Đô, Tứ Xuyên, hiện còn đền thờ Bà Công chúa Lĩnh Nam Sa Giang. Bà là người Trường Sa, và cũng là tướng tài của Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. 11. VùngQuảng Tây Quảng Đông hiện còn rất nhiều đền miếu thờ Đại tướng Đồng Đình Công Đô Thiên. Ông cũng là người địa phương, và giữ chức Tổng trấn Trường Sa. 5.3- Toàn Thể Vùng Đất Việt Lạc. Tất cả đều chứng tỏ trong suốt dòng lịch sử 2000 năm qua, toàn dân Việt Lạc, đặc biệt những người ở vùng đất ngày nay đang bị Trung Hoa chiếm giữ, luôn ghi nhớ công đức, chiến tích, và vùng đất Việt Lạc rộng lớn, mà nghĩa quân của Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam đã thâu hồi vào đầu thế kỷ thứ nhất dương lịch. Như vậy, nghĩa quân Việt Lạc, dưới sự lãnh đạo cũa Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam, đã tái chiếm toàn thể vùng đất Việt Lạc nay là Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, và một phần Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tây, Phúc Kiến. Thủ đô của toàn vùng là Mê Linh. Theo Đức Nguyễn Trãi, Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam đặt tên nước là Hùng Lạc.*11 Ghi chú Phần 5 : *9 – Đọc thêm Lược Sử Tộc Việt, tr 132, phần 7. *10 – Đọc thêm Anh Hùng Lĩnh Nam, sđd. *11 – Theo Dư Địa Chí của Đức Nguyễn Trãi, viết năm 1438 dl. – Đọc Nguyễn Trãi Toàn Tập, bản dịch Viện Sử Học, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1976, tr 215. o O o 6. SỬ TRUNG HOA VỚI MÃ VIỆN 6.1- Luận Điệu Xuyên Tạc. Sử sách Trung Hoa luôn giảm thiểu tình hình chống đối và sức mạnh của các dân tộc bị trị. Khi không thể che giấu nổi, sử sách Trung Hoa lại luôn toa rập theo một luận điệu mấy ngàn năm không đổi. Theo luận điệu Trung Hoa, sở dĩ có ‘làm phản’ chỉ vì tên quan lại tham ô và khiếp nhược. Hơn nữa, dân địa phương sơ khai lạc hậu, quân khởi nghĩa chỉ là bọn ô hợp, thủ lãnh khởi nghĩa là những tội phạm sợ luật pháp trừng trị. Trong luận điệu đó, các cuộc hành quân đàn áp khởi nghĩa cũng bị sách vở Trung Hoa hạ thấp tầm quan trọng, số quân lính tham dự cuộc đàn áp được giảm thiểu, địa bàn hoạt động được ghi chép co rút lại, và, đặc biệt, những lần thua bại được bỏ qua, hoặc chỉ ghi là do khí hậu địa phương quá khắc nghiệt. Tuy nhiên, tình hình và phản ứng của triều đình Trung Hoa, cũng như thanh thế và binh lực của tướng giặc Mã Viện, lại đã bộc lộ rõ ràng tầm quan trọng, sức mạnh và địa bàn hoạt động của nghĩa quân thời Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. 