Thiên Sứ

Một Giả Thuyết Về Nguồn Gốc Người Việt Dựa Trên Bằng Chứng Nhân Chủng Học Phân Tử

43 bài viết trong chủ đề này

Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt dựa trên bằng chứng nhân chủng học phân tử

Đỗ Kiên Cường

Thứ hai, 22 Tháng 9 2014 07:26

blank.gif

 

Đặt vấn đề:

Tìm về cội nguồn là nhu cầu tự thân của con người. Chính vì vậy nhiều thế hệ người Việt Nam đã cố gắng đi tìm nguồn gốc dân tộc trên nhiều góc độ như truyền thuyết, ngôn ngữ, sử sách, dân tộc học, khảo cổ… Tuy nhiên cho đến nay, chưa thấy những cố gắng tìm tòi dựa trên bằng chứng phân tử và di truyền học, cơ sở của ngành nhân chủng học phân tử. Đó là một khiếm khuyết lớn, vì theo nhà di truyền học Spencer Wells, từng lãnh đạo Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ, “cuốn lịch sử vĩ đại nhất từng được viết là cuốn ẩn giấu trong ADN của chúng ta”1. Bài viết này dùng các bằng chứng nhân chủng học phân tử trong hai mươi năm qua và phát hiện năm 2012 về nguồn gốc mới của lúa nước thuần hóa để đưa ra một giả thuyết mới về nguồn gốc người Việt. Theo đó người Việt là hậu duệ của những người đã tới Việt Nam từ 45.000 - 30.000 năm trước, và cùng với các cư dân Đông Nam Á khác, họ chính là nguồn gốc chủ yếu của cư dân Đông Á.

 

Các giả thuyết về nguồn gốc người Việt:

Về cơ bản có hai giả thuyết chính về nguồn gốc người Việt. Đó là thuyết bản địa và thuyết thiên di.

Đại diện cho thuyết bản địa là nhà khảo cổ học Hà Văn Tấn, khi từ 1960 đã cho rằng nguồn gốc người Việt là những người thuộc chủng Mã Lai cổ (mà ông gọi là Indonesien theo tiếng Pháp)2. Theo ông, họ là chủ nhân của các nền văn hóa đồ đá tại Việt Nam. Hà Văn Tấn cũng cho rằng, chủng Mã Lai cổ thuộc tiểu chủng Nam Á (Mongoloid phương Nam), xuất hiện do sự hòa huyết nhiều lần giữa đại chủng Á (Mongoloid) từ phương Bắc đi xuống với đại chủng phương Nam (Australoid). Quan điểm của ông ảnh hưởng rõ trên trang bách khoa thư mở Wikipedia tiếng Việt trên Internet. Theo đó thì lần hòa huyết thứ nhất giữa đại chủng phương Nam và đại chủng Á tạo nên chủng Mã Lai cổ, và lần hòa huyết thứ hai giữa chủng Mã Lai cổ với đại chủng Á tạo nên người Việt3.

Thuyết thiên di xem người Việt có nguồn gốc từ Tây Tạng hoặc Hoa Nam. Dựa trên bằng chứng ngôn ngữ, một số học giả Pháp cho rằng người Việt có nguồn gốc từ Tây Tạng. Như sẽ thấy ở các phần sau, giả thuyết này có tính trực giác cao và thực ra có cơ sở, nhưng không được thừa nhận do dấu ấn văn hóa Trung Á quá mờ nhạt so với dấu ấn văn hóa phương Bắc trong văn hóa Việt.

Giả thuyết nguồn gốc Bách Việt Hoa Nam được ủng hộ trên nhiều khía cạnh như truyền thuyết, thư tịch, khảo cổ… như truyền thuyết Hồng Bàng, các bộ sử thời Trần (Đại Việt sử lược), Lê (Đại Việt sử ký toàn thư), hay bộ lịch sử cổ đại Việt Nam của Đào Duy Anh, được in vào các năm 1957, 2005 và 2010. Gây chú ý gần đây là cuốn Nguồn gốc người Việt - người Mường của Tạ Đức, 2013, được tác giả tự đánh giá là “đưa ra những câu trả lời mới, đầy đủ và chi tiết hơn, nhưng về cơ bản đồng thuận với những câu trả lời đã có trong truyền thuyết Hồng Bàng và trong các công trình đã nêu”4. Theo Tạ Đức, người Mường, chủ nhân văn hóa đá mới Phùng Nguyên, có nguồn gốc từ người Mân Việt tại Phúc Kiến - Quảng Đông thiên di xuống khoảng 4.000 năm trước; còn người Việt là di dân gốc Lạc Việt từ Hồ Nam xuống Việt Nam thời đồng thau Đông Sơn 2.700 năm trước5. Và do đó người Việt và người Mường không có nguồn gốc chung, như từng được quan niệm6, cho dù tiếng Việt và tiếng Mường có thể chung một gốc. Theo Tạ Đức thì “khái niệm Việt - Mường chung chỉ là một khái niệm ngôn ngữ học và không thể chuyển sang một khái niệm dân tộc học”.

Cần nhấn mạnh rằng, giả thuyết thiên di từ Hoa Nam được xem là có nền tảng vững chắc trên khía cạnh nhân chủng và khảo cổ. Về mặt nhân chủng, quan niệm truyền thống xem đại chủng Á có nguồn gốc phương Bắc, và sự thiên di xuống phía Nam góp phần tạo nên tiểu chủng Nam Á, trong đó có người Việt. Về mặt khảo cổ, bằng chứng thuần hóa lúa nước tại lưu vực sông Dương Tử 9.000 - 7.000 năm trước7 cho thấy, đây chính là nơi phát tán nông nghiệp, với các dòng thiên di liên tục xuống phía Nam. Bất cứ giả thuyết nào không phù hợp với các dòng thiên di tự nhiên này đều khó được chấp nhận. Do đó, để bác bỏ giả thuyết về nguồn gốc thiên di từ Hoa Nam của người Việt, cần bác bỏ các nền tảng nhân chủng và khảo cổ này.

 

Nhân chủng học phân tử và Thuyết rời khỏi châu Phi:

Nhân chủng học phân tử là một chuyên ngành nhân chủng chuyên dùng các phân tích phân tử và di truyền để khám phá nguồn gốc và tiến hóa loài người hay phân loại và xem xét quá trình tiến hóa của các động vật nhân hình. Nó bắt nguồn từ Thế chiến I, khi hai thầy thuốc tại thành phố Thessaloniki, Hy Lạp, nhận thấy thương binh bị tai biến truyền máu phụ thuộc vào quốc tịch. Đầu những năm 1950, nhà nghiên cứu tiền phong Cavalli-Sforza, Đại học Stanford, Mỹ, nghiên cứu sự khác biệt di truyền giữa các tộc người bằng cách khảo sát các protein đặc trưng trong các nhóm máu. Khác biệt ở protein phản ánh sự khác biệt trong bộ gien mã hóa chúng8.

Bộ gien của con người là tổ hợp của hai bộ gien từ cha và mẹ. Tuy nhiên có một số gien không bị tái tổ hợp; do đó chúng cho phép truy tìm nguồn gốc sâu xa về mặt di truyền của từng cá thể. Nói cách khác, chúng giúp vẽ được các cây phả hệ di truyền và sự tiến hóa giữa các tộc người khác nhau. Đó là ADN ty thể, do mẹ truyền cho con; và ADN nhiễm sắc thể Y, do cha truyền cho con trai. Đó là các công cụ cực kỳ hữu ích để theo dõi các dòng thiên di của loài người trong suốt tiến trình lịch sử 70.000 - 50.000 năm qua. Bằng cách theo dõi các dấu gien (genetic marker), là các đột biến ADN đặc trưng cho một nhánh cụ thể trong cây phả hệ di truyền, các nhà khoa học đã vẽ được các con đường thiên di chiếm lĩnh địa cầu của người hiện đại, với điểm gốc là Đông Bắc Phi, bắt đầu từ 70.000 - 50.000 năm trước9.

Cần nhấn mạnh hai khám phá mang tính bước ngoặt. Đó là khám phá của Cann, Stoneking và Wilson, 1987, xem toàn bộ nhân loại hiện nay là hậu duệ của một người phụ nữ sống tại Đông Bắc Phi 172 ngàn năm trước; và khám phá của Underhill và 22 đồng sự, 2000, xem toàn bộ nam giới hiện tại có nguồn gốc từ một người đàn ông cũng sống tại Đông Bắc Phi 59 ngàn năm trước (những công bố mới 2011 và 2013 lùi niên đại này tới 142.000 hoặc 338.000 năm trước nhưng chưa thực sự đạt được sự đồng thuận)10. Đó là nàng Eva ty thể và chàng Adam nhiễm sắc thể Y, theo cách gọi của giới truyền thông. Cần lưu ý, tại Ethiopia có nhiều Adam và Eva, nhưng chỉ Adam của Underhill và Eva của Cann mới có hậu duệ hiện còn tồn tại. Con cháu của các Adam và Eva khác đều đã tuyệt chủng. Eva của Cann và Adam của Underhill được gọi là tổ tiên chung gần nhất của loài người, theo các tiêu chí ADN ty thể và ADN nhiễm sắc thể Y.

 

ng.goc001.jpg

 

Hình 1:Bản đồ thiên di rời khỏi châu Phi theo dấu chân những người mẹ (màu vàng) và những người cha (màu xanh)

 

Nhân chủng học phân tử cũng phát hiện hai làn sóng thiên di từ Đông Bắc Phi. Làn sóng thứ nhất men theo bờ Ấn Độ Dương tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trước khi tới Úc và ngược lên Bắc Á rồi sang Bắc Mỹ qua eo Bering. Những người có nước da đen, tóc quăn tại Nam Á, Đông Nam Á và các đảo Nam Thái Bình Dương là hậu duệ trực tiếp của làn sóng này. Tại Đông Nam Á, Hoa Nam và Nhật Bản, nó có phần đóng góp khoảng 20 - 30% vào vốn gien chung9 (hình 1).

Làn sóng thiên di thứ hai, với vai trò làn sóng chủ yếu, đi ngược lên Trung Cận Đông và Trung Á, trước khi lan tỏa khắp địa cầu. Trong làn sóng này có người đàn ông mang dấu gien M89, sống khoảng 45.000 năm trước tại Đông Bắc Phi hoặc Trung Đông. Hơn 90% số nam giới ngoài châu Phi hiện nay là hậu duệ của ông. Các hậu duệ của người đàn ông này đã men theo dãy Himalaya tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và cực nam Hoa Nam (cụ thể là Vân Nam và Quảng Tây, được các nhà nhân chủng học phân tử Trung Quốc xác định là nơi người hiện đại tới Trung Quốc đầu tiên) khoảng 30.000 năm trước11. Làn sóng này đóng góp khoảng 70 - 80% vào vốn gien chung của cư dân phía Đông lục địa Á - Âu, tức các vùng Đông Nam Á, Đông Á và Bắc Á9.

Để hiểu thêm về nguồn gốc người châu Á, tức đại chủng Mongoloid, cần nhấn mạnh nhóm đơn bội O3 (dấu gien M122), xuất hiện 10.000 năm trước tại cực nam Hoa Nam hoặc Đông Nam Á, trước khi Bắc tiến mạnh mẽ (nhóm đơn bội là nhóm người mang chung một dấu gien đặc trưng do đột biến di truyền, tức cùng chung một nhánh trong cây phả hệ di truyền). Hơn một nửa số đàn ông Trung Quốc mang dấu gien này, cho thấy sự Bắc tiến này là kết quả của sự lan tỏa kỹ thuật trồng lúa nước9, một điều dường như trái ngược với quan niệm truyền thống về quê hương lúa nước tại lưu vực sông Dương Tử (hình 2).

 

ng.goc002.jpg

Hình 2:Bản đồ thiên di của những người cha cho thấy nguồn gốc Đông Nam Á của đại chủng Mongoloid

 

Nguồn gốc đại chủng Á (Mongoloid):

Carl von Linne (sau Latin hóa thành Linnaeus), nhà thực vật học Thụy Điển thế kỷ XVIII, là người đầu tiên đưa ra hệ thống phân loại cho mọi loài sinh học trên thế giới. Trong quá trình đặt tên cho hơn 12.000 loài, ông chọn cái tên Homo sapiens (“người khôn”) cho loài người. Thêm nữa, khi nhìn ra toàn nhân loại trên thế giới, ông thấy dường như họ phân thành các nhóm khác nhau căn cứ theo biểu hiện bên ngoài. Do đó Linnaeus phân loại loài người thành năm nhóm chủng tộc: Afer, hay người châu Phi; Americanus, người châu Mỹ; Asiaticus, người châu Á; Europaeus, người châu Âu; và Montrosus, gồm tất cả những chủng người mà ông không thích, kể cả những chủng không có thật12.

Cách phân loại này khá giống những phân loại được dùng đến tận 20 năm trước. Chẳng hạn giữa những năm 1960, Carleton Coon, nhà nhân chủng Mỹ ủng hộ Giả thuyết tiến hóa trên nhiều vùng về nguồn gốc loài người (ngược với Thuyết rời khỏi châu Phi về nguồn gốc duy nhất tại Đông Bắc Phi), xuất bản cuốn Nguồn gốc chủng tộc, được xem là sách gối đầu giường của các sinh viên chuyên ngành nhân chủng. Trong đó Coon dùng chính cách phân loại của Linnaeus, với các chủng tộc Caucasoid (tương đương Europaeus của Linnaeus), Negroid (Afer) và Mongoloid (kết hợp Asiaticus và Americanus), cũng như thêm hai chủng tộc mới: Capoid (người Khoisan phía nam Cape châu Phi) và Australoid (thổ dân Australia và New Guinea)13.

Cho rằng cách phân loại trên thiếu tính khoa học, năm 2002, nhà nhân chủng Rich tại Đại học California, San Francisco, đưa ra cách phân loại mới dựa theo địa lý như sau: 1) Người Phi, gồm cả người châu Mỹ gốc Phi; 2) Người Âu, là người phía tây lục địa Á - Âu (châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi và tiểu lục địa Ấn Độ (Ấn Độ và Pakistan)); 3) Người Á, là người phía Đông lục địa Á - Âu (Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Dương, Philippines và Siberia); 4) Người quần đảo Thái Bình Dương, gồm thổ dân Úc và người New Guinea, Melanesia và Micronesia; và 5) Người Mỹ bản địa, kể cả tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ14. Tuy nhiên cách phân loại của Coon vẫn được dùng rộng rãi trong nhân chủng học.

Khi đặt tên người châu Á là Mongoloid, tức “giống người Mông Cổ”, vào năm 1775, có lẽ các cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn đã ám ảnh Blumenback, Đại học Gottingen, Đức15. Và sự ám ảnh đó đã gieo vào tâm thức cộng đồng khoa học rằng, đại chủng Mongoloid phát tích từ Bắc Á, trước khi tràn xuống phía nam, góp phần tạo thành tiểu chủng Mongoloid phương Nam (qua nhiều lần hòa huyết với đại chủng phương Nam Australoid). Cho đến cuối thế kỷ XX, quan điểm này đạt được sự đồng thuận cao trong cộng đồng khoa học, nhất là khi nó phù hợp với quan niệm về sự lan tỏa nông nghiệp từ các lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử tại Trung Quốc.

 Quan điểm truyền thống đó bị thách thức vào năm 1998, khi Chu, Viện sinh học y khoa thuộc Viện hàn lâm y học Trung Quốc tại Côn Minh, cùng 13 nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ công bố công trình Quan hệ di truyền của cư dân Trung Quốc trên tạp chí Kỷ yếu Viện hàn lâm khoa học Mỹ PNAS ngày 29/09/1998. Nghiên cứu trên 28 nhóm cư dân Trung Quốc thuộc nhiều ngữ hệ khác nhau (Hán - Tạng, Tạng - Miến, Mon - Khmer, Hmong - Miên, Daic, Altaic và Nam Đảo), các tác giả nhận thấy, “cư dân Đông Á là đích đến của nhiều nguồn gien: Đông Nam Á, Altai từ Đông Bắc Á, Trung Á và châu Âu”. Căn cứ theo tỷ lệ đóng góp, Chu và đồng sự kết luận, “phát sinh chủng loại cũng giả định rằng, nhiều khả năng hơn cả là cư dân Đông Á đến từ Đông Nam Á”16.

Cần lưu ý một điểm quan trọng, trước năm 2000, làn sóng thiên di thứ hai từ châu Phi chưa được công nhận chính thức, nên các nhà nhân chủng học phân tử đều xem người Đông Á có nguồn gốc từ những người đến Đông Nam Á qua làn sóng thiên di thứ nhất (men theo bờ Ấn Độ Dương). Tuy nhiên đến nay thì họ đã biết con đường này chỉ đóng góp không quá 20 - 30% vào vốn gien của người Đông Á mà thôi.

Mười một năm sau, Tổ chức bộ gien người HUGO (Human Genome Organisation) đã công bố công trình mang tính bước ngoặt Vẽ bản đồ đa dạng di truyền người châu Á trên tạp chí Science danh tiếng ngày 11/12/2009. Nghiên cứu chi tiết trên 64.794 kiểu biến thiên hình thái gien của 1928 người thuộc 73 sắc dân khắp châu Á và 2 sắc dân ngoài châu Á (để so sánh), các nhà khoa học quốc tế của HUGO kết luận, hơn 90% thể đơn bội gien người Đông Á tìm thấy ở người Đông Nam Á hoặc người Nam Trung Á, và sự đa dạng giảm dần từ phía Nam lên phía Bắc. Ngoài ra, 50% thể đơn bội chỉ tìm thấy ở người Đông Nam Á và 5% chỉ tìm thấy ở người Nam Trung Á cho thấy, người Đông Nam Á là nguồn gốc chính của người Đông Á17. Công trình này là một bước tiến lớn so với công trình của Chu và đồng sự 11 năm trước, khi định lượng hóa được phần đóng góp của dòng gien Đông Nam Á đối với vốn gien tại Đông Á (khoảng 80 - 90%). Nói cách khác, các bằng chứng phân tử và di truyền học cho thấy, đại chủng Mongoloid được hình thành tại Đông Nam Á, điều hoàn toàn ngược với quan niệm truyền thống về nguồn gốc phương Bắc của đại chủng này. (Công bố của HUGO năm 2009 từng được các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam đăng tải rộng rãi; tuy nhiên ý nghĩa của nó không được các nhà nhân chủng học nước ta chú ý).

Nguồn gốc Đông Nam Á của chủng Mongoloid càng được khẳng định qua nghiên cứu so sánh kiểu răng của người phía Nam và người phía Bắc vùng Đông Á. Nhiều sắc người trên thế giới, như người Phi vùng hạ Sahara hay người Âu, vẫn giữ nguyên kiểu răng của người thiên di lúc mới rời châu Phi. Nhưng cư dân Đông Nam Á, Đa Đảo, Úc, Hoa Nam và Nhật Bản cổ đã phát triển một kiểu răng hoàn toàn khác, được gọi là kiểu Sunda (tên gọi của lục địa Đông Nam Á cuối kỷ băng hà cực đại 22.000 - 15.000 năm trước, khi mực nước biển thấp hơn hàng trăm mét so với hiện nay). Kiểu răng thứ ba, phát triển từ kiểu Sunda, với tên gọi kiểu Trung Hoa, thuộc về cư dân Hoa Bắc, Nhật Bản hiện đại và các tộc thiểu số tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ18. Nói cách khác, chủng Mongoloid phương Bắc có nguồn gốc từ chủng Mongoloid phương Nam.

Vậy người Mongoloid hoàn chỉnh xuất hiện trong khoảng thời gian nào? Các bằng chứng khảo cổ cho thấy sọ Mongoloid điển hình chỉ xuất hiện khoảng 10.000 năm trước. Theo nhà cổ nhân chủng học Klein, Đại học Chicago, 1999, “phần lớn sọ người hiện đại ban đầu không có các đặc trưng khác biệt như bất cứ chủng tộc hiện đại nào; và dường như các chủng tộc hiện nay hình thành chủ yếu trong kỷ Toàn Tân, sau giai đoạn 12.000 - 10.000 năm trước. Điều đó đặc biệt rõ ràng với vùng Đông Á (trái tim của các chủng Mongoloid), nhưng cũng đúng với châu Âu (đất mẹ của người Caucasoid)”19.

Cần nhấn mạnh rằng, quan niệm của Klein rất phù hợp với phát hiện mới về thuần hóa lúa nước khoảng 10.000 năm trước (sẽ trình bày dưới đây) và sự thiên di từ phía Nam lên phía Bắc của nhóm đơn bội O3 (với dấu gien M122, cũng xuất hiện khoảng 10.000 năm trước) đặc trưng cho người Hán (xem hình 2).

Đó là những kết luận gây sốc thực sự đối với quan niệm thiên di từ Bắc xuống Nam truyền thống tại Đông Á, đến mức nhiều nhà nhân chủng học kịch liệt phản đối. Họ dẫn ra bằng chứng khảo cổ về sự thuần hóa lúa nước tại lưu vực Dương Tử khoảng 9.000 - 7.000 năm trước để bác bỏ. Lịch sử nhân loại cho thấy, chỉ có sự thiên di từ các vùng nông nghiệp đầu tiên lan tỏa ra xung quanh, chứ không có sự thiên di theo hướng ngược lại. Vùng Lưỡi liềm phì nhiêu Trung Cận Đông là minh họa điển hình cho xu hướng thiên di tự nhiên đó; và do đó lưu vực Dương Tử cũng không thể là ngoại lệ. Mâu thuẫn giữa dòng gien và sự lan tỏa nông nghiệp được giải quyết như thế nào?

 

Sự thuần hóa lúa nước:

Quan điểm truyền thống xem lưu vực Dương Tử, ranh giới tự nhiên giữa Hoa Bắc và Hoa Nam, là nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới khoảng 9.000 - 7.000 năm trước. Quan điểm đó dựa trên những bằng chứng khảo cổ không thể bác bỏ.

Năm 2006, trên PNAS, Londo và bốn nhà khoa học tại ba trường đại học Mỹ và Đài Loan cho rằng, phân bố chủng loại của giống lúa dại Oryza rufipogon châu Á cho thấy, lúa nuôi cấy Oryza sativa được thuần hóa nhiều lần, trong đó giống Oryza japonica được thuần hóa tại Hoa Nam, còn giống Oryza indica được thuần hóa tại Đông Ấn và Đông Nam Á, chủ yếu từ các giống lúa dại Đông Dương20.

Tuy nhiên vào năm 2011, cũng trên PNAS, Molina và đồng sự đưa ra chứng cứ phân tử cho thấy lúa nước chỉ được thuần hóa một lần khoảng 13.500 hoặc 8.200 năm trước, tùy theo phương pháp xử lý số liệu được sử dụng. Đó là giống Oryza japonica. Và sau đó giống Oryza japonica mới được lai ghép với các giống lúa dại địa phương để tạo ra giống Oryza indica và giống lúa thơm Aus. Các tác giả cũng cho rằng, có thể giống lúa dại Oryza rufipogon tại Ấn Độ hoặc Đông Dương là tiền thân của lúa nước thuần hóa21. Nói cách khác, nghiên cứu này cũng gián tiếp ủng hộ giả thuyết lưu vực Dương Tử là quê hương của nền nông nghiệp lúa nước.

Khám phá mang tính cách mạng về nguồn gốc lúa nước thuần hóa được công bố một năm sau đó. Ngày 25/10/2012, trên tạp chí Nature danh tiếng, các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản so sánh sự biến thiên bộ gien của lúa nước nuôi cấy với các giống lúa dại tại châu Á và kết luận, lưu vực Tây Giang thuộc Quảng Tây, chủ lưu của sông Châu chảy ra biển tại Quảng Đông, chính là nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới22.

Với khám phá này, sự mâu thuẫn giữa dòng gien (từ Nam lên Bắc) và sự lan tỏa nông nghiệp (từng được xem là từ lưu vực Dương Tử đi xuống Đông Nam Á) đã được giải quyết. Cần nhấn mạnh rằng, ba sự kiện quan trọng nhất thời tiền sử phía Đông lục địa Á - Âu (xuất hiện người Mongoloid hoàn chỉnh, thuần hóa lúa nước và dòng thiên di hướng lên phía Bắc) đều có cùng niên đại (khoảng 10.000 năm trước) và cùng vị trí địa lý (Đông Nam Á và cực nam Hoa Nam). Điều đó chứng tỏ, dòng gien từ phía Nam hướng lên lưu vực Dương Tử và Hoa Bắc chính là dòng thiên di của những người nông dân Mongoloid đầu tiên.

 

Người Việt cổ thiên di tới Việt Nam như thế nào?

Theo dấu chân thiên di của những người mẹ, để tìm hiểu nguồn gốc người Việt, cần lưu ý các nhóm đơn bội như sau (hình 1):

Đầu tiên là nhóm đơn bội M thuộc làn sóng thiên di thứ nhất, được xem là những người đầu tiên tới Đông Nam Á bằng cách men theo bờ Ấn Độ Dương. Tại Hoa Nam và Nhật Bản, nhóm này chiếm 15% vốn gien phụ nữ. Tại Việt Nam, có lẽ nhóm này cũng có tỷ lệ không nhỏ hơn 15%.

Tiếp theo là nhóm đơn bội D, tách ra khỏi nhóm đơn bội M và đi ngược lên Trung Á trước khi đông tiến. Tại Bắc Á, nó chiếm tỷ lệ hơn 20% vốn gien những người mẹ; còn tại Đông Nam Á, tỷ lệ cũng đạt tới 17%.

Thứ ba là nhóm đơn bội B, thuộc làn sóng thiên di thứ hai. Nó chiếm khoảng 20% vốn gien tại Trung Quốc và 17% tại Đông Nam Á. Hậu duệ của nhóm này, nhóm đơn bội con B4 (cùng một số nhóm khác), đã từ Đông Nam Á tràn ra vùng Đa Đảo ngoài Thái Bình Dương khoảng 5.000 năm trước.

Cuối cùng là nhóm đơn bội F, xuất hiện tại Trung Á khoảng 45.000 năm trước, cũng thuộc làn sóng thiên di thứ hai. Các thành viên của nhóm tràn tới Đông Nam Á và cực nam Hoa Nam khoảng 30.000 năm trước. Hiện nhóm chiếm hơn 25% vốn gien phụ nữ tại Đông Nam Á. Tại Việt Nam, nhóm có sự biến đổi chuỗi ADN lớn nhất, cho thấy đây chính là nơi họ đặt chân tới đầu tiên.

Để tìm hiểu nguồn gốc người Việt, bên cạnh dấu chân của những người mẹ, cần dõi theo bước chân của những người cha như sau (hình 2):

Trước tiên là nhóm đơn bội C, với dấu gien đặc trưng M130, xuất hiện tại Đông Bắc Phi hoặc Nam Á khoảng 50.000 năm trước, thuộc làn sóng thiên di thứ nhất. Nhóm này tương ứng với nhóm đơn bội M theo đường mẹ. Nhóm tới Đông Nam Á, xuôi về nam tới Úc, ngược lên bắc tới Hoa Bắc, Nhật Bản và Siberia trước khi tràn sang Bắc Mỹ. Kèm theo là nhóm đơn bội D (dấu gien M174), cũng tới Đông Nam Á rồi lên Nhật Bản, vào Mông Cổ và tràn xuống Tây Tạng.

Tiếp theo là nhóm đơn bội O (dấu gien M175) thuộc làn sóng thiên di thứ hai. Xuất hiện tại Trung Á hoặc Đông Á khoảng 35.000 năm trước, nhóm này đông tiến mạnh mẽ, tạo thành nhóm chủ yếu tại phía đông lục địa Á - Âu. Từ nhóm này, khoảng 30.000 năm trước, xuất hiện nhóm đơn bội O1a (dấu gien M119) tại cực nam Hoa Nam hoặc Đông Nam Á. Sau đó họ tỏa ra khắp Đông Nam Á, nam Hoa Nam và Đài Loan. Có lẽ nhóm này tương ứng với nhóm đơn bội F của những người mẹ.

 

Di truyền học của người Việt Nam:

Với vị trí địa lý liền kề nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới (sông Bằng tại Cao Bằng và sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn đều là chi lưu của Tây Giang), rất khó hiểu nếu người Việt cổ không tham gia vào ba sự kiện chính yếu nói trên (xuất hiện đại chủng Á, thuần hóa lúa nước và Bắc tiến). Vậy những nghiên cứu về di truyền có khẳng định người Việt là những cư dân đã cư ngụ lâu đời tại vùng phát tích đại chủng Mongoloid hay không?

Ngay từ 1992, khi nghiên cứu ADN ty thể của nhiều sắc dân châu Á (trong đó có người Việt, người Hoa tại ven biển Hoa Nam và Đài Loan, và người Nhật), nhà nghiên cứu Ballinger, Đại học Emory, Mỹ, đã kết luận, sự đa dạng ADN ty thể lớn nhất và tần suất xuất hiện cao nhất của một hình thái gien HpaI/HincII tại Việt Nam dẫn tới giả thuyết nguồn gốc Mongoloid phương Nam của người châu Á23. Nói cách khác, trong số những người được nghiên cứu, do có sự đa dạng di truyền cao nhất, nên người Việt nằm gần gốc cây phả hệ di truyền hơn so với người Hoa Nam và người Đông Bắc Á. Tại thời điểm công bố, nghiên cứu này không những không được đánh giá cao, mà còn bị xem là một kết luận lạc dòng chính thống, khi giả định đại chủng Á có nguồn gốc phương Nam.

Năm 2002, khi nghiên cứu 84 người Hoa Bắc tại Tây An, 82 người Hoa Nam tại Trường Sa, 89 người Nhật và 35 người Việt Nam, nhà nghiên cứu Nhật Hiroki Oota, Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck, Đức, nhận thấy, các cư dân châu Á có sự biến thiên ADN ty thể cao, trong đó người Việt có sự biến thiên cao nhất. Tuy nhiên, khoảng cách di truyền giữa các tộc người châu Á nói chung là nhỏ. Và sự gần gũi về mặt di truyền đó được giải thích bằng sự lan tỏa của nông nghiệp24. Nói cách khác, nghiên cứu này cho thấy, so với người Hoa Nam và Hoa Bắc, người Việt nằm gần gốc của cây phả hệ di truyền hơn; và  sự lan tỏa của lúa nước không phải từ Bắc xuống Nam, mà từ Nam lên Bắc! Đó cũng là một kết luận từng bị xem ngược dòng chính thống, nhưng lại hoàn toàn phù hợp với khám phá năm 2012 về nguồn gốc mới của lúa nước thuần hóa.

Tuy những nghiên cứu phân tử và di truyền về người Việt còn tương đối ít, nhưng cũng có thể kết luận sơ bộ rằng, người Việt có nguồn gốc từ những người cổ đã cư ngụ lâu đời tại Việt Nam và họ thuộc nhóm những người đầu tiên thiên di tới Đông Nam Á. Và chỉ những nghiên cứu sau này mới có thể vẽ được bức tranh hoàn chỉnh hơn về nguồn gốc thực sự của người Việt.

 

Gien và ngôn ngữ tiến hóa cùng nhau:

Chỉ đứng sau các bằng chứng di truyền học, ngôn ngữ có vai trò thiết yếu trong việc phân loại các tộc người và theo dõi sự tiến hóa của các nhóm cư dân gần gũi nhau về mặt nhân chủng. Điều đó đã được khẳng định sau các công trình của nhà ngữ học tài năng dị thường Josep H. Greenberg (vốn được đào tạo về nhân chủng học xã hội) và nhà di truyền học tiền phong Cavalli-Sforza, cùng tại Đại học Stanford. Trước khi mất năm 2001 ở độ tuổi 86, Greenberg đã phân loại các ngôn ngữ trên toàn thế giới thành 14 ngữ hệ chính, ngoại trừ các ngôn ngữ Đông Nam Á (khi đồng nghiệp tới thăm trên giường bệnh, ông nói trong nước mắt rằng, điều đó khiến cho công trình ngôn ngữ thế giới của ông không thể hoàn thành25). Ông cũng đưa ra siêu ngữ hệ Á - Âu, cho phép tìm sự liên quan giữa các ngôn ngữ rất xa nhau, chẳng hạn tiếng Anh và tiếng Nhật. Các nhà ngôn ngữ không ủng hộ ông cho đến khi Cavalli-Sforza chứng tỏ rằng, các ngữ hệ chính của Greenberg hoàn toàn phù hợp với phân loại các chủng tộc trong nhân chủng học phân tử26 và với các bằng chứng khảo cổ27. Theo Cavalli-Sforza, gien và ngôn ngữ tiến hóa cùng nhau.

Tại sao gien và ngôn ngữ tiến hóa cùng nhau? Theo nhà tâm lý học tiến hóa Dunbar, Đại học Liverpool, ngoài chức năng thực hiện và chuyển tải tư duy và truyền thông kinh điển, ngôn ngữ còn nhiều chức năng khác như chức năng kết nối các cá nhân trong một nhóm xã hội ngày càng lớn, chức năng giới tính (hấp dẫn bạn tình bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm) hay chức năng bảo vệ. Do các nhóm săn bắt - hái lượm có quy mô không thể quá vài trăm cá thể, nên việc kiểm soát nhân số là vấn đề cốt tử. Và ngôn ngữ là phương tiện hữu hiệu cho phép phát hiện một kẻ không mời khi người đó vừa mở miệng. Đó là lý do có rất nhiều ngữ giọng khác nhau, cho phép phân biệt thậm chí các nhóm người nói cùng một ngôn ngữ. (Sự đồng tiến hóa của gien và ngôn ngữ cũng cho thấy, kết luận của Tạ Đức về tiếng Việt - Mường chung không đi kèm với người Việt - Mường chung có lẽ không đúng sự thật).

Điều đó dẫn tới các vùng ngôn ngữ lan tỏa và các vùng khảm ngôn ngữ. Nước Mỹ rộng lớn chỉ nói một ngôn ngữ; còn New Guinea, diện tích nhỏ hơn nhiều, nhưng có tới 1.200 ngôn ngữ. Các nhà ngữ học gọi vùng đủ rộng chủ yếu chỉ nói một ngôn ngữ là vùng lan tỏa; còn vùng phân chia thành nhiều vùng nhỏ, mỗi vùng đều có ngôn ngữ riêng, là vùng khảm. Các yếu tố biến vùng lan tỏa thành vùng khảm và ngược lại cũng chính là các yếu tố sắp xếp lịch sử và văn hóa.

Khi vùng lan tỏa vỡ vụn thành vùng khảm, điều gì thúc đẩy vùng khảm biến đổi ngược lại? Có ba khả năng là thảm họa tự nhiên, sự xuất hiện của nông nghiệp và chiến tranh. Liên quan với nguồn gốc người Việt, hãy xem xét ảnh hưởng của cuộc cách mạng nông nghiệp lên sự tiến hóa ngôn ngữ.

Các nhà khảo cổ Renfrew, Đại học Cambridge, Bellwood, Đại học quốc gia Úc tại Canberra, và nhà địa sinh học Diamond (tác giả bộ ba cuốn sách nổi tiếng Loài tinh tinh thứ ba; Súng, thép và vi trùng; và Sụp đổ; chúng đều đã được dịch ra tiếng Việt) cho rằng, từ các trung tâm phát tích nông nghiệp, những người nông dân sẽ lan tỏa ra xung quanh, mang theo ngôn ngữ của họ, do đó làm xuất hiện các vùng ngôn ngữ lan tỏa28. Chẳng hạn vùng Lưỡi liềm phì nhiêu Cận Đông là nơi phát sinh ít nhất hai đại ngữ hệ, hệ Ấn - Âu và hệ Á - Phi. Và vùng thuần hóa lúa nước đầu tiên phía Đông lục địa Á - Âu cũng là nơi lan tỏa không ít hơn bốn ngữ hệ. Đầu tiên, những người nói tiếng Nam Á, bao gồm 150 ngôn ngữ, như tiếng Việt và tiếng Khmer, lan tỏa khắp Đông Nam Á (và có thể một phần Hoa Nam). Theo chân họ là những nông dân nói tiếng Tày - Thái, như tiếng Lào và tiếng Thái. Làn sóng thứ ba là những người nói tiếng Hán - Tạng. Thứ tư là những người thuộc ngữ hệ phương Nam, tới Đài Loan 5.000 năm trước. Họ dong thuyền tới vùng Đa Đảo, và cuối cùng đặt chân tới New Zealand vào năm 1.200 CN. Tuy sai về vị trí địa lý (lưu vực Tây Giang chứ không phải lưu vực Dương Tử), nhưng trực giác đã cho phép Diamond và Bellwood đưa ra trình tự các làn sóng lan tỏa ngôn ngữ hoàn toàn phù hợp với những phát hiện về nhân chủng học phân tử và về nơi thuần hóa lúa nước gần mười năm sau.

 

Tiếng Việt lưu giữ được tiếng vọng của ngôn ngữ nguyên thủy 50.000 năm trước?

Như đã trình bày, gien và ngôn ngữ tiến hóa cùng nhau. Với hệ gien, khoa học có thể xác định được tuổi của các dấu gien (nhờ các “đồng hồ phân tử”, là thời gian trung bình để xuất hiện một đột biến gien được di truyền cho thế hệ sau), do đó xác định được các con đường thiên di theo địa lý và theo thời gian. Tuy nhiên, giới ngữ học thiếu các phương pháp hữu hiệu để xác định tuổi của một ngôn ngữ. Một tiếp cận là đánh giá tốc độ thay đổi trong một ngữ hệ bằng cách phân tích sự tương tự trong từ vựng của hai ngôn ngữ, chẳng hạn đánh giá phần trăm các từ đồng âm mà hai nguôn ngữ cùng có (các từ đồng âm có chung một gốc, chẳng hạn apple (quả táo) trong tiếng Anh đồng âm với Apfel trong tiếng Đức, nhưng không đồng âm với pomme trong tiếng Pháp).

Để so sánh, các nhà ngữ học dùng danh sách Swadesd, tên nhà khoa học phát minh ra phương pháp. Danh sách này bao gồm 100 từ ít chịu tác động của những biến động ngôn ngữ, như các từ về con số hay bộ phận cơ thể. Khi so sánh hai ngôn ngữ với nhau, nhà ngữ học xem xét tỷ lệ đồng âm của các từ trong danh sách, tỷ lệ đồng âm càng thấp thì hai ngôn ngữ càng xa cách nhau về mặt thời gian. Chẳng hạn tỷ lệ 5% tương ứng với thời gian chia tách 10.000 năm trước; trong khi tỷ lệ 86% tương ứng với chỉ 500 năm. Dùng phương pháp này, giới ngữ học tính được thời điểm các ngôn ngữ Ấn - Âu bắt đầu chia tách khỏi ngôn ngữ nguyên thủy khoảng 8.700 năm trước, phù hợp với giả thuyết của Diamond và Bellwood về sự thiên di của những người nông dân đầu tiên tại vùng Lưỡi liềm phì nhiêu29.

Với giới hạn xác định tuổi của ngôn ngữ không quá 10.000 năm trước, liệu các nhà ngữ học có thể khôi phục được tiếng nói của những người thiên di đầu tiên rời khỏi châu Phi hay không? Trong khi đa số giới nghiên cứu xem đó là điều bất khả thi thì Greenberg không nghĩ như vậy. Chính sự tồn tại của danh sách Swadesh cho thấy, một số từ có thể ít thay đổi hơn các từ khác. Theo nhà sinh học tiến hóa Pagel, trong tiếng Anh, các từ như mới, lưỡi, ở đâu, cái gì có thể có thời gian bán hủy (thời gian thay đổi một nửa) lớn hơn 13.000 năm. Bảy từ - tôi, chúng ta, ai, hai, ba, bốn, năm - còn ít thay đổi hơn nữa. Từ một có thời gian bán hủy 21.000 năm. Điều đó có nghĩa, nó có khả năng 22% không thay đổi sau 50.000 năm!

Trong một bài giảng năm 1977, Greenberg cho rằng, ông tìm thấy một từ có thể là tiếng vọng của tiếng mẹ đẻ ban đầu từ 50.000 năm trước của cả loài người. Đó là nhóm các từ đồng âm dựa trên tập các ý tưởng một/ngón tay/chỉ và được dẫn xuất từ gốc *tik (dấu * ứng với tiền tố). Greenberg nói rằng, ông tìm thấy các đồng âm của *tik ít nhất trong một ngôn ngữ của mọi ngữ hệ trong cách phân loại của ông.

Chẳng hạn trong siêu ngữ hệ Á - Âu (theo phân loại của Greenberg), các từ kiểu *tik trải từ digital trong tiếng Anh và daktulos trong tiếng Hy Lạp cho tới tiqik trong tiếng Eskimo. Chúng đều có nghĩa là “ngón trỏ”. Trong ngữ hệ Nile - Sahara, nhiều ngôn ngữ có cấu trúc t-k để chỉ từ “một”. Trong các ngôn ngữ Amerind của thổ dân châu Mỹ, cũng có nhiều từ cấu trúc kiểu “tik” để chỉ “ngón tay” hay “một mình”. Vậy trong ngữ hệ Nam Á có cấu trúc nguyên thủy đó hay không? Câu trả lời là có: tiếng Khmer có từ “tai” để chỉ “bàn tay”; còn trong tiếng Việt thì đó chính là “tay”!

Và như vậy theo nhà ngôn ngữ mà tài năng được đánh giá là dị thường, tiếng Việt có thể là một trong những ngôn ngữ cổ nhất phía Đông lục địa Á - Âu, khi còn giữ được những vang vọng mơ hồ của tiếng nói chung của cả loài người từ 50.000 năm trước?

 

Giả thuyết mới về nguồn gốc người Việt:

Từ những bằng chứng về nhân chủng học phân tử, về nguồn gốc đại chủng Mongoloid và về nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên, cũng như giả thuyết Greenberg về tiếng vọng của ngôn ngữ nguyên thủy, xin đưa ra một giả thuyết mới về nguồn gốc người Việt như sau. Khoảng 45.000 năm trước, người hiện đại với nước da đen nguyên thủy đã tới Việt Nam theo làn sóng thiên di thứ nhất; họ góp khoảng 20% vào vốn gien người Việt hiện tại. Khoảng 30.000 năm trước, những người thiên di thuộc làn sóng thứ hai men theo rặng Himalaya để tới Bắc Việt Nam và nhiều nơi khác tại Đông Nam Á, cũng như Vân Nam và Quảng Tây (nơi xuất hiện người hiện đại đầu tiên tại Trung Quốc). Họ có phần đóng góp khoảng 80% trong vốn gien người Việt hiện nay. Qua quá trình tiến hóa lâu dài khoảng 35.000 - 20.000 năm, màu da và hình thái của họ dần biến đổi để trở thành người nguyên Mongoloid (Proto-Mongoloid). Có lẽ người Việt cổ tại Cao Bằng và Lạng Sơn không phải là những người thuần hóa lúa nước đầu tiên khoảng 10.000 năm trước, nhưng do cùng nằm trong lưu vực Tây Giang, nên họ học được rất nhanh kỹ thuật tiên tiến đó. Và cùng cộng đồng Mongoloid mới hình thành trong một khu vực trải rộng từ cực nam Hoa Nam tới Đông Nam Á, người Việt cổ cũng có thể góp phần vào làn sóng Bắc tiến của các cư dân nông nghiệp, hình thành nên cộng đồng Đông Á ngày càng đông đúc. Các dòng gien đi từ Hoa Nam lên Hoa Bắc bắt đầu từ 10.000 năm trước (khám phá của các nhà khoa học tại Đại học Fudan Thượng Hải trong Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ) là bằng chứng xác thực của sự lan tỏa đó (hình 2). Có sự đa dạng di truyền lớn nhất trong các cư dân Đông Nam Á và Đông Á, người Việt chính là những cư dân đầu tiên đặt chân tới vùng phát tích đại chủng Mongoloid này.

Giả thuyết này cho thấy, quan niệm người Việt bắt nguồn từ người Bách Việt phía nam  Dương Tử có lẽ sai sự thật. Theo quan niệm đó thì người Việt không thể có sự đa dạng di truyền lớn hơn so với người Hoa Nam ven biển và người Hoa Nam tại Trường Sa, như các nghiên cứu của Đại học Emory, Mỹ, và Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck, Đức, đã chứng tỏ. Cần nhấn mạnh rằng, quá trình Nam tiến chỉ xẩy ra mạnh mẽ sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc năm 221 trước CN, đặc biệt sau khi nhà Hán thay thế nhà Tần. Các nhà khoa học Đại học Fudan cũng nhận thấy ba làn sóng chính trong các thời kỳ 265 - 316, 618 - 907 và 1127 -  1279 CN, do chiến tranh và nạn đói (hình 3)30. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa thấy bằng chứng nhân chủng học phân tử ủng hộ sự thiên di của các tộc người ngữ hệ Nam Á từ ven biển Hoa Nam xuống Việt Nam 4.000 năm trước, cũng như từ giữa Hoa Nam xuống Việt Nam 2.700 năm trước, như Tạ Đức giả thuyết.

Trong lúc chưa có bằng chứng phân tử và di truyền về các dòng thiên di như vậy, có lẽ nên xem xét sự tương đồng về văn hóa vật thể và phi vật thể giữa Hoa Nam và Việt Nam thời văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn chủ yếu trên các khía cạnh giao lưu và tiếp biến văn hóa. Sự đa dạng di truyền của người Việt lớn hơn của người Hoa Nam và Hoa Bắc, bao gồm cả các tộc ít người, cũng cho thấy, sự hòa huyết giữa người phương Bắc và người Việt chỉ góp một phần nhỏ vào vốn gien người Việt hiện đại và có lẽ chỉ xẩy ra từ thời Bắc thuộc lần thứ nhất, sau khi An Dương Vương mất nước năm 179 trước CN. Theo cách nói của Trần Trọng Kim thì sau khi lập nước Nam Việt, Triệu Đà đã “đem văn minh nước Tàu sang truyền bá ở phương Nam, cho nên từ đó về sau người nước mình đều nhiễm cái văn minh ấy”31.

ng.goc003.jpg

Hình 3:Bản đồ các làn sóng Nam tiến của người Hoa

Kết luận:

  1. Ngược với quan niệm truyền thống về nguồn gốc phương Bắc, đại chủng Mongoloid hoàn chỉnh chỉ xuất hiện khoảng 10.000 trước tại cực nam Hoa Nam và Đông Nam Á. Các bằng chứng di truyền học và kiểu răng cũng cho thấy, chủng Mongoloid phương Bắc có nguồn gốc từ chủng Mongoloid phương Nam.
  2. Không phải lưu vực Dương Tử là nơi phát tích nông nghiệp, mà cực nam Hoa Nam (lưu vực Tây Giang, Quảng Tây) mới là nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới, cũng khoảng  10.000 năm trước.
  3. Sự thiên di của những người nông dân trồng lúa nước từ Nam lên Bắc phù hợp với sự lan tỏa các dấu gien tại Trung Quốc, như các nhà khoa học tại Đại học Fudan, Thượng Hải, trong  Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ 2005 - 2010, và Tổ chức bộ gien người HUGO 2009, đã chứng tỏ.
  4. Bằng chứng phân tử và di truyền học cho thấy, người Việt có sự đa dạng di truyền lớn nhất trong số cư dân Đông Nam Á và Đông Á, chứng tỏ họ thuộc về nhóm cư dân lâu đời nhất trên vùng đất rộng lớn này.
  5. Không có bằng chứng nhân chủng học phân tử cho giả thuyết người Việt có nguồn gốc từ những người thiên di phương Bắc thời văn hóa Đông Sơn. Có lẽ sự hòa huyết giữa người bản địa và người thiên di chỉ xẩy ra rõ rệt từ thời Bắc thuộc lần thứ nhất.
  6. Trong lúc chờ đợi bằng chứng nhân chủng học phân tử về sự thiên di của người Bách Việt Hoa Nam, cần xem xét sự tương đồng về văn hóa vật thể và phi vật thể giữa Hoa Nam và Việt Nam thời văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn chủ yếu trên các khía cạnh giao lưu và tiếp biến văn hóa.

Tài liệu tham khảo:

  1. Wells S, Available online at: genographic/nationalgeographic.com/About; Retrieved on June 1rst, 2014
  2. Hà Văn Tấn (1998), Theo dấu các văn hóa cổ, NXB Xã hội, trang 335-401
  3. Nguồn gốc các dân tộc Việt Nam, Trên trang mạng: vi.wikipedia.org/wiki/Nguồn_gốc_các_ dân_ tộc_Việt_Nam; Truy cập ngày 01/06/2014
  4. Tạ Đức (2013), Nguồn gốc người Việt - người Mường, NXB Tri thức, trang 13
  5. Tạ Đức (2013), sđd, trang 394
  6. Hà Văn Tấn (1998), sđd, trang 753-765
  7. Fuller DQ, Qin L (2010), Declining oaks, increasing artistry, and cultivating rice: The environmental and social context of the emergence of farming in the Lower Yangtze Region, Environmental Archaeology, 15(2): 139-159
  8. Stix G (2008), Traces of a distant past, Scientific American, 299(1): 38-45
  9. Wells S (2007), Deep Ancestry: Inside the Genographic Project, National Geographic Society
  10. Y-chromosomal Adam, Available online at: en.wikipedia.org/wiki/Y-Chromosomal_Adam; Retrieved on May 30th, 2014
  11. DeSalle R, Tattersall I (2008), Human Origins: What Bones and Genomes Tell Us About Ourselves, Texas A & M University Press, p152
  12. Carl Linnaeus, Available online at: en.wikipedia.org/wiki/Carl_Linnaeus; Retrieved on August 9th, 2008
  13. Carleton S. Coon, Available online at: en.wikipedia.org/wiki/Carlleton_S._Coon; Retrieved on August 9th, 2008
  14. Neil Rich, et al, Categorization of humans in biomedical research: genes, races and disease, Available online at: genomebiology.com/2002/3/7/comment/2007; Retrieved on August 9th, 2008
  15. Mongoloid, Available online at: en.wikipedia.org/wiki/Mongoloid; Retrieved on August 9th, 2008 & May 30th, 2014
  16. Chu JY, et al (1998), Genetic relationship of populations in China, Proceedings of National Academy of Sciences USA, 95(20): 11763-11768
  17. The HUGO Pan-Asian SNP Consortium (2009), Mapping human genetic diversity in Asia, Science, 326(5959): 1541-1545
  18. Wade N (2006), Before the Dawn: Recovering the Lost History of Our Ancestors, Penguin Press, pp 119-122
  19. Klein RG (1999), The Human Career: the Biological and Cultural Basis of Human, 2nd edition, University of Chicago Press, p502
  20. Londo JP, et al (2006), Phylogeography of Asian wild rice, Oryza rufipogon, reveals multiple independent domestications of cultivated rice, Oryza sativa, PNAS, 103(25): 9578-9583
  21. Molina J, et al (2011), Molecular evidence for a single evoluationary origin of domesticated rice, PNAS, 108(20): 8351-8356
  22. Huang X, et al (2012), A map of rice genome variation reveals the origin of cultivated rice. Nature, 490(7421): 497-501
  23. Ballinger SW, et al (1992), Southeast Asian mitochondrial DNA analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migrations, Genetics, 130(1): 139-152
  24. Oota H, et al (2002), Extreme mtDNA homogeneity in continental Asia populations, American Journal of Physical Anthropology, 118(2): 146-153
  25. Wade N (2006), Ibid, p131
  26. Cavalli-Sforza LL, et al (1992), Coevolution of genes and languages revisited, PNAS, 89(12): 5620-5624
  27. Cavalli-Sforza LL, et al (1988), Recontruction of human evolution: Bringing together genetic, archaeological, and linguistic data, PNAS, 85(16): 6002-6006
  28. Diamond J, Bellwood P (2003), Farmers and their languages: The first expansions, Science, 300(5619): 597-603
  29. Wade N (2006), Ibid, pp 211-218
  30. Bo W, et al (2004), Genetic evidence supports demic diffusion of Han culture, Nature, 431(7006): 302-305
  31. Trần Trọng Kim (2003), Việt Nam sử lược, NXB Đà Nẵng, trang 30
1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thưa quí vị và anh chị em quan tâm đến cội nguồn Việt tộc.

Tôi có luận điểm của tôi về cội nguồn Việt tộc và đã trình bày nhiều lân trên diễn đàn. Nhưng tôi sẽ chứng minh cho tính chân lý của cội nguồn Việt tộc của tôi trước những phát kiến khoa học đang là hệ thống nền tảng tri thức hiện nay về sự hình thành ngồn gốc loài người  như bài viết của tiến sĩ khoa học Đỗ Kiên Cường, với luận điểm của ông cho rằng:

Kết luận:

  1. Ngược với quan niệm truyền thống về nguồn gốc phương Bắc, đại chủng Mongoloid hoàn chỉnh chỉ xuất hiện khoảng 10.000 trước tại cực nam Hoa Nam và Đông Nam Á. Các bằng chứng di truyền học và kiểu răng cũng cho thấy, chủng Mongoloid phương Bắc có nguồn gốc từ chủng Mongoloid phương Nam.
  2. Không phải lưu vực Dương Tử là nơi phát tích nông nghiệp, mà cực nam Hoa Nam (lưu vực Tây Giang, Quảng Tây) mới là nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới, cũng khoảng  10.000 năm trước.
  3. Sự thiên di của những người nông dân trồng lúa nước từ Nam lên Bắc phù hợp với sự lan tỏa các dấu gien tại Trung Quốc, như các nhà khoa học tại Đại học Fudan, Thượng Hải, trong  Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ 2005 - 2010, và Tổ chức bộ gien người HUGO 2009, đã chứng tỏ.
  4. Bằng chứng phân tử và di truyền học cho thấy, người Việt có sự đa dạng di truyền lớn nhất trong số cư dân Đông Nam Á và Đông Á, chứng tỏ họ thuộc về nhóm cư dân lâu đời nhất trên vùng đất rộng lớn này.
  5. Không có bằng chứng nhân chủng học phân tử cho giả thuyết người Việt có nguồn gốc từ những người thiên di phương Bắc thời văn hóa Đông Sơn. Có lẽ sự hòa huyết giữa người bản địa và người thiên di chỉ xẩy ra rõ rệt từ thời Bắc thuộc lần thứ nhất.
  6. Trong lúc chờ đợi bằng chứng nhân chủng học phân tử về sự thiên di của người Bách Việt Hoa Nam, cần xem xét sự tương đồng về văn hóa vật thể và phi vật thể giữa Hoa Nam và Việt Nam thời văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn chủ yếu trên các khía cạnh giao lưu và tiếp biến văn hóa.

 

Có thể nói luận điểm của ông Đỗ Kiên Cường gần tương đồng với một nhà nghiên cứu cổ văn hóa sử Việt là bác Hà Văn Thùy.

Tôi rất ủng hộ tất cả những ai có tấm lòng tìm về cội nguồn văn hóa Việt và bỏ thời gian đi tìm chân lý cho vấn đề này, kể cả những người quan tâm nước ngoài không phải Việt tộc. Nhưng vấn đề quan trọng lại không phải là tấm lòng và sự nhiệt tình khoa học. Mà là khả năng chứng minh cho chân lý. Trước khi tôi trình bày luận cứ của mình, tôi cũng xin tiếp tục trình bày một hệ thống luận cứ đã đăng tải trên diễn đàn của nhà nghiên cứu Trần Đại Sỹ, liên quan đến cội nguồn dân tộc Việt.

Dưới đây là toàn bộ bài viết của giáo sư Trần Đại Sỹ.

==========

Nguyên văn bài viết đã đưa lên trang chủ diễn đàn lyhocdongphuong.org.vn từ lâu. Đây là bài chép từ trên diễn đàn do thanhdc đưa lên. Do sự sao chép từ trang web khác có tính năng cấu trúc vi tính về chữ viết khác nhau, nên có nhiều lỗi chính tả. Chúng tôi không thể sửa hết được. Nhưng xét những lỗi này không ảnh hưởng đến nội dung bài viết. Mong quý vị và anh chị em thông cảm.

***

Thử tìm lại biên giới cổ của Việt-Nam:

Bằng cổ sử, bằng triết học, bằng di tích và hệ thống ADN

Giáo-sư Trần Ðại-Sỹ.

Chúng tôi xin giới thiệu với ðộc giả Việt-Nam bài diễn vãn của Giáo-sý Trần Ðại-Sỹ ðọc trong dịp khai giảng niên khóa 1991-1992 tại Viện Pháp-Á (Institut Franco-Asiatique viết tắt là IFA). Nguyên vãn bằng tiếng Pháp, ðây là bản dịch tiếng Việt của chính tác giả và cô Tãng Hồng Minh chú giải. Trong dịp khai giảng niên học này, IFA ðã mời một số đông các học giả,trí thức và ký giả tham dự. Sau bài diễn văn, có cuộc trao đổi rất thú vị. Xin nhắc lại, trong khoảng thời gian 1977-1992, tác giả làm việc cho Liên-hiệp các viện bào chế châu Âu (Coopérative Européenne Pharmaçeutique, viết tắt là CEP) và Ủy-ban trao đổi y học Pháp-Hoa (Commité Médical Franco-Chinois viết tắt là CMFC), nên đã được các đồng nghiệp giúp đỡ, dùng hệ thống ADN để tìm lại nguồn gốc dân tộc Việt-Nam.

Chính với công trình nghiên cứu của tác giả trong thời gian 1977-1991, dùng hệ thống ADN phân biệt dân-tộc Trung-hoa, dân tộc Việt-Nam...đã kết thúc cuộc tranh cãi 90 năm qua biên giới cổ của Việt–Nam. Kết luận về nguồn gốc dân tộc Việt-Nam bằng khoa ADN đi ngược lại với tất cả các thuyết từ trước đến giờ. Các thuyết này khẳng định người Việt do người Hoa di cư xuống để trốn lạnh, để tỵ nạn v.v. Nhưng ADN cho biết chính người ở vùng Đông Nam Á đã đi lên phương Bắc thành người Hoa.

Sau khi bài diễn vãn này phổ biến (1991), có một số "học giả" vì không theo kịp đà tiến hóa của khoa học, đã lên tiếng chỉ trích chúng tôi. Biết rằng họ dốt nát quá, muốn giải thích cho họ, họ phải có một trình độ nào đó... vì vậy chúng tôi không trả lời. Phần nghiên cứu của chúng tôi quá dài, quá chuyên môn. Độc giả muốn tìm hiểu thêm có thể đọc công trình nghiên cứu dưới ðây:

* J.Y.CHU, cùng 13 nhà bác học Trung-quốc cũng nghiên cứu Di-truyền học ADN (DNA), công bố nãm 1998: The Nation Academy of Sciences, USA, Vol.95 issue 20, ngày 29 tháng 7 nãm 1998. Tài liệu khẳng ðịnh rằng nguồn gốc người Trung-hoa, Ðông Á, do ngýời Ðông-Nam-á ði lên, chứ không phải do ngýời Trung-hoa di cư xuống.

*ALBERTO-PIAZZA (ðại học Torino, Ý): Human Evolution: Towards a genetic history of China, Proc.of Natl. Acad. Sci, USA, Vol 395, No 6707-1998.

*LI YIN, Distribution of halotypes from a chrosmosomes 21 Region - distinguishes multiple prehistotic human migrations - Proc.of Natl. Acad. Sci - USA, Vol.96 , 1999.

1/ Về bài diễn vãn này, từ nãm 1991, có rất nhiều bản dịch sang nhiều thứ tiếng, ðãng trên nhiều báo khác nhau. Mỗi dịch giả lại tự ý lược ði, ðôi khi cắt mất nhiều ðoạn. Nay chúng tôi xin dịch nguyên bản, ðầy ðủ. Vì vậy độc giả thấy có nhiều đoạn quá chuyên môn, xin lướt qua.

Trong khi diễn giả trình bầy, ông có ngắt ra nhiều đoạn, để thính giả thảo luận. Các bài trích đăng trước không ghi phần này. Để độc giả dễ theo dõi, cô Tăng Hồng Minh (THM) ghi chép, chú giải đặt ngay dưới đoạn liên hệ, thay vì ghi ở cuối bài.

Khi xuất bản lần thứ nhất², bộ Anh-hùng Bắc-cương của giáo-sý Trần, chúng tôi có cho ích một phần bài này in vào cuối quyển 4. Nay chúng tôi công bố toàn bộ tài liệu, lấy làm tài liệu chính thức và phủ nhận tất cả những bản do nhiều nơi phổ biến trước ðây?

Paris ngày 10-10-2001 Sở tu thư, viện Pháp-Á

2/ Yên-tử cư-sĩ Trần Ðại-Sỹ

Kính thưa ông Viện–trưởng,

Kính thưa quý đồng nghiệp,

Kính thưa quý vị quan khách.

Các bạn sinh viên rất thân mến,

Tôi không phải là nhà sử học, cũng không phải là nhà khảo cổ, hay nhà chủng tộc học. Tôi chỉ là một thầy thuốc. Nhưng những may mắn ðến tiếp diễn trong suốt cuộc ðời, vô tình đã đưa tôi đến đây trình bày cùng quý vị về nguồn gốc, biên giới cổ của tộc Việt. Ở cuối giảng đường này tôi thấy có nhiều bạn trẻ bật cười. Tôi biết bạn bật cười vì đa số người ta đều than đời bất hạnh, toàn rủi ro. Còn tôi, tôi lại nói rằng suốt cuộc đời toàn may mắn. Tôi có thể nói thực với Quý-vị rằng, về phương diện nghiên cứu học hành, suốt ðời tôi,tôi có cảm tưởng tổ tiên ðã trải thảm cho tôi đi trên con đường vô tận đầy hoa. Nếu bạn chịu khó đọc bộ Sexologie médicale chinoise của tôi, phần bài tựa tôi có viết :

« Trong lịch sử cổ kim nhân lọai, nếu có người may mắn về phưõng diện nghiên cứu học hành, tôi ðứng ðầu. Nhýng nếu có ngýời bất hạnh nhất trong tình trường tôi cũng ðứng ðầu ».

Hôm nay tôi trình bày với Quý-vị về công cuộc đi tìm biên giới cổ của nước Việt-Nam và nguồn gốc tộc Việt, Quý-vị sẽ thấy tôi may mắn biết chừng nào, và Quý-vị sẽ thấy tộc Việt chúng tôi anh hùng biết bao. Nhưng gần ðây, vì chiến tranh tiếp diễn trong hơn 30 nãm, khiến cho ðất nước chúng tôi ðiêu-tàn, và... hiện nước tôi là một trong bốn nước nghèo nhất trên thế giới.

I. SƠ TÂM VỀ TỘC VIỆT

Năm lên năm, tôi học chữ Nho, một loại chữ của Trung-quốc, nhưng dùng chung cho hầu hết các nước vùng Á-châu Thái-bình dýõng (ACTBD). Thầy khai tâm của tôi là ông ngoại tôi. Ông tôi là một ðại thần của triều ðình Đại-Nam (tức Việt-Nam). Chế độ phong kiến của nước tôi đã chấm dứt từ năm 1945, hiện (1991) vị Hoàng-đế cuối cùng của Đại-Nam là Bảo Đại. Ngài vẫn còn sống ở quận 16 Paris.

Năm lên sáu tuổi, tôi được học tại trường tiểu học do chính phủ Pháp mở tại Việt-Nam. Thời gian 1943-1944 rất ít gia đình Việt-Nam còn cho con học chữ Nho. Bởi đạo Nho cũng như nền cổ học không còn chỗ đứng trong đời sống kinh tế, chính trị nữa. Thú thực tôi cũng không thích học chữ Nho bằng chơi bi, đánh đáo. Nhưng vì muốn làm vui lòng ông tôi mà tôi học. Hơn nữa học chữ Nho, tôi có một kho tàng vãn hóa vĩ ðại ðể ðọc, ðể thỏa mãn trí thức của tuổi thơ. Thành ra tôi học rất chuyên cần. Các bạn hiện diện nõi ðây không ít thì nhiều cũng đã học chữ Nho đều biết rằng chữ này học khó nhý thế nào. Nhưng tôi chỉ mất có ba tháng ðã thuộc làu bộ Tam tự kinh, sáu tháng để thuộc bộ Ấu-học ngũ ngôn thi. Năm bẩy tuổi tôi được học sử, và năm chín tuổi bị nhét vào đầu bộ Đại-học.

Chương trình giáo dục cổ bắt học sinh học hai loại sử. Bắc-sử tức sử Trung-quốc. Nam sử tức sử của Việt-Nam. Tôi được học Nam sử bằng chữ Nho, đồng thời với những bài sử khai tâm bằng chữ Quốc ngữ vào năm bảy tuổi. Thời điểm bấy giờ bắt đầu có những bộ sử viết bằng chữ Quốc ngữ, rất giản lược, để dạy học sinh ; không bằng một phần trăm những gì tôi học ở nhà. Thầy giáo ở trường Pháp biết tôi là cái kho vô tận về sử Hoa-Việt, nên thường bảo tôi kể cho các bạn ðồng lớp về anh hùng nước tôi. Chính vì vậy tôi phải lần mò đọc những bộ sử lớn viết bằng chữ Hán như : Đại-Việt sử ký toàn thý (ÐVSKTT), An-Nam chí lýợc (ANCL), Ðại-Việt thông-sử (ÐVTS), Khâm-ðịnh Việt sử thông giám cương mục KÐVSTGCM), Ðại-Nam nhất thống chí(ÐNNTC). Ðại cương mỗi bộ sử ðều chép rất giản lược về nguồn gốc dân tộc Việt-Nam sau : « Vua Minh cháu bốn ðời vua Thần-Nông, nhân ði tuần thú phương nam, ðến núi Ngũ-lĩnh, kết hôn với một nàng tiên hạ sinh một con trai tên Lộc-Tục. Vua lập ðài, tế cáo trời ðất, phong cho con trưởng làm vua phương Bắc, tức vua Nghi, phong con thứ là Lộc-Tục làm vua phương Nam. Ngài dạy hai thái tử rằng : « Nghi làm vua phương Bắc, Tục làm vua phương Nam, lấy núi Ngũ-lĩnh làm cương giới. Hai người làm vua hai nước nhưng vốn cùng gốc ở ta, phải lấy ðiều hiếu hoà mà ở với nhau. Tuyệt ðối Nam không xâm Bắc, Bắc chẳng chiếm Nam. Kẻ nào trái lời, sẽ bị tuyệt tử, tuyệt tôn ». Xét triều ðại Thần-Nông, khởi từ nãm 3118 trýớc Tây lịch, ðến ðây thì chia làm hai :

1. Thần-Nông Bắc.

Vua Nghi (2889-2884 trước Tây lịch)

Vua Lai (2843-2794 trước Tây lịch)

Vua Ly (2795-2751 trước Tây-lịch)

Vua Du-Võng (2752-2696 trước Tây-lịch).

Ðến ðây triều ðại Thần-Nông Bắc chấm dứt, ðổi sang triều ðại Hoàng-ðế từ nãm giáp Tý (2697 trước Tây-lịch). Các nhà chép sử Trung-quốc lấy thời ðại Hoàng-ðế làm kỷ nguyên. Trong bộ Sử-ký, Tý-mã Thiên khởi chép quyển một là Ngũ-đế bản kỷ, coi Hoàng-đế là Quốc-tổ Trung-quốc, không chép về thời đại Thần-Nông.


2. Triều ðại Thần-Nông Nam.

Thái-tử Lộc-Tục lên làm vua nãm Nhâm-Tuất (2879 trước Tây-lịch) hiệu là Kinh- Dương, lúc mười tuổi. Sau người Việt lấy nãm này làm kỷ nguyên lập quốc. Nếu cộng chung cho ðến nay (1991) là 4870 nãm, vì vậy ngýời Việt tự hào rằng ðã có năm nghìn năm văn hiến. (1) Nội dung bài diễn văn hôm nay, tôi chỉ bàn đến diễn biến chính trị, lịch sử, văn hóa, địa lý của dân tộc -Trung-hoa, và dân tộc Việt-Nam trong khoảng thời gian 4870 năm từ năm 2879 trước Tây-lịch cho đến năm nay 1991. Còn như ði xa hơn về những thời tiền cổ, thời ðồ ðá, ðồ ðồng, ðồ sắt, quá phức tạp, quá dài, tôi không luận ðến ở ðây.

Xét về cương giới cổ sử chép :

« Thái-tử Lộc-Tục lên ngôi lấy hiệu là Kinh-Dương(2), ðặt tên nýớc là Xích-quỷ, ðóng ðô ở Phong-châu nay thuộc Sơn-Tây. Vua Kinh-Dương lấy con gái vua Ðộng-ðình là Long-nữ đẻ ra Thái-tử Sùng-Lãm. Thái-tử Sùng-Lãm lại kết hôn với công chúa Âu-Cơ con vua Ðế-Lai(3). Khi vua Kinh-Dương bãng hà thái-tử Sùng-Lãm lên nối ngôi vua, tức vua Lạc-Long, đổi tên nước là Vãn-Lang. Nước Vãn-Lang Bắc tới hồ Ðộng-ðình, Nam giáp nước Hồ-tôn, tây giáp Ba-thục, ðông giáp biển Ðông-hải.) Cổ sử ðến ðây, không có gì nghi ngờ, nhưng tiếp theo lại chép : « Vua Lạc-Long lấy công chúa Âu-Cơ sinh ra một bọc trãm trứng nở ra trãm con. Ngài truyền cho các hoàng tử ði bốn phương lập ấp, tổ chức cai trị giáo hóa dân chúng. Mỗi vị lập một ấp theo lối cha truyền con nối . Hoàng-tử thứ nhất tới thứ mười lập ra vùng hồ Ðộng-ðình.(Nay là Hồ-Nam, Quý-châu, Trung-quốc.)

Hoàng-tử thứ mười một tới thứ hai mươi lập ra vùng Tượng-quận.(Nay là Vân-Nam và một phần Quảng-Tây, Tứ-xuyên thuộc Trung-quốc.) Hoàng-tử thứ ba mươi mốt tới bốn mươi lập ra vùng Chiêm-thành.(Nay thuộc Việt-Nam, từ Thanh-hóa ðến Ðồng-nai.)

Hoàng-tử thứ bốn mươi mốt tới nãm mươi lập ra vùng Lão-qua.(Nay là nước Lào và một phần Bắc Thái-lan.)
Hoàng-tử thứ nãm mươi mốt tới sáu mươi lập ra vùng Nam-hải. (Nay là Quảng-ðông, và một phần Phúc-kiến, Trung-quốc.)

Hoàng-tử thứ sáu mươi mốt tới bảy mươi lập ra vùng Quế-lâm.(Nay thuộc Quảng-tây, Trung-quốc.)

Hoàng-tử thứ bảy mươi mốt tới tám mươi lập ra vùng Nhật-nam.(Nay thuộc Việt-Nam từ Nghệ-an tới Quảng-bình.)

Hoàng-tử thứ tám mươi mốt tới chín mươi lập ra vùng Cửu-chân.(Nay thuộc Việt-Nam từ Ninh-bình tới Thanh-hóa, Nghệ-an, Hà-tĩnh)

Hoàng tử thứ chín mươi mốt tới một trãm lập ra vùng Giao-chỉ.(Nay là Bắc Việt-Nam và một phần tỉnh Quảng-tây, Vân-Nam thuộc Trung-quốc.)

Ngài hẹn rằng : Mỗi nãm các hoàng-tử phải về cánh ðồng Tương vào ngày Tết, ðể chầu hầu phụ mẫu ».

Một huyền sử khác lại thuật :

Vua Lạc-Long nói với Âu-Cơ rằng :

« Ta là Rồng, nàng là loài Tiên ở với nhau lâu không ðược. Nay ta ðem nãm mươi con xuống nước, nàng ðem nãm mươi con lên rừng. Mỗi nãm gặp nhau tại cánh ðồng Tương một lần »

Các sử gia người Việt lấy nãm vua Kinh-Dương lên làm vua là nãm Nhâm-tuất (2879 trước Tây-lịch), nhưng không tôn vua Kinh-Dương với Công-chúa con vua Ðộng-ðình làm Quốc-tổ, Quốc-mẫu, mà lại tôn vua Lạc-Long làm Quốc-tổ và Công-chúa Âu-Cõ làm Quốc-mẫu. Cho ðến nay Quý-vị hỏi trăm người Việt ở hải ngoại rằng tổ là ai, họ đều tự hào : « Chúng tôi là con Rồng, cháu Tiên. Quốc-tổ tên Lạc-Long, Quốc-mẫu tên Âu-Cơ ».

Chủ ðạo của tộc Việt bắt nguồn từ niềm tin này.

Ghi chú của Tãng Hồng Minh,

Ký giả chuyên về Văn-minh Đông-á Jean Marc Decourtenet hỏi về đoạn này như sau:

« Thưa Giáo-sư, hiện Việt-Nam là nước theo chế ðộ Cộng-sản, liệu người Việt trong nước họ có cùng một niềm tin như người Việt hồi 1945 về trước cũng nhý người Việt hải ngoại hay không ? »

Trả lời :

« Những nhà lãnh đạo đảng Cộng-sản Việt-Nam suốt từ năm 1930 đến giờ, không một người nào muốn dùng triết lý Marxisme, Léninisme để xóa bỏ niềm tin con Rồng cháu Tiên. Trái lại họ còn dùng niềm tin này để quy phục nhân tâm. Vì niềm tin này đã ăn sâu vào tâm não người Việt. Những người lãnh đạo chính trị Việt cả hai miền Nam-Bắc trong thời gian nội hiến 1945-1975 cũng không ai dám, không ai muốn, không ai đủ khả năng xóa bỏ niềm tin này. Người Việt có niềm tin vào Chủ-ðạo của mình. Họ xây đền thờ các vua Hùng ở Phú-thọ dường như ðã hơn nghìn năm. Hằng năm cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch là người người ðều tụ tập về ðây ðể tưởng nhớ công ơn các vua Hùng ðã dựng nước. Trong thời gian chiến tranh (1945-1975) vì tình hình an ninh di chuyển khó khăn, vì tình hình kinh tế không cho phép, số người hành hương có giảm thiểu. Nhưng từ sau 1987, số người hành hương tăng vọt. Ngay ở ngoại quốc, người Việt lưu lạc khắp nơi, nhưng hằng nãm ðến ngày 10 tháng 3, lịch Á-châu, nơi nào họ cũng tổ chức giỗ tổ rất thành kính.


Các lãnh tụ của đảng Cộng-sản Việt-Nam như Chủ-tịch Hồ Chí Minh, Chủ-tịch Trường Chinh; Tổng bí thư Lê Duẩn, Đỗ Mười; Thủ-tướng Phạm Văn Đồng v.v. đều hành hương ðền thờ vua Hùng, và ðọc diễn vãn ca ngợi công ðức Quốc-tổ nhý một hành ðộng thu phục nhân tâm. Kết lại dù ở trong nước hay ngoại quốc, hiện người Việt vẫn cùng một niềm tin như nhau."
Ghi của Tãng Hồng Minh dành cho người Việt. Theo sự tìm hiểu của Tăng Hồng Minh tôi, các lãnh tụ của đảng Cộng-sản Việt-Nam, đã viếng đền Hùng là :

- Chủ-tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-9-1954. 19-8-1962.

- Tổng bí thư Lê Duẩn, 5-5-1977.

- Chủ tịch nhà nước Trường Chinh 6-2-1959. 5-2-1978.

- Thủ tướng Phạm Vãn Ðồng 6-2-1969. 27-8-1978.

- Tổng bí thư Ðỗ Mười 27-4-1993.

Tôi xin trở lại với ðầu ðề,

3. Triều ðình, dân tộc.

Tôi đã trình bầy với Quý-vị về hai triều đại đầu tiên cai trị vùng Á-châu Thái-bình dương : Phía Bắc sông Trường-giang sau thành Trung-quốc. Phía Nam sông Trường-giang tới vịnh Thái-lan, sau thành Ðại-Việt. Hai triều ðại Thần-Nông Nam-Bắc cai trị dân chúng :

- Không có nghĩa là dân chúng cùng một chủng tộc ;

- Không có nghĩa là tộc Hoa, tộc Việt là một;

- Cũng không có nghĩa tất cả dân chúng tộc Hoa, tộc Việt ðều là huyết tộc của vua Thần-Nông.

- Trung-quốc, Ðại-Việt là anh em về phương diện chính trị. Giòng Thần-Nông cai trị vùng đất Trung-quốc, Đại-Việt là anh em, nhưng dân chúng không hoàn toàn là anh em. Dân chúng hai nước bao gồm nhiều tộc khác nhau như Mongoloid, Malanésien, Indonésien, Australoid, và cả Négro-Australoid...v.v.

- Người Hoa, người Việt nhân triều ðại Nam-Bắc Thần-Nông tổ chức cai trị, lập thành nước, mà tôn làm tổ mà thôi. Chứ hai vùng hồi ðó hàng nghìn, hàng vạn bộ tộc khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, văn hóa khác nhau.

Sau này các vãn nhân người Hoa ở vùng lưu vực Hoàng-hà, lưu vực sông Hán, nhân có chữ viết, lại không ði ra ngoài, rồi tưởng tượng mà viết thành sách, tự cho mình là con trời, tự trời mà xuống; sau đó đem văn minh, truyền bá ra khắp thế giới (Thiên-hạ), người sau lấy làm chủ ðạo của họ. Tôi sẽ bàn ðến ở dưới. Tôi xin cử một tỷ dụ, ðể Quý-vị nhìn rõ hơn. Ông Washington là vị Tổng-thống ðầu tiên lập ra nýớc Hoa-kỳ, chứ ông không phải là tổ của các sắc dân ðến từ châu Phi, châu Âu, cũng như dân bản xứ. Hai vị vua Nghi, vua Kinh Dương không phải là tổ huyết tộc của người Hoa, người Việt. Hai ngài chỉ là tổ về chính trị mà thôi.

II. CHỦ ÐẠO TRUNG QUỐC, VIỆT-NAM.

Như Quý-vị đã thấy, mỗi dân tộc đều có một chủ đạo, cùng một biểu hiệu. Người Pháp cho rằng tổ tiên là người Gaulois, con vật týợng trýng là con gà trống. Ngýời Anh lấy biểu hiệu là con sư-tử. Ngýời Hoa-kỳ lấy biểu hiệu là con chim ưng. Người Trung-hoa lấy biểu hiệu là con Rồng. Người Việt lấy biểu hiệu là con Rồng và con chim Âu. Gốc biểu hiệu này lấy từ huyền sử vua Lạc-Long là loài rồng, công-chúa Âu-Cơ là loài chim. Người Do-thái họ tự tin rằng họ là giống dân linh, ðược Chúa chọn. Vì vậy, sau hai nghìn năm mất nước, họ vẫn không bị đồng hóa. Khi tái lập quốc, với dân số bằng một phần trăm khối Ả-rập, nhưng họ vẫn đủ khả năng chống với bao cuộc tấn công để tồn tại. Đó là nhờ niềm tin họ thuộc sắc dân được Chúa chọn. Tôi xin nói rõ về chủ đạo của Trung-quốc và Việt-Nam. Như Quý-vị đều biết, hiện Trung-quốc, Việt-Nam đều là những nước theo chủ nghĩa Cộng-sản, ðặt cãn bản trên thuyết của Karl Marx, Friedrich Engels. Chủ thuyết này ðến Trung-quốc, Chủ-tịch Mao Trạch Ðông biến thể ði thành Maoisme. Tại Việt-Nam, người mang chủ thuyết Marx, Engels vào là Chủ-tịch Hồ Chí Minh ; ông ðược ðào tạo tại Liên-sô, vì vậy chủ thuyết của ông phảng phất Léninisme, pha thêm Việt-tính do ông tạo ra. Dường như hiện nay trên khắp thế giới, kể cả Liên-bang Sô-viết chỉ Việt-Nam là quốc gia duy nhất còn duy trì tượng Lénine tại một công viên lớn của Thủ-ðô (Hà-nội). Theo như dự ðoán của chúng tôi thì Trung-quốc, cũng như Việt-Nam cùng nhận thấy thuyết của Karl Marx, Friedrich Engels không còn hợp thời, không còn ích lợi nữa. Cả hai đang từng bước, từng bước trở lại với chủ đạo của mình. Xin các vị cứ chờ, không lâu đâu cả hai sẽ hoàn toàn trở về với kho tàng quý báu của nước mình! Tôi thấy Trung-quốc trở lại quá mau, quá mạnh. Con rồng Trung-quốc mà Hoàng-đế Napoléon bảo rằng hãy để nguyên cho nó ngủ. Bằng như nó thức dậy, nó sẽ làm rung chuyển thế giới. Thưa Quý-vị, con rồng Trung-quốc đã thức dậy rồi, nhưng nó chưa làm rung ðộng thế giới!

Ghi chú của Tãng Hồng Minh (ngày 19-8-2000, nhân ðọc lại bài này).

IFA trao cho tôi dịch hầu hết những bài diễn vãn của các nhà lãnh đạo Việt-Nam từ 1992 đến nay. Tôi thấy ông Tổng-bí-thư Đỗ Mười trong các diễn văn kỷ niệm 19-8 cũng như ngày Quốc-khánh, những từ ngữ ông dùng cũng như nội dung, ngày một xa Marx, Engels, Lénine. Nếu thời kỳ ông Lê Duẩn cầm quyền, khắp Việt-Nam ðều thi nhau phá bỏ hết phong tục, truyền thống, nhất là phá các di tích tôn giáo bao nhiêu; thì bây giờ hầu hết các truyền thống dân tộc đều được phục hồi ở cấp xã. Niềm tin (chủ đạo) của hạ tầng hầu như trở lại thời kỳ trước 1945.

1.- Chủ đạo của Trung-quốc.
Người Hoa thì tin rằng mình là con trời. Cho nên trong các sách cổ của họ, vua được gọi là Thiên-tử, còn các quan thì luôn là người nhà trời xuống thế phò tá cho vua. Chính niềm tin đó cùng với văn minh Hoa-hạ, văn minh Nho-giáo đã kết thành chủ-đạo của họ. Cho nên người Hoa dù ở ðâu, họ cũng có một tổ chức xã hội riêng, sống với nhau trong niềm kiêu hãnh con trời. Cho dù họ lưu vong ðến nghìn năm họ cũng không bị đồng hóa, không quên nguồn gốc. Cũng chính vì vậy, mà từ một tộc Hoa nhỏ bé ở lưu vực sông Hoàng-hà, họ ðánh chiếm, ðồng hóa hàng nghìn nước xung quanh, và nước của họ rộng lớn như ngày nay. Hầu hết những nước khác ðến cai trị họ, ðều bị họ ðồng hóa. Mông-cổ, Mãn-thanh bị đồng hóa, bị mất hầu hết lãnh thổ. Nhưng chủ-ðạo và sức mạnh của ngýời Trung-quốc phải ngừng lại ở biên giới Hoa-Việt.

Ghi chú của Tăng Hồng Minh
Giáo sư Nhân chủng học Van Gotensbert (Hòa-lan) hỏi :
« Tôi thấy người Hoa, kiều ngụ ở các nước Á-châu, châu Phi cũng nhý tại Hoa-kỳ, Canada, Úc cùng một số các nước Âu-châu, dù trải qua mấy trãm nãm, họ vẫn duy trì được dòng giống và không bị đồng hóa, đó là nhờ chủ đạo tự tin là con trời của họ. Thế nhưng tại sao, họ mới tới Pháp từ sau 1975, dưới danh nghĩa tỵ nạn Việt, họ bị ðồng hóa rất mau. Không lẽ chủ ðạo của Trung-quốc lại bị chủ ðạo của Gaulois xóa bỏ mau chóng như vậy sao ? ».
Ðáp :
« Thưa Giáo-sư, ðiều Giáo-sư hỏi, cũng là ðiều tôi chú tâm nghiên cứu từ 1975 ðến giờ. Khi ngýời Hoa tới bất cứ nước nào, họ cũng bị kỳ thị không ít thì nhiều, họ phải sống quần tụ với nhau, giúp đỡ nhau, bảo vệ nhau. Bên cạnh đó họ có niềm tin là con trời, tự hào về nền văn minh cổ của họ. Do đó họ tổ chức thành xã hội riêng : Giáo dục con em, thương mại, sinh hoạt vãn hóa, tương trợ. Vì vậy họ giữ được bản sắc Trung-quốc của họ. Còn khi người Hoa tới Pháp, thì người Pháp với tinh thần cởi mở, với tính hiếu hòa, không kỳ thị, lại tận tình giúp đỡ kẻ tha hương hơn chính người Hoa giúp nhau, thành ra người Hoa không cần sống quần tụ. Họ sống lẫn với người Pháp. Con em người Hoa ngày ngày tới trường ðược bạn học, ðược thầy yêu thương, chúng thu nhập vãn hóa Pháp rất mau. Trong khi cha mẹ chúng phải làm việc không có thời giờ dạy con cái về vãn hóa Trung-quốc. Do vậy chỉ trong vòng mấy năm là trẻ Hoa thành trẻ Pháp: Tiếng nói, cách suy tư, nếp sống, trừ...ẩm thực.

Tôi xin nói một câu thẳng thắn, mong các vị ðừng buồn: trên khắp thế giới, khi người Việt tỵ nạn ðến ðịnh cư bất cứ nơi nào, ðều gặp nạn kỳ thị. Nước Pháp là nước duy nhất dân chúng không kỳ thị mà lại còn tận tình giúp đỡ. Do vậy nhiều người tỵ nạn đến các nước khác của châu Âu, rồi cũng tìm định cư ở Pháp, dù ở Pháp khó kiếm việc làm.Chính phủ và nhân dân Pháp biết thế, nên cánh cửa tự do không hề đóng lại. Tôi xin trở lại với đầu đề.
Chủ đạo của Trung-quốc bắt nguồn từ thời nào ? Từ sách nào ? Do ai khởi xướng ? Ðầu tiên là Kinh-thư, không rõ tác giả là ai, xuất hiện trước Khổng-tử, thiên Vũ-cống gọi thế giới chúng ta ở là Thiên-hạ (Dưới trời). Thời cổ, các vãn nhân Trung-quốc không ði xa hơn vùng sông Hán, sông Hoàng-hà, họ tưởng ðâu thế giới chỉ có Trung-quốc, nên gọi Trung-quốc là Thiên-hạ. Thiên-hạ là Trung-quốc, tức là nước ở giữa. Bốn phía Trung-quốc là biển, nên gọi Trung-quốc là hải-nội, các nước khác là hải-ngoại. Kinh-thư thiên Vũ-cống chia Thiên-hạ thành 9 châu : Ký, Duyện, Thanh, Từ, Dương, Kinh, Dự, Lương, Ung. Lại dùng khoảng cách, chia làm nãm cõi, gọi là Ngũ-phục, mỗi cõi cách nhau năm trăm dặm (250 km). Ngũ-phục là Điện-phục, Hầu-phục, Tuy-phục, Yêu-phục, Hoang-phục. Trung-ương là kinh ðô của nhà vua.
- Ðiện-phục ở ngoài kinh ðô nãm trãm dặm.
- Hầu-phục ở ngoài cõi Điện-phục năm trăm dăm : trong năm trăm dặm cõi Hầu thì khoảng cách một trăm dặm để phong thái ấp cho các quan khanh, đại phu. Hai trăm dặm nữa phong cho các tước Nam. Hai trăm dặm nữa phong cho các chư Hầu.
- Kế tiếp Hầu-phục là Tuy-phục. Trong năm trăm dặm cõi Tuy thì ba trăm dặm là nơi truyền bá vãn chương, giáo hóa quần chúng ; còn hai trăm dặm để hưng thịnh võ bị, bảo vệ quốc gia.
- Sau cõi Tuy là cõi Yêu. Trong ba trăm dặm cõi Yêu là nơi cho rợ phương Ðông ở. Hai trãm dặm còn lại là nơi ðể ðầy tội nhân.
- Cõi cuối cùng là cõi Hoang, năm trăm dặm. trong ba trăm dặm gần dành cho mọi phương Nam ở, hai trãm dặm cuối cùng ðể ðầy người có tội nặng.
- Ra khỏi cõi Hoang là... biển.
Với lối phân chia lẫm cẩm, hài hước ấy, nãm nghìn năm qua, dân Trung-quốc coi là Kinh, tức những gì không thể thay đổi, rồi trở thành chủ đạo của tộc Hoa.
 

Ghi chú của Tăng Hồng Minh:

Giáo-sư khoa Chính-trị học J.Fr Longanacre (USA) hỏi : - Thế cái chủ đạo mà người Trung-quốc tự thị là con trời phát xuất từ ðâu ? Vào thời nào ? Ðáp : - Thưa Giáo-sư, cũng phát xuất từ Kinh-thư, thiên Thái-thệ : Trời sinh ra dân, Ðặt ra vua, ra thầy, Ðều ðể giúp Thượng-ðế, Vỗ về dân bốn phương. Giáo-sư Mohamed Khalid (Nhân chủng học Iran) hỏi:

- Tôi nghiên cứu hầu hết các thuyết nói về nguồn gốc tộc Hoa. Tôi thấy dường như người ta ðều cho rằng tộc Hoa tự sinh ra, rồi di chuyển ði các nõi: Ra biển thành người Nhật, Nam-dương, Phi-luật-tân. Xuống Nam thành người Việt, Miên, Lào, Thái, Miến. Lên Bắc thành Ðại-hàn, Mông-cổ, sang phía Ðông-Bắc thành người Trung Ðông. Có ðúng thế không?

Ðáp:

- Thưa Giáo-sư họ suy nghĩ như vậy là sai hoàn toàn. Họ cãn cứ vào truyền thuyết mà nói như vậy. Truyền thuyết cãn cứ vào thư tịch cổ, nên sai, hoàn toàn sai. Vì thư tịch cổ do những vãn nhân không ði ra ngoài, ngồi ở vùng lưu vực Hoàng-hà, tưởng tượng mà viết ra.

Cả hội trường cùng im lặng.

- Nếu nói rằng người Trung-hoa nhờ có tinh thần thực dụng, nhờ có chữ viết, nhờ vãn hóa Nho-giáo, rồi trở thành hùng mạnh, rồi ðem quân ðánh chiếm các nước nhỏ xung quanh, tạo thành một nước vĩ ðại như ngày nay là ðúng. Còn như bảo rằng họ là con trời hoặc họ tự sinh ra, rồi di chuyển ðinh sinh sống các nơi... thì sai. Tôi sẽ dẫn chứng ở dưới bằng ADN: tộc Hoa, do giống người từ Ðông Nam-á ði lên. Mà những người Ðông Nam-á có gốc từ Phi-châu. Họ ðến Nam-á từ lâu. Rồi tộc ðó lại kết hợp với những người cũng từ châu Phi ði lên châu Âu, vào Bắc Trung-quốc khoảng 15.000 nãm trước. Chúng ta trở lại với ðầu ðề. Tiếp theo Kinh Thư, sách Tả-truyện, Tả Khâu Minh cũng viết : Trời làm chủ Thiên-hạ, Vua nối trời mà cai trị. Kẻ chịu mệnh trời mà cai trị là Thiên-tử. Ðến Mạnh-tử, thiên Ly-lâu viết: Thiên hạ là quốc gia, Gốc của thiên hạ là quốc, Gốc ở quốc là gia. Vì ảnh hưởng của sách cổ nên người Hoa mới nảy sinh ra tư tưởng « Nội Hoa hạ, ngoại Di, Ðịch ». Nghĩa là trong Ngũ-phục thì là chốn văn minh, còn ngoài ra thì là mọi rợ. Kinh-lễ, thiên Vương-chế nói : Ðông phương viết Di, Tây phương viết Nhung, Nam phương viết Man, Bắc phương viết Ðịch. Nghĩa là : Người ở Ðông phương gọi là Di, Tây-phương là Nhung, Nam phương là Man, Bắc phương là Ðịch. Di, Nhung, Man, Ðịch là những từ ðể chỉ mọi rợ. Bốn chữ ðó khi viết thì có bộ trùng, bộ thú, bộ khuyển ở cạnh. Có nghĩa các sắc dân đó là cầm thú, côn trùng, chó mèo ! Ngay đối với người Âu, Mỹ hồi thế kỷ thứ 20 về trước, người Hoa gọi là Bạch-quỷ ! (Thính giả cười ồ lên !) . Họ còn phân ra người Âu là Tây-dương Quỷ. Người Mỹ là Mỹ-lan-tây Quỷ. Người Anh là Hồng-mao Quỷ . Nguời Nga là La-sát Quỷ.

Ghi chú của Tãng Hồng Minh

Sinh viên Marta Maria Fernandes hỏi :

« Thưa Giáo-sư, về Trung-quốc, tiếng Pháp gọi là La Chine, người Trung-quốc là Chinois. Còn sách của Chinois ở lục địa thì họ xưng là Trung-quốc ; của người ở Hương-cảng, Ðài-loan thì họ xưng là Trung-hoa. Ðôi khi họ xưng là Trung-nguyên, rồi Hoa-hạ. Tôi ðọc một số sách bằng Việt ngữ thì người Việt gọi là chữ Hán chứ không gọi là chữ Hoa, hay chữ Trung-quốc; và người Việt khi thì gọi Chinois là người Hoa, khi thì gọi là người Tầu. Như trên Giáo-sư ðã giải thích từ Trung-quốc. Còn từ Hoa ở đâu mà có ? Tại sao lại có những từ phức tạp như vậy ? »

Ðáp :

« Như tôi ðã trình bầy : Với lối phân chia Cửu-châu, Ngũ-phục ; trong năm cõi trên thì cõi Điện là vùng bao quanh Thiên-hạ. Phía trong cõi Điện là Giao. Trong Giao một trăm dặm là Quốc. Trong Quốc có thành gọi là Đô. Đô là nõi vua ở. Vì vậy họ mới xưng là Trung-quốc, tức nước ở giữa Thiên-hạ. Chữ Trung-quốc ở ðây có tính chất chính trị, và ðịa lý. Còn từ Trung-nguyên có nghĩa là vùng đất ở giữa. Trung-nguyên chỉ có nghĩa địa lý mà thôi. Sau cuộc cách mạng Tân-Hợi (1911), Bác-sĩ Tôn Văn và Quốc-dân đảng lên nắm quyền, lấy quốc danh là Trung Hoa nhân dân cộng hòa quốc, gọi tắt là Trung-Hoa Dân-quốc từ ngày 1-1-1912. Hiện chính phủ Đài-loan vẫn duy trì quốc danh này. Hồng-quân tiến chiếm được Bắc-kinh, lập nền cai trị Trung-nguyên, họ xưng là Cộng-hòa nhân dân Trung-quốc gọi tắt là Trung-quốc kể từ ngày 1-10-1949. 12 Yên-tử cư-sĩ Trần Ðại-Sỹ Còn nguồn gốc từ Hoa thì lúc đầu Trung-quốc chỉ là mấy bộ tộc ở vùng Ung-châu, Lương-châu (Ghi chú xin ðừng lầm Ung này với Ung-châu thời Tống, nay là Nam-ninh thuộc Quảng Tây). Phía Ðông Nam là Hoa-âm, Ðông Bắc là Hoa-dương, giới hạn bởi Hoa-sơn. Vì vậy họ mới xưng nước là Hoa. Sau vì có văn minh, họ chiếm, đồng hóa các vùng xung quanh, mà có 9 châu như trong Kinh-thư. Hoa là tên nước chứ không phải là tên chủng tộc. Còn từ Hoa Hạ thì do con sông Hạ-thủy khởi nguồn từ Ung-Lương, nên lấy từ Hạ-thủy làm tên tộc. Hạ là tên tộc, không phải là tên nước. Sau này người ta ghép chữ Hoa là nước với chữ Hạ là tộc thành từ Hoa-Hạ vừa ðể biểu tượng cho nước, vừa biểu tượng cho tộc. Cao-tổ nhà Hán là Lưu Bang, khởi nghiệp từ sông Hán-thủy, nên xưng là triều Hán (207 trước Tây-lịch). Nãm 179 trước Tây-lịch, Triệu Ðà chiếm Âu-lạc (tên cũ của Việt-Nam). Y là thần tử triều Hán, cấm dân Việt học chữ Khoa-ðẩu của tộc Việt, bắt học chữ Hoa. Do vậy người Việt gọi chữ Hoa là chữ Hán. Người Việt gọi người Chinois là người Hoa, người Trung-quốc là lẽ thường. Còn danh tự người Tầu thì bắt nguồn từ những triều đại Trung-quốc bị sụp đổ, các di thần dùng tầu vượt biển sang Việt Nam xin kiều ngụ, nên người Việt gọi họ là người Tầu ». Chúng ta trở lại với ðầu ðề. Từ nguồn gốc kinh ðiển cổ, người Hoa tự cho mình là con trời (Thiên-tử), cho nên hầu hết các tiểu thuyết của họ thì vua luôn có tướng tinh là con rồng vàng, là Thanh-y ðồng tử trên thượng giớí giáng sinh. Các quan võ thì luôn là Vũ-khúc tinh quân, các quan văn là Văn-khúc tinh quân. Quần thần thì là Nhị-thập bát tú giáng hạ. Với chủ đạo này, họ đã đánh chiếm mấy trăm nước tạo thành một Trung-quốc vĩ đại.

2.- Chủ đạo của Việt-Nam.

Như trên đã trình bầy, với nguồn gốc lập quốc, ngýời Việt có niềm tin mình là con của Rồng, cháu của Tiên, cho nên người Việt có một sức bảo vệ quốc gia cực mạnh. Truyền thống sang thế kỷ thứ 2 trước Tây-lịch lại thêm vào tinh thần của vua An-Dương. Sang ðầu thế kỷ thứ nhất, nổ ra cuộc khởi nghĩa của một phụ nữ, và 162 anh hùng, trong ðó có hơn trãm là nữ. Cuộc khởi nghĩa ðuổi ngoại xâm Trung-hoa, lập lên triều ðại Lĩnh-Nam. Phụ nữ ðó là vua Trưng. Nối tiếp mỗi thời ðại ðều có tinh thần riêng, tạo thành niềm tin vững chắc. Tộc Việt ðã chiến đấu không ngừng để chống lại cuộc Nam tiến liên miên trong hai nghìn năm của người Hoa. Bất cứ thời nào, người Việt dù bị phân hóa ðến ðâu, nhưng khi bị ngoại xâm, họ lập tức ngồi lại với nhau ðể bảo vệ quốc gia. Trong những lớp phế hưng của lịch sử Việt, hễ ai dựa theo chủ ðạo tộc Việt, ðều thành công trong việc giữ ðược quyền cai trị dân. Gần ðây nhất, người Việt bị các thế lực Quốc-tế, gây ra cuộc chiến tranh tương tàn khủng khiếp (1945-1975). Nhưng nay, Việt-Nam ðang trên ðà phục hưng chủ ðạo. Ý tôi muốn nói sự cố gắng phi thường 13 Yên-tử cư-sĩ Trần Ðại-Sỹ của hơn hai triệu ngýời Việt ở ngoài lãnh thổ Việt-Nam, đã là bó đước sáng chuyển chủ đạo trở về nước mình. Trong thời gian 1954-1975, miền Bắc theo chế độ Cộng-sản, theo chủ thuyết Quốc-tế. Nhưng họ biết khai thác cái chủ đạo của Việt-Nam, họ huy động được tinh thần yêu nước của dân tộc, nên cuối cùng họ chiến thắng. Cũng tiếc thay, những người cầm quyền miền Nam từ 1963-1975, không biết khai thác lòng yêu nước của dân tộc, lại chấp nhận cho quân ðội Hoa-kỳ và ðồng minh nhảy vào vòng chiến, việc này có khác gì quỳ gối, trao ngọn cờ chính nghĩa cho miền Bắc! Tôi nghĩ những người lãnh đạo miền Nam như ông Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm, cho đến giờ này (1992) chưa từng biết gì về kho tàng lòng yêu nước của người Việt, lại cũng chưa từng nghe, từng nói ðến chữ chủ ðạo tộc Việt bao giờ. Trước họ, cố Tổng-thống Ngô Ðình Diệm (1954-1963), vì biết rõ chủ đạo tộc Việt. Ngài từ chối không cho Hoa-kỳ đổ quân vào Việt Nam, mà đang là một đồng minh của Hoa-kỳ, Ngài đã trở thành kẻ thù của Hoa-kỳ, bị Hoa-kỳ giết hết sức thảm khốc.

III. ĐI TÌM LẠI NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT.

Năm trước đồng nghiệp của tôi đã giảng cho các bạn sinh viên hiện diện các giả thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt-Nam, bao gồm :

1.- Thuyết của giáo sư Léonard Aurousseau về cuộc di cư của người Ý-Việt hay Ngô-Việt sang Âu-Lạc.

2.- Thuyết của Claude Madroll về cuộc di cư của người Mân-Việt sang Âu-Lạc.

3.- Thuyết của học giả Ðào Duy-Anh, Hồ Hữu-Tường về cuộc di cư do thời tiết của người Việt từ Bắc xuống Nam. Tất cả các thuyết này ðều cãn cứ vào những thư tịch cổ Trung-quốc, Việt-Nam. Mà những thư tịch này không có một biện chứng khoa học nào cả. Cuối cùng các giáo sư ðồng nghiệp ðã nhận định rằng : Nhờ vào khoa khảo cổ, nhờ¨¨ vào hệ thống khoa học DNA, từ nay không còn những giả thuyết về nguồn gốc tộc Việt nữa, mà chỉ còn lại công cuộc nghiên cứu của tôi, rồi kết luận :

« Thoạt kỳ thủy, trên vùng ðất thuộc lãnh thổ Trung-quốc, Việt-Nam hiện tại: Giống người ðã từ châu Phi đến bằng hai đường. Một là đường Nam-á, đến Đông Nam-á, ngược lên vùng Hoa Nam. Hai là từ châu Phi, tới châu Âu, rồi sang Bắc Trung-quốc. Cuối cùng cả hai giống người hòa lẫn với nhau trên lãnh thổ Trung-quốc. Còn trong vòng 5000 năm trước Tây lịch cho đến nay, thì tộc Việt bao gồm trăm giống Việt sống rải rác từ phía nam sông Trường-giang, Đông tới biển, Tây tới Tứ-xuyên, Nam tới vịnh Thái-lan.

Ngýời Việt từ Ngô-Việt di cư xuống phương Nam. Ngýời Mân-Việt ði xuống Giao-chỉ. Ngýời Việt di cư từ nam sông Trường-giang tránh lạnh xuống Bắc-Việt ðều ðúng. Ðó là những cuộc di cư của tộc Việt trong lãnh thổ của họ, như cuộc di cư từ Bắc vào Nam nãm 1954 ; chứ không phải họ là người Trung-quốc di cư xuống Nam, lập ra nước Việt. »

Chính vì lý do dùng hệ thống ADN biện biệt tộc Hoa, tộc Việt, nên tôi được mời đến đây đọc bài diễn văn khai mạc niên khóa này. Sau đây tôi trình bầy sơ lược về công trình nghiên cứu đó. Tôi xin nhắc lại, tôi chỉ là một bác sĩ y-khoa, cho nên những nghiên cứu của tôi đặt trên lý luận thực nghiệm, cùng lý luận y-khoa, nó hơi khác với những gì mà các bạn đã học.

Ghi chú của Tăng Hồng Minh:

Sinh viên Vũ-thị Thu-Dung hỏi:

- Thưa Thầy, con có ðọc một bộ sách của nhà vãn Bình Nguyên Lộc nói về nguồn gốc dân tộc Việt-Nam. Trong bộ sách đó, ông khẳng định rằng người Việt gốc từ Mã-lai. Xin Thầy cho biết ý kiến?

- Tôi chưa ðọc bộ sách ðó, vả có ðọc tôi cũng không thể ðem ra bàn luận ở ðây.

Giáo-sư Viện-trưởng:

- Tôi xin bổ túc lời diễn giả. Ban tu thư của IFA sưu tầm tất cả những thư tịch nói về nguồn gốc dân tộc Việt-Nam. Trước sau có 34 nguười ðã trình bầy. Nhưng chỉ những tác giả sau ðây ðược ghi vào album nghiên cứu:

- Edouard Chavannes trong bản dịch bộ Sử-ký của Tý Mã Thiên.

- Leonard Aurousseau trong bài nghiên cứu "La première conquête chinoise des pays anamites" đăng trong tạp chí của trường Viễn-đông bác cổ của chúng tôi tại Hà-nội (ý chỉ nước Pháp), ký hiệu BEFEO XXIII. 138-244.

- Claude Madrolle, trong bài Le Tonkin Ancien đăng trong BEFEO XXXVII 264-332.

- Lê Chí Thiệp, trong Văn-hóa nguyệt san (VNCH) số tháng 3-4 năm 1959.

- Đào Duy Anh, trong Nguồn gốc dân tộc Việt-Nam, được ông Hồ Hữu Tường cổ võ trong bộ Tương lai vãn hóa Việt-Nam.

- Gần ðây, giáo sý Nguyễn Khắc Ngữ trong bộ Nguồn gốc dân tộc Việt-Nam, xb nãm 1985 ở Canada.

- Một số các bài của giáo sý Lương Kim Ðịnh, Nguyễn Ðãng-Thục và Tiến-sĩ Thái Vãn Kiểm, hội viên Hàn-lâm-viện Hải-ngoại của Pháp-quốc..

Một số tác giả viết chỉ với mục ðích khoa trương, lập dị, hoặc không có cãn cứ, hoặc thiếu kiến thức, chúng tôi không ghi vào thư mục nghiên cứu, nên Giáo-sư Trần Ðại-Sỹ không tham khảo, và dĩ nhiên không ðem ra bàn ở ðây:

- Paul Francastel trong Origine du Việt-Nam, France Asie xb.

- Nguyễn Phương trong Tiến trình hình thành dân tộc Việt-Nam, tạp chí Đại-học Huế tháng 4 năm 1963.

- Bình Nguyên Lộc trong tác phẩm mà em đã đọc.

 

IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trong việc đi tìm nguồn gốc tộc Việt, tôi đã dùng phýõng pháp y-khoa nhiều nhất, và phương pháp khoa học mới ðây. Tôi ðã được giáo sư Tarentino về khoa Anatomie của Ý và giáo sư sinh vật Vareilla Pascale của Pháp tích cực giúp ðỡ. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng trong khoảng 5000 trước Tây-lịch, lãnh thổ tộc Việt nằm từ phía Nam sông Trường-giang tới vịnh Thái-lan. Phía Tây tới tỉnh Tứ-xuyên Trung-quốc , phía Ðông tới biển Nam-hải. Nghĩa là bao gồm toàn bộ Hoa-Nam, và Ðông-dương.

1. Dùng biện chứng y-khoa vào khảo cổ.

Biện chứng cãn bản của người nghiên cứu y-khoa là : « Khi có chứng trạng, ắt có nguyên do » Biện chứng này ðã giúp tôi rất nhiều trong khi nghiên cứu về nguồn gốc tộc Việt. Khi nghiên cứu, những tài liệu cổ, dù là huyền thoại, dù là huyền sử, dù là triết học, tôi cũng coi là chất liệu quan trọng. Như tôi ðã trình bày, nước tôi có một tôn giáo, mà toàn dân ðều theo ðó là thờ các anh hùng dân tộc. Tại những ðền thờ chư vị anh hùng, thường có một cuốn phổ kể sự tích các ngài. Vì theo thời gian, tiểu sử các ngài bị dân chúng huyền thoại hóa đi, riết rồi thành hoang đường. Cho nên những học giả đi tiên phong, nghiên cứu về sử học Việt thường bỏ qua. Tôi lại suy nghĩ khác : « Không có nguyên do , sao có chứng trạng ? ». Vì vậy tôi đã tìm ra rất nhiều điều lý thú. Tỷ dụ :

Bất cứ một nhà nghiên cứu nào, khi khảo về thời vua An-Dương cũng cho rằng chuyện thần Kim-quy do vua móng làm nỏ bắn một lúc hàng nghìn mũi tên khiến Triệu-Đà bị bại là hoang đường, là ma trâu đầu rắn. Nhưng tôi lại tin và cuối cùng tôi tìm ra sự thật. Hồi ấy Cao Cảnh hầu Cao Nỗ đã chế ra nỏ liên châu, như súng liên thanh ngày nay. Tôi cũng tìm ra kích thước của ba mũi tên ðồng của nỏ này.(4)

Trước tôi ðã có các nhà khảo cổ căn cứ vào xương sọ tìm được tại Trung và Bắc-phần (70 cái). Trong đó có 38 cái do người Pháp sưu tầm thuộc thời đại Đồ-đá, thì 29/38 cái được kết luận là thuộc chủng loại Malanésien, Indonésien, Australoide hay Nam-á. Với 29 cái thì không thể kết luận rằng đó là toàn thể. Gần đây các học giả Việt-Nam lại tìm ra 32 xương sọ, thuộc thời ðại Ðồ-sắt (1000 nãm trýớc Tây-lịch ðến 300 sau Tây-lịch), thì 22/27 thuộc chủng loại Mongoide. Với 32 cái thì không thể kết luận rằng đó là toàn thể tộc Việt thuộc chủng loại Mongoide. Những tác giả trên đã căn cứ vào chỉ số xương sọ mà kết luận. Nhưng y học ðã tiến bộ, căn cứ vào chỉ số xương sọ ðể ðịnh nguồn gốc ðã bị đánh đổ.

Nguyên do : Khi con ngýời di cư ðến vùng khác, bị khí hậu, bị nước uống, bị thực phẩm làm thay ðổi xương sọ. Chúng tôi dùng hệ thống ADN, hệ thống sinh học mới nhất thử nghiệm ngay những ngýời ðang sống của 35 dòng họ tại Hoa Nam với Việt-Nam, rồi với những dòng họ khác tại Hoa Bắc. Lại cũng thử nghiệm những bộ xương của ba vùng trên, không phân biệt thời gian. Cuối cùng chúng tôi tìm ra sự khác biệt của những tộc Hoa Nam, Việt Nam với những tộc Hoa Bắc, và đi đến kết luận : lãnh thổ Văn-lang, tới hồ Động-đình. (5)

Ghi chú của Tăng Hồng Minh Một quan khách, nữ giáo sư khoa Thiên-văn học tên Madeleine Chevalier hỏi:

- ADN là gì? Tôi nghe nói, cũng như ðọc trên báo hoài, mà không biết rõ chi tiết cái hệ thống này?

Trần Đại-Sỹ:

- Tôi xin nhường lời cho Giáo-sư Vareilla Pascale chuyên khoa về vấn đề này trả lời. Vareilla Pascale:

- Cảm ơn Giáo-sư Trần Ðại-Sỹ ðã cho tôi danh dự trả lời Giáo-sư Chevalier. ADN viết tắt của từ Acide désoxyribonucléique, tiếng Anh là Deoxyribosenucleic acide, viết tắt là DNA. ( Phần này khá dài, khoảng 20 trang A4, chúng tôi không dịch hết, vì quá chuyên môn, chỉ dành cho sinh viên y khoa.)

 

2. Những vấn đề.

Ranh giới phía Nam của nước Văn-lLng tới nước Hồ-tôn đã quá rõ ràng. Ranh giới phía Tây với Ba-thục, phía Đông với biển lại tùy thuộc vào ranh giới phía Bắc. Nếu như ranh giới phía Bắc qủa tới hồ Ðộng-ðình, thì ranh giới phía Tây chắc phải giáp Ba-thục và phía Đông phải giáp Đông-hải. Có thực như thế không?

Vì vậy tôi đi tìm ranh giới phía Bắc. Dưới ðây là huyền thọai, huyền sử mà tôi ðã bấu víu vào để đi nghiên cứu. Tôi cần tra cứu cho ra:

 

Vấn ðề thứ nhất, Cổ sử Việt ðều nói rằng ranh giới phía Bắc tới hồ Ðộng-ðình. Có thực nhý vậy không? Truyền thuyết nói Ðế-Minh lập ðàn tế cáo trời ðất, rồi chia thiên hạ làm hai. Từ Ngũ-lĩnh về Bắc cho Ðế-Nghi, sau thành Trung-quốc. Từ Ngũ-lĩnh về Nam truyền cho vua Kinh-Dương sau thành Văn-lang. Núi Ngũ-lĩnh, hồ Ðộng-ðình nay vẫn còn. Nhýng liệu có di tích gì chứng minh chăng?

Tôi phải đi tìm Ngũ-lĩnh, hồ Động-đình.

Vấn đề thứ nhì, Truyền thuyết nói : Sau khi vua Kinh-Dương, vua Lạc-Long kết hôn, ðều lên núi Tam-sơn trên hồ Ðộng-ðình hưởng thanh phúc ba nãm. Lúc ngài lên núi có chín vạn hoa tầm xuân nở. Tôi phải ði tìm núi Tam-sơn ở hồ Ðộng-ðình. Liệu trên núi này có di tích gì về cuộc tình năm nghìn năm trước chăng?

Vấn đề thứ ba, Truyền sử nói : Sau khi Quốc-tổ Lạc-Long, Quốc-mẫu Âu-Cơ cho các hoàng tử đi bốn phương qui dân lập ấp, dặn rằng : Mỗi năm về Tương-đài chầu Quốc-tổ, Quốc-mẫu một lần. Cổ sử nói : Quốc-tổ dẫn năm mươi con xuống biển, Quốc-mẫu dẫn năm mươi con lên núi, hẹn mỗi năm một lần gặp nhau ở cánh đồng Tương. Cánh đồng Tương ở đâu?

Nếu có cánh đồng Tương thì cũng có thể kết luận rằng biên giới nước Vãn-lang tới hồ Ðộng-ðình. Tôi phải đi tìm.

Vấn đề thứ tư, chứng tích thứ nhất xác định: Bộ Sử-ký của Tư-mã, Nam-Việt liệt truyện có thuật việc: vua nước Nam-Việt là Triệu-Ðà thường ðem quân quấy nhiễu biên giới Việt-Hán là Nam-quận, Trường-sa (Mậu-Ngọ 183 trước Tây-lịch). Như vậy biên giới Nam-Việt (Tức Việt-Nam) với Hán ( Tức Trung-quốc) ở vùng này. Ngày nay Trường-sa là thủ phủ của tỉnh Hồ-nam, nằm ngay Nam ngạn sông Trường-giang. Vấn ðề thứ nãm, Huyền sử nói rằng : trong cuộc khởi nghĩa của vua Trưng: - Khi Trưng Nhị, Trần Nãng, Phật Nguyệt, Lại Thế-Cường, Trần Thiếu-Lan ðem quân ðánh Trường-sa (39 sau Tây-lịch), thì nữ týớng Trần Thiếu-Lan tử trận, mộ chôn ở ghềnh Thẩm-giang (sự thật ðó là Tương-giang thông với hồ Ðộng-ðình).

- Sau đó ít năm có trận đánh giữa Lĩnh-Nam và Hán (42 sau Tây-lịch). Tướng Lĩnh-Nam tổng trấn hồ Ðộng-ðình là Phật Nguyệt, tướng Hán là Mã Viện, Lýu Long (40 sau Tây-lịch).

Có thực thế không?

Có hai trận Trường-sa, hồ Ðộng-ðình không? Nếu có thì ranh giới thời Lĩnh-Nam (40-43 sau Tây-lịch) quả tới hồ Động-đình.

Vấn đề thứ sáu, Năm 42, sau Tây-lịch, ba tướng thống lĩnh Kỵ-binh thời vua Trưng là Đào Chiêu-Hiển, Đào Đô-Thống, Đào Tam-Lang, đánh nhau với quân Hán tại Bồ-lăng thuộc Tượng-quận, vì quân ít, thế cô, ba ông tự tử. Vậy Bồ-lăng ở đâu? Có trận này không? Nếu có trận này thì ranh giới Lĩnh-Nam phía Tây quả tới Ba-thục (Tứ-xuyên.) Thưa Quý-vị,

Nhưng các sử gia gần ðây (1900-1975) ðều ðặt nghi vấn rằng : Làm gì biên giới thời Văn-Lang rộng như vậy? Nếu có chỉ ở vào phía Bắc biên giới Hoa-Việt hiện nay trăm cây số là cùng. Lại cũng có những người dốt nát (1975-1991), không ðủ sách ðọc, không theo kịp sự tiến triển của y học, họ chỉ ðọc những tài liệu sai lầm, rồi họ như con ngựa kéo xe, chỉ biết có vậy, chúng tôi thấy họ ngu dốt quá, nên không trả lời, cũng nhuư giải thích. Tôi cãn cứ vào những chứng trạng trên mà ði tìm nguồn gốc.

 

V. ĐI TÌM BIÊN GIỚI NÝỚC VÃN-LANG

1. Núi Ngũ-lĩnh. Cuối nãm Canh-Thân (1980) tôi lấy máy bay ði Bắc-kinh, rồi ðổi máy bay ở Bắc-kinh ði Trường-sa. Trường-sa là thủ phủ của tỉnh Hồ-nam. Tất cả di tích của tộc Việt như hồ Ðộng-ðình, núi Tam-sơn, núi Ngũ-lĩnh, sông Tương, Thiên-ðài, Tương-ðài, cánh ðồng Tương ðều nằm ở tỉnh này. Tôi ði nghiên cứu với một thư giới thiệu của giới chức cao cấp y học Pháp-Hoa (CMFC). Có một sự hiểu lầm lớn, vì trong thư giới thiệu các giới chức y-khoa chỉ xin ðược giúp ðỡ cho tôi, nên khi tôi muốn tiếp xúc với sở du-lịch, ty vãn hóa ðịa phưõng, họ ðều tưởng tôi tới Trường-sa ðể nghiên cứu sự cấu tạo hình thể cùng bệnh tật dân chúng tại đây. Thành ra tôi bị mất khá nhiều thì giờ nghe thuyết trình của các đồng nghiệp về vấn đề này. Tôi cư ngụ trong khách sạn Trường-sa tân ðiếm nằm trên ðại lộ Nhân-dân. Tôi mua cuốn ðịa phương chí mới nhất của tỉnh, rồi mò vào thư viện ty vãn hóa, sở bảo vệ cổ-tích, ðại-học vãn-khoa, lục lọi những tài liệu cổ, mà ngay những sinh viên vãn khoa cũng ít ai ghé mắt tới. Ðầu tiên tôi ði tìm núi Ngũ-lĩnh. Không khó nhọc, tôi thấy ngay đó là năm dãy núi gần như ngãn ðôi Nam, Bắc Trung-quốc :

- Một là Ðại-dữu lĩnh.

- Hai là Quế-dương, Kỳ-ðiền lĩnh.

- Ba là Cửu-chân, Ðô-lung lĩnh.

- Bốn là Lâm gia, Minh-chữ lĩnh.

- Nãm là Thủy-an, Việt-thành lĩnh.

Về vị trí :

- Ngọn Thủy-an, Việt-thành chạy từ tỉnh Phúc-kiến, ðến huyện Tuần-mai tỉnh Quảng-ðông.

- Ngọn Ðại-dữu chạy từ huyện Ðại-dữu (Nam-an), tỉnh Giang-Tây ðến huyện Nam-hùng tỉnh Quảng-ðông.

- Ngọn Cửu-chân, Ðô-lung chạy từ Ðạo-huyện tỉnh Hồ-nam tới Gia- huyện tỉnh Quảng-tây.

- Ngọn Lâm-gia, Minh-chữ chạy từ Lâm-huyện tỉnh Hồ-Nam ðến Liên-huyện tỉnh Quảng-Ðông.

- Ngọn Quế-dương từ Toàn-huyện tỉnh Hồ-nam tới huyện Quế-lâm tỉnh Quảng-tây .

Lập tức tôi thuê xe ði một vòng thăm các núi này. Tôi đi mất mười ngày, trải gần 15.000 cây số. Như vậy là Ngũ-lĩnh có thật, nay có núi ðã đổi tên, có núi vẫn giữ tên cũ.

Một câu hỏi đặt ra : Tại sao khi vua Minh phân chia từ Ngũ-lĩnh về Nam thuộc Lộc-Tục mà lĩnh địa Việt tới hồ Động-đình, mà hồ ở phía Bắc núi đến mấy trăm cây số. Tôi giải đoán như thế này :

- Một là vua Minh tế trời ở trên núi Ngũ-lĩnh là nơi người gặp tiên rồi chia ðịa giới. Nhưng bấy giờ dân chưa ðông, mà sông Trường-giang rộng mênh mông, sóng lớn quanh nãm nên vua Nghi chỉ giữ từ Bắc ngạn mà thôi. Còn vua Kinh-Dương thì sinh trưởng ở vùng này, lại nữa lấy con vua Ðộng-ðình (một tiểu quốc), nên thừa kế luôn vùng đất của nhạc gia.

- Hai là dân chúng Nam-ngạn Trýờng-giang với vùng Nam Ngũ-lĩnh vốn cùng một khí hậu, phong tục, nên họ theo về Nam không theo về Bắc, thành thử hồ Ðộng-ðình mới thuộc lãnh địa Việt.

Kết luận : « Quả có núi Ngũ-lĩnh phân chia Nam, Bắc Trung-quốc hiện thời, vậy có thể núi này đúng là nõi phân chia lãnh thổ Văn-Lang và Trung-Quốc khi xưa ». Ánh sáng ðã soi vào nghi vấn huyền thọai.

Còn tiếp

==================

Xin quý vị và anh chị em xem toàn bộ bài viết của giáo sư Trần Đại Sĩ do Thanhdc đưa lên ở bài dưới.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thưa quí vị và anh chị em quan tâm.

Do lỗi kỹ thuật của phần mềm , nên khi thanhdc đưa bài lên diễn đàn, xuất hiện những lỗi kỹ thuật trong bài viết của một học giả tôi rất kính trọng, là giáo sư Trần Đại Sĩ (Việt kiều Pháp quốc). Tôi đã chỉnh sửa lại sau khi xem kỹ lại để quý vị và anh chị em quan tâm dễ xem.

Cá nhân tôi sẽ phản bác một số kết luận, hoặc luận cứ trong bài viết của cả hai vị học giả và chứng minh cho quan điểm của tôi:

Đất Việt Nam hiện nay là nơi rút lui cuối cùng của Việt tộc, sau khi nền văn minh Việt sụp đổ ở miền nam sông Dương Tử vào thế kỷ thứ III BC.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thưa quý vị và anh chị em quan tâm.

Tôi đưa bài này vào đây, nội dung của nó có vẻ như không liên quan đến chủ đề. Nhưng nó sẽ là những chứng cứ trong luận cứ của tôi.

====================

Khoa học

Bé trai bất ngờ tìm thấy cổ kiếm 3.000 tuổi bên bờ sông

13:53 ngày 06 tháng 10 năm 2014

 

Trong lúc đang rửa tay bên bờ sông, Junxi chạm phải một vật cứng và phát hiện đó là một thanh kiếm đồng. Cậu mang về nhà và đưa cho bố cậu, ông Yang Jinhai.
 
zing_kiemcoTQ_JYFN.jpg
Thanh kiếm cổ 3.000 năm tuổi được Yang Junxi, 11 tuổi, phát hiện bên bờ sông tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Bitmap Image
 

Yang Junxi, một thiếu niên 11 tuổi, tìm thấy thanh kiếm cổ khi đang chơi gần bờ sông Laozhoulin, thuộc thành phố Cao Bưu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Trong lúc đang rửa tay, Junxi chạm phải một vật cứng và phát hiện đó là một thanh kiếm đồng. Cậu mang về nhà và đưa cho bố cậu, ông Yang Jinhai.

Theo ông Jinhai, ngay khi tin cậu bé tìm thấy thanh kiếm quý rộ lên, nhiều người kéo tới nhà ông. “Vài người đã trả giá cao để mua lại thanh gươm nhưng tôi nghĩ hành vi mua bán đồ cổ là trái pháp luật”, ông Jinhai nói. Sau khi cân nhắc, ông quyết định trao lại thanh kiếm cổ cho Cục di sản Văn hóa Cao Bưu hôm 3/9.

Cục Văn hóa Cao Bưu đã tiếp nhận và cử một đội nghiên cứu gồm các chuyên gia địa phương để nhận dạng thanh gươm quý qua chất liệu, độ dài, hình dáng và các yếu tố quan trọng khác. Kiểm tra ban đầu cho thấy thanh gươm màu đồng dài 26 cm có thể tồn tại dưới thời nhà Thương hoặc nhà Chu, cách đây hơn 3000 năm, ông Lyu Zhiwei, trưởng Cục di sản Văn hóa Cao Bưu, cho biết.

Người dân địa phương tại dãy Altai, Nga, đòi chôn xác ướp 2.500 tuổi với hình xăm kỳ quái bởi họ tin cơn thịnh nộ của xác ướp gây ra các trận lũ và động đất trong khu vực.

“ Chủ nhân của nó phải là một người có điều kiện mới sở hữu một vật có giá trị cách đây hơn 3.000 năm. Thanh kiếm dường như là vật biểu tượng của một viên quan địa phương, vừa để trang trí, vừa có thể sử dụng ngoài đời thường nhưng không phải của những người lính thời đó”, ông Zhiwei chia sẻ.

Thanh kiếm quý là hiện vật bằng đồng thứ hai được tìm thấy trong khu vực. Trước đó, người ta cũng phát hiện một nhạc cụ bằng đồng gần thị trấn Sanduo.

Theo ông Zhiwei, thành phố đã tiến hành nhiều lần nạo vét lòng sông, nơi tìm thấy thanh kiếm, vì vậy thanh kiếm có thể trồi lên gần bờ. Chính quyền thành phố cũng tiến hành đào và tìm kiếm thêm tại nơi cậu bé tìm thấy thanh kiếm. Bảo tàng và Cục di sản văn hóa thành phố Cao Bưu đã gửi chứng nhận cùng phần thưởng cho hai cha con ông Jinhai vì nghĩa cử cao cả của họ.

Theo Zing

====================

Mộ rồng 徐韶杉:
从阴宅风水看仰韶天文
Từ Thiều Sam: Tòng âm trạch khán Ngưỡng Thiều thiên văn


2011-01-07

来源:中国建筑风水文化网 作者:一鸣


Xu Shao Shan: Nhìn Yangshao thiên văn học từ Amityville Horror phong thủy


2011-01-07 Nguồn: Trung Quốc Kiến trúc Văn hóa Phong Thủy Tác giả: Yiming

字号:

T|T|T

内容摘要:
  1987 年五月在河南省濮阳市西水坡(pha:dốc) 发现了仰韶文化遗址。西水坡位于濮阳县城老城墙的北侧,原是濮阳老城内的一块低洼地,该墓葬是西水坡考古现场发现的第45座古墓,考古命名为西水坡45号墓

Tóm tắt:

KHÁM PHÁ THIÊN VĂN HỌC NGƯỠNG THIỀU TỪ NGÔI MỘ CỔ
Tác giả: Nhất Minh

Vào tháng năm 1987, tại dốc Tây Thủy, trấn Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, phát hiện di chỉ văn hóa Ngưỡng Thiều. Dốc Tây Thủy nằm ở phía bắc của bức tường thành phố cũ Bộc Dương, phát hiện ra nghĩa trang với 45 ngôi mộ. Ngôi số 45 được khảo sát đặc biệt.
Định tuổi bằng C14, ngôi một có niên đại khoảng 6500 năm (6460+/- 135 năm), thuộc trung kỳ văn hóa Ngưỡng Thiều. Đầu mộ quay về hướng nam, chân phía bắc, phía đông là một con rồng làm bằng vỏ sò, có móng vuốt, sống động như thật; phía tây của nó giống như một con hổ bằng vỏ sò, đầu lặng lẽ, uy nghi; phần bụng con hổ bằng vỏ sò có hình giống hoa mai.
Phía bắc là hình tam giác bằng vỏ sò và hai xương chày của con người. Ngôi mộ số 45 có ba người tuẫn táng ở ba hướng Đông, Tây, Bắc, được chôn theo một độ xiên cố ý nào đó. Dưới chân mộ chủ có hình tam giác và hai ống xương chày trẻ em từ ngôi mộ số 31.
Hiện tượng và kết luận:
1. Đầu tiên, Mộ Bộc Dương số 45 có hình thanh long bạch hổ và 28 địa điểm đồ hình mộ sơn tương ứng với đồ hình thanh long bạch hổ, (cho thấy) thanh long bạch hổ đồ của mộ Bộc Dương số 45 là tứ tựơng đồ. Theo hình dạng và kích thước của thanh long bạch hổ trong mộ Bộc Dương 45 thấy bảy con số phù hợp vị trí có thể được xác định 28 địa điểm đã được thiết lập tại thời điểm chôn cất.
2. xa nhất về phương nam theo hướng tý ngọ của mộ 45 là mộ số 31. chủ nhân mộ số 31ở phái cực nam là một đồng nữ, là thần hạ chí. Ba nạn nhân hiến tế trong mộ 45 thì một là biểu tượng của thần Xuân phân (phía Đông,đồng nam), thần Thu phân (phía Tây,đồng nữ) và thần Đông chí(Bắc,đồng nam),tại đây chu kỳ mùa được hoàn tất. Người xưa đã có một niềm tin văn hóa rất đầy đủ: Đông, Xuân là dương, được biểu thị bằng đồng nam; Hạ Thu là âm được biểu thị bởi đồng nữ.
3.Thứ ba, trong phần bụng con hổ bằng vỏ sò ở ngôi mộ số 45, có một loạt các vỏ sò nằm rải rác. Đống này nằm trong bụng của con hổ bằng vỏ sò, đồ hinh ngọn lửa  trong bụng con hổ chỉ nhằm để khẳng định lẫn nhau. Trong đồ án của ngôi mộ 45 với mô hình đồ án đối chiếu, chúng phản ánh chính xác cùng một nội dung, hình ảnh là một "bản đồ sao." Trong bụng hổ là  mặt trời hình hoa mai, theo thông lệ là ngày Xuân phân. Khái quát, ngôi mộ được sắp xếp theo tượng sao lúc hoàng hôn ngày Xuân phân.
4.Đo bằng con số ngôi mộ có sẵn ∠ BP'P = ∠ B'P'P = 24 ° 00 ', Thứ hai, theo những vỏ sò trong bụng con hổ có hình hoa mai là mặt trời, theo tiền lệ đó là quỹ đạo của sao vào ngày Xuân phân.
5. Đêm quan sát sao Bắc Dẩu, ngày dựng tiêu. Dưới chân chủ nhân ngôi mộ số 45 có hình tam giác nhỏ và hai xương chày trẻ em. Xương chày như cán của chòm Bắc Đẩu. Bắc Đẩu  được người xưa dùng trong chiêm tinh học,đêm quan sát Bắc Đẩu, ngày dựng tiêu đo bóng. Phương pháp cắm tiêu đo hình cổ nhất là người xưa thông qua bóng trên cơ thể người thay đổi phương hướng mà dần dần học được cách thiết kế, đó là “tiêu.” Do cơ thể con người, cọc tiêu và thời gian có mối quan hệ đặc biệt, vì vậy người xưa gọi là thời gian đo đùi, ý nghĩa của chân đùi con người.Bắc Đẩu đồ trong ngôi mộ Bộc Dương 45, chân, tiêu và thời gian liên kết lại, phản ánh người xưa thông qua dựng tiêu đo bóng và quan trắc Bắc Đẩu để xác định thời điểm.
6 Để xương chày như cán của chòm sao Bắc Đẩu, xác định bốn tượng kiến lập trên quan sát tại Bắc đẩu.
7 Tôn thờ vật tổ của Trung Quốc tồn tại trong 6500 năm trước. Từ tính toán vị trí tứ tượng đồ tinh, người xưa tiến hành tối thiểu 100.000 quan sát chiêm tinh trước khi bắt đầu ghi chép
8 Đây là lần đầu tiên ở Trung Quốc phát hiện bố cục âm trạch phong thủy, quyết định phương hướng phát triển của phong thủy sau này.
9. Ngôi mộ số 45 đầu hình bán nguyệt, chân mộ vuông chứng tỏ  quan niệm trời tròn đất vuông đã hình thành
10. Theo 28 địa điểm và chia ra bốn thần cho thấy 6500 trước đã nắm được sự vận hành của năm và sáng tạo các hệ thống thiên văn can chi.
1987 年五月在河南省濮阳市西水坡发现了仰韶文化遗址。西水坡位于濮阳县城老城墙的北侧,原是濮阳老城内的一块低洼地,该墓葬是西水坡考古现场发现的第45座古墓,考古命名为西水坡45号墓。
 经碳十四测定,并经树轮较正,此墓大概是6460年(正负135年)以前的,属于新石器时代仰韶文化中期。墓主人头居南、足朝北,其东为一蚌壳塑龙像,张牙舞爪,栩栩如生;其西为蚌壳塑虎像,缓步平视,威风凛凛;虎胃部的蚌成梅花状。其北为蚌壳塑三角形和人的两根胫骨构成的图案。45号墓中3具殉葬人的摆放位置在墓穴中东、西、北三个方向,并特意斜置形成一定的角度。通过骨架鉴定,殉葬人的年龄都在12岁至16岁之间,他们的头部有刀砍的痕迹,都属于非正常死亡。

Ngôi mộ số 45 có ba ngườituẫn táng ở ba hướng Đông, Tây, Bắc, được chôn theo một độ xiên cố ý nào đó.
濮阳西水坡45号墓的墓主人脚下小小的三角形和两根小孩儿胫骨来自31号墓中。
 


 

h244.jpg?w=300&h=252
濮阳西水坡45号墓分析图

B

Bộc Dương Tây Thủy pha  số 45 mộ tích đồ


 

h429.jpg?w=374&h=561

濮阳西水坡45号墓的青龙白虎图和曾侯乙墓漆箱盖

28宿青龙白虎图对比


Bộc Dương Xishuipo lăng mộ của các con số Rồng 45 ngôi mộ hổ và sơn bao gồm 28 địa điểm Rồng Bạch Hổ biểu đồ so sánh 

 

h338.jpg?w=300&h=172
濮阳西水坡

31号墓

 

h179.jpg?w=300&h=245


濮阳西水坡

45号墓与31号相对位置
现象与结论:
一、濮阳西水坡45号墓的青龙白虎图和曾侯乙墓漆箱盖28宿青龙白虎图对比,濮阳西水坡45号墓的青龙白虎图为四象图;根据濮阳西水坡45号墓的青龙白虎图的形状大小与青龙白虎七星所处位置一致,可以确定28宿在墓葬时已确立。
二、在位于45号墓的子午线最南方有31号墓。位于遗址最南端的31号墓的主人(女童)是司掌夏至的神,而45号墓中的3具殉葬人则分别象征着春分神(东)(男童)、秋分神(西)(女童)和冬至神(北)(男童),四时的演变在这里表现完整。
古人当时已经有了很完整的文化观念:认为春分、秋分、夏至、冬至是由四位天文官分别掌管的,即分至四神;冬春为阳以男童表示,夏秋为阴以女童表示。
三、在45号墓蚌壳虎的腹部,有一堆散乱的蚌壳。这堆位于虎腹下的蚌壳,与曾侯乙墓中虎腹下的火形图案正好可以相互印证。将濮阳西水坡45号墓中的图案与曾侯乙墓漆箱盖上图案对照,它们反映的内容完全一致,证实蚌塑图像就是一幅星图。虎胃部的蚌成梅花状为太阳,此即春分日躔胃宿。该墓是按春分日落时的星象布置。四、由墓图实测可得∠BP'P=∠B'P'P24°00',其次根据虎胃部的蚌成梅花状为太阳,此即春分日躔胃宿 (triền vị túc) 。证实六千五百年前的先民早已测得的黄赤交角为24°。并有可能建立24节气。
 五、夜观北斗, 白天立表。濮阳西水坡45号墓的墓主人脚下小小的三角形和两根小孩儿胫骨。胫骨当作北斗斗柄。北斗是古人来计时的星象,夜观北斗,白天用立表测影。最古老 的立表测影的方法是古人通过对人体影子的方向的改变而逐渐学会的,最初的测影工具只是模仿人体来设计,这就是
正因人体、表与时间具有这种特殊关系,所以古人把计量时间的表叫作髀,而髀的意思是人的腿骨。濮阳西水坡45号墓中的北斗图,把腿骨、表和时间这三个方面联系起来,体现了古人通过立表测影和观测北斗来决定时间这两种方法的结合。
 六、以胫骨作北斗斗柄,四象的确定是建立在北斗观察之上的。
 七、中国的图腾崇拜在6500年前已存在。从四象图星体位置计算,古人最低下线为10万前就开始对星象观察记录。
八、它是中国最早的阴宅风水布局,对后来的风水发展起到决定性指导方向。 九、45号墓主人头部墓室呈半圆形,腿部墓室呈方形。显示天圆地方盖天学已形成。

Share this post


Link to post
Share on other sites

SP đưa bài viết không bị lỗi font dưới đây thay bài viết trên của tác giả Trần Ðại-Sỹ.

=======================================================================

Thử tìm lại biên giới cổ của Việt-Nam:
Bằng cổ sử, bằng triết học, bằng di tích và hệ thống ADN

Bác-sĩ Trần Ðại-Sỹ
Giám đốc Trung-quốc sự vụ, viện Pháp - Á

 

Chúng tôi xin giới thiệu với độc giả Việt-Nam bài diễn văn của Giáo-sư Trần Đại-Sỹ đọc trong dịp khai giảng niên khóa 1991-1992 tại Viện Pháp-Á (Institut Franco-Asiatique viết tắt là IFA). Nguyên văn bằng tiếng Pháp, đây là bản dịch tiếng Việt của Tăng Hồng Minh. Trong dịp khai giảng niên học này, IFA đã mời một số đông các học giả, trí thức và ký giả tham dự. Sau bài diễn văn, có cuộc trao đổi rất thú vị.

 

Xin nhắc lại, trong khoảng thời gian 1977-1992, tác giả làm việc cho Liên-hiệp các viện bào chế châu Âu (Coopérative Européenne Pharmaçeutique, viết tắt là CEP) và Ủy-ban trao đổi y học Pháp-Hoa (Commité Médical Franco-Chinois viết tắt là CMFC), nên đã được các đồng nghiệp giúp đỡ, dùng hệ thống ADN để tìm lại nguồn gốc dân tộc Việt-Nam.

 

Chính với công trình nghiên cứu của tác giả trong thời gian 1977-1991, dùng hệ thống ADN phân biệt dân-tộc Trung-hoa, dân tộc Việt-Nam...đã kết thúc cuộc tranh cãi 90 năm qua biên giới cổ của Việt–Nam. Kết luận về nguồn gốc dân tộc Việt-Nam bằng khoa ADN đi ngược lại với tất cả các thuyết từ trước đến giờ. Các thuyết này khẳng định người Việt do người Hoa di cư xuống để trốn lạnh, để tỵ nạn v.v. Nhưng ADN cho biết chính người ở vùng Đông Nam Á đã đi lên phương Bắc thành người Hoa.

 

Sau khi bài diễn văn này phổ biến (1991), có một số "học giả" vì không theo kịp đà tiến hóa của khoa học, đã lên tiếng chỉ trích chúng tôị Biết rằng họ dốt nát quá, muốn giải thích cho họ, họ phải có một trình độ nào đó... vì vậy chúng tôi không trả lờị Phần nghiên cứu của chúng tôi quá dài, quá chuyên môn. Độc giả muốn tìm hiểu thêm có thể đọc công trình nghiên cứu dưới đây:

 

J.Y.CHU, cùng 13 nhà bác học Trung-quốc cũng nghiên cứu Di-truyền học ADN (DNA), công bố năm 1998: The Nation Academy of Sciences, USA, Vol.95 issue 20, ngày 29 tháng 7 năm 1998. Tài liệu khẳng định rằng nguồn gốc người Trung-hoa, Đông Á, do người Đông-Nam-á đi lên, chứ không phải do người Trung-hoa di cư xuống.

 

Về bài diễn văn này, từ năm 1991, có rất nhiều bản dịch sang nhiều thứ tiếng, đăng trên nhiều báo khác nhaụ Mỗi dịch giả lại tự ý lược đi, đôi khi cắt mất nhiều đoạn. Nay chúng tôi xin dịch nguyên bản, đầy đủ. Vì vậy độc giả thấy có nhiều đoạn quá chuyên môn, xin lướt qua.


Trong khi diễn giả trình bầy, ông có ngắt ra nhiều đoạn, để thính giả thảo luận. Các bài trích đăng trước không ghi phần này. Để độc giả dễ theo dõi, cô Tăng Hồng Minh (THM) ghi chép, chú giải đặt ngay dưới đoạn liên hệ, thay vì ghi ở cuối bài.

 

Khi xuất bản lần thứ nhất², bộ Anh-hùng Bắc-cương của giáo-sư Trần, chúng tôi có cho trích một phần bài này in vào cuối quyển 4. Nay chúng tôi công bố toàn bộ tài liệu, lấy làm tài liệu chính thức và phủ nhận tất cả những bản do nhiều nơi phổ biến trước đây.


Paris ngày 10-10-2001

Sở tu thư, viện Pháp-Á

 

SƠ TẦM VỀ TỘC VIỆT


Năm lên năm, tôi học chữ Nho, một loại chữ của Trung-quốc, nhưng dùng chung cho hầu hết các nước vùng Á-châu Thái-bình dương (ACTBD). Thầy khai tâm của tôi là ông ngoại tôi. Ông tôi là một đại thần của triều đình Ðại-Nam (tức Việt-Nam).

 

Chế độ phong kiến của nước tôi đã chấm dứt từ năm 1945, hiện (1991) vị Hoàng-đế cuối cùng của Ðại-Nam là Bảo Ðạị Ngài vẫn còn sống ở quận 16 Paris.

 

Năm lên sáu tuổi, tôi được học tại trường tiểu học do chính phủ Pháp mở tại Việt-Nam. Thời gian 1943-1944 rất ít gia đình Việt-Nam còn cho con học chữ Nho. Bởi đạo Nho cũng như nền cổ học không còn chỗ đứng trong đời sống kinh tế, chính trị nữa. Thú thực tôi cũng không thích học chữ Nho bằng chơi bi, đánh đáo. Nhưng vì muốn làm vui lòng ông tôi mà tôi học. Hơn nữa học chữ Nho, tôi có một kho tàng văn hóa vĩ đại để đọc, để thỏa mãn trí thức của tuổi thơ. Thành ra tôi học rất chuyên cần. Các bạn hiện diện nơi đây không ít thì nhiều cũng đã học chữ Nho đều biết rằng chữ này học khó như thế nào. Nhưng tôi chỉ mất có ba tháng đã thuộc làu bộ Tam tự kinh, sáu tháng để thuộc bộ Ấu-học ngũ ngôn thị Năm bẩy tuổi tôi được học sử, và năm chín tuổi bị nhét vào đầu bộ Ðại-học.

 

Chương trình giáo dục cổ bắt học sinh học hai loại sử. Bắc-sử tức sử Trung-quốc. Nam sử tức sử của Việt-Nam. Tôi được học Nam sử bằng chữ Nho, đồng thời với những bài sử khai tâm bằng chữ Quốc ngữ vào năm bảy tuổi. Thời điểm bấy giờ bắt đầu có những bộ sử viết bằng chữ Quốc ngữ, rất giản lược, để dạy học sinh; không bằng một phần trăm những gì tôi học ở nhà. Thầy giáo ở trường Pháp biết tôi là cái kho vô tận về sử Hoa-Việt, nên thường bảo tôi kể cho các bạn đồng lớp về anh hùng nước tôi. Chính vì vậy tôi phải lần mò đọc những bộ sử lớn viết bằng chữ Hán như:

 

- Ðại-Việt sử ký toàn thư (ÐVSKTT),
- An-Nam chí lược (ANCL),
- Ðại-Việt thông-sử (ÐVTS),
- Khâm-định Việt sử thông giám cương mục (KÐVSTGCM),
- Ðại-Nam nhất thống chí (ÐNNTC).


Ðại cương mỗi bộ sử đều chép rất giản lược về nguồn gốc dân tộc Việt-Nam sau:

 

Vua Minh cháu bốn đời vua Thần-Nông, nhân đi tuần thú phương nam, đến núi Ngũ-lĩnh, kết hôn với một nàng tiên hạ sinh một con trai tên Lộc-Tục. Vua lập đài, tế cáo trời đất, phong cho con trưởng làm vua phương Bắc, tức vua Nghi, phong con thứ là Lộc-Tục làm vua phương Nam. Ngài dạy hai thái tử rằng:

 

"Nghi làm vua phương Bắc, Tục làm vua phương Nam, lấy núi Ngũ-lĩnh làm cương giới. Hai người làm vua hai nước nhưng vốn cùng gốc ở ta, phải lấy điều hiếu hoà mà ở với nhaụ Tuyệt đối Nam không xâm Bắc, Bắc chẳng chiếm Nam. Kẻ nào trái lời, sẽ bị tuyệt tử, tuyệt tôn."

 

Xét triều đại Thần-Nông, khởi từ năm 3118 trước Tây lịch, đến đây thì chia làm hai:

 

1. Thần-Nông Bắc.


- Vua Nghi (2889-2884 trước Tây lịch)
- Vua Lai (2843-2794 trước Tây lịch)
- Vua Ly (2795-2751 trưước Tây-lịch)
- Vua Du-Võng (2752-2696 trước Tây-lịch).

 

Ðến đây triều đại Thần-Nông Bắc chấm dứt, đổi sang triều đại Hoàng-đế từ năm giáp Tý (2697 trước Tây-lịch). Các nhà chép sử Trung-quốc lấy thời đại Hoàng-đế làm kỷ nguyên. Trong bộ Sử-ký, Tư-mã Thiên khởi chép quyển một là Ngũ-đế bản kỷ, coi Hoàng-đế là Quốc-tổ Trung-quốc, không chép về thời đại Thần-Nông.

 

2. Triều đại Thần-Nông Nam


Thái-tử Lộc-Tục lên làm vua năm Nhâm-Tuất (2879 trước Tây-lịch) hiệu là Kinh Dương, lúc mười tuổi. Sau người Việt lấy năm này làm kỷ nguyên lập quốc. Nếu cộng chung cho đến nay (1991) là 4870 năm, vì vậy người Việt tự hào rằng đã có năm nghìn năm văn hiến. (1)

 

dongdinhho.jpg

NTHF: Lãnh thổ của dân Bách Việt xưa bắt đầu từ phía nam Trường Giang.

Người Việt ngày nay là hậu duệ của hai tộc Âu Việt và Lạc Việt.

Vua Kinh Dương lấy con gái vua Động-đình là Long-nữ đẻ ra Thái-tử Sùng-Lãm. Thái-tử Sùng-Lãm (Lạc Long Quân) kết hôn với công chúa Âu-Cơ con vua Đế-Lai.

 

(Nội dung bài diễn văn hôm nay, tôi chỉ bàn đến diễn biến chính trị, lịch sử, văn hóa, địa lý của dân tộc -Trung-hoa, và dân tộc Việt-Nam trong khoảng thời gian 4870 năm từ năm 2879 trước Tây-lịch cho đến năm nay 1991. Còn như đi xa hơn về những thời tiền cổ, thời đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, quá phức tạp, quá dài, tôi không luận đến ở đây.)

 

Xét về cương giới cổ sử chép:

 

"Thái-tử Lộc-Tục lên ngôi lấy hiệu là Kinh Dương (2), đặt tên nước là Xích-quỷ, đóng đô ở Phong-châu nay thuộc Sơn-Tâỵ Vua Kinh Dương lấy con gái vua Động-đình là Long-nữ đẻ ra Thái-tử Sùng-Lãm. Thái-tử Sùng-Lãm lại kết hôn với công chúa Âu-Cơ con vua Đế-Lai (3). Khi vua Kinh Dương băng hà thái-tử Sùng-Lãm lên nối ngôi vua, tức vua Lạc-Long, đổi tên nước là Văn-Lang. Nước Văn-Lang Bắc tới hồ Động-đình, Nam giáp nước Hồ-tôn, tây giáp Ba-thục, đông giáp biển Đông-hải."

 

Cổ sử đến đây, không có gì nghi ngờ, nhưng tiếp theo lại chép:

 

"Vua Lạc-Long lấy công chúa Âu-Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra trăm con. Ngài truyền cho các hoàng tử đi bốn phương lập ấp, tổ chức cai trị giáo hóa dân chúng. Mỗi vị lập một ấp theo lối cha truyền con nối.

 

- Hoàng-tử thứ nhất tới thứ mười lập ra vùng hồ Ðộng-đình. (Nay là Hồ-Nam, Quý-châu, Trung-quốc.)

 

- Hoàng-tử thứ mười một tới thứ hai mươi lập ra vùng Tượng-quận. (Nay là Vân-Nam và một phần Quảng-Tây, Tứ-xuyên thuộc Trung-quốc.)

 

- Hoàng-tử thứ ba mươi mốt tới bốn mươi lập ra vùng Chiêm-thành. (Nay thuộc Việt-Nam, từ Thanh-hóa đến Ðồng-nai)

 

- Hoàng-tử thứ bốn mươi mốt tới năm mươi lập ra vùng Lão-qua (Nay là nước Lào và một phần Bắc Thái-lan.)

 

- Hoàng-tử thứ năm mươi mốt tới sáu mươi lập ra vùng Nam-hải (Nay là Quảng-đông, và một phần Phúc-kiến, Trung-quốc.)

 

- Hoàng-tử thứ sáu mươi mốt tới bảy mươi lập ra vùng Quế-lâm. (Nay thuộc Quảng-tây, Trung-quốc.)

 

- Hoàng-tử thứ bảy mươi mốt tới tám mươi lập ra vùng Nhật-nam. (Nay thuộc Việt-Nam từ Nghệ-an tới Quảng-bình.)

 

- Hoàng-tử thứ tám mươi mốt tới chín mươi lập ra vùng Cửu-chân. (Nay thuộc Việt-Nam từ Ninh-bình tới Thanh-hóa, Nghệ-an, Hà-tĩnh.)

 

- Hoàng tử thứ chín mươi mốt tới một trăm lập ra vùng Giao-chỉ. (Nay là Bắc Việt-Nam và một phần tỉnh Quảng-tây, Vân-Nam thuộc Trung-quốc.)

 

Ngài hẹn rằng: Mỗi năm các hoàng-tử phải về cánh đồng Tương vào ngày Tết, để chầu hầu phụ mẫu."

 

Một huyền sử khác lại thuật:

 

Vua Lạc-Long nói với Âu-Cơ rằng: "Ta là Rồng, nàng là loài Tiên ở với nhau lâu không được. Nay ta đem năm mươi con xuống nước, nàng đem năm mươi con lên rừng. Mỗi năm gặp nhau tại cánh đồng Tương một lần."

 

Các sử gia người Việt lấy năm vua Kinh Dương lên làm vua là năm Nhâm-tuất (2879 trước Tây-lịch), nhưng không tôn vua Kinh Dương với Công-chúa con vua Ðộng-đình làm Quốc-tổ, Quốc-mẫu, mà lại tôn vua Lạc-Long làm Quốc-tổ và Công-chúa Âu-Cơ làm Quốc-mẫu. Cho đến nay Quý-vị hỏi trăm người Việt ở hải ngoại rằng tổ là ai, họ đều tự hào:

 

"Chúng tôi là con Rồng, cháu Tiên.
Quốc-tổ tên Lạc-Long, Quốc-mẫu tên Âu-Cơ."


Chủ đạo của tộc Việt bắt nguồn từ niềm tin này.

 

3. Triều đình, dân tộc


Tôi đã trình bầy với Quý-vị về hai triều đại đầu tiên cai trị vùng Á-châu Thái-bình dương: Phía Bắc sông Trường-giang sau thành Trung-quốc. Phía Nam sông Trường-giang tới vịnh Thái-lan, sau thành Ðại-Việt.


Hai triều đại Thần-Nông Nam-Bắc cai trị dân chúng:


- Không có nghĩa là dân chúng cùng một chủng tộc;
- Không có nghĩa là tộc Hoa, tộc Việt là một;
- Cũng không có nghĩa tất cả dân chúng tộc Hoa, tộc Việt đều là huyết tộc của vua Thần-Nông.

 

Trung-quốc, Ðại-Việt là anh em về phương diện chính trị. Giòng Thần-Nông cai trị vùng đất Trung-quốc, Ðại-Việt là anh em, nhưng dân chúng không hoàn toàn là anh em. Dân chúng hai nước bao gồm nhiều tộc khác nhau như Mongoloid, Malanésien, Indonésien, Australoid, và cả Négro-Australoid...v.v.

 

Người Hoa, người Việt nhân triều đại Nam-Bắc Thần-Nông tổ chức cai trị, lập thành nước, mà tôn làm tổ mà thôị Chứ hai vùng hồi đó có hàng nghìn, hàng vạn bộ tộc khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, văn hóa khác nhau.


Sau này các văn nhân người Hoa ở vùng lưu vực Hoàng-hà, lưu vực sông Hán, nhân có chữ viết, lại không đi ra ngoài, rồi tưởng tượng mà viết thành sách, tự cho mình là con trời, tự trời mà xuống; sau đó đem văn minh, truyền bá ra khắp thế giới (Thiên-hạ), người sau lấy làm chủ đạo của họ. Tôi sẽ bàn đến ở dưới.

 

Tôi xin cử một tỷ dụ, để Quý-vị nhìn rõ hơn. Ông Washington là vị Tổng-thống đầu tiên lập ra nước Hoa-kỳ, chứ ông không phải là tổ của các sắc dân đến từ châu Phi, châu Âu, cũng như dân bản xứ. Hai vị vua Nghi, vua Kinh Dương không phải là tổ huyết tộc của người Hoa, người Việt. Hai ngài chỉ là tổ về chính trị mà thôi.

 

II. CHỦ ÐẠO TRUNG QUỐC, VIỆT-NAM


Như Quý-vị đã thấy, mỗi dân tộc đều có một chủ đạo, cùng một biểu hiệu. Người Pháp cho rằng tổ tiên là người Gaulois, con vật tượng trưng là con gà trống. Người Anh lấy biểu hiệu là con sư-tử. Người Hoa-kỳ lấy biểu hiệu là con chim ưng. Người Trung-hoa lấy biểu hiệu là con Rồng. Người Việt lấy biểu hiệu là con Rồng và con chim Âu. Gốc biểu hiệu này lấy từ huyền sử vua Lạc-Long là loài rồng, công-chúa Âu-Cơ là loài chim.

 

Người Do-thái họ tự tin rằng họ là giống dân linh, được Chúa chọn. Vì vậy, sau hai nghìn năm mất nước, họ vẫn không bị đồng hóa. Khi tái lập quốc, với dân số bằng một phần trăm khối Ả-rập, nhưng họ vẫn đủ khả năng chống với bao cuộc tấn công để tồn tại. Ðó là nhờ niềm tin họ thuộc sắc dân được Chúa chọn.

 

Tôi xin nói rõ về chủ đạo của Trung-quốc và Việt-Nam. Như Quý-vị đều biết, hiện Trung-quốc, Việt-Nam đều là những nước theo chủ nghĩa Cộng-sản, đặt căn bản trên thuyết của Karl Marx, Friedrich Engels.

 

Chủ thuyết này đến Trung-quốc, Chủ-tịch Mao Trạch Đông biến thể đi thành Maoismẹ Tại Việt-Nam, người mang chủ thuyết Marx, Engels vào là Chủ-tịch HCM; ông được đào tạo tại Liên-sô, vì vậy chủ thuyết của ông phảng phất Léninisme, pha thêm Việt-tính do ông tạo ra. Dường như hiện nay trên khắp thế giới, kể cả Liên-bang Sô-viết chỉ Việt-Nam là quốc gia duy nhất còn duy trì tượng Lénine tại một công viên lớn của Thủ-đô (Hà-nội).

 

Theo như dự đoán của chúng tôi thì Trung-quốc, cũng như Việt-Nam cùng nhận thấy thuyết của Karl Marx, Friedrich Engels không còn hợp thời, không còn ích lợi nữa. Cả hai đang từng bước, từng bước trở lại với chủ đạo của mình. Xin các vị cứ chờ, không lâu đâu cả hai sẽ hoàn toàn trở về với kho tàng quý báu của nước mình!

 

Tôi thấy Trung-quốc trở lại quá mau, quá mạnh. Con rồng Trung-quốc mà Hoàng-đế Napoléon bảo rằng hãy để nguyên cho nó ngủ. Bằng như nó thức dậy, nó sẽ làm rung chuyển thế giớị Thưa Quý-vị, con rồng Trung-quốc đã thức dậy rồi, nhưng nó chưa làm rung động thế giới!


1.- Chủ đạo của Trung-quốc


Người Hoa thì tin rằng mình là con trời. Cho nên trong các sách cổ của họ, vua được gọi là Thiên-tử, còn các quan thì luôn là người nhà trời xuống thế phò tá cho vua. Chính niềm tin đó cùng với văn minh Hoa-hạ, văn minh Nho-giáo đã kết thành chủ-đạo của họ.

 

Cho nên người Hoa dù ở đâu, họ cũng có một tổ chức xã hội riêng, sống với nhau trong niềm kiêu hãnh con trời. Cho dù họ lưu vong đến nghìn năm họ cũng không bị đồng hóa, không quên nguồn gốc.

 

Cũng chính vì vậy, mà từ một tộc Hoa nhỏ bé ở lưu vực sông Hoàng-hà, họ đánh chiếm, đồng hóa hàng nghìn nước xung quanh, và nước của họ rộng lớn như ngày naỵ Hầu hết những nước khác đến cai trị họ, đều bị họ đồng hóa. Mông-cổ, Mãn-thanh bị đồng hóa, bị mất hầu hết lãnh thổ. Nhưng chủ-đạo và sức mạnh của người Trung-quốc phải ngừng lại ở biên giới Hoa-Việt.


Chủ đạo của Trung-quốc bắt nguồn từ thời nào? Từ sách nào? Do ai khởi xướng?

 

Ðầu tiên là Kinh-thư, không rõ tác giả là ai, xuất hiện trước Khổng-tử, thiên Vũ-cống gọi thế giới chúng ta ở là Thiên-hạ (Dưới trời). Thời cổ, các văn nhân Trung-quốc không đi xa hơn vùng sông Hán, sông Hoàng-hà, họ tưởng đâu thế giới chỉ có Trung-quốc, nên gọi Trung-quốc là Thiên-hạ. Thiên-hạ là Trung-quốc, tức là nước ở giữa. Bốn phía Trung-quốc là biển, nên gọi Trung-quốc là hải-nội, các nước khác là hải-ngoại.

 

Kinh-thư thiên Vũ-cống chia Thiên-hạ thành 9 châu: Ký, Duyện, Thanh, Từ, Dương, Kinh, Dự, Lương, Ung. Lại dùng khoảng cách, chia làm năm cõi, gọi là Ngũ-phục, mỗi cõi cách nhau năm trăm dặm (250 km). Ngũ-phục là Ðiện-phục, Hầu-phục, Tuy-phục, Yêu-phục, Hoang-phục.

 

Trung-ương là kinh đô của nhà vua.
Ðiện-phục ở ngoài kinh đô năm trăm dặm.

Hầu-phục ở ngoài cõi Ðiện-phục năm trăm dặm: trong năm trăm dặm cõi Hầu thì khoảng cách một trăm dặm để phong thái ấp cho các quan khanh, đại phụ Hai trăm dặm nữa phong cho các tước Nam. Hai trăm dặm nữa phong cho các chư Hầu.

Kế tiếp Hầu-phục là Tuy-phục. Trong năm trăm dặm cõi Tuy thì ba trăm dặm là nơi truyền bá văn chương, giáo hóa quần chúng; còn hai trăm dặm để hưng thịnh võ bị, bảo vệ quốc gia.

 

Sau cõi Tuy là cõi Yêu. Trong ba trăm dặm cõi Yêu là nơi cho rợ phương Ðông ở. Hai trăm dặm còn lại là nơi để đầy tội nhân.

 

Cõi cuối cùng là cõi Hoang, năm trăm dặm. Trong ba trăm dặm gần dành cho mọi phương Nam ở, hai trăm dặm cuối cùng để đầy người có tội nặng.


Ra khỏi cõi Hoang là... biển.

 

Với lối phân chia lẫm cẩm, hài hước ấy, năm nghìn năm qua, dân Trung-quốc coi là Kinh, tức những gì không thể thay đổi, rồi trở thành chủ đạo của tộc Hoa.


Tiếp theo Kinh Thư, sách Tả-truyện, Tả Khâu Minh cũng viết:

 

Trời làm chủ Thiên-hạ,
Vua nối trời mà cai trị.
Kẻ chịu mệnh trời mà cai trị là Thiên-tử.


Ðến Mạnh-tử, thiên Ly-lâu viết:


Thiên hạ là quốc gia,
Gốc của thiên hạ là quốc,
Gốc ở quốc là gia.

 

Vì ảnh hưởng của sách cổ nên người Hoa mới nảy sinh ra tư tưởng "Nội Hoa hạ, ngoại Di, Ðịch". Nghĩa là trong Ngũ-phục thì là chốn văn minh, còn ngoài ra thì là mọi rợ.

 

Kinh-lễ, thiên Vương-chế nói:


Ðông phương viết Di,
Tây phương viết Nhung,
Nam phương viết Man,
Bắc phương viết Ðịch.


Nghĩa là:


Người ở Ðông phương gọi là Di,
Tây-phương là Nhung,
Nam phương là Man,
Bắc phương là Ðịch.

 

Di, Nhung, Man, Ðịch là những từ để chỉ mọi rợ. Bốn chữ đó khi viết thì có bộ trùng, bộ thú, bộ khuyển ở cạnh. Có nghĩa các sắc dân đó là cầm thú, côn trùng, chó mèo!

 

Ngay đối với người Âu, Mỹ hồi thế kỷ thứ 20 về trước, người Hoa gọi là Bạch-quỷ! (Thính giả cười ồ lên!). Họ còn phân ra người Âu là Tây dương Quỷ. Người Mỹ là Mỹ-lan-tây Quỷ. Người Anh là Hồng-mao Quỷ. Người Nga là La-sát Quỷ.

 

Từ nguồn gốc kinh điển cổ, người Hoa tự cho mình là con trời (Thiên-tử), cho nên hầu hết các tiểu thuyết của họ thì vua luôn có tướng tinh là con rồng vàng, là Thanh-y đồng tử trên thượng giơí giáng sinh. Các quan võ thì luôn là Vũ-khúc tinh quân, các quan văn là Văn-khúc tinh quân. Quần thần thì là Nhị-thập bát tú giáng hạ. Với chủ đạo này, họ đã đánh chiếm mấy trăm nước tạo thành một Trung-quốc vĩ đại.

 

2.- Chủ đạo của Việt-Nam


Như trên đã trình bầy, với nguồn gốc lập quốc, người Việt có niềm tin mình là con của Rồng, cháu của Tiên, cho nên người Việt có một sức bảo vệ quốc gia cực mạnh.

 

Truyền thống sang thế kỷ thứ 2 trước Tây-lịch lại thêm vào tinh thần của vua An Dương. Sang đầu thế kỷ thứ nhất, nổ ra cuộc khởi nghĩa của một phụ nữ, và 162 anh hùng, trong đó có hơn trăm là nữ.

 

Cuộc khởi nghĩa đuổi ngoại xâm Trung-hoa, lập lên triều đại Lĩnh-Nam. Phụ nữ đó làm vua Trưng. Nối tiếp mỗi thời đại đều có tinh thần riêng, tạo thành niềm tin vững chắc.

 

Tộc Việt đã chiến đấu không ngừng để chống lại cuộc Nam tiến liên miên trong hai nghìn năm của người Hoa. Bất cứ thời nào, người Việt dù bị phân hóa đến đâu, nhưng khi bị ngoại xâm, họ lập tức ngồi lại với nhau để bảo vệ quốc gia. Trong những lớp phế hưng của lịch sử Việt, hễ ai dựa theo chủ đạo tộc Việt, đều thành công trong việc giữ được quyền cai trị dân.

 

Gần đây nhất, người Việt bị các thế lực Quốc-tế, gây ra cuộc chiến tranh tương tàn khủng khiếp (1945-1975). Nhưng nay, Việt-Nam đang trên đà phục hưng chủ đạo. Ý tôi muốn nói sự cố gắng phi thường của hơn hai triệu người Việt ở ngoài lãnh thổ Việt-Nam, đã là bó đuốc sáng chuyển chủ đạo trở về nước mình.

 

Trong thời gian 1954-1975, miền Bắc theo chế độ Cộng-sản, theo chủ thuyết Quốc-tế. Nhưng họ biết khai thác cái chủ đạo của Việt-Nam, họ huy động được tinh thần yêu nước của dân tộc, nên cuối cùng họ chiến thắng.

 

Cũng tiếc thay, những người cầm quyền miền Nam từ 1963-1975, không biết khai thác lòng yêu nước của dân tộc, lại chấp nhận cho quân đội Hoa-kỳ và đồng minh nhảy vào vòng chiến, việc này có khác gì quỳ gối, trao ngọn cờ chính nghĩa cho miền Bắc?

 

Tôi nghĩ những người lãnh đạo miền Nam như ông Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm, cho đến giờ này (1992) chưa từng biết gì về kho tàng lòng yêu nước của người Việt, lại cũng chưa từng nghe, từng nói đến chữ chủ đạo tộc Việt bao giờ.

 

Trước họ, cố Tổng-thống Ngô Đình Diệm (1954-1963), vì biết rõ chủ đạo tộc Việt. Ngài từ chối không cho Hoa-kỳ đổ quân vào Việt Nam, mà đang là một đồng minh của Hoa-kỳ, Ngài đã trở thành kẻ thù của Hoa-kỳ, bị Hoa-kỳ giết hết sức thảm khốc.

 

III. ÐI TÌM LẠI NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT


Năm trước đồng nghiệp của tôi đã giảng cho các bạn sinh viên hiện diện các giả thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt-Nam, bao gồm:

 

- Thuyết của giáo sư Léonard Aurousseau về cuộc di cư của người Ư-Việt hay Ngô-Việt sang Âu-Lạc.
- Thuyết của Claude Madroll về cuộc di cư của người Mân-Việt sang Âu-Lạc.

- Thuyết của học giả Ðào Duy-Anh, Hồ Hữu-Tường về cuộc di cư do thời tiết của người Việt từ Bắc xuống Nam.


Tất cả các thuyết này đều căn cứ vào những thư tịch cổ Trung-quốc, Việt-Nam. Mà những thư tịch này không có một biện chứng khoa học nào cả.

 

Cuối cùng các giáo sư đồng nghiệp đã nhận định rằng: Nhờ vào khoa khảo cổ, nhờ vào hệ thống khoa học DNA, từ nay không còn những giả thuyết về nguồn gốc tộc Việt nữa, mà chỉ còn lại công cuộc nghiên cứu của tôi, rồi kết luận:

 

"Thoạt kỳ thủy, trên vùng đất thuộc lãnh thổ Trung-quốc, Việt-Nam hiện tại: Giống người đã từ châu Phi đến bằng hai đường. Một là đường Nam-á, đến Đông Nam-á, ngược lên vùng Hoa Nam. Hai là từ châu Phi, tới châu Âu, rồi sang Bắc Trung-quốc. Cuối cùng cả hai giống người hòa lẫn với nhau trên lãnh thổ Trung-quốc.

 

Còn trong vòng 5000 năm trước Tây lịch cho đến nay, thì tộc Việt bao gồm trăm giống Việt sống rải rác từ phía nam sông Trường-giang, Đông tới biển, Tây tới Tứ-xuyên, Nam tới vịnh Thái-lan. Người Việt từ Ngô-Việt di cư xuống phương Nam. Người Mân-Việt đi xuống Giao-chỉ.

 

Người Việt di cư từ nam sông Trường-giang tránh lạnh xuống Bắc-Việt đều đúng. Đó là những cuộc di cư của tộc Việt trong lãnh thổ của họ, như cuộc di cư từ Bắc vào Nam năm 1954; chứ không phải họ là người Trung-quốc di cư xuống Nam, lập ra nước Việt."

 

Chính vì lý do dùng hệ thống ADN biện biệt tộc Hoa, tộc Việt, nên tôi được mời đến đây đọc bài diễn văn khai mạc niên khóa này. Sau đây tôi trình bầy sơ lược về công trình nghiên cứu đó. Tôi xin nhắc lại, tôi chỉ là một bác sĩ y-khoa, cho nên những nghiên cứu của tôi đặt trên lý luận thực nghiệm, cùng lý luận y-khoa, nó hơi khác với những gì mà các bạn đã học.

 

IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU


Trong việc đi tìm nguồn gốc tộc Việt, tôi đã dùng phương pháp y-khoa nhiều nhất, và phương pháp khoa học mới đây. Tôi đã được giáo sư Tarentino về khoa Anatomie của Ý và giáo sư sinh vật Vareilla Pascale của Pháp tích cực giúp đỡ. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng trong khoảng 5000 trước Tây-lịch, lãnh thổ tộc Việt nằm từ phía Nam sông Trường-giang tới vịnh Thái-lan. Phía Tây tới tỉnh Tứ-xuyên Trung-quốc, phía Ðông tới biển Nam-hải. Nghĩa là bao gồm toàn bộ Hoa-Nam, và Ðông Dương.

 

1. Dùng biện chứng y-khoa vào khảo cổ


Biện chứng căn bản của người nghiên cứu y-khoa là:

 

"Khi có chứng trạng, ắt có nguyên do"

 

Biện chứng này đã giúp tôi rất nhiều trong khi nghiên cứu về nguồn gốc tộc Việt. Khi nghiên cứu, những tài liệu cổ, dù là huyền thoại, dù là huyền sử, dù là triết học, tôi cũng coi là chất liệu quan trọng. Như tôi đã trình bày, nước tôi có một tôn giáo, mà toàn dân đều theo đó là thờ các anh hùng dân tộc. Tại những đền thờ chư vị anh hùng, thường có một cuốn phổ kể sự tích các ngài. Vì theo thời gian, tiểu sử các ngài bị dân chúng huyền thoại hóa đi, riết rồi thành hoang đường. Cho nên những học giả đi tiên phong, nghiên cứu về sử học Việt thường bỏ qua. Tôi lại suy nghĩ khác:

 

"Không có nguyên do, sao có chứng trạng?"

 

Vì vậy tôi đã tìm ra rất nhiều điều lý thú. Tỷ dụ: Bất cứ một nhà nghiên cứu nào, khi khảo về thời vua An Dương cũng cho rằng chuyện thần Kim-quy do vua móng làm nỏ bắn một lúc hàng nghìn mũi tên khiến Triệu-Đà bị bại là hoang đường, là ma trâu đầu rắn. Nhưng tôi lại tin và cuối cùng tôi tìm ra sự thật. Hồi ấy Cao Cảnh hầu Cao Nỗ đã chế ra nỏ liên châu, như súng liên thanh ngày nay. Tôi cũng tìm ra kích thước của ba mũi tên đồng của nỏ này.(4)

 

Trước tôi đã có các nhà khảo cổ căn cứ vào xương sọ tìm được tại Trung và Bắc-phần (70 cái). Trong đó có 38 cái do người Pháp sưu tầm thuộc thời đại Đồ-đá, thì 29/38 cái được kết luận là thuộc chủng loại Malanésien, Indonésien, Australoide hay Nam-á. Với 29 cái thì không thể kết luận rằng đó là toàn thể. Gần đây các học giả Việt-Nam lại tìm ra 32 xương sọ, thuộc thời đại Đồ-sắt (1000 năm trước Tây-lịch đến 300 sau Tây-lịch), thì 22/27 thuộc chủng loại Mongoide. Với 32 cái thì không thể kết luận rằng đó là toàn thể tộc Việt thuộc chủng loại Mongoide.

 

Những tác giả trên đã căn cứ vào chỉ số xương sọ để kết luận. Nhưng y học đã tiến bộ, căn cứ vào chỉ số xương sọ để định nguồn gốc đã bị đánh đổ. Nguyên do: Khi con người di cư đến vùng khác, bị khí hậu, bị nước uống, bị thực phẩm làm thay đổi xương sọ.

 

Chúng tôi dùng hệ thống ADN, hệ thống sinh học mới nhất thử nghiệm ngay những người đang sống của 35 dòng họ tại Hoa Nam với Việt-Nam, rồi với những dòng họ khác tại Hoa Bắc. Lại cũng thử nghiệm những bộ xương của ba vùng trên, không phân biệt thời gian. Cuối cùng chúng tôi tìm ra sự khác biệt của những tộc Hoa Nam, Việt Nam với những tộc Hoa Bắc, và đi đến kết luận: lãnh thổ Văn-lang, tới hồ Ðộng-đình. (5)

 

2. Những vấn đề


Ranh giới phía Nam của nước Văn-lang tới nước Hồ-tôn đã quá rõ ràng. Ranh giới phía Tây với Ba-thục, phía Đông với biển lại tùy thuộc vào ranh giới phía Bắc. Nếu như ranh giới phía Bắc qủa tới hồ Động-đình, thì ranh giới phía Tây chắc phải giáp Ba-thục và phía Đông phải giáp Đông-hải.

 

Có thực như thế không? Vì vậy tôi đi tìm ranh giới phía Bắc.


Dưới đây là huyền thoại, huyền sử mà tôi đã bấu víu vào để đi nghiên cứu. Tôi cần tra cứu cho ra:

 

Vấn đề thứ nhất,


Cổ sử Việt đều nói rằng ranh giới phía Bắc tới hồ Ðộng-đình. Có thực như vậy không?
Truyền thuyết nói Ðế-Minh lập đàn tế cáo trời đất, rồi chia thiên hạ làm hai. Từ Ngũ-lĩnh về Bắc cho Ðế-Nghi, sau thành Trung-quốc. Từ Ngũ-lĩnh về Nam truyền cho vua Kinh Dương sau thành Văn-lang.


Núi Ngũ-lĩnh, hồ Ðộng-đình nay vẫn còn. Nhưng liệu có di tích gì chứng minh chăng? Tôi phải đi tìm Ngũ-lĩnh, hồ Ðộng-đình.

 

Vấn đề thứ nhì,


Truyền thuyết nói: Sau khi vua KinhĐương, vua Lạc-Long kết hôn, đều lên núi Tam-sơn trên hồ Ðộng-đình hưởng thanh phúc ba năm. Lúc ngài lên núi có chín vạn hoa tầm xuân nở. Tôi phải đi tìm núi Tam-sơn ở hồ Ðộng-đình. Liệu trên núi này có di tích gì về cuộc tình năm nghìn năm trước chăng?

 

Vấn đề thứ ba,


Truyền sử nói: Sau khi Quốc-tổ Lạc-Long, Quốc-mẫu Âu-Cơ cho các hoàng tử đi bốn phương qui dân lập ấp, dặn rằng: Mỗi năm về Tương-đài chầu Quốc-tổ, Quốc-mẫu một lần.


Cổ sử nói: Quốc-tổ dẫn năm mươi con xuống biển, Quốc-mẫu dẫn năm mươi con lên núi, hẹn mỗi năm một lần gặp nhau ở cánh đồng Tương.


Cánh đồng Tương ở đâu? Nếu có cánh đồng Tương thì cũng có thể kết luận rằng biên giới nước Văn-lang tới hồ Ðộng-đình. Tôi phải đi tìm.

 

Vấn đề thứ tư,


Chứng tích thứ nhất xác định:


Bộ Sử-ký của Tư-mã, Nam-Việt liệt truyện có thuật việc vua nước Nam-Việt là Triệu-Ðà thường đem quân quấy nhiễu biên giới Việt-Hán là Nam-quận, Trường-sa (Mậu-Ngọ 183 trước Tây-lịch).


Như vậy biên giới Nam-Việt (tức Việt-Nam) với Hán (tức Trung-quốc) ở vùng này. Ngày nay Trường-sa là thủ phủ của tỉnh Hồ-nam, nằm ngay Nam ngạn sông Trường-giang.

 

Vấn đề thứ năm,


Huyền sử nói rằng: trong cuộc khởi nghĩa của vua Trưng, khi Trưng Nhị, Trần Năng, Phật Nguyệt, Lại Thế-Cường, Trần Thiếu-Lan đem quân đánh Trường-sa (39 sauTây-lịch), thì nữ tướng Trần Thiếu-Lan tử trận, mộ chôn ở ghềnh Thẩm-giang (sự thật đó là Tương-giang thông với hồ Ðộng-đình).

 

Sau đó ít năm có trận đánh giữa Lĩnh-Nam và Hán (42 sau Tây-lịch). Tướng Lĩnh-Nam tổng trấn hồ Ðộng-đình là Phật Nguyệt, tướng Hán là Mã Viện, Lưu Long (40 sau Tây-lịch).


Có thực thế không? Có hai trận Trường-sa, hồ Ðộng-đình không? Nếu có thì ranh giới thời Lĩnh-Nam (40-43 sau Tây-lịch) quả tới hồ Ðộng-đình.

 

Vấn đề thứ sáu,


Năm 42, sau Tây-lịch, ba tướng thống lĩnh Kỵ-binh thời vua Trưng là Đào Chiêu-Hiển, Đào Đô-Thống, Đào Tam-Lang, đánh nhau với quân Hán tại Bồ-lăng thuộc Tượng-quận, vì quân ít, thế cô, ba ông tự tử. Vậy Bồ-lăng ở đâủ Có trận này không? Nếu có trận này thì ranh giới Lĩnh-Nam phía Tây quả tới Ba-thục (Tứ-xuyên.)

 

Thưa Quý-vị,


Nhưng các sử gia gần đây (1900-1975) đều đặt nghi vấn rằng làm gì biên giới thời Văn-Lang rộng như vậy? Nếu có chỉ ở vào phía Bắc biên giới Hoa-Việt hiện nay trăm cây số là cùng. Lại cũng có những người dốt nát (1975-1991), không đủ sách đọc, không theo kịp sự tiến triển của y học, họ chỉ đọc những tài liệu sai lầm, rồi họ như con ngựa kéo xe, chỉ biết có vậy, chúng tôi thấy họ ngu dốt quá, nên không trả lời, cũng như giải thích.


Tôi căn cứ vào những chứng trạng trên mà đi tìm nguồn gốc.

 

V. ÐI TÌM BIÊN GIỚI NƯỚC VĂN- LANG


1. Núi Ngũ-lĩnh


Cuối năm Canh-Thân (1980) tôi lấy máy bay đi Bắc-kinh, rồi đổi máy bay ở Bắc-kinh đi Trường-sa. Trường-sa là thủ phủ của tỉnh Hồ-nam. Tất cả di tích của tộc Việt như hồ Động-đình, núi Tam-sơn, núi Ngũ-lĩnh, sông Tương, Thiên-đài, Tương-đài, cánh đồng Tương đều nằm ở tỉnh này.

 

biengioico_vn.jpg

Hình: Biên giới cổ của tộc Việt

 

 

Tôi đi nghiên cứu với một thư giới thiệu của giới chức cao cấp y học Pháp-Hoa (CMFC). Có một sự hiểu lầm lớn, vì trong thư giới thiệu các giới chức y-khoa chỉ xin được giúp đỡ cho tôi, nên khi tôi muốn tiếp xúc với sở du-lịch, ty văn hóa địa phương, họ đều tưởng tôi tới Trường-sa để nghiên cứu sự cấu tạo hình thể cùng bệnh tật dân chúng tại đây. Thành ra tôi bị mất khá nhiều thì giờ nghe thuyết trình của các đồng nghiệp về vấn đề này. Tôi cư ngụ trong khách sạn Trường-sa tân điếm nằm trên đại lộ Nhân dân.

 

Tôi mua cuốn địa phương chí mới nhất của tỉnh, rồi mò vào thư viện ty văn hóa, sở bảo vệ cổ-tích, đại-học văn-khoa, lục lọi những tài liệu cổ, mà ngay những sinh viên văn khoa cũng ít ai ghé mắt tới.


Đầu tiên tôi đêi tìm núi Ngũ-lĩnh. Không khó nhọc, tôi thấy ngay đó là năm dãy núi gần như ngăn đôi Nam, Bắc Trung-quốc

 

Một là Ðại dữu lĩnh.
Hai là Quế dương, Kỳ-điền lĩnh.
Ba là Cửu-chân, Ðô-lung lĩnh.
Bốn là Lâm gia, Minh-chữ lĩnh.
Năm là Thủy-an, Việt-thành lĩnh.

 

Về vị trí:


- Ngọn Thủy-an, Việt-thành chạy từ tỉnh Phúc-kiến, đến huyện Tuần-mai tỉnh Quảng-đông.
- Ngọn Ðại dữu chạy từ huyện Ðại dữu (Nam-an), tỉnh Giang-Tây đến huyện Nam-hùng tỉnh Quảng-đông.
- Ngọn Cửu-chân, Ðô-lung chạy từ Ðạo-huyện tỉnh Hồ-nam tới Gia- huyện tỉnh Quảng-tây.
- Ngọn Lâm-gia, Minh-chữ chạy từ Lâm-huyện tỉnh Hồ-Nam đến Liên-huyện tỉnh Quảng-Ðông.
- Ngọn Quế dương từ Toàn-huyện tỉnh Hồ-nam tới huyện Quế-lâm tỉnh Quảng-tây.


Lập tức tôi thuê xe đi một vòng thăm các núi này. Tôi đi mất mười ngày, trải gần 15.000 cây số.

 

Như vậy là Ngũ-lĩnh có thật, nay có núi đã đổi tên, có núi vẫn giữ tên cũ. Một câu hỏi đặt ra: Tại sao khi vua Minh phân chia từ Ngũ-lĩnh về Nam thuộc Lộc-Tục mà lĩnh địa Việt tới hồ Động-đình, mà hồ ở phía Bắc núi đến mấy trăm cây số. Tôi giải đoán như thế này:

 

Một là vua Minh tế trời ở trên núi Ngũ-lĩnh là nơi người gặp tiên rồi chia địa giớị Nhưng bấy giờ dân chưa đông, mà sông Trường-giang rộng mênh mông, sóng lớn quanh năm nên vua Nghi chỉ giữ từ Bắc ngạn mà thôi. Còn vua Kinh Dương thì sinh trưởng ở vùng này, lại nữa lấy con vua Ðộng-đình (một tiểu quốc), nên thừa kế luôn vùng đất của nhạc gia.

 

Hai là dân chúng Nam-ngạn Trường-giang với vùng Nam Ngũ-lĩnh vốn cùng một khí hậu, phong tục, nên họ theo về Nam không theo về Bắc, thành thử hồ Ðộng-đình mới thuộc lãnh địa Việt.

 

Kết luận:


"Quả có núi Ngũ-lĩnh phân chia Nam, Bắc Trung-quốc hiện thời, vậy có thể núi này đúng là nơi phân chia lãnh thổ Văn-Lang và Trung-Quốc khi xưa."


Ánh sáng đã soi vào nghi vấn huyền thoại.

 

2. Thiên-đài nơi tế cáo của vua Minh


Tương truyền vua Minh lập đàn tế cáo trời đất trên núi Quế dương, phân chia lãnh thổ Lĩnh-Bắc tức Trung-Quốc, Lĩnh-Nam tức Đại-Việt. Đàn tế đó gọi là Thiên-đàị Nhưng dãy núi Quế dương có mấy chục ngọn núi nhỏ không biết ngọn Thiên-đài là ngọn nào? Trên bản đồ không ghi. Sau tôi hỏi thăm dân chúng thì họ chỉ cho tôi thấy núi Thiên-đài nằm gần bên bờ Tương-giang. Điều này dễ hiểu, tỷ như ngày nay, du khách nhìn bản đồ sẽ không thấy địa điểm Sài-gòn. Nhưng trong dân chúng, họ vẫn nhớ tên cũ.

 

Tôi đi thăm Thiên-đài.


Thiên-đài là ngọn đồi nhỏ, cao 179m, đỉnh tròn có đường thoai thoải đi lên. Trên đỉnh có ngôi chùa nhỏ, nay để hoang. Tuy chùa được cấp huyện bảo tồn nhưng không có người trụ trì. Chùa xây bằng gạch nung, mái lợp ngói. Lâu ngày chùa không được tu bổ, nhiều chỗ ngói bị lở, bị khuyết. Tường mất hết vữa, gạch bị mòn nhiều chỗ gần như lún sâu. Duy nền với cổng bằng đá là còn nguyên, tuy nhiều chỗ đá bị bong ra. Bên trong cột kèo bằng gỗ đã nứt nẻ khá nhiều. Những câu đối, chữ còn, chữ mất.

 

Tại thư viện Hồ-nam tôi tìm được một tài liệu rất cũ, giấy hoen ố, nhưng chữ viết như phượng múa rồng bay, gồm 60 trang. Ðầu đề ghi:

 

Thiên-đài di sự lục
Trinh-quán tiến sĩ Chu Minh-Văn soạn.


Trinh-quán là niên hiệu của vua Đường Thái-Tông, từ năm Đinh-Hợi (627) đến Đinh-Mùi (647) nhưng không biết Chu đỗ tiến-sĩ năm nào?

 

Tuy sách do Chu Minh-Văn soạn, nhưng dường như bản nguyên thủy không còn. Bản này do người sau sao chép lại vào đời Thanh Khang-Hỵ Nội dung sách có ba phần. Phần của Chu Minh-Văn sọan, phần chép tiếp theo Chu Minh-Văn, của một sư ni tên Đàm-Chi, không rõ chép vào bao giờ.

 

Phần thứ ba chép pháp danh các vị trụ trì từ khi lập chùa tới thời Khang-Hy (1662-1772). Chu Minh-Văn là tiến sĩ đời Đường, nên văn của ông thuộc loaị văn cổ rất súc tích, đầy những điển cố cùng thành ngữ lấy trong Tứ-thư, Ngũ-kinh cùng kinh Phật.

 

Nhân viên quản thủ thư viện thấy tôi đọc dễ dàng, chỉ lướt qua là hiểu ngay, ông ta ngạc nhiên khâm phục vô cùng. Nhưng nếu ông ấy biết rằng, tôi chỉ được học loại văn đó vào hồi sáu, bảy tuổi thì ông sẽ hết phục.

 

Tài liệu Chu Minh-Văn cũng nhắc lại việc vua Minh đi tuần thú phương Nam, kết hôn với nàng tiên sinh ra Lộc-Tục. Vua lập đàn tại núi này để tế cáo trời đất, vì vậy đài cũng mang tên Thiên-đài núi cũng mang tên Thiên-đài sơn, Minh-Văn còn kể thêm:

 

"Cổ thời trên đỉnh núi chỉ có Thiên-đài thờ vua Đế Minh, vua Kinh-Dương. Đến thời Đông-Hán, một tướng của vua Bà tên Đào Hiển-Hiệu được lệnh rút khỏi Trường-sa. Khi rút tới Quế dương ông cùng nghìn quân lên Thiên-đài lễ, nghe người giữ đền kể sự tích xưa. Ông cùng quân sĩ nhất định tử chiến, khiến Lưu Long thiệt mấy vạn người mới chiếm đươc núi. Về đời Đường để xóa vết tích Việt-Hoa cùng Nam Bắc, các quan được sai sang đô hộ Lĩnh-Nam mới cho xây chùa tại đây."

 

Tôi biết vua Bà là vua Trưng, còn tướng Ðào Hiển-Hiệu là em con chú của Bắc-bình vương Ðào Kỳ. Ngài Ðào Kỳ lĩnh chức Ðại Tư-mã thời vua Trưng. Còn tướng Ðào Hiển-Hiệu tước phong quốc công, giữ chức Hổ-nha đại tướng quân. Nữ tướng Hoàng Thiều-Hoa chỉ huy trận rút lui khỏi Trường-sa, hồ Ðộng-đình, đã sai Hiển-Hiệu đi cản hậu, đóng nút chặn ở Thiên-đài, đợi quân Lĩnh-Nam rút hết, sẽ rút sau. Nhưng Hiển-Hiệu cùng chư quân lên núi thấy di tích thời Quốc-tổ, Quốc-mẫu, đã không chịu lui quân, tử chiến, khiến quân Hán chết không biết bao nhiêu mà kể tại đây.

 

Ngoài cổng chùa có hai đôi câu đối:


Thoát thân Nam thành xưng sư tổ,
Thọ pháp Tây-thiên diễn Phật- kinh.


Hai câu này ngụ ý ca tụng Thái-tử Tất-Ðạt-Ða đang đêm ra khỏi thành đi tìm lẽ giải thoát sau đó đắc pháp ở Tây-thiên, đi giảng kinh.


Tam bảo linh ứng, phong điều vũ thuận,
Phật công hiển hách quốc thái an dân.

 

Hai câu này là ngụ ý nói: Tam bảo linh thiêng, khiến cho mưa thuận, gió hòa đó là công lao của nhà Phật khiến quốc thái dân an.

 

Nơi có dấu vết Thiên-đài, còn đôi câu đối khắc vào đá:

 

Thiên-đài đại đại phân Nam, Bắc.
Lĩnh địa niên niên dữ Việt-thường.

 

Nghĩa là: Từ sau vụ vua Minh tế cáo ở đây, đài thành Thiên-đài, biết bao đời phân ra Nam, Bắc. Núi Ngũ-lĩnh năm này qua năm khác với giòng giống Việt-thường.


Chỗ miếu thờ của Ðào Hiển-Hiệu có đôi câu đối:

 

Nhất kiếm Nam-hồ kinh Vũ-đế,
Thiên đao Bắc-lĩnh trấn Lưu Long.

 

Nghĩa là: Một kiếm đánh trận ở phía Nam hồ Ðộng-đình làm kinh tâm vua Quang-Vũ nhà Hán. Ý chỉ nữ tướng Phật-Nguyệt đánh bại Mã Viện ở phía Nam hồ Ðộng-đình. Một nghìn tay đao do Hiển-Hiệu thủ ở Bắc núi Ngũ-lĩnh trấn Lưu Long.

 

Kết luận:


"Như vậy việc vua Minh tế cáo trời đất là có thật. Vì có Thiên-đài nên thời Lĩnh-Nam mới có trận hồ Động-đình. Hai sự kiện đó chứng tỏ lãnh địa thời vua Trưng cũng như Văn-Lang xưa qủa tới Ngũ-lĩnh, hồ Động-đình."

 

3. Cánh đồng Tương


Nhắc lại: Có hai huyền sử nói về cánh đồng Tương.
- Một là Quốc-tổ dẫn năm mươi con xuống biển, Quốc-mẫu dẫn năm mươi con lên núi, mỗi năm tái hội nhau trên cánh đồng Tương một lần.
- Hai là Quốc-tổ, Quốc-mẫu truyền các hoàng tử đi khắp bốn phương quy dân lập ấp, mỗi năm hội tại cánh đồng Tương một lần.

 

Tôi đoán:


Cả hai vị Quốc-tổ Kinh Dương, Lạc-Long sau khi kết hôn đều đem Quốc-mẫu lên núi Tam-sơn trên hồ Ðộng-đình hưởng thanh phúc ba năm. Vậy thì cánh đồng Tương sẽ gần đâu đó trên hồ Ðộng-đình.


Phía Nam hồ Ðộng-đình là sông Tương-giang, chảy theo hướng Nam-Bắc dài 811 km, lưu vực tới 92500km2, chẻ đôi tỉnh Hồ-nam với Quảng-tây. Vậy cánh đồng Tương sẽ nằm trong lưu vực Tương giang.

 

Tôi thuê thuyền đi từ cảng Dương-lâm nơi xuất phát ra Tương-giang là hồ Động-đình, xuống Nam, qua Tương-âm, tôi dừng lại, nghiên cứu địa thế cùng thăm chùa Bạch-mã.

 

Đây là địa phận quận Ích dương.Vô tình tôi tìm ra một nhánh sông Âu-giang và một cái hồ rất lớn, vào mùa nước lớn rộng tới 4-5 mẫu, vào mùa nước cạn chỉ còn 2-3 mẫu mà thôi. Suốt lộ trình từ hồ Động-đình trở xuống, trên cửa sông Tương cũng như hai bên bờ chim Âu bay lượn khắp nơi. Đặc biệt trên Âu-giang, Âu-hồ, giống chim này càng nhiều vô kể. Từ Âu-giang, tôi trở lại sông Tương, xuôi tới Trường-sa thủ phủ của Hồ-nam rồi tới các quận lỵ Tương-đàm, Chu-châu, Hành dương, Quế dương.


Không khó nhọc tôi tìm ra:

 

"Cánh đồng Tương, tức là vùng trũng phía Tây-ngạn, giới hạn phía Bắc là hồ Động-đình, Nguyên-giang. Phía Nam là Linh-lăng, Hành-giang. Phía Tây là vùng Chiêu dương, Lãnh-thủy. Nhưng nay cánh đồng Tương chỉ còn khu vực tứ giác: Tương-giang, Nguyên-giang, Liên-thủy, Thạch-khê-thủy"

 

Sau khi tìm ra cánh đồng Tương, Thiên-đài, cùng những đàn chim âu, tôi giải đoán như thế này:

 

"Quốc-tổ Lạc Long kết hôn với công chúa con Đế-Lai, hẳn công chúa cũng có tên. Nhưng vì lâu ngày người ta không nhớ được tên ngài, nên đã lấy con chim Âu, rất hiền hòa, xinh đẹp ở vùng hồ Động-đình, Tương-giang mà gọi là Âu-Cơ (Cơ là vợ vua). Vì người ta gọi Quốc-mẫu là Âu-Cơ, thì họ nghĩ ngay đến Quốc-mẫu sinh đẻ. Khi chim Âu đẻ thì phải đẻ ra trứng. Còn con số một trăm, là con số triết học Việt-Hoa dùng để chỉ tất cả. Như trăm bệnh là tất cả các bệnh, trăm họ là toàn dân. Trăm con có nghĩa là tất cả dân ttrong nước đều là con Quốc-mẫu."

 

Kết luận:


"Đã có cánh đồng Tương, thì chuyện Quốc-tổ, Quốc-mẫu hẹn mỗi năm hội tại đây một lần là có. Khi sự kiện có núi Ngũ-lĩnh, có Thiên-đài. Nay chứng cớ được kiểm điểm, thì lãnh địa của tộc Việt xưa quả tới hồ Động-đình."

 

4. Hồ Ðộng-đình và Tam-sơn


Hồ Động-đình nằm ở phía Nam sông Trường-giang. Hồ được coi như nơi phát tích ra tộc Việt. Địa khu Bắc sông Trường-giang được gọi là tỉnh Hồ-bắc, tức đất Kinh-châu thuở xưa. Địa khu phía Nam sông Trường-giang được gọi là tỉnh Hồ-nam. Hồ Động-đình nằm trong tỉnh Hồ-nam. Hồ thông với sông Trường-giang bằng hai con sông. Cho nên người ta coi hồ như nơi chứa nước sông Trường-giang, rồi đổ vào Tương-giang. Trên Bắc-ngạn hồ có núi Tam-sơn. Tôi đã lên đây ba lần.

 

Tương truyền các các nữ tướng thời vua Trưng như Trưng-Nhị, Trần Năng, Hồ Đề, Phật Nguyệt, Trần Thiếu-Lan đánh chiếm Trường-sa vào ngày đầu năm, vì vậy tôi cũng tới đây vào dịp này để thấy rõ phong cảnh, rồi tả trận đánh trong bộ Cẩm-khê-di-hận (6). Hồ rộng 3915 cây số vuông, độ sâu về mùa cạn là 38,5 mét, về mùa nước lớn là 39,20 mét.

 

Tra trong chính sử thì quả hồ Động-đình thuộc lãnh địa Văn-Lang.

 

Như trên đã nói, triều đại Thần-Nông Bắc đến đời vua Du-Võng thì mất vào năm 2696 trước Tây-lịch, chuyển sang thời đại Hoàng-Đế. Sử gia Trung-Quốc cho rằng Hoàng-Đế là tổ lập quốc.

 

Nói theo triết học Tây phương thì vua Du-Võng gốc từ Thần-Nông thuộc nông nghiệp cư trú trong vùng đồng bằng ở phương Nam lấy hỏa làm biểu hiệu nên còn gọi là Viêm-đế. Còn vua Hoàng-đế gốc ở dân du mục, săn bắn, từ phương Bắc xuống. Dân du mục nghèo, nhưng giỏi chinh chiến. Dân nông nhiệp giàu nhưng không giỏi võ bị nên bị thuạ Bộ Sử-ký của Tư-mã-Thiên, quyển 1, Ngũ-đế bản kỷ chép rằng:

 

"...Thời vua Hoàng-đế, họ Thần-Nông (Bắc) đã suy, chư hầu chém giết lẫn nhau, khiến trăm họ khốn khổ vô cùng. Triều Thần-Nông không đủ khả năng chinh phục. Vua Hiên-Viên Hoàng-Đế thao luyện can qua, chinh phục những chư hầu hung ác. Vì vậy các nơi theo về rất đông. Trong các chư hầu thì Suy-Vưu mạnh nhất.

 

Vua Du-Võng triều Thần-Nông định đem quân xâm lăng chư hầu, nhưng chư hầu chỉ tuân lệnh Hoàng-Đế. Vua Hoàng-Đế tu sửa đức độ, luyện tập binh mã, vỗ về trăm họ, giúp đỡ bốn phương, luyện tập thú dữ rồi đại chiến với vua Du-Võng ở Bản-tuyền, thành công.

 

Suy-Vưu làm lọan, không tuân đế hiệu. Hoàng-Đế triệu tập chư hầu cùng Suy-Vưu đại chiến ở Trác-lộc, bắt sống Suy Vưu. Chư hầu tôn ngài làm Thiên-tử thay họ Thần-Nông. Trong thiên hạ nơi nào không thuận vua Hoàng-Đế đem quân chinh phục.

 

Lãnh thổ của Hoàng-Đế, Đông tới biển, vùng núi Hoàn-sơn, Đại-tông. Phía Tây tới núi Không-động, Kê-đầụ Nam tới Giang, Hùng, Tương... "(7)


Sông Giang đây tức là sông Trường-giang, Hùng đây tức là Hùng-nhĩ-sơn, Tương là Tương-sơn. Bùi Nhân đời Tống lập giải Sử-ký nói rằng Tương-sơn thuộc Trường-sa.

 

Kết luận:


"Từ chính sử, huyền-sử đều cho biết lĩnh địa Văn-lang tới hồ Động-đình. Khi vua Hoàng-Đế dứt triều Thần-Nông Bắc, thì triều Thần-Nông Nam tức họ Hồng-bàng còn kéo dài đến 2439 năm nữa. Lãnh thổ Trung-quốc thời Hoàng-Đế cũng chỉ tới sông Trường-giang. Phía Nam bao gồm Trường-sa, hồ Động-đình vẫn thuộc Văn-lang."

 

Khi chính sử ghi chép như vậy thì việc Quốc-tổ, Quốc-mẫu với hồ Ðộng-đình, núi Tam-sơn không còn là huyền thoại nữa. Vậy chuyện các ngài lên núi hưởng thanh phúc nên ghi vào chính sử.

 

5. Biên giới lĩnh địa tộc Việt thế kỷ 2 trước Tây lịch


Sử Hán là bộ Sử-ký của Tư-mã Thiên. Sử Việt như bộ Ðại-Việt sử ký toàn thư, Khâm-định Việt-sử thông giám cương mục, đều ghi rằng vào thế kỷ thứ nhì trước Tây-lịch, thời Triệu Ðà cai trị lĩnh địa tộc Việt, biên giới vẫn còn ở vùng Trường-sa, hồ Ðộng-đình.

 

Sử Hán, sử Việt đều chép chi tiết giống nhau về vụ Triệu Ðà lập quốc ở lãnh thổ Lĩnh-Nam. Tần Thủy- Hoàng sai Ðồ Thư mang quân sang đánh Âu-lạc, chiếm được vùng đất phía Bắc, lập làm ba quận:

 

- Nam-hải (Quảng-đông và một phần Phúc-kiến),
- Quế-lâm (Quảng-tây, Hồ-nam và một phần Quí châu),
- Tượng-quận (Vân-nam và một phần Quý-châu).

 

Vua An Dương sai Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung và Cao-cảnh hầu Cao Nỗ đem quân chống, giết được Ðồ Thư và tiêu diệt nữa triệu quân Tần. Tuy vậy vua An Dương cũng không chiếm lại vùng đất đã mất.

 

Sau nhân thời thế loạn lạc, một viên quan Tần là Triệu Đà trấn vùng Nam-hải, đem quân chiếm vùng Tượng-quận, Quế-lâm, rồi dùng gián điệp trong vụ án Mỵ-Châu, Trọng-Thủy mà chiếm được Âu-lạc lập ra nước Nam-Việt. Lãnh thổ nước Nam-Việt bao gồm những vùng nào ?

 

Không một sử gia nào chép rõ ràng. Nhưng cứ những sự kiện lẻ tẻ, ta cũng có thể biết rằng lãnh địa Nam-Việt là lãnh địa thời Văn-lang.

