Posted 15 Tháng 3, 2014 Những anh hùng Samurai Trương Văn Tân Thứ Bảy, 15/3/2014, 07:27 (GMT+7) (TBKTSG Online) - Hagi là "phố dưới chân thành" (joka machi: towns below castles) mặc dù thành của phiên chủ Mori giờ đây chỉ là phế tích. Phố núi, phố sông, phố quê, phố chợ là những chốn thường nghe nhưng "phố dưới chân thành" hiển nhiên chỉ có ở Nhật. Cụm từ này khi được lăng xê trở thành tít quảng cáo du lịch thì ăn khách thập phần. Nó mang đến người Nhật một niềm hoài cổ bồi hồi, một tình cảm lãng mạn lâng lâng giống như người Việt ta mỗi lần rung rung cất giọng ngâm: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…". Kiến trúc những ngôi nhà xưa của các samurai mang sắc thái Hagi với cửa sổ được đặt ở góc nhà. Ảnh Trương Văn Tân. Theo lời của cô quản lý, tôi đến viếng cựu cư của các samurai thuộc khu joka machi. Tôi đi dọc theo con đường dài và hẹp hai bên có những bức tường cao quá đầu người được sơn trắng xây trên nền đá xanh. Ở đây, những ngôi nhà xưa của các samurai thượng lưu rộng và lâu đời hơn Chofu. Mái ngói màu xám, tường trắng và gỗ tự nhiên tạo nên gam màu đặc thù của lối kiến trúc Nhật từ những căn nhà nhỏ đến những thành quách vĩ đại. Cũng như ở Chofu, "tiểu lộ" ở đây là những con đường cho xe kéo xe ngựa vài trăm năm trước. Bây giờ nó quá rộng cho người đi bộ nhưng quá hẹp cho một chiếc xe hơi hiện đại. "Lối xưa xe ngựa" đã từng ồn ào tiếng bánh xe lăn, lao xao tiếng người giờ đây vắng ngắt khiến cho khách lãng du cũng trầm mặc nhớ về một thuở xa xưa. Ngôi trường Tùng Hạ (Shoka sonjuku: Tùng Hạ thôn thục) của thầy Shoin nằm ở trung tâm của khu vực. Trước cửa trường người ta dựng tấm bia đá to với dòng chữ "Minh Trị Duy Tân thai động chi địa" (nơi thai nghén Minh Trị Duy Tân). Phải nói rằng đến Hagi mà không viếng Tùng Hạ là chưa đến Hagi. Trường chỉ là một ngôi nhà hai gian không to hơn những căn nhà lá ở miệt vườn miền Tây Nam bộ nhưng nó là cái lò tạo ra những nhân tài xuất chúng của xứ Phù Tang. Nơi giảng bài là một căn phòng rộng không quá 20 mét vuông. Trường Tùng Hạ cũng như bao trường tư khác mọc lên khắp nước Nhật theo luồng khai minh của Lan học. Môn sinh được nhận vào Tùng Hạ không phân biệt lý lịch sang hèn, giai cấp "sĩ nông công thương" miễn là có nhiệt tình học tập. Khác những trường Lan học chú trọng đến khoa học kỹ thuật, Tùng Hạ là một trường chính trị chuyên về cơ chế, tư tưởng và quân sự. Thầy Shoin là tấm gương sáng cho các môn sinh vì sự hiểu biết và tầm nhìn sâu sắc của ông dù sự chênh lệch tuổi tác giữa thầy trò không là bao. Shoin không quá 25 tuổi làm thầy, học trò trẻ nhất vào tuổi 16. Ông ham đọc sách đủ mọi thể loại, đọc bất kỳ ở đâu, ở trong tù, ở quán nước ven đường, ở lữ quán mỗi khi ông đi lại từ phiên này đến phiên kia. Ảnh chụp quang cảnh bên ngoài ngôi trường Tùng Hạ. Ảnh Trương Văn Tân Lớp học ở Tùng Hạ không có giáo trình nhất định, không có thời gian nhất định, mỗi buổi học chỉ cần đông đủ học trò là thầy bắt đầu giảng bài. Bài giảng khi ngắn khi dài liên quan đến chính trị thời sự. Shoin thích giảng quyển "Mạnh tử" vì nó đề cao thực học, nhưng ông không dừng ở chỗ giải thích từ cú trong "Mạnh tử" mà triển khai nó để giải thích diễn biến thời sự. Ông đòi hỏi học trò phải có "phi nhĩ trường mục" (tai biết bay xa, mắt biết nhìn rộng) để thu thập thông tin hiểu rõ vận nước và thế giới bên ngoài. Ông đặt vấn đề với học trò là "học để làm gì?" và chủ trương "không nên học để trở thành học giả ngâm thơ vịnh cú mà trên hết học là để thực hành". Thầy trò Shoin đều là những người nhiệt tình học hỏi, có những đề tài họ cùng nhau tranh luận, bàn thảo cả ngày có khi thâu đêm suốt sáng. Shoin là một nhà giáo dục tài ba vô cùng nhạy cảm với thời thế, biết đem tầm nhìn và tri thức của mình truyền đạt đến thế hệ đàn em. Cuộc sống trần thế của Shoin chỉ vỏn vẹn 29 năm nhưng ảnh hưởng của ông kéo dài trăm năm. Ông để lại 92 môn sinh trong đó có hai người làm Thủ tướng (Ito Hirobumi và Yamagata Aritomo), bốn người làm bộ trưởng và nhiều người khác trở thành nhà ngoại giao, thẩm phán, sĩ quan cao cấp và chuyên gia kỹ thuật trong chính phủ Minh Trị. Ryoma không liên hệ trực tiếp với trường Tùng Hạ vì có lẽ khi ông đến Hagi thì Shoin đã bị bắt giam và hay đã qua đời. Ryoma đặt chân đến Choshu-han nhiều lần để thăm viếng những người bạn cũ gặp tại Edo và giao du thân thiết với môn sinh của Shoin là Takasugi Shinsaku. Shinsaku là một môn đồ xuất sắc của Shoin chịu ảnh hưỏng của Shoin trong những bài giảng binh lược của quyển "Tây dương bộ binh học". Sau này Shinsaku là một samurai cao cấp của Choshu được phiên chủ Mori tin dùng. Ông áp dụng "Tây dương bộ binh học" thành lập đội "dân quân" bao gồm mọi giai cấp theo mô hình phương Tây với súng ống phương Tây tiếp sức cho quân chính quy samurai. Ông dùng đội dân quân du kích dấy binh tại một ngôi chùa tại Chofu chống lại đại binh của Tokugawa cử đến trừng phạt Choshu. Ông đã nhiều lần "nhương di" đánh nhau với các hạm đội Anh, Pháp. Shinsaku từng đi sang Thượng Hải nhìn thấy tận mắt các thế lực phương Tây dày xéo nước Đại Thanh. Trở về Nhật với cái gương của nước Đại Thanh sờ sờ ông thắm thía sự phá sản toàn diện của cái học nhà Nho. Với sự thuyết phục của Ryoma, ông đồng ý liên minh quân sự với Satsuma chuẩn bị cuộc bắc tiến hỏi tội Tokugawa. Ryoma và Shinsaku trở thành đôi bạn chí thân. Cũng như Shoin và Ryoma, Shinsaku không nhìn thấy ngày thành công của cuộc duy tân. Ông không may chết vì bịnh lao ở tuổi 29. Nhà của Samurai Takasugi Shinsaku. Ảnh Trương Văn Tân Từ trường Tùng Hạ đi bộ một quãng đường thì đến nhà của Shinsaku nơi ông đã ra đời và lớn lên. Một căn nhà dù đã được trùng tu tươm tất nhưng vẫn còn lụp xụp toát ra cái nghèo. Nhà của Ito Hirobumi và Shoin cũng ở một khu gần đó. Ito Hirobumi (âm Hán Việt: Y-Đằng Bác-Văn) là đàn em của Shinsaku và cũng là môn sinh trẻ và xuất sắc của trường Tùng Hạ. Ông đã đi vào lịch sử Nhật Bản và thế giới như một nhà chính trị xuất chúng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trong bài học lịch sử thế giới lớp 9 vài mươi năm trước thầy cô dạy về một anh hùng Nhật Bản mang cái tên là lạ "Y-Đằng Bác-Văn" làm tôi nhớ mãi đến bây giờ. Ông là vị Thủ tướng đầu tiên của chính phủ Minh Trị và sau này là Toàn Quyền thuộc địa Triều Tiên. Chủ trương "thoát Á nhập Âu" là một hành trình kéo dài của Minh Trị Duy Tân đã biến Nhật trở thành một đế quốc tìm kiếm đất đai và tài nguyên của lân bang mà Trung Hoa và Triều Tiên là hai nạn nhân đầu tiên. Hirobumi bị An Jung-geun (An Trọng Căn) một nhà ái quốc Triều Tiên ám sát trong một cuộc họp tại Harbin (Mãn Châu, Trung Quốc). An là Phạm Hồng Thái của Triều Tiên. An bị treo cổ như một tội đồ và Phạm tự tử trên dòng sông Châu giang (Quảng Châu). Cả hai đều lưu danh hậu thế vì thành bại không luận anh hùng. Choshu là nơi chí lớn gặp nhau. Những chí lớn này bỏ qua hận thù địa phương, ganh ghét cá nhân để cùng nhau tìm con đường cách tân đất nước. Cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân xuất phát từ miền nam nước Nhật được ươm mầm trong một thời gian dài với nỗ lực của nhiều cá nhân trác việt trong đó có Shoin, Ryoma và Shinsaku. "Truyện Ryoma" cho thấy cái rào cản lớn nhất trong xã hội phong kiến Nhật là giai cấp. Nhưng các chí sĩ duy tân trước hết đã tự cải biến tư duy của chính mình biểu hiện qua những hành xử cá nhân như việc xóa bỏ giai cấp trong giáo dục và trong quân đội để tạo dựng một xã hội công bằng văn minh có sự nhất trí của lòng dân. Họ cải cách quân sự, văn hoá, triết học theo phương Tây nhưng vẫn giữ tâm hồn võ sĩ đạo trong ý thức "biết người biết ta" và triết lý của chữ "hòa". Sau cuộc duy tân, thành viên của dòng họ Tokugawa và những quan chức trong chế độ cũ được đối xử tử tế trở về quê quán làm ăn hay tham gia chính quyền mới, không có biển máu trả thù cũng không có học tập cải tạo để hiểu sự ưu việt của "duy tân"! Cuộc đời của anh hùng Shoin, Ryoma và Shinsaku rất ngẫu nhiên chỉ vỏn vẹn 30 năm. Tổng cộng ba cuộc đời trên dưới 90 năm nhưng ước mơ của họ đã được đàn em kế tục và hạt giống của họ đã làm Nhật Bản trở thành đại thụ về kinh tế, quân sự, chính trị và khoa học kỹ thuật ở đầu thế kỷ 20. *** Ở những ngày giáp Tết Hagi thật vắng lặng. Thị trấn chìm trong bầu không khí lành lạnh đầu đông hoà với ánh nắng nhè nhẹ chênh chếch hoàng hôn. Tôi chầm chậm đi dọc theo những con đường nhỏ đến trạm xe bus trở lại nhà ga Hagi. Tôi không quên ghé ngang phòng chỉ dẫn để cảm ơn cô quản lý. Thời gian còn nhiều cho đến giờ khởi hành của chuyến xe lửa đi thành phố Okayama nên tôi tiếp tục cuộc trò chuyện ban sáng, thắc mắc hỏi cô, "Tại sao đất Hagi lại lắm hào kiệt?", cô thoáng vẻ tự hào nhưng chỉ nhoẻn miệng cười trừ. Tôi nói đùa tự trả lời, "Chắc là tại phong thủy đấy. À… mà cô có biết phong thủy không?" "Umm … phong thủy? Chưa nghe bao giờ". Tôi ra vẻ hiểu biết chỉ vào bản đồ thị xã Hagi "Cô không thấy sao? Này nhé, Hagi có hình tam giác, hai cạnh mặt sau Hagi có núi có sông, thanh long bạch hổ đứng chầu, cạnh còn lại phía trước giáp biển Nhật Bản. Chốn này đắc địa, trong khoa phong thủy gọi là "sơn hoành thủy bảo" nên lắm nhân tài …". Cô ấy nhìn tôi bán tín bán nghi, tôi lại cười cười nói tiếp, "Nói cho vui thôi, đừng tin nhé", rồi cúi đầu từ giã cô quản lý tử tế và nhiệt tình. Tôi vội bước lên chiếc xe lửa một toa của tuyến đường San-in kịp đi đến thành phố Okayama trên tuyến đường San-yo để đón xe siêu tốc trở lại Tokyo. Hai tuyến đường, hai cảnh quan. Chiếc xe lửa một toa ồn ào chạy cành cạch hết tốc lực vẫn không hơn 60 ki lô mét/giờ trong khi xe siêu tốc êm ái chạy 300 ki lô mét/giờ mà chỉ nghe tiếng vi vu của gió lướt qua thành tàu. San-in như vỏ bọc đóng băng thời gian cho thấy một Nhật Bản nghèo nàn nông nghiệp của vài trăm năm trước và San-yo biểu hiện nền văn minh điện tử đi qua những thành phố cực kỳ hiện đại. Hai khung cảnh tương phản khiến tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến công lao, tầm nhìn và trí tuệ của những chí sĩ duy tân. Từ chiếc tàu đen của Perry cập bến Uraga (1853) đến cuộc duy tân chỉ có 15 năm. Nếu không có lòng ái quốc và sự nhiệt tình gần như cuồng nhiệt của các chí sĩ duy tân thì có lẽ cuộc cách mạng Minh Trị sẽ không xảy ra nhanh chóng và chắc không có một Nhật Bản ngày nay. Tiếc rằng chỉ vài thập niên sau khi được "văn minh khai hóa" chính phủ duy tân "thoát Á nhập Âu" một cách quá tích cực đeo đuổi chủ trương "phú quốc cường binh", bắt chước thế lực đế quốc phương Tây xâm lược các nước lân bang, gieo thù chuốc oán, và cuối cùng đưa đến thảm họa hạt nhân. Các samurai yêu nước đã không chấp nhận những hiệp ước bất bình đẳng mà Tokugawa ký với đề đốc Perry nên đã nổi dậy làm nên phong trào "nhương di" và lật đổ chính quyền Tokugawa hèn kém. Vài mươi năm sau hậu duệ và môn sinh của những samurai yêu nước này lại làm giống những điều mà các thế lực phương Tây đã ép buộc họ, thậm chí tồi tệ hơn đối với Trung Hoa, Triều Tiên và một số nước châu Á kể cả Việt Nam. Tôi suy nghĩ lan man nếu những nhân vật đầy tính nhân bản như Ryoma, Shoin và Shinsaku còn sống để tham chính thì liệu họ có thể biến Nhật Bản trở thành một nước châu Á văn minh nhân đạo thay cho một Nhật Bản "cường binh"? Hay sự lớn mạnh kinh tế và quân sự của một quốc gia chẳng qua là một tiền đề bất biến của chủ nghĩa bành trướng "cá lớn nuốt cá bé" kể từ khi loài người xuất hiện trên hành tinh nhỏ bé này? Phim "Truyện Ryoma" được mở đầu bằng cuộc phỏng vấn của một phóng viên với Yataro về cuộc đời sóng gió ngắn ngủi của Ryoma. Yataro lúc đó đã là đường đường chủ tịch tập đoàn Mitsubishi áo quần tươm tất, oai phong lẫm liệt và hai hàm răng bựa cũng được kỳ cọ trắng tinh. Yataro là một nhân vật điển hình của giai cấp "sĩ" sớm thức thời chịu "tụt hạng" để hành nghề "thương" trở nên giàu có. Chuyện phim được kết thúc trong một ngôi nhà tráng lệ của Yataro với nhiều kẻ hầu người hạ và khi phóng viên hỏi ông câu hỏi cuối cùng cho cuộc phỏng vấn thì ông ngã xuống thổ huyết qua đời ở tuổi 50. Share this post Link to post Share on other sites