6.2- Địa Bàn của Mã Viện theo sách vở Trung Hoa. Sách vở Trung Hoa chỉ ghi các chiến thắng của Mã Viện ở bốn quận vùng Giao Châu, tức Giao Chỉ, Hợp Phố, Cửu Chân và Nhật Nam. Họ cố tình bỏ qua những trận đại bại ở nhiều nơi khác, đặc biệt ở các vùng sau đó đã bị sáp nhập thành phần đất Trung Hoa, như ở Hồ Nam, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam. 6.3 Lý Do Yếu Kém của Mã Viện. a. Lam sơn chướng khí. Sách vở Trung Hoa ghi rằng : quân tướng của Mã Viện bị lam sơn chướng khí nên bịnh tật rất nhiều, vị chỉ huy thủy quân của ông, đại tướng Đoàn Chí, cũng bị bịnh chết. ‘Khí hậu ác độc’ của phương Nam đã làm cho binh sĩ Đông Hán tật bệnh nhiều, nào nước lụt, nào mưa nhiều, nắng hạ bốc lên như lửa đốt, trên trời diều hâu đang bay bỗng rớt xuống mà chết’ (!). [Tại nơi loài người đã sinh sống mấy ngàn năm, làm sao có thể có hiện tượng ‘diều hâu đang bay mà chỉ vì nóng quá nên rơi xuống chết’ ? Có chăng là núi lửa chợt phun !]. b. Theo sử Trung Hoa. Lam sơn chướng khí luôn là nguyên nhân được mọi sử gia Trung Hoa ghi nhận cho mọi cuộc xâm lăng thất bại tại nước Nam. Theo sử Trung Hoa, và sử ta chép lại. - Năm 214 ttl, tướng của Tần Thủy Hoàng là Hiệu úy Đồ Thư và đại tướng Sử Lộc kéo quân xâm lăng Việt Lạc. Nhưng ‘Đồ Thư bị hại, quân Tần hao tổn tới vài chục vạn, phần bị giết, phần vì không chịu được lam sơn chướng khí’. – Đọc Việt Sử Toàn Thư, do Phạm văn Sơn, nxb Thư Lâm, Sàigòn 1960, tr 57. - Năm 181 ttl, tướng nhà Hán là Long lân hầu Chu Táo kéo quân sang Nước Nam. Nhưng do ‘Thủy thổ Phương Nam không thích hợp với Hán quân, nên họ ốm đau, chết hại rất nhiều… và phải bãi binh’. – Đọc nt, tr 89. - Thời Đức Trưng Vương, tức là Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam, năm 42 dl, khi tướng Nhà Hán là Mã Viện sang xâm lấn Nước ta, có đại tướng Đoàn Chí, tướng nhà Hán, ‘bị bệnh và chết’. Ngoài ra, ‘Khí hậu ác độc’ của phương Nam đã làm cho binh sĩ Đông Hán tật bệnh nhiều, nào nước lụt, nào mưa nhiều, nắng hạ bốc lên như lửa đốt, trên trời diều hâu đang bay bỗng rớt xuống mà chết’ (!). – Đọc Việt Sử Toàn Thư, tr 109. - Thời Đức Lý Nam Đế, năm 544 dl, có Tả vệ tướng quân Lan Khâm, tướng nhà Lương, kéo quân sang đánh Nước ta, nhưng ‘bị bệnh và chết’. – Đọc nt, tr 133. - Thời Đức Lý Nhân Tôn, năm 1076 dl, Chiêu thảo sứ Triệu Tiết, và đại tướng Quách Quì, tướng nhà Tống, ‘bị hại quá nửa vừa do chiến tranh và cũng do bất phục thủy thổ’. – Đọc nt, tr 210. – Hoặc chi tiết hơn : vì ‘không tính đến nhiệt khí, lam chướng… và nước độc’ để ‘quân tải lương chết mất 8 vạn, quân chiến đấu ngã nước chết mất 11 vạn’… 30 vạn quân kéo đi, chỉ còn 2 vạn tám thoát chết chạy về. – Đọc Vân Đài Loại Ngữ, do Lê Quý Đôn, 1772, bản dịch Phạm Vũ, nxb Tự Lực, Sàigòn 1974, tr 174. - Thời Đức Trần Thái Tôn, năm 1257 dl, có đại tướng Ngột Lương Hợp Thai, tướng Mông Cổ, xâm lăng Nước ta. Nhưng ‘Quân Mông Cổ mỏi mệt vì không chịu được thủy thổ… rút về Tàu’ – Đọc Việt Sử Toàn Thư, tr 249. - Thời Đức Trần Nhân Tôn, Đức Hưng Đạo Vương, năm 1285 dl, có hoàng thái tử Thoát Hoan, thượng tướng Toa Đô, nguyên soái Ô Mã Nhi, vạn hộ Lưu Khuê, Lý Hằng, Lý Quán, A Bát Xích, Phàn Tiếp, bị ‘ánh nắng sém da bỏng thịt, phát tiết những khí độc nặng nề oi ả, khiến quân ốm đau tật bệnh chết hại rất nhiều’… ‘sức nóng ‘cháy mây hun đá’… ‘ốm đau nhiều do lam sơn chướng khí.’… 50 vạn quân với hàng ngàn dũng tướng… đã vì vậy mà rút về. – Đọc nt, tr 271, 272. - Năm 1287 dl, Thoát Hoan lại kéo quân tướng sang, và rồi vì ‘khí trời nóng nực’… ‘đất thì nóng nực, khí trời ẩm thấp’… nên thua Trận Bạch Đằng (!). – Đọc nt, tr 282. - Thời Hồ Hán Thương, năm 1407 dl, Phó tướng Mộc Thạnh, tướng nhà Minh bị hại, và vì ‘quân Minh bị ốm đau nhiều nên phải lui…’. – Đọc nt, tr 336. - Thời Đức Lê Thái Tổ, năm 1426 dl, Chinh di tướng quân Vương Thông của nhà Minh, ở trận Tuy Động, ‘trời đang mưa, đường lầy lội’, nên bị bại, Thượng thư Trần Hiệp bị chém. – Đọc nt, tr 366. - Ở trận Chi Lăng, An viễn hầu Liễu Thăng,tướng nhà Minh, đến ‘chỗ bùn lầy’, nên bị chém. Đô đốc Thôi Tụ, Thượng thư Hoàng Phúc, gặp ‘trời mưa bão, không tiến được’… nên bị bắt. – Đọc nt, tr 371-372. - Thời Đức Quang Trung, năm 1789 dl, Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tiên phong Trương Triều Long, Tả dực Thượng Duy Thăng của nhà Thanh, bị ‘trời quay gió nồm’… nên ‘bỏ mạng’… Vì vậy, sau đó Sầm Nghi Đống mới tự tử, Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị mới bỏ chạy. – Đọc nt, tr 552… c. Tổng kết sơ khởi. Như vậy, chỉ kể 12 lần Trung Hoa xua đại quân xâm lấn Nước Nam, dầu sách vở Trung Hoa đã giấu bớt quân số vì bị thất trận, đoàn quân xâm lăng Trung Hoa đã có hơn 30 danh tướng, hằng ngàn đại tướng, và hơn 400 vạn quân sĩ. [Theo con số thông thường, tức là hơn 4.000.000 giặc]. Tất cả bọn họ đều được sử sách Trung Hoa ghi là vì bị lam sơn chướng khí, bị bịnh tật mà chết, mà thoát chạy về Tàu… chứ dân Nam ‘mọi rợ ô hợp hèn nhát’ thì làm sao có thể thắng được hơn bốn trăm vạn tinh binh, với hàng ngàn kiện tướng và hơn 30 danh tướng, gồm các thượng thư, các tổng đốc, các hoàng thái tử…… của Thiên Triều ! Trong suốt hơn 2000 năm, mà Trung Hoa chỉ có một luận điệu xuyên tạc gian trá: Trung Hoa chỉ bại trận vì Lam sơn chướng khí. – Lịch sử nhân loại có trường hợp gian manh cố chấp nào khủng khiếp hơn ? d. Thực tế lịch sử. Đang khi đó, sách sử Trung Hoa lại quên ghi thêm : bọn quan quân tranh nhau sang vơ vét nước Nam trong cả ngàn năm thì… không sao cả, không hề bị lam sơn chướng khí. Sự thực, theo tài liệu đương thời, đất Giao Chỉ ít chướng khí nhất, thích hợp với sự cư trú của con người nhất, dân cư đông đúc và trù phú nhất, đã đóng thuế nhiều hơn tất cả mọi vùng chung quanh gom góp lại. Theo Từ Tùng Thạch trong Việt Giang Lưu Vực Nhân Dân Sử, [nxb Thượng Hải, 1947], so sánh dân số thời đó đã cho thấy Giao Chỉ có đông người nhất, số người trong mỗi gia đình cũng đông nhất… chứng tỏ Giao Chỉ là nơi thích hợp với đời sống con người nhất. Theo Quảng Đông Tân Ngữ của Khuất đại Quân : ‘Giao Chỉ mỗi năm nộp thóc hơn 1360 vạn hộc. Tính ra tất cả thuế các châu Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quí Châu gộp lại cũng không bằng’. – [Trích dẫn ở Vân Đài Loại Ngữ, do Lê Quí Đôn, 1772, bản dịch Phạm Vũ, nxb Tự Lực, Sàigòn 1974, tr 149].*12 * Sông Hồng Sông Mạ là vùng phát triển và trù phú nhất đương thời. Và do đó, đã chiến thắng mọi cuộc xâm lăng của Giặc Tàu. 6.4 Thực trạng của Mã Viện. a. Mã Viện Truyện. Sách vở Trung Hoa còn có Mã Viện Truyện để tôn vinh vị Đại tướng thời danh của Đại Hoàng đế Đại Đông Hán Quang Vũ. Nhờ đó, ta có thêm một số chi tiết.*13 Mã Viện Truyện trang trọng ghi rằng : việc quân sĩ bị chướng khí làm ông ngao ngán. Nhưng sau ông nghĩ lại sứ mạng vua đã long trọng giao phó, nên ông đã cố gắng. Ông cố gắng là phải, vì mới đây, cũng theo Mã Viện Truyện, hàng trăm đại tướng của thiên triều Đại Hán ở 65 thành đều đã thua chạy trước những đoàn nghĩa quân của Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. Tất cả những đại tướng khác của Đại Hán đều khiếp sợ, đều không dám đương đầu… nên Đại Hoàng đế Đại Đông Hán Quang Vũ đã phải cầu tới danh tướng lão thành Mã Viện. Và, để ép buộc Mã Viện và quân sĩ liều chết xuất quân, Đại Hoàng đế Quang Vũ không những đã long trọng ủy thác sứ mạng, mà còn phong thêm chức tước tột bực cho Mã Viện. Toàn thể tướng tá tùy tùng cũng theo đó mà được gia phong. Cũng theo Mã Viện Truyện, trước khi đi, Mã Viện đã lo sợ đến nỗi đã để lại lời tuyệt mạng cho gia đình. [Thực oái oăm và bêu xấu, trong lời tuyệt mạng, một câu đã trở thành danh ngôn của Mã Viện : ‘Thôi thì (!), làm tướng da ngựa bọc thây, hơn là chết tại xó nhà’ (họ Mã !)]. b. Triều Hán khiếp đảm. Quả thực, thanh thế đoàn quân Việt Lạc của Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam không chỉ đã kinh động thiên triều, gây khiếp đảm cho toàn thể đại quân của Đại Đông Hán, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới thanh thế của Quang Vũ, và nhất là tới sự sống còn của đại đế quốc Đại Đông Hán. Việc lo sợ đúng là có căn cứ. Chỉ trong trận ra quân đầu tiên ở Hồ Đồng Đình, dưới sự chỉ huy tối cao của Đại Lão Tướng quyền chức tột bực, 7 vạn thủy quân thiên triều đã tan tác trước 5 vạn quân của cô tướng trẻ Phật Nguyệt. Đại tướng chỉ huy trưởng thủy quân Đoàn Chí cũng bỏ mạng trong trận nầy ! c. May mắn thắng trận. Dầu sao, sách vở Trung Hoa cũng đúng khi khen Mã Viện cố gắng. Dầu sao ông cũng đã may mắn hơn nhiều vua chúa, thái tử, đại tướng, danh tướng… của Thiên triều. Dầu sao, dầu có nhiều thất bại ở buổi đầu, rốt cuộc, sau nhiều cố gắng, Đại Lão Tướng Phục Ba của Đại Hoàng Đế Quang Vũ lừng danh lịch sử Trung Hoa, cũng đã thắng được Cô Gái Thủ Lãnh 31 tuổi của dân Nam. d. Thất phu ngông cuồng. Sau chiến thắng, Mã Viện còn nhiều cố gắng khác. Nhưng một cố gắng đã làm ông nổi tiếng sử sách. Đó là việc Mã Viện dựng cột đồng với lời nguyền : Trụ đồng chiết, Giao Chỉ diệt. Trong 2000 năm qua, câu chuyện trụ đồng và lời nguyền đó đã có giá trị ghi lại hành động và phát ngôn ngông cuồng của một tên thất phu cùng quẫn. Hắn bỗng kiêu hãnh đến phát điên, vì chiến thắng không ngờ ! [sách vở Trung Hoa lại cố tình làm như thể sự ngông cuồng của tên giặc điên Mã Viện sẽ ảnh hưởng tới vận mệnh nước Nam (!)]. Đại Lão Tướng thời danh của Quang Vũ Đại Hoàng đế Đại Đông Hán như Phục Ba Đại Tướng Quân Mã Viện mà khiếp sợ gái Việt đến thế sao ?*14 6.5- Binh Lực của Mã Viện. a. Hai ngàn chiến thuyền có lầu cao. Sách vở Trung Hoa đã nói thoáng qua việc Mã Viện có hai ngàn chiến thuyền loại có lầu cao, và không đề cập tới số quân trên chiến thuyền. Tuy nhiên, mỗi chiến thuyền có lầu cao phải có bao nhiêu thủy thủ ?, bao nhiêu tay chèo chống ?, và chở theo bao nhiêu chiến binh, lương thực ở cả các tầng trên dưới lầu ? Tổng số không thể dưới 50 người cho mỗi chiếc. 2000 chiếc nhân cho 50 người là 100.000 người. Tuy thời điểm khác nhau, nhưng đời nhà Nguyên có 600 chiến thuyền chở 6 vạn quân. Vậy, 2000 chiến thuyền có lầu cao của Mã Viện đã chở theo ít nhất từ 10 tới 20 vạn quân. [Chỉ riêng một trận ở Hồ Đồng Đình, Mã Viện cũng đã mất 7 vạn quân thủy chiến, dưới tay Công chúa Phật Nguyệt]. b. Toàn thể binh lực thiên triều. Sử sách Trung Hoa cũng ghi là Mã Viện đã dẫn theo 2 vạn quân. Làm sao 2 vạn lính có thể đánh chiếm 65 thành vừa mất vào tay nghĩa quân Việt Lạc ? Số quân 2 vạn cũng quá ít ỏi, nhất là khi so sánh với 50 vạn quân của Đồ Thư trước đó 250 năm. Và dầu với số quân gấp 25 lần, Đồ Thư cũng đã thảm bại. [Đại tướng của Tần Thủy Hoàng, năm 214 ttl]. Trên thực tế, so sánh với những cuộc chiến khác trong lịch sử Trung Hoa, dầu Mã Viện có gấp 10 lần con số 2 vạn quân, cũng không đủ cho việc đánh phá 65 thành. Dầu gấp 20 lần con số 2 vạn, cũng không xứng với tầm nghiêm trọng và nổi khiếp sợ của thiên triều Trung Hoa, như đã được ghi nhận trong Mã Viện Truyện. Dầu gấp 25 lần con số 2 vạn, như số quân của Đồ Thư trước đó 250 năm, cũng chưa xứng với thanh thế chủ soái của vị Đệ nhất Đại Tướng thời danh vừa được Đại Hoàng Đế tấn phong tước vị tột bực. Thực vậy, theo thói thường binh tướng, để xứng đáng với việc tấn phong chức tước tột bực cho một danh tướng, để xứng đáng với lễ ra quân long trọng, để đương đầu với đoàn nghĩa quân Việt Lạc vừa đuổi chạy hàng trăm vị đại tướng, để giải cứu Đại Đông Hán khỏi nguy cơ diệt vong, và để tương xứng với hàng chục vạn quân trên 2000 chiến thuyền lầu cao… Đại Hoàng Đế Đại Đông Hán Quang Vũ cũng đã phải trao cho Mã Viện toàn thể binh lực của thiên triều. Và dầu với toàn thể binh lực thiên triều, Mã Viện cũng đã có lúc phải ngao ngán vì thất bại dưới sức mạnh và quyết tâm của nghĩa quân Việt Lạc, với sự điều động của Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. o O o 7. ĐỨC ĐẠI ĐẾ Từ năm 30 tới 43 dl, Việt Lạc kháng chiến chống xâm lăng. Từ năm 40 dl, Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam đã lãnh đạo tái chiếm toàn thể vùng đất Việt Lạc. Ngày nay, phần đất phía Bắc gồm Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, và một phần Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tây, Phúc Kiến. Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam về thần ngày 6 tháng 2 năm 2922 lịch Việt, 43 dl, khi mới 31 tuổi.*15 Trong suốt lịch sử Nhân loại, cho đến hiện nay, chưa hề có một Nữ Nhân nào tạo chiến công hiển hách, thần tốc, tái chiếm vùng đất mênh mông, như Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. Nam nhân có được mấy người ? Ghi chú Phần 6, 7 : *12 – Đọc thêm Lược Sử Tộc Việt, tr 156, đoạn 4.2. *13 – “Mã Viện Truyện” trong Hậu Hán Thư, do Phạm Diệp, thế kỷ 5 dl. *14 – Cũng theo Mã Viện Truyện, khi chết, Mã Viện đã bị lột bỏ mọi tước vị, vợ con không dám đem xác đi chôn, vì Mã Viện đã giấu bớt một xe minh châu và sừng tê đã cướp được từ nước ta. *15 – Đọc thêm Tết và Lễ Việt, do Nguyễn Thanh Đức, bài Lễ và Ngày, đb Lễ Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam; và bài Văn Tế Tổ Tiên, đb Văn tế kính Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. Nguyễn Thanh Đức Share this post Link to post Share on other sites
Posted 6 Tháng 10, 2014 b. Triệu Đà chiếm Cổ Loa. Năm 180 ttl, theo truyền kỳ Mỵ Châu, với kế Trọng Thủy ở rể, Triệu Đà đã đánh bại Vua An Dương, chiếm đóng Cổ Loa, trị sở của Việt Lạc Sông Hồng. Chỉ cần một câu này thấy chưa đạt yêu cầu. Tôi đố "cộng đồng khoa học thế giới" và " Hầu hết những nhà khoa học trong nước" chứng minh được thành Cổ Loa ở Hanoi ngày nay chính là Loa thành của An Dương Vương. Giải thưởng 10. 000. 000 VND. Thiên Sứ trả. Thanhdc hãy cảnh giác với những luận điểm cho rằng: "Người Việt hiện nay không phải Lạc Việt": hoặc công nhận là Lạc Việt, nhưng Lạc Việt chỉ ở đồng bằng sông Hồng....Đây là một cách nhìn sai lầm, hoặc cố tình xuyên tạc truyền thống văn hóa sử Việt trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương Tử. . Nhưng bài này đỡ tệ hơn nhiều so với bài của tác giả Thu Tứ, gọi là có khả năng tư duy, nhưng chưa hoàn hảo. Còn cái đám cứ la oai oải là Thiên Sứ căn cứ vào truyền thuyết là mơ hồ, nhưng chính họ lại coi truyền thuyết là cơ sở để phân tích chứng minh luận điểm của họ. Thí dụ: nhiều người lấy hình tượng "Mẹ Âu cơ dẫn con lên núi và con trưởng làm Hùng Vương thứ nhất". để lải nhải rằng: Việt tộc đang ở "chế độ mẫu hệ". Rõ ràng họ lấy truyền thuyết trực tiếp làm cơ sở chứng minh cho luận điểm: "Việt tộc đang ở chế độ mẫu hệ". Còn tôi hoàn toàn không. 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 6 Tháng 10, 2014 Vâng thưa SP! Con chỉ quan tâm và đọc các tư liệu về lịch sử có trong các bài viết thôi ạ. Share this post Link to post Share on other sites