 

Trong khi Triệu Đà lập nghiệp ở phương Nam, thì cuộc nội chiến ở phương Bắc chấm dứt. Hạng Vũ, Lưu Bang diệt Tần, rồi Lưu Bang thắng Hạng Vũ lập ra nhà Hán. Lưu Bang lên ngôi vua sai Lục Giả sang phong chức tước cho Triệu Đà. Đúng ra Triệu Đà cũng không chịu thần phục nhà Hán, nhưng họ hàng thân thuộc, mồ mả của Triệu Đà đều ở vùng Chân-định. Đà sợ nhà Hán tru diệt họ hàng, cùng đào mồ cuốc mả tổ tiên lên mà phải lùi bước.


Năm 183 trước Tây-lịch, Cao-tổ nhà hán là Lưu Bang chết, Lã-hậu chuyên quyền cấm bán hạt giống, thú vật cái, kim khí sang Nam-Việt. Triệu Đà không thần phục nhà Hán, rồi đem quân đánh Trường-sa, Nam-quận.

 

Kết luận:


"Trường-sa là quận biên cương của Hán. Vậy ít nhất lãnh thổ Nam-Việt, Bắc tới Trường-sa. Nam quận là quận ở phía Bắc sông Trường-giang. Mà Nam-quận là quận biên cương Hán, thì biên giới Nam-Việt ít nhất tới Nam-ngạn sông Trường-giang"

 

6. Lĩnh địa thời vua Trưng


6.1. Vua Bà của Trung-quốc là vua Trưng


Trong những năm 1978-1979 khi dẫn phái đoàn Ủy-ban y học Pháp-Hoa (CMFC) đi trao đổi tại các tỉnh cực Nam Trung-Quốc như Quảng-đông, Quảng-tây, Vân-nam, Quý-châu và Tứ-xuyên... tôi thấy khắp các tỉnh này, không ít thì nhiều đều có đạo thờ vua Bà. Nhưng tôi không tìm được tiểu sử vua Bà ra sao. Ngay những cán bộ Trung-quốc ở địa phương, họ luôn đề cao vua Bà, mà họ cũng chỉ biết lờ mờ vua Bà là người nổi lên chống tham quan. Khắp năm tỉnh, tôi ghi chú được hơn trăm đền, miếu thờ những tướng lĩnh thời vua Bà.

 

Bấy giờ tôi lại tìm thấy ở Hồ-nam, nhiều di tích về đạo thờ vua Bà hơn. Tại thư viện bảo tồn di tích cổ , tôi tìm thấy một cuốn phổ rất cổ, soạn vào thế kỷ thứ tám chép sự tích nữ vương Phật Nguyệt như sau:

 

"Ngày xưa, Ngọc-hoàng Thượng-đế ngự trên điện Linh-tiêu, có hai công chúa đứng hầu. Vì sơ ý hai công chúa đánh vỡ chén ngọc. Ngọc-hoàng Thượng-đế nổi giận đầy hai công chúa xuống hạ giới. Hai công chúa đi đầu thai được mấy ngày thì Tiên-lại giữ sổ tiên-giới tâu rằng có 162 tiên đầu thai xuống theo hai công chúa. Ngọc-hoàng Thượng-đế sợ công chúa làm loạn ở hạ giới, ngài mới truyền Thanh-y đồng tử đầu thai để theo dẹp loạn. Thanh-y đồng tử sợ địch không lại hai công chúa, có ý ngần ngừ không dám đi. Ngọc-hoàng Thượng-đế truyền Nhị thập bát tú đầu thai theo.

Thanh-y đồng tử sau là vua Quang Vũ nhà Hán. Nhị thập bát tú đầu thai thành hai mươi tám vị văn thần võ tướng đời Ðông-Hán."

 

Còn hai công chúa đầu thai xuống quận Giao-chỉ, vào nhà họ Trưng. Chị là Trắc, em là Nhị. Lúc Trưng Trắc sinh ra có hương thơm đầy nhà, thông minh quán chúng, có sức mạnh bạt sơn cử đỉnh, được gả cho Ðặng Thi-Sách.

 

Thi-Sách làm phản, bị Thái-thú Tô Ðịnh giết chết. Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa, được 162 anh hùng các nơi nổi lên giúp sức, nên chỉ trong một tháng chiếm hết sáu quận của Trung-quốc ở phía Nam sông Trường-giang: Cửu-chân, Nhật-nam, Giao-chỉ, Quế-lâm, Tượng-quận, Nam-hảị Chư tướng tôn Trưng Trắc lên làm vua, thường gọi là vua Bà.

 

Quang-Vũ nhà Hán sai Phục-ba tướng quân Tân-tức hầu Mã Viện. Long-nhượng tướng quân Thận-hầu Lưu Long đem quân dẹp giặc. Vua Bà sai nữ tướng Phật Nguyệt tổng trấn hồ Ðộng-đình. Mã Viện, Lưu Long bị bại. Vua Quang Vũ truyền Nhị thập bát tú nghênh chiến, cũng bị bại. Nữ vương Phật Nguyệt phép tắc vô cùng, một tay nhổ núi Nga-mi, một tay nhổ núi Thái-sơn, đánh quân Hán chết, xác lấp sông Trường-giang, hồ Ðộng-đình, oán khí bốc lên tới trời.

 

Ngọc-hoàng Thượng-đế sai thiên-binh, thiên-tướng trợ chiến cũng bị bại. Ngài phải sai thần Du Liệt sang Tây phương cầu cứu Phật Như Lai. Ðức Phật sai mười tám vị Kim-cương, ba ngàn La-hán trợ chiến cũng bị bại. Cuối cùng ngài truyền Quán Thế Âm bồ tát tham chiến. Nữ vương Phật-Nguyệt với Quan-Âm đấu phép ba ngày ba đêm, bất phân thắng bại. Sau Quán Thế Âm thuyết pháp nữ vương Phật Nguyệt giác ngộ, bỏ đi tu.


Ta nhân ngày lành, viết lại chuyện xưa, xin dâng đôi câu đối:

 

Tích trù Ðộng-đình uy trấn Hán,
Phương lưu thanh sử lực phù Trưng

(Một trận Ðộng-đình uy trấn Hán
Tên còn trong sử sức phù Trưng).

 

Bỏ ra ngoài những huyền hoặc về Nữ-vương Phật-Nguyệt, tài liệu chứng minh: Đạo thờ vua Bà tại năm tỉnh Nam Trung-quốc là di tích của lòng tôn kính thờ anh hùng dân tộc của tộc Việt trên lãnh thổ cũ của người Việt còn sót lại. Vua Bà mà người Trung-hoa thờ như một thứ tôn giáo, chính là vua Trưng.

 

Kết luận:


"Khi đã có nữ tướng Phật Nguyệt đánh trận Trường-sa, hồ Động-đình. Mà có trận hồ Động-đình thì lãnh thổ thời Lĩnh-Nam, phía Bắc quả tới phía Nam sông Trường-giang."

 

6.2. Quả có trận Trường-sa, hồ Ðộng-đình năm 39 sau Tây-lịch


Huyền sử (những cuốn phổ) nói rằng khi bà Trưng Nhị cùng các tướng Trần Năng, Phật Nguyệt, Trần Thiếu-Lan, Lại Thế-Cường đánh Trường-sa vào đầu năm Kỷ-Hợi (39 sau Tây-lịch). Trong trận đánh này, nữ tướng Trần Thiếu-Lan tử trận, được mai táng ở ghềnh sông Thẩm-giang (8). Thẩm-giang chính là đọan sông ngắn ở Bắc, tiếp nối với hồ Động-đình.

 

Một cuốn phổ khác, chép vào thời Nguyễn nói rằng: Các sứ thần triều Lý, Trần, Lê khi qua đây đều có sắm lễ vật đến cúng miếu thờ bà Trần Thiếu-Lan. Năm 1980 tôi đến đây tìm hiểu. Không khó nhọc tôi tìm ra trong cuốn địa phương chí, do sở du lịch Trường-sa cấp, một đoạn chép:

 

"Miếu thờ liệt nữ Trần Thiếu-Lan ở đầu sông Tương. Hồi cách mạng văn hóa bị phá hủy. Tượng đồng bị nấu ra. Vệ binh đỏ phá luôn cả bia đá."


Tôi tìm tới nơi, thì miếu chỉ còn lại cái nền bằng đá ong, mộ vẫn còn. (9)

 

Kết luận:


"Thời Lĩnh-Nam quả có việc Trưng Nhị, Trần Năng, Hồ Đề, Trần Thiếu-Lan, Lại Thế-Cường đánh trận Trường-sa. Trong trận, nữ tướng Trần Thiếu-Lan tuẫn quốc. Khi có trận đánh này, thì lãnh địa thời Lĩnh-Nam quả gồm có hồ Trường-sa, hồ Động-đình."

 

6.3. Quả có trận Bồ-lăng, năm 42 sau Tây-lịch


Huyền sử kể rằng: ba tướng họ Đào là Chiêu-Hiển, Đô Thống và Tam-Lang được vua Trưng trao cho trấn tại Tượng-quận (Vân-nam). Nhưng vì quân ít, thế cô, ba ông không chống lại với quân Hán, do Vương Bá chỉ huy. Ba ông đã tự tận. Hiện tại đền thờ của ba ông có đôi câu đối:

 

Tượng-quận dương uy nhiêu tướng lược,
Bồ-lăng tuẫn tiết tận thần trung.

 

Nghĩa là:


Trận Tượng-quận dương oai, rõ tài tướng giỏị
Bến Bồ-lăng tuẫn tiết, tỏ ra thần trung.


Hầu hết các sử gia đều cho rằng: Bồ-lăng tức là bến Bồ-đề, ngoại ô Thăng-long. Vả lãnh thổ Việt-Nam hồi đó đâu có rộng vậy?

 

Tôi không tin lý luận này. Tôi quyết có trận Tượng-quận. Vì sao? Vì ba ngài chiến đấu tại Tượng-quận, khi Tượng-quận thất thủ, tuẫn tiết thì tuẫn tiết tại chỗ, có đâu rút từ Tượng-quận về tới Long-biên (Hà-nội) trải mấy nghìn cây số, rồi mới tự tử? Vả cái tên bến Bồ-đề mới xuất hiện vào năm 1427-1428 khi vua Lê Thái-tổ vây Đông-đô (Thăng-long).

 

Vì vậy, trong dịp hè năm 1982, tôi cầm đầu phái đoàn CMFC sang Vân-Nam, Trung-quốc, để nghiên cứu về một giống trà có khả năng trị tuyệt chứng Cholestérol, Triglycéride... Lợi dụng dịp nhầy, tôi quyết tìm cho ra sự thực.


Thế là phái đoàn dùng tầu đi từ Độ-khẩu theo Kim-sa-giang (Trường-giang) qua Nam-khê, Giang-tân, Trùng-khánh, tới ngã ba sông Ô-giang, Trường-giang thì gặp bến Bồ-lăng.

 

Tại đây tôi được sở du-lịch chỉ cho xem miếu thờ ba vị thần, tướng của vua Bà. Nhưng họ không biết tên vua Bà cùng ba vị tướng. Cả vùng này có đạo thờ vua Bà (lên đồng). Hồi trước 1949 rất thịnh. Sau cách mạng Văn-hóa (1965-1967) miếu được cấp cho dân chúng ở. Hỏi hướng dẫn viên du lịch về vua Bà, họ chỉ cho biết vua Bà là người nổi lên chống tham quan thời Hán. Tôi đến thăm miếu. Miếu khá lớn, chủ hộ ở trong miếu trước đây là cán bộ Văn-hóa Bồ-lăng.

 

Trước miếu có nhiều câu đối, nay chỉ còn lại có ba. Ông chủ hộ khoe rằng để bảo tồn di tích văn hóa, hằng năm ông phải mua sơn tô chữ cho khỏi mất:

 

Khẳng khái, phù Trưng, thời bất lợi,
Ðoạn trường, trục Ðịnh, tiết... can vân.

 

Nghĩa là:


Khẳng khái phù vua Trưng, ngặt thời của Ngài không lâụ
Ðuổi được Tô Ðịnh, nhưng đau lòng thay, phải tự tận, khí tiết ngút từng mây.

 

Tôi xin vào trong miếu xem, thì bệ thờ nay là nơi vợ chồng ông nằm ngủ. Hai bên bệ cũng có đôi câu đối

 

Giang-thượng tam anh phù nữ chúa,
Bồ-lăng bách tộc khốc thần trung.

 

Nghĩa là:


Trên sông Trường-giang, ba vị anh hùng phò tá nữ chúạ
Tại bến Bồ-lăng, trăm họ khóc cho các vị thần trung thành.

 

Ông chủ hộ thì cho rằng bách tộc là toàn dân Trung-quốc. Tôi giảng cho ông nghe về sự tích trăm con của Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Vì vậy chữ bách tộc đây để chỉ người Việt. Ông thích lắm. Ông chỉ vào khoảng trống của hai cái cột thuật rằng trước kia cũng có đôi câu đối, nhưng bị vạc mất. Ông đề nghị tôi làm một đôi khác thay thế. Tôi nhờ hướng dẫn viên du lịch mua giùm hai hộp sơn. Một hộp sơn đỏ loại láng và một hộp loại thiếp vàng. Ông với tôi sơn cột mầu đỏ. Chiều hôm đó sơn đỏ khô, tôi trở lại viết bằng sơn thiếp vàng đôi câu đối có sẵn tại đền thờ ba ngài ở thôn Ngọc-động, huyện Gia-lâm, Hà-nội:

 

Tái Bắc tức chinh trần, công cao trục Định,
Bồ-lăng dương nộ lãng, nghĩa trọng phù Trưng.

 

Nghĩa là:


Ải Bắc yêu gió bụi can qua, công cao đuổi Tô Định.
Bồ-lăng nổi bao đào, nghĩa nặng phù vua Trưng.

 

Kết luận:


Như vậy thì quả có trận Tượng-quận. Mà có trận Tượng-quận thì biên giới Lĩnh-Nam hồi ấy giáp Ba-Thục, tức Tứ-xuyên ngày nay.

 

7. Nghiên cứu những khai quật


Vào những năm 1964-1965, giáo sư luật khoa Vũ Văn Mẫu đang sọan thảo tài liệu về cổ luật Việt-Nam. Người giúp giáo sư Mẫu đọc sách cổ là Hoàng-triều tiến-sĩ Nguyễn Sỹ-Giác. Cụ Giác tuy thông kinh điển, thư tịch cổ, nhưng lại không biết ngoại ngữ, cùng phương pháp phân tích, tổng hợp Tây-phương. Cụ giới thiệu tôi với giáo sư Mẫu. Tôi đã giúp giáo sư Mẫu đọc, soạn các thư tịch liên quan đến cổ luật.

 

Chính vì vậy tập tài liệu "Cổ-luật Việt Nam và tư pháp sử" có chương mở đầu "Liên hệ giữa nguồn gốc dân tộc và Cổ luật Việt-Nam" (10). Bấy giờ tôi còn trẻ, không đủ tài liệu khai quật của Trung-Quốc, của Bắc Việt-Nam, và bấy giờ những lý thuyết về ADN chưa có hệ thống, nên có nhiều chi tiết sai lầm. Hôm nay đây, tôi xin lỗi anh linh Hoàng-triều tiến-sĩ Nguyễn Sỹ-Giác, anh linh giáo sư Vũ Văn-Mẫu. Tôi xin lỗi các vị đồng nghiệp hiện diện, xin lỗi các sinh-viên về những sai lầm đó.

 

Triều đại Hồng-Bàng thành lập từ năm 2879 năm trước Tây-lịch, tương đương với thời đại đồ đá mài (le néolithique), tức cuối thời đại văn-hóa Bắc-sơn (11). Trong những khai quật về thời đại này tại Bắc-Việt, Đông Vân-Nam, Quảng-Đông, Hồ-Nam, người ta đều tìm được những chiếc rìu thiết diện hình trái soan, trong khi tại Nhật, Bắc Trường-giang chỉ tìm được lọai rìu thiết diện hình chữ nhật, chứng tỏ vào thời đó có một thứ văn hóa tộc Việt giống nhau.

 

Sang thời đại văn-hóa Đông-sơn (12) hay đồ đồng (âge de bronze). Trong thời gian này đã tìm được trống đồng Đông-sơn trên bờ sông Mã (Thanh hóa). Sự thật trống đồng đã tìm thấy ở toàn bộ các tỉnh Nam Trường-giang như Hồ-nam, Quý-châu,Vân-nam, Quảng-đông, Quảng-tây, Nam dương, Lào (13), Bắc và Trung-Việt. Nhưng ở Nam dương, Lào rất ít. Nhiều nhất ở Bắc-Việt, rồi tới Vân-nam, Lưỡng-quảng. Phân tích thành phần gần như giống nhau

 

Ðồng 53%,
Thíếc 15-16%,
Chì 17-19%,
Sắt 4%.
Một ít vàng bạc.

 

Khảo về y-phục, mồ mả, răng xương trong các ngôi mộ, qua các thời đại cho đến hết thế kỷ thứ nhất sau Tây-lịch, tôi thấy trong các vùng Nam Trường giang cho đến Trung Bắc-Việt, cùng Lào, Thái đều giống nhau. Bây giờ dùng hệ thống ADN kiểm những bộ xương, kiểm máu người sống, chúng tôi đã biện biệt được sự khác biệt vào thời Việt, Hoa lập quốc.

 

Kết luận:


"Tộc Việt quả có lĩnh địa Bắc tới hồ Ðộng-đình, Tây tới Tứ-xuyên như cổ sử nói"

 

8. Tổng kết


Sáu vấn đề tôi nêu ra ở trên, rồi đi tìm, tất cả đều còn đầy đủ di tích.

 

Như vậy: Biên giới cổ của nước Việt-Nam, với các triều đại Hồng-bàng, Âu-lạc, Lĩnh-Nam phía Bắc quả tới hồ Ðộng-đình, phía Tây giáp Tứ-xuyên.

 

V. KẾT LUẬN


Thưa Quý-vị
Quý-vị đã cùng tôi đi vào những chi tiết từ huyền thoại, huyền sử, cổ sử, cùng triết học, cho tới tin học, y học để tìm về nguồn gốc dân tộc Việt-Nam, về biên giới cổ của tộc Việt.

 

Trong chính sử Trung-quốc, Việt-Nam đều ghi rõ ràng nguồn gốc tộc Việt, nhưng cái nguồn gốc đó căn cứ vào cổ thư của người Trung-hoa, nên hoàn toàn sai lạc. Bởi cổ thư cho rằng người Trung-hoa tự sinh ra, rằng người Việt chẳng qua do những người Trung-hoa di chuyển xuống lưu ngụ. Sự thực nhờ hệ thống ADN, chúng ta biết rằng chính những người ở châu Phi đến Đông Nam-á trước, rồi di chuyển lên Hoa-Nam. Tại Hoa-Nam giống người này lại hợp với giống người từ châu Phi sang châu Âu, rồi từ châu Âu vào Trung-á, hợp với người ở Hoa-Nam mà thành tộc Hán.

 

Nhưng ngược lại, do cổ thư Trung, Việt, hay do ADN, chúng ta cũng biết rất rõ biên cương nước Việt thời mới lập quốc.

 

Hồi thơ ấu, tôi sống bên cạnh những nhà Nho, chỉ đọc sách chữ Hán của người Hoa, người Việt viết. Mà những sách này đều chép rằng tộc Việt gồm có trăm họ khác nhau, mang tên Bách-Việt. Những tên Âu-Việt, Lạc-Việt, Đông-Việt, Nam-Việt, Việt-Thường đều thuộc Bách-Việt cả. Cái tên trăm họ hay trăm Việt (Bách-Việt) phát xuất từ huyền thọai vua Lạc-Long sinh ra trăm con. Trăm có nghĩa là toàn thể, tất cả, chứ không hoàn toàn là con số như ta tưởng ngày nay (14).

 

Các vị cổ học, học cổ sử, rồi coi lĩnh địa tộc Việt bao gồm phía Nam sông Trường-giang lấy mốc là hồ Động-đình với sông Tương, núi Ngũ-lĩnh là đương nhiên. Chính hồi nhỏ, khi học tại trường Pháp, vào thời kỳ 13-14 tuổi, tôi chỉ được học vài trang ngắn ngủi về nguồn gốc tộc Việt, trong khi đó gia đình cho tôi đọc mấy bộ sử dài hàng mấy chục nghìn trang của Hoa, của Việt (Nếu dịch sang chữ Việt số trang gấp bốn, sang Pháp, Anh văn số trang gấp năm sáu). Chính tôi cũng nhìn nguồn gốc tộc Việt, lĩnh thổ tộc Việt tương tự như các nhà cổ học.

Nay tôi mới chứng minh được.

 

Phải chờ cho đến khi tôi ra trường (1964). Bấy giờ giáo sư Vũ Văn-Mẫu thạc-sĩ luật khoa nhờ Hoàng triều tiến-sỹ Nguyễn Sỹ-Giác sưu tầm tài liệu cổ luật. Cụ Giác học theo lối cổ, không biết những phương pháp quy nạp, tổng hợp nên giới thiệu giáo sư Mẫu với tôi. Ngay từ lần đầu gặp nhau, mà một già, một trẻ đã có hai cái nhìn khác biệt.

 

Giáo sư Mẫu trên 50 tuổi mà lại có một cái nhìn rất trẻ, tôi mới có 25 tuổi lại có cái nhìn rất già về nguồn gốc tộc Việt. Qua cuộc trao đổi sơ khởi, bấy giờ tôi mới biết có rất nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc dân tộc Việt, mà các tác giả thiếu cái học sâu xa về cổ học Hoa-Việt đưa ra. Vì vậy tôi đã sưu tầm tất cả những gì trong thư tịch cổ, giúp giáo sư Mẫu đem viết thành tài liệu giảng dạy. Nhưng sự sưu tầm đó không đầy đủ, vì chỉ căn cứ trên thư tịch cổ.

 

Nay tôi mới biết có quá nhiều sai lầm, tôi xin lỗi các đồng nghiệp hiện diện, xin lỗi Quý-vị.

 

Hồi bấy giờ tôi sống ở Sài-gòn, thuộc Việt-Nam cộng-hòa đang là nước chống Cộng, nên tôi không thể sang Trung-Quốc, cũng như về Bắc tìm kiếm thêm tài liệu. Phải chờ đến năm 1976 làm việc cho CMFC, hàng năm dẫn các đồng nghiệp sang Trung-Quốc nghiên cứu, trao đổi y học, tôi mới có dịp tìm kiếm lại di tích xưa trong thư viện, trong bảo tàng viện, trên bia đá cùng miếu mạo, đền chùa và nhất là đến tại chỗ nghiên cứu. Gần đây nhờ các đồng nghiệp dùng hệ thống ADN, tôi mới biện biệt được nguồn gốc tộc Việt, biên cương thời lập quốc của tộc Việt.

 

Hôm nay tôi xin kết luận với các bạn rằng:


- Người Trung-hoa không phải là con trời như những văn gia cổ của họ viết, dù ngày nay họ còn nghĩ như vậy.


- Họ cũng không tự sinh ra, rồi tản đi tứ phương.


- Không hề có việc người Trung-hoa trốn lạnh hay vì lý do chính trị di cư xuống vùng đất hoang, tạo thành nước Việt.

 

- Trong lịch sử quả có một số người Trung-hoa di cư sang Việt-Nam sau những biến cố chính trị. Như ngày nay người Việt di cư đi sống khắp thế giới.

 

- Lại càng không có việc người Việt gốc từ dòng giống Mã-lai như một vài người ngố ngếch đưa ra.

 

- Theo sự nghiên cứu bắng hệ thống ADN, từ cổ, giống người Trung-hoa, do giống người từ Ðông Nam-á di lên. Những người Ðông Nam-á lại đến từ châu Phi qua ngả Nam-á vào thời gian hơn 20.000 năm trước.

 

- Người châu Phi đến Bắc Trung-hoa do ngả Âu-châu rồi vào Trung-á, khoảng 15.000 năm. Rồi hai giống người này tạo thành tộc Hoa.

 

- Tộc Việt sống rải rác từ phía Nam sông Trường-giang, xuống mãi vịnh Thái-lan.

 

- Biên giới nước Việt thủa lập quốc gồm từ Nam sông Trường giang đến vịnh Thái-lan, Ðông tới biển. Tây tới Tứ-xuyên của Trung-quốc ngày nay.

 

Ðến đây tôi xin phép các vị giáo sư, quý khách, các sinh viên cho tôi ngừng lờị. Xin hẹn lại quý vị đến tháng 11-92 tôi sẽ trình bày trước quý vị về nguồn gốc triết Việt.

 

Trân trọng kính chào quý vị.
Giáo-sư Trần Ðại-Sỹ,
Giám đốc Trung-quốc sự vụ

 

Tài liệu nghiên cứu chính:


SÁCH CHỮ HÁN


Tư Mã-Thiên, Sử ký, Trung-hoa thư cục Thượng-hải xuất bản 1959
Ban-Cố, Tiền Hán thư, Trung-hoa thư cục xuất bản 1959
Phạm Việp, Hậu Hán thư, Trung hoa thư cục xuất bản 1959.
Hoài Nam Tử, quyển 18, Trùng Hoa thư cục Ðài Bắc xuất bản, 1959.
Cố Dã-Vương, Ðịađư chí, Cẩm-chương thư cục xuất bản 1920.
Trần Luân-Quýnh, Hải quốc kiến văn lục, cổ bản, thư viện Paris.
Lê Quý-Ðôn, Phu-biên tạp lục, cổ bản của thư viện Paris.
Lê Quý-Ðôn, Ðại-Việt thông sử, cổ bản của thư viện Paris.
Phan huy-Ích, Lịch triều biến chương loại chí, cổ bản của thư viện Paris.
Quốc-sử quán, Hoàng-Việt địa dư chí, bản của thư viện Paris.
Quốc-sử quán, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bản của thư viện Paris.
Ðịa đồ xuất bản xã, Trung-hoa nhân dân cộng hòa quốc phân tỉnh địa đồ tập, Bắc-kinh 1974.
Ðại học văn khoa Hồ-nam, Hồ-nam lịch đại khảo chứng 1980.
Cùng rất nhiều tài liệu không tác giả, lưu trữ tại thư viện, bảo tàng viện Hồ-nam, Quý-châu, Quảng-đông, Quảng-tây, Vân-Nam.


SÁCH CHỮ PHÁP
Léonard Aurouseau La première conquête chinoise des pays anamites, BEFEO XXIII
Claude Madrolle, Le Tonkin Ancien, BEFEO, XXXVII


SÁCH CHỮ VIỆT
Ðào Duy-Anh, Nguồn gốc dân tộc Việt-nam, Hà-nội 1946.

 

HẾT

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cảm ơn Thanhdc.

Tôi lấy bài của Thanhdc làm tư liệu tham khảo chính và xóa bài cũ của tôi đi.

=============

Thưa quí vị và anh chị em quan tâm đến cội nguồn Việt tộc.

Tôi có luận điểm của tôi về cội nguồn Việt tộc và đã trình bày nhiều lân trên diễn đàn. Nhưng tôi sẽ chứng minh cho tính chân lý của cội nguồn Việt tộc của tôi trước những phát kiến khoa học đang là hệ thống nền tảng tri thức hiện nay về sự hình thành ngồn gốc loài người;  như bài viết của tiến sĩ khoa học Đỗ Kiên Cường, với luận điểm của ông cho rằng:

 

Kết luận:

  1. Ngược với quan niệm truyền thống về nguồn gốc phương Bắc, đại chủng Mongoloid hoàn chỉnh chỉ xuất hiện khoảng 10.000 trước tại cực nam Hoa Nam và Đông Nam Á. Các bằng chứng di truyền học và kiểu răng cũng cho thấy, chủng Mongoloid phương Bắc có nguồn gốc từ chủng Mongoloid phương Nam.
  2. Không phải lưu vực Dương Tử là nơi phát tích nông nghiệp, mà cực nam Hoa Nam (lưu vực Tây Giang, Quảng Tây) mới là nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới, cũng khoảng  10.000 năm trước.
  3. Sự thiên di của những người nông dân trồng lúa nước từ Nam lên Bắc phù hợp với sự lan tỏa các dấu gien tại Trung Quốc, như các nhà khoa học tại Đại học Fudan, Thượng Hải, trong  Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ 2005 - 2010, và Tổ chức bộ gien người HUGO 2009, đã chứng tỏ.
  4. Bằng chứng phân tử và di truyền học cho thấy, người Việt có sự đa dạng di truyền lớn nhất trong số cư dân Đông Nam Á và Đông Á, chứng tỏ họ thuộc về nhóm cư dân lâu đời nhất trên vùng đất rộng lớn này.
  5. Không có bằng chứng nhân chủng học phân tử cho giả thuyết người Việt có nguồn gốc từ những người thiên di phương Bắc thời văn hóa Đông Sơn. Có lẽ sự hòa huyết giữa người bản địa và người thiên di chỉ xẩy ra rõ rệt từ thời Bắc thuộc lần thứ nhất.
  6. Trong lúc chờ đợi bằng chứng nhân chủng học phân tử về sự thiên di của người Bách Việt Hoa Nam, cần xem xét sự tương đồng về văn hóa vật thể và phi vật thể giữa Hoa Nam và Việt Nam thời văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn chủ yếu trên các khía cạnh giao lưu và tiếp biến văn hóa.

 

Có thể nói luận điểm của ông Đỗ Kiên Cường gần tương đồng với một nhà nghiên cứu cổ văn hóa sử Việt là bác Hà Văn Thùy.

Tôi rất ủng hộ tất cả những ai có tấm lòng tìm về cội nguồn văn hóa Việt và bỏ thời gian đi tìm chân lý cho vấn đề này, kể cả những người quan tâm nước ngoài không phải Việt tộc. Nhưng vấn đề quan trọng lại không phải là tấm lòng và sự nhiệt tình khoa học. Mà là khả năng chứng minh cho chân lý. Trước khi tôi trình bày luận cứ của mình, tôi cũng xin trình bày một hệ thống luận cứ đã đăng tải trên diễn đàn của nhà nghiên cứu Trần Đại Sỹ, liên quan đến cội nguồn dân tộc Việt.

Bài viết của giáo sư Trần Đại Sỹ, do các vấn đề liên quan đến kỹ thuật phần mềm, xin quý vị và anh chị em xem bài phía trên bài này.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Con người đã xuất hiện 276.000 năm trước

Nguồn: Thanh Niên Online

10/12/2008 22:35

p10b160453473.jpg

Những nghiên cứu mới đây về những công cụ lao động bằng đá được tìm thấy tại Ethiopia cho thấy con người đã xuất hiện sớm hơn nhiều so với chúng ta nghĩ. Những công cụ lao động này được phát hiện vào những năm 1970 tại di chỉ khảo cổ Gademotta, thuộc thung lũng Rift, Ethiopia. Nhưng phải đến cuối năm 2008, nhờ sử dụng kỹ thuật xác định thời gian Argon-Argon (so sánh sự khác biệt về đồng vị phóng xạ của nguyên tố Argon), các nhà nghiên cứu xác định được các công cụ lao động làm từ nham thạch được chôn trong hầm mộ có niên đại ít nhất khoảng 276.000 năm.

Gademotta từng là nơi thu hút con người đến cư trú với hồ nước sạch Ziway, nơi đây cũng có nhiều loại nham thạch đen như Obsidian, một trong những chất liệu thô để tạo ra công cụ lao động bằng đá.

Tạ Xuân Quan (Theo nationalgeographic.com)

Nhời bàn của Thiên Sứ:

Nếu chúng ta giở lại những sách giáo khoa, các công trính nghiên cứu nghiêm túc liên quan đến khảo cổ, cổ sinh học ...vv...với lịch sử tiến hóa của con người. thì các công trình nghiên cứu nghiêm túc này - cho đến tận lúc này khi tôi đang gõ - người ta vẫn nói rằng:

Con người tiến hóa từ người nguyên thủy đền hiện đại từ khoảng 20. 000 năm trước và sự tiến hóa ấy đã tạo ra nền văn minh hiện đại của chúng ta bây giờ. Nhưng với phát hiện này thì cho thấy rằng: Nếu 20. 000 năm đủ để từ một bầy người nguyên thủy tiến đến một nền văn minh thì với 13 lần hơn như thế - 270. 000 năm - đủ để 13 lần những nền văn minh hiện đại đã xuất hiện trên trái Đất.

Nếu con số này xuống còn hơn 6 lần thì cũng hơn 6 lần những nền văn minh cực hiện đại hơn chúng ta đã xuất hiện. Nếu 3 lần thì cũng hơn 3 lần văn minh siêu hiện đại hơn chúng ta xuất hiện.

Thiên Sứ tôi chỉ mới nói có 1 nền văn minh hiện đại và vượt trội hơn nền văn minh của chúng ta đã tạo ra lý thuyết thống nhất - Chính là thuyết Âm Dương Ngũ hành.

 

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thưa quý vị và anh chị em quan tâm.

Vì công việc bận rộn, công với còn nhiều việc phải làm, nên tôi chưa viết được điều gì để đóng góp ý tưởng của tôi vào luận đề này. Nhưng trong thời gian tham khảo các bài viết liên quan, tôi tiếp tục đưa những tư liệu liên quan cho những luận cứ của tôi cho luận đề này để tiện tham khảo.

Xin cảm ơn sự quan tâm của quý vị và anh chị em.

======================

Phát hiện gây sốc: Châu Á mới là cái nôi của nghệ thuật

Khoahoc.com.vn

Cập nhật lúc 14h49' ngày 09/10/2014

 

Các nhà khoa học vừa xác định những bức vẽ trong một hang động ở đảo Sulawesi (Indonesia) có tuổi đời lên đến 40.000 năm.

 

Phát hiện trên cho thấy châu Á, chứ không phải châu Âu, mới là nơi nghệ thuật trừu tượng ra đời.

Theo AFP, các bức vẽ trong hang động ở vùng Maros thuộc miền nam Sulawesi đã được phát hiện từ 50 năm trước đây. Tuy nhiên đến tận bây giờ các nhà khoa học thuộc ĐH Griffith và ĐH Wollongong ở Úc mới xác định được chúng có niên đại lên tới 40.000 năm.

 

tranh-ve-trong-hang.jpg

tranh-ve-trong-hang1.jpg
Các bức tranh có tuổi đời từ 35.400 - 40.000 năm trong hang động ở Sulawesi, Indonesia - (Ảnh: Nature)

 

Các bức tranh trong hang động vẽ thú vật hoang dã, hình người và cả dấu tay người. Tiến sĩ Maxime Aubert thuộc ĐH Griffith cho biết hình các bàn tay trên tường đá có niên đại 39.900 năm. Hình một chú heo có niên đại ít nhất 35.400 năm.

Một số hình vẽ khác có niên đại 27.000 năm. Điều đó có nghĩa là các cư dân ở Maros đã liên tục vẽ tranh trong hang động suốt 13.000 năm. Các chuyên gia cũng phát hiện nhiều tranh vẽ trong một hang động khác ở Bone, cách Maros khoảng 100km.

Các bức tranh ở Bone cũng có cùng phong cách nghệ thuật với tranh ở Maros và có thể được vẽ trong cùng thời kỳ.

Giáo sư Chris Stringer thuộc Viện Bảo tàng tự nhiên London (Anh) nhận định phát hiện ở Indonesia cực kỳ quan trọng bởi nó cho thấy quan điểm rằng sự sáng tạo nghệ thuật có nguồn gốc sơ khai ở châu Âu và chỉ phát triển ở các khu vực khác rất lâu sau đó là hoàn toàn sai lầm.

Học giả Will Roebroeks thuộc ĐH Leiden nhận định phát hiện này cho thấy tầm quan trọng của châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, với sự phát triển của loài người. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng có đủ bằng chứng cho thấy con người đã biết sáng tạo nghệ thuật từ châu Phi 60.000 năm trước và đi khắp thế giới.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thưa quý vị và anh chị em quan tâm.

Vì công việc bận rộn, công với còn nhiều việc phải làm, nên tôi chưa viết được điều gì để đóng góp ý tưởng của tôi vào luận đề này. Nhưng trong thời gian tham khảo các bài viết liên quan, tôi tiếp tục đưa những tư liệu liên quan cho những luận cứ của tôi cho luận đề này để tiện tham khảo.

Xin cảm ơn sự quan tâm của quý vị và anh chị em.

 

Phát hiện mới về chuyện "yêu" giữa người hiện đại và người tiền sử

 

Một mảnh xương tình cờ được phát hiện trên bờ một con sông ở Siberia đã cung cấp bộ gen người hiện đại cổ nhất từ trước tới nay cũng như hé lộ thời điểm người hiện đại giao phối lần đầu tiên với giống người tiền sử Neanderthal.

 

20141023145551-lai.jpg

 

Theo nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Nature, mảnh xương được xác định thuộc về một người sống cách đây 45.000 năm, chắc chắn có liên quan đến cả người hiện đại và giống người Neanderthal đã tuyệt chủng. ADN của người này cho thấy, hai nhóm người lần đầu tiên đã giao phối với nhau cách đây khoảng 60.000 năm.

Chuyên gia Chris Stringer đến từ Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở London, Anh, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích, người đàn ông Siberia nói trên thuộc về một cộng đồng dân cư có quan hệ gần gũi với các tổ tiên của người châu Âu và châu Á hiện nay. Ông ta chỉ mang lượng ADN của giống người Neanderthal nhiều hơn một chút so với người châu Âu và châu Á hiện đại.

"Tuy nhiên, tính trung bình, các đoạn hệ gen Neanderthal của ông ta dài gấp khoảng 3 lần so với những đoạn hệ gen Neanderthal được tìm thấy trong các bộ gen ngày nay. Điều này cung cấp rất nhiều thông tin, do các đoạn ADN Neanderthal dần dần bị phá vỡ qua mỗi thế hệ, kể từ thời điểm giao phối giữa hai giống người", ông Stringer nhấn mạnh.

Chuyên gia Stringer và nhóm cộng sự đã biểu thị tốc độ thay đổi đó tới thời điểm hiện tại, khi tất cả những người đang sống, không có gốc gác châu Phi sở hữu 2% ADN Neanderthal trong ADN của họ. Ngược dòng thời gian, các nhà nghiên cứu khi đó có thể nhận thấy rằng, "quan hệ" giữa người hiện đại và người Neanderthal xảy ra 7.000 - 10.000 năm trước khi người đàn ông Siberia xuất hiện. Điều này ám chỉ, sự "lai giống" giữa người hiện đại và người Neanderthal xảy ra cũng không lâu hơn thời điểm cách đây 60.000 năm.

Một lời giải thích đơn giản khi đó là, người hiện đại đầu tiên rời châu Phi cách đây khoảng 60.000 năm. Tuy nhiên, các phát hiện khác đã hoài nghi giả thuyết này. Các nhà nhân chủng học đã phát hiện những bộ xương 100.000 năm tuổi của người hiện đại trong các hang động Skhul và Qafzeh ở Israel.

Chắp ghép các mẩu thông tin với nhau sẽ dẫn tới 2 khả năng: Một là, người hiện đại rời châu Phi vào thời điểm cách đây khoảng 100.000 năm, nhưng không "an cư, lạc nghiệp" thành công và lâu dài. Một nhóm sau đó đi khỏi châu Phi cách đây gần 60.000 năm và xây dựng các cộng đồng định cư thành công. Nhóm này đã dẫn tới sự ra đời của tất cả những người không có gốc gác châu Phi ngày nay.

Hai là, người hiện đại đã rời châu Phi cách đây 100.000 năm và thành công. Các thành viên trong nhóm này mất một khoảng thời gian ngắn để phân tán đi khắp nơi, với một làn sóng di cư tiếp cận vùng phía nam châu Á trước thời điểm cách đây 75.000 năm, rồi cuối cùng đặt chân tới Australia và New Guinea. Sau đó, một làn sóng di cư thứ 2 cách đây khoảng 60.000 năm đã mang các tổ tiên của thổ dân châu Mỹ và người Á - Âu hiện đại rời khỏi châu Phi.

Vậy khả năng nào thực sự đã xảy ra? Người đàn ông Siberia đã mang tới một manh mối xác thực các giả thuyết và chỉ rõ rằng, chuyện giao phối giữa người hiện đại và người Neanderthal khó có khả năng xảy ra trước thời điểm cách đây 60.000 năm.

Theo chuyên gia Stringer, mặc dù vẫn có khả năng người hiện đại đã di cư qua miền nam châu Á trước thời điểm cách đây 60.000 năm, nhưng những người đó không thể có đóng góp đáng kể tới các cộng đồng người hiện đại còn sống sót bên ngoài châu Phi, vốn chứa đựng bằng chứng về sự lai giống giữa 2 giống người.

 

Tuấn Anh(Theo Discovery, Live Science)

Share this post


Link to post
Share on other sites

BÀI VIẾT CỦA THIÊN SỨ NGUYỄN VŨ TUẤN ANH

 

Thưa quí vị và anh chị em quan tâm.

Tôi luôn trung thành với tiêu chí khoa học , mà tôi đã nhiều lần phát biểu trên diễn đàn:

Một giả thuyết, hoặc một lý thuyết nhân danh khoa học được coi là đúng khi nó giải thích một cách hợp lý hầu hết những vấn đề liên quan đến nó, một cách có hệ thống, nhất quán, hoàn chỉnh, có tính quy luật, tính khách quan và khả năng tiên tri.

 

 

Một thí dụ cho sự ứng dụng đối chứng những giả thuyết khoa học với chuẩn mực là tiêu chí khoa học đã trình bày ở trên, là:

Đã có ít nhất ba người, trong đó có tôi công bố ba mô hình Hậu thiên Bát quái chỉnh sửa lại Hậu Thiên Văn Vương để tìm về cội nguồn văn minh Đông phương, là:

 

1/ Thiên Sứ Nguyễn Vũ Tuấn Anh với: Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà đồ.

2/ Tiến Sĩ Trần Quang Bình với Hậu Thiên Âu Lạc cũng phối với Hà Đồ.

3/ Gần đây tiến sĩ Hà Hưng Quốc ở Hoa Kỳ với: Hậu Thiên Văn Lang cũng đặt vấn đề phối với Hà Đồ.

 

Nhưng chỉ có "Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ" đáp ứng được tiêu chí khoa học nói trên, khi nó tổng hợp, hiệu chỉnh và giải thích một cách hợp lý được hầu hết những bí ẩn bởi cấu trúc rời rạc, bất hợp lý trong cổ thư chữ Hán về các vấn đề liên quan đến thuyết Âm Dương Ngũ hành và Bát quái trong Dịch học về nhiều phương diện: Lịch sử học thuyết, nội dung và sự phục hồi hoàn chỉnh học thuyết này. Còn hai mô hình "Hậu Thiên Ấu Lạc" và "Hậu Thiên Văn Lang" không có khả năng đáp ứng những tiêu trí khoa học đã trình bày ở trên.

Tương tự như vậy, giả thuyết về "nguồn gốc loài người" nói chung và "nguồn gốc người Việt" nói riêng dựa trên bằng chứng nhân chủng học phân tử, sẽ được coi là đúng, nếu nó đáp ứng được tiêu chí khoa học - có tính tổng quát - mà tôi đã trình bày ở trên. Tức là nó phải giải thích một cách hợp lý hầu hết những vấn đề liên quan đến nó, có tính nhất quán, hoàn chỉnh và có hệ thống các vấn đề - rất rộng, ngoài tính di truyền là nền tảng căn bản của giả thuyết này - là lịch sử tiến hóa của từng dân tộc, lịch sử hình thành các quốc gia, mối quan hệ ngôn ngữ, văn hóa...vv....Các tác giả liên quan đến giả thuyết này đã có những cố gắng liên hệ những vấn đề mà tôi đã trình bày ở trên, nhưng chưa hoàn hảo.

Tuy nhiên, tôi đặt một giả thiết hết sức thuận lợi ban đầu cho giả thuyết "nguồn gốc loài người từ bằng chứng nhân chủng học phân tử" (Từ nay trong bài này, cụm từ "giả thuyết về nguồn gốc loài người từ bằng chứng nhân chủng học phân tử", được thay thế bằng "giả thuyết khoa học"; hoặc "giả thuyết khoa học này", hay "giả thuyết này"), là:

 

Giả thuyết này đúng vì nó giải thích được một số yếu tố trực quan - có thể coi là những thực tại khách quan - đã nhận thức được một cách hợp lý.

 

Từ giả thiết coi giả thuyết khoa học này được coi là đúng, tôi sẽ dẫn đến những mâu thuẫn liên quan, mà nó cần phải tiếp tục giải thích, mà từ đó có thể dẫn đến bác bỏ giả thuyết này, hoặc cho thấy nó còn một khoảng trống lớn cần phải tiếp tục giải thích. Sau đó, tôi sẽ trình bày luận điểm của tôi.

 

Thưa quý vị và anh chị em quan tâm.

Tôi không phải là một nhà chuyên môn về di truyền học.  Thực ra tôi đã biết giả thuyết này từ lâu, qua những bài đăng trên các tạp chí khoa học, hoặc bài báo giới thiệu giả thuyết này bằng tiếng Việt, nhưng không để ý lắm. Vì cho rằng đó là một giả thuyết chưa hoàn hảo và  không liên quan nhiều đến cổ sử Việt 5000 năm văn hiến -  cho đến khi những nhà nghiên cứu, như: Tiến sĩ bác sỹ Y khoa Trần Đại Sỹ, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy và bây giờ là tiến sỹ Đỗ Kiên Cường cũng có những ý tưởng như trên. Nhưng quan niệm ban đầu của tôi về giả thuyết này - như tôi đã trình bày - tối thiểu là một giả thuyết chưa hoàn hảo, tối đa là một giả thuyết sai, so với chuẩn mực là tiêu chí khoa học cho một lý thuyết khoa học được coi là đúng. Nhưng đây lại là một đề tài không đơn giản, nên tôi phải vừa viết, vừa suy ngẫm, sưu tầm tư liệu để viết trong một thời gian không thể ngắn và thành nhiều bài liên tục. Bởi vậy, mong quý vị và anh chị em quan tâm, sẽ chia sẻ điều này với tôi. Tôi sẽ cố gắng trong một thời gian ngắn nhất có thể để hoàn tất đề tài này, trong khả năng của tôi. Và trong quá trình viết, tôi vẫn phải tiếp tục sửa chữa, hiệu chỉnh cho đến khi bài viết hoàn tất..

Đây là bài mở đầu của tôi.

Cảm ơn sự quan tâm của quý vị và anh chị em.

7 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thưa quý vị và anh chị em quan tâm.

Như tôi đã trình bày: giả thuyết về nguồn gốc loài người xuất xứ từ châu Phi đã có từ rất lâu. Ngay trong bài viết của TS Đỗ Kiên Cường cũng thể hiện điều này. Nhưng theo cái nhìn của tôi - với giả thiết thuận lợi nhất cho giả thuyết khoa học này là nó đúng, Nhưng nó mang tính tổng quát về nguồn gốc loài người nói chung và cần giải thích được các vấn đề sau đây:

 

* Sự phân loại từ một nguồn gốc chung có xuất xứ châu Phi thành các đại chủng tộc da trắng, da vàng và da đỏ, da nâu..vv....

 

*  Từ các đại chủng nói trên - phân loại qua màu da - lại phân loại thành các tiểu đại chủng khác, tức là sự hình thành những dân tộc gần giống nhau trong một vùng địa lý, như: tộc Saxons, Gôloa...da trắng ở Châu Âu; hay như người Nhật, người Hán, người Việt....da vàng ở Châu Á, trong đó các nhà khoa học Nhật xác định rằng: gen của người Nhật giống với người Việt hơn tất cả các dân tộc khác ở Đông Á và Đông Nam Á. Đây cũng là một  thực tế khách quan đã được xác định từ nhận thức thông qua những phương tiện kỹ thuật (Quen gọi là: được "khoa học công nhận").

 

* Sự hình thành các nền văn minh khác nhau cùng tồn tại  và trở thành những dân tộc trong đó hình thành những giá trị văn hóa riêng mang tính chủ thể của một quốc gia.....Đây là giai đoạn bắt đầu hình thành lịch sử của các dân tộc trong một quốc gia với sự tương tác phức tạp của các yếu tố liên quan.

 

* Ngoài những mối liên hệ về kiến thức hóa lý sinh trong chuyên ngành di truyền học, dẫn đến giả thuyết "nguồn gốc lịch sử loài người từ Châu Phi", thì nó còn phải có trách nhiệm lý giải một cách hợp lý những giá trị tri thức của cả một nền văn minh đã tồn tại trên thực tế được nhận thức một cách trực quan. đã hình thành trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, bên cạnh sự tiến hóa của tự nhiên được mô tả qua hệ thống gen và lịch sử biến thiên của nó trong chuyên ngành di truyền học. Đó là: Nền văn minh Kim Tự tháp - vốn được coi là thuộc văn minh Ai Cập; hoặc văn minh Đông phương huyền vĩ đang thách đố tri thức của cả nền văn minh nhân loại hiện đại....vv.....Lịch sử không phải chỉ được mô tả bằng sự biến thiên sinh hóa của gen di truyền.

 

Như vậy, đó là cả một quá trình tiến hóa, tôi gọi chung là "quá trình tiến hóa của lịch sử nhân loại theo giả thuyết có từ nguồn gốc Châu phi" - với giả thiết ban đầu của tôi rằng: Giả thuyết khoa học này đúng.

 

Đến đây với những vấn đề được đặt ra như trên để xác định khoảng trống cần bổ sung của giả thuyết này, nhưng không phải yếu tố phủ nhận; hoặc hiệu chỉnh trên nền tảng của giả thuyết này và thiết lập một giả thuyết khác; hay tệ hơn nữa là phải bác bỏ hoàn toàn giả thuyết này, thành lập một giả thuyết khác có tính tổng hợp hơn, phù hợp với tiêu chí khoa học cho một giả thuyết khoa học được coi là đúng.

 

* Trên cơ sở tiêu chí khoa học cho một giả thuyết nhân danh khoa học được coi là đúng, thì nó còn có trách nhiệm phải giải thích sự hình thành của những dân tộc phát triển và tách ra từ một Đại chủng và lịch sử của họ. Đặc biệt là cổ sử Việt với nền văn minh thứ V ở Nam Dương Tử và liên hệ với nguồn gốc châu Phi của người Việt ở Đông Nam Á.

 

Bây giờ chúng ta liên hệ với sự hình thành Việt tộc ở Đông Nam Á bằng cách so sánh giả thuyết "loài người có nguồn gốc từ Châu Phi" với quan điểm phủ nhận truyền thống văn hóa Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến.

Quí vị và anh chị em so sánh những luận cứ sau đây:

 

A/ Thuyết nguồn gốc loài người có nguồn gốc từ châu Phi:

 

1/ Dấu nhận dạng gen cho luận cứ người Đông Nam Á di cư lên phía Bắc.

 

Làn sóng thiên di thứ hai, với vai trò làn sóng chủ yếu, đi ngược lên Trung Cận Đông và Trung Á, trước khi lan tỏa khắp địa cầu. Trong làn sóng này có người đàn ông mang dấu gien M89, sống khoảng 45.000 năm trước tại Đông Bắc Phi hoặc Trung Đông. Hơn 90% số nam giới ngoài châu Phi hiện nay là hậu duệ của ông. Các hậu duệ của người đàn ông này đã men theo dãy Himalaya tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và cực nam Hoa Nam (cụ thể là Vân Nam và Quảng Tây, được các nhà nhân chủng học phân tử Trung Quốc xác định là nơi người hiện đại tới Trung Quốc đầu tiên) khoảng 30.000 năm trước11. Làn sóng này đóng góp khoảng 70 - 80% vào vốn gien chung của cư dân phía Đông lục địa Á - Âu, tức các vùng Đông Nam Á, Đông Á và Bắc Á9.

Để hiểu thêm về nguồn gốc người châu Á, tức đại chủng Mongoloid, cần nhấn mạnh nhóm đơn bội O3 (dấu gien M122), xuất hiện 10.000 năm trước tại cực nam Hoa Nam hoặc Đông Nam Á, trước khi Bắc tiến mạnh mẽ (nhóm đơn bội là nhóm người mang chung một dấu gien đặc trưng do đột biến di truyền, tức cùng chung một nhánh trong cây phả hệ di truyền). Hơn một nửa số đàn ông Trung Quốc mang dấu gien này, cho thấy sự Bắc tiến này là kết quả của sự lan tỏa kỹ thuật trồng lúa nước9, một điều dường như trái ngược với quan niệm truyền thống về quê hương lúa nước tại lưu vực sông Dương Tử (hình 2).

 

 

 


 

 

Mười một năm sau, Tổ chức bộ gien người HUGO (Human Genome Organisation) đã công bố công trình mang tính bước ngoặt Vẽ bản đồ đa dạng di truyền người châu Á trên tạp chí Science danh tiếng ngày 11/12/2009. Nghiên cứu chi tiết trên 64.794 kiểu biến thiên hình thái gien của 1928 người thuộc 73 sắc dân khắp châu Á và 2 sắc dân ngoài châu Á (để so sánh), các nhà khoa học quốc tế của HUGO kết luận, hơn 90% thể đơn bội gien người Đông Á tìm thấy ở người Đông Nam Á hoặc người Nam Trung Á, và sự đa dạng giảm dần từ phía Nam lên phía Bắc. Ngoài ra, 50% thể đơn bội chỉ tìm thấy ở người Đông Nam Á và 5% chỉ tìm thấy ở người Nam Trung Á cho thấy, người Đông Nam Á là nguồn gốc chính của người Đông Á17. Công trình này là một bước tiến lớn so với công trình của Chu và đồng sự 11 năm trước, khi định lượng hóa được phần đóng góp của dòng gien Đông Nam Á đối với vốn gien tại Đông Á (khoảng 80 - 90%). Nói cách khác, các bằng chứng phân tử và di truyền học cho thấy, đại chủng Mongoloid được hình thành tại Đông Nam Á, điều hoàn toàn ngược với quan niệm truyền thống về nguồn gốc phương Bắc của đại chủng này. (Công bố của HUGO năm 2009 từng được các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam đăng tải rộng rãi; tuy nhiên ý nghĩa của nó không được các nhà nhân chủng học nước ta chú ý).

 

 

 

 

Nguồn gốc Đông Nam Á của chủng Mongoloid càng được khẳng định qua nghiên cứu so sánh kiểu răng của người phía Nam và người phía Bắc vùng Đông Á. Nhiều sắc người trên thế giới, như người Phi vùng hạ Sahara hay người Âu, vẫn giữ nguyên kiểu răng của người thiên di lúc mới rời châu Phi. Nhưng cư dân Đông Nam Á, Đa Đảo, Úc, Hoa Nam và Nhật Bản cổ đã phát triển một kiểu răng hoàn toàn khác, được gọi là kiểu Sunda (tên gọi của lục địa Đông Nam Á cuối kỷ băng hà cực đại 22.000 - 15.000 năm trước, khi mực nước biển thấp hơn hàng trăm mét so với hiện nay). Kiểu răng thứ ba, phát triển từ kiểu Sunda, với tên gọi kiểu Trung Hoa, thuộc về cư dân Hoa Bắc, Nhật Bản hiện đại và các tộc thiểu số tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ18. Nói cách khác, chủng Mongoloid phương Bắc có nguồn gốc từ chủng Mongoloid phương Nam.

Vậy người Mongoloid hoàn chỉnh xuất hiện trong khoảng thời gian nào? Các bằng chứng khảo cổ cho thấy sọ Mongoloid điển hình chỉ xuất hiện khoảng 10.000 năm trước.

 

 

Cần nhấn mạnh rằng, quan niệm của Klein rất phù hợp với phát hiện mới về thuần hóa lúa nước khoảng 10.000 năm trước (sẽ trình bày dưới đây) và sự thiên di từ phía Nam lên phía Bắc của nhóm đơn bội O3 (với dấu gien M122, cũng xuất hiện khoảng 10.000 năm trước) đặc trưng cho người Hán (xem hình 2).

 

 

2/ Dấu chứng văn minh lúa nước cho luận cứ người Đông Nam Á di cư lên phía Bắc.

 

Sự thuần hóa lúa nước:

Quan điểm truyền thống xem lưu vực Dương Tử, ranh giới tự nhiên giữa Hoa Bắc và Hoa Nam, là nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới khoảng 9.000 - 7.000 năm trước. Quan điểm đó dựa trên những bằng chứng khảo cổ không thể bác bỏ.

Năm 2006, trên PNAS, Londo và bốn nhà khoa học tại ba trường đại học Mỹ và Đài Loan cho rằng, phân bố chủng loại của giống lúa dại Oryza rufipogon châu Á cho thấy, lúa nuôi cấy Oryza sativa được thuần hóa nhiều lần, trong đó giống Oryza japonica được thuần hóa tại Hoa Nam, còn giống Oryza indica được thuần hóa tại Đông Ấn và Đông Nam Á, chủ yếu từ các giống lúa dại Đông Dương20.

 

 

Khám phá mang tính cách mạng về nguồn gốc lúa nước thuần hóa được công bố một năm sau đó. Ngày 25/10/2012, trên tạp chí Nature danh tiếng, các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản so sánh sự biến thiên bộ gien của lúa nước nuôi cấy với các giống lúa dại tại châu Á và kết luận, lưu vực Tây Giang thuộc Quảng Tây, chủ lưu của sông Châu chảy ra biển tại Quảng Đông, chính là nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới22.

Với khám phá này, sự mâu thuẫn giữa dòng gien (từ Nam lên Bắc) và sự lan tỏa nông nghiệp (từng được xem là từ lưu vực Dương Tử đi xuống Đông Nam Á) đã được giải quyết. Cần nhấn mạnh rằng, ba sự kiện quan trọng nhất thời tiền sử phía Đông lục địa Á - Âu (xuất hiện người Mongoloid hoàn chỉnh, thuần hóa lúa nước và dòng thiên di hướng lên phía Bắc) đều có cùng niên đại (khoảng 10.000 năm trước) và cùng vị trí địa lý (Đông Nam Á và cực nam Hoa Nam). Điều đó chứng tỏ, dòng gien từ phía Nam hướng lên lưu vực Dương Tử và Hoa Bắc chính là dòng thiên di của những người nông dân Mongoloid đầu tiên.

 

 

(Tất cả những đoạn trích này đều ở trong bài viết của TS Đỗ Kiên Cường'*')

 

Quí vị và anh chị em quan tâm thân mến.

Qua những đoạn trích dẫn trên, quí vị và anh chị em quan tâm cũng nhận thấy rằng: mốc thời gian cho sự hình thành cho đại chủng Mongoloid và các tiểu chủng khác, có nguồn gốc Châu Phi bắt đầu từ Đông Nam Á có mốc thời gian tương đương 10. 000 năm. Đây cũng là con số tôi lưu ý các bạn bằng cách làm đậm và gạch dưới trong các đoạn trích dẫn. Các đoạn làm đậm này cũng lưu ý các bạn về những chứng cứ liên quan nhằm xác định bổ xung thêm cho giả thuyết này về dấu ấn lúa nước xuất phát từ Đông Nam Á trong đó có Việt tộc theo giả thuyết này.

Tóm tắt về nội dung giả thuyết này như sau:

1/ Bằng những phương tiện kỹ thuật, các nhà khoa học đã xác nhận được nhân loại có cùng một bộ gen gốc có nguồn gốc từ Châu Phi.

2/ Những biến thiên của gen gốc này trong các vùng cư trú của loài người, họ đã vạch ra một con đường phát triển của nhân loại từ những con người đầu tiên ở Châu Phi đi khắp thế giới.

3/ Cùng với những bằng chứng khác liên quan đến kỹ thuật trồng lúa nước về di truyền, qua các di vật khảo cổ... đã kết luận về nguồn gốc đại chủng Mongoloid xuất hiện đầu tiên tại Đông Nam Á hiện nay và phát triển lên phía Bắc, niên đại xuất hiện cách đây là 10. 000 năm.

 

Như vậy, những bằng chứng nhận thức được quá những phương tiện kỹ thuật đã xác định có một nguồn gốc gen chung cho toàn thể loài người có nguồn gốc chung - được coi là từ Châu Phi - lan tỏa ra khắp thế giới. Nhưng vấn đề còn lại phải giải quyết là mốc thời gian của giả thuyết này.

Chúng ta xem lại các đoạn trích dẫn về mốc thời gian của giả thuyết này là:

 

Các hậu duệ của người đàn ông này đã men theo dãy Himalaya tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và cực nam Hoa Nam (cụ thể là Vân Nam và Quảng Tây, được các nhà nhân chủng học phân tử Trung Quốc xác định là nơi người hiện đại tới Trung Quốc đầu tiên) khoảng 30.000 năm trước11

 

 

Như vậy, dấu mốc thời gian sớm nhất cho giả thuyết này là 30. 000 năm cách ngày nay cho việc người cổ đại xuất hiện ở Đông Nam Á. Dấu mốc thời gian muộn nhất là 10. 000 năm.

Do đó, những vấn đề giả thuyết này cần giải thích lại là những bằng chứng trực quan khác, tiếp tục trình bày sau đây.

 

B/ Những mâu thuẫn về gốc thời gian cần giải thích cho giả thuyết nguồn gốc nhân loại từ Châu Phi.

1/

Theo nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Nature, mảnh xương được xác định thuộc về một người sống cách đây 45.000 năm, chắc chắn có liên quan đến cả người hiện đại và giống người Neanderthal đã tuyệt chủng. ADN của người này cho thấy, hai nhóm người lần đầu tiên đã giao phối với nhau cách đây khoảng 60.000 năm.

 

(T1- 9)

 

Các bức tranh trong hang động vẽ thú vật hoang dã, hình người và cả dấu tay người. Tiến sĩ Maxime Aubert thuộc ĐH Griffith cho biết hình các bàn tay trên tường đá có niên đại 39.900 năm. Hình một chú heo có niên đại ít nhất 35.400 năm.

 

(T1 - 8)

Nhưng phải đến cuối năm 2008, nhờ sử dụng kỹ thuật xác định thời gian Argon-Argon (so sánh sự khác biệt về đồng vị phóng xạ của nguyên tố Argon), các nhà nghiên cứu xác định được các công cụ lao động làm từ nham thạch được chôn trong hầm mộ có niên đại ít nhất khoảng 276.000 năm.

 

(T1 - 7)

Quí vị và anh chị em quan tâm thân mến.

Như vậy, các bạn đã thấy rằng: Với những chứng cứ về di truyền học và sự hình thành nền nông nghiệp lúa nước các nhà khoa học đã kết luận: Chủng Mongoloid hình thành ở vùng Đông Nam Á và di cư lên phía Bắc khoảng 10. 000 năm cách ngày nay, sẽ mâu thuẫn với những chứng cứ thời gian của các phát hiện khác liên quan cũng bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại.

SỬA ĐẾN ĐÂY

Đại chủng Á (Mongoloid) đi trc nhân loại trong những phát minh, thành tựu gì thời cổ-trung đại?

* Nói sơ qua về 4 đại chủng (chủng tộc lớn) trong nhân chủng học nhé:
800px-Europaeid_types.jpg
- Đại chủng Âu (Caucasoid/Europoid/Europid): sinh sống tại châu Âu, Bắc Phi, Đông Bắc Phi, Tây Nam Á, Trung Á, Nam Á, châu Mỹ, Australia và New Zealand.
Ảnh minh hoạ:
800px-Europaeid_types.jpg

- Đại chủng Á (Mongoloid): sinh sống tại Mông Cổ, Tây Tạng, Đông Á, Đông Nam Á, Siberia và thổ dân ở châu Mỹ.
Ảnh minh hoạ:
800px-Mongoloid_race_Huxley_1903_Encyclo

- Đại chủng Phi (Negroid/Congoid): sinh sống tại khu vực châu Phi hạ Sahara.
Ảnh minh hoạ:
707px-Negrid_types.jpg

- Đại chủng Úc (Australoid): sinh sống tại châu Đại Dương, là một số dân tộc, thổ dân ở Indonesia, Malaysia, Australia, New Guinea, Melanesia, quần đảo Andaman và tiểu lục địa Ấn Độ.
Ảnh minh hoạ:

 

Đại chủng Á (tiếng Anh: Mongoloid) là danh từ để chỉ một trong bốn đại chủng trong nhân chủng học. Đại chủng Á là những người sống ở Đông Á, quần đảo Indonesia cùng các quần đảo khác tại Ấn Độ Dương, và châu Mỹ. Người Hán (tiếng Anh: Han Chinese) là nhóm người lớn nhất thuộc đại chủng này, ngoài ra đại bộ phận dân cư vùng Trung Á và vùng Bắc cực như người Yakut, người Inuit, người Tây Tạng, và tất nhiên là người Mông Cổ nữa. Chiếm gần 40% dân số thế giới. Cách đây 2 vạn năm, vào cuối thời kì băng hà Đệ Tứ, mực nước biển trên thế giới thấp hơn so với hiện nay. Châu Á và Bắc Mĩ được nối với nhau bởi eo đất Bê-rinh. Vì thế, người Mongoloid dễ dàng di cư từ châu Á sang và trở thành cư dân bản địa châu Mỹ. Về sau, do băng tan, châu Á bị ngăn cách với châu Mĩ bởi eo biển Bê-rinh. Từ đó nhánh Mongoloit ở châu Mĩ bị tách biệt với nhánh Mongoloid ở Cựu lục địa

 

Nguồn Wikipedia

 

Tôi chưa bình luận gì về mặt thời gian - 10. 000 năm theo kết luận của các nhà khoa học sáng lập giả thuyết và những người ủng hộ - Nhưng chí ít thì có những dấu chứng không thể bác bỏ - theo cách nói của TS Đỗ Kiên Cường - cho thấy cách đây 10. 000 năm cách ngày nay, những cư dân đầu tiên của chủng Mongoloid, trong đó có người Việt cổ đã hình thành ở Đông Nam Á và tiếp tục di cư lên phía Bắc là Trung Quốc ngày nay.

Nhưng - chúng ta xem lại hình ảnh này, mô tả cội nguồn của chủng Mongoloid theo các nhà sáng lập giả thuyết cội nguồn nhân loại từ Phi Châu, ở giai đoạn khoảng hơn 7000 năm sau đó (Tức 700 năm TCN) - của quan điểm phủ nhận truyền thống văn hóa sử Việt, được "hầu hết những nhà khoa học trong nước" và "cộng đồng khoa học thế giới" thửa nhận:

 

IMG_2094_zpsf120dad0.jpg

 

 

Những bằng chứng cũng không thể bác bỏ, cho thấy ở Nam Dương tử đã có một nền văn minh cổ xưa, gọi là nền văn minh thứ V từ hơn 3000 năm BC. Điều này phù hợp với một phần nội dung của thuyết nguồn gốc loài người tiến hóa từ Châu Phi - Họ đã đến Đông Nam Á và tiến lên Nam Dương Tử - Còn trong hình minh họa của cuốn sách "Lược sử Việt Nam bằng tranh" này thì người Việt - cội nguồn của chủng Mongoloid vĩ đại chủ nhân của văn minh Đông phương huyền vĩ, - hơn 7000 năm sau đó, mới thành lập ra cái gọi là "nhà nước sơ khai" gồm "liên minh 15 bộ lạc" với những người dân "Ở trần đóng khố". Nhưng mỉa mai thay! Trong bức tranh minh họa của Nxb Kim Đồng, hiệu đính Dương Trung Quốc - thậm chí "không có cái khố" mà mang.

Chúng ta hãy đọc chú thích cái hình ảnh này - được "Hầu hết những nhà khoa học trong nước" và "Cộng động khoa học thế giới" ủng hộ - thì cách nay 700 năm BC Việt tộc với sự miêu tả như thế này thì làm sao tạo ra một thứ văn minh Nam Dương Tử đã có từ hàng ngàn năm trước BC?

Hay người ta sẽ giải thích rằng: Những người Mongoloid đầu tiên ở lại vùng đất Bắc Việt Nam này không tiếp tục tiến hóa để đến nỗi sau hơn 7000 năm vẫn "Ở trần đóng khố" và phải ngậm ngùi thành lập cái "liên minh 15 bộ lạc" vậy?

Những dấu chứng từ những bài viết tôi sưu tầm trong chủ đề này, cho thấy 6000 năm cách ngày nay, Nam Dương Tử đã có một nền văn minh rất phát triển  đó là bài "Mộ Rồng" - (T1 - 4 ) -. Tức là chỉ khoảng 4000 năm sau cuộc di cư từ Đông Nam Á (Trong đó có Việt Nam) lên Nam Dương Tử, Hay 2000 năm sau khi di cư từ Đông Nam Á.

Tất cả những người quan tâm đến văn minh Đông phương và biết chút ít về Phong thủy đều biết rằng: Phong thủy là một hệ quả chuyên ngành của học thuyết Âm Dương Ngũ hành. Những dấu ấn liên quan đến Phong thủy trong "Mộ Rồng" đã cho thấy học thuyết này phải có trước khi sự ứng dụng cụ thể của nó. Tức là phải có phải rất lâu. Không lẽ từ khi đặt chân đến vùng Đông Nam Á 10. 000 năm trước và chỉ là một cộng đồng sơ khai "ăn lông, ở lỗ" - một thời gian chưa định lượng để tiếp tục di cư lên nam Dương Tử - sau đó là 4000 năm (Tức 6000 năm cách ngày nay), người ta đã hoàn chỉnh học thuyết Âm Dương Ngũ hành và ứng dụng?

Nếu người ta chưa tin vào phương pháp tính niên đại của "Mộ Rồng" thì ngay cuốn Hoàng Đế Nội Kinh cũng xác định thuyết Âm Dương Ngũ Hành phải có trước 6000 năm cách ngày nay. Bởi vì lý luận của Đông y cũng chỉ là hệ quả của học thuyết này.

Cho đến nay, chính người Tàu cũng ngậm ngùi xác định: Thuyết Âm Dương Ngũ hành không phải của họ.

Không lẽ những người di cư khỏi Đông Nam Á (Trong đó có Việt Nam) tiến hóa nhanh như thế, còn những người ở lại thì hơn 7000 năm sau vẫn như thế này:

 

IMG_2094_zpsf120dad0.jpg

Hình trong cuốn" Lược sử Việt Nam bằng tranh". Nxb Kim Đồng 2012. Hiệu đính Dương Trung Quốc.

 

Vậy thì quan điểm phủ nhận cội nguồn Việt sử 5000 năm văn hiến và giả thuyết nguồn gốc Việt tộc có xuất xứ từ châu phi đến Đông Nam Á từ hàng 10. 000 năm trước, sau đó tiến lên phía Bắc, cái nào đúng? Hay cả hai đều sai?

Nếu sai thì chỉ có cái quan điểm của một đống tư duy giẻ rách sai trước tiên! Vì quan điểm nguồn gốc loài người có nguồn gốc Châu Phi "được cộng đồng khoa học thế giới công nhận" - nói theo cách nói của đám tư duy giẻ rách phủ nhận cội nguồn dân tộc.

Với sự mô tả của "Hầu hết những nhà khoa học trong nước" - phủ nhận  truyền thống văn hóa sử Việt trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huy hoàng ở miền Nam sông Dương tử - được cái gọi là "cộng đồng khoa học thế giới công nhận", qua "Lược sử Việt Nam bằng tranh" .Nxb Kim Đồng - Hiệu đính Dương Trung Quốc, với quan niệm người Việt chỉ xuất hiện thành một liên minh bộ lạc cách đây 2700 năm, mà tôi đã dẫn chứng ở trên, kết hợp với thuyết nguồn gốc loài người từ Châu Phi, thì chỉ còn cách giải thích như sau:

 

- Cộng đồng người có nguồn gốc từ Châu Phi đến Đông Nam Á 10. 000 năm trước.

- Một bộ phận ở lại và không tiến hóa suốt hơn 7000 năm, sau đó mới hình thành "liên minh 15 bộ lạc", như sự mô tả theo tranh này trong "Lược sử Việt Nam bằng tranh":

 

IMG_2094_zpsf120dad0.jpg

Hình trong cuốn "Lược sử Việt Nam bằng tranh". Nxb Kim Đồng 2012. Hiệu đính Dương Trung Quốc.

 

Nếu với cách lập luận này thì - chúng ta đều biết rằng: Nền văn minh Bắc Dương Tử đã phát triển rất hùng mạnh với các triều đại Ân Hạ, Thương, Chu từ 5000 năm cách ngày nay. Vậy thì với cái văn minh "ở trần đóng khố" của văn minh Việt được mô tả như trên ("Lược sử Việt Nam bằng tranh". Nxb Kim Đồng 2012. Hiệu đính Dương Trung Quốc) - 2700 năm cách ngày nay - chỉ có thể xác định rằng: Nó ảnh hưởng của văn minh phương Bắc và dòng người di cư từ phương Bắc tới.

Nhưng cái khốn nạn nó nằm ở chỗ: với lập luận này thì lại mâu thuẫn với chính thuyết nguồn gốc loài người từ Châu Phi. Quí vị xem lại đoạn sau đây:

 

Cần nhấn mạnh rằng, giả thuyết thiên di từ Hoa Nam được xem là có nền tảng vững chắc trên khía cạnh nhân chủng và khảo cổ. Về mặt nhân chủng, quan niệm truyền thống xem đại chủng Á có nguồn gốc phương Bắc, và sự thiên di xuống phía Nam góp phần tạo nên tiểu chủng Nam Á, trong đó có người Việt. Về mặt khảo cổ, bằng chứng thuần hóa lúa nước tại lưu vực sông Dương Tử 9.000 - 7.000 năm trước7 cho thấy, đây chính là nơi phát tán nông nghiệp, với các dòng thiên di liên tục xuống phía Nam. Bất cứ giả thuyết nào không phù hợp với các dòng thiên di tự nhiên này đều khó được chấp nhận. Do đó, để bác bỏ giả thuyết về nguồn gốc thiên di từ Hoa Nam của người Việt, cần bác bỏ các nền tảng nhân chủng và khảo cổ này.

 

(T1 - 1)

 

Và đây là những luận cứ bác bỏ:

1/

Để hiểu thêm về nguồn gốc người châu Á, tức đại chủng Mongoloid, cần nhấn mạnh nhóm đơn bội O3 (dấu gien M122), xuất hiện 10.000 năm trước tại cực nam Hoa Nam hoặc Đông Nam Á, trước khi Bắc tiến mạnh mẽ (nhóm đơn bội là nhóm người mang chung một dấu gien đặc trưng do đột biến di truyền, tức cùng chung một nhánh trong cây phả hệ di truyền). Hơn một nửa số đàn ông Trung Quốc mang dấu gien này, cho thấy sự Bắc tiến này là kết quả của sự lan tỏa kỹ thuật trồng lúa nước9, một điều dường như trái ngược với quan niệm truyền thống về quê hương lúa nước tại lưu vực sông Dương Tử (hình 2).

 

2/

Mười một năm sau, Tổ chức bộ gien người HUGO (Human Genome Organisation) đã công bố công trình mang tính bước ngoặt Vẽ bản đồ đa dạng di truyền người châu Á trên tạp chí Science danh tiếng ngày 11/12/2009. Nghiên cứu chi tiết trên 64.794 kiểu biến thiên hình thái gien của 1928 người thuộc 73 sắc dân khắp châu Á và 2 sắc dân ngoài châu Á (để so sánh), các nhà khoa học quốc tế của HUGO kết luận, hơn 90% thể đơn bội gien người Đông Á tìm thấy ở người Đông Nam Á hoặc người Nam Trung Á, và sự đa dạng giảm dần từ phía Nam lên phía Bắc. Ngoài ra, 50% thể đơn bội chỉ tìm thấy ở người Đông Nam Á và 5% chỉ tìm thấy ở người Nam Trung Á cho thấy, người Đông Nam Á là nguồn gốc chính của người Đông Á17.

 

Còn nhiều dẫn chứng khác từ ngay bài viết của TS Đỗ Kiên Cường - quý vị và anh chị em có thể tham khảo nguyên văn (T1 - 1).

Như vậy, với cách giải thích tổng hợp của thuyết loài người từ Châu Phi kết hợp với luận cứ phủ nhận truyền thống văn hóa sử Việt vẫn mâu thuẫn. Tất nhiên chỉ có một cái đúng , hoặc cả hai đều sai. Nhưng rõ ràng thuyết nguồn gốc loài người từ Châu Phi có những luận cứ chặt chẽ và chứng cứ không thể phủ nhận. Do đó, nó chỉ có thể cần bổ sung chứ không thể sai. Hay nói một cách khác:

Nhìn từ góc độ nào thì luận điểm phủ nhận lịch sử truyền thống Việt sử 5000 năm văn hiến cũng sai. Nhưng đám tư duy giẻ rách ấy vẫn khăng khăng phủ nhận cội nguồn Việt tộc một cách khá trơ tráo, trắng trợn.

Họ có mục đích gì vậy?

=====================

* Từ nay tôi sẽ viết tắt nguồn bài viết trích dẫn trong chuyên để này như sau, thí dụ: trích dẫn từ: (T1 - 1) ; Tức là Bài viết trang 1 (T1) và bài thứ 1 của trang này. Cho nên, thay vì viết: (Tất cả những đoạn trích này đều ở trong bài viết của TS Đỗ Kiên Cường'*'), tôi sẽ chỉ ghi: T1 -1.

 

BÀI CHƯA HOÀN CHỈNH

Thưa quý vị và anh chị em quan tâm.

Để thống nhất trong khái niệm thời gian liên quan đến bài viết và không làm xáo trộn mạch suy nghĩ chính, căn cứ vào bài viết và tư liệu của Tiến Sĩ Đỗ Kiên Cường và các bài viết liên quan, trong bài viết của tôi sẽ hạn chế mốc thời gian thường dùng là trước, hoặc sau Công Nguyên. Tôi sẽ sửa lại bài viết theo hướng này.

4 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thưa quý vị và anh chị em quan tâm.

Vì bệnh chưa khỏi hẳn, có nhiều nguy cơ biến chứng phức tạp. Tôi phải đi dưỡng bệnh một thời gian ngắn, có thể không lên mạng. Rất mong quý vị và anh chị em chia sẻ vì sự gián đoạn này. Bài viết sẽ còn dài, nhưng sẽ không quá dài với những dẫn chứng, phân tích lùng bùng để mọi người cảm thấy rối, như kiểu thể hiện của nhà nghiên  cứu Tạ Đức.

Về mặt phong thủy Huyền Không Lạc Việt. Nhà tôi hướng Càn, tôi mạng Càn. Năm nay Ngũ Hoàng Đô Thiên Sát chiếu cung Càn. Nhị Hắc nhập trung. Nên bệnh gia chủ Càn là không tránh khỏi. Khả năng của tôi chỉ hạn chế phát tác nặng, chứ không tránh khỏi với các tương tác từ vũ trụ.

Tuy nhiên tôi có thể tóm tắt những ý chính cho đề tài này, mà tôi đang và sẽ trình bày như sau:

 * Giả thuyết nguồn gốc loài người có gốc Châu Phi với tất cả những phát hiện về gen có thể giải thích bằng một giả thuyết khác. Giả thuyết mới không phủ nhận những nhận thức trực quan chuyên ngành Di truyền học đã nhận thức được qua phương tiện kỹ thuật. Sự phát triển của lịch sử loài người với những chứng cứ khách quan cần giải thích dẫn đến phải có một giả thuyết khác bao trùm lên giả thuyết này.

* Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huyền vĩ ở bờ Nam sông Dương Tử với những chứng cứ không thể bác bỏ. Và dù với bất cứ một hệ quy chiếu nào (Kể cả giả thuyết này), nhân danh bất cứ một cái gì thì Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, cội nguồn của văn minh Đông phương, vẫn cứ là chân lý cuối cùng và thuyết ADNh chính là lý thuyết thống nhất.

Còn ai sẽ là người ứng dụng lý thuyết thống nhất thì vấn đề này hy vọng mọi người sẽ tự suy ngẫm và chia sẻ.

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bí ẩn về lò phản ứng hạt nhân "thời tiền sử"

 

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên phát điện trên thế giới được sản sinh ở Anh, tuy nhiên, thực tế thì hệ thống phát điện sử dụng phản ứng hạt nhân thì đã được người Nga xây dựng từ năm 1954. Tuy nhiên, ngay cả hai lò phản ứng này cũng chưa phải là lò phản ứng hạt nhân “cổ xưa” nhất trên Trái đất.
 
20111125090744_oklo.jpg
Lò phản ứng hạt nhân thời tiền sử được tìm thấy ở Oklo.
 

Vào tháng 6/1972, khi quặng uranium từ Oklo được chuyển về nhà máy của Pháp. Sau khi tiến hành các phép kiểm tra, các nhà khoa học Pháp đã phát hiện ra rằng hàm lượng uranium 235 (một loại nhiên liệu của lò phản hạt nhân) trong số quặng từ Oklo chuyển về rất thấp, thậm chí không tới 0,3%. Trong khi đó, hàm lượng uranium 235 trong quặng uranium thông thường đạt 0,711%. Hiện tượng kỳ lạ này khiến các nhà khoa học Pháp đặc biệt quan tâm và họ đã dùng rất nhiều cách khác nhau để tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao hàm lượng uranium 235 trong quặng từ Oklo chuyển về lại thấp như vậy.

Sau một thời gian nghiên cứu và thảo luận, cuối cùng các nhà khoa học đã kinh ngạc phát hiện ra rằng, hóa ra nguyên nhân khiến hàm lượng uranium 235 trong quặng ở Oklo thấp là vì nó đã bị đốt, nghĩa là đã qua sử dụng. Đây là phát hiện làm chấn động giới khoa học lúc bấy giờ. Rất nhiều người đã lặn lội tới tận Oklo để tìm chân tướng sự thực.

Sau một thời gian dài nỗ lực tìm hiểu, các nhà khoa học khẳng định tại Oklo có một lò phản ứng hạt nhân từ thời cổ xưa.

Lò phản ứng hạt nhân này gồm16 khu vực với khoảng 500 tấn quặng uranium tạo thành. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, mỏ uranium ở Oklo được hình thành vào khoảng 2 tỷ năm trước. Lò phản ứng hạt nhân cổ xưa này bắt đầu “vận hành” vào khoảng 500 ngàn năm trước.

Với một lò phản ứng được bảo tồn nguyên vẹn, thiết kế khoa học, kết cấu hợp lý với tuổi thọ 2 tỷ năm, các nhà khoa học cực kỳ băn khoăn. Bởi lẽ lò phản ứng này do ai thiết kế, xây dựng? Câu hỏi này cho tới nay vẫn là một câu đố đầy thách thức với giới khoa học.

Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng, đây là một lò phản ứng hạt nhân tự nhiên?

Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng, nó không thể là sản phẩm của tự nhiên được. Bởi lẽ, theo họ tự nhiên không thể thỏa mãn được điều kiện kỹ thuật vô cùng nghiêm ngặt của các phản ứng dây chuyền trong sản xuất điện hạt nhân.

Tới năm 2006, các nhà khoa học một lần nữa khẳng định rằng, từ 2 tỷ năm trước đã có một lò phản ứng cỡ lớn hoạt động, phát ra năng lượng một cách an toàn, ổn định tới hàng trăm ngàn năm sau mà vẫn không xảy ra một vụ nổ hủy diệt nào. Theo họ, với trình độ kỹ thuật của con người hiện nay vẫn chưa thể làm được điều đó.

 

20111125090744_oklo2.jpg
Vị trí của Oklo trên bản đồ.
 

Theo kiến thức hiện đại thì vào 2 tỷ năm trước trên trái đất chỉ có các loài tảo, con người vẫn chưa xuất hiện. Cho tới thời kỳ đầu của kỷ đệ tứ, Đại Tân sinh (khoảng hơn 3 triệu năm trước) mới xuất hiện vượn người đầu tiên. Do đó, có thể khẳng định rằng, lò phản ứng hạt nhân ở Oklo tuyệt đối không phải sản phẩm của nhân loại. Nếu theo cách suy luận này thì liệu đây có phải là chứng cứ của người ngoài hành tinh? Hay là một kiệt tác của một nền văn minh thời tiền sử mà con người chưa từng biết tới.

Nhiều nhà khoa học đưa ra giả thiết vô cùng "lãng mạn" rằng, vào 2 tỷ năm trước, người ngoài hành tinh đã dùng một chiếc phi thuyền sử dụng động cơ nguyên tử tới Trái đất. Những người ngoài hành tinh này đã xây dựng một lò phản ứng hạt nhân tại Oklo để có năng lượng cung cấp cho hoạt động của họ trên Trái đất. Sau đó, họ rời khỏi Trái đất và để lại lò phản ứng hạt nhân cổ xưa ở Oklo.

Cũng có người cho rằng, đó không phải là sản phẩm của người ngoài hành tinh mà là một kiệt tác của những nền văn minh cổ xưa mà con người chưa từng biết tới. Theo họ, vào 2 tỷ năm trước, xã hội loài người đã phát triển tới mức độ rất cao. Tuy nhiên, do luôn cạnh tranh và thù địch lẫn nhau nên đã nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Loài người bị hủy diệt nhưng vẫn để lại những dấu vết rất nhỏ và lò phản ứng hạt nhân ở Oklo chính là một trong những dấu vết ấy.

Bên cạnh giả thiết táo bạo trên, khoa học còn có những giải thích khác.

Nam Phong

http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/49888/bi-an-ve-lo-phan-ung-hat-nhan--thoi-tien-su-.html

Share this post


Link to post
Share on other sites
 

Hộp Sọ Người Làm Hoài Nghi Lý Thuyết về Nguồn Gốc Loài Người

 

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn và thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Tùy bạn quyết định!

 

1280px-Petralona_skull_covered_by_stalag

Hộp sọ Petralona được phát hiện bởi một người chăn cừu ở hang động Petralona, Hy Lạp. (Wikimedia Commons)

 

 

Một phát hiện về hộp sọ người có khả năng làm thay đổi hiểu biết về sự tiến hóa của loài người và sự ngăn chặn, giấu giếm thông tin sau khi phát hiện hộp sọ này.

Vào năm 1959, tại vùng Chalkidiki thuộc Petralona, phía Bắc Hy Lạp, một người chăn cừu tình cờ phát hiện một hang động lộ ra sau khi tuyết tan. Ông ta huy động dân làng giúp ông phá cửa động. Họ phát hiện ra hang động bao phủ bởi thạch nhũ và măng đá, cùng một hộp sọ người được gắn vào tường (sau này người ta còn phát hiện ra một lượng lớn cổ vật hóa thạch bao gồm các loài động vật trước con người, lông động vật, gỗ, công cụ bằng đá và xương đã hóa thạch).

Hộp sọ người đã được Chủ tịch Cộng đồng Petralona chuyển đến cho Trường Đại học Thessaloniki ở Hy Lạp. Cam kết giữa hai bên trong việc chuyển giao này là sau khi hoàn thành việc nghiên cứu, sẽ mở một bảo tàng giới thiệu những cổ vật mới phát hiện từ hang động Petralona này và hộp sọ người sẽ được trưng bày ở trong viện bảo tàng – thế nhưng điều này đã không xảy ra.

 

1121px-Petralona1-resize.jpg

Hộp sọ người Petralona được trưng bày tại Viện Bảo tàng Khảo cổ học Thessaloniki. (Wikimedia Commons).

 

Giáo sư Aris Poulianos, thành viên của tổ chức IUAES (Hiệp hội Khoa học Quốc tế Về nhân loại học và Dân tộc học) của UNESCO, là nhà sáng lập của Hiệp hội Nhân loại học của Hy Lạp, một chuyên gia nhân loại học, người đã làm việc tại Trường Đại học Moscow vào thời điểm đó, ông đã được Thủ tướng Hy Lạp mời quay trở lại Hy Lạp để giữ vị trí trong Hội đồng Các trường Đại học ở Athens. Lý do là ông đã xuất bản cuốn sách của ông có tên “Nguồn gốc của người Hy Lạp”, trong đó đã cung cấp những thông tin nghiên cứu hữu ích, chỉ ra rằng người Hy Lạp không phải bắt nguồn từ các dân tộc Slavic mà thực sự có nguồn gốc từ đất nước Hy Lạp. Sau khi trở lại Hy Lạp, Giáo sư Poulianos đã chú ý đến hộp sọ người tại Petralona và ngay lập tức bắt đầu nghiên cứu hang động Petralona và hộp sọ người này.

 

petralona-cave-main-2.jpg

 

‘Người đàn ông Petralona’ hay được gọi là người cổ đại của vùng Petralona, có độ tuổi là 700.000 năm, trở thành người Châu Âu nhiều tuổi nhất từ trước đến nay. Nghiên cứu của Giáo sư Poulianos cho thấy người đàn ông Petralona là loài người tiến hóa độc lập ở Châu Âu và không phải là tổ tiên của loài người từ Châu Phi.

Vào năm 1964, các nhà nghiên cứu độc lập người Đức Breitinger và Sickenberg đã cố gắng bỏ qua các phát hiện của Giáo sư Poulianos, với lý giải là hộp sọ này chỉ khoảng 50.000 năm tuổi và thực chất là tổ tiên đến từ Châu Phi. Tuy nhiên, các nghiên cứu được công bố vào năm 1971 ở Mỹ trên tạp chí Khảo cổ học danh tiếng đã xác nhận lại những phát hiện trước kia, đó là hộp sọ này đúng là 700.000 năm tuổi. Việc này được đưa ra dựa trên một phân tích về địa tầng học và các trầm tích của hang động nơi hộp sọ được gắn vào. Những nghiên cứu sâu hơn trong hang động đã phát hiện ra những chiếc răng rời nhau và hai bộ xương người từ 800.000 năm trước cũng như là các mảnh hóa thạch của nhiều loài khác nhau.

Ngày nay, hầu hết các nhà học thuật, những người đã phân tích di vật ở Petralona cho biết ‘Người đàn ông Petralona’ thuộc về loài vượn người cổ khác biệt với loài Homo erectus lẫn loài Neantherthal và loài người với mô hình giải phẫu hiện đại, nhưng lại thể hiện đặc điểm của người Châu Âu. Hộp sọ 700.000 năm tuổi này cũng không thuộc họ Homo sapien hay một nhánh của Homo sapien. Điều này trái ngược với lý thuyết nguồn gốc Châu Phi về sự tiến hóa của loài người.

Khai quật thêm các khu vực trong động ở Petralona với sự tham gia của các nhà nghiên cứu quốc tế (46 chuyên gia từ 12 nước khác nhau) đã cung cấp thêm các bằng chứng như Giáo sư Poulianos đã đưa ra, bao gồm một số những phát hiện đặc biệt như các miếng gỗ hóa thạch, lá sồi hóa thạch, lông động vật hóa thạch, phân hóa thạch, những hiện vật này có thể xác định được chính xác năm tuổi cũng như là hầu hết những công cụ bằng đá và bằng xương của thời kỳ tiến hóa của người cổ đại Archanthropus, từ các tầng thấp hơn (750.000 năm) tới tầng cao hơn (550.000 năm) của các trầm tích bên trong động này.

Cuộc nghiên cứu này gián đoạn vì chế độ độc tài ở Hy Lạp, và mãi tận năm 1983 mới được tiếp nối. Sau đó chính phủ đã cấm các hoạt động khai quật tại địa điểm này trên tất cả mọi đối tượng, bao gồm nhà khảo cổ học và trong vòng 15 năm, không ai được tiếp cận đến địa điểm này hay tiếp cận tới các cổ vật đã được phát hiện ở vùng này, cho dù chính phủ không đưa ra lý do gì giải thích việc cấm đoán này. Có phải việc cấm cản này nhằm mục đích ngăn chặn phát tán những kết luận khoa học bị che giấu trong những di vật hóa thạch lạ thường ẩn sâu trong các lớp tường đá của các hang động này?

Sau khi Tổ chức Cộng đồng Ngành nhân loại học của Hy Lạp đưa sự việc này lên tòa án, 15 năm sau họ đã được cho phép tiếp cận lại hang động. Từ đó trở đi Bộ Văn hóa đang cố gắng bằng mọi cách để chiến thắng quyết định của tòa án và tiếp tục đào sâu nghiên cứu.

Những phát hiện của Giáo sư Poulianos trái ngược với cách nhìn nhận thông thường về sự tiến hóa của loài người và nghiên cứu của ông đã bị cấm. Giáo sư Poulianos và vợ ông đã bị tấn công tại nhà và bị thương vào năm 2012, người ta không phát hiện ra thủ phạm của vụ tấn công này. Ông và đồng nghiệp của ông đã bị từ chối, không cho phép tiếp cận vào hang động này để hoàn thành nốt phần nghiên cứu của họ và hiện giờ cũng không ai biết nơi để những họp sọ đó.

Hiện nay, các thông tin xung quanh hang động ở Petralona cho thấy hộp sọ được phát hiện có độ tuổi vào khoảng 300.000 năm. Tại trang thông tin Wikipedia ngày nay, bạn có thể tìm thấy những bài viết tham khảo thiếu chứng cứ và cố gắng để xác định tuổi của họp sọ Petralona này chỉ nằm trong giới hạn từ 160.000 đến 240.000 năm tuổi.

Gần đây, Giáo sư C.G.Nicholas Mascie Taylor của Trường Đại học Cambridge đã gửi một bức thư tới Bộ Văn hóa của Hy Lạp, nói rằng tuổi chính xác của họp sọ là 700.000 năm tuổi chứ không phải là 300.000 năm tuổi. Ông ấy cũng đặt nghi vấn về việc chính phủ cấm thông tin liên quan đến phát hiện đáng kinh ngạc này.

Tái bản với sự cho phép của Ancient Origins.

Đọc bài gốc tại đậy.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cảm ơn Việt Hà đã bổ sung những tư liệu có thể minh chứng cho những luận điểm của của tôi (Chưa chứng minh xong), khi tôi đã xác định:


Tuy nhiên tôi có thể tóm tắt những ý chính cho đề tài này, mà tôi đang và sẽ trình bày như sau:
 * Giả thuyết nguồn gốc loài người có gốc Châu Phi với tất cả những phát hiện về gen có thể giải thích bằng một giả thuyết khác. Giả thuyết mới không phủ nhận những nhận thức trực quan chuyên ngành Di truyền học đã nhận thức được qua phương tiện kỹ thuật. Sự phát triển của lịch sử loài người với những chứng cứ khách quan cần giải thích dẫn đến phải có một giả thuyết khác bao trùm lên giả thuyết này.

 

* Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huyền vĩ ở bờ Nam sông Dương Tử với những chứng cứ không thể bác bỏ. Và dù với bất cứ một hệ quy chiếu nào (Kể cả giả thuyết này), nhân danh bất cứ một cái gì thì Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, cội nguồn của văn minh Đông phương, vẫn cứ là chân lý cuối cùng và thuyết ADNh chính là lý thuyết thống nhất.

 

 

 

Khi sức khỏe ổn định, tôi sẽ viết tiếp đề tài này.

 

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cháu chào chú Thiên Sứ !

- Sức khoẻ chú không tốt ah. Chú cho cháu email cháu gửi cho chú 3 quyển sách khi chú đọc xong nếu ngộ ra được thì chú sẽ khoẻ ngay. Điều này đã được chứng nghiệm của hơn 100 triệu người rồi. Chỉ cần đọc không thôi đã có tác dụng rất lớn cho sức khoẻ.

Đó là khoa học siêu thường . Không thể dùng khoa học hiện tại của nhân loại để đo lường và đánh giá được.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cháu chào chú Thiên Sứ !

- Sức khoẻ chú không tốt ah. Chú cho cháu email cháu gửi cho chú 3 quyển sách khi chú đọc xong nếu ngộ ra được thì chú sẽ khoẻ ngay. Điều này đã được chứng nghiệm của hơn 100 triệu người rồi. Chỉ cần đọc không thôi đã có tác dụng rất lớn cho sức khoẻ.

Đó là khoa học siêu thường . Không thể dùng khoa học hiện tại của nhân loại để đo lường và đánh giá được.

 

Cảm ơn Việt Hà đã quan tâm.

Bản thân tôi rất thích xem sách từ nhỏ. Tôi sẽ liên hệ với Việt Hà để xin sách.

Còn về nền tảng tri thức của nền văn minh hiện đại này thì quá kém về nhiều mặt, tôi đã nhận thấy điều này, sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và so sánh với Lý học Đông phương.

Tôi vẫn đang tiếp tục viết đề tài này  - Bài viết chưa hoàn chỉnh - trong bài T1 - 11. Nhưng tốc độ rất chậm vì sức khỏe.

 

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites
Thưa quý vị và anh chị em.
Vì lý do sức khỏe và nhiều nguyên nhân khách quan, khiến tốc độ viết của tôi trong đề tài này chậm và khó thực hiện. Bởi vậy, có thể tôi ngưng viết tiếp với thời hạn không định lượng. Nhưng để đáp ứng thịnh tình của quý vị và anh chị em quan tâm, tôi mô tả những nét căn bản có tính xâu chuỗi và thuận tự trong phương pháp lập luận của tôi, là:
 
1/ Căn cứ vào chuẩn mực để đối chiếu và thẩm định tính chân lý của một lý thuyết nhân danh khoa học được coi là đúng sẽ phải thỏa mãn tiêu chí khoa học cho một lý thuyết khoa học. Tiêu chí căn bản này phát biểu rằng:
Một giả thuyết khoa học được coi là đúng phải giải thích một cách hợp lý hầu hết những vấn đề liên quan đến nó, có tính hệ thống, tính nhất quán, hoàn chỉnh, tính khách quan, tính quy luật và khả năng tiên tri.

 

 

 
2/ Trên cơ sở này thì thuyết nguồn gốc loài người xuất phát từ châu Phi không thỏa mãn những hiện tượng khách quan - được nhân thức trực quan - về những sự kiện có tính thời gian liên quan đến nó. Hay nói một cách khác: Lý thuyết này bị mâu thuẫn - tức không giải thích được một cách hợp lý những vấn đề liên quan đến những hiện tượng trong lịch sử phát triển của loài người về tính thời gian. Thí dụ như ngay thông tin mới nhất trên Thanh Niên Online ngày 2 . 1. 2015, dưới đây (Thành tựu thứ 8):
 
 
[infographic] 10 thành tựu khoa học ấn tượng năm 2014
02/01/2015 08:15
 

(TNO) Năm 2014 ghi nhận nhiều phát minh khoa học ấn tượng, có ý nghĩa to lớn đối với sự vận động và phát triển của xã hội. Dưới đây là 10 thành tựu khoa học nổi bật trong năm qua do tạp chí Khoa học, thuộc Hiệp hội Khoa học Mỹ bầu chọn.

 

10-science_jhfk.jpg?width=500

Phước Huy - Huỳnh Mai - Thu Thảo

 

 

Chưa hết, những tư liệu khác mà tôi đưa lên ngay trong đề tài này, cũng thể hiện sự mâu thuẫn về tính thời gian của học thuyết này trong lịch sử hình thành loài người:

Đó là các tư liệu: TI - 7; TI - 8; TI - 14 (Do Việt Hà cung cấp) và tư liệu mới nhất ngay trong bài này trên Thanh Niên Online..Chưa hết, trong bài viết về Chiêm tinh học của Hoàng Triều Hải, ngay trên diễn đàn này, đã thể hiện Âm lịch có từ 25. 000 năm trước:

 

Khảo cổ học đã phát hiện đươc bằng chứng sớm nhất của Chiêm tinh học trên các vách đá trong hang động hoặc trên xương động vật. Nó cho thấy lịch mặt Trăng (Âm lịch) được ghi chép từ khoảng 25000 năm  trước, bước đầu ghi nhận từ hiện tượng ảnh hưởng của mặt Trăng tới thủy triều lên xuống, ảnh hương tới dòng sông và nó hướng tới hình thành Lịch cho cộng đồng.

 

 

Được trích dẫn từ nguồn wikipedia (http://en.wikipedia....y#Early_origins)

 

 

"Early origins[edit]

Astrology, in its broadest sense, is the search for human meaning in the sky. It has been argued that astrology began as a study as soon as human beings made conscious attempts to measure, record, and predict seasonal changes by reference to astronomical cycles.[4]

Early evidence of such practices appears as markings on bones and cave walls, which show that lunar cycles were being noted as early as 25,000 years ago; the first step towards recording the Moon’s influence upon tides and rivers, and towards organizing a communal calendar.[5

 

 

Trong khi đó thì thuyết "nguồn gốc loài người từ Châu Phi" cho rằng: Người tiền sử xuất hiện cách đây 40. 000 năm ở châu Phi và đến Đông Nam Á cách đây 10. 000 năm.

Thời gian 10. 000 năm của lý thuyết này mâu thuẫn với thực tế nhận thức được - không có tính hợp lý phù hợp với tiêu chí khoa học - về tính thời gian của các hiện tượng trên.

Ngoài tính thời gian nói trên thì lý thuyết này còn cần giải thích nhiều hiện tượng khác về các Đại chủng da vàng, da trắng, da đỏ...và những tiểu chủng là các dân tộc và lịch sử của những dân tộc xuất hiện trong các Đại chủng chủng nói trên.

 

3/ Từ đó dẫn đến kết luận của tôi là: Lý thuyết này chưa hoàn chỉnh và còn thể hiện tính bất hợp lý - là một thành tồ cần trong tiêu chí khoa học để thẩm định một lý thuyết khoa học - về mặt thời gian hình thành lịch sử loài người. Nó cần phải hiệu chỉnh và bổ sung.

 

4/ Từ kết luận này đến các vấn đề liên quan đến lịch sử cổ đại nguồn gốc Việt và các dân tộc liên quan ở Đông Á và Đông Nam Á phải xem xét lại khi dẫn từ lý thuyết này. Trong đó có nguồn gốc Việt sử. Nhưng dù với góc độ nào thì sự phủ nhận Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương Tử của "hầu hết những nhà khoa học trong nước" và "cộng đồng khoa học thế giới" vẫn sai.

*

 

Xin chân thành cáo lỗi do sự không hoàn tất chi tiết bài viết đang dang dở và tính tóm lược của luận điểm của tôi trong bài này. Tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục bổ sung khi điều kiện cho phép gồm cả khách quan và chủ quan.

Nhưng với bài viết mang tính tóm lược này, quý vị và anh chị em có thể thắc mắc, phản biện và tranh luận. Tuy nhiên tôi cũng lưu ý quý vị và anh chị em là: Tôi chỉ phủ nhận tính thời gian trong lý thuyết "nguồn gốc loài người từ châu Phi" và cho rằng cần phải bổ sung thêm từ tính di truyền của lý thuyết này liên quan đến sự hình thành những Đại chủng thể hiện ở màu da.

3 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Trong một bài giảng năm 1977, Greenberg cho rằng, ông tìm thấy một từ có thể là tiếng vọng của tiếng mẹ đẻ ban đầu từ 50.000 năm trước của cả loài người. Đó là nhóm các từ đồng âm dựa trên tập các ý tưởng một/ngón tay/chỉ và được dẫn xuất từ gốc *tik (dấu * ứng với tiền tố). Greenberg nói rằng, ông tìm thấy các đồng âm của *tik ít nhất trong một ngôn ngữ của mọi ngữ hệ trong cách phân loại của ông.

Chẳng hạn trong siêu ngữ hệ Á - Âu (theo phân loại của Greenberg), các từ kiểu *tik trải từ digital trong tiếng Anh và daktulos trong tiếng Hy Lạp cho tới tiqik trong tiếng Eskimo. Chúng đều có nghĩa là “ngón trỏ”. Trong ngữ hệ Nile - Sahara, nhiều ngôn ngữ có cấu trúc t-k để chỉ từ “một”. Trong các ngôn ngữ Amerind của thổ dân châu Mỹ, cũng có nhiều từ cấu trúc kiểu “tik” để chỉ “ngón tay” hay “một mình”. Vậy trong ngữ hệ Nam Á có cấu trúc nguyên thủy đó hay không? Câu trả lời là có: tiếng Khmer có từ “tai” để chỉ “bàn tay”; còn trong tiếng Việt thì đó chính là “tay”!

Và như vậy theo nhà ngôn ngữ mà tài năng được đánh giá là dị thường, tiếng Việt có thể là một trong những ngôn ngữ cổ nhất phía Đông lục địa Á - Âu, khi còn giữ được những vang vọng mơ hồ của tiếng nói chung của cả loài người từ 50.000 năm trước?

 

(TI - 1)

Có một từ cho đến tận bây giờ cho hầu hết những ngôn ngữ phổ biến của nhân loại đều có điểm tương đồng. Đó là từ gọi "mẹ". Hầu những ngôn ngữ phổ biến của nhân loại đều gọi mẹ bắt đầu bằng vần "M". Có lẽ đây là từ cổ nhất mà nhân loại còn giữ được chưa bị biến thái. Tiếng Việt có nhiều từ gọi "Mẹ" phong phú nhất, có sự phát âm tương đồng với các dân tộc khác.

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thưa quý vị và anh chị em quan tâm.

Tôi xin trình bày tiếp về những mâu thuẫn có tính thời gian của giả thuyết khoa học "nguồn gốc loài người từ Châu Phi" là:

Do những mâu thuẫn về tính thời gian của giả thuyết này, là: Sự xuất hiện của gen nguồn gốc người cổ đại  lâu nhất xấp xỉ 40.000 năm, sẽ mâu thuẫn với những thực tế của các vấn đề liên quan là sự xuất hiện của những bức tranh tại các hang động cổ ở Indo là 40. 000 năm (TI - 18) và của TI  - 14 là 700.000 năm, của TI - 9 là 100. 000 năm; của TI - 7 là 276.000 năm.  Như vậy chỉ riêng về dấu ấn thời gian của giả thuyết này đã xuất hiện những mâu thuẫn cần giải thích. Tất nhiên, để có tính hợp lý trong việc giải thích những mâu thuẫn về thời gian này thì chủng người cổ đại có tính nguồn gốc của nhân loại theo giả thuyết này phải nâng thời gian xuất hiện và di cư lên hàng trăm ngàn năm trước nữa.  Hay nói một cách khác: Có vấn đề trong phương pháp xác định thời gian trong ngành di truyền học và các ngành liên quan. Sự mâu thuận về vấn đề thời gian khả năng do tính thiếu sự nhất quán, hoàn chỉnh và tính hệ thống trong phương pháp xác định thời gian, nên đã tạo ra tình bất hợp lý giữa các hiện tượng. Đây là những chuẩn mực trong tiêu chí khoa học mà tôi đã trình bày ở trên để thẩm định bản chất khoa học của một giả thuyết khoa học. Tôi không xác định thuyết "nguồn gốc loài người từ châu Phi" sai. Nhưng chắc chắn nó cần hiệu chỉnh và bổ sung.

Nhưng đấy mới chỉ là sự mâu thuẫn về các vấn đề liên quan đến thời gian. Vấn đề lớn nữa cần một sự giải thích là sự hiện hữu những đại chủng da đỏ, da đen, da vàng, da trắng...vv.

 

Nói tóm lại:

Từ những bằng chứng trực quan được xác định qua phương tiện kỹ thuật, về dấu ấn gen di truyền của người cổ đại, có đầu tiên ở Châu Phi, cho đến những dấu ấn của gen này trên khắp thế giới - Những nhà nghiên cứu đã sáng lập giả thuyết "nguồn gốc loài người từ Châu Phi".

Nhưng từ những chứng cứ trực quan, người ta có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau, nó có thể đúng và có thể sai. Giả thuyết "Nguồn gốc loài người từ Châu Phi" là một cách giải thích và nó là một giả thuyết nhân danh khoa học. Nhưng khi nó trở thành một hệ thống những luận cứ và trở thành một giả thuyết khoa học thì - để thẩm định một giả thuyết khoa học được coi là đúng trong những giả thuyết được đặt ra trên cơ sở nhận thức trực quan thì phải có chuẩn mực thẩm định. Đó là tiêu chí khoa học cho một giả thuyết khoa học được coi là đúng.
Đến đây thì quý vị và anh chị em quan tâm có thể hiểu được vì sao tôi dùng tiêu chí khoa học để thầm định thuyết ADNh nhân danh nền văn hiến Việt. Nó được coi là đúng vì hoàn toàn phù hợp với tiêu chí khoa học cho mọi vấn đề liên quan đến nó. Bởi vì nó là một lý thuyết - Lý thuyết thống nhất vũ trụ - khi nó giải thích từ sự khởi nguyên vũ trụ cho đến sự vận động của các thiên hà khổng lồ và mọi vấn đề liên quan đến con người với khả năng tiên tri - nhân danh nền văn hiến Việt.

Ngay cả với việc thẩm định giả thuyết "Nguồn gốc loài người từ Châu Phi", tôi cũng ứng dụng tiêu chí khoa học cho một lý thuyết, hoặc một giả thuyết khoa học được coi là đúng để thẩm định. Mặc dù tôi không phải là nhà nghiên cứu chuyên môn về ngành di truyền học.

 

 

 

Và dù vấn đề sẽ như thế nào với giả thuyết khoa học "nguồn gốc loài người từ Phi Châu" thì sự phủ nhận cội nguồn Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến vẫn sai.

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Quý vị và anh chị em quan tâm thân mến.

Bài viết dưới đây là một ví dụ nữa về sự mâu thuẫn về thời gian giữa giả thuyết loài người có nguồn gốc từ Châu Phi" và  dấu ấn thời gian lâu hơn cho sự xuất hiện của loài người trên thế giới:

Con người dùng lửa từ 350.000 năm trước

Thứ ba, 16/12/2014 | 11:21 GMT+7

Nghiên cứu mới tại một hang động cổ ở Israel cho thấy bằng chứng con người bắt đầu nắm vững cách sử dụng lửa từ cách đây khoảng 350.000 năm.
Study-humans-first-began-using-4287-9871

Hang động và lửa là hai trong số các yếu tố quan trọng trong đời sống của con người thời kỳ đầu. Ảnh: VasGian/CC

 

Nhóm chuyên gia thuộc Đại học Haifa đưa ra kết luận về việc sử dụng lửa của loài người sau quá trình nghiên cứu trong hang động Tabun của Israel. Theo họ, điểm độc đáo của hang động này là nó đã được con người sử dụng liên tục trong hơn 500.000 năm. "Chúng tôi có thể từng bước xác định quá trình sử dụng lửa đã thay đổi như thế nào trong hang động này", nhà nghiên cứu Ron Shimelmitz nói.

Bằng cách kiểm tra các lớp đá lửa trong hang động, họ xác định dấu hiệu cho thấy bắt đầu từ cách đây 350.000 năm, loại đá này mới tiếp xúc thường xuyên với lửa.

Theo UPI, phát hiện mới góp phần khẳng định kết quả khảo sát các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên thuộc Đại học Colorado, Mỹ, thực hiện năm 2011. Họ cho rằng con người bắt đầu dùng lửa từ cách đây khoảng 300.000 - 400.000 năm.

Tuy nhiên, Shimelmitz cùng đồng nghiệp cho biết kết quả này không chắc sẽ là cái kết cho chủ đề tranh luận trong nhiều năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng lửa và khả năng nấu ăn là yếu tố dẫn đến cấu trúc răng nhỏ, đường ruột có kích thước thu gọn và bộ não lớn hơn của con người, các đặc điểm có từ khoảng hai triệu năm trước.

Giới khảo cổ, chuyên gia lịch sử và sinh học tiến hóa từ lâu đã tìm hiểu sự phát triển của con người qua các cột mốc như chế tạo công cụ, dùng lửa, canh tác nông nghiệp hay viết lách. Tuy nhiên, việc xác định thời gian của những cột mốc đó là nhiệm vụ không hề đơn giản, đặc biệt là thời điểm con người sử dụng lửa thường xuyên.

Nghiên cứu mới nhất về việc sử dụng lửa được đăng hôm qua trên tạp chí về Sự tiến hóa của loài người. 

Linh Anh

Nguồn: Vnexpress

Share this post


Link to post
Share on other sites
Trong khi đó thì thuyết "nguồn gốc loài người từ Châu Phi" cho rằng: Người tiền sử xuất hiện cách đây 40. 000 năm ở châu Phi và đến Đông Nam Á cách đây 10. 000 năm.

 

Anh Thiên Sứ thân mến!

Có lẽ anh nên cập nhật lại lý thuyết này. Các số liệu và nội dung của nó đã khác xưa rất xa.

Kính anh!

 

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cảm ơn anh Votruoc nhiều.

Đề tài này bắt đầu từ bài viết của ông Đỗ Kiên Cường và tôi đưa lên là do một thắc mắc của một nhà khoa học Việt kiều ở Hoa Kỳ đặt vấn đề về cội nguồn Việt sử qua bài viết đó với những nội dung của nó..

Do đó, tôi tin rằng: Nếu tôi cập nhật thì nội dung của những số liệu mới nhất sẽ phải như tôi xác định: Thời gian lùi về trước rất xa. Khi nó đã như vậy thì cổ sử Việt lại phải xem xét như tôi đã nhiều lần nói trên diễn đàn.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thấy bài viết liên quan đến nguồn gốc chủng người mới xin đăng tại đây làm tài liệu tham khảo.

=================================================

Nghi vấn về chủng người chưa được biết đến ở Trung Quốc

Thứ ba, 10/2/2015 | 15:04 GMT+7

Các hóa thạch mới được kiểm tra chỉ ra rằng một chủng người mới, chưa từng được biết đến trước đây, có thể đã sống ở miền bắc Trung Quốc khoảng 60.000-120.000 năm trước.
p02hcksr-1366-1423545579.jpg

Răng bên trái được tìm thấy trong hang động ở Xujiayao. Răng bên phải thuộc về người hiện đại. Ảnh: BBC

 

Dấu vết được tìm thấy trong một hang động ở vùng Xujiayao của Trung Quốc năm 1976, bao gồm một số mảnh xương sọ, 9 cái răng thuộc về 4 người. María Martinón-Torres cùng đồng nghiệp thuộc Trung tâm nghiên cứu tiến hóa con người ở Tây Ban Nha phân tích đặc điểm của chúng và so sánh với 5.000 mẫu răng đại diện cho các chủng người mà con người từng biết đến.

Những mẫu hóa thạch này không giống với răng của người thông minh H. sapiens. Chúng có một số đặc điểm nguyên thủy có thể giống người H. erectus hay Neanderthal. Một số phần xương khác được tìm thấy ở cùng địa điểm thì không giống với bất kỳ người nguyên thủy nào từng biết đến.

Tuy nhiên, Martinón-Torres vẫn ngần ngại trong việc tuyên bố rằng chúng thuộc về một chủng người mới. "Những gì chúng ta nhìn thấy thuộc về một nhóm người mới. Nó không phải H. sapiens và cũng không phải H. neanderthalensis. Chúng là sự pha trộn giữa thứ gì đó mang tính nguyên thủy mà chúng ta chưa biết. Nhưng chúng tôi không thể nói đây là một chủng mới vì vẫn cần nghiên cứu và so sánh với nhiều yếu tố khác", Martinón-Torres nói.

Trên thực tế, chúng có thể giống với chủng người từng tồn tại, thậm chí như Denisovans. Người Denisovans từng sống cùng thời chúng ta, nhưng lại có rất ít thông tin về họ. Hóa thạch duy nhất được tìm thấy trong một hang động ở Siberia, gồm hai cái răng và một mẩu xương ngón tay nhỏ. Phân tích ADN chỉ ra chúng khác xa so với người Neanderthals và người hiện đại, nhưng có đặc điểm của cả hai. Mẫu răng ở Xuji cũng có điểm tương tự.

 

7-2781-1391832013-2491-1423545579.jpg

Cách đây khoảng 195.000 năm, người Homo sapiens hay còn được gọi là người thông minh bắt đầu xuất hiện ở châu Phi.

Người Homo sapiens được coi là có quan hệ gần gũi nhất với người hiện đại ngày nay. Ảnh: Telegraph

 

Ý kiến này không nhận được sự đồng ý hoàn toàn của giới chuyên gia. Darren Curnoe, nhà nghiên cứu Đại học bang New South Wales, Australia, nhận định mẫu vật có thể chứng minh cho sự hiện diện của một chủng người chưa được công nhận.

Trong khi đó, những người khác lại đồng tình với sự thận trọng của Martinón-Torres. Theo chuyên gia Matthew Skinner của Đại học Kent, Anh, hóa thạch ở châu Á khá ít ỏi, nên rất khó để xác định.

Các ý kiến khác cho rằng người Homo có thể là biến thể của một chủng người. Do đó, việc tìm thấy mẫu răng khác biệt không phải là điều ngạc nhiên. Theo giả thiết, nhiều khả năng có hơn một chủng người ở châu Á, thậm chí còn là tổ tiên của người châu Âu hiện đại. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng châu Phi là cái nôi của loài người, nên ý kiến này gây tranh cãi.

Anh Hoàng (Theo BBC)

Nguồn: Báo Vnexpress

Share this post


Link to post
Share on other sites

 

Phát hiện hóa thạch cổ xưa nhất của loài người

Thứ năm, 5/3/2015 | 09:25 GMT+7

 

Một mẩu xương răng người hàm dưới được khai quật ở Ethiopia, châu Phi có niên đại 2,8 triệu năm, cho thấy lịch sử loài người có từ sớm hơn chúng ta vẫn tưởng 400.000 năm.
earliest-human-670-5324-1425521067.jpg

Mẩu hóa thạch xương răng hàm dưới được tìm thấy ở Ethiopia. Ảnh: Discovery News.

 

Các nhà khoa học đã khai quật được hóa thạch trên tại khu vực Ledi-Geraru ở bang Afar, phía bắc Ethiopia. Trước đây, hóa thạch người cổ nhất được biết đến có niên đại khoảng 2,3-2,4 triệu năm. Phát hiện này giúp đẩy lùi lịch sử tiến hóa của nhân loại vào quá khứ khoảng 400 nghìn năm.

"Ba triệu năm trước đây, loài người đương đối giống khỉ, sống trên cây và đi bằng hai chân", Brian Villmoare, nhà nghiên cứu ở Đại học Nevada Las Vegas, dẫn đầu nghiên cứu hóa thạch vừa tìm thấy cho biết. "Họ sống trong rừng, có bộ não nhỏ, không ăn thịt hay sử dụng công cụ".

"Sau hai triệu năm, loài người có bộ não lớn, sử dụng công cụ đá và ăn thịt. Do đó, giai đoạn chuyển tiếp này cực kỳ quan trọng về mặt tiến hóa của con người".

Villmoare và cộng sự cho rằng hóa thạch xương răng người vừa được tìm thấy có thể là tổ tiên chung của hai dòng người tách biệt phân chia khoảng 2,3 triệu năm trước, một dòng ở lại Ethiopia và dòng kia đi sang Tanzania.

Theo Discovery News, vì chỉ tìm thấy một mẩu xương răng hàm dưới nên các nhà khoa học không thể cho biết thêm về phần cơ thể còn lại của cá thể này.

"Tuy nhiên", Villmoare nói thêm, "mẩu xương có những yếu tố cho thấy răng hàm dưới đã thu nhỏ lại, phù hợp cho việc thích nghi tiến hóa sang chi Người".

Hồng Hạnh

Theo Vnexpress

 

 

Thưa quí vị quan tâm.

Hiện tượng được mô tả trong bài viết trên cho thấy: Tùy theo nhận thức trực quan - thông qua khả năng của các phương tiện kỹ thuật có được - mà nhận thức về quá trình tiến hóa của nhân loại được điều chỉnh trong mối quan hệ tương quan với thời gian. Cụ thể là: nếu không có việc khám phá di vật khảo cổ mô tả trong bài trên thì mốc thời gian tiến hóa bị lùi lại 400. 000 năm.

Do đó - qua sự kiện này - đã xác minh rằng: di vật khảo cổ chỉ có thể coi là một bằng chứng trực quan minh họa cho một giả thuyết, hoặc một lý thuyết khoa học và không phải là bằng chứng duy nhất. Để nhận thức chân lý qua những giả thuyết khoa học mô tả bản chất của sự kiện, hoặc vấn đề, phải là tiêu chí khoa học làm chuẩn mực thẩm định tính chân lý của giả thuyết hoặc một lý thuyết khoa học. Giả thuyết "Nguồn gốc loài người từ châu Phi qua bằng chứng nhân chủng học" chưa thỏa mãn yếu tố thời gian cho sự hình thành những nền văn minh liên quan tới nhân loại, khi có những di sản khảo cổ khác liên quan, mô tả những niên đại lâu hơn, đã chứng tỏ nhân loại phát triển từ trước đó.

 

4 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites