Posted 9 Tháng 3, 2014 Thưa quí vị và anh chị em. Trong di sản văn hóa truyền thống Việt vô cùng đồ sộ thì kho tàng các chuyện cổ tích Việt Nam là một trong những di sản rất đáng quý còn lại. Trong nhiều truyện của kho tàng cổ tích này ẩn chứa những giá trị minh triết Việt, mô tả những bí ẩn của nền văn minh Đông phương và đã nhiều truyện được giải mã, đưa đến sự hiểu chính những giá trị thực của Lý học nhân danh nền văn hiến Việt. Ở Việt nam đã có nhiều học gỉa tâm huyết với văn hóa truyền thống của Việt tộc, sưu tầm, khảo cứu, biên soan thành sách những di sản văn hóa này. Nhưng chắc chắn chưa thể đầy đủ. Bởi vậy, tôi mở topic này, rất mong sự hưởng ứng của quý vị và anh chị em, sưu tầm tất cả những câu chuyện cổ tích, thần thoại...của các dân tộc sống trên đất Việt và đưa vào đây để tham khảo. Cảm ơn sự quan tâm của quí vị và anh chị em. Dưới đây là câu chuyện đầu tiên tôi sưu tầm được trên web truyện Việt. ========================= Nữ hành giành bạc Ngày xưa có nhà phú hộ có một người con trai mười lăm tuổi cho đi học tại nhà một cụ đồ trong làng. Anh chàng bẩm tính ngu độn lại thích chơi bời lêu lổng, nhét cho mấy, chữ cũng không vào. Rồi qua năm sau cha mẹ kiếm cho một người vợ. Vợ hắn là con gái một nhà nho, nhan sắc xinh đẹp, đã hay chữ lại tính nết rất đoan chính. Khi sắp bước chân về nhà chồng, cô gái được một người chị em thân mách nhỏ cho biết rằng người sắp làm chồng mình là một anh chàng dốt nát ngu độn. Nàng rất buồn. Lễ cưới đã xong, họ nhà trai đã đến xin rước dâu, mọi việc đã đâu vào đó, không thể trì hoãn hay giờ giáo được. Cuối cùng cô gái quyết định cứ chịu lấy anh chồng dốt, nhưng sẽ cố tìm cách làm cho hắn chăm học nên người. Cho nên, vừa làm lễ gia tiên, nàng xin với cha mẹ chồng cho hai vợ chồng mình ở riêng một gian nhà nhỏ. Khi đã được ở riêng, nàng vào buồng đóng chặt cửa lại, bảo chồng hãy cố học hành cho kịp chúng bạn thì mới cho chung chăn gối. Hắn ta tức mình bào vợ: - Tôi học đã kém ai đâu mà nàng lại bảo phải cho kịp chúng bạn, và kịp như thế nào mới đuợc chứ ?". Vợ nói: - "Để thiếp ra một câu này, lúc nào chàng đối được sẽ xin mở cửa mời vào: Chồng phương Đông, vợ phương Tây, nín lặng cho hay, chớ lòng Nam Bắc". Sức học của hắn làm gì có thể đối nổi loại câu đối như thế. Nhưng hắn làm bộ nghĩ ngợi, hẹn đến sáng trả lời. Rồi hắn đành chịu lên ngủ nhà trên, định mai đến trường nhờ thầy gà hộ. Khi cụ đồ nghe người học trò cho biết chuyện đêm tân hôn của hắn, cũng có phần thương hại, bèn dặn hắn đến lúc tan học chờ cho học trò về hết cả, sẽ mách cho. Chiều hôm đó sau khi bọc trò giải tán, ông cụ bảo hắn. - Con cứ đối lại thế này: "Trai phận cấn, gái phận tốn, không nên cãi lộn, trái đạo càn khôn". Bất đồ hôm ấy còn sót một người học trò vì bận chép bài nên ở lại ngồi đằng sau vách chưa về. Hắn ta nghe lỏm được câu chuyện oái oăm của bạn và có câu đối thầy gà cho bạn, liền nhẩm lấy thuộc ngay. Thế rồi hắn ta không kém khôn ngoan, đoán biết rằng bạn hắn còn phải mất nhiều thì giờ mới thuộc nổi câu đó. Vậy thì nhân khi nhá nhem, hắn sẽ cất lẻn vào trước buồng vợ bạn bắt chước giọng bạn nói lên câu đối ấy, rất có hy vọng bẻ hoa trước tiên. Quả nhiên khi cô gái nghe xong câu đối, tấm tắc khen hay và giữ đúng lời hứa mở cửa cho người mà nàng tưởng là chồng mình vào buồng. Nàng để cho hắn chung chăn gối. Mãi đến nửa đêm hắn mới thác chuyện lên nhà trên rồi đi một mạch về nhà. Lại nói chuyện về anh chồng thật thì suốt một đêm học mãi mới thuộc câu đối nói trên. Vào khoảng canh ba hắn mới tìm đến buồng vợ. Vợ lại mở cửa đón chồng. Nàng ngạc nhiên khi thấy chồng đọc lại câu đối hồi hôm. Rồi nàng giật mình hỏi dồn chồng: - Sao chỉ có một câu tối hôm qua đã đối, bây giờ lại còn đối nữa? Nghe chồng nói tối hôm qua không hề đến, lại nghe giọng nói hai lần có khác nhau, nàng mới biết là mắc mưu một tên vô lại nào đó làm ô nhục, bèn vào buồng kêu trời khóc đất một mình rất thảm thiết. Rồi trong một cơn đau dẫn đến mất trí, nàng cắn lưỡi tự tử. Chồng thấy vợ chết không hiểu thế nào cả. Hắn lẳng lặng tìm đến nhá cụ đồ báo cho thầy biết tin đó. Nghe nói cụ đồ rất đổi kinh ngạc, nghĩ mãi không biết vì cớ gì. nhưng cũng dặn học trò cứ giữ thật kín câu chuyện để ông cụ tìm cách truy cho ra thủ phạm. Ngày hôm sau giữa khi các môn sinh tề tựu đông đủ, cụ đồ tươi cười bảo mọi người: - Thầy có nghĩ được một câu đối cũng vừa sức học của các con. Nếu ai ứng khẩu đối được hay thì thầy sẽ thưởng thoi mực và một quản bút. Rồi ông cụ đọc luôn vế câu đối của cô con gái nọ đã ra cho chồng. Trong khi những người học trò khác đang nghĩ ngợi thì đứa bất lương phản bạn kia đã hý hửng đọc lại nguyên văn vế câu đối mà hắn nghe lỏm được chiều hôm qua: - Thưa thầy con xin đối lại là: "Trai phận cấn, gái phận tốn... " Lập tức cụ đồ thét học trò bắt hắn trói lại. Ông cụ vạch tội hắn trước mặt mọi người, vì chỉ có người đàn ông thứ hai nghe lỏm đựơc vế câu đối của mình và nghe lỏm được câu chuyện của bạn mới có thế làm nổi được việc đánh lộn sòng kia. Cuối cùng hắn đành cúi đầu nhận tội. Trong khi ở nhà người phú hộ đám tang người con dâu bạc mệnh cử hành thì ở bên này người ta cũng giải đứa gian ác lên quan. Nhờ có cụ đồ xin khoan giảm nên hắn khỏi bị trảm quyết, chỉ phải bị án chung thân và phải đền cho khổ chủ một giành bạc. Từ đó người ta thường truyền cái câu nữ hành giành bạc mà cho đến ngày nay nhiều người không rõ nghĩa tiếng "hành" là gì[1]. ________________________________ Chú Thích: [1] Theo thực nghiệp dân báo (1924). 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 9 Tháng 3, 2014 Tiên đánh cờ truyencotich.vn Ngày xưa, có một người con trai tên là Hiếu, cha làm nghề đốn củi bị cọp tha mất, còn một mẹ già với mấy em dại, Hiếu phải ngày ngày đi vào rừng, làm lụng khó nhọc để nuôi mẹ và các em. Một buổi chiều đông giá rét, Hiếu đang gánh hai bó củi nặng ở rừng về, đến một lối quanh, trông thấy một người nằm như chết bên đường. Hiếu đỡ lên thì thấy một ông lão cóng người vì đói rét, sờ ngực hãy còn thoi thóp, bèn cõng về nhà. Mẹ con tận tình săn sóc cho ông lão tỉnh dậy và nuôi nấng khách cho đến khi mạnh hẳn, mặc dù trong nhà hết sức túng thiếu. Đêm hôm trước ngày từ giã, ông lão gọi Hiếu mà bảo rằng: “Đáp lại lòng tốt của nhà này đối với lão trong lúc hoạn nạn, lão tiết lộ thiên cơ cho biết rằng Sổ Tử của Thiên Tào đã có ghi tên anh năm nay phải chết. Anh muốn thoát khỏi thì hãy nhớ theo lời lão dặn đây: “Ngày mồng một tháng tới, anh nhớ dậy thật sớm, mang theo một bầu rượu với hai cái chén, qua khỏi khu rừng này, nhắm mặt trời mọc mà đi đến một nơi có hồ xanh ngắt rồi trèo lên núi, vòng trái ngọn thác, lên tới đỉnh, thì thấy hai ông tiên ngồi đánh cờ. Anh phải lặng lẽ tới gần, chờ khi nào họ gọi rượu uống thì anh rót rượu đưa ra, rồi đợi hai ông tiên đánh cờ xong hẵng thưa chuyện xin xóa tên anh trong Sổ Tử”. Sáng hôm sau, Hiếu nhận thấy ông lão đã biến đâu mất. Đến ngày mồng một, trời chưa sáng, Hiếu đã đeo bầu rượu, cầm hai chén tống ra đi. Qua khỏi khu rừng, Hiếu đi theo một con đường mới, nhắm theo hướng mặt trời đi đến một cái hồ nước xanh leo lẻo. Trong khu rừng đưa đến chân núi, lần đầu tiên Hiếu được nghe những tiếng chim hót thánh thót như nhạc, rồi đi được một quãng, vẳng nghe tiếng thác đổ xa xa. Hiếu lần đi về phía này, vòng trái thác nước, rồi đến ven rừng, trước một cảnh núi non kỳ tú và chan hòa ánh sáng. Dưới tàn bóng cây thông, hai ông lão tiên phong đạo cốt vận áo xanh, áo đỏ đang ngồi xếp bàn tròn đánh cờ trên một bàn đá phẳng lì. Hai ông lão lặng lẽ đánh cờ, tính toán kỹ từng nước, từng lúc sẽ nghiêng mình để đi một nước cờ, chòm râu dài bạc trắng phất phới lướt qua đám quân cờ son. Hiếu đứng lặng đợi chờ, để ý nhìn thấy một cuốn sách lớn gấp lại bên cạnh ông áo xanh. Một lúc lâu, ông lão áo xanh mắt vẫn không rời khỏi bàn cờ, cất tiếng gọi: “Rượu đâu”! Hiếu vội vàng rót đầy hai chén rượu bưng đưa ngang tầm tay hai ông lão. Cả hai nhấc chén uống cạn, mải mê theo nước cờ đi. Hiếu dâng rượu ba lần như vậy. Đến khi xong ván cờ, ông lão áo đổ thắng cuộc ngước mắt lên, Hiếu vội vàng sụp xuống lạy mà thưa rằng: “Muôn lạy tiên ông, xin tiên ông cứu độ cho con khỏi chết, vì con còn mẹ già yếu không ai nuôi dưỡng. Cúi xin tiên ông cứu cho con được sống thêm vài năm nữa, cho các em con khôn lớn lên có thể thay thế con mà nuôi dưỡng mẹ già thì con có chết cũng vui lòng.” Ông lão áo đỏ nghiêng mình nói nhỏ với ông lão áo xanh. Ông này mở cuốn sách ra cầm bút chữa lại một chữ, rồi bảo Hiếu rằng: “Anh đã khéo léo mời chúng ta uống rượu của anh, anh lại là một đứa con có hiếu, anh còn giúp người lúc hoạn nạn, nên ta vui lòng sửa lại số mạng của anh được sống lâu cho đến trăm tuổi”. Hiếu vẫn quỳ mọp, chưa kịp ngỏ lời cảm tạ, bỗng nghe thấy gió thổi trên đầu, ngước mắt lên, không còn thấy hai ông tiên đâu nữa. Trên đường về, Hiếu vừa đi vừa chạy, trong lòng mừng rỡ vô hạn, song không dám kể chuyện lại cho ai hay, ngay đối với mẹ cũng vậy. Về sau có lần Hiếu trở lại hòn núi, tìm thấy lại hồ nhưng nước không còn xanh nữa, trong rừng không còn nghe tiếng chim hót như rót nhạc. Qua ngọn thác, vẫn thấy tàn cây thông in bóng trên bàn thạch, nhưng Hiếu không còn tìm đâu ra bàn cờ son của hai ông tiên. 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites