wildlavender

THẾ GIỚI KHÁT DẦU ĐÓI CƠM .

1 bài viết trong chủ đề này

Thế giới khát dầu, đói cơm

Posted Image

Người nghèo buộc phải “nhường bắp” cho các nhà máy ethanol

Ảnh: Reuters .

Dầu mỏ đang cạn kiệt dần buộc loài người phải đi tìm nguồn nhiên liệu thay thế. Nhưng việc biến ngũ cốc thành nhiên liệu sinh học có gây ra nạn đói?

Câu chuyện lão nông Johnson

Trên cánh đồng ở miền bắc tiểu bang Iowa của nước Mỹ, lão nông Erwin Johnson đang say sưa ngắm những luống bắp non.Chỉ một thời gian nữa thôi sẽ đến mùa thu hoạch. Trước đây, Johnson thường bán bắp cho các công ty lương thực trong vùng, từ đó họ chở xuôi theo dòng Mississippi để xuất khẩu. Giờ thì khác, Johnson chỉ việc chất bắp lên xe tải rồi chở tới một nhà máy chế biến cồn ethanol cách đấy chừng ba cây số. Những hạt bắp vàng ươm sẽ được biến thành cồn để chạy máy móc trong thời buổi giá dầu lửa tăng cao vùn vụt hiện nay.

Nhà máy ethanol kia mua bắp của Johnson với giá 5,50 USD mỗi giạ (đơn vị đo thể tích tương đương 36 lít, dùng trong việc đong ngũ cốc), tức là gấp hơn hai lần so với giá bán cho các công ty lương thực trước đây. Lão nông Johnson rất phấn khởi: “Làm nông thời buổi này thật tuyệt. Tôi đã 65 tuổi rồi nhưng vẫn còn ham lắm”.

Posted Image

Xe đổ xăng pha ethanol tại Los Angeles, Mỹ - Ảnh: AFP

Gia đình Johnson có truyền thống làm nông lâu đời. Ông nội của Erwin Johnson di cư từ Đức tới đây vào năm 1913 và phải làm ruộng quần quật mới đủ sống. Sau một thời gian tích lũy, ông cụ mua được một số đất, rồi để lại cho con trai, là ông cụ thân sinh của Johnson. Đến đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Erwin Johnson bắt đầu đứng ra gánh vác việc canh tác trên cánh đồng cha ông để lại.

Mấy đời làm nông, từ ông nội, thân phụ rồi đến bản thân Erwin Johnson, tất cả chỉ biết rằng hạt lúa, hạt bắp được làm ra là để phục vụ cho nhu cầu ăn uống của con người, hoặc làm thức ăn gia súc. Nhưng vài năm trở lại đây, nhận thức của lão nông Johnson đã thay đổi khi một nhà máy sản xuất ethanol mọc lên trong vùng. Nhân viên nhà máy đã tới chào mua hàng của Johnson với giá cao hơn. Và Johnson tròn xoe mắt khi biết rằng những hạt bắp mà ông làm ra giờ có thể được dùng để sản xuất “xăng dầu”.

Giá bắp tăng cao nhờ vào các công ty sản xuất cồn là một yếu tố cực kỳ hấp dẫn đối với những người làm nông như Johnson. Vì thế, càng ngày ông càng tăng cường trồng bắp. Nếu như trước đây Johnson dành 50% diện tích ruộng của mình để trồng bắp, nửa còn lại trồng đậu nành, thì tỷ lệ giờ đây là 60-40 nghiêng về bắp. Đây là xu hướng chung tại Mỹ, nơi diện tích đất trồng bắp tăng 20% trong năm 2007.

Nhiên liệu sinh học

Posted Image

Một nhà máy sản suất ethanol tại Mỹ - Ảnh: Reuters

Câu chuyện của lão nông Erwin Johnson được Báo Washington Post dẫn ra để minh họa cho bức tranh về nỗ lực tìm kiếm nhiên liệu thay thế nguồn dầu lửa đang ngày một cạn kiệt và cuộc khủng hoảng lương thực hoành hành hiện nay.

Theo các dự báo đã được biết đến rộng rãi, trữ lượng dầu mỏ trên thế giới chỉ còn đủ dùng trong khoảng 40 đến 50 năm nữa. Sản xuất nhiên liệu thay thế vì vậy được coi là một nhiệm vụ bắt buộc và nhiên liệu sinh học, trong đó có ethanol, đã mở ra hy vọng mới. Thực ra, việc sử dụng ethanol cho động cơ ô tô, thậm chí cho tên lửa, đã được biết đến từ cách đây hàng chục năm. Nhà phát minh người Mỹ Henry Ford vào năm 1942 đã chế tạo xe chạy bằng cồn. Nhưng vai trò của ethanol được đề cập như là loại nhiên liệu thay thế cho xăng thì mới chỉ được nhấn mạnh trong thời gian gần đây, khi tài nguyên dầu mỏ của thế giới đang vơi dần.

Nhằm giúp nền kinh tế bớt phụ thuộc vào dầu lửa, Quốc hội Mỹ và Tổng thống George W.Bush vào năm 2005 đã thông qua dự luật thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi nhiên liệu ethanol cho xe cộ. Cách đây 4 tháng, Quốc hội cũng thông qua một dự luật về năng lượng, trong đó đặt mục tiêu đưa 15 tỉ gallon (56,78 tỉ lít) ethanol sản xuất từ bắp vào sử dụng, tương đương với 10% lượng nhiên liệu cho xe cộ, vào năm 2015. Dự luật này đã được Tổng thống Bush phê duyệt. Để mục tiêu đầy tham vọng trên trở thành hiện thực, Chính phủ Mỹ đã có chính sách trợ giá cho các nhà sản xuất ethanol pha. Hiện tại ở Mỹ, ethanol 100% chưa được phép sử dụng làm nhiên liệu cho xe cộ, chỉ có xăng pha ethanol mới được phép. Tỷ lệ pha thông thường tại Mỹ là 10% ethanol, 90% xăng.

Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất trong nước, Mỹ còn tăng cường hợp tác với các quốc gia khác để sản xuất ethanol, trong đó Brazil là đối tác lớn nhất. Brazil, nơi xăng tiêu chuẩn có pha tới 20% ethanol, là quốc gia có ngành công nghiệp ethanol lớn nhất thế giới. Theo Hiệp hội Năng lượng tái sử dụng quốc tế, vào năm 2006, cả thế giới sản xuất được 51 tỉ lít ethanol, trong đó Brazil chiếm 61%.

Mỹ và Brazil cũng đã thúc đẩy các nhà sản xuất cho ra đời những loại động cơ thích hợp với nhiên liệu ethanol cũng như sản xuất ethanol ngày một rẻ hơn. Tại Brazil, hiện có khoảng 50% lượng xe ô tô lưu thông có thể sử dụng ethanol pha hoặc ethanol nguyên chất. Tại Mỹ, Tập đoàn General Motors vào tháng 1.2008 đã ký thỏa thuận với đối tác Coskata để sản xuất loại ethanol có giá 1 USD/gallon (tương đương 3,78 lít).

Các chuyển động nói trên đã mở ra hy vọng về một tương lai không xa, khi con người không còn quá phụ thuộc vào những mỏ dầu nằm sâu trong lòng đất nữa. Một thế giới với xe cộ, động cơ chạy bằng ethanol cũng sẽ sạch hơn. Nói một cách nôm na là trong tương lai, các vua dầu mỏ Ả Rập sẽ nhường ngôi cho những nông dân trồng bắp như Erwin Johnson.

Tương lai sáng hay tối?

Hãy tưởng tượng một bức tranh như thế này: Trên cánh đồng, bác nông dân Erwin

Johnson lái máy cày chạy bằng ethanol sản xuất từ bắp để cày ruộng trồng bắp. Bắp sẽ được thu hoạch bằng loại máy chạy ethanol. Rồi sau đó, xe tải chạy ethanol chở bắp tới nhà máy chế biến ethanol. Bác nông dân Johnson lấy tiền bán bắp để mua ethanol, quần áo, thức ăn, nhà cửa... Đúng là một vòng khép kín hoàn hảo.

Nhưng vòng tròn hoàn hảo này có thực sự hoàn hảo? Câu trả lời là... có quá nhiều vấn đề cần phải xem xét.

Trong thời gian gần đây, thế giới, đặc biệt là các nước nghèo, đang vật lộn với cơn sốt giá lương thực. Tổ chức Nông lương LHQ đã nhiều lần báo động về nạn đói. Chính phủ các nước, các tổ chức đã đưa ra nhiều chương trình nhằm ngăn chặn nạn đói nghèo. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng vẫn đè nặng trên đầu loài người, trong khi diện tích đất canh tác toàn cầu không ngừng bị thu hẹp do nhiễm mặn, hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng liên quan tới biến đổi khí hậu khác. Trong hoàn cảnh đó, việc có quá nhiều người đổ xô đi trồng ngũ cốc để bán cho nhà máy sản xuất ethanol là điều cần phải xem lại. Các thống kê chính thức gần đây cho thấy hiện có tới 20% sản lượng bắp ở Brazil được dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học; tại Mỹ, con số này là hơn 30%. Diện tích đất dùng để trồng bắp phục vụ sản xuất ethanol tại Mỹ đang ngày một bành trướng, đẩy lùi diện tích trồng các loại hoa màu khác. Châu Âu cũng ở trong tình trạng tương tự theo sau kế hoạch nâng tỷ lệ nhiên liệu sinh học lên 10% trong tổng nguồn cung năng lượng.

Đó là những xu hướng đáng được quan tâm. Cách đây chừng một tháng, Thủ tướng Anh Gordon Brown thông báo ông sẽ bàn với lãnh đạo các nước thuộc G-8 về vấn đề nhiên liệu sinh học và nạn đói. Cuối tháng 4 vừa qua, Đặc phái viên LHQ về quyền lương thực, ông Jean Ziegler, đã lên tiếng kêu gọi thế giới ngưng sản xuất nhiên liệu sinh học trong 5 năm để cứu đói. Ông nói làn sóng đổ xô đi trồng các loại cây phục vụ cho việc sản xuất ethanol có thể “gây ra thảm họa”. Lời kêu gọi “ngưng hoàn toàn” của ông Ziegler là không tưởng. Nhưng từ lời kêu gọi này, có thể thấy được những nguy cơ không còn tiềm ẩn nữa trong cái gọi là “cuộc cách mạng nhiên liệu sinh học”.

Nhiên liệu sinh học là cần thiết khi thế giới đang ngày một cạn dầu, nhưng ăn uống lại là nhu cầu cơ bản nhất của con người để tồn tại. Vì thế, người ta cần phải tính toán và cân đối lại điều này, giữa một bên là nạn đói và một bên là cuộc khủng hoảng năng lượng, để cho thế giới an toàn hơn.

Châu Minh Linh

(Báo Thanh niên)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay